Thân Hữu Tiếp Tay...

Chương V - Cuộc Đổi Đời Lần Thứ V (phần 1 & 2) - Trần Văn Ngà

LỜI TÁC GIẢ: Đọan văn này trích trong Hồi Ký Công Tử Nhà Quê B

CUỘC ĐỔI ĐỜI LẦN THỨ V

TỪ NHÀ TÙ NHỎ RA NHÀ TÙ LỚN

(TỪ THÁNG 1.1985 ĐẾN 7.4.1993)

                                                                                                         Anh Phương Trần Văn Ngà

LỜI TÁC GIẢ: Đọan văn này trích trong Hồi Ký Công Tử Nhà Quê Bà Bài của tôi, khá dày trên dưới 600 trang, viết lại mọi vấn đề mà tác giã từng trải qua từ những năm còn bé ở ấp Bà Bài, tản cư ra tỉnh lỵ Châu Đốc - dạy tiểu học & huấn luyện viên thể dục thao trường Nam Tỉnh Lỵ Châu Đốc. Sự vươn lên, trôi nổi lên Sài gòn học lại và làm giáo sư trung học dạy trường người Hoa . Thi hành lệnh tổng động viên vào Quân Đội phục vụ ngành truyền thông báo chí Vùng IV Chiến Thuật - phục vụ tại Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị - Biệt Khu Thủ Đô. Và cộng tác nhiều nhựt báo Nhật, Việt, ở tù cộng sản gần 10 năm từ Nam ra Bắc và trở về Nam. Ra khỏi nhà tù nhỏ vào nhà tù lớn, buôn bán chợ trời kiếm sống - Sang Mỹ diện HO bị người Việt qua trước xem thường "kỳ thị" vì làm nghề lao động chân tay cực khổ. Đó là cơ hội trui rèn thêm nhân cách để vươn lên, tôi trở lại nghề cũ năm xưa, làm báo viết báo và ngay bây giờ, chỉ còn  hai tháng nữa qua tuổi 86, vẫn còn viết báo có tiền nhuận bút đủ uống cà phê, nhậu lai rai corona tại nhà một mình chống corona virus cho vui tuổi già, chờ ngày ra đi...Bài này, chỉ "trích ngang" một đoạn nhỏ - Mời quý độc giả đọc chơi cho quên cái Cô Vi mắc dịch này đang hoành hành khắp thế giới (Hình chụp tại tiệm hình Mỹ Tân - Châu Đốc, lúc từ giã "thơ ngây", đã 22 tuổi, dấn thân vào con đường gió bụi - 1957).Tran Van Nga - Công tử Bà Bài 1957.jfif

Cuộc Đổi Đời Lần Thứ V, với 23 trang, tôi xin chia ra hai phần cho bài viết như ngắn lại, đọc không ngán...Xin độc giả thông cảm - Cám ơn nhiều!


PHẦN MỘT

RA NHÀ TÙ NHỎ Z30D 

Lại một trò lưu manh vặt, thả tù ở giữa rừng mà không cấp phương tiện đưa tù ra khỏi trại để về với gia đình, về đến Sài Gòn hay các tỉnh xa. Đơn giản nhất là cấp cho tù được "giải phóng" đủ tiền đi xe đò về đến nhà ở Sài Gòn hay các tỉnh, còn ăn uống dọc đường nữa....

Nhóm tù chúng tôi được thả ra vào đầu năm 1985 có lẽ khoảng 80 người, cũng là lần thả tù đông nhứt của Liên trại Z30D từ trước đến lúc đó. Khi chúng tôi, cả trại tập họp, nghe đọc lệnh thả, tôi nghĩ làm gì có tên mình, may ra có tên Hạ sĩ Nguyễn Văn Chuối nằm cạnh tôi. Từ Bắc chuyển về đây, em Chuối rất "hồ hởi phấn khởi" tin rắng mình được thả ra đợt này. Còn tôi cứ tỉnh bơ để hồn đi đâu đâu khi bò vàng bắt đầu đọc danh sách, được vài chục người thấy có cả cấp Trung tá và Thiếu tá. Lúc bấy giờ, tôi mới chăm chú lắng nghe, may chó ngáp phải ruồi, mới là ngộ đó.! Tôi nói với Chuối suy nghĩ này (Chuối thuộc ngành cảnh sát, giữ an ninh nhà ba má Chuẩn Tướng Cảnh sát Trang Sĩ Tấn ở đường Triệu Đà, với chức vụ trong Sự Vụ Lệnh là bảo vệ yếu nhân - một chức vụ  to ghê gớm do não trạng ngu đần của ngành an ninh công an xếp loại, Chuối bị đày đi tù ra Bắc và được thả sau tôi - Thiếu tá - chừng 5 tháng). Đùng một cái nghe tên mình, hai lỗ tai tôi lùng bùng hết, mắt như hoa lên, ngất ngây trong vui mừng. Đợi chấm dứt đọc hết tên được tha khỏi trại. Tôi nói liền với Chuối, đồ đạt của anh tặng lại hết cho em, anh chỉ lấy một vài món mang về làm kỷ niệm mà thôi. Tôi còn cho Chuối địa chỉ nhà ờ Cầu Chữ Y và dặn khi nào em được ra về Sài Gòn ghé anh, anh chị sẽ giúp em tiền mua vé xe về Thốt Nốt (An Giang). Tôi căn dặn Chuối trong lúc còn đợi lệnh cho về trại thu xếp "tư trang".  Lúc ấy cũng khoảng 11 giờ sáng, tôi ra khỏi lán, chuồng giam, chỗ nằm "thân thương" trên dưới 2 năm không bị rệp chích. Có lẽ rệp Hàm Tân biết phe mình sa cơ thất thế ở tù, đốt cũng tội nghiệp.! Còn loài rệp ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa cũng cùng hung cực ác, giống sếp của nó chỉ biết hút máu người tù miền Nam thua cuộc chiến quốc cộng, hút máu cho đến chết càng tốt.

Khi ra khỏi cổng trại giam, các con bò vàng dẫn mấy chục người chúng tôi từ trại B đi ra ban chỉ huy trại - trại A, họ đưa chúng tôi đến một cái nhà lớn bỏ trống như là hội trường của trại cũng gần ban chỉ huy trại ở tạm đợi cấp giấy ra trại trở về đời sống bình thường. Theo lẽ, cách làm việc đúng đắn, chúng tôi đã có Giấy Ra Trại được đánh máy sẵn trước từ lâu rồi, ra trại được cấp liền để chúng tôi còn phải đi bộ trên dưới 3 cây số từ trại ra đến quốc lộ Nam Bắc để đón xe đò về Sài Gòn. Một tên bò vàng có lẽ là sĩ quan cũng có chức sắc gì đó, ra lệnh chúng tôi cử người lấy phần ăn trưa, cứ nghỉ tạm ở đây đợi khi nào có giấy ra trại sẽ thông báo sau. Sau bữa ăn trưa xong, chúng tôi dài cổ trông đợi văn phòng trại gọi lấy giấy ra trại và còn đi bộ ra đường đón xe nữa, chiều tối hết xe chạy thi làm sao?

Bữa cơm chiều xong, chúng tôi đang tụm năm tụm ba, quây quần chuyện trò, hút thuốc lào và tin chắc là phải ngủ lại đây đêm nay. Đêm đầu ngủ ngoài chuồng giam tù, được tự do mà chưa được tự do đúng nghĩa vì chẳng dám đì đâu khi chưa có giấy ra trại lận lưng. Bổng có đám bò vàng gần cả chục tên xuống chỗ ở chúng tôi, bảo chúng tôi tập họp để nghe cán bộ trưởng trại nói chuyện. Sau khi chúng tôi ổn định, im lặng, tên trưởng trại nói: các anh được về dịp trước Tết Nguyên Đán sum họp với gia đình là một đặc ân của "đảng và nhà nước", tôi đại diện trại Z30D chúc các anh và gia đình được vui khỏe và hạnh phúc. Tên trại trưởng đại khái nói như vậy như là "động viên" tinh thần để chúng tôi chấp nhận bị bọn này bốc lột thêm hai tuần nữa "lao động tạo ra của cải" và "lao động là vinh quang" cho riêng cá nhân chúng hay cho ban chỉ huy trại "cải thiện" có thêm "của cải vật chất" để đón Tết ta...(Những chữ trong ngoặc kép là những cụm tử nổ của cán bộ bò vàng "truyền đạt" cho đám tù).

Dù chúng có đắc nhân tâm, bôi trơn sự bốc lột sức lao động tù, chúng tôi đồng ý hay không cũng diễn ra đúng kịch bản chúng đã dựng sẵn. Chúng nói là thả tù mà chưa cấp giấy ra trại đố ai dám ra về, như vậy chúng tôi bắt buộc phải "nín thở qua sông" được ở ngoài chuồng nhốt tù, ăn uống tiêu chuẩn có phần nhỉnh hơn một chút ở trong lán trại giam, đi rừng tự giác tự do, không có cán bộ súng dài "hộ tống". Cán bộ trưởng trại cũng như các bò vàng khác đều có giọng nói nặng chình chịch của gốc Nghệ An - Hà Tĩnh rất khó nghe. Ông ta ra chỉ tiêu cho ngày mai, sau khi ăn sáng xong, chúng tôi có mười tổ được phát dao, cưa hạ gỗ nhỏ cũng như gỗ lớn toàn là gỗ thao lao mà có từ khác là cây bằng lăng, có hoa màu tím bắt mắt rất đẹp khi cả rừng đến mùa hoa nở. Kích cở cây bằng lăng như thế nào? Còn các tổ đi lấy lá buông phải lá già còn xanh, càng lớn càng tốt và có tổ chuyên lấy lá non để làm nón hay các vật dụng thù công mỹ nghệ chuyên bán cho khách du lịch... Với 10 tổ 8 hoặc 10 người, có chừng 3 tổ có nhiệm vụ chặt lấy lá buông mang về chất đống tại địa điểm gần đường xe hơi chạy vào. Còn các tổ khác đi tìm cây bằng lăng vừa 2 người khiêng vác về. Loại cây này ở rừng lá trước đây có nhiều vô số kể, nay lại hiếm, không còn ở gần trại, phải đi xa sâu vào rừng mới có vì bao nhiêu năm, từ ngày cất trại cũng sử dụng loại gỗ cở đó hay cán bộ quản giáo thỉnh thoảng cũng bắt tù "chôm chĩa" vài cây mang ra gần đường giấu cất để chúng bán hay cho ai đó làm quà...

Liên trại Z30D, lúc chúng tôi từ Bắc về đây, chỉ còn 2 trại A và B. Nghe nói trước đó có thêm một hay hai trại nữa. Trại A là nơi có cả ban chỉ huy trại ở đó, gọi là trại khung, có mở đường xe chạy ra quốc lộ Nam Bắc. Còn tôi ở trại B, sâu vô rừng, cách trại A chừng hơn một cây số cũng gần bờ suối nhỏ và cạn vào mùa nắng. Trại Z30D có tên là trại Thủ Đức mà lại thuộc lãnh thổ của quận Hàm Tân - tỉnh Thuận Hải, thời Việt Nam Cộng Hòa. Khu này là nơi có vô số bụi lá buông nên có tên gọi khác là Rừng Lá. Lá buông còn non có màu trắng đục, hay trắng có pha màu vàng lợt trông rất đẹp, cho nên người dân thường dùng loại lá này làm nón hay những món đồ dùng trong ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ rất đẹp mắt. Còn lá già có màu xanh đậm dùng trong xây cất nhà...Về cây gỗ, rừng lá buông, ngoài bụi lá mọc khắp nơi bạt ngàn từ trong sâu ra đến quốc lộ Nam Bắc. Còn loại gỗ quý đối với những người đóng tàu, xuồng hay làm cột cất nhà vì loại gỗ này là cây thao lao hay còn gọi là cây bằng lăng, có đặc tính chống lại con hàu dứới nước thường bám vào lườn xuồng, lườn tàu, chúng đục khoét ăn gỗ. Cây thao lao còn thêm giá trị, thân gỗ nhẹ ít hút nước và thân rất thắng dù cao cả chục thước... Ngoài lá buông, cây rừng, nơi đây có cây thao lao to nhỏ chiếm đến 70 - 80%. Có những cây thao lao to hai người ôm không giáp, sống lưu niên hàng bao trăm năm. Vì vậy, chúng tôi thấy nhiều cây to nằm ngổn ngang cũ mới có đủ như vàng cục vàng cây đầy dãy mà không ai lấy chở đi vì một cây to như vậy bán được bao nhiêu cây vàng phải có xe truck to, cần cẩu lớn mới trục cây to lên xe được. Nhiều cây to mục nát cũng là nơi đến mùa mưa, chúng tôi tìm lấy nấm mối để cải thiện. Như vậy, Rừng Lá này chỉ thấy người ta khai thác có hai thứ là lá buông và cây thao lao. Từ Bắc về đây, tôi thấy có quá nhiều cây bằng lăng có hoa tím đẹp, tôi cũng nổi hứng học ca bài vọng cổ "Hoa Tím Bằng Lăng". Xung quanh hai trại A và B, trên các con đường đi, hay hàng rào trại này trồng đều khắp cây sua đủa vì cây này rất thích hợp thổ nhưỡng nơi đây. Về đây chúng tôi tha hồ mà ăn bông sua đuả như ở các trại tù trên đất Bắc chúng tôi hái đọt sắn luộc ăn thay cơm. Còn ở đây hái bông xua đủa luộc ăn hay chiên xào nấu canh ăn rất ngơn, nếu ăn nhiều quá cũng dễ bị té re, có nhiều mà lại ăn ít cũng là điều nghịch lý.

Chúng tôi được lệnh thả do Bộ Nội Vụ ký, nay bị bắt làm xâu. Ngày qua ngày, cái gì đến rồi cũng đến, phải thả chúng tôi trở về với gia đình. Tôi nhớ không rõ, ngày cấp giấy ra trại chánh thức, nhưng chắc chắn một điều, tôi về đến Sài Gòn hơn 10 giờ tối. Tôi nghe anh xích lô nói, hôm nay đã có chợ Tết, đêm thứ hai rồi. 

ĐÓN XE HÀNG QUÁ GIANG VỀ BẾN XE MIỀN ĐÔNG

Những ngày cận Tết Nguyên Đán mà chúng tôi chưa rời được khỏi nhà tù, dù được thả ai cũng rất vui mừng mà lại chưa trọn vẹn hưởng vì còn bị cù cưa với cái trại Z30D này phải làm "nghĩa vụ" tư riêng cho trại cho cán bộ quản giáo...

Khi có lệnh tập hợp trước văn phòng trại, xếp hàng chờ đợi, khoảng 9 - 10 giờ sáng, mỗi lần gọi tên chừng ba người lên xác nhận tên họ, địa chỉ để cho nhân viên viết tay vào giấy Ra Trại, nếu ai khi vào trại tù có "đăng ký" gởi tư trang như đồng hồ, bóp, tiền...sau khi nhận giấy ra trại rồi ra ngoài đợi cán bộ gọi vào chỗ lãnh tư trang - cái khâu này lâu nhứt - hình như trại muốn làm thế để ai đợi lâu sốt ruột "bỏ của chạy lấy người", trại sẽ hưởng các thứ đó? Đến giờ ăn trưa, nghỉ chừng một tiếng mà mới giải quyết được hơn 1/3 còn gần 2/3 nữa mà đã qua 1 giờ trưa rồi. Ai được cấp giấy ra trại vội vã khoác ba lô lên vai, đi như chạy ra quốc lộ đón xe về Sài Gòn. Còn những ai có tư trang gởi còn phải chờ để họ trao lại.

Chẳng may, tôi và chừng 8 người cuối cùng chưa nhận được Giấy Ra Trại và nhận lại tư trang mà đã gần 5 giờ chiều rồi. Chúng tôi nôn nao lo lắng không thể đứng yên, đi tới đi lui, cứ lo nhận được giấy ra trại, ra quốc lô tối quá, không có xe đò, rồi sẽ ngủ ở đâu? Khi gọi tên tôi cùng với 3 anh nữa làm thủ tục ra trại, làm xong chừng 5 phút, họ trao giấy cho tôi còn chúc ra về bình an vui vẻ nữa và bảo tôi đợi nhận lại tư trang rồi hãy ra khỏi trại. Tôi đứng đợi, khoảng 10 phút mà vụ nhận lại tư trang êm re, tôi nghĩ ngay phải bỏ của chạy lấy người để còn chạy ra quốc lộ đón xe vì đã hơn 5 giờ chiều rồi. Thế là tôi bỏ lại cái đồng hố Omega và 20 đồng cùng với cái bóp da "tặng cho trại". Ba lô rất nhẹ chỉ còn mùng mền vài bộ đồ còn tốt và vài vật dụng tự làm trong trại và đặc biệt cái điếu cày thân thương của đời tù. Tôi khoác lên lưng, đi nhanh ra khỏi trại, đi chừng vài chục bước, tôi thấy đi sao còn chậm, lấy giép cầm tay, đi chân đất thoăn thắt mà cũng thấy chậm. Thỉnh thoảng ngó lại sau lưng sợ bò vàng kêu lại "nhờ chút việc" thì bỏ mẹ, nhớ lại hồi xưa mỗi ngày tôi chạy bộ 12 cây số, nay con đường ngắn trên 2 cây số thì có nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Thế là, tôi chạy, dù tuổi đời lúc đó cũng vào 50 rồi, ở tù khổ sai cũng gần tròn 10 năm, thể xác bị bào mòn. May về được miền Nam hơn 2 năm nên sức khỏe cũng được hồi phục khá tốt, và ý chí vươn lên quyết tâm về đến nhà tối hôm nay là động cơ giúp tôi "thêm sức" chạy một mạch ra đến quốc lộ. Trời bắt đầu nhá nhem tối, tôi đứng nghỉ, đợi có xe đò hay xe hàng đón về Sài Gòn. Chừng mười phút, có 3 anh nữa, cũng bắt chước, giép cầm tay chạy lúp xúp theo tôi ra quốc lộ. Nhóm chúng tôi có 4 người đều đón xe về Sài Gòn rồi sau đó mạnh ai nấy tự tìm cách về nhà. Tôi đề nghị liền, bây giờ tối, chắc khó còn xe đò, mình đón xe hàng mà đứng đông quá, sợ họ ngại không dám cho quá giang, tôi nói ba anh ngồi dưới gốc cây, cách chỗ tôi đứng hơn 10 mét. Đợi tôi "ngoắc" ra hiệu xe đò ngừng, các anh hãy chạy nhanh ra, xin chở bọn mình về bến xe Miền Đông, các anh vui vẻ đồng ý liền.

Chừng nửa tiếng đứng đợi, từ xa có ánh sáng của chiếc xe đang chạy tới, không biết xe đò hay xe hàng, tôi đứng ra gần sát ven lộ, cầm nón phất qua phất lại liên tục, tôi thấy xe đã giảm tốc độ, tôi càng phất nhanh, xe thắng dừng lại, chú tài xế trẻ xuống kiếng nói lớn, chú là tù mới thả ra muốn về Sài Gòn phải không?. Tôi đáp lớn, đúng rồi, và đi lại gần cửa xe, nói với chú tài xế làm ơn cho bốn anh em chúng tôi về Sài Gòn vì chúng tôi vừa mới thả ra đợt này. Chú tài xế  cón trẻ, chừng trên dưới 30 tuổi, vui vẻ nói: tôi chạy xe đường này, thường gặp như các chú nhiều lần rồi, chúng cháu quý mến các chú chế độ cũ... Ba anh bạn, thấy xe tải ngừng đã vội chạy đến gần tôi rồi. Chú tài xế nói, chú ngồi ở ca bin với cháu, còn ba chú thì ngồi ở trong mui, cháu mở cửa sau ba chú leo lên vì xe trống, không có chở hàng hóa lượt về. 

MÓN NGON MỘC TỒN TRONG TRẠI TÙ Z30D & NỒI MẮM KHO TRẠI TÂN LẬP

Khi đoàn tù của liên trại Tân Lập Vĩnh Phú lần thứ hai chuyển về trại Z30D, cách vài tháng trước, liên trại này cũng có một cuộc chuyển hàng ngàn tù về Nam sau Tết Nguyên Đán (năm 1982) không lâu, hình như về các trại tù vùng Long Khánh (cũng ở các Z30A hay B - C?). Sau hai chuyển tù về Nam của liên trại Tân Lập, anh em còn lại rất ít, cũng có anh em được thả ra khỏi trại. Sau này nghe anh em nói, có một số anh em phe ta không chuyển trại về Nam hay được thả ra mà lại chuyển về các trại ít hắc ám hơn, ở vùng Hà Nam Ninh và cũng được thả ra trong năm 1982. Liên trại Tân Lập - Vĩnh Phú chuyên nhốt tù thua cuộc của Miền Nam, nay như giải thể, không biết CSBV sử dụng trở lại trại tù này nhốt tù hình sự hay làm việc gì với một cơ ngơi 5 trại rộng lớn chiếm hàng trăm héc-ta đất canh tác của người dân. 

Trong lúc chờ đợi, đón xe, ban đầu tôi lo sợ không có chỗ ngủ qua đêm, nếu đón tới khuya không có xe cho quá giang về Sài Gòn. Trong lúc lo lắng vu vơ, bổng tôi nhớ có bà chị nuôi cũng ở vùng này. Khi gia đình chúng tôi còn ở Bà Bài, chị đến cắt lúa mướn cho gia đình và cảm mến gia đình, xin làm con gái nuôi, ba má tôi chấp nhận. Khi gia đình chúng tôi tản cử ra tỉnh lỵ Châu Đốc 1947, chị có đến thăm hỏi và ở chơi với gia đình vài ngày, lúc ấy chị qua tuổi 20. Vài năm sau, chị đến thưa với ba má tôi đứng làm chủ hôn vì ba má chị đã mất sớm. Ba má tôi đồng ý, tổ chức đám cưới cho chị, ba má tôi bao hết chi phí đải đằng bà con hai họ. Sau hơn mười lăm năm, tôi lại gặp chị tại khu vực Rừng Lá có trại tù Z30D. Tôi và tồ 8 người được bò vàng quản giáo ra lệnh đẩy xe cải ra khu dân cư ở ven quốc lộ bán gây quỹ cho trại. Sự tình cờ hy hữu, chị Tư (quên tên) chị nhận ra tôi, lại nói nhỏ với tôi, chị tư nè, em có nhớ chị không? (Chị còn sống cũng khoảng 95 tuổi - năm 2020). Lúc bấy giờ tôi mới sực nhớ lại chị. Chị tư nói lớn, anh em để số cải còn lại tôi mua hết, tôi sẽ bán lại, tôi còn làm dưa chua để chuẩn bị ăn Tết, mời anh em cứ uống nước tự nhiên, cà phê, nước ngọt. nước dừa, tôi bao hết. Anh em cứ ngồi nghỉ cho khỏe rồi hãy đi về trại. Quán cà phê của chị tư cũng có bán nhiều thứ cần thiết khác để bán cho bà con đến thăm nuôi thân nhân tù mua đồ dùng còn thiếu...Chị khều tôi ra sau bếp nói, anh tư của em và anh em ở Châu Đốc, bỏ quê hương trốn lên đây, chuyên đi rừng đốn cây làm củi, chặt lá buông bỏ mối và có cả lò hầm than. Chị nói nhỏ, anh tư không trình diện cùng vài bạn trẻ cũng sĩ quan về đây làm ăn, nay có cuộc sống vững, có hộ khẩu, chứng minh nhân dân. Tôi có nghe gia đình cho biết anh tư là sĩ quan giáo phái Hòa Hảo đồng hóa sang QLVNCH, chị nhét vào túi tôi vài chục, tôi trả lại chị, nói em mang tiền vô trại bị xét thêm phiền hà, cám ơn chị. Và chúng tôi trở về trại sớm hơn các lần bán khác. Cuối năm 1984, đội rau xanh của chúng tôi, trồng cải bẹ xanh trúng mùa, trại ăn không hết đưa đi khu dân này bán nữa và một lần ra đây mua một con nai đồng quê - cầy tơ - về mần thịt do trại thưởng công đội rau xanh.

Khi từ trại tù được thả ra, tôi chạy một mạch đến quốc lộ quẹo phải đợi xe quá giang, nếu tôi nhớ quẹo trái hướng Hàm Tân (miền Bắc), tôi sẽ gặp lại chị tư, đâu còn lo lắng, có thể tôi ở lại qua đêm, sáng hôm sau, chị tư đón xe đò cho tôi về Sài Gòn.Chở cầy tơ.jpg

Nhớ đến xóm nhà dân này cũng cả trăm nóc gia ở hai ben ven lộ, sau vụ bán cải cho chị Tư, chừng một tuần, đã vào tháng chạp. Cán bộ quản giáo cũng muốn thưởng công đội rau xanh chúng tôi trúng mùa và bán cải có tiền cũng kha khá cộng chung gần hai trăm đồng, cán bộ quản giáo xuất qũy 20 đồng cho đội đi mua một con chó về mần thịt bồi dưỡng cho cả đội. Đội cử tôi và ba bạn nữa đi ra khu dân tìm mua "nai đồng quê", tôi không gặp chị tư vì chị đi về quê chồng ở xã Hòa Hảo. Chúng tôi đi cả giờ mà mua chưa được con chó nào cả. Lúc này, gần Tết, các bò vàng hai trại A-B của Z30D ra xóm này "vét" hết chó rồi, chúng tôi lại đi buổi chiều nữa nên tìm không ra. May, tôi thấy một con chó lông vàng mập mạp, đang bị nhốt, nhưng rất tiếc bị ghẻ ở mông mà các bò vàng đi buổi sáng chê. Tôi đề nghị, mình mua đại con chó ghẻ này, họ lại bán rẻ, 16 đồng, tiền còn dư mua thêm ba xi đế, ăn thịt chó mà có ba xi đưa cay thì ngon hết ý. Tôi còn nói thêm, khi mình thui, nhớ thui chỗ bị ghẻ cho thật kỹ và còn nấu chín nữa, vi trùng gì vào lửa đốt, nước sôi cũng sẽ chết hết và cũng nên cắt bỏ mảng thịt ghẻ một ít, anh em đồng ý. Ở tù cả chục năm mới có một lần duy nhứt, được bò vàng cho tiền mua nai đồng quê mần thịt bồi dưỡng, quả thật ngàn năm một thuở. Tôi giữ 20 đồng, không lẽ mang tiền về trả lại quản giáo, coi không đặng chút nào hết. Tôi còn xin ông chủ bán cho thêm đồ phụ tùng tẫn liệm con cầy tơ này. Hơn nữa, ông chủ nhà bán được con chó ghẻ cũng mừng húm, ông cho chúng tôi nhiều gia vị, có cả cà ry, con mẽ, nước mắm và những phụ tùng linh tinh để chúng tôi hóa kiếp cho con cầy xấu số này sớm siêu thoát vào dạ dày. Ông chủ còn cho cái can nhỏ, ông đi mua giùm ba xi đế nào ngon nhứt ở xóm này. Con chó bị trói bốn chân lại, ông chủ còn cho một cái đòn, chúng tôi luân phiên khiên về trại cũng xế chiều, thông báo cho cán bộ biết, tiền còn dư, chúng tôi mua rượu...

Thú thật, ăn thịt chó đối với tôi không có sợ tội phước như nhiều người miền Nam nghĩ, tôi có nhiều người bạn thân gốc Bắc Kỳ chín nút ở vùng Tam Hà, Long Thạnh Mỹ - Thủ Đức thường đải tôi những món ăn thịt chó "bảy món', tôi chỉ ăn qua loa vài món, không mê như các bạn tôi. Nay có dịp, tôi muốn ăn lại món "mộc tồn" này coi có sướng cái miệng không? Nhưng cái kẹt, tôi đi mua chó ghẻ nên ăn cũng không mạnh miệng, ăn vài miếng và đưa cay vài hớp rượu đế cũng có cảm giác sướng tê gân. Không biết, tôi được ăn thịt chó có được may mắn không, chỉ vài ngày sau có tên được thả khỏi trại?

MẮM KHO CHÂU ĐỐC - Nói về ăn, tôi liên tưởng đến món ăn ngon của quê hương Châu Đốc thì rất nhiều, nhiều lắm với các món ăn về cá đồng. Về thịt thì có thịt bò xào lá dang (ngoại trừ tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo kiêng cử ăn thịt bò, trâu, chó...) với nước cốt dừa mà các tỉnh khác của đồng bắng sông Cửu Long ít có. Những món thịt đồng có nào rắn, rùa, chim. chuột... mà món ăn vang danh nhứt của quê hương Châu Đốc là mắm kho và các loại mắm. Cũng như các loại khô cá lăng phồng, cá lóc, cá sặc bổi cũng được du khách đi Châu Đốc viếng cảnh "năm non - bảy núi", Vía Bà Chúa Chúa Xứ Núi Sam...không thể nào quên mua các món ăn ngon độc đáo của Châu Đốc mang về làm quà tặng gia đình, bà con, bạn bè.

Trại tù K1 (hay K4) Tân Lập, có nhiều anh em gốc Châu Đốc ở nhiều đội trong các lán gần nhau thường lãnh xong phần ăn, quây quần bên nhau vừa nhai sắn vừa kể chuyện Châu Đốc cho nhau nghe. Đặc biệt là kể các món ăn ngon độc đáo của quê hương mình trong các bữa ăn chung chừng năm sáu người hay cả chục người vào những ngày nghỉ lao động. Trong trại tù gặp lại bạn bè đồng hương cùng lứa tuổi hay học cùng trường cùng thầy cô thì có nhiều chuyện để gợi nhớ quê hương kể cho nhau nghe, nhứt là những món ăn mà mình thích và nhiều người mê.Mắm Và Rau - Mắm Châu Đốc.jpg

Có một buổi ăn trưa, anh em ao ước nếu có mắm cá sặc kho của quê Châu Đốc thì chắc anh em vui lắm. Còn gì bằng, mọi người cùng khổ, cùng nhau thưởng thức món ăn ngon độc đáo như là đặc sản của Châu Đốc, chắc sướng lắm lắm! Cái ao uớc dễ thương đó đến tai bạn Vương Văn Trung (Thiếu tá thuộc Tiểu khu Châu Đốc) vừa có quà của vợ Trung gởi nuôi chồng, có một hủ mắm cá sặc và mắm thái. Trung nói với tôi là xin đóng góp hơn nửa chén mắm cá sặc để tôi kho cùng anh em Châu Đốc "chén" một bữa. Có người bạn khác cũng còn chừng một chục con mắm cá sặc cũng xin đóng góp. vài anh khác góp một ít gạo hay có cái gì như cá khô, tôm khô... cũng đóng vô "quỹ" cho một bữa ăn trong trại tù. Thế là "tài nguyên" mắm của tôi có hai nguồn cung cấp, được một chén mắm, tôi sẽ kho một nồi lớn cho khoảng 12 người bạn Châu Đốc cùng hòa điệu thưởng thức một nhịp sống quê hương về văn hóa ẩm thực Châu Đốc - mắm kho. Có bạn có "tay trong" làm ở nhà bếp mượn được 2 cái nồi và xin được nhiều nước muối pha loãng để tôi dùng trong việc kho mắm. Trong nhóm này, anh mười Đệ (Chánh Án) lớn nhứt sanh năm 1933, kế là tôi sanh năm 1935. Các bạn nhờ tôi làm "tổng khậu" - Chef cook, vì các bạn cùng tổ cùng đội biết tôi là "chuyên viên" kể các món ăn đồng quê trong đội cho đỡ buồn - trong khi các bạn khác kể chuyện "chưởng" (tôi kể các món ăn đồng quê trong trại tù là tiền đề cho tôi thai nghén viết nên tác phẩm Chuyện Đồng Quê, xuất bản tại Sacramento - CA năm 1999 - bán như tôm tươi - tiền lời thừa mua được một chiếc xe truck cũ, chưa quá 30,000 miles và mua computer, máy in chuẩn bị ra báo - bán nguyệt san Tiếng Vang).

