Văn Học & Nghệ Thuật
Mỹ học ẩm thực của Vũ Bằng
Nhà văn Vũ Bằng (1913 - 1984) là người có số phận cuộc đời và văn nghiệp vào loại éo le nhất trong các nhà văn Việt Nam hiện đại.
Mỹ học ẩm thực của Vũ Bằng qua hai tập ký
Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ mười hai
Nhà văn Vũ Bằng (1913 - 1984) là người có số phận cuộc đời và văn nghiệp vào loại éo le nhất trong các nhà văn Việt Nam hiện đại. . Mặc dù không phải đến lúc ấy những tác phẩm ký xuất sắc của Vũ Bằng như Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ mười hai mới được độc giả biết đến và yêu mến nhưng quả là từ lúc ấy, đọc tác phẩm của Vũ Bằng, người ta thấy có một cái gì đấy rất đỗi thiêng liêng, thấm thía khi hiểu đó chính là tâm sự “ngày Nam đêm Bắc” như tiếng con đỗ vũ khắc khoải nhớ thương nước cũ. Hai tập ký là hoài niệm, hồi tưởng của nhà văn về quê hương Bắc Việt thân yêu trên nhiều mạch nguồn văn hoá bằng một hồn văn trữ tình đắm đuối. Cả hai được viết khi “Vũ Bằng lạc lõng ở Sài Gòn quanh năm chói chang nắng nhớ thương bốn mùa Hà Nội” (Tô Hoài), mà trước hết là nhớ những thời trân mang cả hồn vía của một vùng đất nổi tiếng là “bờ xôi ruộng mật”.
Trong lịch sử văn học dân tộc, nhà văn Vũ Bằng không phải là người đầu tiên và duy nhất viết về các món ăn ngon của người Việt nhưng có thể nói không ngoa rằng, viết về văn hoá ẩm thực đằm thắm nhất, say mê nhất vẫn là Vũ Bằng, bởi vì “phải là một con người chứa chất một niềm đau không thể giãi bày cùng ai, gánh chịu một nỗi cô đơn khủng khiếp lắm mới tuôn ra được ngòi bút mình những câu văn như có ma ám, từng dòng, từng dòng như bị một thế lực siêu nhiên vừa hành hạ, vừa chắp cánh cho tâm hồn, cho cõi lòng để bao nhiêu tài hoa biến thành niềm thương nhớ thấu trời thấu đất!” (Triệu Xuân) Cảm hứng của Vạn Lý Trình Vũ Bằng trong hai cuốn sách hoa ấy là nỗi nhớ niềm yêu dường như là tuyệt vọng, dường như thuộc về “một tiền kiếp xa xôi” của một người khách thiên lý tương tư cố quán vời vợi nghìn trùng không còn có cơ hội trở lại, gặp lại. Vì vậy, những trang văn của Vũ Bằng về nghệ thuật thẩm vị của người Hà Nội, nói rộng ra là của người dân Bắc Việt là những trang văn độc đáo, độc đáo đến mức có một không hai.
1. Bằng cái nhìn lãng mạn hồi cố, Tiêu Liêu Vũ Bằng đã làm nên nét đẹp lý tưởng của các trang ký ẩm thực. Ông đã tạo dựng nét đẹp văn hoá - lịch sử của mỗi miếng ngon. Trong nỗi nhớ nôn nao về “quà quê”, nhà văn bày tỏ quan niệm: “Thế nhưng mà những cái quà đó đã đem đến cho lòng ta bao nhiêu sự đắm say, bao nhiêu thú vị, bao nhiêu cảm giác mông lung, nhã lịch! Ta cầm lấy mà thấy như ôm chút hương hoa đất nước vào lòng. Ai đã bảo ăn uống là một nghệ thuật? Hơn thế, ăn uống là cả một nền văn hoá đấy.” Nếu như Nguyễn Tuân “trong một miếng ăn cũng thấy rộng được ra những điều cao cả yên vui trên đất nước bao la giàu có tươi đẹp” (Phở) thì Vũ Bằng nhận ra cội rễ sâu xa của vẻ đẹp văn hoá ẩm thực, mỗi miếng ngon là tinh hoa sáng tạo của cả dân tộc đúc rút qua bao thế hệ : “Ăn một miếng ngon của đất nước thấy bừng lên ở trong lòng một mối hạnh phúc, vì đã được ăn vào trong mình một chút gì của đất nước, một tinh tuý truyền từ năm, tháng nọ sang tháng, năm kia”. Trong dòng ký ức về quê hương, những hoài niệm của nhà văn về miếng ăn thật thiêng liêng, đầy ắp niềm tự hào : “…những miếng ngon mà người Việt Nam ăn vào thấy ngát mùi đất nước Việt Nam, thấy mình Việt Nam hơn, và thấy thích thú, kiêu hãnh được trời cho làm người Việt Nam”. Sự tự hào ấy xuất phát từ cách ăn “đã đi đến chỗ tinh vi, triệt để, không dễ gì các nước vỗ ngực là văn minh, mà cũng không dễ gì các nước có một nền văn hoá hai ba trăm năm đã biết ăn như vậy”. Qua con mắt chiêm ngưỡng, tấm lòng nhung nhớ của Vũ Bằng, miếng ngon Hà Nội không còn thuần tuý là chuyện ẩm thực nữa mà đã thành nghệ thuật, thành những áng văn rung động lòng người.
