Công tác minh bạch hóa về con người Hồ Chí Minh tại Mimasaka ngày 6.4.2018
Khi chuyến đi du lịch Nhật Bản chấm dứt , chúng tôi rời khách sạn Sunroute Shinagawa Seaside và gửi hành lý tại nhà người thân để lên đường đến điểm hẹn với chị bạn ở trạm xe Shinjuku . Tại đây tôi cũng hân hạnh gặp chị Đặng Thị Danh , phu nhân BS Đào Bá Ngọc , đến từ Canada .
Từ Shinjuku chúng tôi lấy xe điện đi đến một căn cứ đóng quân của Hoa Kỳ ở ngoại ô Tokyo để chị bạn lấy xe hơi đi tiếp đến địa điểm tập trung lên xe Bus nằm cách Tokyo 60km.
Đoàn người gồm có 18 người kể cả Ông Nguyễn Phương Khanh , Chủ Tịch Hiệp Hội Người Việt tại Nhật
Xe bus chạy từ 20:30giờ đến 2 giờ sáng mới tới Hikone để nghỉ qua đêm tại nhà một thân hữu .
Sáng sớm ngày 06.04.2018 xe lại khởi hành sau khi đón thêm hai người bạn và một gia đình thân hữu Như vậy chúng ta gồm 22 người lớn và 2 cháu bé dồn nhau vào xe Bus , tất cả ghế phụ đều được hạ xuống sử dụng.
Ngoài trời mưa vẫn lâm râm không ngớt . Sau phần thu phí di chuyển , chúng tôi bàn luận trên xe về chương trình làm việc tại Mimasaka và cuối cùng các anh chị em trong Hiệp Hội đã đồng ý đưa đoàn người đến thẳng trung tâm văn hóa nghệ thuật khu vực Sakuto, nơi tượng Hồ Chí Minh được khánh thành vào ngày 21/11/2017. Sau đó chúng tôi sẽ di chuyển khoảng 8-10 km đến Nhà Sử Liệu cơ sở Musashi –Gorinbo , nơi có tượng vị Thánh Kiếm Musashi Miyamoto , để gặp 4 vị Dân Biểu địa phương . Cuối cùng là điểm hẹn chính ở Tòa Thị Chính Mimasaka thuộc tỉnh Okayama để trình Thỉnh Nguyện Thư đến ông Thị Trưởng Seiji Hagiwara vào lúc 16:30 giờ.
Mimasaka là một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Okayama nằm trên Đảo Honshü phía nam nước Nhật và được thành lập ngày 31.5.2005 do sự sát nhập của các làng Katsuta , Mimasaka , Ohara , Sakuto , Higashiawakura thuộc địa phận Aida . Mimasaka có ngọn núi Ushiroyama cao 1344m và có 2 giòng sông chính là Yishii và Yoshino, có gần 27.000 dân trên một diện tích gần 430km2 với tỷ lệ 63người /km2., trong đó có 97 người Việt là du sinh hoặc lao động . Tại đây quang cảnh hùng vĩ , hoa đào lác đác tô điểm trên sườn núi . Vì nhằm ngày mưa dầm nên những giải mây giăng ngang trên sườn núi càng làm tăng thêm vẻ huyền ảo của khu vực này.
Càng gần đến Mimasaka trời càng mưa nặng hột nên các anh chị em đồng lòng ghé mua áo mưa và dù cho cả đoàn .
Vào khoảng 13giờ chúng tôi kịp đến trung tâm văn hóa nghệ thuật khu vực Sakuto và dàn hàng cầm cờ VNCH và cờ Nhật cùng biểu ngữ phản đối để chụp hình dưới trời mưa ngay trước sảnh trưng bày tượng kẻ tội đồ dân tộc hồ chí minh và ngay tại tiền đình trung tâm này.
Sau đó chúng tôi vượt thêm 10km đến nhà Sử Liệu kịp đúng 14:00 giờ để gặp 4 ông Dân Biểu địa phương . Chúng tôi gặp ông Nghị Sĩ Okamoto đầu tiên và trình bày thỉnh nguyện xin hủy bỏ tượng Hổ Chí Minh vì kẻ tội đồ dân tộc này không xứng đáng có một chỗ ngồi tại vùng đất sanh ra Thánh Kiếm Musashi Miyamoto .Ông Nghị Sĩ Okamoto ngỏ lời đồng ý với chúng tôi và giải thích rằng chính vì ông không thích Cộng Sản và muốn phản đối việc trưng bày bức tượng kẻ tội đồ này nên hôm nay dù mưa gió ông vẫn đến đây để ủng hộ chúng ta. Sau khi chụp hình kỷ niệm với 4 vị Nghị Sĩ địa phương dưới chân tượng Thánh Kiếm Musashi Miyamoto chúng tôi trao đổi danh thiếp rồi từ giã những người bạn Nhật trân quý này để đến tòa Thị Chính Mimasaka cách đó khoảng 8km .