Tôi xin mở ngoặc, tại sao, phải lựa chọn mắm để dành lâu mà không sợ hư thối, đắng, chua, lên men, mắm cá sặc để lâu được, vì không có trộn đu đủ như mắm thái (cá lóc thái mỏng hay xé ra). Còn mắm cá linh là loại mắm rẻ tiền nhứt lại để lâu không được thường bị "lên dầu" (mỡ) hôi, đắng hoặc chua vì cá linh mềm, có nhiều mỡ hơn cá sặc. Hơn nữa, mắm cá linh trong khâu kho mắm hay ăn sống không ngon bằng mắm cá sặc. Mắm cá linh khi có mốc xanh, hư thối ăn rất hại sức khỏe. Còn các loại cá lớn con như mắm cá lóc làm sao ăn từ từ phải có dao cắt, lại bất tiện đủ mọi bề và mắm cá lóc lại mắc gấp ba bốn lần hơn mắm cá sặc. Và các loại cá da trơn làm mắm cũng gặp trường hợp như cá linh không để lâu được. Tôi ao ước trong trại tù mà mỗi bữa ăn nếu có một con mắm cá sặc ăn với sắn, rau luộc cũng sướng như tiên "mắc đoạ" rồi - xin đóng cái ngoặc. 

Nhóm chúng tôi thường ăn chung có khoảng 5 người như: Chánh Án Nguyễn Văn Đệ - Tòa Hòa Giải (Sơ Thẩm Châu Đốc - định cư Orange County - CA)  - Hồ Thanh Chiếu (Đại úy - quê An Phú - hiện định cư ở Seatle - WA) - Nguyễn Văn Hoài (Thượng sĩ P2/TK Châu Đốc - hiện định cư ở Sacramento) - Võ Ngọc Xoàn (Trưởng P2 TK Châu Đốc - Thiếu tá Quận Trưởng), có một người bạn của Chiếu là Trần Thụy Anh (gốc Bắc di cư - Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng - hiện định cư ở Úc) và tôi (Thiếu tá Trưởng Phòng TLC Biệt Khu Thủ Đô)... Nhóm nhỏ này có lúc đông hơn hay ít hơn 5 người, vừa ăn vừa kể chuyện "đời xưa" của cái xứ mắm, nổi tiếng cả nước. Các loại mắm ở Châu Đốc đến thời điểm "chao đường" người ta dùng đường thốt nốt chảy (rẻ hơn đường thốt nốt thành tán, cục) màu sắc tự nhiên, có mùi thơm đặc biệt, ngọt thanh hơn các loại mắm làm ở Long Xuyên hay các nơi khác chao đường bằng "đường thùng" - đường chảy lấy ra từ cây mía.

Ngày vui đến, dịp gần cuối năm (trước sau năm 1980). Với óc tổ chức, kinh nghiệm trong nhiều lần cắm trại, ăn tập thể của học sinh, tôi nhờ nhiều anh lo giúp tìm củi khô dự trữ sẵn. Anh lo chặt vài cây chuối rừng chỉ lấy cái phần non bên trong về xắt làm gõi - "nộm" - anh hái rau rắp cá trộn gõi, có anh giúp gom những đóng góp của anh em... Cái món mắm kho độc đáo của anh em chúng tôi là chỉ có một chén mắm mà với cái nồi to nấu cho 12 người ăn, không có cà tím, không cần thịt cá gì hết, chỉ cần có thêm nước muối mới có đủ chất mặn để chang ăn ghém  chuối rừng. Tôi đứng bếp, kho cả tiếng cho xương cá tan biến cùng với nước đại dương. Người ta kho mắm phải lược bỏ xương mắm, còn anh em chúng tôi tận dụng xương mắm được coi như là thịt cá được kho chung với mắm. Khi tôi giở nắp nồi lên cũng có mùi mắm thoang thoảng cũng làm cho chúng tôi chảy nước miếng và hình ảnh thân thương của xứ mắm Châu Đốc hiển hiện trước mắt đến những người con xa xứ lạc loài bị đày ải nơi "đất khách quê người" - miền Bắc nghèo mạt này. Cái nồi mắm kho đủ chia cho mỗi người một chén nước muối lạt gọi là mắm kho với nước đại dương chang vào ghém ăn cũng ngon ra phết. Còn cơm thì cũng chia cho mỗi người cũng được một muỗng canh. Vừa có cơm, vừa có mắm kho ăn với ghém lõi chuối rừng cùng với sắn bữa ăn tiêu chuẩn cũng vui cũng sướng, đã như thường. Bây giờ, các món ăn ngon nhiều quá, nhưng, đều thua xa món mắm kho đại dương của đầu bếp Trần Văn Ngà ở trại tù Tân Lập, mới nhớ đời. Cả đời tôi chỉ có một lần duy nhứt, vô tiền khoán hậu, là người đứng nấu nồi mắm kho bất hủ không giống ai mà lại ngon tuyệt vời trên cả tuyệt vời. Đố ai học được cách nấu mắm kho nầy?

CHUYỆN ÂN TÌNH CỦA TÀI XẾ XE HÀNG & CÁC CHÁU Ở CÁC GA XE LỬA

Chuyển trại về Nam, khởi hành từ K5 Tân Lập Vĩnh Phú, có đến hàng trăm chiếc xe đi về ga Hà Nam Ninh, nghĩa là ra khỏi Hà Nội vì, số tù quá đông. Đoàn công voa chạy ngang qua Thủ đô Hà Nội của người ta, chúng tôi có dịp ngắm "Hà Nội 36 phố phường"  vào buổi chiều cuối xuân năm 1982 oi bức. Chúng tôi có dịp rửa mắt một thành phố buồn hiu vì dân cả Hà Nội ùn ùn tìm cách len lỏi vào miền Nam liên tục từ  ngày 30.4.1975, như người ta náo nức đi ra nước ngoài chiêm ngưỡng cái văn minh hào phóng giàu đep hơn miền Bắc. Đoàn xe chạy qua Hà Nội về đến ga Hà Nam, ra khỏi ga chừng vài cây số là làng quê cũng vào chiều tối, đoàn xe công voa dừng lại. Được lệnh xuống xe tải, vẫn hai người một còng, tôi bị còng chung với anh Thiếu tá cảnh sát, Chỉ huy trưởng Cảnh Sát quận Gò Dầu hay Trảng Bàng? (Tây Ninh), lớn tuổi hơn tôi. Chúng tôi cứ thoải mái ngồi dựa lưng vào ba lô đồ đoàng lỉnh kỉnh nghỉ ngơi. Từ sáng sớm 2 - 3 giờ, đến lúc đó ai cũng oải gân. Có lệnh loan báo, chúng tôi nghỉ ở đây, đợi tàu lửa ngừng đón mà không cần phải di chuyển đi đâu nữa. Chúng tôi còn gì moi ra ăn hết cho đở đói, còn khát có bi đong sẵn có nước tu một ngụm cũng đở lòng chiến sĩ thua cuộc.

Khoảng 11 giờ khuya, xe lửa ngừng lại, có lệnh đội nào lên toa số mấy có bò vàng súng ngắn, súng dài "hộ tống" đưa lên toa xe lửa. Bị còng một tay, một tay xách hành lý bước lên xe rất khó khăn. Hai tên bò vàng hộ tống đẩy chúng tôi bước lên, suýt té, chúi nhủi, vào ghế gỗ ngồi, từng cặp. Một người đi toilet thì người bạn ngồi ở ngoài, cửa toilet mở toang để cả hai cũng ngữi một thứ mùi thơm tho đặc biệt. Tôi không nhớ rõ, hình như còn có thêm 2 đêm nữa trên xe lửa, không kể đêm đầu mãi gần 2 giờ sáng tàu hỏa mới lăn bánh bỏ lại đất Bắc xã hội chủ nghĩa nghèo khổ buồn tênh.

Khi đoàn tàu về đến cầu Hiền Lương - Quảng Trị (vĩ tuyên 17 - chia cắt hai miền Nam Bắc). Dù mệt và quá buồn ngủ mà không chợp mắt được vì cái cùng khổ nghiệt ngã ở các trại tù miền Bắc đày đọa hành xác ác độc mà không chết, nay về đến "quê hương miền Nam" như chim xổ lồng, Con đường hầm tăm tối đau khổ, nay có ánh sáng lóe lên, không bỏ xác trên đất Bắc, mà không phải là hy vọng mà tự tin, chắc chắn tôi sẽ gặp lại gia đình. Mia ghim 1.jpg

Qua cầu Hiền Lương xuôi về ga Quảng Trị, đoàn tàu dừng lại nhận tiếp tế chừng hơn 10 phút, các em cháu bán bắp, khoai lang, đậu phộng nấu cũng như mía ghim, đến các cửa toa rao mời hành khách mua giúp. Chúng tôi làm gì có tiền để mua, dù đói meo, chỉ biết đưa tay bị còng lên báo cho các em cháu biết tù thuộc chế độ cũ. Các cháu không cần bán, cứ ném, thảy lên bắp, khoai, mía ghim cho chúng tôi đón bắt. Toa xe phía trước, có hàng mấy chục bò vàng theo áp tải tù, cũng gọi các em cháu ném mía ghim hay chuối cho chúng. Các con cháu của "ngụy quân ngụy quyền" thay vì thảy lên nhẹ từ trái chuối một, từ trái bắp hay gói đậu phộng, khoai lang lên còn  thông báo chúng tôi đón bắt. Khi bò vàng gọi các em cháu bán buôn đó, cũng ném lên mà không thông báo trước, ném cả khúc mía hay nửa nải chuối sống, ném mạnh trúng tên nào tên đó lãnh đủ, Mặc sức bò vàng la hét, văng tục mà chúng chẳng dám xuống xe. Tôi nghĩ nếu có tên nào ngu quá nhảy xuống, các em cháu sẽ ném hết cái gì các em có vào mặt, thân xác bò vàng, bỏ của chạy lấy người, thoát thân. Từ Quảng Tri về Nam, đoàn tàu còn dừng nhiều nhà ga lớn, cũng có cảnh bán buôn như ở ga Quảng Trị, Huế mà các con bò vàng lặng im không còn dám kêu gọi các em cháu bán lẻ ném thức ăn kể cả thuốc lá. Các em cháu thấy chúng tôi đưa tay bị còng lên và chúng reo hò, chúng "thảy" lên vài điếu để trong bao thuốc lá đàng hoàng. Còn các em cháu, thấy bò vàng là ném cả gạch đá nhỏ, trả thù dùm chúng tôi.

Đó mới biết sau 7 năm "phỏng giái - giải phóng", đồng bào và các em nhỏ ở miền Nam Việt Nam còn nhớ ơn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, dù nay bị ngã ngựa, các chiến sĩ năm xưa đó luôn có tinh thần vì dân, đặc biệt trận chiến Tết Mậu Thân  - 1968 ở Huế - mùa Hè đỏ lửa năm 1972 ở Quảng Trị...


Khi được thả ra khỏi trại tù Z30D - Hàm Tân (Rừng Lá), tôi không nhớ rõ, ngày cấp giấy ra trại chánh thức, nhưng chắc chắn một điều, tôi về đến Sài Gòn hơn 10 giờ tối. Tôi nghe anh xích lô nói, hôm nay đã có chợ Tết bán đêm qua ngày thứ hai rồi. Tôi nói anh làm ơn chở tôi đi vòng ra đường Nguyễn Huệ để thoáng nhìn chợ hoa, chợ Bến Thành và chạy thẳng về Cầu Chữ Y theo Đại lộ Trần Hưng Đạo, tôi sẽ thấy thêm cảnh họp chợ Tết ban đêm ở chợ Nancy thân thương của tôi từ lúc tôi mới lên Sài Gòn hoa lệ ở trọ nhà bạn gần chợ Nancy năm 1957, thử coi ra sao.?

Lần đầu được ra khỏi trại tù hắc ám, khổ sai ngoài Bắc chuyển về nhốt tiếp ở trại tù Z30D qua các cử chỉ hành động của các em cháu nhỏ đối với những người tù thua cuộc chúng tôi, các em cháu rất hào phóng. Dù gia đình nghèo khổ mà các em cháu dám biếu tặng hết những món hàng chúng bán góp nhặt tiền lời để có đủ tiền mua thực phẩm nuôi gia đình trong ngày. Cái cao đẹp của các em cháu dám hy sinh cả vốn lẫn lời giúp những người sa cơ thất thế, tôi miên man suy nghĩ, gia đình các cháu chắc phải chịu đói hay ăn cháo môt ngày để các cháu biểu hiện tình cảm chân phương ân nghĩa của giới bình dân, nghèo khổ.

Còn ngày ra trại tù Z30D, gặp chú tài xế ở độ tuổi trên dưới 30, có chút ít kinh nghiệm trường đời, có thu nhập khá hơn các em cháu nhỏ, thay vì sống ích kỹ. Qua lời nói, dù đêm tối, cháu cũng không sợ bị cướp chận đường mà vì tấm lòng vị tha bác ái, cháu ngừng xe lại cho bốn anh em chúng tôi về đến bến xe Miền Đông (Sài Gòn). Đây là những ân tình bất diệt của những người dân miền Nam đối với người chiến sĩ thua cuộc bị tù đày khổ sai từ Nam ra Bắc và trở về Nam.

Nếu các chiến sĩ hay quân dân cán chính từng phục vụ dưới chánh thể VNCH mà tàn độc như cán bộ của chế độ cộng sản, tôi tin chắc sẽ không có những cháu bé và chú tài xế giàu lòng nhân ái cứu giúp người thua cuộc như chúng tôi.

NGHỆ SĨ MINH CHÍ VUA "XÀNG XÊ" CHÀO MỪNG ĐẦU TIÊN NGƯỜI TÙ MỚI VỀ

Từ bến xe miền Đông, anh lái xe xích lô, theo lời yêu cầu của tôi, đưa tôi đi lòng vòng và đạp chầm chậm để tôi chiêm ngưỡng lại hình ảnh chợ Tết về đêm của Sài Gòn. Tôi hướng dẫn anh lái xe ngang qua số 15 đường Lê Lợi (góc đường Lê Lợi - Tự Do, bên kia đường Tự Do là trụ sở Quốc Hội Hạ Nghị Viện, bên phải là nhà hàng khách sạn Caravelle, bên trái có Continental. Tại khu vực này, ngoài hai nhà "hàng Tây" to sầm cực sang thời đó, còn có các nhà hàng nhỏ cũng thuộc loại "quý phái" như Givral - Broadard - La Pagode, quán cà phê thời danh ở góc đường Lê Thánh Tôn và Tự Do - nhà sách chuyên bán sách báo Pháp và ngoại quốc Portrail-tên Việt, Xuân Thu - pharmacie La Thành của dược sĩ La Thành Nghệ (có thời là Nghị Sĩ Thượng Viện - Quốc Hội. Trước năm 2000, Bác La Thành Nghệ định cư ở thành phố Stockton - đã qua đời trên 15 năm - cùng bàn bạc với chúng tôi ở Sacramento tổ chức khu an dưỡng người cao niên Việt (+Á Châu...) khoảng gần giữa xa lộ 99 - Sacramento-Stockton, bao gồm: nhà dưỡng lão, phòng khám bịnh, nghĩa trang... 

Khu vực này còn có Tòa Đô Chánh - rạp ciné sang nhất ở Sài Gòn là Rex - Trụ sở Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam - Trung Tâm Quốc Gia Báo Chí - khách sạn Catinat do người Việt làm chủ... Công việc làm của tôi tới lui như hàng ngày ở khu vực này trên 4 năm cho đến ngày 30.4.1975. Tôi có dịp ăn uống, dạo quanh khu vực nổi tiếng còn có tên là khu radio Catinat, nghĩa là nơi đây tung tin đủ thứ tin tức giựt gân thượng vàng hạ cám cái gì cũng có kể tin giã. Và là nơi tập trung ký giả quốc tế, quốc nội, tình báo quốc tế, tình báo cộng sản và của phe ta đều có hiện diện ở khu vực sang trọng này. Ngôi phố lầu đồ sộ ở số 15 Lê Lợi, là Trung Tâm Quốc Gia Báo Chí (sau chuyển qua đường Tự Do cũng ở gần đó) và văn phòng Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam. Ngang cửa văn phòng Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam có tượng đài sừng sững người chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiền QLVNCH đối diện với Trụ sở Hạ Viện. Xích lô chạy về đến đây, tôi vô cùng xúc động, nhớ lại bao kỷ niệm, có nhiều năm tôi có nhiệm vụ theo phát ngôn nhân Quân Đội (tôi làm phụ tá) họp báo hàng ngày sáng chiều tại Trung Tâm Quốc Gia Báo Chí. Có khoảng một năm, tôi đảm trách Trưởng Ban Điểm Báo Quốc Phòng của Khối Thông Tin & Giao Tế Dân Sự của Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Tri, cũng là thành viên của ủy ban kiểm duyệt các nhựt báo tại Trung Tâm Quốc Gia Báo Chí. (H: Cờ - biểu tượng nhựt báo Ashi Shimbun - năm 2010 mỗi ngày phát hành 8 triệu số - năm 2016 phát hành 6 triệu rưởi số - Nhật Bản có 3 tờ đại nhựt báo, trước năm 1975, tôi đều có cộng tác, mỗi tờ phát hành hàng ngày cả chục triệu số - Yomiuri Shimbun tờ báo lớn nhứt phát hành năm 2016 còn trên 9 triệu số. Tờ nhựt báo thứ ba là Mainichi Shimbun - ấn bản buổi sáng trên 3 triệu số - ấn bản buổi chiều trên 1.6 triệu, năm 2016 - trích trên Google).Cơ Asahi_Shinbun_Company.png

 

Cả một chuổi ngày dài, tôi thường có mặt ở khu vực này. Nay kỷ niệm xưa hiện về mà tôi đoán trước, ra khỏi nhà tù nhỏ, lại vào nhà tù lớn của cả nước. Tôi sẽ ít có dịp trở lại vì phải quần quật kiếm sống vất vả, đâu có cơ may trở lại đây nữa. Tôi còn nhớ rõ, cái hào khí "anh hùng tử - khí hùng bất tử" của Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long tự sát trước tượng đài Thủy Quân Lục Chiến đúng sáng sớm ngày 30.4.1975 trong lúc tôi đang đi đến văn  phòng nhựt báo Nhật Bản Asahi Shimbun thay bỏ quân phục, cởi giày nhà binh và súng colt 45, tôi ném vào thùng rác to của khu vực này, chú tài xế lái xe đi, bỏ chiếc xe jeep ở đâu đó rồi cũng chuồn về nhà. 

Vào văn phòng Asahi nằm nghỉ một chút lấy sức vì cả đêm 29.4.1975, tôi ở trong trại Lê Văn Duyệt - Biệt Khu Thủ Đô lo tiếp tế thực phẩm cho các chiến sĩ từ Biên Hòa rút quân về đây. Từ tối 28 và ngày 29.4, Tổng Cục CTCT, Trung Tướng Trần Văn Trung gọi cho tôi biết, Tổng Cục sẽ cho cho tôi 3 xe GMC thực phẩm dự trữ trợ giúp các đơn vị chạy về tăng cường phòng thủ cho Biệt Khu Thủ Đô...

Xích lô chạy ngang nhà ông bố vợ tôi gần nhà hàng Kim Sơn, ngang qua rạp Đại Nam, rạp cải lương Nguyễn Văn Hảo và chạy đến chợ Nancy. Tôi như sống lại thời vang bóng năm xưa mà ngậm ngùi nuối tiếc khôn nguôi.! Đến đầu cầu chữ Y, nhánh lò heo Chánh Hưng, tôi dặn kỹ anh lái xe, vừa xuống dốc, cái hẻm đầu tiên bên trái, xe dừng lại trước quán cà phê trên mặt tiền, nhà tôi ở phía dưới sát bờ sông, cách quán cà phê chừng mười lăm mét.

Xe dừng lại, anh năm Minh Chí nói lớn Thiếu Tá Ngà được thả về rồi, gia đình chúng tôi còn thức nghe tiếng anh Minh Chí, cả gia đình lật đật chạy lên đường Hưng Phú đón "chàng về dinh"  tử địa ngục lao tù. Tôi nói gia đình mang tiền lên trả anh lái xích lô, tôi cám ơn anh và tặng thêm tiền típ.

Khu tôi ở, có nghệ sĩ vang bóng một thời là Minh Chí cùng với nghệ sĩ thời danh Việt Hùng, một cặp bài trùng có một thời lập gánh hát Cải lương thuộc đại bang Minh Chí-Việt Hùng. Nghệ sĩ Minh Chí ở sát cạnh nhà tôi, chỉ cách một đường nhỏ vào nhà chưa tới hai thước. Nghệ sĩ Minh Chí được giới nghệ sĩ phong tặng là Vua Xàng Xê vì anh ca bản xàng xê luyến lái tuyệt vời. Chúng ta từng nghe Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn - Nữ hoàng Cải Lương Thanh Nga - Cải lương chi bảo Bạch Tuyết - vua hát nhạc kích động Hùng Cường - Mai Lệ Huyền... Anh năm Minh Chí người ta còn nhớ tên vì có cái đặc biệt là lấy cả mẹ và con gái riêng của bà làm vợ ở chung một nhà. Bà vợ chánh là đào Ánh Nguyệt, bà bị lao phổi mất tại xóm tôi. Nghệ sĩ Minh Chí đã "vớt" luôn nghệ sĩ Ánh Hoa (16 tuổi - Nghệ sĩ Ánh Hoa mới qua đời 1.11.2020 ở quận 7 Sài Gòn) con riêng trước đó của Ánh Nguyệt, hai mẹ con cùng chung một chồng, ở chung một nhà, đều có con. Ở khu đầu cầu chữ Y này còn có nghệ sĩ Hà Cẩm Thu (kịch nói), bên ban phát thanh truyền hình ngành cảnh sát, nhà ở dưới gầm cầu chữ Y. Vợ chồng Hà Cẩm Thu đều thuộc ngành cảnh sát. Nghe nói sau này, Hà Cẩm Thu cũng khá nổi tiếng về thơ văn ở Sài Gòn. Cả xóm hẻm 1/2A... đường Hưng Phú đổ xô lại bu quanh chúc mừng tôi, hỏi han đủ thứ, bà con mừng tôi trở về xóm cũ mà vẫn còn lành lặn khỏe mạnh. Khu hẻm này xe hơi chạy vào được, chưa tới ba mươi căn nhà, mọi người đều thân quen nhau, có nhiều thiện cảm với gia đình chúng tôi từ trước ngày 30.4.1975 và 10 năm sau vẫn giữ tình nghĩa như cũ... 

(Trích tập Hồi Ký Công Tử Nhà Quê Bà Bài, sẽ xuất bản cuối năm 2020 - dày gần 600 trang) Anh Phương Trần Văn Ngà (26.10.2020).

PHẦN HAI


GIA ĐÌNH SUM HỌP ĐẦU TIÊN THÁNG 1/1985

Khi tôi đi tắm trút bỏ "bụi trần" bà xã nấu vội một nồi cháo trắng ăn với khô cá sặc nướng mà tôi thích, chuyện vãn đến gần 1 giờ sáng, các con đã đi ngủ rồi vì sáng còn phải đi học. Bà xã tôi thu dọn rửa chén xong, chúng tôi cũng đi ngủ, bốn năm giờ sáng bà xã thức dậy nấu cơm và hâm nóng thức ăn để các con ăn sáng và còn mang theo ăn trưa ở trong trường học. Tôi ngủ tiếp cho đến khi các con tôi thu xếp sách vở đi học, tôi mới thức, lo vệ sinh cá nhân và tắm thật kỹ trút hết những "trần ai" của nhà tù. Dù tối qua, trước khi đi ngủ, tôi cũng có tắm, nhưng nước lạnh, tôi không dám tắm lâu chỉ tắm đủ xóa bỏ bụi bặm của trường đời mười năm lao lý khổ sai. Và về đến nhà cùng ở chung với gia đình còn bị quản chế thêm năm năm nữa mới được trả quyền công dân. Đó là hình thức ở tù tại gia, không được ra khỏi Sài Gòn, đặc biệt công an phường và tổ dân phố cứ hỏi thăm dò, coi ban đêm tôi có đi ngủ ở chỗ khác không?...

Cả ngày hôm sau, ở nhà một mình ngơi nghỉ và chỉ có nấu một nồi cơm ăn cả ngày, còn thức ăn bà xã đã nấu trước hết rồi. Tôi soạn cái ba lô từ trại tù mang về, đem tất cả cái gì rửa giặt được cho hết vào cái thau lớn nấu nồi nước sôi đổ vào cùng vài muỗng xà bông ngâm đến trưa, tôi mới giặt vì nếu có rệp trú ẩn trong đó sẽ chết hết. Vừa làm lặt vặt vừa quét và lau nhà cho có mồ hôi để tắm gội thêm một lần nữa, gội đầu bằng xà bông thơm, tay chân thân thể kỳ cọ thật kỹ, lấy bộ pyjama còn khá mới, bộ đồ ngủ này được về hưu gần suốt mười năm, nay mặc vào, tự tôi thấy đã thay đổi thành con người mới. Có dịp sau gần mười năm nhìn vào kiếng ở vào cái tuổi ông bà mình nói: ngũ thập tri thiên mạng, tóc chưa bạc chỉ mốc thếch không được bóng mượt chăm sóc như xưa. Còn da bị nhiễm phong sương mưa nắng sần sùi, những vết thẹo ghẻ chốc còn in sâu đậm ở hai chân, còn cái mông vì tôi không thấy và đoán chắc các cái thẹo to nhỏ như cái rổ đều khắp cả cái mông vì tôi bị ghẻ liên tiếp ba bốn năm. Nhờ tôi có tối kiến không phải sáng kiến, đi tắm ở ao xả của trại K1 Tân Lập bơi ra xa để cho cá lòng tong xơi mày ghẻ cũng như mủ máu, đau tới mây xanh, tôi làm lang băm cho cá lòng tong đớp hết chất bổ mắc dịch đó để cho đám bò vàng trại đến câu cá ăn thêm bổ. Lên bờ, tôi lấy một ít nước muối mang theo, đổ vào bàn tay, rồi mình tự xoa mông mình cũng đã làm sao, nó đau nó rát, mặc kệ. Sau đó,tôi xoa thêm nước muối vài lần nữa, thế là các mụn ghẻ ở cái mông lại hết cho đến bây giờ mới là tài!!! Nhìn vào gương, thấy da mình chỉ sạm nắng nhiều có vẽ từng trải chịu đựng với thời tiết khí hậu của cả hai miền Nam Bắc và đặc biệt vùng sơn cước, rừng núi...làm lớp da như dày thêm lên - "no xì ta que" - không sao đâu!

Trong tủ quân áo và chỗ để giày, tôi kiểm điểm lại thấy còn nguyên vẹn, chỉ còn thiếu quân phục vì tối ngày 30.4.1975, chúng tôi đã ném sạch xuống sông tất cả cái gì có liên quan đến nhà binh, kể cả một khẩu súng M16, một cây carbine M2 cùng nhiều băng đạn rời và hình ảnh có đeo lon lá, tôi cũng gởi tặng hết cho bà thủy xài đở.

HAI CÂY CỔ THỤ LÀNG BÁO MIỀN NAM: NGUYỄN KIÊN GIANG & AN KHÊ

Trong Quân đội tôi có ám số chuyên nghiệp: chiến tranh chánh trị - sĩ quan thông tin báo chí - tâm lý chiến...Sau mưòi năm từng trải qua nhiều nhà tù từ Nam ra Bắc và trở về Nam, được CSBV cấp bằng "tiến sĩ tù cải tạo" đuổi ra khỏi trường đại học cải tạo. Nay trở về sống với gia đình, được bà xã cấp cho ám số chuyên nghiệp mới là "nội trợ" và ra chợ trời "hụ hợ" với bà xã buôn bán quần áo mới cho giới lao động, bình dân (không phải mua bán quần áo cũ). Dù bán bên lề đường, che bạt trông nhếch nhác mà phải đóng thuế và còn bắt buộc vào hợp tác xã do Ban Quản lý Chợ An Đông kiểm soát...Gọi là buôn bán chợ trời tại khu vực chợ An Đông, các sạp bán buôn chiếm nửa phần con đường ngắn từ đường Hồng Bàng sang Hùng Vương, bên trái là cửa hông chợ An Đông, bên phải là tường ngăn cách, có hồ bơi An Đông bên trong. Sau mấy ngày, tôi nghỉ ngơi và đi chợ Nancy mua thức ăn về, cũng trổ tài tù lo nấu, chế biến thức ăn, đa phần là rau muống vì là loại rau loại rẻ nhứt ở chợ Nancy, tiền chỉ đủ mua cá biển, còn cá đồng và thịt thì lại đắt hơn. Cứ bổn cũ soạn lại, chỉ mua bao nhiêu thứ đó, nấu các món ăn bình dân nhà quê mà tôi còn nhớ. Các món ăn không thay đổi, rau muống không lặt từng cọng như người nội trợ khác, tôi để từng bó, cắt một nhát dao là xong, chỉ bỏ phần rau quá già, lấy ra lá úa và rác xen trong rau ném bỏ. Rau rửa sạch nấu canh, luộc hay xào với một ít tóp mỡ là có món ăn "thượng hạng" (dở) ăn hoài cũng chán. Các con tôi không dám chê Ba nấu dở mà chỉ tâm sự với mẹ chúng, Ba làm món rau muống còn nhiều phần rau già, chắc Ba quen cách làm rau muống trong trại tù, hơi đâu mà lặt từng cọng?. Trong nhà tù, tôi đâu có diễm phúc được làm ở nhà bếp, dù cực mà không đói thường trực như những người tù đi lao động ngoài trời. Thế là tôi mất dốp đi chợ. Mỗi sáng chừng 9 - 10 giờ, tôi đi chợ An Đồng bằng xe con điếc đặc, mang giỏ theo. ngồi giữ sạp và tập tành buôn bán. Bà xã mua các thức ăn gì và còn căn dặn nấu món chi, cứ y chang bài bản của bà xã chỉ mà làm phận sự của thân trai "mười ba bến nước". Người phụ nữ có mười hai bến nước còn liền ông ở tù mới ra có thêm cái nghề bất như ý là lau quét nhà và nội trợ các cái, cũng như bên Mỹ, đàn ông có bến nước 13 là rửa chén.

