Tham Khảo
Chính sách đối ngoại của Đức Quốc xã trước Thế chiến II (1933-39)
Tác giả: Mai Lễ Nô En
I. NHỮNG ĐỘNG THÁI NHẰM XÓA BỎ HÒA ƯỚC VERSAILLES (1933-1936)
Trong quan hệ quốc tế từ năm 1933 đến năm 1936, mối quan tâm duy nhất của Hitler là làm sao để Đức có thể trở thành một cường quốc nhằm thực hiện mục tiêu địa chính trị lâu dài, thống trị Tây Âu và mở rộng lãnh thổ về phía Đông. Một trong những bước đầu tiên hướng tới mục tiêu này là vô hiệu hóa Hòa ước Versailles. Trong những năm đầu tiên nắm quyền, Hitler chú trọng thực hiện chính sách ngoại giao theo hướng từng bước một xóa bỏ Hòa ước Versailles
Hitler rút lui khỏi Hội nghị giải trừ quân bị và Hội Quốc liên trên cơ sở cho rằng Pháp không đồng ý bình đẳng vũ khí cho Đức. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng Đức đã sẵn sàng để giải giới nếu như các nước khác cũng làm như vậy và ông chỉ muốn hòa bình. Đây là một trong những chiến thuật “yêu chuộng hòa bình” của Hitler. Hitler luôn có những hành động táo bạo, trong khi đó lại đưa ra hàng loạt bài phát biểu yêu chuộng hòa bình vì ông biết họ muốn nghe. Hơn nữa, hành động đó có thể hạn chế sự kiểm soát của nước ngoài đối với Đức.
Tiếp theo, Hitler đã kí Hiệp ước không xâm phạm với Ba Lan (1934). Điều đó báo động rằng người Đức đang cố gắng giành lại Hành lang Ba Lan và tranh thủ thái độ trung lập của Anh, Pháp đối với Ba Lan. Đây là một thành công trong chính sách đối ngoại của Hitler nếu cần xây dựng một nước Đức vững mạnh hơn. Anh coi thỏa thuận hải quân Anh – Đức năm 1935 là thời cơ để hạn chế lực lượng hải quân Đức Quốc xã. Tuy nhiên, thỏa thuận đó lại là một bước tiến tới xóa sổ Hòa ước Versailles. Trong khi đó, Mĩ ngày càng trở nên cô lập và Đế quốc Nhật Bản càng trỗi dậy mạnh mẽ ở vùng Viễn Đông đã làm cho Anh lo sợ.
Sau khi giành được vùng Sarre qua cuộc trưng cầu dân ý, Hitler cho quân tiến vào vùng phi quân sự hóa Rhineland vào tháng 3/1936. Đây là một cuộc tiến công liều lĩnh, táo bạo, Hitler đã chọc thủng tàn dư của Hòa ước Versailles. Chiến thắng to lớn này đã xóa bỏ quy chế vùng đệm giữa nước Đức và Pháp. Thất bại của Hòa ước Versailles là nguyện vọng không chỉ của riêng Hitler mà còn là mong ước của biết bao người dân Đức. Cho đến cuối năm 1936, dù chưa được chôn cất nhưng Hòa ước này đã bị tiêu diệt, cùng với Ý và Nhật Bản hình thành khối Trục Roma – Berlin – Tokyo đe dọa trực tiếp đến Pháp, Anh và ngày càng làm suy yếu Hội Quốc liên để nâng cao vị thế quốc tế của Đức.
1. Kế hoạch giải trừ quân bị
Trong khuôn khổ của hệ thống Versailles – Washington, từ năm 1926 Ủy ban giải trừ quân bị của Hội Quốc liên đã được thành lập và làm việc liên tục tới năm 1931 để tiến tới chuẩn bị Hội nghị giải trừ quân bị năm 1932. Hội nghị đã khai mạc ngày 2/2/1932 dưới sự chủ tọa của Arthur Henderson, 62 nước đã cử người đến tham dự, Bruning là đại biểu Đức, Mac Donald thay mặt cho Anh, Tardieu thay mặt Pháp, Grandi đại diện cho Ý, Liên Xô và Mĩ không phải là thành viên của Hội Quốc liên, nhưng đã tham gia vào ủy ban này. Ủy ban không quy định các con số phải cắt giảm, mà chỉ xây dựng cái khung: làm thế nào để tiến hành giải trừ quân bị? Làm thế nào để đảm bảo sự kiểm soát? Các loại vũ khí nào cần phải giảm? Tuy nhiên lập trường và kế hoạch giải trừ quân bị của các nước rất khác nhau. Trước hết, đại biểu Đức đưa ra và kiên quyết bảo vệ yêu sách Đức phải được “bình đẳng” về lực lượng vũ trang như tất cả các cường quốc khác. Cụ thể, Đức đòi phải có quân đội 200.000 người (Hòa ước Versailles qui định không quá 100.000 người) với thời gian quân dịch 6 năm và được quyền có vũ khí hạng nặng
Nhưng Pháp đã phản đối yêu sách này của Đức và đề nghị thành lập một lực lượng quân đội quốc tế và thành lập chế độ kiểm soát đối với các loại vũ khí tấn công hạng nặng trong khuôn khổ của Hội Quốc liên. Pháp có thể đồng ý chấp nhận một phần tái vũ trang của Đức với điều kiện kí kết những liên minh quân sự mới và các hiệp ước bảo đảm bổ sung này. Tuy nhiên, đoàn đại biểu Anh đã bác bỏ yêu cầu đảm bảo bổ sung cho nền an ninh của Pháp vì Hiệp ước Locarno đã đủ đảm bảo điều đó. Phía Anh cho rằng, cần khôi phục lại sự cân bằng tương quan lực lượng ở châu Âu bằng việc thừa nhận sự bình đẳng về vũ trang của Đức. Ý ủng hộ quan điểm này của Anh.
Kế đó, ngày 22/6/1932, Tổng thống Mĩ Hoover đưa ra một kế hoạch mới có tính cụ thể hơn: Trên mặt đất, quân số sẽ giảm 1/3, loại bỏ hoàn toàn xe tăng và pháo hạng nặng. Trên biển, giảm 1/3 trọng tải và số lượng thiết giáp hạm, 1/3 trọng tải tàu ngầm, 1/4 trọng tải tàu sân bay. Trong lực lượng không quân, sẽ loại bỏ tất cả máy bay ném bom. Pháp cũng không chấp nhận kế hoạch này và cho rằng cần trung thành với nguyên tắc an ninh. Còn Anh lo ngại những điều khoản về hải quân. Nhật Bản kịch liệt phản đối vì thực tế điều này sẽ tăng thêm sức mạnh của Mĩ. Nhật Bản đòi hỏi phải tạo thêm cho mình những khả năng mới về vũ trang. Về phía mình, đoàn đại biểu Liên Xô yêu cầu chấm dứt ngay cuộc chiến tranh mà Nhật đang khởi xướng ở Viễn Đông (tức Trung Quốc). Liên Xô đề nghị một kế hoạch giải trừ quân bị tổng thể và hoàn toàn ngày 18/2/1932 và kế hoạch giải trừ vũ trang từng phần, song vẫn bị các cường quốc tư bản bác bỏ. Do vậy, những bất đồng vẫn tiếp tục tồn tại.
Sau đó, ngày 16/3/1933, Thủ tướng Anh – MacDonald đã đưa ra kế hoạch giải trừ quân bị. Theo đó, Đức được bình đẳng với Pháp, Ý, Ba Lan trong việc mỗi nước sẽ có một lực lượng quân đội gồm 200.000 người. Một hội nghị đặc biệt sẽ tiến hành năm 1935 để thảo luận kế hoạch giải trừ quân bị. Máy bay quân sự sẽ được loại bỏ và cấm ném bom. Một ủy ban thường trực về giải trừ quân bị sẽ kiểm soát việc thi hành kế hoạch đó. Thời hạn 5 năm là cần thiết để Đức có thể hưởng bình quyền thực sự
Đức nêu ý kiến phản đối vì ngày 11/5/1933 ủy ban chung quyết định rằng lực lượng SA và SS chiến binh sẽ được coi là quân đội, Đức lo ngại về điều đó và than phiền là ngoài số 200 nghìn quân ở chính quốc Pháp còn được duy trì các đội quân thuộc địa. Nhà viết sử Quốc Xã Freytagh Loring Hoven cho rằng, Pháp và các nước đồng minh có 1.250.000 quân thì Đức chỉ có 200.000 quân .
Trong bài diễn văn hòa bình gửi đến Hội nghị giải trừ quân bị đang diễn ra ở Geneva, ngày 17/5/1933 ở Reichstag, bằng những lời lẽ kín đáo, Hitler tuyên bố: “Mọi vấn đề của thời đại hiện nay cần được giải quyết một cách hợp lí và theo phương thức ôn hòa, người ta không thể cứ tiếp tục chối bỏ mãi tư cách của một dân tộc vĩ đại, mà đến một lúc nào đó phải trả lại thôi. Kiểu đối xử bất công vừa kể mà một đất nước vĩ đại đang phải chịu đựng còn kéo dài trong bao lâu nữa” ? Ông không yêu cầu điều gì khác hơn là được hưởng đầy đủ các quyền. Nước Đức tuyệt đối sẵn sàng từ bỏ toàn bộ vũ khí tiến công, nếu như các quốc gia khác cũng phá hủy kho vũ khí tiến công của họ. Nước Đức cũng sẵn sàng kí mọi hiệp ước không xâm phạm nhau nghiêm túc, vì Hitler cho rằng nước Đức chẳng có ý định tiến công ai, mà họ chỉ mong được sống trong an ninh
Cùng ngày, Hitler ra tuyên bố chấp nhận dự án Mac Donald vì điều đó đồng nghĩa với việc Hòa ước Versailles được xem xét lại theo hướng có lợi cho Đức. Nhưng việc Đức đàn áp người Do Thái ở Silesia đã khiến cho công luận và chính phủ các nước Pháp, Anh, Mĩ xúc động, vì thế thái độ của ba nước này trở nên cứng rắn hơn. Pháp và Anh đã đạt được sự nhất trí về việc kiểm soát vũ khí, tức là an ninh phải được xác lập trước giải trừ quân bị. Pháp khiến mọi người chấp nhận ý kiến khi cho rằng thời kì quá độ đó phải 8 năm chứ không phải 5 năm như dự kiến, 4 năm đầu là giai đoạn thứ thách và Đức chỉ tái vũ trang trong 4 năm sau. Vì vậy, ngày 15/9 Von Neurath tỏ ý không hài lòng về việc “quay ngoắt của các nước dân chủ” . Ý kiến này ngược lại với luận điểm của Đức là chỉ thiết lập kiểm soát sau khi đã tiến hành giải trừ quân bị. Ở khóa họp lần thứ 14 của Hội Quốc liên khai mạc vào ngày 26/9 ở Geneva, các đại diện của Ý (Nam tước Aloysi và Suvitch) đề nghị một giải pháp trung gian: bắt đầu bằng giải trừ quân bị rồi mới thi hành việc kiểm soát nhưng sẽ tiến hành kiểm soát trước khi kết thúc giải trừ quân bị. Pháp và Anh bác bỏ đề nghị này.
Hội nghị diễn ra trong bầu không khí rất căng thẳng. Đến ngày 14/10/1933, Hitler tuyên bố phía Đức không tiếp tục tham gia vào Hội nghị giải trừ quân bị. Sau 5 ngày, ngày 19/10/1933 Đức tuyên bố rút khỏi Hội Quốc liên để không bị ràng buộc bởi tổ chức này. Hitler biện minh cho hành động này vì Đức không chấp nhận bị coi là “dân tộc ở khu vực hai”
Đến ngày 18/12/1933, Đức gửi cho Pháp một Bị vong lục, trong đó Đức sẽ thành lập một quân đội 300.000 người, bình đẳng vũ khí như các nước khác, sáp nhập vùng Sarre vào Đức. Pháp phản đối đề nghị này của Đức. Anh đứng ra làm trung gian cố thực hiện sự cân bằng giữa 200 nghìn quân kế hoạch Mac Donald và 300 nghìn quân kế hoạch của Đức. Bộ trưởng Tư pháp Eden làm một chuyến công du đến Paris ngày 17/2/1934 và đến Berlin ngày 21/2. Ở đây, Hitler chấp nhận kế hoạch mới của Mac Donald với điều kiện là các đề nghị của ông đưa ra ngày 19/1 về không quân được chấp nhận có nghĩa là bằng một nửa của Pháp, hoặc bằng 1/3 không quân của Pháp và đồng minh cộng lại. Ý chấp nhận kế hoạch này. Cuối cùng giải pháp phụ thuộc vào Pháp nhưng lúc này chính phủ Pháp bị chia rẽ, họ ít tin vào giá trị lời hứa của Hitler. Thủ tướng Doumergue và Bộ trưởng bộ Chiến tranh Pétain lại không đồng ý với đề nghị của Hitler. Họ cho rằng chế độ Hitler sắp sụp đổ và thương lượng với những người kế nhiệm Hitler sẽ dễ dàng hơn. Theo quan niệm này, ngày 17/4/1934 chính phủ Pháp công bố: “Pháp long trọng từ chối không hợp pháp hóa việc Đức tái vũ trang, chính Đức đã làm cho các cuộc thương lượng trở nên vô ích và từ nay Pháp sẽ tự đảm bảo an ninh của mình bằng các phương tiện của chính mình”
Chính tuyên bố này, Anh và Mĩ cho rằng Pháp phải chịu trách nhiệm về sự tan vỡ đó khi Tổng Tham mưu trưởng Pháp tuyên bố với François Poncet: “Chúng ta xem Đức phải mất bao nhiêu thời gian để đuổi kịp số 20 tỉ mà chúng ta đã đầu tư vào vũ khí của chúng ta” . Người ta biết rằng Hitler đã chi số tiền lớn vào việc tái vũ trang
Rõ ràng, với ván bài đầu tiên về ngoại giao, Hitler đã làm tan rã hệ thống liên minh của Pháp, góp phần xoa dịu nỗi nhục bại trận và khôi phục niềm tin vào tương lai vĩ đại của nước Đức khi nguyên tắc bình đẳng đã được chấp nhận. Điều này có nghĩa là từ lúc này trở đi, Đức Quốc xã sẽ tự tái vũ trang trong thái độ thách thức với các nước dân chủ phương Tây.
2. Hiệp ước không xâm phạm nhau Đức – Ba Lan
2.1. Bối cảnh lịch sử
Ba Lan đã bị xóa tên trên bản đồ châu Âu trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tại Hội nghị Versailles, Pháp đã ra sức đấu tranh cho sự hồi sinh của Ba Lan, không hẳn vì mục đích sửa chữa những bất công đối với người dân nước này mà chủ yếu nhằm tạo ra một nước đệm ngăn cách giữa đối thủ lâu đời của Pháp là Đức và bao vây Liên Xô, một mắt xích không thể thiếu được trong vòng vây Đông Âu mà Pháp đã không tiếc công sức dựng lên nhằm cô lập nước Đức thời hậu chiến
Nếu Ba Lan có ý nghĩa quan trọng bao nhiêu đối với Pháp thì trong mắt người Đức, Ba Lan hiện lên như một kẻ thù vừa đáng ghét vừa đáng kinh tởm bấy nhiêu. Tội ác đáng nguyền rủa nhất của các tác giả Hòa ước Versailles là đã ngăn cách Đông Phổ với phần còn lại của nước Đức bằng Hành lang Ba Lan, biến Danzig thành thành phố tự do đặt nó dưới quyền quản lý của chính phủ Warszawa. Điều này làm phát sinh liên tục trạng thái căng thẳng giữa Đức và Ba Lan. Ngay cả nền Cộng hòa Weimar, không một chính khách hay một nhà quân sự Đức nào chịu thừa nhận những thay đổi về lãnh thổ vừa nêu.
Von Seeckt, cha đẻ của Reichswehr (Lực lượng bảo vệ Đế chế), đã tuyên bố năm 1922: “Không thể chấp nhận sự tồn tại của Ba Lan, vì nó không tương thích với những điều kiện thiết yếu cho sự tồn tại của Đức. Ba Lan phải biến mất và sẽ biến mất, do những yếu kém nội bộ của nó và do hành động của Liên Xô với sự giúp đỡ của chúng ta. Xóa nó khỏi bản đồ châu Âu là một trong các mục tiêu chính của chính sách Đức. chúng ta có thể đạt được điều này bằng phương tiện và sự giúp đỡ của Liên Xô, cùng với sự biến mất của Ba Lan là sự sụp đổ của một trong các cột trụ vững chắc nhất của Hòa ước Versailles, bá quyền của Pháp”
Mối ác cảm này, người Ba Lan không phải là không cảm nhận được. Do vậy, tin Hitler nắm quyền đã gây chấn động trong dư luận Ba Lan. Phản ứng tự nhiên của Warszawa là thăm dò Paris khả năng răn đe chống Đức. Tổng thống Ba Lan – Marshal Pilsudski quan niệm rằng với việc xây dựng Tuyến phòng thủ Maginot năm 1929 nên viễn cảnh chiến tranh, Paris không hề muốn nói đến. Điều mà nước này mong muốn là được sống trong an ninh và quân đội Pháp chỉ cần một khả năng phòng thủ mạnh. Một đạo luật quân sự được ban hành năm 1927 ghi rõ: “Mục tiêu của tổ chức quân sự nước ta là bảo vệ biên giới nước ta và phòng thủ các lãnh địa hải ngoại”. Ngoài ra, Paul Reynaud, nhà hoạt động chính trị theo xu hướng tiến bộ đã nhận xét: “Người ta xem tiến công như là học thuyết của một chỉ huy phản động, xem thường tổn thất sinh mạng, trái với phòng ngự có hệ thống của nguyên soái Pétain, biết tiết kiệm xương máu của binh lính mình. Phòng ngự là cộng hòa”. Chỉ có vậy, không một câu chữ nào khác liên quan đến những cam kết tương hỗ mà Pháp đã đưa ra các Đồng minh Ba Lan và Tiệp Khắc, nghĩa là đạo luật không đặt ra vấn đề răn đe bên ngoài biên giới Pháp và các đồng minh phía Đông của Pháp sẽ tự lo cho mình. Như vậy, với kế hoạch phòng ngự đó, một hiệp ước không xâm phạm với Đức là sự lựa chọn tốt nhất cho Ba Lan, để mong được bảo vệ một phần nào đó nếu Liên Xô tấn công và trong trường hợp này có lẽ hiệu quả sẽ cao hơn
Với quan niệm này, Pilsudski ngày càng xa rời hệ thống an ninh tập thể của Pháp, chuyển sang chính sách ngày càng trung lập trong quan hệ với hai đại cường láng giềng: Liên Xô ở phía Đông và Đức Quốc xã ở phía Tây. Nhưng Pilsudski không loại trừ khả năng nghiêng về phía Đức với hi vọng giảm bớt áp lực từ Liên Xô: “Trong quá trình tiếp tục cuộc đàm thoại, Pilsudski nhấn mạnh rằng ông cũng muốn đặt quan hệ Đức – Ba Lan trên cơ sở thân thiện và láng giềng, nhưng sự thù địch của người Đức sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện mối quan hệ này”
Về phía mình, Hitler nhận thấy rằng trước khi tiêu diệt Ba Lan, cần tách nước này ra khỏi mối liên minh với Pháp. Do vậy, việc kí với Ba Lan Hiệp ước không xâm phạm nhau, Hitler có thể củng cố làn sóng hòa bình; xóa đi nỗi nghi ngại của Hitler ở Tây Âu và Đông Âu; làm suy yếu chức năng của Hội Quốc liên; lũng đoạn mối liên minh của Pháp với Đông Âu, trong đó Ba Lan là pháo đài vững chắc. Người dân Đức vốn thù ghét Ba Lan có thể không hiểu được, nhưng đối với Hitler sách lược mà ông ta đang theo đuổi có nhiều lợi điểm nhất thời. Do vậy, chính phủ Ba Lan đã đón nhận được thái độ tích cực từ phía chính phủ Quốc xã.
2.2. Nội dung hiệp ước
Ngày 15/11/1933, Hitler tiếp Josef Lipski, tân đại sứ Ba Lan ở Berlin. Hai chính phủ Ba Lan đã “thảo luận những vấn đề liên quan bằng một cuộc đàm phán trực tiếp và hoàn toàn từ bỏ việc sử dụng bạo lực trong quan hệ giữa hai nước nhằm củng cố hòa bình ở châu Âu” . Đến ngày 26/1/1934, chính phủ Đức và chính phủ Ba Lan đã mở đầu một giai đoạn mới trong quan hệ chính trị bằng sự hiểu biết trực tiếp. Hai chính phủ đưa ra những nguyên tắc phát triển mối quan hệ trong tương lai bằng việc duy trì và bảo vệ một nền hòa bình lâu dài, không xung đột, nương tựa lẫn nhau. Đó là điều kiện cần thiết cho nền hòa bình chung của châu Âu. Nếu có tranh chấp phát sinh và thoả thuận không đạt được bằng cuộc đàm phán trực tiếp, tùy từng trường hợp cụ thể, hai nước sẽ tìm kiếm một giải pháp hoà bình khác, mà không làm phương hại đến nhau. Cả hai chính phủ tin rằng mối quan hệ giữa họ sẽ phát triển một cách có hiệu quả và sẽ trở thành láng giềng tốt của nhau. Tuyên bố có hiệu lực trong mười năm sẽ không làm thay đổi các hiệp ước đã kí. Diễn biến trên không được công chúng Đức tiếp đón với thái độ hoan nghênh, không hẳn là do mối ác cảm lâu nay của họ đối với người Ba Lan mà họ không nhận ra dụng ý sâu xa của Hitler. Xét theo khía cạnh này, các chính khách châu Âu cũng không nhìn xa hơn dân Đức
Để tạo ấn tượng yêu chuộng hòa bình đối với châu Âu, Hitler tuyên bố: “Đức đã ký kết Hiệp ước bất tương xâm với Ba Lan. Chúng tôi sẽ tôn trọng vô điều kiện hiệp ước này. Chúng tôi nhìn nhận Ba Lan là ngôi nhà của một dân tộc vĩ đại và có lòng ái quốc cao độ”. Để đáp lại điều đó, ngày 27/9/1934, Ba Lan tuyên bố không thể tham gia vào Hiệp ước Locarno nếu thiếu Đức; không để cho quân đội Đức và Liên Xô đi qua lãnh thổ của mình; không có một nghĩa vụ nào đối với Tiệp Khắc và Litva. Với hiệp ước bất xâm phạm, Ba Lan có lập trường như vậy là hoàn toàn có thể hiểu được
2.3. Ý nghĩa hiệp ước
Với hiệp ước này, Hitler đã tách Ba Lan ra khỏi ảnh hưởng của Pháp, thân cận hơn với Đức Quốc xã tức là làm suy yếu vòng vây Đông Âu, phá vỡ một khâu quan trọng trong hệ thống an ninh tập thể; tăng cường chống lại chủ nghĩa cộng sản Liên Xô. Đấy là con đường dẫn đến sự sụp đổ của Ba Lan trước khi hiệp ước bất tương xâm phạm hết hạn.
Đồng thời, giúp Hitler có dịp tỏ cho thế giới biết rằng chính mình đang yêu chuộng hòa bình và cũng đang thực hiện một nền hòa bình. Đến đây, đã có thể xác định chiến thuật đối ngoại của Hitler: nói chuyện hòa bình ở chốn công khai, tích cực bí mật chuẩn bị tái vũ trang, tiến hành những bước đi ngoại giao thật cẩn trọng để tránh bị trừng phạt bởi các tác giả Hòa ước Versailles, chiến thuật này đã nâng vị thế đối ngoại của Đức một cách đáng kể.
Đối với Pháp, bản thân hiệp ước không chống lại Pháp. Nhưng xét về mặt tâm lý, hành động ngoại giao của chính phủ Ba Lan là không hữu nghị đối với đồng minh của mình, François Poncet đã nói: “Thái độ của Ba Lan đối với chúng tôi và nhất là thái độ của đại tá Beck, ngoại trưởng, không phải là thái độ của một người bạn mà là của kẻ thù đích thực”. Vì hiệp ước này đã làm suy yếu hệ thống phòng thủ phía Đông của Pháp và Pháp đã thất bại trong việc tạo ra một nước đệm để ngăn cách kẻ thù truyền kiếp của mình.
3. Sáp nhập vùng Sarre
3.1. Địa chính trị vùng Sarre
Sarre chưa bao giờ là một đơn vị hành chính riêng biệt. Phần lớn Sarre thuộc về vùng Renan nước Phổ và phía Đông thuộc xứ Palatinat Bavois. Tháng 3/1919, Pháp đưa ra một số yêu sách về đất đai đòi sáp nhập phía Nam của Sarre vốn thuộc Pháp từ thời Louis XIV năm 1815. Pháp đòi làm chủ vùng mỏ này nhưng phái đoàn Pháp không làm cho người ta chấp nhận được lập trường của mình. Wilson đã hoàn toàn bác bỏ mọi lập luận có tính lịch sử này.
Theo qui định của Hòa ước Versailles năm 1919, vùng Sarre của Đức đặt dưới quyền ủy trị của Hội Quốc liên trong thời hạn 15 năm. Hội Quốc liên trao lại quyền này cho Pháp. Sau 15 năm (1920-1935), vào đầu năm 1935 sẽ tiến hành trưng cầu dân ý để quyết định xem hạt Sarre thuộc Pháp hay trở về Đức hay tiếp tục nằm trong chế độ ủy trị của Hội Quốc liên. Những cuộc đàm phám của Pháp – Đức về số phận hạt Sarre bắt đầu từ năm 1930 với không ít khó khăn phức tạp, đặc biệt là dưới thời Barthou giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Pháp. Hitler từng tuyên bố đó là vấn đề duy nhất chưa giải quyết giữa hai nước
Trên bình diện quốc tế, vấn đề được đặt ra như sau: chắc chắn chỉ có một thiểu số người tán thành sáp nhập vào Pháp, chỉ còn lại hai giải pháp: sáp nhập vào Đức hay giữ nguyên trạng, tức là sự cai quản sẽ giao cho một ủy ban chính quyền do Hội Quốc liên cử ra
3.2. Tiến trình sáp nhập Sarre
Vào khoảng năm 1930, mọi diễn biến đều cho thấy toàn bộ dân Sarre sẽ bỏ phiếu thuận chấp nhận sáp nhập Sarre vào Đức. Nhưng khi Đảng Quốc xã nắm chính quyền ở Đức đã làm nhiều người e ngại. Những người Thiên Chúa giáo ở Sarre lo âu về tin đàn áp ở Đức. Những người Xã hội và Cộng sản lo lắng đảng mình sẽ bị thủ tiêu khi Đức Quốc xã tiến hành đàn áp cán bộ của hai đảng, xóa bỏ công đoàn và hoạt động dưới dạng cảnh sát ngầm và các tổ chức bán quân sự
Hitler tiếp tục tiến hành đợt tuyên truyền rầm rộ: diễu hành, mitting, tổ chức du lịch sang Đức được chính phủ Đức tài trợ, tham gia vào “Mặt trận Đức”, nhưng cũng có cả biện pháp “khủng bố”. Trong bài diễn văn ngày 27/8/1933, Hitler tuyên bố: “Nhân dân vùng Sarre sẽ quyết định số phận của mình và tôi biết là mọi người sẽ bỏ phiếu cho Đức, chúng ta muốn sống hòa thuận với Pháp, nhưng không bao giờ từ bỏ Sarre, cũng như không bao giờ Sarre từ bỏ Đức”
Trong khi đó, chính quyền và công luận Pháp không quan tâm đến vấn đề này, chỉ một vài tờ báo cánh hữu (như Le Figaro), một bộ phận báo chí cánh tả thù địch Đức Quốc xã, một vài nhà kỹ nghệ lớn quan tâm đến lợi ích kinh tế và nhất là Hiệp hội Pháp ở Sarre là muốn giữ nguyên trạng. Vì không đủ phương tiện tài chính nên cố gắng của những người này không ảnh hưởng gì đến Hitler. Ban giám đốc Pháp ở các mỏ Sarre có điều kiện gây sức ép đối với công nhân, nhưng theo nhận xét của các nhà nghiên cứu thì hình như họ không lợi dụng điều này.
Đến năm 1934, Hội Quốc liên đã thành lập một Ủy ban ba người đứng đầu là một người Ý, Nam tước Aloisi, để giám sát cuộc trưng cầu dân ý. Ngày 2/6/1934, Hiệp định Pháp – Đức được kí đảm bảo rằng sẽ không bên nào gây tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các cử tri. Ngày 31/8/1934 Barthou gửi đến Hội Quốc liên một bản giác thư đề nghị mua các mỏ nếu cuộc bỏ phiếu có lợi cho Đức. Nhưng sau khi Barthou bị ám sát (9/10/1934), Ngoại trưởng Pierre Laval thay thế có chiều hướng chấp thuận sáp nhập Sarre vào Đức, thái độ của Pháp trở nên rụt rè hơn. Điều đó chứng tỏ, Laval không biết gì về Sarre, tin rằng cuộc trưng cầu dân ý nhất định thuận lợi cho việc sáp nhập và coi đó là ý nguyện của nhiều người dân Sarre. Đa số mọi người cho rằng nên kéo dài nguyên trạng đến khi chế độ Quốc xã sụp đổ. Laval tiếp tục đẩy chính sách từ bỏ Sarre khi ông gặp đại sứ Koster (Đức) ngày 6 và 10/11/1934, “vùng Sarre không đáng để xảy ra một cuộc chiến tranh Pháp – Đức” . Lời tuyên bố này gần như trao hoàn toàn quyền cho bộ máy tuyên truyền Đức và Hội Quốc liên chấp nhận. Ngày 3/12/1934, nhờ sự hỗ trợ của Nam tước Aloisi, Hiệp định Pháp – Đức về tài chính đã được kí kết, quy định Đức phải trả khoản tiền 900 triệu Frank về những món tiền cho vay và tài sản Pháp ở các mỏ, đường sắt.
3.3. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý
Cuối cùng cuộc trưng cầu dân ý cũng được tiến hành ngày 13/1/1935. Trong số 528.053 cử tri thì 46.613 đồng ý giữ nguyên trạng, 2.124 đồng ý thống nhất với Pháp, 477.119 tán thành trở lại với Đức. Có 905 phiếu không hợp lệ và 1202 phiếu trắng. Như vậy, khoảng 90% dân Sarre muốn sáp nhập vào Đức. Qua đó, đồng minh phương Tây muốn chứng tỏ rằng họ không truất bỏ quyền tự quyết của dân tộc Đức như Tổng thống Wilson đã từng tuyên bố năm 1918. Bản thân Hitler cho rằng, thắng lợi này là sự chấp nhận đường lối chính trị của ông trên toàn thể nước Đức. Hitler từng bước tạo niềm tin cho các cường quốc phương Tây bằng cách chứng tỏ rằng Đức là một địch thủ lợi hại của cộng sản Liên Xô và là một quốc gia luôn luôn bênh vực nền văn minh phương Tây. Hitler cũng khéo léo che đậy hành vi bài xích Do Thái đến nỗi mọi quốc gia đều cho đấy là một hiện tượng phụ thuộc, tạm thời, không thể nào tránh được trong khi một phong trào cách mạng đang lay chuyển một dân tộc hùng cường.
Trong ngày 1/3/1935, nhân dịp hạt Sarre trở lại với Đức, Hitler long trọng cam kết, Đức sẽ không có một yêu sách lãnh thổ nào đối với Pháp. Đồng thời, Hitler tuyên bố: “Chúng ta hi vọng vùng Sarre trở lại với nước Đức sẽ vĩnh viễn cải thiện mối quan hệ với Pháp và Đức. Chúng tôi mong muốn hòa bình và nghĩ rằng dân tộc lớn láng giềng cũng sẵn sàng tìm kiếm hòa bình. Chúng tôi hi vọng là chúng ta sẽ chìa tay cho nhau trong sự nghiệp chung này để đảm bảo sự tôn trọng của châu Âu”. Những lời tuyên bố long trọng ấy được phát ra trong bối cảnh Hitler chuẩn bị những điều kiện cần thiết để xé toang các điều khoản Versailles. Với chính sách đi ngược với đường lối của Barthou, Laval có xu hướng xích lại gần Đức Quốc xã đã khuyến khích thêm sự lộng hành của Hitler
4. Kế hoạch tái vũ trang
4.1. Không quân Đức
Không quân Đức đã trở thành một thành phần thiết yếu trong các chiến dịch quân sự của Đức. Khi nắm quyền, Hitler dành rất nhiều tài lực vào việc tạo ra một lực lượng không quân vì nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh hiện đại. Kể từ khi Hòa ước Versailles cấm Đức có một lực lượng không quân, phi công Đức được huấn luyện trong bí mật. Việc đào tạo phi công quân sự được bắt đầu ngay dưới lốt ngụy trang Liên đoàn Bay Thể thao. Với tư cách là Bộ trưởng Hàng không – được hiểu là Hàng không Dân dụng, Hermann Göring đặt hàng cho những xưởng thiết kế máy bay chiến đấu, tất bật để lo gây dựng không quân. Đến ngày 10/3/1935, Göring chính thức công bố Đức có không quân (Luftwaffe). Trong khi đó, lực lượng không quân Pháp gần như đã bị lãng quên kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất, các nhà lãnh đạo quân sự Pháp ưa thích chi tiền cho bộ binh và công sự tĩnh. Kết quả là, năm 1940, không quân Pháp chỉ có 1.562 máy bay và cùng với 1.070 máy bay của không quân Anh phải đối mặt với 5.638 máy bay chiến 60 đấu và máy bay ném bom của không quân Đức nhanh chóng giành được ưu thế. Nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939) đã minh chứng sức mạnh của ném bom chiến lược của Đức.
Tái vũ trang được thể hiện rõ nhất sau khi quân Đức tràn sang Ba Lan, chỉ trong vòng 48 giờ, không quân Ba Lan đã bị hủy diệt trước khi cất cánh. Quân đội Ba Lan tan nát chỉ sau một tuần. Thủ đô Warszawa thất thủ trong vòng 4 tuần. Ngày 9/4/1940, Đức đồng loạt tấn công Đan Mạch và Na Uy. Đan Mạch đầu hang ngay lập tức, còn Na Uy chống cự và đầu hàng sau 2 tháng. Ngày 10/5, Đức tấn công Pháp, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg. Hà Lan đầu hàng sau 5 ngày và Bỉ cầm cự không tới 3 tuần. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng từ lúc vượt biên giới Pháp, quân Đức tiến vào thủ đô Paris. Đến giữa năm 1942, Đức đã thôn tính khoảng 90% diện tích Tây Âu, chỉ trừ Thụy Điển, Vương quốc Anh, Scotland, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ, còn ở Bắc Phi, Đức đang chiếm đóng Tunisia, Lybia và một phần Ai Cập
4.2. Phục hồi chế độ quân dịch
Hòa ước Versailles qui định Đức có tối đa 100.000 quân tức là không được thi hành nghĩa vụ quân sự, cấm sở hữu máy bay và xe tăng nhằm mục đích ngăn chặn bước đường bá quyền của Đức ở châu Âu. Nhưng điều khoản này đã làm suy yếu Đức sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Khi Hitler lên cầm quyền, Đức Quốc xã theo đuổi một cách không mệt mỏi chương trình tái vũ trang. Quân đội nhận lệnh tăng quân số từ 100.000 lên 300.000 quân. Đến ngày 17/4/1934, người ta đều cho rằng Đức đang tái vũ trang
Đến ngày 12/3/1935, chính phủ Pháp công bố quyết định kéo dài thời hạn quân dịch từ 18 đến 24 tháng và hạ thấp độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân dịch để bù đắp số thanh niên ít ỏi ra đời trong năm Chiến tranh thế giới thứ nhất. Hitler phản ứng tức khắc. Ngày 16/3/1935, Hitler triệu tập François Poncet đến và thông báo Luật nghĩa vụ quân sự phổ thông bắt buộc và quân đội thời bình gồm có 12 quân đoàn và 36 sư đoàn – khoảng nửa triệu người. Đây là sự kiện hết sức nghiêm trọng đánh dấu việc Đức Quốc xã không còn đếm xỉa gì đến các điều khoản quan trọng nhất về hạn chế quân sự theo Hòa ước Versailles, trừ khi Pháp và Anh có động thái. Giờ đây quá trình ngấm ngầm tái vũ trang nước Đức trước đó đã được Hitler công khai hóa và pháp lý hóa. Cái cớ được Hitler tạo ra là thất bại của Hội nghị giải trừ quân bị và việc tái vũ trang của các cường quốc như Anh, Pháp, Liên Xô buộc Đức phải làm như vậy
Ngay ngày hôm sau, chủ nhật ngày 17/3 một buổi lễ hoành tráng được tổ chức ngay giữa thủ đô Berlin để chào mừng sự kiện vừa nêu. Đây chính thức là lễ tôn vinh những liệt sĩ đã hi sinh vì tổ quốc, nhưng những người tham dự đều ngầm hiểu đây là lễ mai táng Hòa ước Versailles, nỗi nhục nhã của Đức đã bị tháo bỏ, đồng thời là cuộc mitting chào mừng sự hồi sinh của quân đội Đức. Nếu chế độ Quốc xã còn bị nhiều người Đức e dè vì tính chất độc tài, bạo lực của nó, đến lúc họ cũng phải nhìn nhận rằng, Hitler đã làm được điều mà không chính phủ cộng hòa nào dám làm
Đúng như Hitler dự đoán, Anh và Pháp chỉ lên tiếng phản đối nhưng không có động thái nào khác. Trái lại, chính phủ Anh vội hỏi liệu Hitler có chịu gặp Ngoại trưởng Anh hay không và Hitler đã đồng ý. Chính phủ Ý cũng phản đối và ngày 23/3 Laval, Eden và Suvich gặp mặt ở Paris. Họ nhất trí là Eden sẽ đi cùng với John Simon đến gặp Hitler với danh nghĩa đến để thông báo rồi Simon sẽ đến Moskva, Warszawa và Praha, sau đó đại diện của ba nước sẽ gặp nhau ở Stresa. Bên cạnh đó, công hàm ngoại giao mà bến Orsay gửi đến Hội Quốc liên vừa chứa đựng những lời phản đối, vừa nhấn mạnh đến nỗ lực hòa giải và xua tan tình hình căng thẳng phát sinh. Đây cũng không phải là ngôn từ của những người quyết tâm với động thái phản đối.
Trong hoàn cảnh trên, sẽ chẳng phải là lạ nếu Hitler cố ý phớt lờ Hội nghị Stresa diễn ra ngày 11/4 với sự tham gia của phái đoàn Anh, Pháp và Ý. Hội nghị lên án chính sách tái vũ trang của Đức, tái xác nhận ủng hộ nền độc lập của Áo và tái khẳng định Hiệp ước Locarno. Hội Quốc liên cũng tỏ ý bất bình và lập một ủy ban để đề xuất biện pháp ngăn chặn Hitler. Nhưng tất cả chỉ là lời nói suông, rỗng tuếch để cảnh cáo Hitler. Nhận thấy Đức sẽ không bao giờ kí Hiệp ước Đông Locarno, Pháp vội kí Hiệp ước tương trợ với Liên Xô có thời hạn 5 năm, các bên cam kết giúp nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào một bên kí kết. Ngày 16/5, một hiệp ước tương trợ đã được kí giữa Liên Xô và Tiệp Khắc, đồng minh thuộc vào hàng tin cậy nhất của Pháp ở Đông Âu.
Trong lúc người Pháp còn cố tiến hành, ngoài những lời lẽ phản đối quen thuộc, một số hoạt động tích cực theo hướng xây dựng một hệ thống an ninh tập thể ở Đông Âu, người Anh gần như chỉ bằng lòng với những lời phản đối, dù đôi khi mạnh mẽ, nhưng lại không kèm theo một động thái ngoại giao tương xứng nào cả. Hitler quyết định đấy chính là lúc khẳng định một lần nữa lòng yêu chuộng hòa bình và để xem có thể lũng đoạn tình đoàn kết giữa các nước đang chống lại mình hay không
Ngày 21/5/1935, Hitler đọc bài “Diễn văn hòa bình” ở Nghị viện, Hitler tuyên bố Đức không hề có ý định thôn tính các dân tộc khác, tất cả những gì ông muốn chỉ là hòa bình. Ông bày tỏ nỗi lo âu trước những tàn phá khủng khiếp của chiến tranh và những lời cam kết tôn trọng Hòa ước Versailles, bảo vệ đường biên giới hiện thời của Pháp, từ bỏ Anschluss (không có ý định sáp nhập Áo vào Đức), tuân thủ nghiêm ngặt Hiệp ước không xâm lược nhau với Ba Lan. Cuối cùng, Hitler đưa ra 13 đề xuất cụ thể nhằm duy trì hòa bình, tạo ấn tượng sâu đậm đối với nước Đức và cả châu Âu. Nếu Hội Quốc liên tách ra khỏi Hòa ước Versailles và mọi quốc gia được bình đẳng như nhau, Hitler ngụ ý Đức sẽ tái gia nhập Hội Quốc liên. Đặc biệt, Đức sẽ ủng hộ và hoàn thành mọi nghĩa vụ xuất phát từ Hiệp ước Locarno, tuân thủ qui chế phi quân sự của vùng tả ngạn sông Rhine (Rhineland). Đấy là những ngôn từ tẩm mật ngọt của hòa bình và những lời hứa rỗng tuếch của Hitler.
Cùng ngày, một động thái ngoại giao khác trái ngược hoàn toàn với lòng yêu chuộng hòa bình, Hitler ban hành Đạo luật Quốc phòng, bổ nhiệm TS. Schacht làm Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền Kinh tế Chiến tranh chuẩn bị một nền kinh tế thời chiến và tổ chức lại quân đội. Bộ Quốc phòng đổi thành Bộ Chiến tranh. Quân đội Đức từ danh hiệu Reichswehr (Lực lượng bảo vệ Đế chế) của cộng hòa Weimar được đổi tên thành Wehrmacht (Quân đội quốc phòng) của Đức Quốc xã. Theo qui định của Hòa ước Versailles Reichswehr phải chịu nhiều hạn chế như quân số không vượt quá 100 nghìn quân, chỉ được trang bị những loại vũ khí phòng thủ, không được có không quân, còn hải quân chỉ đủ sức làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển. Vậy, Reichswehr không phải là một quân đội đúng nghĩa. Khi đổi tên Reichswehr thành Wehrmacht, Hitler có ý muốn khẳng định rằng kế hoạch của Đức là xây dựng một quân đội đúng nghĩa, không bị hạn chế các điều khoản của Hòa ước Versailles mà Tổng Tư lệnh Tối cao Quân lực sẽ không ai khác ngoài Hitler. Blomberg được chỉ định làm Bộ trưởng Chiến tranh kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân lực. Tướng Beck nhận chức Tham mưu trưởng Lục quân.
4.3. Hiệp định hải quân Anh – Đức
Theo Hòa ước Versailles, hải quân bị giảm thành lực lượng tượng trưng, bị cấm chế tạo tàu ngầm hoặc tàu trọng tải trên 10.000 tấn. Các điều khoản này nhất thời gây bất mãn và phẫn nộ cho toàn thể nước Đức. Tất cả điều khoản trong Hòa ước Versailles đã làm giảm sức mạnh quân sự của Đức. Hải quân Đức đã bắt đầu đóng hai chiếc tàu thiết giáp 26.000 tấn, việc đóng tàu ngầm đã được tiến hành bí mật ở Phần Lan, Hà Lan và Tây Ban Nha dưới chế độ Cộng hòa Weimar.
Bài diễn văn mà Hitler đọc ngày 21/5/1935, đã tác động mạnh đến Mac Donald và John Simon. Hitler giăng miếng mồi ra nhử nước Anh, ông sẵn sàng giới hạn hải quân Đức ở mức 35% tổng trọng tải lực lượng hải quân Anh và ông cho rằng như thế vẫn còn khiến cho Đức thấp hơn 15% so với tổng trọng tải của hải quân Pháp. Hitler tuyên bố “Đối với Đức, yêu cầu này là cuối cùng và có tính ràng buộc”, kèm một lời trấn an: “Nước Đức không có ý định, cũng chẳng có nhu cầu, phương tiện để dự phần vào cuộc chạy đua mới trong lĩnh vực ưu thế hải quân” . Hitler tiếp: “Chính phủ Đức có ý muốn thẳng thắn để tìm kiếm và duy trì mối bang giao với dân tộc và đất nước Anh nhằm mọi lúc ngăn chặn hai nước tái diễn chiến tranh” . Với những ngôn từ này, phù hợp với chế độ dân chủ Tây Âu, chính phủ Anh tin rằng chính sách Hitler đưa ra tạo một tiền đề tốt để đạt một thỏa thuận trọn vẹn với Đức – một nước Đức tự do, bình đẳng và mạnh mẽ thay vì một nước Đức kiệt quệ bị áp đặt bởi Hòa ước Versailles. Chính phủ Anh rơi vào bẫy của Hitler một cách ngây thơ và nhanh chóng đến mức khó tin. Cũng có lẽ Hitler thật lòng muốn hòa giải với Anh, một trong những bài học mà Hitler rút ra từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi Đức cố chạy đua vũ trang ngang bằng với hải quân Anh. Đó là lỗi lầm lớn nhất của Hoàng đế Đức, gây nên thái độ thù địch với Anh
Bi kịch trong liên minh Anh, Pháp, Ý đã xảy ra, khi chính người Anh đã chấp nhận đàm phán với Đức (từ ngày 4/6/1935) về vấn đề hải quân trên cơ sở đề nghị của Hitler mà không tham khảo ý kiến của Pháp và Ý thuộc Hiệp ước Stresa, vốn cũng là các cường quốc hải quân đang lo lắng về việc Đức tái vũ trang, hay thậm chí thông báo cho Hội Quốc liên, tổ chức quốc tế theo dõi việc tuân thủ Hòa ước Versailles. Anh nông nỗi tiến hành xóa bỏ mọi hạn chế hải quân ghi trong Hòa ước Versailles. Anh có ý nghĩ là chấp nhận chuyện đã rồi và nhìn nhận Đức được bình đẳng về quân sự, đổi lại Đức sẽ tham gia Hiệp ước Locarno. Kết quả là, ngày 18/6/1935, Hiệp định hải quân Anh – Đức được kí kết mà không có một sự tham khảo nào từ Pháp và Ý. Theo hiệp định này, Đức được quyền xây dựng hạm đội bằng 35% hạm đội Anh, tàu ngầm bằng 45% của Anh hoặc thậm chí 60% và trong trường hợp đặc biệt có thể lên đến 100% (sau khi thỏa thuận trước với Anh rằng sẽ không dùng tàu ngầm chống lại tàu buôn trong thời gian chiến tranh) và cần nhắc lại rằng Hòa ước Versailles nghiêm cấm Đức trang bị tàu ngầm. Cụ thể Hiệp định hải quân Anh – Đức cho phép Đức đóng 5 tàu thiết giáp, với trọng tải và đại pháo lớn hơn bất cứ loại tàu nào mà Anh đang có, lại thêm việc Đức ngụy tạo mọi con số chính thức để đánh lừa bên Anh nhằm đóng 21 tàu tuần dương và 64 tàu khu trục . Khi chiến tranh bùng nổ, không phải tất cả đều được hoàn tất nhưng Đức đã hoàn tất khá đủ, cộng thêm tàu ngầm đã gây cho Anh nhiều thiệt hại trong nững năm đầu của cuộc chiến.
Ngoài ra không có qui định cụ thể khác, nghĩa là mặc nhiên cho phép Đức tự do đóng tàu cho hạm đội càng nhanh càng tốt, huy động tối đa các xưởng đóng tàu và nhà máy thép. Vì thế, đây không phải là giới hạn tái vũ trang của Đức mà là khuyến khích bành trướng binh chủng hải quân theo khả năng của Đức. Điều này chẳng những vi phạm hòa ước Versailles năm 1919 về vấn đề Đức, mà còn có nghĩa là Anh đã mặc nhiên thừa nhận tái vũ trang nước Đức bằng việc kí kết một hiệp định quân sự chính thức. Chính Anh cũng không quan tâm đến những điều khoản trong Versailles. Anh cho rằng Hòa ước Versailles đã quá khắc nghiệt với Đức và đây là thời điểm thích hợp để nới lỏng các điều khoản giúp châu Âu bình đẳng với nhau. Anh cho rằng phương pháp này sẽ đáp ứng những yêu cầu của Hitler và không có lý do gì để tức giận hoặc cảm thấy bị dồn ép bởi các điều khoản của Versailles nữa.
Trước tình hình đó, Mussolini đã thực hiện kế hoạch mà ông ta ấp ủ từ lâu: khởi sự cuộc chiến xâm lược xứ Abyssinia từ ngày 4/10/1935. Hội Quốc liên cầm đầu là Anh được Pháp ủng hộ một cách miễn cưỡng, biểu quyết khiển trách nhưng việc áp dụng hình phạt chỉ là nửa vời. Họ không ngăn chặn được Ý chiếm Abyssinia, vừa phá vỡ những gì còn sót lại của mặt trận Stresa chống Đức. Winston Churchill, một chính khách nổi tiếng của Anh nhận xét trong Hồi kí: “Giờ đây, chỉ còn lại ít hi vọng để loại trừ chiến tranh và trì hoãn nó bằng một cuộc đọ sức tương đương với chiến tranh. Thực tế là Anh và Pháp chẳng còn sự lựa chọn nào khác ngoại trừ chờ đợi cuộc tiến công và ráng làm hết sức mình”
Nếu như Đức đang nỗ lực xây dựng để trở thành một cường quốc quân sự thì vào năm 1934 đà tiến bộ của quân Anh đi vào ngõ bí. Có hai điều đã ngăn trở chương trình cách tân. Thứ nhất là các chính khách và công luận Anh dứt khoát chống đối việc đưa quân Anh can dự vào lục địa, cho đến năm 1939, chính phủ Anh chỉ tài trợ rất ít cho quân đội. Thứ hai, hầu hết các sĩ quan Anh vẫn yêu thích cái nghề lính cổ truyền và xem chức vị sĩ quan là một vị thế yên ổn hơn là một nghề buộc phải học hỏi nghiêm túc. Kết quả là các sĩ quan Anh thích thể thao, săn chồn hơn là học hỏi nghiên cứu nhằm chuẩn bị cho chiến tranh.
Bên cạnh đó, quy tắc Mười năm (tháng 8/1919), tuyên bố chính phủ không tham gia vào chiến tranh trong vòng mười năm. Do đó, họ tiến hành rất ít hoạt động nghiên cứu quân sự. Mặt khác, Đức và Liên Xô không hài lòng về sức mạnh của mình vì những lý do khác nhau nên đã hợp tác với nhau về quân sự. Liên Xô cung cấp cơ sở cho Đức để sản xuất, thử nghiệm vũ khí và huấn luyện quân sự. Đổi lại, Liên Xô yêu cầu tiếp cận kỹ thuật Đức và được hỗ trợ trong việc tạo ra một Tổng tham mưu Hồng quân.
Tại Pháp, chính sách quốc phòng của đế quốc đã bị bỏ bê trong một thời gian dài. Giới chỉ huy quân sự Pháp khi thực hiện kế hoạch cơ giới hóa, yêu cầu Hội đồng Quốc phòng Tối cao “không được quên rằng ngựa vẫn luôn có ích và tuyên bố rằng quân đội rất cần thêm nhiều ngựa, đặc biệt ngựa để cưỡi. Chúng ta phải cứu vãn việc nuôi ngựa”. Họ coi xe tăng chiến đấu chỉ là phương tiện hỗ trợ, bổ sung cho bộ binh, đặt dưới sự điều động của bộ binh.
Thống chế Pétain sau khi đã hoàn thành học thuyết quân sự của Pháp cho rằng: “Thật là bất cẩn khi kết luận rằng một lực lượng thiết giáp, vốn có khả năng tiến xa, theo lời một số người, trên 150 km một ngày, chọc thủng những phòng tuyến lớn và gieo rắc kinh hoàng sau lưng kẻ địch, là một thứ vũ khí vô địch. Những kết quả mang tính quyết định mà lực lượng này giành được sẽ không lâu bền. Trước một hàng rào súng chống tăng và mìn, sư đoàn thiết giáp sẽ làm mồi cho một cuộc phản công bên sườn. Còn về xe tăng, mà một số người cho rằng sẽ rút ngắn cuộc chiến, sự bất lực của chúng là rất rõ ràng”
Chính vì những lí do đó, xe tăng, lực lượng thiết giáp, kế hoạch sản xuất xe tăng và xây dựng các đơn vị thiết giáp không được quan tâm. Phi cơ Pháp cũng chịu số phận tương tự. Mười hai năm sau Thế chiến thứ nhất, mà trong đó phi cơ Pháp đóng vai trò ngày càng quan trọng trong trinh sát, xạ kích và oanh tạc, không quân Pháp về cơ bản vẫn y như cũ. Theo Thống chế Pétain “không có chuyện đại loại như không chiến. Chỉ có trận chiến trên bộ”. Hậu quả là không quân Pháp lạc hậu về mọi mặt so với Đức, Anh và cả Mĩ. Đối với giới chỉ huy quân sự cao cấp Pháp, không quân quả là một đứa con ghẻ phiền toái.
Với bài học của Thế chiến thứ nhất, do tình trạng xơ cứng trong tư duy của giới quân sự Pháp. Nếu như trước năm 1914, họ nhấn mạnh đến tiến công thì sau năm 1918, họ đặt trọng tâm vào phòng ngự, vì theo họ nó đã tỏ ra thành công trong Đại chiến và cũng sẽ mang thắng lợi một lần nữa. Do vậy, chính sách quốc phòng của Pháp nặng đầu tư xây dựng Tuyến phòng phủ Maginot để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Đức với chi phí lên nửa tỉ đô la. Đây là một công trình phòng thủ lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử thế giới nhưng Tuyến phòng thủ Maginot lại góp phần vào thảm bại quân sự của Pháp năm 1940, mà lý ra nó có trách nhiệm ngăn chặn. Vậy mà người Pháp cứ yên chí với tuyến phóng thủ đó. Trong khi Hitler đã xé bỏ Hòa ước Versailles, xây dựng một đạo quân theo chế độ cưỡng bức nửa triệu người, lực lượng hải quân và không quân vững mạnh. Điều đó cho thấy, quân đội của Đức không những tăng lên về số lượng mà còn cả chất lượng. Chính sách xây dựng nền Quốc phòng của Đức ngày càng vững mạnh.
