Trung Nguyễn
Trong lúc đa số giới trẻ còn đang quay cuồng theo các thú vui như phim ảnh, ca nhạc, thì Khánh đã ý thức được những vấn đề lớn lao của đất nước. Đó là điều rất đáng trân quý ở Khánh. Những thanh niên như Khánh là niềm hi vọng cho đất nước sau này.
Đọc Facebook của luật sư Hà Huy Sơn thuật lại vắn tắt phiên tòa xử Phan Kim Khánh, những lập luận do tòa hay viện kiểm sát đưa ra rõ ràng mang tính suy diễn để cố tình buộc tội Khánh. Những phiên tòa như vậy tiếp tục chứng minh cho cả dân tộc Việt Nam nói riêng, cả thế giới tiến bộ nói chung, rằng ở Việt Nam người dân mất quyền làm chủ và pháp luật tùy tiện, bất công.
Nói chính trị không phải là tội danh
Luật sư Hà Huy Sơn viết: “Tòa nhận định khánh sử dụng Internet để tuyên truyền tư tưởng đa nguyên, đa đảng, phi chính trị quân đội, bầu cử tự do, tự do báo chí … Giám định viên Bộ Thông tin truyền thông thì kết luận đó là tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN.”
Ở đây, chúng ta cần xác quyết rằng bộ luật hình sự Việt Nam chưa bao giờ cấm công dân nói về các tư tưởng chính trị hay vấn đề chính trị như “đa nguyên, đa đảng, phi chính trị quân đội, bầu cử tự do, tự do báo chí”.
Việc giám định viên Bộ Thông tin – Truyền thông suy diễn việc nói về những vấn đề chính trị như vậy là “tuyên truyền chống nhà nước” là vô căn cứ, mang tính áp đặt, đi ngược với nguyên tắc suy đoán vô tội, suy diễn có lợi cho bị cáo trong hoạt động tố tụng.
Nhà cầm quyền Việt Nam luôn khẳng định với cộng đồng quốc tế là Việt Nam không có tù chính trị, nghĩa là không ai bị bắt vì lý do nói chính trị hay làm chính trị ở Việt Nam. Do đó, người dân Việt Nam cần tự tin khẳng định rằng việc phát biểu trên các phương tiện truyền thông như web site, blog, mạng xã hội như Facebook, YouTube về các vấn đề chính trị của quốc gia hoàn toàn không vi phạm pháp luật.
Chính vì việc xét xử mang tính suy diễn, nên điều tất yếu là sẽ có người bị xử, có người không bị xử, tùy vào ý muốn chủ quan của giới lãnh đạo cộng sản.
Một người “tuyên truyền chống Nhà nước” tiêu biểu
Tôi có thể mách cho Bộ Công an một người “tuyên truyền chống phá Nhà nước” nghiêm trọng, đó là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng cộng sản.
Ngày 17/10/2016, ông Trọng nói: “Nhưng thực tế khó thật, vô cùng khó khăn, đối ngoại đã khó, chống ngoại xâm đã khó, nhiều người bảo chống nội xâm càng khó, vì tự ta đánh vào ta”.
Chỉ một câu nói đó thôi của ông Trọng đã cho thấy đảng cộng sản Việt Nam (đảng ta) là một đảng tham nhũng, và đảng cộng sản Việt Nam là giặc “nội xâm” của dân tộc Việt Nam. Ông Trọng dám công nhận sự thực này trên báo chí chính thống trong nước cho tất cả người dân Việt Nam thì có phải ông đang “tuyên truyền chống Nhà nước” hay không? Ông Trọng nói như vậy là ông đang “chống Nhà nước” hay ông đang nói sự thật về đảng cộng sản, về nhà nước?
Đến đây phải đọc thêm câu nói vào ngày 14/9/2015 của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, để thấy luật pháp Việt Nam tùy tiện và bất công thế nào: “Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy. Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được”.
Tham gia đảng chính trị khác đảng cộng sản cũng không phải là tội danh
Mới đây, Giáo sư Tương Lai, cựu Viện trưởng Viện Xã hội học, đã tuyên bố là ông trung thành với đảng Lao Động và là đảng viên của đảng Lao Động. Nếu như ông có tội “làm chính trị” thì công an đã bắt ông rồi.
Cách đây 11 năm, ngày 1/6/2006, cố Giáo sư Hoàng Minh Chính, cựu Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin, đã phục hoạt đảng Dân Chủ. Giáo sư Hoàng Minh Chính cũng không hề bị bắt vì tội “làm chính trị”.
Rõ ràng bộ luật hình sự không hề cấm công dân lập đảng chính trị để thực hiện quyền làm chủ của công dân là ra ứng cử vào Quốc hội.
Điều 16 Hiến pháp khẳng định: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.
Từ đó suy ra là các công dân có lý tưởng cộng sản có thể thành lập đảng cộng sản thì các công dân khác có những lý tưởng khác, học thuyết chính trị khác cũng hoàn toàn có thể lập đảng như những công dân là đảng viên cộng sản.
Do đó, việc tòa cho rằng sinh viên Phan Kim Khánh có liên hệ với đảng chính trị nào đó là có tội thì đó là việc làm mang tính áp đặt, lộng quyền rất rõ.
Và qua đó, có thể thấy pháp luật Việt Nam chỉ là công cụ cho giai cấp thống trị là giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đàn áp các thành phần khác trong xã hội để giữ quyền lực chứ không phải là pháp luật chuẩn mực để bảo đảm mọi người sống hài hòa, bình đẳng với nhau.
Nhu cầu chính trị của quốc gia
Chính trị hiểu rộng là các hoạt động của con người nhằm tạo ra, bảo vệ và điều chỉnh các luật lệ chi phối đời sống xã hội. Làm chính trị hay nói chính trị thời nào cũng vậy, luôn luôn là nhu cầu quốc gia, là sự thiết yếu của đời sống.
Tại phiên tòa chiều ngày 5/10/2017 xử bà cựu đại biểu quốc hội Châu Thị Thu Nga, bà Nga xin khai đã chạy số tiền 34 tỷ đồng cho ai để “trúng cử” đại biểu quốc hội nhưng thẩm phán đã ngăn không cho bà Nga được trình bày sự việc. Một sự việc tày đình công khai trước mặt toàn dân Việt Nam!
Chỉ một tình tiết này cũng cho thấy thể chế chính trị quốc gia đang có vấn đề nghiêm trọng, thứ nhất là dân không được bầu đại biểu quốc hội mà do giới lãnh đạo cộng sản sắp đặt, thứ hai là tòa án không độc lập nên xử án theo chỉ đạo, cũng có nghĩa là dân mất quyền làm chủ và pháp luật tùy tiện, bất công.
Do đó, nhân dân làm chủ trên nền tảng pháp luật chuẩn mực, bắt đầu từ bản hiến pháp của toàn dân, là nhu cầu chính trị bức bách nhất của dân tộc Việt Nam hiện tại. Lực lượng chính trị nào, đảng chính trị nào giải quyết được vấn đề này sẽ đi vào lịch sử dân tộc.
Tiếng Dân