Đoạn Đường Chiến Binh
Mặt Trận Ban Mê Thuột
Đó là một ngày Chúa Nhật. Sau bốn ngày tại mặt trận Bình Định, mãi tối mịt hôm trước chúng tôi mới về tới Nha Trang.
Ngày 9 tháng 3, 1975.
Đó là một ngày Chúa Nhật. Sau bốn ngày tại mặt trận Bình Định, mãi tối mịt hôm trước chúng tôi mới về tới Nha Trang. Và chúng tôi vừa chết hụt khi chiếc trực thăng hầu như mất thăng bằng trong những cơn lốc xoáy, lúc bay ngang qua Vũng Rô gần Tuy Hòa.
Khi chuông điện thoại reo lên, nhìn đồng hồ mới 8 giờ sáng, mắt tôi cay xè và thật khó chịu. Giọng nói quen thuộc của Tân, một Sĩ quan Tùy viên khác ở Nha Trang, và cũng là em vợ Tướng Phú vang lên từ đầu giây bên kia:
– Ông Tướng mời anh vào bay gấp!
Ngừng lại một giây, Tân nói tiếp:
– Nhưng ông ấy mới chuẩn bị ăn sáng. Chừng 15 phút nữa anh ra thẳng phi trường, tôi lái xe về cho. Ông Tướng bay C-47, tầu bay đậu ở khu VIP bên dân sự!
Và Tân cúp máy.
Tôi linh cảm thấy một chuyện gì quan trọng sắp sửa xảy ra. Tình hình quân sự tại chiến trương Cao nguyên sau khi Phước Long mất thật nghiêm trọng. Các quốc lộ huyết mạch 19, 21 nối liền Cao nguyên và Duyên hải đã bị cắt nhiều đoạn. Tỉnh Quảng Đức đang bị đe dọa nặng. Tại mặt trận Bình Định, các đơn vị của Sư đoàn 22 Bộ binh gần như quần thảo hàng ngày với Sư đoàn 3 Sao Vàng của Công Sản Bắc Việt. Mặt trận Nam Pleiku, Bộ Tư lệnh Hành quân của Sư đoàn 23 Bộ binh bị pháo liên miên.
Nghe tiếng sóng biển, nhìn qua cửa sổ của chiếc trailer, tôi thấy chân trời xa tít, và nắng lên thật đẹp. Tôi bước ra ngoài. Trước khi lái xe ra phi trường, tôi đã để ra giây phút nhìn cái trailer nằm sát biển Nha Trang, vì tự nhiên linh cảm rằng sẽ chẳng bao giờ trở lại đây nữa. Cái trailer, hay đúng hơn là nơi nghỉ mát của một viên cố vấn Mỹ trước kia, ông Tướng Tư lệnh phó đặc trách bình định phát triển, ông Tỉnh trưởng Khánh Hòa đều muốn nhận làm của riêng mình. Nhưng Tướng Phú đã cho tôi “mượn” dùng làm nơi tạm trú mỗi lần ghé Nha Trang.
8 giờ 40 sáng, chiếc C-47 từ bãi đậu VIP phía dân sự phi trường Nha Trang tiến ra phi đạo. Đây là chiếc máy bay chỉ huy của Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng Hoài. Mỗi năm cứ mùa mưa đến, ông cho biệt phái chiếc Dakota 2 động cơ này lên cho Tư lệnh Quân đoàn II sử dụng. Bởi vì chiến trương Quân khu II gồm 2 mặt trận cao nguyên và duyên hải; thời tiết luôn xấu và sương mù. Những khi khẩn cấp nếu sử dụng trực thăng hoặc phi cơ nhỏ trên những chặng đường dài Pleiku, Phan Thiết, Bình Định phải bay rất lâu và nguy hiểm.
Lúc phi cơ sắp sửa cất cánh, Tướng Phú nói với tôi:
– Hôm nay mình lên Ban Mê Thuột. Quận Đức Lập, Quảng Đức hiện đang bị pháo rất nặng, có thể bị mất …
Và ông hỏi Hóa, Sĩ quan Tùy viên, về cái lệnh mời Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, hiện là Tư lệnh mặt trận nam Pleiku, và Đại tá Nghìn, Tỉnh trưởng Quảng Đức và Ban Mê Thuột họp sáng nay.
Nhìn vẻ mặt đăm chiêu, nghiêm trọng của Tướng Phú, tôi biết rằng Ban Mê Thuột sẽ vô cùng nguy ngập, nếu Đức Lập và Quảng Đức mất.
Tháng trước trong một buổi họp với Tư lệnh mặt trận nam Pleiku, sau khi xếp đặt ưu tiên cho từng mặt trận, Tướng Phú đã ra lệnh cho Đại tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 Bộ binh về Ban Mê Thuột chỉ huy, và tăng cường thêm cho Ban Mê Thuột một đơn vị pháo binh 155 ly.
9 giờ 45 phút Tướng Phú tới phi trường Phụng Dực.
Sau những cái bắt tay vội vã, ông cùng với Chuẩn tướng Lê Trung Tường và Đại tá Nguyễn Công Luật, Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột về Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh.
Khi đoàn xe đi ngang qua dinh Tỉnh trưởng, thấy một số sĩ quan mặc đồ trắng đánh tennis, Tướng Phú tỏ vẻ khó chịu, và ngay lập tức ra lệnh cấm trại 100%. Tới Bộ Tư lệnh Sư đoàn, ông hối hả bước vào Trung tâm Hành quân.
Tình hình Đức Lập vô cùng nguy ngập. Các đồn phụ đã bị “bứt”. Chi khu bị pháo từ 6 giờ sáng, và quân chính qui Cộng sản Bắc Việt đánh “trận địa chiến”, và đánh ban ngày. Tiểu đoàn Địa phương quân đóng tại Núi Lửa cách Đức Lập 9 cây số bị địch tràn ngập sau một trận đánh đẫm máu. Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng và một số cấp chỉ huy khác bị Việt cộng sát hại.
Tương Phú bốc máy liên hợp và liên lạc thẳng với Trung tá Nguyễn Cao Vực, Quận trưởng quận Đức Lập. Ông được báo cáo Trung tá Quận trưởng đã bị thương, hiện ở ngoài chỉ huy và điều khiển nhưng khẩu đại bác 105 ly bắn trực xạ vào Cộng quân.
Đúng 10 giờ 30 phút sáng, quận Đức Lập biến thành biển lửa. Từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều ngày 9 tháng 3, 1975, Tướng Phú họp với Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, các Tiểu khu trưởng Ban Mê Thuột và Quảng Đức để duyệt xét tình hình các mặt trận.
Sau khi chấp nhận những đề nghị của các giới chức liên hệ và cho những chỉ thị cần thiết, ông ra lệnh cho Đại tá Nghìn, Tỉnh trưởng Quảng Đức bay về trước. Tại Ban Mê Thuột, để cho có sự thống nhất chỉ huy, Tương Phú bổ nhiệm Đại tá Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 làm Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột.
Các Tư lệnh mặt trận phải ra lệnh đôn đốc các đơn vị chuẩn bị và sẵn sàng chiến đấu trong 2, 3 tháng liên tiếp; tổ chức những cuộc hành quân xa ngoài thị xã và vị trí phòng thủ.
Kho xăng, kho đạn phải được phân tán, đề phòng đặc công Cộng sản Bắc Việt đánh phá. Lệnh thiết quân luật mỗi nơi được ủy nhiệm cho các Tư lệnh mặt trận toàn quyền định đoạt.
Hai quyết định quan trọng khác của Tướng Phú:
1. Tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột tùy theo tình hình, nếu cần cho phá hủy cầu 14 trên đường Quảng Dưc-Ban Mê Thuọt để làm chậm sức tiến của chiến xa địch.
2. Tư lệnh mặt trân Kontum tăng phái một Liên đoàn Biệt động quân cho mặt trận Ban Mê Thuột. Và Liên đoàn Biệt động quân này phải được đổ xuống Buôn Hô ngay chiều nay.
Sự có mặt của Tướng Phú tại Ban Mê Thuột ngày hôm nay, 9 tháng 3, 1975 với những quyết định có tính cách quan trọng và cấp bách ông vừa ban hành là cái “bén nhậy” của một tướng mặt trận, một vị Tư lệnh có kinh nghiệm chiến trường.
Ông làm việc liên miên ngay từ khi tới Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh. Khi quyết định tăng phái cho Ban Mê Thuột một Liên đoàn Biệt đông quân, vừa cầm dĩa cơm trên tay, vừa gọi máy ra lệnh cho Tư lệnh mặt trận Kontum cho các Tiểu đoàn Chiến đấu của Liên đoàn Biệt động quân được tăng phái, chuẩn bị di chuyển trong 2 giờ sắp tới.
Sau đó, ông cũng đích thân liên lạc với Tướng Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân ở Pleiku, để vận dụng tất cả trực thăng cho cuộc đổ quân được hoàn tất thật nhanh. Vì thế, đợt đổ quân đầu tiên của Liên đoàn 2 Biệt động quân xuống Buôn Hô đã được thực hiện ngay chiều ngày 9 tháng 3, 1975.
6 giờ chiều ngày 9 tháng 3, 1975 rời Ban Mê Thuột, Tương Phú ra lệnh bay thẳng lên Pleiku, thay vì trở lại Nha Trang nghỉ dưỡng sức. Và ngay buổi tối, ông vào làm việc, ở luông trong chiếc “bunker”, chiếc hầm nổi chống pháo kích của Tư lệnh Quân đoàn còn đang làm dở dang, sát với Trung tâm Hành quân. Lệnh cấm trại 100% được ban hành.
Từ lúc trở lại Pleiku, Tướng Phú có vẻ bồn chồn lo nghĩ. Ông hút thuốc lá liên miên. 9 giờ tối, khi được báo cáo Liên đoàn 21 Biệt động quân tăng cường cho mặt trận Ban Mê Thuột đã được trực thăng bốc từ bắc Kontum thả xuống Buôn Hô, Tướng Phú thở phào nhẹ nhõm, và nói một mình:
– May ra thì … còn kịp!
Rồi quay sang phía tôi:
– Này, “ông nhà báo”, mình làm một tẩy mạt chược, khánh thành chiếc “bunker” mới!
Tiếp đó, ông ra lệnh cho Thiếu tá Hóa, Sĩ quan Tùy viên:
– Hóa! Chú mày điện thoại mời Đại tá Tham mưu trưởng và gọi Vinh. Bảo tụi nhỏ kiếm cái bàn vuông, bàn “dã chiến” cũng được.
Hóa có vẻ ngần ngại:
– Hôm nay Thiếu tướng bay từ sáng sớm, và giờ khuya rồi, tôi sợ Thiếu tướng mệt.
– Ồ! ăn thua gì, hôm nay tôi muốn thức khuya, chú mày đừng làm ta xui xẻo!
Hóa không nói thêm nữa, lẳng lặng gọi điện thoại mời Đại tá Lý và Thiếu tá Vinh, Chánh Văn phòng Tư lệnh Quân đoàn. Hóa là Sĩ quan Tùy viên của Tướng Phú từ hồi còn ở Sư đoàn 1; người miền Trung, ít nói, tính lầm lì và rất chịu khó làm việc.
Tướng Phú là người sống bình dị, khắc khổ, không uống rượu, ăn chơi. Cái thú duy nhất của ông là hút thuốc lá và thỉnh thoảnh đưỢc xoa vài tẩy mạt chược, “ăn thua” tượng trưng. Đây là môn “thể thao” vừa giải trí, vừa đấu trí! Canh mạt chược đêm 9 tháng 3, 1975 kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ.
Và đó cũng là lần cuối cùng Tướng Phú được hưởng cái thú tiêu khiển này. Ông bị thua, thua cả … 3 người!
Gần 1 giờ sáng, Tướng Phú gọi ra lệnh cho Đại tá Phạm Duy Tất, Tư lệnh mặt trận bắc Kontum:
– Anh nhớ theo dõi “thằng con” anh mới rời Kontum anh chiều nay. Bắt nó phải “bung” ra hoạt động ngay. Ngày mai tôi sẽ ra lệnh Đại tá Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 mang bộ chỉ huy hành quân lên đó …
– …
– Tôi nghe nói “thằng cha Dậu” là con gà chết. Nếu anh thấy hắn ta chỉ huy không được thì nên thay thế ngay. Đừng che chở, kẻo hỏng việc hết!
– Tôi xin tuân lệnh Thiếu tướng!
Đại tá Phạm Duy Tất, Tư lệnh mặt trận bắc Kontum và cũng là chỉ huy trưởng Lực lương Biệt động quân, Quân khu II. Trung tá Dậu, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 21 Biệt động quân vừa được thả xuống Buôn Hô, đông bắc Ban Mê Thuột, và mới nắm quyền chỉ huy Liên đoàn Biệt động quân hơn 1 tháng nay!
30 ngày trước khi Cộng quân tấn công Ban Mê Thuột, khi chưa bị rối loạn, chưa ban hành quyết định rút Cao nguyên, bỏ Huế; Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đi khắp 4 Vùng Chiến thuật để ăn tất niên ngoài tiền tuyến với binh sĩ. Tại mặt trận bắc Kontum, vùng biên giới Lào-Việt, Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Chiến trường Cao nguyên, hướng dẫn Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa tới thăm một đơn vị Biệt động quân trên tuyến đầu.
“Người Lính Kèn” của Trường Võ Bị Đà Lạt
10 giờ 30 phút sáng ngày 9 tháng 3, 1975, quận Đức Lập tỉnh Quảng Đức biến thành biển lửa. Trước đó, hai viên đại bác 82 ly không giật của Bắc quân bắn trúng đài chỉ huy chi khu.
Đài chỉ huy sập. Người Sĩ quan An ninh tử trận tại chỗ. Trung tá Nguyễn Cao Vực, Quận trưởng bị thương, nhúng đầu vào lu nước, thoát ra ngoài. Ông Quận trưởng đích thân chỉ huy và điều khiển hai khẩu đại bác 105 ly, bắn trực xạ, ngăn chận những đợt xung phong biển người của quân Cộng sản Bắc Việt.
Bốn ngày trước, 5 tháng 3, 1975 một cuộc phục kích tại phía đông Buôn Dak Gang cách bắc Đức Lập 10 cây số. Lực lượng chi khu đã bắt được một tù binh thuộc Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt, và tài liệu tiết lộ Bắc quân sẽ đại tấn công Quảng Đức và Ban Mê Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên 1975. Nhưng nguồn tin này, cũng như nguồn tin tình báo tương tự của tiểu khu Ban Mê Thuột, khi khai thác một sĩ quan tù binh Cộng sản Bắc Việt trong toán tiền thám của Sư đoàn 320 Điện Biên Phủ tại Bắc Ban Mê Thuột (tù binh Bắc Việt bị bắt ngày 7 tháng 3, 1975), đã không được Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh và Quân đoàn II “xếp hạng” là những nguồn tin quan trọng.
Hôm nay Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt nhất định san bằng quận Đức Lập để tiến quân về Ban Mê Thuột. Các công sự phòng thủ trên mặt đất sập hết, nhưng Quận trưởng Nguyễn Cao Vực và các chiến hữu của mình vẫn cầm cự chiến đấu dai dẳng ở các giao thông hào.
Nguyễn Cao Vực, người “pháo thủ” của các chiến trưỜng Chiến khu D 1960, Bu Prang 1968, Kontum 1972, cũng lính là “anh lính kèn người Thượng” với cái tên “Cai Son” của sinh viên sĩ quan khóa 13 trường Võ Bị Đà Lạt. Hạ sĩ Son, anh lính kèn là người đã mang đến cho các sinh viên sĩ quan những giây phút vui buồn đáng nhớ mỗi ngày. Từ điệu kèn báo thức, tập hợp đi ăn, cũng như mặc đồ trận, đeo ba lô buổi tối trình diện dã chiến khi bị phạt … Nguyễn Cao Vực là người có sắc diện như một cái cột nhà cháy, nên được bạn bè đặt cho cái tên là “Cai Son”. Và anh rất thích cái tên đó.
Tôi có khá nhiều kỷ niệm với Vực, vì cùng một trung đội trong hai năm học tại trường. Đầu năm 1960, khi tôi hướng dẫn Dickey Chapel – người nữ Phóng viên kỳ tài của thế giới, đã từng nhảy dù theo một lực lượng Mỹ xuống Okinawa trong trận Thế chiến II – đi hành quân tại chiến khu D, với một đơn vị nổi danh của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa thời đó là Trung đoàn 8 thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh, thì Vực là Pháo đội trưởng Pháo đội 105 ly, tăng cường cho đơn vị này.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tư, Trung đoàn trưởng đã giới thiệu với chúng tôi hai quân nhân thiện chiến và “chì” nhất của Trung đoàn. Đó là Trung úy Bác sĩ Lê Đình Kỳ và Pháo đội trưởng Nguyễn Cao Vực. Bác sĩ Kỳ là ngươi không thích hành nghề chuyên môn mà chỉ thích truyện trận mạc. Còn Vực được mệnh danh là một Pháo đội trưởng lì lợm, thiện xạ, bắn đâu trúng đó.
Một tuần lễ đi hành quân với Trung đoàn 8 Bộ binh trong Chiên khu D, Dickey Chapel và tôi thương ăn và ngủ chung với Bộ Chỉ huy của Trung đoàn, gồm Thiếu tá Tư, Bác sĩ Kỳ, Trung úy Vực, và Hiền. Hiền là Sĩ quan Hành quân của Trung đoàn và cũng tốt nghiệp khóa 13 Võ bị Đà Lạt.
Trong sáu người chúng tôi, lần lượt Đại úy Hiền, Đại tá Tư đều tử trận. Họ đã hy sinh tại vùng đất và đơn vị mà họ đã chiến đấu, phục vụ nhiều năm. Dickey Chapel, người mà tôi kính trọng như một người chị trong nghề phóng viên chiến tranh, cũng vĩnh viễn ở lại Việt Nam trên “dãy phố buồn thiu” ngoài chiến trương miền Trung.
Hôm nay đến lượt Nguyễn Cao Vực. Anh là một Quận trưởng bất đắc dĩ. Anh đã bị thả xuống Đức Lập, và trở thành Quận trưởng dù muốn hay không, giữa năm Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
Và có thể đây là trận chót trong đời binh nghiệp người pháo thủ tài ba của Sư đoàn 5 Bộ binh, của chiến trường Cao nguyên, đã lại có dịp thi thố cái khả năng chuyên môn của mình. Hai khẩu đại bác 105 ly bắn trực xạ vào các đơn vị tiền phong Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt chắc chắn đã có một sự đánh đổi cân xứng trước khi và các chiến hữu của mình vùi ngập trong biển lửa.
Tôi tự hỏi, nếu Vực không thoát được trong trận này, còn lại Bác sĩ Lê Đình Kỳ và tôi, ai sẽ là người sống sót sau cùng, sau 20 năm chiến tranh dài của một đời người?
Những trận mưa pháo vào Ban Mê Thuột từ 2 giờ đến 4 giờ sáng rạng ngày 10 tháng 3, 1975 đã gây kinh hoàng cho mấy chục ngàn quân cũng như dân, hiện đang có mặt tại thị xã này.
Sau đó là những chiến xa đủ loại, băng rừng, nghiền nát các ngả đường, để các lực lượng của những Sư đoàn 320, 316 Cộng sản Bắc Việt ào ạt tiến vào.
Nhưng, những người kinh hoàng và đau đớn nhất là hai cấp chỉ huy có trách nhiệm phòng thủ Ban Mê Thuột: Đại tá Vũ Thế Quang và Đại tá Vũ Công Luật!
Đại tá Luật, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Ban Mê Thuột là một Sĩ quan Thiết giáp kỳ cựu của Quân lực Viêtn Nam Công Hòa. Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn I Thiết kỵ trong cuộc hành quân sang Lào 1971, người mà báo chí Việt Nam và ngoại quốc gọi là “Patton Việt Nam”. Patton là danh tướng Thiết giáp của Mỹ trong Thế Chiến II. Đại tá Luật đã từng chỉ huy một Lực lượng Thiết giáp quan trọng và tối tân nhất của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, với những Thiết đoàn M48, M41 chiến xa trong cuộc tiến quân này.
Đêm nay Bắc quân đánh trận địa chiến vơi chiến xa nặng, với chiến thuật biển người, thì trong tay ông vỏn vẹn có được hai Chi đội Thiết vận xa M113 và những xe bọc sắt tuần tiễu của Địa phương quân. Một thứ “đồ chơi con nít” nếu so sánh với loại Thiết giáp tối tân T54 của Nga Sô mà Cộng sản Bắc Việt hiện đang sử dụng!
Đại tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 Bộ binh và Tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột khi nghe những tiếng đạn bay xé không gian, nổ tại phi trường L19, trước tiểu khu, bộ Tư lệnh Sư đoàn, đã thấy ngay cái giá mà lực lương phòng thủ phải trả. Bởi vì những khẩu đại bác 122 ly, 130 ly của Bắc quân đã kéo sát tới thị xã!
Những tiếng đại pháo của địch nổ tại Ban Mê Thuột cũng đã làm cho các tướng lãnh nắm vận mạng Đất Nước bừng tỉnh. Họ tạm quên đi những hận thù, những tranh giành quyền hạn, phe phái. Tất cả đều hướng về mặt trận này!
Lệnh của Đại tướng Cao Văn Viên từ Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực Viêt Nam Cộng Hòa được truyền đi lúc 7 giờ sáng. Của Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng Chính phủ gọi từ Đà Lạt lúc 8 giờ 40 phút. Của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gọi từ Dinh Độc Lập lúc 10 giờ 10 phút, và 19 giờ tối.
Trận đánh quyết định giữa hai miền Nam-Bắc đã xảy ra. Nhưng lực lượng giữa hai bên quá ư chênh lệch, như trứng chọi với đá nếu so sánh cả về quân số, vũ khí, chiến cụ. Địch đã ở thế thượng phong ngay từ lúc đầu!
Tuy nhiên, trong ngày đầu tinh thần chiến đấu của các dũng sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh, sự gan dạ của những phi công anh hùng A37, của những chiến sĩ Địa phương quân tiểu khu Darlac, đã làm cho Bắc quân kinh ngạc, nể vì. Những tin tức phấn khởi bay đi khắp nước ngay khi “những cánh đại bàng” xuất hiện trên vùng trời Ban Mê Thuột.
Phi tuần phản lực A37 đầu tiên đã bắn cháy hai chiến xa, và hai cỗ đại bác phòng không của Cộng sản Bắc Việt ngay trong thị xã lúc 11 giờ 30 phút. Hai chiến xa khác cũng do không quân đánh bom trúng tại 2 cây số tây bắc Ban Mê Thuột. Lực lương Địa phương quân Darlac đã tạo một bất ngờ lúc 11 giờ trưa khi bắn cháy một T54 trước bộ Chỉ huy Tiểu khu ngay trên đường Thống Nhất!
Trận “thử sức” của các trung đoàn tiền phong quân chính quy thuộc Sư đoàn 320 Điện Biên Phủ và những “dũng sĩ” Trung đoàn 53 Bộ binh trên phòng tuyến quanh phi trường Phụng Dực xảy ra lúc 14 giờ.
Mở đầu là những trận mưa pháo, cầy nát sân bay. Từng đoàn chiến xa của Bắc quân gầm thét, di chuyển theo đội hình từ khắp ngả tiến vào.
Nhưng tinh thần các chiến sĩ ta không hề nao núng. Đây cũng không phải là “trận thư hùng” đầu tiên của các đơn vị tinh nhuệ của ta và địch.
Bởi vì trước khi rút về phòng thủ phi trường Phung Dực, Trung đoàn 53 tăng phái cho mặt trận Quảng Đức đã đụng độ với các trung đoàn chủ lực của Sư đoàn F10 rất nhiều lần trong những tháng trước, và mấy ngày mới đây với Sư đoàn 320 của Cộng sản Bắc Việt tại Đông Bắc Ban Mê Thuột.
Sau gần 2 giờ quần thảo, Trung đoàn 53 Bộ binh đã đẩy lui 3 đợt xung phong biển người của địch. 15 giờ 30, Bắc quân chém vè, để lại trên 200 xác và 50 vũ khí đủ loại, 4 chiến xa Cộng sản Bắc Việt bị bắn cháy.
Báo cáo chiến thắng về Trung tâm Hành quân Quân đoàn II bằng hệ thống điện thoại viễn liên từ phi trường Phụng Dực, “người lính số 1″ của Trung đoàn 53 Bộ binh, một trong những anh hùng của mặt trận Ban Mê Thuột, Trung tá Võ Ân, Trung đoàn trưởng nói với Tướng Phú:
– Trình “Mặt Trời”, những “đứa con” của tôi sứt mẻ chút ít, nhưng tinh thần rất cao.Trận đánh vừa kết thúc. Hơn 200 xác Việt cộng còn để nguyên ngoài chiến trường. Vũ khí tịch thu tôi đã cho kéo về phòng danh dự của phi cảng để “triển lảm”! Trong đó có cả 3 đại bác phòng không và 4 hỏa tiễn SA7 còn mới nguyên.
Tướng Phú vui mưng lộ trên nét mặt. Ông khen ngợi và ra lệnh cho Ân bằng một giọng hết sức thân mật:
– “Chú mày” giỏi lắm! Chuyển lời khen của tôi đến anh em. Ráng lên! Sau trận này mỗi người lên một cấp. Nhưng không được khinh thường địch quân! Phải chuẩn bị và đề phòng tối đa ngay! Rõ chưa?
– Trình “Mặt Trời”, tôi nhận rõ!
