Văn Học & Nghệ Thuật
Những ý nghĩ rời (Lời nói đầu)
Theo tôi, tầm vóc của một nhà văn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố đầu tiên nằm ở khả năng kiến tạo câu. Người lười chỉ viết được những câu văn tuy đúng ngữ pháp nhưng câu nào cũng giống câu nào, tất cả đều đầy đặn và bằng phẳng, hàng nối hàng suông đuột, cứ trôi tuột qua mắt người đọc, không để lại một ấn tượng gì cả. Người chịu khó, ngược lại, không ngừng thay đổi cấu trúc câu để mỗi câu có một cái dáng và một cái thế riêng, như dáng và thế trong cây cảnh; hoặc nếu không, cũng có một cái vẻ riêng, tuy nằm cạnh nhưng lại không lẫn với những câu khác, khiến người đọc, dù không cố tâm, vẫn phải chú ý.
Tôi đã nhận ra điều ấy từ lâu. Ngay lúc còn trẻ, những năm đầu sau khi tốt nghiệp đại học, lòng nhen nhúm chút ước mơ viết văn, tôi đã tập tành viết câu. Dạo ấy, tôi viết, hầu như mỗi ngày, trong các cuốn vở học trò, dưới một nhan đề chung Nghĩ dọc đường đời. Mỗi ý nghĩ được cô đúc trong một câu, hoặc nhiều nhất là đoạn. Trong mỗi câu (hoặc mỗi đoạn), tôi cố gắng nhắm đến hai điểm: Một, về ý, thật hàm súc, để câu văn vừa có nhiều dung lượng thông tin lại vừa chặt chẽ với một độ nén thật cao; và hai, giữa các câu phải có thật nhiều nhạc tính, nhưng không phải thứ nhạc tính du dương, ngân nga, trầm bổng với những hư từ lõng bõng, mà là một thứ nhạc tính cứng cáp, gồm những thực từ, nhiều vần trắc để đọc, người ta có cảm tưởng như nghe những cú đấm chan chát.
Thực hiện điều thứ hai, tôi quan tâm nhiều nhất đến vai trò của các dấu câu. Dấu câu có hai bình diện: Một, về ngữ pháp, nhằm phân hoá ý tưởng cho thật rõ ràng; và hai, về nhạc điệu, nhằm tạo hơi văn. Khi cầm bút, tôi tận dụng thật nhiều loại dấu câu nhạc điệu. Để âm vang câu trước có thể tràn lên câu sau; và âm vang câu sau tràn lên câu sau nữa. Để tất cả cùng ngân lên dồn dập.
Ý thức và mong ước là một chuyện còn thực hành được hay không lại là một chuyện khác. Với những người cầm bút, mỗi cố gắng đều là một thử nghiệm. Hiệu quả và sự thành công hay thất bại của các thử nghiệm ấy đều được quyết định bởi người đọc, thật nhiều người đọc, thậm chí, thật nhiều thế hệ người đọc. Riêng tôi, cơ hội để thử nghiệm kiểu kiến trúc câu là trên facebook.
Tôi chơi facebook khá muộn, chỉ từ đầu năm 2014, sau khi bị bạn bè dụ dỗ. Chỉ một thời gian ngắn, tôi khám phá ngay ra facebook có một thứ văn hoá đọc khác hẳn sách báo trên giấy cũng như với cả blog. Sách báo dài bao nhiêu cũng được. Blog không thể dài bằng sách báo nhưng cũng không giới hạn số câu một cách quá nghiệt ngã. Facebook thì khác. Khác ở hai điểm chính: Một, ở đó, hình ảnh quan trọng hơn ngôn ngữ; và hai, trong ngôn ngữ, facebook hoàn toàn dị ứng với kiểu viết dài. Khám phá ra điều ấy, mỗi ngày tôi cố viết vài đoạn văn thật ngắn. Có khi chỉ có một câu.
