Trong “Thư gửi người đang yêu” nhà văn Phạm Đình Trọng đã nói với những bạn bè còn vương vấn chút “yêu đương” với Chủ nghĩa Cộng sản, rằng chủ nghĩa Cộng sản mà học thuyết Mác-Lê vạch đường là một chủ nghĩa sai lầm
chỉ gây ra tội lỗi với đất nước, không thể sửa chữa mà chỉ có cách duy nhất là xoá bỏ tận gốc.
Có một thực tế là trong nước cũng không ít người đã suy nghĩ gần giống như vậy nhưng còn đắn đo chưa nói hết ra thôi. Nhưng kẻ xâm lược đâu có chờ ta, chúng cứ khẩn trương lấn tới, ngày một nguy hiểm. Nay quân xâm lược đã riễu binh đến sát cửa nhà, thậm chí vào rất sâu trong nội tình, nội địa. Trước tình hình ấy, nhiều Blogger đã bày tỏ ý kiến rốt ráo quyết liệt hơn trước. Tôi xin liên kết nhiều ý kiến về lý luận và thực tiễn đã có trên công luận, từ gốc đến ngọn, nói gọn lại cho rõ ràng hơn.
1. Nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lê đã xong về LÝ LUẬN:
Chủ nghĩa Mác-Lê [1] là một lý thuyết muốn làm điều tốt nhưng nội dung tư duy lại phi khoa học, hoang tưởng, nên sau những phấn khích ban đầu, cuối cùng chỉ tạo ra những xã hội phi lý, đảo ngược luân thường, kìm hãm và phá nát xã hội, tạo những cơ hội bằng vàng cho những kẻ cơ hội chính trị lợi dụng nhảy lên thành những bạo chúa mới, và gây những tai hoạ cực lớn cho nhân loại, vì thế cần phải vứt bỏ.
Trải hơn một thế kỷ và trên phạm vi toàn nhân loại, đến nay nhận thức khoa học đào thải chủ nghĩa hoang tưởng ấy đã hoàn tất. Quanh vấn đề phê phán chủ nghĩa này bây giờ nói gì cũng chỉ là lặp lại (hoặc nhai lại) những điều đã giải quyết xong. Với một chân lý đã hiển nhiên thì mọi lý luận dài dòng đều là thừa. Chân lý đã có (căn cứ vào nhân loại văn minh) thì mặc nhiên sử dụng đâu cần chứng minh lại? Chân lý nằm ở cộng đồng nhân loại 200 nước, trong đó có tất cả những nước tiêu biểu nhất cho tri thức nhân loại, hay nằm ở 4 nước Cộng sản tàn dư đang cố biến thái để tồn tại?
Với người có tim óc bình thường, chân lý ấy khỏi cần bàn cãi. Còn với những luận điểm “chày cối” thì vấn đề lại sang một bình diện khác, không còn ở lý luận khoa học, càng lý luận khoa học bao nhiêu lại càng vô ích bấy nhiêu.
2. Vấn đề Mác-Lê chưa xong trong thực tế Việt Nam.
Mặc dù chân lý đã hiển nhiên, nhưng ở Việt Nam, với 3 “típ” người này thì chân lý ấy vẫn cứ “có vấn đề” để tranh cãi mãi không dứt:
- Những người quá yếu về tư duy khoa học nên lạc hậu về nhận thức,
- Những người có tư duy nhưng còn nặng duy cảm hơn duy lý, nên lúng túng chưa biết xử lý ra sao với gánh nặng tình nghĩa và di sản trong quá khứ.
- Những kẻ cố tình cãi chầy cãi cối vì mục đích duy lợi. Tổng số 3 “típ” người này đang còn rất đông và còn chi phối xã hội, nên trong thực tế câu chuyện Mác-Lê chưa thể chấm dứt.
Tuỳ theo mức độ và động cơ khước từ chân lý mà họ có thể còn những nét đáng yêu, đáng thông cảm, hoặc đã thành đáng trách, đáng giận, hoặc đáng ghét. Với những trường hợp ấy hoặc chỉ cần nói ngắn gọn, chỉ nói vào những chuyện thực tế, hoặc phải ứng xử bằng cách khác, tuyệt nhiên không cần lý luận bài bản dài dòng như một đề tài triết học chuẩn mực cho phí công.
