Văn Học & Nghệ Thuật
Phạm Thiên Thư nhớ Phạm Duy
TP - Ngày 28-1, chúng tôi tới nhà Phạm Thiên Thư thì ông vừa đi viếng Phạm Duy về. Ông cho biết, rất đông người hâm mộ và bạn bè tới viếng nhạc sĩ tại tư gia số 349/126 Lê Đại Hành, P15, Q11, TPHCM dù lễ động quan tới 3-2 mới diễn ra.
Phạm Thiên Thư bên tấm hình Phạm Duy treo trong nhà. Ảnh: T.N.A . |
Phạm Duy phổ nhạc tới vài chục bài thơ của Phạm Thiên Thư, người hát chủ yếu là Thái Thanh: Ngày xưa Hoàng Thị, Động Hoa Vàng, Đi lễ chùa này… “Thế hệ của ông ấy chỉ còn lại Trần Văn Khê”- Phạm Thiên Thư thua Phạm Duy 20 tuổi, giữa họ có mối tri kỷ của một nhạc sĩ và một nhà thơ.
Nhớ lại ngày đầu gặp gỡ nhạc sĩ tài danh, Phạm Thiên Thư kể: “Tôi tổ chức học hội Hồ Quý Ly, kêu gọi lòng yêu nước, bị chính quyền cũ gây khó dễ nên tôi vào chùa làm thơ, một số bài được lan truyền. Phạm Duy khi ấy rất nổi tiếng, đến chùa thăm tôi là một cư sĩ tuổi đôi mươi chẳng tiếng tăm gì”.
Cuộc gặp gỡ có cả nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh. Ông Quỳnh gợi ý: “Nhạc ông Duy toàn chất đời, nay gặp cư sĩ làm thơ về đạo, vậy hai ông nên kết hợp”. Phạm Duy đề nghị Phạm Thiên Thư viết 10 bài thơ. Thi sĩ kể: “Tôi lao vào viết trong 3 ngày. Ông Duy phổ nhạc một tuần thì xong”.
Các bài hát được thu âm và tạo ra một làn sóng hát nhạc đạo Phật trong các ca sĩ. Ngay sau đó nhà xuất bản in tập nhạc với số lượng lớn. “Nhuận bút cho tôi và Phạm Duy là 150.000 đồng, tôi nhận 50 ngàn đồng về mua sách và tặng cho những bằng hữu nghèo khó”.
Nhà thơ cho biết, số tiền 50 ngàn đồng tương đương 3 lượng vàng hồi ấy. “Chưa bao giờ tôi nhận một số tiền lớn như thế”.
Tình bạn của họ rất tự nhiên. “Một hôm tôi rủ Phạm Duy ra ngoại thành uống cà phê. Chúng tôi ngồi trên tàu hỏa xuống Thủ Đức. Phạm Duy rất khoái, ngồi chồm hổm trên ghế băng.Tôi mua lạc rang cho ông ấy ăn.
Phạm Duy nói: Lâu lắm mới được sống dân dã thế này, không gì thích bằng. Vừa dứt lời người ta nhận ra nhạc sĩ, kéo tới kín cả toa tàu, thế là ông Duy lại phải ngồi thẳng thớm và không dám ăn lạc rang nữa”.
Họ ra ngoại thành uống cà phê. “Phạm Duy nói ông ấy có vợ con rồi, nhiều người hâm mộ, nhưng luôn cảm thấy cô đơn. Bài hát viết nhiều, nổi tiếng đấy, nhưng lại chưa đạt được những gì mình muốn. Phạm Duy là người luôn cầu tiến”.
Phạm Thiên Thư là cư sĩ, có vài chút tình thoảng đưa. Phạm Duy khi ấy có nhiều người thích. Phạm Duy nói với Phạm Thiên Thư: “Họ hâm mộ tôi nhiều hơn là yêu tôi”.
Tháng 4 năm 1975, Phạm Duy đến gặp bạn: “Ông có muốn ra nước ngoài không, ngày mai có máy bay đưa đi”. “Tôi là người Việt Nam, không bao giờ đi đâu cả”.
Những năm 1990 Phạm Duy về thăm quê hương. Khi đó Phạm Thiên Thư đang trồng cây thuốc chữa bệnh ở trên rừng. Thi sĩ nói: “Tôi có thể làm cho ông một cái lán ở trong rừng với tôi” nhưng Phạm Duy không phải người thích ẩn dật.
