Đoạn Đường Chiến Binh
Đêm Hạ Lào ! Đêm sao dài quá !
Trần Vệ
Suốt cuộc chiến ở Cambodia, từ lúc vượt biên giới đổ bộ ở Neak-Luong cho đến khi tiến chiếm Prey-Veng, rồi về đóng quân ở Ban-Nam, Tiểu đoàn 4 Kình Ngư như dẫm chân hết khu phía Đông của sông Mekong….Lúc bấy giờ tôi giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 4. Cuối cuộc chiến, Tiểu đoàn 4 được lệnh hành quân lục soát dọc bờ sông Mekong hướng về phía Nam. Trong một trận chiếm mục tiêu ở cuối làng thì tôi bị thương vì mảnh lựu đạn gài. Tôi được tải thương về Hồng Ngự, sau đó chuyển về hậu cứ Vũng Tàu. Vì vết thương nhẹ nên chỉ một tuần sau tôi được xuất viện. Sống cuộc đời lính, đôi khi cái rủi lại là cái may. Tôi được nghĩ dưỡng thương gần 3 tuần lễ, phất phơ lên xuống Vũng Tàu – Sài Gòn thăm gia đình, mấy khi có được một cái phép ngon lành như thế trong khi Tiểu đoàn phải đi hành quân xa.
Hôm ấy, trong khi đang thưởng thức gió biển mát mẻ ở Bãi Sau Vũng Tàu thì tôi được Đại úy Đặng Văn Học, chỉ huy hậu cứ Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến chạy ra báo Tiểu đoàn đã về hậu cứ. Sau một ngụm bia, Học vỗ vai tôi:
– Ông già dẫn Tiểu đoàn về rồi, ông cho gọi mày gấp.
Tôi vội hỏi:
– Ổng có khỏe không, Tiểu đoàn mình có khá không?.
Học cười ha hả:
– Ông già kỳ này đen thui à, có lẽ bắt màu của mấy em Cambodia, ông hỏi bộ mày bị mấy em Vũng Tàu cầm chân sao không thấy ra hành quân ?.
Tôi cũng cười:
– Mình là thương binh mà.
Ông già là Thiếu tá Võ Kỉnh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến. Ông tuy lớn tuổi (hồi ấy đã gần 5O trong khi bọn tôi chỉ từ 25 đến 3O tuổi) nhưng rất trẻ trung. Chúng tôi hay đùa ông già chịu chơi, khi hành quân thì rất gan dạ, khi về hậu cứ hễ chúng tôi đâu thì ông đó. Ngoài ra ông có ngón nhảy Tango, đưa em “ter” rất sát, chúng tôi cố học mãi nhưng không theo kịp.
Không khí ở Tiểu đoàn hôm nay có vẻ nhộn nhịp, lính tráng ra vào tấp nập trông như ngày Tết. Tôi bước vào Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn thì thấy ông già đang đứng nói chuyện với các sĩ quan Đại đội trưởng. Tôi chưa kịp chào thì ông đã đưa tay ngoắc:
– À thằng Vệ đây rồi ! Sao, đã chưa mày, có em nào mới không ?.
Tôi chào ông xong, xoa hai tay:
– Thưa Đại bàng đâu có, bị thương phải dưỡng bệnh suốt mấy tuần.
Hòa râu tức Nguyễn Đăng Hòa, Tiểu đoàn phó, đứng bên cạnh cười nói:
– Đâu mày đưa vết thương tao xem.
Tôi vén ống quần lên, chỉ thấy mấy vết lấm chấm nhỏ do mảnh đạn đã lành. Từ Đức Thọ, Đại đội trưởng Đại đội 3 xuýt xoa:
– Chà, vết thương nặng dữ, xin ông già cho Vũng Tàu nghĩ thêm hai tháng nữa !.
Tất cả đều cười ồ, tôi không biết làm sao hơn đành cười theo. Đợi cho tất cả dứt tiếng cười, ông già lấy giọng nghiêm:
– Thôi được rồi, kỳ này cho chú về giữ Trưởng ban 3 thay cho Đại úy Trần Văn Chí. Đại úy Chí coi Đại đội chỉ huy, tôi đã ra lệnh cho Ban 1 rồi, ngày mai bàn giao.
Tôi hỏi:
– Thưa Đại bàng, kỳ này Tiểu đoàn nghỉ lâu không?.
Ông già lắc đầu:
– Đâu có nghỉ gì, Tiểu đoàn chỉ về hậu cứ 2 tuần để bổ sung, chuẩn bị hành quân. Tôi đã ra lệnh cấm trại 1OO% rồi.
Thế là Tiểu đoàn chuẩn bị quân số và vũ khí. Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn và các Đại đội làm việc suốt ngày. Hai tuần sau, Tiểu đoàn được không tải ra Huế. Thời tiết của Huế đang vào mùa nắng, mà cái nắng ở Huế thì rất gắt. Tiểu đoàn lại được di chuyển bằng quân xa ra Đông Hà, một quận ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị. Lệnh hành quân kỳ này rất bí mật , chúng tôi cũng chưa biết đi hành quân ở vùng nào, lại được lệnh huấn luyện binh sĩ đổ bộ cho nên có người đoán sẽ đổ bộ miền Bắc. Do đó ai cũng bàn tán xôn xao, vẻ mặt người nào cũng lộ vẻ nôn nao. Thủy Quân Lục Chiến là lực lượng Tổng trừ bị, đi khắp 4 vùng chiến thuật, nếu kỳ này có đổ bộ miền Bắc thì cũng không sao, lại thêm một chuyến vui chơi mà thôi. Chúng tôi lại nói chuyện tiếu lâm về miền Bắc, nào là dịp này được làm quen gái Bắc, có người lại nói sẽ đi 36 phố phường…
Hôm ấy tôi đang ngồi thảo kế hoạch huấn luyện đợt 2 thì có lệnh lên Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến lãnh bản đồ. Tôi sắp bản đồ thì thấy trải dài theo quốc lộ 9 lên Khe Sanh, Lao Bảo và một lô bản đồ qua đến Tchépone thuộc Nam Lào, dọc theo sông Tchépone. Tuy nhiên vẫn chưa có lệnh hành quân, chỉ nhận được lệnh ngày N giờ G sẽ di chuyển bằng quân xa lên Khe Sanh.
Con đường quốc lộ mang số 9 do Pháp làm hồi trước, trải đá chạy dọc theo các triền núi, qua thung lũng, vì đất núi nên khi xe chạy bụi đỏ mịt mù, chúng tôi phải lấy khăn quấn quanh mặt, nhưng khi tới nơi thì ai cũng lấm lem hết. Tiểu đoàn đến Khe Sanh thì trời sắp tối, được trú ngụ ở một căn cứ cũ của quân lực Hoa Kỳ để lại. Khe Sanh là một làng nhỏ cách Lao Bảo giáp giới với Lào khoảng 6-7 cây số. ở đây có 2 đồn điền cà phê của người Pháp để lại, giờ đây bỏ hoang vì chủ đã về nước. Vào năm 1968, Khe Sanh nổi tiếng vì những trận đánh giữa quân lực Hoa Kỳ và Bắc Việt. Nay quân đội Mỹ đã rút khỏi Khe Sanh, để lại những căn cứ hoang tàn đổ nát. Sau khi đi họp với Tiểu đoàn trưởng ở Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 147 tôi được biết lực lượng Thủy Quân Lục Chiến làm trừ bị cho Sư đoàn 1 Bộ binh đang tiến chiếm Tchépone.
Kế hoạch của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa là tiến chiếm Tchépone, tiêu diệt địch và rút lui chứ không chiếm đóng. Nổ lực chính là Sư đoàn 1 Bộ binh, Dù và Biệt Động Quân án ngữ hướng Tây và Tây Bắc. Vì là lực lượng trừ bị cho nên trong giai đoạn đầu chúng tôi được thong dong ở Khe Sanh tắm suối và nếm những trái cà phê đỏ chín nặng trĩu ở các cành cây cà phê. Tuy nhiên với chức vụ trưởng Ban 3 Tiểu đoàn, mỗi sáng tôi phải đi bay C&C quan sát, khi thì đi máy bay của Không quân Việt Nam, khi đi máy bay Mỹ. Tôi và Chính rỗ (người lính Truyền tin mang máy cho tôi) sáng nào cũng lên Lữ đoàn chờ máy bay rồi đến gần tối mới trở về Tiểu đoàn. Cũng nhờ đi bay với cố vấn Mỹ, tôi mới rõ lối đánh giặc của anh mũi lõ. Rất chán! Theo hiệp ước không biết ký ở đâu, máy bay quan sát của Mỹ chỉ bay đến dãy núi Koroc mà thôi, tức là chỉ qua khỏi Lao Bảo độ vài cây số. Tôi cự nự với thằng cố vấn hoài:
– Máy bay đến đây thì thấy cái đếch gì ? Việt cộng nó ở tuốt bên kia!.
