Nhân Vật
Sợ rằng chúng ta quên
Vừa rồi đọc Lưu Niệm, trang Quân Đoàn 3, trong danh sách những tân sĩ quan Khóa 19 thuộc quyền xử dụng của Sư Đoàn 5 Bộ Binh (BB), tôi đã thấy một tên một người mà không bao giờ quên được. Đó là CHÂU MINH KIẾN.
Kể từ tháng 5 năm 1968, tôi từ Sư Ðoàn 22 BB được thuyên chuyển về Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 và Vùng 3 Chiến Thuật, làm việc tại Phòng Tổng Quản Trị. Tôi nhớ không chính xác lắm, cũng khoảng thời gian này tôi nhận dược hồ sơ đề nghị thăng cấp Thiếu Tá Nhiệm Chức cho Đại Úy Châu Minh Kiến. Cái tên nghe quen-quen, đọc lại hồ sơ, thì đúng rồi, anh là bạn cùng khóa Võ Bị với tôi. Tôi làm thủ tục chuyển hồ sơ lên Bộ Tổng Tham Mưu và chờ quyết định.
Thời kỳ này Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 và Vùng 3 Chiến Thuật là Trung Tướng Đỗ Cao Trí. Vị Tư Lệnh này có uy tín với Bộ Tổng Tham Mưu cũng như với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). nên lúc bấy giờ hầu hết những đề nghị đều được chấp thuận. Không bao lâu, khoảng thánh 7 hay tháng 8 gì đó, tôi nhận quyết định thang cấp Thiếu Tá Nhiệm Chức cho Ðại Úy Châu Minh Kiến.
Vừa nhận được quyết định tôi đã gọi báo cho Kiến ngay và hẹn gặp nhai tại Biên Hòa để khao lon. Lúc bấy giờ tôi nghĩ chắc đây là tên Khóa 19 được mang lon thiếu tá sớm nhất của Khóa 19 chúng ta. Và tôi cũng rất hãnh diện là Khóa 19 có một thiếu rất trẻ, lúc đó tuổi của chúng ta khoảng 30.
Nhưng rồi không bao lâu sau đó, trong một đêm trực tại Phòng Tổng Quản Trị, Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 tôi lại được điện-thoại từ một sĩ quan trực tại Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 BB, xin truy thăng trung tá cho cố Thiếu Tá Châu Minh Kiến.
Lại cũng chính tôi làm thủ tục xin truy thăng trung tá cho một người bạn vừa nằm xuống. Ngay sáng hôm sau, tôi gọi điện thoại ra trung đoàn của Kiến để tìm hiểu lý do gì đã đưa đến cái chết của một người tài ba lỗi lạc, thì được biết như sau.
Cái chết của bạn Châu Minh Kiến đã dể lại trong tôi một ấn tượng sâu xa khong bao giờ phai mờ được. Là chàng trai Võ Bị luôn luôn can đảm anh dũng xông pha trong lửa đạn. Cuộc đời không có gì vĩnh cữu, thấy đó rồi mất đó, nhưng anh hùng Châu Minh Kiến mãi mãi và vĩnh viễn mãi mãi sống trong tâm tưởng của mỗi một người anh em Khóa 19.
Võ văn Quí
Cựu Sinh Viên Sĩ Quan, Khóa 19
Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam
o o o
Mỗi khi nhà có giổ kỵ tưởng nhớ người thân khuất mặt, thắp nén hương lòng, tâm sanh niệm, tôi cũng nhớ đến Châu Minh Kiến. Anh là người bạn cùng Khoá 19 Võ Bị Đà lạt, một thời chiến đấu đã hy sinh đền nợ nước khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại lòng tôi thương tiếc bùi ngùi. Tôi cầu nguyện cho bạn sống khôn thác thiêng, “sinh vi tướng tử vi thần.”
Không phải chỉ riêng tôi mà còn có nhiều người thương tiếc, cảm phục Châu Minh Kiến như một anh hùng trong chiến trận, một ngôi sao sáng chói của Khoá 19 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, của Sư Ðoàn 5 BB. Quân Lực VNCH đã ghi công anh vào quân sử. Khi ghi lại những giòng chữ này nhớ bạn, tôi cầu xin hồn thiêng người khuất mặt giúp tôi viết được lời chân thật về cuộc đời, cách sống và chiến đấu cho lý tưởng của anh.
Cuối năm 1964, tốt nghiệp Trường Võ Bị, 25 anh em tân sĩ quan Khoá 19 về trình diện Sư Đoàn 5 BB tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn mới dời từ Biên Hoà về Bình Dương. Câu giáo đầu của Thiếu Tướng Tư Lệnh Trần Thanh Phong [1] là đừng có ai hòng về sư đoàn tìm chỗ tránh tác chiến, kiếm một chỗ tốt an thân. Sau nhiều lần chia người về đơn vị mới cho 3 Trung Đoàn 7, 8 và 9, chúng tôi 5 người về trình diện Tiểu Đoàn 3/8. Lúc đó Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn đang đóng tại Chi Khu Lái Thiêu.
