Từ trái sang: Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Ngày đầu tuần (31/7), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết, chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump sẽ sớm ký vào dự luật mới, nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga, Iran và Triều Tiên.
Trước đó, Hạ viện và Thượng viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu cho dự luật này với tỷ lệ ủng hộ áp đảo.
Chữ ký của ông Trump sẽ hoàn thành các thủ tục cần thiết để xây dựng dự luật thành văn bản pháp luật chính thức, cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính mới đối với Nga, đồng thời đưa ra các hạn chế bổ sung đối với chương trình tên lửa của Iran và ngành công nghiệp đóng tàu của Triều Tiên.
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, chuyện gì sẽ xảy ra nếu các đồng minh chiến lược Nga và Iran đạt được nhất trí với Triều Tiên về việc tạo ra một liên minh ba bên chống lại tham vọng và lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nhà phân tích chính trị Iran Sajjad Tayeri đã nói về vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik Iran.
Ông Tayeri cho rằng, Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ từ chối tham gia liên minh này, trong khi khả năng Nga và Iran “bắt tay” tạo thành liên minh mới ở Trung Đông rất cao.
“Nếu chúng ta muốn đối phó đúng cách các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Triều Tiên không hề liên quan. Cần phải tính đến chế độ chính trị của đất nước này và thực tế là Triều Tiên không hề có mối liên hệ nào ở Trung Đông”, Tayeri nói.
Đề cập đến việc trả đũa các biện pháp trừng phạt từ Mỹ, chuyên gia nhận định, trong tương lai mọi người sẽ thấy rằng Triều Tiên sẽ không thể đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này, bởi Bình Nhưỡng chỉ có sức mạnh và khả năng điều động trong Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi, theo ông Tayeri, Iran và Nga có ảnh hưởng lớn ở Trung Đông và thậm chí cả ở Đông Âu. “Do đó, nếu có một liên minh mới giữa 3 quốc gia này, Iran và Nga sẽ đóng vai trò chủ đạo, trong khi Triều Tiên chỉ là thành viên nhỏ bé”, chuyên gia người Iran nhấn mạnh.
Ông nói thêm, Bình Nhưỡng sẽ không chấp nhận đối thoại, thay vào đó muốn tận dụng chương trình tên lửa và hạt nhân để “dằn mặt” Mỹ, nhưng hy vọng về “cuộc đàm phán ngoại giao giữa Iran, Nga với Mỹ” vẫn còn.
Khác với quan điểm của ông Tayeri, một chuyên gia phân tích chính trị khác của Iran, ông Mahmoud Shuri, lại khá ủng hộ Nga, Iran và Triều Tiên hợp tác chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Sputnik Iran dẫn lời ông Shuri cho hay, Moscow, Tehran và Bình Nhưỡng “vào những thời điểm khác nhau và vì nhiều lý do khác nhau” phải chịu sự trừng phạt của Mỹ, do đó 3 nước này sẽ cố gắng đáp trả lại Washington bằng những hành động cụ thể.
“Chúng ta phải cùng nhau chống lại và kết thúc điều này. Chúng ta cần phải tạo ra mặt trận chung để cho Mỹ thấy hành động của họ là trái với luật pháp quốc tế… Chúng ta không nên từ bỏ cuộc đấu tranh chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ”, ông Shuri kết luận.
Theo Tiền Phong