Dù là tù mới được thả, đạp xe cọc cạch, xách giỏ đi chợ cũng ăn mặc đàng hoàng, áo bỏ vô thùng, đi giày da đánh bóng, đầu cũng chải láng chỉ thiếu brillantine cho thêm láng mướt. Những người bình dân buôn bán trông thấy người đàn ông đứng tuổi, áo bỏ trong quần đi giày đàng hoàng thì người ta biết là mấy "ông cải tạo" mới về. Còn cán bộ, cấp cao hay cấp thấp, là kẻ thắng cuộc mà chưa biết cách thức diện lịch sự văn minh của người miền Nam - bỏ áo vào trong quần, đi giày không đi giép lẹp xẹp, có thơ rằng:

"Đôi giép râu dẫm nát đời son trẻ  

Nón tai bè che khuất nẽo tương lai"

Lúc bấy giờ, giới đàn ông, cách ăn mặc thời thượng, áo để ngoài quần, vạt áo phất phơ theo làn gió, đầu đội nón cối, chân mang đôi giép râu, lưng đeo sắc cốt cho rằng là oai phong liệt liệt...

Mỗi ngày, nhiệm vụ cao cả của người đàn ông mới "nhập thế" sau mười năm tu luyện ở vùng thâm sơn cùng cốc Sơn La - Yên Bái - Vĩnh Phú - Rừng Lá...Tôi sử dụng chiếc xe điếc cà tàng, chốc chốc lại ngừng, máng lại dây sên, cũng lái xe lang thang thăm lại bạn bè xưa, nhứt là các ông thầy làm báo và ký giả năm xưa. Trên đường An Dương Vương hay Hồng Bàng, đang chạy xe, nghe có tiếng gọi giật ngược trước tiệm ăn hủ tiếu Nam Vang, gọi tên tôi bảo dừng xe lại. Tôi nhìn kỹ, té ra anh chị hai Nguyễn Kiên Giang (tên khai sanh Lý Thanh Cần) cùng đi với vài ba người đàn ông nữa, tuổi cũng sồn sồn rồi, đang lấy thẻ gởi xe, tôi dừng xe lại. Anh chị hai mời tôi vào ăn hủ tiếu Nam Vang (Sài Gòn nổi tiếng tiệm hủ tiếu Nam Vang Thanh Xuân ở gần Bộ Công Chánh). Từ ngày ra tù đến lúc bấy giờ, tôi chưa có dịp ăn lại món hủ tiếu mà tôi mê thích. Hủ tiếu Nam Vang hay món hủ tiếu Mỹ Tho ở vùng "ngã tư quốc tế", gần rạp cải lương Nguyễn Văn Hảo của bà chủ "có da có thịt" xổ sữa. Anh Nguyễn Kiên Giang là Chủ tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt mà tôi là thành viên của Nghiệp đoàn này từ thập niên 60. Và sau ngày Quốc Hận 20.7.1954 có thêm Nghiệp Đoàn Ký Gỉa thứ hai, sau cuộc di cư vĩ đại từ miền Bắc vào Nam - Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam do giới nhà báo gốc Bắc di cư sáng lập (nhà văn Thanh Thương Hoàng - hiện định cư San Jose, giữ chức Chủ tịch thứ hai và kế tiếp là nhà báo Thái Dương khi tôi gặp lại anh Thái Dương, đã cộng tác với nhựt báo Cấp Tiến của ông bầu Ưng - cùng gốc giá sống (tôi cũng đã gia nhập nghiệp đoàn này từ đầu năm 1970) - thành đôi bạn vong niên thân thiết - Anh Thái Dương (sanh 1928), Chủ tịch Nghiệp đoàn Ký Giả VN cho đến ngày 30.4.1975 . Và nhà báo Tô Ngọc - cùng cộng tác với tôi chủ trương in ấn bán nguyệt san Tiếng Vang Sacramento - Tô Ngọc làm Tổng Thơ Ký Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam thời anh Thái Dương làm Chủ Tịch và trước đó, thời chủ tịch Thanh Thương Hoàng, Tô Ngọc là Thủ quỹ). Anh Hai Nguyễn Kiên Giang, chủ nhiệm nhựt báo, Chủ tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt... (không phải nhà thơ & soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà mà nhiều người thường lẫn lộn vì cả hai có cùng gốc Kiên Giang).

Trong lúc chờ đợi hủ tiếu mang đến, anh chị Hai hỏi tôi ra tù hồi nào và gia đình ra sao...tôi có ở tù chung, cùng lán với anh hai Nguyễn Kiên Giang ở trại tù K1 Tân Lập vài tuần, anh Nguyễn Kiên Giang chuyển đi nơi khác và sau đó được thả ra tù khoảng sau năm 1980. Đám tang anh Nguyễn Kiên Giang khoảng gần cuối năm 1985, tôi đi tiển đưa và dự lễ cầu siêu tại chùa Linh Sơn đường Cô Bắc (Anh Nguyễn Kiên Giang lớn hơn tôi trên dưới 10 tuổi). Anh Nguyễn Kiên Giang mà anh em chúng tôi vào nghề viết báo, vào Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt thường gọi là anh Hai vì anh lớn tuổi, lão làng trong làng cùng thời với Nam Đình, Trần Tấn Quốc, Nguyễn Ang Ca...Tờ nhựt báo anh Hai làm chủ nhiệm có tên là Thời Đại (?) phát hành cũng khiêm nhường. Anh còn được bầu vào chức Hội Trưởng trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký và Chủ tịch phong trảo (đảng) Phục Hưng Miền Nam...

Cũng trên đường đi từ nhà ở Cầu Chữ Y đến chợ An Đông, tôi biết được địa chỉ quán ăn và cũng là địa chỉ nhà của nhà văn cựu chủ nhiệm Nhựt Báo Miền Tây (toà soạn tại Cần Thơ - tờ nhựt báo đầu tiên, lịch sử của làng báo Miền Nam ở miền Tây) An Khê Nguyễn Bính Thinh. Tôi ghé thăm anh An Khê ở trên đường - một đầu đường đụng Nguyễn Trãi (có bán hoa cây kiểng, không phải bán hoa ở hotel) - một đầu giáp với đại lộ Hùng Vương - có bến xe Miền Tây cũ, chênh chếch đối diện với hảng sản xuất thuốc lá Bastos (hay Mélia?) - Anh chị An Khê niềm nở chào đón và thăm hỏi tôi và gia đình, anh cho biết chuẩn bị xuất cảnh sang Pháp. Dù tiệm ăn của anh cũng khá nổi tiếng, khấm khá, đành đóng cửa và sẽ bán, thu dọn để sang Pháp định cư ở vùng ngoại ô thành phố Marseille. Anh mời tôi trưa mai ghé nhà anh ăn cơm do anh đứng bếp, tôi biêt anh An Khê chỉ còn sử dụng có mấy ngón tay, một tay hoàn toàn bị tàn phế. Anh lái xe ô tô một tay, đánh máy chữ có mấy ngón mà lúc cao điểm nhứt, anh viết truyện tình cảm qua hình thức feuilleton, viết hàng ngày đăng các báo, đến 13 tiểu thuyết khác nhau, vô địch viết feuileton trong làng văn, làng báo thời bấy giờ. Người thứ hai là nhà văn nổi tiếng Bình Nguyên Lộc, lành lặn mà chỉ viết  tối đa là 12 truyện đăng báo hàng ngày. Đây là chuyện khó tin mà có thật, chúng ta viết hai ba truyện một ngày mà truyện này lộn qua truyện kia, nhứt là tên các nhân vật trong truyện này "xọ" qua truyện khác.... Nhà văn An Khê, có biệt tài viết văn kể như là vô địch ở Việt Nam, cho nên thu nhập lúc cao điểm mỗi tháng mấy trăm ngàn (trong lúc tôi lãnh lương Quân Đội chỉ khoảng sáu ngàn). Anh An Khê bỏ bạc triệu phát hành nhựt báo Miền Tây và lỗ mất vốn mà anh còn mua được nhà lầu, xe hơi. Sau cuộc đổi đời năm 1975, anh mở tiệm ăn khá sang trọng thời bấy giờ, chuyên bán thức ăn đặc sản của miền Tây. 

Khi tôi phục vụ tại Vùng IV Chiến Thuật ở Cần Thơ (trước sau năm 1965), trong trách nhiệm về truyền thông báo chí nên tôi có cơ hội giúp anh An Khê. Anh có người em vợ, gốc giáo viên thi hành lệnh nhập ngũ, lại làm việc dưới quyền tôi - anh Đinh Quang Mẫn cũng là nhà báo chuyên viết cho các báo Xuân ở Sài Gòn. Tết Nguyên Đán năm con gì thì viết những chuyện liên quan đến con vật đó trong 12 con giáp đã xảy ra trong lịch sử VN từ xa xưa cho đến cận đại, tôi chưa thấy ai viết chữ bằng tay mà đẹp như anh Mẫn mà lại viết nhanh. Gia đình anh Mẫn kể cả gia đình vợ anh An Khê ở quận lỵ Cái Vồn (tổng hành dinh của tướng Năm Lửa Trần Văn Soái - lực lượng giáo phái Hòa Hảo - đặt ở đây, thuộc Cần Thơ - sau này, quận Cái Vồn thuộc tỉnh Vĩnh Long gọi là quận Bình Minh). Tôi gặp anh An Khê như sống lại thời vàng son của tôi ở Cần Thơ cũng như thời gian cực thịnh chiến thắng nối tiếp nhau tại khắp các mặt trận Vùng IV Chiến Thuật, từ Mỹ Tho (Định Tường) cho đến mũi Cà Mau (An Xuyên) - 16 tỉnh của miền Tây. Tờ nhựt báo Miền Tây được Trung Tướng Đặng Văn Quang khuyến khích. Lúc bấy giờ anh An Khê phải viết cho các nhựt báo ở Sài Gòn. Tại mỗi tòa soạn, anh đánh máy vài trang đủ in một số báo, lái  xe đến báo khác... Anh cũng có viết trước trong đêm cho một số báo và chỉ ghé qua đưa bài thì dzọt liền. Mỗi tờ báo ở tối đa 30 phút, cho đến hai ba giờ trưa, kể như xong nhiệm vụ cho một ngày bận rộn. 

Là Chủ nhiệm của một nhựt báo, nên hay phải có mặt thường xuyên tại tòa soạn để trông nom, kiểm soát mọi chuyện , đàng này anh An Khê bận viết truyện ở Sài Gòn cứ khoán trắng cho Ban Biên Tập. Tổng Thư Ký tòa soạn là anh Tyca, sau 30.4.1975, cả hai vợ chồng lộ nguyên hình là làm tình báo cho VC, được đeo lon trung úy hay thượng úy công an... trưởng công an Phường còn chị Ty Ca trung úy công an giữ an ninh tại văn phòng xuất nhập cảnh ở đường Nguyễn Du. Làm việc được vài năm bị cho về vườn khi miền Bắc đưa vào cán bộ công an trẻ...Anh Ty Ca rất hiền, có tài làm báo. Ký giả Cao Trần là em ruột của ký giả Lê Hiền chủ nhiệm nhựt báo Bút Thép, thư ký trang trong. Phụ trách trang thơ kịch trường cho nhựt báo Miền Tây có thi sĩ & soạn giả Kiên Giang (Hà Huy Hà) - trang văn học có nhà văn Nguyễn Ngọc Mẫn phụ trách. Hai phóng viên nòng cốt: Mai Thế Yên - Nguyễn Thiếu Nhẫn (hiện định cư ở San Jose, cũng làm báo, Nguyễn Thiếu Nhẫn có bút hiệu khác là Lão Mốc) - Còn Mai Thế Yên có con gái bảo lãnh sang Mỹ ở một thời gian, hai vợ chồng có nhà cửa khang trang ở gần đường Phạm Thế Hiển, quận 8. Nay trở về sống với tuổi già ở quê nhà. Nhóm nhựt báo Miền Tây năm xưa đã rủ nhau về bên kia thế giới khá nhiều. Những người còn sống hiện nay, có Nguyễn Thiếu Nhẫn - Mai Thế Yên - tôi và Cao Trần (Cao Minh Chữ, tuổi chưa tới 80 không biết sống chết ra sao?). Trong những tháng cuối cùng, trước khi tờ nhựt báo Miền Tây đóng cửa, tôi nhảy vào giúp sức viết thêm một loạt phóng sự  "Mắm Châu Đốc - Lụa Tân Châu" không lấy tiền nhuận bút và trước đó cung cấp tin tức chiến sự và phóng sự chiến trường cũng không nhận tiền nhuận bút vì tôi muốn tờ báo này sống. Chi phí quá nhiều bị lổ, nào phải thuê tòa soạn, mua dàn máy in với ê kíp sắp chữ, in báo, từ Sài Gòn đưa xuống mà chỉ có công việc in một nhựt báo nên chi phí cao và cái khâu phân phối báo rất tệ, một tờ báo mà phân phối hết 16 tỉnh quá nhiều tốn kém. Còn ở Sài Gòn mấy chục tờ báo, có một đại lý tổng phát hành trên toàn quốc nên giá thành từng tờ báo thấp. Tôi nghĩ tờ nhựt báo Miền Tây chết là do chính quyền không mua ủng hộ cũng như nói giúp chỉ nói suôn, không ủng hộ cụ thể...

Tôi gặp lại đàn anh An Khê mà tôi rất trân trọng quý mến, anh rất hiền lành, dễ mến. Anh An Khê lại là một phế binh từng là Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng một tiểu đoàn Bộ Binh của Quân Đội Quốc Gia, đầu thập niên 50, di chuyển hành quân bằng đường xe lửa bị VC phục kích tấn công ở đèo An Khê - Vùng II Chiến Thuật, nhiều toa xe bị cháy, anh An Khê bị cháy phỏng cả thân thể, quân Việt Minh tưởng anh chết nên không bắt làm tù binh. Vì bị thương tật nặng thành phế binh nên anh được giải ngũ. Trở về đời sống dân sự, anh chuyển qua nghề viết văn và người bạn thâm giao là nhà văn Bình Nguyên Lộc chọn bút hiệu cho anh Nguyễn Bính Thinh là An Khê, để nhớ lại chiến trận bị phục kích ở đèo An Khê.

An Khê Nguyễn Bính Thinh, cha là Bác sĩ, quê anh ở Rạch Gía, quê vợ ở Cái Vồn. An Khê Nguyễn Bính Thinh sanh 1.9.1923 tại Sa Đéc, lớn lên ở Kiên Giang và anh qua đời ở ngoại ô Marseille 9.11.1994 - 71 tuổi. Nhà văn nhà báo An Khê để lại cho đời hàng trăm tác phẩm và nhiều tác phẩm được viết, sáng tác thành tân nhạc, tuồng cải lương, thành phim .. Xin mời độc giả lên Google tìm xem nhà văn An Khê, một trong những cây viết tiểu thuyết có nhiều tác phẩm nhứt, lừng danh của miền Nam Việt Nam.

Tôi cũng gốc Miền Tây như anh An Khê, anh đãi tôi một bữa cơm rất thịnh soạn và có thể nói là sang nhứt sau ngày tôi được thả ra hỏi trại tù cộng sản. Với bốn món đặc chất Nam Kỳ Lục Tỉnh: lươn nấu canh chua với bắp chuối hột - cá trê chiên ăn với nước mắm gừng - cá rô mề kho tộ và cá lóc hấp cuốn bánh tráng. Bữa ăn trưa hôm đó, anh nói anh chị muốn đải chú một bữa và chưa biết ngày nào anh chị rời khỏi Việt Nam, anh em mình khó gặp lại nhau nữa. Đây cũng là bữa ăn cuối cùng như bữa ăn "vĩnh  biệt", tôi không còn gặp lại anh An Khê. Thức ăn ê hề như vậy mà chỉ có ba người ăn, anh chị An Khê và tôi.

GẶP LẠI NGƯỜI BẠN NĂM XƯA THEO VC BỊ RA RÌA - PHẠM DUY TỊNH

Trên đường đi từ chợ An Đông trở về nhà, tôi thường đi nhiều ngã để muốn ôn nhớ lại dĩ vãng xa xưa, tôi đạp ngang một khu phố lầu gần đến hảng thuốc lá Bastos, chợt thấy một người bạn học cùng lớp, 4 năm liên tiếp trung học ở Collège de Chaudoc - Phạm Duy Tịnh từng đi dạy tiểu học như tôi rồì anh thoát ly vào bưng theo VC. Nay tình cờ gặp lại vợ chồng anh vừa dừng xe Honda lại trước nhà lầu (hai hay ba tầng) còn mới. Tôi ngừng xe lại hỏi bạn Tịnh còn nhớ tôi không? Tịnh nói, sao mà hổng nhớ, hai ông bà vồn vã mời tôi vô nhà chơi. Tôi nghe tên biết tiếng Tịnh, sau này 30.4.1975, anh về làm việc ở Long Xuyên (gọi là tỉnh An Giang) có một thời gian Tịnh được bố trí làm Chủ Tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh An Giang. Tịnh cũng biết tôi là sĩ quan đi "học tập cải tạo" mới về. Vào phòng khách, chúng tôi hỏi thăm sức khỏe nhau, Tịnh nói thấp giọng xuống, có lẽ không muốn cho vợ nghe, tao bị ra rìa nên về sống ở đây với bà xã. Tế nhị, tôi biết có vậy thôi. Chị Tịnh mang ra nước trà và bánh ngọt ân cần mời tôi. Có vợ ngồi cạnh bên, Tịnh mới kể lại mối tình muộn của hai người, vợ Tịnh du học bên Pháp - Tiến sĩ Hóa Học, về nước dạy đại học và có mở phòng lab riêng...Thời cuộc đổi thay, với chế độ mới chị tiếp tục dạy hóa học ở đại học, thuộc loại vieille fille (gái già), còn độc thân, tuổi cũng xấp xỉ với Tịnh, với tôi, có chân trong Ban Chấp Hành Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Sài Gòn được cử đi dự đại hội ở trung ương Hà Nội và gặp Phạm Duy Tịnh từ An Giang ra họp. Một người gái già, lở thời, một ông, vợ có chồng khác vì vào bưng để vợ cô đơn. Hai tâm hồn lớn gặp nhau và thời gian sau hai người chánh thức lấy nhau, cũng là lúc tình đẹp duyên ưa, Tịnh không còn giữ chức vụ Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc nữa, bị "hạ tầng công tác" chuyên qua công việc khác và vì thế Tịnh như sống chánh thức ở Sài Gòn được vợ nuôi - Tiến sĩ Hóa học Nguyễn Ngọc Sương - con nhà giàu (cha là Đốc Phủ Sứ cho con du học Pháp), Nay ở nhà cao cửa rộng một mình nên ruớc chàng về dinh để nàng sửa túi nâng khăn và nâng các cái.

Tôi gặp lại Tịnh với hoàn cảnh như vậy. Sáng sớm tôi đạp xe con điếc, đèo bà xã ra chợ An Đông, phụ dọn sạp trưng bày quần áo xong, bà xã đi chợ mua thức ăn, tôi giữ sạp. Sau đó tôi đạp xe về nhà lo làm bếp cũng nhàn hạ, có dịp đọc nhiều sách báo của VC cũng chán, nhưng, ngày nào cũng đọc như là văn ôn - võ luyện vậy. Tôi thường đạp xe ngang nhà ông bà Tịnh Sương, khi nào gặp hai người ở trước nhà, tôi ghé chơi và cũng vì thế, chúng tôi cũng quên giới tuyến quốc cộng "không đội trời chung", chỉ còn biết là bạn học mà thôi. Chị Sương thường ngõ ý mời tôi đến ăn cơm với hai ông bà vì Tịnh thích uống rượu mà không có người đối ẩm cũng buồn. Và chị Sương cũng không thích bạn của Tịnh toàn giép râu "ngô ngố" thế nào.! Nay gặp bạn dù đi xe điếc vẫn mang giày da đàng hoàng, áo cho vô thùng, Tịnh cũng với gốc thầy giáo, ăn diện y chang như tôi vậy, không để áo phất phơ ra ngoài quần, không đi giép lẹp xẹp. Có lẽ chị Sương thấy tôi còn hơi hám chế độ cũ qua cách ăn mặc như chồng chị nên chị có cám tình, thật lòng mời tôi ăn cơm khi nào có những món ngon được biếu xén từ quê của chị hay của quê hương Châu Đốc. Chị Sương vốn gốc nhà giàu, nhưng thường sống tự lập một mình khi đi du học hay về dạy học ở Sài Gòn, dù có chị bếp giúp việc mà các món ăn đải khách chính chi nấu, khá ngon, nêm nếm hợp với khẩu vị. Tôi vốn là người thích ăn nhà hàng khi còn đi dạy học. Đọc báo thấy có nhà hàng mới, khai trương là tôi đến ăn ngày bán đầu tiên. Lúc bấy giờ, dạy học có tiền mà chưa có bồ, có xe lambretta mới toanh cứ xoành xoạch đi ăn nhà hàng một mình mới dễ sợ đó! Nghe Tịnh qua đời cách đây cũng khá lâu, tôi đoán bạn tôi bị sơ gan? vì gương mặt lúc gặp tôi cũng hơi sậm và mét và thêm bất mãn, uống rượu nhiều nữa. Tịnh cùng quê Châu Đốc với tôi, có cha là cựu quân nhân thời Pháp thuộc (hình như Thượng sĩ). Nổi hứng hay bị dụ dỗ theo VC, sau 30.4.1975 về thành được một thời gian,VC ban cho chức Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh An Giang. Có lẽ, Tịnh bị xét lại lý lịch ba đời, bị hạ tầng công tác nên Tịnh bất mãn lại càng uống rượu nhiều được vợ giàu có cưng chiều, nuôi vỗ béo cẩn thận... Cũng đáng thương cho một kẻ nhẹ dạ lầm đường theo VC.!!!

MƯU SINH BẰNG NGHỀ "HỤ HỢ" VỚI BÀ XÃ BUÔN BÁN CHỢ TRỜI

Trước năm 1975, ở trong Quân Đội tôi có nhiều ám số chuyên nghiệp quân sự: sĩ quan thông tin báo chí - tâm lý chiến - chiến tranh chính trị, tôi đều có theo học và phục vụ trong các lãnh vực này cũng gần suốt cuộc đời binh nghiệp. Ngoại trừ năm đầu ở đơn vị bộ binh tác chiến, cũng  phục vụ trong lãnh vực chuyên môn. Đặc biệt ngành truyền thông báo chí Quân Đội và kể cả báo chí dân sự theo tôi suốt cuộc đời từ 26 tuổi đến tận bây giờ (60 năm). 

Cuộc đổi đời, từ ông xuống thằng, từ thằng ngoi lên nghề nội trợ, buôn bán chợ trời, buôn bán gạo, xe honda đường dài, từng chiếc lái từ Châu Đốc về Sài Gòn. Nghĩa là làm đủ nghề, sau cùng chỉ có nghề hụ hợ cho bà xã là bền vững "ăn nên làm ra" mua được xế nổ hai bánh. Không còn cảnh đạp xe ná thở từ Sài Gòn lên Quán Tre - Hóc Môn hay Thủ Đức đưa vải cho các lò cắt may hoặc lấy thành phẩm về bán... Ông bà mình nói rất chí lý "cùng tắt biến, biến tắt thông", từ không biến thành có, từ hai bàn tay trắng, từ nhỏ đến lớn không biết nghề buôn bán là gì, nay gia đình chúng vì đổi đời nên đổi nghề, từ từ nghề dạy nghề, phất lên thấy rõ. Từ bán ngồi ngoài lề đường, được vào trong vòng rào chợ An Đông và được mua sạp khi chợ An Đông xây dựng lại rất tân tiến - văn minh - chợ có thang cuốn đầu tiên ở Việt Nam như nhiều nước tiên tiến khác.

Công việc của tôi, từ có ám số chuyên nghiệp nội trợ, nay đổi thành thương lái giao dịch đi mua vải ở chợ vải Soái Kinh Lâm (khu phố lầu này, tầng trệt buôn bán, sau 1975 trở thành chợ vải - Trên lầu là trường Trung học Phước Kiến - sau đổi tên là Phước Đức, tôi làm giám học các môn dạy tiếng Việt trường này) và chạy xe lên Thủ Đức hoặc Hóc Môn đưa vải để các lò cắt may làm thành phẩm theo đặt hàng của bà chủ. Bao nhiêu mét vải loại gì, may bao nhiêu áo quần, cở kiểu gì tôi hiểu biết cặn kẻ để giao vải cho lò may và lấy thành phẩm đúng y chang như tính toán. Thỉ dụ vải khổ 8 tấc hay 1m2, một chục mét hay hai chục mét may được bao áo cở "size" trẻ con mấy tuổi hay người lớn, ngắn tay hay dài tay và quần tây cũng vậy. Lúc bấy giờ, tôi rành "sáu câu", tính nhanh như gió, mua vải xong, tôi lái Honda, vải được bỏ vô bao hoặc nhiều khi để trần chạy gắp đưa lên lò cắt may cho kịp ngày giao hàng cho thương lái từ Bắc, miền Trung hay người ta đặt cọc mua xuất khẩu sang Liên xô hay các nước cộng sản khác ở Đông Âu...Lúc này, chúng tôi bán sỉ là chủ yếu, bán lẻ tại sạp không nhiều, ngoại trừ dịp Tết, bán buôn không có thì giờ ăn trưa. Nhiều lúc, một ngày tôi lái xe đi giao vải cho lò may hai ba lần ở Hóc Môn và Thủ Đức. Nhiều mối lái ở các tỉnh xa kể cả Kampuchia và chúng tôi cũng thường bị bạn hàng giựt lia chia mất cả vốn lẫn lời. Cái màn đi đòi nợ sang Kampuchia cũng teo bu gi vì dễ bị giết hay các tỉnh xa như Rạch Giá, Cà Mau. Các thương lái ban đầu mua bán tiền bạc trả sòng phẳng tạo sự tin cậy. Từ đó họ mua gối đầu, nghĩa là mua hàng mới, trả tiền lô hàng mua trước. Từ từ họ thiếu nợ ít, gối đầu ít đến mua gối đầu nhiều và thiếu nợ nhiều đến giựt nợ luôn không xa. Sự thật, mình bán được hàng suôn sẻ trên ba lần, có bị giựt sau đó cũng không thâm vốn, lổ, vì mấy lần trước mình đã có lời khá nhiều rồi...Thời bấy giờ, VC bắt buộc mọi người buôn bán lẻ phải vào hợp tác xã để họ thâu thuế, kiểm soát, cũng là lúc mình buôn bán, mần ăn khấm khá hơn khi chưa vào hợp tác xã vì thường bị rượt đuổi, bị bắt, bị phạt một cách vô cớ. Vô hợp tác xã, nghĩa là mình có ba tăng không sợ Ban Quản Lý chợ làm khó dễ, mình bán mười áo khai bán ba bốn, bôi trơn một, thay vì đóng thuế đủ mười áo... nghể dạy nghề, mánh mung của giới thương mại. Giới tỷ phú, đại công ty ngày nay ở Mỹ hay nước nào cũng vậy đều trốn hoặc tránh, lách thuế là chuyện bình thường cho nên họ mới giàu sụ nhanh.

BIỂU TÌNH CHỐNG BAN QUẢN LÝ CHỢ MỚI AN ĐÔNG

Các hộ buôn bán lẻ, từ ngồi lề đường, được vô hợp tác xã do chánh quyền quản lý, đưa các hộ bán lẻ vào bán xung quanh chợ chánh, trong hàng rào, trả lại đường cho giao thông xe cộ, không bị ngăn cấm như trước vì các hộ bán lẻ chiếm hết nửa lòng lề đường, chỉ có xe hai bánh và xích lô đạp được phép chạy chầm chậm. Nửa lề đường còn lại dành cho người đi bộ và dùng cho mướn chỗ để giữ xe - cạnh hồ tắm An Đông. Khi vào bán trong vòng rào chợ An Đông, tôi gặp vài người bạn thân, cạnh chỗ sạp chúng tôi có sạp bán nồi niêu xon chảo của anh Trần Quý Cao, cùng khóa 13 Thủ Đức (anh Trần Quý Cao, Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng của Tiểu khu Gia Định, hiện định cư ở San Jose) - anh Lê Tất Tiến cựu Phó Chủ Tịch Nghiệp đoàn Ký Giả Việt Nam, phụ với người bạn bán phở cách sạp tôi năm bảy thước. Lúc này tôi có dịp xực xí quách thường xuyên vì bà chủ quán phở để dành cho tôi độc quyền. Tôi gặp một người nữa, anh này có cấp bậc Trung úy cũng ngành Chiến Tranh Chính Trị làm đội trưởng đội nông nghiệp ở K4 trại Tân Lập - Lâm Quang Điển (gốc Bắc di cư, không có liên hệ gì đến gốc Lâm Quang ở Bạc Liêu - Trung Tướng Lâm Quang Thi hay gốc Lâm Quang ở Rạch Giá - Đại Tá Lâm Quang Phòng). Anh Lâm Quang Điển nhỏ tuổi hơn tôi ít nhứt 5 tuổi, nên trong đội tù lúc nào cũng gọi tôi là ông anh, xưng em. Chúng tôi gặp nhau tại chợ An Đông, khi Điển từ Thủ Đức xuống thu tiền hụi các bạn hàng chơi hụi mà Điển làm chủ hụi đến năm bảy đầu hụi. Điển sống bằng nghề làm chủ hụi, Điển cũng trên 40 tuổi, mặt trắng đẹp như con gái, đến lúc đó cũng còn phòng không, cũng ở tù ngoài Bắc trên dưới 7 năm. Nhưng anh này, thuộc loại nhác (kể cả nhác gái), không dám nói chuyện tù với tôi, có lẽ anh sợ bà con bạn hàng biết anh là cựu tù không dám chơi hụi do anh làm chủ? Không biết Điển có sang Mỹ diện HO?


