Phạm Đình Trọng
Cung cách ứng xử trong cuộc sống của đám quan cộng sản, từ quan trẻ, cấp nhỏ như bà phó chủ tịch quận Lê Mai Trang, tới quan già, cấp cao như trung tướng Võ Văn Liêm cho người dân nhận ra rằng đám quan chức cộng sản chỉ có hình hài của con người thể xác, con người sinh vật, tuyệt nhiên không có hình hài của con người văn hóa, con người xã hội.
Con người thể xác là sản phẩm của tự nhiên, của di truyền nòi giống. Con bò đẻ ra con bò. Con người thể xác chỉ là sinh vật trong tự nhiên, chỉ có phần “con” do cha mẹ sinh ra. Phần “con” đó dù cao 1,9 mét, nặng 90 kilogram hay chỉ cao 1,5 mét, nặng 40 kilogram cũng chỉ tính theo đơn vị con.
Con người văn hóa xã hội do chính mỗi người tự hình thành, tự tạo ra cho mình, tự sinh ra mình bằng cách tiếp nhận nền văn hóa xã hội của loài người để hình thành con người văn hóa của riêng mình, tạo nên hình hài “người” của mỗi người.
Con người thể xác chỉ có nhu cầu vật chất và chỉ biết đến giá trị vật chất. Dân gian có câu thành ngữ rất hay để chỉ hạng người chỉ có con người thể xác: Phường giá áo túi cơm. Con người văn hóa ngoài nhu cầu vật chất có giới hạn để nuôi sống con người cơ thể còn có nhu cầu vô cùng, vô tận về giá trị văn hóa, giá trị nhân văn. Con người văn hóa bình dị, tư nhiên thể hiện mình, khẳng định mình trong cuộc đời bằng giá trị văn hóa, giá trị nhân văn của mình
Con người thể xác chỉ biết có bản thân, chỉ lo cho bản thân. Làm quan là để lo cho người dân. Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Một xã hội tử tế thì kẻ chỉ có phần con, chỉ có con người thể xác không thể làm quan. Nhưng người dân Việt Nam trong nhà nước cộng sản hôm nay phải cay đắng, đau buồn nhận ra quan cộng sản có quá nhiều người chỉ có con người thể xác, không có con người văn hóa.
Chỉ có con người thể xác mà vẫn sỗ sàng tót lên ghế quan thì những quan chỉ có con người thể xác đó phải bảo vệ đến cùng cái thể chế đã cho những con người chỉ là thể xác, chỉ có phần “con” được vênh váo cưỡi lên đầu lên cổ những con người văn hóa.