Sức khỏe và đời sống
Đi Trung Quốc chữa ung thư : Coi chừng tiền mất, thiệt thân!
Sau hội thảo, không ít người đã tìm đến văn phòng BV Quảng Châu tại TP.HCM để đăng ký mà không biết rằng sự thật không phải là màu hồng.
Quảng cáo tại các phòng khám Trung Quốc hoành tráng nhưng thiếu thông tin. Trong ảnh: Một phòng khám Trung Quốc tại TP.HCM đã bị buộc ngừng hoạt động từ tháng 6.2012 do hoạt động quá chức năng cho phép. Ảnh: Thanh Hảo
|
Trắng tay, mất nhà sau chữa bệnh
Ngày 29.7.2012 là đúng 100 ngày mất của bà N.T.T., người trước đó đã điều trị ung thư phổi tại BV Quảng Châu. Tiếp xúc với chúng tôi, chị Lan – con dâu bà T., ngụ tại quận 11 (TP.HCM) kể: “Gia đình tôi là dân lao động, kiếm sống vất vả. Chồng tôi là con trai một và rất hiếu thảo, nên khi biết mẹ bị ung thư, anh ấy tức tốc đưa bà đi nhiều bệnh viện. Tại các bệnh viện trong nước, bác sĩ nói do bệnh nhân lớn tuổi và khối u di căn nhiều nơi, nên không thể phẫu thuật, chỉ còn cách hoá trị và xạ trị. Về nhà, đọc báo thấy quảng cáo bên Trung Quốc có bệnh viện chữa khỏi ung thư bằng phương pháp rất mới, chồng tôi quyết định đưa mẹ sang đó”.
Khỏi bệnh đâu không thấy, chỉ thấy sau khi tốn hơn 400 triệu đồng cho điều trị và ăn ở tại nước ngoài, về nước gần một tuần thì bà T. qua đời. Chị Lan nói giọng buồn: “Nếu biết vậy, chúng tôi đã để mẹ ở lại trong nước chữa, không tốn kém bao nhiêu vì bà có bảo hiểm y tế. Giờ thì vợ chồng tôi không biết xoay xở ra sao để trả hết số nợ đã vay mượn”.
Cũng vì tin vào những phương pháp điều trị mà BV Quảng Châu hứa hẹn, nên ông Thành, ngụ tại quận 9 (TP.HCM) đã đưa vợ đi chữa bệnh. Ông kể: “Bà nhà tôi đi tiêu ra máu lâu ngày, đi khám bệnh mới biết bị ung thư ruột, di căn sang buồng trứng. Có người quen nói ở Trung Quốc có phương pháp trị ung thư không cần mổ xẻ gì, chỉ cần cấy hạt phóng xạ là tự khắc khỏi bệnh, nên tôi gom góp hết tiền bạc dành dụm, đầu năm nay đưa vợ đi chữa. Về nước vài tháng đầu, vợ tôi lên cân và thấy khoẻ thật, thế nhưng, sau đó lại xấu đi. Liên lạc bên Trung Quốc, người ta nói phải đưa qua kiểm tra lại. Lần này, tôi phải vay mượn tiền, nhưng sau khi qua lần thứ hai và trở về nửa tháng, vợ tôi đã qua đời”.
Bệnh nhân cần tìm hiểu đầy đủ thông tin
Theo bác sĩ Phạm Xuân Dũng, để tránh bị thiệt hại, trước khi đồng ý cho bác sĩ điều trị, bệnh nhân cần tìm hiểu xem phương pháp điều trị đó hiệu quả ra sao, lợi ích, bất lợi, tác dụng phụ, giá bao nhiêu. Bệnh nhân cũng nên tìm hiểu phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi chưa và được tổ chức uy tín nào thế giới công nhận. Ông nói: “Có nhiều ca đặt hạt phóng xạ xong bị lở loét lâu ngày và không lành. Bệnh nhân nghe không mổ thì rất thích, nhưng nào biết rằng phương pháp này vẫn còn tranh cãi”. |
“Chi phí chạy chữa hết bao nhiêu?”, tôi hỏi. Ông Thành nói: “Khoảng 600 triệu đồng. Tôi đang tính bán nhà để trả nợ, vì càng để lâu, lãi vay càng nhiều, tôi không kham nổi”.