Cho-An-Dong.jpg


Khi vào bán trong hàng rào chợ một thời gian vài năm, được lịnh dời ra ngoài đường An Dương Vương rộng lớn, cũng bán trên lề đường. Chợ cũ An Đông hoàn toàn phá bỏ, xây dựng ngôi chợ mới tân tiến, tiện nghi, với một tầng trệt, tầng hầm và bốn tầng lầu, có thang cuốn từ tầng trệt lên lầu một. Các mặt hàng bán buôn từng loại tại mỗi tầng lầu khác nhau... Ngôi chợ An Đông do một chủ thầu người Hoa có nhiều kinh nghiệm xây cất chợ ở Tân Gia Ba và một vài thành phố khác ở nước ngoài. 

Khi dời ra đường An Dương Vương cũng bán trên lề đường, sạp của gia đình chúng tôi, bán gần trước căn phố lầu của ông tư (một cựu kháng chiến quân với cấp bậc Thiếu tá (ở tầng trệt) về hưu cùng chung sống trong căn phố lầu này với gia đình đứa con trai lớn  - thượng úy công an giao thông, ở tầng một và gia đình đứa con gái ở lầu hai. Hàng bán sỉ và hàng mẩu trưng bày, tối, tôi  đưa vô gởi nhà ông tư trả tiền hàng tháng. Cả khu phố lầu, dài gần hai trăm thước lại trúng mánh vì người buôn bán gởi hàng, gởi xe với tiền thuê hàng tháng, không phải chỉ có một hai hộ mà nhiều hộ buôn bán cùng gởi một chỗ. Ông tư lớn tuổi hơn tôi chừng một giáp, biết tôi ở tù mới ra, hụ hợ vợ bán buôn kiếm sống, ông thường ra sạp mời tôi vô nhà uống trà hay uống rượu đàm đạo chuyện này chuyện nọ. Các con ông gọi tôi bằng chú cũng đều có thiện cảm với tôi.

Ông tư thật lòng nói, chú có biết không, tôi vốn ở vùng Hóc Môn Bà Điểm - 18 thôn vườn trầu, vùng "cách mạng" hoạt động nên chúng tôi quen vụ tranh đấu, xuống đường chống chánh quyền... Ông tư còn nói: gọi cách mạng cho oai, thật ra, chúng tôi dân quê ít học chỉ biết "liều mạng" mà lại thành công. Khi ông tư biết Ban Quản Lý mới của chợ An Đông, không cho những người thi hành luật lệ nghiêm chỉnh được ưu tiên vào chợ mới mà đối xử như những mới nạp đơn xin mua sạp (chỗ bán), mua giá cao. Còn trong điều kiện sách, các hộ buôn bán cũ thi hành chánh sách đứng đắn của Ban Quản Lý chợ cũ như: vào hợp tác xã, dời vô hàng rào chợ, dời đi chỗ khác để mặt bằng trống trải cho Ban Quản Lý & nhà thầu chợ mới, xây cất... được ưu tiên vào chợ mới. Nay chợ An Đông lộng lẫy sắp khánh thành lại không cho những người buôn bán lẻ, tiểu thương như chúng tôi được ưu tiên vào chợ mới. - khoảng gần 400 hộ. Những khuôn mặt mới - bạn hàng mới đã "đăng ký" những chỗ tốt ở tầng một, tầng hai, tầng ba dành cho buôn bán quần áo cũng có người mới đăng ký trên 5 - 6 cây vàng. Theo điều kiện sách, các hộ buôn bán cũ chỉ phải trả chưa tới 3 cây nên chúng tôi bị loại. Có nhiều bạn hàng chao đảo, sợ mất chỗ buôn bán, nhảy rào mua sạp với giá mới. Còn lại chừng 300 hộ kiên quyết đòi hỏi nhà thầu và Ban Quản Lý mới chợ An Đông phải cho những hộ còn lại chúng tôi vào bán ở lầu ba mà còn trống trên 300 chỗ.

Gần tới ngày khánh thành, mỗi tuần đều có họp do Ban Quản Lý kể cả nhà thầu mời các hộ chưa có chỗ, có tuần họp hai ba lần, thường vào buổi tối hay giờ trưa mà nhóm bạn hàng chúng tôi gốm có nhiều người thuộc diện chánh sách - gia đình cách mạng. Còn phe gia đình thua cuộc không có bao nhiêu, êm re, chẳng dám ra mặt chống đối hay có ý kiến ý cò gì hết sợ bị chụp mũ phản động thì từ chết đến bị thương. Càng ngày càng bế tắc, chúng tôi không được vào chợ mới An Đông nếu không đóng đủ tiền như các hộ mới. Ông tư khuyến khích mấy ông bà phải liều mạng mới thành công còn để cù cưa kéo dài thi thua là cái chắc. Mấy ông bà chủ sạp có hơi hám "cách mạng" đại diện lên phát biểu trong các buổi họp (tôi đều có đi tham dự) nói "lập dập", không trưng được cái ưu điểm của mình nay bị nhà thầu và Ban Quản Lý chợ dồn ép vào chân tường. Tôi tức khí, có anh thuộc gia đình liệt gân, ủa liệt sĩ, giới thiệu tôi đại diện nhóm tiểu thương chưa có sạp. Thú thật, cái môn học chánh trị của tôi năm xưa ở trường Đại Học Chiến Tranh Chánh Trị Đà Lạt nay có cơ may áp dụng. Và gần mười năm trong ngành chuyên môn cộng với gần mười năm ở tù cộng sản, tôi có đủ lý lẽ vặn vẹo đám nhà thầu Tàu và Ban Quản Lý mới, họ đuối lý. Và tôi còn "hù dọa", nếu quý vị không giải quyết cố tình giết gia đình tiểu thương chúng tôi, chắc chúng tôi phải liều mạng để có chỗ bán lương thiện nuôi sống gia đình...

Có nhiều công an chìm, cán bộ  quận 5 và Thành phố tham dự, họ họp bàn thế nào đó, cử một tên thượng úy công an quận năm đặc trách an ninh nội chính (sau này tôi mới biết) đi điều tra lý lịch tôi, đến tận khu xóm tôi ở đầu cấu Chũ Y và hỏi công an phường để biết rõ lý lịch.

Một buổi trưa, một người trai trẻ, đẹp trai, nói năng nhỏ nhẹ, đến sạp, tôi đang phụ giúp bà xã đóng hàng cho bạn hàng ở xa. Chú thanh niên hỏi tôi có phải chú là chú N, tôi gật đầu nói phải, cháu này nói, chú đóng hàng xong, mời chú bước ra ngoài, cháu có chút việc muốn hỏi chú. Tôi ra gặp chú trai trẻ này, tôi ngữi có mùi công an chìm trong đó rồi. Tôi bắt tay nói chú mời cháu vào quán ăn gần đây, vừa ăn trưa vừa nói chuyện lâu không bị ngoại cảnh quấy rầy. Tên công an này nói cám ơn và cùng tôi vào quán ăn, tôi lựa một bàn ở chỗ vắng vẻ, cả hai ngồi xuống. Tôi mời cháu uống một chai bia rồi hãy nói chuyện. Tên công an chìm giới thiệu, cháu là sinh viên học ở Sài Gòn, sau 30.4.1975 cháu vào ngành công an, hiện phục vụ ở quận V, cấp bậc thượng úy. Cháu được lệnh theo dõi các buổi họp của nhà thầu, ban quản lý chợ An Đông với các tiểu thương chưa có sạp. Cháu nói thật, cháu biết lý lịch chú rồi, thuộc diện tù chánh trị cần theo dõi... chú can đảm không sợ hiểm nguy, bị bắt lại thì khổ thân chú, rất tội nghiệp. Cháu đã qua tận xóm chú ở tìm hiểu về chú, biết chú ở trại cải tạo mới ra vài năm. Cháu phục chú, nói năng chững chạc mạch lạc dám đương đầu với nhà thầu, ban quản lý chợ làm cho mọi người chú ý, nói chú là đầu não vụ chống đói, đưa kiến nghị tranh đấu có chỗ bán buôn này. Cấp trên của cháu ra lệnh cháu phải điều tra cho rõ, nếu cần bắt giam...Chúng tôi nhậu lai rai và ăn trưa luôn tại đây nên có nhiều thì giờ nói chuyện và tên công an chìm có hỏi cảnh ở trại tập trung miền Bắc ra sao... tôi chỉ nói qua loa cho có chuyện. Tên công an chìm nói cháu theo dõi từng lời nói, từng công việc của chú, biết rõ chú chỉ vì có tinh thần hy sinh dấn thân, chú mới xâm mình làm chuyện này vì đụng vào ổ kiến lửa. Nay, cháu đề nghị, nếu các tiểu thương có chánh thức chống đối đòi quyền được vào chợ An Đông, chú phải để mấy bà và gia đình chánh sách đứng phía trước chống đối cách nào cũng được. Còn chú giúp ý kiến, phải "né" ở phía sau, hổ trợ thôi, cháu sẽ báo cáo với cấp trên, chú đứng ngoài cuộc tranh chấp... Quả thật tôi may mắn, có "quới nhơn" giúp đở, được một công an chìm còn trẻ có học, gốc miền Nam, bày cho cách thoát hiểm. Nếu tôi gặp công an gốc "xứ bác" Thanh Nghệ Tĩnh không hiểu rõ tình cảm của người miền Nam, ghép tôi vào tội phản động thì cuộc đời tôi sẽ bị "tàn canh gió lạnh" vào tù như chơi.

Tôi gặp ông tư già ở chỗ gởi xe gởi hàng cho ông biết, vừa có công an nội chính "mần việc" và chỉ con đường tranh đấu cho 300 tiểu thương vào buôn bán ở chợ An Đông. Ông Tư nói, chú may mắn vì vụ chợ An Đông là một vụ làm ăn lớn có chia chác, liên quan đến Đại tướng công an Mai Chí Thọ ở trung ương, thành Ủy Sài gòn, quận 5... đụng vào dễ dính chấu. Ông còn khuyến khích để cho các bà đứng mũi chịu sào và dùng nhà tôi làm nơi hội họp, chánh quyền không để ý, phải liều mạng mới thành công, còn kiến nghị nói suôn sẽ không đi đến đâu...Các tiểu thương nòng cốt họp bàn đi đến quyết định đưa kiến nghị của tất cả tiểu thương ký tên "xuống đường" đi từ bên ngoài cửa chánh chợ An Đông (lúc này chợ mới xây xong, An Đông đã có lễ khai trương rồi, có đại tướng công an Mai Chí Thọ từ Hà Nội vào dự...) đi đến văn phòng Thành Ủy Sài Gòn. 

Sau này, tôi biết, các cấp chánh quyèn quận 5 và Ban Quản Lý Chợ An Đông không ngờ các tiểu thương dám làm liều xuống đường đưa kiến nghị lên cấp trên mà trước đây đã cử đại diện đưa bao kiến nghị cho Thành Ủy, họ chỉ hứa suôn cho qua vì nếu cho tiểu thương cũ vào chợ, họ mất cả ngàn cây vàng thu của người tiểu thương mới, chưa kể có biết bao móc ngoặt ăn tiền khác...

Dù tôi "biến" không có mặt trong đoàn biểu tình tuần hành có đến năm sáu trăm người thuộc gia đình tiểu thương, các người hiếu kỳ, các gia đình chánh sách thấy chuyện vô lý chèn ép các tiểu thương thấp cổ bé miệng xuống đường dâng kiến nghị, họ đang bán buôn cũng cố gắng tham gia. Mọi người đứng tập hợp trước cửa chánh chợ An Đông càng ngày càng đông làm náo loạn cả một vùng buôn bán ì xèo này. Biểu ngữ, bích chương, tôi thực hiện hàng chục cái biểu ngữ lớn bằng vải và hàng trăm bích chương cầm tay, có mấy đứa cháu nội, cháu ngoại của ông tư cùng bạn học của chúng mang đến đoàn biểu tình đưa cho mọi người. Trong lúc Ban chỉ huy nhẹ mà làm việc nặng chỉ có một mình tôi soạn, viết tay những khẩu hiệu, có người đi mua vải mua giấy viết. Các cháu của ông Tư mang khẩu hiện đến tiệm vẽ quảng cáo mướn họ làm mà chủ tiệm biết mấy đứa nhỏ này là con của công an và là cháu của ông Tư "cách mạng lão thành" nên chúng viết, vẽ mà không sợ bị bắt. Từ tám chín giờ sáng cho mãi đến gần 11 giờ đoàn biểu tình mới bắt đầu di chuyển, vừa qua trước hồ bơi An Đông, hàng trăm công an từ trên xe đổ xuống bao vây không cho đoàn biểu tình tiến tới. Công An ra lệnh đoàn biểu tình cử đại diện để họ có xe đưa đi trình thình nguyện thư, không cần đi bộ làm tắt nghẽn giao thông. Trong đoàn biểu tình cử ra bảy người trong đó có bà xã tôi "chịu chơi" không sợ ở tù lần thứ ba vì đi bán buôn ở chợ An Đông là nguồn nuôi sống cả gia đình con còn nhỏ. Thế là có bảy người hầu hết thuộc gia đình chánh sách chỉ có bà xã tôi là người đứng đầu "đối đáp" với công an mà là thành phần của chế độ cũ (bà xã tôi khi ra tù lấy hộ khẩu ở Châu Đốc, hai vợ chồng khác hộ khẩu, nên phải khổ công lắm mới về lại hộ khẩu Sài Gòn, trước khi đi Mỹ...). Thật sự, thỉnh nguyện thư của tiểu thương chợ An Đông từ cấp quận, cấp thành phố họ có trong tay mấy tháng nay rồi nên họ biết hết mọi chuyện. Càng để lâu, đoàn biểu tình càng đông, các nhà báo hay tin cũng cấp tốc đến săn tin theo dõi chuyện có một không hai dưới thời chế độ cộng sản toàn trị tại Sài Gòn, dám tổ chức xuống đường chống  "chánh quyền". Tôi viết khẩu hiểu nói là chống nhà thầu (tôi phải tránh né, chỉ dám chống nhà thầu là gốc người Hoa - họ đâu có quyền sanh sát mà do chánh quyền địa phương), sức mấy mà chúng tôi dám chống chánh quyền, chống Ban Quản Lý - cơ quan của nhà nước, sẽ bị bắt đi tù là cái chắc - tội nghiệp nhà thầu người Hoa lãnh đủ. Cũng là cái cớ, chánh quyền quận năm không mất mặt và có lệnh trên là cho tất cả tiểu thương cũ chưa có sạp buôn bán được vào chợ An Đông, đa số ở lầu ba chuyên bán buôn quần áo may sẵn. Tiền sạp cộng với các chi phí khác chưa tới 3 cây vàng, nếu không có tranh đấu, giá gắp đôi hay cao hơn tùy theo buôn bán mặt hàng ở các lầu 1, 2 và tùy chỗ tốt xấu...Tiền sạp chỉ đóng trước 1 cây vàng, tiền còn lại được trả góp hình như hai năm, có giấy tờ hợp đồng đàng hoàng. Thế là nhóm tiểu thương chợ An Đông tranh đấu có chánh nghĩa và thành công mà sự kiện biểu tình hàng mấy trăm người thời năm 1988 - 1989 chưa có trước đây. Và sau này cho đến bây giờ chưa có ai dám xâm mình biểu tình chống nhà cầm quyền đông đảo như vậy. Cái vụ biểu tình của giới tiểu thương chợ An Đông có thể nói là vô tiền khoán hậu ở Sài Gòn thời cộng sản toàn trị, không bị nhà cầm quyền bắt giam hay đàn áp tàn bạo. Còn bảy đại diện được đưa lên xe công an, chạy lòng vòng ở Chợ lớn và công an đưa về chỗ cũ bảo xuống xe vì cấp trên đã giải quyết xong rồi. Mấy năm sau, khi tôi đã sang Mỹ diện HO, nghe tin tên chủ thầu chợ An Đông người Hoa được nhà cầm quyền mời dự tiệc gì đó, tối về khách sạn ngủ gọi là bị trúng độc và chết tại nhà thương. Cái sạp của vợ chồng tôi trong chợ An Đông để lại cho hai con lớn không được đi theo gia đình tiêp tục buôn bán tại chợ An Đông.  Đến khi có lệnh xuất cảnh theo diện gia đình bảo lãnh, cả chục năm sau, cái sạp đó sang lai cũng trên dưới ba mươi cây vàng. Cái sạp nhỏ xíu, bề rộng chừng 1 mét rưởi, chiều sâu chừng 2 mét, đúng với câu tấc đất tấc vàng và bây giờ (năm 2020) giá trị của cái sạp bán buôn đó chắc còn tăng giá thêm nữa.

BỊ CÔNG AN CÁI XUẤT NHẬP CẢNH HOẠNH HÈ 

Có giấy báo được xuất cảnh sang Mỹ diện HO mà trong lúc chúng tôi đang ăn nên làm ra, vào dịp trước Tết Nguyên Đán, chúng tôi bán quần áo sỉ, mua vải bỏ mối cắt may, ủi đàng hoàng giao hàng, chúng tôi đóng bao bì cho các giới mua sỉ từ miền Bắc vào lấy gởi sang sang các nước có hợp tác lao động với Việt Nam như Liên xô, Hung, Tiệp, Đông Đức, Ba Lan...Mỗi chiều tối, hơn nửa bao bố tời chỉ xanh đựng tiền trong ngày, thường để sau lưng tôi, bà xã thu mình ngồi ở cuối yên xe, tôi chạy xe chầm chậm về đến nhà. Nghỉ ngơi, tắm gội rồi cả nhà ăn cơm tối. Tôi xem tivi một chút rồi lên lầu làm nhiệm vụ đếm tiền, hầu hết là tiền cũ nhầu nát mà là tiền mệnh giá thấp, đếm mệt nghỉ, mất ít nhưt là 2 tiếng, bà xã tôi phè cánh nhạn, nằm nghỉ vì cả ngày quần quật bán buôn tại sạp. Nếu tiền bán ngày đó đủ mua một hai chỉ vàng, hay hơn, sáng hôm sau, tôi đến tiệm Kim Hoàn mua vàng, cứ cố tích góp để dành...

Tôi chạy đường ngoài như đi mua vải, đi lấy thành phẩm ở Hóc Môn - Thủ Đức đi Honda cub cũng đở mệt nhọc hơn đi xe đạp như lúc mới ra nghề bán buôn. Có tiền rủng rỉnh trong túi, tha hồ muốn ăn uống gì cũng được không phải dè xẻn như lúc mới vào nghề buôn bán chợ trời ngoài lề đường.

Có thì giờ rảnh, tôi cũng thường tới lui, khu nhà thờ Đức Bà, trước dinh Độc Lập, là nơi tập trung phe ta vào các buổi sáng đưa ra những breaking news về tin đi sang Mỹ. Chúng tôi chộn rộn cứ hàng đêm bắt nghe lén đài VOA của Mỹ, đài BBC của Anh, không còn tha thiết buôn bán làm ăn mà chỉ muốn đi Mỹ. Tôi được công an quận 8 gọi lên làm việc về chuyện xuất cảnh và được gởi hồ sơ ra Sở Ngoại Vụ - Xuất Nhập Cảnh (góc đường Nguyễn Du và Lê Văn Duyệt). Theo lẽ tôi được đi sang Mỹ diện HO 8 hay 12. Nhưng gặp  tên công an cái phụ trách hồ sơ, biết vợ chồng tôi có sạp buôn bán ở chợ An Đông, loại có thu nhập đồng ra đồng vô, hứa  là giúp chúng tôi đi Mỹ sớm. Tên công an cái này ra tới sạp bán buôn ở chợ An Đông, lân la làm quen với bà xã tôi, hứa sẽ giúp đở. Bà xã vốn chân chất, tưởng đâu tên này cũng tốt giúp đở thật sự mà chẳng có chỉ vàng nào lót tay, nên hồ sơ xuất cảnh của tôi bị neo lại. Chúng tôi ngóng cổ chờ hoài, hết HO 8, đến HO 12 cũng chưa nhúc nhích, tôi hỏi người bạn Không Quân (hiện ở Virginia) anh này đã giúp nhiều bạn phải chung tiền cho các tên giữ hồ sơ, nó mới lấy ra đưa ra trung ương Hà Nội tiến hành thủ tục xuất cảnh sang Mỹ diện HO. Đợi hoài, sốt ruột, tôi mới nhờ bạn hỏi giúp tên công an muốn bao nhiêu mới đưa hồ sơ tôi ra làm việc và chuyển đi Hà Nội... Bạn cho biết, con công an đòi 2 chỉ. Tôi bàn với bà xã mình chung cho nó hai chỉ để nó gọi lên phỏng vấn chớp nhoáng và chuyển hồ sơ đi Hà Nội ngay vì hồ sơ này đã bị ngâm mất hơn một năm rồi. Quả thật chung vàng xong, tôi được gọi lên văn phòng xuất nhập cảnh đường Nguyễn Du làm việc, ký giấy cam kết, đã in sẵn, được ra nước ngoại không chống đối chế độ hay không về "phục quốc"... Tôi gặp một nhóm anh em khác ở Thủ Đức, muốn đi sớm là phải chạy ra Hà Nội gặp 2 tên trung uý và thượng úy công an (tên, số điện thoại nơi làm việc...) cứ ở phòng ngủ, chúng sẽ đến lấy vàng (3 cây cho một hồ sơ, có giá sẵn) và cho biết bên Mỹ sẽ gởi giấy báo mình sẽ lên đường đi Mỹ ngày nào... chắc chắn, không sợ tiền mất tật mang. Tôi bàn với bà xã, phải làm liều tốn tiền lót đường mới mong đi sớm được., Tôi mang theo đủ 3 cây vàng bằng 30 khâu, tôi luồn vô sợi dây ny long chắc, cho vào một cái túi vải, buộc ngang thắt lưng. Nói cho vui chỉ bị chị em ta cởi quần mới có thể bị mất vàng vì người đâu của đó. Còn tiền mặt mang theo xấp xỉ gần một cây vàng để "hậu thân" và mua vé tàu lửa loại có giường nằm (couchette), mình có tiền phải sang, chảnh cho đở thân. Bạn còn cho biết nên ở hotel nào, giá phòng bao nhiêu, gần nơi làm việc của hai tên công an. Nhất nhất, các bạn chỉ rõ hết vì ba người bạn vừa mới đi "chạy" hai tuần trước, nay chỉ lại tôi. Ra đến Hà Nội, tôi gọi xe xích lô chở tới hotel, thuê phòng xong, lên tắm rửa thay quần áo, xuống phòng tiếp tân gọi ngay một tên công an, hẹn chiều mai găp nhau tại khách sạn vì có bạn giới thiệu để bàn vế về chuyện đi Mỹ...Tên công an rất vui, hứa là chiều mai hết giờ làm việc, hai cháu sẽ đên gặp chú...Năm 1992, gọi là Thủ Đô ngàn năm văn vật mà trông nhếch nhác làm sao. Những đường nước của các quán ăn vẫn đổ trên đường rảnh trên mặt lộ sát lề đường, tự do chảy mà không có đường cống ngầm thoát nước mà khu vực này không phải là khu bình dân lao động, nơi có nhiều cơ quan trung ương làm việc, có nhiều tiệm ăn, khách sạn, nhà hàng khá to, bề thế. Tôi chán cái văn minh của Hà Nội, không muốn đi bát phố để "thăm dân cho biết sự tình" của một góc cạnh Thủ Đô. Tôi mua vài tờ báo lên lầu vô phòng đọc báo thoải mái, chừng nào đói bụng là đi ăn. Cả ngày không đi đâu xa, chỉ đi quanh khách sạn nhìn xem quang cảnh dân Hà Nội cự cãi chữi thề tục tỉu búa xua, nghe mà khiếp, lại mua báo vô phòng đóng khóa cửa cẩn thận sợ các các con gà móng đỏ vô phòng bắt cởi quần áo thì khổ to. Sợ có thể bị mất ba chục chỉ vàng đã nịch sát vào ngươì, hay mê tơi bỏ quên, nàng cuỗm thì kể như tàn đời.

Đúng giờ hẹn, hai tên công an có vẽ trí thức, lịch thiệp chào tôi và tôi mời lên phòng để bàn bạc.

Họ cho biết ,còn một ngày nữa là sẽ gởi danh sách HO16 đi Bangkok - Thái Lan, tối nay chúng đánh máy thêm tên hộ tôi vô. Còn nếu chúng không làm vậy, chú có hồ sơ về đây rồi, chú cũng sẽ được đi Mỹ diện HO sớm nhứt cũng phải HO 24, đợi gần cả năm nửa. Hai tên công an, thấy tôi lấy cái bọc vàng ra từ thắt lưng, tôi nói hai cháu đếm, xem lại cho kỹ nghe. Chúng nói không cần đếm xem coi vàng thật hay vàng giã. Tôi chưa hài lòng, xổ túi vàng ra đếm từng khâu lấy ra từ sợi dây ny long để cho chúng thấy và nói chúng ta tin tưởng nhau, tôi tin là hai cháu sẽ giúp chú đúng mức như chúng ta thảo luận. Thật tình mà nói, điếc không sợ súng, "gan cùng mình". Hơn nữa,  mấy cây vàng là tiền lời buôn bán quần áo chợ An Đông, không phải vàng vay mượn người khác, có mất cũng không đến đổi nào, sẽ bán buôn tiếp mua vàng lại "làm của" không mấy hồi. 

Từ hai chỉ vàng làm vốn mà nay đã phất lên, nhà cửa tu bổ lại, mua xe Honda cup làm phương tiện đi tới lui cũng như cả gia đình trên sáu người xài phí ăn tiêu cũng với tiền lời bán buôn đó. Chuyện đời có mấy ai ngờ, cái nghề mà cả gia đình chồng vợ chẳng có một ai có cha mẹ hay anh chị em làm cái nghề buôn bán mà hai gia đình chúng tôi quý chuộng đạo đức không theo nghề buôn bán vì "phi gian bất phú hay phi thương bất phú". Mới ra nghề, chúng tôi không dám nói thách nhiều thấy sao trơ trẻn chỉ muốn vét túi khách hàng và miệng phải dẽo, nói thách trên trời dưới đất, khách hàng dễ bị mắc lừa. Chuyện nói thách quá cao, chúng tôi làm không được nên bán lời ít, rất tiện tặn dè xẻn chỉ đủ nuôi sống gia đình . Chúng tôi cùng đèo nhau với chiếc xế điếc cà tàng mất cả hai năm mới học được cách tiếp cận với cái nghề tiểu thương này, xoay qua bán sỉ. Mua vải tận gốc, mướn cắt may xa thành phố, giá rẻ hơn nên dễ bán hơn, dù lời ít mà bán số lượng nhiều, có ngày bán cả ngàn cái, bán từ ba trăm đến năm áo là chuyện khá bình thường nhân dịp cận Tết Nguyên Đán. Chỉ cần một cái áo lời một đồng cũng khấm khá rồi, mua được bao nhiêu chỉ vàng một ngày. Thời buôn bán cao điểm chỉ có hai tuần trướcTết Nguyên Đán, tiền lời "khiêm nhường" cũng đủ chi tiêu được cả năm...Chúng tôi đã quá khổ sở, nghèo rớt mồng tơi, bị người ta chê hai vợ chồng đều là Thiếu tá có cấp chức mà nay sao nghèo, quá xệ... Vì vậy, chúng tôi dù có tiền cũng không xài sang, dành dụm mua vàng để hậu thân, cho nên có thừa vàng để chạy vụ đi Mỹ vì bị "ngâm tôm" mất gần hai năm phù phiếm, nay phải chạy nước rút. Thật tình mà nói, nếu chúng tôi không đi Mỹ, cứ bám bán buôn ở chợ An Đông chừng vài năm nữa, nhà cửa sẽ xây lại khang trang hơn và cuộc sống sẽ phất lên như bao nhiêu bạn bè không đi Mỹ có sạp bán buôn trong chợ An Đông. Nếu tính kỹ, chuyện đi Mỹ là sư tính toán đúng đắn nhứt vì ở Việt Nam chúng tôi mất hai chữ tự do, làm cái gì muốn cho suôn sẻ đều phải biết bôi trơn. Ở địa phương, đưa các cháu từ tỉnh Châu Đốc lên may quần áo gia công tại nhà cho chúng tôi cũng phải đến trình tạm trú. Còn tôi cứ bị gọi đi làm thủy lợi, tôi phải biết giao tế, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, khỏi bị đi làm xâu thủy lợi, bốn năm cháu ở trong nhà cũng không trình tạm trú. Khi công an đi khám nhà ban đêm, nhà xung quanh đều phải mở cửa cho chúng xét hộ khẩu coi dư thiếu ra sao? Còn nhà tôi, chúng để yên, không xét hỏi. Chuyện đời, giao tế giỏi đở cho thân. Còn chuyện chạy ra tận Hà Nội lo chuyện đi Mỹ, có người nói tôi ngu, không lo lót cũng đi được, đúng, mà phải chờ đợi thêm một hai năm nữa. Còn mình đi qua Mỹ với hai đứa con nhỏ và hai vợ chồng được trợ cấp xã hội sáu tháng đầu mới tới, mỗi người sáu trăm (hay tám trăm?) đô, chỉ hai ba tháng là mình "lấy lại dư vốn bỏ ra" gần bốn cây vàng, và con cái được đi học sớm... bao nhiêu cái lợi của chúng tôi đi sớm. Phải nói là chúng tôi may mắn gặp hai tên công an không gạc lấy tiền như nhiều người bị "phe ta" lường gạc lấy tiền vượt biên, mà  còn bị bắt vào tù nữa. Chúng tôi còn biết lúc nào sẽ nhận được chuyến bay đi Mỹ, đúng y chang những gì hai tên công an này nói và ngày lên đường đi Mỹ: 7.4.1993. Tôi bỏ lại quê hương yêu qúy sau bốn mươi năm hạnh phúc an vui và những năm bị hành hạ đói khổ nghiệt ngã trong nhà tù nhỏ và nhà tù lớn.  Anh Phương Trần Văn Ngà (3.11.2020)

Bàn ra tán vào (0)

Comment




  • Input symbols

Chương V - Cuộc Đổi Đời Lần Thứ V (phần 1 & 2) - Trần Văn Ngà

LỜI TÁC GIẢ: Đọan văn này trích trong Hồi Ký Công Tử Nhà Quê B

CUỘC ĐỔI ĐỜI LẦN THỨ V

TỪ NHÀ TÙ NHỎ RA NHÀ TÙ LỚN

(TỪ THÁNG 1.1985 ĐẾN 7.4.1993)

                                                                                                         Anh Phương Trần Văn Ngà

LỜI TÁC GIẢ: Đọan văn này trích trong Hồi Ký Công Tử Nhà Quê Bà Bài của tôi, khá dày trên dưới 600 trang, viết lại mọi vấn đề mà tác giã từng trải qua từ những năm còn bé ở ấp Bà Bài, tản cư ra tỉnh lỵ Châu Đốc - dạy tiểu học & huấn luyện viên thể dục thao trường Nam Tỉnh Lỵ Châu Đốc. Sự vươn lên, trôi nổi lên Sài gòn học lại và làm giáo sư trung học dạy trường người Hoa . Thi hành lệnh tổng động viên vào Quân Đội phục vụ ngành truyền thông báo chí Vùng IV Chiến Thuật - phục vụ tại Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị - Biệt Khu Thủ Đô. Và cộng tác nhiều nhựt báo Nhật, Việt, ở tù cộng sản gần 10 năm từ Nam ra Bắc và trở về Nam. Ra khỏi nhà tù nhỏ vào nhà tù lớn, buôn bán chợ trời kiếm sống - Sang Mỹ diện HO bị người Việt qua trước xem thường "kỳ thị" vì làm nghề lao động chân tay cực khổ. Đó là cơ hội trui rèn thêm nhân cách để vươn lên, tôi trở lại nghề cũ năm xưa, làm báo viết báo và ngay bây giờ, chỉ còn  hai tháng nữa qua tuổi 86, vẫn còn viết báo có tiền nhuận bút đủ uống cà phê, nhậu lai rai corona tại nhà một mình chống corona virus cho vui tuổi già, chờ ngày ra đi...Bài này, chỉ "trích ngang" một đoạn nhỏ - Mời quý độc giả đọc chơi cho quên cái Cô Vi mắc dịch này đang hoành hành khắp thế giới (Hình chụp tại tiệm hình Mỹ Tân - Châu Đốc, lúc từ giã "thơ ngây", đã 22 tuổi, dấn thân vào con đường gió bụi - 1957).Tran Van Nga - Công tử Bà Bài 1957.jfif

Cuộc Đổi Đời Lần Thứ V, với 23 trang, tôi xin chia ra hai phần cho bài viết như ngắn lại, đọc không ngán...Xin độc giả thông cảm - Cám ơn nhiều!