Thằng Mỹ cười hề hề:
– Sorry, tao nhận được lệnh không được qua bên đó .
Chỉ có máy bay của Không quân ta, tôi mới thoải mái để quan sát. Lúc ngồi trên máy bay tôi không thấy ngán nhưng về rồi nghĩ lại thấy ớn da gà. Bởi vì rừng Hạ Lào rậm rạp, cây cối xanh dờn, bay chập chờn giữa cảnh trời bao la chẳng khác nào máy bay giấy, chỉ một phát phòng không của Việt cộng là rồi đời. Phe ta lại chơi bạo, hễ thấy phòng không bắn lên thì đảo xuống để quan sát cho rõ.
Sáng hôm đó, tôi lên Bộ Chỉ huy Lữ đoàn thì được nghe tin một Tiểu đoàn của Sư đoàn 1 Bộ binh do Thiếu tá Trần Ngọc Huế, khóa 18 Võ bị Đà Lạt chỉ huy đã đặt chân lên Tchépone và đang quần với địch. Trong khi đó Lữ đoàn 2 Nhảy Dù của Đại tá Thọ đụng mạnh với một Sư đoàn Cộng sản Bắc Việt. Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân ở Tây Bắc chạm địch cấp Trung đoàn. Tôi nhận được lệnh: Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến gồm các Tiểu đoàn 4, 2 và 7 chuẩn bị trực thăng vận cùng Bộ Chỉ huy Lữ đoàn và Tiểu đoàn 2 Pháo binh đến án ngữ cho các đơn vị Bộ binh, Biệt Động Quân và Nhảy Dù rút quân. Lại được tin Bộ Tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến sẽ từ Sài Gòn không vận ra đóng bản doanh tại Khe Sanh để chỉ huy hành quân. Ngoài ra còn có Bộ Tư lệnh Tiền phương của Quân đoàn 1, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, Sư đoàn Dù, Liên đoàn 21 Biệt Động Quân và Lữ đoàn 1 Thiết kÿ.
Lực lượng đổ quân của Thủy Quân Lục Chiến do Đại tá Hoàng Tích Thông, Lữ đoàn trưởng chỉ huy với thành phần như sau:
– Tiểu đoàn 2 Pháo binh do Thiếu tá Đặng Bá Đạt làm Tiểu đoàn trưởng.
– Tiểu đoàn 2 Trâu Điên của Thiếu tá Nguyễn Xuân Phúc.
– Tiểu đoàn 4 Kình Ngư của Thiếu tá Võ Kỉnh.
– Tiểu đoàn 7 của Thiếu tá Phạm Nhã.
Các đợt đổ quân đều tiến hành tốt đẹp, có lẽ địch chưa phát hiện được vị trí của ta. Sau khi đáp xuống đồi 55O của Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến, Tiểu đoàn 4 Kình Ngư chúng tôi tiến về hướng Đông Bắc. Trên đường di chuyển chúng tôi phát hiện được nhiều đường mòn chằng chịt. Nói là đường mòn chứ thật ra là những con đường đất đỏ lớn cỡ xe Molotova của quân Bắc Việt di chuyển. Đồng thời đường lên các núi cao đều có bậc cấp để đi cho dễ dàng, chứng tỏ Cộng sản Bắc Việt thiết lập để Bộ đội và dân công dùng. Các nơi đóng quân của Thủy Quân Lục Chiến vẫn yên tĩnh, nhưng qua thông tin của Lữ đoàn chúng tôi được biết Sư đoàn 1 Bộ binh và Thiết kÿ bị Bắc Việt truy kích nặng nề khi rút lui theo đường số 9. Trong khi đó Bộ Chỉ huy Lữ đoàn Dù của Đại tá Thọ bị địch tràn ngập, đồng thời Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân cũng bị tấn công dữ dội. Bộ Tư lệnh Tiền phương phải xin B.52 trải thảm để ngăn các đợt tiến quân của Cộng sản Bắc Việt.
Sáng hôm sau, khi Tiểu đoàn 2 Pháo binh khởi sự bắn yểm trợ và các điểm nghi ngờ thì đại pháo 13O ly của địch cũng hướng về phía ta. Đạn rớt trên các triền núi của Bộ Chỉ huy Lữ đoàn, địch đã đánh hơi được các điểm đóng quân của Thủy Quân Lục Chiến. Tôi đang liên lạc với Lữ đoàn thì nghe trên đầu có tiếng máy bay, tôi vội qua tần số không trợ để liên lạc thì biết đó là máy bay quan sát của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Tôi vội báo là đừng bay lên hướng Bắc vì hôm qua khi đổ quân tôi thấy phòng không địch ở hướng đó bắn lên. Nhưng đã trễ, máy bay đã vượt qua đầu chúng tôi, chưa kịp quay trở lại thì phòng không đã bắn lên rồi. Nhìn chiếc máy bay lượn qua lượn lại giữa những lằn đạn, tôi lắc đầu ái ngại cho số phận của các đồng đội. Quả nhiên qua tần số không trợ, tôi biết tin Trung úy Pháo binh (tôi không còn nhớ tên) bị thương. Cũng may máy bay đã trở lại kịp và bay về hướng Khe Sanh.
Tôi đang còn nhìn theo chiếc L.19 thì âm thoại viên đến báo:
– Trình Đại úy, Trung úy Thọ, Đại đội trưởng Đại đội 3 muốn gặp.
Tôi cầm máy hỏi:
– Cái gì đó Tango ?.
– Trình Vũng Tàu, con đầu của tôi quan sát thấy địch, xin Vũng Tàu cho mấy tô phở.
– OK, muốn ăn phở ở đâu cho biết.
Tôi gọi pháo bắn vào các điểm Thọ vừa cho, phía bên trái Đức, Đại đội trưởng Đại đội 4 cũng xin pháo. Tôi chuyển bớt pháo qua điểm Đại đội 4 xin. Các đợt pháo của ta vừa ngưng thì có tiếng “tong tong” qua đầu, tôi la lên “Pháo kích” để tất cả chui hầm. Rồi 2 tiếng nổ ở sau lưng chúng tôi, tôi nhìn qua đồi 55O của Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 147 thấy 2 cột khói bốc lên. Địch đã phát hiện điểm pháo của ta. Suốt ngày hôm đó, ta và địch đều dùng pháo để thăm dò nhau. Sau này tôi được biết pháo địch đặt trong lòng núi, ở các hốc đá lớn nên rất khó phát hiện và tiêu diệt. Còn căn cứ hỏa lực của ta thì trống trải, lại ở trên cao nên rất dễ thấy mà còn không di chuyển được nên càng dễ ăn pháo địch. Rút kinh nghiệm này, trong các trận đánh sau như Quảng Trị Bộ Chỉ huy Lữ đoàn không đóng chung với Pháo đội nữa mà để Pháo đội ở riêng và di chuyển khi cần. Trời tờ mờ sáng thì Đại đội 3 báo cáo địch đã tiến sát, tôi cho gọi Pháo và báo cáo với Đại bàng Kỉnh. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh tác xạ và yểm trợ 81 ly cho Đại đội 3. Vừa nói chuyện với Thọ xong thì Đức báo cáo nghe tiếng động cơ nổ, tôi vội la lên trong máy:
– Coi chừng chiến xa địch đó, cho ông già 72 sẵn sàng. Tiếng Đức trả lời:
– Vũng Tàu yên tâm, chúng tôi đã sẵn sàng.
Nói xong thì tôi nghe tiếng M.72 nổ rầm rầm từ phía Đại đội 4. Tiểu đoàn trưởng bảo tôi xin pháo thêm và nhắc:
– Vũng Tàu nhớ kéo pháo sát một chút.
Pháo binh bắn rất chính xác và gần, nhiều lúc mảnh đạn còn văng đến chỗ chúng tôi nữa.
