Nguyên Huy/Người Việt
WESTMINSTER, Calif. (NV) – Nhìn về quê hương Việt Nam, nhà văn Trần Phong Vũ có những nỗi đau và cả niềm hy vọng trong cuốn sách “Việt Nam, nỗi đau và niềm hy vọng” mà ông vừa ra mắt tại hội trường thành phố Westminster vào trưa Chủ Nhật 18 Tháng Ba.
Chủ đề của cuốn sách đã thu hút đồng hương đến tham dự đông chật cả hội trường rộng của thành phố. Có những khách tham dự mà tác giả đã đích thân lên giới thiệu trong phần giới thiệu quan khách để như tỏ một tấm tri tình. Đó là Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, Giáo Sư Trần Đức Thanh Phong, gia đình cựu nghị sĩ VNCH Nguyễn Văn Huyền và một số dân cử trẻ của các thành phố Westminster và Garden Grove.
Cũng có mặt trong buổi sinh hoạt văn học này có nhiều giáo sư, bác sĩ quen biết trong cộng đồng, tác giả cũng trân trọng gửi lời cảm ơn chân thiết.
Buổi ra mắt sách có thể được gọi là “rầm rộ” với sự hiện diện của nhiều người trong giới văn học, truyền thông, trí thức trong cộng đồng người Việt ở Nam California.
Trưởng ban tổ chức, Bác Sĩ Trần Văn Cảo giới thiệu tác giả cuốn sách, nhà văn Trần Phong Vũ. Ông là một nhà giáo, một nhà truyền thông, từng là tác giả của hàng chục cuốn sách về nhiều đề tài quan thiết đến người dân Việt cả trong và ngoài nước. Không những thế tác giả Trần Phong Vũ còn là một đồng chủ trương một nhà xuất bản danh tiếng của người Việt hải ngoại, nhà xuất bản Tiếng Quê Hương.
Tổng cộng có hai diễn giả giới thiệu về cuốn sách này là kỹ sư Đỗ Như Điện và chủ nhiệm nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân Trần Văn Liêm. Ba vị phát biểu ý kiến sau phần cuốn sách được ra mắt qua hình thức được mở khăn trùm đỏ trên hai chồng sách trên chiếc bàn trước sân khấu. Đó là ông Trần Quốc Bảo, Giáo Sư Trần Huy Bích và Giáo Sư Nguyễn Đình Cường.
Kỹ sư Đỗ Như Điện, trong phần giới thiệu sách cho biết ông đã phải hết sức chú tâm khi đọc một cuốn sách dầy đến gần 700 trang, khổ lớn và chữ nhỏ. Nhưng vì những chi tiết, tài liệu và những điều tác giả chuyển đến cho người đọc ở trong sách là những điều rất quan trọng đáng là những điều để cho ông được học hỏi thêm. Đó là một tài liệu đồ sộ. Mỗi chương là một đề tài với những tài liệu khách quan để phân tích, nhận định. Tài liệu được tác giả nêu ra rất cẩn trọng vì đó là những chứng từ cho sự phân tích nhận định. Theo diễn giả thì dù là một “tạp luận” nhưng đã tập trung vào một chủ đề rõ rệt là nỗi đau và niềm hy vọng cho quê hương Việt Nam. Đọc những tạp luận này người đọc rất dễ dàng đi đến một kết luận là những diễn biến tiêu cực đầy rẫy trong xã hội Việt Nam hiện nay đã là nguyên nhân của sự xuống cấp, tha hóa trong mọi khía cạnh xã hội. Trách nhiệm hiển nhiên là từ sự thiết lập chủ nghĩa xã hội cộng sản.
Trong phần đầu 20 chương của cuốn sách, tác giả đề cập đến những chống đối nhà nước cộng sản từ người trong đảng cho đến trí thức bình dân đủ mọi hạng tuổi không phân nam nữ. Phần này được trích dẫn từ những tài liệu qua báo chí trong nước, qua các diễn đàn mạng và qua những sự bắt bớ cuồng bạo của nhà cầm quyền các cấp lớn nhỏ…
Qua phần hai, tác giả đề cập đến tôn giáo và chính trị. Trong phần này, tác giả đã rất khách quan mổ xẻ, phân tích những tiêu cực trong hàng lãnh đạo các tôn giáo một cách rất can đảm. Những mổ xẻ và phân tích này hoàn toàn khách quan vì dựa trên những sự kiện diễn ra mà ai cũng biết. Cũng dựa trên các sự kiện như sự đập phá chùa Liên Trì, CSVN đã có cả một chính sách lớn để đàn áp tôn giáo từ nhu đến cương rất linh hoạt và gian trá để che mắt người dân và dư luận quốc tế.
Trong phần ba của quyển sách, tác giả đề cập đến sự thâm độc của Trung Cộng mà cộng sản Việt Nam tiếp tay vào sự thâm độc đó để giữ được đảng và sự thống trị đất nước.
Sau cùng diễn giả đưa ra một nhận xét của mình là người đọc có thể có một vài điều không đồng ý về chi tiết nhưng tổng quan thì đó là một cuốn sách giá trị với những tài liệu, chứng cứ khách quan để người đọc thấy được cái đau chung cũng như niềm hy vọng. Cuốn sách có thể được coi là một thông điệp, một chúc thư của thế hệ lớn tuổi về quê hương đất nước.
Về phát biểu của ba vị khách tham dự thì đều có một cái nhìn chung là cuốn sách là một tập tài liệu cho chúng ta tham khảo về tình trạng đất nước quê hương hiện nay. Với ông Trần Quốc Bảo thì phần đề cập đến tôn giáo và chính trị, tác giả đã có những nhận xét phân tích phán đoán rất là can đảm nói lên những sự thực khách quan.
Sau cùng, tác giả Trần Phong Vũ đã bước lên diễn đàn ngỏ lời cảm tạ đến mọi người đã tham dự đến phút chót, đặc biệt là những diễn giả, thân hữu đã đóng góp ý kiến và nhận định về cuốn sách này mà tác giả cho biết là nó được hình thành từ những thúc đẩy và khuyến khích của bạn bè thân thích, độc giả khắp nơi.
Trong suốt buổi sinh hoạt người dẫn chương trình Trần Việt Cường đã cùng ban tù ca Xuân Điềm làm sôi nổi khí thế qua những ca khúc gợi nhớ quê hương. Đặc biệt là giới trẻ trong những ca đoàn thánh ca tại các nhà thờ đã đến giúp tác giả Trần Phong Vũ qua những bài ca nhớ về Saigon, quê hương đất nước. Riêng tiếng hát thanh trong cao vút của ca sĩ Quỳnh Hương, một thân hữu của tác giả, qua tuyệt phẩm “Đêm Đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã làm mọi người tham dự phải vỗ tay nồng nhiệt.
Trước khi chia tay, ban tổ chức đã mời mọi người tham dự một bữa ăn nhẹ để mọi người có dịp gặp gỡ nhau và chuyện trò với tác giả.
PNT chuyen