PHẦN MỘT

RA NHÀ TÙ NHỎ Z30D 

Lại một trò lưu manh vặt, thả tù ở giữa rừng mà không cấp phương tiện đưa tù ra khỏi trại để về với gia đình, về đến Sài Gòn hay các tỉnh xa. Đơn giản nhất là cấp cho tù được "giải phóng" đủ tiền đi xe đò về đến nhà ở Sài Gòn hay các tỉnh, còn ăn uống dọc đường nữa....

Nhóm tù chúng tôi được thả ra vào đầu năm 1985 có lẽ khoảng 80 người, cũng là lần thả tù đông nhứt của Liên trại Z30D từ trước đến lúc đó. Khi chúng tôi, cả trại tập họp, nghe đọc lệnh thả, tôi nghĩ làm gì có tên mình, may ra có tên Hạ sĩ Nguyễn Văn Chuối nằm cạnh tôi. Từ Bắc chuyển về đây, em Chuối rất "hồ hởi phấn khởi" tin rắng mình được thả ra đợt này. Còn tôi cứ tỉnh bơ để hồn đi đâu đâu khi bò vàng bắt đầu đọc danh sách, được vài chục người thấy có cả cấp Trung tá và Thiếu tá. Lúc bấy giờ, tôi mới chăm chú lắng nghe, may chó ngáp phải ruồi, mới là ngộ đó.! Tôi nói với Chuối suy nghĩ này (Chuối thuộc ngành cảnh sát, giữ an ninh nhà ba má Chuẩn Tướng Cảnh sát Trang Sĩ Tấn ở đường Triệu Đà, với chức vụ trong Sự Vụ Lệnh là bảo vệ yếu nhân - một chức vụ  to ghê gớm do não trạng ngu đần của ngành an ninh công an xếp loại, Chuối bị đày đi tù ra Bắc và được thả sau tôi - Thiếu tá - chừng 5 tháng). Đùng một cái nghe tên mình, hai lỗ tai tôi lùng bùng hết, mắt như hoa lên, ngất ngây trong vui mừng. Đợi chấm dứt đọc hết tên được tha khỏi trại. Tôi nói liền với Chuối, đồ đạt của anh tặng lại hết cho em, anh chỉ lấy một vài món mang về làm kỷ niệm mà thôi. Tôi còn cho Chuối địa chỉ nhà ờ Cầu Chữ Y và dặn khi nào em được ra về Sài Gòn ghé anh, anh chị sẽ giúp em tiền mua vé xe về Thốt Nốt (An Giang). Tôi căn dặn Chuối trong lúc còn đợi lệnh cho về trại thu xếp "tư trang".  Lúc ấy cũng khoảng 11 giờ sáng, tôi ra khỏi lán, chuồng giam, chỗ nằm "thân thương" trên dưới 2 năm không bị rệp chích. Có lẽ rệp Hàm Tân biết phe mình sa cơ thất thế ở tù, đốt cũng tội nghiệp.! Còn loài rệp ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa cũng cùng hung cực ác, giống sếp của nó chỉ biết hút máu người tù miền Nam thua cuộc chiến quốc cộng, hút máu cho đến chết càng tốt.

Khi ra khỏi cổng trại giam, các con bò vàng dẫn mấy chục người chúng tôi từ trại B đi ra ban chỉ huy trại - trại A, họ đưa chúng tôi đến một cái nhà lớn bỏ trống như là hội trường của trại cũng gần ban chỉ huy trại ở tạm đợi cấp giấy ra trại trở về đời sống bình thường. Theo lẽ, cách làm việc đúng đắn, chúng tôi đã có Giấy Ra Trại được đánh máy sẵn trước từ lâu rồi, ra trại được cấp liền để chúng tôi còn phải đi bộ trên dưới 3 cây số từ trại ra đến quốc lộ Nam Bắc để đón xe đò về Sài Gòn. Một tên bò vàng có lẽ là sĩ quan cũng có chức sắc gì đó, ra lệnh chúng tôi cử người lấy phần ăn trưa, cứ nghỉ tạm ở đây đợi khi nào có giấy ra trại sẽ thông báo sau. Sau bữa ăn trưa xong, chúng tôi dài cổ trông đợi văn phòng trại gọi lấy giấy ra trại và còn đi bộ ra đường đón xe nữa, chiều tối hết xe chạy thi làm sao?

Bữa cơm chiều xong, chúng tôi đang tụm năm tụm ba, quây quần chuyện trò, hút thuốc lào và tin chắc là phải ngủ lại đây đêm nay. Đêm đầu ngủ ngoài chuồng giam tù, được tự do mà chưa được tự do đúng nghĩa vì chẳng dám đì đâu khi chưa có giấy ra trại lận lưng. Bổng có đám bò vàng gần cả chục tên xuống chỗ ở chúng tôi, bảo chúng tôi tập họp để nghe cán bộ trưởng trại nói chuyện. Sau khi chúng tôi ổn định, im lặng, tên trưởng trại nói: các anh được về dịp trước Tết Nguyên Đán sum họp với gia đình là một đặc ân của "đảng và nhà nước", tôi đại diện trại Z30D chúc các anh và gia đình được vui khỏe và hạnh phúc. Tên trại trưởng đại khái nói như vậy như là "động viên" tinh thần để chúng tôi chấp nhận bị bọn này bốc lột thêm hai tuần nữa "lao động tạo ra của cải" và "lao động là vinh quang" cho riêng cá nhân chúng hay cho ban chỉ huy trại "cải thiện" có thêm "của cải vật chất" để đón Tết ta...(Những chữ trong ngoặc kép là những cụm tử nổ của cán bộ bò vàng "truyền đạt" cho đám tù).

Dù chúng có đắc nhân tâm, bôi trơn sự bốc lột sức lao động tù, chúng tôi đồng ý hay không cũng diễn ra đúng kịch bản chúng đã dựng sẵn. Chúng nói là thả tù mà chưa cấp giấy ra trại đố ai dám ra về, như vậy chúng tôi bắt buộc phải "nín thở qua sông" được ở ngoài chuồng nhốt tù, ăn uống tiêu chuẩn có phần nhỉnh hơn một chút ở trong lán trại giam, đi rừng tự giác tự do, không có cán bộ súng dài "hộ tống". Cán bộ trưởng trại cũng như các bò vàng khác đều có giọng nói nặng chình chịch của gốc Nghệ An - Hà Tĩnh rất khó nghe. Ông ta ra chỉ tiêu cho ngày mai, sau khi ăn sáng xong, chúng tôi có mười tổ được phát dao, cưa hạ gỗ nhỏ cũng như gỗ lớn toàn là gỗ thao lao mà có từ khác là cây bằng lăng, có hoa màu tím bắt mắt rất đẹp khi cả rừng đến mùa hoa nở. Kích cở cây bằng lăng như thế nào? Còn các tổ đi lấy lá buông phải lá già còn xanh, càng lớn càng tốt và có tổ chuyên lấy lá non để làm nón hay các vật dụng thù công mỹ nghệ chuyên bán cho khách du lịch... Với 10 tổ 8 hoặc 10 người, có chừng 3 tổ có nhiệm vụ chặt lấy lá buông mang về chất đống tại địa điểm gần đường xe hơi chạy vào. Còn các tổ khác đi tìm cây bằng lăng vừa 2 người khiêng vác về. Loại cây này ở rừng lá trước đây có nhiều vô số kể, nay lại hiếm, không còn ở gần trại, phải đi xa sâu vào rừng mới có vì bao nhiêu năm, từ ngày cất trại cũng sử dụng loại gỗ cở đó hay cán bộ quản giáo thỉnh thoảng cũng bắt tù "chôm chĩa" vài cây mang ra gần đường giấu cất để chúng bán hay cho ai đó làm quà...

Liên trại Z30D, lúc chúng tôi từ Bắc về đây, chỉ còn 2 trại A và B. Nghe nói trước đó có thêm một hay hai trại nữa. Trại A là nơi có cả ban chỉ huy trại ở đó, gọi là trại khung, có mở đường xe chạy ra quốc lộ Nam Bắc. Còn tôi ở trại B, sâu vô rừng, cách trại A chừng hơn một cây số cũng gần bờ suối nhỏ và cạn vào mùa nắng. Trại Z30D có tên là trại Thủ Đức mà lại thuộc lãnh thổ của quận Hàm Tân - tỉnh Thuận Hải, thời Việt Nam Cộng Hòa. Khu này là nơi có vô số bụi lá buông nên có tên gọi khác là Rừng Lá. Lá buông còn non có màu trắng đục, hay trắng có pha màu vàng lợt trông rất đẹp, cho nên người dân thường dùng loại lá này làm nón hay những món đồ dùng trong ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ rất đẹp mắt. Còn lá già có màu xanh đậm dùng trong xây cất nhà...Về cây gỗ, rừng lá buông, ngoài bụi lá mọc khắp nơi bạt ngàn từ trong sâu ra đến quốc lộ Nam Bắc. Còn loại gỗ quý đối với những người đóng tàu, xuồng hay làm cột cất nhà vì loại gỗ này là cây thao lao hay còn gọi là cây bằng lăng, có đặc tính chống lại con hàu dứới nước thường bám vào lườn xuồng, lườn tàu, chúng đục khoét ăn gỗ. Cây thao lao còn thêm giá trị, thân gỗ nhẹ ít hút nước và thân rất thắng dù cao cả chục thước... Ngoài lá buông, cây rừng, nơi đây có cây thao lao to nhỏ chiếm đến 70 - 80%. Có những cây thao lao to hai người ôm không giáp, sống lưu niên hàng bao trăm năm. Vì vậy, chúng tôi thấy nhiều cây to nằm ngổn ngang cũ mới có đủ như vàng cục vàng cây đầy dãy mà không ai lấy chở đi vì một cây to như vậy bán được bao nhiêu cây vàng phải có xe truck to, cần cẩu lớn mới trục cây to lên xe được. Nhiều cây to mục nát cũng là nơi đến mùa mưa, chúng tôi tìm lấy nấm mối để cải thiện. Như vậy, Rừng Lá này chỉ thấy người ta khai thác có hai thứ là lá buông và cây thao lao. Từ Bắc về đây, tôi thấy có quá nhiều cây bằng lăng có hoa tím đẹp, tôi cũng nổi hứng học ca bài vọng cổ "Hoa Tím Bằng Lăng". Xung quanh hai trại A và B, trên các con đường đi, hay hàng rào trại này trồng đều khắp cây sua đủa vì cây này rất thích hợp thổ nhưỡng nơi đây. Về đây chúng tôi tha hồ mà ăn bông sua đuả như ở các trại tù trên đất Bắc chúng tôi hái đọt sắn luộc ăn thay cơm. Còn ở đây hái bông xua đủa luộc ăn hay chiên xào nấu canh ăn rất ngơn, nếu ăn nhiều quá cũng dễ bị té re, có nhiều mà lại ăn ít cũng là điều nghịch lý.

Chúng tôi được lệnh thả do Bộ Nội Vụ ký, nay bị bắt làm xâu. Ngày qua ngày, cái gì đến rồi cũng đến, phải thả chúng tôi trở về với gia đình. Tôi nhớ không rõ, ngày cấp giấy ra trại chánh thức, nhưng chắc chắn một điều, tôi về đến Sài Gòn hơn 10 giờ tối. Tôi nghe anh xích lô nói, hôm nay đã có chợ Tết, đêm thứ hai rồi. 

ĐÓN XE HÀNG QUÁ GIANG VỀ BẾN XE MIỀN ĐÔNG

Những ngày cận Tết Nguyên Đán mà chúng tôi chưa rời được khỏi nhà tù, dù được thả ai cũng rất vui mừng mà lại chưa trọn vẹn hưởng vì còn bị cù cưa với cái trại Z30D này phải làm "nghĩa vụ" tư riêng cho trại cho cán bộ quản giáo...

Khi có lệnh tập hợp trước văn phòng trại, xếp hàng chờ đợi, khoảng 9 - 10 giờ sáng, mỗi lần gọi tên chừng ba người lên xác nhận tên họ, địa chỉ để cho nhân viên viết tay vào giấy Ra Trại, nếu ai khi vào trại tù có "đăng ký" gởi tư trang như đồng hồ, bóp, tiền...sau khi nhận giấy ra trại rồi ra ngoài đợi cán bộ gọi vào chỗ lãnh tư trang - cái khâu này lâu nhứt - hình như trại muốn làm thế để ai đợi lâu sốt ruột "bỏ của chạy lấy người", trại sẽ hưởng các thứ đó? Đến giờ ăn trưa, nghỉ chừng một tiếng mà mới giải quyết được hơn 1/3 còn gần 2/3 nữa mà đã qua 1 giờ trưa rồi. Ai được cấp giấy ra trại vội vã khoác ba lô lên vai, đi như chạy ra quốc lộ đón xe về Sài Gòn. Còn những ai có tư trang gởi còn phải chờ để họ trao lại.

Chẳng may, tôi và chừng 8 người cuối cùng chưa nhận được Giấy Ra Trại và nhận lại tư trang mà đã gần 5 giờ chiều rồi. Chúng tôi nôn nao lo lắng không thể đứng yên, đi tới đi lui, cứ lo nhận được giấy ra trại, ra quốc lô tối quá, không có xe đò, rồi sẽ ngủ ở đâu? Khi gọi tên tôi cùng với 3 anh nữa làm thủ tục ra trại, làm xong chừng 5 phút, họ trao giấy cho tôi còn chúc ra về bình an vui vẻ nữa và bảo tôi đợi nhận lại tư trang rồi hãy ra khỏi trại. Tôi đứng đợi, khoảng 10 phút mà vụ nhận lại tư trang êm re, tôi nghĩ ngay phải bỏ của chạy lấy người để còn chạy ra quốc lộ đón xe vì đã hơn 5 giờ chiều rồi. Thế là tôi bỏ lại cái đồng hố Omega và 20 đồng cùng với cái bóp da "tặng cho trại". Ba lô rất nhẹ chỉ còn mùng mền vài bộ đồ còn tốt và vài vật dụng tự làm trong trại và đặc biệt cái điếu cày thân thương của đời tù. Tôi khoác lên lưng, đi nhanh ra khỏi trại, đi chừng vài chục bước, tôi thấy đi sao còn chậm, lấy giép cầm tay, đi chân đất thoăn thắt mà cũng thấy chậm. Thỉnh thoảng ngó lại sau lưng sợ bò vàng kêu lại "nhờ chút việc" thì bỏ mẹ, nhớ lại hồi xưa mỗi ngày tôi chạy bộ 12 cây số, nay con đường ngắn trên 2 cây số thì có nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Thế là, tôi chạy, dù tuổi đời lúc đó cũng vào 50 rồi, ở tù khổ sai cũng gần tròn 10 năm, thể xác bị bào mòn. May về được miền Nam hơn 2 năm nên sức khỏe cũng được hồi phục khá tốt, và ý chí vươn lên quyết tâm về đến nhà tối hôm nay là động cơ giúp tôi "thêm sức" chạy một mạch ra đến quốc lộ. Trời bắt đầu nhá nhem tối, tôi đứng nghỉ, đợi có xe đò hay xe hàng đón về Sài Gòn. Chừng mười phút, có 3 anh nữa, cũng bắt chước, giép cầm tay chạy lúp xúp theo tôi ra quốc lộ. Nhóm chúng tôi có 4 người đều đón xe về Sài Gòn rồi sau đó mạnh ai nấy tự tìm cách về nhà. Tôi đề nghị liền, bây giờ tối, chắc khó còn xe đò, mình đón xe hàng mà đứng đông quá, sợ họ ngại không dám cho quá giang, tôi nói ba anh ngồi dưới gốc cây, cách chỗ tôi đứng hơn 10 mét. Đợi tôi "ngoắc" ra hiệu xe đò ngừng, các anh hãy chạy nhanh ra, xin chở bọn mình về bến xe Miền Đông, các anh vui vẻ đồng ý liền.

Chừng nửa tiếng đứng đợi, từ xa có ánh sáng của chiếc xe đang chạy tới, không biết xe đò hay xe hàng, tôi đứng ra gần sát ven lộ, cầm nón phất qua phất lại liên tục, tôi thấy xe đã giảm tốc độ, tôi càng phất nhanh, xe thắng dừng lại, chú tài xế trẻ xuống kiếng nói lớn, chú là tù mới thả ra muốn về Sài Gòn phải không?. Tôi đáp lớn, đúng rồi, và đi lại gần cửa xe, nói với chú tài xế làm ơn cho bốn anh em chúng tôi về Sài Gòn vì chúng tôi vừa mới thả ra đợt này. Chú tài xế  cón trẻ, chừng trên dưới 30 tuổi, vui vẻ nói: tôi chạy xe đường này, thường gặp như các chú nhiều lần rồi, chúng cháu quý mến các chú chế độ cũ... Ba anh bạn, thấy xe tải ngừng đã vội chạy đến gần tôi rồi. Chú tài xế nói, chú ngồi ở ca bin với cháu, còn ba chú thì ngồi ở trong mui, cháu mở cửa sau ba chú leo lên vì xe trống, không có chở hàng hóa lượt về. 

MÓN NGON MỘC TỒN TRONG TRẠI TÙ Z30D & NỒI MẮM KHO TRẠI TÂN LẬP

Khi đoàn tù của liên trại Tân Lập Vĩnh Phú lần thứ hai chuyển về trại Z30D, cách vài tháng trước, liên trại này cũng có một cuộc chuyển hàng ngàn tù về Nam sau Tết Nguyên Đán (năm 1982) không lâu, hình như về các trại tù vùng Long Khánh (cũng ở các Z30A hay B - C?). Sau hai chuyển tù về Nam của liên trại Tân Lập, anh em còn lại rất ít, cũng có anh em được thả ra khỏi trại. Sau này nghe anh em nói, có một số anh em phe ta không chuyển trại về Nam hay được thả ra mà lại chuyển về các trại ít hắc ám hơn, ở vùng Hà Nam Ninh và cũng được thả ra trong năm 1982. Liên trại Tân Lập - Vĩnh Phú chuyên nhốt tù thua cuộc của Miền Nam, nay như giải thể, không biết CSBV sử dụng trở lại trại tù này nhốt tù hình sự hay làm việc gì với một cơ ngơi 5 trại rộng lớn chiếm hàng trăm héc-ta đất canh tác của người dân. 

Trong lúc chờ đợi, đón xe, ban đầu tôi lo sợ không có chỗ ngủ qua đêm, nếu đón tới khuya không có xe cho quá giang về Sài Gòn. Trong lúc lo lắng vu vơ, bổng tôi nhớ có bà chị nuôi cũng ở vùng này. Khi gia đình chúng tôi còn ở Bà Bài, chị đến cắt lúa mướn cho gia đình và cảm mến gia đình, xin làm con gái nuôi, ba má tôi chấp nhận. Khi gia đình chúng tôi tản cử ra tỉnh lỵ Châu Đốc 1947, chị có đến thăm hỏi và ở chơi với gia đình vài ngày, lúc ấy chị qua tuổi 20. Vài năm sau, chị đến thưa với ba má tôi đứng làm chủ hôn vì ba má chị đã mất sớm. Ba má tôi đồng ý, tổ chức đám cưới cho chị, ba má tôi bao hết chi phí đải đằng bà con hai họ. Sau hơn mười lăm năm, tôi lại gặp chị tại khu vực Rừng Lá có trại tù Z30D. Tôi và tồ 8 người được bò vàng quản giáo ra lệnh đẩy xe cải ra khu dân cư ở ven quốc lộ bán gây quỹ cho trại. Sự tình cờ hy hữu, chị Tư (quên tên) chị nhận ra tôi, lại nói nhỏ với tôi, chị tư nè, em có nhớ chị không? (Chị còn sống cũng khoảng 95 tuổi - năm 2020). Lúc bấy giờ tôi mới sực nhớ lại chị. Chị tư nói lớn, anh em để số cải còn lại tôi mua hết, tôi sẽ bán lại, tôi còn làm dưa chua để chuẩn bị ăn Tết, mời anh em cứ uống nước tự nhiên, cà phê, nước ngọt. nước dừa, tôi bao hết. Anh em cứ ngồi nghỉ cho khỏe rồi hãy đi về trại. Quán cà phê của chị tư cũng có bán nhiều thứ cần thiết khác để bán cho bà con đến thăm nuôi thân nhân tù mua đồ dùng còn thiếu...Chị khều tôi ra sau bếp nói, anh tư của em và anh em ở Châu Đốc, bỏ quê hương trốn lên đây, chuyên đi rừng đốn cây làm củi, chặt lá buông bỏ mối và có cả lò hầm than. Chị nói nhỏ, anh tư không trình diện cùng vài bạn trẻ cũng sĩ quan về đây làm ăn, nay có cuộc sống vững, có hộ khẩu, chứng minh nhân dân. Tôi có nghe gia đình cho biết anh tư là sĩ quan giáo phái Hòa Hảo đồng hóa sang QLVNCH, chị nhét vào túi tôi vài chục, tôi trả lại chị, nói em mang tiền vô trại bị xét thêm phiền hà, cám ơn chị. Và chúng tôi trở về trại sớm hơn các lần bán khác. Cuối năm 1984, đội rau xanh của chúng tôi, trồng cải bẹ xanh trúng mùa, trại ăn không hết đưa đi khu dân này bán nữa và một lần ra đây mua một con nai đồng quê - cầy tơ - về mần thịt do trại thưởng công đội rau xanh.

Khi từ trại tù được thả ra, tôi chạy một mạch đến quốc lộ quẹo phải đợi xe quá giang, nếu tôi nhớ quẹo trái hướng Hàm Tân (miền Bắc), tôi sẽ gặp lại chị tư, đâu còn lo lắng, có thể tôi ở lại qua đêm, sáng hôm sau, chị tư đón xe đò cho tôi về Sài Gòn.Chở cầy tơ.jpg

Nhớ đến xóm nhà dân này cũng cả trăm nóc gia ở hai ben ven lộ, sau vụ bán cải cho chị Tư, chừng một tuần, đã vào tháng chạp. Cán bộ quản giáo cũng muốn thưởng công đội rau xanh chúng tôi trúng mùa và bán cải có tiền cũng kha khá cộng chung gần hai trăm đồng, cán bộ quản giáo xuất qũy 20 đồng cho đội đi mua một con chó về mần thịt bồi dưỡng cho cả đội. Đội cử tôi và ba bạn nữa đi ra khu dân tìm mua "nai đồng quê", tôi không gặp chị tư vì chị đi về quê chồng ở xã Hòa Hảo. Chúng tôi đi cả giờ mà mua chưa được con chó nào cả. Lúc này, gần Tết, các bò vàng hai trại A-B của Z30D ra xóm này "vét" hết chó rồi, chúng tôi lại đi buổi chiều nữa nên tìm không ra. May, tôi thấy một con chó lông vàng mập mạp, đang bị nhốt, nhưng rất tiếc bị ghẻ ở mông mà các bò vàng đi buổi sáng chê. Tôi đề nghị, mình mua đại con chó ghẻ này, họ lại bán rẻ, 16 đồng, tiền còn dư mua thêm ba xi đế, ăn thịt chó mà có ba xi đưa cay thì ngon hết ý. Tôi còn nói thêm, khi mình thui, nhớ thui chỗ bị ghẻ cho thật kỹ và còn nấu chín nữa, vi trùng gì vào lửa đốt, nước sôi cũng sẽ chết hết và cũng nên cắt bỏ mảng thịt ghẻ một ít, anh em đồng ý. Ở tù cả chục năm mới có một lần duy nhứt, được bò vàng cho tiền mua nai đồng quê mần thịt bồi dưỡng, quả thật ngàn năm một thuở. Tôi giữ 20 đồng, không lẽ mang tiền về trả lại quản giáo, coi không đặng chút nào hết. Tôi còn xin ông chủ bán cho thêm đồ phụ tùng tẫn liệm con cầy tơ này. Hơn nữa, ông chủ nhà bán được con chó ghẻ cũng mừng húm, ông cho chúng tôi nhiều gia vị, có cả cà ry, con mẽ, nước mắm và những phụ tùng linh tinh để chúng tôi hóa kiếp cho con cầy xấu số này sớm siêu thoát vào dạ dày. Ông chủ còn cho cái can nhỏ, ông đi mua giùm ba xi đế nào ngon nhứt ở xóm này. Con chó bị trói bốn chân lại, ông chủ còn cho một cái đòn, chúng tôi luân phiên khiên về trại cũng xế chiều, thông báo cho cán bộ biết, tiền còn dư, chúng tôi mua rượu...

Thú thật, ăn thịt chó đối với tôi không có sợ tội phước như nhiều người miền Nam nghĩ, tôi có nhiều người bạn thân gốc Bắc Kỳ chín nút ở vùng Tam Hà, Long Thạnh Mỹ - Thủ Đức thường đải tôi những món ăn thịt chó "bảy món', tôi chỉ ăn qua loa vài món, không mê như các bạn tôi. Nay có dịp, tôi muốn ăn lại món "mộc tồn" này coi có sướng cái miệng không? Nhưng cái kẹt, tôi đi mua chó ghẻ nên ăn cũng không mạnh miệng, ăn vài miếng và đưa cay vài hớp rượu đế cũng có cảm giác sướng tê gân. Không biết, tôi được ăn thịt chó có được may mắn không, chỉ vài ngày sau có tên được thả khỏi trại?

MẮM KHO CHÂU ĐỐC - Nói về ăn, tôi liên tưởng đến món ăn ngon của quê hương Châu Đốc thì rất nhiều, nhiều lắm với các món ăn về cá đồng. Về thịt thì có thịt bò xào lá dang (ngoại trừ tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo kiêng cử ăn thịt bò, trâu, chó...) với nước cốt dừa mà các tỉnh khác của đồng bắng sông Cửu Long ít có. Những món thịt đồng có nào rắn, rùa, chim. chuột... mà món ăn vang danh nhứt của quê hương Châu Đốc là mắm kho và các loại mắm. Cũng như các loại khô cá lăng phồng, cá lóc, cá sặc bổi cũng được du khách đi Châu Đốc viếng cảnh "năm non - bảy núi", Vía Bà Chúa Chúa Xứ Núi Sam...không thể nào quên mua các món ăn ngon độc đáo của Châu Đốc mang về làm quà tặng gia đình, bà con, bạn bè.

Trại tù K1 (hay K4) Tân Lập, có nhiều anh em gốc Châu Đốc ở nhiều đội trong các lán gần nhau thường lãnh xong phần ăn, quây quần bên nhau vừa nhai sắn vừa kể chuyện Châu Đốc cho nhau nghe. Đặc biệt là kể các món ăn ngon độc đáo của quê hương mình trong các bữa ăn chung chừng năm sáu người hay cả chục người vào những ngày nghỉ lao động. Trong trại tù gặp lại bạn bè đồng hương cùng lứa tuổi hay học cùng trường cùng thầy cô thì có nhiều chuyện để gợi nhớ quê hương kể cho nhau nghe, nhứt là những món ăn mà mình thích và nhiều người mê.Mắm Và Rau - Mắm Châu Đốc.jpg

Có một buổi ăn trưa, anh em ao ước nếu có mắm cá sặc kho của quê Châu Đốc thì chắc anh em vui lắm. Còn gì bằng, mọi người cùng khổ, cùng nhau thưởng thức món ăn ngon độc đáo như là đặc sản của Châu Đốc, chắc sướng lắm lắm! Cái ao uớc dễ thương đó đến tai bạn Vương Văn Trung (Thiếu tá thuộc Tiểu khu Châu Đốc) vừa có quà của vợ Trung gởi nuôi chồng, có một hủ mắm cá sặc và mắm thái. Trung nói với tôi là xin đóng góp hơn nửa chén mắm cá sặc để tôi kho cùng anh em Châu Đốc "chén" một bữa. Có người bạn khác cũng còn chừng một chục con mắm cá sặc cũng xin đóng góp. vài anh khác góp một ít gạo hay có cái gì như cá khô, tôm khô... cũng đóng vô "quỹ" cho một bữa ăn trong trại tù. Thế là "tài nguyên" mắm của tôi có hai nguồn cung cấp, được một chén mắm, tôi sẽ kho một nồi lớn cho khoảng 12 người bạn Châu Đốc cùng hòa điệu thưởng thức một nhịp sống quê hương về văn hóa ẩm thực Châu Đốc - mắm kho. Có bạn có "tay trong" làm ở nhà bếp mượn được 2 cái nồi và xin được nhiều nước muối pha loãng để tôi dùng trong việc kho mắm. Trong nhóm này, anh mười Đệ (Chánh Án) lớn nhứt sanh năm 1933, kế là tôi sanh năm 1935. Các bạn nhờ tôi làm "tổng khậu" - Chef cook, vì các bạn cùng tổ cùng đội biết tôi là "chuyên viên" kể các món ăn đồng quê trong đội cho đỡ buồn - trong khi các bạn khác kể chuyện "chưởng" (tôi kể các món ăn đồng quê trong trại tù là tiền đề cho tôi thai nghén viết nên tác phẩm Chuyện Đồng Quê, xuất bản tại Sacramento - CA năm 1999 - bán như tôm tươi - tiền lời thừa mua được một chiếc xe truck cũ, chưa quá 30,000 miles và mua computer, máy in chuẩn bị ra báo - bán nguyệt san Tiếng Vang).