Sau đợt pháo thứ hai thì Đức báo cáo với giọng hổn hển:
– Vũng Tàu ơi! tôi hạ được một con cua rồi.
– OK, tôi báo Đại bàng thưởng cho.
Tôi trình lại với Tiểu đoàn trưởng và báo cáo về Lữ đoàn. Ta và địch quần nhau suốt ngày, Đức hạ thêm 2 chiến xa nữa, trong khi đó bên Thọ địch bám rất sát. Đến 5 giờ chiều thì tình hình bắt đầu găng, bất chấp pháo binh của ta, chiến xa địch cùng bộ binh của chúng tấn công liên hồi nhưng bên ta đều chận đứng được. Phía Bộ Chỉ huy Lữ đoàn bị pháo kích liên miên, ta bị hỏng mất 2 khẩu 1O5 ly. Tôi và Chính rỗ cả ngày ngồi dưới hố, mà cái hố quá chật nên chân chúng tôi phải đan lấy nhau. Trong tiếng đạn nổ của súng thường và pháo, tôi bỗng nghe hai ba tiếng nổ rất gần, hình như ngay trên đầu của Đại đội 3. Tôi check lại với Bộ Chỉ huy Lữ đoàn để xác nhận pháo của ta hay địch thì vừa lúc đó có tiếng nổ dồn dập trên đầu chúng tôi, bên trái rồi bên phải. Tôi la lên trong máy:
– Đại bàng Tango, đừng bắn trên đầu chúng tôi, ngưng tác xạ đi.
Tiểu đoàn trưởng Võ Kỉnh cũng la bên tôi:
– Vũng Tàu, mày bảo Pháo binh ngưng bắn ngay!. Trưởng ban 3 Lữ đoàn cũng la lên trong máy:
– Tao đã ngưng rồi, pháo địch đó!.
Thôi rồi, đúng là pháo 13O ly của địch với tiếng nổ ầm ầm chát chúa trên đầu chúng tôi, nghe long cả óc. Bỗng tôi nghe bên tai:
– Đại úy ơi, em bị thương rồi!.
Tôi vội quay lại Chính rỗ máu me đầy mình, văng cả lên người tôi, hình như chân nó cũng bị mà chân hai đứa lại đan nhau nên tôi không rõ mình có bị hay không ? Trong khi đó thì Đại đội 3 và 4 đều bị địch tràn lên, ta và địch đang bắn tay đôi, gần nhau trong gang tấc. Một loạt 13O ly nữa lại nổ, tình hình không tốt rồi. Chúng tôi được lệnh “cho chó ăn chè” nghĩa là rút lui về Bộ chỉ huy Lữ đoàn. Trong bóng tối, vừa cố né mảnh đạn pháo tôi vừa thì thào bên tai Chính rỗ:
– Mày chạy được không, ta rút đi thôi.
Chính rỗ lắc đầu:
– Đại úy đi đi, em không đi được nữa.
Tôi cố kéo Chính rỗ lên khỏi hố nhưng không được, vừa lúc đó pháo lại nổ liên tục, cuối cùng đành xách cái máy truyền tin vọt đi, để nó ở lại. Đến đây, tưởng cũng nên để vài hàng nói về Chính rỗ, người giữ máy truyền tin của tôi, kẻ đã ở lại vĩnh viễn tại Hạ Lào:
Chính rỗ con nhà nghèo, cha mất sớm, mẹ phải đi bán chè nuôi con cho nên Chính thất học. Nó đi bụi đời rất sớm nhưng rất có hiếu với mẹ, kiếm được đồng nào là đưa về cho mẹ. Đến năm 18 tuổi Chính đăng lính Thủy Quân Lục Chiến, vào lính nó lại rất kỹ luật, thi hành lệnh cấp trên răm rắp nên được thương cho đi học Truyền tin. Sau khóa Truyền tin nó về mang máy cho tôi và thường tâm sự là mẹ già rồi nó phải nuôi mẹ nên không lấy vợ, dù có con nhỏ bán nước mía ở đầu chợ Vũng Tàu rất thương nó. Nó bảo:
– Đại úy à, đời lính nay đây mai đó, lấy vợ thêm khổ.
Tôi an ủi:
– Khổ gì mày, vậy mày để con gái ở giá thì họ không khổ à ?.
Nó cười hề hề:
– Đại úy nói cũng có lý, phen này về, em đem con nhỏ ra mắt bà già xem sao.
Thôi rồi, Chính rỗ ơi! Đã muộn rồi! mày không còn cơ hội để đạt giấc mộng cỏn con đó nữa. Thôi hãy an giấc ngàn thu ở xứ Hạ Lào xa lạ chết chóc này. Và cuộc chiến còn kéo dài thì rồi con gái họ cũng ở giá mà thôi !
Lên đến Bộ Chỉ huy Lữ đoàn, cảnh tượng còn thương tâm hơn: các khẩu pháo bị hỏng nằm nghiêng ngã, khắp nơi bề bộn những thùng đạn và bao cát. Tôi vào hầm chỉ huy nhận lệnh thì thấy toàn thể Bộ Chỉ huy cũng đã chuẩn bị gọn gàng. Đại tá Lữ đoàn trưởng nói rất bình tỉnh:
– Ta chỉ án ngữ cho các đơn vị bạn rút, giờ ta cũng rút về thôi, các anh gắng chu toàn con cái.
Tôi bước ra cửa hầm thì gặp Chuẩn úy Phạm Hiệp Sĩ, nó mừng rỡ ôm chầm lấy tôi. Sĩ học cùng khóa 19 với tôi nhưng vì kỹ luật nên bị ra trường sớm với cấp bậc Trung sĩ, mặc dù nó học rất giỏi. Ra trường rôi cũng vẫn cái tính ngang tàng đi hai ba binh chủng, sau cùng về Thủy Quân Lục Chiến và vào Tiểu đoàn 4. Ông già thấy Sĩ và tôi học cùng khóa nên cho nó về Đại đội 4 của tôi hồi tôi chưa bị thương. Vẫn chứng nào tật ấy, đi hành quân thì rất giỏi, mà về hậu cứ thì lại say sưa, vô kỹ luật. Tôi cho Sĩ giữ chức vụ Trung đội trưởng, trong khi Sĩ chỉ mang cấp bậc Trung sĩ. Cuối cùng tôi xin ông già cho Sĩ đi học khóa Sĩ quan và đã ra Chuẩn úy về Đại đội Viễn thám. Sau cái bắt tay, tôi bảo Sĩ:
– Tình hình này chắc phải rút quân, và có lẽ sẽ lộn xộn đó, mày nhớ chạy theo hướng Koroc, có đơn vị bạn đón ở đó. (Theo kế hoạch rút lui, Tiểu đoàn 3 Sói Biển của Thiếu tá Nguyễn Năng Bảo để nằm ở dãy Koroc để đón phe ta với sự yểm trợ của Tiểu đoàn 3 Pháo binh của Thiếu tá Trần Thiện Hiệu).
Tôi chưa kịp nói gì nhiều thì pháo địch đã tới tấp nổ trên đồi. Lính ở đâu ùn ùn kéo tới làm tôi cũng dạt theo. Chiến xa địch cũng bám sau lưng ta để tránh B.52 vì lúc đó bom nổ rất gần. Trời tối nên chẳng thấy đường, nhiều lúc ngã lăn, tôi bị trượt theo sườn đồi. Đến khi xuống tới đất bằng mới thấy toàn là rừng cây rậm rạp, cây nào cây nấy to cả người ôm. Lúc bấy giờ binh sĩ ta rất đông, cả hơn trăm người, tôi không nhận diện được đơn vị nào. Kẻ nói người la inh ỏi, người bảo đi hướng này, kẻ chỉ đi lối kia, không ai nghe ai cả. Thấy thế tôi la lớn lên:
– Tôi là Đại úy Trần Vệ, trưởng Ban 3 Tiểu đoàn 4 đây, tất cả hãy im lặng để nghe tôi nói.
Tất cả đều im, tôi dặn dò:
– Vì trời tối , tất cả hãy bám theo nhau mà đi, không được nói chuyện. Tuyệt đối giữ im lặng khi di chuyển, không được bắn bừa bãi. Ai có máy truyền tin lên đây đi bên cạnh tôi.
Hai ba người có máy truyền tin chạy lên , vừa lúc đó tôi nghe có tiếng nói bên cạnh:
– Chết rồi, tay Đại úy bị thương, đưa em băng cho.
