Ngày 17-1, Tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ Barack Obama đã quyết định giảm tội cho binh nhì Bradley Manning đang phải chịu mức án 35 năm tù xuống chỉ còn phải chịu bốn tháng tù vì ăn cắp bí mật quân sự và ngoại giao của Mỹ, cung cấp cho Wikileaks.
Binh nhì Manning bị bắt tháng 5-2010 sau khi chuyển các tài liệu mật về chiến tranh Iraq và Afghanistan cho Wikileaks. Manning còn chia sẻ một video cảnh một trực thăng Apache của Mỹ xả súng vào một nhóm người ở Baghdad (Iraq) mà phi hành đoàn cho là phiến quân. Trong số người chết có hai nhà báo Reuters. Manning còn rò rỉ thông tin liên quan đến tù nhân Guantanamo cùng với 250.000 bức điện của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Lý do binh nhì Manning cung cấp tài liệu cho Wikileaks, theo luật sư đại diện Vincent J. Ward là muốn mọi người biết được tác hại của chiến tranh đến người dân vô tội.
Trong lá thư gửi kèm đơn xin khoan hồng năm ngoái, Manning thừa nhận sai lầm của mình, tuy nhiên nói rằng hình phạt 35 năm tù giam là vô lý, thái quá và quá lớn so với những gì mình đã làm, so với tưởng tượng của mình. 35 năm là hình phạt tù dài nhất cho tội danh rò rỉ thông tin mật ở Mỹ trước nay.
Binh nhì Bradley Manning lúc chưa phẫu thuật chuyển giới. Ảnh: CBS NEWS
Binh nhì Bradley Manning đã phẫu thuật chuyển giới thành cô Chelsea Manning sau khi bị kết tội. Manning bị giam ở nhà tù Fort Leavenworth (bang Kansas), đã hai lần cố gắng tự sát vào tháng 7 và tháng 11-2016.
Với quyết định giảm tội của Tổng thống Obama, cô Manning, 29 tuổi, sẽ được tự do vào ngày 17-5 tới, thay vì phải ngồi tù đến năm 2045. Tính tới thời điểm chưa bị bắt, cô Manning ngồi tù được bảy năm. Theo một số quan chức Mỹ thì Tổng thống Obama cho rằng hình phạt tù như vậy là đã đủ trừng phạt cho tội danh cô Manning phạm phải.
Đội chuyển tiếp quyền lực của Tổng thống Donald Trump không bình luận về vụ việc này. Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích mạnh quyết định của chính phủ Obama, rằng việc giảm tội này sẽ kích thích thêm các vụ rò rỉ thông tin mật.
“Việc này thật thái quá. Hành động phản bội của Chelsea Manning đã đưa cuộc sống người dân Mỹ vào vòng nguy hiểm. Tổng thống Obama đã tạo một tiền lệ nguy hiểm rằng những ai làm hại đến an ninh quốc gia sẽ không phải chịu trách nhiệm về tội ác của mình” - Washington Post dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Paul D. Ryan.
Một số quan chức quốc phòng không nêu tên cho biết các lãnh đạo Bộ Quốc phòng, trong đó có Bộ trưởng Ash Carter, không đồng ý với quyết định của Tổng thống Obama.
Theo các quan chức Nhà Trắng, quyết định của Tổng thống Obama không liên quan gì tới việc người sáng lập Wikileaks Julian Assange gần đây bóng gió sẽ chấp nhận dẫn độ sang Mỹ nếu Manning được giảm tội
Bradley Manning sau khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính thành cô Chelsea Manning. Ảnh: US ARMY
Bên cạnh Chelsea Manning, ngày 17-1, Tổng thống Obama cũng ân xá cho tướng bốn sao về hưu James E. Cartwright, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Tướng Cartwright thừa nhận đã nói dối trong cuộc điều tra của FBI về sự rò rỉ thông tin mật một cuộc tấn công mạng bí mật của Mỹ và Israel lên chương trình hạt nhân Iran. Trước khi được ân xá, tướng Cartwright đang trong quá trình chờ tuyên án.
Một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết chính đóng góp của tướng Cartwright cho quân đội và quốc gia đã khiến Tổng thống Obama quyết định khoan hồng.
Trong ngày 17-1, Tướng Cartwright đã cảm ơn Tổng thống Obama: “Tôi đã phục vụ đất nước trong 40 năm với lòng tự hào. Hành động của Tổng thống Obama cho phép tôi tiếp tục cống hiến cho đất nước với tư cách một công dân”.
Cùng được Tổng thống Obama giảm tội và ân xá trong ngày 17-1 còn có gần 300 tù nhân khác, chủ yếu là tù nhân ma túy phạm tội ở mức độ nhẹ. Kể từ năm 2014 đến nay, Tổng thống Obama đã giảm tội cho hơn 1.385 tù nhân, hơn tổng số tù nhân mà 12 đời tổng thống trước giảm tội cộng lại. Trong số này chủ yếu là tù nhân ma túy. Washington Post dự kiến Tổng thống Obama sẽ còn có thêm đợt giảm tội, ân xá nữa trước khi ông rời Nhà Trắng. Theo chuyên gia phân tích an ninh và minh bạch quốc gia Steven Aftergood tại tổ chức Liên bang Các nhà khoa học Mỹ, “chuỗi hành động cuối cùng” trước khi mãn nhiệm đã thể hiện suy nghĩ của Tổng thống Obama là “các công tố viên đã đi quá xa” trong việc trừng phạt tội phạm |