Tại tòa Thị Chính chúng tôi gặp ngay Linh Mục Cao Sơn Thân thuộc dòng Đa Minh đến từ Kobe và chở theo phái đoàn đến từ Úc Châu gồm LS Trần Kiều Ngọc và thân hữu tại Úc Đại Lợi .
Trước tòa Thị Chính Mimasaka có dựng hai bảng lớn bằng chữ Nhật ghi tôn trọng nhân quyền và đề cao lòng yêu chuộng tự do hòa bình.
Tại đây đã có hai ký giả thuộc báo địa phương đã chờ sẵn để phỏng vấn đại diện phái đoàn , trong khi đó anh chị em phân công dàn hàng giăng cờ và biểu ngữ trước cửa toà Thị Chính , làm Live Stream , chụp hình … Đúng 16:30 giờ nhân viên Toà Thị Chính ra mời đại diện phái đoàn lên lầu một tiếp xúc với ông Thị Trưởng. Nhóm vào tiếp xúc đã được ghi danh trước tại Tòa Thị Chính gồm 6 người kể cả Blogger người Nhật Tiger Mori-izumi
Dù trời mưa gió , đầu tóc rối bời áo quần ướt sũng nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tư thế chỉnh tề tinh thần tự tin để tiếp chuyện với ông Thị Trưởng.
Trong phòng tiếp khách ông Nguyễn Phương Khanh Chủ Tịch Hiệp Hội , bà Hà Anh Võ , LM Cao Sơn Thân , Blogger Tiger và tôi ngồi đối diện với ông Thị Trưởng Hagiwara . Anh Quốc đứng sau ông Chủ Tịch phụ trách phiên dịch , chị Hương anh Tuyến đứng chung hàng ngũ với hai Ký Giả Nhật và các nhân viên trong tòa Thị Chính.
Ông Thị Trưởng xuất hiện sau cùng , thái độ ôn hòa từ tốn. Ông chào hỏi từng người, hỏi về lai lịch và trao đổi danh thiếp . Ông tỏ vẻ ngạc nhiên khi nhận ra sự hiện diện của Linh Mục Cao Sơn Thân , một vị lãnh đạo tôn giáo tại Nhật , cũng như sự hiện diện của Blogger Tiger người Nhật đi cùng phái đoàn. Khi định trao danh thiếp cho tôi , ông hỏi tôi muốn lấy danh thiếp tiếng Nhật hay tiếng Anh . Sự tế nhị này chứng tỏ ông ta rất để ý đến sự hiện diện của người từ phương xa đến.
Ông bắt đầu câu chuyện gần như là độc thoại dựa vào lai lịch của ông Chủ Tịch Hiệp Hội vốn là cựu Sĩ Quan Quân Lực VNCH đã từng bị cải tạo lao động :
“Chiến tranh làm ảnh hưởng đến con người . Lịch sử VN có nhiều chiến tranh . Trước đây dưới sự cai trị của Pháp và ảnh hưởng của Thế Chiến nên VN không có độc lập . Nước Nhật cũng đã hành quân sang VN, ông không biết người Việt còn nghĩ gì về điều đó. Trong thời chiến VN bị ảnh hưởng và không có độc lập . Nước Nhật thời đó không lên tiếng . Bây giờ ở VN những người ở lại trong nước đã cố gắng giải phóng VN . Gần đây có một số người Việt tại Nhật bị trục xuất về nước . Mới đây Nhật Hoàng đã thấy đau lòng về việc này và đã qua VN để xoa dịu những vấn đề trước đây của hai nước . Nhật Hoàng muốn có sự giao tiếp giữa hai nước “
Chủ Tịch Nguyễn Phương Khanh tiếp lời : Chúng tôi muốn thưa về một vấn đề , tôi xin đọc thỉnh nguyện thư: “ … Người Việt tôn trọng sự cưu mang của chính phủ Nhật , nhưng đất nước VN không may bị cai trị bởi CSVN từ gần một thế kỷ , nền tự do dân chủ bị xuống cấp trầm trọng . Đảng CSVN bưng bít bóp méo thông tin nên nhiều người không biết hồ chí minh là kẻ giết người vô tội để giành quyền thống trị . Người VN đã thâu được trên 7 ngàn chữ ký phản đối việc trưng bày tượng kẻ mang tội ác này . Hồ chí minh không xứng đáng có chỗ ngồi trong viện bảo tàng văn hóa nghệ thuật tại Mimasaka . Chúng tôi mong mỏi ông Thị Trưởng có câu trả lời cho thỉnh nguyện thư của chúng tôi . Chúng tôi cũng cám ơn thành phố đã tiếp nhận du học sinh VN đến đây để học hỏi những giá trị của nước Nhật và những giá trị này không thể nào chấp nhận tội ác hồ chí minh. “
