Nhân Vật
NGUYỄN QUANG LẬP VÀ TÔI
NGÔ XUÂN HỘI
Tối nay rỗi, chẳng biết làm gì, buồn, mới giở Bạn văn của thằng Lập ra xem. Sách thằng này mình đọc không thiếu cuốn gì, riêng Bạn văn thì đọc từ khi nó in rải trên mạng, đến khi tập hợp thành sách đọc lại một lần nữa, sau đó ra hiệu sách mua mỗi lần vài ba cuốn để tặng bạn bè, lai rai cũng phải đến vài chục, lại còn bắt nó ký tặng riêng nữa.
Cầm sách trên tay, nhìn chân dung hý họa mấy ông nhân vật đã thấy buồn cười. Giở tình cờ gặp bài Tạ Vũ, đọc một thôi lại buồn cười hơn nữa, thấy cứ như ông Tạ Vũ đang liêu xiêu đứng trước mắt mình. Mới đọc thêm một ông nữa, Đỗ Chu; lại thêm một ông nữa nữa, Hoàng Ngọc Hiến…
Đến lúc ấy trong phòng mình không chỉ một Tạ Vũ, mà Đỗ Chu, Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phạm Xuân Nguyên, đủ cả. Ông nào ra ông ấy, không lẫn vào đâu được. Lại nhớ đến lời nhận xét của thằng Trần Chấn Uy, Ông (tức thằng Lập) viết chân dung hay hơn Setephan Xvaig, hay hơn Kônxtantin Paustovxki, nhưng kém Macxim Gorki. Mình thấy thằng Uy nói có lý, nhưng theo mình những nhân vật của Macxim Gorki nhân cách lớn, nào L. Tônxtôi, nào Sêkhôp, cứ để họ cho thằng Lập viết xem, cũng chả kém. Thằng Uy gật đầu thừa nhận. Mình cũng viết chân dung, viết xong cái nào gửi đăng báo ngay cái ấy, đến khi đọc lại, thấy lạ hoắc. Còn nó, chỉ cần mấy nét chấm phá là đóng đinh nhân vật vào đầu người đọc ngay.
Này nhé, đây là thầy Hoàng Ngọc Hiến: “…Anh Tường cứ rượu vào là nói lia xia, anh Hiến tay gắp thức ăn miệng nói đúng đúng đúng. Anh Tường nói gì anh cũng đúng đúng đúng, tuồng như anh không quan tâm đến anh Tường nói gì, chỉ say sưa gắp gắp gắp đúng đúng đúng. Rất vui.
Anh Tường vỗ vai mình giới thiệu với anh Hiến, nói đây là Nguyễn Quang Lập. Anh ngước lên mở to mắt nhìn mình, nói a thế à. Tưởng như mọi đàn anh khác khi mới gặp mình, thế nào anh cũng nói tớ đọc của cậu rồi, được lắm. Hóa ra không. Anh lại cúi mặt gắp gắp gắp đúng đúng đúng với anh Tường. Mình hơi bị thất vọng, nghĩ “A thế à” vậy thôi chứ chẳng đọc của mình chữ nào. Mãi khi đĩa mồi sạch bách, anh thong thả lấy giấy lau miệng nói này cậu…”.
Ai chứ thầy Hiến thì mình lạ gì đâu, từng là học trò của thầy ba năm, nhiều lần xuống nhà thầy chơi, nói chuyện, thần thái, nết ăn nết mặc của thầy như thế nào mình biết cả. Nhưng biết là một chuyện, lột tả được cái thần ấy chỉ trong một đoạn văn ngắn lại là một chuyện khác.
Hoặc Trần Vàng Sao: “…Một người gầy gầy, đen đen, thâm thấp, ăn mặc như ông xe ôm đi từ trong hội trường ra, mặt mày xớn xác, miệng lẩm bẩm ua chầu chầu… mần chi dữ rứa hè. Hóa ra đó là Trần Vàng Sao.
Mình chạy ra gọi, nói em là Nguyễn Quang Lập đây. Anh lôi chiếc xe đạp ra, lật đật lên xe, nói rồi rồi, mai mốt đến chơi nghe, tui về đã, sợ lắm. Anh vội phóng xe ra khỏi cửa Hội, miệng vẫn không thôi lẩm bẩm ua chầu chầu chi dữ rứa hè.
Sau mới biết vừa hòa bình anh đã bị bắt, chẳng rõ vì chuyện gì. Hôm đến nhà, có anh Thái Ngọc San, mình hỏi sao người ta bắt anh, anh ngó trước ngó sau, nói thôi thôi chuyện qua rồi, nhắc làm chi ông.
Anh San nói thời đó luật pháp bằng mồm thì bắt bớ cũng chỉ vì cái lỗ mồm thôi. Anh giật nảy nói với anh San mi nói nha, mi nói nha, chớ tau không nói nha…”
Đấy, khẩu văn của nó như vậy, còn những truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch thì miễn chê. Hồi nó mới xuất hiện trên các báo với những Đò ơi, Tiếng lục lạc, Chuyện sót lại ở thung lũng chớp Ri… mình đang ở Nha Trang. Hầu chuyện nhà thơ Giang Nam, về nó, ông nói vui: “Con đại bàng non bất thần vẫy lên đôi cánh mênh mông”. Ấy là ông nhắc lại lời của nhà văn Nga Xêraphimôvích nói về Sôlôkhôp buổi bình minh văn nghiệp. Ông khen nó lắm. Tò mò mình tìm đọc, mê luôn. Sau đó đọc tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng của nó trích in trên tạp chí Sông Hương, ước ao khi nào sách ra đọc một lèo cho đã.