5. Tái chiếm vùng phi quân sự Rhineland
5.1. Bối cảnh lịch sử
Sau sự sụp đổ của Đế quốc Pháp đầu thế kỷ XIX, các khu vực nói tiếng Đức và Hà Lan ở trung và hạ lưu sông Rhine được sáp nhập vào vương quốc Phổ. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phía Tây của Rhineland bị phe Hiệp ước chiếm đóng và bị phi quân sự theo Hòa ước Versailles. Theo điều khoản Hòa ước Versailles năm 1919 cấm Đức duy trì hoặc xây dựng bất kỳ pháo đài nào bên bờ trái hoặc bờ phải sông Rhine cách đều hai bờ tả ngạn và hữu ngạn mỗi bên 50 km. Nếu vi phạm bất cứ trường hợp nào cũng sẽ được coi là một hành động thù địch và có ý định làm xáo trộn hòa bình thế giới. Có nghĩa là hòa ước cấm Đức đóng quân ở Rhineland, qui định này đã làm suy yếu khả năng phòng thủ của Đức và buộc Đức phải thay đổi. Đồng thời, hòa ước này quy định rằng lực lượng quân sự của Đồng minh sẽ rút khỏi Rhineland năm 1935, mặc dù họ thực sự rút khỏi vào năm 1930
Ngoài ra, Hiệp ước Locarno kí kết năm 1925 giữa Đức, Pháp, Ý và Anh cho rằng “vùng Rhineland nên tiếp tục tình trạng phi quân sự vĩnh viễn” . Hiệp ước này được coi là rất quan trọng vì Đức tự nguyện chấp nhận tình trạng phi quân sự vùng Rhineland trái ngược với sự chấp nhận Hòa ước Versailles mà người Đức coi đó như một “diktat” . Theo điều khoản của Locarno, Anh – Ý đảm bảo đường biên giới của Pháp – Đức và tình trạng phi quân sự tiếp theo của Rhineland nhằm chống lại bất cứ động thái vi phạm nào. Do vậy, trong tư tưởng của Hitler, hủy bỏ Hiệp ước Locarno nghĩa là có khả năng chiếm đóng vùng phi quân sự Rheinland. Giới quân sự và ngoại giao Đức coi tình trạng ở Rhineland chỉ là tạm thời và đã soạn thảo kế hoạch tái chiếm Rhineland vào một thời điểm thích hợp
Trong bài phát biểu hòa bình ngày 21/5/1935, Hitler tuyên bố: “Đức sẽ tôn trọng vô điều kiện những điều khoản của Hòa ước Versailles không liên quan đến quân sự kể cả những điều khoản về lãnh thổ. Đặc biệt, Đức sẽ ủng hộ và thực hiện mọi nghĩa vụ của Hiệp ước Locarno” . Tất cả những gì ông muốn chỉ là hòa bình và cảm thông dựa trên sự bình đẳng cho mọi bên. Ông bác bỏ ý tưởng chiến tranh và bài diễn văn đã gây ấn tượng tốt đẹp cho thế giới, nhất là Anh, nhưng Hitler đã đề cập đến “một yếu tố thiếu ổn định về mặt pháp lý” được đưa vào Hiệp ước Locarno là do kết quả của Hiệp ước Xô – Pháp. Theo hiệp ước này, trong trường hợp Đức tấn công Liên Xô thì Pháp sẽ can thiệp Liên Xô và ngược lại. Đến ngày 1/6/1935, Bộ ngoại giao Đức đã gửi cho Pháp một Bị vong lục tố cáo rằng Hiệp ước Xô – Pháp đã vi phạm Hiệp ước Locarno Pháp – Đức năm 1925. Phía Đức cho rằng, hiệp ước này đã qui định Đức và Pháp không tấn công nhau, và Pháp chỉ có quyền can thiệp chống Đức trong trường hợp Đức tấn công Ba Lan và Tiệp Khắc. Nay Hiệp ước Xô – Pháp đã tạo ra thêm một “trường hợp ngoại lệ thứ ba” , như vậy là không phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiệp ước Locarno năm 1925. Hitler tuyên bố một cách điềm tĩnh rằng Hiệp ước Xô – Pháp đã khiến cho Hiệp ước Locarno – mà Đức tự nguyện kí kết trở nên mất hiệu lực. Hitler nói:
“Đức không còn cảm thấy bị trói buộc vào Hiệp ước Locarno. Thể theo lợi ích của cư dân dọc biên giới phải có quyền cơ bản về an ninh và quyền tự vệ, bắt đầu từ hôm nay chính phủ Đức tái lập chủ quyền tuyệt đối và toàn vẹn của đế chế trong vùng phi quân sự”
Đây là chỉ là cái cớ để Hitler tái chiếm vùng phi sự Rhineland. Tuy nhiên, phía Pháp đã bác bỏ lập luận này của Bộ ngoại giao Đức
Thực ra phản đối Hiệp ước Xô – Pháp năm 1935 chỉ là cái cớ và khúc dạo đầu để Đức đi đến từ bỏ Hiệp ước Locarno và tái chiếm đóng khu phi quân sự Rhineland. Việc Quốc hội Pháp phê chuẩn hiệp ước này ngày 27/2/1936 càng thúc đẩy Đức có thêm nguyên cớ để hành động. Hitler cho rằng đó là một sai lầm lớn, sẽ tạo điều kiện đưa một chính phủ cộng sản lên nắm quyền ở Pháp dẫn đến mối đe dọa nghiêm trọng đối với Pháp
5.2. Kế hoạch tái chiếm Rhineland
Theo các tài liệu của Tòa án Nuremberg, việc chuẩn bị chiếm đóng lại khu phi sự Rhineland đã được nghiên cứu từ ngày 29/6/1935 và Hitler dự định sẽ chuyển sang hành động vào tháng 2/1936. Sau đó ông hoãn lại một thời gian, vì Hitler dự đoán sẽ có phản ứng mạnh mẽ từ phía Pháp. Các tướng của Hitler cũng không cần giấu giếm rằng quân đội Đức đang được tổ chức lại và không đủ khả năng tham gia bất cứ chiến dịch quân sự nào. Cũng có khả năng Hitler sợ một cuộc can thiệp từ phía Anh. Trước đó, vào ngày 21/11/1935, khi François Poncet gửi báo cáo về Paris là Hitler định viện cớ Hiệp ước Pháp – Xô để chiếm lấy vùng phi quân sự Rhineland và Hitler chỉ còn lưỡng lự thời gian thích hợp để hành động. François Poncet có lẽ là đại sứ nước ngoài hiểu rõ Đức nhất, nhưng ông vẫn không biết rằng trước khi Hitler đọc bài diễn văn cam kết tôn trọng Hiệp ước Locarno và những điều khoản Hòa ước Versailles không liên quan đến quân sự, Tướng von Blomberg đã chỉ thị quân đội chuẩn bị kế hoạch tái chiếm vùng phi quân sự Rhineland. Chiến dịch sẽ “được thực hiện bằng đòn bất ngờ với tốc độ sấm sét” , và việc lên kế hoạch nằm trong vòng bí mật đến nỗi chỉ một số nhỏ nhất sĩ quan được thông báo. Để đảm bảo bí mật, Blomberg đã tự viết tay chỉ thị này.
Cuối cùng, ngày 2/3/1936 Bộ chỉ huy Tối cao Đức kí lệnh điều động quân đội. Ngày 6/3, Hitler đi đến quyết định khiến cho giới tướng lĩnh cảm thấy bất an, vì tin rằng Pháp có thể đánh tan tác các lực lượng nhỏ của Đức đã được điều động để chiếm Rhineland. Hitler tin vào trực giác của mình, đã bỏ qua những lời răn đe. Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Blomberg vẫn tuân theo chỉ thị của Hitler, ngày hôm sau ban hành lệnh chiếm đóng Rhineland rằng đấy là cuộc hành quân bình yên, hoặc nếu Pháp chống trả thì Blomberg có quyền quyết định cho bất cứ cuộc phản công quân sự nào
Sáng ngày 7/3/1936, một lực lượng nhỏ quân của Đức đi qua cầu sông Rhine tiến vào khu phi quân sự Rhineland. Theo lời khai của Jodl trước Tòa án Nurnberg, chỉ có 3 tiểu đoàn vượt sông Rhine và chỉ có một sư đoàn được huy động để chiếm cả vùng. Đây là một động thái nguy hiểm vì quân đội Pháp vẫn là quân đội mạnh nhất châu Âu lúc bấy giờ có thể dễ dàng đập tan quân Đức Quốc xã. Quốc trưởng của Đức Quốc xã biết rằng nếu quân Pháp dàn quân thì quân Đức sẽ bị nghiền nát ngay lập tức. Nếu quân đội Pháp làm thế, hầu như chắc chắn đấy sẽ là dấu chấm hết cho Hitler, sau đấy lịch sử hẳn đã đi theo một chiều hướng khác sáng sủa hơn, vì nhà độc tài hẳn không thể tồn tại sau thảm họa ấy. Tự tin rằng Pháp sẽ không động binh, Hitler thẳng thừng từ chối mọi đề nghị rút quân của Tổng Tham mưu Đức Blomberg lúc ấy đang lưỡng lự vì đề nghị rút lui không khác gì hành vi hèn nhát
Sau này, Hitler công nhận: “Nếu quân đội ta rút lui thì hẳn đã có thể dẫn đến sụp đổ”. Chỉ có tinh thần thép của Hitler mới cứu vãn tình thế, Hitler nói: “48 giờ đồng hồ sau khi đưa quân vào Rhineland là khoảng thời gian căng thẳng nhất trong đời tôi. Nếu quân Pháp tiến vào Rhineland, chúng ta có thể cắp đuôi mà chạy, vì nguồn lực quân sự của ta hoàn toàn yếu kém, ngay cả cho sức kháng cự vừa phải”
Hitler giờ hiện ra trong mắt giới tướng lĩnh như một người hùng. Trong lúc họ lưỡng lự, phân vân, không rõ nên tiến hay lùi ngay trong thời khắc khẩn trương, Hitler vẫn giữ thái độ bình tĩnh, vẫn thể hiện quyết tâm đi đến cùng. Nhiều năm sau, vào ngày 27/5/1942, giữa lúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai sắp đi vào cao điểm, Hitler nhắc đến biến cố ngày 7/3: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ai khác, chứ không phải tôi, đang cầm đầu đế quốc. Đố các vị chỉ cho tôi người nào không hoảng hốt. Tôi đã buộc phải nói dối, và chính nhờ thái độ kiên trì không thoái lui và sự bình thản đến kinh ngạc của tôi, mà chúng ta đã vượt qua. Tôi đe dọa nếu không thấy có dấu hiệu hòa hoãn ngay, tôi sẽ điều tiếp 6 sư đoàn đến vùng Rheinland. Thực ra tôi chỉ có 4 lữ đoàn. Hôm sau các báo Anh đều loan báo hòa hoãn”
Nếu có ai đó trong đám tướng lĩnh còn hồ nghi về tài lãnh đạo và khả năng phán đoán của Hitler, thì biến cố Rhineland đã mang đến cho họ một bài học đầy sức thuyết phục. Cả Pháp và Anh vẫn giữ thái độ thụ động trước một chiến dịch quân sự đơn giản của Đức. Hoàn toàn khác xa với phản ứng hùm hổ của Pháp trong năm 1923, khi Đức từ chối trả tiền bồi thường chiến phí. Riêng đối với Pháp, biến cố Rhineland mang ý nghĩa như màn mở đầu của hồi kết
5.3. Phản ứng của Anh, Pháp, Bỉ, Ý
Vậy, tại sao Pháp, Anh, Bỉ, Ý không phản ứng lại việc tái chiếm vùng phi quân sự Rhineland. Để Hitler ngang nhiên xé bỏ Hòa ước Versailles và Hiệp ước Lorcarno. Điều này cũng gây tranh cãi cho các nhà sử học, như William L. Shirer trong Sự trỗi dậy và suy tàn Đế chế thứ Ba (1960) và Sự sụp đổ của Cộng hòa thứ Ba (1969) cho rằng nước Pháp mặc dù sở hữu tại thời điểm đó lực lượng vũ trang hơn hẳn Đức nhưng Pháp chưa chuẩn bị tâm lý để sử dụng vũ lực chống lại Đức. Trong khi đó, Nhà sử học người Mỹ Stephen A. Schuker lại không nghĩ như vậy, vì ông tìm thấy một nguyên nhân đó là do “tình trạng tê liệt về kinh tế của Pháp” . Tại cuộc họp bàn cách đối phó của Hội đồng bộ trưởng Pháp, tướng Gamelin, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pháp cho rằng “một chiến dịch quân sự, dù giới hạn đi nữa, vẫn chứa đựng những may rủi khôn lường và do vậy, không thể được tiến hành mà không tổng động viên” . Ông đưa ra con số ước tính lực lượng Đức có mặt ở Rheinland là 295000 (tương đương 21 đến 22 sư đoàn) và thông báo cho chính phủ Pháp rằng cách duy nhất để chống lại người Đức chiếm Rhineland là huy động quân đội Pháp, nhưng điều đó “không những không được lòng dân mà nó sẽ tiêu phí kho bạc Pháp là 30 triệu frank mỗi ngày” . Gamelin giả định trong trường hợp xấu nhất, một động thái của Pháp vào Rhineland sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh Pháp – Đức, một trường hợp mà yêu cầu cần phải huy động đầy đủ. Phân tích của Gamelin được đồng ý bởi Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, Louis Maurin nói rằng không thể tưởng tượng được nếu nước Pháp đảo ngược tình thế tái chiếm Rhineland của Đức mà không cần huy động đầy đủ.
Đồng thời, vào cuối năm 1935 đầu năm 1936 Pháp bị kìm hãm bởi một cuộc khủng hoảng tài chính, chính phủ Pháp lo ngại rằng tiền dự trữ không đủ để trang trải chi phí huy động, và đó là “một cuộc chiến tranh toàn diện gây ra bởi việc huy động chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính” . Khi nghe Đức chuẩn bị tiến công, chính phủ Pháp đã gợi ý rằng hành động bằng quân sự là một lựa chọn có thể xảy ra. Ngoại trưởng Pháp, Pierre Étienne Flandin đi tới London ngày 11/3/1936 để tham khảo ý kiến Thủ tướng Anh, Stanley Baldwin, như Flandin mong muốn, vì lý do chính trị trong nước, để tìm một cách chuyển trách nhiệm không hành động lên vai Anh. Baldwin hỏi Flandin chính phủ Pháp đã chuẩn bị những gì, nhưng Flandin cho biết họ vẫn chưa quyết định. Flandin đi trở lại Paris và tham khảo ý kiến chính phủ Pháp, đồng ý rằng “Pháp sẽ đặt tất cả các lực lượng thuộc quyền sử dụng của Hội Quốc liên để phản đối một hành vi vi phạm hòa ước” . Lời khẩn cầu của Flandin không thành công. Anh không muốn chịu rủi ro chiến tranh cho dù lực lượng của Đồng minh vượt trội hơn hẳn so với Đức. Tuy thế, theo điều khoản của Hiệp ước Locarno, Pháp có quyền dùng vũ lực để chống lại sự hiện diện của Đức trong vùng phi quân sự và Anh bị ràng buộc với hiệp ước ấy để hỗ trợ Pháp bằng quân sự. Nhưng thái độ của Anh, Pháp cho thấy trong ván bài liều này Hitler đã thắng. Và tất cả những gì Flandin có thể làm ngay trước mắt là huy động 13 sư đoàn lên biên giới, nhưng để tăng cường chiến lũy Maginot. Còn Thủ tướng Pháp Albert Sarraut đưa ra lời trấn an nghe rất kêu: “Chúng ta sẽ không để Strasbourg nằm trong tầm bắn của đại bác Đức”
Nhận xét phản ứng không kiên quyết, nếu không muốn nói là nhút nhát của giới cầm quyền Paris, một nhà nghiên cứu người Pháp đã viết: “Bằng sự né tránh của mình, Pháp như vậy đã để trôi qua cơ hội cuối cùng còn lại trong tay hầu có thể chặn đứng hành động phiêu lưu của Hitler với cái giá rẻ nhất. Sau ngày 7/3, mọi sự không còn kịp nữa. Pháp cũng như Anh, chỉ còn việc ném nỗi cay đắng đến tận cùng, vì sẽ chẳng còn cứu vãn được gì”
Nghĩ rằng Rhineland ở quá xa Anh, ngày 9/3/1936, Bộ trưởng Ngoại giao Anthony Eden đã tuyên bố trước Viện Thứ dân: “Việc quân Đức xâm chiếm Rheinland đã giáng đòn nghiêm trọng vào nguyên tắc thiêng liêng của hiệp ước. May mắn là chẳng có lí do gì để cho rằng hành động hiện nay của Hitler chứa đựng nguy cơ xung đột”. Còn Lord Lothian, một thành viên Viện Nguyên lão, lúc này còn chưa được giao một trách vụ ngoại giao nào, tự thấy chẳng cần phải kín đáo: “Chẳng qua là người Đức đang thu hồi cái sân sau của họ mà thôi” . Vấn đề thật không đơn giản như người Anh nghĩ. Quyết định tái chiếm Rhineland đã nâng cao uy tín của Hitler trong mắt người Đức: trong cuộc trưng cầu dân ý về quyết định thu hồi Rhineland diễn ra ngày 29/3, có đến 98% người đi bầu bỏ phiếu tán thành. Dù không tin hoàn toàn vào lá phiếu của cử tri trong một chính thể độc tài phát xít như chế độ quốc xã ở Đức, người ta vẫn không thể phủ nhận giá trị phản ánh của nó.
Khi Pháp không đẩy lùi các tiểu đoàn Đức còn Anh không ủng hộ Pháp gây ra hậu quả tai hại cho phương Tây. Hai nước dân chủ phương Tây đã có cơ hội cuối cùng không bị rủi ro để ngăn chặn bước tiến của một nước Đức quân phiệt, hiếu chiến, độc tài. Họ đã để vuột mất cơ hội. Đây là bước khởi đầu cho hồi kết thúc của Pháp.
Các đồng minh của Pháp ở phía Đông – Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Rumania và Nam Tư, bỗng nhiên đối diện với thực tế là Pháp không muốn chống lại tính hiếu chiến của Đức để duy trì hệ thống an ninh mà Pháp đã dày công xây đắp. Hơn thế nữa, các đồng minh ở phía Đông bắt đầu nhận ra rằng ngay cả khi Pháp tỏ ra cứng cỏi thì chẳng bao lâu sau Pháp sẽ không đủ mạnh để hỗ trợ họ. Trong khi đó, Đức đang tất bật xây dựng Bức tường Tây phía sau biên giới Pháp – Đức. Với bức tường này, khó mà trông mong quân Pháp chặn đánh quân Đức cố thủ trong hệ thống công sự khi mà các sư đoàn Pháp đã không dám đánh ba tiểu đoàn Đức vượt sông Rhine. Nhưng ngay cả Pháp có làm điều gì thì đấy chỉ là vô vọng. Từ nay về sau, Pháp chỉ có thể cầm chân một phần nhỏ quân Đức, phần lớn còn lại tha hồ đánh phá các đồng minh của Pháp.
Bỉ đã kí kết một liên minh với Pháp năm 1920 nhưng sau khi Đức tái chiếm vùng phi quân sự Rhineland. Bỉ một lần nữa lựa chọn phương pháp trung lập, chính sách này nhằm mục đích duy nhất là đặt Bỉ ra ngoài sự tranh cãi của các nước láng giềng. Ngày 14/10/1936 Vua Leopold III cho rằng Đức tái chiếm Rhineland, bằng cách kết thúc Hiệp ước Locarno, gần như mang lại cho Bỉ trở lại vị thế quốc tế của mình trước chiến tranh.
Ba Lan tuyên bố rằng: Hiệp ước Liên minh quân sự Ba Lan – Pháp đã được kí kết vào năm 1921 sẽ được tôn trọng, mặc dù hiệp ước quy định rằng Ba Lan sẽ hỗ trợ Pháp nếu Pháp bị xâm lược. Ba Lan đã đồng ý huy động lực lượng của mình nếu Pháp làm điều gì đó chống Đức. Tuy nhiên, Pháp từ chối chống lại việc tái chiếm của Đức.
Trong khi đó, Liên Xô xoay chính sách ngoại giao quanh việc tìm kiếm một “nền an ninh chung”. Hơn nữa, Stalin ý thức rõ rằng hợp tác với các nước tư bản chủ nghĩa còn tốt hơn là một mình đối đầu với sự đe dọa của chủ nghĩa Quốc xã. Và cũng có thể đi đến việc “bắt cá hai tay”, bằng cách ký kết với Hitler một thỏa ước mà các nước phương Tây phải chịu phí tổn về nó và thỏa ước này sẽ ngăn Hitler ra khỏi những ý đồ của Đức đối với Liên Xô.
Ngay sau việc tái chiếm vùng phi quân sự Rhineland, Hitler lại một lần nữa rao giảng mong muốn hòa bình trên khắp châu Âu và đề nghị đàm phán các hiệp ước không xâm lược mới với một số nước trong đó có Pháp, Bỉ. Đồng thời nhanh chóng xây dựng các lực lượng phòng thủ của Đức dọc theo biên giới Pháp, Bỉ. Hitler chuyển sang giọng nói đầy xúc động để đọc hai lời thề cũng quen thuộc không kém: “Trước hết chúng tôi thề không nhượng bộ bất cứ sức mạnh nào muốn ngăn chúng ta phục hồi danh dự của dân tộc mình. Thứ đến, chúng tôi cam kết đấu tranh, hơn bao giờ hết so với trước đây, cho nỗ lực tạo lập sự thông hiểu giữa các dân tộc châu Âu, đặc biệt là đối với các nước láng giềng phía Tây của chúng tôi. Chúng tôi chẳng có một yêu sách nào về lãnh thổ châu Âu! Nước Đức sẽ không bao giờ phá vỡ hòa bình”
5.4. Ý nghĩa tái chiếm Rhineland
Ván bài thành công ở Rhineland đã mang đến cho Hitler một thắng lợi lớn và có tính quyết định hơn những gì ông hiểu lúc đầu, quyền lực và vị thế của Hitler được củng cố nhờ vào thần kinh thép của mình. Nhưng cần bổ sung thêm rằng giữ vai trò không nhỏ trong thành không vượt quá mong đợi của Hitler còn có phản ứng quá bạc nhược của các đối thủ Tây Âu. Hitler thường sử dụng phương pháp khủng bố tinh thần, lừa dối đồng minh bằng các bài diễn văn hòa bình đánh động vào tâm lý sợ chiến tranh của họ và ông đã có được lãnh thổ mà ông muốn. Với phương pháp này, Hitler cũng đã thành công khi sáp nhập Áo, thôn tính Sudetenland và sáp nhập phần còn lại của Tiệp Khắc. Tất cả mọi thứ mà Hitler đạt được là do sự sợ hãi chiến tranh của Pháp, Anh
Tái chiếm Rhineland, vi phạm nghiêm trọng Hòa ước Versailles năm 1919 mà không gặp phản ứng nào của Anh, Pháp, Ý và các cường quốc phương Tây khác, đã khiến Hitler ngày càng lấn tới trong việc “xé bỏ” Hiệp ước Locarno năm 1925 với niềm tin có cơ sở rằng Đức sẽ vẫn không bị trừng phạt. Có thể nói rằng Rhineland được coi là một bước ngoặt thứ hai phá vỡ hoàn toàn Hòa ước Versailles.
6. Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản
Khi quân Đức tiến vào Rhineland, TS. Schuschnigg là người đầu tiên rút ra kết luận thích đáng, ông nhận ra Áo chưa xoa dịu Hitler: “Khi đứng bên nắm mồ của người tiền nhiệm, tôi hiểu rằng để cứu vãn nền độc lập Áo, từ nay phải theo đuổi chính sách xoa dịu. Phải tránh bất kì động thái gì có thể tạo cho Đức cớ can thiệp và phải làm mọi chuyện để được bằng một cách nào đó Hitler chấp nhận giữ nguyên trạng” . Đến ngày 11/7/1936, Đức và Áo kí hiệp ước tái khẳng định: hai nước công nhận đầy đủ nền độc lập của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, riêng Áo “sẽ duy trì một chính sách đối ngoại đặt nền tảng trên nguyên tắc Áo tự coi mình là một quốc gia Đức” . Theo hiệp ước này, Áo ân xá tù chính trị, hai nước nối lại quan hệ kinh tế, du lịch bình thường và quan trọng hơn cả là những đại diện của “phe đối lập dân tộc” mà sau này Seyss Inquart sẽ đóng vai trò “con ngựa thành Troy” làm suy yếu dần vị thế độc lập của Áo.
Hiệp ước Áo – Đức cho thấy Mussolini đã mất ảnh hưởng ở Áo. Nhưng mối quan hệ Đức – Ý ngày càng được cải thiện. Trong khi trước năm 1935 quan hệ Đức – Ý vẫn còn nhiều bất đồng và căng thẳng, mặc dù về bản chất Hitler và Mussolini đều là những trùm phát xít như nhau. Mâu thuẫn giữa họ do tranh chấp về quyền lợi ở bán đảo Balkan, vấn đề Áo và lưu vực sông Danube năm 1934. Trong năm này, giữa Đức và Ý đã từng đứng trước ngưỡng cửa của một chiến tranh liên quan đến vấn đề Áo. Khi đó Mussolini còn nghiên về liên minh với Pháp và Anh để chống lại những tham vọng của Hitler. Thậm chí, sau khi Hitler ban bố luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc phổ thông (16/3/1935), Ý đã chủ động đề nghị đàm phán với Anh, Pháp và đi đến kí kết Hiệp ước tay ba Anh – Pháp – Ý ở Stresa ngày 11/4/1935 để chống lại Đức.
Nhưng càng ngày quan điểm của Mussolini và Hitler ngày càng xích lại gần nhau khi Ý tiến hành xâm lược Ethiopia (3/10/1935), rồi nội chiến ở Tây Ban Nha bùng nổ (17/7/1936), Đức đã tích cực can thiệp ủng hộ Ý và lực lượng phát xít của tướng Franco. Vào cuối năm 1936, có tới 20.000 lính và phi công của Đức trực tiếp tham chiến ở Tây Ban Nha. Từ lúc đầu, Hitler đã có chính sách khôn ngoan, tính toán và biết nhìn xa về Tây Ban Nha. Tài liệu của Đức bị tịch thu cho thấy một trong những mục đích của Hitler là kéo dài cuộc nội chiến Tây Ban Nha nhằm gây chia rẽ giữa các nước dân chủ phương Tây và Ý cũng như lôi kéo Mussolini về phía Đức. Hơn một năm sau, Hitler nói chuyện với Ngoại trưởng và tướng lĩnh Đức: “Chiến thắng một trăm phần trăm cho Franco là không thỏa đáng theo quan niệm của Đức. Thay vào đấy, ta muốn kéo dài cuộc chiến và duy trì tình trạng căng thẳng ở Địa Trung Hải” . Hơn thế nữa, cả Hitler và Mussolini đều muốn biến Tây Ban Nha thành một bàn đạp chiến lược cho những mưu đồ bành trướng chiến lược ở châu Âu, châu Phi, châu Á cũng như ở Đại Tây Dương.
Đầu tháng 10/1936, Đại sứ Ulrich von Hassell của Đức tại Ý báo cáo về nước: “Sự tranh giành ảnh hưởng chính trị ở Tây Ban Nha khiến cho Ý và Pháp kình chống lẫn nhau, cùng lúc Ý kèn cựa với Anh ở phía Tây Địa Trung Hải. Hơn nữa, Ý sẽ nhận ra cần phải sát cánh với Đức để đối đầu với các cường quốc phương Tây”. Ngày 24/10, sau khi hội đàm với Neurath ở Berlin, Bá tước Ciano, con rể của Mussolini, cũng là Ngoại trưởng, gặp Hitler lúc này đang có tâm trạng thân thiện và cởi mở. Hitler tuyên bố Mussolini là chính khách hàng đầu trên thế giới mà không ai sánh được để có thể cùng nhau thôn tính không những bọn Bolshevik mà còn cả phương Tây. Kể cả Anh, Hitler nghĩ rằng Anh sẽ tìm cách thỏa hiệp, nếu không Đức và Ý có thể hợp sức để loại Anh. Hitler nhắc nhở Ciano: 77 “chương trình tái vũ trang ở Đức và Ý nhanh hơn nhiều so với Anh. Trong ba năm nữa Đức sẽ sẵn sàng”
Cùng với điều đó, Hitler rất quan tâm tới việc thiết lập một khối liên minh do Đức chi phối để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn. Một liên minh như vậy sẽ mang lại những quyền lợi gì cho Ý. Giấc mộng đế quốc vùng Địa Trung Hải của Mussolini chính là vấn đề làm cho Ciano rất quan tâm. Nước Ý muốn khôi phục lại vinh dự của Đế quốc La Mã thời cổ thì trước hết phải chinh phục vùng Balkan, phải thôn tính các quốc gia ở Bắc Phi, nhưng qua hành động quân sự đó tất nhiên sẽ gây tổn hại tới quyền lợi của hai nước Anh và Pháp là hai bá chủ từ lâu. Chiếc vòi bành trướng một khi giương ra ngoài tất nhiên sẽ đụng vào những tường lũy do hai nước trên xây đựng. Vậy, nước Ý nên dựa vào các quốc gia theo chính thể dân chủ như Anh và Pháp, hay là nên liên minh với phát xít Đức. Bằng không, thì nước Ý sẽ bị hai khối này đánh kẹp vào giữa và sẽ không còn mảnh đất cắm dùi. Ciano cho rằng thay vì đứng trung lập giữa các cường quốc, thì chỉ có liên minh với Đức là nước có cùng một khuynh hướng chính trị, thì mới có thể giúp cho Ý đứng vào địa vị không thể bị đánh bại.
Sau nhiều cuộc tiếp xúc giữa đại diện hai nước, tại Berlin ngày 21/10/1936, Bộ trưởng Ngoại giao Ý là Ciano và Bộ trưởng Ngoại giao Đức von Neurath kí một Nghị định thư tháng Mười xác định quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đối ngoại. Ngày 1/11/1936, trong bài diễn văn đọc tại Milano, Mussolini đã đề cập đến: “Kết quả mà các cuộc gặp ở Berlin mang đến là đã có một liên minh giữa hai nước trên những vấn đề quyết định. Liên minh đó trục Berlin – Roma không phải là một tấm chắn, mà đúng hơn là một cái trục, mà xoay quanh nó tất cả các quốc gia châu Âu nào nung nấu ý muốn hợp tác và hòa bình đều có thể cùng sinh hoạt với nhau” . Điều quan trọng Mussolini nhấn mạnh đến tầm quan trọng sống còn của Địa Trung Hải trong chính sách của Ý. Đó là khởi đầu cho một chuyển biến cho phép Đức có ảnh hưởng đối với khu vực sông Danube mà đến lúc đó chính sách của Ý vẫn coi là lĩnh vực riêng của mình. Trên cơ sở đó họ cùng xây dựng Trục Berlin – Rome, để từ đó quy định trận địa xuất phát cho cuộc tiến hành xâm lược cướp bóc của hai quốc gia phát xít.
Ngày 25/11/1936, Ribbentrop kí với Nhật Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản, mà ông điềm nhiên giải thích với các kí giả rằng Đức và Nhật đã nắm tay nhau để bảo vệ nền văn minh phương Tây. Theo bề ngoài, hiệp ước này có vẻ như là tiểu xảo tuyên truyền, qua đấy Đức và Nhật có thể tranh thủ sự ủng hộ của thế giới bằng cách khai thác ác cảm và mối nghi ngại với chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng hiệp ước cũng có những điều khoản bí mật, đặc biệt hướng đến Liên Xô. Trong trường hợp Liên Xô tấn công Đức hoặc Nhật, hai quốc gia sẽ hội ý với nhau về những biện pháp cần thiết “nhằm bảo vệ quyền lợi chung” và cũng “không thực hiện biện pháp nào làm lợi cho Liên Xô” . Hai nước đồng ý sẽ không kí với Liên Xô hiệp ước nào trái với tinh thần hiệp ước này mà không có sự đồng thuận
Các trục Berlin – Roma và Berlin – Tokyo được hình thành. Vấn đề cả Đức – Ý – Nhật cùng quan tâm là làm sao phối hợp được hai trục ấy với nhau. Đơn giản là Ý sẽ tham gia vào Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản. Các chuyến đi của Goring và Ngoại trưởng Đức von Neurath tới Roma trong nửa đầu năm 1937 đã thúc giục Ý nhanh chóng tham gia Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản và rút ra khỏi Hội Quốc liên. Mùa hè năm 1937, Ngoại trưởng Ý đã thông báo cho đại sứ Nhật rằng, Ý sẽ quyết định tham gia hiệp ước. Trong tinh thần đó, từ ngày 24 đến 29/9/1937, Mussolini đã chính thức thăm Đức và được Hitler đón tiếp rất trọng thể. Kết quả là ngày 6/11/1937, Ý chính thức tham gia Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản. Các trục Berlin – Roma và Berlin – Tokyo trước đó đã được phối hợp, gắn kết thành trục phát xít Đông – Tây mang tính toàn cầu Berlin – Roma – Tokyo. Hiệp ước ghi rõ: các bên kí kết hiệp ước cam kết sẽ thông báo cho nhau về hoạt động của Quốc tế Cộng sản, sẽ trao đổi ý kiến về việc áp dụng các biện pháp phòng thủ cần thiết và củng cố sự hợp tác chặt chẽ trong việc thực hiện các biện pháp đó. Trên thực tế, qua việc kí hiệp ước này, các nước phát xít chủ trương thành lập một liên minh chính trị – quân sự, không chỉ chống Quốc tế Cộng sản, chống Liên Xô, mà còn muốn gây ra cuộc chiến tranh chống Anh, Pháp, Mĩ, phá vỡ hệ thống Versailles – Washington và phân chia lại phạm vi thống trị thế giới. Sau này, các nước Tây Ban Nha, Hungari, Bungari, Rumani, Phần Lan, dưới sức ép của phát xít Đức, cũng tham gia hiệp ước
Với trục Berlin – Roma – Tokyo, nhằm thiết lập một khối liên minh, hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ chống những hoạt động phá hoại của Quốc tế Cộng sản, địa vị trí chính của Đức được củng cố nhiều, trong khi đó Pháp bị suy yếu do những cuộc tranh giành nội bộ, mất một phần uy tín và ảnh hưởng châu Âu.
Tiểu kết
Như vậy, mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Đức Quốc xã (1933- 1936) là xóa bỏ Hòa ước Versailles và tái hợp một phần lãnh thổ bị mất sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong đó, tái vũ trang có thể xem là bước đầu tiên cơ bản tạo điều kiện thuận lợi trong chính sách đối ngoại bành trướng của Hitler, cùng với việc bài trừ Do Thái và cộng sản trên khắp thế giới và Hitler muốn xây dựng một nước Đại Đức, trở thành một nước có quyền lực mạnh nhất ở châu Âu. Thành công đầu tiên vi phạm Versailles của Hitler khi ông tuyên bố tái nghĩa vụ quân sự tháng 3/1935 với lí do rằng nước Anh đã tăng cường lực lượng không quân còn Pháp thì mở rộng nghĩa vụ quân sự. Nhiều tướng lĩnh Đức Quốc xã còn ngạc nhiên khi Hitler xây dựng quân đội thời bình đến 36 sư đoàn và Hitler dường như thích hành động bất ngờ khi kí hiệp ước không xâm lược với Ba Lan vào tháng1/1934. Đây là một thành công trong chính sách đối ngoại của Hitler nếu cần xây dựng một nước Đức vững mạnh hơn.
Hitler là một nhà chính trị nhạy bén biết tận dụng những điểm yếu của đối phương. Nhiều lần, Hitler cảm thấy nhẹ nhõm và ngạc nhiên khi các chính trị gia Anh và Pháp bỏ qua những hành vi vi phạm Hòa ước Versailles khi tuyên bố mình có không quân. Một phép thử thành công nhất cho phản ứng của Anh, Pháp là tái chiếm vùng phi quân sự Rhineland tháng 3/1936. Tới đây, Hòa ước Versailles chỉ còn lại một cái vỏ rỗng trong khuôn khổ quốc tế thành lập ở Versailles và được xác nhận tại Locarno. Sau những kế hoạch xóa bỏ Hòa ước Versailles, khởi động các chiến dịch tái vũ trang trong cả nước. Hitler tăng cường trục phát xít Berlin – Roma – Tokyo tạo thành một đồng minh vững chắc chống Quốc tế thứ ba. Đó là khởi đầu một sự chuyển biến cho phép Đức có ảnh hưởng đối với khu vực sông Danube.
Ngoài ra, Hitler sử dụng những chiến thuật yêu chuộng hòa bình của Hitler, hành động ngày càng táo bạo hơn khi đưa ra hành loạt bài phát biểu yêu chuộng hòa bình, ông biết các nhà lãnh đạo phương Tây muốn nghe. Tất cả những gì ông làm đều đổ lỗi cho những qui định khắc nghiệt của Hòa ước Versailles, tạo ra sự thù địch giữa Đức với các nước láng giềng và khi Hitler tuyên truyền điều đó vào công chúng và họ tin tưởng vào lời nói của ông và sẵn sàng chấp nhận ông. Tất cả những gì Hitler đã làm ở trên, về cơ bản Pháp và Anh đã không làm gì. Anh vẫn đang phục hồi từ cuộc đại khủng hoảng đã tàn phá nền kinh tế của mình. Anh không thể đủ khả năng xảy ra một cuộc xung đột. Người Pháp thích một chính sách phòng thủ chống lại một mối đe dọa tiềm năng giữa Đức và Pháp đã dành thời gian và tiền bạc xây dựng tuyến Maginot. Cùng với Anh, Ý hình thành nên Mặt trận Stresa để chống lại chính sách tái vũ trang của Hitler và không làm gì khác hơn.
II . CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA ĐỨC QUỐC XÃ: NHỮNG ĐỘNG THÁI NHẰM XÂY DỰNG MỘT ĐẤT NƯỚC ĐẠI ĐỨC (1936-1939)
1. Kế hoạch Anschluss (sáp nhập Áo)
1.1. Địa chính trị của Áo
Áo là quốc gia có đường biên giới tiếp giáp với Đức, nằm ngay trung tâm châu Âu. Về mặt chính trị lẫn quân sự, Áo có ý nghĩa rất lớn đối với chiến lược bành trướng châu Âu của Đức. Trong đó, Wien là cửa ngõ cho Đức dòm ngó vào Balkan qua đồng bằng Hungary. Vì thế, nếu chiếm được Áo, vị trí chiến lược của Đức sẽ được cải thiện rất nhiều, là điều kiện để Hitler tiếp tục bành trướng thế lực vào các nước Hungary, Nam Tư, Rumani và các nước khác ở Đông Nam châu Âu.
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, quân Đồng minh đã đánh bại Đế quốc Áo – Hung, Hungary trở thành một nước độc lập. Nhưng phần lớn đất đai của hai đế quốc này thuộc về các quốc gia mới thành lập: Czech và Slovakia, Ba Lan và Nam Tư. Phần đất còn lại thuộc về Áo, một quốc gia nhỏ bé và yếu kém nên ít người tin vào sự tồn tại lâu dài của nó. Ngày 12/11/1918, Quốc hội Đức tuyên bố rằng Áo là một phần của Cộng hòa Weimar. Đa số người dân nói tiếng Đức ở Áo muốn trở về với “đất mẹ” của họ, điều này bị cấm bởi Hòa ước Versailles và Hòa ước Saint – Germain. Hòa ước Versailles quy định sự độc lập của Áo là không thể chuyển nhượng trừ trường hợp có sự đồng ý của Hội Quốc liên. Trong trường hợp không có sự đồng ý của tổ chức này, Đức không được có bất kỳ hành động nào có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến nền độc lập của Áo. Sau khi nắm quyền, Hitler đã quyết định giải quyết số phận của Áo bằng một nỗ lực được gọi là Anschluss (sáp nhập), biến nước này thành lãnh thổ của Đế chế thứ ba, hoàn thành sự nghiệp dở dang của Bismarck. Phần lớn người Áo nói tiếng Đức, điều này khiến Hitler nghĩ rằng họ là người Đức. Ngoài ra, Hitler muốn tặng dụng nguồn nhân lực và nền công nghiệp của Áo để phục vụ cuộc chinh phạt trong tương lai.
Viện cớ có 7 triệu người Đức đang sinh sống ở Áo, Hitler tăng cường can thiệp, không ngừng ủng hộ Quốc xã Áo gây rối. Họ đưa ra khẩu hiệu giữa người Áo và người Đức “Một dân tộc! Một quốc gia! Một lãnh tụ!” [23,212]. Hitler cho rằng một cường quốc trên thế giới không chấp nhận việc có những đồng chí cùng chủng tộc thường xuyên chịu khổ sở vì họ muốn hợp nhất vào Đức. Đấy là lời tuyên cáo, công khai rằng từ đây về sau Hitler xem tương lai của 7 triệu người Áo như là chuyện nội bộ của Đế chế thứ ba. Kế hoạch Anschluss (sáp nhập Áo) là bước đầu tiên trong kế hoạch xây dựng một Đế quốc Đại Đức. Do đó cuối năm 1937, khi đã thu hồi tất cả những gì mà Hitler cho rằng Hòa ước Versailles đã tước của Đức, ông quyết định thúc đẩy tiến trình Anschluss
Đến năm 1938, tình hình châu Âu rất thuận lợi cho Đức thi hành chính sách xâm lăng. Ý hợp tác chặt chẽ với Đức trong việc viện trợ cho tướng Franco chống cộng sản ở Tây Ban Nha. Trục Roma – Berlin – Tokyo khiến cho lời cam kết bảo vệ lãnh thổ Áo quốc trở nên vô hiệu. Đồng thời, Áo đang trong thời kỳ đình đốn sâu sắc cả về kinh tế lẫn chính trị – xã hội. Do vậy, Áo dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho Đức.
1.2. Kế hoạch Anschluss
Ngay sau khi cầm quyền, Hitler đã phái nhiều cán bộ sang Áo để xây dựng phong trào Quốc xã gây ảnh hưởng ở nhiều nơi. Nhận thấy Mussolini đang e ngại chính sách đối ngoại của Đức Quốc xã, Hitler lập tức sửa đổi thái độ trong quan hệ với Áo. Từ lâu, Hitler muốn thôn tính một cách êm đềm bằng đường lối chính trị nhưng mưu toan thất bại vì Ý luôn ủng hộ Áo. Vào năm 1934, Thủ tướng Áo Dolfuss bị nhóm người Quốc xã Áo mưu sát nhưng sự kiện này không thay đổi được chính sách của Áo. Chính phủ Áo vẫn hi vọng nước Áo được độc lập hoàn toàn khi Hitler lên nắm quyền tại Đức. Mussolini tán thành và ủng hộ vì có một biên giới chung với một đế quốc hùng mạnh như Đức.
Muốn tranh thủ cảm tình với Ý, Hitler đã tạm áp dụng chính sách ôn hòa cùng với Áo. Ngày 11/7/1936, Đức thừa nhận nền độc lập của Áo. Hiệp ước Áo – Đức cho thấy, Hitler đã tỏ thái độ rộng lượng và khoan dung một cách bất thường. Đức tái xác nhận nền tự chủ của Áo và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Áo, còn Áo cam kết hành xử theo nguyên tắc như một bang của Đức. Tuy vậy, hiệp ước này lưu ý đến một thực tế rằng, Áo là một “Quốc gia Đức” . Sau hiệp ước này, nhiều tên Quốc xã đã được ân xá, còn Đảng Quốc xã Áo được tự do hoạt động. Người Áo dường như muốn thông qua hiệp ước này để tránh sáp nhập Áo vào Đức. Nhưng Duroselle chỉ ra rằng, hiệp ước này “trên thực tế lại là một giai đoạn quan trọng trong quá trình đi đến sáp nhập” . Về phía Đức, ngay trong ngày Ý tham gia Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản (6/11/1937), Đức đã đạt được sự chấp thuận của Ý về việc không can thiệp. Mussolini sau chuyến thăm Đức ngày 23/9/1937, ông bảo với Ribbentrop: “Nước Áo là Đức quốc thứ hai, không có Đức, Áo chẳng là gì cả. Bây giờ Ý thấy việc đưa Áo về với Đức là hợp lý. Ý hết quyền lợi ở Áo vì lúc này Ý đang bận tâm với các vấn đề Địa Trung Hải và thuộc địa mới. Tốt hơn hết là hãy để cho tình hình tự nó biến chuyển đừng làm chi ép buộc thái quá gây căng thẳng vô ích”. Nói như vậy, Mussolini đã bật đèn xanh cho Đức sáp nhập Áo. Đây là một thắng lợi lớn của Hitler, bởi vì năm 1934 Ý đã chuẩn bị một cuộc chiến tranh chống Đức một khi Áo sáp nhập vào Đức. Số phận của Áo trên bình diện quốc tế càng trở nên mong manh hơn khi cả Anh, Pháp đều theo đuổi chính sách thỏa hiệp với Hitler nhằm hướng Đức sang cuộc chiến tranh chống Liên Xô. Riêng Bỉ từ 14/10/1936 đã tuyên bố trung lập.
Trong hoàn cảnh bị cô lập về mặt ngoại giao, Thủ tướng Áo Schuschnigg xét thấy không thể làm gì khác hơn là tiếp nhận lời yêu cầu của von Papen, vị đại sứ vừa mới bị Berlin triệu hồi về nước vào ngày 4/2/1938. Cuộc tiếp xúc vào ngày 12- 2-1938 hội giữa Schuschnigg (Thủ tướng Áo) với Hitler (Lãnh tụ Đức Quốc xã) tại Berchtergaden đã quyết định số phận của Áo. Hitler là người chủ động trong mọi tình huống, sau vài lời xã giao, Hitler tuôn ra những lời lẽ khủng bố áp đảo tinh thần của thủ tướng trẻ này. Hitler tuyên bố:
tướng trẻ này. Hitler tuyên bố: Cả một lịch sử của Áo chỉ là những hành vi phản bội không ngừng. Trong quá khứ là như thế và hiện tại không khá hơn. Đã đến lúc phải chấm dứt điều nghịch lý lịch sử này. Và tôi có thể nói cho ông biết, ông Schuschnigg, rằng tôi đã dứt khoát chấm dứt mọi chuyện. Đế chế Đức là một trong những cường quốc vĩ đại nhất, và sẽ không ai lên tiếng nếu đế chế này giải quyết vấn đề biên giới của mình, ai chống tôi sẽ bị nghiền nát. Tôi sẽ giải quyết cái gọi vấn đề Áo bằng cách này hoặc cách khác. Tôi chỉ cần ra lệnh, và chỉ trong một đêm duy nhất mọi cơ cấu phòng thủ nực cười của ông sẽ bị bắn tan tác .
Đừng lúc nào nghĩ rằng có ai trên quả đất này sẽ lay chuyển quyết định của tôi. Nước Ý? Tôi và Mussolini thân thiết với nhau… Anh quốc? Anh sẽ không động một ngón tay nào vì Áo… Còn Pháp? Hitler nói Pháp đáng lẽ có thể chặn đứng Đức trong vùng Rhineland và lúc ấy chúng tôi hẳn đã phải rút lui nhưng bây giờ thì đã quá muộn đối với Pháp . Nước Áo đang ở thế đơn độc, Ý, Anh, Pháp sẽ không có cam đảm dù chỉ giơ một ngón tay để bênh vực Áo
Kết thúc lời diễn thuyết gần như độc thoại là một tối hậu thư: “Một lần nữa, tôi cho ngài cơ hội và đây là cơ hội cuối cùng, đi đến một thỏa thuận. Hoặc là chúng ta sẽ tìm ngay ra một giải pháp, hoặc là mọi sự sẽ đi theo tiến trình của chúng, suy nghĩ đi ngài Schuschnigg, nghĩ cho kĩ vào. Tôi không thể đợi quá trưa hôm nay”. Chờ trả lời gì? Hitler không hề nói với Schuschnigg. Mãi sau bữa cơm trưa, Schuschnigg nói ông cảm thấy nhẹ nhõm vì ít nhất biết được cụ thể Hitler muốn gì. Nhưng khi đọc qua, sự nhẹ nhõm của ông tiêu tan. Vì trên thực tế, tối hậu thư này đòi ông phải chuyển giao chính phủ Áo cho Đảng Quốc xã Áo trong vòng một tuần. Áo phải bỏ lệnh cấm Đảng Quốc xã Áo, ân xá mọi đảng viên Quốc xã đang ngồi tù, chỉ định luật gia thân Quốc xã TS. Seyss Inquart làm Bộ trưởng Nội vụ với quyền chỉ huy các lực lượng cảnh sát và an ninh. Một người thân Quốc xã khác, Glaise Horstenau, sẽ là Bộ trưởng bộ Chiến tranh đảm bảo sự cộng tác chặt chẽ giữa quân đội hai nước sẽ có sự trao đổi thường xuyên các sĩ quan. Cuối cùng, Fischbok cán bộ cao cấp Quốc xã làm Bộ trưởng Tài chính với trách nhiệm kết hợp nền kinh tế Áo vào nền kinh tế Đức. Shuschnigg xin sửa đổi vài điểm nhưng Ribbentrop không chịu, đòi thủ tướng Áo nhận mọi điều kiện hoặc gánh lấy mọi hậu quả gây nên sự từ chối. Trong thời khắc khó khăn và có tính quyết định này, vị thủ tướng Áo không những đã nhụt chí mà còn tỏ ra quá ngây thơ.
Schuschnigg lạnh lùng nói: “Riêng tôi, tôi sẵn sàng kí nhưng Hiến pháp Áo không cho phép và tôi không bảo đảm hiến pháp sẽ phê chuẩn hành động áp bức này, chỉ tổng thống Áo mới có quyền hạn theo luật định để kí kết và thi hành một hiệp định như thế. Vì vậy, trong khi ông sẵn lòng kêu gọi tổng thống nên chấp nhận, ông không thể đảm bảo gì hơn”
Với lời lẽ đó, Hitler tỏ ra bực tức, mở cửa phòng và nói với thủ tướng Áo: “Tôi sẽ cho gọi ngài sau”. Nửa tiếng đồng hồ sau đó, Hitler tuyên bố: “Tôi đã quyết định thay đổi ý kiến, lần đầu tiên trong đời. Nhưng tôi cảnh cáo ngài, đây là cơ hội chót. Tôi cho ngài thêm ba ngày nữa để đưa thỏa thuận ra thực hiện”. Vậy là văn kiện “kéo theo sự xóa bỏ hoàn toàn quyền độc lập của chính phủ Áo” đã được kí vào buổi tối ngày 12/2/1938.
Tối hậu thư đó chính là giấy báo tử cho nước Áo, kéo theo là sự xóa bỏ toàn quyền độc lập của chính phủ Áo. Các đảng viên Quốc xã đã được ân xá kể cả những người dính líu đến vụ sát hại Dolfuss và chỉ định Seyss Inquart làm Bộ trưởng Nội vụ hành xử không cần đến mệnh lệnh Thủ tướng Schuschnigg. Tình cảnh của Áo lúc này chẳng khác gì Đức hôm trước Đảng Quốc xã nắm quyền. Đứng trước nguy cơ đó, ngày 9/3, Schuschnigg thông báo sẽ tổ chức trưng cầu dân ý ngày chủ nhật 13/3/1938. Ông sẽ hỏi dân Áo liệu họ có muốn “một nước Áo tự do, độc lập, xã hội, Cơ đốc và thống nhất – Có hay không?” . Ông hi vọng sẽ ngăn cản được âm mưu sáp nhập Áo vào Đức.
Nghe tin này, Hitler tức giận vì quá bất ngờ chẳng ai tính đến việc Schuschnigg sẽ làm như vậy để chống lại Hitler. Do vậy, muốn ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý của Schuschnigg vào chủ nhật thì quân đội phải tiến quân vào Áo với phương án “Otto” đã được soạn thảo để can thiệp quân sự vào Áo phải được khởi động ngay lập tức vào đêm 11 rạng sáng ngày 12/3/1938 do đích thân Hitler chỉ huy. Trước hành động của Đức, Tổng thống Áo Wilhelm Miklas đã chùn bước, Thủ tướng Schuschnigg phải từ chức, bổ nhiệm Seyss Inquart làm thủ tướng.
Sau đó, vào lúc 20 giờ 48 phút tối ngày 12/3/1938, Göring thay mặt Hitler gửi bức điện tín yêu cầu Seyss Inquart: “Sau khi Thủ tướng Schuschnigg từ chức, chính phủ lâm thời Áo xem nhiệm vụ hàng đầu của mình là tái lập trật tự và hòa bình ở Áo, do vậy khẩn thiết yêu cầu chính phủ Đức ủng hộ Áo trong công việc này và giúp đỡ Áo tránh mọi sự đổ máu. Vì lẽ này, chính phủ Áo yêu cầu chính phủ Đức gửi quân sang càng sớm càng tốt”
Tưởng thế là xong khỏi cần quân Đức tràn vào Áo, nhưng Hitler ra lệnh cho quân đội Đức vượt qua biên giới Áo như thường chỉ cần 3 ngày đã chiếm xong toàn bộ nước Áo mà không gặp phải phản ứng đáng kể nào của Áo cũng như các cường quốc tư bản phương Tây. Ước mơ sáp nhập Áo vào Đế chế Đức đã trở thành hiện thực. Hiển nhiên, Hitler vô cùng sung sướng. Bỗng nhiên, Hitler trở thành tổng thống Áo, và Áo trở thành một tỉnh của Đế chế Đức. Nhưng việc sáp nhập Áo là thứ yếu đối với tâm lý Hitler lúc này. Ông muốn trở về Áo quốc cùng với ánh vinh quang chói lọi, với quyền lực tột đỉnh để nhìn cả kinh đô Wien phải cúi đầu, kinh đô trước kia đã khinh rẻ, hắt hủi ông. Hitler chẳng bao giờ quên được những người Do Thái sống ở Wien, những kẻ có lỗi vì đã hủy hoại sự nghiệp nghệ thuật của ông. Ngay trong những ngày đầu tiên vào Áo, Hitler đã mang theo lực lượng hành động cảnh sát SS và Gestapo. Tất cả những người đàn ông và phụ nữ Do Thái bị quay tròn lại và bị bắt đi cọ rửa nhà vệ sinh công cộng bằng tay, lau chùi tất cả các khu phố bằng tay và bằng đầu gối. Những người Do Thái giàu có hơn bị trục xuất khỏi nước Áo và giao lại toàn bộ công việc và tài sản cho Đảng Quốc xã Đức. Có khoảng 100 nghìn người bị trục xuất, trong đó có một nửa là người Do Thái. Mặc dù mất hết tài sản và tiền bạc, những người đó là những người may mắn vì những người ở lại nhanh chóng bị tống hết vào Holocaust.
Sau đó, ngày 10/4, một luật mới quy định “trưng cầu dân ý tự do và kín” để người Áo có thể quyết định vấn đề thống nhất với Đế chế Đức, còn người Đức cũng tham gia trưng cầu dân ý về việc thống nhất cùng với việc bầu Nghị viện mới. Dưới chiến dịch tuyên truyền và khủng bố, 99,08% ở Đức và 99,95% ở Áo bỏ phiếu thuận cho Áo sáp nhập vào Đức, trở thành một tỉnh của Đức như các tỉnh khác. Nước Áo hoàn toàn bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Không ai biết được rằng thảm họa đang bắt đầu gieo rắc lên nước Áo cũng như nền hòa bình chung của châu Âu
1.3. Phản ứng của Ý và thái độ của Anh, Pháp
Có thực sự cần thiết phải nhượng bộ không? Có chọn lựa nào khác không? Những nhà nghiên cứu và sử gia có nhiều tranh luận về vấn đề này. Xét theo thái độ của Anh và Pháp khi đối mặt với Hitler, sẽ là hấp tấp nếu nghĩ rằng hai nước này có thể đến hỗ trợ Áo khi Hitller tấn công. Nhưng cho đến lúc này, Hitler chưa xâm phạm biên giới Áo, và cũng chưa chuẩn bị dư luận trong nước và thế giới cho hành vi hiếu chiến như thế. Quân đội Đức cũng chưa đủ sẵn sàng cho chiến tranh nếu Pháp và Anh can thiệp. Thế nhưng trước hành động gây chiến của Đức, bất chấp lợi ích dân tộc của Áo, các nước phương Tây lại phản ứng hết sức nhẹ nhàng. Thậm chí họ sẵn sàng hi sinh Áo để đổi lấy hòa bình cho nước mình, nhưng chính họ không biết rằng những gì họ nhận chỉ là những lời hứa ảo, không có giá trị.
Trong số các đại cường châu Âu, Hitler ngại nhất là phản ứng của Ý. Không phải vì đây là nước mạnh nhất mà vì Mussolini không chỉ nói suông mà còn hành động. Chắc hẳn Hitler chưa quên vụ sát hại Thủ tướng Áo Dolfuss, khi nhận được tin Duce điều 4 sư đoàn đến đèo Brenner nối liền hai nước. Do vậy, ngay trong ngày 11/3, Hitler cử hoàng thân Philip xứ Hesse, con rể vua Ý, bay sang Roma gặp Mussolini, ông tỏ thái độ thân thiện trước toàn bộ sự việc và tuyên bố chẳng thể làm được gì cho Áo. Sở dĩ “mối quan tâm của Ý về vấn đề này không còn mạnh mẽ như cách đây mấy năm, vì Ý đang hướng mọi cố gắng về phía Địa Trung Hải và các thuộc địa”. Mussolini chỉ khuyên là “nên để cho tình hình diễn biến một cách tự nhiên” để tránh các cuộc khủng hoảng thế giới. Trong trường hợp có khủng hoảng ở Áo, Ý sẽ không can thiệp và cần tránh hành động mà không có thông báo tình hình cho nhau. Như vậy, trên thực tế, Ý chấp nhận sự sáp nhập đó. Hitler cảm ơn Mussolini không phản ứng chống lại ông. Hitler cảm thấy nhẹ nhõm và vui mừng. Hitler nhấn mạnh thêm: “Một khi vụ việc Áo được giải quyết xong, tôi sẵn sàng đi với ông ấy đến tận cùng, bất kì chuyện gì xảy đến với tôi”
Cũng trong thời kì này chính sách của Anh thiên về hướng xoa dịu, Neville Chamberlain đã trở thành thủ tướng Anh tháng 5/1937 tách xa Eden, người chống lại mọi sự nhượng bộ của Ý và thay ông ta bằng Huân tước Halifax ngày 20/2/1938. Đại sứ Anh ở Berlin, Neville Henderson được coi là người thân Đức. Tất cả họ đều muốn cải thiện quan hệ với Đức, mặc dù biết rõ Đức cố tình gây sức ép lên Áo buộc chính phủ Schuschnigg phải trao chính quyền cho Quốc xã Áo, cách mà Hitler dùng để chiếm lấy nước Áo, nhưng vẫn xem như đó không phải là chuyện của mình, mà đó là cách giải quyết nội bộ giữa hai nước Đức – Áo với nhau. Có lẽ, do Anh ở quá xa Áo nên không hiểu hết địa chiến lược của Áo và cho rằng người Áo hoan nghênh việc sáp nhập thì thật là ngớ ngẩn để bảo vệ nền độc lập đó. Sự bỏ mặt của Anh đối với chủ quyền của Áo thật sự đã tạo điều kiện thúc đẩy Hitler phải chiếm được Áo càng nhanh càng tốt. Vì họ cho rằng “dù sao đi nữa, người Áo không phải là người Đức sao” . Đến khi Đức đánh chiếm Áo chính phủ Anh lên tiếng phản đối nhưng một động thái ngoại giao muộn màng như thế không làm cho Hitler phải lo lắng.
Còn Pháp lúc này đang trong tình trạng rối loạn, vô chính phủ. Thủ tướng Pháp Chautemps và nội các của ông từ chức vào ngày 10/3/1938 và sau khi Đức đã sáp nhập Áo thì chính phủ mới được thành lập do Léon Blum đứng đầu, vẫn giữ Delbos làm Bộ trưởng Ngoại giao. Nhưng Bộ trưởng Tài chính, Georges Bonnet vốn có ảnh hưởng lớn, là một người chủ trưởng xoa dịu, tán thành mối quan hệ kinh tế và văn hóa chặt chẽ hơn giữa Đức và Áo. Tất nhiên, vẫn chưa quá trễ để đưa ra một phản ứng quyết liệt. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ chính phủ mới không đi chệch hướng ra ngoài đường lối đối ngoại mà chính phủ tiền nhiệm đã theo. Với tâm lý an tâm phòng thủ kiên cố với phòng tuyến Maginot. Từ sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế, Paris chẳng dám thực hiện một động thái ngoại giao nào nếu không nhận được sự ủng hộ từ London. Theo tinh thần của hòa ước Saint – Germain ký năm 1920, nền độc lập của Áo đặt dưới sự “bảo trợ” của các đế quốc thắng trận, trước hết là Anh, Pháp. Đức thôn tính Áo có nghĩa là tấn công vào quyền lợi của Anh, Pháp ở đó. Thế nhưng, xuất phát từ mưu đồ chiến lược chống Liên Xô, Anh, Pháp đã thỏa hiệp với hành động xâm lược của Đức.
