Chính phủ Trump hôm thứ Ba (3/10) đã ra lệnh trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba sau khi Washington quyết định rút hơn nửa nhân viên của họ tại Havana vào tuần trước. Động thái mới nhất này của Hoa Kỳ khiến chính quyền Cuba phản đối dữ dội.
Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez phát biểu lên án mạnh mẽ việc Hoa Kỳ quyết định trục xuất nhân viên sứ quán Cuba.
Giải thích cho những hành động leo thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Cuba gần đây, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói rằng quyết định mới nhất của Washington được đưa ra do Cuba “không có hành động phù hợp” để bảo vệ nhân viên sứ quán Mỹ tại Havana, những người đang phải hứng chịu các cuộc “tấn công” bí ẩn khiến sức khỏe bị tổn thương.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng việc trục xuất này là biện pháp đối phó – không phải là hành động trừng phạt – nhằm đảm bảo rằng sứ quán của Mỹ và Cuba tại mỗi nước đạt “mức cân bằng về số nhân viên” trong thời điểm các cuộc điều tra về “các cuộc tấn công sức khỏe” vẫn đang tiếp diễn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez đã lên án đó là một “quyết định không công bằng”, cáo buộc Hoa Kỳ không hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra của Cuba về các sự vụ tấn công bí ẩn và thúc giục Washington hãy dừng ngay việc chính trị hóa vấn đề này.
Reuters, dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên, cho hay Đại sứ Cuba tại Hoa Kỳ Jose Ramon Cabanas đã nhận được quyết định trục xuất vào thứ Ba (3/10), theo đó, các viên chức ngoại giao Cuba sẽ có 7 ngày để rời khỏi nước Mỹ.
Trước đó, vào thứ Sáu (29/9), Hoa Kỳ đã thông báo họ sẽ rút hơn nửa số nhân viên sứ quán tại Cuba và cảnh báo công dân Mỹ không nên tới quốc đảo Caribe vì những cuộc tấn công bí ẩn đã khiến nhiều viên chức sứ quán Mỹ bị giảm thính giác, chóng mặt, mệt mỏi. Phía Washington cho rằng những cuộc tấn công này có thể còn diễn ra ở các khách sạn. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, đại sứ quán Mỹ tại Havana đã ngừng các hoạt động cấp thị thực thường xuyên cho người Cuba muốn đến Hoa Kỳ và chỉ cung cấp các dịch vụ khẩn cấp cho các công dân Mỹ.
Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (29/9), Ngoại trưởng Tillerson nói: “Cho đến chừng nào chính quyền Cuba chưa thể đảm bảo an toàn cho các nhân viên ngoại giao của chúng tôi, sứ quán Mỹ sẽ giảm số lượng người xuống mức tối thiểu do nguy cơ bị tổn thương sức khỏe”.
Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng: “Chúng tôi tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Cuba, và sẽ tiếp tục hợp tác với chính quyền Havana khi chúng tôi theo đuổi cuộc điều tra về những vụ tấn công này”.
Theo Reuters, số nhân viên ngoại giao Mỹ tại Cuba gặp bất ổn về sức khỏe đã tăng lên 22 người. Có ít nhất 2 người Canada tại Cuba cũng gặp các triệu chứng tương tự như nhân viên sứ quán Mỹ.
Cho đến nay, chính quyền Cuba vẫn bác bỏ việc họ có liên quan đến các cuộc tấn công và giới chức Havana cũng đang tiến hành một cuộc điều tra độc lập. Hoa Kỳ và Canada cũng tiến hành các cuộc điều tra riêng rẽ khác.
Trao đổi với các phóng viên tại Havana, Ngoại trưởng Rodriguez nói rằng Cuba phản đối mạnh mẽ quyết định trục xuất của Mỹ và cho rằng phía Hoa Kỳ đã không cung cấp đầy đủ thông tin cho các điều tra viên Cuba.
Trong khi đó, những nhà lập pháp Mỹ gốc Cuba đã lên tiếng hoan nghênh quyết định mới nhất của chính quyền Trump.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, nhà lập pháp rất có tiếng nói trong các chính sách liên quan đến Cuba dưới thời Tổng thống Donald Trump, hôm thứ Ba (3/10) đã nói rằng: “Tôi hoan nghênh Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trục xuất một số nhân viên Cuba khỏi nước Mỹ”.
Tiếng nói phản đối quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ đến từ nhóm Engage Cuba – tổ chức chuyên vận động hành lang chính sách kết giao nhiều hơn với chế độ cộng sản Havana. Chủ tịch của Engage Cuba, ông James Williams cho hay: “Quyết định này dường như chỉ đơn thuần mang tính chính trị và được đưa ra dựa theo ý chí của một số cá nhân trong quốc hội muốn ngăn chặn cải thiện quan hệ ngoại giao Mỹ – Cuba”.
Diễn tiến khủng hoảng ngoại giao Mỹ – Cuba:Cuối năm 2016: Nhân viên sứ quán Mỹ và ít nhất 1 người Canada bắt đầu nhận thấy các triệu chứng bất thường về sức khỏe. Tháng 5/2017: Mỹ đã trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba để phản ứng việc chế độ Havana đã không bảo vệ được sức khỏe của các nhà ngoại giao Washington. Đầu tháng 9/2017: Phía Mỹ thông báo các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn và 19 nhân viên sứ quán đã bị tổn thương. Ngày 29/9/2017: Washington thông báo rút nhân viên sứ quán tại Cuba về nước và cảnh báo công dân Mỹ không tới Cuba, đồng thời cho biết đã có 21 viên chức ngoại giao đang bị tổn thương sức khỏe. Ngày 3/10/2017: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất 15 nhân viên sứ quán Cuba, những viên chức ngoại giao này có 7 ngày để rời khỏi nước Mỹ. |