Rồi mình chuyển công tác về Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh. Năm 1987 đi Huế gặp nó làm quen, mình bảo mày viết cho tao cái gì đi, nó bảo được, tôi sẽ chuyển thể kịch Mùa hạ cay đắng ra tiểu thuyết cho ông. Kịch Mùa hạ cay đắng của nó mình đã xem, nội dung ở một xóm nhỏ miền Tây Quảng Bình có một đơn vị bộ đội đến đóng quân, khi rút đi đơn vị gửi lại dân làng một kho xăng dầu nhờ bảo vệ. Chung quanh việc bảo vệ kho xăng dầu ấy bao nhiêu chuyện xảy ra, tốt, xấu, sang, hèn, phản bội, kiên trung đủ cả, trong khi đó kho xăng dầu thì đã bị đơn vị bộ đội lãng quên… Mình không rành về kịch, nhưng đọc rất thích. Mùa hạ cay đắng nhiều đoàn dựng, diễn nhiều nơi, nơi nào cũng đông người xem. Nếu nó viết thành tiểu thuyết sẽ là một cuốn best-seller, mình tin vậy. Năm sau, 1988 mình trở lại Huế, ở nhà Nguyễn Trọng Tạo. Anh Tạo đưa mình tập bản thảo chép tay Những mảnh đời đen trắng của nó, bảo, cái này nó đã đưa cho Nhà xuất bản Thuận Hóa, nhưng ông Vương Hồng sợ, trả lại. Mày xem nếu in được thì đưa về.
Mình có thói quen đọc sách, trước tiên phải xem có hấp dẫn không đã, sau mới tính đến các chuyện khác. Đêm đó nằm ở nhà anh Tạo mình đọc một mạch, đọc xong bàng hoàng cả người, thấy nó viết hay quá. Và mình nhớ lại chiến tranh phá hoại của Mỹ ở quê mình những năm sáu bảy mươi, thấy i chang. Cũng một ông cu Lùn sợ máy bay trối chết, cũng một ông đại úy Thìn tập xe đạp, có điều ông đại úy ở quê mình không treo xe lên đạp không tải, mà vác xe ra giữa hai vồng khoai lang đạp, ngã bên nào cũng có vồng khoai đỡ. Khi ông đi được xe thì ruộng khoai nát bấy… Trong tiểu thuyết nó tung ra nhiều nhân vật, mỗi nhân vật là một phận người, mỗi phận người là một bi kịch: bi kịch của cuồng tín, bi kịch của trong trắng, bi kịch của hiểu biết. Tác phẩm toát lên tinh thần khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ đểu cáng là sống… nhưng dĩ nhiên không chỉ có thế, bởi nếu chỉ có thế thì mình đã không mang về trình Giám đốc.
Sáng mình cùng anh Tạo đến 22 Lê Lợi tìm nó, gặp nó đang cởi trần ngồi tựa lưng vào thành giường, chân duỗi dài trên sàn nhà hút thuốc, tàn thuốc gạt vào đống bã trà trong khay. Anh Tạo bảo nhà văn nhà veo gì mà luộm thuộm quá. Mình nghĩ bụng, ở như thế này không luộm thuộm mới lạ. Chả là vợ chồng nó chiếm một phòng trong một ngôi biệt thự cũ. Ngôi biệt thự xây kiểu Pháp, khuôn viên rộng rãi, hành lang thoáng đãng. Nếu là một gia đình ở như mục đích ban đầu thì hết chê. Nhưng bị trưng dụng thành các căn hộ tập thể, nó nhanh chóng xuống cấp, tường ám khói đen, cửa nhà nào cũng vá víu trông chẳng ra làm sao. Vào bên trong mỗi gia đình lại càng thảm hại. Phòng vợ chồng nó ở rộng 12 m2, kê chiếc giường đôi còn thừa ra một tí. Mọi sinh hoạt ăn uống của ba người, viết lách của nó đều được thực hiện trên giường (lúc này vợ chồng nó mới có một thằng con trai đầu).
Sau khi phân ngôi chủ khách, mình nói sơ với nó cảm nhận của mình về Những mảnh đời đen trắng và xin phép được cầm về trình Giám đốc. Nó ừ à không ra nghe cũng không ra không nghe, rồi cả ba kéo nhau ra quán cóc lai rai. Từ đó mỗi lần vào Huế mình hay ghé nó chơi, ăn cơm với vợ chồng nó, thậm chí còn về nhà nó ở quê, xóm Cau, thị trấn Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình. Nước ta có nhiều lò rượu ngon, nhưng rượu khê thì mình mới chỉ thấy ở xóm Cau là một, uống rất có hậu và mùi khê thì thật đặc trưng. Cứ mỗi lần mình vào, thằng Vinh em nó lại làm quà cho một can mang về Nghệ, ai uống cũng mê.
Nói tiếp chuyện Những mảnh đời đen trắng. Mang bản thảo về, mình đưa ngay cho ông Điệp, Giám đốc. Cũng như mình, ông Điệp thức đọc một mạch trắng đêm. Sáng hôm sau đến cơ quan, ông pha một ấm trà ngon rồi gọi mình xuống trao đổi. Mình hỏi, Anh đọc rồi à ? Ừ, xong rồi, đêm qua. Anh thấy thế nào ? Nó viết hay mày ạ, ông tặc lưỡi, xứ Nghệ mình hiện nay chẳng có anh đếch nào viết được như nó cả. Thời gian câu chuyện nó kể, tao đang làm thư ký cho ông Quế (Bí thư tỉnh ủy Nghệ An), đi không sót huyện xã nào trong tỉnh, thấy nó nói đúng cả, có điều in trong thời điểm này chắc chắn sẽ bị đánh, Vương Hồng từ chối cũng vì thế thôi, vì thế anh em mình phải chuẩn bị tinh thần mà chống đỡ.
“Nghĩa là anh quyết định in?”
“In chứ”. Ông Điệp nói không đắn đo. Thực ra ông đã đắn đo rất nhiều, có điều cái đắn đo của ông là cái đắn đo của một con người Nghệ thuần chủng. Mà người Nghệ (thuần chủng) nói như Bùi Dương Lịchlà những người: “…Cần cù đến liều lĩnh, can đảm đến sơ suất, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến… cá gỗ!”.(*)
Vì trong Kế hoạch đề tài sách xuất bản năm 1989 nhà Nghệ Tĩnh trình Cục xuất bản, Nguyễn Quang Lập đã có tiểu thuyết Mùa hạ cay đắng, ông Điệp bàn với mình làm văn bản báo cáo với Cục, Mùa hạ cay đắng sẽ là tiểu thuyết bộ đôi, cuốn một Những mảnh đời đen trắng, cuốn hai Mùa hạ cay đắng. Nhất trí như thế, ông giục mình cho đánh máy, bổ sung kế hoạch đề tài, làm việc kỹ với tác giả, đặt bìa và… in. Ông còn viết bản góp ý dài 10 trang chép tay về những chỗ theo ông nên sửa nếu không muốn bị đánh, gửi tác giả. Thằng Lập xem kỹ nhưng không sửa, không phải nó coi thường mà sửa thế e cuốn sách sẽ chỉ còn là Những mảnh đời trong trắng. Ông Điệp cũng biết vậy, nên khi thằng Lập không sửa thì ông cũng tặc lưỡi cho qua. Nhưng thằng Lập rất chịu ông Điệp những góp ý này, bởi về sau đánh cuốn sách, người ta toàn lôi những chỗ ông góp ý ra mà bằm mà chặt.
Sau khi hoàn tất thủ tục, đâu giữa năm 1989 mình cầm bản thảo và giấp phép xuất bản nhảy đi Huế in ở Xí nghiệp in Bình Trị Thiên, số lượng 15.000 cuốn. Số lượng ấy do mình quyết. Bìa sách nhờ anh Tạo vẽ (hình một người đàn bà khỏa thân bị trói giật cánh khủy vào cột nhà, lẩy từ một chi tiết trong sách, trông khá bắt mắt). Việc trình bày sách, sửa morat trông cậy cả vào tay anh Tạo và thằng Lập. Nửa tháng sau sách ra. Cầm cuốn sách còn thơm mùi mực trong tay, ba người mình, nó, anh Tạo ngắm nghía mãi, thấy đẹp lạ. So với thời nay, cuốn Những mảnh đời đen trắng in ngày ấy không đẹp bằng, giấy ruột màu nâu, bìa giấy couché mỏng, nhưng chẳng hề chi, miễn sách ra được là tốt rồi.
Mình đem sách về trình Giám đốc. Ông Điệp cầm lật qua lật lại, mỉm cười: “Bây giờ thì lo mà chống đỡ nhé.”
Quả đúng vậy. Quãng năm sáu tháng sau các báo rộ lên phong trào chửi Những mảnh đời đen trắng, nào là tác giả đã bôi nhọ cuộc kháng chiến chống Mỹ, nói xấu bộ đội, tuyên truyền cho lối sống đồi trụy, vv và vv… Mình không nhớ báo nào nổ phát súng đầu tiên, nhưng mở các trang báo lớn nhỏ in trong Nam, ngoài Bắc ngày ấy ra sẽ gặp. Nghe nói (vì mình không có tivi) Truyền hình Quân đội còn làm hẳn một chương trình, trong đó một số nhà văn lên phát biểu, đọc bài phê phán kiểu như đấu tố địa chủ trong cải cách ruộng đất. Kinh. Có bữa ông Điệp nhận được một bức thư của ai đó ở đâu đó gửi qua đường Bưu điện tới, lời lẽ sắt máu, lên án tội ác đã cho ra đời một ấn phẩm độc hại. Đọc xong, mình có cảm tưởng nếu gặp ông, người viết bức thư sẽ bắn bỏ ngay lập tức. Trước những trận đòn hội chợ, nhà xuất bản lặng im. Thì còn làm sao được, nhà xuất bản không phải là cơ quan báo chí, không có phương tiện trong tay, nhưng trong trò chuyện anh em với nhau, chưa bao giờ mình thấy ông Điệp tỏ ý hối tiếc vì đã cho in sách.
Nhớ lại những ngày này, mình vẫn còn thấy nợ ông Đặng Duy Báu, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Nghệ Tĩnh một lời cảm ơn. Ông đọc hầu như tất cả những bài phê phán Những mảnh đời đen trắng, ông thấy những điều báo chí nói cơ bản không đúng và ông lặng im, không lấy thế cấp trên về hùa với báo chí để phê phán Nhà xuất bản, phê phán ông Điệp.
Tuy nhiên lãnh đạo tỉnh không chỉ có một ông Báu.
Nhưng một điều dối trá nói mãi cũng sẽ khiến người ta tin là sự thật, chuyện Tăng Sâm giết người trong chuyện cổ Trung Hoa và lời tuyên bố của Gơben, bộ trưởng tuyên truyền của Hítle khẳng định điều này. Thấy sau một loạt những bài phê phán của báo chí mà ông Điệp không hề hấn gì, ông Lê Quý Kỳ phóng viên báo Nghệ Tĩnh mới viết một bài báo nhỏ nhan đề “Xuất bản ấn phẩm độc hại mà không bị mất chức” in trên báo Nghệ Tĩnh. Mặc dù trước đó trong Hội nghị tổng kết công tác xuất bản năm 1990, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Trần Hoàn lên phát biểu, điểm danh những sách in ra bị đình bản, trong số các tác phẩm ông Bộ trưởng nêu tên không có Những mảnh đời đen trắng, nhưng bài báo của Lê Quý Kỳ vẫn giống như giọt nước tràn ly khiến sau đó Ban Tổ chức tỉnh ủy có một số động thái gây áp lực với ông Điệp, đánh tiếng không phát huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cho ông, không cho thằng Hùng (con trai) ông chuyển sinh hoạt Đảng trở lại chi bộ Nhà xuất bản sau khi nó xong xuất khẩu lao động ở Đức về. Đi gần trọn cuộc đời cán bộ, đã quen với việc quân ta đánh quân mình, năm 1991 ông Điệp xin nghỉ hưu sớm (ông sinh năm 1932).
Trong việc này, mình nghĩ cũng có thể ông Lê Quý Kỳ tin Những mảnh đời đen trắng độc hại thật. Nhưng sự thực là trước lúc mình chuyển về Nghệ, Lê Quý Kỳ có gửi nhà xuất bản một bản thảo tiểu thuyết. Ông Điệp không in. Khi làm Trưởng ban biên tập, mình lục tủ lấy đọc, thấy ông Điệp không in là đúng, vì nó dở. Và có thể Những mảnh đời đen trắng là cơ hội để ông Kỳ phản đòn?
Sau khi ông Điệp nghỉ hưu mình cũng chán, từ chối đi học trường Nguyễn Ái Quốc trung ương dù đã có giấy triệu tập, bỏ ngang công việc vào thành phố Hồ Chí Minh sống bằng nghề làm báo tự do.
Nghệ Tĩnh chia hai, Bình Trị Thiên chia ba. Thằng Lập chuyển công tác ra Quảng Trị. Từ Quảng Trị nó chuyển ra Hà Nội. Rồi nó viết kịch bản phim Đời cát. Rồi nó bị tai nạn giao thông, đời suýt biến thành đời cát, nằm liệt hai năm liền… Suốt thời gian ấy mình cắm chốt thành phố Hồ Chí Minh, lấy vợ, làm nhà, sinh con đẻ cái. Năm 2007 thằng Lập chuyển vợ con vào thành phố Hồ Chí Minh, mua nhà ở quận 2.
Hôm rồi mình đến thăm, thấy trong nhà một đám con trai con gái đang ngồi nghe nó giảng về cách viết kịch bản phim. Mình muốn bảo với tụi nhỏ rằng, các con chọn nhầm thầy rồi. Thầy của các con rất giỏi, nhưng phương pháp sư phạm thì zê-rô… Ấy là mình nhớ đến cái lần mình với nó ngồi uống bia cạnh cầu Mới phía bờ Nam sông Hương. Uống xong, nó rủ mình vào Galery gần đó xem tranh. Trước những bức tranh nó say sưa giảng cho mình nghe về Hội họa, về nghệ thuật Phục hưng, các trường phái Ấn tượng, Đa đa, Siêu thực. Pablo Picasso vẽ thế này, Pierre Renoir vẽ thế này, Michelangielo vẽ thế này, Sandro Botticelli vẽ thế này, Ilya Repin vẽ thế này, vì sao lại gọi Mùa thu vàng của Levitan… và rằng một bức tranh đẹp thì phải thế này, màu sắc phải thế này, bố cục phải thế này. Tiếp thu nóng mớ lý luận về Hội họa nó truyền thụ, mình chọn một bức tranh trong phòng, bảo:
“Cứ như mày nói thì trong số tranh treo ở đây, bức này đẹp nhất ?”
Nó cười phá lên: “Hỏng, hoàn toàn hỏng. Đây là bức dở nhất phòng tranh…”
“Nhưng mày chẳng đã vừa nói…”
“Tôi có nói thế đâu. Tôi nói thế này, thế này, ông lại hiểu ra thế này, thế này. Ông ngu như vích…”
Đấy, mình nhớ ra chuyện ấy và dọn giọng chuẩn bị nói với đám học trò của nó thì đã thấy nó lật đật đứng dậy kéo mình vào phòng riêng. Tưởng nó muốn giữ thể diện trước học trò mới làm vậy để ngăn không cho mình nói bậy. Nhưng không phải. Vào phòng, nó hí hoáy lục trên giá sách lôi ra cuốn Những mảnh đời đen trắng mới tinh nhà xuất bản Văn học vừa in xong, ký tặng mình.
Đây là lần in thứ ba, lần tái bản thứ hai của cuốn sách.
TP.Hồ Chí Minh, 26-10-2013
NXH
—————–
*Bùi Dương Lịch (1757 – 1828), người thôn Yên Hội, xã Yên Đồng, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Nghệ An (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Đỗ Hương Cống năm 17 tuổi, đỗ Hoàng Giáp năm 30 tuổi. Viết nhiều sách, chủ yếu bằng chữ Hán, trong đó có: Nghệ An ký (Ghi chép về xứ Nghệ An), gồm 2 tập, được xem là tập đại thành của hai cuốn Nghệ An phong thổ ký và Nghệ An chí viết trước đó. Đây là một trong những tác phẩm địa chí có tiếng của Việt Nam. Đoạn trích trong bài rút từ cuốn Nghệ An ký.
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
- Huỳnh Ngọc Chênh - Hôm nay đón Nguyễn Thúy Hạnh về nhà, kịch tính như phim
- "Sư Minh Tuệ" - by Đỗ Duy Ngọc / Trần Văn Giang (ghi lại)
- "Thế lực nào đã đầu độc tướng vi-xi Nguyễn Chí Vịnh?" - Lê Văn Đoành / Trần Văn Giang (ghi lại)
- NHỮNG NỮ LƯU LỪNG DANH Ở MỸ & THẾ GIỚI - TRẦN VĂN NGÀ
- Putin tiến thoái lưỡng nan vì đã tính sai nước cờ _ Hoài Việt
NGUYỄN QUANG LẬP VÀ TÔI
NGÔ XUÂN HỘI
Tối nay rỗi, chẳng biết làm gì, buồn, mới giở Bạn văn của thằng Lập ra xem. Sách thằng này mình đọc không thiếu cuốn gì, riêng Bạn văn thì đọc từ khi nó in rải trên mạng, đến khi tập hợp thành sách đọc lại một lần nữa, sau đó ra hiệu sách mua mỗi lần vài ba cuốn để tặng bạn bè, lai rai cũng phải đến vài chục, lại còn bắt nó ký tặng riêng nữa.
Cầm sách trên tay, nhìn chân dung hý họa mấy ông nhân vật đã thấy buồn cười. Giở tình cờ gặp bài Tạ Vũ, đọc một thôi lại buồn cười hơn nữa, thấy cứ như ông Tạ Vũ đang liêu xiêu đứng trước mắt mình. Mới đọc thêm một ông nữa, Đỗ Chu; lại thêm một ông nữa nữa, Hoàng Ngọc Hiến…
Đến lúc ấy trong phòng mình không chỉ một Tạ Vũ, mà Đỗ Chu, Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phạm Xuân Nguyên, đủ cả. Ông nào ra ông ấy, không lẫn vào đâu được. Lại nhớ đến lời nhận xét của thằng Trần Chấn Uy, Ông (tức thằng Lập) viết chân dung hay hơn Setephan Xvaig, hay hơn Kônxtantin Paustovxki, nhưng kém Macxim Gorki. Mình thấy thằng Uy nói có lý, nhưng theo mình những nhân vật của Macxim Gorki nhân cách lớn, nào L. Tônxtôi, nào Sêkhôp, cứ để họ cho thằng Lập viết xem, cũng chả kém. Thằng Uy gật đầu thừa nhận. Mình cũng viết chân dung, viết xong cái nào gửi đăng báo ngay cái ấy, đến khi đọc lại, thấy lạ hoắc. Còn nó, chỉ cần mấy nét chấm phá là đóng đinh nhân vật vào đầu người đọc ngay.
Này nhé, đây là thầy Hoàng Ngọc Hiến: “…Anh Tường cứ rượu vào là nói lia xia, anh Hiến tay gắp thức ăn miệng nói đúng đúng đúng. Anh Tường nói gì anh cũng đúng đúng đúng, tuồng như anh không quan tâm đến anh Tường nói gì, chỉ say sưa gắp gắp gắp đúng đúng đúng. Rất vui.
Anh Tường vỗ vai mình giới thiệu với anh Hiến, nói đây là Nguyễn Quang Lập. Anh ngước lên mở to mắt nhìn mình, nói a thế à. Tưởng như mọi đàn anh khác khi mới gặp mình, thế nào anh cũng nói tớ đọc của cậu rồi, được lắm. Hóa ra không. Anh lại cúi mặt gắp gắp gắp đúng đúng đúng với anh Tường. Mình hơi bị thất vọng, nghĩ “A thế à” vậy thôi chứ chẳng đọc của mình chữ nào. Mãi khi đĩa mồi sạch bách, anh thong thả lấy giấy lau miệng nói này cậu…”.
Ai chứ thầy Hiến thì mình lạ gì đâu, từng là học trò của thầy ba năm, nhiều lần xuống nhà thầy chơi, nói chuyện, thần thái, nết ăn nết mặc của thầy như thế nào mình biết cả. Nhưng biết là một chuyện, lột tả được cái thần ấy chỉ trong một đoạn văn ngắn lại là một chuyện khác.
Hoặc Trần Vàng Sao: “…Một người gầy gầy, đen đen, thâm thấp, ăn mặc như ông xe ôm đi từ trong hội trường ra, mặt mày xớn xác, miệng lẩm bẩm ua chầu chầu… mần chi dữ rứa hè. Hóa ra đó là Trần Vàng Sao.
Mình chạy ra gọi, nói em là Nguyễn Quang Lập đây. Anh lôi chiếc xe đạp ra, lật đật lên xe, nói rồi rồi, mai mốt đến chơi nghe, tui về đã, sợ lắm. Anh vội phóng xe ra khỏi cửa Hội, miệng vẫn không thôi lẩm bẩm ua chầu chầu chi dữ rứa hè.
Sau mới biết vừa hòa bình anh đã bị bắt, chẳng rõ vì chuyện gì. Hôm đến nhà, có anh Thái Ngọc San, mình hỏi sao người ta bắt anh, anh ngó trước ngó sau, nói thôi thôi chuyện qua rồi, nhắc làm chi ông.
Anh San nói thời đó luật pháp bằng mồm thì bắt bớ cũng chỉ vì cái lỗ mồm thôi. Anh giật nảy nói với anh San mi nói nha, mi nói nha, chớ tau không nói nha…”
Đấy, khẩu văn của nó như vậy, còn những truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch thì miễn chê. Hồi nó mới xuất hiện trên các báo với những Đò ơi, Tiếng lục lạc, Chuyện sót lại ở thung lũng chớp Ri… mình đang ở Nha Trang. Hầu chuyện nhà thơ Giang Nam, về nó, ông nói vui: “Con đại bàng non bất thần vẫy lên đôi cánh mênh mông”. Ấy là ông nhắc lại lời của nhà văn Nga Xêraphimôvích nói về Sôlôkhôp buổi bình minh văn nghiệp. Ông khen nó lắm. Tò mò mình tìm đọc, mê luôn. Sau đó đọc tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng của nó trích in trên tạp chí Sông Hương, ước ao khi nào sách ra đọc một lèo cho đã.
Rồi mình chuyển công tác về Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh. Năm 1987 đi Huế gặp nó làm quen, mình bảo mày viết cho tao cái gì đi, nó bảo được, tôi sẽ chuyển thể kịch Mùa hạ cay đắng ra tiểu thuyết cho ông. Kịch Mùa hạ cay đắng của nó mình đã xem, nội dung ở một xóm nhỏ miền Tây Quảng Bình có một đơn vị bộ đội đến đóng quân, khi rút đi đơn vị gửi lại dân làng một kho xăng dầu nhờ bảo vệ. Chung quanh việc bảo vệ kho xăng dầu ấy bao nhiêu chuyện xảy ra, tốt, xấu, sang, hèn, phản bội, kiên trung đủ cả, trong khi đó kho xăng dầu thì đã bị đơn vị bộ đội lãng quên… Mình không rành về kịch, nhưng đọc rất thích. Mùa hạ cay đắng nhiều đoàn dựng, diễn nhiều nơi, nơi nào cũng đông người xem. Nếu nó viết thành tiểu thuyết sẽ là một cuốn best-seller, mình tin vậy. Năm sau, 1988 mình trở lại Huế, ở nhà Nguyễn Trọng Tạo. Anh Tạo đưa mình tập bản thảo chép tay Những mảnh đời đen trắng của nó, bảo, cái này nó đã đưa cho Nhà xuất bản Thuận Hóa, nhưng ông Vương Hồng sợ, trả lại. Mày xem nếu in được thì đưa về.
Mình có thói quen đọc sách, trước tiên phải xem có hấp dẫn không đã, sau mới tính đến các chuyện khác. Đêm đó nằm ở nhà anh Tạo mình đọc một mạch, đọc xong bàng hoàng cả người, thấy nó viết hay quá. Và mình nhớ lại chiến tranh phá hoại của Mỹ ở quê mình những năm sáu bảy mươi, thấy i chang. Cũng một ông cu Lùn sợ máy bay trối chết, cũng một ông đại úy Thìn tập xe đạp, có điều ông đại úy ở quê mình không treo xe lên đạp không tải, mà vác xe ra giữa hai vồng khoai lang đạp, ngã bên nào cũng có vồng khoai đỡ. Khi ông đi được xe thì ruộng khoai nát bấy… Trong tiểu thuyết nó tung ra nhiều nhân vật, mỗi nhân vật là một phận người, mỗi phận người là một bi kịch: bi kịch của cuồng tín, bi kịch của trong trắng, bi kịch của hiểu biết. Tác phẩm toát lên tinh thần khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ đểu cáng là sống… nhưng dĩ nhiên không chỉ có thế, bởi nếu chỉ có thế thì mình đã không mang về trình Giám đốc.
Sáng mình cùng anh Tạo đến 22 Lê Lợi tìm nó, gặp nó đang cởi trần ngồi tựa lưng vào thành giường, chân duỗi dài trên sàn nhà hút thuốc, tàn thuốc gạt vào đống bã trà trong khay. Anh Tạo bảo nhà văn nhà veo gì mà luộm thuộm quá. Mình nghĩ bụng, ở như thế này không luộm thuộm mới lạ. Chả là vợ chồng nó chiếm một phòng trong một ngôi biệt thự cũ. Ngôi biệt thự xây kiểu Pháp, khuôn viên rộng rãi, hành lang thoáng đãng. Nếu là một gia đình ở như mục đích ban đầu thì hết chê. Nhưng bị trưng dụng thành các căn hộ tập thể, nó nhanh chóng xuống cấp, tường ám khói đen, cửa nhà nào cũng vá víu trông chẳng ra làm sao. Vào bên trong mỗi gia đình lại càng thảm hại. Phòng vợ chồng nó ở rộng 12 m2, kê chiếc giường đôi còn thừa ra một tí. Mọi sinh hoạt ăn uống của ba người, viết lách của nó đều được thực hiện trên giường (lúc này vợ chồng nó mới có một thằng con trai đầu).
Sau khi phân ngôi chủ khách, mình nói sơ với nó cảm nhận của mình về Những mảnh đời đen trắng và xin phép được cầm về trình Giám đốc. Nó ừ à không ra nghe cũng không ra không nghe, rồi cả ba kéo nhau ra quán cóc lai rai. Từ đó mỗi lần vào Huế mình hay ghé nó chơi, ăn cơm với vợ chồng nó, thậm chí còn về nhà nó ở quê, xóm Cau, thị trấn Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình. Nước ta có nhiều lò rượu ngon, nhưng rượu khê thì mình mới chỉ thấy ở xóm Cau là một, uống rất có hậu và mùi khê thì thật đặc trưng. Cứ mỗi lần mình vào, thằng Vinh em nó lại làm quà cho một can mang về Nghệ, ai uống cũng mê.
Nói tiếp chuyện Những mảnh đời đen trắng. Mang bản thảo về, mình đưa ngay cho ông Điệp, Giám đốc. Cũng như mình, ông Điệp thức đọc một mạch trắng đêm. Sáng hôm sau đến cơ quan, ông pha một ấm trà ngon rồi gọi mình xuống trao đổi. Mình hỏi, Anh đọc rồi à ? Ừ, xong rồi, đêm qua. Anh thấy thế nào ? Nó viết hay mày ạ, ông tặc lưỡi, xứ Nghệ mình hiện nay chẳng có anh đếch nào viết được như nó cả. Thời gian câu chuyện nó kể, tao đang làm thư ký cho ông Quế (Bí thư tỉnh ủy Nghệ An), đi không sót huyện xã nào trong tỉnh, thấy nó nói đúng cả, có điều in trong thời điểm này chắc chắn sẽ bị đánh, Vương Hồng từ chối cũng vì thế thôi, vì thế anh em mình phải chuẩn bị tinh thần mà chống đỡ.
“Nghĩa là anh quyết định in?”
“In chứ”. Ông Điệp nói không đắn đo. Thực ra ông đã đắn đo rất nhiều, có điều cái đắn đo của ông là cái đắn đo của một con người Nghệ thuần chủng. Mà người Nghệ (thuần chủng) nói như Bùi Dương Lịchlà những người: “…Cần cù đến liều lĩnh, can đảm đến sơ suất, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến… cá gỗ!”.(*)
Vì trong Kế hoạch đề tài sách xuất bản năm 1989 nhà Nghệ Tĩnh trình Cục xuất bản, Nguyễn Quang Lập đã có tiểu thuyết Mùa hạ cay đắng, ông Điệp bàn với mình làm văn bản báo cáo với Cục, Mùa hạ cay đắng sẽ là tiểu thuyết bộ đôi, cuốn một Những mảnh đời đen trắng, cuốn hai Mùa hạ cay đắng. Nhất trí như thế, ông giục mình cho đánh máy, bổ sung kế hoạch đề tài, làm việc kỹ với tác giả, đặt bìa và… in. Ông còn viết bản góp ý dài 10 trang chép tay về những chỗ theo ông nên sửa nếu không muốn bị đánh, gửi tác giả. Thằng Lập xem kỹ nhưng không sửa, không phải nó coi thường mà sửa thế e cuốn sách sẽ chỉ còn là Những mảnh đời trong trắng. Ông Điệp cũng biết vậy, nên khi thằng Lập không sửa thì ông cũng tặc lưỡi cho qua. Nhưng thằng Lập rất chịu ông Điệp những góp ý này, bởi về sau đánh cuốn sách, người ta toàn lôi những chỗ ông góp ý ra mà bằm mà chặt.
Sau khi hoàn tất thủ tục, đâu giữa năm 1989 mình cầm bản thảo và giấp phép xuất bản nhảy đi Huế in ở Xí nghiệp in Bình Trị Thiên, số lượng 15.000 cuốn. Số lượng ấy do mình quyết. Bìa sách nhờ anh Tạo vẽ (hình một người đàn bà khỏa thân bị trói giật cánh khủy vào cột nhà, lẩy từ một chi tiết trong sách, trông khá bắt mắt). Việc trình bày sách, sửa morat trông cậy cả vào tay anh Tạo và thằng Lập. Nửa tháng sau sách ra. Cầm cuốn sách còn thơm mùi mực trong tay, ba người mình, nó, anh Tạo ngắm nghía mãi, thấy đẹp lạ. So với thời nay, cuốn Những mảnh đời đen trắng in ngày ấy không đẹp bằng, giấy ruột màu nâu, bìa giấy couché mỏng, nhưng chẳng hề chi, miễn sách ra được là tốt rồi.
Mình đem sách về trình Giám đốc. Ông Điệp cầm lật qua lật lại, mỉm cười: “Bây giờ thì lo mà chống đỡ nhé.”
Quả đúng vậy. Quãng năm sáu tháng sau các báo rộ lên phong trào chửi Những mảnh đời đen trắng, nào là tác giả đã bôi nhọ cuộc kháng chiến chống Mỹ, nói xấu bộ đội, tuyên truyền cho lối sống đồi trụy, vv và vv… Mình không nhớ báo nào nổ phát súng đầu tiên, nhưng mở các trang báo lớn nhỏ in trong Nam, ngoài Bắc ngày ấy ra sẽ gặp. Nghe nói (vì mình không có tivi) Truyền hình Quân đội còn làm hẳn một chương trình, trong đó một số nhà văn lên phát biểu, đọc bài phê phán kiểu như đấu tố địa chủ trong cải cách ruộng đất. Kinh. Có bữa ông Điệp nhận được một bức thư của ai đó ở đâu đó gửi qua đường Bưu điện tới, lời lẽ sắt máu, lên án tội ác đã cho ra đời một ấn phẩm độc hại. Đọc xong, mình có cảm tưởng nếu gặp ông, người viết bức thư sẽ bắn bỏ ngay lập tức. Trước những trận đòn hội chợ, nhà xuất bản lặng im. Thì còn làm sao được, nhà xuất bản không phải là cơ quan báo chí, không có phương tiện trong tay, nhưng trong trò chuyện anh em với nhau, chưa bao giờ mình thấy ông Điệp tỏ ý hối tiếc vì đã cho in sách.
Nhớ lại những ngày này, mình vẫn còn thấy nợ ông Đặng Duy Báu, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Nghệ Tĩnh một lời cảm ơn. Ông đọc hầu như tất cả những bài phê phán Những mảnh đời đen trắng, ông thấy những điều báo chí nói cơ bản không đúng và ông lặng im, không lấy thế cấp trên về hùa với báo chí để phê phán Nhà xuất bản, phê phán ông Điệp.
Tuy nhiên lãnh đạo tỉnh không chỉ có một ông Báu.
Nhưng một điều dối trá nói mãi cũng sẽ khiến người ta tin là sự thật, chuyện Tăng Sâm giết người trong chuyện cổ Trung Hoa và lời tuyên bố của Gơben, bộ trưởng tuyên truyền của Hítle khẳng định điều này. Thấy sau một loạt những bài phê phán của báo chí mà ông Điệp không hề hấn gì, ông Lê Quý Kỳ phóng viên báo Nghệ Tĩnh mới viết một bài báo nhỏ nhan đề “Xuất bản ấn phẩm độc hại mà không bị mất chức” in trên báo Nghệ Tĩnh. Mặc dù trước đó trong Hội nghị tổng kết công tác xuất bản năm 1990, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Trần Hoàn lên phát biểu, điểm danh những sách in ra bị đình bản, trong số các tác phẩm ông Bộ trưởng nêu tên không có Những mảnh đời đen trắng, nhưng bài báo của Lê Quý Kỳ vẫn giống như giọt nước tràn ly khiến sau đó Ban Tổ chức tỉnh ủy có một số động thái gây áp lực với ông Điệp, đánh tiếng không phát huy hiệu 40 năm tuổi Đảng cho ông, không cho thằng Hùng (con trai) ông chuyển sinh hoạt Đảng trở lại chi bộ Nhà xuất bản sau khi nó xong xuất khẩu lao động ở Đức về. Đi gần trọn cuộc đời cán bộ, đã quen với việc quân ta đánh quân mình, năm 1991 ông Điệp xin nghỉ hưu sớm (ông sinh năm 1932).
Trong việc này, mình nghĩ cũng có thể ông Lê Quý Kỳ tin Những mảnh đời đen trắng độc hại thật. Nhưng sự thực là trước lúc mình chuyển về Nghệ, Lê Quý Kỳ có gửi nhà xuất bản một bản thảo tiểu thuyết. Ông Điệp không in. Khi làm Trưởng ban biên tập, mình lục tủ lấy đọc, thấy ông Điệp không in là đúng, vì nó dở. Và có thể Những mảnh đời đen trắng là cơ hội để ông Kỳ phản đòn?
Sau khi ông Điệp nghỉ hưu mình cũng chán, từ chối đi học trường Nguyễn Ái Quốc trung ương dù đã có giấy triệu tập, bỏ ngang công việc vào thành phố Hồ Chí Minh sống bằng nghề làm báo tự do.
Nghệ Tĩnh chia hai, Bình Trị Thiên chia ba. Thằng Lập chuyển công tác ra Quảng Trị. Từ Quảng Trị nó chuyển ra Hà Nội. Rồi nó viết kịch bản phim Đời cát. Rồi nó bị tai nạn giao thông, đời suýt biến thành đời cát, nằm liệt hai năm liền… Suốt thời gian ấy mình cắm chốt thành phố Hồ Chí Minh, lấy vợ, làm nhà, sinh con đẻ cái. Năm 2007 thằng Lập chuyển vợ con vào thành phố Hồ Chí Minh, mua nhà ở quận 2.
Hôm rồi mình đến thăm, thấy trong nhà một đám con trai con gái đang ngồi nghe nó giảng về cách viết kịch bản phim. Mình muốn bảo với tụi nhỏ rằng, các con chọn nhầm thầy rồi. Thầy của các con rất giỏi, nhưng phương pháp sư phạm thì zê-rô… Ấy là mình nhớ đến cái lần mình với nó ngồi uống bia cạnh cầu Mới phía bờ Nam sông Hương. Uống xong, nó rủ mình vào Galery gần đó xem tranh. Trước những bức tranh nó say sưa giảng cho mình nghe về Hội họa, về nghệ thuật Phục hưng, các trường phái Ấn tượng, Đa đa, Siêu thực. Pablo Picasso vẽ thế này, Pierre Renoir vẽ thế này, Michelangielo vẽ thế này, Sandro Botticelli vẽ thế này, Ilya Repin vẽ thế này, vì sao lại gọi Mùa thu vàng của Levitan… và rằng một bức tranh đẹp thì phải thế này, màu sắc phải thế này, bố cục phải thế này. Tiếp thu nóng mớ lý luận về Hội họa nó truyền thụ, mình chọn một bức tranh trong phòng, bảo:
“Cứ như mày nói thì trong số tranh treo ở đây, bức này đẹp nhất ?”
Nó cười phá lên: “Hỏng, hoàn toàn hỏng. Đây là bức dở nhất phòng tranh…”
“Nhưng mày chẳng đã vừa nói…”
“Tôi có nói thế đâu. Tôi nói thế này, thế này, ông lại hiểu ra thế này, thế này. Ông ngu như vích…”
Đấy, mình nhớ ra chuyện ấy và dọn giọng chuẩn bị nói với đám học trò của nó thì đã thấy nó lật đật đứng dậy kéo mình vào phòng riêng. Tưởng nó muốn giữ thể diện trước học trò mới làm vậy để ngăn không cho mình nói bậy. Nhưng không phải. Vào phòng, nó hí hoáy lục trên giá sách lôi ra cuốn Những mảnh đời đen trắng mới tinh nhà xuất bản Văn học vừa in xong, ký tặng mình.
Đây là lần in thứ ba, lần tái bản thứ hai của cuốn sách.
TP.Hồ Chí Minh, 26-10-2013
NXH
—————–
*Bùi Dương Lịch (1757 – 1828), người thôn Yên Hội, xã Yên Đồng, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Nghệ An (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Đỗ Hương Cống năm 17 tuổi, đỗ Hoàng Giáp năm 30 tuổi. Viết nhiều sách, chủ yếu bằng chữ Hán, trong đó có: Nghệ An ký (Ghi chép về xứ Nghệ An), gồm 2 tập, được xem là tập đại thành của hai cuốn Nghệ An phong thổ ký và Nghệ An chí viết trước đó. Đây là một trong những tác phẩm địa chí có tiếng của Việt Nam. Đoạn trích trong bài rút từ cuốn Nghệ An ký.