Bấy lâu nay, dư luận quốc tế thường cho rằng tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là nhắm đến vùng ngư trường rộng lớn và nguồn dầu mỏ, khí đốt dồi dào. Điều này không sai nhưng trong con mắt của các nhà quân sự thế giới, việc muốn biến Biển Đông thành “ao nhà” còn nhằm phục vụ một mục đích khác của hải quân Trung Quốc: biến vùng biển này thành một hải cảng an toàn khổng lồ cho các hạm đội tàu ngầm “ồn ào” của họ. Và đó cũng chính là lý do vì sao Trung Quốc cố làm mọi cách để ngăn cản hải quân các nước khác xuất hiện trong vùng biển này.
Dù có đội tàu ngầm khá hùng hậu nhưng hải quân Trung Quốc vẫn bị coi thường trên khắp thế giới. |
Theo các chuyên gia quân sự, các tàu ngầm nguyên tử có mang theo tên lửa đạn đạo (SSBN) của Trung Quốc hiện vẫn chưa thể khắc phục được điểm yếu chết người là độ ồn quá cao. Nếu các SSBN này muốn tiếp cận một mục tiêu nào đó, chúng rất dễ bị phát hiện và trở thành mồi ngon cho các hệ thống chống tàu ngầm vốn đã khá hiện đại của Mỹ hay phương Tây. Với khoảng cách từ Biển Đông đến các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ là khoảng 13.000 km và tầm bắn tối đa của các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm là 11.000 km, Trung Quốc sẽ có lợi thế rất lớn trong kế hoạch tạo ra một lực lượng “răn đe” với Mỹ chỉ với một nỗ lực nâng tầm bắn của tên lửa thay vì một nhiệm vụ khó khăn hơn rất nhiều là chế tạo ra những chiếc tàu ngầm có độ ồn thấp, có thể qua mặt hệ thống cảnh báo sớm của các tàu ngầm Mỹ hay sự phát hiện của các máy bay trinh sát hiện đại.
Nhưng công việc cải tiến và nâng tầm bắn của các tên lửa đạn đạo cũng không hề dễ dàng đối với Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, quân đội nước này đã nỗ lực thử nghiệm và phát triển dòng tên lửa JL-2 (Julang-2), loại tên lửa đạn đạo có thể phóng từ biển (SLBM) nhưng kết quả không được như mong đợi.
Tên lửa JL-2 có trọng lượng 42 tấn, tầm bắn 8.000 km và là một phiên bản dùng cho hải quân của loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) DF-31. Nếu JL-2 thành công Trung Quốc có thể sử dụng trên các SSBN lớp 094 và nhắm tới bất kỳ mục tiêu nào trên đất Mỹ. Mỗi chiếc SSBN lớp 094 có thể mang theo 12 tên lửa loại này. Đáng lẽ, JL-2 đã phải được đưa vào sử dụng từ 4 năm trước nhưng các cuộc thử nghiệm liên tiếp thất bại nên giờ này hải quân Trung Quốc đành phải xếp chúng vào dạng “dự án treo”.
Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm JL-2 của Trung Quốc được tường thuật trên đài truyền hình trung ương. |
Không có SLBM nên đến nay gần như toàn bộ các SSBN của Trung Quốc vẫn chỉ để làm cảnh. Đáng xấu hổ hơn nữa, chính bản thân các tàu ngầm của Trung Quốc cũng tỏ ra thiếu độ tin cậy. Đến nay, Trung Quốc đã tự sản xuất được 2 thế hệ tàu ngầm SSBN. Thế hệ thứ nhất được ra đời từ những năm 1980 thuộc lớp 092 nhưng nó có quá nhiều vấn đề nên không được hải quân Trung Quốc sử dụng trong các nhiệm vụ thực tế mà chỉ được dùng để phục vụ công tác huấn luyện trong những vùng biển gần bờ. Trung Quốc chỉ sản xuất duy nhất 1 chiếc SSBN lớp 092 nhưng kể cả đến thế hệ SSBN lớp 094 cũng mang trên mình không ít những vấn đề kỹ thuật.
Có một nỗi xấu hổ nữa của các tàu ngầm Trung Quốc mà hải quân nước này cố tình giấu nhẹm đi là những chiếc SSBN lớp 093 bị giới công nghệ quốc phòng thế giới vạch mặt là “quá giống những chiếc tàu ngầm Victor III lớp SSN đã có hơn 30 năm tuổi của hải quân Nga”. “Chỉ cần nhìn qua người ta cũng thấy chiếc tàu ngầm lớp 093 của Trung Quốc chẳng qua chỉ là chiếc Victor III có gắn thêm khoang phóng tên lửa”, một chuyên gia về tàu ngầm của Mỹ phát biểu.
Bước sang thế hệ SSBN lớp 094, thiết kế của tàu ngầm Trung Quốc vẫn gần như không có gì thay đổi nhiều và đặc biệt là thiết kế dựa trên tàu ngầm lớp SSN có trang bị thêm khoang phóng tên lửa là một “thủ thuật” mà Mỹ đã sử dụng từ những năm 1950 khi họ sản xuất những chiếc SSBN đầu tiên. Vậy mà phải đến năm 2006, chiếc SSBN lớp 093 đầu tiên của Trung Quốc mới chính thức được đưa vào hoạt động và SSBN lớp 094 chỉ khác là có kích thước lớn hơn với lượng giãn nước lên tới 9.000 tấn.
Hối hả phát triển SSBN lớp 094 và tên lửa JL-2 với dự tính là có thể nhắm tới các mục tiêu trên đất Mỹ sẽ giúp cho Trung Quốc trở nên tự tin hơn khi “nói chuyện phải quấy” với nước này. Nhưng đến nay, sau khi những chiếc SSBN lớp 094 đã đi vào phục vụ được 3 năm, chúng vẫn phải hoạt động chay (không mang theo tên lửa hạt nhân).
Dẫu vậy, ngay khi vừa cho hạ thủy được 2 chiếc tàu ngầm lớp 093, Trung Quốc đã tỏ ra khá “vênh vang” mặc dù họ biết thừa rằng những chiếc SSBN này có độ ồn quá lớn và một danh sách dài những điểm yếu kỹ thuật chưa thể khắc phục. Một số nguồn tin cho biết, ngoài SSBN lớp 094, hiện Trung Quốc cũng đang rất tích cực trong việc phát triển các thế hệ tiếp theo như lớp 095 và có thể là cả lớp 096.
Sau 3 năm hoạt động, tàu ngầm lớp 094 của Trung Quốc vẫn chưa được trang bị tên lửa JL-2 |
Để phát triển và sản xuất những chiếc tàu ngầm lớp 093, 094 Trung Quốc đã mất cả một thập kỷ. Đơn cử như với mẫu SSBN lớp 094, Trung Quốc đã khởi động từ những năm 1990 nhờ vào những công nghệ mua từ Nga và một số công nghệ do họ tự phát triển được nhờ rút kinh nghiệm từ các thế hệ trước nhưng sau đó nhiều năm, những chiếc tàu ngầm này liên tục xuất hiện lỗi kỹ thuật. Có điều, với quyết tâm “thất bại là mẹ thành công”, Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi việc xây dựng một lực lượng tàu ngầm hùng mạnh, đủ sức đối đầu với Mỹ. Giới tình báo Mỹ gần đây báo cáo cho biết, Trung Quốc đang tập trung vào mẫu thiết kế SSBN lớp 096 hoàn toàn mới đồng thời họ cũng đã thu được những thành tựu rất đáng kể từ các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất nên việc họ thành công trong việc cải biến SLBM chỉ còn là vấn đề thời gian.
Để dọn đường cho thành công này, trước tiên Trung Quốc phải giữ cho được Biển Đông, các quan chức tình báo và quân đội Mỹ nhận định.