Hồ Phú Bông
Ông Hữu Thỉnh, một người chẳng phải là xuất chúng gì mà giữ một chức vụ quan trọng về Văn học Nghệ thuật suốt 15 năm đằng đẵng (3 nhiệm kỳ) thì đã hẳn chẳng phải là vì văn học nghệ thuật mà chỉ là công bộc phục vụ cho chế độ. Vì thế nội dung thư mời có là gì thì cũng chẳng mấy ai tin. Sự kiện nầy làm nhớ lại chuyện Jane Fonda, nữ tài tử Mỹ, từng bị chiêu dụ đội nón cối ngồi trên ổ súng phòng không của quân đội miền Bắc lúc còn đang chiến tranh để sau nầy hối hận!
Và mới nhất là việc trao đổi giữa hai ông Bùi Tín và Nguyên Ngọc. Ông Bùi Tín là nhà báo kỳ cựu, từng ở Tổng cục Chính trị, rồi ở báo Quân đội Nhân dân và cả báo Nhân dân (như ông Nguyên Ngọc cho biết trong email) nhưng đã phản tỉnh (chữ của đảng Cộng sản Viêt Nam) từ mấy mươi năm nay, về phe Dân chủ Tự do, đang định cư tại Pháp. Còn ông Nguyên Ngọc đang là đảng viên, “cây xà nu Tây Nguyên”, nhà văn, nhà văn hóa trong nước. Ông Nguyên Ngọc phản bác về một bài báo phổ biến trên trang Blog đài VOA của ông Bùi Tín. Đó là bài ‘Những Oan Hồn Của Cuộc Chiến’ do Báo Tiếng Dân đăng lại, nói đến việc liên lạc thư từ của người vô Nam chiến đấu để “Giải phóng miền Nam” với gia đình ở ngoài Bắc là vô cùng hiếm và bị chậm trễ, có khi vài ba năm hay hơn, có khi không bao giờ… Với ông Bùi Tín, đó là “Tôi nghĩ đây là một chính sách thâm độc khôn ngoan, do thiếu tình người. Mang tính cưỡng bức tinh vi.” Còn ông Nguyên Ngọc lại nghĩ khác. Hoàn toàn trái ngược, nên mắng ông Bùi Tín là “hoàn toàn sai, bịa đặt”!
Tại sao hai ông Bùi Tín và Nguyên Ngọc đã từng là “đồng chí thắm thiết”, từng gặp nhau ở chiến trường miền Nam, bỗng có cái nhìn trái ngược về chuyện thư từ? Đơn giản thôi, đó là, vì ông Bùi Tín đã phản tỉnh còn ông Nguyên Ngọc vẫn đang là đảng viên. Như một con chim đã trở về với thiên nhiên, với bầu trời cao rộng còn một con bị thuần hóa vẫn đang ở trong chuồng.
Tin là ông Nguyên Ngọc rất thật lòng khi cho biết hoàn toàn không có lệnh cấm gửi thư về Bắc (trái lại, còn khuyến khích nữa!) nhưng “chỉ vì yếu tố khách quan” nên thư bị trắc trở hay thất lạc. Ông Nguyên Ngọc tin chắc như vậy, rất có thể vì ông chỉ là một nhà văn, không quan tâm đến chuyện tình báo! Việc nầy xin cứ hỏi những người bị đưa ra Bắc học tập cải tạo sẽ rõ. Vì trại tù của họ cũng bị xào xáo và di chuyển liên miên chỉ với mục đích tránh việc tù nhân kết nối tổ chức trốn trại hay nổi loạn. Thường, sau khi đến trại mới ở trong rừng được vài ba tháng sẽ được phép viết thư về gia đình. Mặc dầu thư bị quản giáo kiểm duyệt rất nghiêm ngặt để tránh bị lộ địa điểm cũng như bị lộ hoàn cảnh cùng cực, chết chóc, đói rét bệnh tật của tù nhân. Nhưng nhận được thư thì thân nhân biết ngay được hoàn cảnh và khu vực trại giam! Đây là lý do cấp Trung ương không dại gì ra lệnh bằng văn bản cấm người đi B gửi thư về gia đình, vừa tránh được tiếng “đem con bỏ chợ”, vừa che giấu được sự khốc liệt của chiến trường. Vì thế những lá thư gửi từ mặt trận không đến tay người nhận chỉ “hoàn toàn do yếu tố khách quan”! Có thể đây là lý do ông Bùi Tín nói là “mang tính cưỡng bức tinh vi”?