2. Thiên nhiên Bắc Việt qua ngòi bút Vũ Bằng không chỉ lộng lẫy, thi vị, tình tứ mà còn là thiên nhiên hoà thuận với con người, cung cấp nhiều sản vật, thời trân cho con người. Đọc Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ mười hai, người đọc dường như hình dung được “nhịp hải hà” qua những món ăn mùa nào thức nấy. Tháng hai cá anh vũ Việt Trì nướng chả, tháng ba hái về mấy ngọn rau cần tươi hơn hớn nấu bát canh với tôm he, tháng tư ngon biết chừng nào cái quả cà Nghệ muối mặn ăn với nước rau luộc hay canh trứng cua đồng vắt chanh cốm thơm lạ thơm lùng…, tháng chín gạo mới chim ngói, tháng mười gió bấc mưa phùn thèm nồi cơm gạo ba giăng ăn với cá mương đầm Vạc, tháng mười một thương những ngày nhể bụng con cà cuống lấy dầu…
Đã chất chứa tâm sự u uẩn lạc loài, lại sống ở một không gian xa lạ thiếu hẳn “cái rét ngọt ngào” cùng với thứ mưa tím hắt hiu, lòng người lữ thứ tất sẽ tìm về với những thời trân trời đất ban phát riêng cho Bắc Việt cơ hồ để giải toả bớt tâm trạng “nhớ vẩn vơ, buồn nhẹ nhẹ. Cái buồn không se sắt, cái nhớ không da diết, nhưng chính cái buồn, cái nhớ đó mới thực sự làm cho ta nhọc mệt, và thẩn thờ. Lòng người, cũng như cánh hoa, chóng già đi vì thế.” Những hoài niệm về cốm mùa thu đẹp một cách cảm động. Đó là thức quà “trang nhã”, “tinh vi”, được “thần thánh hoá” trong tâm thức người Việt, dùng trong những dịp vui mừng như biếu xén, lễ lạt, sêu Tết, nhất là sêu cưới. Chàng trai gặp cô gái, biết đã bắt tình nhau, vội vã “để anh mua cốm mua hồng sang sêu” được nhà văn nâng lên thành “nhân sinh quan” : “Tôi đố ai tìm được một thứ sản phẩm gì của đất nước thương yêu mà biểu dương được tinh thần của những cuộc nhân duyên giữa trai với gái như hồng với cốm!” Vì thế cứ mỗi lần thấy ngọn gió vàng hiu hắt lay động cành trâm, lòng người phiêu bạt lại cảm thấy cõi lòng se sắt, hiu hiu muốn khóc vì nhớ mùa cốm làng Vòng đã xa lăng lắc…
3. Nghệ thuật ẩm thực của người Việt mang tính tổng hợp cao cả trong cách chế biến lẫn cách ăn. Vũ Bằng là người sành ăn nên rất chú trọng sự “thích khẩu” có được từ “cái ngon toàn diện”. Nhà văn thụ cảm miếng ăn bằng sự cộng cảm các giác quan, bằng lạc thú ngũ quan li ti, vi tế. Đứng trước hàng phở, ấn tượng mạnh nhất đối với Vũ quân là “cảnh bài trí nên thơ” từ “một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu có, vè cũng có…”. Rồi cái cảm giác ấm áp ngon lành khi “một làn khói toả khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh Tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu”. Cả cái bát phở “thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt, thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm” nghe “lâm ly” hơn cả câu nói hữu tình của người yêu, có thể ví như sau một thời gian xa cách được ngã vào trong vòng tay một người vợ đẹp mà đa tình ! Cũng như khi đọc một áng văn hay, gấp sách lại vẫn còn dư âm phảng phất, còn suy nghĩ, còn trầm mặc, “bài thơ phở” Vũ Bằng ăn xong rồi vẫn khiến phải đắn đo, ngẫm nghĩ, bàn luận mãi…Tương tự thế, ký ức bánh cuốn Thanh Trì cũng làm nên “nỗi sầu Hà Nội” khi lấy ngón tay nhón từng chiếc bánh mướt mát nép mình trên tàu tiêu xanh màu ngọc thạch chấm vào chén nước chấm màu hổ phách đưa lên môi dìu dịu, êm êm như cái hôn yêu trong buổi trao duyên thứ nhất. Lòng người tư hương vẫn còn nguyên cảm giác “phiêu phiêu như mở hội” khi nghĩ về đĩa thịt cầy, tô dựa mận y như khi thưởng thức bản nhạc Đanuýp xanh của nhạc sĩ Áo Johan Strauss cuồn cuộn một cách êm dịu, có đôi khi lại như nhảy nhót lên trong ánh sáng…
4. Với nhà văn Vũ Bằng, cái ngon bao giờ cũng đi liền với cái đẹp và nhà văn không chỉ xuất hiện với tư cách một thực khách sành điệu mà còn là một thi nhân hoạ khách, một nhà mỹ thuật tài hoa. Mỗi món ăn là “một bài thơ ý nhị”, “một bản đàn hoà âm tuyệt diệu” nhất là một bức tranh với những đường nét, gam màu “dữ dội” mà bắt mắt. Ở nơi xa vời vợi, phong vị những “món quà căn bản” của Hà thành rành rẽ đến nôn nao.“Một nhúm bánh phở, một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau thơm xanh biêng biếc, mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ, mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu… ba bốn màu sắc đó cho ta cái cảm giác được ngắm một bức hoạ lập thể của hoạ sĩ trong phái văn nghệ tiền tiến dùng màu sắc hơi lố lỉnh, hơi bạo quá, nhưng mà đẹp mắt”. Hoặc một bát thang “bún chần kỹ đơm ra từng bát, rồi trứng tráng, giò thái chỉ, thịt gà băm với nấm hương, ruốc, tôm he, rau răm cũng băm nhỏ; giữa, một hai miếng trứng muối đỏ như hoa lựu : tất cả những thứ đó tạo thành một bức hoạ lập thể có những màu sắc rất bạo mà lại ưa nhìn trông vui mà lại quý.”