Lại có người suy nghĩ đơn giản: Chính ĐCS ngày nay thực chất có theo Mác-Lê nữa đâu, ta nói Mác-Lê nữa làm gì? Xin thưa, ĐCS chỉ bỏ một phần trong “Mác Kinh tế” thôi, đâu có bỏ lề lối chuyên chính Mác-Lênin-Staline trong hệ thống chính trị? ĐCS còn cần đến Mác-Lê cả về danh nghĩa lẫn nội dung.
Chủ nghĩa Mác-Lê (và dẫn xuất là tư tưởng HCM) vẫn là cơ sở để một đảng CS độc quyền có thể tồn tại, vẫn là yêu cầu có tính chất sinh-tử để duy trì một xã hội với nhiều điều ngang trái như hiện nay, mất nó điều 4 Hiến pháp sẽ không có lý do tồn tại, đảng phải giữ nó như giữ con ngươi của mắt mình chứ không phải chỉ là cái vỏ hờ bên ngoài. Có điều là cái mà người ta cần đặt lên bàn thờ để sử dụng chưa hẳn đã là cái người ta coi là thiêng liêng (như sẽ nói thêm ở phần sau).
Thực chất khẩu hiệu “Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” không phải nhằm cái đích XHCN xa xôi mà ai cũng biết là không có thật, mà phải hiểu một cách thiết thực đó là “Kinh tế thị trường kiểu Cộng sản”, tức là quá trình “tư bản hóa theo những bài bản có lợi nhất mà giới CS chóp bu độc quyền mong muốn”, là dùng chuyên chính Vô sản độc tôn để độc quyền tích lũy tư bản, không loại trừ quyền buôn bán tài nguyên và lãnh thổ quốc gia. Chừng nào quá trình tư bản hoá ấy đã xong thì cái vỏ Mác-Lê sẽ hết tác dụng, và buộc phải hết tác dụng, nếu không thì những nguyên lý “có áp bức thì có đấu tranh” và “đào mồ chôn Tư bản” sẽ quay ngược mũi dùi vào chính giai cấp Tư bản đỏ do Mác-Lê đẻ ra.
3. Vua đã cởi truồng , dân làm sao còn giữ “Lễ” ?
Tại sao sự giả dối lại phát triển thành căn bệnh phổ biến và trầm kha như hiện nay?
Một chủ nghĩa phi khoa học lại muốn được mọi người tôn vinh là duy nhất khoa học để cả xã hội tuân theo thì đương nhiên phải lừa bịp, kết hợp với bạo lực áp đặt. Nhưng trong hai biện pháp đó thì cách lừa bịp, nguỵ biện, giả khoa học để ngụy tạo sự “tự nguyện” mới là chủ yếu, là sở trường, còn bạo lực với nhân dân chỉ là phương án 2, phương án bất đắc dĩ. Nhưng sang giai đoạn mạt kỳ, thực tế đã phơi bày hết thảy, sự mị dân mất tác dụng, thì phương án 2 dần trở thành chủ yếu, các ĐCS phải bỏ sở trường dùng sở đoản là dùng bạo lực với nhân dân. Uy tín không còn, chính danh không còn, ngai vàng còn giữ được nhờ hết vào đội KIÊU BINH khổng lồ, rải khắp hang cùng ngõ hẻm.
Công an thì ngang nhiên tuyên bố “chỉ biết còn Đảng còn mình”, quân đội chẳng những tuyên thệ trung với Đảng mà còn tuyên bố nhân dân nào theo đảng mới được coi là nhân dân!. Tóm lại, dưới gầm trời Việt Nam thì công an, quân đội đã là của đảng mà dân cũng là của đảng luôn (nếu không chấp nhận điều ấy thì thành thù địch). Kiêu binh vừa gắn chặt với Đảng của xã hội đỏ lại vừa công khai đi sóng đôi với côn đồ của xã hội đen trước thanh thiên bạch nhật, kiêu binh thản nhiên làm điều vô pháp luật, luật là tao, tao thích bắt là bắt cần gì phải lệnh, kiêu binh đánh chết người nếu thích, kiêu binh sẵn sàng văng cả đồ dơ vào mặt những vị đương quyền tối cao của họ nếu cần thiết…, khi kiêu binh đã muốn ra oai với dân thì mặt mũi các quan đương triều cũng chẳng là cái đinh gì, vì họ thừa biết lúc này ai đang cần đến ai?
