Lịch Sử, Quân Sử & Huyền Thoại

NHỚ VỀ QUẢNG NGÃI 1936 - 1941 - Lê Bá Vận

(HNPD) Suốt 5 năm liền 1936-1941 thời thơ ấu, nhà cha mẹ ở trong thành cổ Quảng Ngãi, tôi đi học trường Tiểu học, xa ở ngoài thành, băng qua đồng ruộng, còn nhớ cảnh vật như in, đêm nằm mơ lắm lúc còn thấy đang đi trên các nẻo đường cũ,...



               

                           NHỚ VỀ QUẢNG NGÃI 1936 - 1941

                    

                     Image result for images for quảng ngãi núi thiên ấn

                      Núi Thiên Ấn, sông Trà Khúc – Quảng Ngãi


“Thiên Ấn niêm hà nhân tuấn kiệt,  ”天印黏河人俊杰

Cẩm Thành danh chấn tướng uy phong.”  ”锦城名震将威风o

___


PHẦN 1: Trong Thành Cổ.

PHẦN 2: Ngoài Thành Cổ.

PHẦN 3: Các Kỷ Niệm.

---


PHẦN 1: TRONG THÀNH CỔ.

Tôi đã ở Quảng Ngãi, là học sinh tiểu học từ năm 1936 đến năm 1941.

Hồi đó vào thời Pháp thuộc người ta gọi là Quảng Nghĩa.

Hết thời Pháp thuộc thì tên Quảng Nghĩa không còn, mà là Quảng Ngãi.

Từ năm 1976 đến 1989 là tỉnh Nghĩa Bình, hợp tỉnh Quảng Nghĩa và Bình Định.


Suốt 5 năm liền 1936-1941 thời thơ ấu, nhà cha mẹ ở trong thành cổ Quảng Ngãi, tôi đi học trường Tiểu học, xa ở ngoài thành, băng qua đồng ruộng, còn nhớ cảnh vật như in, đêm nằm mơ lắm lúc còn thấy đang đi trên các nẻo đường cũ, tránh các vũng nước.

Sau năm 1954 tôi đôi lần trở lại Quảng Ngãi song không tìm được dấu vết xưa vì thành cổ, nhà cửa, phố xá cũ đều bị san bằng từ năm 1947 trong thời chiến tranh.


Hồi cuối thập niên 1930 thành cổ Quảng Ngãi và khu phố xá, chợ búa chỉ chiếm một diện tích khoảng trên nửa cây số vuông (½ km2) mà đối với một đứa trẻ như tôi hồi đó thấy là rộng và dài quá sức, bắt đi mãi.

Do lúc nhỏ ở nhiều nơi, tôi biết khá rõ các thành cổ Vinh, Đồng Hới, Quảng Ngãi khi chúng còn nguyên vẹn và tất nhiên cả Kinh thành Huế.

Hai thành cổ Đồng Hới, Quảng Ngãi cùng có chu vi trên 2000m, tổng diện tích trên 26 ha, tường thành cao 4 m, có hào quanh bao bọc.

Thành cổ Quảng Trị có nhỏ hơn, thành cổ Vinh lớn hơn. Kinh thành Huế thì lớn hơn nhiều, chu vi 10 km, tường thành cao 6,6 m. Nước ta từ Bắc chí Nam có tất cả hăm chín thành cổ.


Thành Cổ Quảng Ngãi có tên gọi là Cẩm Thành.

1) Đường sá. Thị xã Quảng Ngãi trở thành bình địa năm 1947, các  đường sá trong thành cũng mất dấu tích và khi tái kiến thiết thì được thay thế bằng các đường mới, tên mới, khác vị trí cũ.

Tuy nhiên có 2 con đường tồn tại do xuất phát từ các điểm cố định là các cửa bắc, đông, tây.

Đó là con đường ngang chạy từ cửa Đông sang cửa Tây của thành cổ, nay gọi là đường Lê Trung Đình và con đường dọc chạy từ cửa Bắc xuống, thẳng góc. Hai đường này khá rộng, trải nhưa tốt, có vỉa hè cho người đi bộ, hiện nay đặt tên là Lê Trung Đình và Vũ Tùng. Các đường khác nhỏ hơn, tróc nhựa lỗ chỗ; nhà cửa hai bên đường có bờ hàng rào sát lề đường.


Vào năm 1940 trong thành cổ Quảng Ngãi có các đường hướng bắc- nam và các đường hưởng đông-tây, thẳng góc, ngay hàng thẳng lối (xem bản đồ).

Các đường đều có tên đường, để bưu điện có thể phát thơ, tuy nhiên mang tên Pháp.


2) Kiến Trúc. Trong thành cổ có nhiều công thự là cơ quan của chính quyền Bảo hộ và Nam triều cùng nhà cửa cư dân.

     2.1- Công thự.

Thời Pháp thuộc trong thành cổ Quảng Ngãi có các công thự chiếm các vị trí sau:


+Trại lính khố xanh rộng, lớn, chiếm góc Tây-Nam, sát cửa Tây thông ra phố xá.

Mặt tiền hướng bắc, cổng rộng, không có thanh chắn ngang nhưng có điếm canh và lính gác bồng súng. Tôi đi học, trường ở ngoài thành nên hàng ngày đi về qua trại lính, có đôi lần thấy các ông Tây trẻ mang lon thiếu úy, trung úy, lại có một ông mang lon quan tư dáng bệ vệ là cụ Giám, là quan giám binh. Sau ngày 9/3/1945 Nhật đảo chánh Pháp, ở Huế tôi đi học ngang khách sạn Morin ở múi cầu Tràng Tiền, liếc nhìn vào khách sạn tôi thấy đi lại trong sân nhiều tây, đầm, có cả ông giám binh xưa ở Quảng Ngãi.

Kể ra Nhật cầm giữ Pháp tập trung tạm tại Huế coi bộ cũng lỏng lẻo.


Điểm thuận lợi cho lính và thân nhân là đứng trên tường thành nhìn xuống có thể xem các trận đá banh có bán vé vào cửa và các hội hè diễn ra ở dưới, bên kia hào thành.

Các trại lính khố xanh thì luôn nằm ở góc thành, cạnh cửa thành thông ra phố xá.


+Nhà thương ở góc Đông-Bắc, sát cửa Bắc, một vài trại bệnh ở trên bờ thành.

Tôi không hề đau ốm gì lúc nhỏ để phải vào nhà thương, ngoại trừ có một tuần lễ bị lên sởi, kiêng ra gió, ở nhà nghỉ học nhưng vẫn mạnh khỏe, ăn uống bình thường.

Tôi sở dĩ biết nhà thương ở góc này vì đi qua đó hay nhìn vào, lúc tôi cùng bạn rủ nhau đi tắm ở sông Trà Khúc, phải ra cửa Bắc, đi một khúc ngắn rồi quẹo phải là tới bờ sông.


+Sở Kiểm lâm? ở góc Tây-Bắc. Nghỉ hè thì tôi lên đó học tư. Ông trưởng sở Kiểm lâm mời một thầy giáo đến dậy kèm cho các con của ông và của bạn bè được khoảng chục đứa.

Hè năm 1937 đứng trên tường thành chúng tôi nhìn xuống thấy không xa lắm, người ta lũ lượt quang gánh, cuốc xẻng đào xúc đất làm con sông đào. Rất nhộn nhịp.


+Hành Cung tọa lạc ở điểm giữa con đường nối cửa Đông và cửa Tây (nay là đường Lê Trung Đình), cùng bên với trại lính khố xanh. Đó là một ngôi nhà rộng lớn, kiểu cung đình, có nhiều cột chạm rồng quấn, nhưng nhà để trống không bày biện gì duy giữa nhà có đặt ngai vàng trên bệ, cửa mở ra một sân rộng lát đá phẳng (sân rồng), hai bên có tượng đá các quan đứng chầu và voi ngựa.

Vây quanh là tường vòng ngoài, không bít kín, thấp ngang ngực và một cổng lớn có chạm rồng gọi là “Ngọ Môn”. Hành cung là nơi vua ngự khi đi kinh lý để các quan đến chầu và cũng là nơi các quan đến bái vọng ngày lễ Vạn Thọ (sinh nhật vua) và Nguyên Đán.


Cạnh Hành cung về phía trại lính khố xanh là một bãi cỏ rộng, có 2 cây mù u lớn. Tôi thường đến đây đá banh, banh là một trái banh tennis cũ. Thỉnh thoảng đá ké được một trái banh mút (cao su mousse) lớn bằng trái bưởi của Võ Bá, con cụ Tuần vũ Võ Chuẩn mang ra chơi.

Có khi chúng tôi cũng nhảy qua bên Hành cung lượm banh đá rơi vào đó. Hành cung là nơi ra vào tự do không có bóng người canh gác, chẳng ai lai vãng; muốn đá banh trong sân có các tượng đá cũng được, nhưng ngã té thì chợt tay chân.


+Nhà Dây thép (bưu điện) nằm đối diện bãi cỏ nói trên, bên kia đường. Trước mặt nhà dây thép là một vườn hoa nên cổng trước nhà dây thép nằm cách xa đường Lê Trung Đình. Nhà dây thép có nền cao, vườn bên và sau rộng trồng nhiều cây thấp. Các thanh hàng rào quanh thì thấp.


Tôi có vào nhà dây thép vài lần, tò mò ngó chơi. Năm 1937 ông nội tôi trở bệnh nặng. Bác tôi ở Đồng Hới đánh dây thép vào, viết bằng tiếng Pháp:”Papa gravement malade, agonisant, rentrez vite.” (cha đau nặng, đang hấp hối, ra mau). Cha tôi đem theo tôi, đi tàu hỏa ra ga Thuận Lý (Đồng Hới) ngày hôm sau. Trước đó cha tôi có mua măng-đa (mandat, thư chuyển tiền) gởi về cho ông bác.

Nhà Dây thép nằm trên đường chéo nối nhà thương và trại lính khố xanh, gần trại lính hơn.

Nhà cha mẹ tôi ở chỉ cách xa vườn sau nhà Dây thép vài chục mét.


+Nhà Lao (Hỏa lò) nằm trống trải trên một bãi đất rộng nên ai cũng dễ thấy, gần sở Kiểm lâm. Đường chéo nối sở Kiểm lâm và Hành cung thì đi qua Nhà Lao rồi nhà Dây thép.

Nhà lao không rào quanh nhưng tường rất cao, bít kín, có chăng dây kẽm ở trên.

Cổng trước hướng đông, luôn đóng kín, có lính bồng súng đứng canh.

Trước nhà Lao là một sân đất rộng, thoáng, sạch sẽ do nhà pha (tù nhân) chăm sóc, làm cỏ... có

vài cây ngô đồng lớn. Trẻ con cũng có khi đến chơi ở sân đất này mà không bị xua đuổi.

Nhiều lần tôi thấy lính dắt một đám nhà pha đi làm cỏ ở các vệ đường trong thành cổ.


             ThanhCo_QuangNgai_1936-1941.jpg

Các công thự khác trong thành cổ là:

+ Sở Lục lộ (công chánh) nằm giữa trại lình khố xanh và bãi cỏ cạnh Hành cung. Cổng trước hướng bắc, luôn mở rộng, nằm tại ngã ba đường Lê Trung Đình và Trần Cầm bây giờ.

Nhìn vào sở lục lộ thì thấy các đống sỏi, đá, các thùng phuy dầu hắc và chiếc xe ru lô (hủ lô, xe lăn đường) nằm chơ vơ. Khi xe xình xịch chạy ra thì chúng tôi cũng bám theo coi.

Buổi tối lũ con nít chúng tôi thường ra tụ họp ở ngã tư, ở con đường giữa nhà Dây thép (đường Trần Cầm) và ty Phiên, ty Niết. Nơi đây có một mương cống thường cạn nước (để ngồi lên xi măng bờ cống) và một cột đèn điện, đèn sáng cả đêm và chúng tôi thi chạy đua từ đó đến ngã ba trước cửa sở Lục lộ, khoảng gần 100m, không có nhà cửa hai bên đường.


+Ty Phiên, Ty Niết (ty Bố chánh và ty Án sát) rộng lớn, nằm đối diện với trại lính khố xanh, bên kia đường. Tường gạch vòng ngoài kín mít cao ngang quá đầu, ngoài đường nhìn vào chỉ thấy các mái nhà lợp ngói và cây cối xanh um, có vẻ thâm cung, không thoáng như ở Hành cung. Chẳng biết trong đó còn có dinh thự quan lại nào khác nữa không.

Bọc quanh ty, ngoại trừ mặt tiền là một mương thường khô nước.


+Dinh Tuần vũ (quan đầu tỉnh Nam triều) nằm đối diện với Hành cung, bên kia đường. Tường vòng ngoài cũng cao, khó thấy nhà cửa bên trong, khuất trong cây lá.

Hồi đó cụ Võ Chuẩn (1895-1956) là Tuần vũ năm 1939, sau lên chức Tổng đốc Quảng Nam năm 1940, hàm Thượng thư rồi về trí sĩ. Ông là tác giả của Thạch Xuyên thi tập (石川詩集).

Viên công sứ Pháp hồi đó hình như là ông Adrien Petit.


+Trường tiểu học nữ ở gần cửa Đông, cùng bên với dinh Tuần vũ. Tôi ít đi đến cửa Đông vì trái đường, nên chỉ nhớ mang máng, cũng chưa thấy nữ học sinh quanh quẩn ở đó do giờ họ học cũng trùng giờ tôi học tại trường tiểu học nam, rất xa, ở ngoài thành cổ, phía cửa Tây.


+Sở Đạc điền? Dọc sát phía trong tường thành cổ từ cửa Tây đến sở Kiểm lâm là một công quán nhó, có vẻ như là điếm canh rồi sở Đạc điền, tiếp đến là các nhà dân. Sở Đạc điền có một dãi đất dài hẹp trước mặt, có bãi cát, cột đánh đu... khiến trẻ con hay đến chơi.

Hồi đó bà vợ của ông trưởng sở Đạc điền nặn mụt mụn ở khóe mũi, bị sưng vù mặt, đem vô nhà thương rồi chết khiến cả thị xã sợ thất thần, lo dặn bảo nhau.


+Các dinh thự khác. Các dinh công sứ; phó sứ và các quan chức Pháp thì ở phần thành cổ từ Hành cung kéo dài cho đến cửa Đông. Các dinh thự quan lại Nam triều, Đốc học, Lãnh binh … thì ở phía đối diện (?), bên kia đường Lê Trung Đình.

Khu đất bên cạnh Nhà thương có nhiều tư thất lớn, như là nhà bác sĩ giám đốc bệnh viện…

Trong thành cổ toàn công thự và nhà ở, nhưng có 4 nơi thoáng.

Đó là bãi cỏ rộng cạnh Hành cung, vườn hoa trước nhà Dây thép, sân đất trước nhà Lao, dãi đất hẹp trước sở Đạc điền, trẻ con đến vui đùa tự do.


Trong thành nếu con đường trải nhựa từ cửa Đông dẫn sang cửa Tây là đẹp và quan trọng nhất thì con đường bọc sau nhà Dây thép… là có ý nghĩa vì nó chia thành cổ ra phần phía Nam chỉ gồm công thự và phần phía Bắc có thêm nhà cửa cư dân.


     2.2 – Nhà cửa dân cư.

Cư dân trong thành khá đông, gồm gia đình và thân nhân các người làm việc nhà nước: quan lại, thông ngôn, ký lục, binh lính.