Tôi vội nhìn lại bàn tay trái của mình mới biết mảnh đạn ở ngón áp út nên vội đưa tay cho anh lính y tá băng giúp . Có tiếng nổ phía sau, tôi ra lệnh đoàn quân di chuyển, nhưng không thấy ai nhúc nhích cả, có lẽ người đứng đầu không biết đi hướng nào và đi về đâu. Tôi đành lên dẫn đầu đoàn quân, dùng địa bàn định hướng đi về phía Koroc. Cứ thế chúng tôi lần bước trong đêm, lúc đó khoảng 9 giờ tối. Chúng tôi như đoàn quân ma, chập chờn im lặng lên đồi, vượt suối. Đi độ một tiếng đồng hồ, vừa lên đỉnh một ngọn đồi tôi bỗng nghe có tiếng xôn xao ở đồi bên phải. Tôi cho tất cả dừng lại bố trí cẩn thận, một người mang máy bò lại cạnh tôi:
– Đại úy, có người nói trong máy. Tôi cầm ống liên hợp thử lên giọng:
– Cọp Biển, Cọp Biển! Đây Rằn ri gọi…. Bỗng bên kia trả lời:
– Có phải Vẻ Vang đó không ?.
Tôi nhận ra tiếng của Trần Văn Hợp, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2 Trâu Điên, là bạn khóa 19 Đà Lạt nên vội lên tiếng:
– Hồng Hà, Hồng Hà ! Vẻ Vang đây, có phải mày đang ở bên cạnh tao không? Mày thử bắn một phát súng xem.
Một phát súng nổ ở đồi bên phải, cách tôi chừng một cây số. Tôi đáp nhận và 2 bên ước hẹn cùng đi về Koroc để tránh ngộ nhận nhau. Chúng tôi lại tiếp tục đi hết rừng cây lại đến rừng tranh. Đằng sau, tôi nghe B.52 nổ từng loạt một, tôi đoán đồi 55O đã thành bình địa. Chợt nghĩ tới Chính rỗ chắc giờ này đã tan thành mây khói mà lòng quặn đau. Tôi quên hẳn chính mình cũng đang mò mẫm trong rừng sâu, chưa biết phận mình sẽ ra sao nữa. Chúng tôi vừa băng qua một con suối thì có hai ba người lính bò lên gần tôi thì thầm:
– Đại úy, em thấy tụi nó cứ lò dò sau đuôi mình, chúng bám kỹ quá. Đại úy để tụi em dợt một cái.
Tôi suy nghĩ một chút rồi gật đầu:
– Ừ, tụi mày lấy độ 10 người ẩn nấp lại. Trên này sẽ lục tục đi cho chúng tưởng mình đi hết, diệt tụi nó xong nhớ dọt ngay nhé. Tao sẽ chờ ở cánh rừng trước mặt.
Một lát sau tôi nghe phía sau súng nổ dữ dội, có cả tiếng M.79, lựu đạn. Tôi vừa cho bố trí dừng lại xong thì nghe có tiếng thở hổn hển đằng sau:
– Đại úy, Đại uý! tụi em chơi tụi nó hết rồi. Thịt cũng được chục tên.
Tôi khen rồi cho lệnh tiếp tục đi, ở đầu máy tôi nghe tiếng Hợp:
– Vẻ Vang, Vẻ Vang! Mày bắn gì thế?.
Tôi vui vẻ trả lời:
– Hồng Hà yên tâm, tao vừa zu-lu thịt tụi nó xong. Đang zu-lu tiếp đây!.
Chúng tôi đi được một lúc lâu, nhìn đồng hồ đã 5 giờ sáng. Tôi ước lượng đi khoảng 3 cây số đường rừng nữa sẽ đến Koroc, vừa lúc đó tôi nghe tiếng “bục” trên không. Một cánh dù nhỏ, một trái sáng chiếu lơ lững và tôi cũng bắt được truyền tin của Tiểu đoàn 3 Sói Biển cho biết Tiểu đoàn 3 Pháo binh của Trung tá Trần Thiện Hiệu bắn soi sáng cho các đơn vị rút quân. Tôi thấy yên lòng và đốc thúc đoàn quân đi nhanh hơn. Đến 6 giờ rưỡi sáng thì chúng tôi đến chân núi Koroc, tôi cũng thấy lác đác những toán khác, mọi người trở lại với hàng ngũ của đơn vị mình. Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến sẽ cho trực thăng đến bốc chúng tôi về Khe Sanh. Tôi cho tập họp cứ 1O người một toán và ưu tiên cho những người bị thương. Độ nửa giờ sau máy bay đến, chuyến bốc đầu tiên an toàn nhưng qua đợt thứ hai thì địch bắt đầu pháo kích. Tình hình trở nên lộn xộn, cho nên hễ máy bay xuống là chạy ra ngay. Địch lại pháo 13O ly, chứng tỏ chúng đã bám sát ta rất kỹ. Tuy nhiên trước lằn đạn địch, máy bay cũng cố bốc cho hết binh sĩ. Có chuyến vừa đáp xuống là gặp pháo kích lại bay lên, binh sĩ chưa kịp vào lòng máy bay phải đeo càng trực thăng rất nguy hiểm. Gần đến chuyến chót tôi chạy ra vọt lên và bấy giờ mới cảm thấy nhức nhối ở bàn tay bị thương. Về đến Khe Sanh, toán Quân y lựa thương liền xin trực thăng tải thương cho tôi ra bệnh viện Quảng Trị ngay. Cũng tại Khe Sanh, tôi được biết đáng lẽ chúng tôi phải lội bộ về nhưng Đại tá Bùi Thế Lân, Tư lệnh phó kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn TQLC đã bắt buộc Bộ tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 1 phải cho máy bay bốc Lữ đoàn 147 về với bất cứ giá nào.
Trong thời gian chữa trị vết thương, tôi nghe đài phát thanh tổng kết thiệt hại đôi bên, mới biết đó là một cuộc thử lửa vô tiền khoáng hậu. Quân lực ta đã nhảy vào một khu trận địa sắp sẵn của địch, như một ổ kiến lửa thì làm sao không thiệt hại cho được. Tuy nhiên ta cũng đã phá vỡ biết bao kho tàng, đường dây giao liên của địch và khám phá chỗ dấu vũ khí, đạn dược, các ổ pháo của địch. Làm cho chúng phải mất khả năng tấn công miền Nam ít nhất một thời gian dài mới cũng cố lại được lực lượng chuyển tiếp vũ khí đạn dược.
Chiến sĩ ta bao gồm các lực lượng như Sư đoàn 1 Bộ binh, Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến đã hy sinh cho chiến trường Hạ Lào khá nhiều. Một số bỏ thây lại chiến trường làm người chiến sĩ vô danh, trong đó có Chính rỗ, người lính truyền tin hiền hòa và dũng cảm của tôi. Một số bị bắt trong lúc rút lui như Phạm Hiệp Sĩ và Hiển của Đại đội Viễn Thám mà sau này khi gặp lại nhau ở trại cải tạo Sơn La, chúng tôi đã ôm nhau khóc, khóc cho phận mình, cho binh chủng và cho đất nước. Số anh em bị bắt ở Hạ Lào đã nói với chúng tôi là trong thời gian bị giam cầm từ 71-76, haọ cứ hy vọng miền Nam sẽ chiến thắng. Họ không tin biến cố 75 mà cho là Cộng sản lừa bịp… cho đến khi gặp lại chúng tôi. Ngoài ra tôi còn gặp các chiến hữu đơn vị bạn như Đại tá Thọ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2 Dù bị bắt ở phía Bắc Tchépone. Cả Trần Ngọc Huế, Tôn Thất Mãn, Nguyễn Văn Thuế là các Tiểu đoàn trưởng gan lì của Sư đoàn 1 Bộ binh bị bắt ở Tchépone khi rút lui trên quốc lộ 9.
Tuy nhiên những người anh hùng đó cũng đã để lại một trang sử vẻ vang cho hậu thế và thế giới biết về sức mạnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa qua cuộc thử lửa mà chính Quân đội Hoa Kỳ phải đánh giá rất cao.
http://www.quehuongngaymai.com/forums/showthread.php?172687
https://dongsongcu.wordpress.com/2016/06/27/dem-ha-lao-dem-sao-dai-qua/
Bàn ra tán vào (0)
Đêm Hạ Lào ! Đêm sao dài quá !