Tiệp Khắc, người bạn láng giềng của Áo, cũng không có hành động nào giúp đỡ. Trong lúc tiếp xúc với đại sứ Tiệp Khắc tại Berlin là Mastny ở buổi dạ tiệc tối ngày 11/3/1938, Göring đã đưa ra lời hứa danh dự rằng Tiệp Khắc chẳng có gì để lo lắng từ phía Đức: việc lính Đức xâm nhập lãnh thổ Áo “chỉ là công việc gia đình” . Hitler mong muốn cải thiện quan hệ với Tiệp Khắc, đồng thời mong Tiệp Khắc đảm bảo sẽ không động binh. Tin vào lời hứa đó, Tiệp Khắc đã xem quân Đức vào Áo chỉ là “chuyện gia đình”. Bản thân Tiệp Khắc không hiểu rằng, sau bản cáo chung của nước Áo, chính họ sẽ là miếng mồi tiếp theo trong kế hoạch chinh phục châu Âu của Hitler. Có lẽ Tiệp Khắc đã bỏ qua bài diễn văn của Hitler ngày 20/2/1938: “Hơn 10 triệu người Đức đang sống cạnh hai quốc gia có chung biên giới với chúng ta. Đây là điều mà tôi không muốn có bất kì sự nghi vấn nào: sự phân tích về chính trị không được bao hàm sự tước đoạt các quyền, tức là các quyền tự quyết nói chung. Đối với một cường quốc thế giới, không thể nào dung thứ chuyện những người anh em cùng chủng tộc đang sống bên cạnh lại hằng giờ hằng phút chịu đựng những nỗi khổ ải quá mức chỉ vì họ muốn gắn bó và thống nhất với cả dân tộc. Đế chế Đức có nghĩa vụ bảo vệ các dân tộc German không đủ sức duy trì, dọc theo biên giới chúng ta, quyền tự do chính trị và tinh thần của mình” . Ý tứ của bài diễn văn rất rõ ràng: hai quốc gia được đề cập là Áo và Tiệp Khắc và đó chính là nhiệm vụ của Đế quốc Đức Quốc xã. Cùng với Tây Ban Nha, phát xít sẽ làm thay đổi sự cân bằng về lực lượng ở Tây Âu và Địa Trung Hải có lợi cho phe Trục Rome – Berlin, cũng như cuộc xâm lấn nước Áo làm đảo lộn thế cân bằng ấy ở Trung Âu.
Trong khi đó, chính phủ Liên Xô đã đề xuất hội nghị các cường quốc, trong hoặc ngoài Hội Quốc liên để xem xét những biện pháp nhằm ngăn chặn sự hiếu chiến của Đức. Chamberlain tỏ ra thờ ơ với một hội nghị như thế, vị thủ tướng này không muốn sử dụng vũ lực và cũng không muốn phối hợp cùng với những cường quốc khác trong việc ngăn chặn động thái của Đức trong tương lai. Hiển nhiên là ông đã bỏ qua và xem nhẹ trục Roma – Berlin hoặc Hiệp ước Quốc tế Cộng sản Đức – Ý – Nhật. Thất bại của hội nghị đó, Liên Xô đã không làm gì hơn.
Có thể nói rằng sự “bình thản” của phương Tây, đặc biệt Anh, Pháp đã tiếp tay cho Hitler thực hiện đánh chiếm Áo. Nếu trong bối cảnh lịch sử đó, Anh, Pháp, Tiệp Khắc, thậm chí cả Liên Xô cùng có một tiếng nói cứng rắn phản đối hành động của Hitler thì Áo đã không phải mất chủ quyền, nhân dân thế giới cũng có thể đẩy lùi bước tiến kế hoạch gây chiến tranh của Hitler, và biết đâu sẽ không phải hứng chịu thảm cảnh khốc liệt của Chiến tranh thế giới thứ hai.
Như vậy, không cần bắn một phát súng và không có sự can thiệp của Anh, Pháp, Liên Xô và Tiệp Khắc là những nước vốn có lực lượng quân sự áp đảo, Hitler đã sáp nhập thêm 7 triệu dân vào Đế chế Đức. Đây cũng chính là bước đầu tiên trên con đường xây dựng Đế chế Đại Đức.
Việc sáp nhập này có ý nghĩa cực kì quan trọng cho những kế hoạch trong tương lai của Hitler. Với vị thế này, quân đội Đức chế ngự Tiệp Khắc ở ba mặt và Áo là cửa ngõ mở ra vùng Đông Nam châu Âu. Là thủ phủ của Đế quốc Áo – Hung ngày xưa, Wien đã từ lâu là trung tâm thông thương và mậu dịch của Nam và Đông Nam châu Âu. Bây giờ trung tâm này sẽ nằm trong tay Đức. Hitler kiểm soát vàng của Áo, giúp trả nợ thâm hụt trong quá trình tái vũ trang. Các ngành công nghiệp sắt và thép, được dùng trong quá trình sản xuất vũ khí. Điều này đem lại lợi ích cho nền kinh tế Đức. Mặt khác, việc thiết lập đường biên giới trực tiếp giữa Đức với Ý, Nam Tư và Rumani còn tạo điều kiện cho Đức khi cần thiết có thể nhanh chóng bành trướng ra ngoài toàn bộ bán đảo Balkan
Đây là lần đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức công khai vi phạm biên giới đã được ghi nhận rõ ràng trong Versailles. Liều thuốc thử này cho Hitler thấy rằng, Hitler sẽ không gặp trở ngại đáng kể nào từ các cường quốc tư bản phương Tây trong việc tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình là xâm chiếm Tiệp Khắc và mở rộng không gian sinh tồn ở phía Đông. Qua đó, ta thấy được cách đối phó thụ động của Anh, Pháp và thái độ bang quang của Liên Xô đã khuyến khích thêm sự lộng hành của Hitler.
2. Kế hoạch Xanh (xóa sổ Tiệp Khắc)
2.1. Địa chính trị của Tiệp Khắc
Tiệp Khắc được thành lập từ một số mảnh vỡ của Đế quốc Áo – Hung bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, được Pháp dựng lên như một khâu trong “vành 91 đai vệ sinh” nhằm ngăn chặn sự lan tỏa “bệnh dịch Bolshevik” vào châu Âu, bao vây nước Đức bại trận ở phía Đông Nam, là một trong những nền tảng an ninh đối với Pháp và là cơ sở căn bản nhất tạo dựng ảnh hưởng của Pháp ở Trung và Đông Nam châu Âu. Vị thế này đã được Pháp hợp pháp hóa bằng hiệp ước liên minh và hữu nghị kí ngày 25/1/1924 và hiệp ước tương trợ kí ngày 16/10/1925. Hiệp ước thứ hai qui định rõ ràng rằng nếu Đức có ý định xâm phạm biên giới Tiệp Khắc bằng một hành động vũ trang thì ngay lập tức Pháp sẽ trợ giúp Tiệp Khắc. Nước này gắn bó về mặt đối ngoại với Pháp đến mức ngày 16/5/1935 chỉ sau hai tuần khi Pháp xây dựng hệ thống an ninh tập thể ở châu Âu trong bối cảnh nguy cơ phát xít ngày càng lộ rõ, Tiệp Khắc kí với Liên Xô một hiệp ước tương trợ, nhưng hiệp ước này chỉ có giá trị pháp lý khi Pháp thực hiện Hiệp ước tương trợ Pháp – Tiệp Khắc.
Mặt khác, Tiệp Khắc là một trong những nước có tinh thần dân chủ cao nhất trong hàng ngũ các nước Đông Âu và có nền công nghiệp phát triển cao khi đó. Năm 1937, khai thác than của Tiệp Khắc đạt 27,5 triệu tấn, sản xuất gang đạt 1,7 triệu tấn, thép đạt 2,3 triệu tấn, và hàng năm sản xuất khoảng 14,6 ngàn chiếc ô tô. Máy bay do Tiệp Khắc chế tạo không hề thua kém về chất lượng so với máy bay của bất kì cường quốc châu Âu nào . Đặc biệt, Tiệp Khắc có một đội quân được trang bị vũ khí rất hiện từ nhà máy Skoda lừng danh thế giới, có đường biên giới được xây dựng và phòng thủ vững chắc bằng một chiến lũy không kém chiến lũy Maginot của Pháp.
Nhưng vấn đề nan giải nhất của Tiệp Khắc mà trong suốt 20 năm (1919-1939) vẫn chưa thể giải quyết được. Đấy là vấn nạn dân tộc thiểu số, là quốc gia đa dân tộc và các dân tộc này đều tha thiết với “đất mẹ” của họ. Tuy nhiên, người Đức ở Sudetenland chỉ thuộc về Áo, chưa bao giờ thuộc về Đế chế Đức. So với những dân tộc thiểu số ở phương Tây, những dân tộc thiểu số ở Tiệp Khắc không bị kém cỏi. Họ có quyền dân chủ, tự do cá nhân trọn vẹn ngay cả quyền được bầu cử, quyền được lập trường học riêng và duy trì cơ sở văn hóa của riêng họ. Lãnh tụ các dân tộc thiểu số thường là Bộ trưởng trong chính phủ trung ương. Những dân tộc thiểu số này bất mãn với tính hà khắc vụn vặt, tư tưởng ái quốc cực đoan và thiếu khôn khéo của quan chức địa phương người Séc, thái độ kỳ thị đôi lúc xảy ra ở thủ đô Praha. Sống trong các vùng Tây Bắc, Tây Nam công nghiệp hóa, họ giàu có lên, dần dần trở nên hòa thuận với người Séc, nhưng họ vẫn tiếp tục đòi hỏi thêm quyền tự trị, sự tôn trọng đối với các quyền về ngôn ngữ, văn hóa. Chính quyền Tiệp Khắc tỏ ra còn khá chậm chạp trong việc làm thỏa mãn một số điều trong các thỉnh cầu chính đáng của họ.
Tiệp Khắc là mối đe dọa đáng sợ sau lưng Đức nếu nước này lâm chiến bên cạnh Anh và Pháp. Vì Tiệp Khắc nằm ngay chính giữa Âu châu, biên giới lãnh thổ Đức, một vị trí đặc biệt quan trọng trong kế hoạch giành quyền thống trị lục địa châu Âu, một phần trong chiến lược thống nhất quốc gia của những người Aryen nói tiếng Đức. Tiệp Khắc không chỉ là một chướng ngại về quân sự đối với sự bành trướng của chủ nghĩa Quốc xã, mà còn là một nước dân chủ thực sự, là người bạn của Pháp và thiết lập một rào cản về chính trị bằng sự liên minh của nó với Pháp và Liên Xô. Đồng thời, Tiệp Khắc là bàn đạp đánh chiếm châu Âu, mở rộng không gian sinh tồn cho nước Đức. Chính vì thế, Hitler đã xếp Áo và Tiệp Khắc vào một trong những mục tiêu đầu tiên trong kế hoạch bành trướng ra ngoài phạm vi biên giới của năm 1919.
2.2. Kế hoạch Xanh
Do vị thế chiến lược quan trọng của Tiệp Khắc, tháng 3/1938, Hitler đe dọa trực tiếp đòi nước này từ bỏ chủ quyền đối với Sudetenland (Bohemia, Moravia và một phần Silesia chung quanh dãy núi Sudetenland) có người Đức đang sinh sống. Hitler nói rằng: “Tôi không chấp nhận với bất kì giá nào, đứng nhìn như một khán giả, sự áp bức các người anh em Đức của chúng ta ở Tiệp Khắc. Những người Đức đang sống ở Tiệp Khắc không phải là cô đơn hay không có ai bảo vệ. Toàn thể hoàn cầu nên ghi nhận rõ điều này”
Những người Đức ở Sudetenland có lẽ sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu họ biết được các chương trình, kế hoạch chưa lần nào đề cập đến những quyền lợi và hoài bão của họ mà nhắm đến sự hủy diệt Tiệp Khắc. Lợi dụng mâu thuẫn trong vấn đề dân tộc ở Tiệp Khắc, Hitler đã ủng hộ những người thân Quốc xã thành lập Đảng người Đức Sudetenland (SDP) do Konrad Henlein lãnh đạo với mục đích truyền bá virus Quốc xã vào cộng đồng người Đức ở Tiệp Khắc, kích động họ chống lại chính phủ Tiệp Khắc, đòi sáp nhập vào Đế chế thứ ba của mình. Theo tính toán của Hitler cũng như các tướng lĩnh, muốn đánh thắng Tiệp Khắc cần phải thực hiện với tốc độ nhanh, gọn, và có thể tiến hành sớm nhất vào năm 1938. Họ đã đưa ra ba phương án gây chiến với Tiệp:
Một, đánh bất ngờ không cần xem xét thái độ cũng như dư luận thế giới. Nhưng sau khi nghĩ lại ông loại bỏ phương án này bởi nếu hành động như vậy sẽ làm cho dư luận thế giới phản đối mạnh mẽ, thậm chí kế hoạch đánh chiếm Tiệp Khắc sẽ thất bại.
Hai, tiến hành đàm phán chính trị, đưa Tiệp Khắc vào tình hình khủng hoảng sau đó hành động. Nhưng rồi Hitler tiếp tục loại bỏ phương án này bởi làm như vậy thì Tiệp Khắc sẽ có cơ hội củng cố an ninh, Đức sẽ khó giành thắng lợi.
Ba, Đức sẽ hành động “sấm sét” dựa trên một sự cố. Điều này có nghĩa là Đức sẽ đạo diễn tạo ra một “sự cố”, sau đó tiến hành đánh chiếm Tiệp Khắc chớp nhoáng. Như vậy, Đức sẽ có một lý do chính đáng để đánh Tiệp Khắc đồng thời Tiệp Khắc cũng không có thời gian để chuẩn bị chống đỡ, và thắng lợi nhất định sẽ thuộc về Đức
Phương án ba là lý tưởng nhất, một hành động chớp nhoáng sau một biến cố, sẽ cấu tạo nên một sự khiêu khích không tài nào dung tha nổi đối với Đức và cho phép Đức có quyền can thiệp bằng vũ lực (ví dụ như cuộc ám sát vị đại sứ của Đức ở Prague, sau một cuộc biểu tình của người Đức). Người ta tự hỏi viên đại sứ Đức ở Prague sẽ suy nghĩ và nói năng ra sao khi biết được là vị thủ lĩnh của mình lại trù tính một cách nông nổi là ám sát người của mình để cấu thành nên một yếu tố cần thiết? Không những không lấy thế làm khó chịu, quân đội lại còn bắt tay vào việc rất hăng say.
Kế hoạch đã chuẩn bị xong, nhận chỉ thị của Hitler, Henlein “đưa ra những đòi hỏi quá mức đến nỗi không ai có thể thỏa mãn chúng”. Đòi hỏi chủ yếu là phục hồi sự bình đẳng hoàn toàn giữa nhóm dân tộc Đức và dân tộc Tiệp Khắc, thành lập chính phủ tự trị trong vùng Sudetenland, một đạo luật bảo vệ những người Đức Sudetenland sống ngoài khu vực đó, sửa chữa những lỗi lầm đã gây ra đối với họ từ năm 1918, việc tự do đi theo tư tưởng Quốc xã, bố trí những viên chức nói tiếng Đức ở vùng Sudetenland. Đúng như ý nguyện của Hitler, cuộc khủng hoảng ở Tiệp Khắc trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết
Ngày 19/5/1938, Hitler đã bắt đầu tăng cường tập trung quân ở biên giới tiếp giáp với Tiệp Khắc, đồng thời SDP cũng cắt đứt các cuộc đàm phán với chính phủ Tiệp Khắc. Điều này gây nên sự bất bình mạnh mẽ ở Tiệp Khắc. Dưới áp lực của quần chúng, chính phủ Tiệp Khắc đã phải huy động quân dự bị và ngày 21/5/1938 đưa quân đội của mình vào khu vực Sudetenland, đồng thời tăng cường phòng thủ tuyến biên giới. Hành động có vẻ kiên quyết này của chính phủ Tiệp Khắc đã làm cho các chính quyền ở London và Paris không hài lòng, nhưng họ buộc phải cảnh báo Đức biết rằng, nếu Đức tấn công Tiệp Khắc thì xung đột lớn có thể xảy ra và Anh, Pháp không thể làm ngơ. Những động thái trên buộc Hitler tạm ngừng tăng áp lực và ra lệnh cho quân đội rút khỏi vùng biên giới Tiệp Khắc. Cái gọi là “Cuộc khủng hoảng tháng Năm” (1938) được giải tỏa. Hitler nhận ra rằng mình không thể gây hấn một cách dễ dàng như ở Áo. Như vậy, nếu các cường quốc phương Tây trước hết là Anh, Pháp và các lực lượng chống phát xít, chống chiến tranh thực sự đoàn kết trong một liên minh mạnh, thì chính quyền Quốc xã của Hitler khó có điều kiện lộng hành ở châu Âu nhưng một liên minh như thế không thực hiện được. Thay vào đó là chính sách tiếp tục thỏa hiệp của Anh, Pháp đối với chính quyền Quốc xã
Không lâu sau đó, ngày 30/5/1938, Hitler tiếp tục đưa ra chỉ thị chuẩn bị “Kế hoạch Xanh”: “Tôi đã quyết định một cách bất di bất dịch hủy diệt Tiệp Khắc bằng một giải pháp quân sự trong một ngày rất gần đây. Vậy chúng ta chỉ cần nhận thức, hay nếu cần thiết, tạo ra một cơ hội thuận lợi về phương diện chính trị và quân sự. Mọi sự chuẩn bị cho công cuộc này cần phải bắt đầu ngay tức khắc”
Về phía mình, chính phủ Anh không chịu ngồi yên, cố gắng làm trung gian hòa giải. Ngày 3/8/1938, Nam tước Runciman đã được cử tới Praha với vai trò trung gian trong cuộc đàm phán giữa chính phủ Tiệp Khắc và SDP. Runciman sử dụng lợi thế của mình để gây áp lực với chính phủ Tiệp Khắc theo hướng thỏa mãn những yêu sách của SDP và Hitler. Tất nhiên, ông ta đã được sự ủng hộ của chính phủ mình và chính phủ Pháp. Trong báo cáo gửi chính phủ, Runciman viết: “Tôi tin rằng những lời than oán của họ (người gốc Đức ở Sudetenland) là có cơ sở rõ ràng. Trong chuyến đi tìm hiểu, tôi không thấy chính phủ Tiệp Khắc tỏ ra sẵn sàng, làm tan biến các nguyên nhân của những lời than oán đó theo một cách thức tương đối thỏa đáng. Do vậy, tôi tin rằng miền biên giới đó cần được Tiệp Khắc hoàn trả cho Đức ngay lập tức bằng một thỏa ước giữa hai chính phủ”
Sau đó, lập trường của Anh được bộc lộ rõ hơn trong một bài xã luận trên báo The Times số ra ngày 7/9/1938: “ Chính phủ Tiệp Khắc có lẽ nên xem xét xem có nên bác bỏ hoàn toàn đề nghị đó là tạo cho nhà nước Tiệp Khắc vẻ thuần khiết hơn bằng cách nhượng cho nước láng giềng dải đất đang là nơi sinh sống của dân tộc gắn bó với nước lân bang đó về mặt chủng tộc. Đối với người Tiệp Khắc, việc trở thành một nhà nước thuần nhất bằng cách làm này sẽ bù đắp đáng kể cho sự thiệt thòi là mất vùng đất biên giới của người Đức ở Sudetenland” . Bài xã luận này không nhắc gì đến yếu tố hiển nhiên là khi nhượng Sudetenland cho Đức, Tiệp Khắc sẽ mất đi vùng núi bảo vệ Bohemia và hệ thống công sự của họ, khiến cho nước này không thể phòng vệ chống Đức được nữa.
Sau đó, lập trường của Anh được bộc lộ rõ hơn trong một bài xã luận trên báo The Times số ra ngày 7/9/1938: “ Chính phủ Tiệp Khắc có lẽ nên xem xét xem có nên bác bỏ hoàn toàn đề nghị đó là tạo cho nhà nước Tiệp Khắc vẻ thuần khiết hơn bằng cách nhượng cho nước láng giềng dải đất đang là nơi sinh sống của dân tộc gắn bó với nước lân bang đó về mặt chủng tộc. Đối với người Tiệp Khắc, việc trở thành một nhà nước thuần nhất bằng cách làm này sẽ bù đắp đáng kể cho sự thiệt thòi là mất vùng đất biên giới của người Đức ở Sudetenland” [12,174]. Bài xã luận này không nhắc gì đến yếu tố hiển nhiên là khi nhượng Sudetenland cho Đức, Tiệp Khắc sẽ mất đi vùng núi bảo vệ Bohemia và hệ thống công sự của họ, khiến cho nước này không thể phòng vệ chống Đức được nữa.
Mặc dù theo chủ nghĩa biệt lập nhưng Mĩ không hẳn là đứng ngoài, bằng những biện pháp khác nhau, Mĩ thực tế cũng đã gây áp lực với chính quyền Tiệp Khắc. Chẳng hạn, đại sứ Mĩ ở Berlin là Wilson đã từng thuyết phục Tổng thống Benès rằng những đòi hỏi mà phần tử thân Quốc xã ở Sudetenland đưa ra chẳng qua chỉ nhằm mục đích cải thiện điều kiện sống của người gốc Đức ở Tiệp Khắc; rằng nước Đức chẳng qua cũng chỉ muốn tiến tới thủ tiêu Hiệp ước Xô – Tiệp (1935). Từ đó, đại sứ Wilson đã “khuyên” Tổng thống Benès không nên hy vọng gì vào sự giúp đỡ từ phía Mĩ
Sau đó, ngày 12/9/1938, Hitler đọc bài diễn văn rất kích động tại Hội nghị toàn quốc Đảng Quốc xã diễn ra ở Nuremberg. Hitler tuyên bố rằng người Đức ở Sudetenland bị “tra tấn” và tự họ không thể bảo vệ được mình. Vì vậy, Đức sẽ đảm nhận việc đó. Các dân tộc phải tự quyết định số phận của mình, nghĩa là mọi giải pháp tự trị trong khuôn khổ của quốc gia Tiệp Khắc là chưa đủ. Ngay hôm sau, các vụ biến loạn mới lại nổ ra khắp nơi ở Sudetenland, có thể đây là âm mưu nổi dậy có tổ chức nhưng thất bại. Tối ngày 14/9 chính phủ Tiệp Khắc đã lập lại trật tự và kiểm soát tình hình.
Các diễn biến trên có hai hậu quả trước mắt. Một mặt, Runciman cho rằng vai trò làm trung gian của mình đã chấm dứt. Mặt khác, ngày 13/9 Chamberlain gửi một bức thông điệp cho Hitler gợi ý ông sẽ đáp máy bay đến gặp Hitler vào ngày mai. Chamberlain sợ rằng người Sudetenland có những hành động không thể sửa được. Hitler chấp nhận và tỏ ý sẵn sàng gặp Chamberlain ngày 15/9. Ngay trong ngày 14/9, Henlein cắt đứt thương lượng với chính phủ Tiệp Khắc, công khai đề nghị sáp nhập vùng Sudetenland vào Đức
Để chống lại kế hoạch của Hitler, một số tướng lĩnh của Đức cầm đầu là tướng Beck, người đã từ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội ngày 18/8, lên kế hoạch bắt giữ Hitler khi Hitler từ Nuremberg trở về Berlin vào ngày 14/9, để tỏ thái độ phản đối kế hoạch xâm chiếm Tiệp Khắc. Nhưng kế hoạch không thực hiện được bởi Hitler không về thủ đô mà đi Berchtesgaden để tiếp Chamberlain. Tại cuộc tiếp xúc đó, Chamberlain đề nghị với Hitler một quan hệ giao hảo giữa Anh và Đức. Và Hitler đồng ý vì đó là ý nguyện của Hitler. Đồng thời, Hitler bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề Sudetenland, hơn 300 người Đức đã bị giết, cần phải giải quyết ngay vấn đề này là sáp nhập Sudetenland vào Đức. Nói cách khác, Hitler công khai đòi thôn tính vùng Sudetenland. Chamberlain đồng ý với quan điểm của Hitler nhưng ông không thể tự mình quyết định, mà còn phải tham khảo ý kiến của Pháp và Anh, và Chamberlain nói thêm với tư cách cá nhân ông ta chấp nhận quan điểm của Hitler
Ngày 16/9, Chamberlain trở về London và triệu tập nội các cùng ông Runciman để nghe và cho ý kiến về yêu sách của Hitler. Trong khi Chamberlain chưa thể tự mình quyết định thì Runciman với sự hăng say muốn xoa dịu Hitler đã đề xuất giao lãnh thổ Sudetenland cho Đức mà không cần trưng cầu dân ý và Tiệp Khắc phải cam kết sẽ không tấn công các nước láng giềng. Chính những đề xuất lạ lùng này gây ấn tượng cho nội các Anh và thôi thúc Chamberlain chấp nhận yêu sách của Hitler. Riêng Pháp vẫn chưa thống nhất quan điểm có nên hoàn thành nghĩa vụ đã cam kết với Tiệp Khắc trong trường hợp xảy ra một cuộc tiến công của Đức không. Thủ tướng Pháp Daladier và Ngoại trưởng Pháp Bonnet đến London ngày 18/9 để hội ý với nội các Anh. Cả Anh và Pháp đều muốn tránh chiến tranh nên nhanh chóng đưa ra những đề xuất chung buộc Tiệp Khắc buộc phải chấp nhận: những miền đất trong vùng Sudetenland có trên 50% dân số là người Đức sẽ được chuyển giao cho Đức mà không cần tổ chức trưng cầu dân ý. Đối với những địa phương có dưới 50% người Đức, chúng sẽ được một ủy ban gồm ba thành viên: 1 Tiệp Khắc, 1 Đức, 1 trung lập giải quyết sau; Tiệp Khắc “từ đây sẽ duyệt lại chính sách đối ngoại sao cho các nước láng giềng an tâm rằng dù trong bất kì trường hợp nào nữa, Tiệp Khắc sẽ không tấn công họ hay tham gia vào một hoạt động gây chiến chống họ, phát xuất từ các nghĩa vụ mà Tiệp Khắc đã cam kết với những nước khác” . Bù lại Anh, Pháp thỏa thuận tham gia đảm bảo quốc tế cho các đường biên giới mới của Tiệp Khắc chống lại mọi cuộc tiến và “cam kết này sẽ thay thế cho các hiệp ước tương trợ mà Tiệp Khắc đã kí với Pháp và Liên Xô” [12,176]. Sau khi hội ý, Anh và Pháp không tham khảo ý kiến Tiệp Khắc mà gửi ngay một tối hậu thư cho Tổng thống Benès: “Cả hai chính phủ Pháp và Anh nhận thấy chính phủ Tiệp Khắc phải hy sinh lớn lao cho sự nghiệp hòa bình. Nhưng bởi vì đấy là mục đích cho châu Âu nói chung và cho chính phủ Tiệp Khắc nói riêng, hai chính phủ có bổn phận phải thẳng thắn đặt ra những điều kiện thiết yếu để đạt mục đích này”
Trước tình thế đó, chính phủ Tiệp Khắc yêu cầu một câu trả lời dứt khoát từ phía Liên Xô, có sẵn sàng giúp đỡ Tiệp Khắc khi Pháp từ chối không tuân thủ. Và sẽ giúp đỡ bằng cách nào. Ngày 21/9/1938, dưới sự chỉ thị từ Moskva, Alexandrovsky, đại sứ Liên Xô ở Praha đã trả lời: “Nếu xảy ra một cuộc chiến tranh, mà trong đó Đức là kẻ xâm lược, chính phủ Tiệp Khắc chỉ cần đưa ra một lời khiếu nại chính thức ở Geneva và thông báo cho Liên Xô, nước này sẽ ngay lập tức hoàn thành nghĩa vụ của mình”. Rõ ràng với câu trả lời này, Liên Xô sẵn sàng giúp Tiệp Khắc trong trường hợp Pháp không tuân thủ hiệp ước tương trợ. Nhưng cũng trong ngày này, dân ủy ngoại giao Liên Xô Litrinov đã tuyên bố ở Hội Quốc liên rằng: “Liên Xô có sẽ mang đến, trong khuôn khổ của Hiệp ước tương trợ Xô – Tiệp, cho Tiệp Khắc sự giúp đỡ có hiệu quả và ngay tức thì trong trường hợp Pháp, trung thành với các cam kết của mình, sẽ mang đến cho Tiệp Khắc sự giúp đỡ tương tự.” . Nhưng tuyên bố này lại ngược hoàn toàn với câu trả lời trên. Vậy thì, Liên Xô chẳng đời nào chịu chìa tay giúp Tiệp Khắc nếu Anh và Pháp không có những hành động tương tự
Ngày 21/09/1938, Benès chấp nhận những điều khoản của Pháp và Anh, nhưng đã gợi cho cả thế giới một bức thư kháng nghị đối với quyết định mà ông ta buộc phải chấp nhận và “bất chấp sự kiện là chính phủ ở Praha chưa được tham vấn trước” . Tuy nhiên, Benès cố khiếu nại về hai điều kiện: quân Đức không được vào Tiệp Khắc và nước Anh phải bảo đảm những biên giới mới của Tiệp Khắc
Ngày hôm sau, khi Chamberlain gặp lại Hitler ở Godesberg để thông báo sự đầu hàng của Benès, Hitler cảm thấy kinh ngạc vì các nhượng bộ của mình đi xa như thế và đến nhanh như thế. Hitler nhẹ nhàng trả lời: “Tôi rất đỗi xin lỗi ngài, nhưng biến cố của những ngày vừa qua, giải pháp giải này không còn giá trị nữa” , bởi vì mục tiêu của Hitler là “đập tan Tiệp Khắc bằng một hành động quân sự” . Hitler trao cho Chamberlain một “bản ghi nhớ ở Godesberg”, đòi “cuộc rút lui các lực lượng Tiệp Khắc sẽ bắt đầu ngày 26/9/1938 và kết thúc vào ngày 28/9/1938 là thời hạn lãnh thổ triệt thoái sẽ trao lại cho Đức” , yêu 99 cầu toàn bộ vấn đề phải được giải quyết trong ngày 1/10/1938. Nếu muốn tránh chiến tranh Tiệp Khắc phải rút ngay lập tức khỏi các khu vực phải nhân nhượng và để quân Đức tiến vào chiếm đóng. Chamberlain phản bác những yêu sách này vì nó giống như một tối hậu thư hơn là một bản ghi nhớ. Trước tình hình đó, Tiệp Khắc ra lệnh động viên, Pháp và Anh bảo đảm sẽ giúp đõ. Riêng Liên Xô ngày 3/9/1938, báo cho Hitler biết là không được đụng tới Tiệp Khắc. Một lần nữa, sự đoàn kết được thực hiện giữa các nước đồng minh, và một lần nữa mọi người ở ngay bờ vực của chiến tranh.
Trước tình thế bất lợi đó, ngày 27/9, Hitler “cân nhắc xem có nên tiếp tục nỗ lực, đưa chính phủ Praha đến chỗ biết điều vào giờ chót” . Trong tâm trạng rối bời, Chamberlain chộp ngay lời đề nghị này: “Sau khi đọc xong bức thư của ngài, tôi tin chắc rằng ngài có thể nhận được điều cần thiết mà không cần đến chiến tranh và phải đợi lâu. Tôi sẵn sàng đích thân đến Berlin ngay để bàn thảo các biện pháp cần thiết cho việc nhượng đất, với ngài và với các đại diện của chính phủ Tiệp Khắc, đồng thời với cả đại diện Pháp và Ý. Tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được một giải pháp trong thời hạn 8 ngày” . Lời tuyên bố của Hitler đã khơi mào cho Hội nghị Munich với sự tham gia của một nước đồng minh (Ý), một nước đang bấu chặt vào chủ trương xoa dịu đến mức ôn hòa (Anh), một nước không đủ quyết tâm xác lập vị thế đối ngoại độc lập (Pháp), còn Liên Xô và Tiệp Khắc đã bị loại khỏi hội nghị ngay từ đầu.
2.3. Hội nghị Munich
Ngày 29/9/1938, Hội nghị tại Munich khai mạc do Đức triệu tập gồm: Hitler – Quốc trưởng nước Đức, Mussolini – Thủ tướng Ý, Chamberlain – Thủ tướng Anh và Daladier – thủ tướng Pháp để quyết định số phận của Tiệp Khắc. Đại biểu Tiệp Khắc không được mời tham dự, chỉ được triệu tập đến để nghe kết quả.
Các cuộc thảo luận chỉ có tính thủ tục nhằm thực hiện chính xác những gì Hitler muốn vào thời điểm ông muốn. Công việc tiến hành một cách xuề xòa, và xét theo biên bản buổi họp được tịch thu sau chiến tranh, thủ tướng Anh và thủ tướng Pháp khá sẵn lòng đồng ý với Hitler.
Hội nghị bắt đầu công việc thật sự khi Mussolini, người phát biểu thứ ba – Daladier được để sau cùng – nói “nhằm mang đến một giải pháp thực tế cho vấn đề” , là kế hoạch dung hòa của chính ông đã được vội vã soạn thảo ngày hôm trước tại Bộ Ngoại giao Đức. Các tác giả là Göring, Neurath và Weizsäcker làm việc sau lưng Ribbentrop, vì ba người không tin tưởng nơi phán xét của ông này. Göring mang bản văn đến trình Hitler, ông này chấp nhận, rồi TS. Schmidt vội vã dịch sang tiếng Pháp. Kế hoạch được trao cho Đại sứ Ý Attolico, và người này đọc nội dung qua điện thoại cho Mussolini nắm bắt ở Rome ngay trước khi ông lên đường đi Munich.
Vì các bên đều hoan nghênh “đề xuất của Ý,” chỉ cần thảo luận các chi tiết thi hành. Chamberlain – nguyên là doanh nhân và cựu Bộ trưởng Tài chính – muốn biết ai sẽ đền bù cho tài sản công được chuyển giao cho Đức. Có vẻ mệt nhọc và cũng bực dọc vì không thể theo dõi các câu trao đổi bằng tiếng Pháp và Anh, Hitler trả lời ngay là không có đền bù gì cả. Khi Chamberlain phản đối điều khoản quy định người Tiệp Khắc không được mang theo bất cứ gì khi rút đi khỏi Sudetenland, Hitler lớn tiếng: “Không nên phí thời giờ quý báu của chúng ta vào chuyện vụn vặt như thế” . Vị thủ tướng Anh bỏ qua vấn đề. Nhưng ông đòi hỏi phải có mặt đại diện của Tiệp Khắc. Ông nói nước ông “không thể đảm bảo người Tiệp Khắc sẽ rút lui xong xuôi vào ngày 1/10 nếu chính phủ Tiệp Khắc không cam kết việc này” . Daladier tỏ ý ủng hộ tuy không nhiệt tình lắm.
Nhưng Hitler vẫn khăng khăng. Ông sẽ không cho phép người Tiệp Khắc đến với sự hiện diện của ông. Daladier ngoan ngoãn chịu thua, nhưng Chamberlain cuối cùng đạt được một ít nhượng bộ. Hội nghị đồng ý rằng một đại diện của Tiệp Khắc có thể chờ đợi trong phòng bên cạnh như Chamberlain đề nghị.
Số phận Tiệp Khắc đã được định đoạt chỉ trong vài giờ đồng hồ, đến 22 giờ cùng ngày, Sir Horace Wilson đến thông báo kết quả cho hai quan chức Tiệp Khắc là Vojtech Mastny và Hubert Masarik, vừa nói, Wilson vừa rải rộng tấm bản đồ mang theo. Hai quan chức Tiệp Khắc chăm chú nhìn kĩ các đốm tô màu đỏ chỉ những phần lãnh thổ được cắt chuyển cho Đức, Msatny thảng thốt kêu lên: “Thật là quá đáng! Đúng là sự hung ác và ngu xuẩn! Chẳng những nhượng đất của chúng tôi, các ngài còn hi sinh luôn cả chiến lũy của chúng tôi. Ngài nhìn xem, đây là hệ thống phòng thủ của chúng tôi, đây, đây, rồi đây nữa”. Ông vừa nói vừa dùng ngón tay vạch trên bản đồ: “Tất cả bị giao cho bọn Quốc xã” . Nụ cười tắt hẳn trên môi Wilson, ông ta nói:
“Nếu các ông không chấp nhận, các ông sẽ giải quyết chuyện của các ông với người Đức mà không có chúng tôi. Có lẽ người Pháp sẽ nói với các ông điều này một cách nhỏ nhẹ hơn, nhưng các ông nên tin tôi là họ cùng quan điểm với chúng tôi. Họ không quan tâm”
Việc tranh cãi cũng vô ích, 2 giờ 30 phút ngày 30/9/1938, Hiệp ước Munich đã kí xong. Hiệp ước này qui định Tiệp Khắc phải cắt toàn bộ Sudetenland cho Đức trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 1/10/1938, quân đội Tiệp Khắc sẽ rút khỏi vùng Sudetenland, việc rút lui phải hoàn thành trước ngày 10/10. Và quân Tiệp Khắc không được phá hoại một vật gì trước khi rút lui. Anh, Pháp, Đức, Ý, Tiệp Khắc tổ chức một Ủy ban Quốc tế để quy định cách rút lui cho quân Tiệp Khắc và tổ chức trưng cầu dân ý chậm nhất là cuối tháng 11 ở những vùng không rõ tỷ lệ của các dân tộc. Sáu tháng sau khi kí bản hiệp ước, dân chúng ở vùng bị cắt được quyền tự do ở hay đi. Biên giới giữa Đức và Tiệp Khắc cũng do một Uỷ ban Quốc tế quy định. Chính phủ Tiệp Khắc phải phóng thích những người bị bắt ở Sudetenland
Ngoài những điểm chính này, Hội nghị Munich còn buộc Tiệp Khắc phải hủy bỏ hiệp ước tương trợ giữa Tiệp và Liên Xô. Và phải cắt cho Ba Lan, Hungary những vùng lãnh thổ đã được xác định trước đó trong thời hạn 3 tháng.
Để đổi lại, Hitler đã kí với Anh bản tuyên bố không xâm lược lẫn nhau giữa Đức và Anh. Hai bên cam kết sẽ giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng con đường hòa bình. Chamberlain tuyên bố:
Chúng tôi, Lãnh tụ, thủ tướng Đức và thủ tướng Anh, đã gặp gỡ thêm hôm nay và nhất trí nhận định rằng mối bang giao Anh – Đức có tầm quan trọng bậc nhất cho hai quốc gia và cho châu Âu. Chúng tôi xem hiệp ước đã ký kết tối hôm qua và Hiệp định hải quân Anh – Đức là biểu tượng cho lòng mong mỏi của hai dân tộc chúng tôi là sẽ không bao giờ gây chiến với nhau nữa. Chúng tôi khẳng định sẽ áp dụng phương pháp tham vấn về đối phó với bất kỳ vấn đề nào khác có thể liên quan đến hai nước chúng tôi, và chúng tôi nhất quyết tiếp tục nỗ lực nhằm loại ra những bất công, và qua đấy đóng góp đảm bảo nền hòa bình châu Âu. Hitler đọc qua bản tuyên bố và nhanh chóng ký vào. Cảm tưởng của TS. Schmidt là Lãnh tụ đồng ý không chút ngần ngại, chỉ để làm vui lòng Chamberlain”, và ông này “cám ơn Lãnh tụ một cách nồng hậu.
Cái giá mà Anh nhận được từ việc chính quyền Chamberlain bán rẻ quyền lợi của Tiệp Khắc là ngày 30/9/1938, Hitler đã kí với Chamberlain bản tuyên bố không xâm phạm lẫn nhau giữa Đức và Anh. Hiệp ước được ký kết mà không tham khảo ý kiến chính phủ Pháp. Chamberlain được đón tiếp nhiệt liệt London, nơi mà ngay khi ông về nước đã có một lời tuyên đoán như sau: “Các bạn thân mến, đây là lần thứ hai trong lịch sử nước ta, hòa bình trong danh dự lại được mang từ Đức về phố Downing, tôi tin rằng nền hòa bình lần này sẽ kéo dài suốt cả cuộc đời chúng ta”. Sự thật là ông ta vấp phải sự chống đối mạnh mẽ ở ngay trong Đảng Bảo thủ. Sau Eden vài tháng, Duff Cooper từ chức Tổng Tư lệnh hải quân, Churchill tuyên bố Hội nghị Munich là mối thảm họa có qui mô lớn nhất và ông tiên đoán nước Tiệp Khắc sẽ bị tiêu diệt. Về phía Pháp, Daladier không chia sẽ niềm lạc quan của Chamberlain. Ông cảm thấy rằng nước Pháp đã đánh mất uy tín của nó khi họ bỏ rơi một đất nước từng giao kết liên minh với mình. Ở Pháp đã xuất hiện trào lưu mạnh mẽ “chống Munich” trong các đảng phái. Tuy nhiên, ngày 6/12/1938, một hiệp ước có nội dung tương tự cũng đã được kí giữa Pháp và Đức tại Paris.
Cả Chamberlain và Daladier đều được đón tiếp như những sứ giả của hòa bình tại Anh và Pháp – những người dường như đã có công cứu châu Âu ra khỏi thảm họa của một cuộc chiến tranh lớn. Nhưng cũng chính tại Anh và Pháp, dư luận đông đảo, kể cả những chính khách nổi tiếng như Churchill đã sớm nhận thấy tính chất thỏa hiệp vô nguyên tắc của Hiệp ước Munich sẽ dẫn châu Âu tới thảm họa khôn lường. Dù vậy, những kẻ chống Liên Xô và chủ nghĩa xã hội khi đó đã tỏ ra hoan hỉ với “chính sách Munich” tin rằng đã chuyển hướng chiến tranh từ phía Tây sang phía Đông. Những kẻ chủ mưu của “chính sách Munich” hi vọng rằng, bằng việc bán rẻ quyền lợi của Tiệp Khắc cho Hitler, họ không những sẽ tránh được một cuộc chiến tranh với Đức Quốc xã, mà còn đẩy Đức vào chiến tranh lớn chống Liên Xô để họ có thể “tọa sơn quan hổ đấu” mà hưởng lợi. Nhưng những tính toán này không dễ dàng thành hiện thực như họ mong muốn. Hiệp ước Munich là đỉnh cao nhất của chính sách thoả hiệp mà các cường quốc tư bản phương Tây thi hành trong nhiều năm nhằm tránh một cuộc chiến tranh với nước Đức phát xít và chĩa mũi nhọn chiến tranh về phía Liên Xô.
Ngay sau khi Hiệp ước Munich được kí kết, Tổng thống Tiệp Khắc Benès và một loạt chính khách khác của Tiệp Khắc đã lưu vong ra nước ngoài (sang Anh hoặc Mĩ). Thay thế vào đó là các chính khách có tư tưởng thân Đức rõ rệt, đứng đầu là Tổng thống Emile Hácha, Thủ tướng Béran và Ngoại trưởng Chvalkovsky. Trong bối cảnh đó, Hitler càng không đếm xỉa gì đến Hiệp ước Munich, đã tăng cường chiếm toàn bộ Tiệp Khắc, và tin rằng sẽ không gặp trở ngại nào đáng kể từ phía Anh, Pháp. Vấn đề chỉ còn là thời gian và nguyên cớ để thôn tính.
Đúng là quá khắc nghiệt đối với Tiệp Khắc, nhưng dẫu sao người ta vẫn thấy nhẹ nhõm hơn nhiều, nhất là nhân dân Pháp đều nhìn vào Hội nghị Munich với niềm mong mỏi chính phủ Pháp sẽ giải quyết ổn thỏa để tránh thế chiến tái diễn ngay trên đất họ. Do vậy, nó được mệnh danh là hội nghị hòa bình. Nhưng sự đầu hàng của Tiệp Khắc mở ra cơn lũ lớn. Trong 6 tháng sau đó, Anh và Pháp chẳng làm gì để chỉnh đốn các vị thế đang lâm nguy của mình; ngược lại, Đức đạt được những bước quan trọng trên con đường tái vũ trang. Và với kinh tế và tài chính đoạt được của Áo và Tiệp Khắc, Đức có một vị thế chiến lược ổn định.
Tuy nhiên, những mảnh đất đó không thể làm thỏa mãn tham vọng của Hitler. Khi họp với thủ tướng Hungary ngày 20/9/1938, ông đã phát biểu, cách tốt nhất là “trừ khử Tiệp Khắc” và xem đó là “giải pháp thỏa đáng duy nhất” . Tuy nhiên, theo Hiệp ước Munich thì đế chế của ông chỉ mới có được phần đất nhỏ bé ở Sudetenland. Hitler nói với các tướng lĩnh rằng ông không thể hài lòng với lãnh thổ Sudetenland, đấy chỉ là giải pháp nửa vời. Do đó nhiệm vụ của Hitler sau khi ký kết Hiệp ước Munich phải tìm mọi cách để chiếm được toàn bộ Tiệp Khắc. Đây chính là điều Hitler mong muốn ngay từ đầu, như ông đã liên tục thổ lộ với tướng lĩnh từ lúc phát biểu với họ ngày 5/11/1937. Lúc ấy ông đã giải thích rằng việc thôn tính Áo và Tiệp Khắc chỉ là bước đầu để mở rộng không gian sinh sống về miền Đông và tính sổ với Pháp bằng quân sự ở miền Tây
2.4. Hậu quả của Hiệp ước Munich
Tất cả tướng lĩnh thân cận với Hitler và sống sót sau chiến tranh đều đồng ý là nếu không có Hiệp ước Munich, Hitler hẳn đã tấn công Tiệp Khắc ngày 1/10/1938, và họ nghĩ rằng dù lúc đầu có lưỡng lự, cuối cùng Anh, Pháp và Liên Xô sẽ bị cuốn hút vào chiến tranh. Và các tướng lĩnh Đức đều nhất trí với nhau rằng Đức sẽ bại trận, và bại trận nhanh chóng. Người đứng đầu nhóm này là Thống chế Wilhelm Keitel (Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Đức), trong Tòa án Nuremberg, khi được hỏi về phản ứng của tướng lĩnh Đức đối với Hiệp ước Munich, Keitel trả lời: “Chúng tôi rất đỗi vui mừng là việc này không dẫn đến chiến dịch quân sự bởi vì chúng tôi luôn nghĩ rằng chúng tôi không có đủ phương tiện để đánh phá những công sự phòng thủ vùng biên giới của Tiệp Khắc”
Thống chế Erich von Manstein, một trong những tư lệnh mặt trận tài giỏi nhất của Đức. Khi khai ở Nuremberg về vị thế của Đức vào thời điểm Hiệp ước Munich, ông giải thích: “Nếu chiến tranh bùng nổ, chúng tôi không thể bảo vệ biên giới phía Tây lẫn biên giới Ba Lan, và rõ ràng là chúng tôi hẳn đã bị các công sự phòng thủ của Tiệp Khắc chặn đứng, bởi vì chúng tôi không có khả năng để xuyên phá” . Đức không đủ mạnh để tham chiến ngày 1/10/1938 chống lại Tiệp Khắc và Anh – Pháp, chưa kể đến Liên Xô. Nếu Đức gây hấn, Đức sẽ chiến bại một cách nhanh chóng và dễ dàng, và đây sẽ là dấu chấm hết cho Hitler và Đế chế thứ Ba
Còn người ủng hộ Chamberlain và Daladier – họ chiếm đa số lúc này – lập luận rằng Hiệp ước Munich không phải giúp phương Tây tránh chiến tranh, mà giúp cho họ tránh tàn phá trong chiến tranh, họ sợ không quân Đức sẽ san bằng London, và chắc hẳn người Pháp cũng run sợ trước viễn cảnh kinh khiếp là thủ đô hoa mỹ của họ cũng bị tàn phá. Nhưng khi được biết về sức mạnh của không quân Đức lúc bấy giờ, dân chúng London và Paris cũng như hai vị thủ tướng không cần phải lo sợ quá đáng. Không quân Đức, giống như lục quân Đức, đang tập trung chống lại Tiệp Khắc, vì thế không có khả năng đe dọa phương Tây. Thái độ ương ngạnh, cuồng tín của Chamberlain trong việc đáp ứng những gì Hitler đòi hỏi, và ba chuyến đi đến Đức đã cứu nguy cho Hitler, củng cố vị thế của ông này đối với Châu Âu, dân Đức và Quân đội Đức vượt quá những gì có thể tưởng tượng được vài tuần trước đấy. Việc này cũng tiếp sức mạnh vô hạn cho Đế chế thứ ba so với các nền dân chủ phương Tây và Liên Xô.
Đối với Pháp, Hiệp ước Munich là thảm họa: vị thế quân sự của Pháp bị suy sụp. Vì lý do quân đội Pháp không bằng phân nửa quân đội Đức khi Đức đã động viên tổng lực và cũng vì khả năng sản xuất vũ khí yếu kém, Pháp đã khổ công gây dựng những mối liên minh với các nước nhỏ hơn bên cạnh sườn của Đức – và của Ý. Những nước này là Tiệp Khắc, Ba Lan, Nam Tư và Rumani. Hợp lại, họ có tiềm năng quân sự ngang bằng một cường quốc Châu Âu. Bây giờ, Pháp mất đi sự yểm trợ của 35 sư đoàn Tiệp Khắc được huấn luyện nhuần nhuyễn, được trang bị hùng hậu, trấn giữ những pháo đài kiên cố vùng đồi núi và có khả năng chống trả một lực lượng Đức lớn hơn. Nhưng không chỉ có thế. Sau Hiệp ước Munich, những nước liên minh với Pháp còn lại ở Tây Âu không còn tin tưởng nơi lời hứa hẹn trên giấy tờ của Pháp. Họ cố chen lấn nhau để tìm cách thỏa hiệp với Quốc xã trong khi còn có thời giờ.
Đối với Pháp, Hiệp ước Munich là thảm họa: vị thế quân sự của Pháp bị suy sụp. Vì lý do quân đội Pháp không bằng phân nửa quân đội Đức khi Đức đã động viên tổng lực và cũng vì khả năng sản xuất vũ khí yếu kém, Pháp đã khổ công gây dựng những mối liên minh với các nước nhỏ hơn bên cạnh sườn của Đức – và của Ý. Những nước này là Tiệp Khắc, Ba Lan, Nam Tư và Rumani. Hợp lại, họ có tiềm năng quân sự ngang bằng một cường quốc Châu Âu. Bây giờ, Pháp mất đi sự yểm trợ của 35 sư đoàn Tiệp Khắc được huấn luyện nhuần nhuyễn, được trang bị hùng hậu, trấn giữ những pháo đài kiên cố vùng đồi núi và có khả năng chống trả một lực lượng Đức lớn hơn. Nhưng không chỉ có thế. Sau Hiệp ước Munich, những nước liên minh với Pháp còn lại ở Tây Âu không còn tin tưởng nơi lời hứa hẹn trên giấy tờ của Pháp. Họ cố chen lấn nhau để tìm cách thỏa hiệp với Quốc xã trong khi còn có thời giờ.
Và không đầy 10 ngày sau Hội nghị Munich, Hitler trao cho Keitel, người phụ trách OKW, một mệnh lệnh khẩn và tối mật gồm 4 câu hỏi, mà ngay câu đầu tiên là: “Trong tình hình hiện nay, cần thêm những lực lượng tăng cường nào để bẻ gãy mọi kháng cự của Tiệp Khắc trong miền Moravia và Bohemia” . Sáng ngày 15/3, các quân đoàn Đức ùa vào Bohemia và Moravia mà không vấp phải sự kháng cự nào. Sáng hôm sau, tại lâu đài Horadschin ở Praha, vốn được dùng làm dinh tổng thống, Hitler kí sắc lệnh đặt Tiệp Khắc dưới chế độ bảo hộ của Đức. Công việc trị an nước này được giao cho Frank, một sĩ quan SS cao cấp. Cũng trong ngày 16/3, miền Ruthenia được cắt nhượng cho Hungary. Nước Tiệp Khắc bị xóa tên trên bản đồ châu Âu.
Như vậy, Hitler đã hoàn thiện công cuộc xây dựng Đế quốc Đại Đức, đưa trở về Đức những người đang sống ngoài biên giới Đức. Cũng giống như sáp nhập Áo, xóa sổ Tiệp Khắc cũng không bắn một phát súng. Đây là bước đầu mở rộng không gian sinh tồn cho người Đức. Chỉ 15 ngày sau Hội nghị Munich, với sự dung túng và nhượng bộ của Anh, Pháp, Hitler đã xóa bỏ Tiệp Khắc trên bản đồ châu Âu. Và cả Anh, Pháp bấy giờ cũng không phản ứng gì. Hitler làm phá sản hoàn toàn chính sách ngăn chặn của Anh, Pháp và tiềm lực quân sự của Đức Quốc xã tăng lên rất nhiều.
3. Kế hoạch Trắng (thôn tính Ba Lan)
3.1. Địa chính trị của Ba La
Ba Lan nằm ở giữa châu Âu, phía Đông giáp Liên Xô, phía Tây giáp Đức, phía Nam giáp Tiệp Khắc, phía Bắc giáp biển Baltic. Trong số các quốc gia giáp Đức, Ba Lan có vị thế đáng lo nhất về lâu dài. Hầu hết đất đai được Hòa ước Versailles cắt giao cho Ba Lan, kể cả các tỉnh Poznan và Pommern là do Phổ chiếm đoạt trong những lần Phổ, Nga và Áo xâu xé Ba Lan. Điều khoản Hòa ước Versailles, việc lập Hành lang để tạo cho Ba Lan đường thông thương ra biển và cắt Đông Phổ lìa khỏi Đức khiến cho Đức bất mãn. Đồng thời, việc tách rời Danzig đặt dưới sự giám sát của Hội Quốc liên nhưng bị Ba Lan thống trị về kinh tế cũng khiến cho Đức nổi giận. Thậm chí nền Cộng hòa Weimar vốn yếu hèn và hòa hoãn, cũng không bao giờ chấp nhận tình trạng đó
Sau cuộc chiến với chính quyền Liên Xô đang suy yếu và xung đột nội bộ, năm 1920, Ba Lan đã lấy lại được những phần đất trước đây của họ từ Belarus và Ukraine. Về phía Tây, người Ba Lan cũng lấy được những phần đất của vùng thượng Silesia. Sau đó, một liên minh phòng thủ với Pháp đã được hình thành vào tháng 2/1921. Năm 1932, Ba Lan kí với Liên Xô hiệp ước bất tương xâm. Một hiệp ước tương tự, có giá trị trong vòng 10 năm, cũng đã được kí kết với Đức năm 1934. Hiệp ước này phục vụ mưu đồ của Hitler một cách đắc lực. Sau Hiệp ước Munich và sự suy yếu của Tiệp Khắc năm 1939, Ba Lan nhận được khoảng 1.036km2 trong lãnh thổ Tiệp Khắc, trở thành mục tiêu tiếp theo trong chính sách ngoại giao của Đức.
Do vậy, chính sách bành trướng của nhà độc tài Hitler vào cuối thập niên 1930 đã tạo ra những nguy hiểm trầm trọng cho nền an ninh của Ba Lan. Và Ba Lan là một miếng mồi ngon của Đức vì có nhiều than đá, dầu lửa, chì và sắt. Đây là những nguyên liệu rất cần cho Đức. Hơn nữa, Ba Lan có một lực lượng không quân và lục quân khá lớn nên Đức càng muốn chiếm cho bằng được. Chẳng những thế, Ba Lan còn là một cái cầu bắc liền giữa Đông Âu và Tây Âu, thông từ biển Baltic đến Bắc Hải. Đức chiếm được Ba Lan chẳng những châu Âu bị mất thăng bằng, mà thế lực của Đức có thể vượt hẳn thế lực của Anh, Pháp. Ý đồ của Hitler là đánh chiếm Ba Lan để tấn công lên các nước Tây Âu và để biến Ba Lan thành bàn đạp tấn công Liên Xô trong cuộc chiến tranh tương lai.
Chính vì có một vị thế chiến lược quan trọng nên Ba Lan trở thành mục tiêu của Hitler sau khi chiếm và sáp nhập Áo và Tiệp Khắc.
3.2. Kế hoạch Trắng
Ban đầu Hitler chỉ gây áp lực lên Ba Lan đòi hỏi chính phủ này phải nhượng bộ Danzig cũng như xây dựng đường cao tốc và tuyến đường sắt qua Hành lang Ba Lan nối liền với Danzig và Đông Phổ. Và không thể có hòa bình lâu dài giữa hai nước nếu vấn đề này không được giải quyết. Đổi lại Đức sẽ thuận cho Ba Lan tiếp tục sử dụng Danzig như một cảng tự do, đảm bảo các đường biên giới hiện nay của Ba Lan, hứa hẹn với Ba Lan về một chính sách chung chống Liên Xô trên cơ sở Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản. Hai quốc gia sẽ đảm bảo biên giới chung cho nhau và hiệp ước không xâm lược nhau năm 1934 có giá trị 10 năm sẽ kéo dài thành 25 năm. Như vậy, quan hệ Đức – Ba Lan sẽ tốt đẹp như quan hệ Ý – Đức. Nếu Ba Lan không đồng ý, Hitler sẽ giải quyết vấn đề bằng vũ lực. Tuy nhiên, với một người đã quá hiểu Hitler như Ngoại trưởng Beck thì không dễ dàng chấp nhận đề nghị trên của Lãnh tụ, bởi ông nhận ra rằng điều mà Lãnh tụ muốn không chỉ là Danzig mà là cả Ba Lan, rồi Ba Lan cũng sẽ như Áo và Tiệp Khắc.
