Nhà thơ Quang Dũng với các con
Quang Dũng trong lăng kính người con trai cả
Trong lần kỷ niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại Hòa Bình vào tháng 3 đầu năm nay, người con trai cả của nhà thơ Quang Dũng đã lên trao cuốn sách của nhà thơ Quang Dũng cho đại diện tỉnh Hòa Bình. Sau đó, anh tiếp tục giao lưu với nhiền bạn trẻ sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hòa Bình và các nhà báo. Những câu chuyện về nhà thơ Quang Dũng qua lời kể của anh Bùi Quang Vĩnh cho thấy chân dung đời thường của nhà thơ thật giản dị và đầy tình nhân văn . Được thừa hưởng từ bố về khả năng cảm thụ âm nhạc, thơ ca, đặc biệt với cách rèn giũa nghiêm khắc từ người cha, anh Vĩnh trở thành một nhà giáo, một nhạc sĩ. Nay đã về hưu, anh vẫn là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên.
Điều mà anh nhớ nhất, thấm thía nhất từ người cha là phong cách sống giản dị, tinh thần vượt khó và cách dạy con độc đáo. Anh kể: “Nhà thơ Quang Dũng thời trẻ rất cao lớn, đẹp trai, đàn giỏi, hát hay, làm thơ, vẽ tranh, rất đa tài và đa cảm. Ông lại có óc tinh tế, hài hước và tinh thần khẳng khái. Đặc biệt tinh thần chịu đựng gian khổ của ông rất cao. Tôi nhớ có lần ông đi bộ từ Hà Nội đến Thái Nguyên ba ngày, làm gương cho con cái về tinh thần vượt gian khổ… Nói chung, bố tôi là người hiền lành, chăm chỉ và rất thương vợ con. Ông thường dậy rất sớm, xách từng xô nước lên gác 3 mà nhẹ nhàng không để ai tỉnh giấc. Con ốm thì ông giành phần cõng con đi bệnh viện, rồi giúp vợ đi kiếm lá, mua mùn cưa về đun. Cái mà tôi thấm thía nhất là ông giáo dục con rất nghiêm khắc, nhiều khi dạy con bằng cả hình ảnh và triết lý. Có những lần ông phạt tôi, bắt úp mặt vào tường, khi cần thiết ông đánh rất đau, nhưng không đánh nhiều - vì ông biết võ mà! Có lần ông lại bảo tôi: Con đứng lên - tôi đứng, con ngồi xuống - tôi ngồi, rồi lại đứng lên, ngồi xuống… Sau đó ông hỏi: Ai cao hơn? Ai thấp hơn? Con thấy không, con ngồi thì thấp hơn người ta, con đứng thì cao hơn, vậy thôi!” Ngụ ý sâu xa mà nhà thơ Quang Dũng dạy con trai khiến tôi cũng phải giật mình. Thì ra khí phách và tư cách con người được ông giáo huấn bằng hình tượng quá đơn giản mà sâu sắc. Quang Dũng trong mắt cô con gái út Bùi Phương Thảo Trường Tiểu học Quang Trung, nơi chị Bùi Phương Thảo làm Phó hiệu trưởng ngay phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội, gần với cơ quan của tôi nên chúng tôi gặp nhau nhiều hơn những con em Tây Tiến khác. Chị có dáng vẻ điềm đạm, chín chắn, không giống lắm với tính cách tuổi Nhâm Dần. Chị bảo đó là do được cha rèn giũa từ bé. Chị kể: “Cả cuộc đời ông đều liên quan đến văn chương, chữ nghĩa, và trong cuộc sống bình thường đối với con cái cũng thấm đẫm những cách ví von hóm hỉnh. Tất cả dẫn dắt đến cái nguồn cội là thơ ca. Tôi cảm nhận và ghi nhớ nhiều hình ảnh về cha, mỗi hình ảnh, mỗi cử chỉ, mỗi ngụ ý của ông ngấm vào bản thân mình từ lúc nào không biết. Sau này tôi trở thành một giáo viên, mà chính nghề này ông cụ khuyên tôi: “Con nên trở thành một giáo viên và bố tin chắc rằng con sẽ trưởng thành từ nghề này…”. Và dạy trẻ thì bố tôi thích tôi dạy trẻ nhỏ chứ không phải dạy học sinh lớn, những đứa trẻ còn trong trẻo chưa định hình điều gì khi sắp bước vào đời. Có thể đấy cũng là ngụ ý cha tôi gửi gắm, lúc đó tôi cũng không hiểu cha tôi muốn gửi gắm gì cho đứa con út như thế này, chỉ đơn giản nghĩ rằng ông muốn truyền cho tôi tình yêu thơ ca. Sau này trong con đường lập nghiệp bằng công tác giảng dạy, tôi dạy trẻ nhỏ có vận dụng tác phẩm “Mùa quả cọ” - một bút ký của cha tôi nói về những con chim sống trong khu rừng Quốc Phương. Đấy cũng là một tác phẩm rất hay được dịch sang tiếng Pháp. Qua những chiêm nghiệm thực tế ông viết được những chi tiết sắc sảo và đặc sắc về rừng Cúc Phương của Việt Nam.