Nhà nghiên cứu Văn Giá cho rằng : “Trước miếng ăn, nếu Thạch Lam hiện ra như một thi nhân, Nguyễn Tuân như một tao nhân, còn Vũ Bằng chỉ như một thường nhân.” Có lẽ, sự phân biệt như thế chỉ có tính chất tương đối mà thôi. Vũ Bằng quả không giấu giếm sự háu ăn và sự thích khẩu “nhấm nhót” nhưng rõ ràng miếng ăn đã được nhà văn “thơ hoá”, miếng ăn đi liền với cái đẹp nhã lịch, mỗi món ăn là một ký ức văn hoá, là “hồn non nước”. Cữ đào bói quả tháng hai, người đàn ông lạc phách lại trở về với vùng biên thuỳ Bắc Việt có những rừng đào bát ngát ngút ngàn. Nhặt quả đào rơi trên nệm cỏ, lòng du khách thoáng chút e ngại, sợ cầm mạnh thì làm mất mát cái đẹp “trên khắp mình đào ưng ửng hồng có những sợi lông tơ óng ánh như lông tơ trên mặt cô gái dậy thì”. Đi trên những con đường nóng bỏng tháng tám phương Nam, khách thiên lý triền miên trong nỗi nhớ ngây ngất hương thơm dịu dàng của lúa nếp xanh non được những bàn tay lá sen xanh muôn muốt màu ngọc thạch nâng đỡ ôm ấp. Cái đẹp “tương phản”, cái đẹp “não nùng” của cốm Vòng xanh mướt màu lưu ly bên cạnh những trái hồng trứng thắm mộng như son Tàu được những mảnh lá chuối tước tơi như những búi tơ hồng quấn quýt “là một bức tranh dùng màu rất bạo của một hoạ sĩ lập thể, trông thực là trẻ, mà cũng thật là sướng mắt!”
5. Như những cây bút ẩm thực nổi tiếng của đất kinh kỳ, Vũ Bằng cũng quan tâm đến những món ăn bình dị, dân dã chứ không lưu tâm mấy đến những cao lương mỹ vị. Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng …gặp nhau ở quan niệm, thái độ trân trọng giá trị thẩm mỹ kết tinh trong sự dung dị của những món ăn thuần Việt. Thạch Lam viết về bánh cuốn, cháo hoa, xôi đậu, cơm nắm, lòng lợn tiết canh, bánh cốm, phở gánh…, Nguyễn Tuân ca ngợi phở, cốm, giò lụa…, Vũ Bằng không quên những “bửu vật ngàn năm đất Thăng Long” ấy mà ngay đến ngô rang, khoai lùi, cái cà, cái dưa, cái tương, cái mắm đối với ông cũng “ngon quỷ khóc thần sầu”. Ông không bỏ sót một loại chè nào từ chè bà cốt, chè đậu đãi, chè hoa cau đến chè lam, chè củ mài, chè củ từ, chè đường…, cũng không quên một loại quả nào từ vải tiến Cầu Họ, bưởi Đoan Hùng, mận Thất Khê, cam Bố Hạ, hồng Việt Trì, mít Gio Linh đến quả quít tháng mười “sao mà nõn nường đến thế, sao cái vỏ nó mỏng đến thế, sao màu sắc tươi lạ tươi lùng đến thế”, cả cái trái bồ quân “đẹp một màu huyết dụ”, cái quả bàng quế “hột đỏ như son”…
Cùng viết về miếng ngon đất Tràng An nhưng mỗi nhà văn có cách tiếp cận riêng. Thạch Lam say mê những cuộc phiếm du qua khắp các ngõ phố, ngắm nghía những hàng quà rong rồi ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm về nét đẹp của Hà Nội băm sáu phố phường. Những đoạn văn xuôi của Thạch Lam là những bài thơ kháu khỉnh của thi sĩ thích rong chơi. Nguyễn Tuân là tạng người thích vận dụng kiến thức uyên bác tầng tầng lớp lớp làm cho chuyện thẩm vị thành cuộc nhàn du của bậc thức giả thông kim bác cổ. Tuỳ bút Nguyễn Tuân là những pho khảo cứu công phu, tỉ mỉ. Vũ Bằng có khác, Vũ Bằng ở trong hoàn cảnh “người lữ hành đơn côi” nhân chuyện miếng sống miếng chín mà giãi bày niềm thương nỗi nhớ “phần tử” nhưng nhức đêm ngày. Vì vậy ký Vũ Bằng vừa có đầy đủ phẩm chất văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân vừa như huyết lệ thư của người tha hương dành lòng gửi về nơi mây Tần quê cũ.