Phúc đáp của Ba Lan có ngôn từ hòa hoãn nhưng cương quyết từ chối những đòi hỏi của Đức. Ba Lan sẵn lòng bàn thảo thêm để tạo điều kiện thuận lợi cho đường cao tốc và tuyến đường sắt xuyên qua Hành lang, nhưng từ chối xem xét đưa đường giao thông như thế ra ngoài lãnh thổ. Đối với Danzig, Ba Lan sẵn sàng thay thể chế đã được Hội Quốc liên thành lập bằng sự đảm bảo Ba Lan – Đức nhưng không muốn giao Danzig cho Đức. Hitler vô cùng tức giận trước sự khước từ đề nghị của Ba Lan. Bởi vì, ông không quen thấy một nước nhỏ khước từ yêu sách của mình
Rõ ràng, Ba Lan không dễ bắt nạt như Áo và Tiệp Khắc. Một mặt Ba Lan tỏ thái độ cứng rắn, không nhân nhượng trước sức ép xuất phát từ người láng giềng phát xít ở phía Tây. Mặt khác, không muốn hòa giải với các nước láng giềng cộng sản phía Đông để đi đến một hình thức phối hợp hành động chống phát xít nào đó. Warszawa vẫn giữ nguyên lập trường đối thoại này, bất kể sức ép ngày càng tăng từ chính phủ Hitler, sau khi Lithuania thuận nhượng Memel cho Đức (23/3/1939) và thêm một điều khoản Versailles đã bị xé bỏ, thêm một cuộc thôn tính không đổ máu. Ngày 28/3, Ngoại trưởng Beck triệu đại sứ Đức thông báo rằng bất kì mưu toan nào của Đức nhằm làm thay đổi quy chế Danzig đều sẽ bị Ba Lan coi là một cớ gây chiến. Vị ngoại trưởng Ba Lan có thể ương ngạnh với Đức hơn cả Schuschnigg và Benès trước đó, vì lúc bây giờ Thủ tướng Anh Chamberlain ủng hộ ông trong vấn đề Ba Lan. Chính Beck đã bác bỏ đề nghị bốn nước cùng ra tuyên bố, Ba Lan cho biết không muốn dính dáng đến Liên Xô trong bất kì vụ việc nào. Thay vào đấy, ông đề nghị một Hiệp định bí mật Anh – Ba Lan nhằm tham khảo trong trường hợp bị nước thứ ba tấn công. Nhưng do việc Đức đang chuyển quân gần Danzig và Hành lang Ba Lan, bên Anh muốn đi xa hơn chỉ là “tham vấn”. Beck không ngần ngại để chính phủ Anh đơn phương đảm bảo cho nền độc lập của Ba Lan.
Đến ngày 31/3/1939, sau khi tham khảo ý kiến của chính phủ Pháp và chính phủ Ba Lan, Chamberlain tuyên bố trước Viện Thứ dân là từ bỏ chính sách “xoa dịu” và từ bỏ luôn nguyên tắc không để Anh bị lôi kéo vào cuộc chiến do nước khác gây ra. Anh sẽ hỗ trợ Ba Lan bằng mọi phương tiện. Nếu Anh muốn hướng họng súng của Đức vào Liên Xô thì việc Đức xâm chiếm Ba Lan là điều kiện lí tưởng nhất để ước muốn này trở thành hiện thực, vì Ba Lan giáp ranh với Liên Xô nhưng Chamberlain lại từ bỏ chính sách “xoa dịu” có lẽ Chamberlain không còn tin vào giá trị lời hứa của Hitler. Bây giờ Anh nhìn thấy ý đồ của Đức là tham vọng bành trướng cả lục địa châu Âu
Tin này khiến nhà độc tài Đức nổi cơn giận dữ. Ngày 3/4, Hitler ra chỉ thị tuyệt mật cho Bộ chỉ huy Tối cao Quân lực (OKW) xây dựng một kế hoạch mang mật danh “Kế hoạch Trắng” (Fall Weiss). Mục tiêu kế hoạch được xác định rõ ràng
Về mục đích chính trị, hủy diệt sức mạnh quân sự của Ba Lan. Tuyên bố Danzig là một phần lãnh thổ của Đức vào lúc chiến tranh bùng nổ. Đồng thời phải cô lập Ba Lan nhằm giới hạn chiến tranh ở Ba Lan.
Về việc kết thúc bằng Quân sự, trước thái độ phản kháng của các nước dân chủ phương Tây thì Đức vẫn tiếp tục xây dựng quân lực Đức. Kế hoạch Trắng chỉ là sự bổ sung phòng hờ cho những chuẩn bị này. Sau khi chiến tranh bùng nổ thì việc cô lập Ba Lan sẽ càng dễ dàng nếu quân Đức thành công trong việc khởi động chiến tranh với đòn đánh bất ngờ, mãnh liệt và đạt được thắng lợi nhanh chóng
Về nhiệm vụ của quân lực, phải tiêu diệt quân lực Ba Lan. Để đạt được mục tiêu này cần phải chuẩn bị tấn công bất ngờ. Việc đánh chiếm Danzig có thể không phụ thuộc vào kế hoạch Trắng mà bằng khai thác tình hình chính trị thuận lợi. Lục quân sẽ chiếm đóng từ Đông Phổ. Hải quân sẽ hổ trợ lục quân bằng cách can thiệp từ ngoài biển.
Kế hoạch Trắng là tập hồ sơ dày với vài “đính kèm”, “phụ lục” và “lệnh đặc biệt” được phát hành toàn bộ ngày 11/4 và dĩ nhiên được bổ sung lúc gần đến thời điểm chiến sự. Nhưng ngay ngày 3/4 Hitler đã có phụ lục như sau: Phải thực hiện các bước chuẩn bị sao cho có thể hành quân bất kì lúc nào kể từ ngày 1/9/1939. Giao cho OKW nhiệm vụ soạn thảo lịch trình cho kế hoạch Trắng và sắp xếp lịch hoạt động đồng bộ giữa ba binh chủng.
Đến lượt mình, ngày 13/4 chính phủ Pháp ra tuyên bố khẳng định liên minh “Pháp – Ba Lan bảo đảm cho nhau lập tức và trực tiếp chống mọi mối đe dọa hoặc gián tiếp xâm phạm đến lợi ích sống còn của nhau” . Bước đi này của Anh và Pháp khiến cho Hitler phải đối diện với một tình hình mới. Từ lúc này trở đi, dường như Anh và Pháp sẽ ngăn cản con đường gây hấn của Hitler. Hitler không thể áp dụng chiến thuật thôn tính từng quốc gia một trong khi các nước phương Tây đang còn bàn luận phải làm gì. Hơn nữa, động thái trên dường như là bước khởi đầu cho việc thành lập một liên minh chống Đức. Nếu không hòa giải được việc này, Đức sẽ bị bao vây
Và chỉ hơn ba tuần sau đó, ngày 28/4/1939, Hitler loan báo quyết định hủy bỏ Hiệp ước không xâm phạm nhau Đức – Ba Lan năm 1934 và luôn cả Hiệp định hải quân k Anh – Đức năm 1935. Như vậy, Hitler chính thức ra mặt thách thức điểm nhạy cảm nhất trong chính sách đối ngoại của Anh: địa vị cường quốc hải quân số một, đồng thời bỏ ngỏ khả năng tiến hành một cuộc chiến xâm lược chống Ba Lan.
3.3. Sự can thiệp của Liên Xô và thái độ của Anh, Pháp
Trước tình hình đó, ngày 16/4/1939, Litvinov tiếp đại sứ Anh tại Moskva và chính thức đề nghị Hiệp ước ba bên gồm Anh, Pháp và Liên Xô. Đây là nỗ lực cuối cùng của Litvinov nhằm tạo ra mối liên minh chống Đức. Tuy thế, đề nghị của Liên Xô khiến cho Anh và Pháp quan ngại. Thủ tướng Anh Chamberlain vẫn có thái độ lạnh nhạt, thậm chí nghi ngại Liên Xô. Trái lại, Churchill cho rằng Liên Xô đã có đề nghị công bằng hơn và hiệu quả hơn và ông cho rằng nếu không có một mặt trận phía Đông thì sự phòng thủ phía Tây sẽ không vững chắc, và nếu không có Liên Xô thì cũng không có mặt trận phía Đông vững chắc.
Nhưng Anh – Pháp đề nghị Liên Xô phải đảm bảo năm nước (Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Ba Lan và Romania) đã được Anh – Pháp đảm bảo nhưng chẳng nói gì đến sự đảm bảo cho ba nước (Estonia, Latvia và Lithuania) ở phía biên giới Tây Bắc Liên Xô. Liên Xô cho rằng các nước này không thể duy trì nền trung lập của mình khi bị bọn xâm lược tiến công. Do vậy, Liên Xô không thể đưa ra cam kết đối với năm nước đã nêu nếu không nhận được sự đảm bảo đối với ba nước nằm ở biên giới Tây Bắc của mình. Một báo cáo của bộ Ngoại giao Anh đã nhận xét như sau về phản ứng của London: “Các đề xuất của Anh không làm Liên Xô hài lòng vì hai lí do: thứ nhất, chúng là các đề nghị một phía, vì chỉ đề cập đến sự giúp đỡ mà Pháp và Anh sẽ nhận từ phía Liên Xô, mà lại không quan tâm tấn công. Thứ hai, không thấy nói gì đến sự đảm bảo dành cho ba nước Baltic-Estonia, Litva và Lithuania. Đấy là những nước, theo quan điểm của Moskva, có thể bị Đức sử dụng như là căn cứ tiến công nhắm vào Liên Xô” . Diễn biến này chỉ càng củng cố thêm nỗi hồ nghi của Moskva về khả năng Chamberlain sẽ kí một hiệp ước quân sự với Liên Xô để ngăn Hitler xâm chiếm Ba Lan.
Đến ngày 31/5/1939, Molotov tuyên bố trước Hội đồng Tối cao của Liên Xô rằng nếu Anh – Pháp thực sự nghiêm túc với ý định liên minh của Liên Xô để chặn đứng bất kì mưu toan gây chiến nào, thì hai nước đó phải đối mặt với thực tại và đi đến một thỏa thuận với Liên Xô ở ba điểm chính sau:
– Kí một hiệp ước tương hỗ ba bên hoàn toàn mang tính phòng thủ;
– Đứng ra đảm bảo cho các quốc gia Trung và Đông Âu, kể cả mọi quốc gia Châu Âu giáp ranh Liên Xô;
– Kí một thỏa thuận liên quan đến phương thức và quy mô giúp đỡ ngay lập tức và có hiệu quả, mà mỗi kí kết có thể mang đến cho hai nước kí kết, cũng như tất cả các nước bị đe dọa xâm lược.
Molotov cũng tuyên bố rằng các cuộc thương lượng với phương Tây không có nghĩa là Liên Xô từ bỏ “quan hệ thương mại tích cực” với Đức và Ý hay “loại trừ khả năng tiếp tục các cuộc thương lượng về thương mại với Đức” . Sự lưu ý này thực ra có ý nghĩa như một lời cảnh tỉnh London và Paris.
Ngày 2/6/1939, trong một nỗ lực khai thông bế tắc, Molotov đề nghị chính phủ Anh cử đến Moskva Bộ trưởng Ngoại giao để khởi sự cuộc đàm phán về một dự thảo hiệp ước do Liên Xô soạn thảo: “Pháp, Anh và Liên Xô cam kết mang đến cho nhau mọi sự giúp đỡ ngay lập tức và có hiệu quả, nếu một trong các bên kí kết sa vào cuộc chiến với một cường quốc châu Âu do hành động xâm lăng của cường quốc này chống lại Bỉ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Ba Lan, Latvia, Estonia và Phần Lan. Tất cả các nước vừa nêu được Anh, Pháp và Liên Xô đồng ý bảo vệ chống xâm lược” . Hẳn Molotov muốn đánh giá mức độ nghiêm túc của London đối với cuộc đàm phán. Nhưng Lord Halifax đã từ chối lời mời, viện cớ là quá bận. Thủ trưởng Anthony Eden đề nghị đi thay, nhưng Chamberlain không đồng ý. Cuối cùng, người được cử đi thay là William Strang. Pháp có thái độ không khác Anh: đại diện của Paris là Paul Emile Naggiar, một quan chức có cấp hàm đại sứ. Điều này cho thấy chính phủ Anh, Pháp tiếp tục không xem trọng khả năng đi đến một liên minh quân sự với Liên Xô để chống Hitler
Cuối cùng, lập trường của Anh và Pháp không muốn đưa ra một cuộc đảm bảo nào liên quan đến các nước Estonia, Latvia và Lithuania. Tiếp đó, Molotov đã đưa ra đề xuất mới, dẹp bỏ hoàn toàn ý tưởng đảm bảo an ninh cho tám nước nhỏ. Thay vào đó, Liên Xô, Anh và Pháp sẽ thỏa thuận giúp đỡ lẫn nhau khi một trong ba nước là nạn nhân của cuộc tấn công trực tiếp.
Ngày 29/6/1939, tờ Pravda, cơ quan trung ương của đảng Cộng sản (b) toàn liên bang đăng bài xã luận với nhan đề đầy đủ ý nghĩa: “Các chính phủ Anh và Pháp không muốn có với Liên Xô một hiệp ước dựa trên cơ sở bình đẳng”. Và càng có ý nghĩa hơn khi bài báo được ký tên Andrey Zhdanov. Tác giả viết: “Tôi thấy dường như các chính phủ Pháp và Anh không nhắm đến việc kí một thỏa thuận mà Liên Xô thực sự có thể chấp nhận được, mà chỉ muốn có những cuộc đàm phán nhằm chứng tỏ cho công luận nước họ thái độ được gọi là ngoan cố của Liên Xô, và qua đó tạo sự dễ dàng cho việc đi đến một thỏa thuận với những kẻ xâm lược” . Bài xã luận kết thúc bằng một câu đầy ý nghĩa: “Vài ngày tới sẽ cho thấy có đúng như vậy không”. Được viết bởi một nhân vật gần gũi với Stalin, bài báo tất nhiên đã phản ánh đầy đủ nỗi bất mãn và sự hồ nghi ngày càng tăng của nhà lãnh tụ Liên Xô đối với ý đồ thực sự của hai nước phương Tây.
Giữa lúc người Anh vẫn chưa thực sự nhận thức ra tính nguy cấp của tình hình, người Pháp ngày càng thụ động, Liên Xô còn đang thực hiện các động tác thăm dò, thì Hitler tiếp tục thực hiện các bước đi dứt khoát. Ngày 22/5, Hitler kí với Mussoloni Hiệp ước Thép cho ra đời liên minh quân sự Đức – Ý với ngôn từ thẳng thừng và tính chất hiếu chiến, có nội dung đáp ứng đầy đủ cụm từ “sống chết có nhau”:
Nếu, trái với ý muốn hay hi vọng của các bên kí kết, xảy ra chuyện một trong hai nước kí kết lâm chiến với một hay nhiều nước khác, thì bên kí kết còn lại sẽ ngay lập tức can thiệp trong tư cách là đồng minh bên cạnh nước đó, bằng toàn bộ lực lượng quân sự trên bộ, trên biển và trên không; các bên ký kết cam kết trong lúc cùng chung chiến đấu, các bên chỉ ký thỏa thuận đình chiến hay hòa ước sau khi đã đạt được sự đồng thuận hoàn toàn
Sau khi kí Hiệp ước Thép vào ngày 22/5/1939 với Ý, Đức đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị tấn công Ba Lan. Tại phủ thủ tướng vào ngày 23/5/1939, Hitler triệu tập các lãnh đạo quân sự để họp, tuyên bố rằng: “Danzig không phải là đề tài tranh chấp gì cả. Đây mà một vấn đề mở rộng không gian sinh sống ở phía Đông của việc đảm bảo nguồn cung ứng lương thực và cũng giải quyết vấn đề các quốc gia vùng Baltic, không có khả năng nào khác ở châu Âu. Nếu định mệnh bắt buộc chúng ta phải sống mãi với các nước ở Phía Tây, chiếm được một vùng rộng lớn ở phía Đông là điều quý giá”
Như vậy, Hitler khẳng định sẽ thực hiện thôn tính Ba Lan khi có cơ hội thích hợp. Vấn đề mà Hitler cần phải suy nghĩ là làm sao có thể cô lập Ba Lan và Anh, Pháp có chịu đứng yên trước người bạn đồng minh bị Đức tấn công. Nếu Anh, Pháp cùng chiến đấu bên cạnh quân đội Ba Lan thì chắc chắn quân Đức sẽ thua. Làm sao để các nước Phương Tây đứng ngoài cuộc chiến ở Ba Lan. Hitler đưa ra hai phương án nhưng lại hết sức mâu thuẫn.
Phương án 1: Tấn công Ba Lan chỉ thành công nếu phương Tây đứng ngoài.
Phương án 2: Nếu phương án 1 không thực hiện được, Đức sẽ đánh phủ đầu phương Tây và kết liễu Ba Lan cùng một lúc.
Rõ ràng Hitler nhận định rằng việc đánh Ba Lan chỉ thành công khi phương Tây không tham chiến nhưng phương án 2 lại đưa ra cùng đánh phương Tây và Ba Lan. Vậy nếu phương án 1 không thực hiện được thì phương án 2 chắc chắn sẽ thất bại. Phương án 1 giảng hòa với phương Tây là điều không thể vì Anh và Pháp là kẻ thù mà Đức phải chiến đấu một trận sống chết. Cuối cùng Hitler chọn phương án 2, chiến tranh cùng lúc với Ba Lan và Anh, Pháp, thậm chí cả Liên Xô, ông ta không sợ dấn thân vào vết xe đổ của Wilhelm II. Điều này có nghĩa là lặp lại sai lầm của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất là cùng lúc tiến hành chiến tranh trên cả hai mặt trận mà Otto von Bismarck đã cảnh báo Wilhelm II, Hitler đã rút ra bài học từ Thế chiến thứ nhất nhưng chính ông không ứng dụng bài học đó.
Đến cuối tháng 5/1939, công tác chuẩn bị chiến tranh của Đức tiến triển khá nhanh. Các nhà máy sản xuất vũ khí làm việc tất bật, cho ra lò súng ống, xe tăng, máy bay và tàu chiến. Các bộ phận lập kế hoạch hành quân đã đi đến giai đoạn cuối cùng. Tướng Georg Thomas Chủ nhiệm Cục kinh tế và vũ trang của OKW, ông cho biết quân đội của hoàng đế ngày xưa mất 16 năm từ năm 1898 đến năm 1914 để tăng từ 43 sư đoàn đến 50 sư đoàn, Đế chế thứ ba đã tăng từ 7 sư đoàn lên 51 sư đoàn chỉ trong vòng bốn năm. Trong số ấy, có 5 sư đoàn thiết giáp nặng và 4 sư đoàn thiết giáp nhẹ, một lực lượng “kỵ binh tác chiến cơ động” mà không quốc gia nào có. Hải quân đã gây dựng hầu như từ con số không để có hạm đội gồm 2 tàu thiết giáp loại 26.000 tấn, 2 tàu tuần dương hạng nặng, 7 tàu khu trục và 47 tàu ngầm. Hải quân đã hạ thủy 2 tàu thiết giáp loại 35.000 tấn, 1 tàu sân bay, 4 tàu tuần dương hạng nặng, 5 tàu khu vực, 7 tàu ngầm, và đang dự trù nhiều tàu nữa. Từ con số không, không quân hiện có 21 phi đoàn với 260.000 người . Dù tiềm năng quân sự của Đức có hùng hậu nhưng vẫn chưa đủ mạnh để chống lại Pháp, Anh và Liên Xô, lại thêm cả Ba Lan. Tất cả tùy thuộc và khả năng của Lãnh tụ để hạn chế chiến tranh, trên hết là ngăn Liên Xô liên minh với phương Tây, mối liên minh mà Litvinov đề nghị trước khi bị sa thải.
Trong lúc các nhà lãnh đạo Liên Xô đang nỗ lực khắc phục những khó khăn phát sinh trong các cuộc đàm phán với hai đối tác Anh và Pháp, thì bản thân Hitler cũng đang phải tìm cách dập tắt nỗi lo âu của tướng lĩnh Đức trước viễn cảnh đáng sợ của một cuộc nội chiến trên cả hai mặt trận, và trấn an ông bạn đồng minh Mussolini. Chỉ 8 ngày sau Hiệp ước Thép, Hitler nhận từ Mussolini một giác thư dài, trong đó nhà độc tài Ý tỏ ý băn khoăn về viễn cảnh của một cuộc xung đột thế giới bùng ra quá sớm. Duce tin rằng một cuộc chiến giữa các quốc gia đầu sỏ tài chính phản động, ích kỉ và phe Trục là không thể tránh khỏi. Nhưng Duce viết tiếp, “Ý cần một thời kì chuẩn bị có thể kéo dài đến cuối năm 1942. Chỉ từ năm 1943, việc viện chiến tranh mới sẽ mang lại những viễn cảnh thành công sáng sủa”. Sau khi liệt kê một loạt lí do cụ thể khiến “Ý cần một thời kỳ hòa bình”, Duce đi đến một kết luận thực rõ: “Vì tất cả những lí lẽ này, Ý không muốn thúc ép một cuộc chiến ở châu Âu, dù vẫn tin rằng cuộc chiến đó là không tránh khỏi”
Dù đã rất nôn nóng với kế hoạch gây ra cuộc chiến thế giới mới, Hitler không thể không tính đến thái độ chần chừ của ông bạn đồng minh duy nhất ở châu Âu và phản ứng lo âu của các chỉ huy quân sự Đức trước tình huống xấu nhất có thể sẽ xảy đến với nước Đức: bị khép chặt trong vòng vây Liên Xô – Anh – Pháp (và có thể cả Ba Lan) nếu cuộc đàm phán của ba nước này thành công. Phải tìm cách thuyết phục họ, cho dù chỉ trong thời gian trước mắt, tin rằng Anh và Pháp sẽ phản ứng trước kế hoạch Trắng không khác so kế hoạch Xanh. Tất nhiên, không phải bằng những lí lẽ hùng hồn, mà bằng những hành động cụ thể. Trong bối cảnh lúc đó, không một giải pháp nào mang tính thuyết phục cao hơn là đạt được một thỏa thuận trung lập hóa Liên Xô. Anh và Pháp sẽ làm gì được để giúp Ba Lan, nếu không có sự trợ lực của Liên Xô, nước có đường biên giới dài và rất dễ vượt qua Ba Lan. Cải thiện quan hệ với Liên Xô sẽ còn mang lại cho Đức cơ hội tiếp cận các nguồn tài nguyên, nhiên liệu dồi dào rất sẵn ở Liên Xô và rất cần cho các ngành công nghiệp vũ khí đang hoạt động hết công suất ở Đức
Và tháng 6/1939, cuộc đàm phán Xô – Đức diễn ra ở Moskva giới hạn trong lĩnh vực kinh tế, đúng như ý muốn của các nhà lãnh đạo Liên Xô. Và giống như cuộc đàm phán chính trị Xô – Anh – Pháp, cuộc đàm phán kinh tế Xô – Đức diễn ra rất chậm chạp, nhưng nguyên nhân lại xuất phát từ phía Liên Xô. Vì Stalin không tin rằng Hitler muốn thương lượng nghiêm túc mà chỉ dùng Liên Xô như là một quân cờ hòng đạt được một giải pháp có lợi cho Đức trong vấn đề Ba Lan
Đến đầu tháng 7/1939, các đoàn thương thuyết Anh và Pháp vẫn không đưa ra một sáng kiến nào là có ý nghĩa tích cực. Và đến ngày 18/7, Babarin, tùy viên thương mại Liên Xô tại Berlin, đã tìm đến phố Wilhelm. Tại đây, Babarin đã đọc một bức giác thư dài của chính phủ Liên Xô gửi chính phủ Đức với lời mở đầu bằng câu “chính phủ Liên Xô rất mong muốn mở rộng và cấp bách tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước”. Công hàm dự kiến tăng cường đáng kể hoạt động trao đổi kinh tế giữa hai nước. Đọc xong, Babarin tuyên bố: “Những bất đồng giữa hai nước chúng ta về vấn đề trao đổi thương mại là không lớn. Nếu chúng được khắc phục, tôi được phép thông báo với quý ngài rằng tôi được trao thẩm quyền kí một thỏa thuận thương mại với chính phủ Đức ở ngay tại Berlin đây”
Diễn biến trên đã tác động ngay lập tức đến London và Paris. Đến ngày 23/7, hai chính phủ Anh và Pháp chấp thuận khởi sự các cuộc đàm phán với Liên Xô liên quan đến “phương thức và quy mô” của sự giúp đỡ về quân sự mà ba cường quốc phải cam kết ngay khi hiệp ước hỗ tương được kí kết. Molotov mong muốn cuộc đàm phán quân sự giữa ba nước sẽ được khởi sự từ ngày 1/8. Nhưng một lần nữa, người ta lại chứng kiến thái độ lưỡng lự của Anh. Phải đến 8 ngày sau, Chamberlain mới chính thức loan báo quyết định vừa nêu. Phải đến ngày 5/8, hai phái đoàn quân sự Anh và Pháp mới lên bờ ở Leningrad và phải đến 6 ngày sau họ mới đến Moskva. Và đến giữa tháng Tám thì mọi chuyện đã quá muộn.
Ngày 3/8, chỉ một ngày sau khi Molotov quyết định đình chỉ cuộc đàm phán chính trị Xô – Anh – Pháp cho đến khi nào cuộc đàm phán quân sự giữa ba nước có sự tiến triển. Và trong lúc hai phái đoàn quân sự Anh và Pháp đang lênh đênh trên biển cả, người Đức đã đi một bước có ý nghĩa quyết định. Lúc 12 giờ 58 phút, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Ribbebtrop đã đích thân gửi một bức điện cho Schulenburg, đại sứ ở Moskva: “Tôi đã bày tỏ (với Astakhov – đại diện lâm thời Liên Xô ở Berlin) ý muốn của Đức – Xô và tôi có tuyên bố rằng từ biển Baltic đến biển Đen, không có một vấn đề nào được đặt ra mà lại không thể được giải quyết cho cả đôi bên đều hài lòng. Để đáp lại ý muốn của Astakhov liên quan đến những cuộc đàm phán cụ thể hơn về các vấn đề thời sự, tôi tuyên bố sẵn sàng cho những cuộc đàm phán như vậy, nếu chính phủ Liên Xô thông báo cho tôi qua Astakhov cũng muốn đặt quan hệ Đức – Xô trên một cơ sở dứt khoát”
Như vậy, đã bắt đầu trùng hợp về mặt địa lí mối quan tâm của Liên Xô và Đức: từ biển Baltic đến biển Đen. Lúc 4 giờ 40 sáng ngày 15/8, Schulenburg nhận từ Berlin bức điện dài mang chữ kí của Ribbebtrop và được gửi đi lúc 22 giờ 53 ngày 14/8 Bộ trưởng Ngoại giao Đức viết rằng theo quan điểm của chính phủ Đức “giữa biển Baltic và biển Đen không có một vấn đề nào lại không thể được giải quyết sao cho cả hai chính phủ đều hoàn toàn hài lòng. Trong số đó, có những vấn đề liên quan đến biển Baltic, khu vực ven bờ Baltic, Ba Lan, vùng Đông – Nam. Trong những vấn đề tương tự, sự hợp tác về chính trị giữa hai nước chỉ có thể mang lại kết quả tích cực mà thôi. Đối với nền kinh tế kinh tế Đức và Liên Xô, sự hợp tác cũng có thể được mở theo bất kì chiều hướng nào. Và để tạo ra một sự thay đổi triệt để trong quan hệ Đức – Xô, Ribbentrop “sẵn sàng thực hiện một chuyến đi cấp bách ngắn ngày đến Moskva để thay mặt Fuhrer trình bày quan điểm của Fuhrer với ngài Stalin”
Cuối bức điện, Ribbentrop còn cẩn thận chỉ thị Schulenburg cố tìm cách gặp trực tiếp Stalin để chuyển đến tận tay ông này chỉ thị của chính phủ Đức. Đến đây, Moskva đã có thể đo lường chính xác mức độ trái ngược trong cách người Anh và người Đức đối xử với Liên Xô: nếu cho đến tận giữa tháng 8, Liên Xô vẫn chưa biết rõ sẽ nhận được gì từ Anh và Pháp một khi Đức tiến công Ba Lan, thì người Đức đã đưa ra những lời hứa thật cụ thể; nếu bộ trưởng Ngoại giao Anh Lord Halifax được mời nhưng đã thoái thác không đến, thì bộ trưởng Ngoại giao Đức không cần đợi mời, đã gợi ý sẵn sàng đến, và hơn thế nữa đến ngay. Đến đây, có thể nói rằng Liên Xô nghiêng về Đức, điều đó đồng nghĩa với việc Liên Xô sẽ trung lập khi Đức thực hiện kế hoạch toàn diện tấn công Ba Lan.
4. Hiệp ước không xâm phạm nhau Xô – Đức
4.1. Bối cảnh lịch sử
Hiệp ước Munich năm 1938 không chỉ mở đường cho Đức Quốc xã chiếm đóng Tiệp Khắc mà còn “bật đèn xanh” cho quân đội Đức chiếm vùng Klaipeda của Litva, áp đặt một Hiệp ước kinh tế bất bình đẳng với Romania và khuyến khích nước Ý xâm lược Albania. Trước tình hình đó, tháng 4/1939, một trong những nỗ lực cuối cùng để cứu vãn nền an ninh tập thể của châu Âu, Liên Xô mở lại các cuộc thương lượng với Anh và Pháp nhằm tạo mối liên minh chống Đức, tìm kiếm một hiệp định tương trợ thật sự với các nước Tây Âu và Đông Âu. Mặc dù Liên Xô thực lòng muốn ký một hiệp ước phòng thủ chung càng sớm càng tốt với Anh và Pháp nhưng họ đã vấp phải sự lạnh nhạt, thái độ nghi ngại của các chính phủ Daladier và Chamberlain. Họ đòi Liên Xô bảo đảm sự giúp đỡ nếu Đức Quốc xã tiến công về phía Tây nhưng lại lảng tránh vấn đề giúp đỡ Ba Lan nếu nước Đức gây hấn ở phía Đông. Những điều này dẫn đến sự thất bại giữa Liên Xô, Anh và Pháp khi bàn về vấn đề bảo vệ an ninh châu Âu.
Hơn nữa, song song với các cuộc đàm phán Moskva, chính phủ Anh vẫn theo đuổi cuộc đàm phán tại London với các đại diện của Đức về phân định khu vực ảnh hưởng. Họ cho rằng chế độ của Hitler đã trở thành thành trì chống chủ nghĩa Bolshevik và đã đến lúc có thể tiến hành cuộc thập tự chinh mới về phương Đông. Thái độ không dứt khoát của Anh và Pháp vô hình chung đã “động viên” Hitler mạnh dạn ra tay. Và nó làm tăng thêm nỗi lo ngại của Liên Xô đối với các đối tác phương Tây về xu hướng đẩy cuộc xâm lược của Hitler sang phía đông.
Đồng thời, sau Hội nghị Munich, sự nghi kỵ giữa Anh, Pháp và Liên Xô ngày càng tăng nhất là Anh. Bản thân Chamberlain rất nghi ngờ nước Nga. Vì thế, ông thường tỏ ra thờ ơ mỗi khi Liên Xô đề nghị cùng hợp lực chống Đức. Việc này vô hình chung đẩy Liên Xô phải đàm phán với Đức Quốc xã vì nền an ninh của mình. Ba Lan cũng nghi kỵ Liên Xô (trong quá khứ Ba Lan đã nhiều lần bị người Nga xâm lược) nên không muốn Liên Xô mang quân qua lãnh thổ của họ để chống lại Đức. Anh và Pháp đã không làm gì để thuyết phục Ba Lan đồng ý cho quân đội Liên Xô đi qua lãnh thổ của mình nhằm bảo vệ họ chống lại quân Đức. Điều này cho thấy Ba Lan đã có sự dại dột về đường lối đối ngoại. Vì việc này, liên minh Xô – Anh – Pháp nhằm bảo vệ Ba Lan khó thành hiện thực.
Về phía Đức Quốc xã, để chuẩn bị cho Chiến tranh thế giới thứ hai, Hitler đặc biệt quan tâm đến vấn đề làm sao tránh cho nước Đức thoát khỏi tình cảnh phải tiến hành chiến tranh cùng lúc trên hai mặt trận: phía Tây chống Anh – Pháp và phía Đông chống Liên Xô như trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Để đạt được mục đích ấy, trong quan hệ với các cường quốc tư bản phương Tây, Hitler đã nói: “Phải dùng con ngáo ộp Bolshevik để đe dọa các cường quốc Versailles làm cho họ tin rằng, nước Đức là con đê cuối cùng ngăn chặn làn sóng Đỏ. Đối với chúng ta, đó là cách duy nhất để vượt qua thời kì khủng hoảng này, thanh toán Hòa ước Versailles và tái vũ trang” [29,157]. Nhưng mặt khác, Hitler cũng chủ trương tạm hòa hoãn với Liên Xô để tập trung lực lượng chống các cường quốc tư bản phương Tây, trước hết là Anh – Pháp. Hitler tin rằng Liên Xô sẽ đồng ý vì Liên Xô sẽ không dại dột gì mà tự làm thiệt thân và không có nghĩa vụ gì đối với phương Tây. Điều mà Liên Xô quan tâm là phân ranh tầm ảnh hưởng của mình và Hitler sẽ thương lượng điều đó
Ngày 15/8, đại sứ Schulenburg chuyển một tin nhắn đến Molotov, trong đó Bộ trưởng Ngoại giao của Đức Ribbentrop bày tỏ ông ta sẵn sàng đến Moskva để làm rõ mối quan hệ Đức – Xô. Ribbentrop cũng đã bày tỏ sự sẵn sàng để giải quyết tất cả các vấn đề về lãnh thổ từ Baltic tới Biển Đen. Tuy nhiên, Molotov vẫn không tỏ dấu hiệu gấp gáp. Ông nói chuyến đi mà Ribbentrop đề nghị “đòi hỏi chuẩn bị kỹ càng nhằm trao đổi ý kiến để có thể đạt kết quả”. Phía Liên Xô gợi ý: liệu chính phủ Đức có quan tâm đến một hiệp ước không xâm phạm giữa hai quốc gia, Đức nghĩ gì về việc cùng đảm bảo cho các nước vùng Baltic
Thế là, đề nghị đầu tiên về Hiệp ước bất xâm phạm Xô – Đức là từ phía Liên Xô đúng vào lúc họ đang đàm phán với Anh – Pháp để nếu cần tiến hành chiến tranh chống lại việc Đức gây hấn thêm. Những đề nghị của Molotov đúng như ý nguyện của Hitler, vì như thế Liên Xô sẽ không tham chiến và ông ta có thể tấn công mà không sợ Liên Xô can thiệp. Và khi Liên Xô đã đứng ngoài cuộc, ông ta tin chắc Anh và Pháp sẽ so vai rụt cổ. Âm mưu của Hitler trong đề nghị này là muốn tạm thời hòa hoãn Liên Xô để tập trung lực lượng đánh chiếm các nước châu Âu, sau đó sẽ tập trung toàn bộ sức người và sức của châu Âu quay sang tấn công xâm lược Liên Xô. Đảng và chính phủ Liên Xô thừa hiểu âm mưu của phát xít Đức. Nhưng do Anh, Pháp cố tình đẩy cuộc đàm phán Moskva vào chỗ tuyệt vọng. Và sự thất bại của cuộc đàm phán Moskva đã đưa Liên Xô đứng trước sự lựa chọn: hoặc sẽ bị cô lập trước khi mối đe dọa sắp xảy ra với các cuộc tấn công của phát xít Đức; hoặc khi đã không còn khả năng thiết lập một liên minh với Anh và Pháp thì phải đàm phán với Đức để kí một hiệp ước không xâm lược, loại bỏ các mối đe dọa chiến tranh. Tình hình cho thấy sự lựa chọn thứ hai là không thể tránh khỏi
4.2. Nội dung hiệp ước
Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau Xô – Đức (Hiệp ước Molotov-Ribbentrop) được ký kết ngày 23/8/1939 giữa Ngoại trưởng Vyacheslav Mikhailovich Molotov đại diện cho Liên Xô và Ngoại trưởng Joachim von Ribbentrop đại diện cho Đức Quốc xã, đi kèm là một Nghị định thư bí mật về phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu giữa hai nước. Hai bên đạt thỏa thuận một cách dễ dàng đến nỗi buổi họp kéo dài quá nửa đêm để thảo luận một cách thân mật tình hình thế giới, tình hình từng quốc gia. Lúc này Liên Xô và Đức không còn là hai kẻ thù không đội trời chung. Stalin và Ribbentrop đã trở nên thân thiện không còn cảm thấy bối rối về Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản. Tuy nhiên Stalin vẫn còn lo nghĩ về việc Đức Quốc xã có tôn trọng hiệp ước hay không. Khi Ribbentrop chuẩn bị ra về, Stalin nói riêng với ông ta: “Chính phủ Liên Xô có ý định rất nghiêm túc đối với hiệp ước mới. Ông có thể đảm bảo bằng lời nói danh dự của mình rằng Liên Xô sẽ không phản bội bên liên minh với mình”
Rõ ràng, trong căn bản nhận thức, Liên Xô không hề ảo tưởng gì về chủ nghĩa phát xít Đức. Về phía mình, Hitler cũng không hề có ảo tưởng gì về Liên Xô. Tiêu diệt Liên Xô vẫn là mục tiêu lâu dài và nhất quán của chủ nghĩa phát xít Đức. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà chỉ năm ngày sau khi Hiệp ước không xâm phạm Xô – Đức được kí kết. Hitler tuyên bố trước Quốc hội và Đảng Quốc xã Đức rằng Hiệp ước Xô – Đức ngày 23/8/1939 chỉ là một giải pháp tình thế có tính chất tạm thời. Nó không thể làm ngay được về căn bản sự đối đầu trong quan hệ Xô – Đức.
Nội dung hiệp ước quy định nếu một trong hai bên kí kết lâm chiến với nước thứ ba, bên còn lại không được ủng hộ nước thứ ba bằng bất cứ cách nào. Hai bên kí kết cam kết không gia nhập bất kì liên minh nào trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại một bên kí kết, không giúp đỡ và ủng hộ nước thứ ba chống lại nước kí kết kia; hai bên kí kết giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thông qua thương lượng hay trọng tài. Có giá trị trong 10 năm và có thể gia hạn. Hiệp ước không xâm phạm nhau có hiệu lực ngay sau khi được kí kết
Bên cạnh bản hiệp ước còn đi kèm một Nghị định thư với nội dung được thỏa thuận như sau:
Thứ nhất: trong trường hợp tổ chức lại về mặt lãnh thổ, chính trị các miền nằm trong lãnh thổ các nước Baltic (Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva), biên giới phía Bắc của Litva đồng thời là biên giới khu vực quyền lợi của Đức và Liên Xô. Trong vấn đề này, quyền lợi của Litva đối với vùng Vilna được hai bên công nhận
Thứ hai: nếu phải tổ chức lại về mặt lãnh thổ và chính trị các miền thuộc Ba Lan, biên giới khu vực quyền lợi của Đức và Liên Xô sẽ đi ngang qua khoảng dọc theo đường các sông Narew, Visla và San. Mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi của hai nước cũng như Ba Lan phải được giải quyết trong mối quan hệ thân hữu. Cũng giống như trong thời của các hoàng đế Đức và sa hoàng Nga, một lần nữa Đức và Liên Xô đã đồng ý phân chia Ba Lan. Và Hitler đã cho Liên Xô toàn quyền hành động ở vùng Đông Baltic.
Thứ ba: về phần Đông Nam châu Âu, phía Liên Xô nhấn mạnh sự quan tâm của Liên Xô đối với Bessarabia, lãnh thổ Liên Xô bị mất về tay Rumania năm 1919 và Đức tuyên bố hoàn toàn không quan tâm về mặt chính trị đối với vùng đất này. Đây là nhượng bộ mà sau này Ribbentrop sẽ lấy làm hối tiếc
Thứ tư: Nghị định thư sẽ được hai bên giữ trong vòng tuyệt mật.
Hiệp ước có quan hệ chặt chẽ với Nghị định thư bí mật và lục địa châu Âu trước Chiến tranh thế giới thứ hai đã được phân chia rõ ràng giữa Stalin và Hitler. Sự thỏa hiệp bí mật của Stalin với Đức nhằm phân chia Ba Lan và được toàn quyền hành động thôn tính Latvia, Estonia, Phần Lan và Bessarabia chẳng bao lâu được thể hiện qua những động thái của Liên Xô, và khiến cho thế giới bị sốc ngay cả cho đến giờ. Liên Xô nói rằng họ chỉ thu hồi những lãnh thổ đã bị bới ra khỏi tay họ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhưng những dân tộc sinh sống trên lãnh thổ này không phải là người Xô Viết và không phải tất cả đều muốn quay về với Liên Xô. Điều này cùng lúc thể hiện tham vọng bành trướng của cả hai nhà độc tài. Với chính sách thực dụng của mình, Stalin muốn đẩy Đức sang phía các nước dân chủ phương Tây, chủ yếu là để cho đất nước không bị cuốn hút vào cuộc chiến và mong muốn hạn chế khu vực ảnh hưởng của Đức ở phía Đông.
Các thỏa thuận được ký kết đã làm dịu sự căng thẳng trong quan hệ chính trị và kinh tế giữa Liên Xô và Đức đang nóng lên sau sự xuất hiện của Hitler trên vũ đài chính trị và nắm quyền điều hành nước Đức cùng với các cuộc xung đột vũ trang (trong đó Liên Xô chống lại sự can thiệp của Đức và Ý ở Tây Ban Nha và ủng hộ phái Cộng hoà Tây Ban Nha, chống lại quân đội Nhật Bản ở Viễn Đông trong các Chiến dịch hồ Khasan và Khalkhyn Gol). Sự kiện này trở thành một bất ngờ chính trị cho các nước thứ ba.
Có nhiều ý kiến trái ngược trong việc đánh giá các khía cạnh pháp lý của hiệp ước. Theo một số ý kiến, bản thân Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau nếu không kèm theo Nghị định thư bí mật thì nó là một hiệp ước bình thường và hoàn toàn giống như bất kỳ một hiệp ước không xâm lược khác đã được ký kết trong lịch sử châu Âu. A. Pronin cũng chỉ ra rằng hiệp ước có liên quan chặt chẽ với Nghị định thư bí mật nằm trong mục tiêu lợi ích của Liên Xô đối với vùng Baltic: Latvia, Estonia và Phần Lan, và của Đức đối với Litva và Ba Lan trên các tuyến sông Narew, Wisla, sông San đến Vilnius, nghĩa là từ Ba Lan đến Litva. Trong trường hợp này, cho dù đó là sự mong muốn xuất phát từ quan điểm lợi ích của các bên tham gia kí kết hiệp nhưng nó được đánh giá là không thể biện minh về tính hợp pháp vì nó liên quan đến các nước thứ ba.
4.3. Ý nghĩa hiệp ước
Hiệp ước không xâm phạm Xô – Đức đã làm thất bại hoàn toàn chính sách Munich của các nước dân chủ phương Tây hướng mũi nhọn tấn công xâm lược của phát xít Đức về phía Liên Xô. Rõ ràng, phát xít Đức sẽ tấn công Pháp và Anh trước. Sau khi đã hạ gục hai nước này, Hitler sẽ xé bỏ hiệp ước và xâm lăng Liên Xô.
Hiệp ước đã tạo thuận lợi cho Đức ở một mức độ nhất định, Hitler tạm thời tránh được cùng lúc chiến đấu trên hai mặt trận và việc kí kết hiệp ước này là kế hoạch cho cuộc chiến kế tiếp của Hitler. Nhờ hiệp ước này, Đức được rảnh tay với Liên Xô để chú tâm thôn tính Ba Lan mà không còn e ngại mối liên minh Anh – Pháp – Liên Xô. Hitler sẽ không dễ dàng đạt được mục tiêu đó, nếu không tìm thấy những đồng minh cần thiết ở Liên Xô, Anh và Ba Lan. Điều quan trọng là thái độ của Liên Xô. Khi Hitler nhận được sử bảo đảm sự đồng tình với mình, ông thực sự tự tin rằng ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến chống các cường quốc phương Tây
Đồng thời, hiệp ước đã chấm dứt sự thù địch, loại trừ các mối đe dọa chiến tranh với Đức, cùng chung sống hòa bình, cho Liên Xô một khoảng thời gian hòa bình quý báu từ tháng 9/1939 đến tháng 6/1941 để củng cố quốc phòng, vị thế quân sự ngày càng vững mạnh, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước. Về phần mình, Liên Xô cho rằng hiệp ước này có được là do sự thất bại của cuộc đàm phán Liên Xô – Anh – Pháp, không phải hiệp ước Xô – Đức đã phá hoại cuộc đàm phán Liên Xô, Anh, Pháp mà ngược lại, vì cuộc đàm phán Liên Xô, Anh, Pháp đã trở nên tuyệt vọng buộc lòng Liên Xô phải ký hiệp Xô – Đức. Việc ký kết hiệp ước đó không có gì trái với nguyên tắc cốt yếu của chính sách ngoại giao Liên Xô. Khi Liên Xô xét thấy mình đang ở trong tình trạng cô lập, không có đồng minh. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Stalin khi đưa ra đề nghị về một cuộc đấu tranh chung chống Hitler không hẳn xuất phát từ sự vô tư vì đề nghị đó thể hiện quyền lợi của Moskva. Stalin cũng không ảo tưởng và chưa bao giờ là tin tưởng hoàn toàn rằng người ta có thể thực hiện chính sách an ninh tập thể với một chủ trương nghiêm túc theo tuyên bố chính thức của Litvinov.
Dẫu biết rằng Hiệp ước không xâm phạm Xô – Đức vẫn còn nhiều tranh cãi khi đánh giá về hành động của Liên Xô. Nhưng dù sao đi nữa chúng tôi cũng nhận thấy rằng, giống như bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào khác, mối ưu tiên hàng đầu là nền an ninh cho đất nước. Cách giải thích này xem những hành động của Stalin chỉ có tính thực dụng đối với chế độ của mình. Theo đó, Stalin đã có một thời gian để lựa chọn giữa một mặt là Đức và mặt khác là Anh, Pháp. Nhưng sau này, khi phải đối diện với hệ tư tưởng không phù hợp, ông muốn giữ khoảng cách với chiến tranh bằng những lợi ích có tính “bạn bè” với Đức, đặc biệt là việc tranh thủ các lợi ích chính trị Liên Xô tại Đông Âu. Ý kiến này đã được Churchill biện luận rằng động thái của Stalin “vào lúc ấy có tính thực tế cao” [34,552]. Dựa vào tính thực tế đó, Stalin mong muốn hạn chế khu vực ảnh hưởng của Đức. Trong đó sẽ ưu tiên đảm bảo nhu cầu về an ninh của quốc gia, chủ yếu là để giữ cho đất nước không bị hút vào cuộc chiến và để hạn chế sự mở rộng của Đức về phía Đông buộc Stalin hành động theo chủ nghĩa thực dụng và động cơ tham vọng bành trướng. Trong thực tế, lục địa châu Âu trước chiến tranh thế giới thứ hai đã được phân chia giữa Stalin và Hitler
Nhưng theo William L. Shirer, lịch sử cho thấy Hiệp ước Xô – Đức là sai lầm chính trị lớn nhất trong cuộc đời của Stalin, bị xem là sự mặc cả giữa Stalin và Hitler. Tương tự, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã lên án hiệp ước Liên Xô – Đức Quốc xã 1939 là “trái đạo đức”, không thể được chấp nhận từ quan điểm đạo đức đến cơ hội thực thi vì cuối cùng chiến tranh thế giới vẫn nổ ra và Liên Xô vẫn bị tấn công.
Tiểu kết
Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, Hitler đã thực hiện đầy đủ các bước đi nhằm nỗ lực xây dựng một Đế quốc Đại Đức, hoàn thành chính sách Đại Đức một cách nhanh chóng mà không sử dụng nhiều đến sức mạnh quân sự. Khi đã hoàn thành, ông tiếp tục đưa ra những kế hoạch chuẩn bị tiến công về phương Đông mở rộng không gian sinh tồn cho dân tộc Đức. Để làm được điều đó, Hitler cần phải tránh cùng lúc chiến tranh trên cả hai mặt trận Đông – Tây. Có thể coi đây là một thành công lớn trong đường lối đối ngoại của Hitler năm 1938. Nhờ thành quả đó, lãnh thổ Đế chế thứ ba có thêm 10 triệu dân và một dải đất rộng mênh mông nằm ở Trung – Đông Âu để làm bàn đạp tấn công châu Âu Hiệp ước không xâm phạm Xô – Đức đã làm đảo lộn kế hoạch gây chiến của chủ nghĩa quân phiệt Nhật ở châu Á, cho rằng Đức ký hiệp ước đó là trái với lời văn và tinh thần của Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản. Qua đó, Nhật đã thay đổi kế hoạch tác chiến, tạm gác kế hoạch tấn công Liên Xô để “Nam tiến” tấn công Mĩ, Anh ở Đông Nam Á – Thái Bình Dương.
Sự phá sản hoàn toàn chính sách ngăn chặn của Anh – Pháp ở Hội nghị Munich, đỉnh cao của chính sách thỏa hiệp mà các cường quốc tư bản phương Tây thi hành trong nhiều năm nhằm tránh một cuộc chiến tranh với Đức và chĩa mũi nhọn chiến tranh về phía Liên Xô. Tất cả đều nghĩ có thể mua chuộc Hitler, sử dụng ông ta theo ý mình nhưng họ đã sai lầm. Ngược lại, Hitler hiểu tâm lý và lợi dụng các nhà lãnh đạo phương Tây không dám mạo hiểm, lo sợ chiến tranh để đạt được mục tiêu của mình. Hành động của Hitler đưa châu Âu bên bờ vực của chiến tranh khi Ba Lan là mục tiêu kế tiếp của ông.
Xuất phát từ lợi ích riêng của mỗi nước, Anh, Pháp cũng như Ý, các nước sẵn sàng hi sinh các nước nhỏ để đổi lấy hòa bình ảo từ lời hứa của Hitler. Trong khi đó, Liên Xô bận tâm nhiều hơn vào các vấn đề nội bộ như kế hoạch 5 năm và những cuộc thanh trừ đẫm máu, lúc thì liên kết với các nước dân chủ phương Tây chống Đức, khi lại liên kết với Đức Quốc xã phân chia lợi nhuận từ Hitler, hình như chỉ coi trọng lợi ích của quốc gia và số phận của chế độ mình. Đó cũng chính là chính sách thực dụng của Liên Xô.
III .KẾT LUẬN
Mục tiêu cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Đức Quốc xã trước Chiến tranh thế giới thứ hai (1933-1939) mà Hitler đã hoàn thành:
1. Từng bước xóa bỏ Hòa ước Versailles mà không bị trừng phạt. Trong đó, tái vũ trang có thể xem là bước đầu tiên cơ bản hướng tới mục tiêu xóa bỏ Hòa ước Versailles để tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch bành trướng của Hitler. Sự kiện này chứng tỏ sự khởi đầu của chính sách “xoa dịu” của Anh khi xem hòa ước là quá khắc nghiệt đối với Đức đã đến lúc cần phải nới lỏng để các quốc gia được bình đẳng với nhau. Với sự dung túng của Anh, Hitler xây dựng Đức trở thành một cường quốc quân sự với lực lượng quân đội, hải quân và không quân hùng mạnh không những tăng lên về số lượng mà cả về chất lượng. Sau đó, tiến tới tái hợp một phần lãnh thổ đã bị mất sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong khi đó, Anh cho rằng tất cả những gì Hitler làm chỉ là “diễu hành vào sân sau của mình”. Nếu Pháp can thiệp vào có lẽ lịch sử đi theo một chiều hướng khác vì Đức chưa sẵn sàng cho chiến tranh
2. Hoàn thành chính sách Đại Đức, ngay từ đầu Hitler muốn xây dựng một nước Đức đồng chủng tộc, dựa trên ý tưởng thuyết chủng tộc, Đức Quốc xã cho rằng người Đức là chủng tộc Aryen thượng đẳng thống trị thế giới. Do đó, Hitler phải đoàn kết tất cả những người nói tiếng Đức ở Áo, Sudetenland vào Đế quốc Đức. Trong khi Anh, Pháp và Hội Quốc liên một lần nữa đã không làm gì mặc dù Đức rõ ràng đã vi phạm Hòa ước Versailles. Nhiều người Anh cho rằng yêu cầu qui tụ tất cả những người nói tiếng Đức về Đức của Hitler là một yêu cầu công bằng và hợp lý, càng khuyến khích Hitler đòi hỏi nhiều hơn. Tất cả chính sách nhân nhượng đó cũng chỉ nhằm mục đích muốn tránh chiến tranh của các cường quốc phương Tây và họ mong muốn một nước Đức hùng mạnh có thể chống lại Liên Xô. Rõ ràng, các nhà lãnh đạo phương Tây không hiểu đúng về Hitler nhưng lại tin vào những lời hứa ảo của Hitler trong khi quay lưng với một hệ thống an ninh tập thể ở châu Âu.
3. Sự thất bại trong chính sách ngăn chặn của Anh và Pháp đã khuyến khích Hitler xóa bỏ hoàn toàn các điều khoản của Hòa ước Versailles khi xóa sổ Tiệp Khắc. Hitler đã đảo ngược các điều khoản Versailles theo chiều hướng có lợi cho mình. Hitler tự do phá vỡ lời hứa tại Hội nghị Munich, cho thấy chính sách xoa dịu của Anh – Pháp đã thất bại hoàn toàn. Sau đó, Anh và Pháp hứa hẹn chiến tranh nếu Đức tấn công Ba Lan. Nhưng họ vẫn không làm tròn trách nhiệm của mình. Đây cũng là bước khởi đầu để Hitler tiến về phía Đông chinh phục đất đai của người Slav, mở rộng không gian sinh tồn cho người Đức.
4. “Xoa dịu” là một thuật ngữ áp dụng cho chính sách ngoại giao nhằm giải quyết các cuộc tranh cãi quốc tế thông qua đàm phán hợp lí, tránh xung đột vũ trang. Chính sách “xoa dịu” cũng là một nguyên nhân gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là chính sách chủ yếu của Thủ tướng Anh Neville Chamberlain đối với phát xít Đức trong những năm 30, để giải quyết những tranh chấp quốc tế bằng cách thỏa hiệp và thương lượng, là chủ đề luôn gây tranh luận. Lúc bấy giờ xoa dịu được coi là một chính sách khả thi, hợp lý và nhân đạo nhất khi Anh, Pháp phải đối mặt với việc hồi phục đất nước từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất, bảo đảm mang lại hòa bình cho châu Âu
Xoa dịu là một chính sách tích cực, không thụ động để giải quyết bất bình của nước Đức sau Hòa ước Versailles. Nhưng Chamberlain không hiểu hết những mục tiêu mà Hitler sẽ tiếp tục làm sau đó. Chamberlain không rút ra được bài học từ kế hoạch Anschluss của Hitler, do vậy, phải chịu trách nhiệm về chính sách sai lầm đó. Chính sách này làm cho Hitler ngày càng hung hăng, mỗi chiến thắng đã cho ông thêm sức mạnh và sự tự tin. Với mỗi phần lãnh thổ thôn tính được Hitler có thêm quân đội, nguyên liệu, vũ khí và các ngành công nghiệp.
5. Đối mặt với Hitler lúc bấy giờ là chính sách xoa dịu của Anh, sự trì trệ của Pháp và chính sách thực dụng của Liên Xô. Trước ngưỡng cửa chiến tranh cùng với sự thất bại của Liên minh Anh – Pháp – Liên Xô, Liên Xô đã kí với Đức hiệp ước không xâm phạm nhau. Thế giới dường như đã bị sốc trước thái độ của Liên Xô vì Hitler là người chống cộng sản mạnh mẽ và muốn chinh phục Liên Xô để mở rộng không gian sống. Giờ đây, hai kẻ thù với hai ý thức hệ khác nhau, thỏa thuận một hiệp ước không tấn công lẫn nhau. Cả Đức và Liên Xô đã bí mật phân chia Ba Lan, Đức được phần Tây Ba Lan và Liên Xô nhận được Đông Ba Lan, đảm bảo Liên Xô sẽ không tham chiến trong trường hợp Anh và Pháp tham chiến bên cạnh Ba Lan. Đây là một thắng lợi về chiến lược vì nó cho phép Đức tấn công Ba Lan mà tránh một cuộc chiến tranh trên hai mặt. Tất cả điều này càng làm tăng sự nghi ngờ lẫn nhau giữa Liên Xô với các nước dân chủ phương Tây. Hiệp ước này có ý nghĩa với Liên Xô là tránh tham gia vào cuộc chiến tranh châu Âu trong khi phải đối mặt với mối đe dọa từ Nhật Bản ở phía Đông và quân đội Liên Xô đã bị tổn thất trong cuộc thanh trừ của Stalin. Hiệp ước đã cho Stalin một thời gian để chuẩn bị phương tiện tham chiến
6. Nhìn lại lịch sử phát triển của dân tộc Đức, đi từ chủ nghĩa quân phiệt Phổ đến chủ nghĩa phát xít Đức là một bước phát triển cao về xây dựng chính quyền bộ máy độc tài, phản động và hiếu chiến. Nhưng xét về tiến trình phát triển của xã hội loài người thì đó là một bước lùi. Một xã hội văn minh sẽ không bao giờ chấp nhận đất nước có một chế độ chính trị độc tài, luôn muốn gây chiến tranh, tàn sát con người. Trải qua hai cuộc đại chiến chúng ta càng quý trọng giá trị của hai chữ “hòa bình”, loài người có thêm bài học kinh nghiệm cho cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình trong thế giới hiện nay.