Phơi hết sự tàn bạo bất cận nhân tình không cần che đậy, đấy là sự tự bóc trần, tự “khoả thân chính trị” của chế độ chuyên chính trong nước. Đồng thời, sự chuyên chính trong thế giới Cộng sản với nhau cũng “khoả thân” luôn không che đậy: việc chính thức thành lập thành phố biển Tam Sa với đầy đủ quy chế hành chính và quân sự, việc kêu gọi đầu tư ngay trong thềm lục địa đương nhiên của Việt Nam, đưa 23.000 tàu đánh cá tràn vào vùng biển Việt Nam… đã tự lột trần cái bản mặt giả dối của chủ nghĩa quốc tế Cộng sản đến mức không còn một chút lá nho, cả những 16 chữ vàng, quan hệ 4 tốt, và cuộc thi ca khúc Việt-Trung và lời kêu gọi tri ân kẻ xâm lược cũng trở nên trơ trẽn, hèn hạ không thể chấp nhận. Làm những điều quá hạ sách ấy, cả thế giới Mác-Lê như muốn thách thức công luận rằng “ông vô lý, ông tàn bạo, ông ngang ngược thế đấy, ông cứ làm trái ý dân, cứ làm trái công pháp quốc tế thế đấy làm gì được ông”?.
Thế là Vua đã cởi truồng tồng ngồng giữa phố như trong truyện ngắn Andersen mà hết thảy vẫn cứ đeo mặt nạ để ca ngợi bộ áo choàng quang vinh vô địch muôn năm! Thực chất chế độ Cộng sản chỉ là một chế độ phong kiến biến tướng [2], nên suốt nửa thế kỷ nay, dù oan ức đến mấy người dân vẫn phải cư xử, ăn nói nhỏ nhẹ cho phải đạo, nói có chỗ dù không bao giờ được trả lời, chỉ nói râu ria cấm nói vào chỗ phạm. Ngay cả khi có báo chí “lề Dân” ở trong nước thì lúc đầu cũng chỉ dám nói vào những việc cụ thể, không chạm đến Đảng, nếu muốn chạm đến gốc rễ của chủ nghĩa và lãnh tụ thì nói theo kiểu “ám chỉ” xa xôi nhưng ai cũng hiểu… Tất cả những sự đeo mặt nạ giả dối ấy chẳng qua là giữ LỄ trong một thể chế phong kiến cho phải đạo, ăn nói ra vẻ cung kính nể nang nhưng trong lòng đã hết tin yêu rồi.
Trò xiếc dối trá lẫn nhau, cố giữ bộ mặt đúng quy cách ấy không thể kéo dài mãi. Phía vua quan đã “khoả thân tới số” thì dân chúng còn cung kính giả vờ sao được? Dùng súng hoa cải uy hiếp kẻ cưỡng chế đất, bắt nhốt Công an để hỏi cung, phụ nữ liều mạng khoả thân để giữ đất… vân vân… là những hành động “phá cách”! (Nhưng mẹ con bà Lài đã lầm, cái giới hạn nhân cách tuyền thống mà bà tưởng là ranh giới phòng vệ cuối cùng thì trong thế giới của những Nguyễn Trường Tô-Hô đâu có giá trị gì?).
Đến giai đoạn này thì các Blogger trong nước cũng không giữ Lễ nữa: không cần ám chỉ mà kể thẳng tên người tên việc dù là thủ tướng hay tổng bí thư, hay Bộ Chính trị. Mác-Lê không còn là điểm nhạy cảm phải kiêng, lại còn nghi ngờ rằng Đảng và nhà nước có định chống xâm lược thật không (hay đã đồng tình với giặc xâm lược?), coi chính quyền chỉ là một đám cướp lớn phản động đã rõ ràng…
Một Blogger tối thân cận với trùm chuyên chính Vô sản đã gọi Hồ Chí Minh là ”Ku Nghệ” mà không bị khiển trách thì đủ biết trong hậu trường họ đối với cụ Hồ cũng chẳng thành kính gì. Lại xuất hiện Blog quanlambao (là tiếng nói của nội bộ Đảng, phe Chỉnh đốn đảng chống phe Tham nhũng) chửi thẳng như tát nước vào mặt đương kim Thủ tướng còn hơn đánh kẻ thù mà không bị trừng trị.