6. Ký của Vũ Bằng là ký trữ tình, Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ mười hai là những khoảng lặng của tâm hồn nhân vật trữ tình hướng về nơi sâu kín nhất trong tâm khảm. Trong những lần trở về không - thời gian “thiêng” của ngày xưa, nhà văn trải lòng không dứt với bất cứ cái gì dẫu bình dị, nhỏ nhặt nhưng giờ đã trở nên vô cùng thiêng liêng, xiết bao trìu mến. Bên cạnh ngôn từ hàng ngày tự nhiên, giản dị, đậm chất đời, cả một kho mỹ từ pháp, nhất là những biện pháp tu từ so sánh và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được nhà văn trưng dụng tối đa làm cho câu văn ngập tràn hình ảnh, rưng rưng cảm xúc, chất chứa bao niềm thơ, nâng tâm hồn và trí tưởng tượng con người bay lên. Mở đầu Thương nhớ mười hai, người “tự ngôn” đã ví von “lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát lúc nào không biết. Trông bề ngoài thì không có gì khác lạ, nhưng cầm một cánh hoa khẽ đập vào thử mà xem : tiếng gỗ kêu nghe mệt mỏi, u buồn, mà nếu gõ mạnh thêm chút nữa, ta sẽ thấy gỗ vỡ tan, để lộ ra những tảng mục lỗ chỗ như tổ ong, tiết ra một thứ bụi vàng hanh hao, nhạt nhẽo. Con tim của người khách tương tư cố lý cũng đau ốm y như là gỗ mục.” Câu văn dài, nhiều cảm thán, hô ngữ, “tãi” ra như cảm xúc miên man, nỗi nhớ bất tận. Không ít những câu văn bố trí đăng đối, hô ứng nhịp nhàng, mang dáng dấp biền ngẫu đưa lại phong vị cổ điển man mác hợp với típ người lữ thứ tư hương. Trong động hướng tìm về nguồn cội, giọng điệu chủ yếu của hai tập ký là trữ tình hoài nhớ đến nồng nàn, đắm đuối : “Mùa thu ở Bắc Việt xa xưa ơi… Mộng từ ngọn gió, cánh hoa mộng đi, mộng từ tiếng nhạn về én đi mà mộng lại, mộng từ bông sen tàn tạ trong đầm mà mộng lên, mộng từ sắc ố quan hà mà mộng xuống.”
Viết bằng hoài niệm, viết trong “nỗi thèm tiếc mờ mờ”, viết bằng “thứ tình yêu gián cách trong không gian” (Văn Giá), những trang ký Vũ Bằng có sức hút và sức ám ảnh kỳ lạ. Qua việc miêu tả miếng ngon của “đồng đất mình”, nhà văn đã làm bừng lên, sống dậy tất cả vẻ đẹp lịch lãm, tinh tế của cảnh vật, sản vật, con người, văn hóa, mỹ học… của ngàn năm Thăng Long. “Những miếng ngon Hà Nội, qua ngòi bút Vũ Bằng, đã gợi lên cả một không gian và thời gian đã lùi xa vào dĩ vãng. Nó đâu phải chỉ là miếng ăn mà còn là màu sắc, hương vị và linh hồn của quê hương đất Bắc.” (Từ điển văn học)
Nói đến văn học thế kỷ XX viết về “phong cách ăn” Việt Nam, không ai có thể quên được ba đỉnh cao : Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng. Tuy mỗi người có con đường riêng, giọng điệu riêng nhưng cả ba đều tự hào, ngưỡng mộ văn hóa ẩm thực nổi tiếng nhã lịch của người Việt. Cả ba nhà văn đều là người Hà Nội, hiểu Hà Nội sâu sắc, yêu Hà Nội tha thiết nhưng chỉ có Vũ Bằng là phải viết trong tình cảnh “buồn nhớ xa xôi, mang nặng trong lòng những biệt ly xứ sở”. Những dòng ký Vũ Bằng hay một cách kỳ lạ, hay đến mức như “nhập đồng” mà một người có số phận trơn tru có lẽ không bao giờ tới được. Vì thế, Vũ Bằng là một nhà văn độc đáo, hai lần độc đáo!
