Văn Học & Nghệ Thuật
Nhà văn Virginia Woolf và "Căn phòng riêng"
“Một phụ nữ muốn viết văn cần phải có tiền và một căn phòng riêng”. Nhà văn người Anh Virginia Woolf (1882-1941) đưa ra kết luận như trên trong cuốn tiểu luận văn học nổi tiếng của bà : Căn phòng riêng (A Room of One’s Own, 1929). Ngày nay, cuốn sách được xem là nền tảng của Nữ quyền luận, một cao trào tư tưởng lớn ở thế kỉ XX.
Căn phòng riêng đã được dịch giả Trịnh Y Thư chuyển ngữ sang tiếng Việt năm 2009 và vừa được nhà xuất bản Tri Thức tái bản lần thứ nhất mùa hè 2016.
Adeline Virginia Woolf là một tiểu thuyết gia kiêm nhà viết tiểu luận người Anh, được xem là một trong những nhà văn hiện đại lừng danh nhất thế kỉ XX. Trong thời gian giữa hai Thế Chiến, bà là một nhân vật có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong sinh hoạt văn học tại Luân Đôn và là thành viên chính của nhóm trí thức Bloomsbury Group.
Những tác phẩm nổi tiếng nhất của Virginia Woolf gồm có Đêm và ngày (Night and Day, 1919), Căn phòng của Jacob (Jacob’s Room, 1922), Bà Dalloway (Mrs. Dalloway, 1925), Đến ngọn hải đăng (To the Lighthouse, 1927), Orlando (1928), Căn phòng riêng (A Room of One’s Own, 1929), Những đợt sóng (The Waves, 1931), Ba đồng tiền vàng (Three Guineas, 1938).
Chính trong cuốn Căn phòng riêng có một câu châm ngôn rất nổi tiếng của bà : “Một phụ nữ muốn viết văn cần phải có tiền và một căn phòng riêng”.
Suốt thời gian tại thế, Woolf chịu đựng chứng bệnh tâm thần mà ngày nay được gọi là bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Năm 1941, ở tuổi 59, bà tự trầm mình xuống sông quyên sinh.
Nền tảng của Nữ quyền luận
Căn phòng riêng, tiểu luận văn học của nhà văn nữ người Anh Virginia Woolf được hình thành từ loạt bài thuyết trình của bà năm 1928 tại Newham College và Girton College, hai trường cao đẳng dành cho phụ nữ tại Đại học Cambridge, xoay quanh chủ đề “Phụ nữ và sáng tác văn học.” Cuốn sách không chỉ nói lên tình thế tiêu cực của các nhà văn nữ ở thời kỳ mà người phụ nữ phải chấp nhận nhiều sự bất bình đẳng và định kiến xã hội, nó còn đề xuất một cái nhìn tích cực để từ đó xác định vai trò, vị trí và năng lực của phụ nữ trong việc sáng tạo nên những giá trị văn hóa của nhân loại.
Ngày nay cuốn sách được xem là nền tảng của Nữ quyền luận, một cao trào tư tưởng lớn ở thế kỉ XX, chẳng những đem lại khí quyển mới trong sáng tác mà cả ý thức đọc và phê bình những tác phẩm văn học viết bởi phái nữ xưa cũng như nay.
Tâm huyết của Virginia Woolf trong tiểu luận Căn phòng riêng
Dịch giả Trịnh Y Thư : Với tôi, dịch, nhất là dịch tác phẩm văn học, luôn luôn là thử thách đầy cam go. Ngoài những tiêu chuẩn cơ bản như trung thành tuyệt đối với văn bản nguyên tác, chú trọng đến yêu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch, người dịch còn phải cố gắng duy trì càng nhiều càng tốt cái phong cách văn học trong tác phẩm nữa. Chính phong cách văn học này trong tác phẩm của Virginia Woolf đã gây khá nhiều khó khăn cho tôi.
Cuốn sách mang hình thức một tập tiểu luận, nhưng mặc dù không thiếu những ý tưởng uyên bác, nó không được viết bằng thứ ngôn ngữ hàn lâm lạnh lùng, khô cứng, tràn lan những thuật ngữ văn học khó hiểu vô hồn, mà Căn phòng riêng được viết bằng giọng văn sôi nổi đầy cảm tính chứa đựng niềm xác tín mãnh liệt vào những điều mình muốn chia sẻ cùng người đọc.
Woolf là tiểu thuyết gia, bà thường được ghép vào xu hướng sáng tạo văn học có tên gọi là “dòng ý thức”. Tôi không rõ điều này có ảnh hưởng gì lên văn lí luận của bà, nhưng tôi có cảm tưởng, với cuốn Căn phòng riêng, bà đã dốc tất cả tâm tư mình vào đó với tấm lòng chân thành tuyệt đối. Bà viết nó với trái tim nhiều hơn là khối óc ; hơn nữa, nó cũng không thiếu những đoạn trần thuật, miêu tả, độc thoại nội tâm như tiểu thuyết.