Trần Vệ
Suốt cuộc chiến ở Cambodia, từ lúc vượt biên giới đổ bộ ở Neak-Luong cho đến khi tiến chiếm Prey-Veng, rồi về đóng quân ở Ban-Nam, Tiểu đoàn 4 Kình Ngư như dẫm chân hết khu phía Đông của sông Mekong….Lúc bấy giờ tôi giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 4. Cuối cuộc chiến, Tiểu đoàn 4 được lệnh hành quân lục soát dọc bờ sông Mekong hướng về phía Nam. Trong một trận chiếm mục tiêu ở cuối làng thì tôi bị thương vì mảnh lựu đạn gài. Tôi được tải thương về Hồng Ngự, sau đó chuyển về hậu cứ Vũng Tàu. Vì vết thương nhẹ nên chỉ một tuần sau tôi được xuất viện. Sống cuộc đời lính, đôi khi cái rủi lại là cái may. Tôi được nghĩ dưỡng thương gần 3 tuần lễ, phất phơ lên xuống Vũng Tàu – Sài Gòn thăm gia đình, mấy khi có được một cái phép ngon lành như thế trong khi Tiểu đoàn phải đi hành quân xa.
Hôm ấy, trong khi đang thưởng thức gió biển mát mẻ ở Bãi Sau Vũng Tàu thì tôi được Đại úy Đặng Văn Học, chỉ huy hậu cứ Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến chạy ra báo Tiểu đoàn đã về hậu cứ. Sau một ngụm bia, Học vỗ vai tôi:
– Ông già dẫn Tiểu đoàn về rồi, ông cho gọi mày gấp.
Tôi vội hỏi:
– Ổng có khỏe không, Tiểu đoàn mình có khá không?.
Học cười ha hả:
– Ông già kỳ này đen thui à, có lẽ bắt màu của mấy em Cambodia, ông hỏi bộ mày bị mấy em Vũng Tàu cầm chân sao không thấy ra hành quân ?.
Tôi cũng cười:
– Mình là thương binh mà.
Ông già là Thiếu tá Võ Kỉnh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến. Ông tuy lớn tuổi (hồi ấy đã gần 5O trong khi bọn tôi chỉ từ 25 đến 3O tuổi) nhưng rất trẻ trung. Chúng tôi hay đùa ông già chịu chơi, khi hành quân thì rất gan dạ, khi về hậu cứ hễ chúng tôi đâu thì ông đó. Ngoài ra ông có ngón nhảy Tango, đưa em “ter” rất sát, chúng tôi cố học mãi nhưng không theo kịp.
Không khí ở Tiểu đoàn hôm nay có vẻ nhộn nhịp, lính tráng ra vào tấp nập trông như ngày Tết. Tôi bước vào Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn thì thấy ông già đang đứng nói chuyện với các sĩ quan Đại đội trưởng. Tôi chưa kịp chào thì ông đã đưa tay ngoắc:
– À thằng Vệ đây rồi ! Sao, đã chưa mày, có em nào mới không ?.
Tôi chào ông xong, xoa hai tay:
– Thưa Đại bàng đâu có, bị thương phải dưỡng bệnh suốt mấy tuần.
Hòa râu tức Nguyễn Đăng Hòa, Tiểu đoàn phó, đứng bên cạnh cười nói:
– Đâu mày đưa vết thương tao xem.
Tôi vén ống quần lên, chỉ thấy mấy vết lấm chấm nhỏ do mảnh đạn đã lành. Từ Đức Thọ, Đại đội trưởng Đại đội 3 xuýt xoa:
– Chà, vết thương nặng dữ, xin ông già cho Vũng Tàu nghĩ thêm hai tháng nữa !.
Tất cả đều cười ồ, tôi không biết làm sao hơn đành cười theo. Đợi cho tất cả dứt tiếng cười, ông già lấy giọng nghiêm:
– Thôi được rồi, kỳ này cho chú về giữ Trưởng ban 3 thay cho Đại úy Trần Văn Chí. Đại úy Chí coi Đại đội chỉ huy, tôi đã ra lệnh cho Ban 1 rồi, ngày mai bàn giao.
Tôi hỏi:
– Thưa Đại bàng, kỳ này Tiểu đoàn nghỉ lâu không?.
Ông già lắc đầu:
– Đâu có nghỉ gì, Tiểu đoàn chỉ về hậu cứ 2 tuần để bổ sung, chuẩn bị hành quân. Tôi đã ra lệnh cấm trại 1OO% rồi.
Thế là Tiểu đoàn chuẩn bị quân số và vũ khí. Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn và các Đại đội làm việc suốt ngày. Hai tuần sau, Tiểu đoàn được không tải ra Huế. Thời tiết của Huế đang vào mùa nắng, mà cái nắng ở Huế thì rất gắt. Tiểu đoàn lại được di chuyển bằng quân xa ra Đông Hà, một quận ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị. Lệnh hành quân kỳ này rất bí mật , chúng tôi cũng chưa biết đi hành quân ở vùng nào, lại được lệnh huấn luyện binh sĩ đổ bộ cho nên có người đoán sẽ đổ bộ miền Bắc. Do đó ai cũng bàn tán xôn xao, vẻ mặt người nào cũng lộ vẻ nôn nao. Thủy Quân Lục Chiến là lực lượng Tổng trừ bị, đi khắp 4 vùng chiến thuật, nếu kỳ này có đổ bộ miền Bắc thì cũng không sao, lại thêm một chuyến vui chơi mà thôi. Chúng tôi lại nói chuyện tiếu lâm về miền Bắc, nào là dịp này được làm quen gái Bắc, có người lại nói sẽ đi 36 phố phường…
Hôm ấy tôi đang ngồi thảo kế hoạch huấn luyện đợt 2 thì có lệnh lên Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến lãnh bản đồ. Tôi sắp bản đồ thì thấy trải dài theo quốc lộ 9 lên Khe Sanh, Lao Bảo và một lô bản đồ qua đến Tchépone thuộc Nam Lào, dọc theo sông Tchépone. Tuy nhiên vẫn chưa có lệnh hành quân, chỉ nhận được lệnh ngày N giờ G sẽ di chuyển bằng quân xa lên Khe Sanh.
Con đường quốc lộ mang số 9 do Pháp làm hồi trước, trải đá chạy dọc theo các triền núi, qua thung lũng, vì đất núi nên khi xe chạy bụi đỏ mịt mù, chúng tôi phải lấy khăn quấn quanh mặt, nhưng khi tới nơi thì ai cũng lấm lem hết. Tiểu đoàn đến Khe Sanh thì trời sắp tối, được trú ngụ ở một căn cứ cũ của quân lực Hoa Kỳ để lại. Khe Sanh là một làng nhỏ cách Lao Bảo giáp giới với Lào khoảng 6-7 cây số. ở đây có 2 đồn điền cà phê của người Pháp để lại, giờ đây bỏ hoang vì chủ đã về nước. Vào năm 1968, Khe Sanh nổi tiếng vì những trận đánh giữa quân lực Hoa Kỳ và Bắc Việt. Nay quân đội Mỹ đã rút khỏi Khe Sanh, để lại những căn cứ hoang tàn đổ nát. Sau khi đi họp với Tiểu đoàn trưởng ở Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 147 tôi được biết lực lượng Thủy Quân Lục Chiến làm trừ bị cho Sư đoàn 1 Bộ binh đang tiến chiếm Tchépone.
Kế hoạch của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa là tiến chiếm Tchépone, tiêu diệt địch và rút lui chứ không chiếm đóng. Nổ lực chính là Sư đoàn 1 Bộ binh, Dù và Biệt Động Quân án ngữ hướng Tây và Tây Bắc. Vì là lực lượng trừ bị cho nên trong giai đoạn đầu chúng tôi được thong dong ở Khe Sanh tắm suối và nếm những trái cà phê đỏ chín nặng trĩu ở các cành cây cà phê. Tuy nhiên với chức vụ trưởng Ban 3 Tiểu đoàn, mỗi sáng tôi phải đi bay C&C quan sát, khi thì đi máy bay của Không quân Việt Nam, khi đi máy bay Mỹ. Tôi và Chính rỗ (người lính Truyền tin mang máy cho tôi) sáng nào cũng lên Lữ đoàn chờ máy bay rồi đến gần tối mới trở về Tiểu đoàn. Cũng nhờ đi bay với cố vấn Mỹ, tôi mới rõ lối đánh giặc của anh mũi lõ. Rất chán! Theo hiệp ước không biết ký ở đâu, máy bay quan sát của Mỹ chỉ bay đến dãy núi Koroc mà thôi, tức là chỉ qua khỏi Lao Bảo độ vài cây số. Tôi cự nự với thằng cố vấn hoài:
– Máy bay đến đây thì thấy cái đếch gì ? Việt cộng nó ở tuốt bên kia!.
Thằng Mỹ cười hề hề:
– Sorry, tao nhận được lệnh không được qua bên đó .
Chỉ có máy bay của Không quân ta, tôi mới thoải mái để quan sát. Lúc ngồi trên máy bay tôi không thấy ngán nhưng về rồi nghĩ lại thấy ớn da gà. Bởi vì rừng Hạ Lào rậm rạp, cây cối xanh dờn, bay chập chờn giữa cảnh trời bao la chẳng khác nào máy bay giấy, chỉ một phát phòng không của Việt cộng là rồi đời. Phe ta lại chơi bạo, hễ thấy phòng không bắn lên thì đảo xuống để quan sát cho rõ.
Sáng hôm đó, tôi lên Bộ Chỉ huy Lữ đoàn thì được nghe tin một Tiểu đoàn của Sư đoàn 1 Bộ binh do Thiếu tá Trần Ngọc Huế, khóa 18 Võ bị Đà Lạt chỉ huy đã đặt chân lên Tchépone và đang quần với địch. Trong khi đó Lữ đoàn 2 Nhảy Dù của Đại tá Thọ đụng mạnh với một Sư đoàn Cộng sản Bắc Việt. Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân ở Tây Bắc chạm địch cấp Trung đoàn. Tôi nhận được lệnh: Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến gồm các Tiểu đoàn 4, 2 và 7 chuẩn bị trực thăng vận cùng Bộ Chỉ huy Lữ đoàn và Tiểu đoàn 2 Pháo binh đến án ngữ cho các đơn vị Bộ binh, Biệt Động Quân và Nhảy Dù rút quân. Lại được tin Bộ Tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến sẽ từ Sài Gòn không vận ra đóng bản doanh tại Khe Sanh để chỉ huy hành quân. Ngoài ra còn có Bộ Tư lệnh Tiền phương của Quân đoàn 1, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, Sư đoàn Dù, Liên đoàn 21 Biệt Động Quân và Lữ đoàn 1 Thiết kÿ.
Lực lượng đổ quân của Thủy Quân Lục Chiến do Đại tá Hoàng Tích Thông, Lữ đoàn trưởng chỉ huy với thành phần như sau:
– Tiểu đoàn 2 Pháo binh do Thiếu tá Đặng Bá Đạt làm Tiểu đoàn trưởng.
– Tiểu đoàn 2 Trâu Điên của Thiếu tá Nguyễn Xuân Phúc.
– Tiểu đoàn 4 Kình Ngư của Thiếu tá Võ Kỉnh.
– Tiểu đoàn 7 của Thiếu tá Phạm Nhã.
Các đợt đổ quân đều tiến hành tốt đẹp, có lẽ địch chưa phát hiện được vị trí của ta. Sau khi đáp xuống đồi 55O của Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến, Tiểu đoàn 4 Kình Ngư chúng tôi tiến về hướng Đông Bắc. Trên đường di chuyển chúng tôi phát hiện được nhiều đường mòn chằng chịt. Nói là đường mòn chứ thật ra là những con đường đất đỏ lớn cỡ xe Molotova của quân Bắc Việt di chuyển. Đồng thời đường lên các núi cao đều có bậc cấp để đi cho dễ dàng, chứng tỏ Cộng sản Bắc Việt thiết lập để Bộ đội và dân công dùng. Các nơi đóng quân của Thủy Quân Lục Chiến vẫn yên tĩnh, nhưng qua thông tin của Lữ đoàn chúng tôi được biết Sư đoàn 1 Bộ binh và Thiết kÿ bị Bắc Việt truy kích nặng nề khi rút lui theo đường số 9. Trong khi đó Bộ Chỉ huy Lữ đoàn Dù của Đại tá Thọ bị địch tràn ngập, đồng thời Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân cũng bị tấn công dữ dội. Bộ Tư lệnh Tiền phương phải xin B.52 trải thảm để ngăn các đợt tiến quân của Cộng sản Bắc Việt.
Sáng hôm sau, khi Tiểu đoàn 2 Pháo binh khởi sự bắn yểm trợ và các điểm nghi ngờ thì đại pháo 13O ly của địch cũng hướng về phía ta. Đạn rớt trên các triền núi của Bộ Chỉ huy Lữ đoàn, địch đã đánh hơi được các điểm đóng quân của Thủy Quân Lục Chiến. Tôi đang liên lạc với Lữ đoàn thì nghe trên đầu có tiếng máy bay, tôi vội qua tần số không trợ để liên lạc thì biết đó là máy bay quan sát của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Tôi vội báo là đừng bay lên hướng Bắc vì hôm qua khi đổ quân tôi thấy phòng không địch ở hướng đó bắn lên. Nhưng đã trễ, máy bay đã vượt qua đầu chúng tôi, chưa kịp quay trở lại thì phòng không đã bắn lên rồi. Nhìn chiếc máy bay lượn qua lượn lại giữa những lằn đạn, tôi lắc đầu ái ngại cho số phận của các đồng đội. Quả nhiên qua tần số không trợ, tôi biết tin Trung úy Pháo binh (tôi không còn nhớ tên) bị thương. Cũng may máy bay đã trở lại kịp và bay về hướng Khe Sanh.
Tôi đang còn nhìn theo chiếc L.19 thì âm thoại viên đến báo:
– Trình Đại úy, Trung úy Thọ, Đại đội trưởng Đại đội 3 muốn gặp.
Tôi cầm máy hỏi:
– Cái gì đó Tango ?.
– Trình Vũng Tàu, con đầu của tôi quan sát thấy địch, xin Vũng Tàu cho mấy tô phở.
– OK, muốn ăn phở ở đâu cho biết.
Tôi gọi pháo bắn vào các điểm Thọ vừa cho, phía bên trái Đức, Đại đội trưởng Đại đội 4 cũng xin pháo. Tôi chuyển bớt pháo qua điểm Đại đội 4 xin. Các đợt pháo của ta vừa ngưng thì có tiếng “tong tong” qua đầu, tôi la lên “Pháo kích” để tất cả chui hầm. Rồi 2 tiếng nổ ở sau lưng chúng tôi, tôi nhìn qua đồi 55O của Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 147 thấy 2 cột khói bốc lên. Địch đã phát hiện điểm pháo của ta. Suốt ngày hôm đó, ta và địch đều dùng pháo để thăm dò nhau. Sau này tôi được biết pháo địch đặt trong lòng núi, ở các hốc đá lớn nên rất khó phát hiện và tiêu diệt. Còn căn cứ hỏa lực của ta thì trống trải, lại ở trên cao nên rất dễ thấy mà còn không di chuyển được nên càng dễ ăn pháo địch. Rút kinh nghiệm này, trong các trận đánh sau như Quảng Trị Bộ Chỉ huy Lữ đoàn không đóng chung với Pháo đội nữa mà để Pháo đội ở riêng và di chuyển khi cần. Trời tờ mờ sáng thì Đại đội 3 báo cáo địch đã tiến sát, tôi cho gọi Pháo và báo cáo với Đại bàng Kỉnh. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh tác xạ và yểm trợ 81 ly cho Đại đội 3. Vừa nói chuyện với Thọ xong thì Đức báo cáo nghe tiếng động cơ nổ, tôi vội la lên trong máy:
– Coi chừng chiến xa địch đó, cho ông già 72 sẵn sàng. Tiếng Đức trả lời:
– Vũng Tàu yên tâm, chúng tôi đã sẵn sàng.
Nói xong thì tôi nghe tiếng M.72 nổ rầm rầm từ phía Đại đội 4. Tiểu đoàn trưởng bảo tôi xin pháo thêm và nhắc:
– Vũng Tàu nhớ kéo pháo sát một chút.
Pháo binh bắn rất chính xác và gần, nhiều lúc mảnh đạn còn văng đến chỗ chúng tôi nữa.
