Cuộc chơi lớn mới đây nhất tại Bắc Kinh, diễn ra với sự chứng kiến của Tổng thống Obama là trận đội Brooklyn Nets gặp Sacramento Kings.
Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA rất được hâm mộ tại Bắc Kinh. So về mức độ yêu mến và hâm mộ thì khó có môn nào cạnh tranh được với nó.
Đội vũ công cổ động mặc áo kiểu bikini lấp lánh trang kim, các em bé mang biểu tượng may mắn cho các đội, đám đông cuồng nhiệt và những màn hình cỡ lớn. Ở đây có cả một thế hệ đang chạy theo thể thao Mỹ, phim ảnh Hollywood và món xúc xích.
Vậy thực sự thì những khán giả đầy đam mê này thích gì ở nước Mỹ?
"Các ngôi sao. Kobe Bryant. Kevin Durant. LeBron James."
"Michael Jackson, Vanilla Ice, MC Hammer!"
"Âm nhạc, phim ảnh, Hollywood, thể thao, đồ ăn."
Hồi 35 năm trước, Trung Quốc phục hồi quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, một phần trong hành trình từ chỗ bị cô lập trở lại hòa nhập với kinh tế toàn cầu.
Washington tin rằng sau hàng chục năm tiếp cận với giấc mơ Mỹ, Trung Quốc sẽ học hỏi được những giá trị cốt lõi từ đó, trong đó ít nhiều có cả vấn đề tự do ngôn luận và dân chủ.
Nhưng cho tới nay thì Trung Quốc mới chỉ đón nhận thể thao và các lĩnh vực giải trí và bỏ qua các giá trị khác.
Vào chiều Chủ Nhật, tại một trung tâm thương mại chuyên bán trà ở tây Bắc Kinh, tôi thấy một nhóm bé gái bảy tuổi mặc váy lụa sặc sỡ gảy đàn tranh. Nhiều người trong số khán giả cũng mặc trang phục truyền thống.
Hiệp hội Trang phục Hán họp mặt hàng tuần nhằm bảo tồn thứ di sản mà các thành viên tin rằng còn phong phú hơn bất kỳ điều gì Hollywood có thể nghĩ ra.
Rực rỡ trong bộ áo choàng đỏ được thêu công phu, ông Lưu Bảo Khôn nói những nhóm họp mặt như thế này đang tạo đà phát triển cho phong trào trên cả nước.
"Thế giới thì đang phát triển cực kỳ nhanh chóng và Đảng (Cộng sản Trung Quốc) đang nói tới chuyện xây dựng một xã hội hài hòa", ông nói.
"Văn hóa Trung Quốc có bề dày hàng ngàn năm, được tổ tiên truyền lại và nay vẫn ở tâm điểm cuộc sống của chúng tôi. Quảng bá nền văn hóa này là mục tiêu của Đảng và là mục tiêu mà nhân dân Trung Quốc chúng tôi đồng cảm, chia sẻ."
Dự một buổi ngâm thơ Đường khiến người nghe nhớ lại thời Hoàng Kim của Trung Quốc, vào thế kỷ 8, thật hài hòa với nội dung dòng chữ phía trên.
Khẩu hiệu của Chủ tịch Tập là trẻ hóa dân tộc Trung Quốc, bao gồm cả văn hóa, chính trị, thơ ca và giảm thói gia trưởng.
Giáo sư Vương Nghĩa Nguy từ Đại học Nhân dân Trung Quốc, chuyên về Nghiên cứu Quốc tế, cảnh báo rằng Trung Quốc của Chủ tịch Tập đang thách thức quan điểm cổ hủ của Hoa Kỳ về thế giới.
"Chúng tôi nay mơ về giấc mơ Trung Hoa. Trước đây, mọi người đều mơ giấc mơ Mỹ, Hoa Kỳ là một đất nước được xây dựng trên chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ, với ý tưởng cho rằng người Mỹ đã được Chúa chọn, không ai sánh được."
"Nhưng nay, xin lỗi nhé, người Mỹ chỉ về nhì, sau Trung Quốc. Mỹ có chấp nhận được chuyện đó không? Điều đó có định hình lại tính cách và tâm lý ưu việt hơn người của họ không?"
Nhiều điểm tương đồng
Tại kỳ họp thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Trung Quốc, Tổng thống Obama cho thấy ông sẵn sàng thử mặc đồ khác với những gì ông thường dùng.Truyền thống tại các kỳ họp APEC là những người tham dự mặc trang phục dân tộc của nước chủ nhà, và Tổng thống Obama đã mặc chiếc áo lụa cao cổ kiểu Mao một cách trang nhã. Ông cũng tỏ ra vui vẻ khi xem pháo bông và màn trình diễn múa trống.
Trên thực tế thì Trung Quốc và Hoa Kỳ có rất nhiều điểm chung. Cả hai đều là những quốc gia tin rằng mình có số phận đặc biệt và coi nền văn hóa của mình là món quà đặc biệt dành cho nhân loại.
Cả hai đều là các cường quốc rộng lớn, một đang dẫn đầu thế giới, còn một đã từng và được trông đợi trong tương lai sẽ dẫn đầu thế giới.
Tất nhiên, hai nước cũng có nhiều khác biệt.
Hoa Kỳ là một nền dân chủ trẻ, hiếu thắng, trong lúc Trung Quốc là một quốc gia già cỗi, quan liêu.
Khi hội nghị thượng đỉnh APEC kết thúc và kỳ họp thượng đỉnh Mỹ-Trung bắt đầu, thì câu hỏi đối với cả hai sự kiện diễn ra tại Bắc Kinh là người khổng lồ nào sẽ vững vàng hơn trước những thách thức của thế kỷ 21?