Nhưng đối với những ai có tinh thần tự do tư tưởng, cái cụm từ định hướng dư luận nghe rất xa lạ. Người trí thức có ý kiến riêng từ thông tin họ có, và không để ai định hướng mình. Đã để cho người khác định hướng tức là mình thiếu độc lập, chẳng khác gì như những con cừu. Mà, nếu thiếu độc lập thì nói gì đến việc có ý kiến riêng? Do đó, người trí thức không bao giờ chấp nhận chuyện tuyên truyền hay định hướng dư luận. Nghe là đã kinh tởm, nói gì đến chuyện lên mặt báo!
Nói đi thì cũng nói lại, VN hay bất cứ nước nào cũng có tuyên truyền và định hướng. Nhưng cái khác nhau cơ bản là một bên thì nói huỵch tẹt ra (như VN và Tàu), còn một bên thì âm thầm làm mà không nói ra. Có bao giờ chúng ta thấy truyền thông Mĩ nói họ tuyên truyền hay định hướng dư luận đâu, vậy mà trong thực tế những cây bỉnh bút của họ chính là những chuyên gia định hướng dư luận. Họ định hướng một cách trí thức và dân chủ, bất cứ vấn đề nào cũng có người nói FOR và kẻ nói AGAINST (ủng hộ và chống). Còn những nước như VN và Tàu thì chỉ có 1 chiều, muốn hay không muốn thì ráng chịu. May phước nhờ có internet!
Giáo sư Noam Chomsky (một người thông minh tuyệt vời) là người bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu về tuyên truyền của phương Tây. Ông chỉ ra rằng truyền thông đại chúng đều có mục đích định hướng. Mục đích của họ là làm cho đám đông không làm phiền đến họ. “Họ” ở đây là chính quyền, là các đại gia kĩ nghệ, quân sự, v.v. Ông chứng minh thực tế rằng họ muốn làm sao đám đông kia chạy theo những game show vớ vẩn, say mê với thể thao như đá banh, với những bản tin cướp giết hiếp, mở to mắt với những xì căng đan sex, những thèm muốn cấp thấp kiểu ngực vú eo mông má, v.v. Còn những chuyện nghiêm trọng, chuyện lớn thì để cho họ lo — We take care of that.
Nghĩ lại nguyên lí này tôi thấy rất phù hợp với tình hình VN hiện nay. Mở vài trang báo chí từ những trang có vẻ (chỉ “có vẻ” thôi) nghiêm chỉnh như Vietnamnet, Người lao động (anh bạn tôi làm trong đó), Soha (mang tiếng là “diễn đàn trí thức trẻ”), thậm chí có tờ như Thanh Niên và Tuổi Trẻ - mình cứ tưởng họ cũng nghiêm chỉnh chứ ai dè thỉnh thoảng cũng “cướp giết hiếp” và “ngực vú eo mông má”! Hệ quả là người ta chẳng ai quan tâm đến vấn đề lớn hơn ở Hoàng Sa – Trường Sa (vì we will take care of that – đã có Nhà nước lo). Cứ cái đà này thì nguy cơ suy thoái văn hoá sẽ tăng theo thời gian. Suy thoái kinh tế thì có thể theo đường cong, lúc tăng lúc giảm, nhưng suy thoái văn hoá thì theo hàm đường thẳng và chỉ có giảm. Một khi văn hoá suy thoái đến mức thấp nhất thì nguy cơ mất nước cũng sẽ tăng nhanh theo.