Nhân Vật
Hồi ký của cựu hoàng Bảo Đại trong giai đoạn làm cố vấn tối cao cho chính phủ Hồ Chí Minh
Phong Uyên
chuyển ngữ và giới thiệu
Sau 25 năm im hơi lặng tiếng, đầu năm 1980, cựu hoàng Bảo Đại cho xuất bản cuốn hồi ký viết bằng tiếng Pháp Le Dragon d’Annam (Rồng Nam), kể lại cuộc đời mình từ khi sinh ra ở Huế cho đến năm 1956, khi bị ông Diệm truất phế. Phần đặc sắc nhất trong cuốn sách là phần kể lại thời gian ông Bảo Đại được chủ tịch Hồ Chí Minh phong làm cố vấn tối cao, sống ở Hà Nội sau khi thoái vị cho đến khi theo một phái đoàn của chủ tịch Hồ Chí Minh qua Tàu rồi đi Hồng Kông
Cuộc Cách Mạng Việt Minh
“…. Phụ tá tổng trưởng bộ Thanh niên (Phan Anh, trong chính phủ Trần Trọng Kim) Tạ Quang Bửu, là người cho tôi biết có một nhóm kháng chiến được thành lập ở miền thượng du, vùng Cao Bằng có tên là “Liên đoàn Việt Minh”. Linh hồn nhóm này là Võ Nguyên Giáp, được Tạ Quang Bửu nói đến với đầy nhiệt tình. Sau những cuộc hành quân du kích chống Nhật, “Việt Minh” bắt liên lạc được với đồng minh Trung Hoa và Mỹ đồng thời với cả Pháp và ngay cả với Khâm sai của tôi ở Bắc bộ là Phan Kế Toại. Nhưng tôi cũng không liên lạc được với Phan Kế Toại nên không có sự khẳng định cùa ông ấy (tr 113)
“… Có rất nhiều tin xấu đến tai tôi. Nguyễn Văn Sâm, người đại diện của tôi ở Sài Gòn chưa thấy tới nhiệm sở. Nghe đồn ông ấy bị ám sát sau khi rời khỏi Huế. Ai đã giết ông ấy? … Ở Hà Nội cũng đang xẩy ra những biến cố rất quan trọng. Ngay sau khi Nhật đầu hàng, có những toán xung phong dưới quyền Võ Nguyên Giáp đột nhập vào thành phố và mở cửa nhà tù dưới cặp mắt thản nhiên của Nhật Bản. Ngày 17-8, dưới sự xúi giục của những toán này, có cuộc biểu tình tụ tập 20 ngàn người trước Nhà Hát Lớn. Mọi người đều hô to “Độc lập” và trương cờ mới màu đỏ sao vàng, mà có người nói là do Kampetai (Mật vụ Nhật) đặt ra… Cờ Đế quốc Việt Nam bị giựt xuống…
” Ngày hôm sau, khâm sai của tôi, phải bỏ nhiệm sở và được thay thế bằng một Ủy Ban chỉ đạo lâm thời… vô danh. Ngày 19, toán xung phong “Việt Minh” được tăng cường bởi một đám đông vừa đi vừa la hét, chiếm đóng các công thự: tòa Thống sứ, Tòa án, Kho bạc, trường Đại học và các trường trung học… không những quân đội Nhật có phận sự duy trì kỷ luật, không có phản ứng mà còn mở kho súng phân phát cho lính vệ binh Đông Dương (Lính Khố đỏ);
“Những tin tức đó bị ít nhiều xuyên tạc khi đến tai tôi. Về tình hình Nam Kỳ thì còn thiếu chính xác hơn nữa. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, thủ lãnh “Thanh niên Tiền phong”, hình như từ ngày 15-8 đã đứng đầu một Mặt trận Quốc gia trước khi thành lập một Ủy ban hành pháp lâm thời đặt trụ sở tại dinh Thống đốc dưới sự chủ tọa của một người tên là Trần Văn Giầu mà theo Tạ Quang Bửu, người thông tin cho tôi, là người thuộc về Việt Minh. Cũng như ở Hà Nội, Nhật cũng không có phản ứng gì ở Sài Gòn…
“Cái quan trọng hơn hết cả là ở chỗ nào cũng có những cuộc ám sát và sự mất tích, đặc biệt là những nhân vật quốc gia.
“Ngay ở Huế cũng có những truyền đơn được phân phát. Và có những nhóm không biết nghe lệnh từ đâu, tụ họp và di chuyển trong thành phố, tới tận sát Thành nội.
“Ngày 22-8, đại tá chỉ huy quân đội Nhật ở Huế tới xin triều kiến và nói với tôi là theo lệnh của Chỉ huy Đồng Minh, quân đội Nhật đã bố trí xong hệ thống bảo vệ an ninh thành nội và mọi người trong Thành. Đường từ cầu Tràng Tiền ra cũng như tất cả những lối vào Thành đã bị chắn. Tôi cực lực phản đối quyết định này và nói: “tôi tuyệt đối khước từ sự bảo vệ của ông. Tôi ra lệnh cho ông bãi bỏ hệ thống phòng vệ vì tôi không muốn một quân đội ngoại quốc làm đổ máu dân tộc tôi. (tr 117)
“Để chắc chắn là lệnh của tôi được thi hành, tôi trao cho ông ta một công hàm có dấu ấn của tôi, trút cho ông trách nhiệm phải duy trì trật tự quanh Thành nội. Tôi ghi thêm là phải mở lại tất cả mọi cửa vào Thành để mọi người tự do ra vào như thường lệ.
“Sau đó ít lâu, giám đốc Bưu điện Huế xin được gặp tôi. Ông ta đưa cho tôi một điện tín nhận được từ Hà Nội. Nội dung bức điện tín: “Trước lòng quyết tâm của toàn thể dân tộc sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập quốc gia, chúng tôi kính cẩn xin Hoàng Thượng làm một cử chỉ lịch sừ là trao quyền lại”. Điện tín này được ký bởi “Ủy ban Nhân dân Cứu quốc đại diện mọi đảng phái và mọi tầng lớp nhân dân”. Nhưng không có tên ai.
“… Sáng ngày 23 chung quanh tôi đều trống không. Từ ông Trần Trọng Kim tới mọi tổng trưởng, chả ông nào có mặt. Chỉ còn người em họ là hoàng thân Vĩnh Cẩn ở cạnh tôi.
“Những lời tâm sự của Tạ Quang Bửu trở lại trong trí tôi: Cái Mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng minh Hội” là cái gì để có thể động viên quần chúng, thực hiện những ước vọng của đám đông và bây giờ lại bảo tôi phải làm gì?
“Tôi không biết ai là những thủ lãnh. Vậy mà những người này lại có những tiếp xúc với Đồng Minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp, khi mà những lời kêu gọi tôi gửi cho Tổng thống Truman, Thống chế Tưởng Giới Thạch, Anh hoàng và tướng de Gaulle đều không được trả lời… Những lãnh tụ này có súng ống, có phương tiện, nắm được chính quyền dễ dàng trong khi tôi sống trơ trọi trong một kinh thành đã chết. Sự thành công dễ dàng của các lãnh tụ này phải chăng là đó là dấu hiệu họ đã nhận được mệnh trời? Quần chúng có một bản năng rất là chắc chắn. Bản năng này, trong những giờ phút lịch sử, luôn luôn đưa họ tới những người đã nhận được sứ mệnh phải dẫn dắt họ. Đã đến lúc tôi phải có một sự lựa chọn để dung hòa số phận của tôi với số phận của dân tộc tôi… là tôi phải ra đi.
“Nhưng ai là người tiếp nhận sự ra đi của tôi?
“Tôi bảo người em họ Vĩnh Cẩn và Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe ra ngoài thành Nội hỏi tin tức về Việt Minh. Cả hai trở về chả biết chi cả. Tôi đành đánh đại một bức điện tín gửi trống không “Ủy ban Nhân dân Cứu quốc” ở Hà Nội. Tôi viết:
“Để trả lời kêu gọi của Ủy Ban, tôi sẵn sàng tự rút lui. Trong giờ phút quyết định của lịch sử đất nước, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh hết mọi sự để có thể thực hiện được sự hợp quần. Tôi xin những người cầm đầu Ủy Ban mau vào Huế để tôi trao lại quyền hành”.
“Ngay trong đêm hôm đó, với sự giúp đỡ của Vĩnh Cẩn, tôi thảo bản chiếu Thoái vị.
“Sáng ngày 25-8, có hai đặc phái viên, đại diện “Việt Nam Độc lập Đồng minh” từ Hà Nội vào: Trần Huy Liệu, trưởng phái đoàn, là phó chủ tịch Ủy ban. Một người gầy gò trông rất thảm hại, đeo kính đen để giấu cặp mắt lé. Người đi cùng là Cù Huy Cận, trông cũng quá tầm thường. Tôi hơi thất vọng:
“Trần Huy Liệu đưa cho tôi một giấy Ủy quyền có mang chữ ký không rõ là của ai. Ông tuyên bố một cách rất long trọng:
– Nhân danh nhân dân Việt Nam, cụ Hồ Chí Minh, chủ tịch Ủy Ban Giải Phóng, cho chúng tôi cái danh dự đến Ngài để tiếp nhận quyền hành.
“Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đưa bản chiếu thoái vị. Trần Huy Liệu đọc bản chiếu cùng với Cù Huy Cận rồi 2 người nói riêng với nhau trước khi quay lại nói:
– Thưa Ngài, nhân danh nhân dân Việt Nam chúng tôi chấp nhận hoàn toàn bản chiếu này. Nhưng chúng tôi cũng xin đề nghị với Ngài là nên tổ chức một nghi lễ vắn tắt để trong buổi lễ Ngài đọc bản chiếu trước công chúng.
– Ngay buổi chiều hôm đó, trước vài ngàn người mặc triều phục được tụ tập vội vã trước cửa Ngọ Môn, tôi đọc bản chiếu cuối cùng của triều Nguyễn đề ngày 25-8-1945.
“Bản chiếu bắt đầu bằng:
Để toàn dân Việt Nam có hạnh phúc!
Để Việt Nam có được độc lập!
Trẫm tuyên bố sẵn sàng hi sinh mọi sự…
“Và kết luận bằng:
“Trẫm thích được làm công dân một nước độc lập hơn làm vua một nước bị trị”
Hoan hô Việt Nam độc lập!
Hoan hô nước Cộng hòa Dân chủ!
“… Trong một bầu không khí ngượng ngập, tôi đưa chiếc ấn tượng trưng quyền hành cho Trần Huy Liệu.
“… Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận tiễn tôi ra khỏi cửa. Trước khi chia tay, người đại diện Ủy ban Giải phóng nói với tôi:
– Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn mời ngài ra Hà Nội để cùng thiết lập những thể chế cộng hòa.
– Tôi trả lời: Thưa ông trưởng phái đoàn, tôi xin ông cho tôi gửi lời cám ơn Hồ chủ tịch và sẽ không quên ra Hà Nội theo lời mời của Chủ tịch.
“… Trở thành công dân Vĩnh Thụy từ khi thoái vị, tôi không có việc chi làm ở Huế. Tôi quyết định theo lời mời của Hồ Chí Minh ra Hà Nội. (tr 121)
Cố vấn Tối cao của Chính phủ
“ngày 6-9 tôi tới Hà Nội. Tôi được ở căn nhà của thị trưởng Hà Nội cũ, đường Gambetta (Hoàng Diệu?). Sau khi tắm rửa, tôi đi đến Bắc Bộ Phủ (dinh Thống sứ cũ) để dự bữa ăn buổi tối được tổ chức để đãi tôi.
“Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ Nội vụ đón tiếp tôi và khi ra ngồi bàn, đưa tôi tới trình diện Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mới tới. Ông bắt tay tôi một cách thân mật, cám ơn tôi đã tự rút lui và nói thêm:
– Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc cho nền độc lập của đất nước.
“Ngày hôm sau 11 giờ tôi gặp lại Hồ Chí Minh và nói chuyện riêng với nhau. Thái độ của ông khác hẳn với ngày hôm qua; Ông đối với tôi có vẻ kính trọng và xưng hô với tôi như ở trong cung điện khi dùng chữ Ngài tương đương với chữ Sire trong tiếng Pháp, gần như thiếu một điều là xin lỗi đã lên nắm quyền:
– Thưa Ngài, chúng tôi không có liên quan gì đến bức điện mà ngài nhận được ở Huế đòi ngài phải thoái vị. Riêng về phần tôi, như khi tôi đã nói ngày 22-8, tôi muốn ngài vẫn đứng đầu nước và cử tôi làm thủ tướng chính phủ mới. Tôi không tán thành những kẻ đã làm áp lực với ngài để ngài phải thoái vị.
– Tôi cũng trả lời với cùng một lễ độ khi dùng danh từ tôn kính là Cụ (Vénérable) và cam đoan là tôi chỉ muốn làm một người công dân thường để chung sức xây dựng một nước Việt Nam mới, thống nhất và độc lập.
“Hồ Chí Minh có vẻ yên tâm và đưa ra một bức tranh đầy phấn khởi, khác hẳn với sự dè dặt trong những câu nói lần trước:
– Tất cả những giấc mơ của ta đang được thực hiện cùng một lúc. Không những thống nhất và độc lập sắp được Đồng Minh chính thức công nhận mà chiến tranh kết liễu, Nhật bản đầu hàng cũng cho phép chúng ta tiến tới một chế độ được toàn dân ủng hộ muôn người như một. Trong chế độ này mỗi người chúng ta đều có một tương lai kỳ diệu. Độc Lập, trở thành một Từ ngữ biểu tượng của đất nước, mãnh liệt như làn sóng thủy triều dâng lên từ đáy biển cả, khiến không có công cuộc nào mà chúng ta không thực hiện được…
“Trong cái áo varơ cổ cao đã sờn rách, với đôi giày săng đan thô lỗ và bộ râu lơ thơ, Hồ Chí Minh giống một nhà tu khổ hạnh đồng thời cũng giống một nhà nho Việt Nam thời xưa được đào tạo trong nền văn hóa Trung Hoa, thiên về thi tứ, văn chương triết học hơn là về hoạt động chính trị.
“Có sự ngược lại là từ thân hình mảnh khảnh, yếu ớt và từ cặp mắt sáng ngời như đang lên cơn sốt, thoát ra một niềm tin truyền cảm rất khắc phục, đồng thời cũng tỏa ra một sự thanh thản rất ấn tượng. Những câu nói của ông Hồ đều có dấu ấn của một ý nghĩa sâu xa về con người, của một sự chối bỏ mọi bạo động. Ông Hồ hoàn toàn có ý thức về những thực tại và nhưng tất yếu của Việt Nam. Ông cũng biết chiều hướng biến chuyển lịch sử dựa vào sự tự học và sự hiểu biết tất nhiên về thế giới Âu Tây cũng như thế giới Trung Hoa và thế giới Nga (tr129).
“Sau hơn một giờ nói chuyện, ông Hồ kết luận:
– Tôi yêu cầu ngài tham dự những buổi họp của hội đồng các bộ trưởng và nhận chức vụ Cố vấn tối cao của chính phủ.
“Yêu cầu này làm tôi bất ngờ. Tôi thật không bao giờ nghĩ sự góp phần kiến tạo một nước Việt Nam mới của tôi dưới hình thức này. Nhưng khi nghe ông nói, không thể chối cãi được ông Hồ là người muốn độc lập và thống nhất một cách cuồng nhiệt, nên tôi nhận lời (tr 130).
“Hội đồng bộ trưởng họp mỗi tuần một lần. Ngày 8-9 tôi dự phiên họp lần đầu tiên..
“… Thật ra hội đồng gồm 3 nhóm.
Nhóm cố cựu gồm những người theo chủ tịch Hồ Chí Minh từ thuở ban đầu như Trần Huy Liệu. Những người này sống lâu năm ở Nga, ở Trung Quốc hay biết nhau trong tù. Những người này chống Pháp kịch liệt.
Nhóm thứ hai gồm những người gọi là giáo sư trường Thăng Long, một trường tư về Luật (thật ra chỉ là một trường trung học) ở Hà Nội mà những nhân vật trong ban giảng huấn đều thuộc thành phần đại trí thức rất hiểu biết về chính trị. Trong số những người này có Võ Nguyên Giáp. Cũng có những người là cựu cán bộ của đảng Cộng sản được hợp pháp hóa khi Mặt trận Bình Dân lên nắm quyền ở Pháp như Phạm Văn Đồng. Những người này đều có văn hóa Pháp, thông minh và có óc cởi mở. Tuy chống đối kịch liệt chủ nghĩa thực dân, tranh đấu hăng say cho nền độc lập, những người này không muốn đoạn tuyệt với nước Pháp.
Sau cùng là những người gọi là những người “ngả theo”, như Dương Đức Hiền, cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Hà Nội, hay Nguyễn Mạnh Hà, cầm đầu Thanh niên hoạt động Công giáo. Đa số những người này đều là kỹ thuật viên xuất thân từ những Trường Lớn của Pháp nhưng không được (Pháp) dùng đúng với bằng cấp và khả năng của mình.
“Hồ Chí Minh ngồi ở một đầu bàn và tôi được ngồi đối diện ở đầu kia.
“… Tôi cũng lần lần khám phá ra bộ mặt thật của Hồ Chí Minh:
Có một ngày, trong buổi họp Hội đồng có cuộc bàn cãi khá sôi nổi giữa Hồ chủ tịch và Vũ Trọng Khánh, bộ trưởng bộ Tư pháp ngồi bên phải cạnh tôi. Sau buổi họp Vũ Trọng Khánh đưa cho tôi một cuốn sách nhỏ và nói với tôi:
– Ngài có vẻ ngạc nhiên về phản ứng của vị chủ tịch chúng ta. Đọc cuốn sách này ngài sẽ hiểu rõ hơn.
Tôi nhìn cái tít “Cuộc đời Nguyễn Ái Quốc” do A. Marty, trùm mật thám của Phủ Toàn quyền thảo.
– Ai là Nguyễn Ái Quốc?
Khánh nhìn tôi rồi đưa đầu về phía Hồ chủ tịch đúng vào lúc ông đi gần chúng tôi để ra khỏi phòng họp. Ngạc nhiên vì điệu bộ chúng tôi, ông lướt mắt nhìn cuốn sách rồi nhún vai, nhếch mép cười một cách hóm hỉnh, bước ra khỏi phòng họp không nói một lời.
“Về đến nhà, tôi vội vã đọc cuốn sách. Nguyễn Ái Quốc chỉ là một tên trong số cả mấy chục tên khác trong cuộc đời phiêu bạt trước khi trở thành Hồ Chí Minh… Cuốn sách của Marty ngưng lại ở đoạn này. Giáp là người kể tiếp cho tôi từ khi ông Hồ trở về nước năm 1941 và thành lập Việt Minh ngày 19-5 ở Cao Bằng.
“… Sự giao thiệp của tôi với các “đồng sự” rất là tốt đẹp. Nếu tôi gọi là các anh thì họ đều gọi tôi với cái tít Ngài. Hồ Chí Minh muốn mọi người phải xưng hô như vậy. Tôi đặc biệt gắn bó với Vũ Trọng Khánh. Ông ta có vẻ trơ trọi vì không nằm trong đảng…
“… Tôi nhận được tin Phạm Quỳnh, cựu thủ tướng của tôi, bị bắt, cũng như Ngô Đình Khôi, anh của Ngô Đình Diệm và người con là Ngô Đình Huân, thư ký riêng của đại sứ Yokoyama. Tôi can thiệp với Hồ Chí Minh:
– Thưa cụ, ai cũng muốn giúp cụ mà tôi là người đầu tiên. Xin cụ rộng lượng. Khi cụ mới cầm quyền cụ thả hết mọi người tù. Xin cụ ra lệnh thả những người bị bắt từ khi đó.
– Thưa ngài, không thể được, dân sẽ không hiểu.
– Ít ra cụ cũng thả những người cộng sự của tôi. Họ không có trách nhiệm gì cả.
– Tôi hứa với ngài tôi sẽ lo chuyện đó.
Thật ra cả hai, Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi bị giết ngay từ đầu mà ông Hồ không biết. (tr 134)
“… Giữa chúng tôi (Bảo Đại và ông Hồ) hoàn toàn có sự thông cảm. Trong những buổi đàm đạo, không bao giờ đả động gì đến những vấn đề về hệ tư tưởng. Chúng tôi cùng đi với nhau đến gặp Sainteny, người thay Messmer làm ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc bộ. Chúng tôi cũng đi gặp người Mỹ và những phái viên của họ: Lansdale và thiếu tá Patti và sau này là tướng Gallagher. Tôi thấy Hồ Chí Minh nói tiếng Anh khá được.
“… Trong những cuộc đi gặp như vậy tôi luôn luôn được đẩy đi trước, khiến tôi phải nói: thưa chủ tịch tôi chỉ là cố vấn. Trái lại trong những buổi họp và biểu tình, tôi chỉ được ngồi bên phải. Sau tôi mới hiểu đó chỉ là những thủ đoạn. Chính phủ được chấp nhận nhưng không được công nhận bởi Đồng Minh. Sự có mặt của tôi cho chính phủ có bộ mặt hợp pháp hơn và tôi chỉ là bảo lãnh. (tr 135)
Trung Quốc xâm nhập
“… Toán lính đầu tiên tới Hà Nội ngày 9-9-45. Sau đó là tràn ngập lính Tàu. Tất cả là 3 quân đoàn chừng 80 ngàn người, không kể bọn tùy tùng và bầu đoàn thê tử nhào xuống Bắc Việt như những đám cào cào châu chấu. Tới với danh nghĩa bảo vệ độc lập cho Việt Nam, tụi lính Tàu này cư xử như những kẻ xâm lược. Đối với đám quân này, gồm những lính Vân Nam và Quảng Đông, Bắc Việt là một xứ thần tiên.
” Ngay khi tới Hà Nội ngày 18-9, tướng Lư Hán, chỉ huy trưởng, đã chiếm tòa nhà Puginier làm chỗ ở, đuổi phái bộ Sainteny ra ngoài. Lư Hán đòi tôi cho tiếp kiến, chứng tỏ Trung Quốc cố ý không biết Hồ Chí Minh. Tôi trả lời là tôi sẽ tới chào nhưng cuộc viếng thăm phải theo đúng nghi thức và chủ tịch chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh là người tiếp kiến. Đồng thời tôi cũng báo cho ông Hồ. Một thỏa thuận được tìm thấy nhanh chóng: Hồ Chí Minh tiếp tướng Lư Hán với sự hiện diện của tôi trong một biệt thự được trưng dụng. Như vậy cuộc thăm viếng không có tính cách chính thức.
“… Cùng đi theo đoàn quân Tàu là một đám các nhà chính trị thuộc các đảng phái quốc gia trốn từ trước qua Tàu được Quốc Dân Đảng cho tị nạn. Các lãnh tụ VNQDD và Đồng Minh Hội nhất quyết lấy lại ưu thế.. Được che chở bởi các tướng lãnh và những cơ quan tình báo Trung Hoa dưới quyền tướng Tiêu Văn, những người quốc gia này vội vã tước súng ống và thay thế những ủy ban nhân dân (Việt Minh) được Hồ Chí Minh thiết lập ở các tỉnh. (tr 138)
“Tình thế mỗi ngày một trở nên khó khăn với Hồ Chí Minh.. Biết đời sống bị đe dọa, mỗi đêm ông ngủ một chỗ khác. Ông vẫn tin tôi nên chỉ mình tôi biết ông ngủ đêm nào ở đâu…
“Chủ tịch cũng có vẻ bận tâm về sức khỏe của tôi và những quan hệ bạn bè của tôi. Biết là tôi hay được các bạn bè mời ăn tối, ông khuyên tôi như một người cha là phải coi chừng khi giao thiệp với đàn bà gặp ở những bữa ăn đó
“… Tôi không dễ bị mắc lừa về thái độ (của ông Hồ) đối với tôi. Nhưng hồi đó tôi không thấy ông biểu lộ một con người cứng rắn, khắc nghiệt, như sau này.
“Đối với tôi, ông (Hồ) là người rất gắn bó với nền độc lập nước nhà; Những điều ông nói tôi đều thấy hợp với nhãn quan của tôi. Không cần biết quá khứ và phương pháp hành động của ông, với tất cả sự trung trực của tôi, tôi ủng hộ ông.
“Nói cho thật, tôi thích tư thế của ông (Hồ) hơn những lãnh tụ quốc gia, thật sự chỉ là bù nhìn của bọn Tàu. Trong sự hỗn độn tôi thấy Hồ chí Minh vẫn giữ được trầm tĩnh.
– Một buổi chiều Hồ chí Minh nói với tôi: Ngài thấy không, tôi rất thất vọng về thái độ của Đồng Minh: Tôi tưởng được Nga ưu đãi. Rút cục họ chả làm gì cho chúng ta cả. Họ cũng chả thèm gửi qua đây một quan sát viên. Họ hoàn toàn lãnh đạm với vấn đề Đông Dương. Còn người Anh thì chả cần nói, chỉ cần nhìn thái độ của họ ở miền Nam Việt Nam. Họ đã thiên về Pháp và giúp Pháp tiêu diệt đồng bào ta đang tranh đấu giành độc lập. Còn người Mỹ thì ngài đã cùng tôi gặp họ. Khi tôi rời Trung Quốc, đại diện của họ có hứa hẹn với tôi và cam đoan với tôi. Để làm vui lòng họ, tôi để trong Lời nói đầu của Hiến Pháp tuyên ngôn độc lập hệt như tuyên ngôn của Jefferson năm 1776. Chúng ta được những gì? một con số không… Họ chỉ lo thay thế người Pháp và vì vậy họ cạnh tranh với Tàu. Gallagher đã nhận lời làm trung gian giữa chúng ta và bộ Ngoại giao Mỹ và đưa ra những đòi hỏi của chúng ta. Nhưng để đổi lại, ông ta đòi được tự do tổ chức lại nền kinh tế của ta, thật ra chỉ muốn nền kinh tế của ta phụ thuộc họ. Đó là những nhà tư bản, có tư bản trong máu rồi! đối với họ chỉ có business… Bữa nọ chúng ta khám phá ra là ban điều tra của họ tới hỏi cung những tù binh Nhật, không phải để biết những tội ác chiến tranh của Kampetai mà để biết những cơ sở của cửa khẩu Hải Phòng. Về phần bọn Tàu, thì ngài thấy…cả nước Tàu là một cái bụng đói! Quốc Dân Đảng chỉ là những tên trộm bợm, những đám diều hâu. Chỉ một người mà ta có thể dùng được, đó là Tiêu Văn (Siao Wen). Đó là một đứa vô lại rất tốn tiền cho chúng ta, nhưng biết được thứ chúng ta muốn và những “combin” của hắn có thể sài được; Nhưng tôi cũng nghi ngờ hắn có thể trở mặt lúc nào không hay. Khi mới tới đây hắn chơi lá bài VNQDĐ, bây giờ hắn gật đầu mỉm cười với ta. Mai mốt biết hắn cười với ai?… Nghĩ đi nghĩ lại, chắc chỉ còn có Pháp… (tr 140)
“Tôi không thể nén được ngạc nhiên trước cái kết luận như vậy nhưng nó hoàn toàn lô gíc.
“Hồ Chí Minh cho tôi thấy một lần nữa cái tài biết che giấu của ông. Ở Việt Nam công giáo chỉ là một thiểu số nhưng là một lực lượng năng động. 2 triệu tín đồ dính chặc với linh mục của họ. Ngay từ khởi đầu, Hồ Chí Minh đã tìm cách được lòng họ. Không thể không có ẩn ý khi chọn ngày 2-9 lễ Thánh Tử đạo Annam làm ngày Quốc khánh. Ông cũng đưa vào chính phủ Nguyễn Mạnh Hà khi học ở Paris là một thủ lãnh thanh niên Công giáo hoạt động xã hội và là con rể Georges Maranne, thượng nghị sĩ cộng sản quận Seine.
“Ngày 23-9 Nguyễn Mạnh Hà tổ chức một míting lớn ở Hà Nội tụ tập nhiều ngàn giáo dân để biểu lộ tinh thần ái quốc và sự tin tưởng vào chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Cũng trong bầu không khí đó, lễ tấn phong Giám mục Lê Hữu Từ được sửa soạn ở Phát Diệm. Hồ Chí Minh yêu cầu tôi thay mặt ông dự lễ vì bị mắc kẹt ở Hà Nội ngày 28-9, tướng Lư Hán đến để chính thức tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật.
“Nhưng ngày hôm trước, chủ tịch nói với tôi:
– Thưa Ngài, quân đội Pháp đã gần như dẹp yên kháng chiến Nam bộ. Sớm muộn gì bọn chúng cũng sẽ đổ bộ ở đây. Cần phải tránh không rơi vào tay chúng. Ngài là biểu tượng của nền độc lập Việt Nam. Ngài nên lợi dụng đi Phát Diệm để lánh xa Hà Nội.
– Tôi hỏi thế cụ thì sao?
– Ồ! với tôi đường lối đã vạch sẵn.
“Bữa sau tôi đi Phát Diệm cùng với Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ Nội vụ. Giám mục Lê Hữu Từ thuộc dòng tu kín (trappiste) là một nhân vật rất lạ lùng. Người bé nhỏ gầy đét trong bộ áo trắng dòng tu rộng thùng thình, cặp mắt sáng ngời lại sáng hơn nữa vì 2 lưỡng quyền nhô cao. Ông nổi tiếng trong dòng tu vì tài điều động công việc và rất biết rõ những mưu mẹo thương thuyết mặc cả.. Buổi lễ dưới quyền chủ tọa của giám mục Hà Nội là Nguyễn Bá Tòng. Giáp được Hồ Chí Minh ủy thác là mời tân giám mục Lê Hữu Từ làm cố vấn tôn giáo cho chính phủ. Đức cha Lê Hữu Từ nhận lời ngay tức khắc. (tr 141)
“Sau buổi lễ Giáp trở lại Hà Nội còn tôi đi Sầm Sơn, một bãi biển nghỉ mát ở gần Thanh Hóa.
“… Vào khoảng giữa tháng 12, một đại biểu Ủy ban tỉnh Thanh hóa đến gặp tôi và nhân danh chính phủ mời tôi ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Tôi nhận lời về mặt nguyên tắc và nhắc lại là tôi muốn trở về Hà Nội. Ông này hỏi tôi:
– Thưa ngài; ngài muốn ra ứng cử dưới danh hiệu nào?
– Dưới danh hiệu đảng Cộng sản. Tôi trả lời với chút châm biếm trước một câu hỏi như vậy.
– Không thể được thưa ngài, ông ta trả lời một cách rất nghiêm túc: Đảng Cộng sản Đông Dương đã được giải tán theo quyết định của Ủy ban Trung ương ngày 11-11.
Tôi làm sao biết được những gì xẩy ra ở Hà Nội từ ngày tôi đi khỏi.
– Vậy thi ghi tên tôi là một người cộng hòa.
“Trong 3 tuần tôi không nhận được tin tức gì. Đúng ngày 7-1 có một phái đoàn đến báo tin tôi đã trúng cử vào Quốc hội và cuộc bầu cử đã diễn ra ngày hôm qua. Tôi được bầu đại biểu tỉnh Thanh Hóa với 92% số phiếu. Mọi người đều chúc tụng tôi. Còn tôi thì không biết ngày bầu cử và tất nhiên là tôi cũng chưa đi bầu. (tr 145)
“Nhưng bây giờ tôi đã là đại biểu Quốc hội. Tôi nhờ phái đoàn nói với Ủy ban Thanh Hóa là tôi muốn trở về Hà Nội càng sớm càng hay và xin cung cấp săng cho xe tôi. 8 ngày sau, mọi chuyện đều xếp đặt xong xuôi và tôi rời bỏ Sầm Sơn trở về Hà Nội, lòng nhẹ nhõm.”
Đại biểu Quốc Hội Lập Hiến
“Ngay chiều hôm ấy, tôi trở về chỗ ở của tôi, đại lộ Hoàng Diệu Hà Nội. Từ khi tôi đi khỏi Hà Nội cách đây 3 thấng, tình hình biến chuyển rất nhiều. Ngày 19-11 Tiêu Văn triệu tập các đảng phái bắt phải thỏa thuận với nhau và quân đội của 3 đảng phải sáp nhập với nhau để chỉ còn 1 quân đội duy nhất.
“Trước những thủ đoạn chính trị của Tàu, Hồ Chí Minh chỉ còn mối bận tâm duy nhất là làm sao vứt bỏ được sự hiện diện của Tàu ở Bắc Việt. Ông sẵn sàng thân thiện lại với người Pháp. Ông biết đầu tháng 1 Pháp có cử đặc phái viên tới Trùng Khánh điều đình với Tưởng Giới Thạch để quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Hoa. Ông đợi đúng ngày bầu cử Quốc hội 6-1, làm một bản tuyên bố được báo chí Pháp đăng lại, trong đó ông nói: “Chúng tôi không thù hận gì với nước Pháp và dân tộc Pháp mà chúng tôi khâm phục. Chúng tôi không muốn cắt đứt những mối giây liên lạc đã gắn chặt hai dân tộc chúng ta…”
“… Tháng 11-45 Cao Ủy Pháp ở Sài Gòn đưa ra sắc lệnh rút hết những tờ giấy bạc 500 được in dưới thời Nhật Bản chiếm đóng. Nhưng quân đội Tàu ngay khi mới tới đã thâu cướp được rất nhiều giấy bạc 500 nên đã thương lượng được với Pháp là sắc lệnh này không có hiệu lực ở phía Bắc vĩ tuyến thứ 16… Khi từ Sầm Sơn trở về, tôi không có một đồng xu dính túi vì tuy được nuôi ăn cho ở nhưng không có một đồng lương nào. Tôi viết thư xin mẹ tôi chút tiền thì mẹ tôi hồi âm bằng 2 tờ giấy 500 trứ danh đó. Tôi đưa cho Phạm Văn Đồng, bộ trưởng bộ tài chánh nhờ ông đổi giùm. Ngày hôm sau người ta đem lại cho tôi một phong bì trong đó có 2000 đồng. Tôi tưởng là đưa lộn nên đi tới bộ Tài Chính để trả lại Phạm Văn Đồng. Phạm Văn Đồng nói với tôi:
– Không có lộn đâu
– Sao! Tôi đưa một ngàn đồng mà được đưa lại tới 2000 đồng. Ông làm tài chính như vậy thì còn lâu Việt Nam mới lấy lại được thăng bằng kinh tế.
– Nét mặt không chút xao động, Phạm Văn Đồng trả lời tôi: Tôi biết rõ tình trạng tài chính của ngài. Đây là một đặc ân tôi làm cho ngài.
“Một buổi tối, Hồ Chí Minh chìa cho tôi một tờ giấy và nói với tôi:
– Thưa ngài, trong thời gian ngài vắng mặt (ở Sầm Sơn), tôi có nhân danh ngài gửi cho Pháp một thông điệp. Tôi đọc:
“Thông điệp của Hoàng thân Vĩnh Thụy, cựu Hoàng đế Việt Nam, gửi nước Pháp….
Ký tên: Hoàng thân Vĩnh Thụy cựu Hoàng đế Bảo Đại, cố vấn chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. (tr148)
“… Chính phủ cử Giáp đi thanh tra các tỉnh cho đến tận biên giới Nam bộ với tư cách bộ trưởng bộ Nội Vụ. Tôi xin đi cùng nhưng không được chấp thuận. Giáp nói với tôi:
– Một tuần nữa tôi trở về tôi sẽ báo cáo với ngài những gì tôi thấy được.
“Một tuần sau khi tôi đang ăn trưa thì Giáp tới và nói:
– Tôi vừa về sau cuộc tuần tra.
– Mời anh ngồi cùng ăn, tôi nói.
Giáp có vẻ tư lự cúi đầu ăn không nhìn tôi. Giáp thường ngày đã ít cởi mở nhưng bữa nay bộ mặt còn có vẻ rầu rĩ hơn. Tôi để cho ông ta ngồi ăn không nói câu gì. Sau bữa ăn tôi mới hỏi:
– Thế nào?
– Phải thực tế, mặt vẫn cúi gầm.
– Anh muốn nói gì?
– Cái tôi muốn nói, là mình phải thích nghi với thằng Pháp.
– Không lẽ nào mình lại trở về với cuộc bảo hộ.
– Có thể chứ, nếu cần thiết.
– Tôi không hiểu nổi các anh nữa. Tôi chấp nhận độc lập với thằng Nhật. Tôi thoái vị. Tôi ra đi để nhường chỗ cho các anh, nay các anh lại muốn quay trở về với quá khứ.
– Mình biết làm thế nào bây giờ? Ở miền Nam tụi Pháp nó đã phá tan bộ máy của chúng ta phải mất bao công mới xây dựng được. Nó đã lấy lại hết. Chả bao lâu nữa nó sẽ đổ bộ ở đây. Chúng ta làm thế nào để chống lại được? Chúng ta có quân đội nhưng không có đạn dược…
“Được thỏa tấm lòng, Giáp kể lại cuộc hành trình… (tr 149)
“Vài ngày sau, tôi mới hiểu sự bối rối của Hồ Chí Minh và ê kíp của ông. Tôi biết giữa Chủ tịch đi cùng với Giáp và Sainteny có một cuộc hội đàm lâu dài về vấn đề sự trở lại của người Pháp và vấn đề phân chia chủ quyền. “Độc Lập” còn có nghĩa gì nữa không? Mặc dầu còn giũ được uy quyền, sự thay đổi thái độ của ông Hồ gặp một sự chống đối mạnh mẽ. Sự chống đối này được sự hỗ trợ của Tàu và của những đảng mà Tàu thao túng: Đại Việt, VNQDD, Đồng Minh… Tất cả đều đồng thanh đòi “chính phủ Việt gian” phải ra đi vì đã bán rẻ nền độc lập. Tôi biết các đảng phái này có bàn bạc với nhau về tôi.
“Ngày 27-1, 7 giờ sáng, điện thoại reo trong căn hộ tôi đường Hoàng Diệu. Hồ Chí Minh kêu tôi:
– Tôi có thể tới thăm ngài ngay tức khắc được không?
Tôi trả lời được và ngay phút sau ông đã tới. Ông có vẻ rất xuống tinh thần và ốm yếu hơn thường lệ. Ngay khi vào, ông nói ngay:
– Thưa ngài, tôi không biết làm sao nữa. Tình hình quá nguy kịch. Tôi biết rõ người Pháp sẽ không thương thuyết với tôi. Tôi không được lòng tin cậy của Đồng Minh. Tất cả đều thấy tôi “đỏ” quá. Tôi xin ngài hi sinh lần thứ hai: lấy lại quyền hành.
– Tôi trả lời: tôi đã bỏ quyền hành và không có ý lấy lại nó. Cụ biết, tôi không có tham vọng chính trị và tôi đã tự đặt mình trong cái nhiệm vụ phải phục vụ một cách trung trực chính phủ Cộng hòa.
–Tôi để lại chỗ cho ngài, ông nhấn mạnh một lần nữa, tôi sẽ là cố vấn của ngài.
– Nhưng ai sẽ trao quyền cho tôi?
– Ngài sẽ được Quốc hội tấn phong như trong mọi chế độ dân chủ.
– Tôi có được thành lập chính phủ như tôi muốn hay tôi phải lấy lại những bạn hữu của cụ?
– Ngài được tự do hoàn toàn, muốn lấy ai thì lấy.
– Nếu cụ thấy quyền lợi và độc lập của đất nước đòi hỏi như vậy thì tôi sẽ không lẩn tránh. Nhưng tôi xin cụ một chút thời gian để suy nghĩ và hỏi ý kiến các bạn bè của tôi. (tr 150)
“Ngay tức khắc tôi điện thoại cho Nguyễn Xuân Hà (Nguyễn Xuân Chữ?) và Trần Trọng Kim và tôi nói:
– Tôi có một đề nghị quan trọng muốn đưa ra bàn với các ông. Nhờ 2 ông triệu tập bạn bè, tôi sẽ đến gặp.
“Đúng 8 giờ 30, tôi tới. Tôi kể với họ về cuộc gặp gỡ với Hồ Chí Minh và đề nghị của ông Hồ. Tôi hỏi họ:
– Các ông có nghĩ đó là cái bẫy không?
“Mọi người đều không tin và Trần Trọng Kim nói rõ thêm:
– Ai cũng biết là Việt Minh có liên lạc thường xuyên với Sainteny và một thỏa ước với Pháp đang được sửa soạn. Nếu Hồ Chí Minh không thiết tha ký nó thì đề nghị của ông Hồ là thành thực. Theo tôi ngài nên nhận lời.
“Khoảng lúc 10 giờ, Hồ Chí Minh lại gọi tôi nữa và hối thúc tôi nhận lời.
– Ngài đã gặp bạn hữu của ngài chưa? Xin ngài đừng mất thì giờ và đến Quốc Hội càng sớm càng hay.
“Đúng 12 giờ trưa, tôi gọi điện thoại ông Hồ và nói tôi nhận lời.
“Trước đó tôi biết là một người thân tôi có tiếp xúc với thiếu tá Buckley, người của Tình báo Mỹ OSS. Ông này không ngạc nhiên về đề nghị của Chủ tịch và hứa hẹn người Mỹ sẽ đứng trung lập vì là chuyện nội bộ của Việt Nam.
“Điện thoại lại reo đúng 13 giờ. Hồ Chí Minh yêu cầu tôi tới gặp. Khi tới, tôi thấy rõ ràng ông đã thay đổi thái độ. Ông có vẻ đã trấn tĩnh lại, nói hơi ngượng ngùng:
– Thưa ngài, xin ngài quên đi chuyện buổi sáng nay. Tôi không có quyền từ bỏ nhiệm vụ vì tình thế khó khăn. Trao lại quyền hành cho ngài bây giờ là tôi phản bội. Tôi xin lỗi đã biểu lộ sự yếu đuối vì đã nghĩ trong những hoàn cảnh khó khăn này lại muốn trút mọi trách nhiệm lên ngài. Sở dĩ tôi nghĩ ra đi là vì các đảng quốc gia chống đối thỏa ước mà chúng tôi đang sửa soạn với người Pháp.
“Chuyện gì đã xẩy ra giữa 10 giờ và 13 giờ?
“Tôi không nghĩ sự quay ngoặt của ông Hồ là do được Moscou cam đoan hỗ trợ qua phái đoàn Ba Lan, đại diện Liên Xô ở Hà Nội. Đúng hơn là vì tướng Tiêu Văn, bị thuyết phục bởi những” lí lẽ (vàng) kêu lẻng xẻng “(dịch chữ Pháp arguments sonnants et trébuchants) được Việt Minh tung ra, nên đã nhờ chủ tướng của mình là Lư Hán làm áp lực xuống những người quốc gia – đặc biệt là VNQDD – để những người này chịu tham gia chính phủ. Như vậy nhũng người này phải chia trách nhiệm ký thỏa ước với Pháp và Việt Minh không phải chỉ một mình vác gánh trước công luận. (tr 151)
“Bắt đầu từ đó, Hồ Chí Minh yêu cầu tôi cùng làm việc để thảo bản thỏa ước trứ danh đó (Hiệp định Sơ bộ 6-3). Chúng tôi gặp nhau mỗi buổi tối trong một tuần. Theo ông Hồ, nhờ thỏa thuận với Pháp, sẽ tống khứ được bọn Tàu. Đó là mục tiêu chính của ông Hồ: loại Tàu ra để Pháp vào thay thế. Nhưng đồng thời cũng thao túng Tàu để Pháp chậm đến và đòi Pháp phải đưa ra tối đa những bảo đảm.
Thời gian ở Trung Quốc và Hồng Kông năm 1946
“… Hồ Chí Minh, vừa mới được sự thỏa thuận của tất cả các đảng phái cho Pháp trở lại, không muốn để sơ sót một thứ gì nên quyết định gửi một phái đoàn đi gặp thống chế Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh. Ông gọi tôi đến và yêu cầu tôi, với tư cách là cố vấn tối cao của chính phủ, dẫn đầu phái đoàn này mà thành phần là đủ mọi xu hướng. Ông có cảm tưởng là những tướng lãnh Trung Hoa đã phản ông nên hi vọng với sự hiện diện của tôi, và trong phái đoàn có nhiều thành phần, sẽ làm thống chế có thiện cảm với chính phủ lâm thời hơn. Nhưng Trùng Khánh vừa mới thỏa thuận cho Pháp đổ bộ – Người báo tin này cho Hồ Chí Minh là Sainteny – Và hơn nữa, Tưởng Giới Thạch vẫn chưa công nhận chính phủ của chúng ta. Trong điều kiện này tôi thấy không nên nhận nhiệm vụ. Tôi giảng giải với Hồ Chủ tịch:
– Chuyện này hơi bất trắc. Căn cứ vào chuyện vừa mới có sự thỏa thuận giữa Trùng Khánh và Pháp, nếu Tưởng Giới Thạch không tiếp tôi thì cụ với tôi đều mất mặt.
“Hồ Chí Minh cũng thấy đúng; nhưng vẫn giữ ý định gửi một phái đoàn gặp Tưởng Giới Thạch mà không có tôi.
“Hôm sau, tôi vừa mới ra khỏi nhà thì gặp một tướng Trung Hoa ở cạnh nhà tôi cùng đường Hoàng Diệu. Ông ta có vẻ biết đề nghị của Hồ Chí Minh với tôi nên đột ngột hỏi:
– Thưa ngài, ngài không muốn qua Trung Quốc? Thật là đáng tiếc, ngài nên lợi dụng cơ hội này, dù chỉ là để đi du lịch nước tôi…
Rồi ông ta nói, nửa bỡn cợt, nửa nghiêm trang:
– Với lũ điên, không biết cái chi có thể xẩy đến!
“Cái câu cuối cùng này khiến tôi nghĩ không phải ông ta gặp tôi tình cờ mà là có ý đưa cho tôi lời mời của Tưởng Giới Thạch.
“… Hôm sau tôi đến Phủ Thủ tướng (Bắc bộ phủ) gặp Hồ Chí Minh và nói:
“Cụ không cần tôi ở đây? Đã có Giáp và Đồng. Cho tôi đi qua Trung Quốc du lịch.
– Ngài có thể đi thanh thản, ông Hồ trả lời với vẻ bằng lòng. Ngài đừng lo ngại gì cả.
“… Tôi đi cùng với phái đoàn gồm 6 người: 4 đại diện Việt Minh, 2 VNQDD. (tr 153)
“Ngày 16-3-46, tôi rời Hà Nội. Chiếc máy bay DC-3 cho chúng tôi đi theo có chừng một tá sĩ quan Tàu và chở đầy những hòm lớn, chắc là đồ ăn cắp. Tụi nhà binh này này ngồi chỗ tốt nhất trong khi phái đoàn tôi bị đẩy xuống ngồi phía dưới gần những thùng hàng. Tôi không quen biết người nào trong số những người cùng đi với tôi, trừ một người tôi trông mặt hơi quen quen. Tất cả đều đi máy bay lần đầu nên không giấu được sự lo sợ… Sau 3 giờ bay, máy bay hạ cánh xuống phi trường Côn Minh nằm ở độ cao 2000 mét. Máy bay của chúng tôi không đi xa hơn được nữa. Chúng tôi phải đợi một tuần sau mới có máy bay đi Trùng Khánh nên ngày 23 mới tới. Chúng tôi ở khách sạn “Bốn mùa” lớn nhất thành phố. Tôi được ở một phòng rộng rãi còn 6 người đồng hành phải chia nhau 3 phòng tồi tàn.
“Hai ngày hôm sau, tổng thư ký của Quốc Dân Đảng đưa cho tôi giấy mời dự bữa ăn tối. Giấy chỉ mời hoàng đế Bảo Đại mà không đả động gì đến phái đoàn. Một xe đến đón tôi ở khách sạn. Chan, thư ký QDD tới đón tôi. Ông này là cựu sinh viên trường Dòng Tên Rạng Đông Thượng Hải nên nói rất giỏi tiếng Pháp.
“… Tưởng Giới Thạch rất lịch thiệp. Suốt bữa ăn ông tỏ ra rất am tường về tình hình Việt Nam. Chan làm thông ngôn cho tôi.
” Trong suốt thời gian đó, phái đoàn phải chờ hoài mà không được tiếp. Người trưởng đoàn nhờ tôi can thiệp để được Tưởng Giới Thạch cho tiếp kiến. Tôi cố thuyết phục Chan, thư ký Quốc Dân Đảng:
– Sự đoàn kết quốc gia đã được thực hiện ở Việt Nam. Phái đoàn đi cùng với tôi gồm những người đại diện 2 đảng lớn đang nắm quyền. Tất cả đều là những người bạn của Trung Quốc.
– Thưa ngài, Chan trả lời tôi, trong phái đoàn có những người cộng sản và những người cộng sản không thể nào là bạn của Trung Quốc được…
“Rút cục, sau nhiều ngày chờ đợi phái đoàn cũng được tiếp. Nhưng để không có tính cách chính thức, phái đoàn được tiếp trong một ngôi chùa cổ ở ngoài thành phố.
“Phái đoàn trở về hoàn toàn thất vọng. Tưởng Giới Thạch chỉ để đủ thời giờ cho phái đoàn đọc thông điệp của chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi, sau lời cám ơn cụt ngủn, Tưởng Giới Thạch tuyên bố là Trung Quốc, nhờ góp phần vào sự chiến thắng của Đồng Minh, đã có một chỗ ngồi giữa “Tứ cường”, muốn quanh biên giới chỉ có những nước bạn.
“Vài ngày sau, tướng Marshall, thay thế tướng Hurley, muốn gặp tôi. Tôi tới gặp ông ở văn phòng. Ông rất chú ý đến Việt Nam và muốn chính tôi kể lại cuộc cách mạng đã xẩy ra như sao khiến Việt Minh nắm được quyền hành.. Tôi nhắc lại những biến cố xẩy ra hồi tháng Tám và tháng Chín năm ngoái và nhấn mạnh vào điểm là không có những xung đột và không có khó khăn gì trong sự thay đổi quyền hành ở Hà Nội. Tôi cũng nói là tôi đã tự rút lui để không có đổ máu. Tôi cũng nhấn mạnh vào sự hòa hợp trong tân chính phủ do Hồ Chí Minh thành lập và sự ông quyết tâm thực hiện độc lập và thống nhất, hai khát vọng mà cả dân tộc Việt Nam cùng chia xẻ.
“Tướng Marshall có nhiệm vụ hòa giải Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông, đặt tôi câu hỏi:
– Ngài nghĩ thế nào về Quốc Dân Đảng?
– Thưa Đại tướng, tôi biết rất ít và không rõ nhiều để có thể có một phán đoán có giá trị. Nhưng tôi thấy những thủ đoạn, những mưu toan của các tướng lãnh và của những người của họ ở Bắc Việt ngay khi họ mới tới, thì tôi thấy chả có gì là sáng láng. Tôi sợ cả Trung Quốc đều như vậy.
“Chúng tôi chia tay nhau sau câu nói này.
“Nhiệm vụ thất bại, phái đoàn sửa soạn trở về Hà Nội. Tôi quyết định cùng trở về. Ngày 15-4, máy bay xuống Côn Minh. May mắn hơn khi đi, chúng tôi có ngay máy bay đi Hà Nội.