Lấy chuyện nhỏ nầy để hình dung ra chuyện lớn. Đó là sự khác biệt quan điểm giữa phe chiến thắng và phe chiến bại. Từ tình bạn, chỉ vì phản tỉnh đã trở thành đối nghịch, huống gì người phía phe chiến bại chưa từng là “bạn” với phe chiến thắng bao giờ? Chẳng những thế mà người phía phe chiến thắng trên đường vô Nam đã hừng hực căm thù “bọn Ngụy ác ôn” một cách vô cớ (vì đã bị tuyên truyền nhồi sọ) thì làm sao hòa giải? Nói là vô cớ vì họ bị đảng Cộng sản đầu độc với 3 điểm chính, đó là: 1) Bọn Nguỵ bán nước cầu vinh. 2) Bọn Ngụy giết người không gớm tay và bóc lột dân tận xương tủy. 3) Bọn Ngụy dùng văn hóa đồi trụy để đầu độc dân tộc!
Không phải đợi đến 42 năm mà ngay sau 1975 sự thật đã vỡ lẽ. 1) Việt Nam Cộng Hòa dù đang bị tấn công dồn dập về mọi mặt nhưng vẫn chấp nhận chiến đấu và chịu hy sinh dù không thể bảo vệ được Hoàng Sa, một hải đảo xa xôi chứ không phải trên đất liền, trước giặc cướp Tàu cộng. 2) Miền Nam dù đang chiến tranh khốc liệt, bị khủng bố khắp nơi, cầu đường bị giựt sập, mìn đắp mô… nhưng kinh tế vẫn phát triển và có đời sống sung túc, văn minh. 3) Còn “văn hóa đồi trụy” thì sách báo, đặc biệt là âm nhạc, được gọi là Nhạc Vàng lại có sức cuốn hút đến kỳ lạ, tràn ra phía Bắc như thác lũ đến tận thôn quê hẻo lánh!
Chỉ là khác biệt suy nghĩ về chuyện thư từ mà chính người từng là “đồng chí” cũng phản bác đầy giận dữ huống gì người dân ở hai phía?
Hơn thế nữa, trước đây ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng ngoại giao, có trách nhiệm thi hành Nghị Quyết 36 về hòa giải và hòa hợp dân tộc, nhưng thực ra là ngầm tạo thêm xung khắc giữa người trong và ngoài nước! Tại sao chọn một người làm công tác “hòa giải” mà từ ngôn ngữ đến lý luận, từ nhân dáng đến tác phong phải nói thẳng là rất hợm hĩnh? Xin thưa, vì sau khi Mặt trận Giải phóng miền Nam bị dẹp bỏ không nhiều thì ít nhóm phía Nam đều có phản ứng nên họ dùng Nghị Quyết 36 như là chiêu bài ru ngủ người trong nước rồi dùng phản ứng giận dữ của người ngoài nước với cá nhân Nguyễn Thanh Sơn để tuyên truyền ngược lại, là nhà nước đã cố hòa giải nhưng “bọn phản động vẫn ngoan cố hận thù quê hương”!
Như thế, thử hỏi có cách nào chia rẽ tình tự dân tộc “hay hơn” không? Cho nên “chủ trương hòa hợp” chỉ là một cái cớ nhưng thực chất là gây thêm chia rẽ để đảng cộng sản được độc quyền cai trị lâu dài!
Vì thế, muốn hòa giải thì khỏi cần phải giàn dựng bất cứ chuyện gì, chỉ nên tìm lại nguyên nhân chính. Ngày trước toàn dân hợp lực chống Pháp và sau đó tại sao lại tàn sát nhau? Ai là người từng chủ trương tiêu diệt người yêu nước nhưng khác chính kiến cộng sản? Ai là người bất kể xương máu để tiến lên “thế giới đại đồng, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” theo con đường cộng sản không tưởng?
Đó mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân!
Như vậy thì chẳng cần nói đến chuyện hòa giải nữa nếu đảng Cộng sản Việt Nam chịu từ bỏ quyền lực, giao quyền lãnh đạo đất nước lại cho người Việt Nam thông qua bầu cử tự do. Được như thế thì người Việt Nam mới từng bước từng bước đi đến hòa hợp sau cuộc bể dâu đẫm máu!