Những ranh giới cũ đã bị phá hết. Một giai đoạn đối thoại mới, bằng ngôn ngữ khác trước, đã bắt đầu. Phía Đảng và nhà nước đã dùng “NGÔN NGỮ” mới (gồm cả ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ hành động) thì nhân dân cũng dùng “ngôn ngữ” mới tương xứng. Vua đã cởi truồng, sao Dân còn giữ Lễ mãi được? Tinh thần nói đúng sự thật, nói hết sự thật đang sang một chất lượng mới.
Cuộc đối thoại mới đã bớt đi rất nhiều mặt nạ phù phiếm để đến gần với sự thật hơn, bổ ích hơn, khẩn trương hơn, hiệu quả hơn. Những lời mạn đàm này gửi đến bạn bè cũng trên tinh thần mới và ngôn ngữ mới ấy.
Một khía cạnh khác của nhu cầu nói thật là nhu cầu về phương pháp. Nếu phía quyền lực đã dùng phương pháp che đậy, nguỵ trang, mơ hồ, chung chung… mà phía phản biện cũng chơi đúng theo cách ấy thì thua! Trong bóng đá người ta bảo thế là “bị áp đặt lối chơi”, phải hết sức tránh. Lúc đầu nói thật quá e sẽ bị quy chụp nên phải thủ thế, nhưng nay đã khác.
4. Tình hình đã quá chín muồi cho một cuộc xâm lược.
Khi Trung quốc chính thức thành lập thành phố Tam Sa (gồm 2 quần đảo HS và TS của Việt Nam) và đưa 23.000 tàu đánh cá vào vùng biển VN nhiều người gọi hành động ấy là liều lĩnh và lấy làm ngạc nhiên. Thực ra không đáng ngạc nhiên và Trung Quốc không hề liều lĩnh khi đã thiết kế chiến lược một cách vững chắc và tính toán cụ thể chắc ăn trăm phần trăm.
Do vị trí địa-chính trị nên Việt Nam trở thành cửa ngõ mà chủ nghĩa Đại Hán buộc phải chiếm lĩnh để bành trướng về phía nam, nhưng Việt Nam trước đây đã kiên cường và mưu lược, phá tan mộng xâm lăng ấy của Trung Quốc.
Bất hạnh thay, sự xuất hiện trào lưu Quốc tế Cộng sản hoang tưởng đã cung cấp cho Trung Quốc một cơ hội bằng vàng. Họ tận dụng những đặc trưng của Cộng sản để đưa con mồi vào lưới. Con mồi tự tìm đến cái bẫy, nhưng bị tấm màn “Quốc tế đại đồng” che mắt, nhìn cái bẫy thành chốn ruột thịt nương thân. Những năm 1949-1950 khai thông biên giới Việt Trung, một VN đã kiệt lực buộc phải dựa hẳn vào Trung Quốc để có sức đánh nhau với Pháp, những món hàng việt trợ từ vũ khí, quân trang quân dụng đến nhu cầu dân sinh là khởi đầu những trói buộc có tính chiến lược, là sợi dây thòng lọng đầu tiên, tận dụng những quan hệ thân thuộc của những người lãnh đạo đã có với Trung Quốc làm sợi dây liên kết.
Cái thòng lọng thứ hai là do chuyến ngoại giao cầu hòa của Việt Nam diễn ra tại Thành Đô ngày 3-4/9/1990. Xét trong quan hệ có tính lịch sử giữa 2 kẻ thù truyền kiếp thì cuộc cầu hoà này chính là cuộc tuyên bố đầu hàng. Với hiệp ước Thành Đô (nhất định lịch sử sau này sẽ bạch hoá) Trung Quốc đã tẩy rửa được dấu vết chống Trung Quốc của Việt Nam tượng trưng bởi ý chí chống Tàu cứng rắn của TBT Lê Duẩn và cuộc chiến biên giới 1979. Sau hội nghị Thành Đô kế hoạch xâm lược đã thiết kế xong những nước cờ căn bản.
Từ đấy trở đi, chỉ cần 4 năm một lần Trung Quốc khống chế người cầm đầu Việt Nam, tức Tổng Bí thư đảng, là đủ cho kế hoạch xâm lược tiến hành trôi chảy. Muốn vậy phải giữ cho VN yên vị theo chế độ Cộng Sản, không được dân chủ hoá, không được liên kết chiến lược với Hoa Kỳ.