Tôi xin mở ngoặc, tại sao, phải lựa chọn mắm để dành lâu mà không sợ hư thối, đắng, chua, lên men, mắm cá sặc để lâu được, vì không có trộn đu đủ như mắm thái (cá lóc thái mỏng hay xé ra). Còn mắm cá linh là loại mắm rẻ tiền nhứt lại để lâu không được thường bị "lên dầu" (mỡ) hôi, đắng hoặc chua vì cá linh mềm, có nhiều mỡ hơn cá sặc. Hơn nữa, mắm cá linh trong khâu kho mắm hay ăn sống không ngon bằng mắm cá sặc. Mắm cá linh khi có mốc xanh, hư thối ăn rất hại sức khỏe. Còn các loại cá lớn con như mắm cá lóc làm sao ăn từ từ phải có dao cắt, lại bất tiện đủ mọi bề và mắm cá lóc lại mắc gấp ba bốn lần hơn mắm cá sặc. Và các loại cá da trơn làm mắm cũng gặp trường hợp như cá linh không để lâu được. Tôi ao ước trong trại tù mà mỗi bữa ăn nếu có một con mắm cá sặc ăn với sắn, rau luộc cũng sướng như tiên "mắc đoạ" rồi - xin đóng cái ngoặc. 

Nhóm chúng tôi thường ăn chung có khoảng 5 người như: Chánh Án Nguyễn Văn Đệ - Tòa Hòa Giải (Sơ Thẩm Châu Đốc - định cư Orange County - CA)  - Hồ Thanh Chiếu (Đại úy - quê An Phú - hiện định cư ở Seatle - WA) - Nguyễn Văn Hoài (Thượng sĩ P2/TK Châu Đốc - hiện định cư ở Sacramento) - Võ Ngọc Xoàn (Trưởng P2 TK Châu Đốc - Thiếu tá Quận Trưởng), có một người bạn của Chiếu là Trần Thụy Anh (gốc Bắc di cư - Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng - hiện định cư ở Úc) và tôi (Thiếu tá Trưởng Phòng TLC Biệt Khu Thủ Đô)... Nhóm nhỏ này có lúc đông hơn hay ít hơn 5 người, vừa ăn vừa kể chuyện "đời xưa" của cái xứ mắm, nổi tiếng cả nước. Các loại mắm ở Châu Đốc đến thời điểm "chao đường" người ta dùng đường thốt nốt chảy (rẻ hơn đường thốt nốt thành tán, cục) màu sắc tự nhiên, có mùi thơm đặc biệt, ngọt thanh hơn các loại mắm làm ở Long Xuyên hay các nơi khác chao đường bằng "đường thùng" - đường chảy lấy ra từ cây mía.

Ngày vui đến, dịp gần cuối năm (trước sau năm 1980). Với óc tổ chức, kinh nghiệm trong nhiều lần cắm trại, ăn tập thể của học sinh, tôi nhờ nhiều anh lo giúp tìm củi khô dự trữ sẵn. Anh lo chặt vài cây chuối rừng chỉ lấy cái phần non bên trong về xắt làm gõi - "nộm" - anh hái rau rắp cá trộn gõi, có anh giúp gom những đóng góp của anh em... Cái món mắm kho độc đáo của anh em chúng tôi là chỉ có một chén mắm mà với cái nồi to nấu cho 12 người ăn, không có cà tím, không cần thịt cá gì hết, chỉ cần có thêm nước muối mới có đủ chất mặn để chang ăn ghém  chuối rừng. Tôi đứng bếp, kho cả tiếng cho xương cá tan biến cùng với nước đại dương. Người ta kho mắm phải lược bỏ xương mắm, còn anh em chúng tôi tận dụng xương mắm được coi như là thịt cá được kho chung với mắm. Khi tôi giở nắp nồi lên cũng có mùi mắm thoang thoảng cũng làm cho chúng tôi chảy nước miếng và hình ảnh thân thương của xứ mắm Châu Đốc hiển hiện trước mắt đến những người con xa xứ lạc loài bị đày ải nơi "đất khách quê người" - miền Bắc nghèo mạt này. Cái nồi mắm kho đủ chia cho mỗi người một chén nước muối lạt gọi là mắm kho với nước đại dương chang vào ghém ăn cũng ngon ra phết. Còn cơm thì cũng chia cho mỗi người cũng được một muỗng canh. Vừa có cơm, vừa có mắm kho ăn với ghém lõi chuối rừng cùng với sắn bữa ăn tiêu chuẩn cũng vui cũng sướng, đã như thường. Bây giờ, các món ăn ngon nhiều quá, nhưng, đều thua xa món mắm kho đại dương của đầu bếp Trần Văn Ngà ở trại tù Tân Lập, mới nhớ đời. Cả đời tôi chỉ có một lần duy nhứt, vô tiền khoán hậu, là người đứng nấu nồi mắm kho bất hủ không giống ai mà lại ngon tuyệt vời trên cả tuyệt vời. Đố ai học được cách nấu mắm kho nầy?

CHUYỆN ÂN TÌNH CỦA TÀI XẾ XE HÀNG & CÁC CHÁU Ở CÁC GA XE LỬA

Chuyển trại về Nam, khởi hành từ K5 Tân Lập Vĩnh Phú, có đến hàng trăm chiếc xe đi về ga Hà Nam Ninh, nghĩa là ra khỏi Hà Nội vì, số tù quá đông. Đoàn công voa chạy ngang qua Thủ đô Hà Nội của người ta, chúng tôi có dịp ngắm "Hà Nội 36 phố phường"  vào buổi chiều cuối xuân năm 1982 oi bức. Chúng tôi có dịp rửa mắt một thành phố buồn hiu vì dân cả Hà Nội ùn ùn tìm cách len lỏi vào miền Nam liên tục từ  ngày 30.4.1975, như người ta náo nức đi ra nước ngoài chiêm ngưỡng cái văn minh hào phóng giàu đep hơn miền Bắc. Đoàn xe chạy qua Hà Nội về đến ga Hà Nam, ra khỏi ga chừng vài cây số là làng quê cũng vào chiều tối, đoàn xe công voa dừng lại. Được lệnh xuống xe tải, vẫn hai người một còng, tôi bị còng chung với anh Thiếu tá cảnh sát, Chỉ huy trưởng Cảnh Sát quận Gò Dầu hay Trảng Bàng? (Tây Ninh), lớn tuổi hơn tôi. Chúng tôi cứ thoải mái ngồi dựa lưng vào ba lô đồ đoàng lỉnh kỉnh nghỉ ngơi. Từ sáng sớm 2 - 3 giờ, đến lúc đó ai cũng oải gân. Có lệnh loan báo, chúng tôi nghỉ ở đây, đợi tàu lửa ngừng đón mà không cần phải di chuyển đi đâu nữa. Chúng tôi còn gì moi ra ăn hết cho đở đói, còn khát có bi đong sẵn có nước tu một ngụm cũng đở lòng chiến sĩ thua cuộc.

Khoảng 11 giờ khuya, xe lửa ngừng lại, có lệnh đội nào lên toa số mấy có bò vàng súng ngắn, súng dài "hộ tống" đưa lên toa xe lửa. Bị còng một tay, một tay xách hành lý bước lên xe rất khó khăn. Hai tên bò vàng hộ tống đẩy chúng tôi bước lên, suýt té, chúi nhủi, vào ghế gỗ ngồi, từng cặp. Một người đi toilet thì người bạn ngồi ở ngoài, cửa toilet mở toang để cả hai cũng ngữi một thứ mùi thơm tho đặc biệt. Tôi không nhớ rõ, hình như còn có thêm 2 đêm nữa trên xe lửa, không kể đêm đầu mãi gần 2 giờ sáng tàu hỏa mới lăn bánh bỏ lại đất Bắc xã hội chủ nghĩa nghèo khổ buồn tênh.

Khi đoàn tàu về đến cầu Hiền Lương - Quảng Trị (vĩ tuyên 17 - chia cắt hai miền Nam Bắc). Dù mệt và quá buồn ngủ mà không chợp mắt được vì cái cùng khổ nghiệt ngã ở các trại tù miền Bắc đày đọa hành xác ác độc mà không chết, nay về đến "quê hương miền Nam" như chim xổ lồng, Con đường hầm tăm tối đau khổ, nay có ánh sáng lóe lên, không bỏ xác trên đất Bắc, mà không phải là hy vọng mà tự tin, chắc chắn tôi sẽ gặp lại gia đình. Mia ghim 1.jpg

Qua cầu Hiền Lương xuôi về ga Quảng Trị, đoàn tàu dừng lại nhận tiếp tế chừng hơn 10 phút, các em cháu bán bắp, khoai lang, đậu phộng nấu cũng như mía ghim, đến các cửa toa rao mời hành khách mua giúp. Chúng tôi làm gì có tiền để mua, dù đói meo, chỉ biết đưa tay bị còng lên báo cho các em cháu biết tù thuộc chế độ cũ. Các cháu không cần bán, cứ ném, thảy lên bắp, khoai, mía ghim cho chúng tôi đón bắt. Toa xe phía trước, có hàng mấy chục bò vàng theo áp tải tù, cũng gọi các em cháu ném mía ghim hay chuối cho chúng. Các con cháu của "ngụy quân ngụy quyền" thay vì thảy lên nhẹ từ trái chuối một, từ trái bắp hay gói đậu phộng, khoai lang lên còn  thông báo chúng tôi đón bắt. Khi bò vàng gọi các em cháu bán buôn đó, cũng ném lên mà không thông báo trước, ném cả khúc mía hay nửa nải chuối sống, ném mạnh trúng tên nào tên đó lãnh đủ, Mặc sức bò vàng la hét, văng tục mà chúng chẳng dám xuống xe. Tôi nghĩ nếu có tên nào ngu quá nhảy xuống, các em cháu sẽ ném hết cái gì các em có vào mặt, thân xác bò vàng, bỏ của chạy lấy người, thoát thân. Từ Quảng Tri về Nam, đoàn tàu còn dừng nhiều nhà ga lớn, cũng có cảnh bán buôn như ở ga Quảng Trị, Huế mà các con bò vàng lặng im không còn dám kêu gọi các em cháu bán lẻ ném thức ăn kể cả thuốc lá. Các em cháu thấy chúng tôi đưa tay bị còng lên và chúng reo hò, chúng "thảy" lên vài điếu để trong bao thuốc lá đàng hoàng. Còn các em cháu, thấy bò vàng là ném cả gạch đá nhỏ, trả thù dùm chúng tôi.

Đó mới biết sau 7 năm "phỏng giái - giải phóng", đồng bào và các em nhỏ ở miền Nam Việt Nam còn nhớ ơn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, dù nay bị ngã ngựa, các chiến sĩ năm xưa đó luôn có tinh thần vì dân, đặc biệt trận chiến Tết Mậu Thân  - 1968 ở Huế - mùa Hè đỏ lửa năm 1972 ở Quảng Trị...


Khi được thả ra khỏi trại tù Z30D - Hàm Tân (Rừng Lá), tôi không nhớ rõ, ngày cấp giấy ra trại chánh thức, nhưng chắc chắn một điều, tôi về đến Sài Gòn hơn 10 giờ tối. Tôi nghe anh xích lô nói, hôm nay đã có chợ Tết bán đêm qua ngày thứ hai rồi. Tôi nói anh làm ơn chở tôi đi vòng ra đường Nguyễn Huệ để thoáng nhìn chợ hoa, chợ Bến Thành và chạy thẳng về Cầu Chữ Y theo Đại lộ Trần Hưng Đạo, tôi sẽ thấy thêm cảnh họp chợ Tết ban đêm ở chợ Nancy thân thương của tôi từ lúc tôi mới lên Sài Gòn hoa lệ ở trọ nhà bạn gần chợ Nancy năm 1957, thử coi ra sao.?

Lần đầu được ra khỏi trại tù hắc ám, khổ sai ngoài Bắc chuyển về nhốt tiếp ở trại tù Z30D qua các cử chỉ hành động của các em cháu nhỏ đối với những người tù thua cuộc chúng tôi, các em cháu rất hào phóng. Dù gia đình nghèo khổ mà các em cháu dám biếu tặng hết những món hàng chúng bán góp nhặt tiền lời để có đủ tiền mua thực phẩm nuôi gia đình trong ngày. Cái cao đẹp của các em cháu dám hy sinh cả vốn lẫn lời giúp những người sa cơ thất thế, tôi miên man suy nghĩ, gia đình các cháu chắc phải chịu đói hay ăn cháo môt ngày để các cháu biểu hiện tình cảm chân phương ân nghĩa của giới bình dân, nghèo khổ.

Còn ngày ra trại tù Z30D, gặp chú tài xế ở độ tuổi trên dưới 30, có chút ít kinh nghiệm trường đời, có thu nhập khá hơn các em cháu nhỏ, thay vì sống ích kỹ. Qua lời nói, dù đêm tối, cháu cũng không sợ bị cướp chận đường mà vì tấm lòng vị tha bác ái, cháu ngừng xe lại cho bốn anh em chúng tôi về đến bến xe Miền Đông (Sài Gòn). Đây là những ân tình bất diệt của những người dân miền Nam đối với người chiến sĩ thua cuộc bị tù đày khổ sai từ Nam ra Bắc và trở về Nam.

Nếu các chiến sĩ hay quân dân cán chính từng phục vụ dưới chánh thể VNCH mà tàn độc như cán bộ của chế độ cộng sản, tôi tin chắc sẽ không có những cháu bé và chú tài xế giàu lòng nhân ái cứu giúp người thua cuộc như chúng tôi.

NGHỆ SĨ MINH CHÍ VUA "XÀNG XÊ" CHÀO MỪNG ĐẦU TIÊN NGƯỜI TÙ MỚI VỀ

Từ bến xe miền Đông, anh lái xe xích lô, theo lời yêu cầu của tôi, đưa tôi đi lòng vòng và đạp chầm chậm để tôi chiêm ngưỡng lại hình ảnh chợ Tết về đêm của Sài Gòn. Tôi hướng dẫn anh lái xe ngang qua số 15 đường Lê Lợi (góc đường Lê Lợi - Tự Do, bên kia đường Tự Do là trụ sở Quốc Hội Hạ Nghị Viện, bên phải là nhà hàng khách sạn Caravelle, bên trái có Continental. Tại khu vực này, ngoài hai nhà "hàng Tây" to sầm cực sang thời đó, còn có các nhà hàng nhỏ cũng thuộc loại "quý phái" như Givral - Broadard - La Pagode, quán cà phê thời danh ở góc đường Lê Thánh Tôn và Tự Do - nhà sách chuyên bán sách báo Pháp và ngoại quốc Portrail-tên Việt, Xuân Thu - pharmacie La Thành của dược sĩ La Thành Nghệ (có thời là Nghị Sĩ Thượng Viện - Quốc Hội. Trước năm 2000, Bác La Thành Nghệ định cư ở thành phố Stockton - đã qua đời trên 15 năm - cùng bàn bạc với chúng tôi ở Sacramento tổ chức khu an dưỡng người cao niên Việt (+Á Châu...) khoảng gần giữa xa lộ 99 - Sacramento-Stockton, bao gồm: nhà dưỡng lão, phòng khám bịnh, nghĩa trang... 

Khu vực này còn có Tòa Đô Chánh - rạp ciné sang nhất ở Sài Gòn là Rex - Trụ sở Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam - Trung Tâm Quốc Gia Báo Chí - khách sạn Catinat do người Việt làm chủ... Công việc làm của tôi tới lui như hàng ngày ở khu vực này trên 4 năm cho đến ngày 30.4.1975. Tôi có dịp ăn uống, dạo quanh khu vực nổi tiếng còn có tên là khu radio Catinat, nghĩa là nơi đây tung tin đủ thứ tin tức giựt gân thượng vàng hạ cám cái gì cũng có kể tin giã. Và là nơi tập trung ký giả quốc tế, quốc nội, tình báo quốc tế, tình báo cộng sản và của phe ta đều có hiện diện ở khu vực sang trọng này. Ngôi phố lầu đồ sộ ở số 15 Lê Lợi, là Trung Tâm Quốc Gia Báo Chí (sau chuyển qua đường Tự Do cũng ở gần đó) và văn phòng Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam. Ngang cửa văn phòng Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam có tượng đài sừng sững người chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiền QLVNCH đối diện với Trụ sở Hạ Viện. Xích lô chạy về đến đây, tôi vô cùng xúc động, nhớ lại bao kỷ niệm, có nhiều năm tôi có nhiệm vụ theo phát ngôn nhân Quân Đội (tôi làm phụ tá) họp báo hàng ngày sáng chiều tại Trung Tâm Quốc Gia Báo Chí. Có khoảng một năm, tôi đảm trách Trưởng Ban Điểm Báo Quốc Phòng của Khối Thông Tin & Giao Tế Dân Sự của Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Tri, cũng là thành viên của ủy ban kiểm duyệt các nhựt báo tại Trung Tâm Quốc Gia Báo Chí. (H: Cờ - biểu tượng nhựt báo Ashi Shimbun - năm 2010 mỗi ngày phát hành 8 triệu số - năm 2016 phát hành 6 triệu rưởi số - Nhật Bản có 3 tờ đại nhựt báo, trước năm 1975, tôi đều có cộng tác, mỗi tờ phát hành hàng ngày cả chục triệu số - Yomiuri Shimbun tờ báo lớn nhứt phát hành năm 2016 còn trên 9 triệu số. Tờ nhựt báo thứ ba là Mainichi Shimbun - ấn bản buổi sáng trên 3 triệu số - ấn bản buổi chiều trên 1.6 triệu, năm 2016 - trích trên Google).Cơ Asahi_Shinbun_Company.png

 

Cả một chuổi ngày dài, tôi thường có mặt ở khu vực này. Nay kỷ niệm xưa hiện về mà tôi đoán trước, ra khỏi nhà tù nhỏ, lại vào nhà tù lớn của cả nước. Tôi sẽ ít có dịp trở lại vì phải quần quật kiếm sống vất vả, đâu có cơ may trở lại đây nữa. Tôi còn nhớ rõ, cái hào khí "anh hùng tử - khí hùng bất tử" của Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long tự sát trước tượng đài Thủy Quân Lục Chiến đúng sáng sớm ngày 30.4.1975 trong lúc tôi đang đi đến văn  phòng nhựt báo Nhật Bản Asahi Shimbun thay bỏ quân phục, cởi giày nhà binh và súng colt 45, tôi ném vào thùng rác to của khu vực này, chú tài xế lái xe đi, bỏ chiếc xe jeep ở đâu đó rồi cũng chuồn về nhà. 

Vào văn phòng Asahi nằm nghỉ một chút lấy sức vì cả đêm 29.4.1975, tôi ở trong trại Lê Văn Duyệt - Biệt Khu Thủ Đô lo tiếp tế thực phẩm cho các chiến sĩ từ Biên Hòa rút quân về đây. Từ tối 28 và ngày 29.4, Tổng Cục CTCT, Trung Tướng Trần Văn Trung gọi cho tôi biết, Tổng Cục sẽ cho cho tôi 3 xe GMC thực phẩm dự trữ trợ giúp các đơn vị chạy về tăng cường phòng thủ cho Biệt Khu Thủ Đô...

Xích lô chạy ngang nhà ông bố vợ tôi gần nhà hàng Kim Sơn, ngang qua rạp Đại Nam, rạp cải lương Nguyễn Văn Hảo và chạy đến chợ Nancy. Tôi như sống lại thời vang bóng năm xưa mà ngậm ngùi nuối tiếc khôn nguôi.! Đến đầu cầu chữ Y, nhánh lò heo Chánh Hưng, tôi dặn kỹ anh lái xe, vừa xuống dốc, cái hẻm đầu tiên bên trái, xe dừng lại trước quán cà phê trên mặt tiền, nhà tôi ở phía dưới sát bờ sông, cách quán cà phê chừng mười lăm mét.

Xe dừng lại, anh năm Minh Chí nói lớn Thiếu Tá Ngà được thả về rồi, gia đình chúng tôi còn thức nghe tiếng anh Minh Chí, cả gia đình lật đật chạy lên đường Hưng Phú đón "chàng về dinh"  tử địa ngục lao tù. Tôi nói gia đình mang tiền lên trả anh lái xích lô, tôi cám ơn anh và tặng thêm tiền típ.

Khu tôi ở, có nghệ sĩ vang bóng một thời là Minh Chí cùng với nghệ sĩ thời danh Việt Hùng, một cặp bài trùng có một thời lập gánh hát Cải lương thuộc đại bang Minh Chí-Việt Hùng. Nghệ sĩ Minh Chí ở sát cạnh nhà tôi, chỉ cách một đường nhỏ vào nhà chưa tới hai thước. Nghệ sĩ Minh Chí được giới nghệ sĩ phong tặng là Vua Xàng Xê vì anh ca bản xàng xê luyến lái tuyệt vời. Chúng ta từng nghe Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn - Nữ hoàng Cải Lương Thanh Nga - Cải lương chi bảo Bạch Tuyết - vua hát nhạc kích động Hùng Cường - Mai Lệ Huyền... Anh năm Minh Chí người ta còn nhớ tên vì có cái đặc biệt là lấy cả mẹ và con gái riêng của bà làm vợ ở chung một nhà. Bà vợ chánh là đào Ánh Nguyệt, bà bị lao phổi mất tại xóm tôi. Nghệ sĩ Minh Chí đã "vớt" luôn nghệ sĩ Ánh Hoa (16 tuổi - Nghệ sĩ Ánh Hoa mới qua đời 1.11.2020 ở quận 7 Sài Gòn) con riêng trước đó của Ánh Nguyệt, hai mẹ con cùng chung một chồng, ở chung một nhà, đều có con. Ở khu đầu cầu chữ Y này còn có nghệ sĩ Hà Cẩm Thu (kịch nói), bên ban phát thanh truyền hình ngành cảnh sát, nhà ở dưới gầm cầu chữ Y. Vợ chồng Hà Cẩm Thu đều thuộc ngành cảnh sát. Nghe nói sau này, Hà Cẩm Thu cũng khá nổi tiếng về thơ văn ở Sài Gòn. Cả xóm hẻm 1/2A... đường Hưng Phú đổ xô lại bu quanh chúc mừng tôi, hỏi han đủ thứ, bà con mừng tôi trở về xóm cũ mà vẫn còn lành lặn khỏe mạnh. Khu hẻm này xe hơi chạy vào được, chưa tới ba mươi căn nhà, mọi người đều thân quen nhau, có nhiều thiện cảm với gia đình chúng tôi từ trước ngày 30.4.1975 và 10 năm sau vẫn giữ tình nghĩa như cũ... 

(Trích tập Hồi Ký Công Tử Nhà Quê Bà Bài, sẽ xuất bản cuối năm 2020 - dày gần 600 trang) Anh Phương Trần Văn Ngà (26.10.2020).

PHẦN HAI


GIA ĐÌNH SUM HỌP ĐẦU TIÊN THÁNG 1/1985

Khi tôi đi tắm trút bỏ "bụi trần" bà xã nấu vội một nồi cháo trắng ăn với khô cá sặc nướng mà tôi thích, chuyện vãn đến gần 1 giờ sáng, các con đã đi ngủ rồi vì sáng còn phải đi học. Bà xã tôi thu dọn rửa chén xong, chúng tôi cũng đi ngủ, bốn năm giờ sáng bà xã thức dậy nấu cơm và hâm nóng thức ăn để các con ăn sáng và còn mang theo ăn trưa ở trong trường học. Tôi ngủ tiếp cho đến khi các con tôi thu xếp sách vở đi học, tôi mới thức, lo vệ sinh cá nhân và tắm thật kỹ trút hết những "trần ai" của nhà tù. Dù tối qua, trước khi đi ngủ, tôi cũng có tắm, nhưng nước lạnh, tôi không dám tắm lâu chỉ tắm đủ xóa bỏ bụi bặm của trường đời mười năm lao lý khổ sai. Và về đến nhà cùng ở chung với gia đình còn bị quản chế thêm năm năm nữa mới được trả quyền công dân. Đó là hình thức ở tù tại gia, không được ra khỏi Sài Gòn, đặc biệt công an phường và tổ dân phố cứ hỏi thăm dò, coi ban đêm tôi có đi ngủ ở chỗ khác không?...

Cả ngày hôm sau, ở nhà một mình ngơi nghỉ và chỉ có nấu một nồi cơm ăn cả ngày, còn thức ăn bà xã đã nấu trước hết rồi. Tôi soạn cái ba lô từ trại tù mang về, đem tất cả cái gì rửa giặt được cho hết vào cái thau lớn nấu nồi nước sôi đổ vào cùng vài muỗng xà bông ngâm đến trưa, tôi mới giặt vì nếu có rệp trú ẩn trong đó sẽ chết hết. Vừa làm lặt vặt vừa quét và lau nhà cho có mồ hôi để tắm gội thêm một lần nữa, gội đầu bằng xà bông thơm, tay chân thân thể kỳ cọ thật kỹ, lấy bộ pyjama còn khá mới, bộ đồ ngủ này được về hưu gần suốt mười năm, nay mặc vào, tự tôi thấy đã thay đổi thành con người mới. Có dịp sau gần mười năm nhìn vào kiếng ở vào cái tuổi ông bà mình nói: ngũ thập tri thiên mạng, tóc chưa bạc chỉ mốc thếch không được bóng mượt chăm sóc như xưa. Còn da bị nhiễm phong sương mưa nắng sần sùi, những vết thẹo ghẻ chốc còn in sâu đậm ở hai chân, còn cái mông vì tôi không thấy và đoán chắc các cái thẹo to nhỏ như cái rổ đều khắp cả cái mông vì tôi bị ghẻ liên tiếp ba bốn năm. Nhờ tôi có tối kiến không phải sáng kiến, đi tắm ở ao xả của trại K1 Tân Lập bơi ra xa để cho cá lòng tong xơi mày ghẻ cũng như mủ máu, đau tới mây xanh, tôi làm lang băm cho cá lòng tong đớp hết chất bổ mắc dịch đó để cho đám bò vàng trại đến câu cá ăn thêm bổ. Lên bờ, tôi lấy một ít nước muối mang theo, đổ vào bàn tay, rồi mình tự xoa mông mình cũng đã làm sao, nó đau nó rát, mặc kệ. Sau đó,tôi xoa thêm nước muối vài lần nữa, thế là các mụn ghẻ ở cái mông lại hết cho đến bây giờ mới là tài!!! Nhìn vào gương, thấy da mình chỉ sạm nắng nhiều có vẽ từng trải chịu đựng với thời tiết khí hậu của cả hai miền Nam Bắc và đặc biệt vùng sơn cước, rừng núi...làm lớp da như dày thêm lên - "no xì ta que" - không sao đâu!

Trong tủ quân áo và chỗ để giày, tôi kiểm điểm lại thấy còn nguyên vẹn, chỉ còn thiếu quân phục vì tối ngày 30.4.1975, chúng tôi đã ném sạch xuống sông tất cả cái gì có liên quan đến nhà binh, kể cả một khẩu súng M16, một cây carbine M2 cùng nhiều băng đạn rời và hình ảnh có đeo lon lá, tôi cũng gởi tặng hết cho bà thủy xài đở.

HAI CÂY CỔ THỤ LÀNG BÁO MIỀN NAM: NGUYỄN KIÊN GIANG & AN KHÊ

Trong Quân đội tôi có ám số chuyên nghiệp: chiến tranh chánh trị - sĩ quan thông tin báo chí - tâm lý chiến...Sau mưòi năm từng trải qua nhiều nhà tù từ Nam ra Bắc và trở về Nam, được CSBV cấp bằng "tiến sĩ tù cải tạo" đuổi ra khỏi trường đại học cải tạo. Nay trở về sống với gia đình, được bà xã cấp cho ám số chuyên nghiệp mới là "nội trợ" và ra chợ trời "hụ hợ" với bà xã buôn bán quần áo mới cho giới lao động, bình dân (không phải mua bán quần áo cũ). Dù bán bên lề đường, che bạt trông nhếch nhác mà phải đóng thuế và còn bắt buộc vào hợp tác xã do Ban Quản lý Chợ An Đông kiểm soát...Gọi là buôn bán chợ trời tại khu vực chợ An Đông, các sạp bán buôn chiếm nửa phần con đường ngắn từ đường Hồng Bàng sang Hùng Vương, bên trái là cửa hông chợ An Đông, bên phải là tường ngăn cách, có hồ bơi An Đông bên trong. Sau mấy ngày, tôi nghỉ ngơi và đi chợ Nancy mua thức ăn về, cũng trổ tài tù lo nấu, chế biến thức ăn, đa phần là rau muống vì là loại rau loại rẻ nhứt ở chợ Nancy, tiền chỉ đủ mua cá biển, còn cá đồng và thịt thì lại đắt hơn. Cứ bổn cũ soạn lại, chỉ mua bao nhiêu thứ đó, nấu các món ăn bình dân nhà quê mà tôi còn nhớ. Các món ăn không thay đổi, rau muống không lặt từng cọng như người nội trợ khác, tôi để từng bó, cắt một nhát dao là xong, chỉ bỏ phần rau quá già, lấy ra lá úa và rác xen trong rau ném bỏ. Rau rửa sạch nấu canh, luộc hay xào với một ít tóp mỡ là có món ăn "thượng hạng" (dở) ăn hoài cũng chán. Các con tôi không dám chê Ba nấu dở mà chỉ tâm sự với mẹ chúng, Ba làm món rau muống còn nhiều phần rau già, chắc Ba quen cách làm rau muống trong trại tù, hơi đâu mà lặt từng cọng?. Trong nhà tù, tôi đâu có diễm phúc được làm ở nhà bếp, dù cực mà không đói thường trực như những người tù đi lao động ngoài trời. Thế là tôi mất dốp đi chợ. Mỗi sáng chừng 9 - 10 giờ, tôi đi chợ An Đồng bằng xe con điếc đặc, mang giỏ theo. ngồi giữ sạp và tập tành buôn bán. Bà xã mua các thức ăn gì và còn căn dặn nấu món chi, cứ y chang bài bản của bà xã chỉ mà làm phận sự của thân trai "mười ba bến nước". Người phụ nữ có mười hai bến nước còn liền ông ở tù mới ra có thêm cái nghề bất như ý là lau quét nhà và nội trợ các cái, cũng như bên Mỹ, đàn ông có bến nước 13 là rửa chén.