Sau đợt pháo thứ hai thì Đức báo cáo với giọng hổn hển:
– Vũng Tàu ơi! tôi hạ được một con cua rồi.
– OK, tôi báo Đại bàng thưởng cho.
Tôi trình lại với Tiểu đoàn trưởng và báo cáo về Lữ đoàn. Ta và địch quần nhau suốt ngày, Đức hạ thêm 2 chiến xa nữa, trong khi đó bên Thọ địch bám rất sát. Đến 5 giờ chiều thì tình hình bắt đầu găng, bất chấp pháo binh của ta, chiến xa địch cùng bộ binh của chúng tấn công liên hồi nhưng bên ta đều chận đứng được. Phía Bộ Chỉ huy Lữ đoàn bị pháo kích liên miên, ta bị hỏng mất 2 khẩu 1O5 ly. Tôi và Chính rỗ cả ngày ngồi dưới hố, mà cái hố quá chật nên chân chúng tôi phải đan lấy nhau. Trong tiếng đạn nổ của súng thường và pháo, tôi bỗng nghe hai ba tiếng nổ rất gần, hình như ngay trên đầu của Đại đội 3. Tôi check lại với Bộ Chỉ huy Lữ đoàn để xác nhận pháo của ta hay địch thì vừa lúc đó có tiếng nổ dồn dập trên đầu chúng tôi, bên trái rồi bên phải. Tôi la lên trong máy:
– Đại bàng Tango, đừng bắn trên đầu chúng tôi, ngưng tác xạ đi.
Tiểu đoàn trưởng Võ Kỉnh cũng la bên tôi:
– Vũng Tàu, mày bảo Pháo binh ngưng bắn ngay!. Trưởng ban 3 Lữ đoàn cũng la lên trong máy:
– Tao đã ngưng rồi, pháo địch đó!.
Thôi rồi, đúng là pháo 13O ly của địch với tiếng nổ ầm ầm chát chúa trên đầu chúng tôi, nghe long cả óc. Bỗng tôi nghe bên tai:
– Đại úy ơi, em bị thương rồi!.
Tôi vội quay lại Chính rỗ máu me đầy mình, văng cả lên người tôi, hình như chân nó cũng bị mà chân hai đứa lại đan nhau nên tôi không rõ mình có bị hay không ? Trong khi đó thì Đại đội 3 và 4 đều bị địch tràn lên, ta và địch đang bắn tay đôi, gần nhau trong gang tấc. Một loạt 13O ly nữa lại nổ, tình hình không tốt rồi. Chúng tôi được lệnh “cho chó ăn chè” nghĩa là rút lui về Bộ chỉ huy Lữ đoàn. Trong bóng tối, vừa cố né mảnh đạn pháo tôi vừa thì thào bên tai Chính rỗ:
– Mày chạy được không, ta rút đi thôi.
Chính rỗ lắc đầu:
– Đại úy đi đi, em không đi được nữa.
Tôi cố kéo Chính rỗ lên khỏi hố nhưng không được, vừa lúc đó pháo lại nổ liên tục, cuối cùng đành xách cái máy truyền tin vọt đi, để nó ở lại. Đến đây, tưởng cũng nên để vài hàng nói về Chính rỗ, người giữ máy truyền tin của tôi, kẻ đã ở lại vĩnh viễn tại Hạ Lào:
Chính rỗ con nhà nghèo, cha mất sớm, mẹ phải đi bán chè nuôi con cho nên Chính thất học. Nó đi bụi đời rất sớm nhưng rất có hiếu với mẹ, kiếm được đồng nào là đưa về cho mẹ. Đến năm 18 tuổi Chính đăng lính Thủy Quân Lục Chiến, vào lính nó lại rất kỹ luật, thi hành lệnh cấp trên răm rắp nên được thương cho đi học Truyền tin. Sau khóa Truyền tin nó về mang máy cho tôi và thường tâm sự là mẹ già rồi nó phải nuôi mẹ nên không lấy vợ, dù có con nhỏ bán nước mía ở đầu chợ Vũng Tàu rất thương nó. Nó bảo:
– Đại úy à, đời lính nay đây mai đó, lấy vợ thêm khổ.
Tôi an ủi:
– Khổ gì mày, vậy mày để con gái ở giá thì họ không khổ à ?.
Nó cười hề hề:
– Đại úy nói cũng có lý, phen này về, em đem con nhỏ ra mắt bà già xem sao.
Thôi rồi, Chính rỗ ơi! Đã muộn rồi! mày không còn cơ hội để đạt giấc mộng cỏn con đó nữa. Thôi hãy an giấc ngàn thu ở xứ Hạ Lào xa lạ chết chóc này. Và cuộc chiến còn kéo dài thì rồi con gái họ cũng ở giá mà thôi !
Lên đến Bộ Chỉ huy Lữ đoàn, cảnh tượng còn thương tâm hơn: các khẩu pháo bị hỏng nằm nghiêng ngã, khắp nơi bề bộn những thùng đạn và bao cát. Tôi vào hầm chỉ huy nhận lệnh thì thấy toàn thể Bộ Chỉ huy cũng đã chuẩn bị gọn gàng. Đại tá Lữ đoàn trưởng nói rất bình tỉnh:
– Ta chỉ án ngữ cho các đơn vị bạn rút, giờ ta cũng rút về thôi, các anh gắng chu toàn con cái.
Tôi bước ra cửa hầm thì gặp Chuẩn úy Phạm Hiệp Sĩ, nó mừng rỡ ôm chầm lấy tôi. Sĩ học cùng khóa 19 với tôi nhưng vì kỹ luật nên bị ra trường sớm với cấp bậc Trung sĩ, mặc dù nó học rất giỏi. Ra trường rôi cũng vẫn cái tính ngang tàng đi hai ba binh chủng, sau cùng về Thủy Quân Lục Chiến và vào Tiểu đoàn 4. Ông già thấy Sĩ và tôi học cùng khóa nên cho nó về Đại đội 4 của tôi hồi tôi chưa bị thương. Vẫn chứng nào tật ấy, đi hành quân thì rất giỏi, mà về hậu cứ thì lại say sưa, vô kỹ luật. Tôi cho Sĩ giữ chức vụ Trung đội trưởng, trong khi Sĩ chỉ mang cấp bậc Trung sĩ. Cuối cùng tôi xin ông già cho Sĩ đi học khóa Sĩ quan và đã ra Chuẩn úy về Đại đội Viễn thám. Sau cái bắt tay, tôi bảo Sĩ:
– Tình hình này chắc phải rút quân, và có lẽ sẽ lộn xộn đó, mày nhớ chạy theo hướng Koroc, có đơn vị bạn đón ở đó. (Theo kế hoạch rút lui, Tiểu đoàn 3 Sói Biển của Thiếu tá Nguyễn Năng Bảo để nằm ở dãy Koroc để đón phe ta với sự yểm trợ của Tiểu đoàn 3 Pháo binh của Thiếu tá Trần Thiện Hiệu).
Tôi chưa kịp nói gì nhiều thì pháo địch đã tới tấp nổ trên đồi. Lính ở đâu ùn ùn kéo tới làm tôi cũng dạt theo. Chiến xa địch cũng bám sau lưng ta để tránh B.52 vì lúc đó bom nổ rất gần. Trời tối nên chẳng thấy đường, nhiều lúc ngã lăn, tôi bị trượt theo sườn đồi. Đến khi xuống tới đất bằng mới thấy toàn là rừng cây rậm rạp, cây nào cây nấy to cả người ôm. Lúc bấy giờ binh sĩ ta rất đông, cả hơn trăm người, tôi không nhận diện được đơn vị nào. Kẻ nói người la inh ỏi, người bảo đi hướng này, kẻ chỉ đi lối kia, không ai nghe ai cả. Thấy thế tôi la lớn lên:
– Tôi là Đại úy Trần Vệ, trưởng Ban 3 Tiểu đoàn 4 đây, tất cả hãy im lặng để nghe tôi nói.
Tất cả đều im, tôi dặn dò:
– Vì trời tối , tất cả hãy bám theo nhau mà đi, không được nói chuyện. Tuyệt đối giữ im lặng khi di chuyển, không được bắn bừa bãi. Ai có máy truyền tin lên đây đi bên cạnh tôi.
Hai ba người có máy truyền tin chạy lên , vừa lúc đó tôi nghe có tiếng nói bên cạnh:
– Chết rồi, tay Đại úy bị thương, đưa em băng cho.