Phạm Duy vẫn viết không ngừng và trăn trở về tác phẩm như những năm xưa. Phạm Thiên Thư nói: “Người ta ở đời thường muốn sống theo kiểu tiên hoặc kiểu thần. Sống kiểu tiên là ngao du, thỏa chí mình, không quan tâm đến sự đánh giá của thiên hạ. Sống kiểu thần thì muốn xông pha làm nên công trạng hiển hách. Phạm Duy là mẫu người thứ hai. Ông ấy không bao giờ bằng lòng với mình, suốt đời đau đáu. Và bao năm gặp lại ông ấy vẫn bảo: Càng ngày tôi càng thấy cô đơn hơn ông Thư ạ”.
Khoảng cách 20 tuổi không phải khoảng cách của hai thế hệ mà lại là sự cộng hưởng của hai tâm hồn tri kỷ dù quan niệm sống khác hẳn nhau.
Chẳng hạn năm 1975 Phạm Thiên Thư ở lại quê hương làm nghề cắt tóc trong hợp tác để sinh sống, Phạm Duy một lần nữa rời xa bạn bè thân thiết để ra đi với những dự định sáng tác.
Có lần Phạm Duy nói với người viết bài này rằng ông không chia sáng tác của mình ra các giai đoạn trong nước và hải ngoại, bởi ông chỉ có một con đường sáng tác duy nhất, có một thứ duy nhất đó là “âm nhạc Phạm Duy”. “Dù ở đâu, tôi cũng trung thành với bản thân”.
“Phạm Duy là người nổi tiếng nhưng ông sống dung dị, mối quan hệ trải rộng từ người nổi tiếng đến những người bình dân” - Phạm Thiên Thư nhận xét.
“Phạm Duy là nghệ sĩ cô đơn luôn cố gắng để khỏa lấp sự cô đơn nhưng không thể. Dường như cô đơn là phẩm chất của những nghệ sĩ lớn”- Phạm Thiên Thư bình luận.
Trần Nguyễn Anh
( Nguyễn Đường Luân chuyển )
Bàn ra tán vào (0)
Phạm Thiên Thư nhớ Phạm Duy
TP - Ngày 28-1, chúng tôi tới nhà Phạm Thiên Thư thì ông vừa đi viếng Phạm Duy về. Ông cho biết, rất đông người hâm mộ và bạn bè tới viếng nhạc sĩ tại tư gia số 349/126 Lê Đại Hành, P15, Q11, TPHCM dù lễ động quan tới 3-2 mới diễn ra.
Phạm Thiên Thư bên tấm hình Phạm Duy treo trong nhà. Ảnh: T.N.A . |
Phạm Duy phổ nhạc tới vài chục bài thơ của Phạm Thiên Thư, người hát chủ yếu là Thái Thanh: Ngày xưa Hoàng Thị, Động Hoa Vàng, Đi lễ chùa này… “Thế hệ của ông ấy chỉ còn lại Trần Văn Khê”- Phạm Thiên Thư thua Phạm Duy 20 tuổi, giữa họ có mối tri kỷ của một nhạc sĩ và một nhà thơ.
Nhớ lại ngày đầu gặp gỡ nhạc sĩ tài danh, Phạm Thiên Thư kể: “Tôi tổ chức học hội Hồ Quý Ly, kêu gọi lòng yêu nước, bị chính quyền cũ gây khó dễ nên tôi vào chùa làm thơ, một số bài được lan truyền. Phạm Duy khi ấy rất nổi tiếng, đến chùa thăm tôi là một cư sĩ tuổi đôi mươi chẳng tiếng tăm gì”.
Cuộc gặp gỡ có cả nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh. Ông Quỳnh gợi ý: “Nhạc ông Duy toàn chất đời, nay gặp cư sĩ làm thơ về đạo, vậy hai ông nên kết hợp”. Phạm Duy đề nghị Phạm Thiên Thư viết 10 bài thơ. Thi sĩ kể: “Tôi lao vào viết trong 3 ngày. Ông Duy phổ nhạc một tuần thì xong”.
Các bài hát được thu âm và tạo ra một làn sóng hát nhạc đạo Phật trong các ca sĩ. Ngay sau đó nhà xuất bản in tập nhạc với số lượng lớn. “Nhuận bút cho tôi và Phạm Duy là 150.000 đồng, tôi nhận 50 ngàn đồng về mua sách và tặng cho những bằng hữu nghèo khó”.
Nhà thơ cho biết, số tiền 50 ngàn đồng tương đương 3 lượng vàng hồi ấy. “Chưa bao giờ tôi nhận một số tiền lớn như thế”.
Tình bạn của họ rất tự nhiên. “Một hôm tôi rủ Phạm Duy ra ngoại thành uống cà phê. Chúng tôi ngồi trên tàu hỏa xuống Thủ Đức. Phạm Duy rất khoái, ngồi chồm hổm trên ghế băng.Tôi mua lạc rang cho ông ấy ăn.
Phạm Duy nói: Lâu lắm mới được sống dân dã thế này, không gì thích bằng. Vừa dứt lời người ta nhận ra nhạc sĩ, kéo tới kín cả toa tàu, thế là ông Duy lại phải ngồi thẳng thớm và không dám ăn lạc rang nữa”.
Họ ra ngoại thành uống cà phê. “Phạm Duy nói ông ấy có vợ con rồi, nhiều người hâm mộ, nhưng luôn cảm thấy cô đơn. Bài hát viết nhiều, nổi tiếng đấy, nhưng lại chưa đạt được những gì mình muốn. Phạm Duy là người luôn cầu tiến”.
Phạm Thiên Thư là cư sĩ, có vài chút tình thoảng đưa. Phạm Duy khi ấy có nhiều người thích. Phạm Duy nói với Phạm Thiên Thư: “Họ hâm mộ tôi nhiều hơn là yêu tôi”.
Tháng 4 năm 1975, Phạm Duy đến gặp bạn: “Ông có muốn ra nước ngoài không, ngày mai có máy bay đưa đi”. “Tôi là người Việt Nam, không bao giờ đi đâu cả”.
Những năm 1990 Phạm Duy về thăm quê hương. Khi đó Phạm Thiên Thư đang trồng cây thuốc chữa bệnh ở trên rừng. Thi sĩ nói: “Tôi có thể làm cho ông một cái lán ở trong rừng với tôi” nhưng Phạm Duy không phải người thích ẩn dật.
Phạm Duy vẫn viết không ngừng và trăn trở về tác phẩm như những năm xưa. Phạm Thiên Thư nói: “Người ta ở đời thường muốn sống theo kiểu tiên hoặc kiểu thần. Sống kiểu tiên là ngao du, thỏa chí mình, không quan tâm đến sự đánh giá của thiên hạ. Sống kiểu thần thì muốn xông pha làm nên công trạng hiển hách. Phạm Duy là mẫu người thứ hai. Ông ấy không bao giờ bằng lòng với mình, suốt đời đau đáu. Và bao năm gặp lại ông ấy vẫn bảo: Càng ngày tôi càng thấy cô đơn hơn ông Thư ạ”.
Khoảng cách 20 tuổi không phải khoảng cách của hai thế hệ mà lại là sự cộng hưởng của hai tâm hồn tri kỷ dù quan niệm sống khác hẳn nhau.
Chẳng hạn năm 1975 Phạm Thiên Thư ở lại quê hương làm nghề cắt tóc trong hợp tác để sinh sống, Phạm Duy một lần nữa rời xa bạn bè thân thiết để ra đi với những dự định sáng tác.
Có lần Phạm Duy nói với người viết bài này rằng ông không chia sáng tác của mình ra các giai đoạn trong nước và hải ngoại, bởi ông chỉ có một con đường sáng tác duy nhất, có một thứ duy nhất đó là “âm nhạc Phạm Duy”. “Dù ở đâu, tôi cũng trung thành với bản thân”.
“Phạm Duy là người nổi tiếng nhưng ông sống dung dị, mối quan hệ trải rộng từ người nổi tiếng đến những người bình dân” - Phạm Thiên Thư nhận xét.
“Phạm Duy là nghệ sĩ cô đơn luôn cố gắng để khỏa lấp sự cô đơn nhưng không thể. Dường như cô đơn là phẩm chất của những nghệ sĩ lớn”- Phạm Thiên Thư bình luận.
Trần Nguyễn Anh
( Nguyễn Đường Luân chuyển )