Khi dịch cuốn sách sang Việt ngữ, tôi đã cố gắng duy trì phong cách duy cảm đó trong văn của bà. Điều đó, với tôi, chẳng dễ dàng chút nào, và quả thật tôi không dám chắc mình đã thành công.
Sự ưu việt của khối óc lưỡng tính
Dịch giả Trịnh Y Thư : Chính cái sôi nổi đầy cảm tính của Virginia Woolf trong tập sách đã gây ấn tượng mạnh mẽ nơi tôi. Bạn có thể không đồng ý với nhiều điều trong quan điểm văn chương của bà. Chẳng hạn, khi Virginia Woolf đưa ra quan điểm một thiên tài như Shakespeare không thể sinh ra trong một gia đình tôi đòi, thất học, lao động tay chân ; hoặc, phụ nữ viết văn phải có tiền và một căn phòng riêng. Nhưng bà không hề khoan nhượng hoặc chấp nhận một quan niệm hòa giải nào, chẳng hạn như khi bà đưa ra lập luận về sự ưu việt của khối óc lưỡng tính. Bà viết như sau trong cuốn sách :
“… Trong mỗi chúng ta có hai năng lực chỉ huy song hành, một nam, một nữ ; và trong trí óc người đàn ông, đàn ông chiếm ưu thế hơn đàn bà, trong trí óc người đàn bà, đàn bà chiếm ưu thế hơn đàn ông. Khi cả hai chung sống với sự hòa đồng, trong tinh thần hợp tác, thì trạng thái của hiện hữu là trạng thái bình thường và thoải mái. Nếu là đàn ông thì phần đàn bà trong trí óc ông ta phải có hiệu ứng ; và ngược lại, người đàn bà cũng phải giao hòa với phần đàn ông trong trí óc mình… Đó là lúc sự hợp nhất xảy ra và trí óc trở nên phong phú, tận dụng tất cả khả năng của nó…”
Tôi cho đó là sự biểu hiện đặc trưng của nhà văn.
Nhà văn như bà, khác với chính trị gia, là người không bao giờ chịu ép mình để đi đến sự hòa giải, vo tròn. Phải chăng bà là người cực đoan, có cá tính mạnh, chân thành với niềm tin của mình, xem nó như một đức tin tôn giáo? Và phải chăng bởi thế một hôm bà ra bờ sông, bước xuống dòng nước đang chảy xiết và không bao giờ trở về nhà ?
Virginia Woolf, người mở đường
Dịch giả Trịnh Y Thư : Tôi vốn không có thói quen phân biệt nhà văn nam hoặc nữ. Tôi đọc tác phẩm họ viết do ý thích cá nhân nhiều hơn là bởi giới tính của tác giả. Nhưng gần đây tôi đặc biệt yêu thích nhà văn Canada, Alice Munro (giải Nobel Văn Học 2013). Văn chương của Munro thật là phong phú và sâu lắng. Đọc xong truyện của bà, gấp sách lại, tâm hồn tôi như đổi khác ; tôi cảm thấy yêu người, yêu cuộc đời này hơn và tôi chợt thấy buồn cười cho những phi lí lẫn nghịch lí của đời sống. Tôi đòi hỏi gì hơn thế ở một nhà văn?
“Liệu các nhà văn nữ có thể sáng tạo nên những tác phẩm tầm vóc như của Shakespeare không ?”
Dịch giả Trịnh Y Thư : Woolf xem Shakespeare (và ở chừng mực nào đó, Jane Austen) là đỉnh cao của nghệ thuật sáng tạo bằng chữ nghĩa. Theo bà, muốn như thế, đòi hỏi nơi người viết một tinh thần vô ngã như vị thánh. Bà chê Charlotte Bronte viết không bằng Jane Austen mặc dù tài năng vượt trội hơn, chỉ vì Bronte đã để cảm xúc cá nhân (cái tôi) chen lấn vào tác phẩm. Nhưng nhìn từ góc độ bình thường, quả tình tôi không rõ đã có nhà văn nào, nam cũng như nữ, viết được tác phẩm tầm vóc như của Shakespeare hay chưa. Có thể đã có nhưng tôi không đủ trình độ để thẩm định điều đó. Tuy vậy, theo tôi, chuyện đó không quan hệ lắm.
Cái đáng nói là ở thời đại chúng ta, không còn ai phân biệt hoặc quan tâm đến giới tính của nhà văn nữa. Càng ngày càng có nhiều phụ nữ cầm bút và không ai nghi ngờ tài năng cũng như giá trị tác phẩm của họ.