Quảng cáo hoành tráng, nhưng thiếu thông tin
Trong vai người cần tìm hiểu thông tin vì có người nhà đang bị bệnh, tôi tìm đến văn phòng đại diện BV Quảng Châu ở TP.HCM. Tại đây, thông qua phiên dịch, một bác sĩ cho biết ở BV này đang áp dụng những phương pháp chữa ung thư hiện đại, siêu việt và dẫn đầu toàn cầu (!?) Nhưng khi nghe tôi hỏi hiệu quả chữa trị của những kỹ thuật này, bác sĩ lảng sang chuyện khác và đề nghị tôi đưa người nhà đi chữa càng sớm càng tốt.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết thật sự những kỹ thuật mà BV Quảng Châu quảng cáo như: cấy hạt phóng xạ, thắt nút động mạch, dao Ar-He, đốt cao tần... đã được áp dụng để chữa ung thư, thế nhưng, không phải kỹ thuật nào cũng được áp dụng rộng rãi và nhận được sự đồng thuận của giới chuyên môn. Ông nói: “Trước đây, người ta thừa nhận ba cột trụ chính để chữa ung thư là: phẫu trị, hoá trị, xạ trị, sau này bổ sung thêm liệu pháp nội tiết và liệu pháp nhắm trúng đích. Những cách còn lại mới được thử nghiệm ở vài trung tâm trên thế giới và còn tranh cãi về hiệu quả. Khi quảng cáo, người ta không nói rõ thông tin cho bệnh nhân biết về chỉ định giai đoạn điều trị, hiệu quả, tác dụng phụ, mà chỉ nói chung chung. Nếu những kỹ thuật mới thật sự tốt, có lẽ người ta đã dẹp bỏ những kỹ thuật cổ điển rồi”.
Một bác sĩ chuyên ngành ung thư, cho biết thời gian qua, ông gặp không ít bệnh nhân sang Trung Quốc chữa ung thư, nhưng sau khi tốn bộn tiền, chữa trị đều thất bại. Ông nói: “Người ta quảng cáo những kỹ thuật chữa ung thư tiên tiến nhằm đánh vào tâm lý bệnh nhân muốn chữa nhanh, sợ mổ xẻ và đau đớn. Thực tế, phần lớn người sang Trung Quốc chữa ung thư chỉ nhằm níu kéo hy vọng sau cùng, bởi họ đã ở giai đoạn trễ, hoặc chữa trong nước thất bại. Nhưng điều cần biết là các kỹ thuật tiên tiến thường chỉ hiệu quả cho khối u nhỏ và chưa tiến xa, vì thế, đi Trung Quốc chỉ mất tiền, thiệt thân. Đối với trường hợp phát hiện bệnh sớm, nếu có điều kiện, bệnh nhân thường đi Mỹ, Singapore chữa chứ không ai đi Trung Quốc làm gì”.
Phan Sơn
Đi Trung Quốc chữa ung thư : Coi chừng tiền mất, thiệt thân!
Sau hội thảo, không ít người đã tìm đến văn phòng BV Quảng Châu tại TP.HCM để đăng ký mà không biết rằng sự thật không phải là màu hồng.
Quảng cáo tại các phòng khám Trung Quốc hoành tráng nhưng thiếu thông tin. Trong ảnh: Một phòng khám Trung Quốc tại TP.HCM đã bị buộc ngừng hoạt động từ tháng 6.2012 do hoạt động quá chức năng cho phép. Ảnh: Thanh Hảo
|
Trắng tay, mất nhà sau chữa bệnh
Ngày 29.7.2012 là đúng 100 ngày mất của bà N.T.T., người trước đó đã điều trị ung thư phổi tại BV Quảng Châu. Tiếp xúc với chúng tôi, chị Lan – con dâu bà T., ngụ tại quận 11 (TP.HCM) kể: “Gia đình tôi là dân lao động, kiếm sống vất vả. Chồng tôi là con trai một và rất hiếu thảo, nên khi biết mẹ bị ung thư, anh ấy tức tốc đưa bà đi nhiều bệnh viện. Tại các bệnh viện trong nước, bác sĩ nói do bệnh nhân lớn tuổi và khối u di căn nhiều nơi, nên không thể phẫu thuật, chỉ còn cách hoá trị và xạ trị. Về nhà, đọc báo thấy quảng cáo bên Trung Quốc có bệnh viện chữa khỏi ung thư bằng phương pháp rất mới, chồng tôi quyết định đưa mẹ sang đó”.
Khỏi bệnh đâu không thấy, chỉ thấy sau khi tốn hơn 400 triệu đồng cho điều trị và ăn ở tại nước ngoài, về nước gần một tuần thì bà T. qua đời. Chị Lan nói giọng buồn: “Nếu biết vậy, chúng tôi đã để mẹ ở lại trong nước chữa, không tốn kém bao nhiêu vì bà có bảo hiểm y tế. Giờ thì vợ chồng tôi không biết xoay xở ra sao để trả hết số nợ đã vay mượn”.
