Mấy hôm nay, cà làng bàn về Kim Chi, cái món dưa góp của dân Đại Hàn, ăn vào sốc lên tận mũi, nước mắt, nước mũi chảy ra vì cay.
Bây giờ thử hỏi bạn đọc xem trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, diễn viên Kim Chi, gọi là bà vì năm nay chị đã gần 70 tuổi, đóng vai gì nhớ nhất.
Mình xem trên Quê Choa có bài viết “Nghệ sỹ Kim Chi, chúng tôi kính phục chị” có trích dẫn lời của họa sỹ Đỗ Bảo “Tôi đã xem Kim Chi trong những phim chị sắm vai, nhớ nhất phim Cánh đồng hoang đóng cùng Lâm Tới. Thành thực từ lâu đã yêu quí chị với những gì chị đã thể hiện. Hôm nay tôi kính trọng chị hơn, con người nhỏ bé yếu đuối về thể lực nhưng là một nhân cách đàng hoàng. Rồi lâu rầy mọi người sẽ hiểu. Còn bây giờ tôi chắc theo thói quen lâu nay, sẽ nhiều người coi chị là xấc xược điên khùng vì dám thóa mạ người đứng đầu chính phủ.”
Mình suýt bật cười, vì cả ông Quê Choa lẫn ông Đỗ Bảo đều nhầm, giống hệt ông Cua, toàn lấy râu ông nọ cắm vào chỗ của bà kia.
Chị ốm yếu thì đúng, vì chục năm trước bị ung thư và chạy xạ. Chị từng tâm sự “Tôi đã đi qua căn bệnh ung thư tuổi 57. Đã có những giây phút tôi phải đứng lặng trong nhà tắm, với cái đầu rụng hết tóc và khuôn ngực bên còn bên mất… Tôi tự hỏi: Tại sao tôi có thể đi qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh mà vẫn lành lặn, vậy mà sao lúc bom đạn tha tôi rồi, thì tới lượt bệnh tật lại nỡ lấy đi của tôi thế này… Nhưng rồi tôi nghĩ: Không lẽ cứ buồn mãi sao, buồn đến tận lúc chết sao? Và tôi tìm cách đứng dậy, tìm cách “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Chị có nghị lực sống ghê gớm.
Nhưng Kim Chi đâu có đóng vài nào trong “Cánh đồng hoang”, mà diễn viên nữ đó là Thúy An. Chị Thúy An đóng với Lâm Tới trên đồng lụt lội. Ông Lâm Tới toàn cởi trần, mặc mỗi cái quần đùi, trên thuyền với Thúy An xinh đẹp, giữa đồng không mông quạnh.
Mình vừa xem vừa lầm bầm, bố khỉ, đóng phim thế kia thì ra nhi đồng mất thôi. Nhân bảo như thần bảo, sau này chị Thúy An lấy anh Nguyễn Hồng Sến là đạo diễn bộ phim nói trên. Cứ tưởng Lâm Tới lấy nàng. Hóa ra không phải.
Thúy An lấy Hồng Sến thì chị Kim Chi phải ra khỏi nhà, lấy thêm mấy ông khác nữa. Trước khi ra khỏi cái nhà giá mấy trăm cây vàng ở Sài Gòn, chị Kim Chi làm thỏa thuận với chồng cũ. Nếu anh chết thì nhà bán chia làm ba, 2 phần cho hai đứa con của anh chị, phần còn lại cho bà vợ mới (chị Thúy An). Đàng hoàng quá chứ còn gì và hình như chị cũng đoán là ông Sến không còn nhiều thời gian.
Khi anh Hồng Sến mất, chị Thúy An định bán nhà (500 cây) nhưng dụ hai cháu con đẻ của chị Kim Chi là cầm tạm mỗi đứa 100 cây. Hai đứa sướng quá vì hồi đó 100 cây to lắm, mua được biệt thự là thường.
Cụ Kim Chi nghe phong thanh liền bay vào Sài Gòn, lôi thỏa thuận với tòa án ra. Thế là chị Thúy An phải vào vai “Cánh đồng hoang” lần nữa.