Tướng Phú cúp máy. Trung tá Võ Ân trở ra chiến hào phòng thủ cùng với các chiến hữu của mình.
Tuy nhiên chiến thắng trên đây chỉ là một may mắn đặc biệt, một chiến thắng sau cùng của Trung đoàn 5e Bộ binh trong trận đánh quyết định giữa hai miên Nam-Bắc năm 1975.
Ngày 10 tháng 3, 1975 là một ngày cực kỳ sôi động trên chiến trương Cao nguyên. Trong lịch sử 30 năm chiến tranh Việt Nam kể từ hồi còn quân đội Pháp, chưa bao giờ có những trận đánh đồng loạt, dồn dập như vậy.
Ngoài mặt trận chính Ban Mê Thuột, Cộng quân tấn công khắp nơi. Các trận bắc Kontum, nam Pleiku, bắc Bình Định, Quảng Đức và trên 2 quốc lộ 19, 21 đều bị áp lực nặng nề.
Tiểu khu Ban Mê Thuột bị mất liên lạc lúc 12 giờ trưa. Những đoàn xe chở quân của Bắc Việt vẫn tiếp tục tiến về Ban Mê Thuột. Lệnh phá cầu 14 trên quốc lộ nối liền Quảng Dức-Ban Mê Thuột được ban hành. Những trận pháo kích, đụng độ nặng nề quanh Căn cứ 93 phía nam Pleiku kéo dài suốt ngày.
15 giờ 15 phú, phi trường Cù Hanh, Pleiku bị pháo. Một trực thăng và một dãy nhà bị cháy, một Dakota bị hư hại.
18 giờ 20 phút, Cộng quân pháo trúng Bộ Tư lệnh Quân đoàn, khu câu lạc bộ sĩ quan và Bộ Chỉ huy Không trợ II. Thị xã Pleiku thiết quân luật 9 giờ tối.
Tại mặt trận Bình Định, Trung đoàn 42 và 47 giao tranh suốt ngày với các đơn vị Cộng sản Bắc Việt và hạ 200 tên tại thung lũng Vĩnh Thạnh. Sư đoàn 22 Bộ binh hiện đã trực diện với Sư đoàn 3 Sao Vàng, các trung đoàn biệt lập của Bắc Việt tại Quân khu 5.
Một tin chấn động khác, 17 chiến xa Cộng sản Bắc Việt xuất hiện gần Phù Cát, Bình Định lúc 5 giờ 30 chiều.
Tổng kết tại mặt trận Ban Mê Thuột trong ngày đầu cùng với chiến thắng của Trung đoàn 53 Bộ binh, thêm 100 Cộng quân khác bị hạ trước tiểu khu, trước khi tiểu khu Darlac bị mất liên lạc, và trước dinh Tỉnh trưởng, gần sát với Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh. 12 chiến xa Cộng sản Bắc Việt bị bắn cháy, trong số đó có 11 cái do Không quân đánh bom trúng.
Những lệnh cuối cùng trong ngày Tướng Phú chỉ thị cho Tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh mặt trận nam Pleiku và Tỉnh trưởng không được lùi khỏi Căn cứ 93 trên tuyến phòng thủ Bộ Tư lệnh Quân đoàn và thị xã này. Liên Đoàn 21 Biệt động quân đã từ Buôn Hô di chuyển về gần tới Ban Mê Thuột bằng mọi giá phải tái chiếm bộ chỉ huy tiểu khu và kho đạn Ban Mê Thuột.
19 giờ tối, Tổng Thống Thiệu từ Saigon gọi lên chỉ thị cho Tư lệnh Quân đoàn II giải quyết chiến trường Ban Mê Thuột mau lẹ (?)
Giây Phút Cuối Cùng của Tư Lệnh Mặt Trận Ban Mê Thuột
Ngày 11 tháng 3, 1975.
Trận đánh đẫm máu thư 2 giữa Trung đoàn 53 Bộ binh và một lực lương quân chính qui Cộng sản Bắc Việt đã được tăng cường đông hơn gấp 10 lần, xảy ra lúc 5 giờ sáng. Đó cũng là lần xuất trận đầu tiên của Sư đoàn 316, sư đoàn tổng trừ bị của Bắc Việt tại mặt trận phi trường Phụng Dực trên chiến trường Cao nguyên.
Sư đoàn 316 tổng trừ bị Cộng sản Bắc Việt vừa di chuyển từ miền Bắc vào, và mới tới trận địa hồi đêm. Những báo cáo tiên khởi trong 2 giờ đầu cho biết Trung đoàn 53 Bộ binh bị thiệt hại quá nặng.
7 giờ 45 phút sáng, đích thân Tư lệng mặt trận Ban Mê Thuọt, Đại tá Vũ Thế Quang gọi lên Trung tâm Hành quân Quân đoàn II cho biết tình hình vô cùng nguy ngập. 10 chiến xa Cộng sản Bắc Việt đang bắn trực xạ vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn.
Người sử dụng máy siêu tần số lúc đó là Trung tá Không quân Nguyễn Văn Giang, Giám đốc Không trợ II. Bằng những ngụy thoại, ông cho biết đoàn phản lực cơ cất cánh từ Nha Trang đang trên đường, và sắp tới vùng trời Ban Mê Thuột.
7 giờ 55 phút, hai chiếc phản lực cơ A37 lao xuống mục tiêu, những chiến xa Cộng sản Bắc Việt, và đánh vô cùng chính xác. Nhưng chỉ mấy phút sau, bỗng nghe Đại tá Quang hét lên trong máy truyền tin:
– Ơ!… “nó” đánh trúng tôi!!!
8 giờ. Đó là giờ phút của “định mệnh”. Hai trái bom đã thả trúng hầm Chỉ huy và Truyền tin của Tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột. Và Trung tâm Hành quân Quân đoàn II mất liên lạc với Ban Mê Thuột từ lúc đó.
Nghe câu nói sau cùng của Quang, tự nhiên tôi thấy đau lòng và đưa mắt nhìn Giang. Quang, Giang và tôi đều là bạn.
Quang với biệt danh “Quang dù”, là người lính của chiến trường và thành phố trong 2 thập niên 1955-1975. Trước năm 1960 khi chiến tranh còn ở cấp tiểu đoàn, một số sĩ quan trong các binh chủng Không quân, Nhảy Dù rất nổi tiếng trong cả hai lãnh vực: ăn chơi và đánh giặc. Tên tuổi họ trở thành những nhân vật trong tiểu thuyết, các phóng sự với những biệt danh riêng. Chẳng hạn như: Cương “khểnh”, Hợi “voi”, Quang “dù”, Hùng “sùi”, Giang “nám” …
Thơi gian ở Nhảy Dù, Quang là một Tiểu đoàn trưởng trung bình, nhưng là người có một “nghệ thuật sống” siêu đẳng. Anh luôn luôn tự chế và thích nghi với mọi hoàn cảnh. Cuối năm 1963, Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù đang được tái huấn luyện tại Trung tâm Vạn Kiếp, mới được tạm thơi giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng, anh đã liều lĩnh mang tiểu đoàn về Saigon tham gia đảo chánh. Nhưng công trạng của anh chỉ được biết đến khi Tướng Nguyễn Cao Kỳ được bổ nhiệm làm Tư lệnh Không quân.
Rồi sau đó, khi trở thành Thủ tướng, ông Kỳ đã đề cử Quang chỉ huy Liên đoàn An ninh Danh dự. Đường hoạn lộ chim bay từ đó!
Nhưng phải nói anh là người đàng hoàng, trung trực. Khi ông Kỳ bị ông Thiệu hất cẳng, cho “ngồi chơi sơi nước”, một bất ngờ, anh được ông Thiệu cho đi làm Thị trưởng Cam Ranh. Anh vào Tân Sơn Nhất hỏi ý kiến ông Kỳ. Không may cho anh, trong một canh mạt chược dở dang, ông Kỳ rất thờ ơ lạnh lùng. Vì vậy, anh thất vọng bỏ đi. Từ đó, anh trở lại cương vị của một người quân nhân “nhà nghề”. Tuy nhiên, bạn bè vẫn nghi ngờ và chế diễu anh là một “petit … Lên Nguyên Khang” (!) Mỗi khi có chiến thắng Việt Cộng, tay phải cầm khẩu AK47 tặng Trung tướng Thiệu, tay trái trao khẩu CKC cho Thiếu tướng Kỳ. Cũng như Trung tướng Khang, luôn luôn đu giây giữa “cánh phải và cánh trái” dinh Độc Lập với câu nói đầu môi: “ông Kỳ là bạn, ông Thiệu là thày, tôi chỉ biết phục vụ cho quyền lợi của Tổ quốc và Quân đội”!!!
Sau khi rời chức vụ Thị trưởng Cam Ranh vơi thâm niên cấp bậc, Quang được bổ nhiệm làm Tư lệnh Phó Sư đoàn 23 Bộ binh.
Chiều ngày 9 tháng 3, 1975 , Tướng Phú rất khó khăn và cân nhắc mãi mới chọn lựa anh làm Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột, vì Đại tá Luật, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Darlac chức vụ nhỏ hơn, nhưng trận mạc và cấp bậc thâm niên hơn.
Tôi nhớ khi rời phi trường Phụng Dực, Tương Phú bắt tay Quang và nói:
– Cố gắng và ráng cẩn thận nghe Quang! Đừng để lỡ dịp lên tướng kỳ này. Mình … Nhảy Dù mà !
Quang đứng nghiêm chào Tướng Phú:
– Thiếu Tướng yên tâm, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được. Và tôi sẽ chết tại đây trước khi Ban Mê Thuột mất!
Sau khi Trung tâm Hành quân, hầm Chỉ huy và Truyền tin của Tư lệnh Chiến trường bị sập, mọi người đều lo lắng cho số phận Ban Mê Thuọt.
Đại tá Tham mưu trưởng Quân đoàn được lệnh thành lập bộ Chỉ huy Hành quân trên không để chỉ huy mặt trận Ban Mê Thuột. Cả hai chiếc C47 và U17 của Tư lệnh Quân đoàn đều được sử dụng. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Hành quân nhẹ cũng được thành lập gấp rút ở Buôn Hô.
11 giờ 50 phút, sau gần 4 giờ chờ đợi, Trung tâm Hành quân Quân đoàn II ghi nhận mất liên lạc hoàn toàn với Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột và Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng tiểu khu Darlac.
15 giơ 30, Đại tướng Cao Văn Viên gọi cho Tướng Phú gay gắt ra lệnh “bốc” Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 từ mặt trận nam Pleiku thả xuống Ban Mê Thuột chỉ huy.
17 giờ và 23 giờ đêm, những lệnh của Tổng Thống Thiệu và Thủ tướng Chính phủ Trần Thiện Khiêm:
– Linh động trong mọi trường hợp. Cẩn thận không nên dồn hết quân trong mặt trận này.
– Tư lệnh Quân đoàn toàn quyền quyết định, có thể bỏ Ban Mê Thuột. Tránh sa lầy, vì có thể còn hai, ba mặt trận lớn nữa tại Quân khu II.
– Tường trình chính xác các sư đoàn Cộng sản Bắc Việt hiện tham chiến trên trận địa Ban Mê Thuột.
– Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột coi như đã mất tích. Chấp thuận thả một Tỉnh trưởng khác xuống chỉ huy nơi có dân và quân tập trung nhiều. Lập tòa Hành chánh và bộ Chỉ huy tiểu khu Ban Mê Thuột lưu động.
Giây phút cuối cùng của Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột sau này được ghi nhận với những dữ kiện đặc biệt. Buổi sáng khi 2 trái bom 500 cân Anh của Không quân đánh sập một đầu hầm Trung tâm Hành quân của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, một số sĩ quan trong bộ tham mưu đã thoát lên được. Trên một thiết vận xa M113, Đại tá Vũ Thế Quang sử dụng máy truyền tin liên lạc với chiếc máy bay chỉ huy, cho lệnh các phản lực cơ trút bom xuống bộ Tư lệnh Sư đoàn hiện đang bị địch quân tràn ngập. Và cho biết sẽ rút về phía Trung đoàn 53 Bộ binh tại phi trường Phụng Dực để tiếp tục chỉ huy.
Đại tá Nguyễn Công Luật cùng với Phó Tỉnh trương Hành chánh Nguyễn Ngọc Vỵ đi theo một hướng khác. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, chiếc thiết vận xa chỉ huy bị bắn cháy, Đại tá Quanh thoát chết trong gang tấc. Cộng quân lúc này đầy khắp các ngả đường trong thành phố cùng với những đoàn xe tăng của chúng.
Cũng thời gian này, trên Quốc lộ 14, khoảng đường tư Đức Lập về Ban Mê Thuột, bộ Chỉ huy Hành quân nhẹ của Trung đoàn 53 Bộ binh cùng với một tiểu đoàn, được lệnh rút từ vùng hành quân phía đông bắc quận Đức Lập về tiếp cứu Ban Mê Thuột, cũng bị Việt cộng phục kích chận đánh. Trung tá Trung đoàn Phó Trung đoàn 53 và hầu hết các sĩ quan đều bị tử trận hoặc bị địch bắt. Cánh quân này coi như bị tan rã trước khi tới được trận địa Ban Mê Thuột.
Đến xế trưa ngày 11 tháng 3, bên cạnh Đại tá Quang chỉ còn có người Thiếu úy, Sĩ quan Tùy viên và một người lính. Không thể đi tới được phi trường Phụng Dực và cũng không còn phương tiện truyền tin để liên lạc, ba người đã ẩn tránh trong một vườn cà phê mấy tiếng đồng hồ, đợi đêm tối nhắm hướng nam đi về phía Quảng Đức.
2 giờ sáng ngày 12 tháng 3, đi được khoảng 6 cây số đưỜng rừng ngay khi vưa tới sát một làng Thương, thì bị Việt cộng nổ súng, xông ra vây bắt. Thấy Đại tá Quang vẫn còn mang cấp bậc trên cổ áo và xưng danh là Tư lệnh Phó Sư đoàn 23 Bộ binh, chúng đã trói lại, lột giầy và liệng xuống hố. Chừng một giờ sau, chúng được lệnh dẫn Đại tá Quang đi suốt đêm. Tới chiều hôm sau, ngày 13 tháng 3, được cởi trói, cho đi giầy vào và chở đi bằng xe Molotova sang Cam Bốt để khai thác. Vùng rừng núi này, chắc chắn là nơi đặt bản doanh bộ Tư lệnh chiến trường Tây nguyên 1975 của 2 Tướng Cộng sản Bắc Việt Văn Tiến Dũng và Hoàng Minh Thảo.
Trong suốt thời gian bị điều tra, Đại tá Quang bị Việt cộng khủng bố tinh thần, cùm giữ hai chân trong hai thân cây lớn được khoét lỗ sẵn. Đó có thể cũng là kết quả đưa đến những lời cung khai của Tư lệnh Phó Sư đoàn 23 Bộ binh, như Văn Tiến Dũng đã viết trong cuốn Đại Thắng Mùa Xuân.
Nhưng với cuộc tấn chiếm Ban Mê Thuột bằng một lực lượng chính qui Cộng sản Bắc Việt đông hơn gấp 10 lần, có chiến xa, pháo binh yểm trợ, do chính Văn Tiến Dũng, Tổng Tư lệnh quân đội Bắc Việt trực tiếp chỉ huy, việc giữ được Ban Mê Thuột 48 giờ đã là một sự kiện hết sức đặc biệt. Vì Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh không có hệ thống phòng thủ để chiến đấu. Lực lượng chính yếu là Trung đoàn 53 Bộ binh thì trấn đóng tại phi trường Phụng Dực, cách Ban Mê Thuột 5 cây số. Trong thị xã, ngoài các đơn vị Địa phương quân, chỉ có những thành phần quân nhân lo về tiếp liệu, phòng giữ hậu cứ của các Trung đoàn Bộ binh, hậu cứ các đơn vị Thiết giáp, Pháo binh, Truyền tin, Quân cụ, Công binh.
Một Huyền Thoại trong Chiến Tranh Việt Nam
4 giờ sáng ngày 10 tháng 3, 1975.
Sau những trận mưa pháo suốt 2 tiếng đồng hồ, Cộng quân với chiến xa và biển người, tấn chiếm Ban Mê Thuột. Và với một lực lượng đông gấp 10 lần, địch đã làm chủ tình hình ngay từ phút đầu.
Sự chống trả mảnh liệt của những đơn vị phòng vệ thị xã cùng với sự yểm trợ hữu hiệu gan dạ của các phi công anh hùng, đã chặn bớt được sức tiến của quân thù.
Nhưng ngày hôm sau, khi Cộng sản Bắc Việt tung thêm Sư đoàn tổng trừ bị 316 mới ở miền Bắc vào, thì lực lương hai bên giữa ta và địch quá ư chênh lệch, cả về quân số, chiến xa lẫn vũ khí nặng!
12 giờ trưa ngày 10 tháng 3, 1975 tiểu khu Ban Mê Thuột mất!
8 giờ sáng hôm sau 11 tháng 3, 1975, 10 chiến xa T54 của Cộng sản Bắc Việt bắn trực xạ vào bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh. Vị Tư lệnh chiến trường chấp nhận rủi ro, nguy hiểm, yêu cầu Không quân đánh bom thẳng vào những xe tăng địch. Những phản lực cơ A37 lao xuống. Ba chiếc T54 bốc cháy, nhưng rồi 2 trái bom khác rơi trúng sập một đầu hầm của Trung tâm Hành quân Sư đoàn 23 Bộ binh. Hệ thống truyền tin giữa Ban Mê Thuột-Pleiku bị hư hại hoàn toàn, mất liên lạc với Tư lệnh Chiến trương và Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột từ đó.
8 giờ sáng ngày 11 tháng 3, 1975, giờ phút của định mệnh, và cũng là khởi đầu ngày thứ hai trong trận đánh quyết định giữa hai miền Nam-Bắc 1975. Chiến trường Ban Mê Thuột coi như kết thúc với sự tràn ngập của Bắc quân.
Nhưng tại phi trường Phụng Dực, cách Ban Mê Thuột khoảng 8 cây số về phía đông, một trung đoàn (-) của Sư đoàn 23, với 2 Tiểu đoàn của Trung đoàn 53 Bộ binh, một Chi đoàn Thiết vận xa M113, một Pháo đội đại bác 105 ly vẫn tiếp tục chiến đấu thêm một tuần lễ nữa. Chiến đấu dũng mãnh, dai dẳng, phi thường cho đến những người lính cuối cùng và những viên đạn cuối cùng được bắn đi!
Đó là một huyền thoại trong một cuộc chiến đấu chống Cộng thần thánh nhất của quân dân miền Nam Việt Nam. Đó cũng là biểu tượng tinh thần gang thép, sắt đá của người chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Trận thử sức dò dẫm của 2 trung đoàn Cộng sản Bắc Việt và các lực lượng phòng thủ mặt trận phi trường Phụng Dực đầu tiên xảy ra lúc 14 giờ trưa ngày 10 tháng 3, 1975, với kết quả địch bỏ lại chiến trường trên 200 xác chết!
Nhưng chưa đầy một ngày sau, 5 giờ sáng 11 tháng 3, 1975 khi những chiến xa T54 Bắc Việt nghiền nát những đường phố Ban Mê Thuột, tiến thẳng vào bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, cũng là lúc địch quân rửa hận cho đồng bọn chúng tại mặt trận phi trường Phụng Dực.
Sư đoàn 316 tổng trừ bị của Cộng sản Bắc Việt lần đầu tiên được sử dụng trên Chiến trường Cao nguyên và miền Nam Việt Nam. Từ xa lộ đất Hồ Chí Minh, sư đoàn này bất chấp mọi thiệt hại, di chuyển ngày đêm để tới trận địa đêm 10 tháng 3, 1975. Và ngay sáng hôm sau, dốc toàn lực lượng tấn công Trung đoàn 53 Bộ binh.
45 phút khởi đầu là những cơn mưa đạn đại bác khiến chiến sĩ ta chìm ngập trong giao thông hào. Sau đó, Bắc quân với những tên lính trẻ xuất trận lần đầu, hung hăng, hò hét … xung phong. Từng lớp, từng lớp gục xuống, nhưng chúng vẫn hô, vẫn tiến.
Trận thư hùng thứ hai ngày 11 tháng 3, 1975 này kéo dài 2 giờ 40 phút. Gần 200 người anh hùng của chiến trường miền núi vĩnh viễn buông súng, ở lại Cao nguyên Việt Nam!
Nhưng những người còn lại vẫn tiếp tục chiến đấu. Chiến đấu không yểm trợ, không tiếp tế, không tản thương, không tăm gội, 24 giờ trên 24 giờ ngoài chiến hào phòng thủ!
Quá nửa lực lượng bị thiệt hại từ khi ở mặt trận Quảng Đức rút về. Trung đoàn 53 Bộ binh hiện còn hơn một tiểu đoàn với khoảng 500 tay súng. Và họ đã chiến đấu đơn độc sang ngày thứ ba 12 tháng 3, ngày thứ tư 13 tháng 3, ngày thứ năm 14 tháng 3, ngày thứ sáu 15 tháng 3, ngày thứ bảy 16 tháng 3. Và hôm nay, ngày thứ tám 17 thang 3, 1975!
Thật anh hùng! Thật vĩ đại! Thật phi thường! Không còn từ ngữ nào khác hơn để ca ngợi, vinh danh họ. Và đó cũng là một huyền thoại độc đáo nhất của chiến tranh Viêt Nam trong trận đánh sau cùng trên Chiến trường Cao nguyên!
Bay trên đầu những người anh hùng của mặt trận phi trường Phụng Dực trưa ngày 12 tháng 3, 1975, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Chiến trường Cao nguyên đã nói chuyện với 2 người quân nhân lớn nhất và nhỏ nhất của Trung đoàn 53 Bộ binh.
“Người anh hùng Võ Ân”, Trung tá Trung đoàn trưởng:
– Trình Mặt Trời, lực lượng địch quá mạnh. (Mặt Trời là danh hiệu ngày hôm nay của Tướng Phú, Tư lệnh Quân đoàn II).
– Chú mày chịu nổi không? Tinh thần anh em ra sao?
– Bị sứt mẻ kha khá ngày hôm qua, nhưng chưa sao. Mặt Trời yên tâm!
– Chú mày muốn gì đặc biệt không?
– Dạ không! Nhưng sao Mặt Trời không bay trực thăng hôm nay?
– Tại qua muốn ở chơi với chú mày và những anh em khác lâu lâu một chút. Mà tại sao chú mày hỏi như vậy?
– Tại vì tôi muốn Mặt Trời đáp xuống coi kho vũ khí Việt cộng ở phòng danh dự phi cảng cho anh em lên tinh thần.
Tướng Phú cười:
– Ý kiến hay đấy! Thôi … để lần sau vậy!
– …
“Người anh hùng Nguyễn Văn Bảy”, Binh nhì xạ thủ súng cối 81 ly:
– Em tên gì? Bao nhiêu tuổi?
– Dạ … Binh nhì Nguyễn Văn Bảy, 18 tuổi!
– Em thấy Việt cộng chết nhiều không?
– Nhiều, nhiều lắm … Thiếu tướng!
– Em muốn xin Thiếu tướng gì nào?
– xin thuốc hút và … lựu đạn.
– Gì nữa?
– Thôi!
– Thiếu tướng thăng cấp cho em lên Binh nhất! Chịu không?
– …
Một giọng cười khúc khích trong máy:
– Ông Thầy! Ông Tướng tặng tôi cái “cánh gà” chiên bơ!
– Không được … tao phản đối!
– …
Cái “cánh gà”, chữ V, là hình dáng của chiếc lon Binh Nhất. Ông Thầy là tiếng gọi thân mật vị Trung tá Trung đoàn trưởng mà người “Binh Nhất vừa được tân thăng” Nguyễn Văn Bảy thường hay sử dụng.
Mẫu đối thoại trên cho thấy tình chiến hữu, anh em của những người lính Trung đoàn 53 Bộ binh. Đó cũng là một cách để chứng minh, tại sao trong những ngày cuối cùng họ vẫn sống chết bên nhau? Họ đã chia nhau từng viên đạn, từng dúm gạo sấy, từng hớp nước, từng hơi thuốc …
Theo thời gian, 7 ngày đêm chiến đấu dài hơn 7 năm tại mặt trận phi trường Phụng Dực. Đã ba ngày rồi, từ khi lệnh triệt thoái cao nguyên được ban hành, Trung đoàn 53 không còn nhận được bất cứ một tiếp tế, liên lạc nào với Quân đoàn. Họ đã phải sử dụng cả súng đạn tịch thu được của quân thù trong trận đánh đầu tiên, để bắn lại chúng!
Nhưng hôm nay, ngày 17 tháng 3, 1975 là ngày dài nhất trong cuộc đời lính chiến của họ!
7 giờ 40 phút sáng, khi rừng núi cao nguyên vẫn còn ngủ yên với những lớp sương mù phủ kín, hàng trăm hàng ngàn viện đại bác Bắc quân nã vào những chiến hào của Trung đoàn 53 Bộ binh. Cỏ cây rạp xuống. Những cột đất đỏ từng cụm, từng khóm tung cao!
Trận địa pháo kéo dài một tiếng đồng hồ. Tiếp theo sau là tiếng loa kêu gọi đầu hàng. Tiếng hò reo “sóng vỡ” của biển người. Và rồi tiếng gầm thét của hàng đoàn chiến xa T54 trên khắp ngả tiến vào, cầy nát phi đạo phi trường Phụng Dực Ban Mê Thuột!