Có vẻ không có gia đình thường dân trong thành cổ nhưng chắc nếu họ muốn vào ở thì cũng chẳng ai ngăn cản gì. Bên kia đường Trần Cầm ngang nhà cha mẹ tôi ở khu đất nằm giữa ty Phiên và Nhà Lao, có một tiệm cúp tóc nhỏ (độc nhất) trong thành cổ, gọi là quán ông Nhật, có một đứa trẻ đứng kéo quạt trần lúc có khách. Ông này, tên Nhật tuổi cũng xồn xồn, nhà ở ngay sau quán với gia đình.


Người dân bình thường chỉ thích ở ngoài thành cùng bà con chòm xóm có nhau.

Trong thành thì không gian chật hẹp, cửa thành thì đóng ban đêm, đi lại bất tiện.

Ấy vậy mà nhà thương (bệnh viện) thì ở tại trong thành.


Các người làm việc nhà nước thì như khách qua đường tạm trú. Họ thường thuê, hoặc mua nhà ở trong thành, bán lại khi đổi đi nơi khác hoặc về hưu, về quê song cũng có lúc ở lại.

Cha mẹ tôi đổi vào làm việc ở Quảng Ngãi, mua nhà ở được 5 năm, vậy là khá lâu.

Phần lớn trong thành là nhà lợp tranh có sân, vườn; nhà ngói ít hơn và thường có sân vườn rất rộng, trồng nhiều cây cảnh và cây ăn quả um tùm.


Sự buôn bán trong thành cổ hầu như vắng hẳn, không có hàng quán gì mặc dầu ở vùng nơi tôi ở, có một một hai nhà sát lề đường, bày sạp bán vài thẩu kẹo cho con nít nhưng không thấy người luôn ngồi bán, ai muốn mua phải lên tiếng gọi. Một nhà đối diện với quán cúp tóc nói trên.

Buổi sáng có bà gánh bún bò quen thuộc gánh đến bán cho các nhà trong thành cổ.

Tôi nhớ tô bún là 2 xu, 3 xu, tô lớn nhiều thịt gân, sụn… là 5 xu.

Chắc là bà gánh bún từ ngoài thành vào.


Lê Bá Vận.


Chú Thích: Các đường đều gọi theo tên mới.

Thiên Ấn niêm hà là ấn trời dính dòng sông.


------------------






                      NHỚ VỀ QUẢNG NGÃI 1936 – 1941


                 Image result for images for nghề làm mía quảng ngãi


Ruộng mía – Quảng Ngãi xứ mía đường, có những cánh đồng mía bạt ngàn


PHẦN 1: Trong Thành Cổ.

PHẦN 2: Ngoài Thành Cổ.

PHẦN 3: Các Kỷ Niệm.

---


PHẦN 2: NGOÀI THÀNH CỔ.

Thành cổ Quảng Ngãi (Cẩm thành) được xây bằng đá ong, bình đồ vuông nhưng theo kiểu vô-băng (vauban) của người Pháp nên có nhiều góc lồi lõm.

Cửa thành, có vọng lâu, xây hình vòm cuốn, trổ ra tại những nơi có góc lõm của thành.

Thành cổ Quảng Ngãi có 3 cửa, cửa Bắc hướng về kinh đô Huế, cừa Đông và cửa Tây.


Bìa ngoài của thành rộng khoảng hơn 3 m là dãi đất và cỏ, tiếp theo là hào thành rộng hơn 20 m.

Hào thành mùa mưa thì đầy nước nhưng mùa khô thì chỉ có vài vũng nước nhỏ.

Bước ra mỗi cửa thành thì có cầu băng qua hào thành; cầu xây bằng đá, hình vồng để thuyền nhỏ đi qua lọt. Thành cổ Quảng Ngãi khác với các thành cổ khác trong nước, không còn giữ lại một bức hình nào chụp dưới thời Pháp thuộc.

Nếu muốn có một ý niệm về Cẩm thành xưa thì có thể xem các hình chụp lúc xưa của các thành

cổ khác, Bình Định, Vinh, Bắc Ninh, Hải Dương v.v … hoặc ra Huế, nhìn kinh thành Huế, kiến trúc tương tự, chỉ lớn, nhỏ khác nhau. (1)

Tuy nhiên kinh thành Huế quá rộng, nhìn loãng, các thành cổ khác lớn vừa, đẹp, gọn gàng.

 Image result for thành cổ vinh Image result for thành cổ bắc ninh

            +Thành cổ Vinh 1929                        +Cửa chính Thành cổ Bắc Ninh


Đường sá và nhà cửa. Ở ngoài thành các đường sá cũ vẫn tồn tại duy nay có thêm rất nhiều đường mới ở những nơi trước kia là đất trống hoặc ruộng mía.


Ngoài cửa Bắc là một thôn xóm, thời đó, có chừng trên trăm nóc nhà, phần nhiều lợp tranh.

Ngoài cửa Đông nhà cửa cũng không nhiều hơn.

Ngoài cửa Tây khác hẳn, là trung tâm thị tứ của toàn tỉnh, nhà ngói liền san sát.

Từ cửa Tây ra đến ngã tư đường Quang Trung nằm trên đường quốc lộ 1 bắc nam, dài khoảng 300 m là đường Lê Trung Đình phần ngoài thành, có 3 ngã tư: Lê Đình Cẩn, Nguyễn Bá Loan và Ngô Quyền chia đường Lê Trung Đình ngoại thành này thành ba đoạn.

Chúng ta tuần tự quan sát 3 trường hợp: 1- dọc đường Lê Trung Đình, 2- rẽ phải, 3- rẽ trái từ các ngã tư.  


             1) Dọc theo đường Lê Trung Đình


*Đoạn Lê Đình Cẩn – Nguyễn Bá Loan: hai bên đường mặt tiền đường Lê Trung Đình là các nhà  ngói, là hiệu buôn song luôn khép kín cửa, chắc chỉ để ở và để chứa hàng.


*Đoạn Nguyễn Bá Loan – Ngô Quyền: có một số nhà mở cửa, bán lặt vặt, nhiều nhất là về phía tay trái, là phía có chợ Quảng Ngãi ở ngay sau dãy phố, gần sát đường Lê Trung Đình.


*Đoạn Ngô Quyền – Quang Trung, dài nhất;  bên phía tay trái (phía nam) có nhiều tiệm lớn, có lầu, hàng hóa nhiều, sầm uất nhất, người đi lại khá đông trong khi phía tay phải (phía bắc), bên kia đường không có tiệm buôn, chỉ có các đình, miếu, chùa nhỏ.


Tuy vậy ở bên phía đình miếu chùa này rất tưng bừng vào mỗi dịp Tết.

Tết đến khắp nơi có những bàn bài vụ, cua, cá, bầu, xóc nhứt lục nhỏ… nhưng tại đây, phía đường có đình miếu chùa, lề đường rộng chỗ, nên chỉ nơi này là có thêm một dãy ba bốn sòng xóc đĩa rất lớn tập trung tại đây, tiếng các đồng tiền xóc loảng xoảng, quyến rủ cùng tiếng hô của nhà cái: “ba sấp một ngửa, lẻ thừa, bán chẵn…” luôn mấy ngày Tết, ban đêm thắp đèn măng sông, người đánh, người xem bu lại rất đông, ăn thua lớn, đoạn đường này vui nhộn nhất.

        

*Từ ngã tư Quang Trung đi thẳng thêm chưa đến 200 m lên hướng nhà ga là gặp rạp xi-nê quay mặt về hướng thành cổ, ở địa điểm mà bây giờ là Bưu điện Tp Quảng Ngãi. Nơi này thì vui, trước cửa có nhiều tấm pa-nô vẽ hình các tài tử nhất là Tarzan và các cao bồi: anh Ken, anh Jack…, trẻ con bu lại xem, có khi xin được vào cửa khi chiếu đã được nửa phim.


Tôi có vào xem phim nhiều lần, đi một mình, xem phim cao bồi, có cưỡi ngựa, bắn súng dễ hiểu và Tarzan đu cây, có cả Tarzan người Tàu ăn chuối cả vỏ. Có một phim mà tên phim bằng tiếng Anh tôi nhớ mãi mặc dầu không học tiếng Anh: “The treasure of Island” (kho tàng ở đảo) vì na ná tiếng Pháp có cảnh vai chính chạy thoát đứng trên núi nhảy đại xuống thác nước. Lại có phim: “Le dernier des Mohicans” (người Mohican cuối cùng), “Anthony Adverse”...

Hàng ngày có một xe ba gác, chở các pa-nô, rung chuông đi khắp thị xã, vào thành cổ để phát các tờ chương trình nhiều màu, quảng cáo phim chiếu.

Nhiều người say mê làm bộ sưu tập các tờ chương trình chiếu bóng (tờ programme), rất đẹp.


*Khoảnh đất hình tam giác (góc Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Phan Châu Trinh) trước rạp xi-nê là nơi hàng năm vào ngày lễ Chánh Chung là ngày Cát Tó Dzuy-dzê cách mạng Pháp (14 tháng bảy,14 Juillet), Pháp tổ chức các trò vui cho dân bản xứ như đánh đu, nhảy bị, leo cột mỡ, bịt mắt đập niêu ... là người bịt mắt cầm gậy quơ vào một dãy niêu đất treo trên giàn cao. Đập trúng bể niêu nào thì nhận phần thưởng trong niêu rơi xuống, đâp trúng niêu nước thì nước đổ ào xuống ướt cả người. Khán giả rất đông, người lớn, con nít, từ sáng đến chiều.

Đi thêm nữa thì nhà cửa hai bên đường thưa dần, song gặp thêm trại lính khố đỏ, phía tay trái (phía nam), rồi xa hơn nữa là ga Quảng Ngãi.


    ThiXa_QuangNgai_1936-1941.jpg

Khoảng năm 1940, một sân vận động đầu tiên, khá đầy đủ tiện nghi của thị xã Quảng Ngãi được xây cất trên đường đi lên ga, quá rạp xi-nê vài trăm mét, cửa mặt tiền hướng bắc. Sân vận động mới có sân banh đúng kích thước, vòng chạy đua, xà đơn, xà kép, vòng treo… bãi cát nhảy cao, nhảy xa… song không có sân tennis. Tôi có vào đó vài lần, một lần vào dịp Tết, người ta tổ chức hội chợ (kermesse) bán vé vào cửa, có nhiều gian hàng trò chơi như ném vòng vào cổ vịt, vào cổ chai...và các gian hàng tài xỉu, quay ru-lét, nhất là rao lô tô nghe vui lạ mắt và tôi lẩm nhẩm học thuộc vài câu rao. Không có sòng xóc đĩa, mà vẫn ở chỗ cũ, nơi lề đường có đình miếu.


Các năm 1940 theo chánh sách chung, không riêng gì ở Quảng Ngãi, nhiều sân vận động đã được chính quyền Pháp xây dựng cùng năm. Năm 1936 khi tôi rời Đồng Hới thì nhà ông nội và bác tôi ở trong thành cổ tại góc Tây-Nam. Ở đó có nhiều nhà dân, kéo dài cho đến cửa Nam. Thành cổ Đồng Hới có 3 cửa, Bắc, Đông và Nam. Cửa Nam thông ra phố xá.


Đầu năm 1942 tôi trở về Đồng Hới thì chưng hửng vì góc Tây Nam của thành cổ nay không còn nhà dân, tất cả đi đâu mất mà thay vào đó là một sân vận động khá lớn, buổi sáng vào mùa hè nhiều người ở ngoài thành năng vào chạy, nhảy. Lại có một sân bóng rổ gần đó, kề cửa Nam và một vườn bông cạnh Hành cung nằm ở vị trí chính giữa..


Đồng Hới đất hẹp hết chỗ, phải dời nhà cửa của dân trong thành để xây sân vận động tại góc Tây Nam, nhà Lao thì đã ở góc Tây- Bắc, trại lính góc Đông Nam.

Hiện nay sân vận động Đồng Hới mở rộng, bao trùm luôn vị trí cùa Hành cung bị phá hủy.


            2) Từ đường Lê Trung Đình rẽ phải, hướng bắc.


*Tại ngã tư Lê Đình Cần rẽ phải nhà cửa ít.


*Tại ngã tư Nguyễn Bá Loan, rẽ phải thì đông người ở và đặc biệt có nhà máy đèn của thị xã. Tôi đứng ngoài đường nhìn hướng đông, qua sân rộng, cửa nhà máy mở toang, thấy có các bánh xe sắt lớn, đen sì, quay chậm, nghe xình xịch, nhịp nhàng.

Tại khúc này hoặc gần đó, từ năm 1940 có trường tư thục Cẩm Bàn mở 2 lớp đầu của bậc trung học. Đường Nguyễn Bá Loan tiếp cận con sông đào nhưng tôi không đi xa hơn vì thấy cũng vắng.


*Tại ngã tư đường Ngô Quyền rẽ phải thấy nhà ở khá nhiều.


*Từ ngã tư Quang Trung rẽ phải đi về phía cầu Trà Khúc, hướng bắc, thì nhà cửa rải rác hai bên đường nhưng gặp đình Chánh Lộ và rạp hát (trường hát Trương Quang Luyến), nghe tiếng trống suốt ngày, trước cửa chưng bày các bảng vẽ hình đào kép lòe loẹt. Đi với mẹ, tôi có vào xem hát mấy lần, có đoàn hát Sài Gòn ra.


             3) Từ đường Lê Trung Đình rẽ trái, hướng nam.

             

*Đầu đường Lê Đình Cần, ngoài cửa Tây có vài nóc nhà nhưng toàn ở một bên đường, bên phía tây ngảnh mặt về hào thành.

Điều đặc biệt ở nơi đây, nơi múi cầu bắc qua hào là vào cơn lũ lụt, hào thành đầy tràn nước bạc, có nhiều người, có khi cả chục, đến cất rớ, mỗi người một rớ. Họ đứng trên cầu, hoặc đứng ở bờ hào sát cạnh cầu buông rớ, chốc chốc kéo cần rớ lên, mỗi lần không người này thì người khác cũng được cá vài con, có khi cũng lớn bộn. Tôi trên đường đi học ngày 2 buổi, nhất là lúc đi học về, thế nào cũng dừng lại xem họ rớ cá, thích thú.

Người ta chỉ rớ cá quanh quẩn ở múi cầu chứ không dọc theo suốt bờ hào thành, tôi không hỏi tại sao song có thể vì nơi đây nước chảy chậm trước khi chảy xiết qua vòm cầu ở dưới. Chắc rằng thiên hạ lắm người cũng đến rớ cá ở 2 cửa thành Bắc và Đông.


Đi tiếp đường Lê Đình Cẩn thì dọc 2 bên đường là bụi cây thấp thưa thớt; sau cơn mưa giữa đường có nhiều vũng nước. Gần cuối đường, phía tay phải bỗng dưng có một biệt thự lầu đứng trơ trọi, không thấy bảng hiệu, chẳng thấy người ở, nghe nói của một thương gia, chủ xe, chủ thầu gì đó.

Dọc theo hào thành, đường Lê đình Cẩn (bây giờ) cũng như xưa, gặp đường Nguyễn Khiêm chạy dọc theo bờ hào tường thành cạnh Nam.


Đường Nguyễn Khiêm chạy khá xa hào thành nên ở giữa là một bãi cỏ dài khoảng 250 m, kể từ góc Tây-Nam, dùng làm sân đá banh (chính thức) kế tiếp là một bãi tập thể dục rôi 2 sân tennis có các hàng thông bao quanh cùng 2 ki-ốt hình bát giác để các quan khách đánh tennis ngồi chơi.

Tôi chưa bắt gặp họ đánh tennis, chỉ biết có nhiều banh tennis cũ để tụi nhỏ đá banh,


Đường Nguyễn Nghiêm là một con đường đất hẹp, nhưng xe hơi chạy được, nhìn ra xa toàn là đồng ruộng, chẳng thấy nhà cửa. Người đi lại trên đường rất vắng.