Chế Diễm Trân
QuynhMai Post
Bàn ra tán vào (0)
Mỹ học ẩm thực của Vũ Bằng
Nhà văn Vũ Bằng (1913 - 1984) là người có số phận cuộc đời và văn nghiệp vào loại éo le nhất trong các nhà văn Việt Nam hiện đại.
Mỹ học ẩm thực của Vũ Bằng qua hai tập ký
Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ mười hai
Nhà văn Vũ Bằng (1913 - 1984) là người có số phận cuộc đời và văn nghiệp vào loại éo le nhất trong các nhà văn Việt Nam hiện đại. . Mặc dù không phải đến lúc ấy những tác phẩm ký xuất sắc của Vũ Bằng như Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ mười hai mới được độc giả biết đến và yêu mến nhưng quả là từ lúc ấy, đọc tác phẩm của Vũ Bằng, người ta thấy có một cái gì đấy rất đỗi thiêng liêng, thấm thía khi hiểu đó chính là tâm sự “ngày Nam đêm Bắc” như tiếng con đỗ vũ khắc khoải nhớ thương nước cũ. Hai tập ký là hoài niệm, hồi tưởng của nhà văn về quê hương Bắc Việt thân yêu trên nhiều mạch nguồn văn hoá bằng một hồn văn trữ tình đắm đuối. Cả hai được viết khi “Vũ Bằng lạc lõng ở Sài Gòn quanh năm chói chang nắng nhớ thương bốn mùa Hà Nội” (Tô Hoài), mà trước hết là nhớ những thời trân mang cả hồn vía của một vùng đất nổi tiếng là “bờ xôi ruộng mật”.
Trong lịch sử văn học dân tộc, nhà văn Vũ Bằng không phải là người đầu tiên và duy nhất viết về các món ăn ngon của người Việt nhưng có thể nói không ngoa rằng, viết về văn hoá ẩm thực đằm thắm nhất, say mê nhất vẫn là Vũ Bằng, bởi vì “phải là một con người chứa chất một niềm đau không thể giãi bày cùng ai, gánh chịu một nỗi cô đơn khủng khiếp lắm mới tuôn ra được ngòi bút mình những câu văn như có ma ám, từng dòng, từng dòng như bị một thế lực siêu nhiên vừa hành hạ, vừa chắp cánh cho tâm hồn, cho cõi lòng để bao nhiêu tài hoa biến thành niềm thương nhớ thấu trời thấu đất!” (Triệu Xuân) Cảm hứng của Vạn Lý Trình Vũ Bằng trong hai cuốn sách hoa ấy là nỗi nhớ niềm yêu dường như là tuyệt vọng, dường như thuộc về “một tiền kiếp xa xôi” của một người khách thiên lý tương tư cố quán vời vợi nghìn trùng không còn có cơ hội trở lại, gặp lại. Vì vậy, những trang văn của Vũ Bằng về nghệ thuật thẩm vị của người Hà Nội, nói rộng ra là của người dân Bắc Việt là những trang văn độc đáo, độc đáo đến mức có một không hai.
1. Bằng cái nhìn lãng mạn hồi cố, Tiêu Liêu Vũ Bằng đã làm nên nét đẹp lý tưởng của các trang ký ẩm thực. Ông đã tạo dựng nét đẹp văn hoá - lịch sử của mỗi miếng ngon. Trong nỗi nhớ nôn nao về “quà quê”, nhà văn bày tỏ quan niệm: “Thế nhưng mà những cái quà đó đã đem đến cho lòng ta bao nhiêu sự đắm say, bao nhiêu thú vị, bao nhiêu cảm giác mông lung, nhã lịch! Ta cầm lấy mà thấy như ôm chút hương hoa đất nước vào lòng. Ai đã bảo ăn uống là một nghệ thuật? Hơn thế, ăn uống là cả một nền văn hoá đấy.” Nếu như Nguyễn Tuân “trong một miếng ăn cũng thấy rộng được ra những điều cao cả yên vui trên đất nước bao la giàu có tươi đẹp” (Phở) thì Vũ Bằng nhận ra cội rễ sâu xa của vẻ đẹp văn hoá ẩm thực, mỗi miếng ngon là tinh hoa sáng tạo của cả dân tộc đúc rút qua bao thế hệ : “Ăn một miếng ngon của đất nước thấy bừng lên ở trong lòng một mối hạnh phúc, vì đã được ăn vào trong mình một chút gì của đất nước, một tinh tuý truyền từ năm, tháng nọ sang tháng, năm kia”. Trong dòng ký ức về quê hương, những hoài niệm của nhà văn về miếng ăn thật thiêng liêng, đầy ắp niềm tự hào : “…những miếng ngon mà người Việt Nam ăn vào thấy ngát mùi đất nước Việt Nam, thấy mình Việt Nam hơn, và thấy thích thú, kiêu hãnh được trời cho làm người Việt Nam”. Sự tự hào ấy xuất phát từ cách ăn “đã đi đến chỗ tinh vi, triệt để, không dễ gì các nước vỗ ngực là văn minh, mà cũng không dễ gì các nước có một nền văn hoá hai ba trăm năm đã biết ăn như vậy”. Qua con mắt chiêm ngưỡng, tấm lòng nhung nhớ của Vũ Bằng, miếng ngon Hà Nội không còn thuần tuý là chuyện ẩm thực nữa mà đã thành nghệ thuật, thành những áng văn rung động lòng người.
