Câu trả lời là không. Tại sao? Bởi kỷ niệm 25 năm sự kiện Thiên An Môn đẫm máu, chính quyền đã phong tỏa quảng trường bằng rào thép, internet bị cấm kỵ những từ nhậy cảm, an ninh được thắt chặt chưa từng thấy. Một xã hội văn minh thì không thể có chuyện đó.
Cách đây 2 năm tại thị trường chứng khoán Thượng Hải, chỉ số chứng khoán mất 64.89 điểm thì hệ thống tự động lọc số này ra, không phát lên internet, bởi đọc theo cách của Trung Quốc, âm hưởng như là 4-6-89. Một cái sợ vô hình.
Sáng nay tại Hà Nội, CNN đang đưa tin về kỷ niệm 25 năm Thiên An Môn, bỗng nhiên tivi bị ngắt giữa chừng. Cái sợ của Trung Quốc đã lây cả sang người hàng xóm.
Đã 25 năm trôi qua, Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới, với dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới (4000 tỷ đô la), tiềm lực quốc phòng đứng thứ 3, cả thế giới dùng hàng gía rẻ Trung Quốc. Mao Trạch Đông từng dự đoán “Mỹ là con hổ giấy, Trung Quốc là con hổ thật”.
Với một sức mạnh như thế cộng với 2 tỷ dân, lẽ ra chính quyền Bắc Kinh không run sợ mới đúng. Nhưng quá khứ, hiện tại và tương lai của một chính thể độc tài và tàn bạo ngay cả với dân mình, đã làm cho nhà cầm quyền đứng ngồi trên đống lửa.
Năm 1989 có nhiều sự kiện đáng nhớ. Công đoàn Đoàn Kết thắng cử ở Ba Lan, loại chế độ cộng sản ra khỏi chính trường trong lúc người Việt biểu tình phản đối chính thể Ba Lan quí tộc này. Đông Đức đập bức tường Berlin cũng vào năm đó.
Năm 1979, do Đặng Tiểu Bình đạo diễn, quân đội Bát Nhất mang 60 vạn quân đến biên giới, dạy cho đàn em Việt Nam một bài học đẫm máu.
10 năm sau (1989), chính đội quân ấy lại được lệnh của chính Đặng Tiểu Bình, cho xe tăng, và hàng chục ngàn lính tiến từ 4 phía vào quảng trường Thiên An Môn, bắn chết và nghiền nát mấy ngàn người không tấc sắt trong tay.
Lần này, họ dạy dân tộc tỷ người này một bài học khác. Dân chủ không thể tồn tại nếu nó đe dọa sự tồn vong của chế độ.
25 năm đã qua, chính quyền không dám nói cho dân điều gì đã xảy ra vào đêm ngày 3, rạng ngày 4-6 đó.
25 năm đã qua, không ai có thể biết được có bao nhiêu người đã chết, bị thương, những người lính và sỹ quan bắn giết dân thường nay ở đâu, những người chống lệnh bắn dân đã bị xử như thế nào.
25 năm đã qua, người ta không biết số phận người thanh niên trẻ đứng chặn đầu xe tăng đã ra sao vào buổi sáng 4-6.
25 năm đã qua, nhưng thế giới không thể biết ai đã ra lệnh bắn vào người biểu tình một cách dã man nhất trong lịch sử nhân loại.
25 năm đã qua, chính quyền vẫn sợ dân nhắc đến từ Thiên An Môn, bloggers bị giam cầm, bắt bớ, dọa nạt.
Hàng năm cứ đến ngày này, Quảng trường Thiên An Môn tựa như có bom nổ chậm. Chính quyền sợ tất cả, nhìn ai cũng thành thế lực thù địch.
Trên Washington Post viết về một phụ nữ tên là Hứa Lệ (Hua Ze), hiện đang sống bên Mỹ. Bà bị bắt cóc bởi lực luợng an ninh do đấu tranh vì nhân quyền. Bị tra tấn dã man nhiều ngày, nhưng bà không khai. Bà còn nói với những kẻ lạ mặt “Tại sao tôi phải sợ các anh? Tôi chỉ là người phụ nữ yếu đuối, các anh là đàn ông, với vũ khí tận răng, bắt tôi mà không hề xưng danh, có nghĩa là các anh sợ tôi”.
Mỗi lần đến Bắc Kinh tôi đều dạo bước vài km, suốt từ khách sạn China World Hotel đến quảng trường Thiên An Môn, dọc theo đường Tràng An, cái tên giống Trường Yên quê tôi. Dọc đường là những nhà cao tầng, hiện đại, xe kín hai bên đường. Tử Cấm Thành hiện ra nguy nga tráng lệ. Tôi luôn nghĩ đất nước này thật hùng mạnh. Nhưng không phải mọi cảm tính của tôi đều đúng.
Ngày này 25 năm trước, hàng triệu người đã đổ ra đường, kẹt cứng. Thế mà qua một đêm từ 3-6 đến sáng 4-6, quang cảnh đổ nát và đẫm máu. Đi lại trên quảng trường không biết bao lần, lần theo từng viên đá lát rất cẩn thận, tôi tự hỏi, có lẽ máu đã thành sông dưới chân mình. Dù trước mặt là ảnh Mao Trạch Đông hiền từ nhìn xuống đại lộ Tràng An, người xe đi lại như mắc cửi.
Gặp nhiều người Trung Quốc ở đây, tôi luôn hỏi về sự kiện Thiên An Môn. Nhưng hình như họ lảng tránh, không muốn nhắc đến, cho dù có người đã an toàn ở phương Tây. Một nỗi xấu hổ, một sự hối hận, không hiểu họ nghĩ gì.
Rất nhiều người giải thích, Trung Quốc có được như ngày hôm nay, vì 25 năm trước, quân đội đã thẳng tay đàn áp biểu tình. Dân chủ có thể đưa quốc gia vào hỗn loạn và nội chiến. Đổi sinh mạng mấy ngàn người cũng đáng giá cho quốc gia gần 2 tỷ dân phát triển.
Tôi có hỏi lại, điều gì sẽ xảy ra, nếu cuộc cách mạng dân chủ 1989 thành công ở Trung Quốc. Có lẽ hôm nay, chính quyền Bắc Kinh sẽ bạch hóa mọi chuyện trong quá khứ, từ cách mạng văn hóa, bao chuyện thâm cung bí sử, có những bài học đó để phát triển bền vững, họ sẽ mạnh hơn bất kỳ quốc gia nào, và thành con hổ thật.
Lịch sử không có chữ NẾU ở đây. Bóng ma Thiên An Môn 25 năm trước luôn là nỗi ám ảnh của mọi chính thể độc tài và tàn nhẫn. Sợ sự thật và sợ cả những thứ vô hình thì không thể mạnh và phát triển.
Trung Quốc có thể gầm rú ở biển Đông dọa Việt Nam, hù các nước yếu. Nhưng tiếng thét to không giúp kẻ nhát thành hổ thật như Mao Trạch Đông dự đoán. Nhưng trong vai một kẻ tàn ác như đã từng làm với dân mình ở Thiên An Môn thì hoàn toàn có thể.
HM. 4-6-2014. 25 năm sự kiện Thiên An Môn.
PS. Viết những dòng này, tôi rất lo cho tầu cảnh sát biển và bà con ngư dân Việt nam. Muốn đánh lạc hướng dư luận về Thiên An Môn, họ hoàn toàn có thể gây hấn ở biển Đông.
http://hieuminh.org/2014/06/04/25-nam-thien-an-mon-trung-quoc-co-manh/