Đi một đoạn ngắn, gặp đường Nguyễn Bá Loan, rẽ trái, qua một cống lớn, vẫn là đường Nguyễn Bá Loan nhưng đường xấu, gồ ghề, cong cong, hai bên toàn là ruộng mía, có khi lút đầu.

Cuối cùng đường Nguyễn Bá Loan đổi hướng, rẽ phải, chạy ngang hông trường tiểu học nam và đổ thẳng ra đường Quang Trung. Đoạn thẳng cuối này hiện nay lấy tên là đường Lê Khiết, được kéo dài và trở thành một ngã ba với đường Nguyễn Bá Loan.


*Rẽ trái ở ngã tư Nguyễn Bá Loan thì gặp đoạn đường ngắn nối giữa hai đường Lê Đình Cần và Nguyễn Bá Loan, hai bên đường đều có nhà, mái ngói. Quá đoạn đường ngắn này, sau dãy phố ở đường Lê Trung Đình là chợ Quảng Ngãi, rất vui, tôi rất thích và đi học về ghé vào chợ một mình, ngắm đủ hàng vải, hàng xén, hàng gạo, gà vịt, trái cây, hàng ăn, bánh kẹo… đủ thứ song không mua gì, chỉ xem cho vui mắt.

Từ chợ nhìn qua bờ hào thành thấy mồn một vì giữa 2 đường Nguyễn Bà Loan và Lê Đình Cần là một bãi đất trũng, dài, rộng, không có nhà cửa che khuất. Đi quá chợ thì trên đường Nguyễn Bá Loan cũng không còn nhà cửa hai bên, duy có một ngôi nhà lầu đứng biệt lập gần ngôi nhà lầu ở cuối đường Lê đình Cấn và kiến trúc tương tự.


*Ở ngã tư đường Ngô Quyền, rẽ trái, sau dãy phố đường Lê Trung Đình một đoạn thì không còn nhà cửa. Đi trên đường Quang Trung nhìn xuống cũng thấy vùng này đất bỏ trống.

*Rẽ trái, trên đường Quang Trung, có một tiệm sách sát ngã tư. Tôi thỉnh thoảng đi học hoặc về theo lối đường Quang Trung, dọc đoạn đường dài non nửa cây số đường quốc lộ 1 chỉ có đồng ruộng và vài nhà cô lập, xa nhau, mãi đến lúc gặp đường Lê Khiết thì mới thấy có khoảng hơn chục ngôi nhà liền nhau, có dọn hàng buôn bán nhỏ, trước mặt trường tiểu học nam, cổng trường mở ra ngay đường quốc lộ. Hông trường là đường Lê Khiết. Nay là một trường THPT.

Gần trường tiểu học nam, trên đường Quang Trung là nơi đặt đích đến cho cuộc đua xe đạp Hà Nội - Sài Gòn - Phnom Penh mà con hùm xám Vũ Văn Thân (Bắc) và phượng hoàng Lê Thành Các (Nam) rất nổi tiếng.

Kế trường tiểu học là công quán Bungalow lầu, hai tầng.

Rồi qua cống (cống Kiểu), trên đường quốc lộ1, gặp chùa lớn nhưng tôi thường không đi xa hơn nữa vì thấy hầu như toàn là đồng ruộng.

Tôi không thấy có nhà thờ công giáo trong thị xã hồi đó song nay tôi được biết nhà thờ đầu tiên được xây dựng năm1941 là năm tôi rời Quảng Ngãi.


Thị xã Quảng Ngãi vào cuối thập niên 1930 người thưa, đường sá ít. chỉ ngần đó nên dù còn nhỏ tôi vẫn nhớ được khá nhiều, như trên hai con đường dài Lê Trung Đình và Quang Trung thì chỉ nhà ngói, không có nhà tranh và nhiều ruộng mía trong thị xã.

Không có các số liệu cho thị xã Quảng Ngãi nhưng về toàn tỉnh, năm 1933 Quảng Ngãi có dân số là 438.699, năm 1967 là 600.487 dân.


Lê Bá Vận.


Chú Thích: Các đường đều gọi theo tên mới.

(1) LBV  “Nước Ta Hăm Chín Cổ Thành”.


       Related image

      Thành cổ, thấy được ¾, ở trên góc phải, dưới. Đường Lê Trung Đình chạy ngang.

       Image result for images for bản đồ thành phố quảng ngãi

                       Bản đồ một phần thành phố Quảng Ngãi hiện tại.


----------------------




                          NHỚ VỀ QUẢNG NGÃI 1936 – 1941

         Image result for quảng ngãi guồng xe nước

Hình 32 - Bờ xe nước (noria) Phước Lộc (Quảng Ngãi), quan trọng nhất trong tỉnh, đặc sắc bởi kích thước các bánh xe và cống dẫn nước (aqueduct); bánh xe đầu tiên bên phải ngừng quay dể sửa. (Phía sau là dãy núi).


PHẦN 1: Trong Thành Cổ.

PHẦN 2: Ngoài Thành Cổ.

PHẦN 3: Các Kỷ Niệm.


---


PHẦN 3: CÁC KỶ NIỆM.

Tôi có một số kỷ niệm thời nhỏ sống ở Quảng Ngãi trong thành cổ.

1) Trường tiểu học nam. Là học trò, tôi nói kỹ chuyện học.

Năm 1936 tôi từ Đồng Hới vào, nhà ở trong thành cổ, đi học phải ra trường nam tiểu học Quảng Ngãi ở ngoài thành. Trường nằm trên đường Quang Trung, tức là Quốc lộ 1, cách xa cửa Tây khoảng 500 m, hướng nam, theo đường chim bay.

Hông phải của trường là đường Lê Khiết, nơi đây có một cổng nhỏ có cửa đóng, mở.

Học trò thường chờ chực vào trường ở cổng này, giữa một bên là trường, có con mương nhỏ ngăn cách và bên kia đường toàn là ruộng mía.

Có 2 ông bán kẹo kéo và 2 bà bán bánh, trái luôn thấy có mặt.

Hiện nay thì nơi này là địa điểm của một trường trung học.


Trường tiểu học Quảng Ngãi tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng gần 1ha. Từ cổng trước, đường Quang Trung đi vào, phía tay phải (phía nam) là căn nhà của thầy hiệu trưởng, tiếp đến là một sân đất khá rộng rồi một tòa nhà ngói dài nằm song song với mặt tiền, nền cao, chứa các lớp học, rất thoáng, khang trang.

Đây là dãy phòng học dành cho các lớp năm (đồng ấu), lớp tư (dự bị), lớp ba (sơ đẩng) và lớp nhì đệ nhất. Tuy nhiên các danh xưng chính thức thường sử dụng tiếng Pháp: “cours enfantin, préparatoire, élémentaire, moyen première année (moyen un)”. Mỗi lớp chừng trên 40 trò.

Đằng sau tòa nhà này là sân cỏ rộng, gấp ba bốn lần sân đất phía trước, đủ chỗ cho nhiều đám học trò cùng đá banh giờ ra chơi và tập thể dục toàn trường.

Dọc theo đường Lê Khiết, sát đường, là dãy nhà, cũng lợp ngói, nhưng nền thấp, dành cho các gia đình thây cô dạy trong trường cư trú. Trước mặt nhà nào cũng có giàn hoa hoặc giàn bầu bí che khuất nhà phần nào.


Cách một quãng là đến tòa nhà ngói thứ hai, cũng nền cao, chứa 2 lớp nhì đệ nhị, 2 lớp nhất (cours moyen deuxième année/moyen deux, cours supérieur) và phòng họp của các thầy cô.

Trước mặt ngôi nhà này là bãi cỏ rộng, là sân sau của trường, hông tiếp giáp với tường rào của nhà khách bungalow. Nơi đây có nhà vệ sinh, tiếp theo là nhà ông cai trường.

Đằng sau bãi cỏ là bờ bụi thấp bước xuống ruộng mía thẳng cò.


Hồi đó học trò đi học ngày 2 buổi, sáng, chiều, trưa về nhà. Thứ năm và thứ bảy chỉ học buổi sáng, chủ nhật được nghỉ. Các lớp năm, tư, ba học các cuốn Luân lý, Quốc văn, Cách trí giáo khoa thư do Nha Học Chính Đông Pháp giao cho các ông Trần Trọng Kim, Đỗ Thận… soạn. Và  học làm các phép tính cọng trừ nhân chia, tính đố, học tiếng Pháp.

Cuối lớp ba thi bằng Sơ học yếu lược. Môn thi đầu tiên là bài viết bài ám tả (chính tả) tiếng Pháp. Viết sai 1 lỗi ám tả là trừ 4 điểm (chấm điểm tối đa 20/20), sai 5 lỗi trở lên là tự động đánh rớt không chấm các môn khác. Tuy vậy bài ám tả tiếng Pháp cũng ngắn và toàn tiếng dễ nên học trò bị rớt không nhiều và không bắt buộc phải thi đỗ để được lên lớp nhì đệ nhất học tiếp.

Thi Sơ học yếu lược đậu thi viết là đủ, không có thi vấn đáp.


Từ lớp nhì đệ nhất trở lên thì học toàn tiếng Pháp, không có giờ tiếng Việt, tôi nhớ vậy; sử ký, địa dư Việt Nam cũng học bằng tiếng Pháp nhưng có giờ chữ Hán. Cuốn sách chủ yếu là cuốn Livre Unique (sách độc bản) và học trò chuyên rèn luyện 2 môn: viết ám tả (chính tả) và làm bài luận tiếng Pháp (dictée và redaction française).  

Sau 6 năm tiểu học, học trò cuối năm lớp nhất thi bằng Tiểu học (primaire complémentaire), gọi tắt là bằng Ri-me.

Vào ngày thi, buổi sáng thi 2 môn dictée và redaction française, chiều thì tính đố, vạn vật (leçon de choses). Hai ngày sau niêm bảng yết đợt đầu cho những thí sinh đủ điểm bài dictée française. Những người bị loại là do viết ám tả có 5 lỗi nặng trở lên. Hai lỗi nhẹ thì tính 1 lỗi nặng. Thí sinh bị loại vì ám tả không nhiều, có khi không có ai.


Qua 1 hoặc 2 hôm sau, các giám khảo chấm xong bài luận Pháp văn và công bố bảng niêm yết đợt hai, qua được thì gọi là đậu français (đậu Pháp văn), lấy điểm bài ám tả và bài luận cọng lại.

Vòng hai này thí sinh bắt đầu rớt nhiều vì luận + ám tả không đủ điểm.

Hai hôm sau nữa thì có đợt ba niêm yết bảng sau khi chấm và cọng thêm điểm các môn tính đố, cách trí, đủ điểm thì goi là đậu thi viết, được vào vấn đáp, hỏi về sử ký, địa dư ..., đủ điểm nữa thì đậu luôn.

Xem ra, đỗ là coi như qua được tứ trường hồi thi cử xưa. Cái khó nhất là môn français (ám tả + luận) vì có điểm loại; tính đố, thường thức giỏi không thể bù điểm. Ngược lại làm sai nhiều ở 2 bài tính đố cũng kể như hỏng thi viết.

Bằng Ri-me không bắt buộc có để học tiếp lên bậc trung học (trường tư thục) nhưng phải có mới thi được vào các trường công lập (Khải Định và Đồng Khánh Huế, Quốc học Vinh, Qui Nhơn).

                

Với cách học như thế học trò muốn thi đậu phải rèn luyện Pháp văn. Hồi tôi học lớp nhi có một buổi tối tôi chạy láu táu vấp một ông Tây cũng đang đi vội vã. Tôi loạng choạng ngã thì ông với tay kéo dậy, làu bàu: ”Vous n’êtes pas transparent, monsieur” (thưa ông, ông không phải là trong suốt). Vậy mà tôi cũng nghe được và trả lời: ”Pardon, monsieur, c’est ma faute”  (xin lỗi ông, lỗi là của tôi). Chuyện này mà tôi nhớ mãi, chẳng thể quên.

Về các thầy cô dạy thì toàn là thầy Việt. Tôi có học với thầy Châu, thầy Hoán, cô Lê Thị Bồng trẻ nhưng rất mập béo và thầy Nguyễn văn Huân người Huế ở 2 lớp cuối.

Thầy giáo Nguyễn Kỷ hồi đó là hiệu trưởng. Học trò có làm bài vè về ông:

“Ông đốc Kỷ, đội mũ nỉ, xuống Cổ Lũy, bắt con đĩ, xài hết tỷ, cười hi hỉ, như con khỉ.

Chắc ông cũng có biết.

Thầy Lê Cảnh Đạm dạy lớp nhất cũng được nói đến nhiều. Thầy đỗ thủ khoa khóa đầu tiên của  trường Cao đẵng Thề - dục Đông Dương (ESEPIC - École Sụpérieure d'Éducation physique de l’Indochine) làm cả trường hãnh diện, nói mãi. Hai chục năm sau, ra làm việc tại Huế tôi gập lại  thầy Huân, nhận ra thầy trò và thầy Đạm nhưng thầy không biết tôi có học ở Quảng Ngãi.

Thầy Lê Cảnh Đạm cũng là một cựu học sinh trường Tiểu học Quảng Ngãi.


           ThiXa_QuangNgai_1936-1941.jpg

           

2) Sân banh hào thành. Giữa hào thành phía Nam và đường Nguyễn Nghiêm là một bãi cỏ dài khoảng 250 m, kể từ góc Tây-Nam, được dùng làm sân đá banh chính thức của thị xã mặc dù hơi hẹp chiều ngang (kích thước tiêu chuẩn sân banh: 68m/105m), kế tiếp là một bãi tập thể dục rôi 2 sân tennis có các hàng thông bao quanh cùng 2 ki-ốt hình bát giác.

Đá banh (bóng đá, túc cầu) là môn thể thao rất được ham chuộng ở Quảng Ngãi. Ngoài đường ta dễ thấy các trẻ con đá banh, với trái banh tennis cũ, có 2 cục đá làm “gôn” mỗi bên.

Xe cộ chạy ngoài đường thì quá hiếm hoặc không có, nên đá banh được bảo đảm an toàn.

Ở trường tiểu học, giờ ra chơi 15 phút là học trò chia phe đá banh.


Mỗi lần có đội banh Huế, Quảng Nam vào hay Qui Nhơn, Nha Trang ra là có bán vé vào cửa.

Người ta, hình như là lính - nước sông công lính – chở xe cam nhông, đem cọc và phên đã cất sẵn để dùng nhiều lần, đến che bít đoạn đường Nguyễn Nghiêm ngang khúc đá banh, làm một cửa ra vào, một ghi-sê bán vé và một khán đài che bạt, đặt nhiều ghế ngồi. Đường Nguyễn Nghiêm là con đường đất gồ ghề, rộng vừa đủ để xe hơi chạy, lề đường có những bụi cây thấp, bước xuống là đồng ruộng chạy dài, suốt dọc đường lên đến đường Quang Trung, không có bóng dáng nhà cửa.

Dân cư trên đường đi đến đoạn có đá banh hôm đó, bị rào chắn, phải bước xuống ruộng khô đi dọc theo đường cho đến ngã ba đường Lê Đình Cẩn.


Trong mỗi trận đấu có một ban nhạc lính túc trực một bên, dưới khán đài, mỗi lần có một bàn sút thắng vào gôn thì trỗi nhạc, kèn trống kéo dài vang dội năm, mười phút.

Khán giả đứng trên đường Nguyễn Nghiêm, hai bên khán đài nhìn xuống, một số đứng dưới bãi cỏ la hét, vỗ tay. Trong trận đấu nhiều khi banh rơi xuống hào thành, có người chực sẵn, lắm khi là khán giả chạy xuống tìm lượm banh lên dùm. Hồi đó cầu thủ Quảng Ngãi được ưa thích, nghe gọi là “anh Ngô”, tôi chưa thấy mặt. Đội cầu Qui Nhơn có “Tư Ếch/Tư S” nổi danh.

Ở Quảng Ngãi về đánh bốc (quyền Anh) thời đó có võ sĩ Đỗ Hi Sinh nổi tiếng với những trận đấu với võ sĩ có tên Tự Do ở Huế. Nghe nói võ sĩ Tự Do thắng.


Các cuộc thi điền kinh, chạy, nhảy… cũng được tổ chức tại khu đất này vì có bãi cát, trụ chăng dây… Năm 1939 trường tiểu học cho học sinh thi bằng thể thao sơ cấp, nếu đậu thì được cọng thêm điểm khi thi bằng Tiểu Học. Trường đem học sinh ra đây, chạy, nhảy cao, nhảy xa v.v… nhưng chấm thi ghi điểm là các thầy dạy trong trường chứ không ai khác.


Một sự kiện vui nhộn là ngày lễ kỷ niệm Jeanne d’Arc, một nữ anh hùng Pháp chống quân Anh ở thế kỷ 15 được tổ chức tại sân banh hào thành. Có dàn dựng quân lính 2 bên hò hét xáp trận, có quân kỵ mã, có thành Orléans bị vây hãm, và cảnh bà Jeanne d’Arc bị xử thiêu …


Năm 1940 một sân vận động mới của thị xã được xây cất trên đường Hùng Vương, cách ngã tư Quang Trung không xa và các trận đá banh bán vé từ đó được dời lên địa điểm mới.

Cũng năm 1940 một sân vận động được xây tại thị xã Đồng Hới ở góc Tây-Nam trong thành cổ. Trước đó ở Đồng Hới không có sân đá banh và không có đội đá banh như ở Quảng Ngãi, trẻ con cũng ít thấy đá banh ngoài đường, chúng đánh bi, nhảy cò cò (lò cò), đắnh căng (khăng).


Đánh bi thì trẻ con Quảng Ngãi là tài tình. Sự khác biệt là ở Đồng Hới –  Huế, đánh bi dùng một tay, hòn bi được búng ra với ngón cái; ở Quảng Ngãi đánh bi dùng 2 tay, tay này kéo lui ngón giữa của tay kia giúp bật bi, rất mạnh. Lúc mới vào Quảng Ngãi tôi thấy lạ, sau thành quen, nhưng không giỏi. Trẻ con còn ham đánh nắp keng là nắp các chai rượu bia, gõ thế nào để 2 nắp keng dính vào nhau, một úp một ngửa, và ném chỉ, là đứng xa ném thế nào để vật ném rơi gần chỉ, dính chỉ nhưng không được quá chỉ là đường thẳng vạch trên đất.


3) Pít-xin (piscine, bể bơi). Các bạn bè rủ tôi đi tắm sông vì được biết nhà nước vừa mới làm xong một pít-xin ở bờ sông Trà Khúc. Nghe ham. Đó là vào năm 1939.

Chủng tôi từ trong thành ra cửa Bắc, đi một đoạn ngắn có nhà cửa 2 bên đường, rồi quẹo phải một đoạn chỉ có bụi rậm là đến bờ sông; chỗ này xa bờ bốn năm mét là nước đã ngập đầu, tuy nhiên giữa sông, không xa lắm thì thấy có mấy cồn cát.

Pít-xin có 2 chiếc bè tre dày, bện chắc chắn, nhô ra bờ độ 10 m, đặt cách xa nhau 25m. Mỗi bè rộng 2 m, bập bềnh trên mặt nước, được neo chặt vào các cột gỗ. Có một dây thừng lớn chăng ngang nối đầu mút các bè làm giới hạn ngoài của pít-xin. Một cầu gỗ được đặt trên bè phía tay trái để trèo lên tập nhảy nhào xuống nước. Đến tắm đâu được hơn chục người, không có người canh giữ bể bơi. Tôi thấy ai ra đây thì cũng đã biết bơi nhiều ít.


Tôi chưa biết bơi, cũng chẳng có ai tập cho song nghĩ muốn tự tập thì chắc dễ thôi, bởi vậy tôi mới hăng hái đi. Tôi tự lần ra nơi nước ngập ban đầu ngang bụng, sau ngang ngực, xoay người vào bờ, hít một hơi dài, nín thở, nhắm mắt, hỏng chân rồi vẫy tay, đạp chân tứ tung bất kể loạn xạ dưới nước. Được nửa phút, tôi đứng lên thẳng người và hít thở lại bình thường. Cứ làm như vậy độ 10 lần hơn thì tay chân của tôi trở nên nhuần nhuyễn, có thể vùng vẫy có trật tự qua lại theo ý muốn.

Bước kế tiếp là tôi nín hơi, vùng vẫy cố trườn người tới trước và nửa phút sau đứng lên thì thấy mình đã tiến gần vào bờ được 0.5 m rồi 1 m… Sau đó khi tay chân đã phối hợp nhịp nhàng một lên một xuống như chó bơi, không trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thì tập ngóc và giữ đầu trên mặt nước chẳng khó.

Qua buổi thứ nhì là tôi đã bơi được, trước tiên là bơi đứng, và rồi cùng các bạn bơi ra cồn cát gần đó, cách vài chục mét, giữa sông. Chẳng trách các người ở đò tập bơi cho con là quăng đại con xuống nước, chờ xíu vớt lên. Một vài lần đưa bé tự động biết bơi.

Thì ra tập bơi coi bộ dễ, có vẻ dễ hơn tập đi xe đạp.


Cái pít-xin nhà nước làm ở bờ sông Trà Khúc hồi đó là bằng tre và gỗ, trụ cầu không phải bê tông cốt sắt, chưa hiểu trụ với lũ lụt được bao lâu nhưng cũng là đã có thiện chí.


4) Sân bay Quảng Ngãi. Năm 1940 Thế chiến 2, lính Nhật đã có mặt ở Đông Dương.

Một hôm người ta kháo nhau có một máy bay Nhật vừa đậu ở sân bay. Cả đời chưa thấy tàu bay đậu dưới đất, tôi và một người bạn nhân ngày chủ nhật, chở nhau đạp xe đạp đi coi.

Từ trong thành cổ chúng tôi đạp xe lên hướng ga Quảng Ngãi, rẽ trái đường khi gần đến ga. Bạn tôi, dân Quảng Ngãi, rành đường. Đường đất hẹp, gồ ghề, lắm nơi bụi bờ hai bên đường. Đi được khoảng thêm chừng một cây số thì chúng tôi thấy chiếc tàu bay Nhật đậu trên đám cỏ, gần dãy bụi cây thấp trước mũi máy bay, xa đường đi vài chục mét, nơi đây đất khô, rất cứng. Đó là máy bay chiến đấu? không lớn lắm, một chong chóng, không gây ấn tượng gì. Chúng tôi im lặng đứng ngắm chong chóng, cánh, buồng lái, đuôi, 2 bánh xe, không giơ tay chỉ trỏ.

Một ông Nhật mặc đồ lính Nhật đang lúi húi xách cà mèn, nhen lửa, nấu ăn cạnh máy bay, không để ý gì đến chung quanh, có cả người lớn cũng đang đứng xem, im lặng.


Tôi nhìn quanh thi chỉ là một bãi cỏ khá rộng, không thấy phi đạo; phi cơ đậu trên cỏ và đất sỏi, gần sát lối đi của người đi đường. Chẳng hiểu nơi đây có phải là sân bay thực sự không, hay là phi cơ Nhật trục trặc máy, đáp đại xuống một bãi cỏ nào đó thấy rộng! Nhưng không, vì người bạn tôi biết rõ nơi máy bay hạ cánh là sân bay và đi thẳng đến đó, không ngừng lại hỏi đường.

Hai hôm sau nghe nói máy bay bay mất, chắc ông phi công Nhật đã liên lạc sửa được máy và có thêm nhiên liệu.

Tuy vậy 2 chục năm trước, người dân Quảng Ngãi cũng đã mục kích một máy bay nhỏ của Pháp từ Tourane (Đà Nẵng) bay vào đáp xuống bãi cỏ này, phía tây chợ ông Bố, năm 1920, để phô trương và khảo sát địa hình. Lần đó viên công sứ Pháp thông báo nhắc nhở dân chúng thị xã và các huyện đến xem máy bay của mẫu quốc, các thầy cô cũng được lệnh dẫn tất cả trường lên nghênh đón, tất cả đến mấy ngàn người. Bã mía, rơm rạ được đốt lên, làm hiệu cho máy bay đáp xuống, chắc cũng để biết chiều gió.


5) Các bài hát. Thời đó trong nước chưa có đài truyền thanh. Ở thị xã Quảng Ngãi  rạp xi nê (chiếu bóng), rạp hát có loa phóng thanh những bản nhạc tây ta vang ra đường phố.

Chẳng ai dạy, nghe đâu đó tôi tự nhiên hát được nhiều bài.


*Các bài hát tiếng Pháp. Bài quốc ca Pháp ”La Marseillaise” mà học trò tất cả đều hát thuộc lòng, cũng như các bài hát suy tôn Thống chế Pétain, quốc trưởng Pháp.

Bài “Le joyeux au revoir, Tạm biệt” cả lời Pháp và lời Việt.

Bài “La Marche des étudiants” tiếng Pháp của Lưu Hữu Phước, tức là “Sinh viên/ Thanh niên hành khúc” bản tiếng Việt, cả hai bản tôi đều hát được.

Bài “J’ai deux amours”, Tôi có 2 mối tình, bản tiếng Pháp.

Bài “Riquita” bông hoa đẹp Java, tiếng Pháp....


*Các bài hát tiếng Việt. Bài “Hà nhật quân tái lai” nổi tiếng lớn. Tiếng Việt là “Ngày nào anh trở lại” nhạc réo rắt, có nhiều phiên bản tiếng Việt, hát mãi.

Một số bài rất hay, tôi hát nghêu ngao nhưng không biết tên bài, vd: “Trong chợ phiên rất lắm cô nàng. Như bấy tiên lướt thướt mơ màng...” hoặc: “Trên trời xanh tươi có bóng bao nàng tiên...” Đó là những bài hát phỏng theo nguyên bản tiếng Pháp.


*Các bản nhạc xưa: Đăng Đàn Cung, Lưu thủy, Kim tiền, Tẩu mã...


6) Các kỷ niệm khác. Tôi cùng bạn lên núi Bút vắng vẻ, trèo cây hái quả, không nhiều; lên núi Thiên Ấn, đi xe hơi, chạy vòng quanh hình xoắn ốc, lên cao dần đến đỉnh. Thật độc đáo, núi có đường xe hơi! không ngọn núi nào tương tự có được. Sườn núi chỉ có cây bụi thấp, cỏ tranh song trên đỉnh có cây cao, chùa lớn.

Tôi chạy đến tận mắt xem đào sông đào (1937) tại đường Nguyễn Bá Loan ngang góc Tây Bắc thành cổ. Mỗi gánh đất người dân đào vét từ dưới lòng sông gánh đổ lên bờ thì được trả 1 đến 2 xu tiền công, tùy, tiền do người cai thầu phát ngay tại chỗ (2 đến 5 xu ăn được một tô bún bò).

Cũng gần vùng này tôi đứng thật lâu quan sát thợ đúc gạch, các lò nung gạch hoạt động.


Từ phía sau trường tiểu học, tôi chạy ra xem giữa đồng trống trải người ta ép mía. Trâu bò thay phiên nhau đặt vào ách đi vòng quay bộ che ép mía suốt ngày.

Quảng Ngãi là xứ đường mía.

Khí hậu Quảng Ngãi nóng ẩm, thích hợp việc trồng mía. Những vùng đất thổ, đất cát, đất cao, hay đất phù sa ven sông Trà, sông Vệ thường được trồng mía.


                    Thợ nấu đường.        http://ivsquangngai.org/attachment.php?attachmentid=2304&d=1290234191

                 1- Bộ che mía, Quảng Ngãi.      2-Trâu bò kéo quay bộ che mía


Tôi đi sông Vệ, đi bộ sáng đi chiều về, thầy giáo hướng dẫn cả lớp đi thăm xem thủ công nghệ làm giấy bổn. Sông Vệ cũng có những bờ xe nước lớn như ở sông Trà Khúc.

Tôi có đi trại hè Sa Huỳnh và có đến ở một tuần lễ tại ga Thủy Thạch với ông cậu làm trưởng ga tại đó, tập đọc chữ chấm ngang trên cuộn giấy điện tín (chữ Morse) và ra đứng ngóng tàu từ ga Đức Phổ vào. Đường tàu thẳng băng, tàu hiện ra như một chấm nhỏ tít từ đường xa, lớn dần.


Thời niên thiếu tôi sống tại thành cổ Quảng Ngãi thật đẹp đẽ. Tôi trân quí những hình ảnh xưa chất phác, mộc mạc. Gây ấn tượng nhất với tôi là núi Thiên Ấn, các bờ xe nước đồ sộ trên sông Trà, các ruộng mía bạt ngàn trong thị xã.

Đọc lịch sử tôi ngưỡng mộ Quảng Ngãi là nơi anh khí non sông hun đúc sản sinh danh nhân hào kiệt.


“Thiên Ấn niêm hà nhân tuấn kiệt,

Cẩm Thành danh chấn tướng uy phong.”


Lê Bá Vận.

Cựu học sinh trường Tiểu học Quảng Ngãi 1936-1941.


 https://2.bp.blogspot.com/-pNWImbXKuRs/WbI7j_el64I/AAAAAAABLdA/KpkTfA2SiLw9kT0TZ6aLIt7PPFXLjkQ3ACKgBGAs/s640/19642349_1623638481010610_1886325451206366007_n.jpg

(125) An Nam : Thành Quảng Ngãi. Các quan ta chờ đón viên Công sứ Pháp quốc.

Hình ngobadung sưu tầm. Nhận xét : Hình này có thể vào khoảng 1910 đồng thời với “Tuấn chàng trai nước Việt”. Các quan Nam triều tại phía trong cửa Tây long trọng chờ đón viên tân công sứ Pháp đầu tỉnh đến nhậm chức. Viên công sứ đến từ quốc lộ 1, rẽ vào đường Lê Trung Đình (tên hiện nay) để vào tòa sứ ở trong thành.

Chú ý hàng rào tre bên trái, nơi mà năm 1936 là trại lính khố xanh có vòng tường gạch ngoài.

_______


Về tác giả:


                     C:\Users\Van\AppData\Local\Microsoft\Windows\Temporary Internet Files\Content.IE5\ODJ308O8\20180624_165431.jpg

     


Bàn ra tán vào (0)

Comment




  • Input symbols

NHỚ VỀ QUẢNG NGÃI 1936 - 1941 - Lê Bá Vận

(HNPD) Suốt 5 năm liền 1936-1941 thời thơ ấu, nhà cha mẹ ở trong thành cổ Quảng Ngãi, tôi đi học trường Tiểu học, xa ở ngoài thành, băng qua đồng ruộng, còn nhớ cảnh vật như in, đêm nằm mơ lắm lúc còn thấy đang đi trên các nẻo đường cũ,...



               

                           NHỚ VỀ QUẢNG NGÃI 1936 - 1941

                    

                     Image result for images for quảng ngãi núi thiên ấn

                      Núi Thiên Ấn, sông Trà Khúc – Quảng Ngãi


“Thiên Ấn niêm hà nhân tuấn kiệt,  ”天印黏河人俊杰

Cẩm Thành danh chấn tướng uy phong.”  ”锦城名震将威风o

___


PHẦN 1: Trong Thành Cổ.

PHẦN 2: Ngoài Thành Cổ.

PHẦN 3: Các Kỷ Niệm.

---


PHẦN 1: TRONG THÀNH CỔ.

Tôi đã ở Quảng Ngãi, là học sinh tiểu học từ năm 1936 đến năm 1941.

Hồi đó vào thời Pháp thuộc người ta gọi là Quảng Nghĩa.

Hết thời Pháp thuộc thì tên Quảng Nghĩa không còn, mà là Quảng Ngãi.

Từ năm 1976 đến 1989 là tỉnh Nghĩa Bình, hợp tỉnh Quảng Nghĩa và Bình Định.


Suốt 5 năm liền 1936-1941 thời thơ ấu, nhà cha mẹ ở trong thành cổ Quảng Ngãi, tôi đi học trường Tiểu học, xa ở ngoài thành, băng qua đồng ruộng, còn nhớ cảnh vật như in, đêm nằm mơ lắm lúc còn thấy đang đi trên các nẻo đường cũ, tránh các vũng nước.

Sau năm 1954 tôi đôi lần trở lại Quảng Ngãi song không tìm được dấu vết xưa vì thành cổ, nhà cửa, phố xá cũ đều bị san bằng từ năm 1947 trong thời chiến tranh.


Hồi cuối thập niên 1930 thành cổ Quảng Ngãi và khu phố xá, chợ búa chỉ chiếm một diện tích khoảng trên nửa cây số vuông (½ km2) mà đối với một đứa trẻ như tôi hồi đó thấy là rộng và dài quá sức, bắt đi mãi.

Do lúc nhỏ ở nhiều nơi, tôi biết khá rõ các thành cổ Vinh, Đồng Hới, Quảng Ngãi khi chúng còn nguyên vẹn và tất nhiên cả Kinh thành Huế.

Hai thành cổ Đồng Hới, Quảng Ngãi cùng có chu vi trên 2000m, tổng diện tích trên 26 ha, tường thành cao 4 m, có hào quanh bao bọc.

Thành cổ Quảng Trị có nhỏ hơn, thành cổ Vinh lớn hơn. Kinh thành Huế thì lớn hơn nhiều, chu vi 10 km, tường thành cao 6,6 m. Nước ta từ Bắc chí Nam có tất cả hăm chín thành cổ.


Thành Cổ Quảng Ngãi có tên gọi là Cẩm Thành.

1) Đường sá. Thị xã Quảng Ngãi trở thành bình địa năm 1947, các  đường sá trong thành cũng mất dấu tích và khi tái kiến thiết thì được thay thế bằng các đường mới, tên mới, khác vị trí cũ.

Tuy nhiên có 2 con đường tồn tại do xuất phát từ các điểm cố định là các cửa bắc, đông, tây.

Đó là con đường ngang chạy từ cửa Đông sang cửa Tây của thành cổ, nay gọi là đường Lê Trung Đình và con đường dọc chạy từ cửa Bắc xuống, thẳng góc. Hai đường này khá rộng, trải nhưa tốt, có vỉa hè cho người đi bộ, hiện nay đặt tên là Lê Trung Đình và Vũ Tùng. Các đường khác nhỏ hơn, tróc nhựa lỗ chỗ; nhà cửa hai bên đường có bờ hàng rào sát lề đường.


Vào năm 1940 trong thành cổ Quảng Ngãi có các đường hướng bắc- nam và các đường hưởng đông-tây, thẳng góc, ngay hàng thẳng lối (xem bản đồ).

Các đường đều có tên đường, để bưu điện có thể phát thơ, tuy nhiên mang tên Pháp.


2) Kiến Trúc. Trong thành cổ có nhiều công thự là cơ quan của chính quyền Bảo hộ và Nam triều cùng nhà cửa cư dân.

     2.1- Công thự.

Thời Pháp thuộc trong thành cổ Quảng Ngãi có các công thự chiếm các vị trí sau:


+Trại lính khố xanh rộng, lớn, chiếm góc Tây-Nam, sát cửa Tây thông ra phố xá.

Mặt tiền hướng bắc, cổng rộng, không có thanh chắn ngang nhưng có điếm canh và lính gác bồng súng. Tôi đi học, trường ở ngoài thành nên hàng ngày đi về qua trại lính, có đôi lần thấy các ông Tây trẻ mang lon thiếu úy, trung úy, lại có một ông mang lon quan tư dáng bệ vệ là cụ Giám, là quan giám binh. Sau ngày 9/3/1945 Nhật đảo chánh Pháp, ở Huế tôi đi học ngang khách sạn Morin ở múi cầu Tràng Tiền, liếc nhìn vào khách sạn tôi thấy đi lại trong sân nhiều tây, đầm, có cả ông giám binh xưa ở Quảng Ngãi.

Kể ra Nhật cầm giữ Pháp tập trung tạm tại Huế coi bộ cũng lỏng lẻo.


Điểm thuận lợi cho lính và thân nhân là đứng trên tường thành nhìn xuống có thể xem các trận đá banh có bán vé vào cửa và các hội hè diễn ra ở dưới, bên kia hào thành.

Các trại lính khố xanh thì luôn nằm ở góc thành, cạnh cửa thành thông ra phố xá.


+Nhà thương ở góc Đông-Bắc, sát cửa Bắc, một vài trại bệnh ở trên bờ thành.

Tôi không hề đau ốm gì lúc nhỏ để phải vào nhà thương, ngoại trừ có một tuần lễ bị lên sởi, kiêng ra gió, ở nhà nghỉ học nhưng vẫn mạnh khỏe, ăn uống bình thường.

Tôi sở dĩ biết nhà thương ở góc này vì đi qua đó hay nhìn vào, lúc tôi cùng bạn rủ nhau đi tắm ở sông Trà Khúc, phải ra cửa Bắc, đi một khúc ngắn rồi quẹo phải là tới bờ sông.


+Sở Kiểm lâm? ở góc Tây-Bắc. Nghỉ hè thì tôi lên đó học tư. Ông trưởng sở Kiểm lâm mời một thầy giáo đến dậy kèm cho các con của ông và của bạn bè được khoảng chục đứa.

Hè năm 1937 đứng trên tường thành chúng tôi nhìn xuống thấy không xa lắm, người ta lũ lượt quang gánh, cuốc xẻng đào xúc đất làm con sông đào. Rất nhộn nhịp.


+Hành Cung tọa lạc ở điểm giữa con đường nối cửa Đông và cửa Tây (nay là đường Lê Trung Đình), cùng bên với trại lính khố xanh. Đó là một ngôi nhà rộng lớn, kiểu cung đình, có nhiều cột chạm rồng quấn, nhưng nhà để trống không bày biện gì duy giữa nhà có đặt ngai vàng trên bệ, cửa mở ra một sân rộng lát đá phẳng (sân rồng), hai bên có tượng đá các quan đứng chầu và voi ngựa.

Vây quanh là tường vòng ngoài, không bít kín, thấp ngang ngực và một cổng lớn có chạm rồng gọi là “Ngọ Môn”. Hành cung là nơi vua ngự khi đi kinh lý để các quan đến chầu và cũng là nơi các quan đến bái vọng ngày lễ Vạn Thọ (sinh nhật vua) và Nguyên Đán.


Cạnh Hành cung về phía trại lính khố xanh là một bãi cỏ rộng, có 2 cây mù u lớn. Tôi thường đến đây đá banh, banh là một trái banh tennis cũ. Thỉnh thoảng đá ké được một trái banh mút (cao su mousse) lớn bằng trái bưởi của Võ Bá, con cụ Tuần vũ Võ Chuẩn mang ra chơi.

Có khi chúng tôi cũng nhảy qua bên Hành cung lượm banh đá rơi vào đó. Hành cung là nơi ra vào tự do không có bóng người canh gác, chẳng ai lai vãng; muốn đá banh trong sân có các tượng đá cũng được, nhưng ngã té thì chợt tay chân.


+Nhà Dây thép (bưu điện) nằm đối diện bãi cỏ nói trên, bên kia đường. Trước mặt nhà dây thép là một vườn hoa nên cổng trước nhà dây thép nằm cách xa đường Lê Trung Đình. Nhà dây thép có nền cao, vườn bên và sau rộng trồng nhiều cây thấp. Các thanh hàng rào quanh thì thấp.


Tôi có vào nhà dây thép vài lần, tò mò ngó chơi. Năm 1937 ông nội tôi trở bệnh nặng. Bác tôi ở Đồng Hới đánh dây thép vào, viết bằng tiếng Pháp:”Papa gravement malade, agonisant, rentrez vite.” (cha đau nặng, đang hấp hối, ra mau). Cha tôi đem theo tôi, đi tàu hỏa ra ga Thuận Lý (Đồng Hới) ngày hôm sau. Trước đó cha tôi có mua măng-đa (mandat, thư chuyển tiền) gởi về cho ông bác.

Nhà Dây thép nằm trên đường chéo nối nhà thương và trại lính khố xanh, gần trại lính hơn.

Nhà cha mẹ tôi ở chỉ cách xa vườn sau nhà Dây thép vài chục mét.


+Nhà Lao (Hỏa lò) nằm trống trải trên một bãi đất rộng nên ai cũng dễ thấy, gần sở Kiểm lâm. Đường chéo nối sở Kiểm lâm và Hành cung thì đi qua Nhà Lao rồi nhà Dây thép.

Nhà lao không rào quanh nhưng tường rất cao, bít kín, có chăng dây kẽm ở trên.

Cổng trước hướng đông, luôn đóng kín, có lính bồng súng đứng canh.

Trước nhà Lao là một sân đất rộng, thoáng, sạch sẽ do nhà pha (tù nhân) chăm sóc, làm cỏ... có

vài cây ngô đồng lớn. Trẻ con cũng có khi đến chơi ở sân đất này mà không bị xua đuổi.

Nhiều lần tôi thấy lính dắt một đám nhà pha đi làm cỏ ở các vệ đường trong thành cổ.


             ThanhCo_QuangNgai_1936-1941.jpg

Các công thự khác trong thành cổ là:

+ Sở Lục lộ (công chánh) nằm giữa trại lình khố xanh và bãi cỏ cạnh Hành cung. Cổng trước hướng bắc, luôn mở rộng, nằm tại ngã ba đường Lê Trung Đình và Trần Cầm bây giờ.

Nhìn vào sở lục lộ thì thấy các đống sỏi, đá, các thùng phuy dầu hắc và chiếc xe ru lô (hủ lô, xe lăn đường) nằm chơ vơ. Khi xe xình xịch chạy ra thì chúng tôi cũng bám theo coi.

Buổi tối lũ con nít chúng tôi thường ra tụ họp ở ngã tư, ở con đường giữa nhà Dây thép (đường Trần Cầm) và ty Phiên, ty Niết. Nơi đây có một mương cống thường cạn nước (để ngồi lên xi măng bờ cống) và một cột đèn điện, đèn sáng cả đêm và chúng tôi thi chạy đua từ đó đến ngã ba trước cửa sở Lục lộ, khoảng gần 100m, không có nhà cửa hai bên đường.


+Ty Phiên, Ty Niết (ty Bố chánh và ty Án sát) rộng lớn, nằm đối diện với trại lính khố xanh, bên kia đường. Tường gạch vòng ngoài kín mít cao ngang quá đầu, ngoài đường nhìn vào chỉ thấy các mái nhà lợp ngói và cây cối xanh um, có vẻ thâm cung, không thoáng như ở Hành cung. Chẳng biết trong đó còn có dinh thự quan lại nào khác nữa không.

Bọc quanh ty, ngoại trừ mặt tiền là một mương thường khô nước.


+Dinh Tuần vũ (quan đầu tỉnh Nam triều) nằm đối diện với Hành cung, bên kia đường. Tường vòng ngoài cũng cao, khó thấy nhà cửa bên trong, khuất trong cây lá.

Hồi đó cụ Võ Chuẩn (1895-1956) là Tuần vũ năm 1939, sau lên chức Tổng đốc Quảng Nam năm 1940, hàm Thượng thư rồi về trí sĩ. Ông là tác giả của Thạch Xuyên thi tập (石川詩集).

Viên công sứ Pháp hồi đó hình như là ông Adrien Petit.


+Trường tiểu học nữ ở gần cửa Đông, cùng bên với dinh Tuần vũ. Tôi ít đi đến cửa Đông vì trái đường, nên chỉ nhớ mang máng, cũng chưa thấy nữ học sinh quanh quẩn ở đó do giờ họ học cũng trùng giờ tôi học tại trường tiểu học nam, rất xa, ở ngoài thành cổ, phía cửa Tây.


+Sở Đạc điền? Dọc sát phía trong tường thành cổ từ cửa Tây đến sở Kiểm lâm là một công quán nhó, có vẻ như là điếm canh rồi sở Đạc điền, tiếp đến là các nhà dân. Sở Đạc điền có một dãi đất dài hẹp trước mặt, có bãi cát, cột đánh đu... khiến trẻ con hay đến chơi.

Hồi đó bà vợ của ông trưởng sở Đạc điền nặn mụt mụn ở khóe mũi, bị sưng vù mặt, đem vô nhà thương rồi chết khiến cả thị xã sợ thất thần, lo dặn bảo nhau.


+Các dinh thự khác. Các dinh công sứ; phó sứ và các quan chức Pháp thì ở phần thành cổ từ Hành cung kéo dài cho đến cửa Đông. Các dinh thự quan lại Nam triều, Đốc học, Lãnh binh … thì ở phía đối diện (?), bên kia đường Lê Trung Đình.

Khu đất bên cạnh Nhà thương có nhiều tư thất lớn, như là nhà bác sĩ giám đốc bệnh viện…

Trong thành cổ toàn công thự và nhà ở, nhưng có 4 nơi thoáng.

Đó là bãi cỏ rộng cạnh Hành cung, vườn hoa trước nhà Dây thép, sân đất trước nhà Lao, dãi đất hẹp trước sở Đạc điền, trẻ con đến vui đùa tự do.


Trong thành nếu con đường trải nhựa từ cửa Đông dẫn sang cửa Tây là đẹp và quan trọng nhất thì con đường bọc sau nhà Dây thép… là có ý nghĩa vì nó chia thành cổ ra phần phía Nam chỉ gồm công thự và phần phía Bắc có thêm nhà cửa cư dân.


     2.2 – Nhà cửa dân cư.

Cư dân trong thành khá đông, gồm gia đình và thân nhân các người làm việc nhà nước: quan lại, thông ngôn, ký lục, binh lính.

Có vẻ không có gia đình thường dân trong thành cổ nhưng chắc nếu họ muốn vào ở thì cũng chẳng ai ngăn cản gì. Bên kia đường Trần Cầm ngang nhà cha mẹ tôi ở khu đất nằm giữa ty Phiên và Nhà Lao, có một tiệm cúp tóc nhỏ (độc nhất) trong thành cổ, gọi là quán ông Nhật, có một đứa trẻ đứng kéo quạt trần lúc có khách. Ông này, tên Nhật tuổi cũng xồn xồn, nhà ở ngay sau quán với gia đình.


Người dân bình thường chỉ thích ở ngoài thành cùng bà con chòm xóm có nhau.

Trong thành thì không gian chật hẹp, cửa thành thì đóng ban đêm, đi lại bất tiện.

Ấy vậy mà nhà thương (bệnh viện) thì ở tại trong thành.


Các người làm việc nhà nước thì như khách qua đường tạm trú. Họ thường thuê, hoặc mua nhà ở trong thành, bán lại khi đổi đi nơi khác hoặc về hưu, về quê song cũng có lúc ở lại.

Cha mẹ tôi đổi vào làm việc ở Quảng Ngãi, mua nhà ở được 5 năm, vậy là khá lâu.

Phần lớn trong thành là nhà lợp tranh có sân, vườn; nhà ngói ít hơn và thường có sân vườn rất rộng, trồng nhiều cây cảnh và cây ăn quả um tùm.


Sự buôn bán trong thành cổ hầu như vắng hẳn, không có hàng quán gì mặc dầu ở vùng nơi tôi ở, có một một hai nhà sát lề đường, bày sạp bán vài thẩu kẹo cho con nít nhưng không thấy người luôn ngồi bán, ai muốn mua phải lên tiếng gọi. Một nhà đối diện với quán cúp tóc nói trên.

Buổi sáng có bà gánh bún bò quen thuộc gánh đến bán cho các nhà trong thành cổ.

Tôi nhớ tô bún là 2 xu, 3 xu, tô lớn nhiều thịt gân, sụn… là 5 xu.

Chắc là bà gánh bún từ ngoài thành vào.


Lê Bá Vận.


Chú Thích: Các đường đều gọi theo tên mới.

Thiên Ấn niêm hà là ấn trời dính dòng sông.


------------------






                      NHỚ VỀ QUẢNG NGÃI 1936 – 1941


                 Image result for images for nghề làm mía quảng ngãi


Ruộng mía – Quảng Ngãi xứ mía đường, có những cánh đồng mía bạt ngàn


PHẦN 1: Trong Thành Cổ.

PHẦN 2: Ngoài Thành Cổ.

PHẦN 3: Các Kỷ Niệm.

---


PHẦN 2: NGOÀI THÀNH CỔ.

Thành cổ Quảng Ngãi (Cẩm thành) được xây bằng đá ong, bình đồ vuông nhưng theo kiểu vô-băng (vauban) của người Pháp nên có nhiều góc lồi lõm.

Cửa thành, có vọng lâu, xây hình vòm cuốn, trổ ra tại những nơi có góc lõm của thành.

Thành cổ Quảng Ngãi có 3 cửa, cửa Bắc hướng về kinh đô Huế, cừa Đông và cửa Tây.


Bìa ngoài của thành rộng khoảng hơn 3 m là dãi đất và cỏ, tiếp theo là hào thành rộng hơn 20 m.

Hào thành mùa mưa thì đầy nước nhưng mùa khô thì chỉ có vài vũng nước nhỏ.

Bước ra mỗi cửa thành thì có cầu băng qua hào thành; cầu xây bằng đá, hình vồng để thuyền nhỏ đi qua lọt. Thành cổ Quảng Ngãi khác với các thành cổ khác trong nước, không còn giữ lại một bức hình nào chụp dưới thời Pháp thuộc.

Nếu muốn có một ý niệm về Cẩm thành xưa thì có thể xem các hình chụp lúc xưa của các thành

cổ khác, Bình Định, Vinh, Bắc Ninh, Hải Dương v.v … hoặc ra Huế, nhìn kinh thành Huế, kiến trúc tương tự, chỉ lớn, nhỏ khác nhau. (1)

Tuy nhiên kinh thành Huế quá rộng, nhìn loãng, các thành cổ khác lớn vừa, đẹp, gọn gàng.

 Image result for thành cổ vinh Image result for thành cổ bắc ninh

            +Thành cổ Vinh 1929                        +Cửa chính Thành cổ Bắc Ninh


Đường sá và nhà cửa. Ở ngoài thành các đường sá cũ vẫn tồn tại duy nay có thêm rất nhiều đường mới ở những nơi trước kia là đất trống hoặc ruộng mía.


Ngoài cửa Bắc là một thôn xóm, thời đó, có chừng trên trăm nóc nhà, phần nhiều lợp tranh.

Ngoài cửa Đông nhà cửa cũng không nhiều hơn.

Ngoài cửa Tây khác hẳn, là trung tâm thị tứ của toàn tỉnh, nhà ngói liền san sát.

Từ cửa Tây ra đến ngã tư đường Quang Trung nằm trên đường quốc lộ 1 bắc nam, dài khoảng 300 m là đường Lê Trung Đình phần ngoài thành, có 3 ngã tư: Lê Đình Cẩn, Nguyễn Bá Loan và Ngô Quyền chia đường Lê Trung Đình ngoại thành này thành ba đoạn.

Chúng ta tuần tự quan sát 3 trường hợp: 1- dọc đường Lê Trung Đình, 2- rẽ phải, 3- rẽ trái từ các ngã tư.  


             1) Dọc theo đường Lê Trung Đình


*Đoạn Lê Đình Cẩn – Nguyễn Bá Loan: hai bên đường mặt tiền đường Lê Trung Đình là các nhà  ngói, là hiệu buôn song luôn khép kín cửa, chắc chỉ để ở và để chứa hàng.


*Đoạn Nguyễn Bá Loan – Ngô Quyền: có một số nhà mở cửa, bán lặt vặt, nhiều nhất là về phía tay trái, là phía có chợ Quảng Ngãi ở ngay sau dãy phố, gần sát đường Lê Trung Đình.


*Đoạn Ngô Quyền – Quang Trung, dài nhất;  bên phía tay trái (phía nam) có nhiều tiệm lớn, có lầu, hàng hóa nhiều, sầm uất nhất, người đi lại khá đông trong khi phía tay phải (phía bắc), bên kia đường không có tiệm buôn, chỉ có các đình, miếu, chùa nhỏ.


Tuy vậy ở bên phía đình miếu chùa này rất tưng bừng vào mỗi dịp Tết.

Tết đến khắp nơi có những bàn bài vụ, cua, cá, bầu, xóc nhứt lục nhỏ… nhưng tại đây, phía đường có đình miếu chùa, lề đường rộng chỗ, nên chỉ nơi này là có thêm một dãy ba bốn sòng xóc đĩa rất lớn tập trung tại đây, tiếng các đồng tiền xóc loảng xoảng, quyến rủ cùng tiếng hô của nhà cái: “ba sấp một ngửa, lẻ thừa, bán chẵn…” luôn mấy ngày Tết, ban đêm thắp đèn măng sông, người đánh, người xem bu lại rất đông, ăn thua lớn, đoạn đường này vui nhộn nhất.

        

*Từ ngã tư Quang Trung đi thẳng thêm chưa đến 200 m lên hướng nhà ga là gặp rạp xi-nê quay mặt về hướng thành cổ, ở địa điểm mà bây giờ là Bưu điện Tp Quảng Ngãi. Nơi này thì vui, trước cửa có nhiều tấm pa-nô vẽ hình các tài tử nhất là Tarzan và các cao bồi: anh Ken, anh Jack…, trẻ con bu lại xem, có khi xin được vào cửa khi chiếu đã được nửa phim.


Tôi có vào xem phim nhiều lần, đi một mình, xem phim cao bồi, có cưỡi ngựa, bắn súng dễ hiểu và Tarzan đu cây, có cả Tarzan người Tàu ăn chuối cả vỏ. Có một phim mà tên phim bằng tiếng Anh tôi nhớ mãi mặc dầu không học tiếng Anh: “The treasure of Island” (kho tàng ở đảo) vì na ná tiếng Pháp có cảnh vai chính chạy thoát đứng trên núi nhảy đại xuống thác nước. Lại có phim: “Le dernier des Mohicans” (người Mohican cuối cùng), “Anthony Adverse”...

Hàng ngày có một xe ba gác, chở các pa-nô, rung chuông đi khắp thị xã, vào thành cổ để phát các tờ chương trình nhiều màu, quảng cáo phim chiếu.

Nhiều người say mê làm bộ sưu tập các tờ chương trình chiếu bóng (tờ programme), rất đẹp.


*Khoảnh đất hình tam giác (góc Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Phan Châu Trinh) trước rạp xi-nê là nơi hàng năm vào ngày lễ Chánh Chung là ngày Cát Tó Dzuy-dzê cách mạng Pháp (14 tháng bảy,14 Juillet), Pháp tổ chức các trò vui cho dân bản xứ như đánh đu, nhảy bị, leo cột mỡ, bịt mắt đập niêu ... là người bịt mắt cầm gậy quơ vào một dãy niêu đất treo trên giàn cao. Đập trúng bể niêu nào thì nhận phần thưởng trong niêu rơi xuống, đâp trúng niêu nước thì nước đổ ào xuống ướt cả người. Khán giả rất đông, người lớn, con nít, từ sáng đến chiều.

Đi thêm nữa thì nhà cửa hai bên đường thưa dần, song gặp thêm trại lính khố đỏ, phía tay trái (phía nam), rồi xa hơn nữa là ga Quảng Ngãi.


    ThiXa_QuangNgai_1936-1941.jpg

Khoảng năm 1940, một sân vận động đầu tiên, khá đầy đủ tiện nghi của thị xã Quảng Ngãi được xây cất trên đường đi lên ga, quá rạp xi-nê vài trăm mét, cửa mặt tiền hướng bắc. Sân vận động mới có sân banh đúng kích thước, vòng chạy đua, xà đơn, xà kép, vòng treo… bãi cát nhảy cao, nhảy xa… song không có sân tennis. Tôi có vào đó vài lần, một lần vào dịp Tết, người ta tổ chức hội chợ (kermesse) bán vé vào cửa, có nhiều gian hàng trò chơi như ném vòng vào cổ vịt, vào cổ chai...và các gian hàng tài xỉu, quay ru-lét, nhất là rao lô tô nghe vui lạ mắt và tôi lẩm nhẩm học thuộc vài câu rao. Không có sòng xóc đĩa, mà vẫn ở chỗ cũ, nơi lề đường có đình miếu.


Các năm 1940 theo chánh sách chung, không riêng gì ở Quảng Ngãi, nhiều sân vận động đã được chính quyền Pháp xây dựng cùng năm. Năm 1936 khi tôi rời Đồng Hới thì nhà ông nội và bác tôi ở trong thành cổ tại góc Tây-Nam. Ở đó có nhiều nhà dân, kéo dài cho đến cửa Nam. Thành cổ Đồng Hới có 3 cửa, Bắc, Đông và Nam. Cửa Nam thông ra phố xá.


Đầu năm 1942 tôi trở về Đồng Hới thì chưng hửng vì góc Tây Nam của thành cổ nay không còn nhà dân, tất cả đi đâu mất mà thay vào đó là một sân vận động khá lớn, buổi sáng vào mùa hè nhiều người ở ngoài thành năng vào chạy, nhảy. Lại có một sân bóng rổ gần đó, kề cửa Nam và một vườn bông cạnh Hành cung nằm ở vị trí chính giữa..


Đồng Hới đất hẹp hết chỗ, phải dời nhà cửa của dân trong thành để xây sân vận động tại góc Tây Nam, nhà Lao thì đã ở góc Tây- Bắc, trại lính góc Đông Nam.

Hiện nay sân vận động Đồng Hới mở rộng, bao trùm luôn vị trí cùa Hành cung bị phá hủy.


            2) Từ đường Lê Trung Đình rẽ phải, hướng bắc.


*Tại ngã tư Lê Đình Cần rẽ phải nhà cửa ít.


*Tại ngã tư Nguyễn Bá Loan, rẽ phải thì đông người ở và đặc biệt có nhà máy đèn của thị xã. Tôi đứng ngoài đường nhìn hướng đông, qua sân rộng, cửa nhà máy mở toang, thấy có các bánh xe sắt lớn, đen sì, quay chậm, nghe xình xịch, nhịp nhàng.

Tại khúc này hoặc gần đó, từ năm 1940 có trường tư thục Cẩm Bàn mở 2 lớp đầu của bậc trung học. Đường Nguyễn Bá Loan tiếp cận con sông đào nhưng tôi không đi xa hơn vì thấy cũng vắng.


*Tại ngã tư đường Ngô Quyền rẽ phải thấy nhà ở khá nhiều.


*Từ ngã tư Quang Trung rẽ phải đi về phía cầu Trà Khúc, hướng bắc, thì nhà cửa rải rác hai bên đường nhưng gặp đình Chánh Lộ và rạp hát (trường hát Trương Quang Luyến), nghe tiếng trống suốt ngày, trước cửa chưng bày các bảng vẽ hình đào kép lòe loẹt. Đi với mẹ, tôi có vào xem hát mấy lần, có đoàn hát Sài Gòn ra.


             3) Từ đường Lê Trung Đình rẽ trái, hướng nam.

             

*Đầu đường Lê Đình Cần, ngoài cửa Tây có vài nóc nhà nhưng toàn ở một bên đường, bên phía tây ngảnh mặt về hào thành.

Điều đặc biệt ở nơi đây, nơi múi cầu bắc qua hào là vào cơn lũ lụt, hào thành đầy tràn nước bạc, có nhiều người, có khi cả chục, đến cất rớ, mỗi người một rớ. Họ đứng trên cầu, hoặc đứng ở bờ hào sát cạnh cầu buông rớ, chốc chốc kéo cần rớ lên, mỗi lần không người này thì người khác cũng được cá vài con, có khi cũng lớn bộn. Tôi trên đường đi học ngày 2 buổi, nhất là lúc đi học về, thế nào cũng dừng lại xem họ rớ cá, thích thú.

Người ta chỉ rớ cá quanh quẩn ở múi cầu chứ không dọc theo suốt bờ hào thành, tôi không hỏi tại sao song có thể vì nơi đây nước chảy chậm trước khi chảy xiết qua vòm cầu ở dưới. Chắc rằng thiên hạ lắm người cũng đến rớ cá ở 2 cửa thành Bắc và Đông.


Đi tiếp đường Lê Đình Cẩn thì dọc 2 bên đường là bụi cây thấp thưa thớt; sau cơn mưa giữa đường có nhiều vũng nước. Gần cuối đường, phía tay phải bỗng dưng có một biệt thự lầu đứng trơ trọi, không thấy bảng hiệu, chẳng thấy người ở, nghe nói của một thương gia, chủ xe, chủ thầu gì đó.

Dọc theo hào thành, đường Lê đình Cẩn (bây giờ) cũng như xưa, gặp đường Nguyễn Khiêm chạy dọc theo bờ hào tường thành cạnh Nam.


Đường Nguyễn Khiêm chạy khá xa hào thành nên ở giữa là một bãi cỏ dài khoảng 250 m, kể từ góc Tây-Nam, dùng làm sân đá banh (chính thức) kế tiếp là một bãi tập thể dục rôi 2 sân tennis có các hàng thông bao quanh cùng 2 ki-ốt hình bát giác để các quan khách đánh tennis ngồi chơi.

Tôi chưa bắt gặp họ đánh tennis, chỉ biết có nhiều banh tennis cũ để tụi nhỏ đá banh,


Đường Nguyễn Nghiêm là một con đường đất hẹp, nhưng xe hơi chạy được, nhìn ra xa toàn là đồng ruộng, chẳng thấy nhà cửa. Người đi lại trên đường rất vắng.

Đi một đoạn ngắn, gặp đường Nguyễn Bá Loan, rẽ trái, qua một cống lớn, vẫn là đường Nguyễn Bá Loan nhưng đường xấu, gồ ghề, cong cong, hai bên toàn là ruộng mía, có khi lút đầu.

Cuối cùng đường Nguyễn Bá Loan đổi hướng, rẽ phải, chạy ngang hông trường tiểu học nam và đổ thẳng ra đường Quang Trung. Đoạn thẳng cuối này hiện nay lấy tên là đường Lê Khiết, được kéo dài và trở thành một ngã ba với đường Nguyễn Bá Loan.


*Rẽ trái ở ngã tư Nguyễn Bá Loan thì gặp đoạn đường ngắn nối giữa hai đường Lê Đình Cần và Nguyễn Bá Loan, hai bên đường đều có nhà, mái ngói. Quá đoạn đường ngắn này, sau dãy phố ở đường Lê Trung Đình là chợ Quảng Ngãi, rất vui, tôi rất thích và đi học về ghé vào chợ một mình, ngắm đủ hàng vải, hàng xén, hàng gạo, gà vịt, trái cây, hàng ăn, bánh kẹo… đủ thứ song không mua gì, chỉ xem cho vui mắt.

Từ chợ nhìn qua bờ hào thành thấy mồn một vì giữa 2 đường Nguyễn Bà Loan và Lê Đình Cần là một bãi đất trũng, dài, rộng, không có nhà cửa che khuất. Đi quá chợ thì trên đường Nguyễn Bá Loan cũng không còn nhà cửa hai bên, duy có một ngôi nhà lầu đứng biệt lập gần ngôi nhà lầu ở cuối đường Lê đình Cấn và kiến trúc tương tự.


*Ở ngã tư đường Ngô Quyền, rẽ trái, sau dãy phố đường Lê Trung Đình một đoạn thì không còn nhà cửa. Đi trên đường Quang Trung nhìn xuống cũng thấy vùng này đất bỏ trống.

*Rẽ trái, trên đường Quang Trung, có một tiệm sách sát ngã tư. Tôi thỉnh thoảng đi học hoặc về theo lối đường Quang Trung, dọc đoạn đường dài non nửa cây số đường quốc lộ 1 chỉ có đồng ruộng và vài nhà cô lập, xa nhau, mãi đến lúc gặp đường Lê Khiết thì mới thấy có khoảng hơn chục ngôi nhà liền nhau, có dọn hàng buôn bán nhỏ, trước mặt trường tiểu học nam, cổng trường mở ra ngay đường quốc lộ. Hông trường là đường Lê Khiết. Nay là một trường THPT.

Gần trường tiểu học nam, trên đường Quang Trung là nơi đặt đích đến cho cuộc đua xe đạp Hà Nội - Sài Gòn - Phnom Penh mà con hùm xám Vũ Văn Thân (Bắc) và phượng hoàng Lê Thành Các (Nam) rất nổi tiếng.

Kế trường tiểu học là công quán Bungalow lầu, hai tầng.

Rồi qua cống (cống Kiểu), trên đường quốc lộ1, gặp chùa lớn nhưng tôi thường không đi xa hơn nữa vì thấy hầu như toàn là đồng ruộng.

Tôi không thấy có nhà thờ công giáo trong thị xã hồi đó song nay tôi được biết nhà thờ đầu tiên được xây dựng năm1941 là năm tôi rời Quảng Ngãi.


Thị xã Quảng Ngãi vào cuối thập niên 1930 người thưa, đường sá ít. chỉ ngần đó nên dù còn nhỏ tôi vẫn nhớ được khá nhiều, như trên hai con đường dài Lê Trung Đình và Quang Trung thì chỉ nhà ngói, không có nhà tranh và nhiều ruộng mía trong thị xã.

Không có các số liệu cho thị xã Quảng Ngãi nhưng về toàn tỉnh, năm 1933 Quảng Ngãi có dân số là 438.699, năm 1967 là 600.487 dân.


Lê Bá Vận.


Chú Thích: Các đường đều gọi theo tên mới.

(1) LBV  “Nước Ta Hăm Chín Cổ Thành”.


       Related image

      Thành cổ, thấy được ¾, ở trên góc phải, dưới. Đường Lê Trung Đình chạy ngang.

       Image result for images for bản đồ thành phố quảng ngãi

                       Bản đồ một phần thành phố Quảng Ngãi hiện tại.


----------------------




                          NHỚ VỀ QUẢNG NGÃI 1936 – 1941

         Image result for quảng ngãi guồng xe nước

Hình 32 - Bờ xe nước (noria) Phước Lộc (Quảng Ngãi), quan trọng nhất trong tỉnh, đặc sắc bởi kích thước các bánh xe và cống dẫn nước (aqueduct); bánh xe đầu tiên bên phải ngừng quay dể sửa. (Phía sau là dãy núi).


PHẦN 1: Trong Thành Cổ.

PHẦN 2: Ngoài Thành Cổ.

PHẦN 3: Các Kỷ Niệm.


---


PHẦN 3: CÁC KỶ NIỆM.

Tôi có một số kỷ niệm thời nhỏ sống ở Quảng Ngãi trong thành cổ.

1) Trường tiểu học nam. Là học trò, tôi nói kỹ chuyện học.

Năm 1936 tôi từ Đồng Hới vào, nhà ở trong thành cổ, đi học phải ra trường nam tiểu học Quảng Ngãi ở ngoài thành. Trường nằm trên đường Quang Trung, tức là Quốc lộ 1, cách xa cửa Tây khoảng 500 m, hướng nam, theo đường chim bay.

Hông phải của trường là đường Lê Khiết, nơi đây có một cổng nhỏ có cửa đóng, mở.

Học trò thường chờ chực vào trường ở cổng này, giữa một bên là trường, có con mương nhỏ ngăn cách và bên kia đường toàn là ruộng mía.

Có 2 ông bán kẹo kéo và 2 bà bán bánh, trái luôn thấy có mặt.

Hiện nay thì nơi này là địa điểm của một trường trung học.


Trường tiểu học Quảng Ngãi tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng gần 1ha. Từ cổng trước, đường Quang Trung đi vào, phía tay phải (phía nam) là căn nhà của thầy hiệu trưởng, tiếp đến là một sân đất khá rộng rồi một tòa nhà ngói dài nằm song song với mặt tiền, nền cao, chứa các lớp học, rất thoáng, khang trang.

Đây là dãy phòng học dành cho các lớp năm (đồng ấu), lớp tư (dự bị), lớp ba (sơ đẩng) và lớp nhì đệ nhất. Tuy nhiên các danh xưng chính thức thường sử dụng tiếng Pháp: “cours enfantin, préparatoire, élémentaire, moyen première année (moyen un)”. Mỗi lớp chừng trên 40 trò.

Đằng sau tòa nhà này là sân cỏ rộng, gấp ba bốn lần sân đất phía trước, đủ chỗ cho nhiều đám học trò cùng đá banh giờ ra chơi và tập thể dục toàn trường.

Dọc theo đường Lê Khiết, sát đường, là dãy nhà, cũng lợp ngói, nhưng nền thấp, dành cho các gia đình thây cô dạy trong trường cư trú. Trước mặt nhà nào cũng có giàn hoa hoặc giàn bầu bí che khuất nhà phần nào.


Cách một quãng là đến tòa nhà ngói thứ hai, cũng nền cao, chứa 2 lớp nhì đệ nhị, 2 lớp nhất (cours moyen deuxième année/moyen deux, cours supérieur) và phòng họp của các thầy cô.

Trước mặt ngôi nhà này là bãi cỏ rộng, là sân sau của trường, hông tiếp giáp với tường rào của nhà khách bungalow. Nơi đây có nhà vệ sinh, tiếp theo là nhà ông cai trường.

Đằng sau bãi cỏ là bờ bụi thấp bước xuống ruộng mía thẳng cò.


Hồi đó học trò đi học ngày 2 buổi, sáng, chiều, trưa về nhà. Thứ năm và thứ bảy chỉ học buổi sáng, chủ nhật được nghỉ. Các lớp năm, tư, ba học các cuốn Luân lý, Quốc văn, Cách trí giáo khoa thư do Nha Học Chính Đông Pháp giao cho các ông Trần Trọng Kim, Đỗ Thận… soạn. Và  học làm các phép tính cọng trừ nhân chia, tính đố, học tiếng Pháp.

Cuối lớp ba thi bằng Sơ học yếu lược. Môn thi đầu tiên là bài viết bài ám tả (chính tả) tiếng Pháp. Viết sai 1 lỗi ám tả là trừ 4 điểm (chấm điểm tối đa 20/20), sai 5 lỗi trở lên là tự động đánh rớt không chấm các môn khác. Tuy vậy bài ám tả tiếng Pháp cũng ngắn và toàn tiếng dễ nên học trò bị rớt không nhiều và không bắt buộc phải thi đỗ để được lên lớp nhì đệ nhất học tiếp.

Thi Sơ học yếu lược đậu thi viết là đủ, không có thi vấn đáp.


Từ lớp nhì đệ nhất trở lên thì học toàn tiếng Pháp, không có giờ tiếng Việt, tôi nhớ vậy; sử ký, địa dư Việt Nam cũng học bằng tiếng Pháp nhưng có giờ chữ Hán. Cuốn sách chủ yếu là cuốn Livre Unique (sách độc bản) và học trò chuyên rèn luyện 2 môn: viết ám tả (chính tả) và làm bài luận tiếng Pháp (dictée và redaction française).  

Sau 6 năm tiểu học, học trò cuối năm lớp nhất thi bằng Tiểu học (primaire complémentaire), gọi tắt là bằng Ri-me.

Vào ngày thi, buổi sáng thi 2 môn dictée và redaction française, chiều thì tính đố, vạn vật (leçon de choses). Hai ngày sau niêm bảng yết đợt đầu cho những thí sinh đủ điểm bài dictée française. Những người bị loại là do viết ám tả có 5 lỗi nặng trở lên. Hai lỗi nhẹ thì tính 1 lỗi nặng. Thí sinh bị loại vì ám tả không nhiều, có khi không có ai.


Qua 1 hoặc 2 hôm sau, các giám khảo chấm xong bài luận Pháp văn và công bố bảng niêm yết đợt hai, qua được thì gọi là đậu français (đậu Pháp văn), lấy điểm bài ám tả và bài luận cọng lại.

Vòng hai này thí sinh bắt đầu rớt nhiều vì luận + ám tả không đủ điểm.

Hai hôm sau nữa thì có đợt ba niêm yết bảng sau khi chấm và cọng thêm điểm các môn tính đố, cách trí, đủ điểm thì goi là đậu thi viết, được vào vấn đáp, hỏi về sử ký, địa dư ..., đủ điểm nữa thì đậu luôn.

Xem ra, đỗ là coi như qua được tứ trường hồi thi cử xưa. Cái khó nhất là môn français (ám tả + luận) vì có điểm loại; tính đố, thường thức giỏi không thể bù điểm. Ngược lại làm sai nhiều ở 2 bài tính đố cũng kể như hỏng thi viết.

Bằng Ri-me không bắt buộc có để học tiếp lên bậc trung học (trường tư thục) nhưng phải có mới thi được vào các trường công lập (Khải Định và Đồng Khánh Huế, Quốc học Vinh, Qui Nhơn).

                

Với cách học như thế học trò muốn thi đậu phải rèn luyện Pháp văn. Hồi tôi học lớp nhi có một buổi tối tôi chạy láu táu vấp một ông Tây cũng đang đi vội vã. Tôi loạng choạng ngã thì ông với tay kéo dậy, làu bàu: ”Vous n’êtes pas transparent, monsieur” (thưa ông, ông không phải là trong suốt). Vậy mà tôi cũng nghe được và trả lời: ”Pardon, monsieur, c’est ma faute”  (xin lỗi ông, lỗi là của tôi). Chuyện này mà tôi nhớ mãi, chẳng thể quên.

Về các thầy cô dạy thì toàn là thầy Việt. Tôi có học với thầy Châu, thầy Hoán, cô Lê Thị Bồng trẻ nhưng rất mập béo và thầy Nguyễn văn Huân người Huế ở 2 lớp cuối.

Thầy giáo Nguyễn Kỷ hồi đó là hiệu trưởng. Học trò có làm bài vè về ông:

“Ông đốc Kỷ, đội mũ nỉ, xuống Cổ Lũy, bắt con đĩ, xài hết tỷ, cười hi hỉ, như con khỉ.

Chắc ông cũng có biết.

Thầy Lê Cảnh Đạm dạy lớp nhất cũng được nói đến nhiều. Thầy đỗ thủ khoa khóa đầu tiên của  trường Cao đẵng Thề - dục Đông Dương (ESEPIC - École Sụpérieure d'Éducation physique de l’Indochine) làm cả trường hãnh diện, nói mãi. Hai chục năm sau, ra làm việc tại Huế tôi gập lại  thầy Huân, nhận ra thầy trò và thầy Đạm nhưng thầy không biết tôi có học ở Quảng Ngãi.

Thầy Lê Cảnh Đạm cũng là một cựu học sinh trường Tiểu học Quảng Ngãi.


           ThiXa_QuangNgai_1936-1941.jpg

           

2) Sân banh hào thành. Giữa hào thành phía Nam và đường Nguyễn Nghiêm là một bãi cỏ dài khoảng 250 m, kể từ góc Tây-Nam, được dùng làm sân đá banh chính thức của thị xã mặc dù hơi hẹp chiều ngang (kích thước tiêu chuẩn sân banh: 68m/105m), kế tiếp là một bãi tập thể dục rôi 2 sân tennis có các hàng thông bao quanh cùng 2 ki-ốt hình bát giác.

Đá banh (bóng đá, túc cầu) là môn thể thao rất được ham chuộng ở Quảng Ngãi. Ngoài đường ta dễ thấy các trẻ con đá banh, với trái banh tennis cũ, có 2 cục đá làm “gôn” mỗi bên.

Xe cộ chạy ngoài đường thì quá hiếm hoặc không có, nên đá banh được bảo đảm an toàn.

Ở trường tiểu học, giờ ra chơi 15 phút là học trò chia phe đá banh.


Mỗi lần có đội banh Huế, Quảng Nam vào hay Qui Nhơn, Nha Trang ra là có bán vé vào cửa.

Người ta, hình như là lính - nước sông công lính – chở xe cam nhông, đem cọc và phên đã cất sẵn để dùng nhiều lần, đến che bít đoạn đường Nguyễn Nghiêm ngang khúc đá banh, làm một cửa ra vào, một ghi-sê bán vé và một khán đài che bạt, đặt nhiều ghế ngồi. Đường Nguyễn Nghiêm là con đường đất gồ ghề, rộng vừa đủ để xe hơi chạy, lề đường có những bụi cây thấp, bước xuống là đồng ruộng chạy dài, suốt dọc đường lên đến đường Quang Trung, không có bóng dáng nhà cửa.

Dân cư trên đường đi đến đoạn có đá banh hôm đó, bị rào chắn, phải bước xuống ruộng khô đi dọc theo đường cho đến ngã ba đường Lê Đình Cẩn.


Trong mỗi trận đấu có một ban nhạc lính túc trực một bên, dưới khán đài, mỗi lần có một bàn sút thắng vào gôn thì trỗi nhạc, kèn trống kéo dài vang dội năm, mười phút.

Khán giả đứng trên đường Nguyễn Nghiêm, hai bên khán đài nhìn xuống, một số đứng dưới bãi cỏ la hét, vỗ tay. Trong trận đấu nhiều khi banh rơi xuống hào thành, có người chực sẵn, lắm khi là khán giả chạy xuống tìm lượm banh lên dùm. Hồi đó cầu thủ Quảng Ngãi được ưa thích, nghe gọi là “anh Ngô”, tôi chưa thấy mặt. Đội cầu Qui Nhơn có “Tư Ếch/Tư S” nổi danh.

Ở Quảng Ngãi về đánh bốc (quyền Anh) thời đó có võ sĩ Đỗ Hi Sinh nổi tiếng với những trận đấu với võ sĩ có tên Tự Do ở Huế. Nghe nói võ sĩ Tự Do thắng.


Các cuộc thi điền kinh, chạy, nhảy… cũng được tổ chức tại khu đất này vì có bãi cát, trụ chăng dây… Năm 1939 trường tiểu học cho học sinh thi bằng thể thao sơ cấp, nếu đậu thì được cọng thêm điểm khi thi bằng Tiểu Học. Trường đem học sinh ra đây, chạy, nhảy cao, nhảy xa v.v… nhưng chấm thi ghi điểm là các thầy dạy trong trường chứ không ai khác.


Một sự kiện vui nhộn là ngày lễ kỷ niệm Jeanne d’Arc, một nữ anh hùng Pháp chống quân Anh ở thế kỷ 15 được tổ chức tại sân banh hào thành. Có dàn dựng quân lính 2 bên hò hét xáp trận, có quân kỵ mã, có thành Orléans bị vây hãm, và cảnh bà Jeanne d’Arc bị xử thiêu …


Năm 1940 một sân vận động mới của thị xã được xây cất trên đường Hùng Vương, cách ngã tư Quang Trung không xa và các trận đá banh bán vé từ đó được dời lên địa điểm mới.

Cũng năm 1940 một sân vận động được xây tại thị xã Đồng Hới ở góc Tây-Nam trong thành cổ. Trước đó ở Đồng Hới không có sân đá banh và không có đội đá banh như ở Quảng Ngãi, trẻ con cũng ít thấy đá banh ngoài đường, chúng đánh bi, nhảy cò cò (lò cò), đắnh căng (khăng).


Đánh bi thì trẻ con Quảng Ngãi là tài tình. Sự khác biệt là ở Đồng Hới –  Huế, đánh bi dùng một tay, hòn bi được búng ra với ngón cái; ở Quảng Ngãi đánh bi dùng 2 tay, tay này kéo lui ngón giữa của tay kia giúp bật bi, rất mạnh. Lúc mới vào Quảng Ngãi tôi thấy lạ, sau thành quen, nhưng không giỏi. Trẻ con còn ham đánh nắp keng là nắp các chai rượu bia, gõ thế nào để 2 nắp keng dính vào nhau, một úp một ngửa, và ném chỉ, là đứng xa ném thế nào để vật ném rơi gần chỉ, dính chỉ nhưng không được quá chỉ là đường thẳng vạch trên đất.


3) Pít-xin (piscine, bể bơi). Các bạn bè rủ tôi đi tắm sông vì được biết nhà nước vừa mới làm xong một pít-xin ở bờ sông Trà Khúc. Nghe ham. Đó là vào năm 1939.

Chủng tôi từ trong thành ra cửa Bắc, đi một đoạn ngắn có nhà cửa 2 bên đường, rồi quẹo phải một đoạn chỉ có bụi rậm là đến bờ sông; chỗ này xa bờ bốn năm mét là nước đã ngập đầu, tuy nhiên giữa sông, không xa lắm thì thấy có mấy cồn cát.

Pít-xin có 2 chiếc bè tre dày, bện chắc chắn, nhô ra bờ độ 10 m, đặt cách xa nhau 25m. Mỗi bè rộng 2 m, bập bềnh trên mặt nước, được neo chặt vào các cột gỗ. Có một dây thừng lớn chăng ngang nối đầu mút các bè làm giới hạn ngoài của pít-xin. Một cầu gỗ được đặt trên bè phía tay trái để trèo lên tập nhảy nhào xuống nước. Đến tắm đâu được hơn chục người, không có người canh giữ bể bơi. Tôi thấy ai ra đây thì cũng đã biết bơi nhiều ít.


Tôi chưa biết bơi, cũng chẳng có ai tập cho song nghĩ muốn tự tập thì chắc dễ thôi, bởi vậy tôi mới hăng hái đi. Tôi tự lần ra nơi nước ngập ban đầu ngang bụng, sau ngang ngực, xoay người vào bờ, hít một hơi dài, nín thở, nhắm mắt, hỏng chân rồi vẫy tay, đạp chân tứ tung bất kể loạn xạ dưới nước. Được nửa phút, tôi đứng lên thẳng người và hít thở lại bình thường. Cứ làm như vậy độ 10 lần hơn thì tay chân của tôi trở nên nhuần nhuyễn, có thể vùng vẫy có trật tự qua lại theo ý muốn.

Bước kế tiếp là tôi nín hơi, vùng vẫy cố trườn người tới trước và nửa phút sau đứng lên thì thấy mình đã tiến gần vào bờ được 0.5 m rồi 1 m… Sau đó khi tay chân đã phối hợp nhịp nhàng một lên một xuống như chó bơi, không trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thì tập ngóc và giữ đầu trên mặt nước chẳng khó.

Qua buổi thứ nhì là tôi đã bơi được, trước tiên là bơi đứng, và rồi cùng các bạn bơi ra cồn cát gần đó, cách vài chục mét, giữa sông. Chẳng trách các người ở đò tập bơi cho con là quăng đại con xuống nước, chờ xíu vớt lên. Một vài lần đưa bé tự động biết bơi.

Thì ra tập bơi coi bộ dễ, có vẻ dễ hơn tập đi xe đạp.


Cái pít-xin nhà nước làm ở bờ sông Trà Khúc hồi đó là bằng tre và gỗ, trụ cầu không phải bê tông cốt sắt, chưa hiểu trụ với lũ lụt được bao lâu nhưng cũng là đã có thiện chí.


4) Sân bay Quảng Ngãi. Năm 1940 Thế chiến 2, lính Nhật đã có mặt ở Đông Dương.

Một hôm người ta kháo nhau có một máy bay Nhật vừa đậu ở sân bay. Cả đời chưa thấy tàu bay đậu dưới đất, tôi và một người bạn nhân ngày chủ nhật, chở nhau đạp xe đạp đi coi.

Từ trong thành cổ chúng tôi đạp xe lên hướng ga Quảng Ngãi, rẽ trái đường khi gần đến ga. Bạn tôi, dân Quảng Ngãi, rành đường. Đường đất hẹp, gồ ghề, lắm nơi bụi bờ hai bên đường. Đi được khoảng thêm chừng một cây số thì chúng tôi thấy chiếc tàu bay Nhật đậu trên đám cỏ, gần dãy bụi cây thấp trước mũi máy bay, xa đường đi vài chục mét, nơi đây đất khô, rất cứng. Đó là máy bay chiến đấu? không lớn lắm, một chong chóng, không gây ấn tượng gì. Chúng tôi im lặng đứng ngắm chong chóng, cánh, buồng lái, đuôi, 2 bánh xe, không giơ tay chỉ trỏ.

Một ông Nhật mặc đồ lính Nhật đang lúi húi xách cà mèn, nhen lửa, nấu ăn cạnh máy bay, không để ý gì đến chung quanh, có cả người lớn cũng đang đứng xem, im lặng.


Tôi nhìn quanh thi chỉ là một bãi cỏ khá rộng, không thấy phi đạo; phi cơ đậu trên cỏ và đất sỏi, gần sát lối đi của người đi đường. Chẳng hiểu nơi đây có phải là sân bay thực sự không, hay là phi cơ Nhật trục trặc máy, đáp đại xuống một bãi cỏ nào đó thấy rộng! Nhưng không, vì người bạn tôi biết rõ nơi máy bay hạ cánh là sân bay và đi thẳng đến đó, không ngừng lại hỏi đường.

Hai hôm sau nghe nói máy bay bay mất, chắc ông phi công Nhật đã liên lạc sửa được máy và có thêm nhiên liệu.

Tuy vậy 2 chục năm trước, người dân Quảng Ngãi cũng đã mục kích một máy bay nhỏ của Pháp từ Tourane (Đà Nẵng) bay vào đáp xuống bãi cỏ này, phía tây chợ ông Bố, năm 1920, để phô trương và khảo sát địa hình. Lần đó viên công sứ Pháp thông báo nhắc nhở dân chúng thị xã và các huyện đến xem máy bay của mẫu quốc, các thầy cô cũng được lệnh dẫn tất cả trường lên nghênh đón, tất cả đến mấy ngàn người. Bã mía, rơm rạ được đốt lên, làm hiệu cho máy bay đáp xuống, chắc cũng để biết chiều gió.


5) Các bài hát. Thời đó trong nước chưa có đài truyền thanh. Ở thị xã Quảng Ngãi  rạp xi nê (chiếu bóng), rạp hát có loa phóng thanh những bản nhạc tây ta vang ra đường phố.

Chẳng ai dạy, nghe đâu đó tôi tự nhiên hát được nhiều bài.


*Các bài hát tiếng Pháp. Bài quốc ca Pháp ”La Marseillaise” mà học trò tất cả đều hát thuộc lòng, cũng như các bài hát suy tôn Thống chế Pétain, quốc trưởng Pháp.

Bài “Le joyeux au revoir, Tạm biệt” cả lời Pháp và lời Việt.

Bài “La Marche des étudiants” tiếng Pháp của Lưu Hữu Phước, tức là “Sinh viên/ Thanh niên hành khúc” bản tiếng Việt, cả hai bản tôi đều hát được.

Bài “J’ai deux amours”, Tôi có 2 mối tình, bản tiếng Pháp.

Bài “Riquita” bông hoa đẹp Java, tiếng Pháp....


*Các bài hát tiếng Việt. Bài “Hà nhật quân tái lai” nổi tiếng lớn. Tiếng Việt là “Ngày nào anh trở lại” nhạc réo rắt, có nhiều phiên bản tiếng Việt, hát mãi.

Một số bài rất hay, tôi hát nghêu ngao nhưng không biết tên bài, vd: “Trong chợ phiên rất lắm cô nàng. Như bấy tiên lướt thướt mơ màng...” hoặc: “Trên trời xanh tươi có bóng bao nàng tiên...” Đó là những bài hát phỏng theo nguyên bản tiếng Pháp.


*Các bản nhạc xưa: Đăng Đàn Cung, Lưu thủy, Kim tiền, Tẩu mã...


6) Các kỷ niệm khác. Tôi cùng bạn lên núi Bút vắng vẻ, trèo cây hái quả, không nhiều; lên núi Thiên Ấn, đi xe hơi, chạy vòng quanh hình xoắn ốc, lên cao dần đến đỉnh. Thật độc đáo, núi có đường xe hơi! không ngọn núi nào tương tự có được. Sườn núi chỉ có cây bụi thấp, cỏ tranh song trên đỉnh có cây cao, chùa lớn.

Tôi chạy đến tận mắt xem đào sông đào (1937) tại đường Nguyễn Bá Loan ngang góc Tây Bắc thành cổ. Mỗi gánh đất người dân đào vét từ dưới lòng sông gánh đổ lên bờ thì được trả 1 đến 2 xu tiền công, tùy, tiền do người cai thầu phát ngay tại chỗ (2 đến 5 xu ăn được một tô bún bò).

Cũng gần vùng này tôi đứng thật lâu quan sát thợ đúc gạch, các lò nung gạch hoạt động.


Từ phía sau trường tiểu học, tôi chạy ra xem giữa đồng trống trải người ta ép mía. Trâu bò thay phiên nhau đặt vào ách đi vòng quay bộ che ép mía suốt ngày.

Quảng Ngãi là xứ đường mía.

Khí hậu Quảng Ngãi nóng ẩm, thích hợp việc trồng mía. Những vùng đất thổ, đất cát, đất cao, hay đất phù sa ven sông Trà, sông Vệ thường được trồng mía.


                    Thợ nấu đường.        http://ivsquangngai.org/attachment.php?attachmentid=2304&d=1290234191

                 1- Bộ che mía, Quảng Ngãi.      2-Trâu bò kéo quay bộ che mía


Tôi đi sông Vệ, đi bộ sáng đi chiều về, thầy giáo hướng dẫn cả lớp đi thăm xem thủ công nghệ làm giấy bổn. Sông Vệ cũng có những bờ xe nước lớn như ở sông Trà Khúc.

Tôi có đi trại hè Sa Huỳnh và có đến ở một tuần lễ tại ga Thủy Thạch với ông cậu làm trưởng ga tại đó, tập đọc chữ chấm ngang trên cuộn giấy điện tín (chữ Morse) và ra đứng ngóng tàu từ ga Đức Phổ vào. Đường tàu thẳng băng, tàu hiện ra như một chấm nhỏ tít từ đường xa, lớn dần.


Thời niên thiếu tôi sống tại thành cổ Quảng Ngãi thật đẹp đẽ. Tôi trân quí những hình ảnh xưa chất phác, mộc mạc. Gây ấn tượng nhất với tôi là núi Thiên Ấn, các bờ xe nước đồ sộ trên sông Trà, các ruộng mía bạt ngàn trong thị xã.

Đọc lịch sử tôi ngưỡng mộ Quảng Ngãi là nơi anh khí non sông hun đúc sản sinh danh nhân hào kiệt.


“Thiên Ấn niêm hà nhân tuấn kiệt,

Cẩm Thành danh chấn tướng uy phong.”


Lê Bá Vận.

Cựu học sinh trường Tiểu học Quảng Ngãi 1936-1941.


 https://2.bp.blogspot.com/-pNWImbXKuRs/WbI7j_el64I/AAAAAAABLdA/KpkTfA2SiLw9kT0TZ6aLIt7PPFXLjkQ3ACKgBGAs/s640/19642349_1623638481010610_1886325451206366007_n.jpg

(125) An Nam : Thành Quảng Ngãi. Các quan ta chờ đón viên Công sứ Pháp quốc.

Hình ngobadung sưu tầm. Nhận xét : Hình này có thể vào khoảng 1910 đồng thời với “Tuấn chàng trai nước Việt”. Các quan Nam triều tại phía trong cửa Tây long trọng chờ đón viên tân công sứ Pháp đầu tỉnh đến nhậm chức. Viên công sứ đến từ quốc lộ 1, rẽ vào đường Lê Trung Đình (tên hiện nay) để vào tòa sứ ở trong thành.

Chú ý hàng rào tre bên trái, nơi mà năm 1936 là trại lính khố xanh có vòng tường gạch ngoài.

_______


Về tác giả:


                     C:\Users\Van\AppData\Local\Microsoft\Windows\Temporary Internet Files\Content.IE5\ODJ308O8\20180624_165431.jpg

     


BÀN RA TÁN VÀO

Đề bài :"Tiếng Việt, yêu & ghét" - Lê Hữu ( Trần Văn Giang ghi lại )

'vô hình trung' là nghĩa gì vậy, sao cứ thích dùng, hình như có nghĩa là 'vô tình'

Xem Thêm

Đề bài :TIN CHIẾN SỰ MỚI NHẤT[ CẬP NHẬT NGÀY 20 -5 - 2022 ]

Suu cao,thue nang,nhu yeu pham tang gia.Kinh te eo seo...Vay ma dang Lua van lay tien cua dan tro giup linh tinh.Mo cua bien gioi.Ung ho toi ac truc tiep khi sua luat cho phep trom cuop o muc do <1.000 dollars thi vo toi....Neu vao thoi diem Trump,bon Lua da ho hoan nhu the nao ??? Nhung nguoi bau ban vi chut tu loi ,nghi gi ve dat nuoc ??? Phai chang day khong phai la dat nuoc minh ??? bat qua,lai tro ve que huong cu...Neu vay,ban la thang cho chet ! mien ban !

Xem Thêm

Đề bài :Tin Mới Nhất Về Chiến Sư Ucraina [ CẬP NHẬT NGÀY 14-5-2022 ]

Chung nao moi vet nho cua ho nha Dan da duoc tay xoa trang boc,thi Uk moi co hy vong...ngung chien.Cung vay,ngay nao ma cac cong ty ,co goc gac tu cac dang bac nu luu-anh hao cua khoi tu do va ong chief police va dang Lua thi moi giai xong phuong trinh tau cong !

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Hình cũ - Hà Thượng Thủ

Ngắm lại hình xưa chịu mấy ông Những Linh, Tùng, Duẫn với Mười, Đồng Mặt mày ai lại đi hồ hởi Phấn khởi khi Tàu cướp Biển Đông Phải chăng “quý” mặt đã thành mông Con mắt nay đà có nhưng không Nên mới chổng khu vào hải đảo Gia tài gấm vóc của tổ tông?

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm