GNsP (14.05.2016) – Nhiều bạn trẻ sinh viên xuống đường bảo vệ môi trường sạch vào ngày 01.05 và ngày 08.05.2016 đã bị lực lượng công an hành hung đến thương tích. Sự tấn công này không làm nhụt ý chí của người trẻ bởi vết thương về sự an nguy của đất nước, của dân tộc sẽ đau xót hơn nếu người trẻ không lên tiếng trước các vấn nạn xã hội.
Xuống đường cất tiếng nói bảo vệ tương lai đất nước
Lần đầu tiên tham dự , bạn trẻ Phạm Tấn Thăng, sống ở Kiên Giang vượt hơn 300 cây số để hòa mình với đoàn biểu tình ở Sài Gòn, chia sẻ: “Nếu người trẻ như mình không lên tiếng thì ai sẽ lên tiếng, vấn đề môi trường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, của con cái mình sau này nên mình quyết định lặn lội từ Kiên Giang lên SG một mình để nêu lên chính kiến. Mình muốn người thân của mình không còn sợ xuống đường biểu tình nữa.”
Còn bạn trẻ tên Bình, sống ở Sài Gòn, từng tham gia nhiều cuộc xuống đường, bộc bạch: “Người dân biểu tình để nói lên những bức xúc, những đau thương của những con người bị mất mát như ngư dân để cùng nhau bảo vệ môi trường.”
Trước khi tham dự cuộc biểu tình, bạn Thăng đã chuẩn bị những kiến thức cơ bản về quyền biểu tình được quy định ra sao trong Luật pháp và Hiến pháp của VN. Không những thế, bạn còn chuẩn bị nhiều biểu ngữ với nội dung “Dân muốn minh bạch Formosa”, “Dân muốn cá sống”… và những chai nước suối nhỏ để phân phát cho các biểu tình viên.
Sức mạnh và tinh thần đoàn kết của đoàn biểu tình
Bạn Thăng nói rằng, khi tham gia điều bạn xúc động là chứng kiến thấy các biểu tình viên – chưa một lần gặp mặt, chưa một lần chào nhau… – mà lại bảo vệ nhau khi bị lực lượng áo xanh xô đẩy, nhào vô bắt bớ. Bạn Thăng nhớ lại:
“Lực lượng công an đánh đập rất dã man, 7-8 người cứ xông vào đánh và lôi người dân một cách không thương tiếc. Thái độ của những người tham gia cuộc biểu tình là có trách nhiệm với môi trường. Có một số người đứng đối diện với lực lượng áo xanh, họ vừa nói vừa khóc, họ nói về môi trường, họ nói các anh cũng có gia đình, người thân mà các anh lại đối xử với người dân tham gia biểu tình như vậy là không đúng. Một người dân quân lớn tuổi chỉ vào mặt người dân và nói rằng, đối với tụi mày là phải bắt nhốt hết. Khi bị trấn áp người dân đã ùa vào giành giật lại những người bị lực lượng áo xanh kéo và lôi đi, tuy không phải là người thân của nhau nhưng tất cả mọi người đều xông ra và giật lấy lại bạn của mình.”
An ninh giả dạng biểu tình viên
Trong các cuộc biểu tình, an ninh chìm nổi len lỏi vào đoàn biểu tình, họ hô hào như các biểu tình viên, lần này mỗi viên an ninh mặc thường phục đeo dây ruybăng màu xanh lá cây trên ngón tay để dễ nhận ra nhau. Họ là những người hay gây rối, chia rẽ đoàn biểu tình để cho lực lượng công an dễ bắt các biểu tình viên. Bạn Thăng cho hay:
“An ninh mặc thường phục họ giống như người tham gia biểu tình vậy, họ cũng cầm biểu ngữ hô hào nhưng khi họ phát hiện ra người nào hô hào, họ nháy mắt với nhóm an ninh đứng ở vòng ngoài, họ hất người này ra thì lực lượng an ninh ở ngoài xông vào bắt bớ. Mình cách chiếc xe buýt khoảng 20m, lúc đó đoàn biểu tình đã bị chia nhỏ ra, mình đứng ở giữa nhóm bị bố ráp thì những người đằng trước mình bị an ninh bắt thì mình xông lên, tụi mình quàng tay nhau, đứng đối diện trước công an thì mình hô to: “đả đảo công an bắt dân, đả đảo công an bắt người…” thì bảy tám an ninh nhao vô lôi mình lên xe buýt. Đến xe buýt thì họ xô mình và đẩy mình như súc vật vậy.”
Tự nguyện xuống đường
Bạn Thăng và nhiều người khác nữa bị đưa về sân vận động Hoa Lư. Tại đây, nhà chức trách không cho các biểu tình viên đi vệ sinh, hay uống nước… Một số người đã bị hành hung, bạn Thăng kể:
“Có hai người phụ nữ chia sẻ cho mọi người về kiến thức luật biểu tình được quy định như thế nào trong pháp luật và hiến pháp thì lực lượng an ninh nhắc nhở, nhưng hai chị ấy vẫn kiên quyết nói thì những người này đã chỉ huy những an ninh đeo khẩu trang, mặc thường phục khoảng mười mấy người đến trấn áp hai người này. Nhiều biểu tình viên bị đánh đập nặng, đổ máu ở các chỗ mắt, mang tai…”
Tại sân vận động Hoa Lư, lực lượng công an yêu cầu các biểu tình viên lập biên bản và viết lời khai. Bạn Thăng cho biết: “Họ hỏi mình: ai xúi mày đến đây? Mày xuống đây để làm gì?… Tôi thẳng thắn trả lời, tôi xuống đây để biểu tình ôn hòa về vấn đề môi trường, điều này pháp luật cho phép.”
Một vài dư luận cho rằng, đằng sau các cuộc biểu tình là do cá nhân hoặc tổ chức nào đó giật dây và những người tham gia cuộc biểu tình sẽ được cho tiền. Bạn Thăng quả quyết:
“Những thông tin này hoàn toàn sai lệch, mình lặn lội từ Kiên Giang lên Sài Gòn là do cá nhân tự túc. Biểu tình xuống đường là xuất phát từ bản thân. Nếu như mình không bận công việc thì mình sẽ tham gia các buổi biểu tình tiếp theo. Hãy thể hiện chính kiến của mình vì đó là quyền lợi cá nhân của mỗi người. Biểu tình được Pháp luật và Hiến pháp cho phép.”
Bị hành hung vì tội “đòi người”
Khác với bạn Thăng, bạn Bình không thể xuống đường cùng với đoàn biểu tình do lực lượng công an đã phong tỏa các ngả đường đi ra công viên 30.04. Tuy nhiên, sau khi cuộc biểu tình kết thúc, bạn Bình cùng với một số người bạn đã đến các phường công an để đòi người vì bạn của Bình bị câu lưu. Tại đồn công an phường Bến Nghé, Quận 1, nhóm bạn đi đòi người này lại bị công an câu lưu, còng tay và đánh đập nhiều. Bạn Bình thuật lại:
“Mình bị công an bắt, một số anh em vào giải vây nhưng cũng bị đánh đập luôn. Công an đã còng tay mình và đưa vào phòng riêng làm việc. Họ còng tay mình vào ghế, công an tên là Bùi Tấn Minh phường Bến Nghé đập liên tục vào người mình, yêu cầu mình đưa điện thoại ra nhưng mình quyết định không mở điện thoại thì lại bị đập tiếp. Cuối cùng họ kiểm tra điện thoại thì họ thấy cảm biến vân tay nên ba bốn công an vào trấn áp, lấy từng ngón tay của mình vào cảm biến vân tay thì họ mở được điện thoại, họ đọc được tất cả các tin nhắn điện thoại và facebook.”
“Đêm mồng 9 mình bị đánh từ 12 giờ cho đến hơn 4 giờ. Gần 10 người, họ mặc thường phục, người có mùi rượu. Họ đánh chủ yếu vào đầu và vào sương sống. họ đánh chủ yếu là tay và bằng dép. Họ xem mình như một con vật, họ vừa đánh vừa nói: “Tụi tao không xem mày như một con người. Tao muốn giết mày khi nào thì giết”. Mình bị giam ở phường Bến Nghé 2 ngày một đêm. Sáng ngày 10.05.2016 bị đưa về huyện Bình Chánh và được thả”. Bạn Bình nói tiếp.
Các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra?
Mới đây, Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh tuyên bố sẽ tọa kháng vì môi trường vào lúc 15 giờ ngày 15.05 sắp tới, tại đường đi bộ Nguyễn Huệ bởi vì nhà chức trách “dùng đến bạo lực công khai đánh dân như đánh kẻ thù, nhà cầm quyền đã bộc lộ dấu hiệu cùng quẫn.”
Theo Phóng viên Minh Nhật của GNsP cho biết, nhà cầm quyền địa phương ở Đà Nẵng đe dọa, theo dõi, cấm cản nhiều sinh viên đang theo học ở đây, đặc biệt là sinh viên Công giáo nếu như lên tiếng vụ cá chết và môi trường đang bị ô nhiễm.
Được biết, chưa kể các sinh viên học tại Sài Gòn thì nhiều bạn trẻ khác sống ở các tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu và các tỉnh Miền Tây tự sắp xếp công việc, tự túc lo xe, thức ăn, nước uống dọc đường lên Sài Gòn tham dự cuộc biểu tình vào ngày 01.05 và 08.05.2016 vừa qua.
Bạo lực chắc chắn không ngăn cản được quyết tâm “Biển cần trong sạch- Dân cần minh bạch” của người dân.
Huyền Trang, GNsP