2. Thiên nhiên Bắc Việt qua ngòi bút Vũ Bằng không chỉ lộng lẫy, thi vị, tình tứ mà còn là thiên nhiên hoà thuận với con người, cung cấp nhiều sản vật, thời trân cho con người. Đọc Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ mười hai, người đọc dường như hình dung được “nhịp hải hà” qua những món ăn mùa nào thức nấy. Tháng hai cá anh vũ Việt Trì nướng chả, tháng ba hái về mấy ngọn rau cần tươi hơn hớn nấu bát canh với tôm he, tháng tư ngon biết chừng nào cái quả cà Nghệ muối mặn ăn với nước rau luộc hay canh trứng cua đồng vắt chanh cốm thơm lạ thơm lùng…, tháng chín gạo mới chim ngói, tháng mười gió bấc mưa phùn thèm nồi cơm gạo ba giăng ăn với cá mương đầm Vạc, tháng mười một thương những ngày nhể bụng con cà cuống lấy dầu…
Đã chất chứa tâm sự u uẩn lạc loài, lại sống ở một không gian xa lạ thiếu hẳn “cái rét ngọt ngào” cùng với thứ mưa tím hắt hiu, lòng người lữ thứ tất sẽ tìm về với những thời trân trời đất ban phát riêng cho Bắc Việt cơ hồ để giải toả bớt tâm trạng “nhớ vẩn vơ, buồn nhẹ nhẹ. Cái buồn không se sắt, cái nhớ không da diết, nhưng chính cái buồn, cái nhớ đó mới thực sự làm cho ta nhọc mệt, và thẩn thờ. Lòng người, cũng như cánh hoa, chóng già đi vì thế.” Những hoài niệm về cốm mùa thu đẹp một cách cảm động. Đó là thức quà “trang nhã”, “tinh vi”, được “thần thánh hoá” trong tâm thức người Việt, dùng trong những dịp vui mừng như biếu xén, lễ lạt, sêu Tết, nhất là sêu cưới. Chàng trai gặp cô gái, biết đã bắt tình nhau, vội vã “để anh mua cốm mua hồng sang sêu” được nhà văn nâng lên thành “nhân sinh quan” : “Tôi đố ai tìm được một thứ sản phẩm gì của đất nước thương yêu mà biểu dương được tinh thần của những cuộc nhân duyên giữa trai với gái như hồng với cốm!” Vì thế cứ mỗi lần thấy ngọn gió vàng hiu hắt lay động cành trâm, lòng người phiêu bạt lại cảm thấy cõi lòng se sắt, hiu hiu muốn khóc vì nhớ mùa cốm làng Vòng đã xa lăng lắc…
3. Nghệ thuật ẩm thực của người Việt mang tính tổng hợp cao cả trong cách chế biến lẫn cách ăn. Vũ Bằng là người sành ăn nên rất chú trọng sự “thích khẩu” có được từ “cái ngon toàn diện”. Nhà văn thụ cảm miếng ăn bằng sự cộng cảm các giác quan, bằng lạc thú ngũ quan li ti, vi tế. Đứng trước hàng phở, ấn tượng mạnh nhất đối với Vũ quân là “cảnh bài trí nên thơ” từ “một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu có, vè cũng có…”. Rồi cái cảm giác ấm áp ngon lành khi “một làn khói toả khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh Tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu”. Cả cái bát phở “thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt, thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm” nghe “lâm ly” hơn cả câu nói hữu tình của người yêu, có thể ví như sau một thời gian xa cách được ngã vào trong vòng tay một người vợ đẹp mà đa tình ! Cũng như khi đọc một áng văn hay, gấp sách lại vẫn còn dư âm phảng phất, còn suy nghĩ, còn trầm mặc, “bài thơ phở” Vũ Bằng ăn xong rồi vẫn khiến phải đắn đo, ngẫm nghĩ, bàn luận mãi…Tương tự thế, ký ức bánh cuốn Thanh Trì cũng làm nên “nỗi sầu Hà Nội” khi lấy ngón tay nhón từng chiếc bánh mướt mát nép mình trên tàu tiêu xanh màu ngọc thạch chấm vào chén nước chấm màu hổ phách đưa lên môi dìu dịu, êm êm như cái hôn yêu trong buổi trao duyên thứ nhất. Lòng người tư hương vẫn còn nguyên cảm giác “phiêu phiêu như mở hội” khi nghĩ về đĩa thịt cầy, tô dựa mận y như khi thưởng thức bản nhạc Đanuýp xanh của nhạc sĩ Áo Johan Strauss cuồn cuộn một cách êm dịu, có đôi khi lại như nhảy nhót lên trong ánh sáng…
4. Với nhà văn Vũ Bằng, cái ngon bao giờ cũng đi liền với cái đẹp và nhà văn không chỉ xuất hiện với tư cách một thực khách sành điệu mà còn là một thi nhân hoạ khách, một nhà mỹ thuật tài hoa. Mỗi món ăn là “một bài thơ ý nhị”, “một bản đàn hoà âm tuyệt diệu” nhất là một bức tranh với những đường nét, gam màu “dữ dội” mà bắt mắt. Ở nơi xa vời vợi, phong vị những “món quà căn bản” của Hà thành rành rẽ đến nôn nao.“Một nhúm bánh phở, một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau thơm xanh biêng biếc, mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ, mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu… ba bốn màu sắc đó cho ta cái cảm giác được ngắm một bức hoạ lập thể của hoạ sĩ trong phái văn nghệ tiền tiến dùng màu sắc hơi lố lỉnh, hơi bạo quá, nhưng mà đẹp mắt”. Hoặc một bát thang “bún chần kỹ đơm ra từng bát, rồi trứng tráng, giò thái chỉ, thịt gà băm với nấm hương, ruốc, tôm he, rau răm cũng băm nhỏ; giữa, một hai miếng trứng muối đỏ như hoa lựu : tất cả những thứ đó tạo thành một bức hoạ lập thể có những màu sắc rất bạo mà lại ưa nhìn trông vui mà lại quý.”
