Obama nổi tiếng hơn anh em Castro
Nhật báo công giáo La Croix và nhật báo kinh tế Les Echos gần như chạy tựa giống nhau « Barack Obama có chuyến thăm lịch sử tại Cuba ». Le Figaro trang trọng hơn đề tựa đậm: « Barack Obama đến Cuba, một sự kiện Lịch sử ». Hay như « Chuyến thăm lịch sử của Obama tại Cuba », hàng tít nhỏ trên trang nhất của Le Monde. «Obama đến Cuba, vì lịch sử và vì du lịch», Libération nhận xét. « Lịch sử » và « biểu tượng » là vì đây là lần đầu tiên, kể từ chuyến thăm của cố tổng thống Calvin Coolidge năm 1928, một nguyên thủ Mỹ đương nhiệm đến thăm Cuba. Libération cho rằng « chuyến thăm ba ngày này là để đúc kết việc nối lại bang giao giữa hai quốc gia láng giềng cựu thù từ thời chiến tranh lạnh ».
Giờ đây, « Hoa Kỳ không còn là kẻ thù lịch sử của đất nước như giới truyền thông hay hệ thống giáo dục Cuba lên án » theo như quan điểm của ông Manuel Cuesta Morua, lãnh đạo một nhóm bất đồng chính kiến Arc Progressiste với nhật báo Le Monde.
Sự kiện cho thấy có một tác động chính trị đáng kể lên người dân Cuba nhưng đồng thời cũng đầy rủi ro cho các nhà lãnh đạo đất nước. Đây là quan điểm của ông Richard Feinberg, chuyên gia về châu Mỹ Latinh trên tờ Libération. Theo ông, « tổng thống Mỹ Barack Obama là một nhà lãnh đạo trẻ, kiên quyết, và nét lai của ông lại rất giống với nhiều người Cuba ở đây. Một sự so sánh hơi tế nhị đối với tầng lớp lãnh đạo Cuba già nua, giữ khoảng cách và đa phần gốc da trắng ».
Có lẽ chính vì thế mà trong con mắt người dân Cuba, « ông Obama còn nổi tiếng hơn cả anh em nhà Castro », ông Manuel Cuesta Morua nói tiếp với Le Monde. « Người dân Cuba trông đợi ông Obama như là đợi Messie (…) Những sự mong đợi đó đi từ cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thường nhật cho đến việc hòa giải với Hoa Kỳ. Các tổ chức xã hội dân sự Cuba cho rằng nối lại quan hệ bang giao sẽ tạo thuận lợi cho các cuộc tranh luận trong nước liên quan đến những cải cách cần thiết (…) ».
Tuy rằng đất nước có những biến đổi tích cực bầu không khí sợ hãi giảm dần, người dân bớt e dè trình bày chính kiến, hay như được phép mở doanh nghiệp nhỏ, được phép mua bán bất động sản hay xe ô tô v.v…, nhưng tiến độ cải cách vẫn rất chậm chạp, thiếu ổn định kinh tế và xã hội. Trong khi việc trấn áp nhân quyền vẫn tiếp diễn.
Bóng Castro vẫn sẽ đè nặng ở hậu trường
Về mặt chính trị, ông Manuel Cuesta Morua cho rằng dù sau này không còn làm lãnh đạo nữa, tướng Raul Castro, bộ trưởng các lực lượng vũ trang trong suốt nửa thế kỷ vẫn sẽ nắm kiểm soát lên giới quân sự : lực lượng ủng hộ chế độ chủ yếu. Ngoài việc kiểm soát Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Cuba PCC, quân đội còn nắm cả nhiều ngành kinh tế chiến lược của đất nước như du lịch, cảng biển… Người được chỉ định kế nghiệp Raul Castro là ông Miguel Diaz Canel (55 tuổi) trên thực tế chỉ là bộ mặt mới của bộ máy cầm quyền. Và Raul Castro vẫn sẽ là cố vấn quan trọng.
Ông Manuel Cuesta Morua nhấn mạnh dù là có một thế hệ lãnh đạo mới đang nổi lên, « trẻ hơn, tài năng hơn cấp độ xã hay tỉnh, nhưng họ không thể chủ động ra quyết định. Raul Castro vẫn có tiếng nói sau cùng ». Ông nhắc lại, « tại Cuba, từ năm 1959, quyền hành thực sự vẫn nằm sau bức phông màn ».
« Quyền lực mềm » của Hoa Kỳ
Phương diện nhân quyền là điều Le Figaro quan tâm đến. Theo quan sát của nhật báo cánh hữu, điểm cốt lõi của chuyến đi này không nằm trong việc khuyến khích nhân quyền. Dù không trực tiếp, nhưng ông Barack Obama vẫn đặt niềm tin của ông vào cái gọi là « quyền lực mềm » của Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ kỳ vọng vào một sự mở cửa « không thể thoái lui ».
Tờ báo viết : « Khác với những người tiền nhiệm, ông khuyến khích một sự mở cửa của chính quyền anh em nhà Castro theo kiểu « mưa dầm thấm lâu » bằng những đợt ngoại tệ, làn sóng du khách, đơn giản thủ tục nhập cảnh, bằng trao đổi thương mại và văn hóa. Ông tin rằng nhà nước cảnh sát do anh em Castro xây dựng rồi cũng sẽ sụp đổ dưới những cú đánh điếng người của ‘ông hoàng đô la’ ».
Một quan điểm không được tờ nhật báo cộng sản L’Humanité đồng chia sẻ. « Sự chuyển hướng đối với một chính phủ Cuba từ lâu bị xem là ác quỷ, bị quấy rầy là một thắng lợi của La Habana và là thất bại ê chề cho tất cả những người tiền nhiệm của ông Obama. Những người mà dù có nhiều quyền lực, nhưng chưa bao giờ làm cho Cuba và thiện chí độc lập bị khuất phục ».
Đối với Les Echos, sự kiện hai quốc gia láng giềng thù nghịch này bất ngờ xích lại gần nhau vô hình chung đã đẩy ông Obama và ông Raul Castro lên thành những anh hùng của ngành ngoại giao trong khu vực. Một bên là Mỹ muốn khẳng định vai trò lãnh đạo bằng đối thoại và những cam kết hỗ tương. Ở bên kia, thì La Habana muốn tiến hành một « cuộc cách mạng trong cách mạng » và dần mở cửa kinh tế theo hướng kinh tế cá thể và đầu tư nước ngoài. Đối với nhiều người, Cuba cũng là một thiên đường kinh tế ai cũng dòm ngó đến.
Về phần mình, tờ La Croix cho rằng dẫu sao đi nữa, ông Obama cũng xứng đáng « tự thưởng cho mình những cành nguyệt quế trước khi rời Nhà Trắng ». Hơn bao giờ hết, ông nhận thức được sự ủng hộ của công luận và người dân Cuba. Ông Jean-Jacques Kourliandsky, chuyên gia nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Iris, lưu ý là : « Ngay cả trong lòng cộng đồng người Mỹ gốc Cuba, các thế hệ mới sau này không có cùng cách nhìn thù hằn như những người đi trước trong việc xích lại gần này ».