Còn bài thơ Tây Tiến và Đôi mắt người Sơn Tây thì lứa tuổi học sinh tiểu học tôi dạy chưa học đến, nhưng tôi có thể lấy ra trích dẫn những câu thơ vào phần cảm thụ văn học cho học sinh cấp tiểu học, hay những câu thơ trong bài thơ “Ao trưa làng” cũng vậy, cũng rất mềm mại, có thể diễn xuôi thành đoạn văn để các em cảm thụ về cảnh yên bình của làng quê Việt Nam…” Nghe chị chia sẻ như vậy, tôi hiểu rằng nhà thơ Quang Dũng đã truyền cho chị tình yêu quê hương đất nước và rồi chị lại tiếp tục truyền dạy cho học sinh chủa mình. Một điều hết sức tự nhiên, một nhân quả vô giá. Thảo nào trong các cuộc hành hương của chiến sĩ Tây Tiến, chị Thảo có tác phong nhanh nhẹn quân sự, tình huống nào cũng nhẹ nhàng giải quyết được, và khi đọc thơ cha thì thả cả hồn mình trong đó… Người cha tinh tế, yêu thương đối với các con gái Vì là con gái út nên chị Thảo được gần gũi cha nhiều nhất, nhưng là thời kỳ sau chiến tranh. Gia đình chị có 5 người con, 3 trai hai gái, út như chị Thảo được chiều cũng là lẽ đương nhiên. Khác với cách giáo dục các con trai, Quang Dũng là người cha tinh tế, yêu thương đối với các con gái. Nếu như với con trai, nhà thơ giáo dục bằng biện pháp mạnh mẽ, cương quyết, khi cần thiết cũng rất mềm dẻo, thì với con gái ông bao giờ cũng rất nhẹ nhàng, tế nhị. Có những câu chuyện ông nói rất nhẹ, thì thầm chứ không quát mắng bao giờ. Chị Thảo thốt lên với tôi: “Có thể ví người cha giống như nhân vật trong “Những người khốn khổ” - Giăng Van Giăng - một người giàu tình thương, nhân hậu. Dạy con thì không đao to búa lớn, không nói những điều sách vở mà dạy bằng thực tế, dạy mà như không. Ví dụ một tình thương, một sự quan tâm ông không nói ra mồm mà bằng hành động. Lúc đó tôi chưa hiểu mà chỉ nghĩ chắc bố là người khỏe nhất nhà cho nên bố giành những việc nặng nhất để làm. Bây giờ thì tôi mới hiểu điều mà bố tôi gửi gắm, tức là tình yêu thương gia đình, gia đình là nơi bình yên nhất.” Giờ đây chị Thảo đã hiểu ý cha, nỗi thống khổ của con người thì không nhất thiết ở đâu cũng phải giãi bày ra. Mỗi con người, bên cạnh niềm vui cuộc sống đều có nỗi trắc ẩn riêng. Với nhà thơ Quang Dũng đã qua đủ thăng trầm, tất cả mọi điều đều lặn bên trong. Chị Thảo rơm rớm nước mắt khi kể về cha mình: “Gần như lúc nào ông cũng lặng thầm, một mình chịu đựng vất vả. Chỉ một việc như dậy sớm xách nước thời bao cấp ngày xưa là chuyện bình thường. Sáng ngày ra bốn năm giờ khi các con vẫn còn đang say giấc ngủ, ông đi gánh nước bằng đôi thùng ra tận đầu chợ Đuổi ngày xưa, nay là siêu thị VINCOM. Nhà tôi ở Bà Triệu, cách 30 mét có một máy nước công cộng. Bố dậy sớm để không phải xếp hàng, ra đến nơi đã là người