Nguồn: Đại học Sư phạm TPHCM
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
Chính sách đối ngoại của Đức Quốc xã trước Thế chiến II (1933-39)
Tác giả: Mai Lễ Nô En
I. NHỮNG ĐỘNG THÁI NHẰM XÓA BỎ HÒA ƯỚC VERSAILLES (1933-1936)
Trong quan hệ quốc tế từ năm 1933 đến năm 1936, mối quan tâm duy nhất của Hitler là làm sao để Đức có thể trở thành một cường quốc nhằm thực hiện mục tiêu địa chính trị lâu dài, thống trị Tây Âu và mở rộng lãnh thổ về phía Đông. Một trong những bước đầu tiên hướng tới mục tiêu này là vô hiệu hóa Hòa ước Versailles. Trong những năm đầu tiên nắm quyền, Hitler chú trọng thực hiện chính sách ngoại giao theo hướng từng bước một xóa bỏ Hòa ước Versailles
Hitler rút lui khỏi Hội nghị giải trừ quân bị và Hội Quốc liên trên cơ sở cho rằng Pháp không đồng ý bình đẳng vũ khí cho Đức. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng Đức đã sẵn sàng để giải giới nếu như các nước khác cũng làm như vậy và ông chỉ muốn hòa bình. Đây là một trong những chiến thuật “yêu chuộng hòa bình” của Hitler. Hitler luôn có những hành động táo bạo, trong khi đó lại đưa ra hàng loạt bài phát biểu yêu chuộng hòa bình vì ông biết họ muốn nghe. Hơn nữa, hành động đó có thể hạn chế sự kiểm soát của nước ngoài đối với Đức.
Tiếp theo, Hitler đã kí Hiệp ước không xâm phạm với Ba Lan (1934). Điều đó báo động rằng người Đức đang cố gắng giành lại Hành lang Ba Lan và tranh thủ thái độ trung lập của Anh, Pháp đối với Ba Lan. Đây là một thành công trong chính sách đối ngoại của Hitler nếu cần xây dựng một nước Đức vững mạnh hơn. Anh coi thỏa thuận hải quân Anh – Đức năm 1935 là thời cơ để hạn chế lực lượng hải quân Đức Quốc xã. Tuy nhiên, thỏa thuận đó lại là một bước tiến tới xóa sổ Hòa ước Versailles. Trong khi đó, Mĩ ngày càng trở nên cô lập và Đế quốc Nhật Bản càng trỗi dậy mạnh mẽ ở vùng Viễn Đông đã làm cho Anh lo sợ.
Sau khi giành được vùng Sarre qua cuộc trưng cầu dân ý, Hitler cho quân tiến vào vùng phi quân sự hóa Rhineland vào tháng 3/1936. Đây là một cuộc tiến công liều lĩnh, táo bạo, Hitler đã chọc thủng tàn dư của Hòa ước Versailles. Chiến thắng to lớn này đã xóa bỏ quy chế vùng đệm giữa nước Đức và Pháp. Thất bại của Hòa ước Versailles là nguyện vọng không chỉ của riêng Hitler mà còn là mong ước của biết bao người dân Đức. Cho đến cuối năm 1936, dù chưa được chôn cất nhưng Hòa ước này đã bị tiêu diệt, cùng với Ý và Nhật Bản hình thành khối Trục Roma – Berlin – Tokyo đe dọa trực tiếp đến Pháp, Anh và ngày càng làm suy yếu Hội Quốc liên để nâng cao vị thế quốc tế của Đức.
1. Kế hoạch giải trừ quân bị
Trong khuôn khổ của hệ thống Versailles – Washington, từ năm 1926 Ủy ban giải trừ quân bị của Hội Quốc liên đã được thành lập và làm việc liên tục tới năm 1931 để tiến tới chuẩn bị Hội nghị giải trừ quân bị năm 1932. Hội nghị đã khai mạc ngày 2/2/1932 dưới sự chủ tọa của Arthur Henderson, 62 nước đã cử người đến tham dự, Bruning là đại biểu Đức, Mac Donald thay mặt cho Anh, Tardieu thay mặt Pháp, Grandi đại diện cho Ý, Liên Xô và Mĩ không phải là thành viên của Hội Quốc liên, nhưng đã tham gia vào ủy ban này. Ủy ban không quy định các con số phải cắt giảm, mà chỉ xây dựng cái khung: làm thế nào để tiến hành giải trừ quân bị? Làm thế nào để đảm bảo sự kiểm soát? Các loại vũ khí nào cần phải giảm? Tuy nhiên lập trường và kế hoạch giải trừ quân bị của các nước rất khác nhau. Trước hết, đại biểu Đức đưa ra và kiên quyết bảo vệ yêu sách Đức phải được “bình đẳng” về lực lượng vũ trang như tất cả các cường quốc khác. Cụ thể, Đức đòi phải có quân đội 200.000 người (Hòa ước Versailles qui định không quá 100.000 người) với thời gian quân dịch 6 năm và được quyền có vũ khí hạng nặng
Nhưng Pháp đã phản đối yêu sách này của Đức và đề nghị thành lập một lực lượng quân đội quốc tế và thành lập chế độ kiểm soát đối với các loại vũ khí tấn công hạng nặng trong khuôn khổ của Hội Quốc liên. Pháp có thể đồng ý chấp nhận một phần tái vũ trang của Đức với điều kiện kí kết những liên minh quân sự mới và các hiệp ước bảo đảm bổ sung này. Tuy nhiên, đoàn đại biểu Anh đã bác bỏ yêu cầu đảm bảo bổ sung cho nền an ninh của Pháp vì Hiệp ước Locarno đã đủ đảm bảo điều đó. Phía Anh cho rằng, cần khôi phục lại sự cân bằng tương quan lực lượng ở châu Âu bằng việc thừa nhận sự bình đẳng về vũ trang của Đức. Ý ủng hộ quan điểm này của Anh.
Kế đó, ngày 22/6/1932, Tổng thống Mĩ Hoover đưa ra một kế hoạch mới có tính cụ thể hơn: Trên mặt đất, quân số sẽ giảm 1/3, loại bỏ hoàn toàn xe tăng và pháo hạng nặng. Trên biển, giảm 1/3 trọng tải và số lượng thiết giáp hạm, 1/3 trọng tải tàu ngầm, 1/4 trọng tải tàu sân bay. Trong lực lượng không quân, sẽ loại bỏ tất cả máy bay ném bom. Pháp cũng không chấp nhận kế hoạch này và cho rằng cần trung thành với nguyên tắc an ninh. Còn Anh lo ngại những điều khoản về hải quân. Nhật Bản kịch liệt phản đối vì thực tế điều này sẽ tăng thêm sức mạnh của Mĩ. Nhật Bản đòi hỏi phải tạo thêm cho mình những khả năng mới về vũ trang. Về phía mình, đoàn đại biểu Liên Xô yêu cầu chấm dứt ngay cuộc chiến tranh mà Nhật đang khởi xướng ở Viễn Đông (tức Trung Quốc). Liên Xô đề nghị một kế hoạch giải trừ quân bị tổng thể và hoàn toàn ngày 18/2/1932 và kế hoạch giải trừ vũ trang từng phần, song vẫn bị các cường quốc tư bản bác bỏ. Do vậy, những bất đồng vẫn tiếp tục tồn tại.
Sau đó, ngày 16/3/1933, Thủ tướng Anh – MacDonald đã đưa ra kế hoạch giải trừ quân bị. Theo đó, Đức được bình đẳng với Pháp, Ý, Ba Lan trong việc mỗi nước sẽ có một lực lượng quân đội gồm 200.000 người. Một hội nghị đặc biệt sẽ tiến hành năm 1935 để thảo luận kế hoạch giải trừ quân bị. Máy bay quân sự sẽ được loại bỏ và cấm ném bom. Một ủy ban thường trực về giải trừ quân bị sẽ kiểm soát việc thi hành kế hoạch đó. Thời hạn 5 năm là cần thiết để Đức có thể hưởng bình quyền thực sự
Đức nêu ý kiến phản đối vì ngày 11/5/1933 ủy ban chung quyết định rằng lực lượng SA và SS chiến binh sẽ được coi là quân đội, Đức lo ngại về điều đó và than phiền là ngoài số 200 nghìn quân ở chính quốc Pháp còn được duy trì các đội quân thuộc địa. Nhà viết sử Quốc Xã Freytagh Loring Hoven cho rằng, Pháp và các nước đồng minh có 1.250.000 quân thì Đức chỉ có 200.000 quân .
Trong bài diễn văn hòa bình gửi đến Hội nghị giải trừ quân bị đang diễn ra ở Geneva, ngày 17/5/1933 ở Reichstag, bằng những lời lẽ kín đáo, Hitler tuyên bố: “Mọi vấn đề của thời đại hiện nay cần được giải quyết một cách hợp lí và theo phương thức ôn hòa, người ta không thể cứ tiếp tục chối bỏ mãi tư cách của một dân tộc vĩ đại, mà đến một lúc nào đó phải trả lại thôi. Kiểu đối xử bất công vừa kể mà một đất nước vĩ đại đang phải chịu đựng còn kéo dài trong bao lâu nữa” ? Ông không yêu cầu điều gì khác hơn là được hưởng đầy đủ các quyền. Nước Đức tuyệt đối sẵn sàng từ bỏ toàn bộ vũ khí tiến công, nếu như các quốc gia khác cũng phá hủy kho vũ khí tiến công của họ. Nước Đức cũng sẵn sàng kí mọi hiệp ước không xâm phạm nhau nghiêm túc, vì Hitler cho rằng nước Đức chẳng có ý định tiến công ai, mà họ chỉ mong được sống trong an ninh
Cùng ngày, Hitler ra tuyên bố chấp nhận dự án Mac Donald vì điều đó đồng nghĩa với việc Hòa ước Versailles được xem xét lại theo hướng có lợi cho Đức. Nhưng việc Đức đàn áp người Do Thái ở Silesia đã khiến cho công luận và chính phủ các nước Pháp, Anh, Mĩ xúc động, vì thế thái độ của ba nước này trở nên cứng rắn hơn. Pháp và Anh đã đạt được sự nhất trí về việc kiểm soát vũ khí, tức là an ninh phải được xác lập trước giải trừ quân bị. Pháp khiến mọi người chấp nhận ý kiến khi cho rằng thời kì quá độ đó phải 8 năm chứ không phải 5 năm như dự kiến, 4 năm đầu là giai đoạn thứ thách và Đức chỉ tái vũ trang trong 4 năm sau. Vì vậy, ngày 15/9 Von Neurath tỏ ý không hài lòng về việc “quay ngoắt của các nước dân chủ” . Ý kiến này ngược lại với luận điểm của Đức là chỉ thiết lập kiểm soát sau khi đã tiến hành giải trừ quân bị. Ở khóa họp lần thứ 14 của Hội Quốc liên khai mạc vào ngày 26/9 ở Geneva, các đại diện của Ý (Nam tước Aloysi và Suvitch) đề nghị một giải pháp trung gian: bắt đầu bằng giải trừ quân bị rồi mới thi hành việc kiểm soát nhưng sẽ tiến hành kiểm soát trước khi kết thúc giải trừ quân bị. Pháp và Anh bác bỏ đề nghị này.
Hội nghị diễn ra trong bầu không khí rất căng thẳng. Đến ngày 14/10/1933, Hitler tuyên bố phía Đức không tiếp tục tham gia vào Hội nghị giải trừ quân bị. Sau 5 ngày, ngày 19/10/1933 Đức tuyên bố rút khỏi Hội Quốc liên để không bị ràng buộc bởi tổ chức này. Hitler biện minh cho hành động này vì Đức không chấp nhận bị coi là “dân tộc ở khu vực hai”
Đến ngày 18/12/1933, Đức gửi cho Pháp một Bị vong lục, trong đó Đức sẽ thành lập một quân đội 300.000 người, bình đẳng vũ khí như các nước khác, sáp nhập vùng Sarre vào Đức. Pháp phản đối đề nghị này của Đức. Anh đứng ra làm trung gian cố thực hiện sự cân bằng giữa 200 nghìn quân kế hoạch Mac Donald và 300 nghìn quân kế hoạch của Đức. Bộ trưởng Tư pháp Eden làm một chuyến công du đến Paris ngày 17/2/1934 và đến Berlin ngày 21/2. Ở đây, Hitler chấp nhận kế hoạch mới của Mac Donald với điều kiện là các đề nghị của ông đưa ra ngày 19/1 về không quân được chấp nhận có nghĩa là bằng một nửa của Pháp, hoặc bằng 1/3 không quân của Pháp và đồng minh cộng lại. Ý chấp nhận kế hoạch này. Cuối cùng giải pháp phụ thuộc vào Pháp nhưng lúc này chính phủ Pháp bị chia rẽ, họ ít tin vào giá trị lời hứa của Hitler. Thủ tướng Doumergue và Bộ trưởng bộ Chiến tranh Pétain lại không đồng ý với đề nghị của Hitler. Họ cho rằng chế độ Hitler sắp sụp đổ và thương lượng với những người kế nhiệm Hitler sẽ dễ dàng hơn. Theo quan niệm này, ngày 17/4/1934 chính phủ Pháp công bố: “Pháp long trọng từ chối không hợp pháp hóa việc Đức tái vũ trang, chính Đức đã làm cho các cuộc thương lượng trở nên vô ích và từ nay Pháp sẽ tự đảm bảo an ninh của mình bằng các phương tiện của chính mình”
Chính tuyên bố này, Anh và Mĩ cho rằng Pháp phải chịu trách nhiệm về sự tan vỡ đó khi Tổng Tham mưu trưởng Pháp tuyên bố với François Poncet: “Chúng ta xem Đức phải mất bao nhiêu thời gian để đuổi kịp số 20 tỉ mà chúng ta đã đầu tư vào vũ khí của chúng ta” . Người ta biết rằng Hitler đã chi số tiền lớn vào việc tái vũ trang
Rõ ràng, với ván bài đầu tiên về ngoại giao, Hitler đã làm tan rã hệ thống liên minh của Pháp, góp phần xoa dịu nỗi nhục bại trận và khôi phục niềm tin vào tương lai vĩ đại của nước Đức khi nguyên tắc bình đẳng đã được chấp nhận. Điều này có nghĩa là từ lúc này trở đi, Đức Quốc xã sẽ tự tái vũ trang trong thái độ thách thức với các nước dân chủ phương Tây.
2. Hiệp ước không xâm phạm nhau Đức – Ba Lan
2.1. Bối cảnh lịch sử
Ba Lan đã bị xóa tên trên bản đồ châu Âu trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tại Hội nghị Versailles, Pháp đã ra sức đấu tranh cho sự hồi sinh của Ba Lan, không hẳn vì mục đích sửa chữa những bất công đối với người dân nước này mà chủ yếu nhằm tạo ra một nước đệm ngăn cách giữa đối thủ lâu đời của Pháp là Đức và bao vây Liên Xô, một mắt xích không thể thiếu được trong vòng vây Đông Âu mà Pháp đã không tiếc công sức dựng lên nhằm cô lập nước Đức thời hậu chiến
Nếu Ba Lan có ý nghĩa quan trọng bao nhiêu đối với Pháp thì trong mắt người Đức, Ba Lan hiện lên như một kẻ thù vừa đáng ghét vừa đáng kinh tởm bấy nhiêu. Tội ác đáng nguyền rủa nhất của các tác giả Hòa ước Versailles là đã ngăn cách Đông Phổ với phần còn lại của nước Đức bằng Hành lang Ba Lan, biến Danzig thành thành phố tự do đặt nó dưới quyền quản lý của chính phủ Warszawa. Điều này làm phát sinh liên tục trạng thái căng thẳng giữa Đức và Ba Lan. Ngay cả nền Cộng hòa Weimar, không một chính khách hay một nhà quân sự Đức nào chịu thừa nhận những thay đổi về lãnh thổ vừa nêu.
Von Seeckt, cha đẻ của Reichswehr (Lực lượng bảo vệ Đế chế), đã tuyên bố năm 1922: “Không thể chấp nhận sự tồn tại của Ba Lan, vì nó không tương thích với những điều kiện thiết yếu cho sự tồn tại của Đức. Ba Lan phải biến mất và sẽ biến mất, do những yếu kém nội bộ của nó và do hành động của Liên Xô với sự giúp đỡ của chúng ta. Xóa nó khỏi bản đồ châu Âu là một trong các mục tiêu chính của chính sách Đức. chúng ta có thể đạt được điều này bằng phương tiện và sự giúp đỡ của Liên Xô, cùng với sự biến mất của Ba Lan là sự sụp đổ của một trong các cột trụ vững chắc nhất của Hòa ước Versailles, bá quyền của Pháp”
Mối ác cảm này, người Ba Lan không phải là không cảm nhận được. Do vậy, tin Hitler nắm quyền đã gây chấn động trong dư luận Ba Lan. Phản ứng tự nhiên của Warszawa là thăm dò Paris khả năng răn đe chống Đức. Tổng thống Ba Lan – Marshal Pilsudski quan niệm rằng với việc xây dựng Tuyến phòng thủ Maginot năm 1929 nên viễn cảnh chiến tranh, Paris không hề muốn nói đến. Điều mà nước này mong muốn là được sống trong an ninh và quân đội Pháp chỉ cần một khả năng phòng thủ mạnh. Một đạo luật quân sự được ban hành năm 1927 ghi rõ: “Mục tiêu của tổ chức quân sự nước ta là bảo vệ biên giới nước ta và phòng thủ các lãnh địa hải ngoại”. Ngoài ra, Paul Reynaud, nhà hoạt động chính trị theo xu hướng tiến bộ đã nhận xét: “Người ta xem tiến công như là học thuyết của một chỉ huy phản động, xem thường tổn thất sinh mạng, trái với phòng ngự có hệ thống của nguyên soái Pétain, biết tiết kiệm xương máu của binh lính mình. Phòng ngự là cộng hòa”. Chỉ có vậy, không một câu chữ nào khác liên quan đến những cam kết tương hỗ mà Pháp đã đưa ra các Đồng minh Ba Lan và Tiệp Khắc, nghĩa là đạo luật không đặt ra vấn đề răn đe bên ngoài biên giới Pháp và các đồng minh phía Đông của Pháp sẽ tự lo cho mình. Như vậy, với kế hoạch phòng ngự đó, một hiệp ước không xâm phạm với Đức là sự lựa chọn tốt nhất cho Ba Lan, để mong được bảo vệ một phần nào đó nếu Liên Xô tấn công và trong trường hợp này có lẽ hiệu quả sẽ cao hơn
Với quan niệm này, Pilsudski ngày càng xa rời hệ thống an ninh tập thể của Pháp, chuyển sang chính sách ngày càng trung lập trong quan hệ với hai đại cường láng giềng: Liên Xô ở phía Đông và Đức Quốc xã ở phía Tây. Nhưng Pilsudski không loại trừ khả năng nghiêng về phía Đức với hi vọng giảm bớt áp lực từ Liên Xô: “Trong quá trình tiếp tục cuộc đàm thoại, Pilsudski nhấn mạnh rằng ông cũng muốn đặt quan hệ Đức – Ba Lan trên cơ sở thân thiện và láng giềng, nhưng sự thù địch của người Đức sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện mối quan hệ này”
Về phía mình, Hitler nhận thấy rằng trước khi tiêu diệt Ba Lan, cần tách nước này ra khỏi mối liên minh với Pháp. Do vậy, việc kí với Ba Lan Hiệp ước không xâm phạm nhau, Hitler có thể củng cố làn sóng hòa bình; xóa đi nỗi nghi ngại của Hitler ở Tây Âu và Đông Âu; làm suy yếu chức năng của Hội Quốc liên; lũng đoạn mối liên minh của Pháp với Đông Âu, trong đó Ba Lan là pháo đài vững chắc. Người dân Đức vốn thù ghét Ba Lan có thể không hiểu được, nhưng đối với Hitler sách lược mà ông ta đang theo đuổi có nhiều lợi điểm nhất thời. Do vậy, chính phủ Ba Lan đã đón nhận được thái độ tích cực từ phía chính phủ Quốc xã.
2.2. Nội dung hiệp ước
Ngày 15/11/1933, Hitler tiếp Josef Lipski, tân đại sứ Ba Lan ở Berlin. Hai chính phủ Ba Lan đã “thảo luận những vấn đề liên quan bằng một cuộc đàm phán trực tiếp và hoàn toàn từ bỏ việc sử dụng bạo lực trong quan hệ giữa hai nước nhằm củng cố hòa bình ở châu Âu” . Đến ngày 26/1/1934, chính phủ Đức và chính phủ Ba Lan đã mở đầu một giai đoạn mới trong quan hệ chính trị bằng sự hiểu biết trực tiếp. Hai chính phủ đưa ra những nguyên tắc phát triển mối quan hệ trong tương lai bằng việc duy trì và bảo vệ một nền hòa bình lâu dài, không xung đột, nương tựa lẫn nhau. Đó là điều kiện cần thiết cho nền hòa bình chung của châu Âu. Nếu có tranh chấp phát sinh và thoả thuận không đạt được bằng cuộc đàm phán trực tiếp, tùy từng trường hợp cụ thể, hai nước sẽ tìm kiếm một giải pháp hoà bình khác, mà không làm phương hại đến nhau. Cả hai chính phủ tin rằng mối quan hệ giữa họ sẽ phát triển một cách có hiệu quả và sẽ trở thành láng giềng tốt của nhau. Tuyên bố có hiệu lực trong mười năm sẽ không làm thay đổi các hiệp ước đã kí. Diễn biến trên không được công chúng Đức tiếp đón với thái độ hoan nghênh, không hẳn là do mối ác cảm lâu nay của họ đối với người Ba Lan mà họ không nhận ra dụng ý sâu xa của Hitler. Xét theo khía cạnh này, các chính khách châu Âu cũng không nhìn xa hơn dân Đức
Để tạo ấn tượng yêu chuộng hòa bình đối với châu Âu, Hitler tuyên bố: “Đức đã ký kết Hiệp ước bất tương xâm với Ba Lan. Chúng tôi sẽ tôn trọng vô điều kiện hiệp ước này. Chúng tôi nhìn nhận Ba Lan là ngôi nhà của một dân tộc vĩ đại và có lòng ái quốc cao độ”. Để đáp lại điều đó, ngày 27/9/1934, Ba Lan tuyên bố không thể tham gia vào Hiệp ước Locarno nếu thiếu Đức; không để cho quân đội Đức và Liên Xô đi qua lãnh thổ của mình; không có một nghĩa vụ nào đối với Tiệp Khắc và Litva. Với hiệp ước bất xâm phạm, Ba Lan có lập trường như vậy là hoàn toàn có thể hiểu được
2.3. Ý nghĩa hiệp ước
Với hiệp ước này, Hitler đã tách Ba Lan ra khỏi ảnh hưởng của Pháp, thân cận hơn với Đức Quốc xã tức là làm suy yếu vòng vây Đông Âu, phá vỡ một khâu quan trọng trong hệ thống an ninh tập thể; tăng cường chống lại chủ nghĩa cộng sản Liên Xô. Đấy là con đường dẫn đến sự sụp đổ của Ba Lan trước khi hiệp ước bất tương xâm phạm hết hạn.
Đồng thời, giúp Hitler có dịp tỏ cho thế giới biết rằng chính mình đang yêu chuộng hòa bình và cũng đang thực hiện một nền hòa bình. Đến đây, đã có thể xác định chiến thuật đối ngoại của Hitler: nói chuyện hòa bình ở chốn công khai, tích cực bí mật chuẩn bị tái vũ trang, tiến hành những bước đi ngoại giao thật cẩn trọng để tránh bị trừng phạt bởi các tác giả Hòa ước Versailles, chiến thuật này đã nâng vị thế đối ngoại của Đức một cách đáng kể.
Đối với Pháp, bản thân hiệp ước không chống lại Pháp. Nhưng xét về mặt tâm lý, hành động ngoại giao của chính phủ Ba Lan là không hữu nghị đối với đồng minh của mình, François Poncet đã nói: “Thái độ của Ba Lan đối với chúng tôi và nhất là thái độ của đại tá Beck, ngoại trưởng, không phải là thái độ của một người bạn mà là của kẻ thù đích thực”. Vì hiệp ước này đã làm suy yếu hệ thống phòng thủ phía Đông của Pháp và Pháp đã thất bại trong việc tạo ra một nước đệm để ngăn cách kẻ thù truyền kiếp của mình.
3. Sáp nhập vùng Sarre
3.1. Địa chính trị vùng Sarre
Sarre chưa bao giờ là một đơn vị hành chính riêng biệt. Phần lớn Sarre thuộc về vùng Renan nước Phổ và phía Đông thuộc xứ Palatinat Bavois. Tháng 3/1919, Pháp đưa ra một số yêu sách về đất đai đòi sáp nhập phía Nam của Sarre vốn thuộc Pháp từ thời Louis XIV năm 1815. Pháp đòi làm chủ vùng mỏ này nhưng phái đoàn Pháp không làm cho người ta chấp nhận được lập trường của mình. Wilson đã hoàn toàn bác bỏ mọi lập luận có tính lịch sử này.
Theo qui định của Hòa ước Versailles năm 1919, vùng Sarre của Đức đặt dưới quyền ủy trị của Hội Quốc liên trong thời hạn 15 năm. Hội Quốc liên trao lại quyền này cho Pháp. Sau 15 năm (1920-1935), vào đầu năm 1935 sẽ tiến hành trưng cầu dân ý để quyết định xem hạt Sarre thuộc Pháp hay trở về Đức hay tiếp tục nằm trong chế độ ủy trị của Hội Quốc liên. Những cuộc đàm phám của Pháp – Đức về số phận hạt Sarre bắt đầu từ năm 1930 với không ít khó khăn phức tạp, đặc biệt là dưới thời Barthou giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Pháp. Hitler từng tuyên bố đó là vấn đề duy nhất chưa giải quyết giữa hai nước
Trên bình diện quốc tế, vấn đề được đặt ra như sau: chắc chắn chỉ có một thiểu số người tán thành sáp nhập vào Pháp, chỉ còn lại hai giải pháp: sáp nhập vào Đức hay giữ nguyên trạng, tức là sự cai quản sẽ giao cho một ủy ban chính quyền do Hội Quốc liên cử ra
3.2. Tiến trình sáp nhập Sarre
Vào khoảng năm 1930, mọi diễn biến đều cho thấy toàn bộ dân Sarre sẽ bỏ phiếu thuận chấp nhận sáp nhập Sarre vào Đức. Nhưng khi Đảng Quốc xã nắm chính quyền ở Đức đã làm nhiều người e ngại. Những người Thiên Chúa giáo ở Sarre lo âu về tin đàn áp ở Đức. Những người Xã hội và Cộng sản lo lắng đảng mình sẽ bị thủ tiêu khi Đức Quốc xã tiến hành đàn áp cán bộ của hai đảng, xóa bỏ công đoàn và hoạt động dưới dạng cảnh sát ngầm và các tổ chức bán quân sự
Hitler tiếp tục tiến hành đợt tuyên truyền rầm rộ: diễu hành, mitting, tổ chức du lịch sang Đức được chính phủ Đức tài trợ, tham gia vào “Mặt trận Đức”, nhưng cũng có cả biện pháp “khủng bố”. Trong bài diễn văn ngày 27/8/1933, Hitler tuyên bố: “Nhân dân vùng Sarre sẽ quyết định số phận của mình và tôi biết là mọi người sẽ bỏ phiếu cho Đức, chúng ta muốn sống hòa thuận với Pháp, nhưng không bao giờ từ bỏ Sarre, cũng như không bao giờ Sarre từ bỏ Đức”
Trong khi đó, chính quyền và công luận Pháp không quan tâm đến vấn đề này, chỉ một vài tờ báo cánh hữu (như Le Figaro), một bộ phận báo chí cánh tả thù địch Đức Quốc xã, một vài nhà kỹ nghệ lớn quan tâm đến lợi ích kinh tế và nhất là Hiệp hội Pháp ở Sarre là muốn giữ nguyên trạng. Vì không đủ phương tiện tài chính nên cố gắng của những người này không ảnh hưởng gì đến Hitler. Ban giám đốc Pháp ở các mỏ Sarre có điều kiện gây sức ép đối với công nhân, nhưng theo nhận xét của các nhà nghiên cứu thì hình như họ không lợi dụng điều này.
Đến năm 1934, Hội Quốc liên đã thành lập một Ủy ban ba người đứng đầu là một người Ý, Nam tước Aloisi, để giám sát cuộc trưng cầu dân ý. Ngày 2/6/1934, Hiệp định Pháp – Đức được kí đảm bảo rằng sẽ không bên nào gây tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các cử tri. Ngày 31/8/1934 Barthou gửi đến Hội Quốc liên một bản giác thư đề nghị mua các mỏ nếu cuộc bỏ phiếu có lợi cho Đức. Nhưng sau khi Barthou bị ám sát (9/10/1934), Ngoại trưởng Pierre Laval thay thế có chiều hướng chấp thuận sáp nhập Sarre vào Đức, thái độ của Pháp trở nên rụt rè hơn. Điều đó chứng tỏ, Laval không biết gì về Sarre, tin rằng cuộc trưng cầu dân ý nhất định thuận lợi cho việc sáp nhập và coi đó là ý nguyện của nhiều người dân Sarre. Đa số mọi người cho rằng nên kéo dài nguyên trạng đến khi chế độ Quốc xã sụp đổ. Laval tiếp tục đẩy chính sách từ bỏ Sarre khi ông gặp đại sứ Koster (Đức) ngày 6 và 10/11/1934, “vùng Sarre không đáng để xảy ra một cuộc chiến tranh Pháp – Đức” . Lời tuyên bố này gần như trao hoàn toàn quyền cho bộ máy tuyên truyền Đức và Hội Quốc liên chấp nhận. Ngày 3/12/1934, nhờ sự hỗ trợ của Nam tước Aloisi, Hiệp định Pháp – Đức về tài chính đã được kí kết, quy định Đức phải trả khoản tiền 900 triệu Frank về những món tiền cho vay và tài sản Pháp ở các mỏ, đường sắt.
3.3. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý
Cuối cùng cuộc trưng cầu dân ý cũng được tiến hành ngày 13/1/1935. Trong số 528.053 cử tri thì 46.613 đồng ý giữ nguyên trạng, 2.124 đồng ý thống nhất với Pháp, 477.119 tán thành trở lại với Đức. Có 905 phiếu không hợp lệ và 1202 phiếu trắng. Như vậy, khoảng 90% dân Sarre muốn sáp nhập vào Đức. Qua đó, đồng minh phương Tây muốn chứng tỏ rằng họ không truất bỏ quyền tự quyết của dân tộc Đức như Tổng thống Wilson đã từng tuyên bố năm 1918. Bản thân Hitler cho rằng, thắng lợi này là sự chấp nhận đường lối chính trị của ông trên toàn thể nước Đức. Hitler từng bước tạo niềm tin cho các cường quốc phương Tây bằng cách chứng tỏ rằng Đức là một địch thủ lợi hại của cộng sản Liên Xô và là một quốc gia luôn luôn bênh vực nền văn minh phương Tây. Hitler cũng khéo léo che đậy hành vi bài xích Do Thái đến nỗi mọi quốc gia đều cho đấy là một hiện tượng phụ thuộc, tạm thời, không thể nào tránh được trong khi một phong trào cách mạng đang lay chuyển một dân tộc hùng cường.
Trong ngày 1/3/1935, nhân dịp hạt Sarre trở lại với Đức, Hitler long trọng cam kết, Đức sẽ không có một yêu sách lãnh thổ nào đối với Pháp. Đồng thời, Hitler tuyên bố: “Chúng ta hi vọng vùng Sarre trở lại với nước Đức sẽ vĩnh viễn cải thiện mối quan hệ với Pháp và Đức. Chúng tôi mong muốn hòa bình và nghĩ rằng dân tộc lớn láng giềng cũng sẵn sàng tìm kiếm hòa bình. Chúng tôi hi vọng là chúng ta sẽ chìa tay cho nhau trong sự nghiệp chung này để đảm bảo sự tôn trọng của châu Âu”. Những lời tuyên bố long trọng ấy được phát ra trong bối cảnh Hitler chuẩn bị những điều kiện cần thiết để xé toang các điều khoản Versailles. Với chính sách đi ngược với đường lối của Barthou, Laval có xu hướng xích lại gần Đức Quốc xã đã khuyến khích thêm sự lộng hành của Hitler
4. Kế hoạch tái vũ trang
4.1. Không quân Đức
Không quân Đức đã trở thành một thành phần thiết yếu trong các chiến dịch quân sự của Đức. Khi nắm quyền, Hitler dành rất nhiều tài lực vào việc tạo ra một lực lượng không quân vì nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh hiện đại. Kể từ khi Hòa ước Versailles cấm Đức có một lực lượng không quân, phi công Đức được huấn luyện trong bí mật. Việc đào tạo phi công quân sự được bắt đầu ngay dưới lốt ngụy trang Liên đoàn Bay Thể thao. Với tư cách là Bộ trưởng Hàng không – được hiểu là Hàng không Dân dụng, Hermann Göring đặt hàng cho những xưởng thiết kế máy bay chiến đấu, tất bật để lo gây dựng không quân. Đến ngày 10/3/1935, Göring chính thức công bố Đức có không quân (Luftwaffe). Trong khi đó, lực lượng không quân Pháp gần như đã bị lãng quên kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất, các nhà lãnh đạo quân sự Pháp ưa thích chi tiền cho bộ binh và công sự tĩnh. Kết quả là, năm 1940, không quân Pháp chỉ có 1.562 máy bay và cùng với 1.070 máy bay của không quân Anh phải đối mặt với 5.638 máy bay chiến 60 đấu và máy bay ném bom của không quân Đức nhanh chóng giành được ưu thế. Nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939) đã minh chứng sức mạnh của ném bom chiến lược của Đức.
Tái vũ trang được thể hiện rõ nhất sau khi quân Đức tràn sang Ba Lan, chỉ trong vòng 48 giờ, không quân Ba Lan đã bị hủy diệt trước khi cất cánh. Quân đội Ba Lan tan nát chỉ sau một tuần. Thủ đô Warszawa thất thủ trong vòng 4 tuần. Ngày 9/4/1940, Đức đồng loạt tấn công Đan Mạch và Na Uy. Đan Mạch đầu hang ngay lập tức, còn Na Uy chống cự và đầu hàng sau 2 tháng. Ngày 10/5, Đức tấn công Pháp, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg. Hà Lan đầu hàng sau 5 ngày và Bỉ cầm cự không tới 3 tuần. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng từ lúc vượt biên giới Pháp, quân Đức tiến vào thủ đô Paris. Đến giữa năm 1942, Đức đã thôn tính khoảng 90% diện tích Tây Âu, chỉ trừ Thụy Điển, Vương quốc Anh, Scotland, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ, còn ở Bắc Phi, Đức đang chiếm đóng Tunisia, Lybia và một phần Ai Cập
4.2. Phục hồi chế độ quân dịch
Hòa ước Versailles qui định Đức có tối đa 100.000 quân tức là không được thi hành nghĩa vụ quân sự, cấm sở hữu máy bay và xe tăng nhằm mục đích ngăn chặn bước đường bá quyền của Đức ở châu Âu. Nhưng điều khoản này đã làm suy yếu Đức sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Khi Hitler lên cầm quyền, Đức Quốc xã theo đuổi một cách không mệt mỏi chương trình tái vũ trang. Quân đội nhận lệnh tăng quân số từ 100.000 lên 300.000 quân. Đến ngày 17/4/1934, người ta đều cho rằng Đức đang tái vũ trang
Đến ngày 12/3/1935, chính phủ Pháp công bố quyết định kéo dài thời hạn quân dịch từ 18 đến 24 tháng và hạ thấp độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân dịch để bù đắp số thanh niên ít ỏi ra đời trong năm Chiến tranh thế giới thứ nhất. Hitler phản ứng tức khắc. Ngày 16/3/1935, Hitler triệu tập François Poncet đến và thông báo Luật nghĩa vụ quân sự phổ thông bắt buộc và quân đội thời bình gồm có 12 quân đoàn và 36 sư đoàn – khoảng nửa triệu người. Đây là sự kiện hết sức nghiêm trọng đánh dấu việc Đức Quốc xã không còn đếm xỉa gì đến các điều khoản quan trọng nhất về hạn chế quân sự theo Hòa ước Versailles, trừ khi Pháp và Anh có động thái. Giờ đây quá trình ngấm ngầm tái vũ trang nước Đức trước đó đã được Hitler công khai hóa và pháp lý hóa. Cái cớ được Hitler tạo ra là thất bại của Hội nghị giải trừ quân bị và việc tái vũ trang của các cường quốc như Anh, Pháp, Liên Xô buộc Đức phải làm như vậy
Ngay ngày hôm sau, chủ nhật ngày 17/3 một buổi lễ hoành tráng được tổ chức ngay giữa thủ đô Berlin để chào mừng sự kiện vừa nêu. Đây chính thức là lễ tôn vinh những liệt sĩ đã hi sinh vì tổ quốc, nhưng những người tham dự đều ngầm hiểu đây là lễ mai táng Hòa ước Versailles, nỗi nhục nhã của Đức đã bị tháo bỏ, đồng thời là cuộc mitting chào mừng sự hồi sinh của quân đội Đức. Nếu chế độ Quốc xã còn bị nhiều người Đức e dè vì tính chất độc tài, bạo lực của nó, đến lúc họ cũng phải nhìn nhận rằng, Hitler đã làm được điều mà không chính phủ cộng hòa nào dám làm
Đúng như Hitler dự đoán, Anh và Pháp chỉ lên tiếng phản đối nhưng không có động thái nào khác. Trái lại, chính phủ Anh vội hỏi liệu Hitler có chịu gặp Ngoại trưởng Anh hay không và Hitler đã đồng ý. Chính phủ Ý cũng phản đối và ngày 23/3 Laval, Eden và Suvich gặp mặt ở Paris. Họ nhất trí là Eden sẽ đi cùng với John Simon đến gặp Hitler với danh nghĩa đến để thông báo rồi Simon sẽ đến Moskva, Warszawa và Praha, sau đó đại diện của ba nước sẽ gặp nhau ở Stresa. Bên cạnh đó, công hàm ngoại giao mà bến Orsay gửi đến Hội Quốc liên vừa chứa đựng những lời phản đối, vừa nhấn mạnh đến nỗ lực hòa giải và xua tan tình hình căng thẳng phát sinh. Đây cũng không phải là ngôn từ của những người quyết tâm với động thái phản đối.
Trong hoàn cảnh trên, sẽ chẳng phải là lạ nếu Hitler cố ý phớt lờ Hội nghị Stresa diễn ra ngày 11/4 với sự tham gia của phái đoàn Anh, Pháp và Ý. Hội nghị lên án chính sách tái vũ trang của Đức, tái xác nhận ủng hộ nền độc lập của Áo và tái khẳng định Hiệp ước Locarno. Hội Quốc liên cũng tỏ ý bất bình và lập một ủy ban để đề xuất biện pháp ngăn chặn Hitler. Nhưng tất cả chỉ là lời nói suông, rỗng tuếch để cảnh cáo Hitler. Nhận thấy Đức sẽ không bao giờ kí Hiệp ước Đông Locarno, Pháp vội kí Hiệp ước tương trợ với Liên Xô có thời hạn 5 năm, các bên cam kết giúp nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào một bên kí kết. Ngày 16/5, một hiệp ước tương trợ đã được kí giữa Liên Xô và Tiệp Khắc, đồng minh thuộc vào hàng tin cậy nhất của Pháp ở Đông Âu.
Trong lúc người Pháp còn cố tiến hành, ngoài những lời lẽ phản đối quen thuộc, một số hoạt động tích cực theo hướng xây dựng một hệ thống an ninh tập thể ở Đông Âu, người Anh gần như chỉ bằng lòng với những lời phản đối, dù đôi khi mạnh mẽ, nhưng lại không kèm theo một động thái ngoại giao tương xứng nào cả. Hitler quyết định đấy chính là lúc khẳng định một lần nữa lòng yêu chuộng hòa bình và để xem có thể lũng đoạn tình đoàn kết giữa các nước đang chống lại mình hay không
Ngày 21/5/1935, Hitler đọc bài “Diễn văn hòa bình” ở Nghị viện, Hitler tuyên bố Đức không hề có ý định thôn tính các dân tộc khác, tất cả những gì ông muốn chỉ là hòa bình. Ông bày tỏ nỗi lo âu trước những tàn phá khủng khiếp của chiến tranh và những lời cam kết tôn trọng Hòa ước Versailles, bảo vệ đường biên giới hiện thời của Pháp, từ bỏ Anschluss (không có ý định sáp nhập Áo vào Đức), tuân thủ nghiêm ngặt Hiệp ước không xâm lược nhau với Ba Lan. Cuối cùng, Hitler đưa ra 13 đề xuất cụ thể nhằm duy trì hòa bình, tạo ấn tượng sâu đậm đối với nước Đức và cả châu Âu. Nếu Hội Quốc liên tách ra khỏi Hòa ước Versailles và mọi quốc gia được bình đẳng như nhau, Hitler ngụ ý Đức sẽ tái gia nhập Hội Quốc liên. Đặc biệt, Đức sẽ ủng hộ và hoàn thành mọi nghĩa vụ xuất phát từ Hiệp ước Locarno, tuân thủ qui chế phi quân sự của vùng tả ngạn sông Rhine (Rhineland). Đấy là những ngôn từ tẩm mật ngọt của hòa bình và những lời hứa rỗng tuếch của Hitler.
Cùng ngày, một động thái ngoại giao khác trái ngược hoàn toàn với lòng yêu chuộng hòa bình, Hitler ban hành Đạo luật Quốc phòng, bổ nhiệm TS. Schacht làm Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền Kinh tế Chiến tranh chuẩn bị một nền kinh tế thời chiến và tổ chức lại quân đội. Bộ Quốc phòng đổi thành Bộ Chiến tranh. Quân đội Đức từ danh hiệu Reichswehr (Lực lượng bảo vệ Đế chế) của cộng hòa Weimar được đổi tên thành Wehrmacht (Quân đội quốc phòng) của Đức Quốc xã. Theo qui định của Hòa ước Versailles Reichswehr phải chịu nhiều hạn chế như quân số không vượt quá 100 nghìn quân, chỉ được trang bị những loại vũ khí phòng thủ, không được có không quân, còn hải quân chỉ đủ sức làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển. Vậy, Reichswehr không phải là một quân đội đúng nghĩa. Khi đổi tên Reichswehr thành Wehrmacht, Hitler có ý muốn khẳng định rằng kế hoạch của Đức là xây dựng một quân đội đúng nghĩa, không bị hạn chế các điều khoản của Hòa ước Versailles mà Tổng Tư lệnh Tối cao Quân lực sẽ không ai khác ngoài Hitler. Blomberg được chỉ định làm Bộ trưởng Chiến tranh kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân lực. Tướng Beck nhận chức Tham mưu trưởng Lục quân.
4.3. Hiệp định hải quân Anh – Đức
Theo Hòa ước Versailles, hải quân bị giảm thành lực lượng tượng trưng, bị cấm chế tạo tàu ngầm hoặc tàu trọng tải trên 10.000 tấn. Các điều khoản này nhất thời gây bất mãn và phẫn nộ cho toàn thể nước Đức. Tất cả điều khoản trong Hòa ước Versailles đã làm giảm sức mạnh quân sự của Đức. Hải quân Đức đã bắt đầu đóng hai chiếc tàu thiết giáp 26.000 tấn, việc đóng tàu ngầm đã được tiến hành bí mật ở Phần Lan, Hà Lan và Tây Ban Nha dưới chế độ Cộng hòa Weimar.
Bài diễn văn mà Hitler đọc ngày 21/5/1935, đã tác động mạnh đến Mac Donald và John Simon. Hitler giăng miếng mồi ra nhử nước Anh, ông sẵn sàng giới hạn hải quân Đức ở mức 35% tổng trọng tải lực lượng hải quân Anh và ông cho rằng như thế vẫn còn khiến cho Đức thấp hơn 15% so với tổng trọng tải của hải quân Pháp. Hitler tuyên bố “Đối với Đức, yêu cầu này là cuối cùng và có tính ràng buộc”, kèm một lời trấn an: “Nước Đức không có ý định, cũng chẳng có nhu cầu, phương tiện để dự phần vào cuộc chạy đua mới trong lĩnh vực ưu thế hải quân” . Hitler tiếp: “Chính phủ Đức có ý muốn thẳng thắn để tìm kiếm và duy trì mối bang giao với dân tộc và đất nước Anh nhằm mọi lúc ngăn chặn hai nước tái diễn chiến tranh” . Với những ngôn từ này, phù hợp với chế độ dân chủ Tây Âu, chính phủ Anh tin rằng chính sách Hitler đưa ra tạo một tiền đề tốt để đạt một thỏa thuận trọn vẹn với Đức – một nước Đức tự do, bình đẳng và mạnh mẽ thay vì một nước Đức kiệt quệ bị áp đặt bởi Hòa ước Versailles. Chính phủ Anh rơi vào bẫy của Hitler một cách ngây thơ và nhanh chóng đến mức khó tin. Cũng có lẽ Hitler thật lòng muốn hòa giải với Anh, một trong những bài học mà Hitler rút ra từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi Đức cố chạy đua vũ trang ngang bằng với hải quân Anh. Đó là lỗi lầm lớn nhất của Hoàng đế Đức, gây nên thái độ thù địch với Anh
Bi kịch trong liên minh Anh, Pháp, Ý đã xảy ra, khi chính người Anh đã chấp nhận đàm phán với Đức (từ ngày 4/6/1935) về vấn đề hải quân trên cơ sở đề nghị của Hitler mà không tham khảo ý kiến của Pháp và Ý thuộc Hiệp ước Stresa, vốn cũng là các cường quốc hải quân đang lo lắng về việc Đức tái vũ trang, hay thậm chí thông báo cho Hội Quốc liên, tổ chức quốc tế theo dõi việc tuân thủ Hòa ước Versailles. Anh nông nỗi tiến hành xóa bỏ mọi hạn chế hải quân ghi trong Hòa ước Versailles. Anh có ý nghĩ là chấp nhận chuyện đã rồi và nhìn nhận Đức được bình đẳng về quân sự, đổi lại Đức sẽ tham gia Hiệp ước Locarno. Kết quả là, ngày 18/6/1935, Hiệp định hải quân Anh – Đức được kí kết mà không có một sự tham khảo nào từ Pháp và Ý. Theo hiệp định này, Đức được quyền xây dựng hạm đội bằng 35% hạm đội Anh, tàu ngầm bằng 45% của Anh hoặc thậm chí 60% và trong trường hợp đặc biệt có thể lên đến 100% (sau khi thỏa thuận trước với Anh rằng sẽ không dùng tàu ngầm chống lại tàu buôn trong thời gian chiến tranh) và cần nhắc lại rằng Hòa ước Versailles nghiêm cấm Đức trang bị tàu ngầm. Cụ thể Hiệp định hải quân Anh – Đức cho phép Đức đóng 5 tàu thiết giáp, với trọng tải và đại pháo lớn hơn bất cứ loại tàu nào mà Anh đang có, lại thêm việc Đức ngụy tạo mọi con số chính thức để đánh lừa bên Anh nhằm đóng 21 tàu tuần dương và 64 tàu khu trục . Khi chiến tranh bùng nổ, không phải tất cả đều được hoàn tất nhưng Đức đã hoàn tất khá đủ, cộng thêm tàu ngầm đã gây cho Anh nhiều thiệt hại trong nững năm đầu của cuộc chiến.
Ngoài ra không có qui định cụ thể khác, nghĩa là mặc nhiên cho phép Đức tự do đóng tàu cho hạm đội càng nhanh càng tốt, huy động tối đa các xưởng đóng tàu và nhà máy thép. Vì thế, đây không phải là giới hạn tái vũ trang của Đức mà là khuyến khích bành trướng binh chủng hải quân theo khả năng của Đức. Điều này chẳng những vi phạm hòa ước Versailles năm 1919 về vấn đề Đức, mà còn có nghĩa là Anh đã mặc nhiên thừa nhận tái vũ trang nước Đức bằng việc kí kết một hiệp định quân sự chính thức. Chính Anh cũng không quan tâm đến những điều khoản trong Versailles. Anh cho rằng Hòa ước Versailles đã quá khắc nghiệt với Đức và đây là thời điểm thích hợp để nới lỏng các điều khoản giúp châu Âu bình đẳng với nhau. Anh cho rằng phương pháp này sẽ đáp ứng những yêu cầu của Hitler và không có lý do gì để tức giận hoặc cảm thấy bị dồn ép bởi các điều khoản của Versailles nữa.
Trước tình hình đó, Mussolini đã thực hiện kế hoạch mà ông ta ấp ủ từ lâu: khởi sự cuộc chiến xâm lược xứ Abyssinia từ ngày 4/10/1935. Hội Quốc liên cầm đầu là Anh được Pháp ủng hộ một cách miễn cưỡng, biểu quyết khiển trách nhưng việc áp dụng hình phạt chỉ là nửa vời. Họ không ngăn chặn được Ý chiếm Abyssinia, vừa phá vỡ những gì còn sót lại của mặt trận Stresa chống Đức. Winston Churchill, một chính khách nổi tiếng của Anh nhận xét trong Hồi kí: “Giờ đây, chỉ còn lại ít hi vọng để loại trừ chiến tranh và trì hoãn nó bằng một cuộc đọ sức tương đương với chiến tranh. Thực tế là Anh và Pháp chẳng còn sự lựa chọn nào khác ngoại trừ chờ đợi cuộc tiến công và ráng làm hết sức mình”
Nếu như Đức đang nỗ lực xây dựng để trở thành một cường quốc quân sự thì vào năm 1934 đà tiến bộ của quân Anh đi vào ngõ bí. Có hai điều đã ngăn trở chương trình cách tân. Thứ nhất là các chính khách và công luận Anh dứt khoát chống đối việc đưa quân Anh can dự vào lục địa, cho đến năm 1939, chính phủ Anh chỉ tài trợ rất ít cho quân đội. Thứ hai, hầu hết các sĩ quan Anh vẫn yêu thích cái nghề lính cổ truyền và xem chức vị sĩ quan là một vị thế yên ổn hơn là một nghề buộc phải học hỏi nghiêm túc. Kết quả là các sĩ quan Anh thích thể thao, săn chồn hơn là học hỏi nghiên cứu nhằm chuẩn bị cho chiến tranh.
Bên cạnh đó, quy tắc Mười năm (tháng 8/1919), tuyên bố chính phủ không tham gia vào chiến tranh trong vòng mười năm. Do đó, họ tiến hành rất ít hoạt động nghiên cứu quân sự. Mặt khác, Đức và Liên Xô không hài lòng về sức mạnh của mình vì những lý do khác nhau nên đã hợp tác với nhau về quân sự. Liên Xô cung cấp cơ sở cho Đức để sản xuất, thử nghiệm vũ khí và huấn luyện quân sự. Đổi lại, Liên Xô yêu cầu tiếp cận kỹ thuật Đức và được hỗ trợ trong việc tạo ra một Tổng tham mưu Hồng quân.
Tại Pháp, chính sách quốc phòng của đế quốc đã bị bỏ bê trong một thời gian dài. Giới chỉ huy quân sự Pháp khi thực hiện kế hoạch cơ giới hóa, yêu cầu Hội đồng Quốc phòng Tối cao “không được quên rằng ngựa vẫn luôn có ích và tuyên bố rằng quân đội rất cần thêm nhiều ngựa, đặc biệt ngựa để cưỡi. Chúng ta phải cứu vãn việc nuôi ngựa”. Họ coi xe tăng chiến đấu chỉ là phương tiện hỗ trợ, bổ sung cho bộ binh, đặt dưới sự điều động của bộ binh.
Thống chế Pétain sau khi đã hoàn thành học thuyết quân sự của Pháp cho rằng: “Thật là bất cẩn khi kết luận rằng một lực lượng thiết giáp, vốn có khả năng tiến xa, theo lời một số người, trên 150 km một ngày, chọc thủng những phòng tuyến lớn và gieo rắc kinh hoàng sau lưng kẻ địch, là một thứ vũ khí vô địch. Những kết quả mang tính quyết định mà lực lượng này giành được sẽ không lâu bền. Trước một hàng rào súng chống tăng và mìn, sư đoàn thiết giáp sẽ làm mồi cho một cuộc phản công bên sườn. Còn về xe tăng, mà một số người cho rằng sẽ rút ngắn cuộc chiến, sự bất lực của chúng là rất rõ ràng”
Chính vì những lí do đó, xe tăng, lực lượng thiết giáp, kế hoạch sản xuất xe tăng và xây dựng các đơn vị thiết giáp không được quan tâm. Phi cơ Pháp cũng chịu số phận tương tự. Mười hai năm sau Thế chiến thứ nhất, mà trong đó phi cơ Pháp đóng vai trò ngày càng quan trọng trong trinh sát, xạ kích và oanh tạc, không quân Pháp về cơ bản vẫn y như cũ. Theo Thống chế Pétain “không có chuyện đại loại như không chiến. Chỉ có trận chiến trên bộ”. Hậu quả là không quân Pháp lạc hậu về mọi mặt so với Đức, Anh và cả Mĩ. Đối với giới chỉ huy quân sự cao cấp Pháp, không quân quả là một đứa con ghẻ phiền toái.
Với bài học của Thế chiến thứ nhất, do tình trạng xơ cứng trong tư duy của giới quân sự Pháp. Nếu như trước năm 1914, họ nhấn mạnh đến tiến công thì sau năm 1918, họ đặt trọng tâm vào phòng ngự, vì theo họ nó đã tỏ ra thành công trong Đại chiến và cũng sẽ mang thắng lợi một lần nữa. Do vậy, chính sách quốc phòng của Pháp nặng đầu tư xây dựng Tuyến phòng phủ Maginot để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Đức với chi phí lên nửa tỉ đô la. Đây là một công trình phòng thủ lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử thế giới nhưng Tuyến phòng thủ Maginot lại góp phần vào thảm bại quân sự của Pháp năm 1940, mà lý ra nó có trách nhiệm ngăn chặn. Vậy mà người Pháp cứ yên chí với tuyến phóng thủ đó. Trong khi Hitler đã xé bỏ Hòa ước Versailles, xây dựng một đạo quân theo chế độ cưỡng bức nửa triệu người, lực lượng hải quân và không quân vững mạnh. Điều đó cho thấy, quân đội của Đức không những tăng lên về số lượng mà còn cả chất lượng. Chính sách xây dựng nền Quốc phòng của Đức ngày càng vững mạnh.
