Luận về Lý Tống
“Cái quan luận định” (Đậy nắp hòm mới có thể luận định đúng sai, khen chê hay dở). Khi những dòng chữ này đến tay bạn đọc, Lý Tống chưa yên nghỉ trên vùng đất xứ người, một điều chắc ông cũng không vui khi phải chọn nơi này để gửi xác thân, nhưng nắp quan đã đậy rồi. Không cần phải sử dụng một danh vị, chức tước nào đi theo với cái tên Lý Tống, cuộc đời ông không có mà cũng không cần.
Nếu học để thành khoa bảng hay chen chân vào dòng chính để có một địa vị, hoặc quyết chí làm giàu, tôi nghĩ điều đó không khó với Lý Tống. Ai cũng biết Lý Tống thông minh, can đảm và có kiến thức, mưu lược. Tựu trung chỉ có hai chữ Anh Hùng mới xứng đáng nằm cạnh tên Lý Tống. Chúng ta đã chẳng từng gọi là “Anh Hùng Lý Tống” hay “Lý Tống, Anh Hùng” đó sao!
Người ta gọi Lý Tống là anh hùng, cũng có người coi Lý Tống là điên rồ, lập dị, xốc nổi hay là anh hùng cá nhân, nhưng tựu trung không ai làm được như Lý Tống.
Trong cuộc đời thường, ai cũng muốn có một đời sống bình thường, yên ổn bên vợ con, dưới một mái ấm gia đình. Lý Tống tìm một con đường khác với chúng ta, khát khao với lý tưởng, không hề sợ khổ sợ khó, không hề sợ chết, sẵn sàng vào tù ra khám, chấp nhận gian lao, chịu cho thân thể đọa đày.
Vào những ngày cuối Tháng Tư, trong khi chúng ta hầu hết đều cam phận quy hàng, hay vì tiết tháo đã chọn cái chết để rửa nỗi nhục thất trận, thì Lý Tống vẫn còn trên không phận, lái chiếc A-37 của phi đội Ó Đen, đánh bom vào trục tiến quân của Việt Cộng. Phi cơ bị phòng không của địch bắn rơi, Lý Tống bị giam trong nhà tù. Trong nhà tù, hai lần vượt trại, Lý Tống luôn luôn là một người tù khẳng khái, ngẩng cao đầu trước bạo quyền và những kẻ có súng đạn trong tay, làm cho đồng đội và đồng bào nể phục. Trong nhà tù gian khổ, đói khát, bị bức hiếp, mấy ai hành động được như ông?
Thay vì yên phận, chờ ngày phóng thích rồi may mắn được ra đi như hàng chục nghìn người tù miền Nam khác, nhưng Lý Tống đã chọn con đường đi của mình. Ông vượt ngục bằng đường bộ sang Cambodia bằng đường bộ đến Thái Lan, bơi qua eo biển Malaysia, xin tị nạn chính trị tại Singapore và cuối cùng định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1984, theo học bậc cao học tại đại học New Orleans.
Đây cũng là giấc mơ Mỹ của nhiều người dân trên thế giới, nhưng không chịu ở yên, mới 8 năm, “trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương,” năm 1992, Lý Tống trở về Việt Nam, uy hiếp phi công chiếc A310 của Hãng Hàng Không Việt Nam bay qua Sài Gòn để thả truyền đơn xuống kêu gọi nhân dân Việt Nam nổi dậy chống lại cường quyền. Sau đó, Lý Tống nhảy dù xuống một ao rau muống và bị bắt, bị kết án 20 năm tù vì tội cướp máy bay. Nhưng 6 năm sau, Lý Tống được thả ra tù và bị trục xuất về Hoa Kỳ.
Năm 2000, Lý Tống dùng một chiếc máy bay nhỏ bay từ Florida sang La Habana, Cuba thả truyền đơn kêu gọi nhân dân Cuba nổi dậy. Trở về Hoa Kỳ, ông bị thẩm vấn bởi Cục Di Cư và Hải Quan Hoa Kỳ nhưng được trắng án và tha bổng. Với hành động này, Lý Tống được những người Cuba chống Cộng ở Mỹ coi như một “anh hùng”! Năm 2000, Lý Tống lại cướp một chiếc máy bay nhỏ tại Thái Lan bay sang Saigon, thả hơn 50,000 tờ truyền đơn. Lúc trở về Thái Lan, ông bị bắt giữ và bị tòa án Thái Lan kết án 7 năm tù. Tòa án Thái Lan từ chối dẫn độ Lý Tống về Việt Nam với lý do đây là một hành động chỉ mang tính chất chính trị.