Ông Thị Trưởng : “ Ông mong hai nước tiếp tục phát triển về văn hóa và kinh tế . Quan niệm của chúng tôi là 80 triệu người dân VN sống trong chế độ khá dân chủ và họ mong có sự tiếp tay của Nhật . Chính phủ VN đã kính gởi tượng hcm sang đây . Tôi hiểu các người đã đi vượt biên cực khổ không nhỏ và hiểu sự phức tạp của mọi người . Chúng tôi mong có sự hòa giải của các người với chính phủ VN trong một ngày gần đây . Chúng tôi sẽ góp sức cho cả hai phía về vấn đề đó. Hôm nay chúng ta có cơ hội và có duyên quen biết , mong sau này hai bên tiếp tục tiếp tục vui vẻ phát triển quan hệ Việt Nhật . Những người sinh ra tại đây hay qua qua du học nên tạo hiểu biết hòa giải với nhau . Suy nghĩ của tôi không khác gì với Unesco đã công nhận hồ chí minh. “
Ông quay sang hỏi tôi bằng tiếng Anh : “ Có tượng hcm ở Đức không ?” ,tôi được dịp giải thích cho ông biết về việc phá vỡ âm mưu của Sứ Quán CSVN tại Đức trong vụ tái dựng bảng đồng ở Moritzburg vào tháng 12/2016 và kể lại sự thành công của người Việt Tỵ Nạn trong việc vận động hủy bỏ dự án dựng tượng hồ chí minh trong cộng viên Donau tại TP Wien nước Áo vào tháng 2/2017 .Ông quay sang hỏi :” thế thì ở Pháp thì sao ?” . Chúng tôi trả lời là ở Montreuil , một thành phố trong vùng ngoại ô Paris là nơi có đảng Cộng Sản Pháp có thế mạnh đã âm thầm dựng tượng kẻ giết người này và chúng tôi cũng đang phản đối kịch liệt . Chúng tôi cũng giải thích là tượng hcm chỉ được đặt tại các nước Cộng Sản như Trung Quốc , Nga , Cuba …
Tôi cũng nhờ anh Quốc thông dịch rằng : “ Chúng tôi đang sống ổn định tại Đức và tại Nhật và không còn buồn về chuyện vượt biên khi xưa . Nhưng hiện nay tại VN không có nhân quyền , dân chủ , không có tự do ngôn luận tự do báo chí , không ai được phép viết xuống sách báo về ý nghĩ của mình . Hiện tại ở VN đang có vụ án đang xét xử tại Toà Án vì người dân đã dám nói lên lòng yêu dân chủ và tự do của mình. “
Ông Thị Trưởng trả lời : “Vì những sự thiếu sót hiện tình , có thể chúng tôi sẽ nghiên cứu . Chúng tôi mong có sự hòa bình giữa hai nước . Trong khi Nhật Bản là một nước có chiến tranh lớn , tạo nỗi đau buồn cho người dân . Có những điều người ngoài không hiểu được là Nhật đã lãnh bom đạn . Sự bắt đầu của nước Nhật là họ hướng về tương lai , tiếp tay với nước ngoài để phát triển . Mong mọi người hiểu dùm điều đó.”
Hoàng Thị Mỹ Lâm nhờ anh Quốc thông dịch : “ Chúng tôi đến đây không phải chỉ đòi hỏi ông phải làm ngược lại với những gì ông đã quyết định , nhưng chúng tôi muốn giải thích thêm về hcm . Ông Hồ đã gây ra chiến tranh , người dân miền Nam và Đồng minh phải chống đỡ lại . Hcm không xứng đáng được vinh danh . Chúng tôi xin phép ông được gởi đến ông những tài liệu về hcm để ông tham khảo thêm. “
Ông Thị Trưởng trả lời : “ Trước khi đặt tượng hcm chúng tôi đã tìm hiểu về hcm . Trước đây ở bên Mỹ tôi có tiếp xúc với những người tỵ nạn bên Mỹ . Hiện nay bản thân tôi cũng có sự chênh lệch về sự tốt xấu của hcm. Bản thân tôi không thể quyết định ngay tại đây bên nào đúng bên nào sai . Nhưng tôi sẽ tôn trọng ý kiến của cô. “
Cha Thân đứng lên trao tặng cho ông Thị Trưởng cuốn sách Bên Thắng Cuộc đã được dịch toàn bộ sang tiếng Nhật . Ông Thị Trưởng lấy làm cảm kích và đón nhận trong ngạc nhiên.
