Thiết Trân (Trần Văn Thiệt K23)
Giữa tháng 9 năm 1971, chúng tôi gồm 6 đứa trong số 10 đứa khoá 23 ra
trường chọn Hải Quân đa trở về nước sau khi học xong một khoá hải
nghiệp tại US Naval Officer Canđiate School Newport, Rhode Island (US
Naval OCS).
Trước khi trở về Việt Nam chúng tôi đã chọn đơn vị tại trường này. Sáu
đứa chúng tôi gồm có Xuân (Trần), Việt (Dương), Cầm, Lực và Thiệt. Xuân
có điểm cao nhất nên chọn đi dương vận hạm là loại tàu chuyển vận to
nhất (cho nó oai!). Kế đến Việt, Lực chọn hải vận hạm nhỏ hơn. Tạo và
Cầm chọn Hải Đội 3 Duyên Phòng. Còn lại người có điểm thấp nhất là tôi
chọn giang pháo hạm, đơn vị mà ai cũng chê!
Tôi có điểm thấp nhất là vì ngồi học trong lớp hay ngáp lên ngáp xuống,
mặc dù Anh văn không đến nỗi thua ai, nhưng thường thức khuya lén viết
thư cho đào ở Việt Nam. Sức “sáng tác” rất dồi dào, mỗi tuần một lá thư
tình ướt át. Ngồi trong lớp tôi hay nhìn ra đại dương xanh ngắt ngoài
kia mà thả hồn về Việt Nam giống như năm nào nơi Trường Mẹ ngồi trong
lớp hay nhìn xuống thông thuỷ có những bụi hoa glaieul dại mọc bên bờ
suối mà mơ mộng ngoài phố Đà Lạt.
Ngày nhận nhiệm sở giang pháo hạm “Tầm Sét” HQ331 tôi được bàn giao ngay
chức vụ trưởng ban hành quan-trộng pháo, một chức vụ chỉ dành cho sĩ
quan đệ tam (sau hạm trưởng và hạm phó) vì mình chỉ còn 3 tháng nữa là
trung uý thực thụ. Mới chân ướt chân ráo xuống tàu mà đã bị cho làm sĩ
quan hành quan-trộng pháo trong khi chưa biết gì nhiều về hai ngành này
làm mình cảm thấy “gay go” quá. Khẩu đại bác nòng dài 76 ly 2 là linh
hồn của chiến hạm cộng với ổ đại bác phòng không 40 ly đầu đạn nổ bắn
liên thanh, các khẩu đại liên, súng cối 81 ly, 60 ly dọc theo hai bên
chiến hạm và cả sân trước sân sau là những thứ mình cần học hỏi kỹ.
Ngoài ra còn giữ trọng trách về hành quân, liên lạc liên quân binh
chủng.
Hạm trưởng HQ 331 là Hải Quân thiếu tá Nguỵ văn Thà, một hạm trưởng
rất “chịu chơi” nhưng vắn số (đã hy sinh trận hải chiến Hoàng Sa với Hải
Quân Trung Cọng sau này). Ông nói với tôi đáng lẽ đã gia nhập khoá 20
Võ Bị Quôc Gia nhưng mộng không thành.
HQ 331 thuộc loại giang pháo hạm LSIL (landing ship infantry, light),
dài 50 mét, thuỷ thủ đoàn 50 người kể cả sĩ quan theo bảng cấp số được
thiết kế để tác chiến trên sông, được Hải Quân Hoa Kỳ chuyển giao cho
Hải Quân Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp-Việt Minh.
Nó đã từng ngang dọc trên các sông Lô, sông Mã (Bắc việt) và gây nhiều tổn thất nặng nề cho bộ đội Việt Minh.
Những lần đi ca trực hải hành trên đài chỉ huy, tôi đã được ông thượng
sĩ nhất quản nội trưởng (bên Lục Quân gọi là thượng sĩ thường vụ) kể lại
các cuộc hành quân này. 20 năm trước ông là một thuỷ thủ trẻ, nay trở
lại phục vụ chiến hạm này đủ 2 năm trước khi giải ngủ về hưu.
Ông kể lại trong một lần hành quân trên sông Mã, chiến hạm bất ngờ bị
phục kích và bị trúng đạn. Một thiếu uý người Pháp và nhiều thuỷ thủ tử
thương. Chính ông đã khiêng xác những người này đặt trong phòng y tá. Kể
từ đó thuỷ thủ trên tàu đồn nhau là tàu có ma! Nhiều người nói đã nhìn
thấy bóng ma, tiếng động như có người đang lục chén đĩa tại nhà bếp, rên
rỉ tại phòng y tá, phòng ngủ đoàn viên (hạ sĩ quan và thuỷ thủ). Vì vậy
khi chiến hạm về Hải Quân Công Xưởng để sửa chữa, trên tàu chỉ có một
sĩ quan trực, một hạ sĩ quan phụ tá và một bán tiểu đội lính gác, tàu
rất vắng lặng, có những thuỷ thủ nhát gan không dám ngủ tại phòng ngủ
đoàn viên mà ôm mền gối lên boong ngủ tại ụ súng!
