Các chuyên gia quân sự Anh Quốc xuất phát từ một thực tế không thể chối cãi : Trong các cuộc chiến chống « nổi dậy » đang tiến hành hiện nay, phương Tây đã phải dùng đến những loại vũ khí cực đắt để phá hủy những thứ mà giá cả chẳng bao nhiêu. Một ví dụ cụ thể : « Một tên lửa trị giá 70.000 đô la, đôi khi được bắn đi từ một chiếc máy bay có chi phí 30.000 đô la một giờ bay, chỉ để tiêu diệt một chiếc xe Toyota pick-up của phiến quân, giá cao nhất là 10.000 đô la ! »
Ngược lại, « tên lửa chống hạm, giá không đầy nửa triệu bảng Anh (642.000 đô la) mỗi chiếc, lại có thể vô hiệu hóa một chiếc tàu sân bay của Anh, giá trên 3 tỷ bảng Anh (khoảng 3,9 tỷ đô la). Một loạt 10 tên lửa chẳng hạn, tốn không đầy 5 triệu đô la ».
Theo The National Interest, bản phúc trình của Viện RUSI là nhằm đáp ứng một chiến lược mới của Mỹ, theo đó Lầu Năm Góc tìm phương cách duy trì ưu thế quân sự trong bối cảnh chiến tranh bất cân xứng ngày càng gia tăng. Khả năng một tên lửa hoặc một con vi-rút máy tính phá hủy hoặc vô hiệu hóa được những vũ khí đắt tiền có từ thời Chiến Tranh Lạnh như tàu sân bay, xe tăng, hoặc vệ tinh và các mạng máy tính hỗ trợ, đã khiến giới hoạch định chính sách Mỹ phải đau đầu trong việc tạo ra những vũ khí mới trong khi vẫn phải tìm cách bảo vệ các loại vũ khí cũ.
Đối với tạp chí Mỹ, điều cần ghi nhận là vũ khí đắt tiền và tốn kém của phương Tây lại không bảo đảm chắc chắn là họ sẽ thắng khi phải chiến đấu chống Nga hay Trung Quốc. Quân đội Mỹ và Anh được thiết kế để chiến đấu ở nước ngoài, trong các lực lượng viễn chinh hoặc hỗ trợ đồng minh. Ngược lại, Nga và Trung Quốc lại tập trung vào cuộc chiến gần biên giới của họ, chẳng hạn như ở Đông Âu hoặc Biển Đông.
Bản báo cáo của các chuyên gia quân sự Anh ghi nhận : « Như vậy, mặc dù chi tiêu nhiều hơn vào phát triển công nghệ quốc phòng so với các đối thủ tiềm năng của mình, công nghệ tốt hơn của Hoa Kỳ không nhất thiết mang lại ưu thế quân sự tương xứng trên hiện trường ».
Bản phúc trình của Viện RUSI cho rằng Anh Quốc – ngầm hiểu là Mỹ cũng vậy – cần áp dụng một phương pháp tiếp cận gọi là bốn T – chữ tắt tiếng Anh của Tolerate, Treat, Transform và Terminate – tạm dịch là Duy Trì, Xử Lý, Biến Đổi và Đình Chỉ. Ba vế đầu tiên liên quan đến việc duy trì hiệu năng của vũ khí hiện có, nâng cấp vũ khí hiện tại để đáp ứng các mối đe dọa trong tương lai và sáng tạo các công nghệ hoàn toàn mới.
Riêng vế thứ tư mà RUSI gọi là Terminate – Đình Chỉ - là đề nghị gây chấn động nhất. Về cơ bản, đó là việc loại bỏ các thứ vũ khí không còn hiệu quả trong chiến đấu, mà không thể hoặc quá đắt để nâng cấp. Đối với Viện RUSI : « Điều cần cân nhắc sẽ là xem liệu việc duy trì các vũ khí đó có hiệu quả tương ứng với giá phải chi ra hay không, hay là một thứ vũ khí đơn giản hơn lại có thể thích hợp hơn. »
Báo cáo cẩn thận không nói rõ là vũ khí cụ thể nào cần phải loại bỏ, nhưng khi kết luận rằng vũ khí của Nga và Trung Quốc đang đe dọa Tây Âu vốn bị lệ thuộc vào một số ít phương tiện phức tạp và không thể thay thế được, thì rõ ràng là theo các chuyên gia Anh, các tàu sân bay lớn uy lực của Hải Quân Mỹ nằm ở đầu danh sách.
Dù đề nghị như vậy, nhưng bản báo cáo cũng thừa nhận rằng việc bỏ hàng không mẫu hạm không phải là một điều dễ dàng.