Sydney ngày...tháng…năm…Vũ Đức Vinh thân,
Hôm nay viết thư cho bạn cũng là một ngày rất đáng nhớ của tôi. Ngày 20 tháng 10 âm lịch. Bà nó nhà tôi (bây giờ lên chức bà rồi không còn là mẹ cháu như trước nữa) đang thổi xôi, nấu chè. Chiều hôm nay bà ấy cũng làm thêm mấy món chay nữa…Hôm nay là ngày giỗ hết một ông bạn tù già của tôi.. Ông Thượng tọa nguyên Giám đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo Thích Thanh Long. Có thể nói trong những năm đi tù, người tôi kính trọng nhất là ông Thượng tọa này. Ông như một ông già nhà quê, không bao giờ nói một lời ”đạo đức”, cứ từ từ, cười cười “đừng có lo”, “rồi đâu có đó” mà ở gần ông mình thấy “vững“ ra nhiều. Có lẽ ông đạt đến mức “vô úy” nên không thấy ông lo lắng, sợ sệt cái gì bao giờ. Tôi ở chung với nhiều vị tu hành nhưng theo con mắt tôi và cũng theo số đông những người tù khác nữa thì không ai được trọng bằng ông Thượng tọa “nhà quê”này. Mấy vị linh mục Công giáo sồn sồn chừng trên 40 tuổi, mỗi khi gặp Thượng tọa “nhà quê” này đều cúc cung “Lạy bố, hôm nay bố có cần gì con lấy”( đại loại như bó rau, bó củi…).
Tôi có cái may hay là cái duyên được ở gần cụ khá lâu trong tù nên tinh thần và có lẽ thể chất nữa không đến nỗi suy sụp lắm. Chết là cùng chứ gì. Cứ cầm sẵn cái chết trong tay là không sợ nữa, đến đâu hay đến đó. Autant en emporte le vent (cầm bằng theo gió đưa đi). Nhờ ông già nhà quê “vô úy” mà phần nào tôi cứ lững thững mà đi tù. Tôi ở gần, làm việc bên ông, đói no, thiếu thốn, khốn nạn…nhưng không thấy ông than thở gì nên thét rồi mình cũng quen dần…Mà khi đã quen thì không thấy khổ mấy nữa. l’habitude est une seconde nature (thói quen là thiên tính thứ hai). Chả bao giờ thấy ông nói về kinh sách. Một hôm đang đi làm vừa lúc được nghỉ tay mình cũng hơi “bạo phổi” mới hỏi ông già rằng: ”Thế cái A lại gia thức trong kinh Phật là gì thưa cụ?” Ông già gãi đầu xong rồi mới thư thả nói rằng: ”Ối dào, thì A lại gia cũng như là cái kho trong trí mình vậy mà. Cuộc đời này nó có hình có ảnh lưu lại trong cái kho ấy đấy. Nhiều quá cho nên trong cái kho cái thì nhớ, cái thì quên…Cái quên ở trong cái nhớ, cái nhớ trong cái quên…Kệ nó”. Mình không ngờ ông già quê mùa, không bao giờ nói về kinh sách, không bao giờ “giảng đạo”- mà lại nói về A lại gia thức - một cõi thức “vô ngôn”cùa Phật một cách uyên bác mà dễ hiểu đến thế. Hoá ra xưa nay mình đọc sách này sách kia nó chỉ làm phiền phức thêm ra..
Tôi tù cùng trại với ông cụ ngoài Bắc khá lâu, đến 6,7 năm. Nhưng khi được về Nam giữa năm 83 thì tôi về trước. Ông cụ còn ở lại. Tôi được tha năm 85 thì ông già năm 87 mới được về. chuyến này về khá đông, được rao truyền như là “thả hết tù chính trị” . Tất cả được đưa về Chí Hoà làm thủ tục rồi tha.. Được tin, tôi từ Hóc Môn lên thăm ông già. Tôi nhớ bữa ấy vào khoảng tháng 11 thì phải, trời Sài Gòn đã hơi lành lạnh, có gió heo may. Tôi thấy khá đông người đứng ở ngoài cổng khám Chí Hòa. Hằng trăm người, phần lớn cầm hoa. Đợi mãi đến gần trưa mới thấy lững thững một ông già quê mùa, quần áo nâu, xách cái tay nải đi ra. Đó là ông bạn tù già của tôi. Cùng lúc ấy tôi thấy đám đông cầm hoa bảo nhau “Thượng tọa đấy”. Thế rồi không ai bảo ai hàng trăm người kẻ trước người sau quỳ xuống. Tôi không tưởng tượng trong đời sống Xã hội Chủ nghĩa mà lại có cảnh này. Một sự tôn kính tự tâm, tự nguyện, tự phát. Mà tôi cũng không ngờ ông bạn tù già của tôi lại được kính yêu đến vậy.
Ông bạn già của tôi khi được thả về trở lại làm trụ trì ở chùa Giác Ngạn - ở cuối đường Trương Minh Giảng, qua cổng xe lửa chừng 300m rẽ tay mặt là tới nơi. Đường này bây giờ kêu bằng đường Lê Văn Sỹ (Lê Văn Sỹ là thằng cha căng chú kiết nào tôi đâu có biết). Phạm Xuân Ninh cũng ở khu này. Vì vậy nên sau này lên chơi P.X.N. là tôi cũng thường đến thăm ông Thượng tọa. Những năm sau, gần Tết đến thăm thể nào ông bạn tù già (đã lên Hòa Thượng) cũng cho cặp bánh chưng chay. Ông có ý cho tôi thuốc lào Vĩnh Bảo (thuốc lào “chiến” nhất nước) nhưng từ khi về, hút thuốc lào “lỉnh kỉnh” quá nên tôi không hút nữa. Ở hậu liêu của chùa, lúc nào cũng có thuốc lào ngon. Bữa nào nhớ bạn tù, nhớ thuốc lào là tôi lại rẽ vào thăm ông cụ…
Hồi tưởng lại khi còn ở trong tù, ở trại K2 Thanh Phong một nơi thâm sơn cùng cốc, gần biên giới Lào, năm 1982 ông cụ cùng tất cả những vị Tuyên úy Công giáo, Phật giáo, Tin lành, đổi đi trại khác. Trước khi từ biệt, ông cụ không biết vì một thúc đẩy nào đang đêm đi sang chỗ tôi nằm và nói: ”Trước khi chia tay, tặng ông 2 câu thơ”. Rồi ông cụ đọc:
Nhớ nhau xin nhớ tình dân tộc Lẳng lặng mà xem đá nở hoa…
Xưa nay không bao giờ thấy ông cụ thơ thẩn bao giờ. Bây giờ ông cụ lại làm thơ. Quý lắm. Câu trước cụ cho thì hiểu được, tình cảm cụ dành cho kẻ hậu sinh này. Xin bái tạ. Nhưng câu sau thì không hiểu hay chưa hiểu được cứ như câu thai, câu sấm. Mãi cho đến cuối năm 1990, từ Hóc Môn lên thăm ông cụ ở chùa Giác Ngạn, khi Liên Sô đang bời rời, rơi rụng, ông cụ mới bảo rằng: ”Ông thấy không đá bây giờ đang nở hoa rồi đấy”. Một chuyện tưởng tượng không thể nào xảy ra được mà nó đã xảy ra. Hình như ông cụ nhìn thấy trước.
Vào khoảng giữa năm 1991 chúng tôi sửa soạn đi sang Úc theo diện ODP. Trước khi đi, chúng tôi định làm “một công đôi việc”. Vợ chồng tôi lên chùa Giác Ngạn trước là thăm ông bạn già, sau là xin “quy y”. Hôm chúng tôi lên, thấy ông cụ đang đau, nằm trong hậu liêu. “Thuốc lào cũng chả muốn hút nữa, nhưng mà gặp ông bà hôm nay tôi thấy vui trong bụng“, ông cụ nói vậy. Sau khi chúng tôi trình với Hòa thượng ý định xin quy y trước khi ra nước ngoài, ông cụ nói: “Thế thì tốt. Tôi tưởng tôi không đủ sức làm cái lễ này. Nhưng mà lể quy y của ông bà thì để tôi làm”. Hai hôm sau chúng tôi lên chùa, chính Hòa thượng làm lễ cho chúng tôi. Cụ cho tôi một cái tên theo nhà Phật: Minh Đức, còn nhà tôi được cụ cho tên Tịnh Hạnh.
Trước khi chia tay, thấy cụ hơi yếu tôi có thưa (cũng như một lời hẹn) với cụ rằng “Chừng 3 hay 4 năm nữa tôi chắc sẽ trở lại thăm quê nhà. Xin cụ đợi tôi thưa cụ”. Ông cụ cầm tay tôi nói “A di đà Phật, A di đà Phật”. Đến cuối năm 1991, chúng tôi nhận được thư con nhỏ út tôi (M.T. ở lại VN) nói rằng “Theo lời bố mẹ, con đến chùa Giác Ngạn thăm cụ Thanh Long. Nhưng không bao giờ gặp lại cụ nữa đâu, bố ơi. Cụ mất ngày 20 tháng 10 năm Tân Mùi rồi”. Cụ tuổi Bính Dần, tôi nhớ như vậy. Tuổi Bính Dần mà mất năm Tân Mùi, cụ thọ được 78 tuổi. Chợt nhớ buổi chia tay, trước lời hẹn xin về gặp lại, ông cụ chỉ niệm “A di đà Phật. A di đà Phật”. Hòa thượng định nói gì qua lời niệm ấy. Đối với tôi, nó như một lời vĩnh biệt chưa muốn nói ra, hay là không tiện nói ra.
Dạo còn ở trong tù với ông cụ, trại Thanh Phong năm 1981, một hôm cán bộ trực trại thông báo “Nguyễn Văn Long hôm nay có thăm nuôi”. Ông già nghe vậy vẫn cứ lờ lững như không. Mọi người giục giã ông cụ đi gặp người thân thì ông cụ nói rằng “Tôi không còn anh em họ hàng gì hết, gia đình không có ai, chắc không có ai thăm nuôi tôi đâu”.. Nhưng ngày hôm đó có người thăm nuôi ông cụ thật. Sau hỏi ra mới biết đó là hai vợ chồng “anh taxi” ở gần chùa Giác Ngạn của ông cụ, vốn là người Công giáo. Trước kia khi hai vợ chồng anh taxi này hay “cắng đắng” nhau, ông cụ thương chạy sang can gián. Có lẽ vì quý mến ông cụ nên ông chồng thường hay lái taxi đưa ông cụ đi chỗ này chỗ khác, hai vợ chồng tuy là người Công giáo những hay sang chùa làm công quả. Bây giờ hai vợ chồng về Bắc, thăm lại quê nhà Bùi Chu sau mấy chục năm xa cách nên nhân tiện lại vào thăm ông cụ đang cải tạo ở Thanh Hóa. Gọi là “tạt vào” nhưng vì đường sá không thuận tiện, phải đi bộ hay đi xe trâu nên 2 ngày mới đến.
Dạo ấy tù đang đói kinh hoàng hạt gạo quý như hạt ngọc. Mỗi bữa, tù nhân được lĩnh mỗi người một nhúm cơm hẩm còn kỳ dư là ăn sắn hoặc ngô, khoai. Ăn một miếng sắn khô lại phải kèm thêm mấy hạt cơm vào để nuốt cho trôi. Cơm không phải để ăn cho no mà để làm “mồi”. Ông cụ nhận được chừng 5kg gạo thăm nuôi, nhưng chiều đến số gạo ấy được ông cụ phân phát hết; ông chỉ còn dành lại cho mình ký đường và lọ muối vừng. Ông cụ nói “của thập phương cho mình thì mình cúng dường Tam Bảo”.
Khi chúng tôi tới thăm ông cụ ở chùa Giác Ngạn sau này, vẫn thấy hai vợ chồng người Bắc trung niên, phát âm vẫn phảng phất giọng Bùi Chu “con tâu tắng buộc gốc te tụi” quanh quẩn trong hậu liên Chùa. Ông cụ bảo “Ấy vẫn vợ chồng ông taxi ngày xưa, có lần đi thăm nuôi tôi ở Thanh Phong đấy”. Như vậy là ông cụ thật tình không có thân nhân, bà con anh em nào nữa.. Người trông nom ông cụ khi đau yếu vẫn là vợ chồng ông taxi Công giáo ở gần bên.
Bây giờ ông cụ mất đi. Người Công giáo thì xưa nay vẫn không cúng giỗ. Vì vậy nên chúng tôi vài năm nay, cứ đến ngày 20 tháng 10 âm lịch là lại làm mâm cơm chay, cúng cụ. Nếu có cõi Niết bàn thật, chắc ông bạn tù già của tôi được lên trên ấy rồi. Ông cụ đâu có cần mình cúng giỗ. Nhưng đến ngày kỵ của ông cụ tôi muốn thắp một nén hương để nhớ một người bạn tù đã sống bên tôi bao nhiêu tháng năm đói khổ, nhất là để ghi ơn người đã cho tôi một chút niềm tin trong những năm tù tuyệt vọng. Ở gần ông cụ thấy ông cụ không sợ, không buồn. Nhưng năm nào cúng cụ tôi cũng chảy hai hàng nước mắt…