Các cuộc biểu tình cũng khiến căng thẳng đã kéo dài trong tuần qua giữa chính quyền của ông Yanukovich và lực lượng đối lập càng leo thang.
Những cuộc biểu tình tại Ukraine đã làm dấy lên những quan ngại về sự bất ổn định cả về chính trị và kinh tế tại quốc gia Đông Âu với 46 triệu dân này. Ukraine có chung đường biên giới với 4 nước EU và là con đường vận chuyển khí đốt quan trọng từ Nga sang châu Âu.
Lãnh đạo phe đối lập Vitaly Klitschko bước đi giữa hàng người biểu tình và cảnh sát tại Kiev (Ảnh Reuters) |
“Chúng tôi muốn gửi đi một thông điệp rằng chúng tôi không muốn sống trong một nhà nước mà người dân bị kiểm soát quá chặt chẽ. Chúng tôi muốn sống trong một nhà nước hiện đại và chúng tôi sẽ đạt được mục đích của mình”, Vitaly Klitschko, một lãnh đạo của phe đối lập tuyên bố như trên.
Ông Klitschko cũng thúc giục những người ủng hộ việc Ukraine ký Hiệp định với EU tham gia vào cuộc biểu tình lúc 0h ngày 8/12 (giờ địa phương).
“Cuộc biểu tình của chúng ta mang tính chất hoà bình nhưng nó sẽ gây áp lực lớn đối với chính phủ và họ sẽ buộc phải chấp nhận yêu cầu của chúng ta”, ông Klitschko nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 1/12, khoảng 350.000 người đã tham gia vào cuộc biểu tình tương tự sau khi cảnh sát chống bạo động của Ukraine đụng độ với họ một ngày trước đó. Cảnh sát Ukraine sau đó đã tuyên bố sẽ đẩy lui những người biểu tình đang chiếm giữ những toà nhà công cộng bao gồm cả Toà Thị chính Kiev.
Rất nhiều người dân Ukraine đã đồn đoán rằng việc Tổng thống Ukraine Yanukovich gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Sochi ngày 6/12 chứng tỏ ông Yanukovich đã sẵn sàng tham gia vào Liên minh hải quan do Nga đứng đầu và “đóng sập cửa” trước khả năng xích lại gần hơn với EU.
Cả hai nhà lãnh đạo của Nga và Ukraine đều phủ nhận những lời đồn đoán này và nói rằng việc Ukraine có tham gia Liên minh hải quan hay không thậm chí còn không được bàn bạc tại Sochi. Tuy nhiên, cả hai đều xác nhận là sẽ gặp nhau tiếp vào ngày 17/12.
“Bất kỳ một cuộc ký kết nào liên quan đến việc gia nhập Liên minh hải quan cũng có thể gây rạn nứt tại Ukraine”, Arseny Yatsenyuk, một cựu Bộ trưởng kinh tế và hiện là nhân vật quan trọn thuộc phe đối lập cho hay.
Cả ông Yanukovich và ông Putin đều nhận thấy Ukraine đóng vai trò chiến lược trong việc bảo đảm lợi ích của Nga. Tổng thống Nga Putin đã đưa ra lời đề nghị cung cấp khí đốt cho Ukraine với giá rẻ hơn và hỗ trợ Ukraine các khoản tín dụng để giúp nước này thanh toán các khoản nợ.
Tuy nhiên, những người biểu tình tại trung tâm Quảng trường Độc Lập ở Kiev bất chấp tuyết rơi và nhiệt độ xuống dưới 0 độ đã tuyên bố rằng cuộc biểu tình của họ không “chỉ là vì tiền”.
“Chúng tôi muốn đất nước mình văn minh và hiện đại như hầu hết các quốc gia phát triển tại châu Âu và điều đó có nghĩa là chúng tôi đòi hỏi nhiều hơn nữa sự dân chủ và công bằng”, bà Valentina Mysak, một công dân Ukraine 58 tuổi, cho biết./.
Theo Reuters
Mai Anh chuyển