Quyển sách này được hình thành chủ yếu từ những câu đã đăng trên facebook ấy. Nhất là những đoạn bình luận về chính trị. Về văn học, ngoài những câu hay đoạn mới viết, tôi trích lại từ một số các quyển sách đã xuất bản của tôi trước đây. Nguyên tắc của việc trích dẫn này là: những câu có hàm lượng thông tin và ý tưởng được nén lại thật chặt chẽ, có thể đứng một mình. Như những câu hay đoạn văn độc lập. Nhưng như vậy các câu hoặc các đoạn sẽ mất đi ngữ cảnh chung quanh thành ra có khi trở thành khó hiểu. Viết ngắn, do đó, là ký thác việc tái hiện ngữ cảnh ấy vào tay của độc giả. Nói cách khác, viết ngắn là để được đọc chậm.
In thành sách những câu hay đoạn rời như thế cũng là một cách thử nghiệm. Hay hay không, thú thực, tôi không biết. Tôi chỉ biết được một điều: nó khác.
Cái khác ấy được tiếp nhận hay không là do bạn đọc (1).
***
TRÍCH NHỮNG CÂU TÂM ĐẮC NHẤT
Viết về chính trị
Tôi hay viết về chính trị nhưng hoàn toàn không có tham vọng gì về chính trị, tuyệt đối không dính líu gì đến các sinh hoạt chính trị. Tôi viết với tư cách một trí thức muốn dùng kiến thức và khả năng nhận thức để mổ xẻ những ung nhọt của đất nước; tôi viết với tư cách một nạn nhân và một chứng nhân để ghi lại những kinh nghiệm và cảm nghiệm của mình; tôi viết để giải tỏa những u uẩn và u uất trong lòng; tôi viết để, may ra, gặp được những người đồng cảm và đồng điệu để những bận tâm đau đáu của mình không thành lẻ loi. Liên quan đến đất nước, nhất là một đất nước có cả gần một trăm triệu dân, nghịch lý và phi lý nhất là cảm giác lẻ loi.
Tại sao chống?
Tôi chống lại tính chất độc tôn và độc tài của chế độ cộng sản vì nhiều lý do. Lý do đầu tiên, với tư cách một con người, là: nó vô nhân đạo; với tư cách một công dân, là: nó tàn phá đất nước hầu như trên mọi mặt, không những chỉ về kinh tế mà còn về xã hội, văn hóa, giáo dục và đạo đức; với tư cách một trí thức, là: nó ngu dân hóa; với tư cách một người cầm bút, là: nó giành độc quyền viết lịch sử một cách gian trá. Tôi không có tham vọng cứu dân chúng, đất nước và nhân tính, tôi chỉ muốn làm một điều trong phạm vi khả năng và sở trường của mình: quyết giành cho được cái quyền được góp phần tạo nên những tự sự (narrative) khác. Bằng chính ngòi bút của mình.
Hèn
Khi chính phủ hèn, họ muốn cả nước đều hèn.
Nhục
Một người nào đó hèn: Cá nhân người đó nhục. Một ông bố hèn: Cả gia đình bị nhục. Một chính phủ hèn: Cả nước bị nhục.
Cộng sản
Trước đây, có ba hạng người đi theo Cộng sản: hoặc ảo tưởng hoặc xảo trá hoặc ngu; bây giờ chỉ có hai hạng: hoặc xảo trá hoặc ngu. Trước đây, có hai hạng người tin vào chủ nghĩa Cộng sản: hoặc ngây thơ hoặc ngu; bây giờ, chỉ có một: ngu.
Cai trị và quản trị
Đảng cộng sản chỉ biết cai trị (rule) chứ không biết quản trị (govern). Để cai trị, rất đơn giản, chỉ cần ba thứ: công an, quân đội và nhà tù. Để quản trị, người ta cần cái đầu và con tim. Cái đầu để biết nhìn xa, nghĩ rộng; và con tim để biết bao dung với những cái khác, từ đó, tạo nên sức mạnh bằng sự đồng thuận chung trong xã hội. Hơn nữa, quản trị cũng cần rất nhiều kiến thức và kỹ năng cũng như một số đức tính phù hợp với một văn hóa chính trị dân chủ lành mạnh.
Chính quyền
Chính quyền Việt Nam hiện nay không tin vào chủ nghĩa xã hội, không tin vào chủ nghĩa tư bản và cũng không tin vào lý thuyết kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa: Họ chỉ tin vào tiền, nhất là tiền trong túi họ. Họ không bảo vệ giai cấp vô sản, không bảo vệ đất nước, không bảo vệ độc lập, không bảo vệ tự do: Họ chỉ bảo vệ chính quyền. Họ không chống Mỹ, không chống Trung Quốc, không chống lại nước nào cả: Họ chỉ chống lại nhân dân.
Chống tham nhũng
Cái gọi là chống tham nhũng ở các nước độc tài, như Việt Nam và Trung Quốc, thật ra, chỉ là một hình thức thanh trừng nội bộ hoặc âm mưu chặt vây chặt cánh lẫn nhau. Kết cuộc: kẻ thất bại vào nhà tù hoặc ra pháp trường, còn người chiến thắng thì vẫn tiếp tục tham nhũng. Không có gì thay đổi cả.
Phục tùng và bất phục tùng
Những tội ác có tính cá nhân thường xuất phát từ sự bất phục tùng đối với luật lệ, nhưng những tội ác có tính chất tập thể của một dân tộc thì lại thường xuất phát từ sự phục tùng mù quáng của mọi người trước những luật lệ bất chính.
Quên và tha thứ
Người Việt Nam thường mau quên nhưng lại ít biết tha thứ. Hậu quả của tật hay quên là thiếu sự sâu sắc, của việc ít biết tha thứ là thiếu sự cao thượng. Một dân tộc chỉ thực sự mạnh mẽ khi làm ngược lại: Sẵn sàng tha thứ nhưng vẫn không quên, không bao giờ quên những vết thương người khác đã gây ra cho mình.
Tha thứ và hoà giải
Người chiến thắng dễ tha thứ cho người thua cuộc, nhưng sự tha thứ ấy vô nghĩa vì chính những người thua cuộc mới có quyền tha thứ. Người thua cuộc dễ hoà giải với người chiến thắng nhưng sự hoà giải ấy hoàn toàn vô ích vì chính người chiến thắng mới là kẻ quyết định việc hiện thực hoá sự hoà giải ấy. Trong sinh hoạt chính trị Việt Nam sau năm 1975, người ta luôn luôn đòi hỏi những việc nghịch lý và vô bổ: sự tha thứ từ người chiến thắng và sự hoà giải từ những người thua cuộc.
Tự do ngôn luận
Trong các quyền của con người, quyền tự do ngôn luận là điều tôi quan tâm nhất. Lý do, một phần, có lẽ vì tôi là nhà văn; phần khác, quan trọng hơn, theo tôi, không có tự do ngôn luận, rất nhiều quyền tự do khác sẽ trở thành vô nghĩa. Chẳng hạn, có thể nói đến tự do tư tưởng mà lại không có tự do ngôn luận được không? Tư tưởng là cái gì cần được bộc lộ và chia sẻ. Nghĩ ngợi sâu xa đến mấy mà không được quyền mở miệng ra nói với ai thì có tư tưởng để làm gì? Ngoài ra, không được tự do ngôn luận liệu có thể có tự do trong văn học nghệ thuật hay trong chính trị được không? Chắc chắn là không. Thiếu tự do ngôn luận, trong văn học, người ta chỉ có thể gặp những con vẹt; trong xã hội, chỉ gặp một đám câm điếc, và trong chính trị, chỉ gặp một bầy cừu.
Tại sao không?
Chúng ta là những cây sậy biết tư duy nếu chúng ta biết đặt những câu hỏi “là gì”; là những con người văn minh nếu biết đặt câu hỏi “tại sao”; là những con người hiện đại nếu biết đặt câu hỏi “như thế nào”, nhưng chúng ta chỉ thực sự là những người tự do nếu chúng ta biết và được quyền đặt câu hỏi “tại sao không”.
Hỏi “tại sao không” là bắt đầu phản biện.
Nghịch lý
Nhìn lại, người ta thấy chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam cũng như trên thế giới chỉ là một bi kịch đầy hài tính của nhân loại. Với một học thuyết có vẻ rất sâu sắc, người ta chỉ làm được những điều ngu xuẩn; với những lý tưởng có vẻ vô cùng nhân đạo, người ta chỉ làm được những việc rất dã man; và với chiêu bài yêu nước, họ chỉ đẩy đất nước xuống tận cùng của sự khốn cùng, hơn nữa, còn có nguy cơ mất nước.
Phải nói sự thật
Để chống lại một sự tuyên truyền dối trá, cách tốt nhất là nói lên sự thật chứ không phải dùng một thứ dối trá khác.
Bất hạnh (1)
Bất hạnh lớn nhất của Việt Nam hiện nay không phải là đất nước bị cai trị bởi một đảng độc quyền. Bất hạnh lớn nhất là cái đảng độc quyền ấy lại bị cai trị bởi một đám người hoàn toàn bất tài và bất lực.
Bất hạnh (2)
Người có tài nhưng không được trọng dụng là một bất hạnh đối với cá nhân người ấy; người không có tài mà lại được trọng dụng, hơn nữa, nắm những vị trí lãnh đạo tối cao, là một bất hạnh cho cả một dân tộc.
Độc tài không có nhà độc tài
Khác với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam là một chế độ độc tài nhưng lại không có nhà độc tài (a dictatorship without a dictator). Trong cả ba người đứng đầu guồng máy quyền lực hiện nay, từ Nguyễn Phú Trọng đến Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang, không có ai đủ uy và đủ mạnh để có thể được xem là một nhà độc tài. Có thể nói độc tài ở Việt Nam không có mặt người: Nó chỉ là một bộ máy. Lật đổ chế độ độc tài tại ở Việt Nam, do đó, không phải là lật đổ một cá nhân. Mà là phá huỷ một bộ máy.
Tổ quốc và chính phủ
Mark Twain (1835-1910), nhà văn Mỹ, có câu nói hay: “Với tổ quốc: luôn luôn trung thành; với chính phủ: chỉ trung thành khi nó xứng đáng”. Tôi xin nói thêm: Bất cứ kẻ nào cho sự bất đồng đối với chính phủ là một sự phản bội đối với tổ quốc đều là những kẻ độc tài, hơn nữa, bất lương: Họ mạo danh và tiếm quyền bằng cách cố tình đồng nhất hai phạm trù vốn hoàn toàn khác nhau. Trong trường hợp ấy, để bảo vệ tổ quốc, người ta cần phải chống lại chính phủ.
Kẻ thù của đất nước
Đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam nhìn đâu cũng thấy kẻ thù của đất nước; không có kẻ thù thì người ta tưởng tượng ra kẻ thù; thế nhưng có hai kẻ thù chính và nguy hiểm nhất thì họ lại không thấy: Một, Trung Quốc, và hai, quan trọng hơn, chính họ.
***
Chú thích:
Đây là lời nói đầu của cuốn NHỮNG Ý NGHĨ RỜI mới được Người Việt (California) xuất bản và bán trên amazon.com. Buổi ra mắt cuốn sách này và cuốn VIẾT VU VƠ sẽ được tổ chức tại Melbourne vào chiều Chủ nhật 16 tháng 11 (từ 2 giờ đến 5 giờ) tại hội trường C203 trường Đại học Victoria, Ballarat Road, Footscray. Xin mời quý đồng hương ở địa phương đến tham dự.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Bàn ra tán vào (0)
Những ý nghĩ rời (Lời nói đầu)
Theo tôi, tầm vóc của một nhà văn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố đầu tiên nằm ở khả năng kiến tạo câu. Người lười chỉ viết được những câu văn tuy đúng ngữ pháp nhưng câu nào cũng giống câu nào, tất cả đều đầy đặn và bằng phẳng, hàng nối hàng suông đuột, cứ trôi tuột qua mắt người đọc, không để lại một ấn tượng gì cả. Người chịu khó, ngược lại, không ngừng thay đổi cấu trúc câu để mỗi câu có một cái dáng và một cái thế riêng, như dáng và thế trong cây cảnh; hoặc nếu không, cũng có một cái vẻ riêng, tuy nằm cạnh nhưng lại không lẫn với những câu khác, khiến người đọc, dù không cố tâm, vẫn phải chú ý.
Tôi đã nhận ra điều ấy từ lâu. Ngay lúc còn trẻ, những năm đầu sau khi tốt nghiệp đại học, lòng nhen nhúm chút ước mơ viết văn, tôi đã tập tành viết câu. Dạo ấy, tôi viết, hầu như mỗi ngày, trong các cuốn vở học trò, dưới một nhan đề chung Nghĩ dọc đường đời. Mỗi ý nghĩ được cô đúc trong một câu, hoặc nhiều nhất là đoạn. Trong mỗi câu (hoặc mỗi đoạn), tôi cố gắng nhắm đến hai điểm: Một, về ý, thật hàm súc, để câu văn vừa có nhiều dung lượng thông tin lại vừa chặt chẽ với một độ nén thật cao; và hai, giữa các câu phải có thật nhiều nhạc tính, nhưng không phải thứ nhạc tính du dương, ngân nga, trầm bổng với những hư từ lõng bõng, mà là một thứ nhạc tính cứng cáp, gồm những thực từ, nhiều vần trắc để đọc, người ta có cảm tưởng như nghe những cú đấm chan chát.
Thực hiện điều thứ hai, tôi quan tâm nhiều nhất đến vai trò của các dấu câu. Dấu câu có hai bình diện: Một, về ngữ pháp, nhằm phân hoá ý tưởng cho thật rõ ràng; và hai, về nhạc điệu, nhằm tạo hơi văn. Khi cầm bút, tôi tận dụng thật nhiều loại dấu câu nhạc điệu. Để âm vang câu trước có thể tràn lên câu sau; và âm vang câu sau tràn lên câu sau nữa. Để tất cả cùng ngân lên dồn dập.
Ý thức và mong ước là một chuyện còn thực hành được hay không lại là một chuyện khác. Với những người cầm bút, mỗi cố gắng đều là một thử nghiệm. Hiệu quả và sự thành công hay thất bại của các thử nghiệm ấy đều được quyết định bởi người đọc, thật nhiều người đọc, thậm chí, thật nhiều thế hệ người đọc. Riêng tôi, cơ hội để thử nghiệm kiểu kiến trúc câu là trên facebook.
Tôi chơi facebook khá muộn, chỉ từ đầu năm 2014, sau khi bị bạn bè dụ dỗ. Chỉ một thời gian ngắn, tôi khám phá ngay ra facebook có một thứ văn hoá đọc khác hẳn sách báo trên giấy cũng như với cả blog. Sách báo dài bao nhiêu cũng được. Blog không thể dài bằng sách báo nhưng cũng không giới hạn số câu một cách quá nghiệt ngã. Facebook thì khác. Khác ở hai điểm chính: Một, ở đó, hình ảnh quan trọng hơn ngôn ngữ; và hai, trong ngôn ngữ, facebook hoàn toàn dị ứng với kiểu viết dài. Khám phá ra điều ấy, mỗi ngày tôi cố viết vài đoạn văn thật ngắn. Có khi chỉ có một câu.
Quyển sách này được hình thành chủ yếu từ những câu đã đăng trên facebook ấy. Nhất là những đoạn bình luận về chính trị. Về văn học, ngoài những câu hay đoạn mới viết, tôi trích lại từ một số các quyển sách đã xuất bản của tôi trước đây. Nguyên tắc của việc trích dẫn này là: những câu có hàm lượng thông tin và ý tưởng được nén lại thật chặt chẽ, có thể đứng một mình. Như những câu hay đoạn văn độc lập. Nhưng như vậy các câu hoặc các đoạn sẽ mất đi ngữ cảnh chung quanh thành ra có khi trở thành khó hiểu. Viết ngắn, do đó, là ký thác việc tái hiện ngữ cảnh ấy vào tay của độc giả. Nói cách khác, viết ngắn là để được đọc chậm.
In thành sách những câu hay đoạn rời như thế cũng là một cách thử nghiệm. Hay hay không, thú thực, tôi không biết. Tôi chỉ biết được một điều: nó khác.
Cái khác ấy được tiếp nhận hay không là do bạn đọc (1).
***
TRÍCH NHỮNG CÂU TÂM ĐẮC NHẤT
Viết về chính trị
Tôi hay viết về chính trị nhưng hoàn toàn không có tham vọng gì về chính trị, tuyệt đối không dính líu gì đến các sinh hoạt chính trị. Tôi viết với tư cách một trí thức muốn dùng kiến thức và khả năng nhận thức để mổ xẻ những ung nhọt của đất nước; tôi viết với tư cách một nạn nhân và một chứng nhân để ghi lại những kinh nghiệm và cảm nghiệm của mình; tôi viết để giải tỏa những u uẩn và u uất trong lòng; tôi viết để, may ra, gặp được những người đồng cảm và đồng điệu để những bận tâm đau đáu của mình không thành lẻ loi. Liên quan đến đất nước, nhất là một đất nước có cả gần một trăm triệu dân, nghịch lý và phi lý nhất là cảm giác lẻ loi.
Tại sao chống?
Tôi chống lại tính chất độc tôn và độc tài của chế độ cộng sản vì nhiều lý do. Lý do đầu tiên, với tư cách một con người, là: nó vô nhân đạo; với tư cách một công dân, là: nó tàn phá đất nước hầu như trên mọi mặt, không những chỉ về kinh tế mà còn về xã hội, văn hóa, giáo dục và đạo đức; với tư cách một trí thức, là: nó ngu dân hóa; với tư cách một người cầm bút, là: nó giành độc quyền viết lịch sử một cách gian trá. Tôi không có tham vọng cứu dân chúng, đất nước và nhân tính, tôi chỉ muốn làm một điều trong phạm vi khả năng và sở trường của mình: quyết giành cho được cái quyền được góp phần tạo nên những tự sự (narrative) khác. Bằng chính ngòi bút của mình.
Hèn
Khi chính phủ hèn, họ muốn cả nước đều hèn.
Nhục
Một người nào đó hèn: Cá nhân người đó nhục. Một ông bố hèn: Cả gia đình bị nhục. Một chính phủ hèn: Cả nước bị nhục.
Cộng sản
Trước đây, có ba hạng người đi theo Cộng sản: hoặc ảo tưởng hoặc xảo trá hoặc ngu; bây giờ chỉ có hai hạng: hoặc xảo trá hoặc ngu. Trước đây, có hai hạng người tin vào chủ nghĩa Cộng sản: hoặc ngây thơ hoặc ngu; bây giờ, chỉ có một: ngu.
Cai trị và quản trị
Đảng cộng sản chỉ biết cai trị (rule) chứ không biết quản trị (govern). Để cai trị, rất đơn giản, chỉ cần ba thứ: công an, quân đội và nhà tù. Để quản trị, người ta cần cái đầu và con tim. Cái đầu để biết nhìn xa, nghĩ rộng; và con tim để biết bao dung với những cái khác, từ đó, tạo nên sức mạnh bằng sự đồng thuận chung trong xã hội. Hơn nữa, quản trị cũng cần rất nhiều kiến thức và kỹ năng cũng như một số đức tính phù hợp với một văn hóa chính trị dân chủ lành mạnh.
Chính quyền
Chính quyền Việt Nam hiện nay không tin vào chủ nghĩa xã hội, không tin vào chủ nghĩa tư bản và cũng không tin vào lý thuyết kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa: Họ chỉ tin vào tiền, nhất là tiền trong túi họ. Họ không bảo vệ giai cấp vô sản, không bảo vệ đất nước, không bảo vệ độc lập, không bảo vệ tự do: Họ chỉ bảo vệ chính quyền. Họ không chống Mỹ, không chống Trung Quốc, không chống lại nước nào cả: Họ chỉ chống lại nhân dân.
Chống tham nhũng
Cái gọi là chống tham nhũng ở các nước độc tài, như Việt Nam và Trung Quốc, thật ra, chỉ là một hình thức thanh trừng nội bộ hoặc âm mưu chặt vây chặt cánh lẫn nhau. Kết cuộc: kẻ thất bại vào nhà tù hoặc ra pháp trường, còn người chiến thắng thì vẫn tiếp tục tham nhũng. Không có gì thay đổi cả.
Phục tùng và bất phục tùng
Những tội ác có tính cá nhân thường xuất phát từ sự bất phục tùng đối với luật lệ, nhưng những tội ác có tính chất tập thể của một dân tộc thì lại thường xuất phát từ sự phục tùng mù quáng của mọi người trước những luật lệ bất chính.
Quên và tha thứ
Người Việt Nam thường mau quên nhưng lại ít biết tha thứ. Hậu quả của tật hay quên là thiếu sự sâu sắc, của việc ít biết tha thứ là thiếu sự cao thượng. Một dân tộc chỉ thực sự mạnh mẽ khi làm ngược lại: Sẵn sàng tha thứ nhưng vẫn không quên, không bao giờ quên những vết thương người khác đã gây ra cho mình.
Tha thứ và hoà giải
Người chiến thắng dễ tha thứ cho người thua cuộc, nhưng sự tha thứ ấy vô nghĩa vì chính những người thua cuộc mới có quyền tha thứ. Người thua cuộc dễ hoà giải với người chiến thắng nhưng sự hoà giải ấy hoàn toàn vô ích vì chính người chiến thắng mới là kẻ quyết định việc hiện thực hoá sự hoà giải ấy. Trong sinh hoạt chính trị Việt Nam sau năm 1975, người ta luôn luôn đòi hỏi những việc nghịch lý và vô bổ: sự tha thứ từ người chiến thắng và sự hoà giải từ những người thua cuộc.
Tự do ngôn luận
Trong các quyền của con người, quyền tự do ngôn luận là điều tôi quan tâm nhất. Lý do, một phần, có lẽ vì tôi là nhà văn; phần khác, quan trọng hơn, theo tôi, không có tự do ngôn luận, rất nhiều quyền tự do khác sẽ trở thành vô nghĩa. Chẳng hạn, có thể nói đến tự do tư tưởng mà lại không có tự do ngôn luận được không? Tư tưởng là cái gì cần được bộc lộ và chia sẻ. Nghĩ ngợi sâu xa đến mấy mà không được quyền mở miệng ra nói với ai thì có tư tưởng để làm gì? Ngoài ra, không được tự do ngôn luận liệu có thể có tự do trong văn học nghệ thuật hay trong chính trị được không? Chắc chắn là không. Thiếu tự do ngôn luận, trong văn học, người ta chỉ có thể gặp những con vẹt; trong xã hội, chỉ gặp một đám câm điếc, và trong chính trị, chỉ gặp một bầy cừu.
Tại sao không?
Chúng ta là những cây sậy biết tư duy nếu chúng ta biết đặt những câu hỏi “là gì”; là những con người văn minh nếu biết đặt câu hỏi “tại sao”; là những con người hiện đại nếu biết đặt câu hỏi “như thế nào”, nhưng chúng ta chỉ thực sự là những người tự do nếu chúng ta biết và được quyền đặt câu hỏi “tại sao không”.
Hỏi “tại sao không” là bắt đầu phản biện.
Nghịch lý
Nhìn lại, người ta thấy chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam cũng như trên thế giới chỉ là một bi kịch đầy hài tính của nhân loại. Với một học thuyết có vẻ rất sâu sắc, người ta chỉ làm được những điều ngu xuẩn; với những lý tưởng có vẻ vô cùng nhân đạo, người ta chỉ làm được những việc rất dã man; và với chiêu bài yêu nước, họ chỉ đẩy đất nước xuống tận cùng của sự khốn cùng, hơn nữa, còn có nguy cơ mất nước.
Phải nói sự thật
Để chống lại một sự tuyên truyền dối trá, cách tốt nhất là nói lên sự thật chứ không phải dùng một thứ dối trá khác.
Bất hạnh (1)
Bất hạnh lớn nhất của Việt Nam hiện nay không phải là đất nước bị cai trị bởi một đảng độc quyền. Bất hạnh lớn nhất là cái đảng độc quyền ấy lại bị cai trị bởi một đám người hoàn toàn bất tài và bất lực.
Bất hạnh (2)
Người có tài nhưng không được trọng dụng là một bất hạnh đối với cá nhân người ấy; người không có tài mà lại được trọng dụng, hơn nữa, nắm những vị trí lãnh đạo tối cao, là một bất hạnh cho cả một dân tộc.
Độc tài không có nhà độc tài
Khác với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam là một chế độ độc tài nhưng lại không có nhà độc tài (a dictatorship without a dictator). Trong cả ba người đứng đầu guồng máy quyền lực hiện nay, từ Nguyễn Phú Trọng đến Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang, không có ai đủ uy và đủ mạnh để có thể được xem là một nhà độc tài. Có thể nói độc tài ở Việt Nam không có mặt người: Nó chỉ là một bộ máy. Lật đổ chế độ độc tài tại ở Việt Nam, do đó, không phải là lật đổ một cá nhân. Mà là phá huỷ một bộ máy.
Tổ quốc và chính phủ
Mark Twain (1835-1910), nhà văn Mỹ, có câu nói hay: “Với tổ quốc: luôn luôn trung thành; với chính phủ: chỉ trung thành khi nó xứng đáng”. Tôi xin nói thêm: Bất cứ kẻ nào cho sự bất đồng đối với chính phủ là một sự phản bội đối với tổ quốc đều là những kẻ độc tài, hơn nữa, bất lương: Họ mạo danh và tiếm quyền bằng cách cố tình đồng nhất hai phạm trù vốn hoàn toàn khác nhau. Trong trường hợp ấy, để bảo vệ tổ quốc, người ta cần phải chống lại chính phủ.
Kẻ thù của đất nước
Đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam nhìn đâu cũng thấy kẻ thù của đất nước; không có kẻ thù thì người ta tưởng tượng ra kẻ thù; thế nhưng có hai kẻ thù chính và nguy hiểm nhất thì họ lại không thấy: Một, Trung Quốc, và hai, quan trọng hơn, chính họ.
***
Chú thích:
Đây là lời nói đầu của cuốn NHỮNG Ý NGHĨ RỜI mới được Người Việt (California) xuất bản và bán trên amazon.com. Buổi ra mắt cuốn sách này và cuốn VIẾT VU VƠ sẽ được tổ chức tại Melbourne vào chiều Chủ nhật 16 tháng 11 (từ 2 giờ đến 5 giờ) tại hội trường C203 trường Đại học Victoria, Ballarat Road, Footscray. Xin mời quý đồng hương ở địa phương đến tham dự.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.