Khi chúng tôi sắp lên máy bay thì có người đưa cho tôi tin nhắn của Hồ Chí Minh:
“Thưa ngài, mọi sự ở đây đều tốt đẹp, xin ngài cứ thư thả ở lại. Vả lại, sự hiện diện của ngài ở Trung Quốc rất hữu ích cho chúng ta. Đừng ngại ngùng gì cả. Khi nào tôi thấy là ngài cần về, tôi sẽ báo. Xin ngài nghỉ ngơi cho khỏe để còn làm nhiều nhiệm vụ đang chờ đợi chúng ta. Ôm hôn thân ái. Ký: Hồ Chí Minh. (tr 156)
“Chủ tịch không muốn tôi trở về. Tôi chào từ biệt phái đoàn. Khi máy bay chỉ còn là một chấm nhỏ ở chân trời, tôi đứng một mình trong căn cứ cũ của không quân Mỹ. Ngồi trên bậc cầu thang của phi trường, tôi điểm lại tình hình: không những tôi trơ trọi một thân một mình mà còn hoàn toàn cùng quẫn, không có một đồng xu dính túi. Vali của tôi nằm trong hầm để đồ của máy bay, khiến tôi không có quần áo để thay và cũng không có giấy tờ hay hộ chiếu… Tôi đọc lại câu “Ôm hôn thân ái” của Hồ Chí Minh mà không thể không mỉm cười: Thật là một đại kịch gia! Khi thì săn sóc như một người cha, khi thì đầy trìu mến, ân cần, biết lợi dụng cái giáng điệu mảnh dẻ yếu ớt của mình, khi thì tỏ ra đầy uy quyền. Thật là không thiếu trào phúng… Tất cả ai gần ông lúc ban đầu đều bị nhầm, bị lừa… Người Mỹ, Sainteny, và chính tôi đây… Thật ra sự hiện diện của tôi làm ông vướng víu. Đó là lí do tôi phải đi Sầm Sơn và bây giờ là tôi phải lưu vong.
“Khi tôi đang trầm mình trong suy nghĩ thì có người tiến lại gần tôi. Một người Trung Hoa mặc âu phục bằng trạc tuổi tôi. Ông ta cười và hỏi tôi:
– Ông biết nói tiếng Pháp?
– Rất mừng có người nói chuyện, tôi trả lời: Biết chứ.
– Tôi tên là Yu, cựu luật sư ở Paris.
–Tôi cũng học ở Pháp, tên tôi là Vĩnh, sinh ở Việt Nam. Tôi đi du lịch qua đây bị lỡ máy bay.
– Ông ở đâu?
Thấy tôi lúng túng, ông ta hiểu tình trạng của tôi và không ngần ngừ đề nghị:
Ông đến ở nhà tôi. Tôi là con cựu thị trưởng thành phố này. Cha tôi mới mất cách đây ít lâu, vì vậy tôi phải về. Nhà tôi khá rộng, ông ở thoải mái.
“… Nhờ sự rộng lượng của chủ nhà, tôi sắm được quần áo trong một cửa hàng bán quần áo cũ của quân đội Mỹ. Tôi liền thay bộ đồ mới mua được. Tôi ngạc nhiên trên đường về thấy lính tráng Tàu chào tôi. Khi về đến nhà tôi mới hiểu là tôi mặc quân phục của đại tá không quân Mỹ. Cả nhà đều cười ran và chúc mừng tôi đã lên chức.
“Có một bữa chúng tôi vào ăn ở một quán thì thấy một thanh niên vòng tay kính cẩn chào:
– Thưa Hoàng thượng, ngài còn sống?
“Đó là một thanh niên Việt Nam thuộc Đoàn Thanh niên của Phan Anh nên có dịp thấy tôi khi đi theo Phan Anh vào thành nội. Trước sự ngạc nhiên của Yu tôi phải giảng nghĩa vì sao tôi phải giấu tên. Không những Yu không bực mình mà còn mời Bùi Minh (Bùi Tường Minh?) ăn cùng. Minh nói phải trốn khỏi Hà Nội vì hoạt động trong đảng Đại Việt…
“… Với 2 người con của tướng Long Vân, thống đốc tỉnh Vân Nam, cả 2 đều tốt nghiệp Saint Cyr, tôi cũng cho biết tung tích của tôi và chúng tôi họp thành một nhóm bạn hữu rất vui vẻ.
“… Tôi không nhận được tin tức gì ở Hà Nội mặc đầu tôi có cho Hồ Chí Minh biết chỗ tôi cư ngụ. Bây giờ tôi biết chắc chắn là ông Hồ không muốn có sự hiện diện của tôi ở Việt Nam.
“… Tháng 9 tôi nhận được lời mời của Chan, Tổng thư ký Quốc Dân Đảng tới Trùng Khánh.. Lạ thay Yu cũng nhận được lời mời tương tự. Yu không tỏ vẻ ngạc nhiên vì cùng học với Chan ở trường Rạng Đông Thượng Hải và thỉnh thoảng cũng được gọi về thủ đô. Yu xin đi cùng, tôi nhận lời và 2 ngày sau chúng tôi lấy máy bay đi Trùng Khánh.
“Chan muốn mời tôi đến nhà ở, tôi cám ơn và nói thích trở lại khách sạn “Bốn Mùa” hơn. Tôi lợi dụng sự rảnh rỗi để tiếp tục đọc về Trung Quốc và đi đánh quần vợt lại.
“Đầu tháng Tám, Quốc Dân Đảng báo cho tôi là có một người đồng hương sắp tới. Hơi ngạc nhiên tôi tơi phi trường đón. Anh ta chừng 30 tuổi, hình dạng không phải là một người Việt thuần túy.
“Khi ngồi trong xe anh ta nói:
– Tôi là đại tá tình báo của quân đội Thiên Hoàng, tôi có phận sự theo dõi những hành vi của Quốc Dân Đảng. Tôi sinh ở Nhật, cha Nhật mẹ Việt. Tôi được gửi tới ngài với danh nghĩa là thư ký của ngài;
Chuyện khá tức cười, tôi không nín được đặt câu hỏi:
– Tôi tưởng là những sĩ quan cao cấp Nhật đều tự sát theo truyền thống võ sĩ đạo. Tại sao ông không làm?
– Thưa ngài, những sĩ quan tình báo nhận được lệnh cấm làm hara-kiri. Họ phải tiếp tục sống và làm việc cho tương lai của Đế quốc Mặt trời. Khi tôi làm song phận sự, tôi sẽ trở về Sài Gòn theo ngả Manille và đầu hàng quân đội Anh.
Bắt đầu từ ngày đó, anh ta không rời tôi nửa bước.
“Chan, tôi gặp luôn luôn, nói với tôi là Tưởng Thống chế sắp rời đô xuống Nam Kinh, rất hân hạnh mời tôi tới Nam Kinh.
“Cuối tháng Tám Tưởng Giới Thạch xuống Nam kinh. Người thư ký “trung thành” của tôi cũng biến mất sau khi làm xong phận sự. Yu cũng theo chính phủ bỏ Trùng Khánh và nài nỉ tôi đi cùng. Tôi không muốn chút nào đi Nam kinh vì ngán thấu cổ cái bẩn thỉu của nước Tàu và thật sụ là sợ cô độc. Tôi kiếm một nơi ẩn trú đồng thời cũng là trung tâm. Tại sao không là Hồng Kông ? Yu đề nghị cùng đi với tôi vài ngày.
“8 ngày sau, ngày 15-9 chúng tôi bay đến Hồng Kông. (tr 161)
” .. Chúng tôi giữ 2 phòng ở một khách sạn hạng thường bên Cửu Long. Sau 2 tuần du lịch, Yu trở về Nam Kinh, hơi thất vọng vì tôi không đi cùng, nhưng cam đoan với tôi là sẽ được Tưởng Giới Thạch đón tiếp nếu tôi đổi ý.
“…Tôi lại sống cô độc với chút đô la HK trong túi Yu đưa cho tôi. Chỉ ít lâu sau tiền hết, tôi phải tìm cách sinh sống. Trong khi chờ đợi tôi đi dạo. Phần nhiều là đi bộ, hay đi xe buýt. Nhưng tôi cảm thấy hoàn toàn tự do. Lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác như vậy. Trong một bữa đi tản bộ, tình cờ tôi thấy trước một tòa nhà có bản đề “Ngân Hàng Đông Dương”.
“Sau một chút ngần ngừ và cũng không biết tại sao tôi bước vào. Thật tôi đúng vào ngày gặp may! Khi vào đại sảnh, tôi thấy ông Gany, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á. Ông nhận ra tôi tức khắc, rất ngạc nhiên và nói ông mới tới Hồng Kông thanh tra và hỏi thăm tình cảnh tôi. Nói vắn tắt tôi kể cho ông trường hợp nào tôi tới Hồng Kông và tôi không có tiền. Tôi muốn ông ấy ứng ra cho tôi một chút. Ngay tức khắc ông ấy đưa cho tôi chừng 2000 đô la HK. Vài ngày sau, cũng tình cờ tôi được biết hội Truyền đạo Công giáo Pháp ở Nước ngoài. Hội này bằng lòng cho tôi vay một số tiền được bảo đảm bằng tài sản của hoàng gia. Tôi không còn phải lo thiếu tiền nữa và tôi dọn tới khách sạn Gloucester ở trên đường Queen’s Road…
“… Cũng ở khách sạn này, vào khoảng giữa tháng 11, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tới gặp tôi. Ông là giấm đốc những đoàn thanh niên Nam bộ dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, rồi làm bộ trưởng không bộ nào của chính phủ Lâm thời tháng Tâm năm 1945 và bây giờ ông là đổng lý văn phòng của Hồ Chí Minh.
– Thưa ngài, tôi từ Quảng Châu tới. Tôi được cụ Chủ tịch sai tôi đưa tin và gửi lời chào thân ái, đồng thời cũng xin ngài nhận vật này: Từ trong cập ông lấy ra một cái tráp trong đó có nhiều nén vàng. Với số vàng này tôi có thể sống được 2 tháng.
– Nhờ ông cám ơn Hồ chủ tịch. Nhưng cho tôi biết hành trình qua Pháp của Hồ Chủ tịch.
– Hồ Chủ tịch tới Pháp ngày 21-10… Một chính phủ mới “Đoàn kết quốc gia” được thành lập. Hồ Chủ tịch vẫn kiêm nhiệm bộ trưởng bộ Ngoại giao. Giáp là bộ trưởng bộ Quốc phòng và Phạm Văn Đồng vẫn giữ bộ kinh tế… Và chủ tịch vẫn muốn ngài làm cố vấn tối cao cho chính phủ.
– Xin ông cám ơn giùm tôi về sự tin cậy của chủ tịch. Kể cho tôi những gì đã xẩy ra từ khi tôi đi Trung Quốc.
– Ngài đã biết là, để thi hành Thỏa ước 6-3, người Pháp đã trở lại… Chủ tịch đã gặp tướng Leclerc ở Hà Nội và Leclerc đã ưng thuận chính phủ chúng ta đi Paris để cụ thể hóa nền độc lập và sự thống nhất nước nhà.. Một buổi hội đàm đã diễn ra tại Đà Lạt ngày 17-4 để sửa soạn cuộc hành trình. Nguyễn Tường Tam sẽ dẫn đầu phái đoàn, chung quanh có Giáp, Vũ Trọng Khánh, Hoàng Xuân Hãn, Cù Huy Cận…Cũng có những người đại diện miền Nam. Rất mau chóng, các đại biểu ta thấy ngay là người Pháp không thành thật. Những gì là sự thật ở Hà Nội không còn như vậy ở Sài Gòn…Cuộc bàn cãi ở Đà Lạt kéo dài đến tận ngày 11-5. Mặc dầu người Pháp không thật lòng, Chủ tịch đã đi Pháp ngày 31-5, hi vọng vào sự gặp gỡ với chính phủ Pháp. Nhưng khi tới Pháp thì chính phủ đổ, Pháp không còn chính phủ nữa! Nghiêm trọng hơn hết là ngay sau ngày Chủ tịch đi Pháp, hôm 1-6, người Pháp thành lập ở Sài Gòn một chính phủ lâm thời Nam Kỳ với bác sĩ Thinh đứng đầu. Đó là chứng cớ sự gian dối của người Pháp….Sau một tháng rưỡi chờ đợi, Hồ chủ tịch quyết định trở về nước. Tuy vậy, để chứng minh lòng thành thật và sự rộng lượng của dân tộc Việt Nam, trước khi rời Pháp Chủ tịch đã ưng thuận ký với tổng trưởng Marius Moutet một bản đồng tuyên ngôn thiết lập giữa Việt Nam và Pháp, một Modus vivendi (Tạm ước).
“… Tôi cám ơn bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã thuyết trình và nói:
– Tôi thấy bản Tạm ước trù liệu có thể đến tháng 1- 47 sẽ tiếp tục lại những cuộc bàn cãi đã bị bỏ dở ở Hội nghị Fontainebleau. Bởi vậy tôi muốn ông nói lại với Hồ chủ tịch là tôi muốn trở về Hà Nội vào lúc đó.
– Thưa ngài, tôi nghĩ là Chủ tịch muốn ngài ở lại Hồng Kông trong thời gian đó, vì Hồng Kông là địa điểm quan sát tốt nhất. Dầu sao chăng nữa, Chủ tịch dặn ngài phải coi chừng bọn Pháp và những tụi Việt gian được Pháp dùng để thi hành những thủ đoạn của nó. (tr 166)
“Đối với tôi, chuyện đã rõ ràng, Hồ Chí Minh không muốn tôi: Ông đã đẩy tôi đi khi người Pháp trở lại và giữ tôi ở xa trong khi có Hội nghị Đà Lạt và Fontainebleau. Ông không muốn có sự hiện diện của tôi ở Hà Nội nếu cuộc thương thuyết với người Pháp bắt đầu lại.
“Vài ngày sau, gần như cả một phái đoàn tới khách sạn Gloucester xin được tôi tiếp kiến. Từ Quảng Châu tới là 3 thủ lãnh quốc gia, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam: VNQDD. Nguyễn Hải Thần: Đồng Minh Hội. Những người này đã trốn khỏi Hà Nội từ tháng 7 để tránh bị Giáp truy hại trong lúc Hồ Chí Minh vắng mặt. Nối tiếp sau đó là Trần Trọng Kim, cũng từ Quảng Châu tới. Trần Trọng Kim hỏi tôi:
– Thưa ngài, ngài tính thế nào?
– Tôi đợi Hồ Chí Minh gọi tôi về.
– Xin ngài đừng về Hà Nội, nguy hiểm lắm. Tại sao ngài không đi Nam Kinh với Quốc Dân Đảng theo lời mời của Tưởng Giới Thạch?
– Không, tôi không đi Nam Kinh. Quốc Dân Đảng coi như là sắp tiêu tan rồi. Tưởng Giới Thạch không chống lại được áp lực của cộng sản đâu và chẳng chóng thì chày, Mao Trạch Đông sẽ toàn thắng…
“… Tôi được giấy triệu tập của An ninh Anh. Gặp Cảnh sát trưởng người Anh, tôi hỏi lí do. Ông ta nói: Từ ngày ngài tới Hồng Kông tháng Mười năm ngoái, ngài thay đổi nhiều khách sạn. Chúng tôi biết ngài là ai ngay từ đầu. Tôi nhận được lệnh phải bảo đảm an ninh cho ngài. Chúng tôi dành cho ngài một cái biệt thự ở Repulsion Bay. Hai cảnh sát Trung Hoa mặc thường phục sẽ túc trực bên ngài.
“… Từ khi tôi đến ở Repulssion Bay trên đảo Victoria, biệt thự của tôi trở thành một cục nam châm thu hút khách viếng thăm. Có những khách tới để đặt trước chỗ ngồi, có những khách tới để dò dẫm cho Pháp hay cho nước ngoài khác… Tôi không có ảo tưởng gì khi bỗng nhiên nhận được sự quan tâm của nhiều người: bác sĩ Phan Huy Đán, luật sư Đinh Xuân Quảng, cả 2 thuộc đảng Xã hội, VNQDD có Trần Văn Tuyên, rồi bác sĩ Lê Văn Hoạch, phó thủ tướng chính phủ Nam Kỳ, rồi Ngô Đình Diệm mà tôi nghi là con mắt của Mỹ…(tr 171)
“… Ngày Toàn quốc Kháng chiến 19-12 đã đẩy Việt Minh vào một cuộc chiến tranh du kích. Theo tôi đó là cái lầm lớn nhất. Nhưng ai là người chịu trách nhiệm?
“Giáp chắc chắn là có một phần khi sửa soạn cuộc Tổng tấn công. Nhưng hình như phút cuối cùng Giáp hủy lệnh đánh. Cuộc tổng tấn công đã phá hoại đường lối chính trị được ấn định từ trước và đã đưa đến một cuộc chiến tranh quá lâu dài.
“Nếu không có ngày 19-12-1946 thì gì đã có thể xẩy ra ở Việt Nam? (tr 172)
Nguồn : Dân Luận
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
- Huỳnh Ngọc Chênh - Hôm nay đón Nguyễn Thúy Hạnh về nhà, kịch tính như phim
- "Sư Minh Tuệ" - by Đỗ Duy Ngọc / Trần Văn Giang (ghi lại)
- "Thế lực nào đã đầu độc tướng vi-xi Nguyễn Chí Vịnh?" - Lê Văn Đoành / Trần Văn Giang (ghi lại)
- NHỮNG NỮ LƯU LỪNG DANH Ở MỸ & THẾ GIỚI - TRẦN VĂN NGÀ
- Putin tiến thoái lưỡng nan vì đã tính sai nước cờ _ Hoài Việt
Hồi ký của cựu hoàng Bảo Đại trong giai đoạn làm cố vấn tối cao cho chính phủ Hồ Chí Minh
Phong Uyên
chuyển ngữ và giới thiệu
Sau 25 năm im hơi lặng tiếng, đầu năm 1980, cựu hoàng Bảo Đại cho xuất bản cuốn hồi ký viết bằng tiếng Pháp Le Dragon d’Annam (Rồng Nam), kể lại cuộc đời mình từ khi sinh ra ở Huế cho đến năm 1956, khi bị ông Diệm truất phế. Phần đặc sắc nhất trong cuốn sách là phần kể lại thời gian ông Bảo Đại được chủ tịch Hồ Chí Minh phong làm cố vấn tối cao, sống ở Hà Nội sau khi thoái vị cho đến khi theo một phái đoàn của chủ tịch Hồ Chí Minh qua Tàu rồi đi Hồng Kông
Cuộc Cách Mạng Việt Minh
“…. Phụ tá tổng trưởng bộ Thanh niên (Phan Anh, trong chính phủ Trần Trọng Kim) Tạ Quang Bửu, là người cho tôi biết có một nhóm kháng chiến được thành lập ở miền thượng du, vùng Cao Bằng có tên là “Liên đoàn Việt Minh”. Linh hồn nhóm này là Võ Nguyên Giáp, được Tạ Quang Bửu nói đến với đầy nhiệt tình. Sau những cuộc hành quân du kích chống Nhật, “Việt Minh” bắt liên lạc được với đồng minh Trung Hoa và Mỹ đồng thời với cả Pháp và ngay cả với Khâm sai của tôi ở Bắc bộ là Phan Kế Toại. Nhưng tôi cũng không liên lạc được với Phan Kế Toại nên không có sự khẳng định cùa ông ấy (tr 113)
“… Có rất nhiều tin xấu đến tai tôi. Nguyễn Văn Sâm, người đại diện của tôi ở Sài Gòn chưa thấy tới nhiệm sở. Nghe đồn ông ấy bị ám sát sau khi rời khỏi Huế. Ai đã giết ông ấy? … Ở Hà Nội cũng đang xẩy ra những biến cố rất quan trọng. Ngay sau khi Nhật đầu hàng, có những toán xung phong dưới quyền Võ Nguyên Giáp đột nhập vào thành phố và mở cửa nhà tù dưới cặp mắt thản nhiên của Nhật Bản. Ngày 17-8, dưới sự xúi giục của những toán này, có cuộc biểu tình tụ tập 20 ngàn người trước Nhà Hát Lớn. Mọi người đều hô to “Độc lập” và trương cờ mới màu đỏ sao vàng, mà có người nói là do Kampetai (Mật vụ Nhật) đặt ra… Cờ Đế quốc Việt Nam bị giựt xuống…
” Ngày hôm sau, khâm sai của tôi, phải bỏ nhiệm sở và được thay thế bằng một Ủy Ban chỉ đạo lâm thời… vô danh. Ngày 19, toán xung phong “Việt Minh” được tăng cường bởi một đám đông vừa đi vừa la hét, chiếm đóng các công thự: tòa Thống sứ, Tòa án, Kho bạc, trường Đại học và các trường trung học… không những quân đội Nhật có phận sự duy trì kỷ luật, không có phản ứng mà còn mở kho súng phân phát cho lính vệ binh Đông Dương (Lính Khố đỏ);
“Những tin tức đó bị ít nhiều xuyên tạc khi đến tai tôi. Về tình hình Nam Kỳ thì còn thiếu chính xác hơn nữa. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, thủ lãnh “Thanh niên Tiền phong”, hình như từ ngày 15-8 đã đứng đầu một Mặt trận Quốc gia trước khi thành lập một Ủy ban hành pháp lâm thời đặt trụ sở tại dinh Thống đốc dưới sự chủ tọa của một người tên là Trần Văn Giầu mà theo Tạ Quang Bửu, người thông tin cho tôi, là người thuộc về Việt Minh. Cũng như ở Hà Nội, Nhật cũng không có phản ứng gì ở Sài Gòn…
“Cái quan trọng hơn hết cả là ở chỗ nào cũng có những cuộc ám sát và sự mất tích, đặc biệt là những nhân vật quốc gia.
“Ngay ở Huế cũng có những truyền đơn được phân phát. Và có những nhóm không biết nghe lệnh từ đâu, tụ họp và di chuyển trong thành phố, tới tận sát Thành nội.
“Ngày 22-8, đại tá chỉ huy quân đội Nhật ở Huế tới xin triều kiến và nói với tôi là theo lệnh của Chỉ huy Đồng Minh, quân đội Nhật đã bố trí xong hệ thống bảo vệ an ninh thành nội và mọi người trong Thành. Đường từ cầu Tràng Tiền ra cũng như tất cả những lối vào Thành đã bị chắn. Tôi cực lực phản đối quyết định này và nói: “tôi tuyệt đối khước từ sự bảo vệ của ông. Tôi ra lệnh cho ông bãi bỏ hệ thống phòng vệ vì tôi không muốn một quân đội ngoại quốc làm đổ máu dân tộc tôi. (tr 117)
“Để chắc chắn là lệnh của tôi được thi hành, tôi trao cho ông ta một công hàm có dấu ấn của tôi, trút cho ông trách nhiệm phải duy trì trật tự quanh Thành nội. Tôi ghi thêm là phải mở lại tất cả mọi cửa vào Thành để mọi người tự do ra vào như thường lệ.
“Sau đó ít lâu, giám đốc Bưu điện Huế xin được gặp tôi. Ông ta đưa cho tôi một điện tín nhận được từ Hà Nội. Nội dung bức điện tín: “Trước lòng quyết tâm của toàn thể dân tộc sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập quốc gia, chúng tôi kính cẩn xin Hoàng Thượng làm một cử chỉ lịch sừ là trao quyền lại”. Điện tín này được ký bởi “Ủy ban Nhân dân Cứu quốc đại diện mọi đảng phái và mọi tầng lớp nhân dân”. Nhưng không có tên ai.
“… Sáng ngày 23 chung quanh tôi đều trống không. Từ ông Trần Trọng Kim tới mọi tổng trưởng, chả ông nào có mặt. Chỉ còn người em họ là hoàng thân Vĩnh Cẩn ở cạnh tôi.
“Những lời tâm sự của Tạ Quang Bửu trở lại trong trí tôi: Cái Mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng minh Hội” là cái gì để có thể động viên quần chúng, thực hiện những ước vọng của đám đông và bây giờ lại bảo tôi phải làm gì?
“Tôi không biết ai là những thủ lãnh. Vậy mà những người này lại có những tiếp xúc với Đồng Minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp, khi mà những lời kêu gọi tôi gửi cho Tổng thống Truman, Thống chế Tưởng Giới Thạch, Anh hoàng và tướng de Gaulle đều không được trả lời… Những lãnh tụ này có súng ống, có phương tiện, nắm được chính quyền dễ dàng trong khi tôi sống trơ trọi trong một kinh thành đã chết. Sự thành công dễ dàng của các lãnh tụ này phải chăng là đó là dấu hiệu họ đã nhận được mệnh trời? Quần chúng có một bản năng rất là chắc chắn. Bản năng này, trong những giờ phút lịch sử, luôn luôn đưa họ tới những người đã nhận được sứ mệnh phải dẫn dắt họ. Đã đến lúc tôi phải có một sự lựa chọn để dung hòa số phận của tôi với số phận của dân tộc tôi… là tôi phải ra đi.
“Nhưng ai là người tiếp nhận sự ra đi của tôi?
“Tôi bảo người em họ Vĩnh Cẩn và Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe ra ngoài thành Nội hỏi tin tức về Việt Minh. Cả hai trở về chả biết chi cả. Tôi đành đánh đại một bức điện tín gửi trống không “Ủy ban Nhân dân Cứu quốc” ở Hà Nội. Tôi viết:
“Để trả lời kêu gọi của Ủy Ban, tôi sẵn sàng tự rút lui. Trong giờ phút quyết định của lịch sử đất nước, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh hết mọi sự để có thể thực hiện được sự hợp quần. Tôi xin những người cầm đầu Ủy Ban mau vào Huế để tôi trao lại quyền hành”.
“Ngay trong đêm hôm đó, với sự giúp đỡ của Vĩnh Cẩn, tôi thảo bản chiếu Thoái vị.
“Sáng ngày 25-8, có hai đặc phái viên, đại diện “Việt Nam Độc lập Đồng minh” từ Hà Nội vào: Trần Huy Liệu, trưởng phái đoàn, là phó chủ tịch Ủy ban. Một người gầy gò trông rất thảm hại, đeo kính đen để giấu cặp mắt lé. Người đi cùng là Cù Huy Cận, trông cũng quá tầm thường. Tôi hơi thất vọng:
“Trần Huy Liệu đưa cho tôi một giấy Ủy quyền có mang chữ ký không rõ là của ai. Ông tuyên bố một cách rất long trọng:
– Nhân danh nhân dân Việt Nam, cụ Hồ Chí Minh, chủ tịch Ủy Ban Giải Phóng, cho chúng tôi cái danh dự đến Ngài để tiếp nhận quyền hành.
“Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đưa bản chiếu thoái vị. Trần Huy Liệu đọc bản chiếu cùng với Cù Huy Cận rồi 2 người nói riêng với nhau trước khi quay lại nói:
– Thưa Ngài, nhân danh nhân dân Việt Nam chúng tôi chấp nhận hoàn toàn bản chiếu này. Nhưng chúng tôi cũng xin đề nghị với Ngài là nên tổ chức một nghi lễ vắn tắt để trong buổi lễ Ngài đọc bản chiếu trước công chúng.
– Ngay buổi chiều hôm đó, trước vài ngàn người mặc triều phục được tụ tập vội vã trước cửa Ngọ Môn, tôi đọc bản chiếu cuối cùng của triều Nguyễn đề ngày 25-8-1945.
“Bản chiếu bắt đầu bằng:
Để toàn dân Việt Nam có hạnh phúc!
Để Việt Nam có được độc lập!
Trẫm tuyên bố sẵn sàng hi sinh mọi sự…
“Và kết luận bằng:
“Trẫm thích được làm công dân một nước độc lập hơn làm vua một nước bị trị”
Hoan hô Việt Nam độc lập!
Hoan hô nước Cộng hòa Dân chủ!
“… Trong một bầu không khí ngượng ngập, tôi đưa chiếc ấn tượng trưng quyền hành cho Trần Huy Liệu.
“… Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận tiễn tôi ra khỏi cửa. Trước khi chia tay, người đại diện Ủy ban Giải phóng nói với tôi:
– Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn mời ngài ra Hà Nội để cùng thiết lập những thể chế cộng hòa.
– Tôi trả lời: Thưa ông trưởng phái đoàn, tôi xin ông cho tôi gửi lời cám ơn Hồ chủ tịch và sẽ không quên ra Hà Nội theo lời mời của Chủ tịch.
“… Trở thành công dân Vĩnh Thụy từ khi thoái vị, tôi không có việc chi làm ở Huế. Tôi quyết định theo lời mời của Hồ Chí Minh ra Hà Nội. (tr 121)
Cố vấn Tối cao của Chính phủ
“ngày 6-9 tôi tới Hà Nội. Tôi được ở căn nhà của thị trưởng Hà Nội cũ, đường Gambetta (Hoàng Diệu?). Sau khi tắm rửa, tôi đi đến Bắc Bộ Phủ (dinh Thống sứ cũ) để dự bữa ăn buổi tối được tổ chức để đãi tôi.
“Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ Nội vụ đón tiếp tôi và khi ra ngồi bàn, đưa tôi tới trình diện Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mới tới. Ông bắt tay tôi một cách thân mật, cám ơn tôi đã tự rút lui và nói thêm:
– Chúng ta sẽ cùng nhau làm việc cho nền độc lập của đất nước.
“Ngày hôm sau 11 giờ tôi gặp lại Hồ Chí Minh và nói chuyện riêng với nhau. Thái độ của ông khác hẳn với ngày hôm qua; Ông đối với tôi có vẻ kính trọng và xưng hô với tôi như ở trong cung điện khi dùng chữ Ngài tương đương với chữ Sire trong tiếng Pháp, gần như thiếu một điều là xin lỗi đã lên nắm quyền:
– Thưa Ngài, chúng tôi không có liên quan gì đến bức điện mà ngài nhận được ở Huế đòi ngài phải thoái vị. Riêng về phần tôi, như khi tôi đã nói ngày 22-8, tôi muốn ngài vẫn đứng đầu nước và cử tôi làm thủ tướng chính phủ mới. Tôi không tán thành những kẻ đã làm áp lực với ngài để ngài phải thoái vị.
– Tôi cũng trả lời với cùng một lễ độ khi dùng danh từ tôn kính là Cụ (Vénérable) và cam đoan là tôi chỉ muốn làm một người công dân thường để chung sức xây dựng một nước Việt Nam mới, thống nhất và độc lập.
“Hồ Chí Minh có vẻ yên tâm và đưa ra một bức tranh đầy phấn khởi, khác hẳn với sự dè dặt trong những câu nói lần trước:
– Tất cả những giấc mơ của ta đang được thực hiện cùng một lúc. Không những thống nhất và độc lập sắp được Đồng Minh chính thức công nhận mà chiến tranh kết liễu, Nhật bản đầu hàng cũng cho phép chúng ta tiến tới một chế độ được toàn dân ủng hộ muôn người như một. Trong chế độ này mỗi người chúng ta đều có một tương lai kỳ diệu. Độc Lập, trở thành một Từ ngữ biểu tượng của đất nước, mãnh liệt như làn sóng thủy triều dâng lên từ đáy biển cả, khiến không có công cuộc nào mà chúng ta không thực hiện được…
“Trong cái áo varơ cổ cao đã sờn rách, với đôi giày săng đan thô lỗ và bộ râu lơ thơ, Hồ Chí Minh giống một nhà tu khổ hạnh đồng thời cũng giống một nhà nho Việt Nam thời xưa được đào tạo trong nền văn hóa Trung Hoa, thiên về thi tứ, văn chương triết học hơn là về hoạt động chính trị.
“Có sự ngược lại là từ thân hình mảnh khảnh, yếu ớt và từ cặp mắt sáng ngời như đang lên cơn sốt, thoát ra một niềm tin truyền cảm rất khắc phục, đồng thời cũng tỏa ra một sự thanh thản rất ấn tượng. Những câu nói của ông Hồ đều có dấu ấn của một ý nghĩa sâu xa về con người, của một sự chối bỏ mọi bạo động. Ông Hồ hoàn toàn có ý thức về những thực tại và nhưng tất yếu của Việt Nam. Ông cũng biết chiều hướng biến chuyển lịch sử dựa vào sự tự học và sự hiểu biết tất nhiên về thế giới Âu Tây cũng như thế giới Trung Hoa và thế giới Nga (tr129).
“Sau hơn một giờ nói chuyện, ông Hồ kết luận:
– Tôi yêu cầu ngài tham dự những buổi họp của hội đồng các bộ trưởng và nhận chức vụ Cố vấn tối cao của chính phủ.
“Yêu cầu này làm tôi bất ngờ. Tôi thật không bao giờ nghĩ sự góp phần kiến tạo một nước Việt Nam mới của tôi dưới hình thức này. Nhưng khi nghe ông nói, không thể chối cãi được ông Hồ là người muốn độc lập và thống nhất một cách cuồng nhiệt, nên tôi nhận lời (tr 130).
“Hội đồng bộ trưởng họp mỗi tuần một lần. Ngày 8-9 tôi dự phiên họp lần đầu tiên..
“… Thật ra hội đồng gồm 3 nhóm.
Nhóm cố cựu gồm những người theo chủ tịch Hồ Chí Minh từ thuở ban đầu như Trần Huy Liệu. Những người này sống lâu năm ở Nga, ở Trung Quốc hay biết nhau trong tù. Những người này chống Pháp kịch liệt.
Nhóm thứ hai gồm những người gọi là giáo sư trường Thăng Long, một trường tư về Luật (thật ra chỉ là một trường trung học) ở Hà Nội mà những nhân vật trong ban giảng huấn đều thuộc thành phần đại trí thức rất hiểu biết về chính trị. Trong số những người này có Võ Nguyên Giáp. Cũng có những người là cựu cán bộ của đảng Cộng sản được hợp pháp hóa khi Mặt trận Bình Dân lên nắm quyền ở Pháp như Phạm Văn Đồng. Những người này đều có văn hóa Pháp, thông minh và có óc cởi mở. Tuy chống đối kịch liệt chủ nghĩa thực dân, tranh đấu hăng say cho nền độc lập, những người này không muốn đoạn tuyệt với nước Pháp.
Sau cùng là những người gọi là những người “ngả theo”, như Dương Đức Hiền, cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Hà Nội, hay Nguyễn Mạnh Hà, cầm đầu Thanh niên hoạt động Công giáo. Đa số những người này đều là kỹ thuật viên xuất thân từ những Trường Lớn của Pháp nhưng không được (Pháp) dùng đúng với bằng cấp và khả năng của mình.