Kết quả của chủ trương liên kết chiến lược với Trung Quốc và liên kết lửng lơ với Hoa Kỳ là đã tạo những “điều kiện cần” và “điều kiện đủ” cho cuộc thôn tính Việt Nam một cách hoà bình. Điều kiện “cần” là một bộ máy lãnh đạo Việt Nam phải là bộ máy thân thiện Trung Quốc, không coi Trung quốc là xâm lược, đồng thời nhân dân Việt Nam thì tinh thần bạc nhược, không quan tâm đến sự đe doạ của Trung quốc, chấp nhận để “Đảng và Nhà nước lo”. Điều kiện “đủ” là làm sao khống chế được sự phản kháng của lực lượng tinh hoa là những người Việt còn giữ được sự cảnh giác và lòng quyết tâm bảo vệ đất nước, không cho họ đánh thức được dân chúng, đồng thời Hoa Kỳ và quốc tế không can thiệp.
Khi ĐCSVN đã cam kết với ĐCS TQ thực hiện đủ những điều kiện ấy, thì (xin lỗi) chỉ một Trung Quốc ngu mới không tiến hành xâm lược Việt Nam.
Giữa lúc quân xâm lược kéo binh mã rầm rập vào trong biên cương Tổ quốc mà các thủ lĩnh tối cao thì im phăng phắc, nhưng ra lệnh cho khắp nơi hát vang lời hữu nghị và tri ân, cho tướng lĩnh đứng ra tay bắt mặt mừng, và ra sức bắt giữ những người phản đối xâm lược! Cảnh tượng diễn ra như một trận công thành được chuẩn bị chu đáo, có nội công, vô hiệu hóa lính gác, vô hiệu được quân lính trong thành, lại tổ chức sẵn một đội kèn trống chào mừng, nghênh đón sứ quân của thiên triều. Tất cả như có sự phân công, phối hợp trong ngoài vậy. Chẳng trách người dân phải đặt thẳng sự nghi ngờ vào lòng dạ của người cầm vận mệnh đất nước:
(Cả đến việc thông qua Luật biển, làm nức lòng nhiều người , nhưng tiến hành song song với những động tác ve vãn kẻ xâm lược và cấm dân biểu tình thì có đáng tin không hay chỉ là “đánh trận giả” để đánh lừa dân chúng, giúp kẻ địch tiến thêm một bước nguy hiểm?).
Thiên vạn cổ chưa có trận chiến nào được bố trí vẹn toàn như thế, sao lại bảo cuộc tấn công ấy là liều lĩnh được? Chiến thắng trong tầm tay, an toàn 100% như thế mà không tiến công thì Trung Quốc ngu à?.
5. Giải Cộng nhi thoát! Có từ bỏ Mác-Lê cùng với cái gọi là XHCN mới cứu được nước!
Xem như vậy thì suốt từ 1950 tới nay (2012), tất cã những thiết kế chiến lược và thực thi từng bước chiến thuật cho sự thôn tính Việt Nam kiểu mới của Trung Quốc đều phải dựa trên một nhân tố trung tâm và quán xuyến là đảng Cộng sản, thiết chế Cộng sản, và quan hệ Cộng sản. Việt Nam nếu không là Cộng sản thì Trung Quốc hoàn toàn bó tay.
Vậy, theo lô-gích, đáp số của bài toán phòng thủ đất nước trước nạn Tân Bắc thuộc đã hiện ra rõ mồn một. Một Việt Nam 90 triệu dân, dân chủ pháp quyền phi Cộng sản, có bầu bạn khắp năm châu, chẳng có lý gì phải nằm trong vòng tay “ôm ấp” của Trung Quốc thì anh bạn khổng lồ xấu tính buộc phải nhớ đến những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa mà chìa bàn tay hữu nghị giao thương với sự bình đẳng và kính nể.
Truyện kể rằng: Tướng nhà Minh Lưu Bá Ôn vào thăm mộ Khổng Minh, mặc giáp sắt khi đi qua cổng lát bằng nam châm liền bị hút chặt xuống đất. Lưu Bá Ôn đang luống cuống bỗng ngước nhìn lên thấy một bức hoành trên đề bốn chữ "Giải y nhi thoát" 解 衣 而 脱 (Cởi áo ra thì thoát) bèn làm theo...