Bàn ra tán vào (0)
Nhà văn Virginia Woolf và "Căn phòng riêng"
“Một phụ nữ muốn viết văn cần phải có tiền và một căn phòng riêng”. Nhà văn người Anh Virginia Woolf (1882-1941) đưa ra kết luận như trên trong cuốn tiểu luận văn học nổi tiếng của bà : Căn phòng riêng (A Room of One’s Own, 1929). Ngày nay, cuốn sách được xem là nền tảng của Nữ quyền luận, một cao trào tư tưởng lớn ở thế kỉ XX.
Căn phòng riêng đã được dịch giả Trịnh Y Thư chuyển ngữ sang tiếng Việt năm 2009 và vừa được nhà xuất bản Tri Thức tái bản lần thứ nhất mùa hè 2016.
Adeline Virginia Woolf là một tiểu thuyết gia kiêm nhà viết tiểu luận người Anh, được xem là một trong những nhà văn hiện đại lừng danh nhất thế kỉ XX. Trong thời gian giữa hai Thế Chiến, bà là một nhân vật có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong sinh hoạt văn học tại Luân Đôn và là thành viên chính của nhóm trí thức Bloomsbury Group.
Những tác phẩm nổi tiếng nhất của Virginia Woolf gồm có Đêm và ngày (Night and Day, 1919), Căn phòng của Jacob (Jacob’s Room, 1922), Bà Dalloway (Mrs. Dalloway, 1925), Đến ngọn hải đăng (To the Lighthouse, 1927), Orlando (1928), Căn phòng riêng (A Room of One’s Own, 1929), Những đợt sóng (The Waves, 1931), Ba đồng tiền vàng (Three Guineas, 1938).
Chính trong cuốn Căn phòng riêng có một câu châm ngôn rất nổi tiếng của bà : “Một phụ nữ muốn viết văn cần phải có tiền và một căn phòng riêng”.
Suốt thời gian tại thế, Woolf chịu đựng chứng bệnh tâm thần mà ngày nay được gọi là bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Năm 1941, ở tuổi 59, bà tự trầm mình xuống sông quyên sinh.
Nền tảng của Nữ quyền luận
Căn phòng riêng, tiểu luận văn học của nhà văn nữ người Anh Virginia Woolf được hình thành từ loạt bài thuyết trình của bà năm 1928 tại Newham College và Girton College, hai trường cao đẳng dành cho phụ nữ tại Đại học Cambridge, xoay quanh chủ đề “Phụ nữ và sáng tác văn học.” Cuốn sách không chỉ nói lên tình thế tiêu cực của các nhà văn nữ ở thời kỳ mà người phụ nữ phải chấp nhận nhiều sự bất bình đẳng và định kiến xã hội, nó còn đề xuất một cái nhìn tích cực để từ đó xác định vai trò, vị trí và năng lực của phụ nữ trong việc sáng tạo nên những giá trị văn hóa của nhân loại.
Ngày nay cuốn sách được xem là nền tảng của Nữ quyền luận, một cao trào tư tưởng lớn ở thế kỉ XX, chẳng những đem lại khí quyển mới trong sáng tác mà cả ý thức đọc và phê bình những tác phẩm văn học viết bởi phái nữ xưa cũng như nay.
Tâm huyết của Virginia Woolf trong tiểu luận Căn phòng riêng
Dịch giả Trịnh Y Thư : Với tôi, dịch, nhất là dịch tác phẩm văn học, luôn luôn là thử thách đầy cam go. Ngoài những tiêu chuẩn cơ bản như trung thành tuyệt đối với văn bản nguyên tác, chú trọng đến yêu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch, người dịch còn phải cố gắng duy trì càng nhiều càng tốt cái phong cách văn học trong tác phẩm nữa. Chính phong cách văn học này trong tác phẩm của Virginia Woolf đã gây khá nhiều khó khăn cho tôi.
Cuốn sách mang hình thức một tập tiểu luận, nhưng mặc dù không thiếu những ý tưởng uyên bác, nó không được viết bằng thứ ngôn ngữ hàn lâm lạnh lùng, khô cứng, tràn lan những thuật ngữ văn học khó hiểu vô hồn, mà Căn phòng riêng được viết bằng giọng văn sôi nổi đầy cảm tính chứa đựng niềm xác tín mãnh liệt vào những điều mình muốn chia sẻ cùng người đọc.
Woolf là tiểu thuyết gia, bà thường được ghép vào xu hướng sáng tạo văn học có tên gọi là “dòng ý thức”. Tôi không rõ điều này có ảnh hưởng gì lên văn lí luận của bà, nhưng tôi có cảm tưởng, với cuốn Căn phòng riêng, bà đã dốc tất cả tâm tư mình vào đó với tấm lòng chân thành tuyệt đối. Bà viết nó với trái tim nhiều hơn là khối óc ; hơn nữa, nó cũng không thiếu những đoạn trần thuật, miêu tả, độc thoại nội tâm như tiểu thuyết.
Khi dịch cuốn sách sang Việt ngữ, tôi đã cố gắng duy trì phong cách duy cảm đó trong văn của bà. Điều đó, với tôi, chẳng dễ dàng chút nào, và quả thật tôi không dám chắc mình đã thành công.
Sự ưu việt của khối óc lưỡng tính
Dịch giả Trịnh Y Thư : Chính cái sôi nổi đầy cảm tính của Virginia Woolf trong tập sách đã gây ấn tượng mạnh mẽ nơi tôi. Bạn có thể không đồng ý với nhiều điều trong quan điểm văn chương của bà. Chẳng hạn, khi Virginia Woolf đưa ra quan điểm một thiên tài như Shakespeare không thể sinh ra trong một gia đình tôi đòi, thất học, lao động tay chân ; hoặc, phụ nữ viết văn phải có tiền và một căn phòng riêng. Nhưng bà không hề khoan nhượng hoặc chấp nhận một quan niệm hòa giải nào, chẳng hạn như khi bà đưa ra lập luận về sự ưu việt của khối óc lưỡng tính. Bà viết như sau trong cuốn sách :
“… Trong mỗi chúng ta có hai năng lực chỉ huy song hành, một nam, một nữ ; và trong trí óc người đàn ông, đàn ông chiếm ưu thế hơn đàn bà, trong trí óc người đàn bà, đàn bà chiếm ưu thế hơn đàn ông. Khi cả hai chung sống với sự hòa đồng, trong tinh thần hợp tác, thì trạng thái của hiện hữu là trạng thái bình thường và thoải mái. Nếu là đàn ông thì phần đàn bà trong trí óc ông ta phải có hiệu ứng ; và ngược lại, người đàn bà cũng phải giao hòa với phần đàn ông trong trí óc mình… Đó là lúc sự hợp nhất xảy ra và trí óc trở nên phong phú, tận dụng tất cả khả năng của nó…”
Tôi cho đó là sự biểu hiện đặc trưng của nhà văn.
Nhà văn như bà, khác với chính trị gia, là người không bao giờ chịu ép mình để đi đến sự hòa giải, vo tròn. Phải chăng bà là người cực đoan, có cá tính mạnh, chân thành với niềm tin của mình, xem nó như một đức tin tôn giáo? Và phải chăng bởi thế một hôm bà ra bờ sông, bước xuống dòng nước đang chảy xiết và không bao giờ trở về nhà ?
Virginia Woolf, người mở đường
Dịch giả Trịnh Y Thư : Tôi vốn không có thói quen phân biệt nhà văn nam hoặc nữ. Tôi đọc tác phẩm họ viết do ý thích cá nhân nhiều hơn là bởi giới tính của tác giả. Nhưng gần đây tôi đặc biệt yêu thích nhà văn Canada, Alice Munro (giải Nobel Văn Học 2013). Văn chương của Munro thật là phong phú và sâu lắng. Đọc xong truyện của bà, gấp sách lại, tâm hồn tôi như đổi khác ; tôi cảm thấy yêu người, yêu cuộc đời này hơn và tôi chợt thấy buồn cười cho những phi lí lẫn nghịch lí của đời sống. Tôi đòi hỏi gì hơn thế ở một nhà văn?
“Liệu các nhà văn nữ có thể sáng tạo nên những tác phẩm tầm vóc như của Shakespeare không ?”
Dịch giả Trịnh Y Thư : Woolf xem Shakespeare (và ở chừng mực nào đó, Jane Austen) là đỉnh cao của nghệ thuật sáng tạo bằng chữ nghĩa. Theo bà, muốn như thế, đòi hỏi nơi người viết một tinh thần vô ngã như vị thánh. Bà chê Charlotte Bronte viết không bằng Jane Austen mặc dù tài năng vượt trội hơn, chỉ vì Bronte đã để cảm xúc cá nhân (cái tôi) chen lấn vào tác phẩm. Nhưng nhìn từ góc độ bình thường, quả tình tôi không rõ đã có nhà văn nào, nam cũng như nữ, viết được tác phẩm tầm vóc như của Shakespeare hay chưa. Có thể đã có nhưng tôi không đủ trình độ để thẩm định điều đó. Tuy vậy, theo tôi, chuyện đó không quan hệ lắm.
Cái đáng nói là ở thời đại chúng ta, không còn ai phân biệt hoặc quan tâm đến giới tính của nhà văn nữa. Càng ngày càng có nhiều phụ nữ cầm bút và không ai nghi ngờ tài năng cũng như giá trị tác phẩm của họ.