Hồi còn học cấp hai, cấp ba, có vài người người bạn gái bảo tôi rằng: “Me tớ ngày xưa là hoa khôi ở Huế” hoặc “Má tao hồi đó đẹp nhứt xứ” hay “Hồi trước, mợ mình đẹp nhất làng”.
Là bạn thân, tôi thường đến nhà những người bạn này và đã được cha mẹ các bạn xem như con cháu trong nhà nên hầu như lần nào tôi cũng hẫng khi nghe các bạn khen mẹ họ “đã từng là người đẹp”.
Tôi không cho rằng họ xạo xự với mình vì họ dùng thì quá khứ cơ mà. Thế nhưng rất khó cho cái óc tưởng tượng phong phú của tôi có thể nối kết hình ảnh những bà mẹ đầy nét lo toan của bạn mình với hình ảnh một cô gái đẹp cho dù tôi cố gắng cho họ trẻ lại hai ba chục tuổi.
Liên tưởng đến trường hợp của mình, nào giờ dưới góc nhìn của một đứa con, tôi thấy Má mình là người mẹ chịu thương chịu khó, tảo tần lo cho chồng con. Nhìn dáng vẻ tất tưởi, khuôn mặt lúc nào cũng như đang phải tính tới tiêu, hành, tỏi, ớt, gạo, thóc, mắm, muối, v.v của Má, dù có muốn thiên vị, tôi cũng không dám bắt chước bạn để bảo với các nàng rằng: “Má mình cũng từng đẹp có tiếng”.
Tôi đã bảo các bạn cho xem hình mẹ của họ hồi trẻ và tôi cũng lôi hình ngày xưa của Má mình ra ngắm lại. Điều tôi nhìn ra qua các bức hình đã vàng ố qua năm tháng là Mẹ các bạn và Má tôi đều có vẻ xinh tươi của những thanh nữ đương xuân, mà phụ nữ khi trẻ ai cũng đều có nét xinh tươi cả.
Có điều tôi không thể xác định là họ có phải đã từng là những “người đẹp nhứt xứ” hay không. Biết rằng ngày đó chưa có photoshop, các bác phó nhòm chỉ dùng cọ phẩy phết chút đỉnh lên hình, ngoài ra có người thì ăn ảnh, người thì không, thế nên tôi quyết định rằng hình ảnh đôi khi cũng không tả chân được vẻ ngoài thực sự của một con người. Thế là tôi tìm hiểu sự thật qua những nhân chứng sống.
Tôi nhớ lại hồi cuối thập niên 1970, có một bác đồng hương sống ở Xóm Mới (khu Công Giáo di cư 1954 ở Gò Vấp), lâu lâu ghé qua khu Bùi Phát, Quận 3 để thăm người làng tôi. Bác này dong dỏng cao, vẻ nho nhã, mỗi lần gặp cứ tiếc nuối bảo tôi: “Đúng ra ngày xưa Má cháu lấy bác chứ không phải Ba cháu đâu!”
Mới tí tuổi đầu, tôi chẳng hiểu cái ông này nói gì, về kể lại cho Má nghe, bà cứ gạt phắt đi: “Vớ vẩn, ông ấy thuộc lớp đàn em mà nói tầm bậy”.
Cách đây hai năm, Ba tôi đã mất ở tuổi 80, thế mà anh Thủy Tinh kia, nay đã bị tai biến, không thể lên khu Bùi Phát được nữa nhưng lâu lâu vẫn gọi điện thoại “vấn an” Má tôi. Nàng Mỵ Nương thì cứ bắt con cháu nói dối mình không có nhà. Cách hành xử của “hai anh chị” chẳng khác gì khi tôi mười mấy tuổi, cứ bỏ đi trốn khi có mấy cái đuôi tìm đến nhà.
Tới giờ thì tôi tin rằng Má tôi đã từng là người đẹp và tôi khoanh vùng tầm ảnh hưởng đó trong lũy tre của cái Làng Kẻ Nấp vì một số người lớn tuổi trong làng bảo tôi hồi đó Má tôi rất xinh gái.
Khi ra Hà nội làm việc lâu dài vào cuối năm 2000, tôi ở nhà người chị họ đã 70 tuổi. Lúc rảnh hai chị em ngồi tỉ tê, chị bảo tôi: “Má em ngày xưa đẹp lắm cho nên Ba em mới đòi sống đòi chết lấy cho bằng được đó”.
Nghi vấn đã được chứng minh. Thế thì điều gì đã biến Má tôi từ một cô gái xinh đẹp thành một người phụ nữ nhạt nhòa, chẳng đẹp, chẳng xấu. Tôi không tin rằng thời gian đã làm tàn phai nhan sắc bà đến thế, bởi vì tôi vẫn thấy xung quanh mình có những thiếu phụ hoặc bà cụ tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn có nét đẹp đúng với tầm tuổi của họ.
Hỏi để rồi mình tự phải tìm ra câu trả lời. Tôi nhìn ngược lại cuộc đời của mẹ mình và thấy rằng những nhân tố sau đã góp phần làm “tàn phai” nhan sắc một thời của bà: sự hy sinh lo toan cho chồng con đến quên mình, những biến cố thời cuộc không mong đợi và những bất hạnh của số phần con người.
Thật chẳng dễ để làm vợ của một ông chồng đẹp trai và là con cầu tự của đôi vợ chồng già hiếm muộn. Sự việc còn khó khăn hơn nhiều khi là mẹ của chín đứa con. Từ nhỏ, tôi đã ngạc nhiên là sao Má tôi lại có thể làm được rất nhiều việc cùng lúc và hình như việc gì bà cũng biết làm và làm rất tốt. Bà có thể tự cắt may, đan, móc áo len cho con cái mà chẳng cần học nghề, bà cứ nhìn mẫu rồi làm.
Trước Giải phóng, bà nấu ăn cho mấy ông Mỹ, sau này khi không còn buôn chuyến Bắc Nam nữa, bà nấu đám cho người ta, nấu xôi làm bánh Trung thu bán. Cái gì có thể kiếm tiền nuôi gia đình là bà chẳng nề hà. Hình như sự quyết tâm đã giúp bà trong việc học hỏi rất nhanh. Bây giờ đã hơn 80, bà vận hành máy giặt, lò vi ba, gõ email cho con cái ngon lành. Chẳng có gì là khó với người mẹ của chín đứa con.
Có lần Má tôi bảo “Các cô con dâu bây giờ sướng quá, thời của Má, chỉ mong con cái ngủ để mà còn làm việc, còn bây giờ thì con ngủ, mẹ ngủ theo”.
Chị em chúng tôi thì thường ngạc nhiên vì không hiểu Má tôi đã lấy sức lực đâu ra mà đẻ được chín chị em tôi trong khi vẫn phải gánh gồng làm việc cực nhọc. Mới sanh chị Hai tôi được mấy tháng, bà đã phải bỏ chị vào một đầu thúng, đầu còn lại là đồ đạc rồi gánh đi chạy giặc từ Nam Định ra Hà nội.
Có những lần bà trở dạ ở vùng rừng nơi Ba tôi đóng quân, chị Hai tôi còn nhỏ nhưng phải xách đèn bão đưa mẹ đi sanh ngoài thị trấn. Cũng có những đứa con ra đi khi chưa được ra đời. Người ta bảo: “Một lần sảy bằng bảy lần sanh”, tôi hiểu con số bảy đây muốn nhấn mạnh đến không chỉ nỗi đau thể xác mà cả nỗi đau tinh thần của người mẹ mất đứa con mà không có dịp biết mặt mũi, được ôm ấp cho bú mớm. Cứ thế, mỗi chị em chúng tôi ra đời mang theo niềm vui cùng nỗi vất vả cho mẹ mình.
Những biến động thời cuộc làm Má tôi phải gồng gánh con, theo chồng bỏ quê nhà vào Nam. Ông Ngoại mất trong thời gian đất nước bị chia cắt, Má chỉ biết tin từ người bà con sống bên Hồng Kong gửi về.
Chiến tranh loạn lạc, hầu như bà đã đùm túm con cái theo chồng đi khắp các tỉnh Miền Trung và vài tỉnh Miền Nam tùy theo tình hình chiến cuộc đúng theo câu ca “Đi đâu cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”.
Ngày đất nước thống nhất là ngày bà phải chia cắt gia đình ra làm hai, mấy đứa lớn theo Cha đi kinh tế mới, mấy đứa nhỏ được ở lại Sài gòn học hành. Ngày con trai được mãn hạn tù vì tội vượt biên, để tránh những khó khăn sách nhiễu, bà bán nhà, vay mượn dọn nhà đi khỏi nơi thường bị dòm ngó. Rồi bà lại phải cắn răng liều cho con gái đi vượt biên khi trái tim con gái bà đã gửi cho người cách xa nửa vòng trái đất. Chuyện hợp tan của một gia đình không thể nào tách ra khỏi những biến động của đất nước.
Người ta bảo cơn đau của người phụ nữ lúc lâm bồn là không có gì có thể sánh bằng. Ai đã từng tin điều này chắc chắn sẽ phải thay đổi suy nghĩ nếu họ chứng kiến cảnh người phụ nữ phải rơi vào cảnh con mình rứt ruột đẻ ra lại lìa đời trước mình.
Chị Oanh và Anh Giang tôi ra đi vì tai nạn khi chỉ mới 14 và 16 tuổi. Cái chết của cả hai anh chị đều rất nghiệt ngã và thương tâm, nó có thể tránh được nếu ý thức của mọi người xung quanh cao hơn. Đôi mắt trẻ thơ của tôi đã thấy mẹ mình ngất lên ngất xuống.
Tôi nghe loáng thoáng bên tai những lời thì thầm của người lớn: “Làm sao bà ấy sống nổi với cú sốc này”. Tôi thấy mắt Má tôi dại hẳn đi như người vô hồn sau mỗi lần mất mát, nhưng một thời gian sau bà lại trở lại là con người cũ. Phải thế thôi vì bà còn một người chồng và bảy đứa con cần chăm sóc.
Với những điều xảy ra trong đời Má tôi thì Tây Thi có thể sẽ còn xuống sắc nhanh hơn bà nhiều. Có điều tôi thấy rằng ngoài hai nhân tố thời cuộc và phần số không may ảnh hưởng đến vẻ ngoài của người phụ nữ mà tôi liệt vào nhóm nhân tố khách quan vì ta chẳng thể làm gì để có thể thay đổi thì ta cần suy nghĩ lại thói quen lúc nào cũng gắn liền hình ảnh người mẹ với chữ hy sinh.
Người mẹ vẫn cao quý mà không cần phải hy sinh đến mức quên mình. Từng thành viên trong gia đình và cả xã hội có thể cải thiện lại vấn đề này tùy vào góc độ của mình.
Người chồng có thể san sẻ bớt gánh nặng chăm lo gia đình với vợ mà chẳng hề làm suy suyển hình ảnh đấng trượng phu trong vai trò của người gia trưởng. Con cái có thể làm bớt những phần việc phục vụ cho chính bản thân mình để cho người mẹ có thêm giờ phút nghỉ ngơi cho riêng bà.
Cô Hương bạn tôi bảo: “Tui và ba người đàn ông của tui (ý nói chồng và hai thằng nhóc 4 tuổi và 6 tuổi) quyết định không phụ thuộc vào ôsin nữa. Tụi tui mua máy rửa chén, máy hút bụi, cây lau nhà, nồi cơm điện và chia nhau ra mỗi người một việc, thế là ổn”.
Trong khi đó Dung bạn tôi cứ tất tả từ chỗ làm về nhà lo cơm nước, cô ăn bữa cơm không yên thân vì phải liên tục bới cơm, lấy thêm đồ ăn cho ba người đàn ông của cô. Sau bữa ăn, ba người đàn ông quăng chén bỏ lại bãi chiến trường cho cô hoa hậu độc nhất trong nhà, tót đi mỗi người một cái máy tính.
Chẳng thế mà cô bạn tôi lúc nào mắt cũng thâm quầng, thỉnh thoảng cứ thở dốc từng cơn. Nhưng hình như ở đây người cần thay đổi trước tiên lại chính là Dung bạn tôi.
Con cái không nên xem việc nhận những hy sinh của mẹ như là việc đương nhiên. Cái khái niệm “nước mắt chảy xuôi” của người Việt mình không phải lúc nào cũng đúng.
Tôi cảm thấy thật bức xúc khi kiến một cặp bố mẹ nhường luôn chiếc bánh thứ hai và thứ ba cho thằng con béo phì chỉ vì nó thích loại bánh ấy. Chẳng trách thằng bé đã trở nên đại ích kỷ.
Nhưng ở đây phần lỗi lại cũng chẳng phải ở nơi thằng bé. Thế thì các bà mẹ nói riêng và các bậc cha mẹ nói chung cũng nên xem xét lại ý nghĩa của từ “hy sinh” cho đúng cách.
Ước mong của tôi cũng chỉ là sẽ không có một người con nào phải nói với bạn bè mình rằng: “Hồi trước Má tao đẹp lắm”. Thay vào đó mọi người con đều có thể tự hào nói với bạn mình: “Tụi bay thấy Má tao đẹp không?”
Uyển Vy. Viết tại Sài gòn, ngày 12/05/2013 nhân Ngày của Mẹ