5. Tái chiếm vùng phi quân sự Rhineland
5.1. Bối cảnh lịch sử
Sau sự sụp đổ của Đế quốc Pháp đầu thế kỷ XIX, các khu vực nói tiếng Đức và Hà Lan ở trung và hạ lưu sông Rhine được sáp nhập vào vương quốc Phổ. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phía Tây của Rhineland bị phe Hiệp ước chiếm đóng và bị phi quân sự theo Hòa ước Versailles. Theo điều khoản Hòa ước Versailles năm 1919 cấm Đức duy trì hoặc xây dựng bất kỳ pháo đài nào bên bờ trái hoặc bờ phải sông Rhine cách đều hai bờ tả ngạn và hữu ngạn mỗi bên 50 km. Nếu vi phạm bất cứ trường hợp nào cũng sẽ được coi là một hành động thù địch và có ý định làm xáo trộn hòa bình thế giới. Có nghĩa là hòa ước cấm Đức đóng quân ở Rhineland, qui định này đã làm suy yếu khả năng phòng thủ của Đức và buộc Đức phải thay đổi. Đồng thời, hòa ước này quy định rằng lực lượng quân sự của Đồng minh sẽ rút khỏi Rhineland năm 1935, mặc dù họ thực sự rút khỏi vào năm 1930
Ngoài ra, Hiệp ước Locarno kí kết năm 1925 giữa Đức, Pháp, Ý và Anh cho rằng “vùng Rhineland nên tiếp tục tình trạng phi quân sự vĩnh viễn” . Hiệp ước này được coi là rất quan trọng vì Đức tự nguyện chấp nhận tình trạng phi quân sự vùng Rhineland trái ngược với sự chấp nhận Hòa ước Versailles mà người Đức coi đó như một “diktat” . Theo điều khoản của Locarno, Anh – Ý đảm bảo đường biên giới của Pháp – Đức và tình trạng phi quân sự tiếp theo của Rhineland nhằm chống lại bất cứ động thái vi phạm nào. Do vậy, trong tư tưởng của Hitler, hủy bỏ Hiệp ước Locarno nghĩa là có khả năng chiếm đóng vùng phi quân sự Rheinland. Giới quân sự và ngoại giao Đức coi tình trạng ở Rhineland chỉ là tạm thời và đã soạn thảo kế hoạch tái chiếm Rhineland vào một thời điểm thích hợp
Trong bài phát biểu hòa bình ngày 21/5/1935, Hitler tuyên bố: “Đức sẽ tôn trọng vô điều kiện những điều khoản của Hòa ước Versailles không liên quan đến quân sự kể cả những điều khoản về lãnh thổ. Đặc biệt, Đức sẽ ủng hộ và thực hiện mọi nghĩa vụ của Hiệp ước Locarno” . Tất cả những gì ông muốn chỉ là hòa bình và cảm thông dựa trên sự bình đẳng cho mọi bên. Ông bác bỏ ý tưởng chiến tranh và bài diễn văn đã gây ấn tượng tốt đẹp cho thế giới, nhất là Anh, nhưng Hitler đã đề cập đến “một yếu tố thiếu ổn định về mặt pháp lý” được đưa vào Hiệp ước Locarno là do kết quả của Hiệp ước Xô – Pháp. Theo hiệp ước này, trong trường hợp Đức tấn công Liên Xô thì Pháp sẽ can thiệp Liên Xô và ngược lại. Đến ngày 1/6/1935, Bộ ngoại giao Đức đã gửi cho Pháp một Bị vong lục tố cáo rằng Hiệp ước Xô – Pháp đã vi phạm Hiệp ước Locarno Pháp – Đức năm 1925. Phía Đức cho rằng, hiệp ước này đã qui định Đức và Pháp không tấn công nhau, và Pháp chỉ có quyền can thiệp chống Đức trong trường hợp Đức tấn công Ba Lan và Tiệp Khắc. Nay Hiệp ước Xô – Pháp đã tạo ra thêm một “trường hợp ngoại lệ thứ ba” , như vậy là không phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiệp ước Locarno năm 1925. Hitler tuyên bố một cách điềm tĩnh rằng Hiệp ước Xô – Pháp đã khiến cho Hiệp ước Locarno – mà Đức tự nguyện kí kết trở nên mất hiệu lực. Hitler nói:
“Đức không còn cảm thấy bị trói buộc vào Hiệp ước Locarno. Thể theo lợi ích của cư dân dọc biên giới phải có quyền cơ bản về an ninh và quyền tự vệ, bắt đầu từ hôm nay chính phủ Đức tái lập chủ quyền tuyệt đối và toàn vẹn của đế chế trong vùng phi quân sự”
Đây là chỉ là cái cớ để Hitler tái chiếm vùng phi sự Rhineland. Tuy nhiên, phía Pháp đã bác bỏ lập luận này của Bộ ngoại giao Đức
Thực ra phản đối Hiệp ước Xô – Pháp năm 1935 chỉ là cái cớ và khúc dạo đầu để Đức đi đến từ bỏ Hiệp ước Locarno và tái chiếm đóng khu phi quân sự Rhineland. Việc Quốc hội Pháp phê chuẩn hiệp ước này ngày 27/2/1936 càng thúc đẩy Đức có thêm nguyên cớ để hành động. Hitler cho rằng đó là một sai lầm lớn, sẽ tạo điều kiện đưa một chính phủ cộng sản lên nắm quyền ở Pháp dẫn đến mối đe dọa nghiêm trọng đối với Pháp
5.2. Kế hoạch tái chiếm Rhineland
Theo các tài liệu của Tòa án Nuremberg, việc chuẩn bị chiếm đóng lại khu phi sự Rhineland đã được nghiên cứu từ ngày 29/6/1935 và Hitler dự định sẽ chuyển sang hành động vào tháng 2/1936. Sau đó ông hoãn lại một thời gian, vì Hitler dự đoán sẽ có phản ứng mạnh mẽ từ phía Pháp. Các tướng của Hitler cũng không cần giấu giếm rằng quân đội Đức đang được tổ chức lại và không đủ khả năng tham gia bất cứ chiến dịch quân sự nào. Cũng có khả năng Hitler sợ một cuộc can thiệp từ phía Anh. Trước đó, vào ngày 21/11/1935, khi François Poncet gửi báo cáo về Paris là Hitler định viện cớ Hiệp ước Pháp – Xô để chiếm lấy vùng phi quân sự Rhineland và Hitler chỉ còn lưỡng lự thời gian thích hợp để hành động. François Poncet có lẽ là đại sứ nước ngoài hiểu rõ Đức nhất, nhưng ông vẫn không biết rằng trước khi Hitler đọc bài diễn văn cam kết tôn trọng Hiệp ước Locarno và những điều khoản Hòa ước Versailles không liên quan đến quân sự, Tướng von Blomberg đã chỉ thị quân đội chuẩn bị kế hoạch tái chiếm vùng phi quân sự Rhineland. Chiến dịch sẽ “được thực hiện bằng đòn bất ngờ với tốc độ sấm sét” , và việc lên kế hoạch nằm trong vòng bí mật đến nỗi chỉ một số nhỏ nhất sĩ quan được thông báo. Để đảm bảo bí mật, Blomberg đã tự viết tay chỉ thị này.
Cuối cùng, ngày 2/3/1936 Bộ chỉ huy Tối cao Đức kí lệnh điều động quân đội. Ngày 6/3, Hitler đi đến quyết định khiến cho giới tướng lĩnh cảm thấy bất an, vì tin rằng Pháp có thể đánh tan tác các lực lượng nhỏ của Đức đã được điều động để chiếm Rhineland. Hitler tin vào trực giác của mình, đã bỏ qua những lời răn đe. Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Blomberg vẫn tuân theo chỉ thị của Hitler, ngày hôm sau ban hành lệnh chiếm đóng Rhineland rằng đấy là cuộc hành quân bình yên, hoặc nếu Pháp chống trả thì Blomberg có quyền quyết định cho bất cứ cuộc phản công quân sự nào
Sáng ngày 7/3/1936, một lực lượng nhỏ quân của Đức đi qua cầu sông Rhine tiến vào khu phi quân sự Rhineland. Theo lời khai của Jodl trước Tòa án Nurnberg, chỉ có 3 tiểu đoàn vượt sông Rhine và chỉ có một sư đoàn được huy động để chiếm cả vùng. Đây là một động thái nguy hiểm vì quân đội Pháp vẫn là quân đội mạnh nhất châu Âu lúc bấy giờ có thể dễ dàng đập tan quân Đức Quốc xã. Quốc trưởng của Đức Quốc xã biết rằng nếu quân Pháp dàn quân thì quân Đức sẽ bị nghiền nát ngay lập tức. Nếu quân đội Pháp làm thế, hầu như chắc chắn đấy sẽ là dấu chấm hết cho Hitler, sau đấy lịch sử hẳn đã đi theo một chiều hướng khác sáng sủa hơn, vì nhà độc tài hẳn không thể tồn tại sau thảm họa ấy. Tự tin rằng Pháp sẽ không động binh, Hitler thẳng thừng từ chối mọi đề nghị rút quân của Tổng Tham mưu Đức Blomberg lúc ấy đang lưỡng lự vì đề nghị rút lui không khác gì hành vi hèn nhát
Sau này, Hitler công nhận: “Nếu quân đội ta rút lui thì hẳn đã có thể dẫn đến sụp đổ”. Chỉ có tinh thần thép của Hitler mới cứu vãn tình thế, Hitler nói: “48 giờ đồng hồ sau khi đưa quân vào Rhineland là khoảng thời gian căng thẳng nhất trong đời tôi. Nếu quân Pháp tiến vào Rhineland, chúng ta có thể cắp đuôi mà chạy, vì nguồn lực quân sự của ta hoàn toàn yếu kém, ngay cả cho sức kháng cự vừa phải”
Hitler giờ hiện ra trong mắt giới tướng lĩnh như một người hùng. Trong lúc họ lưỡng lự, phân vân, không rõ nên tiến hay lùi ngay trong thời khắc khẩn trương, Hitler vẫn giữ thái độ bình tĩnh, vẫn thể hiện quyết tâm đi đến cùng. Nhiều năm sau, vào ngày 27/5/1942, giữa lúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai sắp đi vào cao điểm, Hitler nhắc đến biến cố ngày 7/3: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ai khác, chứ không phải tôi, đang cầm đầu đế quốc. Đố các vị chỉ cho tôi người nào không hoảng hốt. Tôi đã buộc phải nói dối, và chính nhờ thái độ kiên trì không thoái lui và sự bình thản đến kinh ngạc của tôi, mà chúng ta đã vượt qua. Tôi đe dọa nếu không thấy có dấu hiệu hòa hoãn ngay, tôi sẽ điều tiếp 6 sư đoàn đến vùng Rheinland. Thực ra tôi chỉ có 4 lữ đoàn. Hôm sau các báo Anh đều loan báo hòa hoãn”
Nếu có ai đó trong đám tướng lĩnh còn hồ nghi về tài lãnh đạo và khả năng phán đoán của Hitler, thì biến cố Rhineland đã mang đến cho họ một bài học đầy sức thuyết phục. Cả Pháp và Anh vẫn giữ thái độ thụ động trước một chiến dịch quân sự đơn giản của Đức. Hoàn toàn khác xa với phản ứng hùm hổ của Pháp trong năm 1923, khi Đức từ chối trả tiền bồi thường chiến phí. Riêng đối với Pháp, biến cố Rhineland mang ý nghĩa như màn mở đầu của hồi kết
5.3. Phản ứng của Anh, Pháp, Bỉ, Ý
Vậy, tại sao Pháp, Anh, Bỉ, Ý không phản ứng lại việc tái chiếm vùng phi quân sự Rhineland. Để Hitler ngang nhiên xé bỏ Hòa ước Versailles và Hiệp ước Lorcarno. Điều này cũng gây tranh cãi cho các nhà sử học, như William L. Shirer trong Sự trỗi dậy và suy tàn Đế chế thứ Ba (1960) và Sự sụp đổ của Cộng hòa thứ Ba (1969) cho rằng nước Pháp mặc dù sở hữu tại thời điểm đó lực lượng vũ trang hơn hẳn Đức nhưng Pháp chưa chuẩn bị tâm lý để sử dụng vũ lực chống lại Đức. Trong khi đó, Nhà sử học người Mỹ Stephen A. Schuker lại không nghĩ như vậy, vì ông tìm thấy một nguyên nhân đó là do “tình trạng tê liệt về kinh tế của Pháp” . Tại cuộc họp bàn cách đối phó của Hội đồng bộ trưởng Pháp, tướng Gamelin, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pháp cho rằng “một chiến dịch quân sự, dù giới hạn đi nữa, vẫn chứa đựng những may rủi khôn lường và do vậy, không thể được tiến hành mà không tổng động viên” . Ông đưa ra con số ước tính lực lượng Đức có mặt ở Rheinland là 295000 (tương đương 21 đến 22 sư đoàn) và thông báo cho chính phủ Pháp rằng cách duy nhất để chống lại người Đức chiếm Rhineland là huy động quân đội Pháp, nhưng điều đó “không những không được lòng dân mà nó sẽ tiêu phí kho bạc Pháp là 30 triệu frank mỗi ngày” . Gamelin giả định trong trường hợp xấu nhất, một động thái của Pháp vào Rhineland sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh Pháp – Đức, một trường hợp mà yêu cầu cần phải huy động đầy đủ. Phân tích của Gamelin được đồng ý bởi Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, Louis Maurin nói rằng không thể tưởng tượng được nếu nước Pháp đảo ngược tình thế tái chiếm Rhineland của Đức mà không cần huy động đầy đủ.
Đồng thời, vào cuối năm 1935 đầu năm 1936 Pháp bị kìm hãm bởi một cuộc khủng hoảng tài chính, chính phủ Pháp lo ngại rằng tiền dự trữ không đủ để trang trải chi phí huy động, và đó là “một cuộc chiến tranh toàn diện gây ra bởi việc huy động chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính” . Khi nghe Đức chuẩn bị tiến công, chính phủ Pháp đã gợi ý rằng hành động bằng quân sự là một lựa chọn có thể xảy ra. Ngoại trưởng Pháp, Pierre Étienne Flandin đi tới London ngày 11/3/1936 để tham khảo ý kiến Thủ tướng Anh, Stanley Baldwin, như Flandin mong muốn, vì lý do chính trị trong nước, để tìm một cách chuyển trách nhiệm không hành động lên vai Anh. Baldwin hỏi Flandin chính phủ Pháp đã chuẩn bị những gì, nhưng Flandin cho biết họ vẫn chưa quyết định. Flandin đi trở lại Paris và tham khảo ý kiến chính phủ Pháp, đồng ý rằng “Pháp sẽ đặt tất cả các lực lượng thuộc quyền sử dụng của Hội Quốc liên để phản đối một hành vi vi phạm hòa ước” . Lời khẩn cầu của Flandin không thành công. Anh không muốn chịu rủi ro chiến tranh cho dù lực lượng của Đồng minh vượt trội hơn hẳn so với Đức. Tuy thế, theo điều khoản của Hiệp ước Locarno, Pháp có quyền dùng vũ lực để chống lại sự hiện diện của Đức trong vùng phi quân sự và Anh bị ràng buộc với hiệp ước ấy để hỗ trợ Pháp bằng quân sự. Nhưng thái độ của Anh, Pháp cho thấy trong ván bài liều này Hitler đã thắng. Và tất cả những gì Flandin có thể làm ngay trước mắt là huy động 13 sư đoàn lên biên giới, nhưng để tăng cường chiến lũy Maginot. Còn Thủ tướng Pháp Albert Sarraut đưa ra lời trấn an nghe rất kêu: “Chúng ta sẽ không để Strasbourg nằm trong tầm bắn của đại bác Đức”
Nhận xét phản ứng không kiên quyết, nếu không muốn nói là nhút nhát của giới cầm quyền Paris, một nhà nghiên cứu người Pháp đã viết: “Bằng sự né tránh của mình, Pháp như vậy đã để trôi qua cơ hội cuối cùng còn lại trong tay hầu có thể chặn đứng hành động phiêu lưu của Hitler với cái giá rẻ nhất. Sau ngày 7/3, mọi sự không còn kịp nữa. Pháp cũng như Anh, chỉ còn việc ném nỗi cay đắng đến tận cùng, vì sẽ chẳng còn cứu vãn được gì”
Nghĩ rằng Rhineland ở quá xa Anh, ngày 9/3/1936, Bộ trưởng Ngoại giao Anthony Eden đã tuyên bố trước Viện Thứ dân: “Việc quân Đức xâm chiếm Rheinland đã giáng đòn nghiêm trọng vào nguyên tắc thiêng liêng của hiệp ước. May mắn là chẳng có lí do gì để cho rằng hành động hiện nay của Hitler chứa đựng nguy cơ xung đột”. Còn Lord Lothian, một thành viên Viện Nguyên lão, lúc này còn chưa được giao một trách vụ ngoại giao nào, tự thấy chẳng cần phải kín đáo: “Chẳng qua là người Đức đang thu hồi cái sân sau của họ mà thôi” . Vấn đề thật không đơn giản như người Anh nghĩ. Quyết định tái chiếm Rhineland đã nâng cao uy tín của Hitler trong mắt người Đức: trong cuộc trưng cầu dân ý về quyết định thu hồi Rhineland diễn ra ngày 29/3, có đến 98% người đi bầu bỏ phiếu tán thành. Dù không tin hoàn toàn vào lá phiếu của cử tri trong một chính thể độc tài phát xít như chế độ quốc xã ở Đức, người ta vẫn không thể phủ nhận giá trị phản ánh của nó.
Khi Pháp không đẩy lùi các tiểu đoàn Đức còn Anh không ủng hộ Pháp gây ra hậu quả tai hại cho phương Tây. Hai nước dân chủ phương Tây đã có cơ hội cuối cùng không bị rủi ro để ngăn chặn bước tiến của một nước Đức quân phiệt, hiếu chiến, độc tài. Họ đã để vuột mất cơ hội. Đây là bước khởi đầu cho hồi kết thúc của Pháp.
Các đồng minh của Pháp ở phía Đông – Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Rumania và Nam Tư, bỗng nhiên đối diện với thực tế là Pháp không muốn chống lại tính hiếu chiến của Đức để duy trì hệ thống an ninh mà Pháp đã dày công xây đắp. Hơn thế nữa, các đồng minh ở phía Đông bắt đầu nhận ra rằng ngay cả khi Pháp tỏ ra cứng cỏi thì chẳng bao lâu sau Pháp sẽ không đủ mạnh để hỗ trợ họ. Trong khi đó, Đức đang tất bật xây dựng Bức tường Tây phía sau biên giới Pháp – Đức. Với bức tường này, khó mà trông mong quân Pháp chặn đánh quân Đức cố thủ trong hệ thống công sự khi mà các sư đoàn Pháp đã không dám đánh ba tiểu đoàn Đức vượt sông Rhine. Nhưng ngay cả Pháp có làm điều gì thì đấy chỉ là vô vọng. Từ nay về sau, Pháp chỉ có thể cầm chân một phần nhỏ quân Đức, phần lớn còn lại tha hồ đánh phá các đồng minh của Pháp.
Bỉ đã kí kết một liên minh với Pháp năm 1920 nhưng sau khi Đức tái chiếm vùng phi quân sự Rhineland. Bỉ một lần nữa lựa chọn phương pháp trung lập, chính sách này nhằm mục đích duy nhất là đặt Bỉ ra ngoài sự tranh cãi của các nước láng giềng. Ngày 14/10/1936 Vua Leopold III cho rằng Đức tái chiếm Rhineland, bằng cách kết thúc Hiệp ước Locarno, gần như mang lại cho Bỉ trở lại vị thế quốc tế của mình trước chiến tranh.
Ba Lan tuyên bố rằng: Hiệp ước Liên minh quân sự Ba Lan – Pháp đã được kí kết vào năm 1921 sẽ được tôn trọng, mặc dù hiệp ước quy định rằng Ba Lan sẽ hỗ trợ Pháp nếu Pháp bị xâm lược. Ba Lan đã đồng ý huy động lực lượng của mình nếu Pháp làm điều gì đó chống Đức. Tuy nhiên, Pháp từ chối chống lại việc tái chiếm của Đức.
Trong khi đó, Liên Xô xoay chính sách ngoại giao quanh việc tìm kiếm một “nền an ninh chung”. Hơn nữa, Stalin ý thức rõ rằng hợp tác với các nước tư bản chủ nghĩa còn tốt hơn là một mình đối đầu với sự đe dọa của chủ nghĩa Quốc xã. Và cũng có thể đi đến việc “bắt cá hai tay”, bằng cách ký kết với Hitler một thỏa ước mà các nước phương Tây phải chịu phí tổn về nó và thỏa ước này sẽ ngăn Hitler ra khỏi những ý đồ của Đức đối với Liên Xô.
Ngay sau việc tái chiếm vùng phi quân sự Rhineland, Hitler lại một lần nữa rao giảng mong muốn hòa bình trên khắp châu Âu và đề nghị đàm phán các hiệp ước không xâm lược mới với một số nước trong đó có Pháp, Bỉ. Đồng thời nhanh chóng xây dựng các lực lượng phòng thủ của Đức dọc theo biên giới Pháp, Bỉ. Hitler chuyển sang giọng nói đầy xúc động để đọc hai lời thề cũng quen thuộc không kém: “Trước hết chúng tôi thề không nhượng bộ bất cứ sức mạnh nào muốn ngăn chúng ta phục hồi danh dự của dân tộc mình. Thứ đến, chúng tôi cam kết đấu tranh, hơn bao giờ hết so với trước đây, cho nỗ lực tạo lập sự thông hiểu giữa các dân tộc châu Âu, đặc biệt là đối với các nước láng giềng phía Tây của chúng tôi. Chúng tôi chẳng có một yêu sách nào về lãnh thổ châu Âu! Nước Đức sẽ không bao giờ phá vỡ hòa bình”
5.4. Ý nghĩa tái chiếm Rhineland
Ván bài thành công ở Rhineland đã mang đến cho Hitler một thắng lợi lớn và có tính quyết định hơn những gì ông hiểu lúc đầu, quyền lực và vị thế của Hitler được củng cố nhờ vào thần kinh thép của mình. Nhưng cần bổ sung thêm rằng giữ vai trò không nhỏ trong thành không vượt quá mong đợi của Hitler còn có phản ứng quá bạc nhược của các đối thủ Tây Âu. Hitler thường sử dụng phương pháp khủng bố tinh thần, lừa dối đồng minh bằng các bài diễn văn hòa bình đánh động vào tâm lý sợ chiến tranh của họ và ông đã có được lãnh thổ mà ông muốn. Với phương pháp này, Hitler cũng đã thành công khi sáp nhập Áo, thôn tính Sudetenland và sáp nhập phần còn lại của Tiệp Khắc. Tất cả mọi thứ mà Hitler đạt được là do sự sợ hãi chiến tranh của Pháp, Anh
Tái chiếm Rhineland, vi phạm nghiêm trọng Hòa ước Versailles năm 1919 mà không gặp phản ứng nào của Anh, Pháp, Ý và các cường quốc phương Tây khác, đã khiến Hitler ngày càng lấn tới trong việc “xé bỏ” Hiệp ước Locarno năm 1925 với niềm tin có cơ sở rằng Đức sẽ vẫn không bị trừng phạt. Có thể nói rằng Rhineland được coi là một bước ngoặt thứ hai phá vỡ hoàn toàn Hòa ước Versailles.
6. Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản
Khi quân Đức tiến vào Rhineland, TS. Schuschnigg là người đầu tiên rút ra kết luận thích đáng, ông nhận ra Áo chưa xoa dịu Hitler: “Khi đứng bên nắm mồ của người tiền nhiệm, tôi hiểu rằng để cứu vãn nền độc lập Áo, từ nay phải theo đuổi chính sách xoa dịu. Phải tránh bất kì động thái gì có thể tạo cho Đức cớ can thiệp và phải làm mọi chuyện để được bằng một cách nào đó Hitler chấp nhận giữ nguyên trạng” . Đến ngày 11/7/1936, Đức và Áo kí hiệp ước tái khẳng định: hai nước công nhận đầy đủ nền độc lập của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, riêng Áo “sẽ duy trì một chính sách đối ngoại đặt nền tảng trên nguyên tắc Áo tự coi mình là một quốc gia Đức” . Theo hiệp ước này, Áo ân xá tù chính trị, hai nước nối lại quan hệ kinh tế, du lịch bình thường và quan trọng hơn cả là những đại diện của “phe đối lập dân tộc” mà sau này Seyss Inquart sẽ đóng vai trò “con ngựa thành Troy” làm suy yếu dần vị thế độc lập của Áo.
Hiệp ước Áo – Đức cho thấy Mussolini đã mất ảnh hưởng ở Áo. Nhưng mối quan hệ Đức – Ý ngày càng được cải thiện. Trong khi trước năm 1935 quan hệ Đức – Ý vẫn còn nhiều bất đồng và căng thẳng, mặc dù về bản chất Hitler và Mussolini đều là những trùm phát xít như nhau. Mâu thuẫn giữa họ do tranh chấp về quyền lợi ở bán đảo Balkan, vấn đề Áo và lưu vực sông Danube năm 1934. Trong năm này, giữa Đức và Ý đã từng đứng trước ngưỡng cửa của một chiến tranh liên quan đến vấn đề Áo. Khi đó Mussolini còn nghiên về liên minh với Pháp và Anh để chống lại những tham vọng của Hitler. Thậm chí, sau khi Hitler ban bố luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc phổ thông (16/3/1935), Ý đã chủ động đề nghị đàm phán với Anh, Pháp và đi đến kí kết Hiệp ước tay ba Anh – Pháp – Ý ở Stresa ngày 11/4/1935 để chống lại Đức.
Nhưng càng ngày quan điểm của Mussolini và Hitler ngày càng xích lại gần nhau khi Ý tiến hành xâm lược Ethiopia (3/10/1935), rồi nội chiến ở Tây Ban Nha bùng nổ (17/7/1936), Đức đã tích cực can thiệp ủng hộ Ý và lực lượng phát xít của tướng Franco. Vào cuối năm 1936, có tới 20.000 lính và phi công của Đức trực tiếp tham chiến ở Tây Ban Nha. Từ lúc đầu, Hitler đã có chính sách khôn ngoan, tính toán và biết nhìn xa về Tây Ban Nha. Tài liệu của Đức bị tịch thu cho thấy một trong những mục đích của Hitler là kéo dài cuộc nội chiến Tây Ban Nha nhằm gây chia rẽ giữa các nước dân chủ phương Tây và Ý cũng như lôi kéo Mussolini về phía Đức. Hơn một năm sau, Hitler nói chuyện với Ngoại trưởng và tướng lĩnh Đức: “Chiến thắng một trăm phần trăm cho Franco là không thỏa đáng theo quan niệm của Đức. Thay vào đấy, ta muốn kéo dài cuộc chiến và duy trì tình trạng căng thẳng ở Địa Trung Hải” . Hơn thế nữa, cả Hitler và Mussolini đều muốn biến Tây Ban Nha thành một bàn đạp chiến lược cho những mưu đồ bành trướng chiến lược ở châu Âu, châu Phi, châu Á cũng như ở Đại Tây Dương.
Đầu tháng 10/1936, Đại sứ Ulrich von Hassell của Đức tại Ý báo cáo về nước: “Sự tranh giành ảnh hưởng chính trị ở Tây Ban Nha khiến cho Ý và Pháp kình chống lẫn nhau, cùng lúc Ý kèn cựa với Anh ở phía Tây Địa Trung Hải. Hơn nữa, Ý sẽ nhận ra cần phải sát cánh với Đức để đối đầu với các cường quốc phương Tây”. Ngày 24/10, sau khi hội đàm với Neurath ở Berlin, Bá tước Ciano, con rể của Mussolini, cũng là Ngoại trưởng, gặp Hitler lúc này đang có tâm trạng thân thiện và cởi mở. Hitler tuyên bố Mussolini là chính khách hàng đầu trên thế giới mà không ai sánh được để có thể cùng nhau thôn tính không những bọn Bolshevik mà còn cả phương Tây. Kể cả Anh, Hitler nghĩ rằng Anh sẽ tìm cách thỏa hiệp, nếu không Đức và Ý có thể hợp sức để loại Anh. Hitler nhắc nhở Ciano: 77 “chương trình tái vũ trang ở Đức và Ý nhanh hơn nhiều so với Anh. Trong ba năm nữa Đức sẽ sẵn sàng”
Cùng với điều đó, Hitler rất quan tâm tới việc thiết lập một khối liên minh do Đức chi phối để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn. Một liên minh như vậy sẽ mang lại những quyền lợi gì cho Ý. Giấc mộng đế quốc vùng Địa Trung Hải của Mussolini chính là vấn đề làm cho Ciano rất quan tâm. Nước Ý muốn khôi phục lại vinh dự của Đế quốc La Mã thời cổ thì trước hết phải chinh phục vùng Balkan, phải thôn tính các quốc gia ở Bắc Phi, nhưng qua hành động quân sự đó tất nhiên sẽ gây tổn hại tới quyền lợi của hai nước Anh và Pháp là hai bá chủ từ lâu. Chiếc vòi bành trướng một khi giương ra ngoài tất nhiên sẽ đụng vào những tường lũy do hai nước trên xây đựng. Vậy, nước Ý nên dựa vào các quốc gia theo chính thể dân chủ như Anh và Pháp, hay là nên liên minh với phát xít Đức. Bằng không, thì nước Ý sẽ bị hai khối này đánh kẹp vào giữa và sẽ không còn mảnh đất cắm dùi. Ciano cho rằng thay vì đứng trung lập giữa các cường quốc, thì chỉ có liên minh với Đức là nước có cùng một khuynh hướng chính trị, thì mới có thể giúp cho Ý đứng vào địa vị không thể bị đánh bại.
Sau nhiều cuộc tiếp xúc giữa đại diện hai nước, tại Berlin ngày 21/10/1936, Bộ trưởng Ngoại giao Ý là Ciano và Bộ trưởng Ngoại giao Đức von Neurath kí một Nghị định thư tháng Mười xác định quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đối ngoại. Ngày 1/11/1936, trong bài diễn văn đọc tại Milano, Mussolini đã đề cập đến: “Kết quả mà các cuộc gặp ở Berlin mang đến là đã có một liên minh giữa hai nước trên những vấn đề quyết định. Liên minh đó trục Berlin – Roma không phải là một tấm chắn, mà đúng hơn là một cái trục, mà xoay quanh nó tất cả các quốc gia châu Âu nào nung nấu ý muốn hợp tác và hòa bình đều có thể cùng sinh hoạt với nhau” . Điều quan trọng Mussolini nhấn mạnh đến tầm quan trọng sống còn của Địa Trung Hải trong chính sách của Ý. Đó là khởi đầu cho một chuyển biến cho phép Đức có ảnh hưởng đối với khu vực sông Danube mà đến lúc đó chính sách của Ý vẫn coi là lĩnh vực riêng của mình. Trên cơ sở đó họ cùng xây dựng Trục Berlin – Rome, để từ đó quy định trận địa xuất phát cho cuộc tiến hành xâm lược cướp bóc của hai quốc gia phát xít.
Ngày 25/11/1936, Ribbentrop kí với Nhật Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản, mà ông điềm nhiên giải thích với các kí giả rằng Đức và Nhật đã nắm tay nhau để bảo vệ nền văn minh phương Tây. Theo bề ngoài, hiệp ước này có vẻ như là tiểu xảo tuyên truyền, qua đấy Đức và Nhật có thể tranh thủ sự ủng hộ của thế giới bằng cách khai thác ác cảm và mối nghi ngại với chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng hiệp ước cũng có những điều khoản bí mật, đặc biệt hướng đến Liên Xô. Trong trường hợp Liên Xô tấn công Đức hoặc Nhật, hai quốc gia sẽ hội ý với nhau về những biện pháp cần thiết “nhằm bảo vệ quyền lợi chung” và cũng “không thực hiện biện pháp nào làm lợi cho Liên Xô” . Hai nước đồng ý sẽ không kí với Liên Xô hiệp ước nào trái với tinh thần hiệp ước này mà không có sự đồng thuận
Các trục Berlin – Roma và Berlin – Tokyo được hình thành. Vấn đề cả Đức – Ý – Nhật cùng quan tâm là làm sao phối hợp được hai trục ấy với nhau. Đơn giản là Ý sẽ tham gia vào Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản. Các chuyến đi của Goring và Ngoại trưởng Đức von Neurath tới Roma trong nửa đầu năm 1937 đã thúc giục Ý nhanh chóng tham gia Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản và rút ra khỏi Hội Quốc liên. Mùa hè năm 1937, Ngoại trưởng Ý đã thông báo cho đại sứ Nhật rằng, Ý sẽ quyết định tham gia hiệp ước. Trong tinh thần đó, từ ngày 24 đến 29/9/1937, Mussolini đã chính thức thăm Đức và được Hitler đón tiếp rất trọng thể. Kết quả là ngày 6/11/1937, Ý chính thức tham gia Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản. Các trục Berlin – Roma và Berlin – Tokyo trước đó đã được phối hợp, gắn kết thành trục phát xít Đông – Tây mang tính toàn cầu Berlin – Roma – Tokyo. Hiệp ước ghi rõ: các bên kí kết hiệp ước cam kết sẽ thông báo cho nhau về hoạt động của Quốc tế Cộng sản, sẽ trao đổi ý kiến về việc áp dụng các biện pháp phòng thủ cần thiết và củng cố sự hợp tác chặt chẽ trong việc thực hiện các biện pháp đó. Trên thực tế, qua việc kí hiệp ước này, các nước phát xít chủ trương thành lập một liên minh chính trị – quân sự, không chỉ chống Quốc tế Cộng sản, chống Liên Xô, mà còn muốn gây ra cuộc chiến tranh chống Anh, Pháp, Mĩ, phá vỡ hệ thống Versailles – Washington và phân chia lại phạm vi thống trị thế giới. Sau này, các nước Tây Ban Nha, Hungari, Bungari, Rumani, Phần Lan, dưới sức ép của phát xít Đức, cũng tham gia hiệp ước
Với trục Berlin – Roma – Tokyo, nhằm thiết lập một khối liên minh, hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ chống những hoạt động phá hoại của Quốc tế Cộng sản, địa vị trí chính của Đức được củng cố nhiều, trong khi đó Pháp bị suy yếu do những cuộc tranh giành nội bộ, mất một phần uy tín và ảnh hưởng châu Âu.
Tiểu kết
Như vậy, mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Đức Quốc xã (1933- 1936) là xóa bỏ Hòa ước Versailles và tái hợp một phần lãnh thổ bị mất sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong đó, tái vũ trang có thể xem là bước đầu tiên cơ bản tạo điều kiện thuận lợi trong chính sách đối ngoại bành trướng của Hitler, cùng với việc bài trừ Do Thái và cộng sản trên khắp thế giới và Hitler muốn xây dựng một nước Đại Đức, trở thành một nước có quyền lực mạnh nhất ở châu Âu. Thành công đầu tiên vi phạm Versailles của Hitler khi ông tuyên bố tái nghĩa vụ quân sự tháng 3/1935 với lí do rằng nước Anh đã tăng cường lực lượng không quân còn Pháp thì mở rộng nghĩa vụ quân sự. Nhiều tướng lĩnh Đức Quốc xã còn ngạc nhiên khi Hitler xây dựng quân đội thời bình đến 36 sư đoàn và Hitler dường như thích hành động bất ngờ khi kí hiệp ước không xâm lược với Ba Lan vào tháng1/1934. Đây là một thành công trong chính sách đối ngoại của Hitler nếu cần xây dựng một nước Đức vững mạnh hơn.
Hitler là một nhà chính trị nhạy bén biết tận dụng những điểm yếu của đối phương. Nhiều lần, Hitler cảm thấy nhẹ nhõm và ngạc nhiên khi các chính trị gia Anh và Pháp bỏ qua những hành vi vi phạm Hòa ước Versailles khi tuyên bố mình có không quân. Một phép thử thành công nhất cho phản ứng của Anh, Pháp là tái chiếm vùng phi quân sự Rhineland tháng 3/1936. Tới đây, Hòa ước Versailles chỉ còn lại một cái vỏ rỗng trong khuôn khổ quốc tế thành lập ở Versailles và được xác nhận tại Locarno. Sau những kế hoạch xóa bỏ Hòa ước Versailles, khởi động các chiến dịch tái vũ trang trong cả nước. Hitler tăng cường trục phát xít Berlin – Roma – Tokyo tạo thành một đồng minh vững chắc chống Quốc tế thứ ba. Đó là khởi đầu một sự chuyển biến cho phép Đức có ảnh hưởng đối với khu vực sông Danube.
Ngoài ra, Hitler sử dụng những chiến thuật yêu chuộng hòa bình của Hitler, hành động ngày càng táo bạo hơn khi đưa ra hành loạt bài phát biểu yêu chuộng hòa bình, ông biết các nhà lãnh đạo phương Tây muốn nghe. Tất cả những gì ông làm đều đổ lỗi cho những qui định khắc nghiệt của Hòa ước Versailles, tạo ra sự thù địch giữa Đức với các nước láng giềng và khi Hitler tuyên truyền điều đó vào công chúng và họ tin tưởng vào lời nói của ông và sẵn sàng chấp nhận ông. Tất cả những gì Hitler đã làm ở trên, về cơ bản Pháp và Anh đã không làm gì. Anh vẫn đang phục hồi từ cuộc đại khủng hoảng đã tàn phá nền kinh tế của mình. Anh không thể đủ khả năng xảy ra một cuộc xung đột. Người Pháp thích một chính sách phòng thủ chống lại một mối đe dọa tiềm năng giữa Đức và Pháp đã dành thời gian và tiền bạc xây dựng tuyến Maginot. Cùng với Anh, Ý hình thành nên Mặt trận Stresa để chống lại chính sách tái vũ trang của Hitler và không làm gì khác hơn.
II . CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA ĐỨC QUỐC XÃ: NHỮNG ĐỘNG THÁI NHẰM XÂY DỰNG MỘT ĐẤT NƯỚC ĐẠI ĐỨC (1936-1939)
1. Kế hoạch Anschluss (sáp nhập Áo)
1.1. Địa chính trị của Áo
Áo là quốc gia có đường biên giới tiếp giáp với Đức, nằm ngay trung tâm châu Âu. Về mặt chính trị lẫn quân sự, Áo có ý nghĩa rất lớn đối với chiến lược bành trướng châu Âu của Đức. Trong đó, Wien là cửa ngõ cho Đức dòm ngó vào Balkan qua đồng bằng Hungary. Vì thế, nếu chiếm được Áo, vị trí chiến lược của Đức sẽ được cải thiện rất nhiều, là điều kiện để Hitler tiếp tục bành trướng thế lực vào các nước Hungary, Nam Tư, Rumani và các nước khác ở Đông Nam châu Âu.
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, quân Đồng minh đã đánh bại Đế quốc Áo – Hung, Hungary trở thành một nước độc lập. Nhưng phần lớn đất đai của hai đế quốc này thuộc về các quốc gia mới thành lập: Czech và Slovakia, Ba Lan và Nam Tư. Phần đất còn lại thuộc về Áo, một quốc gia nhỏ bé và yếu kém nên ít người tin vào sự tồn tại lâu dài của nó. Ngày 12/11/1918, Quốc hội Đức tuyên bố rằng Áo là một phần của Cộng hòa Weimar. Đa số người dân nói tiếng Đức ở Áo muốn trở về với “đất mẹ” của họ, điều này bị cấm bởi Hòa ước Versailles và Hòa ước Saint – Germain. Hòa ước Versailles quy định sự độc lập của Áo là không thể chuyển nhượng trừ trường hợp có sự đồng ý của Hội Quốc liên. Trong trường hợp không có sự đồng ý của tổ chức này, Đức không được có bất kỳ hành động nào có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến nền độc lập của Áo. Sau khi nắm quyền, Hitler đã quyết định giải quyết số phận của Áo bằng một nỗ lực được gọi là Anschluss (sáp nhập), biến nước này thành lãnh thổ của Đế chế thứ ba, hoàn thành sự nghiệp dở dang của Bismarck. Phần lớn người Áo nói tiếng Đức, điều này khiến Hitler nghĩ rằng họ là người Đức. Ngoài ra, Hitler muốn tặng dụng nguồn nhân lực và nền công nghiệp của Áo để phục vụ cuộc chinh phạt trong tương lai.
Viện cớ có 7 triệu người Đức đang sinh sống ở Áo, Hitler tăng cường can thiệp, không ngừng ủng hộ Quốc xã Áo gây rối. Họ đưa ra khẩu hiệu giữa người Áo và người Đức “Một dân tộc! Một quốc gia! Một lãnh tụ!” [23,212]. Hitler cho rằng một cường quốc trên thế giới không chấp nhận việc có những đồng chí cùng chủng tộc thường xuyên chịu khổ sở vì họ muốn hợp nhất vào Đức. Đấy là lời tuyên cáo, công khai rằng từ đây về sau Hitler xem tương lai của 7 triệu người Áo như là chuyện nội bộ của Đế chế thứ ba. Kế hoạch Anschluss (sáp nhập Áo) là bước đầu tiên trong kế hoạch xây dựng một Đế quốc Đại Đức. Do đó cuối năm 1937, khi đã thu hồi tất cả những gì mà Hitler cho rằng Hòa ước Versailles đã tước của Đức, ông quyết định thúc đẩy tiến trình Anschluss
Đến năm 1938, tình hình châu Âu rất thuận lợi cho Đức thi hành chính sách xâm lăng. Ý hợp tác chặt chẽ với Đức trong việc viện trợ cho tướng Franco chống cộng sản ở Tây Ban Nha. Trục Roma – Berlin – Tokyo khiến cho lời cam kết bảo vệ lãnh thổ Áo quốc trở nên vô hiệu. Đồng thời, Áo đang trong thời kỳ đình đốn sâu sắc cả về kinh tế lẫn chính trị – xã hội. Do vậy, Áo dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho Đức.
1.2. Kế hoạch Anschluss
Ngay sau khi cầm quyền, Hitler đã phái nhiều cán bộ sang Áo để xây dựng phong trào Quốc xã gây ảnh hưởng ở nhiều nơi. Nhận thấy Mussolini đang e ngại chính sách đối ngoại của Đức Quốc xã, Hitler lập tức sửa đổi thái độ trong quan hệ với Áo. Từ lâu, Hitler muốn thôn tính một cách êm đềm bằng đường lối chính trị nhưng mưu toan thất bại vì Ý luôn ủng hộ Áo. Vào năm 1934, Thủ tướng Áo Dolfuss bị nhóm người Quốc xã Áo mưu sát nhưng sự kiện này không thay đổi được chính sách của Áo. Chính phủ Áo vẫn hi vọng nước Áo được độc lập hoàn toàn khi Hitler lên nắm quyền tại Đức. Mussolini tán thành và ủng hộ vì có một biên giới chung với một đế quốc hùng mạnh như Đức.
Muốn tranh thủ cảm tình với Ý, Hitler đã tạm áp dụng chính sách ôn hòa cùng với Áo. Ngày 11/7/1936, Đức thừa nhận nền độc lập của Áo. Hiệp ước Áo – Đức cho thấy, Hitler đã tỏ thái độ rộng lượng và khoan dung một cách bất thường. Đức tái xác nhận nền tự chủ của Áo và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Áo, còn Áo cam kết hành xử theo nguyên tắc như một bang của Đức. Tuy vậy, hiệp ước này lưu ý đến một thực tế rằng, Áo là một “Quốc gia Đức” . Sau hiệp ước này, nhiều tên Quốc xã đã được ân xá, còn Đảng Quốc xã Áo được tự do hoạt động. Người Áo dường như muốn thông qua hiệp ước này để tránh sáp nhập Áo vào Đức. Nhưng Duroselle chỉ ra rằng, hiệp ước này “trên thực tế lại là một giai đoạn quan trọng trong quá trình đi đến sáp nhập” . Về phía Đức, ngay trong ngày Ý tham gia Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản (6/11/1937), Đức đã đạt được sự chấp thuận của Ý về việc không can thiệp. Mussolini sau chuyến thăm Đức ngày 23/9/1937, ông bảo với Ribbentrop: “Nước Áo là Đức quốc thứ hai, không có Đức, Áo chẳng là gì cả. Bây giờ Ý thấy việc đưa Áo về với Đức là hợp lý. Ý hết quyền lợi ở Áo vì lúc này Ý đang bận tâm với các vấn đề Địa Trung Hải và thuộc địa mới. Tốt hơn hết là hãy để cho tình hình tự nó biến chuyển đừng làm chi ép buộc thái quá gây căng thẳng vô ích”. Nói như vậy, Mussolini đã bật đèn xanh cho Đức sáp nhập Áo. Đây là một thắng lợi lớn của Hitler, bởi vì năm 1934 Ý đã chuẩn bị một cuộc chiến tranh chống Đức một khi Áo sáp nhập vào Đức. Số phận của Áo trên bình diện quốc tế càng trở nên mong manh hơn khi cả Anh, Pháp đều theo đuổi chính sách thỏa hiệp với Hitler nhằm hướng Đức sang cuộc chiến tranh chống Liên Xô. Riêng Bỉ từ 14/10/1936 đã tuyên bố trung lập.
Trong hoàn cảnh bị cô lập về mặt ngoại giao, Thủ tướng Áo Schuschnigg xét thấy không thể làm gì khác hơn là tiếp nhận lời yêu cầu của von Papen, vị đại sứ vừa mới bị Berlin triệu hồi về nước vào ngày 4/2/1938. Cuộc tiếp xúc vào ngày 12- 2-1938 hội giữa Schuschnigg (Thủ tướng Áo) với Hitler (Lãnh tụ Đức Quốc xã) tại Berchtergaden đã quyết định số phận của Áo. Hitler là người chủ động trong mọi tình huống, sau vài lời xã giao, Hitler tuôn ra những lời lẽ khủng bố áp đảo tinh thần của thủ tướng trẻ này. Hitler tuyên bố:
tướng trẻ này. Hitler tuyên bố: Cả một lịch sử của Áo chỉ là những hành vi phản bội không ngừng. Trong quá khứ là như thế và hiện tại không khá hơn. Đã đến lúc phải chấm dứt điều nghịch lý lịch sử này. Và tôi có thể nói cho ông biết, ông Schuschnigg, rằng tôi đã dứt khoát chấm dứt mọi chuyện. Đế chế Đức là một trong những cường quốc vĩ đại nhất, và sẽ không ai lên tiếng nếu đế chế này giải quyết vấn đề biên giới của mình, ai chống tôi sẽ bị nghiền nát. Tôi sẽ giải quyết cái gọi vấn đề Áo bằng cách này hoặc cách khác. Tôi chỉ cần ra lệnh, và chỉ trong một đêm duy nhất mọi cơ cấu phòng thủ nực cười của ông sẽ bị bắn tan tác .
Đừng lúc nào nghĩ rằng có ai trên quả đất này sẽ lay chuyển quyết định của tôi. Nước Ý? Tôi và Mussolini thân thiết với nhau… Anh quốc? Anh sẽ không động một ngón tay nào vì Áo… Còn Pháp? Hitler nói Pháp đáng lẽ có thể chặn đứng Đức trong vùng Rhineland và lúc ấy chúng tôi hẳn đã phải rút lui nhưng bây giờ thì đã quá muộn đối với Pháp . Nước Áo đang ở thế đơn độc, Ý, Anh, Pháp sẽ không có cam đảm dù chỉ giơ một ngón tay để bênh vực Áo
Kết thúc lời diễn thuyết gần như độc thoại là một tối hậu thư: “Một lần nữa, tôi cho ngài cơ hội và đây là cơ hội cuối cùng, đi đến một thỏa thuận. Hoặc là chúng ta sẽ tìm ngay ra một giải pháp, hoặc là mọi sự sẽ đi theo tiến trình của chúng, suy nghĩ đi ngài Schuschnigg, nghĩ cho kĩ vào. Tôi không thể đợi quá trưa hôm nay”. Chờ trả lời gì? Hitler không hề nói với Schuschnigg. Mãi sau bữa cơm trưa, Schuschnigg nói ông cảm thấy nhẹ nhõm vì ít nhất biết được cụ thể Hitler muốn gì. Nhưng khi đọc qua, sự nhẹ nhõm của ông tiêu tan. Vì trên thực tế, tối hậu thư này đòi ông phải chuyển giao chính phủ Áo cho Đảng Quốc xã Áo trong vòng một tuần. Áo phải bỏ lệnh cấm Đảng Quốc xã Áo, ân xá mọi đảng viên Quốc xã đang ngồi tù, chỉ định luật gia thân Quốc xã TS. Seyss Inquart làm Bộ trưởng Nội vụ với quyền chỉ huy các lực lượng cảnh sát và an ninh. Một người thân Quốc xã khác, Glaise Horstenau, sẽ là Bộ trưởng bộ Chiến tranh đảm bảo sự cộng tác chặt chẽ giữa quân đội hai nước sẽ có sự trao đổi thường xuyên các sĩ quan. Cuối cùng, Fischbok cán bộ cao cấp Quốc xã làm Bộ trưởng Tài chính với trách nhiệm kết hợp nền kinh tế Áo vào nền kinh tế Đức. Shuschnigg xin sửa đổi vài điểm nhưng Ribbentrop không chịu, đòi thủ tướng Áo nhận mọi điều kiện hoặc gánh lấy mọi hậu quả gây nên sự từ chối. Trong thời khắc khó khăn và có tính quyết định này, vị thủ tướng Áo không những đã nhụt chí mà còn tỏ ra quá ngây thơ.
Schuschnigg lạnh lùng nói: “Riêng tôi, tôi sẵn sàng kí nhưng Hiến pháp Áo không cho phép và tôi không bảo đảm hiến pháp sẽ phê chuẩn hành động áp bức này, chỉ tổng thống Áo mới có quyền hạn theo luật định để kí kết và thi hành một hiệp định như thế. Vì vậy, trong khi ông sẵn lòng kêu gọi tổng thống nên chấp nhận, ông không thể đảm bảo gì hơn”
Với lời lẽ đó, Hitler tỏ ra bực tức, mở cửa phòng và nói với thủ tướng Áo: “Tôi sẽ cho gọi ngài sau”. Nửa tiếng đồng hồ sau đó, Hitler tuyên bố: “Tôi đã quyết định thay đổi ý kiến, lần đầu tiên trong đời. Nhưng tôi cảnh cáo ngài, đây là cơ hội chót. Tôi cho ngài thêm ba ngày nữa để đưa thỏa thuận ra thực hiện”. Vậy là văn kiện “kéo theo sự xóa bỏ hoàn toàn quyền độc lập của chính phủ Áo” đã được kí vào buổi tối ngày 12/2/1938.
Tối hậu thư đó chính là giấy báo tử cho nước Áo, kéo theo là sự xóa bỏ toàn quyền độc lập của chính phủ Áo. Các đảng viên Quốc xã đã được ân xá kể cả những người dính líu đến vụ sát hại Dolfuss và chỉ định Seyss Inquart làm Bộ trưởng Nội vụ hành xử không cần đến mệnh lệnh Thủ tướng Schuschnigg. Tình cảnh của Áo lúc này chẳng khác gì Đức hôm trước Đảng Quốc xã nắm quyền. Đứng trước nguy cơ đó, ngày 9/3, Schuschnigg thông báo sẽ tổ chức trưng cầu dân ý ngày chủ nhật 13/3/1938. Ông sẽ hỏi dân Áo liệu họ có muốn “một nước Áo tự do, độc lập, xã hội, Cơ đốc và thống nhất – Có hay không?” . Ông hi vọng sẽ ngăn cản được âm mưu sáp nhập Áo vào Đức.
Nghe tin này, Hitler tức giận vì quá bất ngờ chẳng ai tính đến việc Schuschnigg sẽ làm như vậy để chống lại Hitler. Do vậy, muốn ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý của Schuschnigg vào chủ nhật thì quân đội phải tiến quân vào Áo với phương án “Otto” đã được soạn thảo để can thiệp quân sự vào Áo phải được khởi động ngay lập tức vào đêm 11 rạng sáng ngày 12/3/1938 do đích thân Hitler chỉ huy. Trước hành động của Đức, Tổng thống Áo Wilhelm Miklas đã chùn bước, Thủ tướng Schuschnigg phải từ chức, bổ nhiệm Seyss Inquart làm thủ tướng.
Sau đó, vào lúc 20 giờ 48 phút tối ngày 12/3/1938, Göring thay mặt Hitler gửi bức điện tín yêu cầu Seyss Inquart: “Sau khi Thủ tướng Schuschnigg từ chức, chính phủ lâm thời Áo xem nhiệm vụ hàng đầu của mình là tái lập trật tự và hòa bình ở Áo, do vậy khẩn thiết yêu cầu chính phủ Đức ủng hộ Áo trong công việc này và giúp đỡ Áo tránh mọi sự đổ máu. Vì lẽ này, chính phủ Áo yêu cầu chính phủ Đức gửi quân sang càng sớm càng tốt”
Tưởng thế là xong khỏi cần quân Đức tràn vào Áo, nhưng Hitler ra lệnh cho quân đội Đức vượt qua biên giới Áo như thường chỉ cần 3 ngày đã chiếm xong toàn bộ nước Áo mà không gặp phải phản ứng đáng kể nào của Áo cũng như các cường quốc tư bản phương Tây. Ước mơ sáp nhập Áo vào Đế chế Đức đã trở thành hiện thực. Hiển nhiên, Hitler vô cùng sung sướng. Bỗng nhiên, Hitler trở thành tổng thống Áo, và Áo trở thành một tỉnh của Đế chế Đức. Nhưng việc sáp nhập Áo là thứ yếu đối với tâm lý Hitler lúc này. Ông muốn trở về Áo quốc cùng với ánh vinh quang chói lọi, với quyền lực tột đỉnh để nhìn cả kinh đô Wien phải cúi đầu, kinh đô trước kia đã khinh rẻ, hắt hủi ông. Hitler chẳng bao giờ quên được những người Do Thái sống ở Wien, những kẻ có lỗi vì đã hủy hoại sự nghiệp nghệ thuật của ông. Ngay trong những ngày đầu tiên vào Áo, Hitler đã mang theo lực lượng hành động cảnh sát SS và Gestapo. Tất cả những người đàn ông và phụ nữ Do Thái bị quay tròn lại và bị bắt đi cọ rửa nhà vệ sinh công cộng bằng tay, lau chùi tất cả các khu phố bằng tay và bằng đầu gối. Những người Do Thái giàu có hơn bị trục xuất khỏi nước Áo và giao lại toàn bộ công việc và tài sản cho Đảng Quốc xã Đức. Có khoảng 100 nghìn người bị trục xuất, trong đó có một nửa là người Do Thái. Mặc dù mất hết tài sản và tiền bạc, những người đó là những người may mắn vì những người ở lại nhanh chóng bị tống hết vào Holocaust.
Sau đó, ngày 10/4, một luật mới quy định “trưng cầu dân ý tự do và kín” để người Áo có thể quyết định vấn đề thống nhất với Đế chế Đức, còn người Đức cũng tham gia trưng cầu dân ý về việc thống nhất cùng với việc bầu Nghị viện mới. Dưới chiến dịch tuyên truyền và khủng bố, 99,08% ở Đức và 99,95% ở Áo bỏ phiếu thuận cho Áo sáp nhập vào Đức, trở thành một tỉnh của Đức như các tỉnh khác. Nước Áo hoàn toàn bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Không ai biết được rằng thảm họa đang bắt đầu gieo rắc lên nước Áo cũng như nền hòa bình chung của châu Âu
1.3. Phản ứng của Ý và thái độ của Anh, Pháp
Có thực sự cần thiết phải nhượng bộ không? Có chọn lựa nào khác không? Những nhà nghiên cứu và sử gia có nhiều tranh luận về vấn đề này. Xét theo thái độ của Anh và Pháp khi đối mặt với Hitler, sẽ là hấp tấp nếu nghĩ rằng hai nước này có thể đến hỗ trợ Áo khi Hitller tấn công. Nhưng cho đến lúc này, Hitler chưa xâm phạm biên giới Áo, và cũng chưa chuẩn bị dư luận trong nước và thế giới cho hành vi hiếu chiến như thế. Quân đội Đức cũng chưa đủ sẵn sàng cho chiến tranh nếu Pháp và Anh can thiệp. Thế nhưng trước hành động gây chiến của Đức, bất chấp lợi ích dân tộc của Áo, các nước phương Tây lại phản ứng hết sức nhẹ nhàng. Thậm chí họ sẵn sàng hi sinh Áo để đổi lấy hòa bình cho nước mình, nhưng chính họ không biết rằng những gì họ nhận chỉ là những lời hứa ảo, không có giá trị.
Trong số các đại cường châu Âu, Hitler ngại nhất là phản ứng của Ý. Không phải vì đây là nước mạnh nhất mà vì Mussolini không chỉ nói suông mà còn hành động. Chắc hẳn Hitler chưa quên vụ sát hại Thủ tướng Áo Dolfuss, khi nhận được tin Duce điều 4 sư đoàn đến đèo Brenner nối liền hai nước. Do vậy, ngay trong ngày 11/3, Hitler cử hoàng thân Philip xứ Hesse, con rể vua Ý, bay sang Roma gặp Mussolini, ông tỏ thái độ thân thiện trước toàn bộ sự việc và tuyên bố chẳng thể làm được gì cho Áo. Sở dĩ “mối quan tâm của Ý về vấn đề này không còn mạnh mẽ như cách đây mấy năm, vì Ý đang hướng mọi cố gắng về phía Địa Trung Hải và các thuộc địa”. Mussolini chỉ khuyên là “nên để cho tình hình diễn biến một cách tự nhiên” để tránh các cuộc khủng hoảng thế giới. Trong trường hợp có khủng hoảng ở Áo, Ý sẽ không can thiệp và cần tránh hành động mà không có thông báo tình hình cho nhau. Như vậy, trên thực tế, Ý chấp nhận sự sáp nhập đó. Hitler cảm ơn Mussolini không phản ứng chống lại ông. Hitler cảm thấy nhẹ nhõm và vui mừng. Hitler nhấn mạnh thêm: “Một khi vụ việc Áo được giải quyết xong, tôi sẵn sàng đi với ông ấy đến tận cùng, bất kì chuyện gì xảy đến với tôi”
Cũng trong thời kì này chính sách của Anh thiên về hướng xoa dịu, Neville Chamberlain đã trở thành thủ tướng Anh tháng 5/1937 tách xa Eden, người chống lại mọi sự nhượng bộ của Ý và thay ông ta bằng Huân tước Halifax ngày 20/2/1938. Đại sứ Anh ở Berlin, Neville Henderson được coi là người thân Đức. Tất cả họ đều muốn cải thiện quan hệ với Đức, mặc dù biết rõ Đức cố tình gây sức ép lên Áo buộc chính phủ Schuschnigg phải trao chính quyền cho Quốc xã Áo, cách mà Hitler dùng để chiếm lấy nước Áo, nhưng vẫn xem như đó không phải là chuyện của mình, mà đó là cách giải quyết nội bộ giữa hai nước Đức – Áo với nhau. Có lẽ, do Anh ở quá xa Áo nên không hiểu hết địa chiến lược của Áo và cho rằng người Áo hoan nghênh việc sáp nhập thì thật là ngớ ngẩn để bảo vệ nền độc lập đó. Sự bỏ mặt của Anh đối với chủ quyền của Áo thật sự đã tạo điều kiện thúc đẩy Hitler phải chiếm được Áo càng nhanh càng tốt. Vì họ cho rằng “dù sao đi nữa, người Áo không phải là người Đức sao” . Đến khi Đức đánh chiếm Áo chính phủ Anh lên tiếng phản đối nhưng một động thái ngoại giao muộn màng như thế không làm cho Hitler phải lo lắng.
Còn Pháp lúc này đang trong tình trạng rối loạn, vô chính phủ. Thủ tướng Pháp Chautemps và nội các của ông từ chức vào ngày 10/3/1938 và sau khi Đức đã sáp nhập Áo thì chính phủ mới được thành lập do Léon Blum đứng đầu, vẫn giữ Delbos làm Bộ trưởng Ngoại giao. Nhưng Bộ trưởng Tài chính, Georges Bonnet vốn có ảnh hưởng lớn, là một người chủ trưởng xoa dịu, tán thành mối quan hệ kinh tế và văn hóa chặt chẽ hơn giữa Đức và Áo. Tất nhiên, vẫn chưa quá trễ để đưa ra một phản ứng quyết liệt. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ chính phủ mới không đi chệch hướng ra ngoài đường lối đối ngoại mà chính phủ tiền nhiệm đã theo. Với tâm lý an tâm phòng thủ kiên cố với phòng tuyến Maginot. Từ sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế, Paris chẳng dám thực hiện một động thái ngoại giao nào nếu không nhận được sự ủng hộ từ London. Theo tinh thần của hòa ước Saint – Germain ký năm 1920, nền độc lập của Áo đặt dưới sự “bảo trợ” của các đế quốc thắng trận, trước hết là Anh, Pháp. Đức thôn tính Áo có nghĩa là tấn công vào quyền lợi của Anh, Pháp ở đó. Thế nhưng, xuất phát từ mưu đồ chiến lược chống Liên Xô, Anh, Pháp đã thỏa hiệp với hành động xâm lược của Đức.
