Thân Hữu Tiếp Tay...
Đợi chờ Godot
T/S Alan Phan
Tôi nhớ năm đầu của đại học, trong môn Nghệ Thuật 101, tôi phải xem một vở kich của Samuel Beckett tựa đề là Waiting for Godot. Tóm lược của kịch bản là hai anh lãng tử dưới gốc cây xồi trọc lá, nói chuyện và tranh luận về đủ mọi đề tài trong khi đợi một người tên là Godot mà họ có hẹn.
Vài nhân vật khác cũng đi ngang chỗ đợi, tương tác cùng hai nhân vật chính, rất phức tạp và mâu thuẫn như trong một giấc mơ. Cuối cùng, Godot không bao giờ xuất hiện, vì có lẽ ông chỉ là một nhân vật tưởng tượng của hai anh lãng tử trên.
Vở kịch bắt đầu khoảng 10 phút là tôi quay ra ngủ ngon lành. Chuyện vớ vẩn của 2 anh “khùng” không liên quan gì đời sống hay cảm xúc của tôi. Ngược lại, con bé đi “date” cùng, có một mùi nước hoa nhè nhẹ như hoa lài cộng hưởng với mùi con gái vừa lớn. Cho nên khi đó, Godot thực đang ngồi cạnh tôi, đẹp tuyệt vời và những lời lảm nhảm trên sân khấu chỉ làm tôi khó chịu.
Ba năm sau, tôi tình cờ coi lại vở kịch. Hôm đó, tôi vừa thất tình, vừa bị cảm cúm, mệt ngất ngư nhưng không muốn nằm trên giường than thân trách phận. Lần này tôi có chút đồng cảm hơn với 2 chàng lãng tử. Họ loay hoay trong những hành động vô nghĩa và vớ vẩn vì chung quanh họ, từ môi trường đến những con người giao thoa đều thể hiện cái “hư không” trong nội tại của mình. Chúng ta ăn uống, suy nghĩ, đàm thoại, yêu ghét, làm việc, lo lắng…vì đây là những kỹ năng xã hội đã huấn luyện và trao trách cho chúng ta. Trong khi đó, chúng ta vẫn cứ hy vọng là Godot sẽ đến và sẽ đem một vài ý nghĩa gì đó cho cuộc sống. Dĩ nhiên, Godot (theo suy diễn là God hoặc idiot?) không bao giờ xuất hiện.
Beckett là một tác giả thuộc trường phái hiện sinh (existentialism). Cùng với Camus, Sartre, Kafka, Dostoyevsky,…các ông này luôn luôn ngồi trên tháp ngà của trí thức để suy ngẫm về những “phù du, ảo tưởng” của kiếp người. Những ngày cón là sinh viên, sách của các ông là gối đầu giường của tôi. Vả lại, những suy tưởng và túi khôn của các ông giúp anh sinh viên trẻ “làm dáng trí thức” và chiêu thức “cuộc sống vô nghĩa” cũng lôi kéo được khá nhiều bạn nữ lên giường.
Ra trường đời, tôi phải tạm quên các ông. Phải lao đầu vào việc mưu sinh để kiếm tiền nuôi vợ con, phải loay hoay bò mỗi ngày quanh miệng chén vì nợ nần ngập đầu không buông tay được. Khi khôn ra, lòng tham lại nặng hơn ý chí tự do; nhất là cảm nhận luôn bất an nhìn về tương lai khi sức khỏe và may mắn không còn. Thấm thía những bài học thời trẻ từ các ông, nhưng cuộc đời vẫn là một bẫy sập không ra được. Và cũng trong những loay hoay đó, tôi bắt đầu chờ Godot.
Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng tìm niêm vui nhỏ nhặt mỗi ngày qua những trải nghiệm thần kỳ. Năm giác quan của tôi luôn được bung căng rồì thả lỏng, tâm hồn tôi được thử thách hàng ngày với những xấu xa tồi tệ của môi trường, nhưng sau đó lại được ôm ấp tận hưởng những giây phút thăng hoa của thiên nhiên và con người. Tôi cố quên đống rác bên đường, dù rất khó khăn, để chăm chú vào hàng phượng vĩ đang che bóng mát. Tôi bằng lòng và an phận với mâu thuẫn này.
Gần đây tôi hay về lại quê hương. Cái thân phận nhỏ bé và hèn kém của con người trong cái hư ảo của thế tục thể hiện rõ ràng hơn nơi đây. Dù muốn né trành, tôi bắt buộc phải suy ngẫm về những thứ lăng nhăng nhưng thực ra là cốt lõi của sự sống. Chúng ta có tạo được tương lai hay định mệnh đã an bài? Tại sao đêm đen cứ bao trùm một khu vực mà Ơn Trên đã ban cho một môi trường thiên nhiên vô cùng phong phú? Tại sao con người nơi đây rất mực thông minh mà bị “trù úm” liên tục bởi những thế lực ma quỷ?
