Nổi bật nhất trong các thông báo là lời xác nhận vào hôm qua 20/04 của phó tổng thống Mike Pence tại Jakarta theo đó tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Philippines tham dự hội nghị thường niên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng 11/2017.
Vào thời điểm tháng 11, tổng thống Mỹ cũng sẽ ghé Việt Nam tham dự Thượng Đỉnh Diễn Đàn Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương APEC. Và hôm nay, 21/04, Việt Nam chính thức xác nhận việc thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm Mỹ theo lời mời của tổng thống Trump.
Các thông tin nói trên có thể khiến cho nhiều quốc gia Đông Nam Á phần nào nhẹ nhõm, đặc biệt là các nước đang mong muốn được Mỹ hỗ trợ để kháng lại sức ép kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Trong số này có thể kể đến Việt Nam, Malaysia, và cả Philippines, đang có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong thời gian gần đây, đã xuất hiện tâm lý quan ngại rằng vùng Đông Nam Á có thể bị chính quyền Donald Trump lơ là trong bối cảnh Washington đang lộ rõ ưu tiên chống khủng bố ở vùng Cận Đông, quan tâm trở lại đến các đồng minh truyền thống ở châu Âu, và tìm kế sách chống lại mối đe dọa tên lửa, hạt nhân đến từ Bắc Triều Tiên.
Chính trong bối cảnh lo âu đó mà theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã đi thăm Mỹ trong tuần này, và hôm qua, đã có buổi tiếp xúc với đồng nhiệm Mỹ Rex Tillerson. Nhân dịp này, bộ Ngoại Giao Mỹ cũng loan báo sự kiện một hội nghị cấp ngoại trưởng giữa Mỹ và 10 nước ASEAN sẽ mở ra ngày 04/05 tới đây tại Washington để bàn về nhiều hồ sơ, trong đó có vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.
Trước mắt, ông Pence đã tranh thủ chuyến thăm Indonesia để trấn an các nước Đông Nam Á về quyết tâm tiếp tục dấn thân của Mỹ vào khu vực. Chỉ riêng chuyến thăm này đã là một tín hiệu theo chiều hướng đó vì phó tổng thống Mỹ là lãnh đạo cao cấp Mỹ đầu tiên đến thăm một nước Đông Nam Á từ ngày ông Donald Trump nhậm chức.
Tại thủ đô Jakarta, ông Pence đã khẳng định rằng Hoa Kỳ « đang có các bước đi nhằm củng cố quan hệ đối tác với ASEAN và làm sâu sắc thêm tình hữu nghị giữa hai bên ». Theo phó tổng thống Mỹ, Washington quyết tâm tăng cường quan hệ kinh tế và hợp tác an ninh trong việc chiến đấu với khủng bố và vấn đề Biển Đông.
Thông điệp trấn an của ông Pence tại Jakarta đã được ông Patrick Murphy, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Nam Á nối tiếp tại Washington, khi nhân vật này xác định rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Đây là những chiến dịch đã được chính quyền Obama tiến hành định kỳ trước đây, nhưng chưa thấy chính quyền Trump khởi động trở lại.
Việc trấn an các nước Đông Nam Á trên vấn đề Biển Đông đang trở nên cần thiết vào lúc mà chính sách Trung Quốc chưa rõ ràng của tổng thống Trump đã làm dấy lên câu hỏi: Liệu ông có bỏ rơi các cam kết dấn thân của Mỹ ở Biển Đông để tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong hồ sơ Triều Tiên hay không ?
Bà Amy Searight, chuyên gia châu Á, một cựu quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ, đã tóm tắt như sau : « Khu vực này rất muốn biết Mỹ sẽ có lập trường như thế nào về Biển Đông, và rộng hơn là cách tiếp cận Trung Quốc của Mỹ sẽ như thế nào ».