Nay chủ nghĩa Mác-Lê đối với ĐCSVN cũng chỉ như chiếc áo giáp sắt, mặc vào là bị thanh nam châm khổng lồ Trung quốc hút chặt, không ngẩng lên được. Giải Cộng nhi thoát 解共而 脱, là cách tự cứu duy nhất, đẹp lòng dân tộc, và vẹn cả đôi đường.
KẾT LUẬN: GIỜ NGUY BIẾN ĐÃ ĐIỂM !
1. Trước mắt, muốn cứu nước, dân ta cần phá cho được cái chiến lược “diễn biến hoà bình” trong quan hệ Trung-Việt, mà thực chất là xâm lược hoà bình và làm mất nước một cách hoà bình! Họ muốn đô hộ một nước khác mà không cần gây một cuộc chiến tranh xâm lược, kế hoạch thật là thâm độc!
Chiến lược xâm lược hoà bình này do nhà cầm quyền Tân Đại Hán khởi thảo và áp đặt, ĐCSVN tự sa vào thế kẹt buộc phải làm theo. Hai đảng thoả thuận kín, quyết định số phận của Việt Nam là nước nhỏ hơn, nhân dân cả hai nước đều được sử dụng như những công cụ.
Chỉ có nhân dân Việt Nam mới giúp được ĐCSVN ra khỏi thế bị kìm kẹp này. Nhưng muốn vậy ĐCS phải dũng cảm chịu đau một chút, khiêm nhường một chút, giảm đi một chút lòng “kiêu ngạo cộng sản” vô lối, để thừa nhận nhân dân, để “lột xác”, thoát khỏi chủ nghĩa hoang tưởng phản tiến hoá để trở về với dân tộc, tìm lại sự vinh quang chính đáng trong niềm kiêu hãnh chung của cả dân tộc.
Bằng sự gặm nhắm của chiến lược Việt-Trung hữu hảo diễn biến hoà bình, “cái ổ chim đại bàng” mà tổ tiên ta gây dựng đang từng ngày từng giờ chật hẹp dần lại một cách toàn diện, thành “cái tổ con chim chích” như vua Trần Nhân Tông đã lo trước nhiều thế kỷ. Hoạ mất nước đã nhỡn tiền!
Không nhân dân nào thích chiến tranh, nhưng lời QUYẾT CHIẾN, chứ không HÒA, của Hội nghị Diên Hồng là vết son trong lịch sử. Hoà bình là quý, nhưng hoà bình để mất nước êm như ru là thứ hoà bình đáng nguyền rủa, không thể so với sự diễn biến hoà bình để tự chuyển hóa thành một nước dân chủ văn minh, chính là thứ hòa bình công chính và kiêu hãnh, không kẻ nào chống được.
2. Về căn bản và lâu dài, xuất phát từ nhu cầu xây dựng đất nước cũng như từ yêu cầu bảo vệ đất nước khỏi hiểm họa Bắc thuộc, xã hội Việt Nam phải từ giã ảo tưởng Cộng sản, trở về một chế độ dân chủ lành mạnh thông thường như các nước văn minh, không có con đường nào khác. Chừng nào còn giữ chế độ gọi là “Xã hội chủ nghĩa” bên cạnh anh Cộng sản khồng lồ Trung Quốc, thì hoạ mất nước là hường trực.
Có thể ĐCSVN lường trước bước thứ hai này nên nghi ngờ và cấm người dân biểu tình chống Trung Quốc xâm lược?
Tôi nghĩ mọi việc hoàn toàn trong sáng, không có gì thủ đoạn ở đây. Cần nói thật với nhau rằng việc trước mắt cũng như lâu dài đều đòi hỏi phải tháo vòng Kim-cô chuyên chính Vô sản, nhưng tính chất hai việc khác nhau xa. Kẻ xâm lược là giặc đến từ bên ngoài, cần phải làm cho họ thất bại trong âm mưu đó, việc ấy phải làm ngay không thể trần trừ, hoàn toàn không giống với quan hệ người trong một nước với nhau, quan hệ được cố kết bởi tình yêu Tổ quốc ngàn đời thiêng liêng, để cùng xây dựng một đất nước văn minh là điều hoàn toàn có thể thực hiện được, mà nước Đức là một tấm gương đầy thuyết phục.
9-8-2012
Hà Sỹ Phu