Dù là tù mới được thả, đạp xe cọc cạch, xách giỏ đi chợ cũng ăn mặc đàng hoàng, áo bỏ vô thùng, đi giày da đánh bóng, đầu cũng chải láng chỉ thiếu brillantine cho thêm láng mướt. Những người bình dân buôn bán trông thấy người đàn ông đứng tuổi, áo bỏ trong quần đi giày đàng hoàng thì người ta biết là mấy "ông cải tạo" mới về. Còn cán bộ, cấp cao hay cấp thấp, là kẻ thắng cuộc mà chưa biết cách thức diện lịch sự văn minh của người miền Nam - bỏ áo vào trong quần, đi giày không đi giép lẹp xẹp, có thơ rằng:

"Đôi giép râu dẫm nát đời son trẻ  

Nón tai bè che khuất nẽo tương lai"

Lúc bấy giờ, giới đàn ông, cách ăn mặc thời thượng, áo để ngoài quần, vạt áo phất phơ theo làn gió, đầu đội nón cối, chân mang đôi giép râu, lưng đeo sắc cốt cho rằng là oai phong liệt liệt...

Mỗi ngày, nhiệm vụ cao cả của người đàn ông mới "nhập thế" sau mười năm tu luyện ở vùng thâm sơn cùng cốc Sơn La - Yên Bái - Vĩnh Phú - Rừng Lá...Tôi sử dụng chiếc xe điếc cà tàng, chốc chốc lại ngừng, máng lại dây sên, cũng lái xe lang thang thăm lại bạn bè xưa, nhứt là các ông thầy làm báo và ký giả năm xưa. Trên đường An Dương Vương hay Hồng Bàng, đang chạy xe, nghe có tiếng gọi giật ngược trước tiệm ăn hủ tiếu Nam Vang, gọi tên tôi bảo dừng xe lại. Tôi nhìn kỹ, té ra anh chị hai Nguyễn Kiên Giang (tên khai sanh Lý Thanh Cần) cùng đi với vài ba người đàn ông nữa, tuổi cũng sồn sồn rồi, đang lấy thẻ gởi xe, tôi dừng xe lại. Anh chị hai mời tôi vào ăn hủ tiếu Nam Vang (Sài Gòn nổi tiếng tiệm hủ tiếu Nam Vang Thanh Xuân ở gần Bộ Công Chánh). Từ ngày ra tù đến lúc bấy giờ, tôi chưa có dịp ăn lại món hủ tiếu mà tôi mê thích. Hủ tiếu Nam Vang hay món hủ tiếu Mỹ Tho ở vùng "ngã tư quốc tế", gần rạp cải lương Nguyễn Văn Hảo của bà chủ "có da có thịt" xổ sữa. Anh Nguyễn Kiên Giang là Chủ tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt mà tôi là thành viên của Nghiệp đoàn này từ thập niên 60. Và sau ngày Quốc Hận 20.7.1954 có thêm Nghiệp Đoàn Ký Gỉa thứ hai, sau cuộc di cư vĩ đại từ miền Bắc vào Nam - Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam do giới nhà báo gốc Bắc di cư sáng lập (nhà văn Thanh Thương Hoàng - hiện định cư San Jose, giữ chức Chủ tịch thứ hai và kế tiếp là nhà báo Thái Dương khi tôi gặp lại anh Thái Dương, đã cộng tác với nhựt báo Cấp Tiến của ông bầu Ưng - cùng gốc giá sống (tôi cũng đã gia nhập nghiệp đoàn này từ đầu năm 1970) - thành đôi bạn vong niên thân thiết - Anh Thái Dương (sanh 1928), Chủ tịch Nghiệp đoàn Ký Giả VN cho đến ngày 30.4.1975 . Và nhà báo Tô Ngọc - cùng cộng tác với tôi chủ trương in ấn bán nguyệt san Tiếng Vang Sacramento - Tô Ngọc làm Tổng Thơ Ký Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam thời anh Thái Dương làm Chủ Tịch và trước đó, thời chủ tịch Thanh Thương Hoàng, Tô Ngọc là Thủ quỹ). Anh Hai Nguyễn Kiên Giang, chủ nhiệm nhựt báo, Chủ tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt... (không phải nhà thơ & soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà mà nhiều người thường lẫn lộn vì cả hai có cùng gốc Kiên Giang).

Trong lúc chờ đợi hủ tiếu mang đến, anh chị Hai hỏi tôi ra tù hồi nào và gia đình ra sao...tôi có ở tù chung, cùng lán với anh hai Nguyễn Kiên Giang ở trại tù K1 Tân Lập vài tuần, anh Nguyễn Kiên Giang chuyển đi nơi khác và sau đó được thả ra tù khoảng sau năm 1980. Đám tang anh Nguyễn Kiên Giang khoảng gần cuối năm 1985, tôi đi tiển đưa và dự lễ cầu siêu tại chùa Linh Sơn đường Cô Bắc (Anh Nguyễn Kiên Giang lớn hơn tôi trên dưới 10 tuổi). Anh Nguyễn Kiên Giang mà anh em chúng tôi vào nghề viết báo, vào Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt thường gọi là anh Hai vì anh lớn tuổi, lão làng trong làng cùng thời với Nam Đình, Trần Tấn Quốc, Nguyễn Ang Ca...Tờ nhựt báo anh Hai làm chủ nhiệm có tên là Thời Đại (?) phát hành cũng khiêm nhường. Anh còn được bầu vào chức Hội Trưởng trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký và Chủ tịch phong trảo (đảng) Phục Hưng Miền Nam...

Cũng trên đường đi từ nhà ở Cầu Chữ Y đến chợ An Đông, tôi biết được địa chỉ quán ăn và cũng là địa chỉ nhà của nhà văn cựu chủ nhiệm Nhựt Báo Miền Tây (toà soạn tại Cần Thơ - tờ nhựt báo đầu tiên, lịch sử của làng báo Miền Nam ở miền Tây) An Khê Nguyễn Bính Thinh. Tôi ghé thăm anh An Khê ở trên đường - một đầu đường đụng Nguyễn Trãi (có bán hoa cây kiểng, không phải bán hoa ở hotel) - một đầu giáp với đại lộ Hùng Vương - có bến xe Miền Tây cũ, chênh chếch đối diện với hảng sản xuất thuốc lá Bastos (hay Mélia?) - Anh chị An Khê niềm nở chào đón và thăm hỏi tôi và gia đình, anh cho biết chuẩn bị xuất cảnh sang Pháp. Dù tiệm ăn của anh cũng khá nổi tiếng, khấm khá, đành đóng cửa và sẽ bán, thu dọn để sang Pháp định cư ở vùng ngoại ô thành phố Marseille. Anh mời tôi trưa mai ghé nhà anh ăn cơm do anh đứng bếp, tôi biêt anh An Khê chỉ còn sử dụng có mấy ngón tay, một tay hoàn toàn bị tàn phế. Anh lái xe ô tô một tay, đánh máy chữ có mấy ngón mà lúc cao điểm nhứt, anh viết truyện tình cảm qua hình thức feuilleton, viết hàng ngày đăng các báo, đến 13 tiểu thuyết khác nhau, vô địch viết feuileton trong làng văn, làng báo thời bấy giờ. Người thứ hai là nhà văn nổi tiếng Bình Nguyên Lộc, lành lặn mà chỉ viết  tối đa là 12 truyện đăng báo hàng ngày. Đây là chuyện khó tin mà có thật, chúng ta viết hai ba truyện một ngày mà truyện này lộn qua truyện kia, nhứt là tên các nhân vật trong truyện này "xọ" qua truyện khác.... Nhà văn An Khê, có biệt tài viết văn kể như là vô địch ở Việt Nam, cho nên thu nhập lúc cao điểm mỗi tháng mấy trăm ngàn (trong lúc tôi lãnh lương Quân Đội chỉ khoảng sáu ngàn). Anh An Khê bỏ bạc triệu phát hành nhựt báo Miền Tây và lỗ mất vốn mà anh còn mua được nhà lầu, xe hơi. Sau cuộc đổi đời năm 1975, anh mở tiệm ăn khá sang trọng thời bấy giờ, chuyên bán thức ăn đặc sản của miền Tây. 

Khi tôi phục vụ tại Vùng IV Chiến Thuật ở Cần Thơ (trước sau năm 1965), trong trách nhiệm về truyền thông báo chí nên tôi có cơ hội giúp anh An Khê. Anh có người em vợ, gốc giáo viên thi hành lệnh nhập ngũ, lại làm việc dưới quyền tôi - anh Đinh Quang Mẫn cũng là nhà báo chuyên viết cho các báo Xuân ở Sài Gòn. Tết Nguyên Đán năm con gì thì viết những chuyện liên quan đến con vật đó trong 12 con giáp đã xảy ra trong lịch sử VN từ xa xưa cho đến cận đại, tôi chưa thấy ai viết chữ bằng tay mà đẹp như anh Mẫn mà lại viết nhanh. Gia đình anh Mẫn kể cả gia đình vợ anh An Khê ở quận lỵ Cái Vồn (tổng hành dinh của tướng Năm Lửa Trần Văn Soái - lực lượng giáo phái Hòa Hảo - đặt ở đây, thuộc Cần Thơ - sau này, quận Cái Vồn thuộc tỉnh Vĩnh Long gọi là quận Bình Minh). Tôi gặp anh An Khê như sống lại thời vàng son của tôi ở Cần Thơ cũng như thời gian cực thịnh chiến thắng nối tiếp nhau tại khắp các mặt trận Vùng IV Chiến Thuật, từ Mỹ Tho (Định Tường) cho đến mũi Cà Mau (An Xuyên) - 16 tỉnh của miền Tây. Tờ nhựt báo Miền Tây được Trung Tướng Đặng Văn Quang khuyến khích. Lúc bấy giờ anh An Khê phải viết cho các nhựt báo ở Sài Gòn. Tại mỗi tòa soạn, anh đánh máy vài trang đủ in một số báo, lái  xe đến báo khác... Anh cũng có viết trước trong đêm cho một số báo và chỉ ghé qua đưa bài thì dzọt liền. Mỗi tờ báo ở tối đa 30 phút, cho đến hai ba giờ trưa, kể như xong nhiệm vụ cho một ngày bận rộn. 

Là Chủ nhiệm của một nhựt báo, nên hay phải có mặt thường xuyên tại tòa soạn để trông nom, kiểm soát mọi chuyện , đàng này anh An Khê bận viết truyện ở Sài Gòn cứ khoán trắng cho Ban Biên Tập. Tổng Thư Ký tòa soạn là anh Tyca, sau 30.4.1975, cả hai vợ chồng lộ nguyên hình là làm tình báo cho VC, được đeo lon trung úy hay thượng úy công an... trưởng công an Phường còn chị Ty Ca trung úy công an giữ an ninh tại văn phòng xuất nhập cảnh ở đường Nguyễn Du. Làm việc được vài năm bị cho về vườn khi miền Bắc đưa vào cán bộ công an trẻ...Anh Ty Ca rất hiền, có tài làm báo. Ký giả Cao Trần là em ruột của ký giả Lê Hiền chủ nhiệm nhựt báo Bút Thép, thư ký trang trong. Phụ trách trang thơ kịch trường cho nhựt báo Miền Tây có thi sĩ & soạn giả Kiên Giang (Hà Huy Hà) - trang văn học có nhà văn Nguyễn Ngọc Mẫn phụ trách. Hai phóng viên nòng cốt: Mai Thế Yên - Nguyễn Thiếu Nhẫn (hiện định cư ở San Jose, cũng làm báo, Nguyễn Thiếu Nhẫn có bút hiệu khác là Lão Mốc) - Còn Mai Thế Yên có con gái bảo lãnh sang Mỹ ở một thời gian, hai vợ chồng có nhà cửa khang trang ở gần đường Phạm Thế Hiển, quận 8. Nay trở về sống với tuổi già ở quê nhà. Nhóm nhựt báo Miền Tây năm xưa đã rủ nhau về bên kia thế giới khá nhiều. Những người còn sống hiện nay, có Nguyễn Thiếu Nhẫn - Mai Thế Yên - tôi và Cao Trần (Cao Minh Chữ, tuổi chưa tới 80 không biết sống chết ra sao?). Trong những tháng cuối cùng, trước khi tờ nhựt báo Miền Tây đóng cửa, tôi nhảy vào giúp sức viết thêm một loạt phóng sự  "Mắm Châu Đốc - Lụa Tân Châu" không lấy tiền nhuận bút và trước đó cung cấp tin tức chiến sự và phóng sự chiến trường cũng không nhận tiền nhuận bút vì tôi muốn tờ báo này sống. Chi phí quá nhiều bị lổ, nào phải thuê tòa soạn, mua dàn máy in với ê kíp sắp chữ, in báo, từ Sài Gòn đưa xuống mà chỉ có công việc in một nhựt báo nên chi phí cao và cái khâu phân phối báo rất tệ, một tờ báo mà phân phối hết 16 tỉnh quá nhiều tốn kém. Còn ở Sài Gòn mấy chục tờ báo, có một đại lý tổng phát hành trên toàn quốc nên giá thành từng tờ báo thấp. Tôi nghĩ tờ nhựt báo Miền Tây chết là do chính quyền không mua ủng hộ cũng như nói giúp chỉ nói suôn, không ủng hộ cụ thể...

Tôi gặp lại đàn anh An Khê mà tôi rất trân trọng quý mến, anh rất hiền lành, dễ mến. Anh An Khê lại là một phế binh từng là Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng một tiểu đoàn Bộ Binh của Quân Đội Quốc Gia, đầu thập niên 50, di chuyển hành quân bằng đường xe lửa bị VC phục kích tấn công ở đèo An Khê - Vùng II Chiến Thuật, nhiều toa xe bị cháy, anh An Khê bị cháy phỏng cả thân thể, quân Việt Minh tưởng anh chết nên không bắt làm tù binh. Vì bị thương tật nặng thành phế binh nên anh được giải ngũ. Trở về đời sống dân sự, anh chuyển qua nghề viết văn và người bạn thâm giao là nhà văn Bình Nguyên Lộc chọn bút hiệu cho anh Nguyễn Bính Thinh là An Khê, để nhớ lại chiến trận bị phục kích ở đèo An Khê.

An Khê Nguyễn Bính Thinh, cha là Bác sĩ, quê anh ở Rạch Gía, quê vợ ở Cái Vồn. An Khê Nguyễn Bính Thinh sanh 1.9.1923 tại Sa Đéc, lớn lên ở Kiên Giang và anh qua đời ở ngoại ô Marseille 9.11.1994 - 71 tuổi. Nhà văn nhà báo An Khê để lại cho đời hàng trăm tác phẩm và nhiều tác phẩm được viết, sáng tác thành tân nhạc, tuồng cải lương, thành phim .. Xin mời độc giả lên Google tìm xem nhà văn An Khê, một trong những cây viết tiểu thuyết có nhiều tác phẩm nhứt, lừng danh của miền Nam Việt Nam.

Tôi cũng gốc Miền Tây như anh An Khê, anh đãi tôi một bữa cơm rất thịnh soạn và có thể nói là sang nhứt sau ngày tôi được thả ra hỏi trại tù cộng sản. Với bốn món đặc chất Nam Kỳ Lục Tỉnh: lươn nấu canh chua với bắp chuối hột - cá trê chiên ăn với nước mắm gừng - cá rô mề kho tộ và cá lóc hấp cuốn bánh tráng. Bữa ăn trưa hôm đó, anh nói anh chị muốn đải chú một bữa và chưa biết ngày nào anh chị rời khỏi Việt Nam, anh em mình khó gặp lại nhau nữa. Đây cũng là bữa ăn cuối cùng như bữa ăn "vĩnh  biệt", tôi không còn gặp lại anh An Khê. Thức ăn ê hề như vậy mà chỉ có ba người ăn, anh chị An Khê và tôi.

GẶP LẠI NGƯỜI BẠN NĂM XƯA THEO VC BỊ RA RÌA - PHẠM DUY TỊNH

Trên đường đi từ chợ An Đông trở về nhà, tôi thường đi nhiều ngã để muốn ôn nhớ lại dĩ vãng xa xưa, tôi đạp ngang một khu phố lầu gần đến hảng thuốc lá Bastos, chợt thấy một người bạn học cùng lớp, 4 năm liên tiếp trung học ở Collège de Chaudoc - Phạm Duy Tịnh từng đi dạy tiểu học như tôi rồì anh thoát ly vào bưng theo VC. Nay tình cờ gặp lại vợ chồng anh vừa dừng xe Honda lại trước nhà lầu (hai hay ba tầng) còn mới. Tôi ngừng xe lại hỏi bạn Tịnh còn nhớ tôi không? Tịnh nói, sao mà hổng nhớ, hai ông bà vồn vã mời tôi vô nhà chơi. Tôi nghe tên biết tiếng Tịnh, sau này 30.4.1975, anh về làm việc ở Long Xuyên (gọi là tỉnh An Giang) có một thời gian Tịnh được bố trí làm Chủ Tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh An Giang. Tịnh cũng biết tôi là sĩ quan đi "học tập cải tạo" mới về. Vào phòng khách, chúng tôi hỏi thăm sức khỏe nhau, Tịnh nói thấp giọng xuống, có lẽ không muốn cho vợ nghe, tao bị ra rìa nên về sống ở đây với bà xã. Tế nhị, tôi biết có vậy thôi. Chị Tịnh mang ra nước trà và bánh ngọt ân cần mời tôi. Có vợ ngồi cạnh bên, Tịnh mới kể lại mối tình muộn của hai người, vợ Tịnh du học bên Pháp - Tiến sĩ Hóa Học, về nước dạy đại học và có mở phòng lab riêng...Thời cuộc đổi thay, với chế độ mới chị tiếp tục dạy hóa học ở đại học, thuộc loại vieille fille (gái già), còn độc thân, tuổi cũng xấp xỉ với Tịnh, với tôi, có chân trong Ban Chấp Hành Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Sài Gòn được cử đi dự đại hội ở trung ương Hà Nội và gặp Phạm Duy Tịnh từ An Giang ra họp. Một người gái già, lở thời, một ông, vợ có chồng khác vì vào bưng để vợ cô đơn. Hai tâm hồn lớn gặp nhau và thời gian sau hai người chánh thức lấy nhau, cũng là lúc tình đẹp duyên ưa, Tịnh không còn giữ chức vụ Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc nữa, bị "hạ tầng công tác" chuyên qua công việc khác và vì thế Tịnh như sống chánh thức ở Sài Gòn được vợ nuôi - Tiến sĩ Hóa học Nguyễn Ngọc Sương - con nhà giàu (cha là Đốc Phủ Sứ cho con du học Pháp), Nay ở nhà cao cửa rộng một mình nên ruớc chàng về dinh để nàng sửa túi nâng khăn và nâng các cái.

Tôi gặp lại Tịnh với hoàn cảnh như vậy. Sáng sớm tôi đạp xe con điếc, đèo bà xã ra chợ An Đông, phụ dọn sạp trưng bày quần áo xong, bà xã đi chợ mua thức ăn, tôi giữ sạp. Sau đó tôi đạp xe về nhà lo làm bếp cũng nhàn hạ, có dịp đọc nhiều sách báo của VC cũng chán, nhưng, ngày nào cũng đọc như là văn ôn - võ luyện vậy. Tôi thường đạp xe ngang nhà ông bà Tịnh Sương, khi nào gặp hai người ở trước nhà, tôi ghé chơi và cũng vì thế, chúng tôi cũng quên giới tuyến quốc cộng "không đội trời chung", chỉ còn biết là bạn học mà thôi. Chị Sương thường ngõ ý mời tôi đến ăn cơm với hai ông bà vì Tịnh thích uống rượu mà không có người đối ẩm cũng buồn. Và chị Sương cũng không thích bạn của Tịnh toàn giép râu "ngô ngố" thế nào.! Nay gặp bạn dù đi xe điếc vẫn mang giày da đàng hoàng, áo cho vô thùng, Tịnh cũng với gốc thầy giáo, ăn diện y chang như tôi vậy, không để áo phất phơ ra ngoài quần, không đi giép lẹp xẹp. Có lẽ chị Sương thấy tôi còn hơi hám chế độ cũ qua cách ăn mặc như chồng chị nên chị có cám tình, thật lòng mời tôi ăn cơm khi nào có những món ngon được biếu xén từ quê của chị hay của quê hương Châu Đốc. Chị Sương vốn gốc nhà giàu, nhưng thường sống tự lập một mình khi đi du học hay về dạy học ở Sài Gòn, dù có chị bếp giúp việc mà các món ăn đải khách chính chi nấu, khá ngon, nêm nếm hợp với khẩu vị. Tôi vốn là người thích ăn nhà hàng khi còn đi dạy học. Đọc báo thấy có nhà hàng mới, khai trương là tôi đến ăn ngày bán đầu tiên. Lúc bấy giờ, dạy học có tiền mà chưa có bồ, có xe lambretta mới toanh cứ xoành xoạch đi ăn nhà hàng một mình mới dễ sợ đó! Nghe Tịnh qua đời cách đây cũng khá lâu, tôi đoán bạn tôi bị sơ gan? vì gương mặt lúc gặp tôi cũng hơi sậm và mét và thêm bất mãn, uống rượu nhiều nữa. Tịnh cùng quê Châu Đốc với tôi, có cha là cựu quân nhân thời Pháp thuộc (hình như Thượng sĩ). Nổi hứng hay bị dụ dỗ theo VC, sau 30.4.1975 về thành được một thời gian,VC ban cho chức Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh An Giang. Có lẽ, Tịnh bị xét lại lý lịch ba đời, bị hạ tầng công tác nên Tịnh bất mãn lại càng uống rượu nhiều được vợ giàu có cưng chiều, nuôi vỗ béo cẩn thận... Cũng đáng thương cho một kẻ nhẹ dạ lầm đường theo VC.!!!

MƯU SINH BẰNG NGHỀ "HỤ HỢ" VỚI BÀ XÃ BUÔN BÁN CHỢ TRỜI

Trước năm 1975, ở trong Quân Đội tôi có nhiều ám số chuyên nghiệp quân sự: sĩ quan thông tin báo chí - tâm lý chiến - chiến tranh chính trị, tôi đều có theo học và phục vụ trong các lãnh vực này cũng gần suốt cuộc đời binh nghiệp. Ngoại trừ năm đầu ở đơn vị bộ binh tác chiến, cũng  phục vụ trong lãnh vực chuyên môn. Đặc biệt ngành truyền thông báo chí Quân Đội và kể cả báo chí dân sự theo tôi suốt cuộc đời từ 26 tuổi đến tận bây giờ (60 năm). 

Cuộc đổi đời, từ ông xuống thằng, từ thằng ngoi lên nghề nội trợ, buôn bán chợ trời, buôn bán gạo, xe honda đường dài, từng chiếc lái từ Châu Đốc về Sài Gòn. Nghĩa là làm đủ nghề, sau cùng chỉ có nghề hụ hợ cho bà xã là bền vững "ăn nên làm ra" mua được xế nổ hai bánh. Không còn cảnh đạp xe ná thở từ Sài Gòn lên Quán Tre - Hóc Môn hay Thủ Đức đưa vải cho các lò cắt may hoặc lấy thành phẩm về bán... Ông bà mình nói rất chí lý "cùng tắt biến, biến tắt thông", từ không biến thành có, từ hai bàn tay trắng, từ nhỏ đến lớn không biết nghề buôn bán là gì, nay gia đình chúng vì đổi đời nên đổi nghề, từ từ nghề dạy nghề, phất lên thấy rõ. Từ bán ngồi ngoài lề đường, được vào trong vòng rào chợ An Đông và được mua sạp khi chợ An Đông xây dựng lại rất tân tiến - văn minh - chợ có thang cuốn đầu tiên ở Việt Nam như nhiều nước tiên tiến khác.

Công việc của tôi, từ có ám số chuyên nghiệp nội trợ, nay đổi thành thương lái giao dịch đi mua vải ở chợ vải Soái Kinh Lâm (khu phố lầu này, tầng trệt buôn bán, sau 1975 trở thành chợ vải - Trên lầu là trường Trung học Phước Kiến - sau đổi tên là Phước Đức, tôi làm giám học các môn dạy tiếng Việt trường này) và chạy xe lên Thủ Đức hoặc Hóc Môn đưa vải để các lò cắt may làm thành phẩm theo đặt hàng của bà chủ. Bao nhiêu mét vải loại gì, may bao nhiêu áo quần, cở kiểu gì tôi hiểu biết cặn kẻ để giao vải cho lò may và lấy thành phẩm đúng y chang như tính toán. Thỉ dụ vải khổ 8 tấc hay 1m2, một chục mét hay hai chục mét may được bao áo cở "size" trẻ con mấy tuổi hay người lớn, ngắn tay hay dài tay và quần tây cũng vậy. Lúc bấy giờ, tôi rành "sáu câu", tính nhanh như gió, mua vải xong, tôi lái Honda, vải được bỏ vô bao hoặc nhiều khi để trần chạy gắp đưa lên lò cắt may cho kịp ngày giao hàng cho thương lái từ Bắc, miền Trung hay người ta đặt cọc mua xuất khẩu sang Liên xô hay các nước cộng sản khác ở Đông Âu...Lúc này, chúng tôi bán sỉ là chủ yếu, bán lẻ tại sạp không nhiều, ngoại trừ dịp Tết, bán buôn không có thì giờ ăn trưa. Nhiều lúc, một ngày tôi lái xe đi giao vải cho lò may hai ba lần ở Hóc Môn và Thủ Đức. Nhiều mối lái ở các tỉnh xa kể cả Kampuchia và chúng tôi cũng thường bị bạn hàng giựt lia chia mất cả vốn lẫn lời. Cái màn đi đòi nợ sang Kampuchia cũng teo bu gi vì dễ bị giết hay các tỉnh xa như Rạch Giá, Cà Mau. Các thương lái ban đầu mua bán tiền bạc trả sòng phẳng tạo sự tin cậy. Từ đó họ mua gối đầu, nghĩa là mua hàng mới, trả tiền lô hàng mua trước. Từ từ họ thiếu nợ ít, gối đầu ít đến mua gối đầu nhiều và thiếu nợ nhiều đến giựt nợ luôn không xa. Sự thật, mình bán được hàng suôn sẻ trên ba lần, có bị giựt sau đó cũng không thâm vốn, lổ, vì mấy lần trước mình đã có lời khá nhiều rồi...Thời bấy giờ, VC bắt buộc mọi người buôn bán lẻ phải vào hợp tác xã để họ thâu thuế, kiểm soát, cũng là lúc mình buôn bán, mần ăn khấm khá hơn khi chưa vào hợp tác xã vì thường bị rượt đuổi, bị bắt, bị phạt một cách vô cớ. Vô hợp tác xã, nghĩa là mình có ba tăng không sợ Ban Quản Lý chợ làm khó dễ, mình bán mười áo khai bán ba bốn, bôi trơn một, thay vì đóng thuế đủ mười áo... nghể dạy nghề, mánh mung của giới thương mại. Giới tỷ phú, đại công ty ngày nay ở Mỹ hay nước nào cũng vậy đều trốn hoặc tránh, lách thuế là chuyện bình thường cho nên họ mới giàu sụ nhanh.

BIỂU TÌNH CHỐNG BAN QUẢN LÝ CHỢ MỚI AN ĐÔNG

Các hộ buôn bán lẻ, từ ngồi lề đường, được vô hợp tác xã do chánh quyền quản lý, đưa các hộ bán lẻ vào bán xung quanh chợ chánh, trong hàng rào, trả lại đường cho giao thông xe cộ, không bị ngăn cấm như trước vì các hộ bán lẻ chiếm hết nửa lòng lề đường, chỉ có xe hai bánh và xích lô đạp được phép chạy chầm chậm. Nửa lề đường còn lại dành cho người đi bộ và dùng cho mướn chỗ để giữ xe - cạnh hồ tắm An Đông. Khi vào bán trong vòng rào chợ An Đông, tôi gặp vài người bạn thân, cạnh chỗ sạp chúng tôi có sạp bán nồi niêu xon chảo của anh Trần Quý Cao, cùng khóa 13 Thủ Đức (anh Trần Quý Cao, Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng của Tiểu khu Gia Định, hiện định cư ở San Jose) - anh Lê Tất Tiến cựu Phó Chủ Tịch Nghiệp đoàn Ký Giả Việt Nam, phụ với người bạn bán phở cách sạp tôi năm bảy thước. Lúc này tôi có dịp xực xí quách thường xuyên vì bà chủ quán phở để dành cho tôi độc quyền. Tôi gặp một người nữa, anh này có cấp bậc Trung úy cũng ngành Chiến Tranh Chính Trị làm đội trưởng đội nông nghiệp ở K4 trại Tân Lập - Lâm Quang Điển (gốc Bắc di cư, không có liên hệ gì đến gốc Lâm Quang ở Bạc Liêu - Trung Tướng Lâm Quang Thi hay gốc Lâm Quang ở Rạch Giá - Đại Tá Lâm Quang Phòng). Anh Lâm Quang Điển nhỏ tuổi hơn tôi ít nhứt 5 tuổi, nên trong đội tù lúc nào cũng gọi tôi là ông anh, xưng em. Chúng tôi gặp nhau tại chợ An Đông, khi Điển từ Thủ Đức xuống thu tiền hụi các bạn hàng chơi hụi mà Điển làm chủ hụi đến năm bảy đầu hụi. Điển sống bằng nghề làm chủ hụi, Điển cũng trên 40 tuổi, mặt trắng đẹp như con gái, đến lúc đó cũng còn phòng không, cũng ở tù ngoài Bắc trên dưới 7 năm. Nhưng anh này, thuộc loại nhác (kể cả nhác gái), không dám nói chuyện tù với tôi, có lẽ anh sợ bà con bạn hàng biết anh là cựu tù không dám chơi hụi do anh làm chủ? Không biết Điển có sang Mỹ diện HO?


Cho-An-Dong.jpg


Khi vào bán trong hàng rào chợ một thời gian vài năm, được lịnh dời ra ngoài đường An Dương Vương rộng lớn, cũng bán trên lề đường. Chợ cũ An Đông hoàn toàn phá bỏ, xây dựng ngôi chợ mới tân tiến, tiện nghi, với một tầng trệt, tầng hầm và bốn tầng lầu, có thang cuốn từ tầng trệt lên lầu một. Các mặt hàng bán buôn từng loại tại mỗi tầng lầu khác nhau... Ngôi chợ An Đông do một chủ thầu người Hoa có nhiều kinh nghiệm xây cất chợ ở Tân Gia Ba và một vài thành phố khác ở nước ngoài. 