Ông Chủ Tịch Nguyễn Phương Khanh cũng xin trình Thỉnh Nguyện Thư gồm : thư của Hiệp Hội Người Việt tại Nhật , thư của Liên Mạng Người Việt Tự Do Toàn Cầu, thư của Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức và bản in trên 7 ngàn chữ ký phản đối việc trưng bày tượng hcm ở trung tâm văn hóa nghệ thuật khu vực Sakuto. Xấp Thỉnh Nguyện Thư được trang trọng trao cho ông Thị Trưởng Hagiwara dưới loạt chớp sáng của rất nhiều ống kính chụp hình .
Ông Thị Trưởng sau đó quay sang giới thiệu một nữ nhân viên VN đứng suốt buổi trong phòng . Cô này bây giờ mới bắt đầu lên tiếng nói tiếng Việt : “ Thành phố Mimasaka đã ký kết với trường Đại Học Đà Nẵng và trao đổi nhân sự với thành phố này . “
Ông Thị Trưởng chỉ cho tôi một tấm bia nhỏ bắng thủy tinh ghi TP Đà Nẵng trên đó và chỉ cho mọi người một số kỷ vật của TP Đà Nẵng tặng cho văn phòng.
Kế tiếp ông mời mọi người chụp hình kỷ niệm và trao quà tặng . Ông Chủ Tịch Hiệp Hội được tặng tấm tranh vẽ Thánh Kiếm Musashi Miyamoto. Mọi người được tặng khung hình có chữ Mimasaka , có lẽ để dùng treo tấm hình chụp chung kỷ niệm.
Khi chia tay ông Thị trưởng bỗng dưng buột ra một số câu chào hỏi bằng tiếng Đức . Tôi vô cùng cảm động bắt tay ông và nói lời cảm tạ . Tôi khen ông biết nhiều ngoại ngữ và mong rằng với sự hiểu biết của ông thì ông sẽ tìm hiểu thêm về hcm và để hiểu tại sao chúng tôi từ xa xôi đến đây mang thỉnh nguyện đến ông . Ông vui vẻ hứa là sẽ tìm hiểu để thông cảm.
Buổi tiếp xúc được kết thúc trong tinh thần tương kính trân trọng lẫn nhau.
Kết luận:
Qua sự tiếp xúc trực tiếp với ông Thị Trưởng Seiji Hagiwara chúng tôi cảm nhận được tinh thần ôn hòa , yêu chuộng hòa bình của dân tộc Nhật . Tuy nhiên chúng tôi cũng ghi nhận là người Nhật bị lừa dối rất nhiều :
- Vì mặc cảm chiếm đóng VN trong thời 1945 và không muốn mang tiếng kỳ thị người Việt khi phải trục xuất rất nhiều người Việt phạm pháp , người Nhật đang cố gắng hòa giải và xoa dịu mối bang giao với VN nên họ đang bị CSVN lợi dụng để tuyên truyền và bưng bcác thông tin về chế độ độc tài đảng trị tại VN
- Chúng ta tôn trọng tinh thần yêu mến người Việt và nước Việt của ông Thị Trưởng , nhưng chúng ta phải làm cho ông hiểu tình yêu thương đó chỉ có giá trị khi ông giúp cho dân Việt thoát ách độc tài đảng trị của CSVN
- Hcm được thần thánh hóa khi CSVN lừa gạt người Nhật là đã được Unesco vinh danh . Điều này là một sự lừa dối trắng trợn nhất mà chúng ta phải nỗ lực chứng minh cho ông Thị Trưởng thấy đó không phải là sự thật như ông đã tin.
Chuyến công tác tại Mimasaka chỉ là một hành động khởi đầu trong xâu chuỗi công tác giải nọc độc Cộng Sản cho các chính giới tại Nhật Bản . Việc làm lâu dài này cần sự kiên trì của cộng đồng người Việt trên thế giới . Riêng tôi , trong tinh thần kính trọng dân tộc Nhật hiếu hòa và thông minh , tôi tin rằng người Nhật sẽ không bao giờ ủng hộ chế độ Cộng Sản độc tài và bất nhân .
Berlin ngày 11.04.2018
BS Hoàng Thị Mỹ Lâm
Thanh Le chuyen