Quán Bên Đường
ÔNG XẾP TÀU BAY. _ Phùng Thế Hải
Trích trong tuyển tập “Những mảnh trời khác biệt” của chín nhà văn Không Quân
Tân dọn nhà về khu chợ Cồn được bảy tháng, bữa mới thuyên chuyển từ Pleiku về đây, Tân phải chạy mướt mồ hôi trán suốt một tuần lễ mới bắt được gian tạm gọi ở được, ở xóm chợ Cồn này. Căn nhà không rộng lắm. Mỗi bề chừng ba thước, mái và vách lợp tôn, đủ chỗ cho gia đình chàng gồm một vợ, hai con và một con chó bẹc-rê. Tân suy nghĩ kỹ khi hỏi thuê nhà ở khu vực này. Nó có cái lợi và bất lợi. Lợi ở chổ gần chợ. Bà xã có thể gởi hai thằng nhóc bên nhà hàng xóm và ra chợ mua vội vã vài thức ăn. Làm như vậy chàng khỏi phải mướn người giúp việc. Ở cái xứ mang danh vùng đất đô la, bắt được người làm là việc trần ai. Dân Đà Nẵng thường than: Con gái ở đây lớn lên, một là đi lấy Mẽo, hai là đi bán ba, vừa nhàn hạ, vừa sướng cái thân lại có nhiều tiền. Họ không dại gì nai lưng ở mướn, vừa mệt, vừa tồi, hơn nữa cao tay lắm, mỗi tháng thu được 6,7 trăm bạc là cùng. Riêng cái bất lợi, là phải đi làm xa. Đạp xe đạp từ chợ Cồn đến Không Đoàn ngót ba cây số. Mỗi ngày bốn lần, vị chi 12 cây. Đi xe đạp, đạp cho phát lắm, xe trườn được một thước rưỡi. Tính sơ sơ mỗi ngày phải đạp tám ngàn phát thì cũng mờ người chứ chẳng phải chơi. Có lẽ do đó, tuy được bà xã tẩm bổ thường xuyên mà Tân không thấy thêm một ký lô thịt nào.
Trong xóm, Tân được tiếng hiền nên bà con ai cũng mến. Họ gọi thân mật chàng là “Ông xếp tàu bay”. Lúc đầu, Tân thấy cách xưng hô hơi kỳ nhưng riết cũng quen đi và hơn nữa Tân thấy hay hay, thích thích. Mang tiếng là ông đội xếp tàu bay nhưng kỳ thiệt, từ ngày đăng vô lính, dạo còn mấy thằng Tây mũi lõ ở cái đất Giao Chỉ này chẳng lúc nào Tân trực tiếp làm một công việc gì liên quan mật thiết đến tàu bay cả. Tân là chuyên viên xe hơi, gọi nôm na là thợ máy tàu bò. Vì vậy lúc bốc đồng lên, Tân thấy bực tức, tự vấn sao mình mang phải cái chỉ số 47 phải gió. Mình ở Không Quân một là pai-lốt hay cùng lắm là thợ máy thợ miếc sửa chữa lằng nhằng phi cơ còn cảm thấy dễ chịu. Đằng này, mang tiếng dân tàu bay mà chẳng biết khỉ khô gì về tàu bay, suốt ngày lo sửa tới sửa lui mấy chiếc xe cổ lỗ sĩ. Tân tự nhiên thấy cuộc đời mình tàn một cách đáng thương, như tuột từ trên dốc cao xuống vực thẳm. Bực mình hơn nữa trong những lúc nhàn rỗi, khi Tân đem ghế ra sân ngồi đấu láo với mấy người hàng xóm, họ thường tò mò hỏi Tân nhiều câu tréo cẳng ngỗng, khiến chàng không biết vin vào đâu để trả lời. Ông Ba Sún đạp xích lô, một hôm cao hứng hỏi ông xếp tàu bay:
- Cậu ở Không Quân, cậu có Bắc tiến không?