Tại phòng ăn sĩ quan, trong khi chờ đợi nhà bếp dọn cơm tôi hay nhìn lên
bảng tên đồng treo trên tường liệt kê danh sách các hạm trưởng đã từng
phục vụ trên chiến hạm. “Theo đó vị hạm trưởng đầu tiên là Hải Quân
trung uý Trần Văn Chơn, nay là đề đốc tư lệnh Hải Quân Việt Nam. Tôi
thầm mơ ước trong tương lai sẽ được như vay”^.. Một nhà tư tưởng có nói:
Hãy có thật nhiều ước mơ vì biết đâu ta sẽ thực hiện một vài ước mơ đó,
còn hơn người không có ước mơ gì cả.
Đầu tháng 2 năm 1972 trong khi chiến hạm đang tuần tiểu từ Phan Thiết
đến Bạc Liêu cho Vùng 3 Duyên hải như thường lệ bỗng nhận được lệnh tuần
tiểu yễm trợ hải pháo, giữ an ninh thuỷ lộ từ cửa Vàm Láng (Gò Công)
cho đến tận Tân Châu (Châu Đốc) nằm trên biên giới Viet-Mien^.. Chiến
hạm đã neo lại Tân Châu 7 ngày, nhờ vậy mà toàn thể thuỷ thủ đoàn được
ăn tết tại Tân Châu.
Trên thuỷ lộ ngược dòng Tiền Giang có lần chiến hạm bị phục kích khi đi
ngang qua Cao Lãnh. Tiếng súng bazooka SKZ 57, B40 phía bờ hữu ngạn đua
nhau nổ dữ dội. Dòng sông nơi đây rộng mênh mông, hơn cả sông Saigon.
Chiến hạm không đi giữa dòng sông mà đi gần bờ bên trái, áp dụng câu nói
của danh tướng Napoleon: Nếu gươm anh ngắn, anh hãy tiến tới gần địch
thủ; nếu gươm anh dài, anh hãy lùi ra xa. Những quả đạn của địch rơi
đùng đùng sát bên hữu hạm trong khi khẩu 76 ly 2 của ta nả vào những
điểm của địch khiến địch im bặt sau 5 phút nổ súng. Phòng hành sau đó
chờ báo cáo kiểm điểm kết quả từ quân bạn trên bờ.
Trong lúc phản pháo, có một quả đạn cối 81 ly không nổ khiến xạ thủ và
phụ xạ thủ đều bỏ chạy núp sau một tủ bằng sắt chứa áo giáp, áo phao.
Một phút trôi qua mà quả đạn vẫn không nổ. Tôi đang đứng tại khẩu đại
bác 76 ly 2 gần đó liền bắt xạ thủ trở lại ngay để dốc nòng súng, hai
tay tôi hứng lấy quả đạn 81 ly đó, liệng ngay xuống sông. Tôi thấy mình…
hơi can đảm cũng như năm xưa lúc trên phi cơ C-130 chờ nhảy để được
bằng Nhảy Dù, có lúc tôi mang số 1 tức là đầu toán, đã nhảy ngay xuống
không cần đợi huấn luyện viên đạp vào mông như nhiều người khác. Giữa
lúc cực kỳ nguy khốn, chết nhát hay can đảm đều có thể mất mạng như
nhau, vậy thì tại sao mình không chọn can đảm, đi tìm cái sống trong cái
chết. Chắc các bạn bộ binh sẽ phì cười chuyện quả đạn súng cối không nổ
là chuyện bình thường hằng ngày, nhưng đây là chuyện xảy ra với người
lính Hải Quân.
“Mùa Hè đỏ lửa” 1972, chiến hạm đã tham gia hành quân vượt biên sang
Campuchia với nhiệm vụ chuyển đổ quân, chuyển vận số vũ khí tịch thu
được về Việt Nam. Tại Tân Châu, trước khi HQ 331 vượt biên sang
Campuchia, đại uý John, Người Nhái của Hải quân M (SEAL) đã từ giả chiến
hạm để được rước về Mỹ Tho là nơi mà ông đã quá giang lên tàu. Quân đội
Mỹ không được vượt sang đất Miên, Lào. Ông ta có nhiệm vụ thu thập tin
tức về hành quân, tình báo cho Hải Quân Mỹ. Hạm trưởng đã sắp xếp cho
ông ở cùng phòng với tôi vì tôi là sĩ quan hành quân và khá về Anh ngữ.
Tôi hơi buồn vì không còn gặp lại người bạn mỗi tối trao đổi nhiều câu
chuyện về mọi vấn đề, thực tập Anh ngữ và luôn cả… được mời uống những
lon bia, Coca!
Một buổi chiều nọ, trong cuộc giang hành từ bến phà Neak Luong lên thủ
đô Phnom Penh (Campuchia), chiến hạm nhận được yêu cầu yễm trợ tác xạ từ
bộ binh Campuchia trên bờ. Khẩu 76 ly 2 và các cối 81 ly, 6o ly, đại
liên bắn liên tục đến nỗi các nòng súng đều nóng đỏ, chờ giải nhiệt rồi
mới bắn tiếp. Là sĩ quan trọng pháo, khi có nhiệm sở tác chiến tôi là
trưởng khẩu 76 ly 2. Tôi đã điều chỉnh biểu xích, theo bảng tác xạ, bắn
điều chỉnh, bắn hiệu quả theo lời của tiền sát viên Campuchia. Sau cuộc
tác xạ đó, một hiệu thính viên người Campuchia nhưng nói được tiếng Việt
đã báo cáo: Các “bòn” (anh) đã bắn rất chính xác tuy nhiên có một con
bò của dân bị trúng đạn chết. Chiều nay đơn vị sẽ thịt con bò đó để khao
quân. Nếu chiến hạm mà thả neo tại nơi đó thì biết đâu hạm trưởng nổi
tiếng chịu chơi này sẽ cùng các sĩ quan lên bờ nhậu “giao hữu” với các
sĩ quan Campuchia như khi chiến hạm neo tại Vàm Láng, Bình Đại, Tân
Châu, hạm trưởng và các sĩ quan đã lên bờ nhậu với các xã trưởng, trưởng
ấp.
Trên giang trình đến Phnom Penh, nhìn giòng phù sa đỏ ngầu chảy cuồn
cuộn hai bên mạn tàu, tôi miên man tưởng tượng như thấy trước mắt cảnh
tượng hùng tráng cách đây hơn 300 năm khi đoàn chiến thuyền hùng mạnh
của Chúa Nguyễn đang ào ào tiến lên kinh đô của nước Chân Lạp. Lịch sử
đã tái diễn.
Sáng hôm sau chiến hạm đã thả neo giữa dòng sông của thủ đô Phnom Penh.
Có một màn chiêu đãi mà Hải Quân Campuchia đã dành cho chiến hạm Việt
Nam. Hạm trưởng và các sĩ quan của HQ 331 được họ đem xe ra rước từ cầu
tàu. Hạm phó phải ở lại giữ tàu. (Hải Quân có câu: Hạm phó la…` con chó
giữ nhà!) Cả đám được đưa đi ăn tối tại một nhà hàng sang trọng, sau đó
là “màn thứ hai” tại một biệt thự kín cổng cao tường. Ăn xong tôi xin
phép trở về tàu nghỉ ngơi, không tham gia “màn thứ hai”. Đến 24 giờ
khuya, hạm trưởng và các sĩ quan lục tục kéo về tàu.
HQ 331 neo tại Phnom Penh chỉ 2 ngày, đủ để thuỷ thủ đoàn thăm viếng
thành phố, mua sắm, sau đó nhổ neo lên đường trở về Tân Châu. Đất nước
Chùa Tháp sau một thời gian dài không có chiến tranh nên không thấy có
những khu nhà lá lụp xụp như ở Saigon. Có thể tôi không ra khỏi trung
tâm thành phố nên không thấy? Tại các chợ đó có nhiều người Miên nói
được tiếng Việt hoặc có thể họ là người Việt gốc Miên. (Trong khoảng
thời gian này có nhiều người Việt bị “cáp Duồn” nên có nhiều chiến hạm
Hải Quân Việt Nam chở họ về nước). Neak Luong là vùng đất đỏ, tương tự
vùng Long Khánh, Xuân Lộc ở Việt Nam. Bờ sông cao hơn mặt nước nhiều nên
các chiến đỉnh không ủi bãi được.
Phục vụ tại giang pháo hạm, trợ chiến hạm, tuy có không khí tác chiến
nhưng không cảm thấy buồn chán như các chiến hạm tuần dương, vận chuyển
lênh đênh ngoài khơi, xa nhà quá lâu. Còn Tạo, thuyền trưởng PCF (patrol
craft, fast) có lần bị bão cấp 3, chiếc duyên tốc đĩnh PCF như chiếc lá
giữa giòng nước xoáy, đã cặp vào HQ 331 tại Phan Thiết. Hôm đó tôi đã
cho hai thuỷ thủ kéo Tạo lên tàu ngồi nghỉ tại phòng ăn sĩ quan. Tôi còn
nhớ lúc đó Tạo mặt tái xanh, người mềm nhũn!
Mỗi 2 năm ai cũng phải được thuyên chuyển đi luân phiên các đơn vị hạm
đội, hải đội, giang đoàn, căn cứ, tác chiến hay không tác chiến. Do đó
sau 2 năm phục vụ trên HQ 331 tôi được thuyên chuyển về Hải Đội 5 Duyên
Phòng ở Năm Căn (Cà Mau), một nơi không được ai ưa thích, để nhận chức
vụ trưởng phòng hành quân hải đội.
Những ngày tháng của đơn vị đầu đời với những kỷ niệm ấy là một phần của
đời binh nghiệp nói chung, cuộc sống hải hồ nói riêng, quá ngắn ngủi
khiến mình cảm thấy chưa thoả chí “tang bồng hồ thỉ” và được gọi là “một
thời để nhớ, một đời khó quên”.
http://hqvnch.org/?page_id=323