Nhà nghiên cứu Văn Giá cho rằng : “Trước miếng ăn, nếu Thạch Lam hiện ra như một thi nhân, Nguyễn Tuân như một tao nhân, còn Vũ Bằng chỉ như một thường nhân.” Có lẽ, sự phân biệt như thế chỉ có tính chất tương đối mà thôi. Vũ Bằng quả không giấu giếm sự háu ăn và sự thích khẩu “nhấm nhót” nhưng rõ ràng miếng ăn đã được nhà văn “thơ hoá”, miếng ăn đi liền với cái đẹp nhã lịch, mỗi món ăn là một ký ức văn hoá, là “hồn non nước”. Cữ đào bói quả tháng hai, người đàn ông lạc phách lại trở về với vùng biên thuỳ Bắc Việt có những rừng đào bát ngát ngút ngàn. Nhặt quả đào rơi trên nệm cỏ, lòng du khách thoáng chút e ngại, sợ cầm mạnh thì làm mất mát cái đẹp “trên khắp mình đào ưng ửng hồng có những sợi lông tơ óng ánh như lông tơ trên mặt cô gái dậy thì”. Đi trên những con đường nóng bỏng tháng tám phương Nam, khách thiên lý triền miên trong nỗi nhớ ngây ngất hương thơm dịu dàng của lúa nếp xanh non được những bàn tay lá sen xanh muôn muốt màu ngọc thạch nâng đỡ ôm ấp. Cái đẹp “tương phản”, cái đẹp “não nùng” của cốm Vòng xanh mướt màu lưu ly bên cạnh những trái hồng trứng thắm mộng như son Tàu được những mảnh lá chuối tước tơi như những búi tơ hồng quấn quýt “là một bức tranh dùng màu rất bạo của một hoạ sĩ lập thể, trông thực là trẻ, mà cũng thật là sướng mắt!”
5. Như những cây bút ẩm thực nổi tiếng của đất kinh kỳ, Vũ Bằng cũng quan tâm đến những món ăn bình dị, dân dã chứ không lưu tâm mấy đến những cao lương mỹ vị. Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng …gặp nhau ở quan niệm, thái độ trân trọng giá trị thẩm mỹ kết tinh trong sự dung dị của những món ăn thuần Việt. Thạch Lam viết về bánh cuốn, cháo hoa, xôi đậu, cơm nắm, lòng lợn tiết canh, bánh cốm, phở gánh…, Nguyễn Tuân ca ngợi phở, cốm, giò lụa…, Vũ Bằng không quên những “bửu vật ngàn năm đất Thăng Long” ấy mà ngay đến ngô rang, khoai lùi, cái cà, cái dưa, cái tương, cái mắm đối với ông cũng “ngon quỷ khóc thần sầu”. Ông không bỏ sót một loại chè nào từ chè bà cốt, chè đậu đãi, chè hoa cau đến chè lam, chè củ mài, chè củ từ, chè đường…, cũng không quên một loại quả nào từ vải tiến Cầu Họ, bưởi Đoan Hùng, mận Thất Khê, cam Bố Hạ, hồng Việt Trì, mít Gio Linh đến quả quít tháng mười “sao mà nõn nường đến thế, sao cái vỏ nó mỏng đến thế, sao màu sắc tươi lạ tươi lùng đến thế”, cả cái trái bồ quân “đẹp một màu huyết dụ”, cái quả bàng quế “hột đỏ như son”…
Cùng viết về miếng ngon đất Tràng An nhưng mỗi nhà văn có cách tiếp cận riêng. Thạch Lam say mê những cuộc phiếm du qua khắp các ngõ phố, ngắm nghía những hàng quà rong rồi ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm về nét đẹp của Hà Nội băm sáu phố phường. Những đoạn văn xuôi của Thạch Lam là những bài thơ kháu khỉnh của thi sĩ thích rong chơi. Nguyễn Tuân là tạng người thích vận dụng kiến thức uyên bác tầng tầng lớp lớp làm cho chuyện thẩm vị thành cuộc nhàn du của bậc thức giả thông kim bác cổ. Tuỳ bút Nguyễn Tuân là những pho khảo cứu công phu, tỉ mỉ. Vũ Bằng có khác, Vũ Bằng ở trong hoàn cảnh “người lữ hành đơn côi” nhân chuyện miếng sống miếng chín mà giãi bày niềm thương nỗi nhớ “phần tử” nhưng nhức đêm ngày. Vì vậy ký Vũ Bằng vừa có đầy đủ phẩm chất văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân vừa như huyết lệ thư của người tha hương dành lòng gửi về nơi mây Tần quê cũ.
6. Ký của Vũ Bằng là ký trữ tình, Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ mười hai là những khoảng lặng của tâm hồn nhân vật trữ tình hướng về nơi sâu kín nhất trong tâm khảm. Trong những lần trở về không - thời gian “thiêng” của ngày xưa, nhà văn trải lòng không dứt với bất cứ cái gì dẫu bình dị, nhỏ nhặt nhưng giờ đã trở nên vô cùng thiêng liêng, xiết bao trìu mến. Bên cạnh ngôn từ hàng ngày tự nhiên, giản dị, đậm chất đời, cả một kho mỹ từ pháp, nhất là những biện pháp tu từ so sánh và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được nhà văn trưng dụng tối đa làm cho câu văn ngập tràn hình ảnh, rưng rưng cảm xúc, chất chứa bao niềm thơ, nâng tâm hồn và trí tưởng tượng con người bay lên. Mở đầu Thương nhớ mười hai, người “tự ngôn” đã ví von “lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát lúc nào không biết. Trông bề ngoài thì không có gì khác lạ, nhưng cầm một cánh hoa khẽ đập vào thử mà xem : tiếng gỗ kêu nghe mệt mỏi, u buồn, mà nếu gõ mạnh thêm chút nữa, ta sẽ thấy gỗ vỡ tan, để lộ ra những tảng mục lỗ chỗ như tổ ong, tiết ra một thứ bụi vàng hanh hao, nhạt nhẽo. Con tim của người khách tương tư cố lý cũng đau ốm y như là gỗ mục.” Câu văn dài, nhiều cảm thán, hô ngữ, “tãi” ra như cảm xúc miên man, nỗi nhớ bất tận. Không ít những câu văn bố trí đăng đối, hô ứng nhịp nhàng, mang dáng dấp biền ngẫu đưa lại phong vị cổ điển man mác hợp với típ người lữ thứ tư hương. Trong động hướng tìm về nguồn cội, giọng điệu chủ yếu của hai tập ký là trữ tình hoài nhớ đến nồng nàn, đắm đuối : “Mùa thu ở Bắc Việt xa xưa ơi… Mộng từ ngọn gió, cánh hoa mộng đi, mộng từ tiếng nhạn về én đi mà mộng lại, mộng từ bông sen tàn tạ trong đầm mà mộng lên, mộng từ sắc ố quan hà mà mộng xuống.”
Viết bằng hoài niệm, viết trong “nỗi thèm tiếc mờ mờ”, viết bằng “thứ tình yêu gián cách trong không gian” (Văn Giá), những trang ký Vũ Bằng có sức hút và sức ám ảnh kỳ lạ. Qua việc miêu tả miếng ngon của “đồng đất mình”, nhà văn đã làm bừng lên, sống dậy tất cả vẻ đẹp lịch lãm, tinh tế của cảnh vật, sản vật, con người, văn hóa, mỹ học… của ngàn năm Thăng Long. “Những miếng ngon Hà Nội, qua ngòi bút Vũ Bằng, đã gợi lên cả một không gian và thời gian đã lùi xa vào dĩ vãng. Nó đâu phải chỉ là miếng ăn mà còn là màu sắc, hương vị và linh hồn của quê hương đất Bắc.” (Từ điển văn học)
Nói đến văn học thế kỷ XX viết về “phong cách ăn” Việt Nam, không ai có thể quên được ba đỉnh cao : Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng. Tuy mỗi người có con đường riêng, giọng điệu riêng nhưng cả ba đều tự hào, ngưỡng mộ văn hóa ẩm thực nổi tiếng nhã lịch của người Việt. Cả ba nhà văn đều là người Hà Nội, hiểu Hà Nội sâu sắc, yêu Hà Nội tha thiết nhưng chỉ có Vũ Bằng là phải viết trong tình cảnh “buồn nhớ xa xôi, mang nặng trong lòng những biệt ly xứ sở”. Những dòng ký Vũ Bằng hay một cách kỳ lạ, hay đến mức như “nhập đồng” mà một người có số phận trơn tru có lẽ không bao giờ tới được. Vì thế, Vũ Bằng là một nhà văn độc đáo, hai lần độc đáo!
Chế Diễm Trân
QuynhMai Post