Quên mất, mình mải luyên thuyên, chẳng nhớ định viết gì. À, hỏi là chị Kim Chi đóng vai nào. Chỉ biết thời chống Mỹ, chị đi theo văn công hỏa tuyến, vào biểu diễn cho bộ đội xem. Hình như gặp anh Hồng Sến và hai người lấy nhau, có hai con.
Thời đó, xinh đẹp hay được chọn đi văn công. Đi hỏa tuyến cũng là chuyện lạ, nhưng chả lạ lắm, vì cả triệu người đi, hàng trăm ngàn nữ TNXP ngoài hỏa tuyến. Nên khen chị là anh hùng thời chống Mỹ thì cũng nên kheo khéo chút.
Quay lại chuyện mấy hôm nay chị Kim Chi nổi tiếng vì từ chối bằng khen Thủ tướng. Chị viết một cái thư, đánh máy in laser hẳn hoi, ký dưới. Chị viết gì tôi chả nhắc lại nữa, vì bạn đọc đã thuộc lòng.
Chuyện đến tai chị Hồng Ngát, Phó chủ tịch hội điện ảnh Việt Nam. Hãng phim của các chị cơ khổ, đang bị đòi đất, bị bao vây vì cạnh hồ Tây.
Chị Hồng Ngát, vốn cũng là người chả vừa, nói với BBC rằng, chị đã đọc đơn của chị Kim Chi, nhưng về “nguyên tắc thì như thế là không đúng lắm”, vì đơn gửi cho Hội thì phải để Hội xem xét giải quyết, “chứ Hội chưa có ý kiến gì mà đã tung hết cả lên mạng, trả lời cả BBC”.
Chị Ngát cho biết, việc xét thưởng đang nằm ở giai đoạn hoàn thành hồ sơ, chưa trình lên thủ tướng, và nghệ sỹ Kim Chi nằm trong danh sách 50 hồ sơ được Ban chấp hành Hội Điện ảnh xét duyệt trong đợt này.
Về mặt này, tôi đồng ý với chị Hồng Ngát. Mới gợi ý làm hồ sơ để đưa đi duyệt, mà chị Kim Chi đã viết cái đơn, để rồi có người biết, tung lên Facebook, thế là ầm ỹ.
Viết đơn và làm hồ sơ mới là bước đầu. May ra được vào danh sách rồi trình lên ban xét duyệt thi đua. Nếu may thì sẽ gửi lên VP Thủ tướng. Thủ tướng chắc gì đã xem. Mà ông xem chắc gì ông đã ký.
Ông X đã ký đâu mà chị Kim Chi dám viết “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm”.
Quên mất, sao mình lại nhắc mãi câu này. Đã bảo không viết trong entry mà.
Chị Kim Chi làm thế là không được, không kín kẽ và hơi bộp chộp.
Tôi mà là chị, tôi sẽ nộp hồ sơ đàng hoàng, tìm cách cho mình vào danh sách, vận động hành lang (lobby) sao cho tên mình được đưa lên Thủ tướng và đảm bảo là phải có chữ ký X.
Có chữ ký đàng hoàng rồi và đưa đi kiểm định, biết chắc đó là của đồng chí X, chị Kim Chi viết đơn cũng chưa muộn. Lúc ấy tầm ảnh hưởng mới lớn.
Làm như hiện nay, người ta cười cho. Chưa ai xét duyệt, chưa ai làm gì, chị Kim Chi đã từ chối. Bây giờ hỏi cái công văn yêu cầu chị Kim Chi làm hồ sơ đâu, chắc là không có.
Các nghệ sỹ lần sau muốn học chị Kim Chi thì nên tìm cách cho hiệu quả, sao cho giống món Đại Hàn, ai đó “ăn” vào sốc lên tận mũi, nhớ suốt đời.
Muốn gì thì gì cũng phải khen chị Kim Chi phát. Cuộc đời chị giống như tập thơ Lục bình mà chị tâm đắc với câu “Lục bình chậm rãi xuôi dòng! Dừng đâu nơi ấy nước trong lắng phèn!”
Không phải nhà quê mà viết được câu thơ ấy. Đúng là hoa lục bình sống nơi nào thì nơi ấy nước trong. Nhiều Kim Chi lục bình thì đất nước ngày càng sạch hơn.
HM. 11-1-2012
http://hieuminh.org/2013/01/12/chi-kim-chi-lam-the-lakhong-dung/