Dù không nói rõ lý do vì sao mình lại rút lại « giấy phép » cho mượn sân bay, nhưng chính quyền Teheran đã công khai chỉ trích Mátxcơva là đã khoe khoang quá lố việc oanh tạc cơ Nga xuất phát từ căn cứ không quân Hamadan ở miền Tây Iran để qua Syria tiến hành không kích, mà không đếm xỉa gì đến Iran.
Trước sự đã rồi, Mátxcơva đã ngậm bồ hòn làm ngọt, loan báo rằng các chiến đấu-oanh tạc cơ của họ cất cánh từ Iran đã hoàn thành nhiệm vụ và đã trở về Nga.
Theo các nhà quan sát, việc Iran đột ngột hủy bỏ đặc quyền dùng sân bay dành cho Nga phản ánh mối nghi kỵ sâu xa và lâu đời của Teheran đối với Mátxcơva, mặc dù hiện nay, hai nước là đồng minh chiến thuật của nhau trong cuộc chiến Syria.
Quyết định nói trên, dù chỉ tạm thời như Iran cho biết, cũng phản ánh một thực tế là nước Nga, có thể vì quá tự mãn trước vai trò đang lên của mình tại Trung Đông, đã không chú ý đến tác động của hành động thông báo công khai việc sử dụng sân bay Iran trong dư luận quốc gia Hồi Giáo này.
Trả lời nhật báo Mỹ The New York Times, ông Maziar Behrooz, một giáo sư lịch sử tại Đại Học Tiểu Bang San Francisco và là một chuyên gia về quan hệ Iran-Nga, nhận định là không nói gì xa xoi, việc Iran quyết định rút giấy phép sử dụng sân bay, thể hiện sự « thiếu phối hợp » giữa hai bên về cách thức, thậm chí cả về việc có nên loan báo hay là giữ bí mật về thỏa thuận này.
Theo ông : « Nga đã loan báo công khai điều này mà không quan tâm đến sự nhậy cảm trong nội bộ Iran… Giá mà Nga im lặng thì có lẽ không có vấn đề gì xẩy ra ».
Thái độ bị đánh giá là quá kiêu căng của Nga có lẽ đã là một bước đi quá trớn, xoáy vào tâm lý bực tức của Iran từ gần một năm nay khi thấy Nga qua mặt mình trong vai trò đồng minh hàng đầu của chế độ Damas.
Nga đã triển khai lực lượng không quân hùng hậu từ tháng 9/2015 để giúp các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria, và đã tăng cường được uy tín với chế độ Damas, xóa nhòe vai trò của Teheran trong khi chính Iran và các lực lượng dân quân đồng minh thì phải khổ nhọc dưới đất, chịu thương vong nặng nề, để giúp đỡ Chính quyền Syria.
Iran và Nga cùng chia sẻ mục tiêu lớn, chủ yếu là ngăn ngừa việc lật đổ Tổng thống Assad bằng vũ lực. Họ cũng muốn triệt hạ các phần tử cực đoan Hồi Giáo bị cho là mối đe dọa đối với an ninh của chính họ.
Nhưng hai nước lại có cách tiếp cận, vai trò và tầm nhìn dài hạn rất khác nhau.
Ưu tiên của Nga là ngăn chặn việc chế độ tại Damas thay đổi theo kiểu phương Tây, bảo vệ các định chế nhà nước Syria, và không nhất thiết phải duy trì ông Assad.
Trong lúc đó, Iran lại chú ý nhiều hơn đến việc mở rộng uy lực ra toàn vùng Trung Đông, thông qua quan hệ với các nhóm Hezbollah ở Liban hoặc các lực lượng dân quân người Shiai khác và cả với ông Assad, người đã từ lâu cho phép Iran tiếp viện vũ khí cho Hezbollah ở Iran qua ngã Syria.
Nga và Iran cũng khác nhau đáng kể về Israel. Iran và Israel xem nhau như kẻ thù không đội trời chung, trong khi Nga vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Israel, nơi có một triệu người Nga di cư.
Dẫu sao thì thông tin về việc Nga không dùng căn cứ tại Iran nữa đã được phương Tây và nhất là Hoa Kỳ đón nhận trong hoài nghi. Các chuyên gia và quan chức Mỹ cảnh báo rằng hiện còn quá sớm để kiểm chứng xem là phải chăng hoạt động của Nga đã thực sự bị ngừng.