Có lẽ rất nhiều người Việt đang mòn mỏi đợi chờ Godot? Trong cái hy vọng pha chút tuyệt vọng đó, bao nhiêu người đã tự hủy hoại bằng những cơn say xỉn mỗi đêm và những việc làm vô cảm mỗi ngày? Thế nhưng nhìn ở một góc cạnh khác, cái “hiện sinh” đau đớn trong môi trường sống này có thể tạo cho chúng ta những phản ứng, dù khác nhau nhưng luôn là một tầm gương soi lại bản ngã cùa chính mình.
Muốn thoát ra khỏi bẫy sập, nhiều bạn đã chọn lựa bỏ đi thật xa, mong tìm một thanh bình riêng biệt ở một góc trời lạ nào. Như con thú bỏ rừng để an phận sống trong một chuồng thú nhàn hạ? Nhiều bạn chọn sự phấn đấu, bằng cách chống lại hệ thống quyền lực dưới mọi hình thức nhưng có lẽ cũng không đem đến một kết quả gì như ý muốn. Khi đã bị lôi kéo vào cuộc tranh giành quyền lực thì các bạn cũng phải biến thể mình thành một loại thú rừng đủ răng nanh và móng nhọn để sinh tồn. Nhiều bạn thưc tế hơn, người Mỹ nói là “if you cannot fight them, join them” (không đấu nổi phe địch thì gia nhập họ vậy). Họ sẵn sàng “thượng đội hạ đạp” để tìm một chút cơm thừa cho mình và gia đình. Nhiều bạn khác thì chọn sự tự tử chậm…kết thúc đời mình bằng những ngày đêm trác táng và phá phách vô nghĩa.
Bất cứ lựa chọn nào cũng là một thảm kịch cho nội tâm những người còn cảm xúc trăn trở sống nơi đây. Nhất là các bạn trẻ. Tôi cũng vậy. Nhưng tôi may mắn hơn là vở kịch tôi diễn sắp hạ màn; Godot đã không đến như hẹn và tôi còn phải lên đường đi tìm vai diễn ở một vở kịch khác.
Tôi thầm nghĩ nếu Beckett sống ở Việt Nam vào thời này, chắc ông đã viết được một tác phẩm khác hay hơn. Và một kết cuộc “có hậu” như một phép lạ nào đó sẽ đem Godot đến với 90 triệu dân Việt?
Alan Phan
( Phát Đỗ chuyển )
Đợi chờ Godot
T/S Alan Phan
Tôi nhớ năm đầu của đại học, trong môn Nghệ Thuật 101, tôi phải xem một vở kich của Samuel Beckett tựa đề là Waiting for Godot. Tóm lược của kịch bản là hai anh lãng tử dưới gốc cây xồi trọc lá, nói chuyện và tranh luận về đủ mọi đề tài trong khi đợi một người tên là Godot mà họ có hẹn.
Vài nhân vật khác cũng đi ngang chỗ đợi, tương tác cùng hai nhân vật chính, rất phức tạp và mâu thuẫn như trong một giấc mơ. Cuối cùng, Godot không bao giờ xuất hiện, vì có lẽ ông chỉ là một nhân vật tưởng tượng của hai anh lãng tử trên.
Vở kịch bắt đầu khoảng 10 phút là tôi quay ra ngủ ngon lành. Chuyện vớ vẩn của 2 anh “khùng” không liên quan gì đời sống hay cảm xúc của tôi. Ngược lại, con bé đi “date” cùng, có một mùi nước hoa nhè nhẹ như hoa lài cộng hưởng với mùi con gái vừa lớn. Cho nên khi đó, Godot thực đang ngồi cạnh tôi, đẹp tuyệt vời và những lời lảm nhảm trên sân khấu chỉ làm tôi khó chịu.
Ba năm sau, tôi tình cờ coi lại vở kịch. Hôm đó, tôi vừa thất tình, vừa bị cảm cúm, mệt ngất ngư nhưng không muốn nằm trên giường than thân trách phận. Lần này tôi có chút đồng cảm hơn với 2 chàng lãng tử. Họ loay hoay trong những hành động vô nghĩa và vớ vẩn vì chung quanh họ, từ môi trường đến những con người giao thoa đều thể hiện cái “hư không” trong nội tại của mình. Chúng ta ăn uống, suy nghĩ, đàm thoại, yêu ghét, làm việc, lo lắng…vì đây là những kỹ năng xã hội đã huấn luyện và trao trách cho chúng ta. Trong khi đó, chúng ta vẫn cứ hy vọng là Godot sẽ đến và sẽ đem một vài ý nghĩa gì đó cho cuộc sống. Dĩ nhiên, Godot (theo suy diễn là God hoặc idiot?) không bao giờ xuất hiện.
