Văn Học & Nghệ Thuật
Nhà văn Võ Phiến qua đời
29-9-2015
Mới đọc báo Người Việt mới biết tin Nhà văn Võ Phiến đã qua đời ở California, ngày hôm nay, thọ 90 tuổi (1). Có lẽ nhiều bạn trẻ không/chưa biết đến ông, nhưng ông là một trong những tác giả quan trọng nhất của văn học Việt Nam. Ông tên thật là Đoàn Thế Nhơn, người gốc Phù Mỹ, Bình Định (quê ngoại tôi), từng tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng sau này ông bỏ về thành. Sau 1975, ông di tản qua Mĩ, và có công gầy dựng trào lưu văn học Việt ở hải ngoại.
Ông nhạc phụ tôi là người cùng thời với Võ Phiến và từng có thời công tác chung trong Việt Minh. Lúc sinh thời, ông nhạc tôi kể hoài về văn tài của Võ Phiến, một người nói không nhiều, có vẻ “sớ rớ”, mà viết văn cực hay. Ông nói rằng lúc Võ Phiến bỏ VM về thành vì một bất đồng ý kiến về quan điểm văn nghệ, những người VM tiếc hùi hụi vì mất một văn tài. Nhưng Võ Phiến thì không hề tiếc khi ông bỏ hàng ngũ VM, và sau này trở thành một người có những tác phẩm có thể nói là làm cho người cộng sản không hài lòng (nói lịch sự là thế).
Như tôi có lần thổ lộ, trong các nhà văn Việt Nam (chứ không phải chỉ riêng miền Nam) tôi khâm phục Võ Phiến nhất. Ông là người viết hay và viết nhiều. Văn chương của ông giống như văn nói, bình dị, không bóng bẩy, đọc lên cứ như là có người “nẫu” thủ thỉ với mình. Nhưng đọc Võ Phiến thì phải đọc lần thứ hai mới thấm, mới thấy những câu chữ bình dị đó hàm chứa cái tinh tế, uyên bác, và sâu sắc đằng sau. Tôi mê ông viết bài tuỳ bút về … nước mắm, đọc không chán, mà còn rất tinh tế nữa. Nhưng tác phẩm của ông còn chứng tỏ ông là người có khiếu phân tích tâm lí, quan sát cử chỉ và hành động của nhân vật, cứ như là một nhà khoa học! Ông có cái phong cách giống Freud, nhưng lại rất Nam bộ, rất “Hồ Biểu Chánh”.
Ông viết rất nhiều, viết từ trong nước ra hải ngoại. Tôi may mắn có được bộ Văn Học Miền Nam (7 cuốn) do ông soạn. Chỉ bộ sách này cũng đủ để tên ông lưu danh hậu thế. Tính ra, ông là tác giả của hơn 30 tác phẩm, và tác phẩm nào cũng hay. Sau 1975, các tác phẩm của ông bị cấm phát hành, vì cũng như bao nhiêu nhà văn khác, ông bị cho cái nón “chống cộng”. Mãi đến gần đây, người ta mới in lại sách của ông ở trong nước, nhưng cũng phải dấu tên ông. Đó là cuốn tuỳ bút “Quê Hương Tôi”, nhưng tên tác giả là Tràng Thiên. Chỉ có ai từng đọc Võ Phiến trước 1975 mới biết bút hiệu này là của ông.
Năm ngoái, khi sách của ông được tái bản ở trong nước, một người con của ông dám viết một bài đấu tố cha mình ngay trên báo chí trong nước. Bài đấu tố rất ư là thấp và hèn hạ. Thật hiếm thấy một “nghịch tử” nào như ông con này. Thế là ở hải ngoại dấy lên hàng loạt tác giả lên tiếng dạy cho ông nghịch tử này một bài học. Còn Nhà văn Võ Phiến thì chắc chẳng biết gì, vì lúc đó ông đang bị bệnh.
Tôi có lần đến thăm ông bà Võ Phiến khi tôi ghé qua California sau chuyến công tác. Lúc đó ông vẫn còn khoẻ mạnh, và tinh tường. Căn nhà nhỏ xíu của ông hình như lúc nào cũng đầy khách văn chương, chỉ có tôi là người … ngoại đạo. Nay thì ông đã về cõi vĩnh hằng. Một ngôi sao văn học đã vụt tắt. Khi một người ra đi tôi hay nhắc câu của Trịnh Công Sơn, “vắng một người thế giới trở nên hoang vu”, và muốn gửi lời chia buồn cùng gia đình ông.
____
Mời đọc lại: Con trai nhà văn Võ Phiến “đấu tố” cha? (VNTB/ Ba Sàm). KIỀU PHONG – NHỮNG SAI LẦM TRONG BÀI “TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN” CỦA THU TỨ (1) — KIỀU PHONG – NHỮNG SAI LẦM TRONG BÀI “TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN” CỦA THU TỨ (2) — NHỮNG SAI LẦM TRONG BÀI “TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN” CỦA THU TỨ (3) (BS). – Phùng Nguyễn: Trường hợp Võ Phiến hay câu chuyện Tái ông thất mã (BS). – Ngô Thế Vinh: BỐN MƯƠI NĂM VÕ PHIẾN – NHÀ VĂN LƯU ĐẦY (BS).
https://anhbasam.wordpress.com/2015/09/29/5264-nha-van-vo-phien-qua-doi/
Bàn ra tán vào (0)
Nhà văn Võ Phiến qua đời
29-9-2015
Mới đọc báo Người Việt mới biết tin Nhà văn Võ Phiến đã qua đời ở California, ngày hôm nay, thọ 90 tuổi (1). Có lẽ nhiều bạn trẻ không/chưa biết đến ông, nhưng ông là một trong những tác giả quan trọng nhất của văn học Việt Nam. Ông tên thật là Đoàn Thế Nhơn, người gốc Phù Mỹ, Bình Định (quê ngoại tôi), từng tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng sau này ông bỏ về thành. Sau 1975, ông di tản qua Mĩ, và có công gầy dựng trào lưu văn học Việt ở hải ngoại.
Ông nhạc phụ tôi là người cùng thời với Võ Phiến và từng có thời công tác chung trong Việt Minh. Lúc sinh thời, ông nhạc tôi kể hoài về văn tài của Võ Phiến, một người nói không nhiều, có vẻ “sớ rớ”, mà viết văn cực hay. Ông nói rằng lúc Võ Phiến bỏ VM về thành vì một bất đồng ý kiến về quan điểm văn nghệ, những người VM tiếc hùi hụi vì mất một văn tài. Nhưng Võ Phiến thì không hề tiếc khi ông bỏ hàng ngũ VM, và sau này trở thành một người có những tác phẩm có thể nói là làm cho người cộng sản không hài lòng (nói lịch sự là thế).
Như tôi có lần thổ lộ, trong các nhà văn Việt Nam (chứ không phải chỉ riêng miền Nam) tôi khâm phục Võ Phiến nhất. Ông là người viết hay và viết nhiều. Văn chương của ông giống như văn nói, bình dị, không bóng bẩy, đọc lên cứ như là có người “nẫu” thủ thỉ với mình. Nhưng đọc Võ Phiến thì phải đọc lần thứ hai mới thấm, mới thấy những câu chữ bình dị đó hàm chứa cái tinh tế, uyên bác, và sâu sắc đằng sau. Tôi mê ông viết bài tuỳ bút về … nước mắm, đọc không chán, mà còn rất tinh tế nữa. Nhưng tác phẩm của ông còn chứng tỏ ông là người có khiếu phân tích tâm lí, quan sát cử chỉ và hành động của nhân vật, cứ như là một nhà khoa học! Ông có cái phong cách giống Freud, nhưng lại rất Nam bộ, rất “Hồ Biểu Chánh”.
Ông viết rất nhiều, viết từ trong nước ra hải ngoại. Tôi may mắn có được bộ Văn Học Miền Nam (7 cuốn) do ông soạn. Chỉ bộ sách này cũng đủ để tên ông lưu danh hậu thế. Tính ra, ông là tác giả của hơn 30 tác phẩm, và tác phẩm nào cũng hay. Sau 1975, các tác phẩm của ông bị cấm phát hành, vì cũng như bao nhiêu nhà văn khác, ông bị cho cái nón “chống cộng”. Mãi đến gần đây, người ta mới in lại sách của ông ở trong nước, nhưng cũng phải dấu tên ông. Đó là cuốn tuỳ bút “Quê Hương Tôi”, nhưng tên tác giả là Tràng Thiên. Chỉ có ai từng đọc Võ Phiến trước 1975 mới biết bút hiệu này là của ông.
Năm ngoái, khi sách của ông được tái bản ở trong nước, một người con của ông dám viết một bài đấu tố cha mình ngay trên báo chí trong nước. Bài đấu tố rất ư là thấp và hèn hạ. Thật hiếm thấy một “nghịch tử” nào như ông con này. Thế là ở hải ngoại dấy lên hàng loạt tác giả lên tiếng dạy cho ông nghịch tử này một bài học. Còn Nhà văn Võ Phiến thì chắc chẳng biết gì, vì lúc đó ông đang bị bệnh.
Tôi có lần đến thăm ông bà Võ Phiến khi tôi ghé qua California sau chuyến công tác. Lúc đó ông vẫn còn khoẻ mạnh, và tinh tường. Căn nhà nhỏ xíu của ông hình như lúc nào cũng đầy khách văn chương, chỉ có tôi là người … ngoại đạo. Nay thì ông đã về cõi vĩnh hằng. Một ngôi sao văn học đã vụt tắt. Khi một người ra đi tôi hay nhắc câu của Trịnh Công Sơn, “vắng một người thế giới trở nên hoang vu”, và muốn gửi lời chia buồn cùng gia đình ông.
____
Mời đọc lại: Con trai nhà văn Võ Phiến “đấu tố” cha? (VNTB/ Ba Sàm). KIỀU PHONG – NHỮNG SAI LẦM TRONG BÀI “TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN” CỦA THU TỨ (1) — KIỀU PHONG – NHỮNG SAI LẦM TRONG BÀI “TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN” CỦA THU TỨ (2) — NHỮNG SAI LẦM TRONG BÀI “TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN” CỦA THU TỨ (3) (BS). – Phùng Nguyễn: Trường hợp Võ Phiến hay câu chuyện Tái ông thất mã (BS). – Ngô Thế Vinh: BỐN MƯƠI NĂM VÕ PHIẾN – NHÀ VĂN LƯU ĐẦY (BS).
https://anhbasam.wordpress.com/2015/09/29/5264-nha-van-vo-phien-qua-doi/