GNsP (14.12.2016) – Sau hai ngày vất vả ròng rã tìm kiếm tại một số trại giam ở Đồng Nai, phu nhân Mục sư Nguyễn Công Chính đã tìm ra ông đang bị biệt giam tại trại giam Xuân Lộc, Long Khánh, vào ngày 13.12.2016.
Sau khi chuyển từ trại giam An Phước – Bình Phước sang trại giam Xuân Lộc – Long Khánh, Ms Chính đang bị biệt giam từ ngày 12.10.2016 cho đến nay. Hiện nay, sức khỏe ông khá suy giảm, gầy và xanh xao.
Tại trại giam Xuân Lộc, bà Trần Thị Hồng, phu nhân Ms Chính, chất vấn cán bộ trại giam tại sao không thông báo cho gia đình bà biết ông đã chuyển trại giam. Trả lời câu hỏi của bà, cán bộ cho biết lý do Ms Chính không nhận tội nên không được gọi điện thoại về nhà thông báo cho gia đình biết.
Bà Trần Thị Hồng, phu nhân Ms Chính, cho GNsP biết về tình hình mới nhất của ông sau lần thăm gặp vào ngày 13.12.2016, tại trại giam Xuân Lộc – Long Khánh:
“Tôi gặp cán bộ trại giam, tôi chất vấn vì sao chuyển chồng tôi đi mà không thông báo cho tôi biết. Họ nói, chồng tôi không nhận tội nên không được gọi điện thoại về nhà thông báo. Tôi trả lời, chồng tôi có làm gì sai mà nhận tội. Đây là một vấn đề vô nhân đạo khi chuyển chồng tôi sang trại giam khác mà không thông báo cho gia đình tôi biết.”
“Tôi tranh luận với họ một hồi thì họ đồng ý cho tôi thăm gặp chồng tôi. Khi gặp ông, tôi rất bất ngờ khi sức khỏe ông suy giảm, ngồi nói chuyện với tôi mà ông thở dốc, huyết áp ông tăng cao. Ông đang bị biệt giam từ ngày 12.10 cho đến bây giờ. Một ngày họ mang cơm cho ông hai lần qua khe cửa. Họ không cho ông đọc kinh thánh. Ông nói với tôi rằng, ông không nghĩ ông sẽ được gặp tôi, khi ông nói mà ông khóc. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ông khóc.” Bà Hồng nói.
Bà Hồng lo lắng: “Họ không cho tôi gửi quần áo, thuốc men cho ông. Tình hình sức khỏe của ông rất yếu do viêm xoang hành và huyết áp tăng liên tục. Tôi e ngại tính mạng của ông khó mà giữ được khi ông còn 6 năm tù.”
“Họ đưa ông đi xa để cản trở quá trình đi thăm nuôi của gia đình tôi. Gia đình tôi không có điều kiện nhiều để đi thăm ông thường xuyên được. Gia đình tôi rất mong sự lên tiếng của cộng đồng trong và ngoài nước, đặc biệt là quan tâm đến sự nguy kịch đến tính mạng của ông trong tình trạng nguy cấp.” Bà Hồng mong muốn.
Phu nhân Ms Chính cũng cho hay, trong thời gian Ms Chính bị giam tại trại giam An Phước – Bình Phước, ông cùng một số tù nhân khác tuyệt thực 22 ngày vào những ngày tháng 8.2016, để đấu tranh bảo vệ quyền của phạm nhân và đòi hỏi cán bộ cho phạm nhân được gọi điện thoại về nhà 5 phút theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng tại trại giam An Phước, cán bộ trại giam đối xử hà khắc với Ms Chính, cụ thể: dùng người tù gây khó khăn cho ông, trộn mảnh chai vụn vào cơm cho ông ăn, nước ông uống có mùi hóa chất nồng nặc…
Mục sư Nguyễn Công Chính, một người có tiếng nói khác với nhà cầm quyền và thực hiện quyền tín ngưỡng tôn giáo, bị bắt vào ngày 28.04.2011. Sau đó ông bị kết án 11 năm tù giam với tội danh “phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 87 BLHS.
Bà Hồng cho biết thêm, trước khi Ms Chính bị bắt, gia đình bà luôn phải hứng chịu những trận đòn và sự khủng bố của nhà cầm quyền địa phương. Trong thời gian Ms Chính bị bắt, mẹ ông rất buồn phiền nhưng bà luôn xác quyết con bà không làm gì sai trái. Hai năm sau đó, bà qua đời nhưng nhà cầm quyền không cho ông về chịu tang mẹ, thậm chí cũng không cho ông gọi điện thoại an ủi gia đình dù chỉ 1 phút. Hiện nay, cha Ms Chính nằm liệt một chỗ và mong chờ ông về từng ngày.
Về phía gia đình Ms Chính luôn sống trong sự bất an khi có những người lạ mặt dõi theo trước cổng nhà. Nhiều lần vợ ông bị cản trở, đánh đập, hành hung đến trọng thương khi bà tiếp xúc với các tổ chức nhân quyền trong cũng như ngoài nước.
Như đã có lần GNsP đề cập, bộ công an đề ra “tiêu chuẩn thi đua” để xếp loại tù nhân. Có 4 “tiêu chuẩn” để xếp loại, trong đó tiêu chuẩn hàng đầu số 1 phải là “nhận rõ tội lỗi, thành khẩn hối cải… cung cấp hết các thông tin về các hành vi phạm tội của người khác mà mình biết”. Tiêu chuẩn số 2 cũng là “nghiêm chỉnh chấp hành bản án” tức là “nhận tội”. Tùy theo tiêu chuẩn đạt được mà tù nhân được xếp loại tốt, khá, trung bình hay yếu kém.
Nếu không đạt tiêu chuẩn 1 và 2 thì sẽ không bao giờ được xếp loại tốt hoặc khá. Chưa kể nếu “phạm nhân cố tình khiếu nại trái với quy định của pháp luật về bản án, quyết định của Tòa án về vấn đề khác có liên quan đến việc chấp hành án phạt tù của phạm nhân”, sẽ bị xếp loại yếu kém. Như vậy, chỉ cần tù nhân không nhận tội, hoặc khiếu nại bản án hoặc khiếu nại “liên quan đến việc chấp hành án phạt tù” dễ bị ghép vào “trái qui định” – mà tiêu chuẩn gọi là trái qui định pháp luật sẽ do chính trại giam xác định – và bị xếp loại yếu kém.
Việc xếp loại để cho tù nhân được hưởng hoặc không được hưởng các chế độ, chính sách mà đúng ra họ phải được hưởng. Ví dụ nếu không đạt loại tốt và khá sẽ không được xét đặc xá, nếu đạt loại tốt sẽ được thăm gia đình 1 tháng một lần lên đến 3 tiếng, thay vì 1 tiếng… Điều này lý giải cho việc tù oan vẫn “nhận tội”; không khiếu nại bản án, chia rẽ trong nội bộ nhà tù và tù nhân lương tâm (không nhận tội) không bao giờ được đặc xá hay hưởng chế độ tốt, khá…
Huyền Trang, GNsP