Tiệp Khắc, người bạn láng giềng của Áo, cũng không có hành động nào giúp đỡ. Trong lúc tiếp xúc với đại sứ Tiệp Khắc tại Berlin là Mastny ở buổi dạ tiệc tối ngày 11/3/1938, Göring đã đưa ra lời hứa danh dự rằng Tiệp Khắc chẳng có gì để lo lắng từ phía Đức: việc lính Đức xâm nhập lãnh thổ Áo “chỉ là công việc gia đình” . Hitler mong muốn cải thiện quan hệ với Tiệp Khắc, đồng thời mong Tiệp Khắc đảm bảo sẽ không động binh. Tin vào lời hứa đó, Tiệp Khắc đã xem quân Đức vào Áo chỉ là “chuyện gia đình”. Bản thân Tiệp Khắc không hiểu rằng, sau bản cáo chung của nước Áo, chính họ sẽ là miếng mồi tiếp theo trong kế hoạch chinh phục châu Âu của Hitler. Có lẽ Tiệp Khắc đã bỏ qua bài diễn văn của Hitler ngày 20/2/1938: “Hơn 10 triệu người Đức đang sống cạnh hai quốc gia có chung biên giới với chúng ta. Đây là điều mà tôi không muốn có bất kì sự nghi vấn nào: sự phân tích về chính trị không được bao hàm sự tước đoạt các quyền, tức là các quyền tự quyết nói chung. Đối với một cường quốc thế giới, không thể nào dung thứ chuyện những người anh em cùng chủng tộc đang sống bên cạnh lại hằng giờ hằng phút chịu đựng những nỗi khổ ải quá mức chỉ vì họ muốn gắn bó và thống nhất với cả dân tộc. Đế chế Đức có nghĩa vụ bảo vệ các dân tộc German không đủ sức duy trì, dọc theo biên giới chúng ta, quyền tự do chính trị và tinh thần của mình” . Ý tứ của bài diễn văn rất rõ ràng: hai quốc gia được đề cập là Áo và Tiệp Khắc và đó chính là nhiệm vụ của Đế quốc Đức Quốc xã. Cùng với Tây Ban Nha, phát xít sẽ làm thay đổi sự cân bằng về lực lượng ở Tây Âu và Địa Trung Hải có lợi cho phe Trục Rome – Berlin, cũng như cuộc xâm lấn nước Áo làm đảo lộn thế cân bằng ấy ở Trung Âu.
Trong khi đó, chính phủ Liên Xô đã đề xuất hội nghị các cường quốc, trong hoặc ngoài Hội Quốc liên để xem xét những biện pháp nhằm ngăn chặn sự hiếu chiến của Đức. Chamberlain tỏ ra thờ ơ với một hội nghị như thế, vị thủ tướng này không muốn sử dụng vũ lực và cũng không muốn phối hợp cùng với những cường quốc khác trong việc ngăn chặn động thái của Đức trong tương lai. Hiển nhiên là ông đã bỏ qua và xem nhẹ trục Roma – Berlin hoặc Hiệp ước Quốc tế Cộng sản Đức – Ý – Nhật. Thất bại của hội nghị đó, Liên Xô đã không làm gì hơn.
Có thể nói rằng sự “bình thản” của phương Tây, đặc biệt Anh, Pháp đã tiếp tay cho Hitler thực hiện đánh chiếm Áo. Nếu trong bối cảnh lịch sử đó, Anh, Pháp, Tiệp Khắc, thậm chí cả Liên Xô cùng có một tiếng nói cứng rắn phản đối hành động của Hitler thì Áo đã không phải mất chủ quyền, nhân dân thế giới cũng có thể đẩy lùi bước tiến kế hoạch gây chiến tranh của Hitler, và biết đâu sẽ không phải hứng chịu thảm cảnh khốc liệt của Chiến tranh thế giới thứ hai.
Như vậy, không cần bắn một phát súng và không có sự can thiệp của Anh, Pháp, Liên Xô và Tiệp Khắc là những nước vốn có lực lượng quân sự áp đảo, Hitler đã sáp nhập thêm 7 triệu dân vào Đế chế Đức. Đây cũng chính là bước đầu tiên trên con đường xây dựng Đế chế Đại Đức.
Việc sáp nhập này có ý nghĩa cực kì quan trọng cho những kế hoạch trong tương lai của Hitler. Với vị thế này, quân đội Đức chế ngự Tiệp Khắc ở ba mặt và Áo là cửa ngõ mở ra vùng Đông Nam châu Âu. Là thủ phủ của Đế quốc Áo – Hung ngày xưa, Wien đã từ lâu là trung tâm thông thương và mậu dịch của Nam và Đông Nam châu Âu. Bây giờ trung tâm này sẽ nằm trong tay Đức. Hitler kiểm soát vàng của Áo, giúp trả nợ thâm hụt trong quá trình tái vũ trang. Các ngành công nghiệp sắt và thép, được dùng trong quá trình sản xuất vũ khí. Điều này đem lại lợi ích cho nền kinh tế Đức. Mặt khác, việc thiết lập đường biên giới trực tiếp giữa Đức với Ý, Nam Tư và Rumani còn tạo điều kiện cho Đức khi cần thiết có thể nhanh chóng bành trướng ra ngoài toàn bộ bán đảo Balkan
Đây là lần đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức công khai vi phạm biên giới đã được ghi nhận rõ ràng trong Versailles. Liều thuốc thử này cho Hitler thấy rằng, Hitler sẽ không gặp trở ngại đáng kể nào từ các cường quốc tư bản phương Tây trong việc tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình là xâm chiếm Tiệp Khắc và mở rộng không gian sinh tồn ở phía Đông. Qua đó, ta thấy được cách đối phó thụ động của Anh, Pháp và thái độ bang quang của Liên Xô đã khuyến khích thêm sự lộng hành của Hitler.
2. Kế hoạch Xanh (xóa sổ Tiệp Khắc)
2.1. Địa chính trị của Tiệp Khắc
Tiệp Khắc được thành lập từ một số mảnh vỡ của Đế quốc Áo – Hung bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, được Pháp dựng lên như một khâu trong “vành 91 đai vệ sinh” nhằm ngăn chặn sự lan tỏa “bệnh dịch Bolshevik” vào châu Âu, bao vây nước Đức bại trận ở phía Đông Nam, là một trong những nền tảng an ninh đối với Pháp và là cơ sở căn bản nhất tạo dựng ảnh hưởng của Pháp ở Trung và Đông Nam châu Âu. Vị thế này đã được Pháp hợp pháp hóa bằng hiệp ước liên minh và hữu nghị kí ngày 25/1/1924 và hiệp ước tương trợ kí ngày 16/10/1925. Hiệp ước thứ hai qui định rõ ràng rằng nếu Đức có ý định xâm phạm biên giới Tiệp Khắc bằng một hành động vũ trang thì ngay lập tức Pháp sẽ trợ giúp Tiệp Khắc. Nước này gắn bó về mặt đối ngoại với Pháp đến mức ngày 16/5/1935 chỉ sau hai tuần khi Pháp xây dựng hệ thống an ninh tập thể ở châu Âu trong bối cảnh nguy cơ phát xít ngày càng lộ rõ, Tiệp Khắc kí với Liên Xô một hiệp ước tương trợ, nhưng hiệp ước này chỉ có giá trị pháp lý khi Pháp thực hiện Hiệp ước tương trợ Pháp – Tiệp Khắc.
Mặt khác, Tiệp Khắc là một trong những nước có tinh thần dân chủ cao nhất trong hàng ngũ các nước Đông Âu và có nền công nghiệp phát triển cao khi đó. Năm 1937, khai thác than của Tiệp Khắc đạt 27,5 triệu tấn, sản xuất gang đạt 1,7 triệu tấn, thép đạt 2,3 triệu tấn, và hàng năm sản xuất khoảng 14,6 ngàn chiếc ô tô. Máy bay do Tiệp Khắc chế tạo không hề thua kém về chất lượng so với máy bay của bất kì cường quốc châu Âu nào . Đặc biệt, Tiệp Khắc có một đội quân được trang bị vũ khí rất hiện từ nhà máy Skoda lừng danh thế giới, có đường biên giới được xây dựng và phòng thủ vững chắc bằng một chiến lũy không kém chiến lũy Maginot của Pháp.
Nhưng vấn đề nan giải nhất của Tiệp Khắc mà trong suốt 20 năm (1919-1939) vẫn chưa thể giải quyết được. Đấy là vấn nạn dân tộc thiểu số, là quốc gia đa dân tộc và các dân tộc này đều tha thiết với “đất mẹ” của họ. Tuy nhiên, người Đức ở Sudetenland chỉ thuộc về Áo, chưa bao giờ thuộc về Đế chế Đức. So với những dân tộc thiểu số ở phương Tây, những dân tộc thiểu số ở Tiệp Khắc không bị kém cỏi. Họ có quyền dân chủ, tự do cá nhân trọn vẹn ngay cả quyền được bầu cử, quyền được lập trường học riêng và duy trì cơ sở văn hóa của riêng họ. Lãnh tụ các dân tộc thiểu số thường là Bộ trưởng trong chính phủ trung ương. Những dân tộc thiểu số này bất mãn với tính hà khắc vụn vặt, tư tưởng ái quốc cực đoan và thiếu khôn khéo của quan chức địa phương người Séc, thái độ kỳ thị đôi lúc xảy ra ở thủ đô Praha. Sống trong các vùng Tây Bắc, Tây Nam công nghiệp hóa, họ giàu có lên, dần dần trở nên hòa thuận với người Séc, nhưng họ vẫn tiếp tục đòi hỏi thêm quyền tự trị, sự tôn trọng đối với các quyền về ngôn ngữ, văn hóa. Chính quyền Tiệp Khắc tỏ ra còn khá chậm chạp trong việc làm thỏa mãn một số điều trong các thỉnh cầu chính đáng của họ.
Tiệp Khắc là mối đe dọa đáng sợ sau lưng Đức nếu nước này lâm chiến bên cạnh Anh và Pháp. Vì Tiệp Khắc nằm ngay chính giữa Âu châu, biên giới lãnh thổ Đức, một vị trí đặc biệt quan trọng trong kế hoạch giành quyền thống trị lục địa châu Âu, một phần trong chiến lược thống nhất quốc gia của những người Aryen nói tiếng Đức. Tiệp Khắc không chỉ là một chướng ngại về quân sự đối với sự bành trướng của chủ nghĩa Quốc xã, mà còn là một nước dân chủ thực sự, là người bạn của Pháp và thiết lập một rào cản về chính trị bằng sự liên minh của nó với Pháp và Liên Xô. Đồng thời, Tiệp Khắc là bàn đạp đánh chiếm châu Âu, mở rộng không gian sinh tồn cho nước Đức. Chính vì thế, Hitler đã xếp Áo và Tiệp Khắc vào một trong những mục tiêu đầu tiên trong kế hoạch bành trướng ra ngoài phạm vi biên giới của năm 1919.
2.2. Kế hoạch Xanh
Do vị thế chiến lược quan trọng của Tiệp Khắc, tháng 3/1938, Hitler đe dọa trực tiếp đòi nước này từ bỏ chủ quyền đối với Sudetenland (Bohemia, Moravia và một phần Silesia chung quanh dãy núi Sudetenland) có người Đức đang sinh sống. Hitler nói rằng: “Tôi không chấp nhận với bất kì giá nào, đứng nhìn như một khán giả, sự áp bức các người anh em Đức của chúng ta ở Tiệp Khắc. Những người Đức đang sống ở Tiệp Khắc không phải là cô đơn hay không có ai bảo vệ. Toàn thể hoàn cầu nên ghi nhận rõ điều này”
Những người Đức ở Sudetenland có lẽ sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu họ biết được các chương trình, kế hoạch chưa lần nào đề cập đến những quyền lợi và hoài bão của họ mà nhắm đến sự hủy diệt Tiệp Khắc. Lợi dụng mâu thuẫn trong vấn đề dân tộc ở Tiệp Khắc, Hitler đã ủng hộ những người thân Quốc xã thành lập Đảng người Đức Sudetenland (SDP) do Konrad Henlein lãnh đạo với mục đích truyền bá virus Quốc xã vào cộng đồng người Đức ở Tiệp Khắc, kích động họ chống lại chính phủ Tiệp Khắc, đòi sáp nhập vào Đế chế thứ ba của mình. Theo tính toán của Hitler cũng như các tướng lĩnh, muốn đánh thắng Tiệp Khắc cần phải thực hiện với tốc độ nhanh, gọn, và có thể tiến hành sớm nhất vào năm 1938. Họ đã đưa ra ba phương án gây chiến với Tiệp:
Một, đánh bất ngờ không cần xem xét thái độ cũng như dư luận thế giới. Nhưng sau khi nghĩ lại ông loại bỏ phương án này bởi nếu hành động như vậy sẽ làm cho dư luận thế giới phản đối mạnh mẽ, thậm chí kế hoạch đánh chiếm Tiệp Khắc sẽ thất bại.
Hai, tiến hành đàm phán chính trị, đưa Tiệp Khắc vào tình hình khủng hoảng sau đó hành động. Nhưng rồi Hitler tiếp tục loại bỏ phương án này bởi làm như vậy thì Tiệp Khắc sẽ có cơ hội củng cố an ninh, Đức sẽ khó giành thắng lợi.
Ba, Đức sẽ hành động “sấm sét” dựa trên một sự cố. Điều này có nghĩa là Đức sẽ đạo diễn tạo ra một “sự cố”, sau đó tiến hành đánh chiếm Tiệp Khắc chớp nhoáng. Như vậy, Đức sẽ có một lý do chính đáng để đánh Tiệp Khắc đồng thời Tiệp Khắc cũng không có thời gian để chuẩn bị chống đỡ, và thắng lợi nhất định sẽ thuộc về Đức
Phương án ba là lý tưởng nhất, một hành động chớp nhoáng sau một biến cố, sẽ cấu tạo nên một sự khiêu khích không tài nào dung tha nổi đối với Đức và cho phép Đức có quyền can thiệp bằng vũ lực (ví dụ như cuộc ám sát vị đại sứ của Đức ở Prague, sau một cuộc biểu tình của người Đức). Người ta tự hỏi viên đại sứ Đức ở Prague sẽ suy nghĩ và nói năng ra sao khi biết được là vị thủ lĩnh của mình lại trù tính một cách nông nổi là ám sát người của mình để cấu thành nên một yếu tố cần thiết? Không những không lấy thế làm khó chịu, quân đội lại còn bắt tay vào việc rất hăng say.
Kế hoạch đã chuẩn bị xong, nhận chỉ thị của Hitler, Henlein “đưa ra những đòi hỏi quá mức đến nỗi không ai có thể thỏa mãn chúng”. Đòi hỏi chủ yếu là phục hồi sự bình đẳng hoàn toàn giữa nhóm dân tộc Đức và dân tộc Tiệp Khắc, thành lập chính phủ tự trị trong vùng Sudetenland, một đạo luật bảo vệ những người Đức Sudetenland sống ngoài khu vực đó, sửa chữa những lỗi lầm đã gây ra đối với họ từ năm 1918, việc tự do đi theo tư tưởng Quốc xã, bố trí những viên chức nói tiếng Đức ở vùng Sudetenland. Đúng như ý nguyện của Hitler, cuộc khủng hoảng ở Tiệp Khắc trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết
Ngày 19/5/1938, Hitler đã bắt đầu tăng cường tập trung quân ở biên giới tiếp giáp với Tiệp Khắc, đồng thời SDP cũng cắt đứt các cuộc đàm phán với chính phủ Tiệp Khắc. Điều này gây nên sự bất bình mạnh mẽ ở Tiệp Khắc. Dưới áp lực của quần chúng, chính phủ Tiệp Khắc đã phải huy động quân dự bị và ngày 21/5/1938 đưa quân đội của mình vào khu vực Sudetenland, đồng thời tăng cường phòng thủ tuyến biên giới. Hành động có vẻ kiên quyết này của chính phủ Tiệp Khắc đã làm cho các chính quyền ở London và Paris không hài lòng, nhưng họ buộc phải cảnh báo Đức biết rằng, nếu Đức tấn công Tiệp Khắc thì xung đột lớn có thể xảy ra và Anh, Pháp không thể làm ngơ. Những động thái trên buộc Hitler tạm ngừng tăng áp lực và ra lệnh cho quân đội rút khỏi vùng biên giới Tiệp Khắc. Cái gọi là “Cuộc khủng hoảng tháng Năm” (1938) được giải tỏa. Hitler nhận ra rằng mình không thể gây hấn một cách dễ dàng như ở Áo. Như vậy, nếu các cường quốc phương Tây trước hết là Anh, Pháp và các lực lượng chống phát xít, chống chiến tranh thực sự đoàn kết trong một liên minh mạnh, thì chính quyền Quốc xã của Hitler khó có điều kiện lộng hành ở châu Âu nhưng một liên minh như thế không thực hiện được. Thay vào đó là chính sách tiếp tục thỏa hiệp của Anh, Pháp đối với chính quyền Quốc xã
Không lâu sau đó, ngày 30/5/1938, Hitler tiếp tục đưa ra chỉ thị chuẩn bị “Kế hoạch Xanh”: “Tôi đã quyết định một cách bất di bất dịch hủy diệt Tiệp Khắc bằng một giải pháp quân sự trong một ngày rất gần đây. Vậy chúng ta chỉ cần nhận thức, hay nếu cần thiết, tạo ra một cơ hội thuận lợi về phương diện chính trị và quân sự. Mọi sự chuẩn bị cho công cuộc này cần phải bắt đầu ngay tức khắc”
Về phía mình, chính phủ Anh không chịu ngồi yên, cố gắng làm trung gian hòa giải. Ngày 3/8/1938, Nam tước Runciman đã được cử tới Praha với vai trò trung gian trong cuộc đàm phán giữa chính phủ Tiệp Khắc và SDP. Runciman sử dụng lợi thế của mình để gây áp lực với chính phủ Tiệp Khắc theo hướng thỏa mãn những yêu sách của SDP và Hitler. Tất nhiên, ông ta đã được sự ủng hộ của chính phủ mình và chính phủ Pháp. Trong báo cáo gửi chính phủ, Runciman viết: “Tôi tin rằng những lời than oán của họ (người gốc Đức ở Sudetenland) là có cơ sở rõ ràng. Trong chuyến đi tìm hiểu, tôi không thấy chính phủ Tiệp Khắc tỏ ra sẵn sàng, làm tan biến các nguyên nhân của những lời than oán đó theo một cách thức tương đối thỏa đáng. Do vậy, tôi tin rằng miền biên giới đó cần được Tiệp Khắc hoàn trả cho Đức ngay lập tức bằng một thỏa ước giữa hai chính phủ”
Sau đó, lập trường của Anh được bộc lộ rõ hơn trong một bài xã luận trên báo The Times số ra ngày 7/9/1938: “ Chính phủ Tiệp Khắc có lẽ nên xem xét xem có nên bác bỏ hoàn toàn đề nghị đó là tạo cho nhà nước Tiệp Khắc vẻ thuần khiết hơn bằng cách nhượng cho nước láng giềng dải đất đang là nơi sinh sống của dân tộc gắn bó với nước lân bang đó về mặt chủng tộc. Đối với người Tiệp Khắc, việc trở thành một nhà nước thuần nhất bằng cách làm này sẽ bù đắp đáng kể cho sự thiệt thòi là mất vùng đất biên giới của người Đức ở Sudetenland” . Bài xã luận này không nhắc gì đến yếu tố hiển nhiên là khi nhượng Sudetenland cho Đức, Tiệp Khắc sẽ mất đi vùng núi bảo vệ Bohemia và hệ thống công sự của họ, khiến cho nước này không thể phòng vệ chống Đức được nữa.
Sau đó, lập trường của Anh được bộc lộ rõ hơn trong một bài xã luận trên báo The Times số ra ngày 7/9/1938: “ Chính phủ Tiệp Khắc có lẽ nên xem xét xem có nên bác bỏ hoàn toàn đề nghị đó là tạo cho nhà nước Tiệp Khắc vẻ thuần khiết hơn bằng cách nhượng cho nước láng giềng dải đất đang là nơi sinh sống của dân tộc gắn bó với nước lân bang đó về mặt chủng tộc. Đối với người Tiệp Khắc, việc trở thành một nhà nước thuần nhất bằng cách làm này sẽ bù đắp đáng kể cho sự thiệt thòi là mất vùng đất biên giới của người Đức ở Sudetenland” [12,174]. Bài xã luận này không nhắc gì đến yếu tố hiển nhiên là khi nhượng Sudetenland cho Đức, Tiệp Khắc sẽ mất đi vùng núi bảo vệ Bohemia và hệ thống công sự của họ, khiến cho nước này không thể phòng vệ chống Đức được nữa.
Mặc dù theo chủ nghĩa biệt lập nhưng Mĩ không hẳn là đứng ngoài, bằng những biện pháp khác nhau, Mĩ thực tế cũng đã gây áp lực với chính quyền Tiệp Khắc. Chẳng hạn, đại sứ Mĩ ở Berlin là Wilson đã từng thuyết phục Tổng thống Benès rằng những đòi hỏi mà phần tử thân Quốc xã ở Sudetenland đưa ra chẳng qua chỉ nhằm mục đích cải thiện điều kiện sống của người gốc Đức ở Tiệp Khắc; rằng nước Đức chẳng qua cũng chỉ muốn tiến tới thủ tiêu Hiệp ước Xô – Tiệp (1935). Từ đó, đại sứ Wilson đã “khuyên” Tổng thống Benès không nên hy vọng gì vào sự giúp đỡ từ phía Mĩ
Sau đó, ngày 12/9/1938, Hitler đọc bài diễn văn rất kích động tại Hội nghị toàn quốc Đảng Quốc xã diễn ra ở Nuremberg. Hitler tuyên bố rằng người Đức ở Sudetenland bị “tra tấn” và tự họ không thể bảo vệ được mình. Vì vậy, Đức sẽ đảm nhận việc đó. Các dân tộc phải tự quyết định số phận của mình, nghĩa là mọi giải pháp tự trị trong khuôn khổ của quốc gia Tiệp Khắc là chưa đủ. Ngay hôm sau, các vụ biến loạn mới lại nổ ra khắp nơi ở Sudetenland, có thể đây là âm mưu nổi dậy có tổ chức nhưng thất bại. Tối ngày 14/9 chính phủ Tiệp Khắc đã lập lại trật tự và kiểm soát tình hình.
Các diễn biến trên có hai hậu quả trước mắt. Một mặt, Runciman cho rằng vai trò làm trung gian của mình đã chấm dứt. Mặt khác, ngày 13/9 Chamberlain gửi một bức thông điệp cho Hitler gợi ý ông sẽ đáp máy bay đến gặp Hitler vào ngày mai. Chamberlain sợ rằng người Sudetenland có những hành động không thể sửa được. Hitler chấp nhận và tỏ ý sẵn sàng gặp Chamberlain ngày 15/9. Ngay trong ngày 14/9, Henlein cắt đứt thương lượng với chính phủ Tiệp Khắc, công khai đề nghị sáp nhập vùng Sudetenland vào Đức
Để chống lại kế hoạch của Hitler, một số tướng lĩnh của Đức cầm đầu là tướng Beck, người đã từ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội ngày 18/8, lên kế hoạch bắt giữ Hitler khi Hitler từ Nuremberg trở về Berlin vào ngày 14/9, để tỏ thái độ phản đối kế hoạch xâm chiếm Tiệp Khắc. Nhưng kế hoạch không thực hiện được bởi Hitler không về thủ đô mà đi Berchtesgaden để tiếp Chamberlain. Tại cuộc tiếp xúc đó, Chamberlain đề nghị với Hitler một quan hệ giao hảo giữa Anh và Đức. Và Hitler đồng ý vì đó là ý nguyện của Hitler. Đồng thời, Hitler bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề Sudetenland, hơn 300 người Đức đã bị giết, cần phải giải quyết ngay vấn đề này là sáp nhập Sudetenland vào Đức. Nói cách khác, Hitler công khai đòi thôn tính vùng Sudetenland. Chamberlain đồng ý với quan điểm của Hitler nhưng ông không thể tự mình quyết định, mà còn phải tham khảo ý kiến của Pháp và Anh, và Chamberlain nói thêm với tư cách cá nhân ông ta chấp nhận quan điểm của Hitler
Ngày 16/9, Chamberlain trở về London và triệu tập nội các cùng ông Runciman để nghe và cho ý kiến về yêu sách của Hitler. Trong khi Chamberlain chưa thể tự mình quyết định thì Runciman với sự hăng say muốn xoa dịu Hitler đã đề xuất giao lãnh thổ Sudetenland cho Đức mà không cần trưng cầu dân ý và Tiệp Khắc phải cam kết sẽ không tấn công các nước láng giềng. Chính những đề xuất lạ lùng này gây ấn tượng cho nội các Anh và thôi thúc Chamberlain chấp nhận yêu sách của Hitler. Riêng Pháp vẫn chưa thống nhất quan điểm có nên hoàn thành nghĩa vụ đã cam kết với Tiệp Khắc trong trường hợp xảy ra một cuộc tiến công của Đức không. Thủ tướng Pháp Daladier và Ngoại trưởng Pháp Bonnet đến London ngày 18/9 để hội ý với nội các Anh. Cả Anh và Pháp đều muốn tránh chiến tranh nên nhanh chóng đưa ra những đề xuất chung buộc Tiệp Khắc buộc phải chấp nhận: những miền đất trong vùng Sudetenland có trên 50% dân số là người Đức sẽ được chuyển giao cho Đức mà không cần tổ chức trưng cầu dân ý. Đối với những địa phương có dưới 50% người Đức, chúng sẽ được một ủy ban gồm ba thành viên: 1 Tiệp Khắc, 1 Đức, 1 trung lập giải quyết sau; Tiệp Khắc “từ đây sẽ duyệt lại chính sách đối ngoại sao cho các nước láng giềng an tâm rằng dù trong bất kì trường hợp nào nữa, Tiệp Khắc sẽ không tấn công họ hay tham gia vào một hoạt động gây chiến chống họ, phát xuất từ các nghĩa vụ mà Tiệp Khắc đã cam kết với những nước khác” . Bù lại Anh, Pháp thỏa thuận tham gia đảm bảo quốc tế cho các đường biên giới mới của Tiệp Khắc chống lại mọi cuộc tiến và “cam kết này sẽ thay thế cho các hiệp ước tương trợ mà Tiệp Khắc đã kí với Pháp và Liên Xô” [12,176]. Sau khi hội ý, Anh và Pháp không tham khảo ý kiến Tiệp Khắc mà gửi ngay một tối hậu thư cho Tổng thống Benès: “Cả hai chính phủ Pháp và Anh nhận thấy chính phủ Tiệp Khắc phải hy sinh lớn lao cho sự nghiệp hòa bình. Nhưng bởi vì đấy là mục đích cho châu Âu nói chung và cho chính phủ Tiệp Khắc nói riêng, hai chính phủ có bổn phận phải thẳng thắn đặt ra những điều kiện thiết yếu để đạt mục đích này”
Trước tình thế đó, chính phủ Tiệp Khắc yêu cầu một câu trả lời dứt khoát từ phía Liên Xô, có sẵn sàng giúp đỡ Tiệp Khắc khi Pháp từ chối không tuân thủ. Và sẽ giúp đỡ bằng cách nào. Ngày 21/9/1938, dưới sự chỉ thị từ Moskva, Alexandrovsky, đại sứ Liên Xô ở Praha đã trả lời: “Nếu xảy ra một cuộc chiến tranh, mà trong đó Đức là kẻ xâm lược, chính phủ Tiệp Khắc chỉ cần đưa ra một lời khiếu nại chính thức ở Geneva và thông báo cho Liên Xô, nước này sẽ ngay lập tức hoàn thành nghĩa vụ của mình”. Rõ ràng với câu trả lời này, Liên Xô sẵn sàng giúp Tiệp Khắc trong trường hợp Pháp không tuân thủ hiệp ước tương trợ. Nhưng cũng trong ngày này, dân ủy ngoại giao Liên Xô Litrinov đã tuyên bố ở Hội Quốc liên rằng: “Liên Xô có sẽ mang đến, trong khuôn khổ của Hiệp ước tương trợ Xô – Tiệp, cho Tiệp Khắc sự giúp đỡ có hiệu quả và ngay tức thì trong trường hợp Pháp, trung thành với các cam kết của mình, sẽ mang đến cho Tiệp Khắc sự giúp đỡ tương tự.” . Nhưng tuyên bố này lại ngược hoàn toàn với câu trả lời trên. Vậy thì, Liên Xô chẳng đời nào chịu chìa tay giúp Tiệp Khắc nếu Anh và Pháp không có những hành động tương tự
Ngày 21/09/1938, Benès chấp nhận những điều khoản của Pháp và Anh, nhưng đã gợi cho cả thế giới một bức thư kháng nghị đối với quyết định mà ông ta buộc phải chấp nhận và “bất chấp sự kiện là chính phủ ở Praha chưa được tham vấn trước” . Tuy nhiên, Benès cố khiếu nại về hai điều kiện: quân Đức không được vào Tiệp Khắc và nước Anh phải bảo đảm những biên giới mới của Tiệp Khắc
Ngày hôm sau, khi Chamberlain gặp lại Hitler ở Godesberg để thông báo sự đầu hàng của Benès, Hitler cảm thấy kinh ngạc vì các nhượng bộ của mình đi xa như thế và đến nhanh như thế. Hitler nhẹ nhàng trả lời: “Tôi rất đỗi xin lỗi ngài, nhưng biến cố của những ngày vừa qua, giải pháp giải này không còn giá trị nữa” , bởi vì mục tiêu của Hitler là “đập tan Tiệp Khắc bằng một hành động quân sự” . Hitler trao cho Chamberlain một “bản ghi nhớ ở Godesberg”, đòi “cuộc rút lui các lực lượng Tiệp Khắc sẽ bắt đầu ngày 26/9/1938 và kết thúc vào ngày 28/9/1938 là thời hạn lãnh thổ triệt thoái sẽ trao lại cho Đức” , yêu 99 cầu toàn bộ vấn đề phải được giải quyết trong ngày 1/10/1938. Nếu muốn tránh chiến tranh Tiệp Khắc phải rút ngay lập tức khỏi các khu vực phải nhân nhượng và để quân Đức tiến vào chiếm đóng. Chamberlain phản bác những yêu sách này vì nó giống như một tối hậu thư hơn là một bản ghi nhớ. Trước tình hình đó, Tiệp Khắc ra lệnh động viên, Pháp và Anh bảo đảm sẽ giúp đõ. Riêng Liên Xô ngày 3/9/1938, báo cho Hitler biết là không được đụng tới Tiệp Khắc. Một lần nữa, sự đoàn kết được thực hiện giữa các nước đồng minh, và một lần nữa mọi người ở ngay bờ vực của chiến tranh.
Trước tình thế bất lợi đó, ngày 27/9, Hitler “cân nhắc xem có nên tiếp tục nỗ lực, đưa chính phủ Praha đến chỗ biết điều vào giờ chót” . Trong tâm trạng rối bời, Chamberlain chộp ngay lời đề nghị này: “Sau khi đọc xong bức thư của ngài, tôi tin chắc rằng ngài có thể nhận được điều cần thiết mà không cần đến chiến tranh và phải đợi lâu. Tôi sẵn sàng đích thân đến Berlin ngay để bàn thảo các biện pháp cần thiết cho việc nhượng đất, với ngài và với các đại diện của chính phủ Tiệp Khắc, đồng thời với cả đại diện Pháp và Ý. Tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được một giải pháp trong thời hạn 8 ngày” . Lời tuyên bố của Hitler đã khơi mào cho Hội nghị Munich với sự tham gia của một nước đồng minh (Ý), một nước đang bấu chặt vào chủ trương xoa dịu đến mức ôn hòa (Anh), một nước không đủ quyết tâm xác lập vị thế đối ngoại độc lập (Pháp), còn Liên Xô và Tiệp Khắc đã bị loại khỏi hội nghị ngay từ đầu.
2.3. Hội nghị Munich
Ngày 29/9/1938, Hội nghị tại Munich khai mạc do Đức triệu tập gồm: Hitler – Quốc trưởng nước Đức, Mussolini – Thủ tướng Ý, Chamberlain – Thủ tướng Anh và Daladier – thủ tướng Pháp để quyết định số phận của Tiệp Khắc. Đại biểu Tiệp Khắc không được mời tham dự, chỉ được triệu tập đến để nghe kết quả.
Các cuộc thảo luận chỉ có tính thủ tục nhằm thực hiện chính xác những gì Hitler muốn vào thời điểm ông muốn. Công việc tiến hành một cách xuề xòa, và xét theo biên bản buổi họp được tịch thu sau chiến tranh, thủ tướng Anh và thủ tướng Pháp khá sẵn lòng đồng ý với Hitler.
Hội nghị bắt đầu công việc thật sự khi Mussolini, người phát biểu thứ ba – Daladier được để sau cùng – nói “nhằm mang đến một giải pháp thực tế cho vấn đề” , là kế hoạch dung hòa của chính ông đã được vội vã soạn thảo ngày hôm trước tại Bộ Ngoại giao Đức. Các tác giả là Göring, Neurath và Weizsäcker làm việc sau lưng Ribbentrop, vì ba người không tin tưởng nơi phán xét của ông này. Göring mang bản văn đến trình Hitler, ông này chấp nhận, rồi TS. Schmidt vội vã dịch sang tiếng Pháp. Kế hoạch được trao cho Đại sứ Ý Attolico, và người này đọc nội dung qua điện thoại cho Mussolini nắm bắt ở Rome ngay trước khi ông lên đường đi Munich.
Vì các bên đều hoan nghênh “đề xuất của Ý,” chỉ cần thảo luận các chi tiết thi hành. Chamberlain – nguyên là doanh nhân và cựu Bộ trưởng Tài chính – muốn biết ai sẽ đền bù cho tài sản công được chuyển giao cho Đức. Có vẻ mệt nhọc và cũng bực dọc vì không thể theo dõi các câu trao đổi bằng tiếng Pháp và Anh, Hitler trả lời ngay là không có đền bù gì cả. Khi Chamberlain phản đối điều khoản quy định người Tiệp Khắc không được mang theo bất cứ gì khi rút đi khỏi Sudetenland, Hitler lớn tiếng: “Không nên phí thời giờ quý báu của chúng ta vào chuyện vụn vặt như thế” . Vị thủ tướng Anh bỏ qua vấn đề. Nhưng ông đòi hỏi phải có mặt đại diện của Tiệp Khắc. Ông nói nước ông “không thể đảm bảo người Tiệp Khắc sẽ rút lui xong xuôi vào ngày 1/10 nếu chính phủ Tiệp Khắc không cam kết việc này” . Daladier tỏ ý ủng hộ tuy không nhiệt tình lắm.
Nhưng Hitler vẫn khăng khăng. Ông sẽ không cho phép người Tiệp Khắc đến với sự hiện diện của ông. Daladier ngoan ngoãn chịu thua, nhưng Chamberlain cuối cùng đạt được một ít nhượng bộ. Hội nghị đồng ý rằng một đại diện của Tiệp Khắc có thể chờ đợi trong phòng bên cạnh như Chamberlain đề nghị.
Số phận Tiệp Khắc đã được định đoạt chỉ trong vài giờ đồng hồ, đến 22 giờ cùng ngày, Sir Horace Wilson đến thông báo kết quả cho hai quan chức Tiệp Khắc là Vojtech Mastny và Hubert Masarik, vừa nói, Wilson vừa rải rộng tấm bản đồ mang theo. Hai quan chức Tiệp Khắc chăm chú nhìn kĩ các đốm tô màu đỏ chỉ những phần lãnh thổ được cắt chuyển cho Đức, Msatny thảng thốt kêu lên: “Thật là quá đáng! Đúng là sự hung ác và ngu xuẩn! Chẳng những nhượng đất của chúng tôi, các ngài còn hi sinh luôn cả chiến lũy của chúng tôi. Ngài nhìn xem, đây là hệ thống phòng thủ của chúng tôi, đây, đây, rồi đây nữa”. Ông vừa nói vừa dùng ngón tay vạch trên bản đồ: “Tất cả bị giao cho bọn Quốc xã” . Nụ cười tắt hẳn trên môi Wilson, ông ta nói:
“Nếu các ông không chấp nhận, các ông sẽ giải quyết chuyện của các ông với người Đức mà không có chúng tôi. Có lẽ người Pháp sẽ nói với các ông điều này một cách nhỏ nhẹ hơn, nhưng các ông nên tin tôi là họ cùng quan điểm với chúng tôi. Họ không quan tâm”
Việc tranh cãi cũng vô ích, 2 giờ 30 phút ngày 30/9/1938, Hiệp ước Munich đã kí xong. Hiệp ước này qui định Tiệp Khắc phải cắt toàn bộ Sudetenland cho Đức trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 1/10/1938, quân đội Tiệp Khắc sẽ rút khỏi vùng Sudetenland, việc rút lui phải hoàn thành trước ngày 10/10. Và quân Tiệp Khắc không được phá hoại một vật gì trước khi rút lui. Anh, Pháp, Đức, Ý, Tiệp Khắc tổ chức một Ủy ban Quốc tế để quy định cách rút lui cho quân Tiệp Khắc và tổ chức trưng cầu dân ý chậm nhất là cuối tháng 11 ở những vùng không rõ tỷ lệ của các dân tộc. Sáu tháng sau khi kí bản hiệp ước, dân chúng ở vùng bị cắt được quyền tự do ở hay đi. Biên giới giữa Đức và Tiệp Khắc cũng do một Uỷ ban Quốc tế quy định. Chính phủ Tiệp Khắc phải phóng thích những người bị bắt ở Sudetenland
Ngoài những điểm chính này, Hội nghị Munich còn buộc Tiệp Khắc phải hủy bỏ hiệp ước tương trợ giữa Tiệp và Liên Xô. Và phải cắt cho Ba Lan, Hungary những vùng lãnh thổ đã được xác định trước đó trong thời hạn 3 tháng.
Để đổi lại, Hitler đã kí với Anh bản tuyên bố không xâm lược lẫn nhau giữa Đức và Anh. Hai bên cam kết sẽ giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng con đường hòa bình. Chamberlain tuyên bố:
Chúng tôi, Lãnh tụ, thủ tướng Đức và thủ tướng Anh, đã gặp gỡ thêm hôm nay và nhất trí nhận định rằng mối bang giao Anh – Đức có tầm quan trọng bậc nhất cho hai quốc gia và cho châu Âu. Chúng tôi xem hiệp ước đã ký kết tối hôm qua và Hiệp định hải quân Anh – Đức là biểu tượng cho lòng mong mỏi của hai dân tộc chúng tôi là sẽ không bao giờ gây chiến với nhau nữa. Chúng tôi khẳng định sẽ áp dụng phương pháp tham vấn về đối phó với bất kỳ vấn đề nào khác có thể liên quan đến hai nước chúng tôi, và chúng tôi nhất quyết tiếp tục nỗ lực nhằm loại ra những bất công, và qua đấy đóng góp đảm bảo nền hòa bình châu Âu. Hitler đọc qua bản tuyên bố và nhanh chóng ký vào. Cảm tưởng của TS. Schmidt là Lãnh tụ đồng ý không chút ngần ngại, chỉ để làm vui lòng Chamberlain”, và ông này “cám ơn Lãnh tụ một cách nồng hậu.
Cái giá mà Anh nhận được từ việc chính quyền Chamberlain bán rẻ quyền lợi của Tiệp Khắc là ngày 30/9/1938, Hitler đã kí với Chamberlain bản tuyên bố không xâm phạm lẫn nhau giữa Đức và Anh. Hiệp ước được ký kết mà không tham khảo ý kiến chính phủ Pháp. Chamberlain được đón tiếp nhiệt liệt London, nơi mà ngay khi ông về nước đã có một lời tuyên đoán như sau: “Các bạn thân mến, đây là lần thứ hai trong lịch sử nước ta, hòa bình trong danh dự lại được mang từ Đức về phố Downing, tôi tin rằng nền hòa bình lần này sẽ kéo dài suốt cả cuộc đời chúng ta”. Sự thật là ông ta vấp phải sự chống đối mạnh mẽ ở ngay trong Đảng Bảo thủ. Sau Eden vài tháng, Duff Cooper từ chức Tổng Tư lệnh hải quân, Churchill tuyên bố Hội nghị Munich là mối thảm họa có qui mô lớn nhất và ông tiên đoán nước Tiệp Khắc sẽ bị tiêu diệt. Về phía Pháp, Daladier không chia sẽ niềm lạc quan của Chamberlain. Ông cảm thấy rằng nước Pháp đã đánh mất uy tín của nó khi họ bỏ rơi một đất nước từng giao kết liên minh với mình. Ở Pháp đã xuất hiện trào lưu mạnh mẽ “chống Munich” trong các đảng phái. Tuy nhiên, ngày 6/12/1938, một hiệp ước có nội dung tương tự cũng đã được kí giữa Pháp và Đức tại Paris.
Cả Chamberlain và Daladier đều được đón tiếp như những sứ giả của hòa bình tại Anh và Pháp – những người dường như đã có công cứu châu Âu ra khỏi thảm họa của một cuộc chiến tranh lớn. Nhưng cũng chính tại Anh và Pháp, dư luận đông đảo, kể cả những chính khách nổi tiếng như Churchill đã sớm nhận thấy tính chất thỏa hiệp vô nguyên tắc của Hiệp ước Munich sẽ dẫn châu Âu tới thảm họa khôn lường. Dù vậy, những kẻ chống Liên Xô và chủ nghĩa xã hội khi đó đã tỏ ra hoan hỉ với “chính sách Munich” tin rằng đã chuyển hướng chiến tranh từ phía Tây sang phía Đông. Những kẻ chủ mưu của “chính sách Munich” hi vọng rằng, bằng việc bán rẻ quyền lợi của Tiệp Khắc cho Hitler, họ không những sẽ tránh được một cuộc chiến tranh với Đức Quốc xã, mà còn đẩy Đức vào chiến tranh lớn chống Liên Xô để họ có thể “tọa sơn quan hổ đấu” mà hưởng lợi. Nhưng những tính toán này không dễ dàng thành hiện thực như họ mong muốn. Hiệp ước Munich là đỉnh cao nhất của chính sách thoả hiệp mà các cường quốc tư bản phương Tây thi hành trong nhiều năm nhằm tránh một cuộc chiến tranh với nước Đức phát xít và chĩa mũi nhọn chiến tranh về phía Liên Xô.
Ngay sau khi Hiệp ước Munich được kí kết, Tổng thống Tiệp Khắc Benès và một loạt chính khách khác của Tiệp Khắc đã lưu vong ra nước ngoài (sang Anh hoặc Mĩ). Thay thế vào đó là các chính khách có tư tưởng thân Đức rõ rệt, đứng đầu là Tổng thống Emile Hácha, Thủ tướng Béran và Ngoại trưởng Chvalkovsky. Trong bối cảnh đó, Hitler càng không đếm xỉa gì đến Hiệp ước Munich, đã tăng cường chiếm toàn bộ Tiệp Khắc, và tin rằng sẽ không gặp trở ngại nào đáng kể từ phía Anh, Pháp. Vấn đề chỉ còn là thời gian và nguyên cớ để thôn tính.
Đúng là quá khắc nghiệt đối với Tiệp Khắc, nhưng dẫu sao người ta vẫn thấy nhẹ nhõm hơn nhiều, nhất là nhân dân Pháp đều nhìn vào Hội nghị Munich với niềm mong mỏi chính phủ Pháp sẽ giải quyết ổn thỏa để tránh thế chiến tái diễn ngay trên đất họ. Do vậy, nó được mệnh danh là hội nghị hòa bình. Nhưng sự đầu hàng của Tiệp Khắc mở ra cơn lũ lớn. Trong 6 tháng sau đó, Anh và Pháp chẳng làm gì để chỉnh đốn các vị thế đang lâm nguy của mình; ngược lại, Đức đạt được những bước quan trọng trên con đường tái vũ trang. Và với kinh tế và tài chính đoạt được của Áo và Tiệp Khắc, Đức có một vị thế chiến lược ổn định.
Tuy nhiên, những mảnh đất đó không thể làm thỏa mãn tham vọng của Hitler. Khi họp với thủ tướng Hungary ngày 20/9/1938, ông đã phát biểu, cách tốt nhất là “trừ khử Tiệp Khắc” và xem đó là “giải pháp thỏa đáng duy nhất” . Tuy nhiên, theo Hiệp ước Munich thì đế chế của ông chỉ mới có được phần đất nhỏ bé ở Sudetenland. Hitler nói với các tướng lĩnh rằng ông không thể hài lòng với lãnh thổ Sudetenland, đấy chỉ là giải pháp nửa vời. Do đó nhiệm vụ của Hitler sau khi ký kết Hiệp ước Munich phải tìm mọi cách để chiếm được toàn bộ Tiệp Khắc. Đây chính là điều Hitler mong muốn ngay từ đầu, như ông đã liên tục thổ lộ với tướng lĩnh từ lúc phát biểu với họ ngày 5/11/1937. Lúc ấy ông đã giải thích rằng việc thôn tính Áo và Tiệp Khắc chỉ là bước đầu để mở rộng không gian sinh sống về miền Đông và tính sổ với Pháp bằng quân sự ở miền Tây
2.4. Hậu quả của Hiệp ước Munich
Tất cả tướng lĩnh thân cận với Hitler và sống sót sau chiến tranh đều đồng ý là nếu không có Hiệp ước Munich, Hitler hẳn đã tấn công Tiệp Khắc ngày 1/10/1938, và họ nghĩ rằng dù lúc đầu có lưỡng lự, cuối cùng Anh, Pháp và Liên Xô sẽ bị cuốn hút vào chiến tranh. Và các tướng lĩnh Đức đều nhất trí với nhau rằng Đức sẽ bại trận, và bại trận nhanh chóng. Người đứng đầu nhóm này là Thống chế Wilhelm Keitel (Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Đức), trong Tòa án Nuremberg, khi được hỏi về phản ứng của tướng lĩnh Đức đối với Hiệp ước Munich, Keitel trả lời: “Chúng tôi rất đỗi vui mừng là việc này không dẫn đến chiến dịch quân sự bởi vì chúng tôi luôn nghĩ rằng chúng tôi không có đủ phương tiện để đánh phá những công sự phòng thủ vùng biên giới của Tiệp Khắc”
Thống chế Erich von Manstein, một trong những tư lệnh mặt trận tài giỏi nhất của Đức. Khi khai ở Nuremberg về vị thế của Đức vào thời điểm Hiệp ước Munich, ông giải thích: “Nếu chiến tranh bùng nổ, chúng tôi không thể bảo vệ biên giới phía Tây lẫn biên giới Ba Lan, và rõ ràng là chúng tôi hẳn đã bị các công sự phòng thủ của Tiệp Khắc chặn đứng, bởi vì chúng tôi không có khả năng để xuyên phá” . Đức không đủ mạnh để tham chiến ngày 1/10/1938 chống lại Tiệp Khắc và Anh – Pháp, chưa kể đến Liên Xô. Nếu Đức gây hấn, Đức sẽ chiến bại một cách nhanh chóng và dễ dàng, và đây sẽ là dấu chấm hết cho Hitler và Đế chế thứ Ba
Còn người ủng hộ Chamberlain và Daladier – họ chiếm đa số lúc này – lập luận rằng Hiệp ước Munich không phải giúp phương Tây tránh chiến tranh, mà giúp cho họ tránh tàn phá trong chiến tranh, họ sợ không quân Đức sẽ san bằng London, và chắc hẳn người Pháp cũng run sợ trước viễn cảnh kinh khiếp là thủ đô hoa mỹ của họ cũng bị tàn phá. Nhưng khi được biết về sức mạnh của không quân Đức lúc bấy giờ, dân chúng London và Paris cũng như hai vị thủ tướng không cần phải lo sợ quá đáng. Không quân Đức, giống như lục quân Đức, đang tập trung chống lại Tiệp Khắc, vì thế không có khả năng đe dọa phương Tây. Thái độ ương ngạnh, cuồng tín của Chamberlain trong việc đáp ứng những gì Hitler đòi hỏi, và ba chuyến đi đến Đức đã cứu nguy cho Hitler, củng cố vị thế của ông này đối với Châu Âu, dân Đức và Quân đội Đức vượt quá những gì có thể tưởng tượng được vài tuần trước đấy. Việc này cũng tiếp sức mạnh vô hạn cho Đế chế thứ ba so với các nền dân chủ phương Tây và Liên Xô.
Đối với Pháp, Hiệp ước Munich là thảm họa: vị thế quân sự của Pháp bị suy sụp. Vì lý do quân đội Pháp không bằng phân nửa quân đội Đức khi Đức đã động viên tổng lực và cũng vì khả năng sản xuất vũ khí yếu kém, Pháp đã khổ công gây dựng những mối liên minh với các nước nhỏ hơn bên cạnh sườn của Đức – và của Ý. Những nước này là Tiệp Khắc, Ba Lan, Nam Tư và Rumani. Hợp lại, họ có tiềm năng quân sự ngang bằng một cường quốc Châu Âu. Bây giờ, Pháp mất đi sự yểm trợ của 35 sư đoàn Tiệp Khắc được huấn luyện nhuần nhuyễn, được trang bị hùng hậu, trấn giữ những pháo đài kiên cố vùng đồi núi và có khả năng chống trả một lực lượng Đức lớn hơn. Nhưng không chỉ có thế. Sau Hiệp ước Munich, những nước liên minh với Pháp còn lại ở Tây Âu không còn tin tưởng nơi lời hứa hẹn trên giấy tờ của Pháp. Họ cố chen lấn nhau để tìm cách thỏa hiệp với Quốc xã trong khi còn có thời giờ.
Đối với Pháp, Hiệp ước Munich là thảm họa: vị thế quân sự của Pháp bị suy sụp. Vì lý do quân đội Pháp không bằng phân nửa quân đội Đức khi Đức đã động viên tổng lực và cũng vì khả năng sản xuất vũ khí yếu kém, Pháp đã khổ công gây dựng những mối liên minh với các nước nhỏ hơn bên cạnh sườn của Đức – và của Ý. Những nước này là Tiệp Khắc, Ba Lan, Nam Tư và Rumani. Hợp lại, họ có tiềm năng quân sự ngang bằng một cường quốc Châu Âu. Bây giờ, Pháp mất đi sự yểm trợ của 35 sư đoàn Tiệp Khắc được huấn luyện nhuần nhuyễn, được trang bị hùng hậu, trấn giữ những pháo đài kiên cố vùng đồi núi và có khả năng chống trả một lực lượng Đức lớn hơn. Nhưng không chỉ có thế. Sau Hiệp ước Munich, những nước liên minh với Pháp còn lại ở Tây Âu không còn tin tưởng nơi lời hứa hẹn trên giấy tờ của Pháp. Họ cố chen lấn nhau để tìm cách thỏa hiệp với Quốc xã trong khi còn có thời giờ.
Và không đầy 10 ngày sau Hội nghị Munich, Hitler trao cho Keitel, người phụ trách OKW, một mệnh lệnh khẩn và tối mật gồm 4 câu hỏi, mà ngay câu đầu tiên là: “Trong tình hình hiện nay, cần thêm những lực lượng tăng cường nào để bẻ gãy mọi kháng cự của Tiệp Khắc trong miền Moravia và Bohemia” . Sáng ngày 15/3, các quân đoàn Đức ùa vào Bohemia và Moravia mà không vấp phải sự kháng cự nào. Sáng hôm sau, tại lâu đài Horadschin ở Praha, vốn được dùng làm dinh tổng thống, Hitler kí sắc lệnh đặt Tiệp Khắc dưới chế độ bảo hộ của Đức. Công việc trị an nước này được giao cho Frank, một sĩ quan SS cao cấp. Cũng trong ngày 16/3, miền Ruthenia được cắt nhượng cho Hungary. Nước Tiệp Khắc bị xóa tên trên bản đồ châu Âu.
Như vậy, Hitler đã hoàn thiện công cuộc xây dựng Đế quốc Đại Đức, đưa trở về Đức những người đang sống ngoài biên giới Đức. Cũng giống như sáp nhập Áo, xóa sổ Tiệp Khắc cũng không bắn một phát súng. Đây là bước đầu mở rộng không gian sinh tồn cho người Đức. Chỉ 15 ngày sau Hội nghị Munich, với sự dung túng và nhượng bộ của Anh, Pháp, Hitler đã xóa bỏ Tiệp Khắc trên bản đồ châu Âu. Và cả Anh, Pháp bấy giờ cũng không phản ứng gì. Hitler làm phá sản hoàn toàn chính sách ngăn chặn của Anh, Pháp và tiềm lực quân sự của Đức Quốc xã tăng lên rất nhiều.
3. Kế hoạch Trắng (thôn tính Ba Lan)
3.1. Địa chính trị của Ba La
Ba Lan nằm ở giữa châu Âu, phía Đông giáp Liên Xô, phía Tây giáp Đức, phía Nam giáp Tiệp Khắc, phía Bắc giáp biển Baltic. Trong số các quốc gia giáp Đức, Ba Lan có vị thế đáng lo nhất về lâu dài. Hầu hết đất đai được Hòa ước Versailles cắt giao cho Ba Lan, kể cả các tỉnh Poznan và Pommern là do Phổ chiếm đoạt trong những lần Phổ, Nga và Áo xâu xé Ba Lan. Điều khoản Hòa ước Versailles, việc lập Hành lang để tạo cho Ba Lan đường thông thương ra biển và cắt Đông Phổ lìa khỏi Đức khiến cho Đức bất mãn. Đồng thời, việc tách rời Danzig đặt dưới sự giám sát của Hội Quốc liên nhưng bị Ba Lan thống trị về kinh tế cũng khiến cho Đức nổi giận. Thậm chí nền Cộng hòa Weimar vốn yếu hèn và hòa hoãn, cũng không bao giờ chấp nhận tình trạng đó
Sau cuộc chiến với chính quyền Liên Xô đang suy yếu và xung đột nội bộ, năm 1920, Ba Lan đã lấy lại được những phần đất trước đây của họ từ Belarus và Ukraine. Về phía Tây, người Ba Lan cũng lấy được những phần đất của vùng thượng Silesia. Sau đó, một liên minh phòng thủ với Pháp đã được hình thành vào tháng 2/1921. Năm 1932, Ba Lan kí với Liên Xô hiệp ước bất tương xâm. Một hiệp ước tương tự, có giá trị trong vòng 10 năm, cũng đã được kí kết với Đức năm 1934. Hiệp ước này phục vụ mưu đồ của Hitler một cách đắc lực. Sau Hiệp ước Munich và sự suy yếu của Tiệp Khắc năm 1939, Ba Lan nhận được khoảng 1.036km2 trong lãnh thổ Tiệp Khắc, trở thành mục tiêu tiếp theo trong chính sách ngoại giao của Đức.
Do vậy, chính sách bành trướng của nhà độc tài Hitler vào cuối thập niên 1930 đã tạo ra những nguy hiểm trầm trọng cho nền an ninh của Ba Lan. Và Ba Lan là một miếng mồi ngon của Đức vì có nhiều than đá, dầu lửa, chì và sắt. Đây là những nguyên liệu rất cần cho Đức. Hơn nữa, Ba Lan có một lực lượng không quân và lục quân khá lớn nên Đức càng muốn chiếm cho bằng được. Chẳng những thế, Ba Lan còn là một cái cầu bắc liền giữa Đông Âu và Tây Âu, thông từ biển Baltic đến Bắc Hải. Đức chiếm được Ba Lan chẳng những châu Âu bị mất thăng bằng, mà thế lực của Đức có thể vượt hẳn thế lực của Anh, Pháp. Ý đồ của Hitler là đánh chiếm Ba Lan để tấn công lên các nước Tây Âu và để biến Ba Lan thành bàn đạp tấn công Liên Xô trong cuộc chiến tranh tương lai.
Chính vì có một vị thế chiến lược quan trọng nên Ba Lan trở thành mục tiêu của Hitler sau khi chiếm và sáp nhập Áo và Tiệp Khắc.
3.2. Kế hoạch Trắng
Ban đầu Hitler chỉ gây áp lực lên Ba Lan đòi hỏi chính phủ này phải nhượng bộ Danzig cũng như xây dựng đường cao tốc và tuyến đường sắt qua Hành lang Ba Lan nối liền với Danzig và Đông Phổ. Và không thể có hòa bình lâu dài giữa hai nước nếu vấn đề này không được giải quyết. Đổi lại Đức sẽ thuận cho Ba Lan tiếp tục sử dụng Danzig như một cảng tự do, đảm bảo các đường biên giới hiện nay của Ba Lan, hứa hẹn với Ba Lan về một chính sách chung chống Liên Xô trên cơ sở Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản. Hai quốc gia sẽ đảm bảo biên giới chung cho nhau và hiệp ước không xâm lược nhau năm 1934 có giá trị 10 năm sẽ kéo dài thành 25 năm. Như vậy, quan hệ Đức – Ba Lan sẽ tốt đẹp như quan hệ Ý – Đức. Nếu Ba Lan không đồng ý, Hitler sẽ giải quyết vấn đề bằng vũ lực. Tuy nhiên, với một người đã quá hiểu Hitler như Ngoại trưởng Beck thì không dễ dàng chấp nhận đề nghị trên của Lãnh tụ, bởi ông nhận ra rằng điều mà Lãnh tụ muốn không chỉ là Danzig mà là cả Ba Lan, rồi Ba Lan cũng sẽ như Áo và Tiệp Khắc.