“Hồ Chí Minh ngồi ở một đầu bàn và tôi được ngồi đối diện ở đầu kia.
“… Tôi cũng lần lần khám phá ra bộ mặt thật của Hồ Chí Minh:
Có một ngày, trong buổi họp Hội đồng có cuộc bàn cãi khá sôi nổi giữa Hồ chủ tịch và Vũ Trọng Khánh, bộ trưởng bộ Tư pháp ngồi bên phải cạnh tôi. Sau buổi họp Vũ Trọng Khánh đưa cho tôi một cuốn sách nhỏ và nói với tôi:
– Ngài có vẻ ngạc nhiên về phản ứng của vị chủ tịch chúng ta. Đọc cuốn sách này ngài sẽ hiểu rõ hơn.
Tôi nhìn cái tít “Cuộc đời Nguyễn Ái Quốc” do A. Marty, trùm mật thám của Phủ Toàn quyền thảo.
– Ai là Nguyễn Ái Quốc?
Khánh nhìn tôi rồi đưa đầu về phía Hồ chủ tịch đúng vào lúc ông đi gần chúng tôi để ra khỏi phòng họp. Ngạc nhiên vì điệu bộ chúng tôi, ông lướt mắt nhìn cuốn sách rồi nhún vai, nhếch mép cười một cách hóm hỉnh, bước ra khỏi phòng họp không nói một lời.
“Về đến nhà, tôi vội vã đọc cuốn sách. Nguyễn Ái Quốc chỉ là một tên trong số cả mấy chục tên khác trong cuộc đời phiêu bạt trước khi trở thành Hồ Chí Minh… Cuốn sách của Marty ngưng lại ở đoạn này. Giáp là người kể tiếp cho tôi từ khi ông Hồ trở về nước năm 1941 và thành lập Việt Minh ngày 19-5 ở Cao Bằng.
“… Sự giao thiệp của tôi với các “đồng sự” rất là tốt đẹp. Nếu tôi gọi là các anh thì họ đều gọi tôi với cái tít Ngài. Hồ Chí Minh muốn mọi người phải xưng hô như vậy. Tôi đặc biệt gắn bó với Vũ Trọng Khánh. Ông ta có vẻ trơ trọi vì không nằm trong đảng…
“… Tôi nhận được tin Phạm Quỳnh, cựu thủ tướng của tôi, bị bắt, cũng như Ngô Đình Khôi, anh của Ngô Đình Diệm và người con là Ngô Đình Huân, thư ký riêng của đại sứ Yokoyama. Tôi can thiệp với Hồ Chí Minh:
– Thưa cụ, ai cũng muốn giúp cụ mà tôi là người đầu tiên. Xin cụ rộng lượng. Khi cụ mới cầm quyền cụ thả hết mọi người tù. Xin cụ ra lệnh thả những người bị bắt từ khi đó.
– Thưa ngài, không thể được, dân sẽ không hiểu.
– Ít ra cụ cũng thả những người cộng sự của tôi. Họ không có trách nhiệm gì cả.
– Tôi hứa với ngài tôi sẽ lo chuyện đó.
Thật ra cả hai, Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi bị giết ngay từ đầu mà ông Hồ không biết. (tr 134)
“… Giữa chúng tôi (Bảo Đại và ông Hồ) hoàn toàn có sự thông cảm. Trong những buổi đàm đạo, không bao giờ đả động gì đến những vấn đề về hệ tư tưởng. Chúng tôi cùng đi với nhau đến gặp Sainteny, người thay Messmer làm ủy viên Cộng hòa Pháp ở Bắc bộ. Chúng tôi cũng đi gặp người Mỹ và những phái viên của họ: Lansdale và thiếu tá Patti và sau này là tướng Gallagher. Tôi thấy Hồ Chí Minh nói tiếng Anh khá được.
“… Trong những cuộc đi gặp như vậy tôi luôn luôn được đẩy đi trước, khiến tôi phải nói: thưa chủ tịch tôi chỉ là cố vấn. Trái lại trong những buổi họp và biểu tình, tôi chỉ được ngồi bên phải. Sau tôi mới hiểu đó chỉ là những thủ đoạn. Chính phủ được chấp nhận nhưng không được công nhận bởi Đồng Minh. Sự có mặt của tôi cho chính phủ có bộ mặt hợp pháp hơn và tôi chỉ là bảo lãnh. (tr 135)
Trung Quốc xâm nhập
“… Toán lính đầu tiên tới Hà Nội ngày 9-9-45. Sau đó là tràn ngập lính Tàu. Tất cả là 3 quân đoàn chừng 80 ngàn người, không kể bọn tùy tùng và bầu đoàn thê tử nhào xuống Bắc Việt như những đám cào cào châu chấu. Tới với danh nghĩa bảo vệ độc lập cho Việt Nam, tụi lính Tàu này cư xử như những kẻ xâm lược. Đối với đám quân này, gồm những lính Vân Nam và Quảng Đông, Bắc Việt là một xứ thần tiên.
” Ngay khi tới Hà Nội ngày 18-9, tướng Lư Hán, chỉ huy trưởng, đã chiếm tòa nhà Puginier làm chỗ ở, đuổi phái bộ Sainteny ra ngoài. Lư Hán đòi tôi cho tiếp kiến, chứng tỏ Trung Quốc cố ý không biết Hồ Chí Minh. Tôi trả lời là tôi sẽ tới chào nhưng cuộc viếng thăm phải theo đúng nghi thức và chủ tịch chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh là người tiếp kiến. Đồng thời tôi cũng báo cho ông Hồ. Một thỏa thuận được tìm thấy nhanh chóng: Hồ Chí Minh tiếp tướng Lư Hán với sự hiện diện của tôi trong một biệt thự được trưng dụng. Như vậy cuộc thăm viếng không có tính cách chính thức.
“… Cùng đi theo đoàn quân Tàu là một đám các nhà chính trị thuộc các đảng phái quốc gia trốn từ trước qua Tàu được Quốc Dân Đảng cho tị nạn. Các lãnh tụ VNQDD và Đồng Minh Hội nhất quyết lấy lại ưu thế.. Được che chở bởi các tướng lãnh và những cơ quan tình báo Trung Hoa dưới quyền tướng Tiêu Văn, những người quốc gia này vội vã tước súng ống và thay thế những ủy ban nhân dân (Việt Minh) được Hồ Chí Minh thiết lập ở các tỉnh. (tr 138)
“Tình thế mỗi ngày một trở nên khó khăn với Hồ Chí Minh.. Biết đời sống bị đe dọa, mỗi đêm ông ngủ một chỗ khác. Ông vẫn tin tôi nên chỉ mình tôi biết ông ngủ đêm nào ở đâu…
“Chủ tịch cũng có vẻ bận tâm về sức khỏe của tôi và những quan hệ bạn bè của tôi. Biết là tôi hay được các bạn bè mời ăn tối, ông khuyên tôi như một người cha là phải coi chừng khi giao thiệp với đàn bà gặp ở những bữa ăn đó
“… Tôi không dễ bị mắc lừa về thái độ (của ông Hồ) đối với tôi. Nhưng hồi đó tôi không thấy ông biểu lộ một con người cứng rắn, khắc nghiệt, như sau này.
“Đối với tôi, ông (Hồ) là người rất gắn bó với nền độc lập nước nhà; Những điều ông nói tôi đều thấy hợp với nhãn quan của tôi. Không cần biết quá khứ và phương pháp hành động của ông, với tất cả sự trung trực của tôi, tôi ủng hộ ông.
“Nói cho thật, tôi thích tư thế của ông (Hồ) hơn những lãnh tụ quốc gia, thật sự chỉ là bù nhìn của bọn Tàu. Trong sự hỗn độn tôi thấy Hồ chí Minh vẫn giữ được trầm tĩnh.
– Một buổi chiều Hồ chí Minh nói với tôi: Ngài thấy không, tôi rất thất vọng về thái độ của Đồng Minh: Tôi tưởng được Nga ưu đãi. Rút cục họ chả làm gì cho chúng ta cả. Họ cũng chả thèm gửi qua đây một quan sát viên. Họ hoàn toàn lãnh đạm với vấn đề Đông Dương. Còn người Anh thì chả cần nói, chỉ cần nhìn thái độ của họ ở miền Nam Việt Nam. Họ đã thiên về Pháp và giúp Pháp tiêu diệt đồng bào ta đang tranh đấu giành độc lập. Còn người Mỹ thì ngài đã cùng tôi gặp họ. Khi tôi rời Trung Quốc, đại diện của họ có hứa hẹn với tôi và cam đoan với tôi. Để làm vui lòng họ, tôi để trong Lời nói đầu của Hiến Pháp tuyên ngôn độc lập hệt như tuyên ngôn của Jefferson năm 1776. Chúng ta được những gì? một con số không… Họ chỉ lo thay thế người Pháp và vì vậy họ cạnh tranh với Tàu. Gallagher đã nhận lời làm trung gian giữa chúng ta và bộ Ngoại giao Mỹ và đưa ra những đòi hỏi của chúng ta. Nhưng để đổi lại, ông ta đòi được tự do tổ chức lại nền kinh tế của ta, thật ra chỉ muốn nền kinh tế của ta phụ thuộc họ. Đó là những nhà tư bản, có tư bản trong máu rồi! đối với họ chỉ có business… Bữa nọ chúng ta khám phá ra là ban điều tra của họ tới hỏi cung những tù binh Nhật, không phải để biết những tội ác chiến tranh của Kampetai mà để biết những cơ sở của cửa khẩu Hải Phòng. Về phần bọn Tàu, thì ngài thấy…cả nước Tàu là một cái bụng đói! Quốc Dân Đảng chỉ là những tên trộm bợm, những đám diều hâu. Chỉ một người mà ta có thể dùng được, đó là Tiêu Văn (Siao Wen). Đó là một đứa vô lại rất tốn tiền cho chúng ta, nhưng biết được thứ chúng ta muốn và những “combin” của hắn có thể sài được; Nhưng tôi cũng nghi ngờ hắn có thể trở mặt lúc nào không hay. Khi mới tới đây hắn chơi lá bài VNQDĐ, bây giờ hắn gật đầu mỉm cười với ta. Mai mốt biết hắn cười với ai?… Nghĩ đi nghĩ lại, chắc chỉ còn có Pháp… (tr 140)
“Tôi không thể nén được ngạc nhiên trước cái kết luận như vậy nhưng nó hoàn toàn lô gíc.
“Hồ Chí Minh cho tôi thấy một lần nữa cái tài biết che giấu của ông. Ở Việt Nam công giáo chỉ là một thiểu số nhưng là một lực lượng năng động. 2 triệu tín đồ dính chặc với linh mục của họ. Ngay từ khởi đầu, Hồ Chí Minh đã tìm cách được lòng họ. Không thể không có ẩn ý khi chọn ngày 2-9 lễ Thánh Tử đạo Annam làm ngày Quốc khánh. Ông cũng đưa vào chính phủ Nguyễn Mạnh Hà khi học ở Paris là một thủ lãnh thanh niên Công giáo hoạt động xã hội và là con rể Georges Maranne, thượng nghị sĩ cộng sản quận Seine.
“Ngày 23-9 Nguyễn Mạnh Hà tổ chức một míting lớn ở Hà Nội tụ tập nhiều ngàn giáo dân để biểu lộ tinh thần ái quốc và sự tin tưởng vào chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Cũng trong bầu không khí đó, lễ tấn phong Giám mục Lê Hữu Từ được sửa soạn ở Phát Diệm. Hồ Chí Minh yêu cầu tôi thay mặt ông dự lễ vì bị mắc kẹt ở Hà Nội ngày 28-9, tướng Lư Hán đến để chính thức tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật.
“Nhưng ngày hôm trước, chủ tịch nói với tôi:
– Thưa Ngài, quân đội Pháp đã gần như dẹp yên kháng chiến Nam bộ. Sớm muộn gì bọn chúng cũng sẽ đổ bộ ở đây. Cần phải tránh không rơi vào tay chúng. Ngài là biểu tượng của nền độc lập Việt Nam. Ngài nên lợi dụng đi Phát Diệm để lánh xa Hà Nội.
– Tôi hỏi thế cụ thì sao?
– Ồ! với tôi đường lối đã vạch sẵn.
“Bữa sau tôi đi Phát Diệm cùng với Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng bộ Nội vụ. Giám mục Lê Hữu Từ thuộc dòng tu kín (trappiste) là một nhân vật rất lạ lùng. Người bé nhỏ gầy đét trong bộ áo trắng dòng tu rộng thùng thình, cặp mắt sáng ngời lại sáng hơn nữa vì 2 lưỡng quyền nhô cao. Ông nổi tiếng trong dòng tu vì tài điều động công việc và rất biết rõ những mưu mẹo thương thuyết mặc cả.. Buổi lễ dưới quyền chủ tọa của giám mục Hà Nội là Nguyễn Bá Tòng. Giáp được Hồ Chí Minh ủy thác là mời tân giám mục Lê Hữu Từ làm cố vấn tôn giáo cho chính phủ. Đức cha Lê Hữu Từ nhận lời ngay tức khắc. (tr 141)
“Sau buổi lễ Giáp trở lại Hà Nội còn tôi đi Sầm Sơn, một bãi biển nghỉ mát ở gần Thanh Hóa.
“… Vào khoảng giữa tháng 12, một đại biểu Ủy ban tỉnh Thanh hóa đến gặp tôi và nhân danh chính phủ mời tôi ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Tôi nhận lời về mặt nguyên tắc và nhắc lại là tôi muốn trở về Hà Nội. Ông này hỏi tôi:
– Thưa ngài; ngài muốn ra ứng cử dưới danh hiệu nào?
– Dưới danh hiệu đảng Cộng sản. Tôi trả lời với chút châm biếm trước một câu hỏi như vậy.
– Không thể được thưa ngài, ông ta trả lời một cách rất nghiêm túc: Đảng Cộng sản Đông Dương đã được giải tán theo quyết định của Ủy ban Trung ương ngày 11-11.
Tôi làm sao biết được những gì xẩy ra ở Hà Nội từ ngày tôi đi khỏi.
– Vậy thi ghi tên tôi là một người cộng hòa.
“Trong 3 tuần tôi không nhận được tin tức gì. Đúng ngày 7-1 có một phái đoàn đến báo tin tôi đã trúng cử vào Quốc hội và cuộc bầu cử đã diễn ra ngày hôm qua. Tôi được bầu đại biểu tỉnh Thanh Hóa với 92% số phiếu. Mọi người đều chúc tụng tôi. Còn tôi thì không biết ngày bầu cử và tất nhiên là tôi cũng chưa đi bầu. (tr 145)
“Nhưng bây giờ tôi đã là đại biểu Quốc hội. Tôi nhờ phái đoàn nói với Ủy ban Thanh Hóa là tôi muốn trở về Hà Nội càng sớm càng hay và xin cung cấp săng cho xe tôi. 8 ngày sau, mọi chuyện đều xếp đặt xong xuôi và tôi rời bỏ Sầm Sơn trở về Hà Nội, lòng nhẹ nhõm.”
Đại biểu Quốc Hội Lập Hiến
“Ngay chiều hôm ấy, tôi trở về chỗ ở của tôi, đại lộ Hoàng Diệu Hà Nội. Từ khi tôi đi khỏi Hà Nội cách đây 3 thấng, tình hình biến chuyển rất nhiều. Ngày 19-11 Tiêu Văn triệu tập các đảng phái bắt phải thỏa thuận với nhau và quân đội của 3 đảng phải sáp nhập với nhau để chỉ còn 1 quân đội duy nhất.
“Trước những thủ đoạn chính trị của Tàu, Hồ Chí Minh chỉ còn mối bận tâm duy nhất là làm sao vứt bỏ được sự hiện diện của Tàu ở Bắc Việt. Ông sẵn sàng thân thiện lại với người Pháp. Ông biết đầu tháng 1 Pháp có cử đặc phái viên tới Trùng Khánh điều đình với Tưởng Giới Thạch để quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Hoa. Ông đợi đúng ngày bầu cử Quốc hội 6-1, làm một bản tuyên bố được báo chí Pháp đăng lại, trong đó ông nói: “Chúng tôi không thù hận gì với nước Pháp và dân tộc Pháp mà chúng tôi khâm phục. Chúng tôi không muốn cắt đứt những mối giây liên lạc đã gắn chặt hai dân tộc chúng ta…”
“… Tháng 11-45 Cao Ủy Pháp ở Sài Gòn đưa ra sắc lệnh rút hết những tờ giấy bạc 500 được in dưới thời Nhật Bản chiếm đóng. Nhưng quân đội Tàu ngay khi mới tới đã thâu cướp được rất nhiều giấy bạc 500 nên đã thương lượng được với Pháp là sắc lệnh này không có hiệu lực ở phía Bắc vĩ tuyến thứ 16… Khi từ Sầm Sơn trở về, tôi không có một đồng xu dính túi vì tuy được nuôi ăn cho ở nhưng không có một đồng lương nào. Tôi viết thư xin mẹ tôi chút tiền thì mẹ tôi hồi âm bằng 2 tờ giấy 500 trứ danh đó. Tôi đưa cho Phạm Văn Đồng, bộ trưởng bộ tài chánh nhờ ông đổi giùm. Ngày hôm sau người ta đem lại cho tôi một phong bì trong đó có 2000 đồng. Tôi tưởng là đưa lộn nên đi tới bộ Tài Chính để trả lại Phạm Văn Đồng. Phạm Văn Đồng nói với tôi:
– Không có lộn đâu
– Sao! Tôi đưa một ngàn đồng mà được đưa lại tới 2000 đồng. Ông làm tài chính như vậy thì còn lâu Việt Nam mới lấy lại được thăng bằng kinh tế.
– Nét mặt không chút xao động, Phạm Văn Đồng trả lời tôi: Tôi biết rõ tình trạng tài chính của ngài. Đây là một đặc ân tôi làm cho ngài.
“Một buổi tối, Hồ Chí Minh chìa cho tôi một tờ giấy và nói với tôi:
– Thưa ngài, trong thời gian ngài vắng mặt (ở Sầm Sơn), tôi có nhân danh ngài gửi cho Pháp một thông điệp. Tôi đọc:
“Thông điệp của Hoàng thân Vĩnh Thụy, cựu Hoàng đế Việt Nam, gửi nước Pháp….
Ký tên: Hoàng thân Vĩnh Thụy cựu Hoàng đế Bảo Đại, cố vấn chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. (tr148)
“… Chính phủ cử Giáp đi thanh tra các tỉnh cho đến tận biên giới Nam bộ với tư cách bộ trưởng bộ Nội Vụ. Tôi xin đi cùng nhưng không được chấp thuận. Giáp nói với tôi:
– Một tuần nữa tôi trở về tôi sẽ báo cáo với ngài những gì tôi thấy được.
“Một tuần sau khi tôi đang ăn trưa thì Giáp tới và nói:
– Tôi vừa về sau cuộc tuần tra.
– Mời anh ngồi cùng ăn, tôi nói.
Giáp có vẻ tư lự cúi đầu ăn không nhìn tôi. Giáp thường ngày đã ít cởi mở nhưng bữa nay bộ mặt còn có vẻ rầu rĩ hơn. Tôi để cho ông ta ngồi ăn không nói câu gì. Sau bữa ăn tôi mới hỏi:
– Thế nào?
– Phải thực tế, mặt vẫn cúi gầm.
– Anh muốn nói gì?
– Cái tôi muốn nói, là mình phải thích nghi với thằng Pháp.
– Không lẽ nào mình lại trở về với cuộc bảo hộ.
– Có thể chứ, nếu cần thiết.
– Tôi không hiểu nổi các anh nữa. Tôi chấp nhận độc lập với thằng Nhật. Tôi thoái vị. Tôi ra đi để nhường chỗ cho các anh, nay các anh lại muốn quay trở về với quá khứ.
– Mình biết làm thế nào bây giờ? Ở miền Nam tụi Pháp nó đã phá tan bộ máy của chúng ta phải mất bao công mới xây dựng được. Nó đã lấy lại hết. Chả bao lâu nữa nó sẽ đổ bộ ở đây. Chúng ta làm thế nào để chống lại được? Chúng ta có quân đội nhưng không có đạn dược…
“Được thỏa tấm lòng, Giáp kể lại cuộc hành trình… (tr 149)
“Vài ngày sau, tôi mới hiểu sự bối rối của Hồ Chí Minh và ê kíp của ông. Tôi biết giữa Chủ tịch đi cùng với Giáp và Sainteny có một cuộc hội đàm lâu dài về vấn đề sự trở lại của người Pháp và vấn đề phân chia chủ quyền. “Độc Lập” còn có nghĩa gì nữa không? Mặc dầu còn giũ được uy quyền, sự thay đổi thái độ của ông Hồ gặp một sự chống đối mạnh mẽ. Sự chống đối này được sự hỗ trợ của Tàu và của những đảng mà Tàu thao túng: Đại Việt, VNQDD, Đồng Minh… Tất cả đều đồng thanh đòi “chính phủ Việt gian” phải ra đi vì đã bán rẻ nền độc lập. Tôi biết các đảng phái này có bàn bạc với nhau về tôi.
“Ngày 27-1, 7 giờ sáng, điện thoại reo trong căn hộ tôi đường Hoàng Diệu. Hồ Chí Minh kêu tôi:
– Tôi có thể tới thăm ngài ngay tức khắc được không?
Tôi trả lời được và ngay phút sau ông đã tới. Ông có vẻ rất xuống tinh thần và ốm yếu hơn thường lệ. Ngay khi vào, ông nói ngay:
– Thưa ngài, tôi không biết làm sao nữa. Tình hình quá nguy kịch. Tôi biết rõ người Pháp sẽ không thương thuyết với tôi. Tôi không được lòng tin cậy của Đồng Minh. Tất cả đều thấy tôi “đỏ” quá. Tôi xin ngài hi sinh lần thứ hai: lấy lại quyền hành.
– Tôi trả lời: tôi đã bỏ quyền hành và không có ý lấy lại nó. Cụ biết, tôi không có tham vọng chính trị và tôi đã tự đặt mình trong cái nhiệm vụ phải phục vụ một cách trung trực chính phủ Cộng hòa.
–Tôi để lại chỗ cho ngài, ông nhấn mạnh một lần nữa, tôi sẽ là cố vấn của ngài.
– Nhưng ai sẽ trao quyền cho tôi?
– Ngài sẽ được Quốc hội tấn phong như trong mọi chế độ dân chủ.
– Tôi có được thành lập chính phủ như tôi muốn hay tôi phải lấy lại những bạn hữu của cụ?
– Ngài được tự do hoàn toàn, muốn lấy ai thì lấy.
– Nếu cụ thấy quyền lợi và độc lập của đất nước đòi hỏi như vậy thì tôi sẽ không lẩn tránh. Nhưng tôi xin cụ một chút thời gian để suy nghĩ và hỏi ý kiến các bạn bè của tôi. (tr 150)
“Ngay tức khắc tôi điện thoại cho Nguyễn Xuân Hà (Nguyễn Xuân Chữ?) và Trần Trọng Kim và tôi nói:
– Tôi có một đề nghị quan trọng muốn đưa ra bàn với các ông. Nhờ 2 ông triệu tập bạn bè, tôi sẽ đến gặp.
“Đúng 8 giờ 30, tôi tới. Tôi kể với họ về cuộc gặp gỡ với Hồ Chí Minh và đề nghị của ông Hồ. Tôi hỏi họ:
– Các ông có nghĩ đó là cái bẫy không?
“Mọi người đều không tin và Trần Trọng Kim nói rõ thêm:
– Ai cũng biết là Việt Minh có liên lạc thường xuyên với Sainteny và một thỏa ước với Pháp đang được sửa soạn. Nếu Hồ Chí Minh không thiết tha ký nó thì đề nghị của ông Hồ là thành thực. Theo tôi ngài nên nhận lời.
“Khoảng lúc 10 giờ, Hồ Chí Minh lại gọi tôi nữa và hối thúc tôi nhận lời.
– Ngài đã gặp bạn hữu của ngài chưa? Xin ngài đừng mất thì giờ và đến Quốc Hội càng sớm càng hay.
“Đúng 12 giờ trưa, tôi gọi điện thoại ông Hồ và nói tôi nhận lời.
“Trước đó tôi biết là một người thân tôi có tiếp xúc với thiếu tá Buckley, người của Tình báo Mỹ OSS. Ông này không ngạc nhiên về đề nghị của Chủ tịch và hứa hẹn người Mỹ sẽ đứng trung lập vì là chuyện nội bộ của Việt Nam.
“Điện thoại lại reo đúng 13 giờ. Hồ Chí Minh yêu cầu tôi tới gặp. Khi tới, tôi thấy rõ ràng ông đã thay đổi thái độ. Ông có vẻ đã trấn tĩnh lại, nói hơi ngượng ngùng:
– Thưa ngài, xin ngài quên đi chuyện buổi sáng nay. Tôi không có quyền từ bỏ nhiệm vụ vì tình thế khó khăn. Trao lại quyền hành cho ngài bây giờ là tôi phản bội. Tôi xin lỗi đã biểu lộ sự yếu đuối vì đã nghĩ trong những hoàn cảnh khó khăn này lại muốn trút mọi trách nhiệm lên ngài. Sở dĩ tôi nghĩ ra đi là vì các đảng quốc gia chống đối thỏa ước mà chúng tôi đang sửa soạn với người Pháp.
“Chuyện gì đã xẩy ra giữa 10 giờ và 13 giờ?
“Tôi không nghĩ sự quay ngoặt của ông Hồ là do được Moscou cam đoan hỗ trợ qua phái đoàn Ba Lan, đại diện Liên Xô ở Hà Nội. Đúng hơn là vì tướng Tiêu Văn, bị thuyết phục bởi những” lí lẽ (vàng) kêu lẻng xẻng “(dịch chữ Pháp arguments sonnants et trébuchants) được Việt Minh tung ra, nên đã nhờ chủ tướng của mình là Lư Hán làm áp lực xuống những người quốc gia – đặc biệt là VNQDD – để những người này chịu tham gia chính phủ. Như vậy nhũng người này phải chia trách nhiệm ký thỏa ước với Pháp và Việt Minh không phải chỉ một mình vác gánh trước công luận. (tr 151)
“Bắt đầu từ đó, Hồ Chí Minh yêu cầu tôi cùng làm việc để thảo bản thỏa ước trứ danh đó (Hiệp định Sơ bộ 6-3). Chúng tôi gặp nhau mỗi buổi tối trong một tuần. Theo ông Hồ, nhờ thỏa thuận với Pháp, sẽ tống khứ được bọn Tàu. Đó là mục tiêu chính của ông Hồ: loại Tàu ra để Pháp vào thay thế. Nhưng đồng thời cũng thao túng Tàu để Pháp chậm đến và đòi Pháp phải đưa ra tối đa những bảo đảm.
Thời gian ở Trung Quốc và Hồng Kông năm 1946
“… Hồ Chí Minh, vừa mới được sự thỏa thuận của tất cả các đảng phái cho Pháp trở lại, không muốn để sơ sót một thứ gì nên quyết định gửi một phái đoàn đi gặp thống chế Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh. Ông gọi tôi đến và yêu cầu tôi, với tư cách là cố vấn tối cao của chính phủ, dẫn đầu phái đoàn này mà thành phần là đủ mọi xu hướng. Ông có cảm tưởng là những tướng lãnh Trung Hoa đã phản ông nên hi vọng với sự hiện diện của tôi, và trong phái đoàn có nhiều thành phần, sẽ làm thống chế có thiện cảm với chính phủ lâm thời hơn. Nhưng Trùng Khánh vừa mới thỏa thuận cho Pháp đổ bộ – Người báo tin này cho Hồ Chí Minh là Sainteny – Và hơn nữa, Tưởng Giới Thạch vẫn chưa công nhận chính phủ của chúng ta. Trong điều kiện này tôi thấy không nên nhận nhiệm vụ. Tôi giảng giải với Hồ Chủ tịch:
– Chuyện này hơi bất trắc. Căn cứ vào chuyện vừa mới có sự thỏa thuận giữa Trùng Khánh và Pháp, nếu Tưởng Giới Thạch không tiếp tôi thì cụ với tôi đều mất mặt.
“Hồ Chí Minh cũng thấy đúng; nhưng vẫn giữ ý định gửi một phái đoàn gặp Tưởng Giới Thạch mà không có tôi.
“Hôm sau, tôi vừa mới ra khỏi nhà thì gặp một tướng Trung Hoa ở cạnh nhà tôi cùng đường Hoàng Diệu. Ông ta có vẻ biết đề nghị của Hồ Chí Minh với tôi nên đột ngột hỏi:
– Thưa ngài, ngài không muốn qua Trung Quốc? Thật là đáng tiếc, ngài nên lợi dụng cơ hội này, dù chỉ là để đi du lịch nước tôi…
Rồi ông ta nói, nửa bỡn cợt, nửa nghiêm trang:
– Với lũ điên, không biết cái chi có thể xẩy đến!
“Cái câu cuối cùng này khiến tôi nghĩ không phải ông ta gặp tôi tình cờ mà là có ý đưa cho tôi lời mời của Tưởng Giới Thạch.
“… Hôm sau tôi đến Phủ Thủ tướng (Bắc bộ phủ) gặp Hồ Chí Minh và nói:
“Cụ không cần tôi ở đây? Đã có Giáp và Đồng. Cho tôi đi qua Trung Quốc du lịch.
– Ngài có thể đi thanh thản, ông Hồ trả lời với vẻ bằng lòng. Ngài đừng lo ngại gì cả.
“… Tôi đi cùng với phái đoàn gồm 6 người: 4 đại diện Việt Minh, 2 VNQDD. (tr 153)
“Ngày 16-3-46, tôi rời Hà Nội. Chiếc máy bay DC-3 cho chúng tôi đi theo có chừng một tá sĩ quan Tàu và chở đầy những hòm lớn, chắc là đồ ăn cắp. Tụi nhà binh này này ngồi chỗ tốt nhất trong khi phái đoàn tôi bị đẩy xuống ngồi phía dưới gần những thùng hàng. Tôi không quen biết người nào trong số những người cùng đi với tôi, trừ một người tôi trông mặt hơi quen quen. Tất cả đều đi máy bay lần đầu nên không giấu được sự lo sợ… Sau 3 giờ bay, máy bay hạ cánh xuống phi trường Côn Minh nằm ở độ cao 2000 mét. Máy bay của chúng tôi không đi xa hơn được nữa. Chúng tôi phải đợi một tuần sau mới có máy bay đi Trùng Khánh nên ngày 23 mới tới. Chúng tôi ở khách sạn “Bốn mùa” lớn nhất thành phố. Tôi được ở một phòng rộng rãi còn 6 người đồng hành phải chia nhau 3 phòng tồi tàn.
“Hai ngày hôm sau, tổng thư ký của Quốc Dân Đảng đưa cho tôi giấy mời dự bữa ăn tối. Giấy chỉ mời hoàng đế Bảo Đại mà không đả động gì đến phái đoàn. Một xe đến đón tôi ở khách sạn. Chan, thư ký QDD tới đón tôi. Ông này là cựu sinh viên trường Dòng Tên Rạng Đông Thượng Hải nên nói rất giỏi tiếng Pháp.
“… Tưởng Giới Thạch rất lịch thiệp. Suốt bữa ăn ông tỏ ra rất am tường về tình hình Việt Nam. Chan làm thông ngôn cho tôi.
” Trong suốt thời gian đó, phái đoàn phải chờ hoài mà không được tiếp. Người trưởng đoàn nhờ tôi can thiệp để được Tưởng Giới Thạch cho tiếp kiến. Tôi cố thuyết phục Chan, thư ký Quốc Dân Đảng:
– Sự đoàn kết quốc gia đã được thực hiện ở Việt Nam. Phái đoàn đi cùng với tôi gồm những người đại diện 2 đảng lớn đang nắm quyền. Tất cả đều là những người bạn của Trung Quốc.
– Thưa ngài, Chan trả lời tôi, trong phái đoàn có những người cộng sản và những người cộng sản không thể nào là bạn của Trung Quốc được…
“Rút cục, sau nhiều ngày chờ đợi phái đoàn cũng được tiếp. Nhưng để không có tính cách chính thức, phái đoàn được tiếp trong một ngôi chùa cổ ở ngoài thành phố.
“Phái đoàn trở về hoàn toàn thất vọng. Tưởng Giới Thạch chỉ để đủ thời giờ cho phái đoàn đọc thông điệp của chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi, sau lời cám ơn cụt ngủn, Tưởng Giới Thạch tuyên bố là Trung Quốc, nhờ góp phần vào sự chiến thắng của Đồng Minh, đã có một chỗ ngồi giữa “Tứ cường”, muốn quanh biên giới chỉ có những nước bạn.
“Vài ngày sau, tướng Marshall, thay thế tướng Hurley, muốn gặp tôi. Tôi tới gặp ông ở văn phòng. Ông rất chú ý đến Việt Nam và muốn chính tôi kể lại cuộc cách mạng đã xẩy ra như sao khiến Việt Minh nắm được quyền hành.. Tôi nhắc lại những biến cố xẩy ra hồi tháng Tám và tháng Chín năm ngoái và nhấn mạnh vào điểm là không có những xung đột và không có khó khăn gì trong sự thay đổi quyền hành ở Hà Nội. Tôi cũng nói là tôi đã tự rút lui để không có đổ máu. Tôi cũng nhấn mạnh vào sự hòa hợp trong tân chính phủ do Hồ Chí Minh thành lập và sự ông quyết tâm thực hiện độc lập và thống nhất, hai khát vọng mà cả dân tộc Việt Nam cùng chia xẻ.
“Tướng Marshall có nhiệm vụ hòa giải Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông, đặt tôi câu hỏi:
– Ngài nghĩ thế nào về Quốc Dân Đảng?
– Thưa Đại tướng, tôi biết rất ít và không rõ nhiều để có thể có một phán đoán có giá trị. Nhưng tôi thấy những thủ đoạn, những mưu toan của các tướng lãnh và của những người của họ ở Bắc Việt ngay khi họ mới tới, thì tôi thấy chả có gì là sáng láng. Tôi sợ cả Trung Quốc đều như vậy.
“Chúng tôi chia tay nhau sau câu nói này.
“Nhiệm vụ thất bại, phái đoàn sửa soạn trở về Hà Nội. Tôi quyết định cùng trở về. Ngày 15-4, máy bay xuống Côn Minh. May mắn hơn khi đi, chúng tôi có ngay máy bay đi Hà Nội.
Khi chúng tôi sắp lên máy bay thì có người đưa cho tôi tin nhắn của Hồ Chí Minh:
“Thưa ngài, mọi sự ở đây đều tốt đẹp, xin ngài cứ thư thả ở lại. Vả lại, sự hiện diện của ngài ở Trung Quốc rất hữu ích cho chúng ta. Đừng ngại ngùng gì cả. Khi nào tôi thấy là ngài cần về, tôi sẽ báo. Xin ngài nghỉ ngơi cho khỏe để còn làm nhiều nhiệm vụ đang chờ đợi chúng ta. Ôm hôn thân ái. Ký: Hồ Chí Minh. (tr 156)
“Chủ tịch không muốn tôi trở về. Tôi chào từ biệt phái đoàn. Khi máy bay chỉ còn là một chấm nhỏ ở chân trời, tôi đứng một mình trong căn cứ cũ của không quân Mỹ. Ngồi trên bậc cầu thang của phi trường, tôi điểm lại tình hình: không những tôi trơ trọi một thân một mình mà còn hoàn toàn cùng quẫn, không có một đồng xu dính túi. Vali của tôi nằm trong hầm để đồ của máy bay, khiến tôi không có quần áo để thay và cũng không có giấy tờ hay hộ chiếu… Tôi đọc lại câu “Ôm hôn thân ái” của Hồ Chí Minh mà không thể không mỉm cười: Thật là một đại kịch gia! Khi thì săn sóc như một người cha, khi thì đầy trìu mến, ân cần, biết lợi dụng cái giáng điệu mảnh dẻ yếu ớt của mình, khi thì tỏ ra đầy uy quyền. Thật là không thiếu trào phúng… Tất cả ai gần ông lúc ban đầu đều bị nhầm, bị lừa… Người Mỹ, Sainteny, và chính tôi đây… Thật ra sự hiện diện của tôi làm ông vướng víu. Đó là lí do tôi phải đi Sầm Sơn và bây giờ là tôi phải lưu vong.
“Khi tôi đang trầm mình trong suy nghĩ thì có người tiến lại gần tôi. Một người Trung Hoa mặc âu phục bằng trạc tuổi tôi. Ông ta cười và hỏi tôi:
– Ông biết nói tiếng Pháp?
– Rất mừng có người nói chuyện, tôi trả lời: Biết chứ.
– Tôi tên là Yu, cựu luật sư ở Paris.
–Tôi cũng học ở Pháp, tên tôi là Vĩnh, sinh ở Việt Nam. Tôi đi du lịch qua đây bị lỡ máy bay.
– Ông ở đâu?
Thấy tôi lúng túng, ông ta hiểu tình trạng của tôi và không ngần ngừ đề nghị:
Ông đến ở nhà tôi. Tôi là con cựu thị trưởng thành phố này. Cha tôi mới mất cách đây ít lâu, vì vậy tôi phải về. Nhà tôi khá rộng, ông ở thoải mái.
“… Nhờ sự rộng lượng của chủ nhà, tôi sắm được quần áo trong một cửa hàng bán quần áo cũ của quân đội Mỹ. Tôi liền thay bộ đồ mới mua được. Tôi ngạc nhiên trên đường về thấy lính tráng Tàu chào tôi. Khi về đến nhà tôi mới hiểu là tôi mặc quân phục của đại tá không quân Mỹ. Cả nhà đều cười ran và chúc mừng tôi đã lên chức.
“Có một bữa chúng tôi vào ăn ở một quán thì thấy một thanh niên vòng tay kính cẩn chào:
– Thưa Hoàng thượng, ngài còn sống?
“Đó là một thanh niên Việt Nam thuộc Đoàn Thanh niên của Phan Anh nên có dịp thấy tôi khi đi theo Phan Anh vào thành nội. Trước sự ngạc nhiên của Yu tôi phải giảng nghĩa vì sao tôi phải giấu tên. Không những Yu không bực mình mà còn mời Bùi Minh (Bùi Tường Minh?) ăn cùng. Minh nói phải trốn khỏi Hà Nội vì hoạt động trong đảng Đại Việt…
“… Với 2 người con của tướng Long Vân, thống đốc tỉnh Vân Nam, cả 2 đều tốt nghiệp Saint Cyr, tôi cũng cho biết tung tích của tôi và chúng tôi họp thành một nhóm bạn hữu rất vui vẻ.
“… Tôi không nhận được tin tức gì ở Hà Nội mặc đầu tôi có cho Hồ Chí Minh biết chỗ tôi cư ngụ. Bây giờ tôi biết chắc chắn là ông Hồ không muốn có sự hiện diện của tôi ở Việt Nam.
“… Tháng 9 tôi nhận được lời mời của Chan, Tổng thư ký Quốc Dân Đảng tới Trùng Khánh.. Lạ thay Yu cũng nhận được lời mời tương tự. Yu không tỏ vẻ ngạc nhiên vì cùng học với Chan ở trường Rạng Đông Thượng Hải và thỉnh thoảng cũng được gọi về thủ đô. Yu xin đi cùng, tôi nhận lời và 2 ngày sau chúng tôi lấy máy bay đi Trùng Khánh.
“Chan muốn mời tôi đến nhà ở, tôi cám ơn và nói thích trở lại khách sạn “Bốn Mùa” hơn. Tôi lợi dụng sự rảnh rỗi để tiếp tục đọc về Trung Quốc và đi đánh quần vợt lại.
“Đầu tháng Tám, Quốc Dân Đảng báo cho tôi là có một người đồng hương sắp tới. Hơi ngạc nhiên tôi tơi phi trường đón. Anh ta chừng 30 tuổi, hình dạng không phải là một người Việt thuần túy.
“Khi ngồi trong xe anh ta nói:
– Tôi là đại tá tình báo của quân đội Thiên Hoàng, tôi có phận sự theo dõi những hành vi của Quốc Dân Đảng. Tôi sinh ở Nhật, cha Nhật mẹ Việt. Tôi được gửi tới ngài với danh nghĩa là thư ký của ngài;
Chuyện khá tức cười, tôi không nín được đặt câu hỏi:
– Tôi tưởng là những sĩ quan cao cấp Nhật đều tự sát theo truyền thống võ sĩ đạo. Tại sao ông không làm?
– Thưa ngài, những sĩ quan tình báo nhận được lệnh cấm làm hara-kiri. Họ phải tiếp tục sống và làm việc cho tương lai của Đế quốc Mặt trời. Khi tôi làm song phận sự, tôi sẽ trở về Sài Gòn theo ngả Manille và đầu hàng quân đội Anh.
Bắt đầu từ ngày đó, anh ta không rời tôi nửa bước.
“Chan, tôi gặp luôn luôn, nói với tôi là Tưởng Thống chế sắp rời đô xuống Nam Kinh, rất hân hạnh mời tôi tới Nam Kinh.
“Cuối tháng Tám Tưởng Giới Thạch xuống Nam kinh. Người thư ký “trung thành” của tôi cũng biến mất sau khi làm xong phận sự. Yu cũng theo chính phủ bỏ Trùng Khánh và nài nỉ tôi đi cùng. Tôi không muốn chút nào đi Nam kinh vì ngán thấu cổ cái bẩn thỉu của nước Tàu và thật sụ là sợ cô độc. Tôi kiếm một nơi ẩn trú đồng thời cũng là trung tâm. Tại sao không là Hồng Kông ? Yu đề nghị cùng đi với tôi vài ngày.
“8 ngày sau, ngày 15-9 chúng tôi bay đến Hồng Kông. (tr 161)
” .. Chúng tôi giữ 2 phòng ở một khách sạn hạng thường bên Cửu Long. Sau 2 tuần du lịch, Yu trở về Nam Kinh, hơi thất vọng vì tôi không đi cùng, nhưng cam đoan với tôi là sẽ được Tưởng Giới Thạch đón tiếp nếu tôi đổi ý.
“…Tôi lại sống cô độc với chút đô la HK trong túi Yu đưa cho tôi. Chỉ ít lâu sau tiền hết, tôi phải tìm cách sinh sống. Trong khi chờ đợi tôi đi dạo. Phần nhiều là đi bộ, hay đi xe buýt. Nhưng tôi cảm thấy hoàn toàn tự do. Lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác như vậy. Trong một bữa đi tản bộ, tình cờ tôi thấy trước một tòa nhà có bản đề “Ngân Hàng Đông Dương”.
“Sau một chút ngần ngừ và cũng không biết tại sao tôi bước vào. Thật tôi đúng vào ngày gặp may! Khi vào đại sảnh, tôi thấy ông Gany, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á. Ông nhận ra tôi tức khắc, rất ngạc nhiên và nói ông mới tới Hồng Kông thanh tra và hỏi thăm tình cảnh tôi. Nói vắn tắt tôi kể cho ông trường hợp nào tôi tới Hồng Kông và tôi không có tiền. Tôi muốn ông ấy ứng ra cho tôi một chút. Ngay tức khắc ông ấy đưa cho tôi chừng 2000 đô la HK. Vài ngày sau, cũng tình cờ tôi được biết hội Truyền đạo Công giáo Pháp ở Nước ngoài. Hội này bằng lòng cho tôi vay một số tiền được bảo đảm bằng tài sản của hoàng gia. Tôi không còn phải lo thiếu tiền nữa và tôi dọn tới khách sạn Gloucester ở trên đường Queen’s Road…
“… Cũng ở khách sạn này, vào khoảng giữa tháng 11, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tới gặp tôi. Ông là giấm đốc những đoàn thanh niên Nam bộ dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, rồi làm bộ trưởng không bộ nào của chính phủ Lâm thời tháng Tâm năm 1945 và bây giờ ông là đổng lý văn phòng của Hồ Chí Minh.
– Thưa ngài, tôi từ Quảng Châu tới. Tôi được cụ Chủ tịch sai tôi đưa tin và gửi lời chào thân ái, đồng thời cũng xin ngài nhận vật này: Từ trong cập ông lấy ra một cái tráp trong đó có nhiều nén vàng. Với số vàng này tôi có thể sống được 2 tháng.
– Nhờ ông cám ơn Hồ chủ tịch. Nhưng cho tôi biết hành trình qua Pháp của Hồ Chủ tịch.
– Hồ Chủ tịch tới Pháp ngày 21-10… Một chính phủ mới “Đoàn kết quốc gia” được thành lập. Hồ Chủ tịch vẫn kiêm nhiệm bộ trưởng bộ Ngoại giao. Giáp là bộ trưởng bộ Quốc phòng và Phạm Văn Đồng vẫn giữ bộ kinh tế… Và chủ tịch vẫn muốn ngài làm cố vấn tối cao cho chính phủ.
– Xin ông cám ơn giùm tôi về sự tin cậy của chủ tịch. Kể cho tôi những gì đã xẩy ra từ khi tôi đi Trung Quốc.
– Ngài đã biết là, để thi hành Thỏa ước 6-3, người Pháp đã trở lại… Chủ tịch đã gặp tướng Leclerc ở Hà Nội và Leclerc đã ưng thuận chính phủ chúng ta đi Paris để cụ thể hóa nền độc lập và sự thống nhất nước nhà.. Một buổi hội đàm đã diễn ra tại Đà Lạt ngày 17-4 để sửa soạn cuộc hành trình. Nguyễn Tường Tam sẽ dẫn đầu phái đoàn, chung quanh có Giáp, Vũ Trọng Khánh, Hoàng Xuân Hãn, Cù Huy Cận…Cũng có những người đại diện miền Nam. Rất mau chóng, các đại biểu ta thấy ngay là người Pháp không thành thật. Những gì là sự thật ở Hà Nội không còn như vậy ở Sài Gòn…Cuộc bàn cãi ở Đà Lạt kéo dài đến tận ngày 11-5. Mặc dầu người Pháp không thật lòng, Chủ tịch đã đi Pháp ngày 31-5, hi vọng vào sự gặp gỡ với chính phủ Pháp. Nhưng khi tới Pháp thì chính phủ đổ, Pháp không còn chính phủ nữa! Nghiêm trọng hơn hết là ngay sau ngày Chủ tịch đi Pháp, hôm 1-6, người Pháp thành lập ở Sài Gòn một chính phủ lâm thời Nam Kỳ với bác sĩ Thinh đứng đầu. Đó là chứng cớ sự gian dối của người Pháp….Sau một tháng rưỡi chờ đợi, Hồ chủ tịch quyết định trở về nước. Tuy vậy, để chứng minh lòng thành thật và sự rộng lượng của dân tộc Việt Nam, trước khi rời Pháp Chủ tịch đã ưng thuận ký với tổng trưởng Marius Moutet một bản đồng tuyên ngôn thiết lập giữa Việt Nam và Pháp, một Modus vivendi (Tạm ước).
“… Tôi cám ơn bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã thuyết trình và nói:
– Tôi thấy bản Tạm ước trù liệu có thể đến tháng 1- 47 sẽ tiếp tục lại những cuộc bàn cãi đã bị bỏ dở ở Hội nghị Fontainebleau. Bởi vậy tôi muốn ông nói lại với Hồ chủ tịch là tôi muốn trở về Hà Nội vào lúc đó.
– Thưa ngài, tôi nghĩ là Chủ tịch muốn ngài ở lại Hồng Kông trong thời gian đó, vì Hồng Kông là địa điểm quan sát tốt nhất. Dầu sao chăng nữa, Chủ tịch dặn ngài phải coi chừng bọn Pháp và những tụi Việt gian được Pháp dùng để thi hành những thủ đoạn của nó. (tr 166)
“Đối với tôi, chuyện đã rõ ràng, Hồ Chí Minh không muốn tôi: Ông đã đẩy tôi đi khi người Pháp trở lại và giữ tôi ở xa trong khi có Hội nghị Đà Lạt và Fontainebleau. Ông không muốn có sự hiện diện của tôi ở Hà Nội nếu cuộc thương thuyết với người Pháp bắt đầu lại.
“Vài ngày sau, gần như cả một phái đoàn tới khách sạn Gloucester xin được tôi tiếp kiến. Từ Quảng Châu tới là 3 thủ lãnh quốc gia, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam: VNQDD. Nguyễn Hải Thần: Đồng Minh Hội. Những người này đã trốn khỏi Hà Nội từ tháng 7 để tránh bị Giáp truy hại trong lúc Hồ Chí Minh vắng mặt. Nối tiếp sau đó là Trần Trọng Kim, cũng từ Quảng Châu tới. Trần Trọng Kim hỏi tôi:
– Thưa ngài, ngài tính thế nào?
– Tôi đợi Hồ Chí Minh gọi tôi về.
– Xin ngài đừng về Hà Nội, nguy hiểm lắm. Tại sao ngài không đi Nam Kinh với Quốc Dân Đảng theo lời mời của Tưởng Giới Thạch?
– Không, tôi không đi Nam Kinh. Quốc Dân Đảng coi như là sắp tiêu tan rồi. Tưởng Giới Thạch không chống lại được áp lực của cộng sản đâu và chẳng chóng thì chày, Mao Trạch Đông sẽ toàn thắng…
“… Tôi được giấy triệu tập của An ninh Anh. Gặp Cảnh sát trưởng người Anh, tôi hỏi lí do. Ông ta nói: Từ ngày ngài tới Hồng Kông tháng Mười năm ngoái, ngài thay đổi nhiều khách sạn. Chúng tôi biết ngài là ai ngay từ đầu. Tôi nhận được lệnh phải bảo đảm an ninh cho ngài. Chúng tôi dành cho ngài một cái biệt thự ở Repulsion Bay. Hai cảnh sát Trung Hoa mặc thường phục sẽ túc trực bên ngài.
“… Từ khi tôi đến ở Repulssion Bay trên đảo Victoria, biệt thự của tôi trở thành một cục nam châm thu hút khách viếng thăm. Có những khách tới để đặt trước chỗ ngồi, có những khách tới để dò dẫm cho Pháp hay cho nước ngoài khác… Tôi không có ảo tưởng gì khi bỗng nhiên nhận được sự quan tâm của nhiều người: bác sĩ Phan Huy Đán, luật sư Đinh Xuân Quảng, cả 2 thuộc đảng Xã hội, VNQDD có Trần Văn Tuyên, rồi bác sĩ Lê Văn Hoạch, phó thủ tướng chính phủ Nam Kỳ, rồi Ngô Đình Diệm mà tôi nghi là con mắt của Mỹ…(tr 171)
“… Ngày Toàn quốc Kháng chiến 19-12 đã đẩy Việt Minh vào một cuộc chiến tranh du kích. Theo tôi đó là cái lầm lớn nhất. Nhưng ai là người chịu trách nhiệm?
“Giáp chắc chắn là có một phần khi sửa soạn cuộc Tổng tấn công. Nhưng hình như phút cuối cùng Giáp hủy lệnh đánh. Cuộc tổng tấn công đã phá hoại đường lối chính trị được ấn định từ trước và đã đưa đến một cuộc chiến tranh quá lâu dài.
“Nếu không có ngày 19-12-1946 thì gì đã có thể xẩy ra ở Việt Nam? (tr 172)
Nguồn : Dân Luận