Beckett là một tác giả thuộc trường phái hiện sinh (existentialism). Cùng với Camus, Sartre, Kafka, Dostoyevsky,…các ông này luôn luôn ngồi trên tháp ngà của trí thức để suy ngẫm về những “phù du, ảo tưởng” của kiếp người. Những ngày cón là sinh viên, sách của các ông là gối đầu giường của tôi. Vả lại, những suy tưởng và túi khôn của các ông giúp anh sinh viên trẻ “làm dáng trí thức” và chiêu thức “cuộc sống vô nghĩa” cũng lôi kéo được khá nhiều bạn nữ lên giường.
Ra trường đời, tôi phải tạm quên các ông. Phải lao đầu vào việc mưu sinh để kiếm tiền nuôi vợ con, phải loay hoay bò mỗi ngày quanh miệng chén vì nợ nần ngập đầu không buông tay được. Khi khôn ra, lòng tham lại nặng hơn ý chí tự do; nhất là cảm nhận luôn bất an nhìn về tương lai khi sức khỏe và may mắn không còn. Thấm thía những bài học thời trẻ từ các ông, nhưng cuộc đời vẫn là một bẫy sập không ra được. Và cũng trong những loay hoay đó, tôi bắt đầu chờ Godot.
Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng tìm niêm vui nhỏ nhặt mỗi ngày qua những trải nghiệm thần kỳ. Năm giác quan của tôi luôn được bung căng rồì thả lỏng, tâm hồn tôi được thử thách hàng ngày với những xấu xa tồi tệ của môi trường, nhưng sau đó lại được ôm ấp tận hưởng những giây phút thăng hoa của thiên nhiên và con người. Tôi cố quên đống rác bên đường, dù rất khó khăn, để chăm chú vào hàng phượng vĩ đang che bóng mát. Tôi bằng lòng và an phận với mâu thuẫn này.
Gần đây tôi hay về lại quê hương. Cái thân phận nhỏ bé và hèn kém của con người trong cái hư ảo của thế tục thể hiện rõ ràng hơn nơi đây. Dù muốn né trành, tôi bắt buộc phải suy ngẫm về những thứ lăng nhăng nhưng thực ra là cốt lõi của sự sống. Chúng ta có tạo được tương lai hay định mệnh đã an bài? Tại sao đêm đen cứ bao trùm một khu vực mà Ơn Trên đã ban cho một môi trường thiên nhiên vô cùng phong phú? Tại sao con người nơi đây rất mực thông minh mà bị “trù úm” liên tục bởi những thế lực ma quỷ?
Có lẽ rất nhiều người Việt đang mòn mỏi đợi chờ Godot? Trong cái hy vọng pha chút tuyệt vọng đó, bao nhiêu người đã tự hủy hoại bằng những cơn say xỉn mỗi đêm và những việc làm vô cảm mỗi ngày? Thế nhưng nhìn ở một góc cạnh khác, cái “hiện sinh” đau đớn trong môi trường sống này có thể tạo cho chúng ta những phản ứng, dù khác nhau nhưng luôn là một tầm gương soi lại bản ngã cùa chính mình.
Muốn thoát ra khỏi bẫy sập, nhiều bạn đã chọn lựa bỏ đi thật xa, mong tìm một thanh bình riêng biệt ở một góc trời lạ nào. Như con thú bỏ rừng để an phận sống trong một chuồng thú nhàn hạ? Nhiều bạn chọn sự phấn đấu, bằng cách chống lại hệ thống quyền lực dưới mọi hình thức nhưng có lẽ cũng không đem đến một kết quả gì như ý muốn. Khi đã bị lôi kéo vào cuộc tranh giành quyền lực thì các bạn cũng phải biến thể mình thành một loại thú rừng đủ răng nanh và móng nhọn để sinh tồn. Nhiều bạn thưc tế hơn, người Mỹ nói là “if you cannot fight them, join them” (không đấu nổi phe địch thì gia nhập họ vậy). Họ sẵn sàng “thượng đội hạ đạp” để tìm một chút cơm thừa cho mình và gia đình. Nhiều bạn khác thì chọn sự tự tử chậm…kết thúc đời mình bằng những ngày đêm trác táng và phá phách vô nghĩa.
Bất cứ lựa chọn nào cũng là một thảm kịch cho nội tâm những người còn cảm xúc trăn trở sống nơi đây. Nhất là các bạn trẻ. Tôi cũng vậy. Nhưng tôi may mắn hơn là vở kịch tôi diễn sắp hạ màn; Godot đã không đến như hẹn và tôi còn phải lên đường đi tìm vai diễn ở một vở kịch khác.
Tôi thầm nghĩ nếu Beckett sống ở Việt Nam vào thời này, chắc ông đã viết được một tác phẩm khác hay hơn. Và một kết cuộc “có hậu” như một phép lạ nào đó sẽ đem Godot đến với 90 triệu dân Việt?
Alan Phan
( Phát Đỗ chuyển )