Các cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm pháp luật khi thu thập các chứng cứ sai với thủ tục Bộ Luật Tố tụng quy định, trưng dẫn các chứng cứ bất hợp pháp để kết án bà Trần Thị Nga, là nhận định của Luật sư Hà Huy Sơn, một trong số Luật sư (LS) tham gia bào chữa cho bà Nga.
LS Hà Huy Sơn cũng nhấn mạnh, trong phiên tòa này, VKS không làm đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật đã quy định.
Để hiểu rõ hơn xin mời quý vị dõi theo cuộc phỏng vấn giữa phóng viên GNsP với LS Hà Huy Sơn.
Huyền Trang, GNsP: Thưa LS, các LS đã đưa ra những luận cứ nào để bảo vệ cho Bà Nga?
LS Hà Huy Sơn: Luận cứ cơ bản tôi bào chữa và cho rằng các chứng cứ của VKS đưa ra [như] video clip mà họ đã thu giữ ở trên mạng hoặc thu giữ ở nhà bà Nga đều không được giám định, thẩm định những video clip này không phải là bản sao hay bản lắp ghép. Do đó tôi cho rằng đây không phải là chứng cứ để buộc tội [bà Nga]. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Nam tự chuyển các video clip từ dạng tiếng sang dạng chữ in, để đưa qua các cơ quan giám định của vụ truyền thông và giám định về nội dung, thì không thuộc thẩm quyền của Sở Thông tin và Truyền thông, nghĩa là việc chuyển từ dạng âm thanh sang dạng chữ in là chức năng của cơ quan giám định. Đây là việc làm sai của cơ quan điều tra và Sở Thông tin và Truyền thông, tức là họ đã dùng các tài liệu mà không thu thập chứng cứ theo đúng thủ tục của Pháp luật quy định.
Giám định nội dung của các video clip này, người giám định của Bộ Thông tin và Truyền thông không tuân theo một quy chuẩn nào hay theo một quy định cụ thể của văn bản pháp luật nào, mà hoàn toàn dựa trên ý kiến chủ quan của những người giám định kết luận những thông tin này chống nhà nước. Nên tôi cho rằng những tài liệu này không phải là chứng cứ hợp pháp để cáo buộc bà Trần Thị Nga.
Huyền Trang, GNsP: Thưa LS, theo thông tin tại phiên tòa này cũng giống phiên tòa xét xử Mẹ Nấm, VKS đã không tranh luận với các Luật sư, điều ấy đúng không?
LS Hà Huy Sơn: Tại phiên tòa này, VKS có tranh luận với LS nhưng sự tranh luận của họ là không thừa nhận cái sai của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra. Ví dụ, tôi cho rằng, thu giữ các chứng cứ không phải phạm pháp, quả tang nhưng việc thu giữ không được lập biên bản, không xác định nguồn gốc các video clip là được thu thập từ đâu, do ai thu thập, không giám định các video clip này có phải bị lắp ghép hay sao chép hay không. Tôi cho rằng, Sở Thông tin và Truyền thông có chức năng quản lý trong lĩnh vực này. Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin thì họ coi đương nhiên là chứng cứ. Đại diện VKS tranh luận dựa trên luận điểm không có cơ sở pháp luật.
Huyền Trang, GNsP: Thưa LS, LS có nhận định như thế nào về vai trò của VKS trong tố tụng đối với các vụ án những người yêu nước cụ thể là qua vụ án của bà Nga?
LS Hà Huy Sơn: Vai trò của VKS theo như Bộ Luật Tố tụng quy định có hai chức năng: công tố, buộc tội bị cáo và giám sát quy trình tố tụng tại phiên tòa. Trong chức năng công tố, VKS có trách nhiệm làm rõ sự khách quan tình tiết, hành vi không có tội, hành vi giảm nhẹ của bị cáo, nhưng thực tế họ không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật đã trao trách nhiệm cho họ.
Huyền Trang, GNsP: Thưa LS, về phía tòa án, HĐXX đã đồng ý hay bác bỏ những ý kiến bào chữa nào của các LS? Và theo LS, những bác bỏ hay đồng ý này có căn cứ không?
LS Hà Huy Sơn: Thực tế ở VN không có tam quyền phân lập, nên các vụ án là người ta đã hội ý và thống nhất quan điểm từ tòa đến VKS và cơ quan điều tra, nên thực tế ít khi HĐXX chấp nhận quan điểm của LS mà họ thường đồng tình với VKS.
Huyền Trang, GNsP: Thưa LS, sau khi có bản án tuyên bà Nga 9 năm tù giam và 5 năm quản chế, với tư cách là một công dân, Ông có ý kiến như thế nào về kết quả bản án này?
LS Hà Huy Sơn: Tôi cho rằng đây là một bản án bất công và bất chấp với các quy định pháp luật hiện hành của VN sử dụng các chứng cứ bất hợp pháp để kết án công dân.
Huyền Trang, GNsP: Câu hỏi cuối mà chúng tôi tin là mọi người do không có điều kiện tham dự phiên tòa và rất mong đợi được Luật sư cho biết về tinh thần, sức khỏe và thái độ của bà Trần Thị Nga trong phiên tòa này là như thế nào?
LS Hà Huy Sơn: Về sức khỏe của bà Nga không được tốt do bà nói trước tòa rằng, trước đây bà bị người ta [côn đồ] đánh vào hai đầu gối bị vỡ xương nên thương tật vẫn còn di chứng và ảnh hưởng đến sức khỏe của bà Nga. Thứ hai, trong quá trình mang thai, bà Nga bị người ta [côn đồ] đánh đập rất nhiều nên sức khỏe không tốt. Còn về tinh thần bà Nga rất mạnh mẽ.
Huyền Trang, GNsP: Xin chân thành cám ơn LS Hà Huy Sơn và kính chúc sức khỏe ông.
Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, các tổ chức Nhân quyền Quốc tế gồm: Ân Xá Quốc Tế và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo đã phản đối mạnh mẽ phiên tòa bất nhân này.
Bà Trần Thị Nga là một trong số ít ỏi người phụ nữ can đảm, mạnh mẽ lên tiếng tố cáo nạn tham nhũng, quan liêu, cửa quyền… của cán bộ cộng sản cầm quyền. Bà đã đồng hành và giúp nhiều bà con dân oan khắp nơi khiếu kiện về đất đai, tìm kiếm công lý cho các gia đình nạn nhân bị những án oan thấu trời, có mặt trong các cuộc biểu tình chống Tàu Cộng, Formosa, tham gia các phiên tòa xử người yêu nước… Bà Nga đã từng bị những viên an ninh mặc thường phục thường xuyên theo dõi đã dùng hung khí – tuýp sắt tấn công, đánh đập, hành hung bà gãy tay trái và vỡ xương bánh chè chân phải. Bà Nga đã làm đơn tố cáo nhiều lần, suốt một thời gian dài, nhưng các cơ quan có thẩm quyền cố tình phớt lờ, không thụ lý đơn, giải quyết, xử lý, điều tra vụ án các an ninh mặc thường phục có hành vi cố ý giết bà.
Như LS Hà Huy Sơn bào chữa cho bà Nga khẳng định, bà bị áp đặt một bản án bất công. Kết quả của bản án không làm cho nhiều người ngạc nhiên, bởi bản chất của giới cầm quyền độc tài là dối trá, bạo lực… họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn kể cả nhà tù để gọi là “trấn áp” người yêu nước, những người có tiếng nói khác với họ. Điều này đã đi ngược lại với “quy luật pháp triển của nhân loại văn minh”, vì thế cộng sản đã sụp đổ ngay chính nơi nó sinh ra, và chắc chắn những tàn dư của cộng sản sẽ bị đào thải.
Huyền Trang, GNsP