thứ nhất thứ hai, gánh những thùng nước trong vắt như vậy lên tầng ba, nhẹ nhàng, cố gắng không gây tiếng động để không đánh thức hàng xóm và các con. Một hình ảnh nữa mà tôi không sao quên được. Mỗi lần bố tôi có một khoản tiền nho nhỏ nào đó, chắc là nhuận bút, ông phấn khởi lắm, viết một dòng chữ rất nhỏ rằng “Sáng mai ngủ dậy bố cho đi ăn phở Tràng Tiền”. Hàng phở Tràng Tiền lúc đó phải xếp hàng mua, giờ là kem Tràng Tiền. Nghĩ đến đã thấy ngon rồi, mai đi ăn thì viết từ hôm nay để đầu giường hai con gái, mà chỉ con gái thôi, con trai lại không được vậy. Giờ thì có thể ăn bao nhiêu bát phở đặc biệt hơn nhiều nhưng sao vẫn không ngon bằng bát phở ngày ấy!” - Chị có cho là bố thiên vị đối với con gái không? - Tôi vặn hỏi. - Không đâu, là do ông vẫn dành cho con gái một quan tâm đặc biệt. Chị gái tôi hơn tôi 4 tuổi. Năm 10 tuổi, chị bị một bệnh không phải là bẩm sinh mà do thời tiết, chị bị khớp đớp tim, hở van hai lá, nên bố tôi quan tâm đặc biệt. Chị tôi là Bùi Phương Hạ, sau này là cô giáo mầm non đã xung phong vào Lâm Đồng chứng minh mình là đủ sức khỏe để vào biên chế. Năm 1982, chị tôi vào trong đó dạy học và bố tôi đi vào theo. Một là ông muốn rèn luyện sức khỏe và viết những cái mới, phần nữa muốn chia sẻ với con gái những khó khăn… Ba năm sau bố tôi mắc bệnh tai biến…, tôi vào đón ra, mới cảm nhận rằng cái tình cảm của ông đối với con gái, nó cứ âm thầm, nhẹ nhàng… Có một điều mà tôi cứ ân hận, đó là chuyện bố tôi hay tập võ trên gác. Bố tôi bảo: “Thảo mà có muốn học bố cũng không dạy” vì tôi nóng tính - tuổi Hổ mà. Thấy tôi thích học, ông bảo phải lớn hơn tí nữa ông mới dạy, bây giờ mà dạy thì sẽ hung hăng, đánh nhau… Sau này tôi tiếc mãi đã không thể chứng minh cho bố mình đủ bản lĩnh để học võ. Mỗi lần gặp cơn tức giận, tôi lại kìm nén vì nhớ lời bố tôi mong muốn. Khi tôi ra trường, đi nhận nhiệm vụ ở Trường tiểu học Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, cũng không xa lắm, chỉ khoảng 13 cây số, bố tôi đưa tôi đi bộ, vừa đi vừa nói: “Đến chỗ ở mới phải biết quan sát, hòa mình và phải biết học hỏi, đây là sự gian khó đầu tiên mà con sẽ phải vượt qua bằng chính nghị lực của mình”, cuối cùng bố tôi khẳng định: “Bố biết Thảo sẽ rất vững vàng và trở thành một cô giáo nghị lực”. Bố tôi cứ nhẹ nhàng, mà tôi thấm thía. Lúc đó tôi chán lắm, nghĩ sao bố lại cứ muốn mình là cô giáo tiểu học trong khi tôi thích làm những việc như con trai, máy móc nọ kia. Sau này có nhiều nghề khác mời gọi thì lời thủ thỉ của bố tôi lại níu tôi lại. Giờ tôi đã thấy hết ý nghĩa của nghề giáo… Tôi thừa hưởng cái gen của bố là biết tìm niềm vui trong gian khổ, khó khăn. KaLua Post |