Chuyện tình tay ba
Les Fantômes d’Ismaël là một câu chuyện tình tay ba giữa một người đàn ông và hai người đàn bà. Ismaël là một đạo diễn đang hoàn tất một bộ phim. Anh sống với Sylvia nhưng luôn bị hình bóng người vợ cũ ám ảnh. Carlotta mất tích hơn 20 năm trước. Câu chuyện bắt đầu với cảnh Ismaël tạm rời xa thành phố, về ở ẩn vài ngày trong căn nhà ven biển để hoàn tất kịch bản, thì cô vợ cũ của anh trở về.
Tình cảnh éo le và khó xử đó được thể hiện qua trích đoạn sau đây : khi Sylvia báo cho Ismaël hay vợ cũ của anh đã trở về. Cô ấy đang đứng đợi ở dưới nhà. Sự xuất hiện đột ngột của Carlotta khiến Sylvia ngạt thở, và ở đây ống kính của Desplechin khiến ta liên tưởng đến bộ phim kinh điển của ông trùm ở thể loại suspens là Alfred Hitchcock.
Carlotta trở về, Ismaël sống giữa hai người đàn bà, một tưởng chừng đã thuộc về quá khứ, một của hiện tại. Quá khứ, hiện tại không còn biên giới. Ismaël bị giằng xé giữa hai mối tình đúng vào lúc anh cần gấp rút hoàn tất kịch bản.
Câu chuyện không chỉ đơn thuần là một mối tình tay ba cổ điển. Đây thực sự là nhiều câu chuyện được tác giả lồng vào làm một : Les Fantômes d’Ismaël có thể xếp vào thể loại trinh thám, khi nhân vật chính là Ismaël dựng phim về cậu em trai, một tên gián điệp làm việc cho bộ Ngoại Giao Pháp.
Chúng ta cũng có thể xem tác phẩm này như câu chuyện bí mật của Carlotta, nguời mà Ismaël yêu say đắm thủa trẻ. Một ngày kia Carlotta bỏ nhà ra đi, không để lại một vết tích. Câu chuyện thứ ba nói về nỗi khốn khổ của những người sáng tác khi cạn nguồn cảm hứng.
RFI : Tại sao giới phê bình lại không mấy hào hứng với bộ phim này, trong lúc mà tác giả, Arnaud Desplechin lại luôn được công chúng Cannes dành cho rất nhiều ưu ái ?
Thanh Hà: Trước hết phải nói qua về dàn diễn viên : nhân vật chính là Ismaël do nam diễn viên Mathieu Amalric thủ vai. Anh là diễn viên trung thành nhất với Desplechin, đã có sáu lần cộng tác với đạo diễn này. Hai vai nữ là Sylvia và Carlotta được dành cho hai nữ diễn viên rất nổi tiếng của điện ảnh Pháp là cô Charlotte Gainsbourg và Marion Cotillard. Nhìn chung, cả bộ ba này đã thể hiện các vai diễn của mình rất tốt.
Người xem cảm nhận được những đợt sóng ngầm trong ánh mắt của Sylvia, khi cô phải chia sẻ tình yêu với một phụ nữ khác. Carlotta, khi cảm thấy bắt đầu bước vào tuổi già, cô trở về lối cũ, mong tìm lại chính mình trong đôi mắt của người xưa. Còn Ismaël qua ống kính của Arnaud Desplechin nhận lấy một bài học quý giá đó là những bóng ma trong cuộc đời anh, không nhất thiết phải là những người đã khuất.
Thế nhưng bộ phim bị chê trên nhiều điểm : thứ nhất là đạo diễn Desplechin thiếu một sợi chỉ đỏ để Những bóng ma trong cuộc đời Ismaël có thể là một bộ phim trinh thám hấp dẫn. Thứ hai là, tuy tác phẩm này muốn khẳng định là một câu chuyện tình, là một bộ phim nói về lòng ghen tuông, sự tranh giành giữa hai người đàn bà để có được tình yêu, nhưng mạch phim như bị đứt quãng.
Desplechin dựng phim rất công phu, ông sử dụng một ngôn ngữ điện ảnh khá cầu kỳ, mượn rất nhiều điển tích trong văn học, chịu ảnh hưởng của các đạo diễn bậc thầy như Alfred Hitchcock, Ingmar Bergman và nhất là François Truffaut. Chỉ tiếc là tác phẩm của ông thiếu một chút hồn.
Les Fantômes d’Ismaël được soạn như một vở kịch, mà ở đó mỗi chương hoàn toàn có thể độc lập với phần còn lại của tác phẩm. Người xem có cảm giác đứng trước một tác phẩm không cân đối. Hay nói một cách khác, trong bộ phim này, Arnaud Desplechin đã quá tham lam, muốn kể một câu chuyện trong một câu chuyện, để rồi cuối cùng khán giả cảm thấy như bị đánh lừa.
RFI: Đạo diễn Arnaud Desplechin có vị trí như thế nào trong làng điện ảnh Pháp ?
Thanh Hà: Đây là lần thứ 6 ông được mời đến Cannes, 5 lần với tư cách đạo diễn và 1 lần với tư cách diễn viên. Desplechin đã hai lần được đề cử tranh Cành Cọ Vàng và trước đó thì ông đã gây nhiều chú ý ở hạng mục Un Certain Regard-Nhãn Quan Độc Đáo.
Được mệnh danh là “đứa con cưng” của Cannes, các nhà phê bình Pháp xem Desplechin là một trong những người kế thừa của trào lưu “Sóng mới-Nouvel Vague” của điện ảnh Pháp, mà một trong những gương mặt tiêu biểu nhất là đạo diễn Truffaut.
Một số các tờ báo uy tín của Paris trong lĩnh vực điện ảnh không ngần ngại xếp Desplechin vào danh sách những nhà làm phim nghệ thuật, mệnh danh ông là một “thiên tài ” mà mỗi tác phẩm mới đều được đón chờ. Nhưng trong mắt các nhà phê bình quốc tế, thì nhà làm phim này có khuynh hướng chỉ “nhì vào lỗ rốn của Paris” và dòng phim đó rất khó đến gần với công chúng ngoài phạm vi kinh đô ánh sáng !