Khi dời ra đường An Dương Vương cũng bán trên lề đường, sạp của gia đình chúng tôi, bán gần trước căn phố lầu của ông tư (một cựu kháng chiến quân với cấp bậc Thiếu tá (ở tầng trệt) về hưu cùng chung sống trong căn phố lầu này với gia đình đứa con trai lớn  - thượng úy công an giao thông, ở tầng một và gia đình đứa con gái ở lầu hai. Hàng bán sỉ và hàng mẩu trưng bày, tối, tôi  đưa vô gởi nhà ông tư trả tiền hàng tháng. Cả khu phố lầu, dài gần hai trăm thước lại trúng mánh vì người buôn bán gởi hàng, gởi xe với tiền thuê hàng tháng, không phải chỉ có một hai hộ mà nhiều hộ buôn bán cùng gởi một chỗ. Ông tư lớn tuổi hơn tôi chừng một giáp, biết tôi ở tù mới ra, hụ hợ vợ bán buôn kiếm sống, ông thường ra sạp mời tôi vô nhà uống trà hay uống rượu đàm đạo chuyện này chuyện nọ. Các con ông gọi tôi bằng chú cũng đều có thiện cảm với tôi.

Ông tư thật lòng nói, chú có biết không, tôi vốn ở vùng Hóc Môn Bà Điểm - 18 thôn vườn trầu, vùng "cách mạng" hoạt động nên chúng tôi quen vụ tranh đấu, xuống đường chống chánh quyền... Ông tư còn nói: gọi cách mạng cho oai, thật ra, chúng tôi dân quê ít học chỉ biết "liều mạng" mà lại thành công. Khi ông tư biết Ban Quản Lý mới của chợ An Đông, không cho những người thi hành luật lệ nghiêm chỉnh được ưu tiên vào chợ mới mà đối xử như những mới nạp đơn xin mua sạp (chỗ bán), mua giá cao. Còn trong điều kiện sách, các hộ buôn bán cũ thi hành chánh sách đứng đắn của Ban Quản Lý chợ cũ như: vào hợp tác xã, dời vô hàng rào chợ, dời đi chỗ khác để mặt bằng trống trải cho Ban Quản Lý & nhà thầu chợ mới, xây cất... được ưu tiên vào chợ mới. Nay chợ An Đông lộng lẫy sắp khánh thành lại không cho những người buôn bán lẻ, tiểu thương như chúng tôi được ưu tiên vào chợ mới. - khoảng gần 400 hộ. Những khuôn mặt mới - bạn hàng mới đã "đăng ký" những chỗ tốt ở tầng một, tầng hai, tầng ba dành cho buôn bán quần áo cũng có người mới đăng ký trên 5 - 6 cây vàng. Theo điều kiện sách, các hộ buôn bán cũ chỉ phải trả chưa tới 3 cây nên chúng tôi bị loại. Có nhiều bạn hàng chao đảo, sợ mất chỗ buôn bán, nhảy rào mua sạp với giá mới. Còn lại chừng 300 hộ kiên quyết đòi hỏi nhà thầu và Ban Quản Lý mới chợ An Đông phải cho những hộ còn lại chúng tôi vào bán ở lầu ba mà còn trống trên 300 chỗ.

Gần tới ngày khánh thành, mỗi tuần đều có họp do Ban Quản Lý kể cả nhà thầu mời các hộ chưa có chỗ, có tuần họp hai ba lần, thường vào buổi tối hay giờ trưa mà nhóm bạn hàng chúng tôi gốm có nhiều người thuộc diện chánh sách - gia đình cách mạng. Còn phe gia đình thua cuộc không có bao nhiêu, êm re, chẳng dám ra mặt chống đối hay có ý kiến ý cò gì hết sợ bị chụp mũ phản động thì từ chết đến bị thương. Càng ngày càng bế tắc, chúng tôi không được vào chợ mới An Đông nếu không đóng đủ tiền như các hộ mới. Ông tư khuyến khích mấy ông bà phải liều mạng mới thành công còn để cù cưa kéo dài thi thua là cái chắc. Mấy ông bà chủ sạp có hơi hám "cách mạng" đại diện lên phát biểu trong các buổi họp (tôi đều có đi tham dự) nói "lập dập", không trưng được cái ưu điểm của mình nay bị nhà thầu và Ban Quản Lý chợ dồn ép vào chân tường. Tôi tức khí, có anh thuộc gia đình liệt gân, ủa liệt sĩ, giới thiệu tôi đại diện nhóm tiểu thương chưa có sạp. Thú thật, cái môn học chánh trị của tôi năm xưa ở trường Đại Học Chiến Tranh Chánh Trị Đà Lạt nay có cơ may áp dụng. Và gần mười năm trong ngành chuyên môn cộng với gần mười năm ở tù cộng sản, tôi có đủ lý lẽ vặn vẹo đám nhà thầu Tàu và Ban Quản Lý mới, họ đuối lý. Và tôi còn "hù dọa", nếu quý vị không giải quyết cố tình giết gia đình tiểu thương chúng tôi, chắc chúng tôi phải liều mạng để có chỗ bán lương thiện nuôi sống gia đình...

Có nhiều công an chìm, cán bộ  quận 5 và Thành phố tham dự, họ họp bàn thế nào đó, cử một tên thượng úy công an quận năm đặc trách an ninh nội chính (sau này tôi mới biết) đi điều tra lý lịch tôi, đến tận khu xóm tôi ở đầu cấu Chũ Y và hỏi công an phường để biết rõ lý lịch.

Một buổi trưa, một người trai trẻ, đẹp trai, nói năng nhỏ nhẹ, đến sạp, tôi đang phụ giúp bà xã đóng hàng cho bạn hàng ở xa. Chú thanh niên hỏi tôi có phải chú là chú N, tôi gật đầu nói phải, cháu này nói, chú đóng hàng xong, mời chú bước ra ngoài, cháu có chút việc muốn hỏi chú. Tôi ra gặp chú trai trẻ này, tôi ngữi có mùi công an chìm trong đó rồi. Tôi bắt tay nói chú mời cháu vào quán ăn gần đây, vừa ăn trưa vừa nói chuyện lâu không bị ngoại cảnh quấy rầy. Tên công an này nói cám ơn và cùng tôi vào quán ăn, tôi lựa một bàn ở chỗ vắng vẻ, cả hai ngồi xuống. Tôi mời cháu uống một chai bia rồi hãy nói chuyện. Tên công an chìm giới thiệu, cháu là sinh viên học ở Sài Gòn, sau 30.4.1975 cháu vào ngành công an, hiện phục vụ ở quận V, cấp bậc thượng úy. Cháu được lệnh theo dõi các buổi họp của nhà thầu, ban quản lý chợ An Đông với các tiểu thương chưa có sạp. Cháu nói thật, cháu biết lý lịch chú rồi, thuộc diện tù chánh trị cần theo dõi... chú can đảm không sợ hiểm nguy, bị bắt lại thì khổ thân chú, rất tội nghiệp. Cháu đã qua tận xóm chú ở tìm hiểu về chú, biết chú ở trại cải tạo mới ra vài năm. Cháu phục chú, nói năng chững chạc mạch lạc dám đương đầu với nhà thầu, ban quản lý chợ làm cho mọi người chú ý, nói chú là đầu não vụ chống đói, đưa kiến nghị tranh đấu có chỗ bán buôn này. Cấp trên của cháu ra lệnh cháu phải điều tra cho rõ, nếu cần bắt giam...Chúng tôi nhậu lai rai và ăn trưa luôn tại đây nên có nhiều thì giờ nói chuyện và tên công an chìm có hỏi cảnh ở trại tập trung miền Bắc ra sao... tôi chỉ nói qua loa cho có chuyện. Tên công an chìm nói cháu theo dõi từng lời nói, từng công việc của chú, biết rõ chú chỉ vì có tinh thần hy sinh dấn thân, chú mới xâm mình làm chuyện này vì đụng vào ổ kiến lửa. Nay, cháu đề nghị, nếu các tiểu thương có chánh thức chống đối đòi quyền được vào chợ An Đông, chú phải để mấy bà và gia đình chánh sách đứng phía trước chống đối cách nào cũng được. Còn chú giúp ý kiến, phải "né" ở phía sau, hổ trợ thôi, cháu sẽ báo cáo với cấp trên, chú đứng ngoài cuộc tranh chấp... Quả thật tôi may mắn, có "quới nhơn" giúp đở, được một công an chìm còn trẻ có học, gốc miền Nam, bày cho cách thoát hiểm. Nếu tôi gặp công an gốc "xứ bác" Thanh Nghệ Tĩnh không hiểu rõ tình cảm của người miền Nam, ghép tôi vào tội phản động thì cuộc đời tôi sẽ bị "tàn canh gió lạnh" vào tù như chơi.

Tôi gặp ông tư già ở chỗ gởi xe gởi hàng cho ông biết, vừa có công an nội chính "mần việc" và chỉ con đường tranh đấu cho 300 tiểu thương vào buôn bán ở chợ An Đông. Ông Tư nói, chú may mắn vì vụ chợ An Đông là một vụ làm ăn lớn có chia chác, liên quan đến Đại tướng công an Mai Chí Thọ ở trung ương, thành Ủy Sài gòn, quận 5... đụng vào dễ dính chấu. Ông còn khuyến khích để cho các bà đứng mũi chịu sào và dùng nhà tôi làm nơi hội họp, chánh quyền không để ý, phải liều mạng mới thành công, còn kiến nghị nói suôn sẽ không đi đến đâu...Các tiểu thương nòng cốt họp bàn đi đến quyết định đưa kiến nghị của tất cả tiểu thương ký tên "xuống đường" đi từ bên ngoài cửa chánh chợ An Đông (lúc này chợ mới xây xong, An Đông đã có lễ khai trương rồi, có đại tướng công an Mai Chí Thọ từ Hà Nội vào dự...) đi đến văn phòng Thành Ủy Sài Gòn. 

Sau này, tôi biết, các cấp chánh quyèn quận 5 và Ban Quản Lý Chợ An Đông không ngờ các tiểu thương dám làm liều xuống đường đưa kiến nghị lên cấp trên mà trước đây đã cử đại diện đưa bao kiến nghị cho Thành Ủy, họ chỉ hứa suôn cho qua vì nếu cho tiểu thương cũ vào chợ, họ mất cả ngàn cây vàng thu của người tiểu thương mới, chưa kể có biết bao móc ngoặt ăn tiền khác...

Dù tôi "biến" không có mặt trong đoàn biểu tình tuần hành có đến năm sáu trăm người thuộc gia đình tiểu thương, các người hiếu kỳ, các gia đình chánh sách thấy chuyện vô lý chèn ép các tiểu thương thấp cổ bé miệng xuống đường dâng kiến nghị, họ đang bán buôn cũng cố gắng tham gia. Mọi người đứng tập hợp trước cửa chánh chợ An Đông càng ngày càng đông làm náo loạn cả một vùng buôn bán ì xèo này. Biểu ngữ, bích chương, tôi thực hiện hàng chục cái biểu ngữ lớn bằng vải và hàng trăm bích chương cầm tay, có mấy đứa cháu nội, cháu ngoại của ông tư cùng bạn học của chúng mang đến đoàn biểu tình đưa cho mọi người. Trong lúc Ban chỉ huy nhẹ mà làm việc nặng chỉ có một mình tôi soạn, viết tay những khẩu hiệu, có người đi mua vải mua giấy viết. Các cháu của ông Tư mang khẩu hiện đến tiệm vẽ quảng cáo mướn họ làm mà chủ tiệm biết mấy đứa nhỏ này là con của công an và là cháu của ông Tư "cách mạng lão thành" nên chúng viết, vẽ mà không sợ bị bắt. Từ tám chín giờ sáng cho mãi đến gần 11 giờ đoàn biểu tình mới bắt đầu di chuyển, vừa qua trước hồ bơi An Đông, hàng trăm công an từ trên xe đổ xuống bao vây không cho đoàn biểu tình tiến tới. Công An ra lệnh đoàn biểu tình cử đại diện để họ có xe đưa đi trình thình nguyện thư, không cần đi bộ làm tắt nghẽn giao thông. Trong đoàn biểu tình cử ra bảy người trong đó có bà xã tôi "chịu chơi" không sợ ở tù lần thứ ba vì đi bán buôn ở chợ An Đông là nguồn nuôi sống cả gia đình con còn nhỏ. Thế là có bảy người hầu hết thuộc gia đình chánh sách chỉ có bà xã tôi là người đứng đầu "đối đáp" với công an mà là thành phần của chế độ cũ (bà xã tôi khi ra tù lấy hộ khẩu ở Châu Đốc, hai vợ chồng khác hộ khẩu, nên phải khổ công lắm mới về lại hộ khẩu Sài Gòn, trước khi đi Mỹ...). Thật sự, thỉnh nguyện thư của tiểu thương chợ An Đông từ cấp quận, cấp thành phố họ có trong tay mấy tháng nay rồi nên họ biết hết mọi chuyện. Càng để lâu, đoàn biểu tình càng đông, các nhà báo hay tin cũng cấp tốc đến săn tin theo dõi chuyện có một không hai dưới thời chế độ cộng sản toàn trị tại Sài Gòn, dám tổ chức xuống đường chống  "chánh quyền". Tôi viết khẩu hiểu nói là chống nhà thầu (tôi phải tránh né, chỉ dám chống nhà thầu là gốc người Hoa - họ đâu có quyền sanh sát mà do chánh quyền địa phương), sức mấy mà chúng tôi dám chống chánh quyền, chống Ban Quản Lý - cơ quan của nhà nước, sẽ bị bắt đi tù là cái chắc - tội nghiệp nhà thầu người Hoa lãnh đủ. Cũng là cái cớ, chánh quyền quận năm không mất mặt và có lệnh trên là cho tất cả tiểu thương cũ chưa có sạp buôn bán được vào chợ An Đông, đa số ở lầu ba chuyên bán buôn quần áo may sẵn. Tiền sạp cộng với các chi phí khác chưa tới 3 cây vàng, nếu không có tranh đấu, giá gắp đôi hay cao hơn tùy theo buôn bán mặt hàng ở các lầu 1, 2 và tùy chỗ tốt xấu...Tiền sạp chỉ đóng trước 1 cây vàng, tiền còn lại được trả góp hình như hai năm, có giấy tờ hợp đồng đàng hoàng. Thế là nhóm tiểu thương chợ An Đông tranh đấu có chánh nghĩa và thành công mà sự kiện biểu tình hàng mấy trăm người thời năm 1988 - 1989 chưa có trước đây. Và sau này cho đến bây giờ chưa có ai dám xâm mình biểu tình chống nhà cầm quyền đông đảo như vậy. Cái vụ biểu tình của giới tiểu thương chợ An Đông có thể nói là vô tiền khoán hậu ở Sài Gòn thời cộng sản toàn trị, không bị nhà cầm quyền bắt giam hay đàn áp tàn bạo. Còn bảy đại diện được đưa lên xe công an, chạy lòng vòng ở Chợ lớn và công an đưa về chỗ cũ bảo xuống xe vì cấp trên đã giải quyết xong rồi. Mấy năm sau, khi tôi đã sang Mỹ diện HO, nghe tin tên chủ thầu chợ An Đông người Hoa được nhà cầm quyền mời dự tiệc gì đó, tối về khách sạn ngủ gọi là bị trúng độc và chết tại nhà thương. Cái sạp của vợ chồng tôi trong chợ An Đông để lại cho hai con lớn không được đi theo gia đình tiêp tục buôn bán tại chợ An Đông.  Đến khi có lệnh xuất cảnh theo diện gia đình bảo lãnh, cả chục năm sau, cái sạp đó sang lai cũng trên dưới ba mươi cây vàng. Cái sạp nhỏ xíu, bề rộng chừng 1 mét rưởi, chiều sâu chừng 2 mét, đúng với câu tấc đất tấc vàng và bây giờ (năm 2020) giá trị của cái sạp bán buôn đó chắc còn tăng giá thêm nữa.

BỊ CÔNG AN CÁI XUẤT NHẬP CẢNH HOẠNH HÈ 

Có giấy báo được xuất cảnh sang Mỹ diện HO mà trong lúc chúng tôi đang ăn nên làm ra, vào dịp trước Tết Nguyên Đán, chúng tôi bán quần áo sỉ, mua vải bỏ mối cắt may, ủi đàng hoàng giao hàng, chúng tôi đóng bao bì cho các giới mua sỉ từ miền Bắc vào lấy gởi sang sang các nước có hợp tác lao động với Việt Nam như Liên xô, Hung, Tiệp, Đông Đức, Ba Lan...Mỗi chiều tối, hơn nửa bao bố tời chỉ xanh đựng tiền trong ngày, thường để sau lưng tôi, bà xã thu mình ngồi ở cuối yên xe, tôi chạy xe chầm chậm về đến nhà. Nghỉ ngơi, tắm gội rồi cả nhà ăn cơm tối. Tôi xem tivi một chút rồi lên lầu làm nhiệm vụ đếm tiền, hầu hết là tiền cũ nhầu nát mà là tiền mệnh giá thấp, đếm mệt nghỉ, mất ít nhưt là 2 tiếng, bà xã tôi phè cánh nhạn, nằm nghỉ vì cả ngày quần quật bán buôn tại sạp. Nếu tiền bán ngày đó đủ mua một hai chỉ vàng, hay hơn, sáng hôm sau, tôi đến tiệm Kim Hoàn mua vàng, cứ cố tích góp để dành...

Tôi chạy đường ngoài như đi mua vải, đi lấy thành phẩm ở Hóc Môn - Thủ Đức đi Honda cub cũng đở mệt nhọc hơn đi xe đạp như lúc mới ra nghề bán buôn. Có tiền rủng rỉnh trong túi, tha hồ muốn ăn uống gì cũng được không phải dè xẻn như lúc mới vào nghề buôn bán chợ trời ngoài lề đường.

Có thì giờ rảnh, tôi cũng thường tới lui, khu nhà thờ Đức Bà, trước dinh Độc Lập, là nơi tập trung phe ta vào các buổi sáng đưa ra những breaking news về tin đi sang Mỹ. Chúng tôi chộn rộn cứ hàng đêm bắt nghe lén đài VOA của Mỹ, đài BBC của Anh, không còn tha thiết buôn bán làm ăn mà chỉ muốn đi Mỹ. Tôi được công an quận 8 gọi lên làm việc về chuyện xuất cảnh và được gởi hồ sơ ra Sở Ngoại Vụ - Xuất Nhập Cảnh (góc đường Nguyễn Du và Lê Văn Duyệt). Theo lẽ tôi được đi sang Mỹ diện HO 8 hay 12. Nhưng gặp  tên công an cái phụ trách hồ sơ, biết vợ chồng tôi có sạp buôn bán ở chợ An Đông, loại có thu nhập đồng ra đồng vô, hứa  là giúp chúng tôi đi Mỹ sớm. Tên công an cái này ra tới sạp bán buôn ở chợ An Đông, lân la làm quen với bà xã tôi, hứa sẽ giúp đở. Bà xã vốn chân chất, tưởng đâu tên này cũng tốt giúp đở thật sự mà chẳng có chỉ vàng nào lót tay, nên hồ sơ xuất cảnh của tôi bị neo lại. Chúng tôi ngóng cổ chờ hoài, hết HO 8, đến HO 12 cũng chưa nhúc nhích, tôi hỏi người bạn Không Quân (hiện ở Virginia) anh này đã giúp nhiều bạn phải chung tiền cho các tên giữ hồ sơ, nó mới lấy ra đưa ra trung ương Hà Nội tiến hành thủ tục xuất cảnh sang Mỹ diện HO. Đợi hoài, sốt ruột, tôi mới nhờ bạn hỏi giúp tên công an muốn bao nhiêu mới đưa hồ sơ tôi ra làm việc và chuyển đi Hà Nội... Bạn cho biết, con công an đòi 2 chỉ. Tôi bàn với bà xã mình chung cho nó hai chỉ để nó gọi lên phỏng vấn chớp nhoáng và chuyển hồ sơ đi Hà Nội ngay vì hồ sơ này đã bị ngâm mất hơn một năm rồi. Quả thật chung vàng xong, tôi được gọi lên văn phòng xuất nhập cảnh đường Nguyễn Du làm việc, ký giấy cam kết, đã in sẵn, được ra nước ngoại không chống đối chế độ hay không về "phục quốc"... Tôi gặp một nhóm anh em khác ở Thủ Đức, muốn đi sớm là phải chạy ra Hà Nội gặp 2 tên trung uý và thượng úy công an (tên, số điện thoại nơi làm việc...) cứ ở phòng ngủ, chúng sẽ đến lấy vàng (3 cây cho một hồ sơ, có giá sẵn) và cho biết bên Mỹ sẽ gởi giấy báo mình sẽ lên đường đi Mỹ ngày nào... chắc chắn, không sợ tiền mất tật mang. Tôi bàn với bà xã, phải làm liều tốn tiền lót đường mới mong đi sớm được., Tôi mang theo đủ 3 cây vàng bằng 30 khâu, tôi luồn vô sợi dây ny long chắc, cho vào một cái túi vải, buộc ngang thắt lưng. Nói cho vui chỉ bị chị em ta cởi quần mới có thể bị mất vàng vì người đâu của đó. Còn tiền mặt mang theo xấp xỉ gần một cây vàng để "hậu thân" và mua vé tàu lửa loại có giường nằm (couchette), mình có tiền phải sang, chảnh cho đở thân. Bạn còn cho biết nên ở hotel nào, giá phòng bao nhiêu, gần nơi làm việc của hai tên công an. Nhất nhất, các bạn chỉ rõ hết vì ba người bạn vừa mới đi "chạy" hai tuần trước, nay chỉ lại tôi. Ra đến Hà Nội, tôi gọi xe xích lô chở tới hotel, thuê phòng xong, lên tắm rửa thay quần áo, xuống phòng tiếp tân gọi ngay một tên công an, hẹn chiều mai găp nhau tại khách sạn vì có bạn giới thiệu để bàn vế về chuyện đi Mỹ...Tên công an rất vui, hứa là chiều mai hết giờ làm việc, hai cháu sẽ đên gặp chú...Năm 1992, gọi là Thủ Đô ngàn năm văn vật mà trông nhếch nhác làm sao. Những đường nước của các quán ăn vẫn đổ trên đường rảnh trên mặt lộ sát lề đường, tự do chảy mà không có đường cống ngầm thoát nước mà khu vực này không phải là khu bình dân lao động, nơi có nhiều cơ quan trung ương làm việc, có nhiều tiệm ăn, khách sạn, nhà hàng khá to, bề thế. Tôi chán cái văn minh của Hà Nội, không muốn đi bát phố để "thăm dân cho biết sự tình" của một góc cạnh Thủ Đô. Tôi mua vài tờ báo lên lầu vô phòng đọc báo thoải mái, chừng nào đói bụng là đi ăn. Cả ngày không đi đâu xa, chỉ đi quanh khách sạn nhìn xem quang cảnh dân Hà Nội cự cãi chữi thề tục tỉu búa xua, nghe mà khiếp, lại mua báo vô phòng đóng khóa cửa cẩn thận sợ các các con gà móng đỏ vô phòng bắt cởi quần áo thì khổ to. Sợ có thể bị mất ba chục chỉ vàng đã nịch sát vào ngươì, hay mê tơi bỏ quên, nàng cuỗm thì kể như tàn đời.

Đúng giờ hẹn, hai tên công an có vẽ trí thức, lịch thiệp chào tôi và tôi mời lên phòng để bàn bạc.

Họ cho biết ,còn một ngày nữa là sẽ gởi danh sách HO16 đi Bangkok - Thái Lan, tối nay chúng đánh máy thêm tên hộ tôi vô. Còn nếu chúng không làm vậy, chú có hồ sơ về đây rồi, chú cũng sẽ được đi Mỹ diện HO sớm nhứt cũng phải HO 24, đợi gần cả năm nửa. Hai tên công an, thấy tôi lấy cái bọc vàng ra từ thắt lưng, tôi nói hai cháu đếm, xem lại cho kỹ nghe. Chúng nói không cần đếm xem coi vàng thật hay vàng giã. Tôi chưa hài lòng, xổ túi vàng ra đếm từng khâu lấy ra từ sợi dây ny long để cho chúng thấy và nói chúng ta tin tưởng nhau, tôi tin là hai cháu sẽ giúp chú đúng mức như chúng ta thảo luận. Thật tình mà nói, điếc không sợ súng, "gan cùng mình". Hơn nữa,  mấy cây vàng là tiền lời buôn bán quần áo chợ An Đông, không phải vàng vay mượn người khác, có mất cũng không đến đổi nào, sẽ bán buôn tiếp mua vàng lại "làm của" không mấy hồi. 

Từ hai chỉ vàng làm vốn mà nay đã phất lên, nhà cửa tu bổ lại, mua xe Honda cup làm phương tiện đi tới lui cũng như cả gia đình trên sáu người xài phí ăn tiêu cũng với tiền lời bán buôn đó. Chuyện đời có mấy ai ngờ, cái nghề mà cả gia đình chồng vợ chẳng có một ai có cha mẹ hay anh chị em làm cái nghề buôn bán mà hai gia đình chúng tôi quý chuộng đạo đức không theo nghề buôn bán vì "phi gian bất phú hay phi thương bất phú". Mới ra nghề, chúng tôi không dám nói thách nhiều thấy sao trơ trẻn chỉ muốn vét túi khách hàng và miệng phải dẽo, nói thách trên trời dưới đất, khách hàng dễ bị mắc lừa. Chuyện nói thách quá cao, chúng tôi làm không được nên bán lời ít, rất tiện tặn dè xẻn chỉ đủ nuôi sống gia đình . Chúng tôi cùng đèo nhau với chiếc xế điếc cà tàng mất cả hai năm mới học được cách tiếp cận với cái nghề tiểu thương này, xoay qua bán sỉ. Mua vải tận gốc, mướn cắt may xa thành phố, giá rẻ hơn nên dễ bán hơn, dù lời ít mà bán số lượng nhiều, có ngày bán cả ngàn cái, bán từ ba trăm đến năm áo là chuyện khá bình thường nhân dịp cận Tết Nguyên Đán. Chỉ cần một cái áo lời một đồng cũng khấm khá rồi, mua được bao nhiêu chỉ vàng một ngày. Thời buôn bán cao điểm chỉ có hai tuần trướcTết Nguyên Đán, tiền lời "khiêm nhường" cũng đủ chi tiêu được cả năm...Chúng tôi đã quá khổ sở, nghèo rớt mồng tơi, bị người ta chê hai vợ chồng đều là Thiếu tá có cấp chức mà nay sao nghèo, quá xệ... Vì vậy, chúng tôi dù có tiền cũng không xài sang, dành dụm mua vàng để hậu thân, cho nên có thừa vàng để chạy vụ đi Mỹ vì bị "ngâm tôm" mất gần hai năm phù phiếm, nay phải chạy nước rút. Thật tình mà nói, nếu chúng tôi không đi Mỹ, cứ bám bán buôn ở chợ An Đông chừng vài năm nữa, nhà cửa sẽ xây lại khang trang hơn và cuộc sống sẽ phất lên như bao nhiêu bạn bè không đi Mỹ có sạp bán buôn trong chợ An Đông. Nếu tính kỹ, chuyện đi Mỹ là sư tính toán đúng đắn nhứt vì ở Việt Nam chúng tôi mất hai chữ tự do, làm cái gì muốn cho suôn sẻ đều phải biết bôi trơn. Ở địa phương, đưa các cháu từ tỉnh Châu Đốc lên may quần áo gia công tại nhà cho chúng tôi cũng phải đến trình tạm trú. Còn tôi cứ bị gọi đi làm thủy lợi, tôi phải biết giao tế, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, khỏi bị đi làm xâu thủy lợi, bốn năm cháu ở trong nhà cũng không trình tạm trú. Khi công an đi khám nhà ban đêm, nhà xung quanh đều phải mở cửa cho chúng xét hộ khẩu coi dư thiếu ra sao? Còn nhà tôi, chúng để yên, không xét hỏi. Chuyện đời, giao tế giỏi đở cho thân. Còn chuyện chạy ra tận Hà Nội lo chuyện đi Mỹ, có người nói tôi ngu, không lo lót cũng đi được, đúng, mà phải chờ đợi thêm một hai năm nữa. Còn mình đi qua Mỹ với hai đứa con nhỏ và hai vợ chồng được trợ cấp xã hội sáu tháng đầu mới tới, mỗi người sáu trăm (hay tám trăm?) đô, chỉ hai ba tháng là mình "lấy lại dư vốn bỏ ra" gần bốn cây vàng, và con cái được đi học sớm... bao nhiêu cái lợi của chúng tôi đi sớm. Phải nói là chúng tôi may mắn gặp hai tên công an không gạc lấy tiền như nhiều người bị "phe ta" lường gạc lấy tiền vượt biên, mà  còn bị bắt vào tù nữa. Chúng tôi còn biết lúc nào sẽ nhận được chuyến bay đi Mỹ, đúng y chang những gì hai tên công an này nói và ngày lên đường đi Mỹ: 7.4.1993. Tôi bỏ lại quê hương yêu qúy sau bốn mươi năm hạnh phúc an vui và những năm bị hành hạ đói khổ nghiệt ngã trong nhà tù nhỏ và nhà tù lớn.  Anh Phương Trần Văn Ngà (3.11.2020)

BÀN RA TÁN VÀO

Đề bài :"Tiếng Việt, yêu & ghét" - Lê Hữu ( Trần Văn Giang ghi lại )

'vô hình trung' là nghĩa gì vậy, sao cứ thích dùng, hình như có nghĩa là 'vô tình'

Xem Thêm

Đề bài :TIN CHIẾN SỰ MỚI NHẤT[ CẬP NHẬT NGÀY 20 -5 - 2022 ]

Suu cao,thue nang,nhu yeu pham tang gia.Kinh te eo seo...Vay ma dang Lua van lay tien cua dan tro giup linh tinh.Mo cua bien gioi.Ung ho toi ac truc tiep khi sua luat cho phep trom cuop o muc do <1.000 dollars thi vo toi....Neu vao thoi diem Trump,bon Lua da ho hoan nhu the nao ??? Nhung nguoi bau ban vi chut tu loi ,nghi gi ve dat nuoc ??? Phai chang day khong phai la dat nuoc minh ??? bat qua,lai tro ve que huong cu...Neu vay,ban la thang cho chet ! mien ban !

Xem Thêm

Đề bài :Tin Mới Nhất Về Chiến Sư Ucraina [ CẬP NHẬT NGÀY 14-5-2022 ]

Chung nao moi vet nho cua ho nha Dan da duoc tay xoa trang boc,thi Uk moi co hy vong...ngung chien.Cung vay,ngay nao ma cac cong ty ,co goc gac tu cac dang bac nu luu-anh hao cua khoi tu do va ong chief police va dang Lua thi moi giai xong phuong trinh tau cong !

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Hình cũ - Hà Thượng Thủ

Ngắm lại hình xưa chịu mấy ông Những Linh, Tùng, Duẫn với Mười, Đồng Mặt mày ai lại đi hồ hởi Phấn khởi khi Tàu cướp Biển Đông Phải chăng “quý” mặt đã thành mông Con mắt nay đà có nhưng không Nên mới chổng khu vào hải đảo Gia tài gấm vóc của tổ tông?

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm