Bộ Giáo dục lại muốn ngửa tay xin ngân sách 12.000 tỉ đồng để cho ra lò 9.000 tiến sĩ. Tức là, để có một tiến sĩ, ngân sách phải tiêu tốn 1,33 tỉ đồng.
Từng đồng từng cắc trong cái bầu sữa ngân sách ấy đều là của nhân dân, do nhân dân đóng góp từ mồ hôi, từ nước mắt. Vậy nên, có thể hiểu nôm na, với giá thịt lợn hiện nay, để có một tiến sĩ, người nông dân sẽ tốn 665 con lợn. Nếu quy ra bò, chi phí cho một tiến sĩ tương đương 88 con bò.
Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn dùng số tiến sĩ được ra lò với chi phí tương đương 792.000 con bò, hoặc gần 6.000.000 con lợn để thực hiện công cuộc cải cách giáo dục.
Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch uỷ ban nhân dân xã.
Địa vị pháp lý của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Hành vi nịnh trong tiếng Việt.
Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005-2015 ở Việt Nam…
Tôi không hiểu người dân có thể kì vọng gì vào một thực trạng đào tạo và cho ra đời những tiến sĩ với những công trình nghiên cứu như trên?
Giáo dục kém cỏi, chắc chắn là do yếu tố con người. Nhưng, trước tiên phải là con người lựa chọn phương thức giáo dục, định hướng giáo dục, chứ chưa phải là những người thực hiện truyền tải nội dung chương trình giáo dục. Một chương trình giáo dục tồi thì 9.000 tiến sĩ kia liệu có tác dụng gì?
Nếu vẫn giữ tư duy giáo dục một chiều, nhồi sọ học sinh một mớ lý thuyết suông, buộc học sinh phải tiêu hoá một khối lượng kiến thức khổng lồ, thiên về hình thức và xa rời thực tế, cũ kĩ, lạc hậu, chú trọng quá nhiều vào yếu tố giáo điều lý thuyết, định hướng khuôn mẫu tư duy, hạn chế sáng tạo, thì 9.000 tiến sĩ kia cũng chẳng thay đổi được gì.
Cuối cùng chỉ là người dân tốn thêm nhiều bò, nhiều lợn, trong khi con trẻ vẫn mịt mù tương lai.