Hôm kia một người bạn ở Sydney, Úc, gửi Email cho tôi: “ Ông Lê Đông mất rồi. Trước lúc nhắm mắt, ông ấy muốn tro cốt của mình được đưa về chôn tại làng Đồng Mùa”.
* MINH DIỆN
BVB - Hôm kia một người bạn ở Sydney, Úc, gửi Email cho tôi: “ Ông Lê Đông mất rồi. Trước lúc nhắm mắt, ông ấy muốn tro cốt của mình được đưa về chôn tại làng Đồng Mùa”.
Tôi cảm thấy thương hại ông Đông. Lần cuối cùng ông muốn trở về nơi chôn rau cắt rốn không biết có được toại nguyện?
Lê Đông là người bà con với một đồng nghiệp của tôi ở báo Tiền Phong. Năm 2009, khi tôi sang Sydney, Lê Đông tự lái xe đón tôi ở sân bay, chở tôi về Cabramatta, một khu phố có nhiều người Việt sinh sống ở Sydney. Sau bữa cơm chiều, ông dẫn tôi đi xem nhà hát Opera , cầu cảng Harbour Bridge và một vài cảnh đẹp, rồi tới quảng trường Tòa thị chính , xem buổi nhạc hội của thổ dân.
Giữa khu phố trung tâm, dưới những tòa nhà hiện đại, thổ dân dựng lều bạt, đốt lửa trên quảng trường. Và trong ánh hoàng hôn , những người đàn ông, đàn bà, trẻ già mặc áo quần sặc sỡ, đội mũ lông trĩ, nhảy múa bên ánh lửa bập bùng. Họ hát vang những bài ca trữ tình ca ngợi sự sống nảy mầm từ đá và cát ở miền Tây sa mạc Greet Victoria.
Lê Đông nhìn đăm đuối , như muốn hóa thân vào cuộc vui cùng những người thổ dân đang ca múa. Lúc quay về, ông nói với tôi:
- Những thổ dân thường tụ tập như vậy để nhắc nhở nhau nhớ nguồn gốc của mình ! Nhìn họ mỉnh càng nhớ quê hương.
Buổi tối hôm ấy, Lê Đông và tôi cùng mấy người bạn ngổi quanh chiếc bàn tròn, trong mái vòm lợp kính, trên sân thượng, nhìn trời đêm mênh mông, rực rỡ, huyền ảo trên thành phố Sidney. Gió biển phóng khoáng tràn vào lồng lộng, khiến chúng tôi nhớ Đà Nẵng, Nha Trang , Mũi Né của Việt Nam. Và thế là mấy anh em đồng hương , vừa nhâm nhi ly rượu vang đỏ của Sydney , vừa nói chuyện quê nhà. Ông Lê Đông tâm sự, dù đã hơn sáu mươi năm xa quê và hơn ba mươi năm xa Tổ Quốc, ông vẫn nhớ làng Đồng Mùa, bên dòng sông Châu Giang, huyện Bình Lục , Hà Nam , là nơi ông sinh ra và lớn lên. Tôi chưa thấy ai nhớ rành rọt như ông. Những đường nét và đặc trưng của cái làng Đồng Mùa mà tôi chưa một lần đặt chân tới , được ông tả chi li như ngồi trước một bản sơ đồ.
Lê Đông kể:
- Quê tôi có con đường sỏi chạy giữa làng , rồi chạy qua cánh đồng, ra thị trấn Vĩnh Trụ. Đứng trên đường làng, nhìn hai bờ sông Châu Giang, lũy tre um tùm. Thình thoảng từng đàn cò trắng về đậu trắng ngọn tre. Bên sông có những đầm sen rộng hàng chục mẫu. Mùa thu sen trổ bông , từng đàn vịt trời, le le bơi lội, ban đêm vang tiếng chim bìm bịp hòa với tiếng chim cuốc , nghe nao lòng. Tôi còn nhớ hai câu thơ của Nguyễn Bính : “ Con chim nhỏ cũng mang hồn đất nước! Tiếng cuốc kêu nhỏ máu những đêm ròng!”
Lê Đông lắc lư mái đầu bạc trắng, ngâm hai câu thơ, mắt nhìn xa xăm. Khuôn mặt ông nặng trĩu nỗi buồn. Một lúc sau ông kể tiếp:
- Tôi nhớ những mùa mưa lũ tháng bảy, tháng tám, cá chép, cá trôi từ sông Châu Giang, từ đầm sen vượt lên đồng đẻ trứng. Chúng quẫy đạp vùng vẫy bì bõm trong những ruộng lúa phơi màu. Bọn trẻ chúng tôi soi đèn, mang nơm ra chụp, được những con chép vàng ươm , bụng đầy trứng. Mùa cá đẻ, chợ Đồng Mùa có phiên cá chép, cá trôi đầy sạp không có người mua. Tháng 12, sen trong đầm tàn, cá rút xuống đầm. Bấy giờ trên cánh đồng những ruộng cà, ruộng bí, rau diếp, su hào, bắp cải lên xanh ngút ngát. Những giàn mướp bằng tre bắt chéo như mái nhà , dây mướp phủ xanh , lốm đốm hoa , những ruộng cải ngồng trổ bông vàng rực, từng đàn bướm bay lượn dập dờn. Dưới sông bầy trẻ con bơi lội, những cô gái làng gánh nước, phất phơ dây yếm trắng ...
Ông Lê Đông uống một ngụm vang đỏ, và lại lắc lư cái đầu bạc, hồi tưởng lại ngày gia đình ông rời làng Đồng Mùa di cư vào Nam. Cuộc di cư ấy diễn ra suốt hơn 300 ngày, sau hiệp định Genève được ký kết giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa và Pháp, tạm thời chia Việt Nam thành hai miền tại vĩ tuyến 17. Dòng người từ Nam tập kết ra Bắc, ngược dòng người từ Bắc di cư vào Nam. Có người mỉa mai, gọi đó là “ Một cuộc bỏ phiếu bằng chân” với 140.000 người từ Nam ra Bắc, theo cộng sản và hơn 1.000.000 người theo chế độ cộng hòa, từ Bắc vào Nam!
Gia đình Lê Đông bỏ lại ngôi nhà ngói năm gian tường hoa sân gạch, và tất cả ruộng vườn, tài sản tạo lập được từ bao đời, bỏ cả mồ mả ông bà tổ tiên , gồng gánh bồng bế nhau, qua Nam Định, Thái Bình xuống Hải Phòng hòa vào dòng người di cư. Ông Đông kể:
- Bố tôi năm ấy mới bốn mươi tuổi, mẹ tôi ba mươi tám. Ông nội tôi mới mất, bà nội tôi bảy mươi đang bệnh , bố tôi cõng trên lưng. Mẹ tôi gánh một bên đứa em út ba tuổi, một bên chiếc thúng đựng quần áo, chăn mển. Tôi đeo ruột tượng gạo và dắt đứa em gái kế tôi mới 13 tuổi. Chúng tôi đi ban đêm, len lỏi qua làng xóm vắng để tránh những chốt gác của chính quyền, vì họ tìm mọi cách ngăn lại, không cho xuống Hải Phòng.
Một buổi chiều bà nội tôi trở bệnh, ho rũ rượi rồi ngất đi. Bố tôi cõng bà chạy vào ngôi nhà thờ ven đường 10. Ngôi nhà thờ đã bị tàn phá trong chiến tranh , tháp chuông đổ, mái ngói xô dạt, tượng Đức Mẹ đồng trinh gãy một cánh tay, tượng Đức chúa Jesus dầu đội vành gai , trên mình đầy vết thương còn mới do dạn súng trường và mảnh bom. Trời mưa tầm tã. Mưa quất vào cành cây rào rào, tuôn chảy dọc cây thánh giá, trên tượng Đức Mẹ đồng trinh và tượng Chúa Jesus. Tôi có cảm giác như Đức Mẹ đang khóc và thân thể Chúa Jesus đang rỉ máu. Chúng tôi quỳ dưới chân Chúa Jesus . Bố tôi cất tiếng cầu nguyện:
- Đức Jesus hằng tôn! Sao người nỡ bỏ chúng con !
Tôi ngước mắt nhìn lên, mắt nhòa lệ, thấy Đức Mẹ dang cánh tay còn lại ra đỡ chúng tôi, và Chúa Jesus nhìn vào nơi sâu thẳm.
Bà nội tôi dần tình lại , chúng tôi lại lên đường. Mấy ngày sau tới Hải Phòng . Chúng tôi cùng hàng trăm người được dồn xuống một chiếc Landing ship, Tank, người ta gọi là tàu há mồm, như một đàn cừu, vượt biển vào Nam. Những đám mây đen cuồn cuộn, âm u bao phủ con tàu cũ kỹ. Nỗi thất vọng nấc lên trong tiếng gió rít, tiếng sóng biển thét gào. Trong lòng con tàu, những dòng nước mắt tuôn chảy như mưa và tiếng than khóc như muốn át cả tiếng sóng gió. Nhưng ,khi người phụ trách hỏi ai muốn quay về thì không ai muốn quay về .
Bấy giờ miền Bắc đã hòa bình, cuộc sống như Tố Hữu ca ngợi, là “ thiên đường của các con tôi!” sao người dân như gia đình ông Đông lại bỏ vào Nam? Cuộc ra đi giằng xé nát lòng ấy đã khiến nhà thơ Trần Dần thảng thốt, và ông nghi ngờ
“Hỏi bạn đi Nam
Thiếu gì ư sao chẳng nói thật thà?
Chỉ là
Thiều quả tim khối óc!”
Rồi chính Trần Dần lại phải thốt lên đau đớn, khi nhận ra:
“Họ vẫn đi.
Nhưng sao bước rã rời?
Sao họ khóc?
Họ có gì thất vọng?
Đất níu chân đi!
Gió cản áo quay về!
Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống!”
Ông Lê Đông kể:
- Gia đình tôi vào nam, mang theo nghề mộc . Bố tôi lập một xường mộc nhỏ ở Phú Lâm kiềm kế sanh nhai. Năm tháng qua đi, xưởng mộc lớn dần, trở thành một nhà máy cưa và kinh doanh gỗ. Bố tôi lấy tên dòng sông Châu Giang đặt tên cho nhà máy và chọn những người cùng quê vào làm việc. Tôi học đại học Văn khoa Sài Gòn , tốt nghiệp , làm cho tờ báo Làng Văn một thời gian ,rồi ở nhà giúp bố tôi quản lý nhà máy. Cô em gái học ngành y, ra trường làm bác sỹ , lấy chồng là một thiếu tá không quân, còn đứa em út trở thành trung úy quân đội Việt Nam cộng hòa...
Những ngày cuối tháng 4-1975, gia đình ông Đông nổ ra cuộc đấu tranh gay gắt, giữa ở và đi. Người con rể thiếu tá không quân dứt khoát chọn con đường di tản, còn bố mẹ Lê Đông dứt khoát ở lại. Con rể nói:
- Khi Việt cộng vào thành phố sẽ xảy ra tắm máu!
Ông bố Lê Đông dứt khoát:
- Đời bố đã một lần bỏ quê cha đất tổ ra đi, giờ lại chạy trốn một lần nữa hay sao? Không, bố không di tản! Chết tao cũng không sợ!
Nhưng có thứ còn đáng sợ hơn cái chết! Và ông Lê Đạt, bố Lê Đông , một lần nữa phải chạy trốn khỏi xứ sở.
Đó là một đêm cuối năm, năm 1979, trên bãi sú vẹt Vũng Tàu. Lê Đông cùng vợ con và bố mẹ lóp ngóp bò lết trên sình lầy ra con tàu neo đậu trong một hẻm núi. Chung quanh họ hàng trăm người cùng trườn lết. Đám người chạy trốn đen thẫm, từ từ trôi như một dòng bùn. Những tiếng kêu rên khe khẽ não nề. Gió lạnh rít cồn cào, khí trời nồng nặc mùi bùn.
Ông Lê Đạt đã ngoài sáu mươi tuồi , khóc nấc như một đứa trẻ khi cố dìu vợ vượt qua một đoạn sình lầy.
Lần trước ông chạy trốn bỏ lại ngôi nhà, vài mẫu ruộng, lần này ông chạy trốn, sau khi bị tước đoạt toàn bộ số tài sản gấp ngàn lần trước.
Đó là Nhà máy cưa Châu Giang của gia đình ông. Từ một xường mộc hơn chục mét vuông, sau hai mươi năm ông đã mở mang thành một nhà máy đồ gỗ xuất khầu năm ngàn mét vuông nhà xưởng, hàng chục máy cưa, máy xẻ, máy khoan, máy bào , máy tiện hiện đại, một bãi gỗ bên bờ sông Đồng Nai, hàng chục xe chuyên dùng, bảo đảm công ăn việc làm cho hơn ba trăm công nhân.
Ông còn nhớ ngày Sài Gòn mới giải phóng , ông đã vui mừng tiếp đón những sỹ quan quân giải phóng đến thăm nhà máy và trao cho ông tờ giấy xác nhận có công đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, dù bàn thân ông không đòi hỏi.
Chuyện ấy bắt đầu từ năm 1969, khi ông trúng thầu khai thác gỗ ở khu rừng Mỏ vẹt, giáp biên giới Campuchia, một vùng “da beo” giữa quân giải phóng và quân đội Việt Nam cộng hòa. Những cánh rừng khộp, rừng buông, bằng lăng bạt ngàn, không phân biệt ranh giới của mỗi bên.
Trong thời gian khai thác gỗ ở khu rừng đó, tình cờ ông đã gặp Bảy Mến, chỉ huy một đơn vị công binh, làm nhiệm vụ mở đường, bắc cầu, tháo gỡ bom mìn. Tình cảm giữa ông và những người lính quân giải phóng mỗi ngày một thân mật. Mỗi lần vào rừng khai thác gỗ ông lại cho những người tin cẩn mang theo cưa máy, đinh, rìu búa, khoan, đặc biệt là các loại thuốc chữa bệnh cho đơn vị Bảy Mến. Thỉnh thoảng ông trực tiếp mang heo quay, bê thui vào cúng rừng và tổ chức liên hoan với anh em.
Bảy Mến và những chiến sỹ quân giải phóng ngày ấy, cũng là một động lực khiến ông không di tản cùng người con rể. Khi Bày Mến và những sĩ quan chỉ huy đến thăm sau ngày giải phóng, động viên ông phát triển sản xuất góp phần xây dựng đất nước , ông rất mừng.
Gần ba năm trời, ông đã cố gắng hòa mình vào cuộc sống mới. Ông hiến bớt một số cừa hàng đồ gỗ cho chính quyền lấy mặt bằng mở hợp tác xã mua bán. Ngôi biệt thự ở trung tâm quận, ông tặng làm nhà văn hóa thiếu nhi. Chiếc xe Merceder ông cũng hiến cho nhà nước. Ông không đi nhà hàng mỗi buổi chiều thứ bảy như trước giải phóng, mà ăn cơm độn mì, bo bo, chung cái đói khổ với người dân. Ông tưởng chế độ mới đã chấp nhận ông, để ông tồn tại với niềm tự hào là một doanh nhân thành đạt từ hai bàn tay trắng, một ngày nào đó ông ngẩng cao đầu trở về làng Đồng Mùa bên bờ sông Châu Giang, nơi ông lầm lũi bò ra đi hơn hai mươi năm trước.
Nhưng ông đã thất vọng. Thất vọng đau đớn gấp ngàn lần hai mươi năm trước, bởi ngày đó ông còn trẻ, còn hy vọng làm lại từ đầu.
Buổi sáng hôm ấy, khi nghe đọc quyết định tịch thu toàn bộ nhà máy, phong tỏa tài sải ngân hàng, và lập danh sách đưa gia đình mình đi kinh tế mới, ông đã nói với Lê Đông:
- Phải ra đi thôi! Ở đây chết không nhắm mắt được!
Lê Đông kể tiếp:
- Đêm ấy chúng tôi bò ra được bờ biền, rồi từng người bám vào phao cao su bơi ra tàu. Nước mặn tê buốt như có người cầm chiếc bàn chải sắt chà lên da thịt. Một cháu bé bị chết cóng hay vì sặc nước , người mẹ thả trôi theo đòng nước. Tiếng khóc của chị bị sóng gió át đi.
Con tàu đánh cả được người ta cải tạo làm thuyền chở người vượt biên . Không ai biết chính xác bao nhiêu người được nhồi nhét xuống con tàu cũ kỹ, và người tài công chỉ có duy nhất một chiếc la bàn để đưa nó ra khơi. Thôi thì phó thác số mệnh cho biển trời !
Đêm đen giăng màn tang tóc. Gió cồn cào . Sóng biển lớp lớp xô đẩy, gầm thét . Con tàu trồi lên thụp xuống. Người say sóng rên la , nôn mửa chán rồi nằm quắt queo như xác chết.
Và điều mọi người linh tính đã xảy ra, con tàu bị lạc hướng giữa biển khơi. Một ngày, hai ngày rồi năm ngày. May mắn biển không dông bão, nhưng nước ngọt cạn dần rồi hết. Cái khát hành hạ mọi người. Bố mẹ tôi, hai đứa con tôi cũng như hàng chục người già, con trẻ kiệt sức, ngất lịm. Trong giờ phút khốn cùng ấy, những người còn chút sức lực cố bò lên boong tàu, quỳ xuống chắp tay, ngửa mặt lên trời. Người cầu Đức Mẹ, người cầu Quan Âm Bồ Tát.
Bỗng một đám mây kéo đến và một trận mưa ào ạt trút xuống con tàu. Chúng tôi há miệng hớp lấy từng giọt nước ngọt như dòng sữa mẹ. Cảm ơn Đức Mẹ lòng lành và Quan Âm Bồ Tát đã cứu chúng con!
Mưa tạnh, một chiếc tàu Hải quân Philipines phát hiện, đưa con tàu vượt biên của chúng tôi vào đảo Babudong. Năm tháng sau gia đình tôi được định cư ở Úc.
Tôi hỏi ông Lê Đông:
- Cụ Lê Đạt mất lâu chưa ?
- Bố mẹ tôi mất cách đây mười năm. Hai bình tro cốt tôi vẫn đề trên bàn thờ, chờ ngày mang về mai táng ở Đồng Mùa theo di chúc của bố tôi.
Bố mẹ ông Lê Đông chưa về. Và bây giờ ông ra đi với niềm mơ ước đó. Ôi nỗi đau của những người phải chạy trốn khỏi quê hương!
M.D
http://bongbvt.blogspot.com/2013/04/hai-lan-chay-tron.html