Cũng vì tin vào những phương pháp điều trị mà BV Quảng Châu hứa hẹn, nên ông Thành, ngụ tại quận 9 (TP.HCM) đã đưa vợ đi chữa bệnh. Ông kể: “Bà nhà tôi đi tiêu ra máu lâu ngày, đi khám bệnh mới biết bị ung thư ruột, di căn sang buồng trứng. Có người quen nói ở Trung Quốc có phương pháp trị ung thư không cần mổ xẻ gì, chỉ cần cấy hạt phóng xạ là tự khắc khỏi bệnh, nên tôi gom góp hết tiền bạc dành dụm, đầu năm nay đưa vợ đi chữa. Về nước vài tháng đầu, vợ tôi lên cân và thấy khoẻ thật, thế nhưng, sau đó lại xấu đi. Liên lạc bên Trung Quốc, người ta nói phải đưa qua kiểm tra lại. Lần này, tôi phải vay mượn tiền, nhưng sau khi qua lần thứ hai và trở về nửa tháng, vợ tôi đã qua đời”.
Bệnh nhân cần tìm hiểu đầy đủ thông tin
Theo bác sĩ Phạm Xuân Dũng, để tránh bị thiệt hại, trước khi đồng ý cho bác sĩ điều trị, bệnh nhân cần tìm hiểu xem phương pháp điều trị đó hiệu quả ra sao, lợi ích, bất lợi, tác dụng phụ, giá bao nhiêu. Bệnh nhân cũng nên tìm hiểu phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi chưa và được tổ chức uy tín nào thế giới công nhận. Ông nói: “Có nhiều ca đặt hạt phóng xạ xong bị lở loét lâu ngày và không lành. Bệnh nhân nghe không mổ thì rất thích, nhưng nào biết rằng phương pháp này vẫn còn tranh cãi”. |
“Chi phí chạy chữa hết bao nhiêu?”, tôi hỏi. Ông Thành nói: “Khoảng 600 triệu đồng. Tôi đang tính bán nhà để trả nợ, vì càng để lâu, lãi vay càng nhiều, tôi không kham nổi”.
Quảng cáo hoành tráng, nhưng thiếu thông tin
Trong vai người cần tìm hiểu thông tin vì có người nhà đang bị bệnh, tôi tìm đến văn phòng đại diện BV Quảng Châu ở TP.HCM. Tại đây, thông qua phiên dịch, một bác sĩ cho biết ở BV này đang áp dụng những phương pháp chữa ung thư hiện đại, siêu việt và dẫn đầu toàn cầu (!?) Nhưng khi nghe tôi hỏi hiệu quả chữa trị của những kỹ thuật này, bác sĩ lảng sang chuyện khác và đề nghị tôi đưa người nhà đi chữa càng sớm càng tốt.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết thật sự những kỹ thuật mà BV Quảng Châu quảng cáo như: cấy hạt phóng xạ, thắt nút động mạch, dao Ar-He, đốt cao tần... đã được áp dụng để chữa ung thư, thế nhưng, không phải kỹ thuật nào cũng được áp dụng rộng rãi và nhận được sự đồng thuận của giới chuyên môn. Ông nói: “Trước đây, người ta thừa nhận ba cột trụ chính để chữa ung thư là: phẫu trị, hoá trị, xạ trị, sau này bổ sung thêm liệu pháp nội tiết và liệu pháp nhắm trúng đích. Những cách còn lại mới được thử nghiệm ở vài trung tâm trên thế giới và còn tranh cãi về hiệu quả. Khi quảng cáo, người ta không nói rõ thông tin cho bệnh nhân biết về chỉ định giai đoạn điều trị, hiệu quả, tác dụng phụ, mà chỉ nói chung chung. Nếu những kỹ thuật mới thật sự tốt, có lẽ người ta đã dẹp bỏ những kỹ thuật cổ điển rồi”.
Một bác sĩ chuyên ngành ung thư, cho biết thời gian qua, ông gặp không ít bệnh nhân sang Trung Quốc chữa ung thư, nhưng sau khi tốn bộn tiền, chữa trị đều thất bại. Ông nói: “Người ta quảng cáo những kỹ thuật chữa ung thư tiên tiến nhằm đánh vào tâm lý bệnh nhân muốn chữa nhanh, sợ mổ xẻ và đau đớn. Thực tế, phần lớn người sang Trung Quốc chữa ung thư chỉ nhằm níu kéo hy vọng sau cùng, bởi họ đã ở giai đoạn trễ, hoặc chữa trong nước thất bại. Nhưng điều cần biết là các kỹ thuật tiên tiến thường chỉ hiệu quả cho khối u nhỏ và chưa tiến xa, vì thế, đi Trung Quốc chỉ mất tiền, thiệt thân. Đối với trường hợp phát hiện bệnh sớm, nếu có điều kiện, bệnh nhân thường đi Mỹ, Singapore chữa chứ không ai đi Trung Quốc làm gì”.
Phan Sơn