Tôi vội nhìn lại bàn tay trái của mình mới biết mảnh đạn ở ngón áp út nên vội đưa tay cho anh lính y tá băng giúp . Có tiếng nổ phía sau, tôi ra lệnh đoàn quân di chuyển, nhưng không thấy ai nhúc nhích cả, có lẽ người đứng đầu không biết đi hướng nào và đi về đâu. Tôi đành lên dẫn đầu đoàn quân, dùng địa bàn định hướng đi về phía Koroc. Cứ thế chúng tôi lần bước trong đêm, lúc đó khoảng 9 giờ tối. Chúng tôi như đoàn quân ma, chập chờn im lặng lên đồi, vượt suối. Đi độ một tiếng đồng hồ, vừa lên đỉnh một ngọn đồi tôi bỗng nghe có tiếng xôn xao ở đồi bên phải. Tôi cho tất cả dừng lại bố trí cẩn thận, một người mang máy bò lại cạnh tôi:
– Đại úy, có người nói trong máy. Tôi cầm ống liên hợp thử lên giọng:
– Cọp Biển, Cọp Biển! Đây Rằn ri gọi…. Bỗng bên kia trả lời:
– Có phải Vẻ Vang đó không ?.
Tôi nhận ra tiếng của Trần Văn Hợp, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2 Trâu Điên, là bạn khóa 19 Đà Lạt nên vội lên tiếng:
– Hồng Hà, Hồng Hà ! Vẻ Vang đây, có phải mày đang ở bên cạnh tao không? Mày thử bắn một phát súng xem.
Một phát súng nổ ở đồi bên phải, cách tôi chừng một cây số. Tôi đáp nhận và 2 bên ước hẹn cùng đi về Koroc để tránh ngộ nhận nhau. Chúng tôi lại tiếp tục đi hết rừng cây lại đến rừng tranh. Đằng sau, tôi nghe B.52 nổ từng loạt một, tôi đoán đồi 55O đã thành bình địa. Chợt nghĩ tới Chính rỗ chắc giờ này đã tan thành mây khói mà lòng quặn đau. Tôi quên hẳn chính mình cũng đang mò mẫm trong rừng sâu, chưa biết phận mình sẽ ra sao nữa. Chúng tôi vừa băng qua một con suối thì có hai ba người lính bò lên gần tôi thì thầm:
– Đại úy, em thấy tụi nó cứ lò dò sau đuôi mình, chúng bám kỹ quá. Đại úy để tụi em dợt một cái.
Tôi suy nghĩ một chút rồi gật đầu:
– Ừ, tụi mày lấy độ 10 người ẩn nấp lại. Trên này sẽ lục tục đi cho chúng tưởng mình đi hết, diệt tụi nó xong nhớ dọt ngay nhé. Tao sẽ chờ ở cánh rừng trước mặt.
Một lát sau tôi nghe phía sau súng nổ dữ dội, có cả tiếng M.79, lựu đạn. Tôi vừa cho bố trí dừng lại xong thì nghe có tiếng thở hổn hển đằng sau:
– Đại úy, Đại uý! tụi em chơi tụi nó hết rồi. Thịt cũng được chục tên.
Tôi khen rồi cho lệnh tiếp tục đi, ở đầu máy tôi nghe tiếng Hợp:
– Vẻ Vang, Vẻ Vang! Mày bắn gì thế?.
Tôi vui vẻ trả lời:
– Hồng Hà yên tâm, tao vừa zu-lu thịt tụi nó xong. Đang zu-lu tiếp đây!.
Chúng tôi đi được một lúc lâu, nhìn đồng hồ đã 5 giờ sáng. Tôi ước lượng đi khoảng 3 cây số đường rừng nữa sẽ đến Koroc, vừa lúc đó tôi nghe tiếng “bục” trên không. Một cánh dù nhỏ, một trái sáng chiếu lơ lững và tôi cũng bắt được truyền tin của Tiểu đoàn 3 Sói Biển cho biết Tiểu đoàn 3 Pháo binh của Trung tá Trần Thiện Hiệu bắn soi sáng cho các đơn vị rút quân. Tôi thấy yên lòng và đốc thúc đoàn quân đi nhanh hơn. Đến 6 giờ rưỡi sáng thì chúng tôi đến chân núi Koroc, tôi cũng thấy lác đác những toán khác, mọi người trở lại với hàng ngũ của đơn vị mình. Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến sẽ cho trực thăng đến bốc chúng tôi về Khe Sanh. Tôi cho tập họp cứ 1O người một toán và ưu tiên cho những người bị thương. Độ nửa giờ sau máy bay đến, chuyến bốc đầu tiên an toàn nhưng qua đợt thứ hai thì địch bắt đầu pháo kích. Tình hình trở nên lộn xộn, cho nên hễ máy bay xuống là chạy ra ngay. Địch lại pháo 13O ly, chứng tỏ chúng đã bám sát ta rất kỹ. Tuy nhiên trước lằn đạn địch, máy bay cũng cố bốc cho hết binh sĩ. Có chuyến vừa đáp xuống là gặp pháo kích lại bay lên, binh sĩ chưa kịp vào lòng máy bay phải đeo càng trực thăng rất nguy hiểm. Gần đến chuyến chót tôi chạy ra vọt lên và bấy giờ mới cảm thấy nhức nhối ở bàn tay bị thương. Về đến Khe Sanh, toán Quân y lựa thương liền xin trực thăng tải thương cho tôi ra bệnh viện Quảng Trị ngay. Cũng tại Khe Sanh, tôi được biết đáng lẽ chúng tôi phải lội bộ về nhưng Đại tá Bùi Thế Lân, Tư lệnh phó kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn TQLC đã bắt buộc Bộ tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 1 phải cho máy bay bốc Lữ đoàn 147 về với bất cứ giá nào.
Trong thời gian chữa trị vết thương, tôi nghe đài phát thanh tổng kết thiệt hại đôi bên, mới biết đó là một cuộc thử lửa vô tiền khoáng hậu. Quân lực ta đã nhảy vào một khu trận địa sắp sẵn của địch, như một ổ kiến lửa thì làm sao không thiệt hại cho được. Tuy nhiên ta cũng đã phá vỡ biết bao kho tàng, đường dây giao liên của địch và khám phá chỗ dấu vũ khí, đạn dược, các ổ pháo của địch. Làm cho chúng phải mất khả năng tấn công miền Nam ít nhất một thời gian dài mới cũng cố lại được lực lượng chuyển tiếp vũ khí đạn dược.
Chiến sĩ ta bao gồm các lực lượng như Sư đoàn 1 Bộ binh, Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến đã hy sinh cho chiến trường Hạ Lào khá nhiều. Một số bỏ thây lại chiến trường làm người chiến sĩ vô danh, trong đó có Chính rỗ, người lính truyền tin hiền hòa và dũng cảm của tôi. Một số bị bắt trong lúc rút lui như Phạm Hiệp Sĩ và Hiển của Đại đội Viễn Thám mà sau này khi gặp lại nhau ở trại cải tạo Sơn La, chúng tôi đã ôm nhau khóc, khóc cho phận mình, cho binh chủng và cho đất nước. Số anh em bị bắt ở Hạ Lào đã nói với chúng tôi là trong thời gian bị giam cầm từ 71-76, haọ cứ hy vọng miền Nam sẽ chiến thắng. Họ không tin biến cố 75 mà cho là Cộng sản lừa bịp… cho đến khi gặp lại chúng tôi. Ngoài ra tôi còn gặp các chiến hữu đơn vị bạn như Đại tá Thọ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2 Dù bị bắt ở phía Bắc Tchépone. Cả Trần Ngọc Huế, Tôn Thất Mãn, Nguyễn Văn Thuế là các Tiểu đoàn trưởng gan lì của Sư đoàn 1 Bộ binh bị bắt ở Tchépone khi rút lui trên quốc lộ 9.
Tuy nhiên những người anh hùng đó cũng đã để lại một trang sử vẻ vang cho hậu thế và thế giới biết về sức mạnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa qua cuộc thử lửa mà chính Quân đội Hoa Kỳ phải đánh giá rất cao.
http://www.quehuongngaymai.com/forums/showthread.php?172687
https://dongsongcu.wordpress.com/2016/06/27/dem-ha-lao-dem-sao-dai-qua/