Hôm nay là ngày đầu của cuộc rút quân của Quân đoàn II. Sư đoàn 316 Cộng sản Bắc Việt quyết khai tử Trung đoàn 53 Bộ binh, quyết nhổ đi “cái gai” cuối cùng của mặt trận Ban Mê Thuột, của Chiến trường Cao nguyên để tiến về duyên hải.
8 giờ 30 sáng, Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, vị Tướng lớn nhất của Quân đội gọi yêu cầu được tường trình đặc biệt về mặt trận phi trường Phụng Dực và các chiến sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh.
Đây cũng là một vinh dự, một hãnh diện cuối cùng dành cho những dũng sĩ tại mặt trận này! Nhưng Đại tướng Viên chỉ được báo cáo qua nguồn tin không chính xác (!) của bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 hành quân ở Phước An: Trung đoàn 53 Bộ binh đang bị đánh rất nặng, Bắc quân đã tràn ngập vị trí phòng thủ!
Đạn hết, lương thực hết, không còn cấp chỉ huy, không còn được yểm trợ, không còn máy móc liên lạc để … kêu cứu. Những chiến sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh gục ngã từng người, từng tổ, từng … tiểu đội … trong những chiến hào …
11 giờ 30 sáng, tiếng súng im bặt. Bắc quân cắm ngọn cờ đỏ trên đài kiểm soát của phi trường Phụng Dực, và thu dọn chiến trường.
Không có tù binh, không có cả những người lính bị thương. Những dũng sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh không còn chiến đấu nữa. Họ đã tan ra, đã nát ra … từng mảnh vụn, và lẫn trong đất đỏ của miền cao nguyên hùng vĩ!
Ngày 17 tháng 3, 1975 Trung đoàn 53 Bộ binh bị Bắc quân xóa tên. Đó cũng là một ngày đau buồn! Lần đầu tiên trong 21 năm chiến đấu chống cộng, giữ nước, bộ Tư lệnh Quân đoàn II triệt thoái khỏi cao nguyên!
Nhưng không, đó vẫn chưa phải là những dòng chữ cuối cùng viết về các dũng sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh! Bởi vì … vẫn còn những anh hùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa mang phù hiệu của Trung đoàn 53 … trên vai áo.
Hai ngày sau, khi Bắc quân tràn ngập phi trường Phụng Dực, Ban Mê Thuột, một nhóm 16 quân nhân của đơn vị này đã về được Phước An và tiếp tục chiến đấu tại mặt trận Quốc lộ 21.
Một tuần lễ sau nữa, ngày 24 tháng 3, 1975 ba người anh hùng khác, sau 7 ngày 7 đêm, đi trên mấy chục cây số đường rừng núi, sống với cỏ cây thiên nhiên, từ Ban Mê Thuột đã lên tới buôn Thượng Dam Rong, Đà Lạt!
Họ là những quân nhân bất tử của Trung đoàn 53 Bộ binh! Họ thật vĩ đại, thật phi thường! Và đó cũng là một huyền thoại của chiến tranh Việt Nam trong trận chiến Nam-Bắc sau cùng 1975.
Liên tỉnh lộ 7 Pleiku-Phú Bổn-Phú Yên
Ngày thứ nhất 17 tháng 3, 1975.
Ngày đầu tiên của cuộc rút quân. Trời mây mù, ảm đạm. Trong 21 năm chiến đấu chống Cộng giữ nước của quân dân miền Nam, kể từ sau Hiệp định Genève, đây là một ngày đau buồn nhất xảy ra trên Chiến trường Cao nguyên Việt Nam.
Thành phố Pleime nằm trên một ngọn đồi cao, nơi đặt bản doanh của bộ Tư lệnh Quân đoàn II hôm nay không còn vẻ uy nghiêm, hùng vĩ nữa. Cây cột cờ mà mấy ngày trước địch pháo gần trúng, đứng trơ trọi như một thân cây trụi lá. Không còn lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu, không còn lá cờ tướng với những ngôi sao trắng được kéo lên, như mỗi ngày trước đây!
Con đường từ bộ Tư lệnh Quân đoàn về Pleiku kéo dài mấy cây số, và từ những ngả đường khác đổ xô về, người và xe cộ nối đuôi, dồn, lấn, kẹt cứng.
Tin Quân đoàn “di tản” đã không còn là một tin “tối mật” như các giới chức quân sự mong muốn. Từ hai ngày nay, mọi người dân Pleiku, mọi gia đình quân nhân, và chắc chắn cả … địch nữa, đều biết. Hỗn loan, cướp bóc, bắn phá xảy ra nhiều nơi, trong và ngoài thị xã.
8 giờ 40 phút, cắt đứt mọi liên lạc bằng điện thoại với bộ Tư lệnh Quân đoàn II ở Pleiku. Đoàn xe di chuyển, khoảng 4000 quân xa đủ loại và những xe dân sự.
9 giờ 15 phút, Tướng Lê Văn Thân, Phụ tá Quân khu II và Trưởng phòng 3 Quân đoàn bay trên C47, bộ Chỉ huy Hành quân trên không, để quan sát đoàn xe. Thêm một máy bay bay quan sát được lệnh liên lạc thường trực với Tướng Phạm Duy Tất, chỉ huy cuộc rút quân.
Danh hiệu của các cấp chỉ huy trong cuộc triệt thoái Quân đoàn II ngày 17 tháng 3, 1975:
Tư lệnh Quân đoàn – Hiệp Tình
Tướng Phạm Duy Tất – Trường An
Tướng Trần Văn Cẩm – Phi Bảo
Đại tá Lê Khắc Lý, Tham mưu trưởng Quân đoàn – Công Danh
Đoàn xe – Công Bình
Trực thăng – Nam Hiền
9 giờ 30, Tướng Trần Đình Thọ, Trưởng phòng 3 bộ Tổng tham mưu gọi ra ghi nhận một lần nữa những rối loạn và tình hình xảy ra thật sự tại Pleiku ngày 16 tháng 3, 1975 để trình thượng cấp.
Theo báo cáo của Đại tá Lý gọi thẳng về Saigon, tình hình Pleiku ngày 16 tháng 3, 1975 cực kỳ hỗn loạn. Phi trường Cù Hanh, dân chúng, binh sĩ và gia đình tràn vào. Lực lượng an ninh không giữ được trật tự. Cướp của, hãm hiếp đã xảy ra.
Một báo cáo khác của Đại tá Hoàng Thọ Nhu, Tỉnh trưởng Pleiku gọi về Nha Trang trình với Tướng Phú thì, tình hình có rối loạn nhưng không ở mức độ trầm trọng. Bởi vì nếu “cực kỳ hỗn loạn” thì Tướng Tất và bộ Tư lệnh Quân đoàn đã không sắp xếp và tổ chức được đội hình của đoàn xe, hơn 4000 cái di chuyển ngày hôm nay. “Tiếng nói” của Đại tá Nhu coi như là tiếng nói chính thức, đại diện cho Tướng Tất, người thay Tướng Phú chỉ huy cuộc rút quân!
Tướng Phú giận lắm, nhưng chỉ trình bày với Tướng Thọ, vì Đại tá Lý mất bình tĩnh nên báo cáo không đúng sự thật!!!
Đại tá Lê Khắc Lý, Tham mưu trưởng Quân đoàn II là một sĩ quan rất giỏi về tham mưu và tổ chức. Nhưng vụ Tướng Phú gắn sao cho Đại tá Tất làm ông bất mãn và chán nản. Với sự thông minh và khôn ngoan, ông nhìn thấy trước sự thất bại của Quân đoàn kỳ này trong cuộc rút quân. Do đó, viếc Tướng Phú hứa hẹn cho ông lên Tướng chỉ là một lời hứa viển vông, không bao giờ thành sự thật.
Cũng vì vậy, ngay khi Tướng Phú rời Pleiku, ông đã bất chấp mọi lệnh của Tướng Trần Văn Cẩm, Phụ tá Hành quân Tư lệnh Quân đoàn, và Tướng Phạm Duy Tất, chỉ huy cuộc rút quân.
Tướng Phú được thông báo về sự việc này, nên khi nghe Đại tá Lý báo cáo thẳng về Saigon những rối loạn, cướp bóc, hãm hiếp xảy ra tại Pleiku đêm 16 tháng 3, 1975 lại cho rằng Đại tá Lý bất mãn, nên phá hoại. Sự thật những điêu Đại tá Lý trình cho Tướng Thọ đều đúng! Ghi nhận sự kiện này ra đây để nói lên sự đổ vỡ tồi tệ của hệ thống chỉ huy Quân đoàn II. Vì sự đố kỵ, bất mãn, bất lực và vô kỷ luật của cả những sĩ quan cao cấp và có trách nhiệm nhất, đưa đến sự thảm bại nặng nề trong cuộc rút quân khỏi cao nguyên.
10 giờ phi trường Cù Hanh chính thức đóng cửa.
10 giờ 15 phút, liên lạc lần cuối cùng giữa Tư lệnh Quân đoàn II và Tướng Cẩm tại Pleiku bằng STS-106. Xác nhận về việc ra lệnh cho Tỉnh trưởng Pleiku phòng thủ tỉnh này. Nghi ngờ hệ thống truyền tin bị địch phá.
10 giờ 45 phút, Đại tá Trần Cửu Thiên bay đi Phú Bổn cùng với các chuyên viên truyền tin, thiết lập hệ thống liên lạc để tường trình tình hình đoàn xe từng giơ về Nha Trang, Saigon.
10 giờ 50 phút, Tổng Thống Thiệu gọi ra lệnh giải tỏa gấp rút mặt trận Khánh Dương và Quốc lộ 21 bằng mọi giá. Chấp thuận cho Đại tá Nguyễn Văn Đức làm Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh.
Chặng đầu của cuộc rút quân Pleiku-Phú Bổn sáng ngày 17 tháng 3,1975 diễn ra tốt đẹp. Hệ thống liên lạc siêu tần số từ Nha Trang và đoàn quân triệt thoái bị gián đoạn trong 2 giờ đầu. Nhưng sau đó, từ 12 giờ 20 phút, mọi liên lạc và báo cáo đều rõ ràng.
13 giờ, đoàn xe về gần tới Phú Bổn. Một số xe bị ứ đọng. Nhừng lệnh cần thiết được ban hành. Các Tướng Cẩm và Tất đích thân chỉ huy, điều động. Các đơn vị vào vị trí phòng thủ.
Liên đoàn 6 Công binh Chiến đấu và những đơn vị Biệt động quân tiếp tục mở và dọn đường cho chặng kế tiếp. Lữ đoàn II Thiết giáp và các Liên đoàn Biệt động quân khác đi sau cùng bảo vệ đoàn quân và chiến cụ, đề phòng bị địch đánh tập hậu.
13 giờ 40 phút, Tướng Thọ, Trưởng phòng 3 Tổng Tham mưu gọi ra từ Saigon cho biết, Tổng Thống, Hội đồng Nội các, và các Tướng lãnh khen ngợi Tư lệnh và bộ Tư lệnh Quân đoàn II về cuộc rút quân.
Nhưng đấy chỉ là chặng đầu trên Liên tỉnh lộ 7. Con đường chôn vùi hàng nhiều ngàn xác đồng bào và trẻ thơ vô tội. Chôn vùi tên tuổi tất cả các Tướng lãnh đạo Đất Nước trong những năm sau cùng. Và cũng chính là con đương đưa đến sự sụp đổ mau chóng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, để rồi miền Nam Việt Nam mất vào tay Cộng sản sau đó.
18 giờ 15 phút, Đại tá Tham Mưu trưởng báo cáo về tình hình Phú Bổn. Đã tổ chức, phân loại xe quân đội và dân sự. Ra lệnh các đơn vị không được tự ý tách rời đoàn xe đi riêng.
Một sự việc xảy ra vào buổi tối. Lính Thương nổi loạn, đốt nhà, ăn cướp, nhưng chỉ là một nhóm nhỏ. Tỉnh trưởng Phú Bổn đã giải quyết và chận đứng.
Mặt trận Phước An
Bộ Tư lệnh Quân đoàn II, các Lực lương Thiết giáp, Không quân, Pháo binh và Chủ lực quân đã rút khỏi Kontum, Pleiku. Trong 2 ngày nữa, nếu đoàn xe không về tới Phú Bổn như dự định, thì mặt trận Phước An sẽ vô cùng nguy ngập. Bởi vì địch chỉ cần sử dụng một phần lực lượng tại trận địa Ban Mê Thuột hiện nay, với chiến xa và trọng pháo yểm trợ, sẽ dứt Phước An dễ dàng. Và sau đó là Khánh Dương.
Kiểm điểm lại quân số của sư đoàn và những đơn vị tăng cường hiện đang ở mặt trận Phước An, Đại tá Đức, tân Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh vô cùng lo ngại.
Lực lương chính yếu của sư đoàn là Trung đoàn 45 Bộ binh. Đơn vị với tinh thần cao độ, đã tình nguyện nhảy xuống Phước An trong đoàn quân tăng viện ngày 12 và 13 tháng 3, thì hôm nay đã tan hàng, trở thành dân sự già nửa quân số.
Buổi sáng, trong đợt di dân mới từ Ban Mê Thuột, khoảng 5000 người đã băng rừng đi về phía Phước An và nam Khánh Dương. Một số lớn là vợ con anh em binh sĩ Trung đoàn 45. Do đó, họ tự động bỏ súng, “chạy loạn” với gia đình.
Trung đoàn 45 còn lại đúng 200. Trung đoàn 44 với một Tiểu đoàn Chiến đấu và một Đại đội Trinh sát chưa sứt mẻ, khoảng 300.
Liên đoàn 21 Biệt động quân, 110 người. Bộ Tư lệnh Sư đoàn tại Chu Cúc, 42. Hậu trạm tại Khánh Dương, 6.
Khoảng 700 tay súng, không chiến xa và có 4 khẩu đại bác 105 ly. Đó là thực lực của mặt trận lớn nhất hiện nay tại Quân khu II. Một trận đánh lớn nếu xảy ra, chắc chắn lực lượng này phải đương đầu với Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt từ Ban Mê Thuột kéo về, với quân số 7, 8 ngàn và có chiến xa, đại pháo yểm trợ !
“Người lính già” của chiến trường với 25 năm quân ngũ, Tư lệnh phó Biệt khu 44 của Tướng Phú năm 1969, chờ đợi giây phút này từ lâu. Và hôm nay … đã đến. Tổng Thống Thiệu, Đại tướng Viên cùng chấp thuận việc bổ nhiệm ông là Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh!
Đại tá Đức khẽ mỉm cười, và tiến lại phía các chiến hữu của mình đang phòng thủ để quan sát.
17 giờ, phi cơ quan sát phát hiện khoảng 10 chiến xa địch gần Chu Cúc, xin đánh bom tối đa.
5 phi tuần khu trục từ Phan Rang lên. Điều động trễ 15 phút. Phi tuần 1 lên tới vùng mục tiêu lúc 17 giờ 40 phút. Trời mù, không nhìn rõ, các khu trục cơ phải quay về. Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh vẫn tiếp tục xin Không quân đánh tiếp.
Thêm 2 xe tăng Cộng sản Bắc Việt di chuyển ở phía bắc cây số 62, mặt trận Khánh Dương. Và tin tình báo mới nhất thâu thập được qua một tù binh Bắc Việt bắt được ngày 16 tháng 3, 1975, hai Trung đoàn 64 và 48 Cộng sản Bắc Việt đã di chuyển tới tây bắc Khánh Dương khoảng 20 cây số. Lực lương Sư đoàn 23 Bộ binh sẽ cùng phối hợp với 2 Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 22 Bộ binh tăng cường tổ chức tuyến phòng thủ, chận đứng cuộc tiến quân xuống Khánh Dương, Dục Mỹ của địch.
Nhưng cũng chỉ là trứng chọi đá! Quả thật trong trận này, lực lượng Việt cộng và quân ta quá chênh lệch!
Một sự việc cuối cùng và đặc biệt xảy ra hôm nay mà tôi ghi nhận, đó là yêu cầu của 2 Tỉnh trưởng Kontum và Pleiku xin máy bay chở bạc về Tổng Ngân Khố, Saigon.
Bộ Tư lệnh Quân đoàn lúc đầu chấp thuận, nhưng sau lại hủy bỏ. Vì phi trường Cù Hanh, Pleiku đã đóng cửa từ lúc 10 giờ sáng. Và, số bạc khổng lồ của 2 tỉnh liền được … đốt đi!
Đây cũng là một sự việc cực kỳ khó hiểu. Tại sao các Tỉnh trưởng Kontum, Pleiku được “ủy quyền” ở lại phòng thủ 2 thị xã này, lại xin máy bay chở bạc, và sau đó “đốt” đi hàng trăm triệu bạc, ngay cùng ngày Quân đoàn vừa di tản khỏi Pleiku?
Tôi quá mệt mỏi nên đã không tìm hiểu “lệnh đốt bạc” từ đâu tới. Từ Saigon hay từ bộ Tư lệnh Quân đoàn II?
Phạm Huấn
https://ongvove.wordpress.com/2010/04/06/m%E1%BA%B7t-tr%E1%BA%ADn-ban-me-thu%E1%BB%99t/
Thiếu Tướng Phạm Văn Phú
Ngày 9 tháng 3, 1975.
Đó là một ngày Chúa Nhật. Sau bốn ngày tại mặt trận Bình Định, mãi tối mịt hôm trước chúng tôi mới về tới Nha Trang. Và chúng tôi vừa chết hụt khi chiếc trực thăng hầu như mất thăng bằng trong những cơn lốc xoáy, lúc bay ngang qua Vũng Rô gần Tuy Hòa.
Khi chuông điện thoại reo lên, nhìn đồng hồ mới 8 giờ sáng, mắt tôi cay xè và thật khó chịu. Giọng nói quen thuộc của Tân, một Sĩ quan Tùy viên khác ở Nha Trang, và cũng là em vợ Tướng Phú vang lên từ đầu giây bên kia:
– Ông Tướng mời anh vào bay gấp!
Ngừng lại một giây, Tân nói tiếp:
– Nhưng ông ấy mới chuẩn bị ăn sáng. Chừng 15 phút nữa anh ra thẳng phi trường, tôi lái xe về cho. Ông Tướng bay C-47, tầu bay đậu ở khu VIP bên dân sự!
Và Tân cúp máy.
Tôi linh cảm thấy một chuyện gì quan trọng sắp sửa xảy ra. Tình hình quân sự tại chiến trương Cao nguyên sau khi Phước Long mất thật nghiêm trọng. Các quốc lộ huyết mạch 19, 21 nối liền Cao nguyên và Duyên hải đã bị cắt nhiều đoạn. Tỉnh Quảng Đức đang bị đe dọa nặng. Tại mặt trận Bình Định, các đơn vị của Sư đoàn 22 Bộ binh gần như quần thảo hàng ngày với Sư đoàn 3 Sao Vàng của Công Sản Bắc Việt. Mặt trận Nam Pleiku, Bộ Tư lệnh Hành quân của Sư đoàn 23 Bộ binh bị pháo liên miên.
Nghe tiếng sóng biển, nhìn qua cửa sổ của chiếc trailer, tôi thấy chân trời xa tít, và nắng lên thật đẹp. Tôi bước ra ngoài. Trước khi lái xe ra phi trường, tôi đã để ra giây phút nhìn cái trailer nằm sát biển Nha Trang, vì tự nhiên linh cảm rằng sẽ chẳng bao giờ trở lại đây nữa. Cái trailer, hay đúng hơn là nơi nghỉ mát của một viên cố vấn Mỹ trước kia, ông Tướng Tư lệnh phó đặc trách bình định phát triển, ông Tỉnh trưởng Khánh Hòa đều muốn nhận làm của riêng mình. Nhưng Tướng Phú đã cho tôi “mượn” dùng làm nơi tạm trú mỗi lần ghé Nha Trang.
8 giờ 40 sáng, chiếc C-47 từ bãi đậu VIP phía dân sự phi trường Nha Trang tiến ra phi đạo. Đây là chiếc máy bay chỉ huy của Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng Hoài. Mỗi năm cứ mùa mưa đến, ông cho biệt phái chiếc Dakota 2 động cơ này lên cho Tư lệnh Quân đoàn II sử dụng. Bởi vì chiến trương Quân khu II gồm 2 mặt trận cao nguyên và duyên hải; thời tiết luôn xấu và sương mù. Những khi khẩn cấp nếu sử dụng trực thăng hoặc phi cơ nhỏ trên những chặng đường dài Pleiku, Phan Thiết, Bình Định phải bay rất lâu và nguy hiểm.
Lúc phi cơ sắp sửa cất cánh, Tướng Phú nói với tôi:
– Hôm nay mình lên Ban Mê Thuột. Quận Đức Lập, Quảng Đức hiện đang bị pháo rất nặng, có thể bị mất …
Và ông hỏi Hóa, Sĩ quan Tùy viên, về cái lệnh mời Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, hiện là Tư lệnh mặt trận nam Pleiku, và Đại tá Nghìn, Tỉnh trưởng Quảng Đức và Ban Mê Thuột họp sáng nay.
Nhìn vẻ mặt đăm chiêu, nghiêm trọng của Tướng Phú, tôi biết rằng Ban Mê Thuột sẽ vô cùng nguy ngập, nếu Đức Lập và Quảng Đức mất.
Tháng trước trong một buổi họp với Tư lệnh mặt trận nam Pleiku, sau khi xếp đặt ưu tiên cho từng mặt trận, Tướng Phú đã ra lệnh cho Đại tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 Bộ binh về Ban Mê Thuột chỉ huy, và tăng cường thêm cho Ban Mê Thuột một đơn vị pháo binh 155 ly.
9 giờ 45 phút Tướng Phú tới phi trường Phụng Dực.
Sau những cái bắt tay vội vã, ông cùng với Chuẩn tướng Lê Trung Tường và Đại tá Nguyễn Công Luật, Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột về Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh.
Khi đoàn xe đi ngang qua dinh Tỉnh trưởng, thấy một số sĩ quan mặc đồ trắng đánh tennis, Tướng Phú tỏ vẻ khó chịu, và ngay lập tức ra lệnh cấm trại 100%. Tới Bộ Tư lệnh Sư đoàn, ông hối hả bước vào Trung tâm Hành quân.
Tình hình Đức Lập vô cùng nguy ngập. Các đồn phụ đã bị “bứt”. Chi khu bị pháo từ 6 giờ sáng, và quân chính qui Cộng sản Bắc Việt đánh “trận địa chiến”, và đánh ban ngày. Tiểu đoàn Địa phương quân đóng tại Núi Lửa cách Đức Lập 9 cây số bị địch tràn ngập sau một trận đánh đẫm máu. Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng và một số cấp chỉ huy khác bị Việt cộng sát hại.
Tương Phú bốc máy liên hợp và liên lạc thẳng với Trung tá Nguyễn Cao Vực, Quận trưởng quận Đức Lập. Ông được báo cáo Trung tá Quận trưởng đã bị thương, hiện ở ngoài chỉ huy và điều khiển nhưng khẩu đại bác 105 ly bắn trực xạ vào Cộng quân.
Đúng 10 giờ 30 phút sáng, quận Đức Lập biến thành biển lửa. Từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều ngày 9 tháng 3, 1975, Tướng Phú họp với Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, các Tiểu khu trưởng Ban Mê Thuột và Quảng Đức để duyệt xét tình hình các mặt trận.
Sau khi chấp nhận những đề nghị của các giới chức liên hệ và cho những chỉ thị cần thiết, ông ra lệnh cho Đại tá Nghìn, Tỉnh trưởng Quảng Đức bay về trước. Tại Ban Mê Thuột, để cho có sự thống nhất chỉ huy, Tương Phú bổ nhiệm Đại tá Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 làm Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột.
Các Tư lệnh mặt trận phải ra lệnh đôn đốc các đơn vị chuẩn bị và sẵn sàng chiến đấu trong 2, 3 tháng liên tiếp; tổ chức những cuộc hành quân xa ngoài thị xã và vị trí phòng thủ.
Kho xăng, kho đạn phải được phân tán, đề phòng đặc công Cộng sản Bắc Việt đánh phá. Lệnh thiết quân luật mỗi nơi được ủy nhiệm cho các Tư lệnh mặt trận toàn quyền định đoạt.
Hai quyết định quan trọng khác của Tướng Phú:
1. Tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột tùy theo tình hình, nếu cần cho phá hủy cầu 14 trên đường Quảng Dưc-Ban Mê Thuọt để làm chậm sức tiến của chiến xa địch.
2. Tư lệnh mặt trân Kontum tăng phái một Liên đoàn Biệt động quân cho mặt trận Ban Mê Thuột. Và Liên đoàn Biệt động quân này phải được đổ xuống Buôn Hô ngay chiều nay.
Sự có mặt của Tướng Phú tại Ban Mê Thuột ngày hôm nay, 9 tháng 3, 1975 với những quyết định có tính cách quan trọng và cấp bách ông vừa ban hành là cái “bén nhậy” của một tướng mặt trận, một vị Tư lệnh có kinh nghiệm chiến trường.
Ông làm việc liên miên ngay từ khi tới Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh. Khi quyết định tăng phái cho Ban Mê Thuột một Liên đoàn Biệt đông quân, vừa cầm dĩa cơm trên tay, vừa gọi máy ra lệnh cho Tư lệnh mặt trận Kontum cho các Tiểu đoàn Chiến đấu của Liên đoàn Biệt động quân được tăng phái, chuẩn bị di chuyển trong 2 giờ sắp tới.