Năm 2008, Lý Tống lại thuê một chiếc máy bay huấn luyện của Nam Hàn định bay đi rải truyền đơn tại Bắc Hàn nhưng bị bắt tại sân bay Seoul.
Năm 2010, Lý Tống hóa trang thành một phụ nữ, ngồi ở hàng ghế đầu trong một buổi trình diễn ca nhạc của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từ Việt Nam sang tại San Jose, giả vờ tặng hoa rồi xịt hơi cay vào mặt ca sĩ này. Hai năm sau, tòa xét xử Lý Tống sáu tháng tù và ba năm quản chế vì tội hành hung. Nếu so với những hành động gan dạ, sấm sét của Lý Tống như vượt ngục, bay vào đất giặc, việc giả trang để tìm cơ hội xịt hơi cay vào mặt một ca sĩ từ trong nước ra, lấy chuyện ca hát kiếm ăn, như Đàm Vĩnh Hưng, không xứng đáng là việc làm của một người đã được vinh danh là anh hùng. Lý Tống đã từng lớn tiếng đứng trước tòa án, bay trên đầu giặc, đối đầu với cả một chế độ, Đàm Vĩnh Hưng chẳng qua là một cá nhân bé nhỏ, cũng chẳng đại diện cho ai, không đáng cho Lý Tống ra tay.
Mặt khác, Lý Tống vốn được xem là con người tài hoa mà cũng lắm số đào hoa. Điều này người nhà của Lý Tống và những người gần gũi với ông đều cũng đã xác nhận. Nhưng người ta trách trong cuốn hồi ký “Ó Đen,” Lý Tống đã để lại hình ảnh, bút tích và những chuyện tình ngày cũ, mà ngày nay, những nhân vật này đã lập gia đình hay có một đời sống khác. Đó cũng là một khuyết điểm của ông, vì tuổi trẻ xốc nổi, hay vì thành tích đào hoa của ông. Thôi thì cứ cho một người có tài hẳn phải có tật. Chính ông Lê Xuân Nhuận, anh ruột Lý Tống, cũng đã xác nhận điều này, mỗi lần lên thăm ông, bên cạnh Lý Tống đều hiện diện những phụ nữ nhan sắc khác nhau, chắc hẳn ông chẳng chung thủy với ai. Lý Tống không chung thủy với ai, “chàng như con bướm lượn vành mà chơi, “ nhưng có một điều mà Lý Tống chung thủy như nhất, đó là lý tưởng chống Cộng và không chấp nhận Cộng Sản bất cứ đâu, trong thời gian nào. Ông bền gan, kiên chí đấu tranh không mỏi mệt. Ông không có tài sản, không có gia đình, nhưng sự nghiệp của ông là một sự nghiệp anh hùng. Lý Tống có nhiều tình nhân nhưng ít tri kỷ. Lý Tống hành động đơn độc, quyết định một mình, không tin tưởng ai, không phối hợp với ai nên khi thất bại cũng không liên lụy đến ai. Tổng cộng, Lý Tống đã bốn lần bị kết án, và nhận lãnh những bản án, tổng cộng 32 năm tù giam, tất cả đều là những hành động chống Cộng Sản, dù đó là Cộng Sản Bắc Việt, Cuba hay Bắc Hàn. Phải nói là tên tuổi của Lý Tống đi vào lịch sử, không những với đồng bào tị nạn Cộng Sản ở ngoại quốc, mà cả với dân chúng trong nước.
Cuộc đời ví như trò chơi dưới mắt Lý Tống, kể cả những lúc nguy hiểm, ra tòa ở Việt Nam, ông còn muốn tặng hoa cho tiếp viên hàng không trên chuyến bay mà ông đã khống chế để rải truyền đơn. Chưa ai thấy ông băn khoăn, sợ hãi hay lùi bước trước những tai họa đến với ông, vì ông đã chấp nhận trước những điều ấy!
Hàn Mạc Tử bi quan, lo sợ đến ngày nhắm mắt ra đi, “không có nàng Tiên mô đến khóc, đến hôn anh và rửa vết thương tâm,” nhưng Lý Tống thì sẽ có vài mươi người phụ nữ sụt sùi trong đám tang ông, và hàng ngàn chiến hữu, cũng như những người hâm mộ ông đến ngậm ngùi đưa tiễn ông trong ngày ông ra đi. Người viết bài này, tài hèn, sức mọn, trước sau, vẫn xem Lý Tống là một anh hùng, độc giả cứ xem đây như là một vài dòng đưa tiễn của một người đồng đội, mà không là chuyện “luận” hay “luận anh hùng” như đã ghi ở đầu bài.
Huy Phương
Hoang Pham chuyen |
|