Phúc đáp của Ba Lan có ngôn từ hòa hoãn nhưng cương quyết từ chối những đòi hỏi của Đức. Ba Lan sẵn lòng bàn thảo thêm để tạo điều kiện thuận lợi cho đường cao tốc và tuyến đường sắt xuyên qua Hành lang, nhưng từ chối xem xét đưa đường giao thông như thế ra ngoài lãnh thổ. Đối với Danzig, Ba Lan sẵn sàng thay thể chế đã được Hội Quốc liên thành lập bằng sự đảm bảo Ba Lan – Đức nhưng không muốn giao Danzig cho Đức. Hitler vô cùng tức giận trước sự khước từ đề nghị của Ba Lan. Bởi vì, ông không quen thấy một nước nhỏ khước từ yêu sách của mình
Rõ ràng, Ba Lan không dễ bắt nạt như Áo và Tiệp Khắc. Một mặt Ba Lan tỏ thái độ cứng rắn, không nhân nhượng trước sức ép xuất phát từ người láng giềng phát xít ở phía Tây. Mặt khác, không muốn hòa giải với các nước láng giềng cộng sản phía Đông để đi đến một hình thức phối hợp hành động chống phát xít nào đó. Warszawa vẫn giữ nguyên lập trường đối thoại này, bất kể sức ép ngày càng tăng từ chính phủ Hitler, sau khi Lithuania thuận nhượng Memel cho Đức (23/3/1939) và thêm một điều khoản Versailles đã bị xé bỏ, thêm một cuộc thôn tính không đổ máu. Ngày 28/3, Ngoại trưởng Beck triệu đại sứ Đức thông báo rằng bất kì mưu toan nào của Đức nhằm làm thay đổi quy chế Danzig đều sẽ bị Ba Lan coi là một cớ gây chiến. Vị ngoại trưởng Ba Lan có thể ương ngạnh với Đức hơn cả Schuschnigg và Benès trước đó, vì lúc bây giờ Thủ tướng Anh Chamberlain ủng hộ ông trong vấn đề Ba Lan. Chính Beck đã bác bỏ đề nghị bốn nước cùng ra tuyên bố, Ba Lan cho biết không muốn dính dáng đến Liên Xô trong bất kì vụ việc nào. Thay vào đấy, ông đề nghị một Hiệp định bí mật Anh – Ba Lan nhằm tham khảo trong trường hợp bị nước thứ ba tấn công. Nhưng do việc Đức đang chuyển quân gần Danzig và Hành lang Ba Lan, bên Anh muốn đi xa hơn chỉ là “tham vấn”. Beck không ngần ngại để chính phủ Anh đơn phương đảm bảo cho nền độc lập của Ba Lan.
Đến ngày 31/3/1939, sau khi tham khảo ý kiến của chính phủ Pháp và chính phủ Ba Lan, Chamberlain tuyên bố trước Viện Thứ dân là từ bỏ chính sách “xoa dịu” và từ bỏ luôn nguyên tắc không để Anh bị lôi kéo vào cuộc chiến do nước khác gây ra. Anh sẽ hỗ trợ Ba Lan bằng mọi phương tiện. Nếu Anh muốn hướng họng súng của Đức vào Liên Xô thì việc Đức xâm chiếm Ba Lan là điều kiện lí tưởng nhất để ước muốn này trở thành hiện thực, vì Ba Lan giáp ranh với Liên Xô nhưng Chamberlain lại từ bỏ chính sách “xoa dịu” có lẽ Chamberlain không còn tin vào giá trị lời hứa của Hitler. Bây giờ Anh nhìn thấy ý đồ của Đức là tham vọng bành trướng cả lục địa châu Âu
Tin này khiến nhà độc tài Đức nổi cơn giận dữ. Ngày 3/4, Hitler ra chỉ thị tuyệt mật cho Bộ chỉ huy Tối cao Quân lực (OKW) xây dựng một kế hoạch mang mật danh “Kế hoạch Trắng” (Fall Weiss). Mục tiêu kế hoạch được xác định rõ ràng
Về mục đích chính trị, hủy diệt sức mạnh quân sự của Ba Lan. Tuyên bố Danzig là một phần lãnh thổ của Đức vào lúc chiến tranh bùng nổ. Đồng thời phải cô lập Ba Lan nhằm giới hạn chiến tranh ở Ba Lan.
Về việc kết thúc bằng Quân sự, trước thái độ phản kháng của các nước dân chủ phương Tây thì Đức vẫn tiếp tục xây dựng quân lực Đức. Kế hoạch Trắng chỉ là sự bổ sung phòng hờ cho những chuẩn bị này. Sau khi chiến tranh bùng nổ thì việc cô lập Ba Lan sẽ càng dễ dàng nếu quân Đức thành công trong việc khởi động chiến tranh với đòn đánh bất ngờ, mãnh liệt và đạt được thắng lợi nhanh chóng
Về nhiệm vụ của quân lực, phải tiêu diệt quân lực Ba Lan. Để đạt được mục tiêu này cần phải chuẩn bị tấn công bất ngờ. Việc đánh chiếm Danzig có thể không phụ thuộc vào kế hoạch Trắng mà bằng khai thác tình hình chính trị thuận lợi. Lục quân sẽ chiếm đóng từ Đông Phổ. Hải quân sẽ hổ trợ lục quân bằng cách can thiệp từ ngoài biển.
Kế hoạch Trắng là tập hồ sơ dày với vài “đính kèm”, “phụ lục” và “lệnh đặc biệt” được phát hành toàn bộ ngày 11/4 và dĩ nhiên được bổ sung lúc gần đến thời điểm chiến sự. Nhưng ngay ngày 3/4 Hitler đã có phụ lục như sau: Phải thực hiện các bước chuẩn bị sao cho có thể hành quân bất kì lúc nào kể từ ngày 1/9/1939. Giao cho OKW nhiệm vụ soạn thảo lịch trình cho kế hoạch Trắng và sắp xếp lịch hoạt động đồng bộ giữa ba binh chủng.
Đến lượt mình, ngày 13/4 chính phủ Pháp ra tuyên bố khẳng định liên minh “Pháp – Ba Lan bảo đảm cho nhau lập tức và trực tiếp chống mọi mối đe dọa hoặc gián tiếp xâm phạm đến lợi ích sống còn của nhau” . Bước đi này của Anh và Pháp khiến cho Hitler phải đối diện với một tình hình mới. Từ lúc này trở đi, dường như Anh và Pháp sẽ ngăn cản con đường gây hấn của Hitler. Hitler không thể áp dụng chiến thuật thôn tính từng quốc gia một trong khi các nước phương Tây đang còn bàn luận phải làm gì. Hơn nữa, động thái trên dường như là bước khởi đầu cho việc thành lập một liên minh chống Đức. Nếu không hòa giải được việc này, Đức sẽ bị bao vây
Và chỉ hơn ba tuần sau đó, ngày 28/4/1939, Hitler loan báo quyết định hủy bỏ Hiệp ước không xâm phạm nhau Đức – Ba Lan năm 1934 và luôn cả Hiệp định hải quân k Anh – Đức năm 1935. Như vậy, Hitler chính thức ra mặt thách thức điểm nhạy cảm nhất trong chính sách đối ngoại của Anh: địa vị cường quốc hải quân số một, đồng thời bỏ ngỏ khả năng tiến hành một cuộc chiến xâm lược chống Ba Lan.
3.3. Sự can thiệp của Liên Xô và thái độ của Anh, Pháp
Trước tình hình đó, ngày 16/4/1939, Litvinov tiếp đại sứ Anh tại Moskva và chính thức đề nghị Hiệp ước ba bên gồm Anh, Pháp và Liên Xô. Đây là nỗ lực cuối cùng của Litvinov nhằm tạo ra mối liên minh chống Đức. Tuy thế, đề nghị của Liên Xô khiến cho Anh và Pháp quan ngại. Thủ tướng Anh Chamberlain vẫn có thái độ lạnh nhạt, thậm chí nghi ngại Liên Xô. Trái lại, Churchill cho rằng Liên Xô đã có đề nghị công bằng hơn và hiệu quả hơn và ông cho rằng nếu không có một mặt trận phía Đông thì sự phòng thủ phía Tây sẽ không vững chắc, và nếu không có Liên Xô thì cũng không có mặt trận phía Đông vững chắc.
Nhưng Anh – Pháp đề nghị Liên Xô phải đảm bảo năm nước (Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Ba Lan và Romania) đã được Anh – Pháp đảm bảo nhưng chẳng nói gì đến sự đảm bảo cho ba nước (Estonia, Latvia và Lithuania) ở phía biên giới Tây Bắc Liên Xô. Liên Xô cho rằng các nước này không thể duy trì nền trung lập của mình khi bị bọn xâm lược tiến công. Do vậy, Liên Xô không thể đưa ra cam kết đối với năm nước đã nêu nếu không nhận được sự đảm bảo đối với ba nước nằm ở biên giới Tây Bắc của mình. Một báo cáo của bộ Ngoại giao Anh đã nhận xét như sau về phản ứng của London: “Các đề xuất của Anh không làm Liên Xô hài lòng vì hai lí do: thứ nhất, chúng là các đề nghị một phía, vì chỉ đề cập đến sự giúp đỡ mà Pháp và Anh sẽ nhận từ phía Liên Xô, mà lại không quan tâm tấn công. Thứ hai, không thấy nói gì đến sự đảm bảo dành cho ba nước Baltic-Estonia, Litva và Lithuania. Đấy là những nước, theo quan điểm của Moskva, có thể bị Đức sử dụng như là căn cứ tiến công nhắm vào Liên Xô” . Diễn biến này chỉ càng củng cố thêm nỗi hồ nghi của Moskva về khả năng Chamberlain sẽ kí một hiệp ước quân sự với Liên Xô để ngăn Hitler xâm chiếm Ba Lan.
Đến ngày 31/5/1939, Molotov tuyên bố trước Hội đồng Tối cao của Liên Xô rằng nếu Anh – Pháp thực sự nghiêm túc với ý định liên minh của Liên Xô để chặn đứng bất kì mưu toan gây chiến nào, thì hai nước đó phải đối mặt với thực tại và đi đến một thỏa thuận với Liên Xô ở ba điểm chính sau:
– Kí một hiệp ước tương hỗ ba bên hoàn toàn mang tính phòng thủ;
– Đứng ra đảm bảo cho các quốc gia Trung và Đông Âu, kể cả mọi quốc gia Châu Âu giáp ranh Liên Xô;
– Kí một thỏa thuận liên quan đến phương thức và quy mô giúp đỡ ngay lập tức và có hiệu quả, mà mỗi kí kết có thể mang đến cho hai nước kí kết, cũng như tất cả các nước bị đe dọa xâm lược.
Molotov cũng tuyên bố rằng các cuộc thương lượng với phương Tây không có nghĩa là Liên Xô từ bỏ “quan hệ thương mại tích cực” với Đức và Ý hay “loại trừ khả năng tiếp tục các cuộc thương lượng về thương mại với Đức” . Sự lưu ý này thực ra có ý nghĩa như một lời cảnh tỉnh London và Paris.
Ngày 2/6/1939, trong một nỗ lực khai thông bế tắc, Molotov đề nghị chính phủ Anh cử đến Moskva Bộ trưởng Ngoại giao để khởi sự cuộc đàm phán về một dự thảo hiệp ước do Liên Xô soạn thảo: “Pháp, Anh và Liên Xô cam kết mang đến cho nhau mọi sự giúp đỡ ngay lập tức và có hiệu quả, nếu một trong các bên kí kết sa vào cuộc chiến với một cường quốc châu Âu do hành động xâm lăng của cường quốc này chống lại Bỉ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Ba Lan, Latvia, Estonia và Phần Lan. Tất cả các nước vừa nêu được Anh, Pháp và Liên Xô đồng ý bảo vệ chống xâm lược” . Hẳn Molotov muốn đánh giá mức độ nghiêm túc của London đối với cuộc đàm phán. Nhưng Lord Halifax đã từ chối lời mời, viện cớ là quá bận. Thủ trưởng Anthony Eden đề nghị đi thay, nhưng Chamberlain không đồng ý. Cuối cùng, người được cử đi thay là William Strang. Pháp có thái độ không khác Anh: đại diện của Paris là Paul Emile Naggiar, một quan chức có cấp hàm đại sứ. Điều này cho thấy chính phủ Anh, Pháp tiếp tục không xem trọng khả năng đi đến một liên minh quân sự với Liên Xô để chống Hitler
Cuối cùng, lập trường của Anh và Pháp không muốn đưa ra một cuộc đảm bảo nào liên quan đến các nước Estonia, Latvia và Lithuania. Tiếp đó, Molotov đã đưa ra đề xuất mới, dẹp bỏ hoàn toàn ý tưởng đảm bảo an ninh cho tám nước nhỏ. Thay vào đó, Liên Xô, Anh và Pháp sẽ thỏa thuận giúp đỡ lẫn nhau khi một trong ba nước là nạn nhân của cuộc tấn công trực tiếp.
Ngày 29/6/1939, tờ Pravda, cơ quan trung ương của đảng Cộng sản (b) toàn liên bang đăng bài xã luận với nhan đề đầy đủ ý nghĩa: “Các chính phủ Anh và Pháp không muốn có với Liên Xô một hiệp ước dựa trên cơ sở bình đẳng”. Và càng có ý nghĩa hơn khi bài báo được ký tên Andrey Zhdanov. Tác giả viết: “Tôi thấy dường như các chính phủ Pháp và Anh không nhắm đến việc kí một thỏa thuận mà Liên Xô thực sự có thể chấp nhận được, mà chỉ muốn có những cuộc đàm phán nhằm chứng tỏ cho công luận nước họ thái độ được gọi là ngoan cố của Liên Xô, và qua đó tạo sự dễ dàng cho việc đi đến một thỏa thuận với những kẻ xâm lược” . Bài xã luận kết thúc bằng một câu đầy ý nghĩa: “Vài ngày tới sẽ cho thấy có đúng như vậy không”. Được viết bởi một nhân vật gần gũi với Stalin, bài báo tất nhiên đã phản ánh đầy đủ nỗi bất mãn và sự hồ nghi ngày càng tăng của nhà lãnh tụ Liên Xô đối với ý đồ thực sự của hai nước phương Tây.
Giữa lúc người Anh vẫn chưa thực sự nhận thức ra tính nguy cấp của tình hình, người Pháp ngày càng thụ động, Liên Xô còn đang thực hiện các động tác thăm dò, thì Hitler tiếp tục thực hiện các bước đi dứt khoát. Ngày 22/5, Hitler kí với Mussoloni Hiệp ước Thép cho ra đời liên minh quân sự Đức – Ý với ngôn từ thẳng thừng và tính chất hiếu chiến, có nội dung đáp ứng đầy đủ cụm từ “sống chết có nhau”:
Nếu, trái với ý muốn hay hi vọng của các bên kí kết, xảy ra chuyện một trong hai nước kí kết lâm chiến với một hay nhiều nước khác, thì bên kí kết còn lại sẽ ngay lập tức can thiệp trong tư cách là đồng minh bên cạnh nước đó, bằng toàn bộ lực lượng quân sự trên bộ, trên biển và trên không; các bên ký kết cam kết trong lúc cùng chung chiến đấu, các bên chỉ ký thỏa thuận đình chiến hay hòa ước sau khi đã đạt được sự đồng thuận hoàn toàn
Sau khi kí Hiệp ước Thép vào ngày 22/5/1939 với Ý, Đức đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị tấn công Ba Lan. Tại phủ thủ tướng vào ngày 23/5/1939, Hitler triệu tập các lãnh đạo quân sự để họp, tuyên bố rằng: “Danzig không phải là đề tài tranh chấp gì cả. Đây mà một vấn đề mở rộng không gian sinh sống ở phía Đông của việc đảm bảo nguồn cung ứng lương thực và cũng giải quyết vấn đề các quốc gia vùng Baltic, không có khả năng nào khác ở châu Âu. Nếu định mệnh bắt buộc chúng ta phải sống mãi với các nước ở Phía Tây, chiếm được một vùng rộng lớn ở phía Đông là điều quý giá”
Như vậy, Hitler khẳng định sẽ thực hiện thôn tính Ba Lan khi có cơ hội thích hợp. Vấn đề mà Hitler cần phải suy nghĩ là làm sao có thể cô lập Ba Lan và Anh, Pháp có chịu đứng yên trước người bạn đồng minh bị Đức tấn công. Nếu Anh, Pháp cùng chiến đấu bên cạnh quân đội Ba Lan thì chắc chắn quân Đức sẽ thua. Làm sao để các nước Phương Tây đứng ngoài cuộc chiến ở Ba Lan. Hitler đưa ra hai phương án nhưng lại hết sức mâu thuẫn.
Phương án 1: Tấn công Ba Lan chỉ thành công nếu phương Tây đứng ngoài.
Phương án 2: Nếu phương án 1 không thực hiện được, Đức sẽ đánh phủ đầu phương Tây và kết liễu Ba Lan cùng một lúc.
Rõ ràng Hitler nhận định rằng việc đánh Ba Lan chỉ thành công khi phương Tây không tham chiến nhưng phương án 2 lại đưa ra cùng đánh phương Tây và Ba Lan. Vậy nếu phương án 1 không thực hiện được thì phương án 2 chắc chắn sẽ thất bại. Phương án 1 giảng hòa với phương Tây là điều không thể vì Anh và Pháp là kẻ thù mà Đức phải chiến đấu một trận sống chết. Cuối cùng Hitler chọn phương án 2, chiến tranh cùng lúc với Ba Lan và Anh, Pháp, thậm chí cả Liên Xô, ông ta không sợ dấn thân vào vết xe đổ của Wilhelm II. Điều này có nghĩa là lặp lại sai lầm của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất là cùng lúc tiến hành chiến tranh trên cả hai mặt trận mà Otto von Bismarck đã cảnh báo Wilhelm II, Hitler đã rút ra bài học từ Thế chiến thứ nhất nhưng chính ông không ứng dụng bài học đó.
Đến cuối tháng 5/1939, công tác chuẩn bị chiến tranh của Đức tiến triển khá nhanh. Các nhà máy sản xuất vũ khí làm việc tất bật, cho ra lò súng ống, xe tăng, máy bay và tàu chiến. Các bộ phận lập kế hoạch hành quân đã đi đến giai đoạn cuối cùng. Tướng Georg Thomas Chủ nhiệm Cục kinh tế và vũ trang của OKW, ông cho biết quân đội của hoàng đế ngày xưa mất 16 năm từ năm 1898 đến năm 1914 để tăng từ 43 sư đoàn đến 50 sư đoàn, Đế chế thứ ba đã tăng từ 7 sư đoàn lên 51 sư đoàn chỉ trong vòng bốn năm. Trong số ấy, có 5 sư đoàn thiết giáp nặng và 4 sư đoàn thiết giáp nhẹ, một lực lượng “kỵ binh tác chiến cơ động” mà không quốc gia nào có. Hải quân đã gây dựng hầu như từ con số không để có hạm đội gồm 2 tàu thiết giáp loại 26.000 tấn, 2 tàu tuần dương hạng nặng, 7 tàu khu trục và 47 tàu ngầm. Hải quân đã hạ thủy 2 tàu thiết giáp loại 35.000 tấn, 1 tàu sân bay, 4 tàu tuần dương hạng nặng, 5 tàu khu vực, 7 tàu ngầm, và đang dự trù nhiều tàu nữa. Từ con số không, không quân hiện có 21 phi đoàn với 260.000 người . Dù tiềm năng quân sự của Đức có hùng hậu nhưng vẫn chưa đủ mạnh để chống lại Pháp, Anh và Liên Xô, lại thêm cả Ba Lan. Tất cả tùy thuộc và khả năng của Lãnh tụ để hạn chế chiến tranh, trên hết là ngăn Liên Xô liên minh với phương Tây, mối liên minh mà Litvinov đề nghị trước khi bị sa thải.
Trong lúc các nhà lãnh đạo Liên Xô đang nỗ lực khắc phục những khó khăn phát sinh trong các cuộc đàm phán với hai đối tác Anh và Pháp, thì bản thân Hitler cũng đang phải tìm cách dập tắt nỗi lo âu của tướng lĩnh Đức trước viễn cảnh đáng sợ của một cuộc nội chiến trên cả hai mặt trận, và trấn an ông bạn đồng minh Mussolini. Chỉ 8 ngày sau Hiệp ước Thép, Hitler nhận từ Mussolini một giác thư dài, trong đó nhà độc tài Ý tỏ ý băn khoăn về viễn cảnh của một cuộc xung đột thế giới bùng ra quá sớm. Duce tin rằng một cuộc chiến giữa các quốc gia đầu sỏ tài chính phản động, ích kỉ và phe Trục là không thể tránh khỏi. Nhưng Duce viết tiếp, “Ý cần một thời kì chuẩn bị có thể kéo dài đến cuối năm 1942. Chỉ từ năm 1943, việc viện chiến tranh mới sẽ mang lại những viễn cảnh thành công sáng sủa”. Sau khi liệt kê một loạt lí do cụ thể khiến “Ý cần một thời kỳ hòa bình”, Duce đi đến một kết luận thực rõ: “Vì tất cả những lí lẽ này, Ý không muốn thúc ép một cuộc chiến ở châu Âu, dù vẫn tin rằng cuộc chiến đó là không tránh khỏi”
Dù đã rất nôn nóng với kế hoạch gây ra cuộc chiến thế giới mới, Hitler không thể không tính đến thái độ chần chừ của ông bạn đồng minh duy nhất ở châu Âu và phản ứng lo âu của các chỉ huy quân sự Đức trước tình huống xấu nhất có thể sẽ xảy đến với nước Đức: bị khép chặt trong vòng vây Liên Xô – Anh – Pháp (và có thể cả Ba Lan) nếu cuộc đàm phán của ba nước này thành công. Phải tìm cách thuyết phục họ, cho dù chỉ trong thời gian trước mắt, tin rằng Anh và Pháp sẽ phản ứng trước kế hoạch Trắng không khác so kế hoạch Xanh. Tất nhiên, không phải bằng những lí lẽ hùng hồn, mà bằng những hành động cụ thể. Trong bối cảnh lúc đó, không một giải pháp nào mang tính thuyết phục cao hơn là đạt được một thỏa thuận trung lập hóa Liên Xô. Anh và Pháp sẽ làm gì được để giúp Ba Lan, nếu không có sự trợ lực của Liên Xô, nước có đường biên giới dài và rất dễ vượt qua Ba Lan. Cải thiện quan hệ với Liên Xô sẽ còn mang lại cho Đức cơ hội tiếp cận các nguồn tài nguyên, nhiên liệu dồi dào rất sẵn ở Liên Xô và rất cần cho các ngành công nghiệp vũ khí đang hoạt động hết công suất ở Đức
Và tháng 6/1939, cuộc đàm phán Xô – Đức diễn ra ở Moskva giới hạn trong lĩnh vực kinh tế, đúng như ý muốn của các nhà lãnh đạo Liên Xô. Và giống như cuộc đàm phán chính trị Xô – Anh – Pháp, cuộc đàm phán kinh tế Xô – Đức diễn ra rất chậm chạp, nhưng nguyên nhân lại xuất phát từ phía Liên Xô. Vì Stalin không tin rằng Hitler muốn thương lượng nghiêm túc mà chỉ dùng Liên Xô như là một quân cờ hòng đạt được một giải pháp có lợi cho Đức trong vấn đề Ba Lan
Đến đầu tháng 7/1939, các đoàn thương thuyết Anh và Pháp vẫn không đưa ra một sáng kiến nào là có ý nghĩa tích cực. Và đến ngày 18/7, Babarin, tùy viên thương mại Liên Xô tại Berlin, đã tìm đến phố Wilhelm. Tại đây, Babarin đã đọc một bức giác thư dài của chính phủ Liên Xô gửi chính phủ Đức với lời mở đầu bằng câu “chính phủ Liên Xô rất mong muốn mở rộng và cấp bách tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước”. Công hàm dự kiến tăng cường đáng kể hoạt động trao đổi kinh tế giữa hai nước. Đọc xong, Babarin tuyên bố: “Những bất đồng giữa hai nước chúng ta về vấn đề trao đổi thương mại là không lớn. Nếu chúng được khắc phục, tôi được phép thông báo với quý ngài rằng tôi được trao thẩm quyền kí một thỏa thuận thương mại với chính phủ Đức ở ngay tại Berlin đây”
Diễn biến trên đã tác động ngay lập tức đến London và Paris. Đến ngày 23/7, hai chính phủ Anh và Pháp chấp thuận khởi sự các cuộc đàm phán với Liên Xô liên quan đến “phương thức và quy mô” của sự giúp đỡ về quân sự mà ba cường quốc phải cam kết ngay khi hiệp ước hỗ tương được kí kết. Molotov mong muốn cuộc đàm phán quân sự giữa ba nước sẽ được khởi sự từ ngày 1/8. Nhưng một lần nữa, người ta lại chứng kiến thái độ lưỡng lự của Anh. Phải đến 8 ngày sau, Chamberlain mới chính thức loan báo quyết định vừa nêu. Phải đến ngày 5/8, hai phái đoàn quân sự Anh và Pháp mới lên bờ ở Leningrad và phải đến 6 ngày sau họ mới đến Moskva. Và đến giữa tháng Tám thì mọi chuyện đã quá muộn.
Ngày 3/8, chỉ một ngày sau khi Molotov quyết định đình chỉ cuộc đàm phán chính trị Xô – Anh – Pháp cho đến khi nào cuộc đàm phán quân sự giữa ba nước có sự tiến triển. Và trong lúc hai phái đoàn quân sự Anh và Pháp đang lênh đênh trên biển cả, người Đức đã đi một bước có ý nghĩa quyết định. Lúc 12 giờ 58 phút, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Ribbebtrop đã đích thân gửi một bức điện cho Schulenburg, đại sứ ở Moskva: “Tôi đã bày tỏ (với Astakhov – đại diện lâm thời Liên Xô ở Berlin) ý muốn của Đức – Xô và tôi có tuyên bố rằng từ biển Baltic đến biển Đen, không có một vấn đề nào được đặt ra mà lại không thể được giải quyết cho cả đôi bên đều hài lòng. Để đáp lại ý muốn của Astakhov liên quan đến những cuộc đàm phán cụ thể hơn về các vấn đề thời sự, tôi tuyên bố sẵn sàng cho những cuộc đàm phán như vậy, nếu chính phủ Liên Xô thông báo cho tôi qua Astakhov cũng muốn đặt quan hệ Đức – Xô trên một cơ sở dứt khoát”
Như vậy, đã bắt đầu trùng hợp về mặt địa lí mối quan tâm của Liên Xô và Đức: từ biển Baltic đến biển Đen. Lúc 4 giờ 40 sáng ngày 15/8, Schulenburg nhận từ Berlin bức điện dài mang chữ kí của Ribbebtrop và được gửi đi lúc 22 giờ 53 ngày 14/8 Bộ trưởng Ngoại giao Đức viết rằng theo quan điểm của chính phủ Đức “giữa biển Baltic và biển Đen không có một vấn đề nào lại không thể được giải quyết sao cho cả hai chính phủ đều hoàn toàn hài lòng. Trong số đó, có những vấn đề liên quan đến biển Baltic, khu vực ven bờ Baltic, Ba Lan, vùng Đông – Nam. Trong những vấn đề tương tự, sự hợp tác về chính trị giữa hai nước chỉ có thể mang lại kết quả tích cực mà thôi. Đối với nền kinh tế kinh tế Đức và Liên Xô, sự hợp tác cũng có thể được mở theo bất kì chiều hướng nào. Và để tạo ra một sự thay đổi triệt để trong quan hệ Đức – Xô, Ribbentrop “sẵn sàng thực hiện một chuyến đi cấp bách ngắn ngày đến Moskva để thay mặt Fuhrer trình bày quan điểm của Fuhrer với ngài Stalin”
Cuối bức điện, Ribbentrop còn cẩn thận chỉ thị Schulenburg cố tìm cách gặp trực tiếp Stalin để chuyển đến tận tay ông này chỉ thị của chính phủ Đức. Đến đây, Moskva đã có thể đo lường chính xác mức độ trái ngược trong cách người Anh và người Đức đối xử với Liên Xô: nếu cho đến tận giữa tháng 8, Liên Xô vẫn chưa biết rõ sẽ nhận được gì từ Anh và Pháp một khi Đức tiến công Ba Lan, thì người Đức đã đưa ra những lời hứa thật cụ thể; nếu bộ trưởng Ngoại giao Anh Lord Halifax được mời nhưng đã thoái thác không đến, thì bộ trưởng Ngoại giao Đức không cần đợi mời, đã gợi ý sẵn sàng đến, và hơn thế nữa đến ngay. Đến đây, có thể nói rằng Liên Xô nghiêng về Đức, điều đó đồng nghĩa với việc Liên Xô sẽ trung lập khi Đức thực hiện kế hoạch toàn diện tấn công Ba Lan.
4. Hiệp ước không xâm phạm nhau Xô – Đức
4.1. Bối cảnh lịch sử
Hiệp ước Munich năm 1938 không chỉ mở đường cho Đức Quốc xã chiếm đóng Tiệp Khắc mà còn “bật đèn xanh” cho quân đội Đức chiếm vùng Klaipeda của Litva, áp đặt một Hiệp ước kinh tế bất bình đẳng với Romania và khuyến khích nước Ý xâm lược Albania. Trước tình hình đó, tháng 4/1939, một trong những nỗ lực cuối cùng để cứu vãn nền an ninh tập thể của châu Âu, Liên Xô mở lại các cuộc thương lượng với Anh và Pháp nhằm tạo mối liên minh chống Đức, tìm kiếm một hiệp định tương trợ thật sự với các nước Tây Âu và Đông Âu. Mặc dù Liên Xô thực lòng muốn ký một hiệp ước phòng thủ chung càng sớm càng tốt với Anh và Pháp nhưng họ đã vấp phải sự lạnh nhạt, thái độ nghi ngại của các chính phủ Daladier và Chamberlain. Họ đòi Liên Xô bảo đảm sự giúp đỡ nếu Đức Quốc xã tiến công về phía Tây nhưng lại lảng tránh vấn đề giúp đỡ Ba Lan nếu nước Đức gây hấn ở phía Đông. Những điều này dẫn đến sự thất bại giữa Liên Xô, Anh và Pháp khi bàn về vấn đề bảo vệ an ninh châu Âu.
Hơn nữa, song song với các cuộc đàm phán Moskva, chính phủ Anh vẫn theo đuổi cuộc đàm phán tại London với các đại diện của Đức về phân định khu vực ảnh hưởng. Họ cho rằng chế độ của Hitler đã trở thành thành trì chống chủ nghĩa Bolshevik và đã đến lúc có thể tiến hành cuộc thập tự chinh mới về phương Đông. Thái độ không dứt khoát của Anh và Pháp vô hình chung đã “động viên” Hitler mạnh dạn ra tay. Và nó làm tăng thêm nỗi lo ngại của Liên Xô đối với các đối tác phương Tây về xu hướng đẩy cuộc xâm lược của Hitler sang phía đông.
Đồng thời, sau Hội nghị Munich, sự nghi kỵ giữa Anh, Pháp và Liên Xô ngày càng tăng nhất là Anh. Bản thân Chamberlain rất nghi ngờ nước Nga. Vì thế, ông thường tỏ ra thờ ơ mỗi khi Liên Xô đề nghị cùng hợp lực chống Đức. Việc này vô hình chung đẩy Liên Xô phải đàm phán với Đức Quốc xã vì nền an ninh của mình. Ba Lan cũng nghi kỵ Liên Xô (trong quá khứ Ba Lan đã nhiều lần bị người Nga xâm lược) nên không muốn Liên Xô mang quân qua lãnh thổ của họ để chống lại Đức. Anh và Pháp đã không làm gì để thuyết phục Ba Lan đồng ý cho quân đội Liên Xô đi qua lãnh thổ của mình nhằm bảo vệ họ chống lại quân Đức. Điều này cho thấy Ba Lan đã có sự dại dột về đường lối đối ngoại. Vì việc này, liên minh Xô – Anh – Pháp nhằm bảo vệ Ba Lan khó thành hiện thực.
Về phía Đức Quốc xã, để chuẩn bị cho Chiến tranh thế giới thứ hai, Hitler đặc biệt quan tâm đến vấn đề làm sao tránh cho nước Đức thoát khỏi tình cảnh phải tiến hành chiến tranh cùng lúc trên hai mặt trận: phía Tây chống Anh – Pháp và phía Đông chống Liên Xô như trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Để đạt được mục đích ấy, trong quan hệ với các cường quốc tư bản phương Tây, Hitler đã nói: “Phải dùng con ngáo ộp Bolshevik để đe dọa các cường quốc Versailles làm cho họ tin rằng, nước Đức là con đê cuối cùng ngăn chặn làn sóng Đỏ. Đối với chúng ta, đó là cách duy nhất để vượt qua thời kì khủng hoảng này, thanh toán Hòa ước Versailles và tái vũ trang” [29,157]. Nhưng mặt khác, Hitler cũng chủ trương tạm hòa hoãn với Liên Xô để tập trung lực lượng chống các cường quốc tư bản phương Tây, trước hết là Anh – Pháp. Hitler tin rằng Liên Xô sẽ đồng ý vì Liên Xô sẽ không dại dột gì mà tự làm thiệt thân và không có nghĩa vụ gì đối với phương Tây. Điều mà Liên Xô quan tâm là phân ranh tầm ảnh hưởng của mình và Hitler sẽ thương lượng điều đó
Ngày 15/8, đại sứ Schulenburg chuyển một tin nhắn đến Molotov, trong đó Bộ trưởng Ngoại giao của Đức Ribbentrop bày tỏ ông ta sẵn sàng đến Moskva để làm rõ mối quan hệ Đức – Xô. Ribbentrop cũng đã bày tỏ sự sẵn sàng để giải quyết tất cả các vấn đề về lãnh thổ từ Baltic tới Biển Đen. Tuy nhiên, Molotov vẫn không tỏ dấu hiệu gấp gáp. Ông nói chuyến đi mà Ribbentrop đề nghị “đòi hỏi chuẩn bị kỹ càng nhằm trao đổi ý kiến để có thể đạt kết quả”. Phía Liên Xô gợi ý: liệu chính phủ Đức có quan tâm đến một hiệp ước không xâm phạm giữa hai quốc gia, Đức nghĩ gì về việc cùng đảm bảo cho các nước vùng Baltic
Thế là, đề nghị đầu tiên về Hiệp ước bất xâm phạm Xô – Đức là từ phía Liên Xô đúng vào lúc họ đang đàm phán với Anh – Pháp để nếu cần tiến hành chiến tranh chống lại việc Đức gây hấn thêm. Những đề nghị của Molotov đúng như ý nguyện của Hitler, vì như thế Liên Xô sẽ không tham chiến và ông ta có thể tấn công mà không sợ Liên Xô can thiệp. Và khi Liên Xô đã đứng ngoài cuộc, ông ta tin chắc Anh và Pháp sẽ so vai rụt cổ. Âm mưu của Hitler trong đề nghị này là muốn tạm thời hòa hoãn Liên Xô để tập trung lực lượng đánh chiếm các nước châu Âu, sau đó sẽ tập trung toàn bộ sức người và sức của châu Âu quay sang tấn công xâm lược Liên Xô. Đảng và chính phủ Liên Xô thừa hiểu âm mưu của phát xít Đức. Nhưng do Anh, Pháp cố tình đẩy cuộc đàm phán Moskva vào chỗ tuyệt vọng. Và sự thất bại của cuộc đàm phán Moskva đã đưa Liên Xô đứng trước sự lựa chọn: hoặc sẽ bị cô lập trước khi mối đe dọa sắp xảy ra với các cuộc tấn công của phát xít Đức; hoặc khi đã không còn khả năng thiết lập một liên minh với Anh và Pháp thì phải đàm phán với Đức để kí một hiệp ước không xâm lược, loại bỏ các mối đe dọa chiến tranh. Tình hình cho thấy sự lựa chọn thứ hai là không thể tránh khỏi
4.2. Nội dung hiệp ước
Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau Xô – Đức (Hiệp ước Molotov-Ribbentrop) được ký kết ngày 23/8/1939 giữa Ngoại trưởng Vyacheslav Mikhailovich Molotov đại diện cho Liên Xô và Ngoại trưởng Joachim von Ribbentrop đại diện cho Đức Quốc xã, đi kèm là một Nghị định thư bí mật về phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu giữa hai nước. Hai bên đạt thỏa thuận một cách dễ dàng đến nỗi buổi họp kéo dài quá nửa đêm để thảo luận một cách thân mật tình hình thế giới, tình hình từng quốc gia. Lúc này Liên Xô và Đức không còn là hai kẻ thù không đội trời chung. Stalin và Ribbentrop đã trở nên thân thiện không còn cảm thấy bối rối về Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản. Tuy nhiên Stalin vẫn còn lo nghĩ về việc Đức Quốc xã có tôn trọng hiệp ước hay không. Khi Ribbentrop chuẩn bị ra về, Stalin nói riêng với ông ta: “Chính phủ Liên Xô có ý định rất nghiêm túc đối với hiệp ước mới. Ông có thể đảm bảo bằng lời nói danh dự của mình rằng Liên Xô sẽ không phản bội bên liên minh với mình”
Rõ ràng, trong căn bản nhận thức, Liên Xô không hề ảo tưởng gì về chủ nghĩa phát xít Đức. Về phía mình, Hitler cũng không hề có ảo tưởng gì về Liên Xô. Tiêu diệt Liên Xô vẫn là mục tiêu lâu dài và nhất quán của chủ nghĩa phát xít Đức. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà chỉ năm ngày sau khi Hiệp ước không xâm phạm Xô – Đức được kí kết. Hitler tuyên bố trước Quốc hội và Đảng Quốc xã Đức rằng Hiệp ước Xô – Đức ngày 23/8/1939 chỉ là một giải pháp tình thế có tính chất tạm thời. Nó không thể làm ngay được về căn bản sự đối đầu trong quan hệ Xô – Đức.
Nội dung hiệp ước quy định nếu một trong hai bên kí kết lâm chiến với nước thứ ba, bên còn lại không được ủng hộ nước thứ ba bằng bất cứ cách nào. Hai bên kí kết cam kết không gia nhập bất kì liên minh nào trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại một bên kí kết, không giúp đỡ và ủng hộ nước thứ ba chống lại nước kí kết kia; hai bên kí kết giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thông qua thương lượng hay trọng tài. Có giá trị trong 10 năm và có thể gia hạn. Hiệp ước không xâm phạm nhau có hiệu lực ngay sau khi được kí kết
Bên cạnh bản hiệp ước còn đi kèm một Nghị định thư với nội dung được thỏa thuận như sau:
Thứ nhất: trong trường hợp tổ chức lại về mặt lãnh thổ, chính trị các miền nằm trong lãnh thổ các nước Baltic (Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva), biên giới phía Bắc của Litva đồng thời là biên giới khu vực quyền lợi của Đức và Liên Xô. Trong vấn đề này, quyền lợi của Litva đối với vùng Vilna được hai bên công nhận
Thứ hai: nếu phải tổ chức lại về mặt lãnh thổ và chính trị các miền thuộc Ba Lan, biên giới khu vực quyền lợi của Đức và Liên Xô sẽ đi ngang qua khoảng dọc theo đường các sông Narew, Visla và San. Mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi của hai nước cũng như Ba Lan phải được giải quyết trong mối quan hệ thân hữu. Cũng giống như trong thời của các hoàng đế Đức và sa hoàng Nga, một lần nữa Đức và Liên Xô đã đồng ý phân chia Ba Lan. Và Hitler đã cho Liên Xô toàn quyền hành động ở vùng Đông Baltic.
Thứ ba: về phần Đông Nam châu Âu, phía Liên Xô nhấn mạnh sự quan tâm của Liên Xô đối với Bessarabia, lãnh thổ Liên Xô bị mất về tay Rumania năm 1919 và Đức tuyên bố hoàn toàn không quan tâm về mặt chính trị đối với vùng đất này. Đây là nhượng bộ mà sau này Ribbentrop sẽ lấy làm hối tiếc
Thứ tư: Nghị định thư sẽ được hai bên giữ trong vòng tuyệt mật.
Hiệp ước có quan hệ chặt chẽ với Nghị định thư bí mật và lục địa châu Âu trước Chiến tranh thế giới thứ hai đã được phân chia rõ ràng giữa Stalin và Hitler. Sự thỏa hiệp bí mật của Stalin với Đức nhằm phân chia Ba Lan và được toàn quyền hành động thôn tính Latvia, Estonia, Phần Lan và Bessarabia chẳng bao lâu được thể hiện qua những động thái của Liên Xô, và khiến cho thế giới bị sốc ngay cả cho đến giờ. Liên Xô nói rằng họ chỉ thu hồi những lãnh thổ đã bị bới ra khỏi tay họ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhưng những dân tộc sinh sống trên lãnh thổ này không phải là người Xô Viết và không phải tất cả đều muốn quay về với Liên Xô. Điều này cùng lúc thể hiện tham vọng bành trướng của cả hai nhà độc tài. Với chính sách thực dụng của mình, Stalin muốn đẩy Đức sang phía các nước dân chủ phương Tây, chủ yếu là để cho đất nước không bị cuốn hút vào cuộc chiến và mong muốn hạn chế khu vực ảnh hưởng của Đức ở phía Đông.
Các thỏa thuận được ký kết đã làm dịu sự căng thẳng trong quan hệ chính trị và kinh tế giữa Liên Xô và Đức đang nóng lên sau sự xuất hiện của Hitler trên vũ đài chính trị và nắm quyền điều hành nước Đức cùng với các cuộc xung đột vũ trang (trong đó Liên Xô chống lại sự can thiệp của Đức và Ý ở Tây Ban Nha và ủng hộ phái Cộng hoà Tây Ban Nha, chống lại quân đội Nhật Bản ở Viễn Đông trong các Chiến dịch hồ Khasan và Khalkhyn Gol). Sự kiện này trở thành một bất ngờ chính trị cho các nước thứ ba.
Có nhiều ý kiến trái ngược trong việc đánh giá các khía cạnh pháp lý của hiệp ước. Theo một số ý kiến, bản thân Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau nếu không kèm theo Nghị định thư bí mật thì nó là một hiệp ước bình thường và hoàn toàn giống như bất kỳ một hiệp ước không xâm lược khác đã được ký kết trong lịch sử châu Âu. A. Pronin cũng chỉ ra rằng hiệp ước có liên quan chặt chẽ với Nghị định thư bí mật nằm trong mục tiêu lợi ích của Liên Xô đối với vùng Baltic: Latvia, Estonia và Phần Lan, và của Đức đối với Litva và Ba Lan trên các tuyến sông Narew, Wisla, sông San đến Vilnius, nghĩa là từ Ba Lan đến Litva. Trong trường hợp này, cho dù đó là sự mong muốn xuất phát từ quan điểm lợi ích của các bên tham gia kí kết hiệp nhưng nó được đánh giá là không thể biện minh về tính hợp pháp vì nó liên quan đến các nước thứ ba.
4.3. Ý nghĩa hiệp ước
Hiệp ước không xâm phạm Xô – Đức đã làm thất bại hoàn toàn chính sách Munich của các nước dân chủ phương Tây hướng mũi nhọn tấn công xâm lược của phát xít Đức về phía Liên Xô. Rõ ràng, phát xít Đức sẽ tấn công Pháp và Anh trước. Sau khi đã hạ gục hai nước này, Hitler sẽ xé bỏ hiệp ước và xâm lăng Liên Xô.
Hiệp ước đã tạo thuận lợi cho Đức ở một mức độ nhất định, Hitler tạm thời tránh được cùng lúc chiến đấu trên hai mặt trận và việc kí kết hiệp ước này là kế hoạch cho cuộc chiến kế tiếp của Hitler. Nhờ hiệp ước này, Đức được rảnh tay với Liên Xô để chú tâm thôn tính Ba Lan mà không còn e ngại mối liên minh Anh – Pháp – Liên Xô. Hitler sẽ không dễ dàng đạt được mục tiêu đó, nếu không tìm thấy những đồng minh cần thiết ở Liên Xô, Anh và Ba Lan. Điều quan trọng là thái độ của Liên Xô. Khi Hitler nhận được sử bảo đảm sự đồng tình với mình, ông thực sự tự tin rằng ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến chống các cường quốc phương Tây
Đồng thời, hiệp ước đã chấm dứt sự thù địch, loại trừ các mối đe dọa chiến tranh với Đức, cùng chung sống hòa bình, cho Liên Xô một khoảng thời gian hòa bình quý báu từ tháng 9/1939 đến tháng 6/1941 để củng cố quốc phòng, vị thế quân sự ngày càng vững mạnh, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước. Về phần mình, Liên Xô cho rằng hiệp ước này có được là do sự thất bại của cuộc đàm phán Liên Xô – Anh – Pháp, không phải hiệp ước Xô – Đức đã phá hoại cuộc đàm phán Liên Xô, Anh, Pháp mà ngược lại, vì cuộc đàm phán Liên Xô, Anh, Pháp đã trở nên tuyệt vọng buộc lòng Liên Xô phải ký hiệp Xô – Đức. Việc ký kết hiệp ước đó không có gì trái với nguyên tắc cốt yếu của chính sách ngoại giao Liên Xô. Khi Liên Xô xét thấy mình đang ở trong tình trạng cô lập, không có đồng minh. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Stalin khi đưa ra đề nghị về một cuộc đấu tranh chung chống Hitler không hẳn xuất phát từ sự vô tư vì đề nghị đó thể hiện quyền lợi của Moskva. Stalin cũng không ảo tưởng và chưa bao giờ là tin tưởng hoàn toàn rằng người ta có thể thực hiện chính sách an ninh tập thể với một chủ trương nghiêm túc theo tuyên bố chính thức của Litvinov.
Dẫu biết rằng Hiệp ước không xâm phạm Xô – Đức vẫn còn nhiều tranh cãi khi đánh giá về hành động của Liên Xô. Nhưng dù sao đi nữa chúng tôi cũng nhận thấy rằng, giống như bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào khác, mối ưu tiên hàng đầu là nền an ninh cho đất nước. Cách giải thích này xem những hành động của Stalin chỉ có tính thực dụng đối với chế độ của mình. Theo đó, Stalin đã có một thời gian để lựa chọn giữa một mặt là Đức và mặt khác là Anh, Pháp. Nhưng sau này, khi phải đối diện với hệ tư tưởng không phù hợp, ông muốn giữ khoảng cách với chiến tranh bằng những lợi ích có tính “bạn bè” với Đức, đặc biệt là việc tranh thủ các lợi ích chính trị Liên Xô tại Đông Âu. Ý kiến này đã được Churchill biện luận rằng động thái của Stalin “vào lúc ấy có tính thực tế cao” [34,552]. Dựa vào tính thực tế đó, Stalin mong muốn hạn chế khu vực ảnh hưởng của Đức. Trong đó sẽ ưu tiên đảm bảo nhu cầu về an ninh của quốc gia, chủ yếu là để giữ cho đất nước không bị hút vào cuộc chiến và để hạn chế sự mở rộng của Đức về phía Đông buộc Stalin hành động theo chủ nghĩa thực dụng và động cơ tham vọng bành trướng. Trong thực tế, lục địa châu Âu trước chiến tranh thế giới thứ hai đã được phân chia giữa Stalin và Hitler
Nhưng theo William L. Shirer, lịch sử cho thấy Hiệp ước Xô – Đức là sai lầm chính trị lớn nhất trong cuộc đời của Stalin, bị xem là sự mặc cả giữa Stalin và Hitler. Tương tự, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã lên án hiệp ước Liên Xô – Đức Quốc xã 1939 là “trái đạo đức”, không thể được chấp nhận từ quan điểm đạo đức đến cơ hội thực thi vì cuối cùng chiến tranh thế giới vẫn nổ ra và Liên Xô vẫn bị tấn công.
Tiểu kết
Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, Hitler đã thực hiện đầy đủ các bước đi nhằm nỗ lực xây dựng một Đế quốc Đại Đức, hoàn thành chính sách Đại Đức một cách nhanh chóng mà không sử dụng nhiều đến sức mạnh quân sự. Khi đã hoàn thành, ông tiếp tục đưa ra những kế hoạch chuẩn bị tiến công về phương Đông mở rộng không gian sinh tồn cho dân tộc Đức. Để làm được điều đó, Hitler cần phải tránh cùng lúc chiến tranh trên cả hai mặt trận Đông – Tây. Có thể coi đây là một thành công lớn trong đường lối đối ngoại của Hitler năm 1938. Nhờ thành quả đó, lãnh thổ Đế chế thứ ba có thêm 10 triệu dân và một dải đất rộng mênh mông nằm ở Trung – Đông Âu để làm bàn đạp tấn công châu Âu Hiệp ước không xâm phạm Xô – Đức đã làm đảo lộn kế hoạch gây chiến của chủ nghĩa quân phiệt Nhật ở châu Á, cho rằng Đức ký hiệp ước đó là trái với lời văn và tinh thần của Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản. Qua đó, Nhật đã thay đổi kế hoạch tác chiến, tạm gác kế hoạch tấn công Liên Xô để “Nam tiến” tấn công Mĩ, Anh ở Đông Nam Á – Thái Bình Dương.
Sự phá sản hoàn toàn chính sách ngăn chặn của Anh – Pháp ở Hội nghị Munich, đỉnh cao của chính sách thỏa hiệp mà các cường quốc tư bản phương Tây thi hành trong nhiều năm nhằm tránh một cuộc chiến tranh với Đức và chĩa mũi nhọn chiến tranh về phía Liên Xô. Tất cả đều nghĩ có thể mua chuộc Hitler, sử dụng ông ta theo ý mình nhưng họ đã sai lầm. Ngược lại, Hitler hiểu tâm lý và lợi dụng các nhà lãnh đạo phương Tây không dám mạo hiểm, lo sợ chiến tranh để đạt được mục tiêu của mình. Hành động của Hitler đưa châu Âu bên bờ vực của chiến tranh khi Ba Lan là mục tiêu kế tiếp của ông.
Xuất phát từ lợi ích riêng của mỗi nước, Anh, Pháp cũng như Ý, các nước sẵn sàng hi sinh các nước nhỏ để đổi lấy hòa bình ảo từ lời hứa của Hitler. Trong khi đó, Liên Xô bận tâm nhiều hơn vào các vấn đề nội bộ như kế hoạch 5 năm và những cuộc thanh trừ đẫm máu, lúc thì liên kết với các nước dân chủ phương Tây chống Đức, khi lại liên kết với Đức Quốc xã phân chia lợi nhuận từ Hitler, hình như chỉ coi trọng lợi ích của quốc gia và số phận của chế độ mình. Đó cũng chính là chính sách thực dụng của Liên Xô.
III .KẾT LUẬN
Mục tiêu cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Đức Quốc xã trước Chiến tranh thế giới thứ hai (1933-1939) mà Hitler đã hoàn thành:
1. Từng bước xóa bỏ Hòa ước Versailles mà không bị trừng phạt. Trong đó, tái vũ trang có thể xem là bước đầu tiên cơ bản hướng tới mục tiêu xóa bỏ Hòa ước Versailles để tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch bành trướng của Hitler. Sự kiện này chứng tỏ sự khởi đầu của chính sách “xoa dịu” của Anh khi xem hòa ước là quá khắc nghiệt đối với Đức đã đến lúc cần phải nới lỏng để các quốc gia được bình đẳng với nhau. Với sự dung túng của Anh, Hitler xây dựng Đức trở thành một cường quốc quân sự với lực lượng quân đội, hải quân và không quân hùng mạnh không những tăng lên về số lượng mà cả về chất lượng. Sau đó, tiến tới tái hợp một phần lãnh thổ đã bị mất sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong khi đó, Anh cho rằng tất cả những gì Hitler làm chỉ là “diễu hành vào sân sau của mình”. Nếu Pháp can thiệp vào có lẽ lịch sử đi theo một chiều hướng khác vì Đức chưa sẵn sàng cho chiến tranh
2. Hoàn thành chính sách Đại Đức, ngay từ đầu Hitler muốn xây dựng một nước Đức đồng chủng tộc, dựa trên ý tưởng thuyết chủng tộc, Đức Quốc xã cho rằng người Đức là chủng tộc Aryen thượng đẳng thống trị thế giới. Do đó, Hitler phải đoàn kết tất cả những người nói tiếng Đức ở Áo, Sudetenland vào Đế quốc Đức. Trong khi Anh, Pháp và Hội Quốc liên một lần nữa đã không làm gì mặc dù Đức rõ ràng đã vi phạm Hòa ước Versailles. Nhiều người Anh cho rằng yêu cầu qui tụ tất cả những người nói tiếng Đức về Đức của Hitler là một yêu cầu công bằng và hợp lý, càng khuyến khích Hitler đòi hỏi nhiều hơn. Tất cả chính sách nhân nhượng đó cũng chỉ nhằm mục đích muốn tránh chiến tranh của các cường quốc phương Tây và họ mong muốn một nước Đức hùng mạnh có thể chống lại Liên Xô. Rõ ràng, các nhà lãnh đạo phương Tây không hiểu đúng về Hitler nhưng lại tin vào những lời hứa ảo của Hitler trong khi quay lưng với một hệ thống an ninh tập thể ở châu Âu.
3. Sự thất bại trong chính sách ngăn chặn của Anh và Pháp đã khuyến khích Hitler xóa bỏ hoàn toàn các điều khoản của Hòa ước Versailles khi xóa sổ Tiệp Khắc. Hitler đã đảo ngược các điều khoản Versailles theo chiều hướng có lợi cho mình. Hitler tự do phá vỡ lời hứa tại Hội nghị Munich, cho thấy chính sách xoa dịu của Anh – Pháp đã thất bại hoàn toàn. Sau đó, Anh và Pháp hứa hẹn chiến tranh nếu Đức tấn công Ba Lan. Nhưng họ vẫn không làm tròn trách nhiệm của mình. Đây cũng là bước khởi đầu để Hitler tiến về phía Đông chinh phục đất đai của người Slav, mở rộng không gian sinh tồn cho người Đức.
4. “Xoa dịu” là một thuật ngữ áp dụng cho chính sách ngoại giao nhằm giải quyết các cuộc tranh cãi quốc tế thông qua đàm phán hợp lí, tránh xung đột vũ trang. Chính sách “xoa dịu” cũng là một nguyên nhân gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là chính sách chủ yếu của Thủ tướng Anh Neville Chamberlain đối với phát xít Đức trong những năm 30, để giải quyết những tranh chấp quốc tế bằng cách thỏa hiệp và thương lượng, là chủ đề luôn gây tranh luận. Lúc bấy giờ xoa dịu được coi là một chính sách khả thi, hợp lý và nhân đạo nhất khi Anh, Pháp phải đối mặt với việc hồi phục đất nước từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất, bảo đảm mang lại hòa bình cho châu Âu
Xoa dịu là một chính sách tích cực, không thụ động để giải quyết bất bình của nước Đức sau Hòa ước Versailles. Nhưng Chamberlain không hiểu hết những mục tiêu mà Hitler sẽ tiếp tục làm sau đó. Chamberlain không rút ra được bài học từ kế hoạch Anschluss của Hitler, do vậy, phải chịu trách nhiệm về chính sách sai lầm đó. Chính sách này làm cho Hitler ngày càng hung hăng, mỗi chiến thắng đã cho ông thêm sức mạnh và sự tự tin. Với mỗi phần lãnh thổ thôn tính được Hitler có thêm quân đội, nguyên liệu, vũ khí và các ngành công nghiệp.
5. Đối mặt với Hitler lúc bấy giờ là chính sách xoa dịu của Anh, sự trì trệ của Pháp và chính sách thực dụng của Liên Xô. Trước ngưỡng cửa chiến tranh cùng với sự thất bại của Liên minh Anh – Pháp – Liên Xô, Liên Xô đã kí với Đức hiệp ước không xâm phạm nhau. Thế giới dường như đã bị sốc trước thái độ của Liên Xô vì Hitler là người chống cộng sản mạnh mẽ và muốn chinh phục Liên Xô để mở rộng không gian sống. Giờ đây, hai kẻ thù với hai ý thức hệ khác nhau, thỏa thuận một hiệp ước không tấn công lẫn nhau. Cả Đức và Liên Xô đã bí mật phân chia Ba Lan, Đức được phần Tây Ba Lan và Liên Xô nhận được Đông Ba Lan, đảm bảo Liên Xô sẽ không tham chiến trong trường hợp Anh và Pháp tham chiến bên cạnh Ba Lan. Đây là một thắng lợi về chiến lược vì nó cho phép Đức tấn công Ba Lan mà tránh một cuộc chiến tranh trên hai mặt. Tất cả điều này càng làm tăng sự nghi ngờ lẫn nhau giữa Liên Xô với các nước dân chủ phương Tây. Hiệp ước này có ý nghĩa với Liên Xô là tránh tham gia vào cuộc chiến tranh châu Âu trong khi phải đối mặt với mối đe dọa từ Nhật Bản ở phía Đông và quân đội Liên Xô đã bị tổn thất trong cuộc thanh trừ của Stalin. Hiệp ước đã cho Stalin một thời gian để chuẩn bị phương tiện tham chiến
6. Nhìn lại lịch sử phát triển của dân tộc Đức, đi từ chủ nghĩa quân phiệt Phổ đến chủ nghĩa phát xít Đức là một bước phát triển cao về xây dựng chính quyền bộ máy độc tài, phản động và hiếu chiến. Nhưng xét về tiến trình phát triển của xã hội loài người thì đó là một bước lùi. Một xã hội văn minh sẽ không bao giờ chấp nhận đất nước có một chế độ chính trị độc tài, luôn muốn gây chiến tranh, tàn sát con người. Trải qua hai cuộc đại chiến chúng ta càng quý trọng giá trị của hai chữ “hòa bình”, loài người có thêm bài học kinh nghiệm cho cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình trong thế giới hiện nay.
Nguồn: Đại học Sư phạm TPHCM