Sau đó, ông cũng đích thân liên lạc với Tướng Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân ở Pleiku, để vận dụng tất cả trực thăng cho cuộc đổ quân được hoàn tất thật nhanh. Vì thế, đợt đổ quân đầu tiên của Liên đoàn 2 Biệt động quân xuống Buôn Hô đã được thực hiện ngay chiều ngày 9 tháng 3, 1975.
6 giờ chiều ngày 9 tháng 3, 1975 rời Ban Mê Thuột, Tương Phú ra lệnh bay thẳng lên Pleiku, thay vì trở lại Nha Trang nghỉ dưỡng sức. Và ngay buổi tối, ông vào làm việc, ở luông trong chiếc “bunker”, chiếc hầm nổi chống pháo kích của Tư lệnh Quân đoàn còn đang làm dở dang, sát với Trung tâm Hành quân. Lệnh cấm trại 100% được ban hành.
Từ lúc trở lại Pleiku, Tướng Phú có vẻ bồn chồn lo nghĩ. Ông hút thuốc lá liên miên. 9 giờ tối, khi được báo cáo Liên đoàn 21 Biệt động quân tăng cường cho mặt trận Ban Mê Thuột đã được trực thăng bốc từ bắc Kontum thả xuống Buôn Hô, Tướng Phú thở phào nhẹ nhõm, và nói một mình:
– May ra thì … còn kịp!
Rồi quay sang phía tôi:
– Này, “ông nhà báo”, mình làm một tẩy mạt chược, khánh thành chiếc “bunker” mới!
Tiếp đó, ông ra lệnh cho Thiếu tá Hóa, Sĩ quan Tùy viên:
– Hóa! Chú mày điện thoại mời Đại tá Tham mưu trưởng và gọi Vinh. Bảo tụi nhỏ kiếm cái bàn vuông, bàn “dã chiến” cũng được.
Hóa có vẻ ngần ngại:
– Hôm nay Thiếu tướng bay từ sáng sớm, và giờ khuya rồi, tôi sợ Thiếu tướng mệt.
– Ồ! ăn thua gì, hôm nay tôi muốn thức khuya, chú mày đừng làm ta xui xẻo!
Hóa không nói thêm nữa, lẳng lặng gọi điện thoại mời Đại tá Lý và Thiếu tá Vinh, Chánh Văn phòng Tư lệnh Quân đoàn. Hóa là Sĩ quan Tùy viên của Tướng Phú từ hồi còn ở Sư đoàn 1; người miền Trung, ít nói, tính lầm lì và rất chịu khó làm việc.
Tướng Phú là người sống bình dị, khắc khổ, không uống rượu, ăn chơi. Cái thú duy nhất của ông là hút thuốc lá và thỉnh thoảnh đưỢc xoa vài tẩy mạt chược, “ăn thua” tượng trưng. Đây là môn “thể thao” vừa giải trí, vừa đấu trí! Canh mạt chược đêm 9 tháng 3, 1975 kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ.
Và đó cũng là lần cuối cùng Tướng Phú được hưởng cái thú tiêu khiển này. Ông bị thua, thua cả … 3 người!
Gần 1 giờ sáng, Tướng Phú gọi ra lệnh cho Đại tá Phạm Duy Tất, Tư lệnh mặt trận bắc Kontum:
– Anh nhớ theo dõi “thằng con” anh mới rời Kontum anh chiều nay. Bắt nó phải “bung” ra hoạt động ngay. Ngày mai tôi sẽ ra lệnh Đại tá Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 mang bộ chỉ huy hành quân lên đó …
– …
– Tôi nghe nói “thằng cha Dậu” là con gà chết. Nếu anh thấy hắn ta chỉ huy không được thì nên thay thế ngay. Đừng che chở, kẻo hỏng việc hết!
– Tôi xin tuân lệnh Thiếu tướng!
Đại tá Phạm Duy Tất, Tư lệnh mặt trận bắc Kontum và cũng là chỉ huy trưởng Lực lương Biệt động quân, Quân khu II. Trung tá Dậu, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 21 Biệt động quân vừa được thả xuống Buôn Hô, đông bắc Ban Mê Thuột, và mới nắm quyền chỉ huy Liên đoàn Biệt động quân hơn 1 tháng nay!
30 ngày trước khi Cộng quân tấn công Ban Mê Thuột, khi chưa bị rối loạn, chưa ban hành quyết định rút Cao nguyên, bỏ Huế; Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đi khắp 4 Vùng Chiến thuật để ăn tất niên ngoài tiền tuyến với binh sĩ. Tại mặt trận bắc Kontum, vùng biên giới Lào-Việt, Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Chiến trường Cao nguyên, hướng dẫn Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa tới thăm một đơn vị Biệt động quân trên tuyến đầu.
“Người Lính Kèn” của Trường Võ Bị Đà Lạt
10 giờ 30 phút sáng ngày 9 tháng 3, 1975, quận Đức Lập tỉnh Quảng Đức biến thành biển lửa. Trước đó, hai viên đại bác 82 ly không giật của Bắc quân bắn trúng đài chỉ huy chi khu.
Đài chỉ huy sập. Người Sĩ quan An ninh tử trận tại chỗ. Trung tá Nguyễn Cao Vực, Quận trưởng bị thương, nhúng đầu vào lu nước, thoát ra ngoài. Ông Quận trưởng đích thân chỉ huy và điều khiển hai khẩu đại bác 105 ly, bắn trực xạ, ngăn chận những đợt xung phong biển người của quân Cộng sản Bắc Việt.
Bốn ngày trước, 5 tháng 3, 1975 một cuộc phục kích tại phía đông Buôn Dak Gang cách bắc Đức Lập 10 cây số. Lực lượng chi khu đã bắt được một tù binh thuộc Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt, và tài liệu tiết lộ Bắc quân sẽ đại tấn công Quảng Đức và Ban Mê Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên 1975. Nhưng nguồn tin này, cũng như nguồn tin tình báo tương tự của tiểu khu Ban Mê Thuột, khi khai thác một sĩ quan tù binh Cộng sản Bắc Việt trong toán tiền thám của Sư đoàn 320 Điện Biên Phủ tại Bắc Ban Mê Thuột (tù binh Bắc Việt bị bắt ngày 7 tháng 3, 1975), đã không được Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh và Quân đoàn II “xếp hạng” là những nguồn tin quan trọng.
Hôm nay Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt nhất định san bằng quận Đức Lập để tiến quân về Ban Mê Thuột. Các công sự phòng thủ trên mặt đất sập hết, nhưng Quận trưởng Nguyễn Cao Vực và các chiến hữu của mình vẫn cầm cự chiến đấu dai dẳng ở các giao thông hào.
Nguyễn Cao Vực, người “pháo thủ” của các chiến trưỜng Chiến khu D 1960, Bu Prang 1968, Kontum 1972, cũng lính là “anh lính kèn người Thượng” với cái tên “Cai Son” của sinh viên sĩ quan khóa 13 trường Võ Bị Đà Lạt. Hạ sĩ Son, anh lính kèn là người đã mang đến cho các sinh viên sĩ quan những giây phút vui buồn đáng nhớ mỗi ngày. Từ điệu kèn báo thức, tập hợp đi ăn, cũng như mặc đồ trận, đeo ba lô buổi tối trình diện dã chiến khi bị phạt … Nguyễn Cao Vực là người có sắc diện như một cái cột nhà cháy, nên được bạn bè đặt cho cái tên là “Cai Son”. Và anh rất thích cái tên đó.
Tôi có khá nhiều kỷ niệm với Vực, vì cùng một trung đội trong hai năm học tại trường. Đầu năm 1960, khi tôi hướng dẫn Dickey Chapel – người nữ Phóng viên kỳ tài của thế giới, đã từng nhảy dù theo một lực lượng Mỹ xuống Okinawa trong trận Thế chiến II – đi hành quân tại chiến khu D, với một đơn vị nổi danh của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa thời đó là Trung đoàn 8 thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh, thì Vực là Pháo đội trưởng Pháo đội 105 ly, tăng cường cho đơn vị này.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tư, Trung đoàn trưởng đã giới thiệu với chúng tôi hai quân nhân thiện chiến và “chì” nhất của Trung đoàn. Đó là Trung úy Bác sĩ Lê Đình Kỳ và Pháo đội trưởng Nguyễn Cao Vực. Bác sĩ Kỳ là ngươi không thích hành nghề chuyên môn mà chỉ thích truyện trận mạc. Còn Vực được mệnh danh là một Pháo đội trưởng lì lợm, thiện xạ, bắn đâu trúng đó.
Một tuần lễ đi hành quân với Trung đoàn 8 Bộ binh trong Chiên khu D, Dickey Chapel và tôi thương ăn và ngủ chung với Bộ Chỉ huy của Trung đoàn, gồm Thiếu tá Tư, Bác sĩ Kỳ, Trung úy Vực, và Hiền. Hiền là Sĩ quan Hành quân của Trung đoàn và cũng tốt nghiệp khóa 13 Võ bị Đà Lạt.
Trong sáu người chúng tôi, lần lượt Đại úy Hiền, Đại tá Tư đều tử trận. Họ đã hy sinh tại vùng đất và đơn vị mà họ đã chiến đấu, phục vụ nhiều năm. Dickey Chapel, người mà tôi kính trọng như một người chị trong nghề phóng viên chiến tranh, cũng vĩnh viễn ở lại Việt Nam trên “dãy phố buồn thiu” ngoài chiến trương miền Trung.
Hôm nay đến lượt Nguyễn Cao Vực. Anh là một Quận trưởng bất đắc dĩ. Anh đã bị thả xuống Đức Lập, và trở thành Quận trưởng dù muốn hay không, giữa năm Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
Và có thể đây là trận chót trong đời binh nghiệp người pháo thủ tài ba của Sư đoàn 5 Bộ binh, của chiến trường Cao nguyên, đã lại có dịp thi thố cái khả năng chuyên môn của mình. Hai khẩu đại bác 105 ly bắn trực xạ vào các đơn vị tiền phong Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt chắc chắn đã có một sự đánh đổi cân xứng trước khi và các chiến hữu của mình vùi ngập trong biển lửa.
Tôi tự hỏi, nếu Vực không thoát được trong trận này, còn lại Bác sĩ Lê Đình Kỳ và tôi, ai sẽ là người sống sót sau cùng, sau 20 năm chiến tranh dài của một đời người?
Các “Dũng Sĩ” Trung đoàn 53 Bộ binh tại mặt trận phi trương Phụng Dực
Ngày 10 tháng 3, 1975Những trận mưa pháo vào Ban Mê Thuột từ 2 giờ đến 4 giờ sáng rạng ngày 10 tháng 3, 1975 đã gây kinh hoàng cho mấy chục ngàn quân cũng như dân, hiện đang có mặt tại thị xã này.
Sau đó là những chiến xa đủ loại, băng rừng, nghiền nát các ngả đường, để các lực lượng của những Sư đoàn 320, 316 Cộng sản Bắc Việt ào ạt tiến vào.
Nhưng, những người kinh hoàng và đau đớn nhất là hai cấp chỉ huy có trách nhiệm phòng thủ Ban Mê Thuột: Đại tá Vũ Thế Quang và Đại tá Vũ Công Luật!
Đại tá Luật, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Ban Mê Thuột là một Sĩ quan Thiết giáp kỳ cựu của Quân lực Viêtn Nam Công Hòa. Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn I Thiết kỵ trong cuộc hành quân sang Lào 1971, người mà báo chí Việt Nam và ngoại quốc gọi là “Patton Việt Nam”. Patton là danh tướng Thiết giáp của Mỹ trong Thế Chiến II. Đại tá Luật đã từng chỉ huy một Lực lượng Thiết giáp quan trọng và tối tân nhất của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, với những Thiết đoàn M48, M41 chiến xa trong cuộc tiến quân này.
Đêm nay Bắc quân đánh trận địa chiến vơi chiến xa nặng, với chiến thuật biển người, thì trong tay ông vỏn vẹn có được hai Chi đội Thiết vận xa M113 và những xe bọc sắt tuần tiễu của Địa phương quân. Một thứ “đồ chơi con nít” nếu so sánh với loại Thiết giáp tối tân T54 của Nga Sô mà Cộng sản Bắc Việt hiện đang sử dụng!
Đại tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 Bộ binh và Tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột khi nghe những tiếng đạn bay xé không gian, nổ tại phi trường L19, trước tiểu khu, bộ Tư lệnh Sư đoàn, đã thấy ngay cái giá mà lực lương phòng thủ phải trả. Bởi vì những khẩu đại bác 122 ly, 130 ly của Bắc quân đã kéo sát tới thị xã!
Những tiếng đại pháo của địch nổ tại Ban Mê Thuột cũng đã làm cho các tướng lãnh nắm vận mạng Đất Nước bừng tỉnh. Họ tạm quên đi những hận thù, những tranh giành quyền hạn, phe phái. Tất cả đều hướng về mặt trận này!
Lệnh của Đại tướng Cao Văn Viên từ Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực Viêt Nam Cộng Hòa được truyền đi lúc 7 giờ sáng. Của Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng Chính phủ gọi từ Đà Lạt lúc 8 giờ 40 phút. Của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gọi từ Dinh Độc Lập lúc 10 giờ 10 phút, và 19 giờ tối.
Trận đánh quyết định giữa hai miền Nam-Bắc đã xảy ra. Nhưng lực lượng giữa hai bên quá ư chênh lệch, như trứng chọi với đá nếu so sánh cả về quân số, vũ khí, chiến cụ. Địch đã ở thế thượng phong ngay từ lúc đầu!
Tuy nhiên, trong ngày đầu tinh thần chiến đấu của các dũng sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh, sự gan dạ của những phi công anh hùng A37, của những chiến sĩ Địa phương quân tiểu khu Darlac, đã làm cho Bắc quân kinh ngạc, nể vì. Những tin tức phấn khởi bay đi khắp nước ngay khi “những cánh đại bàng” xuất hiện trên vùng trời Ban Mê Thuột.
Phi tuần phản lực A37 đầu tiên đã bắn cháy hai chiến xa, và hai cỗ đại bác phòng không của Cộng sản Bắc Việt ngay trong thị xã lúc 11 giờ 30 phút. Hai chiến xa khác cũng do không quân đánh bom trúng tại 2 cây số tây bắc Ban Mê Thuột. Lực lương Địa phương quân Darlac đã tạo một bất ngờ lúc 11 giờ trưa khi bắn cháy một T54 trước bộ Chỉ huy Tiểu khu ngay trên đường Thống Nhất!
Trận “thử sức” của các trung đoàn tiền phong quân chính quy thuộc Sư đoàn 320 Điện Biên Phủ và những “dũng sĩ” Trung đoàn 53 Bộ binh trên phòng tuyến quanh phi trường Phụng Dực xảy ra lúc 14 giờ.
Mở đầu là những trận mưa pháo, cầy nát sân bay. Từng đoàn chiến xa của Bắc quân gầm thét, di chuyển theo đội hình từ khắp ngả tiến vào.
Nhưng tinh thần các chiến sĩ ta không hề nao núng. Đây cũng không phải là “trận thư hùng” đầu tiên của các đơn vị tinh nhuệ của ta và địch.
Bởi vì trước khi rút về phòng thủ phi trường Phung Dực, Trung đoàn 53 tăng phái cho mặt trận Quảng Đức đã đụng độ với các trung đoàn chủ lực của Sư đoàn F10 rất nhiều lần trong những tháng trước, và mấy ngày mới đây với Sư đoàn 320 của Cộng sản Bắc Việt tại Đông Bắc Ban Mê Thuột.
Sau gần 2 giờ quần thảo, Trung đoàn 53 Bộ binh đã đẩy lui 3 đợt xung phong biển người của địch. 15 giờ 30, Bắc quân chém vè, để lại trên 200 xác và 50 vũ khí đủ loại, 4 chiến xa Cộng sản Bắc Việt bị bắn cháy.
Báo cáo chiến thắng về Trung tâm Hành quân Quân đoàn II bằng hệ thống điện thoại viễn liên từ phi trường Phụng Dực, “người lính số 1″ của Trung đoàn 53 Bộ binh, một trong những anh hùng của mặt trận Ban Mê Thuột, Trung tá Võ Ân, Trung đoàn trưởng nói với Tướng Phú:
– Trình “Mặt Trời”, những “đứa con” của tôi sứt mẻ chút ít, nhưng tinh thần rất cao.Trận đánh vừa kết thúc. Hơn 200 xác Việt cộng còn để nguyên ngoài chiến trường. Vũ khí tịch thu tôi đã cho kéo về phòng danh dự của phi cảng để “triển lảm”! Trong đó có cả 3 đại bác phòng không và 4 hỏa tiễn SA7 còn mới nguyên.
Tướng Phú vui mưng lộ trên nét mặt. Ông khen ngợi và ra lệnh cho Ân bằng một giọng hết sức thân mật:
– “Chú mày” giỏi lắm! Chuyển lời khen của tôi đến anh em. Ráng lên! Sau trận này mỗi người lên một cấp. Nhưng không được khinh thường địch quân! Phải chuẩn bị và đề phòng tối đa ngay! Rõ chưa?
– Trình “Mặt Trời”, tôi nhận rõ!
Tướng Phú cúp máy. Trung tá Võ Ân trở ra chiến hào phòng thủ cùng với các chiến hữu của mình.
Tuy nhiên chiến thắng trên đây chỉ là một may mắn đặc biệt, một chiến thắng sau cùng của Trung đoàn 5e Bộ binh trong trận đánh quyết định giữa hai miên Nam-Bắc năm 1975.
Ngày 10 tháng 3, 1975 là một ngày cực kỳ sôi động trên chiến trương Cao nguyên. Trong lịch sử 30 năm chiến tranh Việt Nam kể từ hồi còn quân đội Pháp, chưa bao giờ có những trận đánh đồng loạt, dồn dập như vậy.
Ngoài mặt trận chính Ban Mê Thuột, Cộng quân tấn công khắp nơi. Các trận bắc Kontum, nam Pleiku, bắc Bình Định, Quảng Đức và trên 2 quốc lộ 19, 21 đều bị áp lực nặng nề.
Tiểu khu Ban Mê Thuột bị mất liên lạc lúc 12 giờ trưa. Những đoàn xe chở quân của Bắc Việt vẫn tiếp tục tiến về Ban Mê Thuột. Lệnh phá cầu 14 trên quốc lộ nối liền Quảng Dức-Ban Mê Thuột được ban hành. Những trận pháo kích, đụng độ nặng nề quanh Căn cứ 93 phía nam Pleiku kéo dài suốt ngày.
15 giờ 15 phú, phi trường Cù Hanh, Pleiku bị pháo. Một trực thăng và một dãy nhà bị cháy, một Dakota bị hư hại.
18 giờ 20 phút, Cộng quân pháo trúng Bộ Tư lệnh Quân đoàn, khu câu lạc bộ sĩ quan và Bộ Chỉ huy Không trợ II. Thị xã Pleiku thiết quân luật 9 giờ tối.
Tại mặt trận Bình Định, Trung đoàn 42 và 47 giao tranh suốt ngày với các đơn vị Cộng sản Bắc Việt và hạ 200 tên tại thung lũng Vĩnh Thạnh. Sư đoàn 22 Bộ binh hiện đã trực diện với Sư đoàn 3 Sao Vàng, các trung đoàn biệt lập của Bắc Việt tại Quân khu 5.
Một tin chấn động khác, 17 chiến xa Cộng sản Bắc Việt xuất hiện gần Phù Cát, Bình Định lúc 5 giờ 30 chiều.
Tổng kết tại mặt trận Ban Mê Thuột trong ngày đầu cùng với chiến thắng của Trung đoàn 53 Bộ binh, thêm 100 Cộng quân khác bị hạ trước tiểu khu, trước khi tiểu khu Darlac bị mất liên lạc, và trước dinh Tỉnh trưởng, gần sát với Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh. 12 chiến xa Cộng sản Bắc Việt bị bắn cháy, trong số đó có 11 cái do Không quân đánh bom trúng.
Những lệnh cuối cùng trong ngày Tướng Phú chỉ thị cho Tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh mặt trận nam Pleiku và Tỉnh trưởng không được lùi khỏi Căn cứ 93 trên tuyến phòng thủ Bộ Tư lệnh Quân đoàn và thị xã này. Liên Đoàn 21 Biệt động quân đã từ Buôn Hô di chuyển về gần tới Ban Mê Thuột bằng mọi giá phải tái chiếm bộ chỉ huy tiểu khu và kho đạn Ban Mê Thuột.
19 giờ tối, Tổng Thống Thiệu từ Saigon gọi lên chỉ thị cho Tư lệnh Quân đoàn II giải quyết chiến trường Ban Mê Thuột mau lẹ (?)
Giây Phút Cuối Cùng của Tư Lệnh Mặt Trận Ban Mê Thuột
Ngày 11 tháng 3, 1975.
Trận đánh đẫm máu thư 2 giữa Trung đoàn 53 Bộ binh và một lực lương quân chính qui Cộng sản Bắc Việt đã được tăng cường đông hơn gấp 10 lần, xảy ra lúc 5 giờ sáng. Đó cũng là lần xuất trận đầu tiên của Sư đoàn 316, sư đoàn tổng trừ bị của Bắc Việt tại mặt trận phi trường Phụng Dực trên chiến trường Cao nguyên.
Sư đoàn 316 tổng trừ bị Cộng sản Bắc Việt vừa di chuyển từ miền Bắc vào, và mới tới trận địa hồi đêm. Những báo cáo tiên khởi trong 2 giờ đầu cho biết Trung đoàn 53 Bộ binh bị thiệt hại quá nặng.
7 giờ 45 phút sáng, đích thân Tư lệng mặt trận Ban Mê Thuọt, Đại tá Vũ Thế Quang gọi lên Trung tâm Hành quân Quân đoàn II cho biết tình hình vô cùng nguy ngập. 10 chiến xa Cộng sản Bắc Việt đang bắn trực xạ vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn.
Người sử dụng máy siêu tần số lúc đó là Trung tá Không quân Nguyễn Văn Giang, Giám đốc Không trợ II. Bằng những ngụy thoại, ông cho biết đoàn phản lực cơ cất cánh từ Nha Trang đang trên đường, và sắp tới vùng trời Ban Mê Thuột.
7 giờ 55 phút, hai chiếc phản lực cơ A37 lao xuống mục tiêu, những chiến xa Cộng sản Bắc Việt, và đánh vô cùng chính xác. Nhưng chỉ mấy phút sau, bỗng nghe Đại tá Quang hét lên trong máy truyền tin:
– Ơ!… “nó” đánh trúng tôi!!!
8 giờ. Đó là giờ phút của “định mệnh”. Hai trái bom đã thả trúng hầm Chỉ huy và Truyền tin của Tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột. Và Trung tâm Hành quân Quân đoàn II mất liên lạc với Ban Mê Thuột từ lúc đó.
Nghe câu nói sau cùng của Quang, tự nhiên tôi thấy đau lòng và đưa mắt nhìn Giang. Quang, Giang và tôi đều là bạn.
Quang với biệt danh “Quang dù”, là người lính của chiến trường và thành phố trong 2 thập niên 1955-1975. Trước năm 1960 khi chiến tranh còn ở cấp tiểu đoàn, một số sĩ quan trong các binh chủng Không quân, Nhảy Dù rất nổi tiếng trong cả hai lãnh vực: ăn chơi và đánh giặc. Tên tuổi họ trở thành những nhân vật trong tiểu thuyết, các phóng sự với những biệt danh riêng. Chẳng hạn như: Cương “khểnh”, Hợi “voi”, Quang “dù”, Hùng “sùi”, Giang “nám” …
Thơi gian ở Nhảy Dù, Quang là một Tiểu đoàn trưởng trung bình, nhưng là người có một “nghệ thuật sống” siêu đẳng. Anh luôn luôn tự chế và thích nghi với mọi hoàn cảnh. Cuối năm 1963, Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù đang được tái huấn luyện tại Trung tâm Vạn Kiếp, mới được tạm thơi giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng, anh đã liều lĩnh mang tiểu đoàn về Saigon tham gia đảo chánh. Nhưng công trạng của anh chỉ được biết đến khi Tướng Nguyễn Cao Kỳ được bổ nhiệm làm Tư lệnh Không quân.
Rồi sau đó, khi trở thành Thủ tướng, ông Kỳ đã đề cử Quang chỉ huy Liên đoàn An ninh Danh dự. Đường hoạn lộ chim bay từ đó!
Nhưng phải nói anh là người đàng hoàng, trung trực. Khi ông Kỳ bị ông Thiệu hất cẳng, cho “ngồi chơi sơi nước”, một bất ngờ, anh được ông Thiệu cho đi làm Thị trưởng Cam Ranh. Anh vào Tân Sơn Nhất hỏi ý kiến ông Kỳ. Không may cho anh, trong một canh mạt chược dở dang, ông Kỳ rất thờ ơ lạnh lùng. Vì vậy, anh thất vọng bỏ đi. Từ đó, anh trở lại cương vị của một người quân nhân “nhà nghề”. Tuy nhiên, bạn bè vẫn nghi ngờ và chế diễu anh là một “petit … Lên Nguyên Khang” (!) Mỗi khi có chiến thắng Việt Cộng, tay phải cầm khẩu AK47 tặng Trung tướng Thiệu, tay trái trao khẩu CKC cho Thiếu tướng Kỳ. Cũng như Trung tướng Khang, luôn luôn đu giây giữa “cánh phải và cánh trái” dinh Độc Lập với câu nói đầu môi: “ông Kỳ là bạn, ông Thiệu là thày, tôi chỉ biết phục vụ cho quyền lợi của Tổ quốc và Quân đội”!!!
Sau khi rời chức vụ Thị trưởng Cam Ranh vơi thâm niên cấp bậc, Quang được bổ nhiệm làm Tư lệnh Phó Sư đoàn 23 Bộ binh.
Chiều ngày 9 tháng 3, 1975 , Tướng Phú rất khó khăn và cân nhắc mãi mới chọn lựa anh làm Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột, vì Đại tá Luật, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Darlac chức vụ nhỏ hơn, nhưng trận mạc và cấp bậc thâm niên hơn.
Tôi nhớ khi rời phi trường Phụng Dực, Tương Phú bắt tay Quang và nói:
– Cố gắng và ráng cẩn thận nghe Quang! Đừng để lỡ dịp lên tướng kỳ này. Mình … Nhảy Dù mà !
Quang đứng nghiêm chào Tướng Phú:
– Thiếu Tướng yên tâm, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được. Và tôi sẽ chết tại đây trước khi Ban Mê Thuột mất!
Sau khi Trung tâm Hành quân, hầm Chỉ huy và Truyền tin của Tư lệnh Chiến trường bị sập, mọi người đều lo lắng cho số phận Ban Mê Thuọt.
Đại tá Tham mưu trưởng Quân đoàn được lệnh thành lập bộ Chỉ huy Hành quân trên không để chỉ huy mặt trận Ban Mê Thuột. Cả hai chiếc C47 và U17 của Tư lệnh Quân đoàn đều được sử dụng. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Hành quân nhẹ cũng được thành lập gấp rút ở Buôn Hô.
11 giờ 50 phút, sau gần 4 giờ chờ đợi, Trung tâm Hành quân Quân đoàn II ghi nhận mất liên lạc hoàn toàn với Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột và Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng tiểu khu Darlac.
15 giơ 30, Đại tướng Cao Văn Viên gọi cho Tướng Phú gay gắt ra lệnh “bốc” Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 từ mặt trận nam Pleiku thả xuống Ban Mê Thuột chỉ huy.
17 giờ và 23 giờ đêm, những lệnh của Tổng Thống Thiệu và Thủ tướng Chính phủ Trần Thiện Khiêm:
– Linh động trong mọi trường hợp. Cẩn thận không nên dồn hết quân trong mặt trận này.
– Tư lệnh Quân đoàn toàn quyền quyết định, có thể bỏ Ban Mê Thuột. Tránh sa lầy, vì có thể còn hai, ba mặt trận lớn nữa tại Quân khu II.
– Tường trình chính xác các sư đoàn Cộng sản Bắc Việt hiện tham chiến trên trận địa Ban Mê Thuột.
– Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột coi như đã mất tích. Chấp thuận thả một Tỉnh trưởng khác xuống chỉ huy nơi có dân và quân tập trung nhiều. Lập tòa Hành chánh và bộ Chỉ huy tiểu khu Ban Mê Thuột lưu động.
Giây phút cuối cùng của Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột sau này được ghi nhận với những dữ kiện đặc biệt. Buổi sáng khi 2 trái bom 500 cân Anh của Không quân đánh sập một đầu hầm Trung tâm Hành quân của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, một số sĩ quan trong bộ tham mưu đã thoát lên được. Trên một thiết vận xa M113, Đại tá Vũ Thế Quang sử dụng máy truyền tin liên lạc với chiếc máy bay chỉ huy, cho lệnh các phản lực cơ trút bom xuống bộ Tư lệnh Sư đoàn hiện đang bị địch quân tràn ngập. Và cho biết sẽ rút về phía Trung đoàn 53 Bộ binh tại phi trường Phụng Dực để tiếp tục chỉ huy.
Đại tá Nguyễn Công Luật cùng với Phó Tỉnh trương Hành chánh Nguyễn Ngọc Vỵ đi theo một hướng khác. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, chiếc thiết vận xa chỉ huy bị bắn cháy, Đại tá Quanh thoát chết trong gang tấc. Cộng quân lúc này đầy khắp các ngả đường trong thành phố cùng với những đoàn xe tăng của chúng.
Cũng thời gian này, trên Quốc lộ 14, khoảng đường tư Đức Lập về Ban Mê Thuột, bộ Chỉ huy Hành quân nhẹ của Trung đoàn 53 Bộ binh cùng với một tiểu đoàn, được lệnh rút từ vùng hành quân phía đông bắc quận Đức Lập về tiếp cứu Ban Mê Thuột, cũng bị Việt cộng phục kích chận đánh. Trung tá Trung đoàn Phó Trung đoàn 53 và hầu hết các sĩ quan đều bị tử trận hoặc bị địch bắt. Cánh quân này coi như bị tan rã trước khi tới được trận địa Ban Mê Thuột.
Đến xế trưa ngày 11 tháng 3, bên cạnh Đại tá Quang chỉ còn có người Thiếu úy, Sĩ quan Tùy viên và một người lính. Không thể đi tới được phi trường Phụng Dực và cũng không còn phương tiện truyền tin để liên lạc, ba người đã ẩn tránh trong một vườn cà phê mấy tiếng đồng hồ, đợi đêm tối nhắm hướng nam đi về phía Quảng Đức.
2 giờ sáng ngày 12 tháng 3, đi được khoảng 6 cây số đưỜng rừng ngay khi vưa tới sát một làng Thương, thì bị Việt cộng nổ súng, xông ra vây bắt. Thấy Đại tá Quang vẫn còn mang cấp bậc trên cổ áo và xưng danh là Tư lệnh Phó Sư đoàn 23 Bộ binh, chúng đã trói lại, lột giầy và liệng xuống hố. Chừng một giờ sau, chúng được lệnh dẫn Đại tá Quang đi suốt đêm. Tới chiều hôm sau, ngày 13 tháng 3, được cởi trói, cho đi giầy vào và chở đi bằng xe Molotova sang Cam Bốt để khai thác. Vùng rừng núi này, chắc chắn là nơi đặt bản doanh bộ Tư lệnh chiến trường Tây nguyên 1975 của 2 Tướng Cộng sản Bắc Việt Văn Tiến Dũng và Hoàng Minh Thảo.
Trong suốt thời gian bị điều tra, Đại tá Quang bị Việt cộng khủng bố tinh thần, cùm giữ hai chân trong hai thân cây lớn được khoét lỗ sẵn. Đó có thể cũng là kết quả đưa đến những lời cung khai của Tư lệnh Phó Sư đoàn 23 Bộ binh, như Văn Tiến Dũng đã viết trong cuốn Đại Thắng Mùa Xuân.
Nhưng với cuộc tấn chiếm Ban Mê Thuột bằng một lực lượng chính qui Cộng sản Bắc Việt đông hơn gấp 10 lần, có chiến xa, pháo binh yểm trợ, do chính Văn Tiến Dũng, Tổng Tư lệnh quân đội Bắc Việt trực tiếp chỉ huy, việc giữ được Ban Mê Thuột 48 giờ đã là một sự kiện hết sức đặc biệt. Vì Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh không có hệ thống phòng thủ để chiến đấu. Lực lượng chính yếu là Trung đoàn 53 Bộ binh thì trấn đóng tại phi trường Phụng Dực, cách Ban Mê Thuột 5 cây số. Trong thị xã, ngoài các đơn vị Địa phương quân, chỉ có những thành phần quân nhân lo về tiếp liệu, phòng giữ hậu cứ của các Trung đoàn Bộ binh, hậu cứ các đơn vị Thiết giáp, Pháo binh, Truyền tin, Quân cụ, Công binh.
Một Huyền Thoại trong Chiến Tranh Việt Nam
4 giờ sáng ngày 10 tháng 3, 1975.
Sau những trận mưa pháo suốt 2 tiếng đồng hồ, Cộng quân với chiến xa và biển người, tấn chiếm Ban Mê Thuột. Và với một lực lượng đông gấp 10 lần, địch đã làm chủ tình hình ngay từ phút đầu.
Sự chống trả mảnh liệt của những đơn vị phòng vệ thị xã cùng với sự yểm trợ hữu hiệu gan dạ của các phi công anh hùng, đã chặn bớt được sức tiến của quân thù.
Nhưng ngày hôm sau, khi Cộng sản Bắc Việt tung thêm Sư đoàn tổng trừ bị 316 mới ở miền Bắc vào, thì lực lương hai bên giữa ta và địch quá ư chênh lệch, cả về quân số, chiến xa lẫn vũ khí nặng!
12 giờ trưa ngày 10 tháng 3, 1975 tiểu khu Ban Mê Thuột mất!
8 giờ sáng hôm sau 11 tháng 3, 1975, 10 chiến xa T54 của Cộng sản Bắc Việt bắn trực xạ vào bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh. Vị Tư lệnh chiến trường chấp nhận rủi ro, nguy hiểm, yêu cầu Không quân đánh bom thẳng vào những xe tăng địch. Những phản lực cơ A37 lao xuống. Ba chiếc T54 bốc cháy, nhưng rồi 2 trái bom khác rơi trúng sập một đầu hầm của Trung tâm Hành quân Sư đoàn 23 Bộ binh. Hệ thống truyền tin giữa Ban Mê Thuột-Pleiku bị hư hại hoàn toàn, mất liên lạc với Tư lệnh Chiến trương và Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột từ đó.
8 giờ sáng ngày 11 tháng 3, 1975, giờ phút của định mệnh, và cũng là khởi đầu ngày thứ hai trong trận đánh quyết định giữa hai miền Nam-Bắc 1975. Chiến trường Ban Mê Thuột coi như kết thúc với sự tràn ngập của Bắc quân.
Nhưng tại phi trường Phụng Dực, cách Ban Mê Thuột khoảng 8 cây số về phía đông, một trung đoàn (-) của Sư đoàn 23, với 2 Tiểu đoàn của Trung đoàn 53 Bộ binh, một Chi đoàn Thiết vận xa M113, một Pháo đội đại bác 105 ly vẫn tiếp tục chiến đấu thêm một tuần lễ nữa. Chiến đấu dũng mãnh, dai dẳng, phi thường cho đến những người lính cuối cùng và những viên đạn cuối cùng được bắn đi!
Đó là một huyền thoại trong một cuộc chiến đấu chống Cộng thần thánh nhất của quân dân miền Nam Việt Nam. Đó cũng là biểu tượng tinh thần gang thép, sắt đá của người chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Trận thử sức dò dẫm của 2 trung đoàn Cộng sản Bắc Việt và các lực lượng phòng thủ mặt trận phi trường Phụng Dực đầu tiên xảy ra lúc 14 giờ trưa ngày 10 tháng 3, 1975, với kết quả địch bỏ lại chiến trường trên 200 xác chết!
Nhưng chưa đầy một ngày sau, 5 giờ sáng 11 tháng 3, 1975 khi những chiến xa T54 Bắc Việt nghiền nát những đường phố Ban Mê Thuột, tiến thẳng vào bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, cũng là lúc địch quân rửa hận cho đồng bọn chúng tại mặt trận phi trường Phụng Dực.
Sư đoàn 316 tổng trừ bị của Cộng sản Bắc Việt lần đầu tiên được sử dụng trên Chiến trường Cao nguyên và miền Nam Việt Nam. Từ xa lộ đất Hồ Chí Minh, sư đoàn này bất chấp mọi thiệt hại, di chuyển ngày đêm để tới trận địa đêm 10 tháng 3, 1975. Và ngay sáng hôm sau, dốc toàn lực lượng tấn công Trung đoàn 53 Bộ binh.
45 phút khởi đầu là những cơn mưa đạn đại bác khiến chiến sĩ ta chìm ngập trong giao thông hào. Sau đó, Bắc quân với những tên lính trẻ xuất trận lần đầu, hung hăng, hò hét … xung phong. Từng lớp, từng lớp gục xuống, nhưng chúng vẫn hô, vẫn tiến.
Trận thư hùng thứ hai ngày 11 tháng 3, 1975 này kéo dài 2 giờ 40 phút. Gần 200 người anh hùng của chiến trường miền núi vĩnh viễn buông súng, ở lại Cao nguyên Việt Nam!
Nhưng những người còn lại vẫn tiếp tục chiến đấu. Chiến đấu không yểm trợ, không tiếp tế, không tản thương, không tăm gội, 24 giờ trên 24 giờ ngoài chiến hào phòng thủ!
Quá nửa lực lượng bị thiệt hại từ khi ở mặt trận Quảng Đức rút về. Trung đoàn 53 Bộ binh hiện còn hơn một tiểu đoàn với khoảng 500 tay súng. Và họ đã chiến đấu đơn độc sang ngày thứ ba 12 tháng 3, ngày thứ tư 13 tháng 3, ngày thứ năm 14 tháng 3, ngày thứ sáu 15 tháng 3, ngày thứ bảy 16 tháng 3. Và hôm nay, ngày thứ tám 17 thang 3, 1975!
Thật anh hùng! Thật vĩ đại! Thật phi thường! Không còn từ ngữ nào khác hơn để ca ngợi, vinh danh họ. Và đó cũng là một huyền thoại độc đáo nhất của chiến tranh Viêt Nam trong trận đánh sau cùng trên Chiến trường Cao nguyên!
Bay trên đầu những người anh hùng của mặt trận phi trường Phụng Dực trưa ngày 12 tháng 3, 1975, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Chiến trường Cao nguyên đã nói chuyện với 2 người quân nhân lớn nhất và nhỏ nhất của Trung đoàn 53 Bộ binh.
“Người anh hùng Võ Ân”, Trung tá Trung đoàn trưởng:
– Trình Mặt Trời, lực lượng địch quá mạnh. (Mặt Trời là danh hiệu ngày hôm nay của Tướng Phú, Tư lệnh Quân đoàn II).
– Chú mày chịu nổi không? Tinh thần anh em ra sao?
– Bị sứt mẻ kha khá ngày hôm qua, nhưng chưa sao. Mặt Trời yên tâm!
– Chú mày muốn gì đặc biệt không?
– Dạ không! Nhưng sao Mặt Trời không bay trực thăng hôm nay?
– Tại qua muốn ở chơi với chú mày và những anh em khác lâu lâu một chút. Mà tại sao chú mày hỏi như vậy?
– Tại vì tôi muốn Mặt Trời đáp xuống coi kho vũ khí Việt cộng ở phòng danh dự phi cảng cho anh em lên tinh thần.
Tướng Phú cười:
– Ý kiến hay đấy! Thôi … để lần sau vậy!
– …
“Người anh hùng Nguyễn Văn Bảy”, Binh nhì xạ thủ súng cối 81 ly:
– Em tên gì? Bao nhiêu tuổi?
– Dạ … Binh nhì Nguyễn Văn Bảy, 18 tuổi!
– Em thấy Việt cộng chết nhiều không?
– Nhiều, nhiều lắm … Thiếu tướng!
– Em muốn xin Thiếu tướng gì nào?
– xin thuốc hút và … lựu đạn.
– Gì nữa?
– Thôi!
– Thiếu tướng thăng cấp cho em lên Binh nhất! Chịu không?
– …
Một giọng cười khúc khích trong máy:
– Ông Thầy! Ông Tướng tặng tôi cái “cánh gà” chiên bơ!
– Không được … tao phản đối!
– …
Cái “cánh gà”, chữ V, là hình dáng của chiếc lon Binh Nhất. Ông Thầy là tiếng gọi thân mật vị Trung tá Trung đoàn trưởng mà người “Binh Nhất vừa được tân thăng” Nguyễn Văn Bảy thường hay sử dụng.
Mẫu đối thoại trên cho thấy tình chiến hữu, anh em của những người lính Trung đoàn 53 Bộ binh. Đó cũng là một cách để chứng minh, tại sao trong những ngày cuối cùng họ vẫn sống chết bên nhau? Họ đã chia nhau từng viên đạn, từng dúm gạo sấy, từng hớp nước, từng hơi thuốc …
Theo thời gian, 7 ngày đêm chiến đấu dài hơn 7 năm tại mặt trận phi trường Phụng Dực. Đã ba ngày rồi, từ khi lệnh triệt thoái cao nguyên được ban hành, Trung đoàn 53 không còn nhận được bất cứ một tiếp tế, liên lạc nào với Quân đoàn. Họ đã phải sử dụng cả súng đạn tịch thu được của quân thù trong trận đánh đầu tiên, để bắn lại chúng!
Nhưng hôm nay, ngày 17 tháng 3, 1975 là ngày dài nhất trong cuộc đời lính chiến của họ!
7 giờ 40 phút sáng, khi rừng núi cao nguyên vẫn còn ngủ yên với những lớp sương mù phủ kín, hàng trăm hàng ngàn viện đại bác Bắc quân nã vào những chiến hào của Trung đoàn 53 Bộ binh. Cỏ cây rạp xuống. Những cột đất đỏ từng cụm, từng khóm tung cao!
Trận địa pháo kéo dài một tiếng đồng hồ. Tiếp theo sau là tiếng loa kêu gọi đầu hàng. Tiếng hò reo “sóng vỡ” của biển người. Và rồi tiếng gầm thét của hàng đoàn chiến xa T54 trên khắp ngả tiến vào, cầy nát phi đạo phi trường Phụng Dực Ban Mê Thuột!
Hôm nay là ngày đầu của cuộc rút quân của Quân đoàn II. Sư đoàn 316 Cộng sản Bắc Việt quyết khai tử Trung đoàn 53 Bộ binh, quyết nhổ đi “cái gai” cuối cùng của mặt trận Ban Mê Thuột, của Chiến trường Cao nguyên để tiến về duyên hải.
8 giờ 30 sáng, Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, vị Tướng lớn nhất của Quân đội gọi yêu cầu được tường trình đặc biệt về mặt trận phi trường Phụng Dực và các chiến sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh.
Đây cũng là một vinh dự, một hãnh diện cuối cùng dành cho những dũng sĩ tại mặt trận này! Nhưng Đại tướng Viên chỉ được báo cáo qua nguồn tin không chính xác (!) của bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 hành quân ở Phước An: Trung đoàn 53 Bộ binh đang bị đánh rất nặng, Bắc quân đã tràn ngập vị trí phòng thủ!
Đạn hết, lương thực hết, không còn cấp chỉ huy, không còn được yểm trợ, không còn máy móc liên lạc để … kêu cứu. Những chiến sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh gục ngã từng người, từng tổ, từng … tiểu đội … trong những chiến hào …
11 giờ 30 sáng, tiếng súng im bặt. Bắc quân cắm ngọn cờ đỏ trên đài kiểm soát của phi trường Phụng Dực, và thu dọn chiến trường.
Không có tù binh, không có cả những người lính bị thương. Những dũng sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh không còn chiến đấu nữa. Họ đã tan ra, đã nát ra … từng mảnh vụn, và lẫn trong đất đỏ của miền cao nguyên hùng vĩ!
Ngày 17 tháng 3, 1975 Trung đoàn 53 Bộ binh bị Bắc quân xóa tên. Đó cũng là một ngày đau buồn! Lần đầu tiên trong 21 năm chiến đấu chống cộng, giữ nước, bộ Tư lệnh Quân đoàn II triệt thoái khỏi cao nguyên!
Nhưng không, đó vẫn chưa phải là những dòng chữ cuối cùng viết về các dũng sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh! Bởi vì … vẫn còn những anh hùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa mang phù hiệu của Trung đoàn 53 … trên vai áo.
Hai ngày sau, khi Bắc quân tràn ngập phi trường Phụng Dực, Ban Mê Thuột, một nhóm 16 quân nhân của đơn vị này đã về được Phước An và tiếp tục chiến đấu tại mặt trận Quốc lộ 21.
Một tuần lễ sau nữa, ngày 24 tháng 3, 1975 ba người anh hùng khác, sau 7 ngày 7 đêm, đi trên mấy chục cây số đường rừng núi, sống với cỏ cây thiên nhiên, từ Ban Mê Thuột đã lên tới buôn Thượng Dam Rong, Đà Lạt!
Họ là những quân nhân bất tử của Trung đoàn 53 Bộ binh! Họ thật vĩ đại, thật phi thường! Và đó cũng là một huyền thoại của chiến tranh Việt Nam trong trận chiến Nam-Bắc sau cùng 1975.
Liên tỉnh lộ 7 Pleiku-Phú Bổn-Phú Yên
Ngày thứ nhất 17 tháng 3, 1975.
Ngày đầu tiên của cuộc rút quân. Trời mây mù, ảm đạm. Trong 21 năm chiến đấu chống Cộng giữ nước của quân dân miền Nam, kể từ sau Hiệp định Genève, đây là một ngày đau buồn nhất xảy ra trên Chiến trường Cao nguyên Việt Nam.
Thành phố Pleime nằm trên một ngọn đồi cao, nơi đặt bản doanh của bộ Tư lệnh Quân đoàn II hôm nay không còn vẻ uy nghiêm, hùng vĩ nữa. Cây cột cờ mà mấy ngày trước địch pháo gần trúng, đứng trơ trọi như một thân cây trụi lá. Không còn lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu, không còn lá cờ tướng với những ngôi sao trắng được kéo lên, như mỗi ngày trước đây!
Con đường từ bộ Tư lệnh Quân đoàn về Pleiku kéo dài mấy cây số, và từ những ngả đường khác đổ xô về, người và xe cộ nối đuôi, dồn, lấn, kẹt cứng.
Tin Quân đoàn “di tản” đã không còn là một tin “tối mật” như các giới chức quân sự mong muốn. Từ hai ngày nay, mọi người dân Pleiku, mọi gia đình quân nhân, và chắc chắn cả … địch nữa, đều biết. Hỗn loan, cướp bóc, bắn phá xảy ra nhiều nơi, trong và ngoài thị xã.
8 giờ 40 phút, cắt đứt mọi liên lạc bằng điện thoại với bộ Tư lệnh Quân đoàn II ở Pleiku. Đoàn xe di chuyển, khoảng 4000 quân xa đủ loại và những xe dân sự.
9 giờ 15 phút, Tướng Lê Văn Thân, Phụ tá Quân khu II và Trưởng phòng 3 Quân đoàn bay trên C47, bộ Chỉ huy Hành quân trên không, để quan sát đoàn xe. Thêm một máy bay bay quan sát được lệnh liên lạc thường trực với Tướng Phạm Duy Tất, chỉ huy cuộc rút quân.
Danh hiệu của các cấp chỉ huy trong cuộc triệt thoái Quân đoàn II ngày 17 tháng 3, 1975:
Tư lệnh Quân đoàn – Hiệp Tình
Tướng Phạm Duy Tất – Trường An
Tướng Trần Văn Cẩm – Phi Bảo
Đại tá Lê Khắc Lý, Tham mưu trưởng Quân đoàn – Công Danh
Đoàn xe – Công Bình
Trực thăng – Nam Hiền
9 giờ 30, Tướng Trần Đình Thọ, Trưởng phòng 3 bộ Tổng tham mưu gọi ra ghi nhận một lần nữa những rối loạn và tình hình xảy ra thật sự tại Pleiku ngày 16 tháng 3, 1975 để trình thượng cấp.
Theo báo cáo của Đại tá Lý gọi thẳng về Saigon, tình hình Pleiku ngày 16 tháng 3, 1975 cực kỳ hỗn loạn. Phi trường Cù Hanh, dân chúng, binh sĩ và gia đình tràn vào. Lực lượng an ninh không giữ được trật tự. Cướp của, hãm hiếp đã xảy ra.
Một báo cáo khác của Đại tá Hoàng Thọ Nhu, Tỉnh trưởng Pleiku gọi về Nha Trang trình với Tướng Phú thì, tình hình có rối loạn nhưng không ở mức độ trầm trọng. Bởi vì nếu “cực kỳ hỗn loạn” thì Tướng Tất và bộ Tư lệnh Quân đoàn đã không sắp xếp và tổ chức được đội hình của đoàn xe, hơn 4000 cái di chuyển ngày hôm nay. “Tiếng nói” của Đại tá Nhu coi như là tiếng nói chính thức, đại diện cho Tướng Tất, người thay Tướng Phú chỉ huy cuộc rút quân!
Tướng Phú giận lắm, nhưng chỉ trình bày với Tướng Thọ, vì Đại tá Lý mất bình tĩnh nên báo cáo không đúng sự thật!!!
Đại tá Lê Khắc Lý, Tham mưu trưởng Quân đoàn II là một sĩ quan rất giỏi về tham mưu và tổ chức. Nhưng vụ Tướng Phú gắn sao cho Đại tá Tất làm ông bất mãn và chán nản. Với sự thông minh và khôn ngoan, ông nhìn thấy trước sự thất bại của Quân đoàn kỳ này trong cuộc rút quân. Do đó, viếc Tướng Phú hứa hẹn cho ông lên Tướng chỉ là một lời hứa viển vông, không bao giờ thành sự thật.
Cũng vì vậy, ngay khi Tướng Phú rời Pleiku, ông đã bất chấp mọi lệnh của Tướng Trần Văn Cẩm, Phụ tá Hành quân Tư lệnh Quân đoàn, và Tướng Phạm Duy Tất, chỉ huy cuộc rút quân.
Tướng Phú được thông báo về sự việc này, nên khi nghe Đại tá Lý báo cáo thẳng về Saigon những rối loạn, cướp bóc, hãm hiếp xảy ra tại Pleiku đêm 16 tháng 3, 1975 lại cho rằng Đại tá Lý bất mãn, nên phá hoại. Sự thật những điêu Đại tá Lý trình cho Tướng Thọ đều đúng! Ghi nhận sự kiện này ra đây để nói lên sự đổ vỡ tồi tệ của hệ thống chỉ huy Quân đoàn II. Vì sự đố kỵ, bất mãn, bất lực và vô kỷ luật của cả những sĩ quan cao cấp và có trách nhiệm nhất, đưa đến sự thảm bại nặng nề trong cuộc rút quân khỏi cao nguyên.
10 giờ phi trường Cù Hanh chính thức đóng cửa.
10 giờ 15 phút, liên lạc lần cuối cùng giữa Tư lệnh Quân đoàn II và Tướng Cẩm tại Pleiku bằng STS-106. Xác nhận về việc ra lệnh cho Tỉnh trưởng Pleiku phòng thủ tỉnh này. Nghi ngờ hệ thống truyền tin bị địch phá.
10 giờ 45 phút, Đại tá Trần Cửu Thiên bay đi Phú Bổn cùng với các chuyên viên truyền tin, thiết lập hệ thống liên lạc để tường trình tình hình đoàn xe từng giơ về Nha Trang, Saigon.
10 giờ 50 phút, Tổng Thống Thiệu gọi ra lệnh giải tỏa gấp rút mặt trận Khánh Dương và Quốc lộ 21 bằng mọi giá. Chấp thuận cho Đại tá Nguyễn Văn Đức làm Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh.
Chặng đầu của cuộc rút quân Pleiku-Phú Bổn sáng ngày 17 tháng 3,1975 diễn ra tốt đẹp. Hệ thống liên lạc siêu tần số từ Nha Trang và đoàn quân triệt thoái bị gián đoạn trong 2 giờ đầu. Nhưng sau đó, từ 12 giờ 20 phút, mọi liên lạc và báo cáo đều rõ ràng.
13 giờ, đoàn xe về gần tới Phú Bổn. Một số xe bị ứ đọng. Nhừng lệnh cần thiết được ban hành. Các Tướng Cẩm và Tất đích thân chỉ huy, điều động. Các đơn vị vào vị trí phòng thủ.
Liên đoàn 6 Công binh Chiến đấu và những đơn vị Biệt động quân tiếp tục mở và dọn đường cho chặng kế tiếp. Lữ đoàn II Thiết giáp và các Liên đoàn Biệt động quân khác đi sau cùng bảo vệ đoàn quân và chiến cụ, đề phòng bị địch đánh tập hậu.
13 giờ 40 phút, Tướng Thọ, Trưởng phòng 3 Tổng Tham mưu gọi ra từ Saigon cho biết, Tổng Thống, Hội đồng Nội các, và các Tướng lãnh khen ngợi Tư lệnh và bộ Tư lệnh Quân đoàn II về cuộc rút quân.
Nhưng đấy chỉ là chặng đầu trên Liên tỉnh lộ 7. Con đường chôn vùi hàng nhiều ngàn xác đồng bào và trẻ thơ vô tội. Chôn vùi tên tuổi tất cả các Tướng lãnh đạo Đất Nước trong những năm sau cùng. Và cũng chính là con đương đưa đến sự sụp đổ mau chóng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, để rồi miền Nam Việt Nam mất vào tay Cộng sản sau đó.
18 giờ 15 phút, Đại tá Tham Mưu trưởng báo cáo về tình hình Phú Bổn. Đã tổ chức, phân loại xe quân đội và dân sự. Ra lệnh các đơn vị không được tự ý tách rời đoàn xe đi riêng.
Một sự việc xảy ra vào buổi tối. Lính Thương nổi loạn, đốt nhà, ăn cướp, nhưng chỉ là một nhóm nhỏ. Tỉnh trưởng Phú Bổn đã giải quyết và chận đứng.
Mặt trận Phước An
Bộ Tư lệnh Quân đoàn II, các Lực lương Thiết giáp, Không quân, Pháo binh và Chủ lực quân đã rút khỏi Kontum, Pleiku. Trong 2 ngày nữa, nếu đoàn xe không về tới Phú Bổn như dự định, thì mặt trận Phước An sẽ vô cùng nguy ngập. Bởi vì địch chỉ cần sử dụng một phần lực lượng tại trận địa Ban Mê Thuột hiện nay, với chiến xa và trọng pháo yểm trợ, sẽ dứt Phước An dễ dàng. Và sau đó là Khánh Dương.
Kiểm điểm lại quân số của sư đoàn và những đơn vị tăng cường hiện đang ở mặt trận Phước An, Đại tá Đức, tân Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh vô cùng lo ngại.
Lực lương chính yếu của sư đoàn là Trung đoàn 45 Bộ binh. Đơn vị với tinh thần cao độ, đã tình nguyện nhảy xuống Phước An trong đoàn quân tăng viện ngày 12 và 13 tháng 3, thì hôm nay đã tan hàng, trở thành dân sự già nửa quân số.
Buổi sáng, trong đợt di dân mới từ Ban Mê Thuột, khoảng 5000 người đã băng rừng đi về phía Phước An và nam Khánh Dương. Một số lớn là vợ con anh em binh sĩ Trung đoàn 45. Do đó, họ tự động bỏ súng, “chạy loạn” với gia đình.
Trung đoàn 45 còn lại đúng 200. Trung đoàn 44 với một Tiểu đoàn Chiến đấu và một Đại đội Trinh sát chưa sứt mẻ, khoảng 300.
Liên đoàn 21 Biệt động quân, 110 người. Bộ Tư lệnh Sư đoàn tại Chu Cúc, 42. Hậu trạm tại Khánh Dương, 6.
Khoảng 700 tay súng, không chiến xa và có 4 khẩu đại bác 105 ly. Đó là thực lực của mặt trận lớn nhất hiện nay tại Quân khu II. Một trận đánh lớn nếu xảy ra, chắc chắn lực lượng này phải đương đầu với Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt từ Ban Mê Thuột kéo về, với quân số 7, 8 ngàn và có chiến xa, đại pháo yểm trợ !
“Người lính già” của chiến trường với 25 năm quân ngũ, Tư lệnh phó Biệt khu 44 của Tướng Phú năm 1969, chờ đợi giây phút này từ lâu. Và hôm nay … đã đến. Tổng Thống Thiệu, Đại tướng Viên cùng chấp thuận việc bổ nhiệm ông là Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh!
Đại tá Đức khẽ mỉm cười, và tiến lại phía các chiến hữu của mình đang phòng thủ để quan sát.
17 giờ, phi cơ quan sát phát hiện khoảng 10 chiến xa địch gần Chu Cúc, xin đánh bom tối đa.
5 phi tuần khu trục từ Phan Rang lên. Điều động trễ 15 phút. Phi tuần 1 lên tới vùng mục tiêu lúc 17 giờ 40 phút. Trời mù, không nhìn rõ, các khu trục cơ phải quay về. Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh vẫn tiếp tục xin Không quân đánh tiếp.
Thêm 2 xe tăng Cộng sản Bắc Việt di chuyển ở phía bắc cây số 62, mặt trận Khánh Dương. Và tin tình báo mới nhất thâu thập được qua một tù binh Bắc Việt bắt được ngày 16 tháng 3, 1975, hai Trung đoàn 64 và 48 Cộng sản Bắc Việt đã di chuyển tới tây bắc Khánh Dương khoảng 20 cây số. Lực lương Sư đoàn 23 Bộ binh sẽ cùng phối hợp với 2 Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 22 Bộ binh tăng cường tổ chức tuyến phòng thủ, chận đứng cuộc tiến quân xuống Khánh Dương, Dục Mỹ của địch.
Nhưng cũng chỉ là trứng chọi đá! Quả thật trong trận này, lực lượng Việt cộng và quân ta quá chênh lệch!
Một sự việc cuối cùng và đặc biệt xảy ra hôm nay mà tôi ghi nhận, đó là yêu cầu của 2 Tỉnh trưởng Kontum và Pleiku xin máy bay chở bạc về Tổng Ngân Khố, Saigon.
Bộ Tư lệnh Quân đoàn lúc đầu chấp thuận, nhưng sau lại hủy bỏ. Vì phi trường Cù Hanh, Pleiku đã đóng cửa từ lúc 10 giờ sáng. Và, số bạc khổng lồ của 2 tỉnh liền được … đốt đi!
Đây cũng là một sự việc cực kỳ khó hiểu. Tại sao các Tỉnh trưởng Kontum, Pleiku được “ủy quyền” ở lại phòng thủ 2 thị xã này, lại xin máy bay chở bạc, và sau đó “đốt” đi hàng trăm triệu bạc, ngay cùng ngày Quân đoàn vừa di tản khỏi Pleiku?
Tôi quá mệt mỏi nên đã không tìm hiểu “lệnh đốt bạc” từ đâu tới. Từ Saigon hay từ bộ Tư lệnh Quân đoàn II?
Phạm Huấn
https://ongvove.wordpress.com/2010/04/06/m%E1%BA%B7t-tr%E1%BA%ADn-ban-me-thu%E1%BB%99t/
Bàn ra tán vào (0)
Mặt Trận Ban Mê Thuột
Đó là một ngày Chúa Nhật. Sau bốn ngày tại mặt trận Bình Định, mãi tối mịt hôm trước chúng tôi mới về tới Nha Trang.
Thiếu Tướng Phạm Văn Phú
Ngày 9 tháng 3, 1975.
Đó là một ngày Chúa Nhật. Sau bốn ngày tại mặt trận Bình Định, mãi tối mịt hôm trước chúng tôi mới về tới Nha Trang. Và chúng tôi vừa chết hụt khi chiếc trực thăng hầu như mất thăng bằng trong những cơn lốc xoáy, lúc bay ngang qua Vũng Rô gần Tuy Hòa.
Khi chuông điện thoại reo lên, nhìn đồng hồ mới 8 giờ sáng, mắt tôi cay xè và thật khó chịu. Giọng nói quen thuộc của Tân, một Sĩ quan Tùy viên khác ở Nha Trang, và cũng là em vợ Tướng Phú vang lên từ đầu giây bên kia:
– Ông Tướng mời anh vào bay gấp!
Ngừng lại một giây, Tân nói tiếp:
– Nhưng ông ấy mới chuẩn bị ăn sáng. Chừng 15 phút nữa anh ra thẳng phi trường, tôi lái xe về cho. Ông Tướng bay C-47, tầu bay đậu ở khu VIP bên dân sự!
Và Tân cúp máy.
Tôi linh cảm thấy một chuyện gì quan trọng sắp sửa xảy ra. Tình hình quân sự tại chiến trương Cao nguyên sau khi Phước Long mất thật nghiêm trọng. Các quốc lộ huyết mạch 19, 21 nối liền Cao nguyên và Duyên hải đã bị cắt nhiều đoạn. Tỉnh Quảng Đức đang bị đe dọa nặng. Tại mặt trận Bình Định, các đơn vị của Sư đoàn 22 Bộ binh gần như quần thảo hàng ngày với Sư đoàn 3 Sao Vàng của Công Sản Bắc Việt. Mặt trận Nam Pleiku, Bộ Tư lệnh Hành quân của Sư đoàn 23 Bộ binh bị pháo liên miên.
Nghe tiếng sóng biển, nhìn qua cửa sổ của chiếc trailer, tôi thấy chân trời xa tít, và nắng lên thật đẹp. Tôi bước ra ngoài. Trước khi lái xe ra phi trường, tôi đã để ra giây phút nhìn cái trailer nằm sát biển Nha Trang, vì tự nhiên linh cảm rằng sẽ chẳng bao giờ trở lại đây nữa. Cái trailer, hay đúng hơn là nơi nghỉ mát của một viên cố vấn Mỹ trước kia, ông Tướng Tư lệnh phó đặc trách bình định phát triển, ông Tỉnh trưởng Khánh Hòa đều muốn nhận làm của riêng mình. Nhưng Tướng Phú đã cho tôi “mượn” dùng làm nơi tạm trú mỗi lần ghé Nha Trang.
8 giờ 40 sáng, chiếc C-47 từ bãi đậu VIP phía dân sự phi trường Nha Trang tiến ra phi đạo. Đây là chiếc máy bay chỉ huy của Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng Hoài. Mỗi năm cứ mùa mưa đến, ông cho biệt phái chiếc Dakota 2 động cơ này lên cho Tư lệnh Quân đoàn II sử dụng. Bởi vì chiến trương Quân khu II gồm 2 mặt trận cao nguyên và duyên hải; thời tiết luôn xấu và sương mù. Những khi khẩn cấp nếu sử dụng trực thăng hoặc phi cơ nhỏ trên những chặng đường dài Pleiku, Phan Thiết, Bình Định phải bay rất lâu và nguy hiểm.
Lúc phi cơ sắp sửa cất cánh, Tướng Phú nói với tôi:
– Hôm nay mình lên Ban Mê Thuột. Quận Đức Lập, Quảng Đức hiện đang bị pháo rất nặng, có thể bị mất …
Và ông hỏi Hóa, Sĩ quan Tùy viên, về cái lệnh mời Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, hiện là Tư lệnh mặt trận nam Pleiku, và Đại tá Nghìn, Tỉnh trưởng Quảng Đức và Ban Mê Thuột họp sáng nay.
Nhìn vẻ mặt đăm chiêu, nghiêm trọng của Tướng Phú, tôi biết rằng Ban Mê Thuột sẽ vô cùng nguy ngập, nếu Đức Lập và Quảng Đức mất.
Tháng trước trong một buổi họp với Tư lệnh mặt trận nam Pleiku, sau khi xếp đặt ưu tiên cho từng mặt trận, Tướng Phú đã ra lệnh cho Đại tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 Bộ binh về Ban Mê Thuột chỉ huy, và tăng cường thêm cho Ban Mê Thuột một đơn vị pháo binh 155 ly.
9 giờ 45 phút Tướng Phú tới phi trường Phụng Dực.
Sau những cái bắt tay vội vã, ông cùng với Chuẩn tướng Lê Trung Tường và Đại tá Nguyễn Công Luật, Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột về Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh.
Khi đoàn xe đi ngang qua dinh Tỉnh trưởng, thấy một số sĩ quan mặc đồ trắng đánh tennis, Tướng Phú tỏ vẻ khó chịu, và ngay lập tức ra lệnh cấm trại 100%. Tới Bộ Tư lệnh Sư đoàn, ông hối hả bước vào Trung tâm Hành quân.
Tình hình Đức Lập vô cùng nguy ngập. Các đồn phụ đã bị “bứt”. Chi khu bị pháo từ 6 giờ sáng, và quân chính qui Cộng sản Bắc Việt đánh “trận địa chiến”, và đánh ban ngày. Tiểu đoàn Địa phương quân đóng tại Núi Lửa cách Đức Lập 9 cây số bị địch tràn ngập sau một trận đánh đẫm máu. Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng và một số cấp chỉ huy khác bị Việt cộng sát hại.
Tương Phú bốc máy liên hợp và liên lạc thẳng với Trung tá Nguyễn Cao Vực, Quận trưởng quận Đức Lập. Ông được báo cáo Trung tá Quận trưởng đã bị thương, hiện ở ngoài chỉ huy và điều khiển nhưng khẩu đại bác 105 ly bắn trực xạ vào Cộng quân.
Đúng 10 giờ 30 phút sáng, quận Đức Lập biến thành biển lửa. Từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều ngày 9 tháng 3, 1975, Tướng Phú họp với Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, các Tiểu khu trưởng Ban Mê Thuột và Quảng Đức để duyệt xét tình hình các mặt trận.
Sau khi chấp nhận những đề nghị của các giới chức liên hệ và cho những chỉ thị cần thiết, ông ra lệnh cho Đại tá Nghìn, Tỉnh trưởng Quảng Đức bay về trước. Tại Ban Mê Thuột, để cho có sự thống nhất chỉ huy, Tương Phú bổ nhiệm Đại tá Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 làm Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột.
Các Tư lệnh mặt trận phải ra lệnh đôn đốc các đơn vị chuẩn bị và sẵn sàng chiến đấu trong 2, 3 tháng liên tiếp; tổ chức những cuộc hành quân xa ngoài thị xã và vị trí phòng thủ.
Kho xăng, kho đạn phải được phân tán, đề phòng đặc công Cộng sản Bắc Việt đánh phá. Lệnh thiết quân luật mỗi nơi được ủy nhiệm cho các Tư lệnh mặt trận toàn quyền định đoạt.
Hai quyết định quan trọng khác của Tướng Phú:
1. Tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột tùy theo tình hình, nếu cần cho phá hủy cầu 14 trên đường Quảng Dưc-Ban Mê Thuọt để làm chậm sức tiến của chiến xa địch.
2. Tư lệnh mặt trân Kontum tăng phái một Liên đoàn Biệt động quân cho mặt trận Ban Mê Thuột. Và Liên đoàn Biệt động quân này phải được đổ xuống Buôn Hô ngay chiều nay.
Sự có mặt của Tướng Phú tại Ban Mê Thuột ngày hôm nay, 9 tháng 3, 1975 với những quyết định có tính cách quan trọng và cấp bách ông vừa ban hành là cái “bén nhậy” của một tướng mặt trận, một vị Tư lệnh có kinh nghiệm chiến trường.
Ông làm việc liên miên ngay từ khi tới Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh. Khi quyết định tăng phái cho Ban Mê Thuột một Liên đoàn Biệt đông quân, vừa cầm dĩa cơm trên tay, vừa gọi máy ra lệnh cho Tư lệnh mặt trận Kontum cho các Tiểu đoàn Chiến đấu của Liên đoàn Biệt động quân được tăng phái, chuẩn bị di chuyển trong 2 giờ sắp tới.
Sau đó, ông cũng đích thân liên lạc với Tướng Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân ở Pleiku, để vận dụng tất cả trực thăng cho cuộc đổ quân được hoàn tất thật nhanh. Vì thế, đợt đổ quân đầu tiên của Liên đoàn 2 Biệt động quân xuống Buôn Hô đã được thực hiện ngay chiều ngày 9 tháng 3, 1975.
6 giờ chiều ngày 9 tháng 3, 1975 rời Ban Mê Thuột, Tương Phú ra lệnh bay thẳng lên Pleiku, thay vì trở lại Nha Trang nghỉ dưỡng sức. Và ngay buổi tối, ông vào làm việc, ở luông trong chiếc “bunker”, chiếc hầm nổi chống pháo kích của Tư lệnh Quân đoàn còn đang làm dở dang, sát với Trung tâm Hành quân. Lệnh cấm trại 100% được ban hành.
Từ lúc trở lại Pleiku, Tướng Phú có vẻ bồn chồn lo nghĩ. Ông hút thuốc lá liên miên. 9 giờ tối, khi được báo cáo Liên đoàn 21 Biệt động quân tăng cường cho mặt trận Ban Mê Thuột đã được trực thăng bốc từ bắc Kontum thả xuống Buôn Hô, Tướng Phú thở phào nhẹ nhõm, và nói một mình:
– May ra thì … còn kịp!
Rồi quay sang phía tôi:
– Này, “ông nhà báo”, mình làm một tẩy mạt chược, khánh thành chiếc “bunker” mới!
Tiếp đó, ông ra lệnh cho Thiếu tá Hóa, Sĩ quan Tùy viên:
– Hóa! Chú mày điện thoại mời Đại tá Tham mưu trưởng và gọi Vinh. Bảo tụi nhỏ kiếm cái bàn vuông, bàn “dã chiến” cũng được.
Hóa có vẻ ngần ngại:
– Hôm nay Thiếu tướng bay từ sáng sớm, và giờ khuya rồi, tôi sợ Thiếu tướng mệt.
– Ồ! ăn thua gì, hôm nay tôi muốn thức khuya, chú mày đừng làm ta xui xẻo!
Hóa không nói thêm nữa, lẳng lặng gọi điện thoại mời Đại tá Lý và Thiếu tá Vinh, Chánh Văn phòng Tư lệnh Quân đoàn. Hóa là Sĩ quan Tùy viên của Tướng Phú từ hồi còn ở Sư đoàn 1; người miền Trung, ít nói, tính lầm lì và rất chịu khó làm việc.
Tướng Phú là người sống bình dị, khắc khổ, không uống rượu, ăn chơi. Cái thú duy nhất của ông là hút thuốc lá và thỉnh thoảnh đưỢc xoa vài tẩy mạt chược, “ăn thua” tượng trưng. Đây là môn “thể thao” vừa giải trí, vừa đấu trí! Canh mạt chược đêm 9 tháng 3, 1975 kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ.
Và đó cũng là lần cuối cùng Tướng Phú được hưởng cái thú tiêu khiển này. Ông bị thua, thua cả … 3 người!
Gần 1 giờ sáng, Tướng Phú gọi ra lệnh cho Đại tá Phạm Duy Tất, Tư lệnh mặt trận bắc Kontum:
– Anh nhớ theo dõi “thằng con” anh mới rời Kontum anh chiều nay. Bắt nó phải “bung” ra hoạt động ngay. Ngày mai tôi sẽ ra lệnh Đại tá Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 mang bộ chỉ huy hành quân lên đó …
– …
– Tôi nghe nói “thằng cha Dậu” là con gà chết. Nếu anh thấy hắn ta chỉ huy không được thì nên thay thế ngay. Đừng che chở, kẻo hỏng việc hết!
– Tôi xin tuân lệnh Thiếu tướng!
Đại tá Phạm Duy Tất, Tư lệnh mặt trận bắc Kontum và cũng là chỉ huy trưởng Lực lương Biệt động quân, Quân khu II. Trung tá Dậu, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 21 Biệt động quân vừa được thả xuống Buôn Hô, đông bắc Ban Mê Thuột, và mới nắm quyền chỉ huy Liên đoàn Biệt động quân hơn 1 tháng nay!
30 ngày trước khi Cộng quân tấn công Ban Mê Thuột, khi chưa bị rối loạn, chưa ban hành quyết định rút Cao nguyên, bỏ Huế; Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đi khắp 4 Vùng Chiến thuật để ăn tất niên ngoài tiền tuyến với binh sĩ. Tại mặt trận bắc Kontum, vùng biên giới Lào-Việt, Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Chiến trường Cao nguyên, hướng dẫn Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa tới thăm một đơn vị Biệt động quân trên tuyến đầu.
“Người Lính Kèn” của Trường Võ Bị Đà Lạt
10 giờ 30 phút sáng ngày 9 tháng 3, 1975, quận Đức Lập tỉnh Quảng Đức biến thành biển lửa. Trước đó, hai viên đại bác 82 ly không giật của Bắc quân bắn trúng đài chỉ huy chi khu.
Đài chỉ huy sập. Người Sĩ quan An ninh tử trận tại chỗ. Trung tá Nguyễn Cao Vực, Quận trưởng bị thương, nhúng đầu vào lu nước, thoát ra ngoài. Ông Quận trưởng đích thân chỉ huy và điều khiển hai khẩu đại bác 105 ly, bắn trực xạ, ngăn chận những đợt xung phong biển người của quân Cộng sản Bắc Việt.
Bốn ngày trước, 5 tháng 3, 1975 một cuộc phục kích tại phía đông Buôn Dak Gang cách bắc Đức Lập 10 cây số. Lực lượng chi khu đã bắt được một tù binh thuộc Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt, và tài liệu tiết lộ Bắc quân sẽ đại tấn công Quảng Đức và Ban Mê Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên 1975. Nhưng nguồn tin này, cũng như nguồn tin tình báo tương tự của tiểu khu Ban Mê Thuột, khi khai thác một sĩ quan tù binh Cộng sản Bắc Việt trong toán tiền thám của Sư đoàn 320 Điện Biên Phủ tại Bắc Ban Mê Thuột (tù binh Bắc Việt bị bắt ngày 7 tháng 3, 1975), đã không được Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh và Quân đoàn II “xếp hạng” là những nguồn tin quan trọng.
Hôm nay Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt nhất định san bằng quận Đức Lập để tiến quân về Ban Mê Thuột. Các công sự phòng thủ trên mặt đất sập hết, nhưng Quận trưởng Nguyễn Cao Vực và các chiến hữu của mình vẫn cầm cự chiến đấu dai dẳng ở các giao thông hào.
Nguyễn Cao Vực, người “pháo thủ” của các chiến trưỜng Chiến khu D 1960, Bu Prang 1968, Kontum 1972, cũng lính là “anh lính kèn người Thượng” với cái tên “Cai Son” của sinh viên sĩ quan khóa 13 trường Võ Bị Đà Lạt. Hạ sĩ Son, anh lính kèn là người đã mang đến cho các sinh viên sĩ quan những giây phút vui buồn đáng nhớ mỗi ngày. Từ điệu kèn báo thức, tập hợp đi ăn, cũng như mặc đồ trận, đeo ba lô buổi tối trình diện dã chiến khi bị phạt … Nguyễn Cao Vực là người có sắc diện như một cái cột nhà cháy, nên được bạn bè đặt cho cái tên là “Cai Son”. Và anh rất thích cái tên đó.
Tôi có khá nhiều kỷ niệm với Vực, vì cùng một trung đội trong hai năm học tại trường. Đầu năm 1960, khi tôi hướng dẫn Dickey Chapel – người nữ Phóng viên kỳ tài của thế giới, đã từng nhảy dù theo một lực lượng Mỹ xuống Okinawa trong trận Thế chiến II – đi hành quân tại chiến khu D, với một đơn vị nổi danh của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa thời đó là Trung đoàn 8 thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh, thì Vực là Pháo đội trưởng Pháo đội 105 ly, tăng cường cho đơn vị này.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tư, Trung đoàn trưởng đã giới thiệu với chúng tôi hai quân nhân thiện chiến và “chì” nhất của Trung đoàn. Đó là Trung úy Bác sĩ Lê Đình Kỳ và Pháo đội trưởng Nguyễn Cao Vực. Bác sĩ Kỳ là ngươi không thích hành nghề chuyên môn mà chỉ thích truyện trận mạc. Còn Vực được mệnh danh là một Pháo đội trưởng lì lợm, thiện xạ, bắn đâu trúng đó.
Một tuần lễ đi hành quân với Trung đoàn 8 Bộ binh trong Chiên khu D, Dickey Chapel và tôi thương ăn và ngủ chung với Bộ Chỉ huy của Trung đoàn, gồm Thiếu tá Tư, Bác sĩ Kỳ, Trung úy Vực, và Hiền. Hiền là Sĩ quan Hành quân của Trung đoàn và cũng tốt nghiệp khóa 13 Võ bị Đà Lạt.
Trong sáu người chúng tôi, lần lượt Đại úy Hiền, Đại tá Tư đều tử trận. Họ đã hy sinh tại vùng đất và đơn vị mà họ đã chiến đấu, phục vụ nhiều năm. Dickey Chapel, người mà tôi kính trọng như một người chị trong nghề phóng viên chiến tranh, cũng vĩnh viễn ở lại Việt Nam trên “dãy phố buồn thiu” ngoài chiến trương miền Trung.
Hôm nay đến lượt Nguyễn Cao Vực. Anh là một Quận trưởng bất đắc dĩ. Anh đã bị thả xuống Đức Lập, và trở thành Quận trưởng dù muốn hay không, giữa năm Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
Và có thể đây là trận chót trong đời binh nghiệp người pháo thủ tài ba của Sư đoàn 5 Bộ binh, của chiến trường Cao nguyên, đã lại có dịp thi thố cái khả năng chuyên môn của mình. Hai khẩu đại bác 105 ly bắn trực xạ vào các đơn vị tiền phong Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt chắc chắn đã có một sự đánh đổi cân xứng trước khi và các chiến hữu của mình vùi ngập trong biển lửa.
Tôi tự hỏi, nếu Vực không thoát được trong trận này, còn lại Bác sĩ Lê Đình Kỳ và tôi, ai sẽ là người sống sót sau cùng, sau 20 năm chiến tranh dài của một đời người?
Các “Dũng Sĩ” Trung đoàn 53 Bộ binh tại mặt trận phi trương Phụng Dực
Ngày 10 tháng 3, 1975Những trận mưa pháo vào Ban Mê Thuột từ 2 giờ đến 4 giờ sáng rạng ngày 10 tháng 3, 1975 đã gây kinh hoàng cho mấy chục ngàn quân cũng như dân, hiện đang có mặt tại thị xã này.
Sau đó là những chiến xa đủ loại, băng rừng, nghiền nát các ngả đường, để các lực lượng của những Sư đoàn 320, 316 Cộng sản Bắc Việt ào ạt tiến vào.
Nhưng, những người kinh hoàng và đau đớn nhất là hai cấp chỉ huy có trách nhiệm phòng thủ Ban Mê Thuột: Đại tá Vũ Thế Quang và Đại tá Vũ Công Luật!
Đại tá Luật, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Ban Mê Thuột là một Sĩ quan Thiết giáp kỳ cựu của Quân lực Viêtn Nam Công Hòa. Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn I Thiết kỵ trong cuộc hành quân sang Lào 1971, người mà báo chí Việt Nam và ngoại quốc gọi là “Patton Việt Nam”. Patton là danh tướng Thiết giáp của Mỹ trong Thế Chiến II. Đại tá Luật đã từng chỉ huy một Lực lượng Thiết giáp quan trọng và tối tân nhất của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, với những Thiết đoàn M48, M41 chiến xa trong cuộc tiến quân này.
Đêm nay Bắc quân đánh trận địa chiến vơi chiến xa nặng, với chiến thuật biển người, thì trong tay ông vỏn vẹn có được hai Chi đội Thiết vận xa M113 và những xe bọc sắt tuần tiễu của Địa phương quân. Một thứ “đồ chơi con nít” nếu so sánh với loại Thiết giáp tối tân T54 của Nga Sô mà Cộng sản Bắc Việt hiện đang sử dụng!
Đại tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 Bộ binh và Tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột khi nghe những tiếng đạn bay xé không gian, nổ tại phi trường L19, trước tiểu khu, bộ Tư lệnh Sư đoàn, đã thấy ngay cái giá mà lực lương phòng thủ phải trả. Bởi vì những khẩu đại bác 122 ly, 130 ly của Bắc quân đã kéo sát tới thị xã!
Những tiếng đại pháo của địch nổ tại Ban Mê Thuột cũng đã làm cho các tướng lãnh nắm vận mạng Đất Nước bừng tỉnh. Họ tạm quên đi những hận thù, những tranh giành quyền hạn, phe phái. Tất cả đều hướng về mặt trận này!
Lệnh của Đại tướng Cao Văn Viên từ Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực Viêt Nam Cộng Hòa được truyền đi lúc 7 giờ sáng. Của Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng Chính phủ gọi từ Đà Lạt lúc 8 giờ 40 phút. Của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gọi từ Dinh Độc Lập lúc 10 giờ 10 phút, và 19 giờ tối.
Trận đánh quyết định giữa hai miền Nam-Bắc đã xảy ra. Nhưng lực lượng giữa hai bên quá ư chênh lệch, như trứng chọi với đá nếu so sánh cả về quân số, vũ khí, chiến cụ. Địch đã ở thế thượng phong ngay từ lúc đầu!
Tuy nhiên, trong ngày đầu tinh thần chiến đấu của các dũng sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh, sự gan dạ của những phi công anh hùng A37, của những chiến sĩ Địa phương quân tiểu khu Darlac, đã làm cho Bắc quân kinh ngạc, nể vì. Những tin tức phấn khởi bay đi khắp nước ngay khi “những cánh đại bàng” xuất hiện trên vùng trời Ban Mê Thuột.
Phi tuần phản lực A37 đầu tiên đã bắn cháy hai chiến xa, và hai cỗ đại bác phòng không của Cộng sản Bắc Việt ngay trong thị xã lúc 11 giờ 30 phút. Hai chiến xa khác cũng do không quân đánh bom trúng tại 2 cây số tây bắc Ban Mê Thuột. Lực lương Địa phương quân Darlac đã tạo một bất ngờ lúc 11 giờ trưa khi bắn cháy một T54 trước bộ Chỉ huy Tiểu khu ngay trên đường Thống Nhất!
Trận “thử sức” của các trung đoàn tiền phong quân chính quy thuộc Sư đoàn 320 Điện Biên Phủ và những “dũng sĩ” Trung đoàn 53 Bộ binh trên phòng tuyến quanh phi trường Phụng Dực xảy ra lúc 14 giờ.
Mở đầu là những trận mưa pháo, cầy nát sân bay. Từng đoàn chiến xa của Bắc quân gầm thét, di chuyển theo đội hình từ khắp ngả tiến vào.
Nhưng tinh thần các chiến sĩ ta không hề nao núng. Đây cũng không phải là “trận thư hùng” đầu tiên của các đơn vị tinh nhuệ của ta và địch.
Bởi vì trước khi rút về phòng thủ phi trường Phung Dực, Trung đoàn 53 tăng phái cho mặt trận Quảng Đức đã đụng độ với các trung đoàn chủ lực của Sư đoàn F10 rất nhiều lần trong những tháng trước, và mấy ngày mới đây với Sư đoàn 320 của Cộng sản Bắc Việt tại Đông Bắc Ban Mê Thuột.
Sau gần 2 giờ quần thảo, Trung đoàn 53 Bộ binh đã đẩy lui 3 đợt xung phong biển người của địch. 15 giờ 30, Bắc quân chém vè, để lại trên 200 xác và 50 vũ khí đủ loại, 4 chiến xa Cộng sản Bắc Việt bị bắn cháy.
Báo cáo chiến thắng về Trung tâm Hành quân Quân đoàn II bằng hệ thống điện thoại viễn liên từ phi trường Phụng Dực, “người lính số 1″ của Trung đoàn 53 Bộ binh, một trong những anh hùng của mặt trận Ban Mê Thuột, Trung tá Võ Ân, Trung đoàn trưởng nói với Tướng Phú:
– Trình “Mặt Trời”, những “đứa con” của tôi sứt mẻ chút ít, nhưng tinh thần rất cao.Trận đánh vừa kết thúc. Hơn 200 xác Việt cộng còn để nguyên ngoài chiến trường. Vũ khí tịch thu tôi đã cho kéo về phòng danh dự của phi cảng để “triển lảm”! Trong đó có cả 3 đại bác phòng không và 4 hỏa tiễn SA7 còn mới nguyên.
Tướng Phú vui mưng lộ trên nét mặt. Ông khen ngợi và ra lệnh cho Ân bằng một giọng hết sức thân mật:
– “Chú mày” giỏi lắm! Chuyển lời khen của tôi đến anh em. Ráng lên! Sau trận này mỗi người lên một cấp. Nhưng không được khinh thường địch quân! Phải chuẩn bị và đề phòng tối đa ngay! Rõ chưa?
– Trình “Mặt Trời”, tôi nhận rõ!
Tướng Phú cúp máy. Trung tá Võ Ân trở ra chiến hào phòng thủ cùng với các chiến hữu của mình.
Tuy nhiên chiến thắng trên đây chỉ là một may mắn đặc biệt, một chiến thắng sau cùng của Trung đoàn 5e Bộ binh trong trận đánh quyết định giữa hai miên Nam-Bắc năm 1975.
Ngày 10 tháng 3, 1975 là một ngày cực kỳ sôi động trên chiến trương Cao nguyên. Trong lịch sử 30 năm chiến tranh Việt Nam kể từ hồi còn quân đội Pháp, chưa bao giờ có những trận đánh đồng loạt, dồn dập như vậy.
Ngoài mặt trận chính Ban Mê Thuột, Cộng quân tấn công khắp nơi. Các trận bắc Kontum, nam Pleiku, bắc Bình Định, Quảng Đức và trên 2 quốc lộ 19, 21 đều bị áp lực nặng nề.
Tiểu khu Ban Mê Thuột bị mất liên lạc lúc 12 giờ trưa. Những đoàn xe chở quân của Bắc Việt vẫn tiếp tục tiến về Ban Mê Thuột. Lệnh phá cầu 14 trên quốc lộ nối liền Quảng Dức-Ban Mê Thuột được ban hành. Những trận pháo kích, đụng độ nặng nề quanh Căn cứ 93 phía nam Pleiku kéo dài suốt ngày.
15 giờ 15 phú, phi trường Cù Hanh, Pleiku bị pháo. Một trực thăng và một dãy nhà bị cháy, một Dakota bị hư hại.
18 giờ 20 phút, Cộng quân pháo trúng Bộ Tư lệnh Quân đoàn, khu câu lạc bộ sĩ quan và Bộ Chỉ huy Không trợ II. Thị xã Pleiku thiết quân luật 9 giờ tối.
Tại mặt trận Bình Định, Trung đoàn 42 và 47 giao tranh suốt ngày với các đơn vị Cộng sản Bắc Việt và hạ 200 tên tại thung lũng Vĩnh Thạnh. Sư đoàn 22 Bộ binh hiện đã trực diện với Sư đoàn 3 Sao Vàng, các trung đoàn biệt lập của Bắc Việt tại Quân khu 5.
Một tin chấn động khác, 17 chiến xa Cộng sản Bắc Việt xuất hiện gần Phù Cát, Bình Định lúc 5 giờ 30 chiều.
Tổng kết tại mặt trận Ban Mê Thuột trong ngày đầu cùng với chiến thắng của Trung đoàn 53 Bộ binh, thêm 100 Cộng quân khác bị hạ trước tiểu khu, trước khi tiểu khu Darlac bị mất liên lạc, và trước dinh Tỉnh trưởng, gần sát với Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh. 12 chiến xa Cộng sản Bắc Việt bị bắn cháy, trong số đó có 11 cái do Không quân đánh bom trúng.
Những lệnh cuối cùng trong ngày Tướng Phú chỉ thị cho Tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh mặt trận nam Pleiku và Tỉnh trưởng không được lùi khỏi Căn cứ 93 trên tuyến phòng thủ Bộ Tư lệnh Quân đoàn và thị xã này. Liên Đoàn 21 Biệt động quân đã từ Buôn Hô di chuyển về gần tới Ban Mê Thuột bằng mọi giá phải tái chiếm bộ chỉ huy tiểu khu và kho đạn Ban Mê Thuột.
19 giờ tối, Tổng Thống Thiệu từ Saigon gọi lên chỉ thị cho Tư lệnh Quân đoàn II giải quyết chiến trường Ban Mê Thuột mau lẹ (?)
Giây Phút Cuối Cùng của Tư Lệnh Mặt Trận Ban Mê Thuột
Ngày 11 tháng 3, 1975.
Trận đánh đẫm máu thư 2 giữa Trung đoàn 53 Bộ binh và một lực lương quân chính qui Cộng sản Bắc Việt đã được tăng cường đông hơn gấp 10 lần, xảy ra lúc 5 giờ sáng. Đó cũng là lần xuất trận đầu tiên của Sư đoàn 316, sư đoàn tổng trừ bị của Bắc Việt tại mặt trận phi trường Phụng Dực trên chiến trường Cao nguyên.
Sư đoàn 316 tổng trừ bị Cộng sản Bắc Việt vừa di chuyển từ miền Bắc vào, và mới tới trận địa hồi đêm. Những báo cáo tiên khởi trong 2 giờ đầu cho biết Trung đoàn 53 Bộ binh bị thiệt hại quá nặng.
7 giờ 45 phút sáng, đích thân Tư lệng mặt trận Ban Mê Thuọt, Đại tá Vũ Thế Quang gọi lên Trung tâm Hành quân Quân đoàn II cho biết tình hình vô cùng nguy ngập. 10 chiến xa Cộng sản Bắc Việt đang bắn trực xạ vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn.
Người sử dụng máy siêu tần số lúc đó là Trung tá Không quân Nguyễn Văn Giang, Giám đốc Không trợ II. Bằng những ngụy thoại, ông cho biết đoàn phản lực cơ cất cánh từ Nha Trang đang trên đường, và sắp tới vùng trời Ban Mê Thuột.
7 giờ 55 phút, hai chiếc phản lực cơ A37 lao xuống mục tiêu, những chiến xa Cộng sản Bắc Việt, và đánh vô cùng chính xác. Nhưng chỉ mấy phút sau, bỗng nghe Đại tá Quang hét lên trong máy truyền tin:
– Ơ!… “nó” đánh trúng tôi!!!
8 giờ. Đó là giờ phút của “định mệnh”. Hai trái bom đã thả trúng hầm Chỉ huy và Truyền tin của Tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột. Và Trung tâm Hành quân Quân đoàn II mất liên lạc với Ban Mê Thuột từ lúc đó.
Nghe câu nói sau cùng của Quang, tự nhiên tôi thấy đau lòng và đưa mắt nhìn Giang. Quang, Giang và tôi đều là bạn.
Quang với biệt danh “Quang dù”, là người lính của chiến trường và thành phố trong 2 thập niên 1955-1975. Trước năm 1960 khi chiến tranh còn ở cấp tiểu đoàn, một số sĩ quan trong các binh chủng Không quân, Nhảy Dù rất nổi tiếng trong cả hai lãnh vực: ăn chơi và đánh giặc. Tên tuổi họ trở thành những nhân vật trong tiểu thuyết, các phóng sự với những biệt danh riêng. Chẳng hạn như: Cương “khểnh”, Hợi “voi”, Quang “dù”, Hùng “sùi”, Giang “nám” …
Thơi gian ở Nhảy Dù, Quang là một Tiểu đoàn trưởng trung bình, nhưng là người có một “nghệ thuật sống” siêu đẳng. Anh luôn luôn tự chế và thích nghi với mọi hoàn cảnh. Cuối năm 1963, Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù đang được tái huấn luyện tại Trung tâm Vạn Kiếp, mới được tạm thơi giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng, anh đã liều lĩnh mang tiểu đoàn về Saigon tham gia đảo chánh. Nhưng công trạng của anh chỉ được biết đến khi Tướng Nguyễn Cao Kỳ được bổ nhiệm làm Tư lệnh Không quân.
Rồi sau đó, khi trở thành Thủ tướng, ông Kỳ đã đề cử Quang chỉ huy Liên đoàn An ninh Danh dự. Đường hoạn lộ chim bay từ đó!
Nhưng phải nói anh là người đàng hoàng, trung trực. Khi ông Kỳ bị ông Thiệu hất cẳng, cho “ngồi chơi sơi nước”, một bất ngờ, anh được ông Thiệu cho đi làm Thị trưởng Cam Ranh. Anh vào Tân Sơn Nhất hỏi ý kiến ông Kỳ. Không may cho anh, trong một canh mạt chược dở dang, ông Kỳ rất thờ ơ lạnh lùng. Vì vậy, anh thất vọng bỏ đi. Từ đó, anh trở lại cương vị của một người quân nhân “nhà nghề”. Tuy nhiên, bạn bè vẫn nghi ngờ và chế diễu anh là một “petit … Lên Nguyên Khang” (!) Mỗi khi có chiến thắng Việt Cộng, tay phải cầm khẩu AK47 tặng Trung tướng Thiệu, tay trái trao khẩu CKC cho Thiếu tướng Kỳ. Cũng như Trung tướng Khang, luôn luôn đu giây giữa “cánh phải và cánh trái” dinh Độc Lập với câu nói đầu môi: “ông Kỳ là bạn, ông Thiệu là thày, tôi chỉ biết phục vụ cho quyền lợi của Tổ quốc và Quân đội”!!!
Sau khi rời chức vụ Thị trưởng Cam Ranh vơi thâm niên cấp bậc, Quang được bổ nhiệm làm Tư lệnh Phó Sư đoàn 23 Bộ binh.
Chiều ngày 9 tháng 3, 1975 , Tướng Phú rất khó khăn và cân nhắc mãi mới chọn lựa anh làm Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột, vì Đại tá Luật, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Darlac chức vụ nhỏ hơn, nhưng trận mạc và cấp bậc thâm niên hơn.
Tôi nhớ khi rời phi trường Phụng Dực, Tương Phú bắt tay Quang và nói:
– Cố gắng và ráng cẩn thận nghe Quang! Đừng để lỡ dịp lên tướng kỳ này. Mình … Nhảy Dù mà !
Quang đứng nghiêm chào Tướng Phú:
– Thiếu Tướng yên tâm, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được. Và tôi sẽ chết tại đây trước khi Ban Mê Thuột mất!
Sau khi Trung tâm Hành quân, hầm Chỉ huy và Truyền tin của Tư lệnh Chiến trường bị sập, mọi người đều lo lắng cho số phận Ban Mê Thuọt.
Đại tá Tham mưu trưởng Quân đoàn được lệnh thành lập bộ Chỉ huy Hành quân trên không để chỉ huy mặt trận Ban Mê Thuột. Cả hai chiếc C47 và U17 của Tư lệnh Quân đoàn đều được sử dụng. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Hành quân nhẹ cũng được thành lập gấp rút ở Buôn Hô.
11 giờ 50 phút, sau gần 4 giờ chờ đợi, Trung tâm Hành quân Quân đoàn II ghi nhận mất liên lạc hoàn toàn với Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột và Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng tiểu khu Darlac.
15 giơ 30, Đại tướng Cao Văn Viên gọi cho Tướng Phú gay gắt ra lệnh “bốc” Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 từ mặt trận nam Pleiku thả xuống Ban Mê Thuột chỉ huy.
17 giờ và 23 giờ đêm, những lệnh của Tổng Thống Thiệu và Thủ tướng Chính phủ Trần Thiện Khiêm:
– Linh động trong mọi trường hợp. Cẩn thận không nên dồn hết quân trong mặt trận này.
– Tư lệnh Quân đoàn toàn quyền quyết định, có thể bỏ Ban Mê Thuột. Tránh sa lầy, vì có thể còn hai, ba mặt trận lớn nữa tại Quân khu II.
– Tường trình chính xác các sư đoàn Cộng sản Bắc Việt hiện tham chiến trên trận địa Ban Mê Thuột.
– Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột coi như đã mất tích. Chấp thuận thả một Tỉnh trưởng khác xuống chỉ huy nơi có dân và quân tập trung nhiều. Lập tòa Hành chánh và bộ Chỉ huy tiểu khu Ban Mê Thuột lưu động.
Giây phút cuối cùng của Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột sau này được ghi nhận với những dữ kiện đặc biệt. Buổi sáng khi 2 trái bom 500 cân Anh của Không quân đánh sập một đầu hầm Trung tâm Hành quân của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, một số sĩ quan trong bộ tham mưu đã thoát lên được. Trên một thiết vận xa M113, Đại tá Vũ Thế Quang sử dụng máy truyền tin liên lạc với chiếc máy bay chỉ huy, cho lệnh các phản lực cơ trút bom xuống bộ Tư lệnh Sư đoàn hiện đang bị địch quân tràn ngập. Và cho biết sẽ rút về phía Trung đoàn 53 Bộ binh tại phi trường Phụng Dực để tiếp tục chỉ huy.
Đại tá Nguyễn Công Luật cùng với Phó Tỉnh trương Hành chánh Nguyễn Ngọc Vỵ đi theo một hướng khác. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, chiếc thiết vận xa chỉ huy bị bắn cháy, Đại tá Quanh thoát chết trong gang tấc. Cộng quân lúc này đầy khắp các ngả đường trong thành phố cùng với những đoàn xe tăng của chúng.
Cũng thời gian này, trên Quốc lộ 14, khoảng đường tư Đức Lập về Ban Mê Thuột, bộ Chỉ huy Hành quân nhẹ của Trung đoàn 53 Bộ binh cùng với một tiểu đoàn, được lệnh rút từ vùng hành quân phía đông bắc quận Đức Lập về tiếp cứu Ban Mê Thuột, cũng bị Việt cộng phục kích chận đánh. Trung tá Trung đoàn Phó Trung đoàn 53 và hầu hết các sĩ quan đều bị tử trận hoặc bị địch bắt. Cánh quân này coi như bị tan rã trước khi tới được trận địa Ban Mê Thuột.
Đến xế trưa ngày 11 tháng 3, bên cạnh Đại tá Quang chỉ còn có người Thiếu úy, Sĩ quan Tùy viên và một người lính. Không thể đi tới được phi trường Phụng Dực và cũng không còn phương tiện truyền tin để liên lạc, ba người đã ẩn tránh trong một vườn cà phê mấy tiếng đồng hồ, đợi đêm tối nhắm hướng nam đi về phía Quảng Đức.
2 giờ sáng ngày 12 tháng 3, đi được khoảng 6 cây số đưỜng rừng ngay khi vưa tới sát một làng Thương, thì bị Việt cộng nổ súng, xông ra vây bắt. Thấy Đại tá Quang vẫn còn mang cấp bậc trên cổ áo và xưng danh là Tư lệnh Phó Sư đoàn 23 Bộ binh, chúng đã trói lại, lột giầy và liệng xuống hố. Chừng một giờ sau, chúng được lệnh dẫn Đại tá Quang đi suốt đêm. Tới chiều hôm sau, ngày 13 tháng 3, được cởi trói, cho đi giầy vào và chở đi bằng xe Molotova sang Cam Bốt để khai thác. Vùng rừng núi này, chắc chắn là nơi đặt bản doanh bộ Tư lệnh chiến trường Tây nguyên 1975 của 2 Tướng Cộng sản Bắc Việt Văn Tiến Dũng và Hoàng Minh Thảo.
Trong suốt thời gian bị điều tra, Đại tá Quang bị Việt cộng khủng bố tinh thần, cùm giữ hai chân trong hai thân cây lớn được khoét lỗ sẵn. Đó có thể cũng là kết quả đưa đến những lời cung khai của Tư lệnh Phó Sư đoàn 23 Bộ binh, như Văn Tiến Dũng đã viết trong cuốn Đại Thắng Mùa Xuân.
Nhưng với cuộc tấn chiếm Ban Mê Thuột bằng một lực lượng chính qui Cộng sản Bắc Việt đông hơn gấp 10 lần, có chiến xa, pháo binh yểm trợ, do chính Văn Tiến Dũng, Tổng Tư lệnh quân đội Bắc Việt trực tiếp chỉ huy, việc giữ được Ban Mê Thuột 48 giờ đã là một sự kiện hết sức đặc biệt. Vì Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh không có hệ thống phòng thủ để chiến đấu. Lực lượng chính yếu là Trung đoàn 53 Bộ binh thì trấn đóng tại phi trường Phụng Dực, cách Ban Mê Thuột 5 cây số. Trong thị xã, ngoài các đơn vị Địa phương quân, chỉ có những thành phần quân nhân lo về tiếp liệu, phòng giữ hậu cứ của các Trung đoàn Bộ binh, hậu cứ các đơn vị Thiết giáp, Pháo binh, Truyền tin, Quân cụ, Công binh.
Một Huyền Thoại trong Chiến Tranh Việt Nam
4 giờ sáng ngày 10 tháng 3, 1975.
Sau những trận mưa pháo suốt 2 tiếng đồng hồ, Cộng quân với chiến xa và biển người, tấn chiếm Ban Mê Thuột. Và với một lực lượng đông gấp 10 lần, địch đã làm chủ tình hình ngay từ phút đầu.
Sự chống trả mảnh liệt của những đơn vị phòng vệ thị xã cùng với sự yểm trợ hữu hiệu gan dạ của các phi công anh hùng, đã chặn bớt được sức tiến của quân thù.
Nhưng ngày hôm sau, khi Cộng sản Bắc Việt tung thêm Sư đoàn tổng trừ bị 316 mới ở miền Bắc vào, thì lực lương hai bên giữa ta và địch quá ư chênh lệch, cả về quân số, chiến xa lẫn vũ khí nặng!
12 giờ trưa ngày 10 tháng 3, 1975 tiểu khu Ban Mê Thuột mất!
8 giờ sáng hôm sau 11 tháng 3, 1975, 10 chiến xa T54 của Cộng sản Bắc Việt bắn trực xạ vào bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh. Vị Tư lệnh chiến trường chấp nhận rủi ro, nguy hiểm, yêu cầu Không quân đánh bom thẳng vào những xe tăng địch. Những phản lực cơ A37 lao xuống. Ba chiếc T54 bốc cháy, nhưng rồi 2 trái bom khác rơi trúng sập một đầu hầm của Trung tâm Hành quân Sư đoàn 23 Bộ binh. Hệ thống truyền tin giữa Ban Mê Thuột-Pleiku bị hư hại hoàn toàn, mất liên lạc với Tư lệnh Chiến trương và Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột từ đó.
8 giờ sáng ngày 11 tháng 3, 1975, giờ phút của định mệnh, và cũng là khởi đầu ngày thứ hai trong trận đánh quyết định giữa hai miền Nam-Bắc 1975. Chiến trường Ban Mê Thuột coi như kết thúc với sự tràn ngập của Bắc quân.
Nhưng tại phi trường Phụng Dực, cách Ban Mê Thuột khoảng 8 cây số về phía đông, một trung đoàn (-) của Sư đoàn 23, với 2 Tiểu đoàn của Trung đoàn 53 Bộ binh, một Chi đoàn Thiết vận xa M113, một Pháo đội đại bác 105 ly vẫn tiếp tục chiến đấu thêm một tuần lễ nữa. Chiến đấu dũng mãnh, dai dẳng, phi thường cho đến những người lính cuối cùng và những viên đạn cuối cùng được bắn đi!
Đó là một huyền thoại trong một cuộc chiến đấu chống Cộng thần thánh nhất của quân dân miền Nam Việt Nam. Đó cũng là biểu tượng tinh thần gang thép, sắt đá của người chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Trận thử sức dò dẫm của 2 trung đoàn Cộng sản Bắc Việt và các lực lượng phòng thủ mặt trận phi trường Phụng Dực đầu tiên xảy ra lúc 14 giờ trưa ngày 10 tháng 3, 1975, với kết quả địch bỏ lại chiến trường trên 200 xác chết!
Nhưng chưa đầy một ngày sau, 5 giờ sáng 11 tháng 3, 1975 khi những chiến xa T54 Bắc Việt nghiền nát những đường phố Ban Mê Thuột, tiến thẳng vào bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, cũng là lúc địch quân rửa hận cho đồng bọn chúng tại mặt trận phi trường Phụng Dực.
Sư đoàn 316 tổng trừ bị của Cộng sản Bắc Việt lần đầu tiên được sử dụng trên Chiến trường Cao nguyên và miền Nam Việt Nam. Từ xa lộ đất Hồ Chí Minh, sư đoàn này bất chấp mọi thiệt hại, di chuyển ngày đêm để tới trận địa đêm 10 tháng 3, 1975. Và ngay sáng hôm sau, dốc toàn lực lượng tấn công Trung đoàn 53 Bộ binh.
45 phút khởi đầu là những cơn mưa đạn đại bác khiến chiến sĩ ta chìm ngập trong giao thông hào. Sau đó, Bắc quân với những tên lính trẻ xuất trận lần đầu, hung hăng, hò hét … xung phong. Từng lớp, từng lớp gục xuống, nhưng chúng vẫn hô, vẫn tiến.
Trận thư hùng thứ hai ngày 11 tháng 3, 1975 này kéo dài 2 giờ 40 phút. Gần 200 người anh hùng của chiến trường miền núi vĩnh viễn buông súng, ở lại Cao nguyên Việt Nam!
Nhưng những người còn lại vẫn tiếp tục chiến đấu. Chiến đấu không yểm trợ, không tiếp tế, không tản thương, không tăm gội, 24 giờ trên 24 giờ ngoài chiến hào phòng thủ!
Quá nửa lực lượng bị thiệt hại từ khi ở mặt trận Quảng Đức rút về. Trung đoàn 53 Bộ binh hiện còn hơn một tiểu đoàn với khoảng 500 tay súng. Và họ đã chiến đấu đơn độc sang ngày thứ ba 12 tháng 3, ngày thứ tư 13 tháng 3, ngày thứ năm 14 tháng 3, ngày thứ sáu 15 tháng 3, ngày thứ bảy 16 tháng 3. Và hôm nay, ngày thứ tám 17 thang 3, 1975!
Thật anh hùng! Thật vĩ đại! Thật phi thường! Không còn từ ngữ nào khác hơn để ca ngợi, vinh danh họ. Và đó cũng là một huyền thoại độc đáo nhất của chiến tranh Viêt Nam trong trận đánh sau cùng trên Chiến trường Cao nguyên!
Bay trên đầu những người anh hùng của mặt trận phi trường Phụng Dực trưa ngày 12 tháng 3, 1975, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Chiến trường Cao nguyên đã nói chuyện với 2 người quân nhân lớn nhất và nhỏ nhất của Trung đoàn 53 Bộ binh.
“Người anh hùng Võ Ân”, Trung tá Trung đoàn trưởng:
– Trình Mặt Trời, lực lượng địch quá mạnh. (Mặt Trời là danh hiệu ngày hôm nay của Tướng Phú, Tư lệnh Quân đoàn II).
– Chú mày chịu nổi không? Tinh thần anh em ra sao?
– Bị sứt mẻ kha khá ngày hôm qua, nhưng chưa sao. Mặt Trời yên tâm!
– Chú mày muốn gì đặc biệt không?
– Dạ không! Nhưng sao Mặt Trời không bay trực thăng hôm nay?
– Tại qua muốn ở chơi với chú mày và những anh em khác lâu lâu một chút. Mà tại sao chú mày hỏi như vậy?
– Tại vì tôi muốn Mặt Trời đáp xuống coi kho vũ khí Việt cộng ở phòng danh dự phi cảng cho anh em lên tinh thần.
Tướng Phú cười:
– Ý kiến hay đấy! Thôi … để lần sau vậy!
– …
“Người anh hùng Nguyễn Văn Bảy”, Binh nhì xạ thủ súng cối 81 ly:
– Em tên gì? Bao nhiêu tuổi?
– Dạ … Binh nhì Nguyễn Văn Bảy, 18 tuổi!
– Em thấy Việt cộng chết nhiều không?
– Nhiều, nhiều lắm … Thiếu tướng!
– Em muốn xin Thiếu tướng gì nào?
– xin thuốc hút và … lựu đạn.
– Gì nữa?
– Thôi!
– Thiếu tướng thăng cấp cho em lên Binh nhất! Chịu không?
– …
Một giọng cười khúc khích trong máy:
– Ông Thầy! Ông Tướng tặng tôi cái “cánh gà” chiên bơ!
– Không được … tao phản đối!
– …
Cái “cánh gà”, chữ V, là hình dáng của chiếc lon Binh Nhất. Ông Thầy là tiếng gọi thân mật vị Trung tá Trung đoàn trưởng mà người “Binh Nhất vừa được tân thăng” Nguyễn Văn Bảy thường hay sử dụng.
Mẫu đối thoại trên cho thấy tình chiến hữu, anh em của những người lính Trung đoàn 53 Bộ binh. Đó cũng là một cách để chứng minh, tại sao trong những ngày cuối cùng họ vẫn sống chết bên nhau? Họ đã chia nhau từng viên đạn, từng dúm gạo sấy, từng hớp nước, từng hơi thuốc …
Theo thời gian, 7 ngày đêm chiến đấu dài hơn 7 năm tại mặt trận phi trường Phụng Dực. Đã ba ngày rồi, từ khi lệnh triệt thoái cao nguyên được ban hành, Trung đoàn 53 không còn nhận được bất cứ một tiếp tế, liên lạc nào với Quân đoàn. Họ đã phải sử dụng cả súng đạn tịch thu được của quân thù trong trận đánh đầu tiên, để bắn lại chúng!
Nhưng hôm nay, ngày 17 tháng 3, 1975 là ngày dài nhất trong cuộc đời lính chiến của họ!
7 giờ 40 phút sáng, khi rừng núi cao nguyên vẫn còn ngủ yên với những lớp sương mù phủ kín, hàng trăm hàng ngàn viện đại bác Bắc quân nã vào những chiến hào của Trung đoàn 53 Bộ binh. Cỏ cây rạp xuống. Những cột đất đỏ từng cụm, từng khóm tung cao!
Trận địa pháo kéo dài một tiếng đồng hồ. Tiếp theo sau là tiếng loa kêu gọi đầu hàng. Tiếng hò reo “sóng vỡ” của biển người. Và rồi tiếng gầm thét của hàng đoàn chiến xa T54 trên khắp ngả tiến vào, cầy nát phi đạo phi trường Phụng Dực Ban Mê Thuột!
Hôm nay là ngày đầu của cuộc rút quân của Quân đoàn II. Sư đoàn 316 Cộng sản Bắc Việt quyết khai tử Trung đoàn 53 Bộ binh, quyết nhổ đi “cái gai” cuối cùng của mặt trận Ban Mê Thuột, của Chiến trường Cao nguyên để tiến về duyên hải.
8 giờ 30 sáng, Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, vị Tướng lớn nhất của Quân đội gọi yêu cầu được tường trình đặc biệt về mặt trận phi trường Phụng Dực và các chiến sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh.
Đây cũng là một vinh dự, một hãnh diện cuối cùng dành cho những dũng sĩ tại mặt trận này! Nhưng Đại tướng Viên chỉ được báo cáo qua nguồn tin không chính xác (!) của bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 hành quân ở Phước An: Trung đoàn 53 Bộ binh đang bị đánh rất nặng, Bắc quân đã tràn ngập vị trí phòng thủ!
Đạn hết, lương thực hết, không còn cấp chỉ huy, không còn được yểm trợ, không còn máy móc liên lạc để … kêu cứu. Những chiến sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh gục ngã từng người, từng tổ, từng … tiểu đội … trong những chiến hào …
11 giờ 30 sáng, tiếng súng im bặt. Bắc quân cắm ngọn cờ đỏ trên đài kiểm soát của phi trường Phụng Dực, và thu dọn chiến trường.
Không có tù binh, không có cả những người lính bị thương. Những dũng sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh không còn chiến đấu nữa. Họ đã tan ra, đã nát ra … từng mảnh vụn, và lẫn trong đất đỏ của miền cao nguyên hùng vĩ!
Ngày 17 tháng 3, 1975 Trung đoàn 53 Bộ binh bị Bắc quân xóa tên. Đó cũng là một ngày đau buồn! Lần đầu tiên trong 21 năm chiến đấu chống cộng, giữ nước, bộ Tư lệnh Quân đoàn II triệt thoái khỏi cao nguyên!
Nhưng không, đó vẫn chưa phải là những dòng chữ cuối cùng viết về các dũng sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh! Bởi vì … vẫn còn những anh hùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa mang phù hiệu của Trung đoàn 53 … trên vai áo.
Hai ngày sau, khi Bắc quân tràn ngập phi trường Phụng Dực, Ban Mê Thuột, một nhóm 16 quân nhân của đơn vị này đã về được Phước An và tiếp tục chiến đấu tại mặt trận Quốc lộ 21.
Một tuần lễ sau nữa, ngày 24 tháng 3, 1975 ba người anh hùng khác, sau 7 ngày 7 đêm, đi trên mấy chục cây số đường rừng núi, sống với cỏ cây thiên nhiên, từ Ban Mê Thuột đã lên tới buôn Thượng Dam Rong, Đà Lạt!
Họ là những quân nhân bất tử của Trung đoàn 53 Bộ binh! Họ thật vĩ đại, thật phi thường! Và đó cũng là một huyền thoại của chiến tranh Việt Nam trong trận chiến Nam-Bắc sau cùng 1975.
Liên tỉnh lộ 7 Pleiku-Phú Bổn-Phú Yên
Ngày thứ nhất 17 tháng 3, 1975.
Ngày đầu tiên của cuộc rút quân. Trời mây mù, ảm đạm. Trong 21 năm chiến đấu chống Cộng giữ nước của quân dân miền Nam, kể từ sau Hiệp định Genève, đây là một ngày đau buồn nhất xảy ra trên Chiến trường Cao nguyên Việt Nam.
Thành phố Pleime nằm trên một ngọn đồi cao, nơi đặt bản doanh của bộ Tư lệnh Quân đoàn II hôm nay không còn vẻ uy nghiêm, hùng vĩ nữa. Cây cột cờ mà mấy ngày trước địch pháo gần trúng, đứng trơ trọi như một thân cây trụi lá. Không còn lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu, không còn lá cờ tướng với những ngôi sao trắng được kéo lên, như mỗi ngày trước đây!
Con đường từ bộ Tư lệnh Quân đoàn về Pleiku kéo dài mấy cây số, và từ những ngả đường khác đổ xô về, người và xe cộ nối đuôi, dồn, lấn, kẹt cứng.
Tin Quân đoàn “di tản” đã không còn là một tin “tối mật” như các giới chức quân sự mong muốn. Từ hai ngày nay, mọi người dân Pleiku, mọi gia đình quân nhân, và chắc chắn cả … địch nữa, đều biết. Hỗn loan, cướp bóc, bắn phá xảy ra nhiều nơi, trong và ngoài thị xã.
8 giờ 40 phút, cắt đứt mọi liên lạc bằng điện thoại với bộ Tư lệnh Quân đoàn II ở Pleiku. Đoàn xe di chuyển, khoảng 4000 quân xa đủ loại và những xe dân sự.
9 giờ 15 phút, Tướng Lê Văn Thân, Phụ tá Quân khu II và Trưởng phòng 3 Quân đoàn bay trên C47, bộ Chỉ huy Hành quân trên không, để quan sát đoàn xe. Thêm một máy bay bay quan sát được lệnh liên lạc thường trực với Tướng Phạm Duy Tất, chỉ huy cuộc rút quân.
Danh hiệu của các cấp chỉ huy trong cuộc triệt thoái Quân đoàn II ngày 17 tháng 3, 1975:
Tư lệnh Quân đoàn – Hiệp Tình
Tướng Phạm Duy Tất – Trường An
Tướng Trần Văn Cẩm – Phi Bảo
Đại tá Lê Khắc Lý, Tham mưu trưởng Quân đoàn – Công Danh
Đoàn xe – Công Bình
Trực thăng – Nam Hiền
9 giờ 30, Tướng Trần Đình Thọ, Trưởng phòng 3 bộ Tổng tham mưu gọi ra ghi nhận một lần nữa những rối loạn và tình hình xảy ra thật sự tại Pleiku ngày 16 tháng 3, 1975 để trình thượng cấp.
Theo báo cáo của Đại tá Lý gọi thẳng về Saigon, tình hình Pleiku ngày 16 tháng 3, 1975 cực kỳ hỗn loạn. Phi trường Cù Hanh, dân chúng, binh sĩ và gia đình tràn vào. Lực lượng an ninh không giữ được trật tự. Cướp của, hãm hiếp đã xảy ra.
Một báo cáo khác của Đại tá Hoàng Thọ Nhu, Tỉnh trưởng Pleiku gọi về Nha Trang trình với Tướng Phú thì, tình hình có rối loạn nhưng không ở mức độ trầm trọng. Bởi vì nếu “cực kỳ hỗn loạn” thì Tướng Tất và bộ Tư lệnh Quân đoàn đã không sắp xếp và tổ chức được đội hình của đoàn xe, hơn 4000 cái di chuyển ngày hôm nay. “Tiếng nói” của Đại tá Nhu coi như là tiếng nói chính thức, đại diện cho Tướng Tất, người thay Tướng Phú chỉ huy cuộc rút quân!
Tướng Phú giận lắm, nhưng chỉ trình bày với Tướng Thọ, vì Đại tá Lý mất bình tĩnh nên báo cáo không đúng sự thật!!!
Đại tá Lê Khắc Lý, Tham mưu trưởng Quân đoàn II là một sĩ quan rất giỏi về tham mưu và tổ chức. Nhưng vụ Tướng Phú gắn sao cho Đại tá Tất làm ông bất mãn và chán nản. Với sự thông minh và khôn ngoan, ông nhìn thấy trước sự thất bại của Quân đoàn kỳ này trong cuộc rút quân. Do đó, viếc Tướng Phú hứa hẹn cho ông lên Tướng chỉ là một lời hứa viển vông, không bao giờ thành sự thật.
Cũng vì vậy, ngay khi Tướng Phú rời Pleiku, ông đã bất chấp mọi lệnh của Tướng Trần Văn Cẩm, Phụ tá Hành quân Tư lệnh Quân đoàn, và Tướng Phạm Duy Tất, chỉ huy cuộc rút quân.
Tướng Phú được thông báo về sự việc này, nên khi nghe Đại tá Lý báo cáo thẳng về Saigon những rối loạn, cướp bóc, hãm hiếp xảy ra tại Pleiku đêm 16 tháng 3, 1975 lại cho rằng Đại tá Lý bất mãn, nên phá hoại. Sự thật những điêu Đại tá Lý trình cho Tướng Thọ đều đúng! Ghi nhận sự kiện này ra đây để nói lên sự đổ vỡ tồi tệ của hệ thống chỉ huy Quân đoàn II. Vì sự đố kỵ, bất mãn, bất lực và vô kỷ luật của cả những sĩ quan cao cấp và có trách nhiệm nhất, đưa đến sự thảm bại nặng nề trong cuộc rút quân khỏi cao nguyên.
10 giờ phi trường Cù Hanh chính thức đóng cửa.
10 giờ 15 phút, liên lạc lần cuối cùng giữa Tư lệnh Quân đoàn II và Tướng Cẩm tại Pleiku bằng STS-106. Xác nhận về việc ra lệnh cho Tỉnh trưởng Pleiku phòng thủ tỉnh này. Nghi ngờ hệ thống truyền tin bị địch phá.
10 giờ 45 phút, Đại tá Trần Cửu Thiên bay đi Phú Bổn cùng với các chuyên viên truyền tin, thiết lập hệ thống liên lạc để tường trình tình hình đoàn xe từng giơ về Nha Trang, Saigon.
10 giờ 50 phút, Tổng Thống Thiệu gọi ra lệnh giải tỏa gấp rút mặt trận Khánh Dương và Quốc lộ 21 bằng mọi giá. Chấp thuận cho Đại tá Nguyễn Văn Đức làm Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh.
Chặng đầu của cuộc rút quân Pleiku-Phú Bổn sáng ngày 17 tháng 3,1975 diễn ra tốt đẹp. Hệ thống liên lạc siêu tần số từ Nha Trang và đoàn quân triệt thoái bị gián đoạn trong 2 giờ đầu. Nhưng sau đó, từ 12 giờ 20 phút, mọi liên lạc và báo cáo đều rõ ràng.
13 giờ, đoàn xe về gần tới Phú Bổn. Một số xe bị ứ đọng. Nhừng lệnh cần thiết được ban hành. Các Tướng Cẩm và Tất đích thân chỉ huy, điều động. Các đơn vị vào vị trí phòng thủ.
Liên đoàn 6 Công binh Chiến đấu và những đơn vị Biệt động quân tiếp tục mở và dọn đường cho chặng kế tiếp. Lữ đoàn II Thiết giáp và các Liên đoàn Biệt động quân khác đi sau cùng bảo vệ đoàn quân và chiến cụ, đề phòng bị địch đánh tập hậu.
13 giờ 40 phút, Tướng Thọ, Trưởng phòng 3 Tổng Tham mưu gọi ra từ Saigon cho biết, Tổng Thống, Hội đồng Nội các, và các Tướng lãnh khen ngợi Tư lệnh và bộ Tư lệnh Quân đoàn II về cuộc rút quân.
Nhưng đấy chỉ là chặng đầu trên Liên tỉnh lộ 7. Con đường chôn vùi hàng nhiều ngàn xác đồng bào và trẻ thơ vô tội. Chôn vùi tên tuổi tất cả các Tướng lãnh đạo Đất Nước trong những năm sau cùng. Và cũng chính là con đương đưa đến sự sụp đổ mau chóng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, để rồi miền Nam Việt Nam mất vào tay Cộng sản sau đó.
18 giờ 15 phút, Đại tá Tham Mưu trưởng báo cáo về tình hình Phú Bổn. Đã tổ chức, phân loại xe quân đội và dân sự. Ra lệnh các đơn vị không được tự ý tách rời đoàn xe đi riêng.
Một sự việc xảy ra vào buổi tối. Lính Thương nổi loạn, đốt nhà, ăn cướp, nhưng chỉ là một nhóm nhỏ. Tỉnh trưởng Phú Bổn đã giải quyết và chận đứng.
Mặt trận Phước An
Bộ Tư lệnh Quân đoàn II, các Lực lương Thiết giáp, Không quân, Pháo binh và Chủ lực quân đã rút khỏi Kontum, Pleiku. Trong 2 ngày nữa, nếu đoàn xe không về tới Phú Bổn như dự định, thì mặt trận Phước An sẽ vô cùng nguy ngập. Bởi vì địch chỉ cần sử dụng một phần lực lượng tại trận địa Ban Mê Thuột hiện nay, với chiến xa và trọng pháo yểm trợ, sẽ dứt Phước An dễ dàng. Và sau đó là Khánh Dương.
Kiểm điểm lại quân số của sư đoàn và những đơn vị tăng cường hiện đang ở mặt trận Phước An, Đại tá Đức, tân Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh vô cùng lo ngại.
Lực lương chính yếu của sư đoàn là Trung đoàn 45 Bộ binh. Đơn vị với tinh thần cao độ, đã tình nguyện nhảy xuống Phước An trong đoàn quân tăng viện ngày 12 và 13 tháng 3, thì hôm nay đã tan hàng, trở thành dân sự già nửa quân số.
Buổi sáng, trong đợt di dân mới từ Ban Mê Thuột, khoảng 5000 người đã băng rừng đi về phía Phước An và nam Khánh Dương. Một số lớn là vợ con anh em binh sĩ Trung đoàn 45. Do đó, họ tự động bỏ súng, “chạy loạn” với gia đình.
Trung đoàn 45 còn lại đúng 200. Trung đoàn 44 với một Tiểu đoàn Chiến đấu và một Đại đội Trinh sát chưa sứt mẻ, khoảng 300.
Liên đoàn 21 Biệt động quân, 110 người. Bộ Tư lệnh Sư đoàn tại Chu Cúc, 42. Hậu trạm tại Khánh Dương, 6.
Khoảng 700 tay súng, không chiến xa và có 4 khẩu đại bác 105 ly. Đó là thực lực của mặt trận lớn nhất hiện nay tại Quân khu II. Một trận đánh lớn nếu xảy ra, chắc chắn lực lượng này phải đương đầu với Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt từ Ban Mê Thuột kéo về, với quân số 7, 8 ngàn và có chiến xa, đại pháo yểm trợ !
“Người lính già” của chiến trường với 25 năm quân ngũ, Tư lệnh phó Biệt khu 44 của Tướng Phú năm 1969, chờ đợi giây phút này từ lâu. Và hôm nay … đã đến. Tổng Thống Thiệu, Đại tướng Viên cùng chấp thuận việc bổ nhiệm ông là Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh!
Đại tá Đức khẽ mỉm cười, và tiến lại phía các chiến hữu của mình đang phòng thủ để quan sát.
17 giờ, phi cơ quan sát phát hiện khoảng 10 chiến xa địch gần Chu Cúc, xin đánh bom tối đa.
5 phi tuần khu trục từ Phan Rang lên. Điều động trễ 15 phút. Phi tuần 1 lên tới vùng mục tiêu lúc 17 giờ 40 phút. Trời mù, không nhìn rõ, các khu trục cơ phải quay về. Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh vẫn tiếp tục xin Không quân đánh tiếp.
Thêm 2 xe tăng Cộng sản Bắc Việt di chuyển ở phía bắc cây số 62, mặt trận Khánh Dương. Và tin tình báo mới nhất thâu thập được qua một tù binh Bắc Việt bắt được ngày 16 tháng 3, 1975, hai Trung đoàn 64 và 48 Cộng sản Bắc Việt đã di chuyển tới tây bắc Khánh Dương khoảng 20 cây số. Lực lương Sư đoàn 23 Bộ binh sẽ cùng phối hợp với 2 Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 22 Bộ binh tăng cường tổ chức tuyến phòng thủ, chận đứng cuộc tiến quân xuống Khánh Dương, Dục Mỹ của địch.
Nhưng cũng chỉ là trứng chọi đá! Quả thật trong trận này, lực lượng Việt cộng và quân ta quá chênh lệch!
Một sự việc cuối cùng và đặc biệt xảy ra hôm nay mà tôi ghi nhận, đó là yêu cầu của 2 Tỉnh trưởng Kontum và Pleiku xin máy bay chở bạc về Tổng Ngân Khố, Saigon.
Bộ Tư lệnh Quân đoàn lúc đầu chấp thuận, nhưng sau lại hủy bỏ. Vì phi trường Cù Hanh, Pleiku đã đóng cửa từ lúc 10 giờ sáng. Và, số bạc khổng lồ của 2 tỉnh liền được … đốt đi!
Đây cũng là một sự việc cực kỳ khó hiểu. Tại sao các Tỉnh trưởng Kontum, Pleiku được “ủy quyền” ở lại phòng thủ 2 thị xã này, lại xin máy bay chở bạc, và sau đó “đốt” đi hàng trăm triệu bạc, ngay cùng ngày Quân đoàn vừa di tản khỏi Pleiku?
Tôi quá mệt mỏi nên đã không tìm hiểu “lệnh đốt bạc” từ đâu tới. Từ Saigon hay từ bộ Tư lệnh Quân đoàn II?
Phạm Huấn
https://ongvove.wordpress.com/2010/04/06/m%E1%BA%B7t-tr%E1%BA%ADn-ban-me-thu%E1%BB%99t/