Tân thấy ngán ngẩm, không biết trả lời sao cho ổn. Vả lại tính chàng ngay, không ưa bốc mình lên một cách vô lối. Chàng trả lời cho qua chuyện:
- Tôi già rồi, bay bổng chi nữa. Để cho thế hệ trẻ họ bay. Mình ở nhà sửa chữa tàu bay để cho mấy ông xếp họ Bắc tiến, âu cũng là gián tiếp đi ra Bắc, có phải thế không bác?
Không mấy lúc ngồi tán gẫu với nhau mà họ không móc nối chàng để hỏi nhiều về chuyện Không Quân. Một buổi tối nọ, ông Tuấn, chủ tiệm hủ tiếu trong chợ Cồn bất thần hỏi Tân một câu làm Tân suýt ngã lăn đùng ra vì không biết mô tê trả lời.
- Chú ở lính tàu bay, chú biết tại sao có chiếc tàu có chong chóng, có chiếc không có và khi bay lại rú ầm lên. Nó khác nhau răng và khác nhau chổ nào?
Tân mang máng nhớ có hai loại tàu bay, loại cũ có cánh quạt và loại mới phản lực thì không có. Còn sự khác biệt giữa hai loại thì nói trắng ra Tân mù tịt. May mà ông chủ tiệm hủ tiếu không mấy chú ý đến câu trả lời của chàng. Ông ta bàn tiếp đến hỏa tiển lên cung Quảng, tàu ngầm nguyên tử...làm Tân thở phào khoan khoái.
Xóm chợ Cồn, ngoài bọn đàn ông khả ái ra, lẽ tất nhiên còn có lai rai vài ba bóng hồng trông ra riết lắm. Nói về ông xếp tàu bay, ông được nước da trắng, người cao ráo sạch sẽ, ăn nói có duyên nên tuy đã có vợ con đề huề, nhưng các cô gái sồn sồn, tuổi từ 25 đến 35 thường hay để ý đến ông xếp tàu bay rất kỹ. Tân cũng vì phép xã giao, mỗi lần chàng gặp các cô ngoài đường lộ, Tân chào và không quên cố cười một phát rất ư là duyên dáng. Rồi nhờ gặp gỡ nhau hằng ngày, sau khi trao đổi nhau đôi câu chuyện chẳng ra đâu vào đâu, họ trở nên thân thiết. Sự quen biết nhau, có phải đến đây xì-tốp lại thì vừa vặn, nghĩa là ở cùng xóm biết tên nhau, chào nhau, nói chuyện bâng quơ với nhau rồi thôi, việc ai nấy làm, nhà ai nấy ở. Nhưng trong trường hợp ông xếp tàu bay, chắc rằng vì các cô đã biết rõ bà xã ông xếp là người hiền hậu, đoan trang, cả ngày chỉ biết lo chồng, lo con, ít đi đâu và không phải hạng người ghen tuông quá cỡ, loại sư tử Hà Đông nên từ chổ quen biết sơ sơ nhau, các cô dần dần đi sâu vào cấm địa tình cảm. Tân trông bề ngoài hiền như con cu cu và trọng tuổi, đã hâm cộng đến chín lần, nhưng thật ra chưởng lực của chàng còn thâm hậu ra phết. Chàng có đủ tư cách và mánh lới để câu mấy cô vào cái thế giới phiêu lưu kỳ diệu. Đáng để ý nhất là cô Đào thợ may. Nghe đồn rằng cô Đào trước có chồng đàng hoàng. Sau vì chàng có vợ lẽ nên cô Đào quyềt định ra tay tự lực cánh sinh, không cần nhờ vả vào một ai. Nhờ có chí làm ăn, không mấy lúc cô có đủ tiền để bắt căn nhà trong xóm chợ Cồn và một tiệm may nho nhỏ. Đào trạc chừng 26,27 tuổi, nước da ngăm ngăm đen, người cân đối dễ coi. Với giọng nói đặc biệt Quảng Nôm, Tân thấy nàng hay hay, gợi cảm, ngon lành. Thú thiệt, bữa mới dọn về xóm chợ Cồn này, Tân có để ý một tí xíu đến cô nàng chuyên môn bận đồ phin đen này. Sau một thời gian quen biết, khi trong ánh mắt của hai người đã nói được lên ít nhiều sự ngấm ngầm trông đợi nhau nhiều pha cụp lạc, nhưng muốn tránh tiếng bà con xóm làng, ông xếp tàu bay phải đến năm tháng sau mới được cái diễm phúc đi sâu vào cuộc đời tình cảm và xác thịt của cô Đào thợ may. Bây giờ cá đã cắn câu. Ông xếp tàu bay trông bề ngoài đạo đức, chững chạc, đi làm đúng giờ giấc nhưng không mấy ai khám phá ra được bên trong bụng xếp bò lổn ngổn nhiều thú tính không mấy lành mạnh.
Có hôm, sau khi lén lút đi lại với Đào, Tân thấy thương người vợ đảm đang và hai thằng nhóc con ở nhà, nhưng lạ thay, tình thương đó chỉ đến với chàng khi mệt mỏi. Chàng tự an ủi rất khéo léo đến nỗi khi chung đụng với Đào, chàng không còn cảm thấy cái gọi là lương tâm con nhà lành cắn rứt nữa. Chàng triết lý nhảm như vầy: Làm người, đồng ý phải đạo đức, đúng đắn, nhưng, lại nhưng...người đâu có phải là thánh sống. Đời là bể khổ, sống đó chết đó. Cao tay lắm chàng sống đến 60 tuổi. Một vợ đã đành rồi, nhưng lằng nhằng thêm vài cô cũng không lấy chi làm rối loạn xã hội. Vì như ai cũng ngoan ngoãn, cây nhà lá vườn cả, thì e rằng cái xã hội đàn bà Việt Nam ta sẽ nổi loạn lên, nhất là hạng đàn bà góa chồng, chồng cho ăn quả đào hay mang ít nhiều thú tính, chắc chắn họ sẽ phản đối loạn lên. Ông xếp tàu bay tự an ủi cái hay cái đẹp, của sự ăn vụng của mình, ở chỗ lương mỗi tháng bao nhiêu đưa hết cho bà xã đúng y như phiếu lương ghi, không thiếu một xu. Mỗi ngày bà xã phát cho vài chục bỏ túi phòng hờ, khi xe xẹp lốp, hoặc nhậu lai rai với bạn bè ở sở. Cái hay thứ hai của ông xếp tảu bay ở chỗ chàng không phải hạng sở khanh đào mỏ, đồng hội đồng thuyền với người theo chủ thuyết vừa có chỗ chơi vừa có tiền. Đành rằng có lúc hên, Tân bắt được vài nàng giàu ra phết, nhưng tuyệt nhiên Tân không lợi dụng. Chàng kỵ nhất việc để lộn xộn tình yêu và đồng tiền vào với nhau. Chàng cho làm như vậy sẽ làm nhạt mất tình yêu lúc gần nhau, cường độ yêu thương do đó sẽ giảm đi nhiều.
Đổi từ Không Đoàn Biên Trấn về Không Đoàn Bắc Tiến này, Tân để ý đặc biệt đến lớp người làm lơn-đơ-ri. Họ toàn là các ông đội, ông xếp, các cụ thượng hay binh bớp. Trước khi Mẽo chưa đến nước ta, họ là những người như Tân, đôi lúc còn tệ hơn. Nghĩa là cũng rách bươm cả. Tay làm hàm nhai. Ít kẻ để được số tiền gọi được là to. Nhưng bây giờ từ giai cấp rách, họ nghiễm nhiên trỏ thành giai cấp...tư sản. Mỗi tháng ngoài đồng lương ra, họ cò bắt lai rai thêm 30 đến 50 xấp. Lúc trước ở cái xứ Đà Nẵng nghèo đói này, lúc mà la-de còn mười đồng một chai, họa hoằn lắm họ mới nhậu một chai. Bây giờ một chai 3,4 chục, uống hoặc đãi bạn bè một lúc vài mươi chai, họ móc bóp trả tiền phây phây. Hành nghề lơ-đơ-ri, tất nhiên phải có xế để chuyên chở quần áo Mẽo. Và, ông xếp tàu bay nhà ta bỗng nhiên khi thuyên chuyển về đây, thấy đời mình lên hương thơm phức. Hồi xa xưa, Tân tưởng cái nghề thợ máy tàu bò chó chết không có đất dụng võ, nào ngờ, vào kỷ nguyên lơ-đơ-ri ngày nay, ông xếp tàu bay không còn cảm thấy đời đi xuống dốc nữa. Mỗi tháng, ngoài công việc ở xưởng quân xa, Tân còn lai rai sửa vài chục cái xế của các nhà đại tư bản lơ-đơ-ri và như thế, má của hai thằng nhóc ở nhà, có dịp bắt thêm 5,10 xấp để tiêu pha và trả tiền nhà.
Tân lăn lộn với nghề thợ máy tàu bò đã hơn 10 năm. Nhờ vậy, Tân rành máy móc. Không ngày nào mà Tân không thấy các nhà đại tư bản lơ-đò-ri lái xe đến nhờ sửa, có lúc đèn đã tắt và Tân đã chung vào mùng ngủ với vợ, chàng còn nghe tiếng còi bóp tin tin và giọng các nhà tư bản giục:
- Nè Tân, xe tự nhiên pan. Ra coi giùm tao tí, khẩn lắm. Mai sớm tao còn phải trả đồ.
Tân phải mò ra mở cửa; có lúc đến khuya mới xong.
Cũng vì có nhiều khách hàng đến nhờ sửa xe mà mấy người hàng xóm bắt đầu nghi Tân không phải là tàu bay chính hiệu. Họ hỏi:
- Xếp ở Không Quân sao xếp sửa xe tài thế? Chẳng ngày nào mà không thấy có người lái xe tới nhờ sửa dùm.
Tân lanh trí trả lời:
- Đã sửa được tàu bay, thì đồ ba chiếc xe hơi có là gì. Dễ ợt.
Ông xếp tàu bay chuyên môn sửa xe cho người ta, làm nhiều người trong xóm chợ Cồn bàn tán hoặc nhờ vả. Ở ngã tư, gần tiệm thuốc tây, có cô Tư bán thịt heo hay dán mắt theo dõi ông xếp tàu bay. Cô Tư mới bắt được một chiếc Solex mới tinh. Mỗi lần nghẹt xăng, kẹt thắng hay bu-gi dơ, cô thường chạy qua nhà Tân nhờ coi dùm. Tân được tiếng đứng đắn, có tình thương đồng loại bao la, nhất là đối với phụ nữ, nên chiếc xe Solex của cô Tư bán thịt heo chợ Cồn nhờ bàn tay khéo léo của ông xếp tàu bay mà luôn luôn ở trong tình trạng tốt, chạy ngon lành. Nhưng một hôm chúa nhật, tuy rằng chiếc Solex của cô Tư đang chạy phây phây, chẳng trục trặc gì ráo trọi, cô Tư cũng nhờ ông xếp tàu bay qua sửa. Tối đó trời mưa. Lạ chi cái tiết mưa dai dẳng ở cái xứ Quảng Nôm này, mưa chết thôi không dứt. Khi ông xếp tàu bay lò mò qua và khám phá ra rằng chiếc Solex còn tốt và cô Tư bán thịt heo đã tắm rửa ngon lành, không quên xức lên mái tóc đen huyền một chút intimate lả lướt. Ông xếp tàu bay liền suy diễn rằng đã đến lúc hành động. Quả nhiên chàng đoán không sai và đã hoàn tất một cách đầy đủ sự đòi hỏi của cô hàng xóm khả ái.
Từ đó về sau, như một thông lệ, cô Tư bán thịt heo chợ Cồn, thỉnh thoảng mò qua nhà ông xếp tàu bay, nhờ coi dùm chiếc Solex của cô và coi luôn cô xem còn trong tình trạng “dùng được hay không?”.
Phùng Thế Hải
LTUC1990
( Biên Hùng chuyển )
ÔNG XẾP TÀU BAY. _ Phùng Thế Hải
Trích trong tuyển tập “Những mảnh trời khác biệt” của chín nhà văn Không Quân
Tân dọn nhà về khu chợ Cồn được bảy tháng, bữa mới thuyên chuyển từ Pleiku về đây, Tân phải chạy mướt mồ hôi trán suốt một tuần lễ mới bắt được gian tạm gọi ở được, ở xóm chợ Cồn này. Căn nhà không rộng lắm. Mỗi bề chừng ba thước, mái và vách lợp tôn, đủ chỗ cho gia đình chàng gồm một vợ, hai con và một con chó bẹc-rê. Tân suy nghĩ kỹ khi hỏi thuê nhà ở khu vực này. Nó có cái lợi và bất lợi. Lợi ở chổ gần chợ. Bà xã có thể gởi hai thằng nhóc bên nhà hàng xóm và ra chợ mua vội vã vài thức ăn. Làm như vậy chàng khỏi phải mướn người giúp việc. Ở cái xứ mang danh vùng đất đô la, bắt được người làm là việc trần ai. Dân Đà Nẵng thường than: Con gái ở đây lớn lên, một là đi lấy Mẽo, hai là đi bán ba, vừa nhàn hạ, vừa sướng cái thân lại có nhiều tiền. Họ không dại gì nai lưng ở mướn, vừa mệt, vừa tồi, hơn nữa cao tay lắm, mỗi tháng thu được 6,7 trăm bạc là cùng. Riêng cái bất lợi, là phải đi làm xa. Đạp xe đạp từ chợ Cồn đến Không Đoàn ngót ba cây số. Mỗi ngày bốn lần, vị chi 12 cây. Đi xe đạp, đạp cho phát lắm, xe trườn được một thước rưỡi. Tính sơ sơ mỗi ngày phải đạp tám ngàn phát thì cũng mờ người chứ chẳng phải chơi. Có lẽ do đó, tuy được bà xã tẩm bổ thường xuyên mà Tân không thấy thêm một ký lô thịt nào.
Trong xóm, Tân được tiếng hiền nên bà con ai cũng mến. Họ gọi thân mật chàng là “Ông xếp tàu bay”. Lúc đầu, Tân thấy cách xưng hô hơi kỳ nhưng riết cũng quen đi và hơn nữa Tân thấy hay hay, thích thích. Mang tiếng là ông đội xếp tàu bay nhưng kỳ thiệt, từ ngày đăng vô lính, dạo còn mấy thằng Tây mũi lõ ở cái đất Giao Chỉ này chẳng lúc nào Tân trực tiếp làm một công việc gì liên quan mật thiết đến tàu bay cả. Tân là chuyên viên xe hơi, gọi nôm na là thợ máy tàu bò. Vì vậy lúc bốc đồng lên, Tân thấy bực tức, tự vấn sao mình mang phải cái chỉ số 47 phải gió. Mình ở Không Quân một là pai-lốt hay cùng lắm là thợ máy thợ miếc sửa chữa lằng nhằng phi cơ còn cảm thấy dễ chịu. Đằng này, mang tiếng dân tàu bay mà chẳng biết khỉ khô gì về tàu bay, suốt ngày lo sửa tới sửa lui mấy chiếc xe cổ lỗ sĩ. Tân tự nhiên thấy cuộc đời mình tàn một cách đáng thương, như tuột từ trên dốc cao xuống vực thẳm. Bực mình hơn nữa trong những lúc nhàn rỗi, khi Tân đem ghế ra sân ngồi đấu láo với mấy người hàng xóm, họ thường tò mò hỏi Tân nhiều câu tréo cẳng ngỗng, khiến chàng không biết vin vào đâu để trả lời. Ông Ba Sún đạp xích lô, một hôm cao hứng hỏi ông xếp tàu bay:
- Cậu ở Không Quân, cậu có Bắc tiến không?
Tân thấy ngán ngẩm, không biết trả lời sao cho ổn. Vả lại tính chàng ngay, không ưa bốc mình lên một cách vô lối. Chàng trả lời cho qua chuyện:
- Tôi già rồi, bay bổng chi nữa. Để cho thế hệ trẻ họ bay. Mình ở nhà sửa chữa tàu bay để cho mấy ông xếp họ Bắc tiến, âu cũng là gián tiếp đi ra Bắc, có phải thế không bác?
Không mấy lúc ngồi tán gẫu với nhau mà họ không móc nối chàng để hỏi nhiều về chuyện Không Quân. Một buổi tối nọ, ông Tuấn, chủ tiệm hủ tiếu trong chợ Cồn bất thần hỏi Tân một câu làm Tân suýt ngã lăn đùng ra vì không biết mô tê trả lời.
- Chú ở lính tàu bay, chú biết tại sao có chiếc tàu có chong chóng, có chiếc không có và khi bay lại rú ầm lên. Nó khác nhau răng và khác nhau chổ nào?
Tân mang máng nhớ có hai loại tàu bay, loại cũ có cánh quạt và loại mới phản lực thì không có. Còn sự khác biệt giữa hai loại thì nói trắng ra Tân mù tịt. May mà ông chủ tiệm hủ tiếu không mấy chú ý đến câu trả lời của chàng. Ông ta bàn tiếp đến hỏa tiển lên cung Quảng, tàu ngầm nguyên tử...làm Tân thở phào khoan khoái.
Xóm chợ Cồn, ngoài bọn đàn ông khả ái ra, lẽ tất nhiên còn có lai rai vài ba bóng hồng trông ra riết lắm. Nói về ông xếp tàu bay, ông được nước da trắng, người cao ráo sạch sẽ, ăn nói có duyên nên tuy đã có vợ con đề huề, nhưng các cô gái sồn sồn, tuổi từ 25 đến 35 thường hay để ý đến ông xếp tàu bay rất kỹ. Tân cũng vì phép xã giao, mỗi lần chàng gặp các cô ngoài đường lộ, Tân chào và không quên cố cười một phát rất ư là duyên dáng. Rồi nhờ gặp gỡ nhau hằng ngày, sau khi trao đổi nhau đôi câu chuyện chẳng ra đâu vào đâu, họ trở nên thân thiết. Sự quen biết nhau, có phải đến đây xì-tốp lại thì vừa vặn, nghĩa là ở cùng xóm biết tên nhau, chào nhau, nói chuyện bâng quơ với nhau rồi thôi, việc ai nấy làm, nhà ai nấy ở. Nhưng trong trường hợp ông xếp tàu bay, chắc rằng vì các cô đã biết rõ bà xã ông xếp là người hiền hậu, đoan trang, cả ngày chỉ biết lo chồng, lo con, ít đi đâu và không phải hạng người ghen tuông quá cỡ, loại sư tử Hà Đông nên từ chổ quen biết sơ sơ nhau, các cô dần dần đi sâu vào cấm địa tình cảm. Tân trông bề ngoài hiền như con cu cu và trọng tuổi, đã hâm cộng đến chín lần, nhưng thật ra chưởng lực của chàng còn thâm hậu ra phết. Chàng có đủ tư cách và mánh lới để câu mấy cô vào cái thế giới phiêu lưu kỳ diệu. Đáng để ý nhất là cô Đào thợ may. Nghe đồn rằng cô Đào trước có chồng đàng hoàng. Sau vì chàng có vợ lẽ nên cô Đào quyềt định ra tay tự lực cánh sinh, không cần nhờ vả vào một ai. Nhờ có chí làm ăn, không mấy lúc cô có đủ tiền để bắt căn nhà trong xóm chợ Cồn và một tiệm may nho nhỏ. Đào trạc chừng 26,27 tuổi, nước da ngăm ngăm đen, người cân đối dễ coi. Với giọng nói đặc biệt Quảng Nôm, Tân thấy nàng hay hay, gợi cảm, ngon lành. Thú thiệt, bữa mới dọn về xóm chợ Cồn này, Tân có để ý một tí xíu đến cô nàng chuyên môn bận đồ phin đen này. Sau một thời gian quen biết, khi trong ánh mắt của hai người đã nói được lên ít nhiều sự ngấm ngầm trông đợi nhau nhiều pha cụp lạc, nhưng muốn tránh tiếng bà con xóm làng, ông xếp tàu bay phải đến năm tháng sau mới được cái diễm phúc đi sâu vào cuộc đời tình cảm và xác thịt của cô Đào thợ may. Bây giờ cá đã cắn câu. Ông xếp tàu bay trông bề ngoài đạo đức, chững chạc, đi làm đúng giờ giấc nhưng không mấy ai khám phá ra được bên trong bụng xếp bò lổn ngổn nhiều thú tính không mấy lành mạnh.
Có hôm, sau khi lén lút đi lại với Đào, Tân thấy thương người vợ đảm đang và hai thằng nhóc con ở nhà, nhưng lạ thay, tình thương đó chỉ đến với chàng khi mệt mỏi. Chàng tự an ủi rất khéo léo đến nỗi khi chung đụng với Đào, chàng không còn cảm thấy cái gọi là lương tâm con nhà lành cắn rứt nữa. Chàng triết lý nhảm như vầy: Làm người, đồng ý phải đạo đức, đúng đắn, nhưng, lại nhưng...người đâu có phải là thánh sống. Đời là bể khổ, sống đó chết đó. Cao tay lắm chàng sống đến 60 tuổi. Một vợ đã đành rồi, nhưng lằng nhằng thêm vài cô cũng không lấy chi làm rối loạn xã hội. Vì như ai cũng ngoan ngoãn, cây nhà lá vườn cả, thì e rằng cái xã hội đàn bà Việt Nam ta sẽ nổi loạn lên, nhất là hạng đàn bà góa chồng, chồng cho ăn quả đào hay mang ít nhiều thú tính, chắc chắn họ sẽ phản đối loạn lên. Ông xếp tàu bay tự an ủi cái hay cái đẹp, của sự ăn vụng của mình, ở chỗ lương mỗi tháng bao nhiêu đưa hết cho bà xã đúng y như phiếu lương ghi, không thiếu một xu. Mỗi ngày bà xã phát cho vài chục bỏ túi phòng hờ, khi xe xẹp lốp, hoặc nhậu lai rai với bạn bè ở sở. Cái hay thứ hai của ông xếp tảu bay ở chỗ chàng không phải hạng sở khanh đào mỏ, đồng hội đồng thuyền với người theo chủ thuyết vừa có chỗ chơi vừa có tiền. Đành rằng có lúc hên, Tân bắt được vài nàng giàu ra phết, nhưng tuyệt nhiên Tân không lợi dụng. Chàng kỵ nhất việc để lộn xộn tình yêu và đồng tiền vào với nhau. Chàng cho làm như vậy sẽ làm nhạt mất tình yêu lúc gần nhau, cường độ yêu thương do đó sẽ giảm đi nhiều.
Đổi từ Không Đoàn Biên Trấn về Không Đoàn Bắc Tiến này, Tân để ý đặc biệt đến lớp người làm lơn-đơ-ri. Họ toàn là các ông đội, ông xếp, các cụ thượng hay binh bớp. Trước khi Mẽo chưa đến nước ta, họ là những người như Tân, đôi lúc còn tệ hơn. Nghĩa là cũng rách bươm cả. Tay làm hàm nhai. Ít kẻ để được số tiền gọi được là to. Nhưng bây giờ từ giai cấp rách, họ nghiễm nhiên trỏ thành giai cấp...tư sản. Mỗi tháng ngoài đồng lương ra, họ cò bắt lai rai thêm 30 đến 50 xấp. Lúc trước ở cái xứ Đà Nẵng nghèo đói này, lúc mà la-de còn mười đồng một chai, họa hoằn lắm họ mới nhậu một chai. Bây giờ một chai 3,4 chục, uống hoặc đãi bạn bè một lúc vài mươi chai, họ móc bóp trả tiền phây phây. Hành nghề lơ-đơ-ri, tất nhiên phải có xế để chuyên chở quần áo Mẽo. Và, ông xếp tàu bay nhà ta bỗng nhiên khi thuyên chuyển về đây, thấy đời mình lên hương thơm phức. Hồi xa xưa, Tân tưởng cái nghề thợ máy tàu bò chó chết không có đất dụng võ, nào ngờ, vào kỷ nguyên lơ-đơ-ri ngày nay, ông xếp tàu bay không còn cảm thấy đời đi xuống dốc nữa. Mỗi tháng, ngoài công việc ở xưởng quân xa, Tân còn lai rai sửa vài chục cái xế của các nhà đại tư bản lơ-đơ-ri và như thế, má của hai thằng nhóc ở nhà, có dịp bắt thêm 5,10 xấp để tiêu pha và trả tiền nhà.
Tân lăn lộn với nghề thợ máy tàu bò đã hơn 10 năm. Nhờ vậy, Tân rành máy móc. Không ngày nào mà Tân không thấy các nhà đại tư bản lơ-đò-ri lái xe đến nhờ sửa, có lúc đèn đã tắt và Tân đã chung vào mùng ngủ với vợ, chàng còn nghe tiếng còi bóp tin tin và giọng các nhà tư bản giục:
- Nè Tân, xe tự nhiên pan. Ra coi giùm tao tí, khẩn lắm. Mai sớm tao còn phải trả đồ.
Tân phải mò ra mở cửa; có lúc đến khuya mới xong.
Cũng vì có nhiều khách hàng đến nhờ sửa xe mà mấy người hàng xóm bắt đầu nghi Tân không phải là tàu bay chính hiệu. Họ hỏi:
- Xếp ở Không Quân sao xếp sửa xe tài thế? Chẳng ngày nào mà không thấy có người lái xe tới nhờ sửa dùm.
Tân lanh trí trả lời:
- Đã sửa được tàu bay, thì đồ ba chiếc xe hơi có là gì. Dễ ợt.
Ông xếp tàu bay chuyên môn sửa xe cho người ta, làm nhiều người trong xóm chợ Cồn bàn tán hoặc nhờ vả. Ở ngã tư, gần tiệm thuốc tây, có cô Tư bán thịt heo hay dán mắt theo dõi ông xếp tàu bay. Cô Tư mới bắt được một chiếc Solex mới tinh. Mỗi lần nghẹt xăng, kẹt thắng hay bu-gi dơ, cô thường chạy qua nhà Tân nhờ coi dùm. Tân được tiếng đứng đắn, có tình thương đồng loại bao la, nhất là đối với phụ nữ, nên chiếc xe Solex của cô Tư bán thịt heo chợ Cồn nhờ bàn tay khéo léo của ông xếp tàu bay mà luôn luôn ở trong tình trạng tốt, chạy ngon lành. Nhưng một hôm chúa nhật, tuy rằng chiếc Solex của cô Tư đang chạy phây phây, chẳng trục trặc gì ráo trọi, cô Tư cũng nhờ ông xếp tàu bay qua sửa. Tối đó trời mưa. Lạ chi cái tiết mưa dai dẳng ở cái xứ Quảng Nôm này, mưa chết thôi không dứt. Khi ông xếp tàu bay lò mò qua và khám phá ra rằng chiếc Solex còn tốt và cô Tư bán thịt heo đã tắm rửa ngon lành, không quên xức lên mái tóc đen huyền một chút intimate lả lướt. Ông xếp tàu bay liền suy diễn rằng đã đến lúc hành động. Quả nhiên chàng đoán không sai và đã hoàn tất một cách đầy đủ sự đòi hỏi của cô hàng xóm khả ái.
Từ đó về sau, như một thông lệ, cô Tư bán thịt heo chợ Cồn, thỉnh thoảng mò qua nhà ông xếp tàu bay, nhờ coi dùm chiếc Solex của cô và coi luôn cô xem còn trong tình trạng “dùng được hay không?”.
Phùng Thế Hải
LTUC1990
( Biên Hùng chuyển )