Một cựu đại tướng Mỹ vừa có một bài bình luận trên nhật báo The New York Times, nói về chuyện Sư Ðoàn Nhảy Dù của VNCH bị quên lãng như thế nào, sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc.
Cựu Ðại Tướng Barry McCaffrey, từng làm cố vấn Sư Ðoàn Nhảy Dù VNCH, sau này là chỉ huy lực lượng bài trừ ma túy dưới thời Tổng Thống Bill Clinton, và hiện là bình luận gia về an ninh quốc gia cho đài truyền hình NBC News.
Ông cho biết, đến cuối năm 1967, có 486,000 lính Mỹ tham chiến. Số quân nhân Mỹ tử trận năm đó tăng gấp đôi so với năm 1966. Trong bối cảnh đó, sự hy sinh dũng cảm và quyết tâm của quân đội miền Nam Việt Nam phần lớn biến mất khỏi ý thức về chính trị và truyền thông của Mỹ.Ông cho biết, ông đến Việt Nam vào Tháng Bảy, 1966, và năm sau làm cố vấn cho Sư Ðoàn Nhảy Dù. Ðó là năm cuối cùng ông nghĩ sẽ chiến thắng. Ðó là năm cuối cùng mà ông có thể định nghĩa chiến thắng sẽ là gì. Theo ông, đó là một năm lạc quan, sức mạnh quân đội Mỹ gia tăng mạnh mẽ, đồng thời danh sách lính Mỹ tổn thất cũng gia tăng.
Sư Ðoàn Nhảy Dù mà ông tham gia với tư cách là một phụ tá cố vấn tiểu đoàn, là một đơn vị chiến đấu tinh nhuệ. Vào năm 1967 những người lính này trong đồng phục nhảy dù ngụy trang và những chiếc mũ bê rê màu đỏ đặc biệt, tăng đến 13,000 người, tất cả đều là lính tình nguyện.
Ông cho rằng, những người lính Mỹ có hân hạnh được phục vụ bên cạnh họ, phải thán phục sự can đảm và chiến thuật tấn công của họ. Theo ông, các sĩ quan cấp cao và hạ sĩ quan Nhảy Dù có đầy bản lãnh và dày dạn chiến trường, và khi người Mỹ mới đến Việt Nam, nhiều người trong số những người lính này đã chiến đấu kể từ năm 1951.
Là cố vấn, ông chủ yếu hoạt động như các nhân viên và các viên chức liên lạc ở cấp tiểu đoàn và lữ đoàn. Ông trải qua một năm chuẩn bị ở California, bao gồm 16 tiếng đồng hồ huấn luyện văn hóa và ngôn ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Quốc Phòng. Rồi ông học tiếng Việt đàm thoại trôi chảy, được đào tạo chiến thuật chống du kích tại căn cứ Fort Bragg, North Carolina, và cách sử dụng vũ khí thời Thế Chiến 2 mà người Việt Nam vẫn còn sử dụng.
Ông viết, lúc đó, người Mỹ đóng nhiều vai trò như phối hợp pháo binh và không kích, sắp xếp các chuyến bốc người bằng trực thăng và tải thương cũng như cung cấp hỗ trợ tình báo và tiếp vận.
Ông cho biết, cố vấn Mỹ không ra lệnh, và họ không cần làm điều đó. Các đồng nhiệm người Việt Nam của ông là những người mà ông ngưỡng mộ, và họ rất vui khi có quân đội Hoa Kỳ – và hỏa lực của Mỹ – bên họ.
Ông kể, ông ăn chung và nói tiếng Việt với các binh sĩ VNCH, hoàn toàn tin tưởng vào người Việt Nam. Ông thường có một người lính nhảy dù bảo vệ và cũng là người điều khiển máy vô tuyến.
Thông thường, một toán cố vấn cấp tiểu đoàn như ông, gồm có ba người: một đại úy bộ binh Mỹ, một trung úy và một hạ sĩ quan, thường là một trung sĩ. Các trung sĩ là chủ yếu. Trong khi các sĩ quan luân chuyển ra vào, nhiều trung sĩ ở lại với các đơn vị miền Nam được chỉ định, cho đến khi kết thúc chiến tranh – hoặc cho đến khi họ tử trận, hoặc bị loại ra ngoài cuộc.
Ông cho biết, việc tham gia chiến tranh Việt Nam của ông là một kinh nghiệm đẫm máu. Người Mỹ tham chiến bằng các tàu của Hải Quân Hoa Kỳ và bằng trực thăng quân đội trong vùng đầm lầy phía nam Sài Gòn. Ðây là cuộc chiến không có vinh quang, chiến đấu và chết đuối trong mương nước mặn. Ông kể chuyện một ông đại úy, một cố vấn cao cấp, chuyên nghiệp và đầy khả năng, bị tử trận. Trở về căn cứ, ông giúp mang thi thể người bạn ra khỏi trực thăng. Và ông cho rằng, đó chỉ là sự khởi đầu.
Hành quân với lính nhảy dù được bốn tháng, ông tham gia một trận đánh lớn, đẫm máu, hỗ trợ các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ phía Bắc Ðông Hà, gần bờ biển phía Bắc của Nam Việt Nam. Hai tiểu đoàn của được trực thăng vận vào Khu Phi Quân Sự để kiểm tra một lực lượng Bắc Việt đáng kể, đang di chuyển về phía Nam. Trận chiến mãnh liệt và đẫm máu kéo dài ba ngày. Cố vấn cấp trên của ông bị tử thương. Anh Rudy Ortiz, trung sĩ nhất, vô cùng can đảm, bị trúng đạn từ đầu đến chân. Anh yêu cầu ông mang khẩu M-16 nạp đạn và đặt lên ngực anh, để anh có thể “chiến đấu đến chết” với ông (may mắn thay, anh sống sót).
Ông viết: “Chúng tôi có hàng trăm thương vong và gần bị địch tràn ngập. Nhưng những người lính Nhảy Dù VNCH đã kiên trì chiến đấu. Vào thời điểm quan trọng, với sự hỗ trợ của không quân và hỏa lực hải quân, chúng tôi đã phản công. Sĩ quan tiểu đoàn trưởng người Việt Nam của tôi đứng thẳng lưng, băng qua những lằn đạn súng tự động, để chạy tới nơi trú ẩn của tôi. ‘Trung úy,’ anh nói với tôi, ‘giờ chết đến rồi.’ Tôi cảm thấy ớn lạnh nhớ những lời anh nói.”
“Ngoài chiến trường, miền Nam Việt Nam không bỏ những đồng đội, chết hoặc bị thương ngoài đồng ruộng, hoặc bỏ vũ khí. Trong một trận chiến khác, anh Tommy Kerns, bạn đồng môn trường West Point của tôi, một cầu thủ football lục quân to con, bị thương nặng và bị kẹt trong một rãnh hẹp khi tiểu đoàn không kỵ của anh cố gắng phá vỡ một lực lượng đông quân Bắc Việt. Những người lính nhảy dù Việt Nam cùng anh, nhỏ con hơn Tommy, không thể khiêng anh ra khỏi cái rãnh. Thay vì rút lui và để anh lại, họ cố gắng ra sức phấn đấu với thân thể bị thương khổng lồ của Tommy. Anh sống sót nhờ sự dũng cảm của họ,” ông viết.
Ông cho biết, các cố vấn Hoa Kỳ và hầu hết Sư Ðoàn Nhảy Dù đóng quân tại Sài Gòn và quanh vòng đai. Ông thích tính năng động và niềm vui của thành phố. Ông cũng thích văn hóa, ngôn ngữ và người Việt, và tự hào sát cánh với với đội quân mũ đỏ.
“Chúng tôi chắc chắn rằng cả thế giới ghen tị với công tác của chúng tôi – chúng tôi làm việc với giới tinh hoa của đất nước. Với phụ cấp tác chiến và nhảy dù, chúng tôi có vẻ như có cả tấn tiền. Chúng tôi sống trong khu có máy điều hòa không khí. Chúng tôi còn trẻ, ham hố và tích cực. Các đại tá và các trung tá Mỹ điều hành các cố vấn là những người lớn tuổi hơn, ổn định và được tôi luyện chiến trường, họ là lính dù và từng thấy những cảnh tồi tệ hơn nhiều trong Thế Chiến 2 và chiến tranh Triều Tiên,” ông McCaffrey viết.
Ông kể, đời sống của một cố vấn trong Sư Ðoàn Nhảy Dù Việt Nam là không thể lường trước được. Trách nhiệm của sư đoàn này là phục vụ như là đơn vị tổng trừ bị, được đưa đi chiến đấu bất cứ khi nào các cấp chỉ huy cần một lợi thế. Một tiểu đoàn Nhảy Dù Việt Nam hoặc một lữ đoàn đầy đủ được điều động trong tình trạng khẩn cấp vào nửa đêm.
“Chúng tôi được nhồi nhét vào máy bay vận tải của Không Quân Hoa Kỳ và Việt Nam, những chiếc máy bay trực sẵn, tiếng động cơ rống lên, xếp hàng dài tại phi trường Tân Sơn Nhứt, gần Sài Gòn. Lãnh đạn dược, đôi khi cả dù, để hối hả chuẩn bị ra chiến trường,” vị đại tướng viết. “Và rồi – trong hỗn loạn, các tiểu đoàn được phái đến bất cứ nơi nào cần họ. Chúng tôi có thể đi đến bất cứ nơi nào trong nước và thấy chúng tôi ở giữa một cuộc chữa cháy. Nhiều cố vấn Hoa Kỳ và hàng trăm lính Nhảy Dù Việt Nam mà tôi phục vụ, đã không trở lại sau các cuộc hành quân này. Cho đến bây giờ, tôi vẫn có thể nhìn thấy những khuôn mặt trẻ của họ. Ðại Úy Gary Brux. Ðại Úy Bill Deuel. Trung Úy Chuck Hemmingway. Trung Sĩ Carl Arvin. Nhân viên vô tuyến rất trẻ của tôi, Hạ Sĩ Michael Randall. Chết hết. Can đảm. Tự hào.
“Bây giờ thì chúng ta đã biết đoạn kết câu chuyện. Hai triệu người Việt Nam có thể đã chết. Hoa Kỳ mất đi 58,000 quân nhân và khoảng 303,000 người khác bị thương. Nước Mỹ lâm vào một cuộc nội chiến cay đắng và co giật chính trị. Lúc đó chúng tôi không biết gì về cuộc chiến này. Tôi rất tự hào đã được chọn để phục vụ trong Sư Ðoàn Nhảy Dù Việt Nam. Người vợ mới và xinh đẹp của tôi, người mà tôi yêu quý, biết tôi phải ra đi. Cha tôi, một tướng lãnh Lục Quân, sẽ hãnh diện vì tôi nếu tôi hy sinh,” ông McCaffrey viết.
Ông kết luận: “Người ta thường hỏi tôi về những bài học của chiến tranh Việt Nam. Những người trong chúng tôi đã chiến đấu với Sư Ðoàn Nhảy Dù Việt Nam không phải là những người đặt câu hỏi. Tất cả những gì chúng tôi nhớ và biết, là sự can đảm và sự quyết tâm của các người lính Nhảy Dù Việt Nam xông pha ra trận. Họ không có tượng đài ngoại trừ trong những ký ức của chúng ta.” (L.N.)