Người dân đi lại trong thành phố Bucha, phía tây bắc thủ đô Kiev, Ukraine - Ảnh: EPA
* Theo Hãng tin Reuters, ngày 7-4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng Nga đã phóng tên lửa phá hủy 4 cơ sở dự trữ nhiên liệu
ở các thành phố Mykolaiv, Kharkov, Zaporizhzhia và Chuhuiv của Ukraine
trong đêm trước đó, vì cho rằng cơ sở này được sử dụng để hỗ trợ quân
đội Ukraine gần các thành phố Mykolaiv và Kharkov và trong vùng Donbass.
*
Theo Hãng tin Reuters, tham gia hội đàm với các đại diện NATO và G7
ngày 7-4, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Ukraine đang tìm
kiếm "những giải pháp dài hạn" nhằm giúp nước này giành chiến thắng
trong cuộc xung đột với Nga.
"Chương trình nghị sự của tôi (khi đến cuộc họp này) rất đơn giản. Chỉ có 3 thứ, đó là: Vũ khí, vũ khí, và vũ khí", ông Kuleba nói.
* Theo báo Guardian ngày 7-4, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk kêu gọi người dân rời khỏi miền đông đất nước
"trong khi vẫn còn cơ hội". Bà Vereshchuk nói Ukraine dự kiến Nga sẽ có
một cuộc tấn công quy mô lớn tại mặt trận phía đông đất nước trong
những ngày tới. Điện Kremlin từng cho biết mục tiêu của Nga là "giải
phóng" vùng Donbass.
Người dân địa phương bên cạnh một chiếc xe tăng Nga tại Hostomel, ngoại ô thủ đô Kiev, Ukraine ngày 6-4 - Ảnh: REUTERS
* Theo Hãng tin Reuters ngày 7-4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Nga nên bị trục xuất khỏi nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20). Bà nói Mỹ sẽ tẩy chay "một số cuộc họp của G20" nếu có quan chức Nga tham dự.
Trước
đó, Điện Kremlin từng cho biết sẽ không có gì khủng khiếp xảy ra nếu Mỹ
và các đồng minh trục xuất Nga khỏi G20, vì nhiều thành viên G20 cũng
đang có chiến tranh kinh tế với Matxcơva.
* Ngày 6-4, Washington thông báo truy tố nhà tài phiệt Nga Konstantin Malofeyev vì
vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ khi thông qua người khác để mua và
điều hành một số hãng truyền thông ở châu Âu, theo Hãng tin AFP.
Bộ
trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết tỉ phú Nga trước đây được
xác định là người hỗ trợ tài chính cho những người Nga thúc đẩy chủ
nghĩa ly khai ở Crimea, cũng như hỗ trợ cho vùng ly khai Donetsk ở miền
đông Ukraine.
* Đài RT dẫn lời Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày
6-4 (giờ địa phương) cho biết ông đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin
gặp các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức và Ukraine tại thủ đô Budapest, và kêu gọi ông Putin công bố lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Ukraine. Ông cho hay phản ứng của ông Putin trước lời kêu gọi ngừng bắn là "tích cực, nhưng kèm theo các điều kiện", song không nói rõ điều kiện gì.
Người tị nạn Ukraine chờ tại Mexico để qua biên giới Mỹ ngày 6-4 - Ảnh: REUTERS
* Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định việc đóng cửa đại sứ quán các nước phương Tây tại Matxcơva không phải vấn đề nên đưa ra để thảo luận hiện nay, TTXVN đưa tin.
Tuy
nhiên, bà cũng tái khẳng định nước này sẽ có biện pháp đáp trả các lệnh
trục xuất nhân viên ngoại giao Nga của các nước phương Tây theo đúng
nguyên tắc "có đi có lại" trong quan hệ quốc tế. Tuyên bố được đưa ra sau khi loạt nước châu Âu trục xuất các nhân viên ngoại giao của Nga.
* Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Ukraine hoàn toàn có thể thắng trong cuộc xung đột với Nga,
dù các quan chức Mỹ nói có nguy cơ cuộc xung đột sẽ kéo dài, theo
Guardian ngày 7-4. Ông Kirby nói với những gì chính quyền Kiev làm được
cho đến nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không đạt được những mục
tiêu chiến lược đề ra tại Ukraine.
* Hãng Sputnik dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo Matxcơva không loại trừ khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với phương Tây nếu hành động trục xuất các nhà ngoại giao Nga tiếp diễn.
*
Theo báo Guardian ngày 7-4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nói
Trung Quốc nên nhìn vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với
Nga để hiểu rõ hậu quả Bắc Kinh có thể đối mặt nếu hỗ trợ quân sự cho
Matxcơva. Đến nay, Trung Quốc vẫn từ chối lên án hành động quân sự của
Nga tại Ukraine và chỉ trích lệnh trừng phạt Matxcơva của phương Tây.
* Theo Reuters, một quan chức Mỹ đánh giá là Nga đã rút quân khỏi Kiev, Chernihiv và
đang chuyển trọng tâm sang miền đông Ukraine. Cuối tuần trước Ukraine
cũng thông báo đã giành lại quyền kiểm soát tất cả khu vực quanh Kiev.
* Hãng
tin TASS dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết các biện
pháp trừng phạt Washington áp lên 2 ngân hàng lớn nhất của Nga là "đòn
giáng trực tiếp vào người dân Nga và các công dân bình thường". Ông Antonov đưa ra nhận xét trên vào ngày 7-4, sau khi Washington áp trừng phạt lên 2 ngân hàng Sberbank và Alfabank của Nga.
Người dân chờ đợi để được sơ tán khỏi thị trấn Derhachi, bên ngoài Kharkov, Ukraine - Ảnh: REUTERS
* Hãng
thông tấn quốc gia Ukraine (Ukrinform) dẫn lời Tổng thống Volodymyr
Zelensky trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Haberturk của Thổ Nhĩ
Kỳ khẳng định tiến trình đàm phán giữa Kiev và Matxcơva sẽ tiếp tục diễn ra.
Bên
cạnh đó, Tổng thống Zelensky cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong sứ
mệnh trung gian hòa giải của các quốc gia khác, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, đối
với tiến trình đàm phán.
Hôm 4-4, Tổng thống Zelensky cho
rằng việc đàm phán với Nga đã trở nên khó khăn hơn liên quan đến quy mô
chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, đặc biệt sau sự kiện
nhiều thường dân bị sát hại ở thị trấn Bucha mà hai bên đang đổ lỗi cho
nhau.
* Theo Hãng tin Reuters, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk thông báo tổng cộng 4.892 người đã được sơ tán khỏi các thành phố của Ukraine thông qua các hành lang nhân đạo trong ngày 6-4, nhiều hơn so với 3.846 người được sơ tán một ngày trước đó.
* Một nhóm thuộc Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đã dẫn đầu đoàn xe buýt và ô tô cá nhân chở hơn 1.000 người đến thành phố Zaporizhzhia, Ukraine.
Ông
Pascal Hundt, trưởng phái đoàn của ICRC tại Ukraine, cho biết sự hiện
diện của đoàn xe là "sự cứu trợ quan trọng đối với hàng trăm người" muốn
rời khỏi thành phố Mariupol - nơi đang diễn ra giao tranh. Theo Hãng
tin Reuters, nhiều cư dân Mariupol đã phải tự di tản khỏi thành phố này.
"Dù
vậy, rõ ràng hàng ngàn dân thường vẫn còn mắc kẹt tại Mariupol đang cần
hành lang an toàn để sơ tán và thêm cứu trợ", ông Hundt lưu ý.
Đoàn xe của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đưa người tị nạn đến thành phố Zaporizhzhia, Ukraine - Ảnh: REUTERS
* Ông Oleh Sinegubov, người đứng đầu khu vực Kharkov, tuyên bố chính quyền Ukraine không thể giúp người dân sơ tán khỏi thị trấn tiền tuyến phía đông Izyum hoặc gửi viện trợ nhân đạo, vì thị trấn này hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Các
khu vực phía đông như Kharkiv, Donetsk và Luhansk là những nơi diễn ra
giao tranh tồi tệ nhất ở Ukraine, sau khi các lực lượng Nga rút khỏi khu
vực xung quanh Kiev.
* Ngày 6-4, Hãng thông tấn RIA dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa của họ đã phá hủy một căn cứ dự trữ nhiên liệu của Ukraine ở khu vực Kharkov.
Lực lượng Nga cũng phá hủy một số thiết bị quân sự và vũ khí nước ngoài của Ukraine tại một ga đường sắt ở cùng khu vực.
Trước
đó, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với Reuters rằng Nga
hiện đã hoàn tất việc rút quân khỏi khu vực xung quanh Kiev.
Tòa nhà ở Chernihiv (còn gọi là Chernigov) ở Ukraine bị phá hủy. Ảnh chụp ngày 5-4 - Ảnh: AFP
*
Theo Reuters, cảnh sát London (Anh) cho biết một người đàn ông người
Anh làm việc cho Đại sứ quán Vương quốc Anh ở Đức đã bị buộc tội liên
quan đến việc chuyển giao thông tin hữu ích cho Nga.
Ông David
Ballantyne Smith, 57 tuổi, đang sống ở Potsdam, Đức, và được thuê làm
bảo vệ tại đại sứ quán. Ngày 6-4, ông Smith đã bị dẫn độ từ Đức sang
Anh, sau khi bị cảnh sát Đức bắt giữ vào tháng 8-2021.
Ông Smith
bị buộc 9 tội danh theo Đạo luật bí mật chính thức của Anh và sẽ xuất
hiện tại tòa sơ thẩm Westminster ở London vào ngày 6-4.
* Bộ
trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố Mỹ sẽ không tham gia "một số
cuộc họp" của G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu) nếu Nga tham
gia.
"Tổng thống Biden đã nói rõ, và tôi chắc chắn đồng ý với ông
ấy, rằng Nga không thể làm việc như bình thường với bất kỳ tổ chức tài
chính nào", bà Yellen nói trước Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ.
*
Người đứng đầu khu vực trung tâm Mazowsze cho biết một trung tâm tiếp
nhận lớn, chuyên cung cấp giường cho người tị nạn Ukraine ở thủ đô
Warsaw (Ba Lan), sẽ đóng cửa từ ngày 8-4. Nguyên do là vì số người cần
hỗ trợ đã giảm xuống.
Theo cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề tị
nạn của Liên Hiệp Quốc, kể từ khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc
biệt" tại Ukraine vào ngày 24-2, cuộc giao tranh đã khiến hơn 10 triệu
người phải di tản và hơn 4 triệu người phải chạy ra nước ngoài.
Đây được xem là cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất châu Âu kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
Cơ
quan biên phòng Ba Lan cho biết hơn 2,52 triệu người đã chạy trốn qua
Ba Lan. Số người vượt biên từ Ukraine trung bình ở mức khoảng 20.000
người mỗi ngày trong tháng 4-2022, giảm so với hơn 140.000 người vào đầu
tháng 3-2022.