Tiểu Đoàn Trưởng 3/8 là Đại Úy Lý Đức Quân, gốc người Nùng, mặt sắt đen xì, to cao dềnh dàng như gấu nhưng tánh tình hiền khô, sau này tôi mới biết ông cũng xuất thân khoá 10 Võ Bị. Sau khi bắt thăm ra Đại Đội, đáng lẽ tôi bắt cặp với Châu Minh Kiến về Đại Đội 9 do Trung Úy Nguyễn Kỳ Sương (Khoá 16 Võ Bị) làm đại đội trưởng, nhưng Đại Úy Quân giữ tôi lại Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn làm phó cho Trung Úy Văn Thái Hiệp (Khoá 16 Võ Bị) đang là Đại Đội Trưởng Đại Đội Chỉ Huy.
Vào thời điểm Khoá 19 ra trường, các đơn vị Bộ Binh tác chiến còn thiếu hụt nhiều sĩ quan chỉ huy. Hạ sĩ quan được đôn lên coi trung đội, cấp bậc thiếu úy lãnh chức đại đội trưởng được nhiệm chức chỉ huy mang lon trung úy. Việc này sanh ra nhiều hục hặc mâu thuẩn mà Kiến nói với tôi rằng anh kẹt đường bay nhảy vì các tay đại đội trưởng khác chỉ mới là thiếu uý tạm thời lại mang lon trung úy, chỉ huy nắm đại đội. May mà 2 đứa chúng tôi đang dưới trướng đàn anh Võ Bị đâu dám hó hé gì.
Kiến muốn mau lên làm đại đội trưởng nên anh hăng say hết mình, chứng tỏ khả năng lãnh đạo chỉ huy để có cơ hội bắt chức vụ. Tôi cũng vậy, kỳ kèo xin tiểu đoàn trưởng cho ra đại đội tác chiến mới hy vọng vương lên, làm phụ tá học nghề đàn anh lâu quá, không đúng chổ, mà còn dễ lụt nghề “tác chiến” (tôi nghĩ rằng cái nghề của mình là sĩ quan hiện dịch ra trường đi tác chiến để đánh giặc, đụng trận chết bỏ, sống bắt huy chương, chớ không ở mãi Đại Đội Chỉ Huy làm linh tinh kiêm nhiệm, thay thế cho các sĩ quan tiểu đoàn đi phép, cuối tháng phát lương lính, v.v.). Kiến may mắn hơn tôi được đàn anh hướng dẫn tận tình, truyền dạy kinh nghiệm và nhường lại cho coi Đại Đội 9 sau vài tháng làm đại đội phó. Còn tôi vịt đẹt, mãi một năm sau mới được chuyển ra Tiểu Đoàn 4/8 Tân Lập làm Đại Đội Trưởng.
Xin nói thêm về đơn vị Bộ Binh của chúng tôi ở Sư Đoàn 5, là sư đoàn có nhiều người sắc tộc Nùng. Thật ra, ở tiểu đoàn chúng tôi còn giữ lại nhiều đồng đội các sắc tộc khác ngoài Bắc, nhưng đa số là người Nùng (mang họ Wòng), còn có người Thái (họ Đèo), người Mèo, người Thổ (họ Lý, họ Vi).Trong một cộng đồng trộn lẫn nhiều sắc tộc như vậy, nhưng lại có tinh thần kỷ luật cao, chiến đãu dũng cảm, dày dạn kinh nghiệm chiến trường, nên sĩ quan trẻ như chúng tôi rất tin tưởng trong khi chiến đấu. Có lẽ hội đủ ba yếu tố thử thách chiến trường là thiên thời (mới ra trường gặp lúc Việt Cộng bắt đầu đánh phá), địa lợi (Sư Đoàn 5 Bộ Binh bao vùng 3 chiến khu: Tam Giác Sắt, Chiến Khu C, và Chiến Khu D), nhân hòa (sư đoàn nổi tiếng đánh giặc giỏi), nên anh em Khoá 19 nhiều người phất lên rất nhanh, hy sinh cũng nhiều. Châu Minh Kiến còn lên nhanh hơn như diều gặp gió, như “rồng mây gặp hội ưa duyên.”
Sống với anh em đồng đội người Nùng thật dễ chịu, đa số có kinh nghiệm chiến trường, thấp nhất là từ cấp hạ sĩ trở lên, nắm giữ tiểu đội hoặc trung đội rất vững, gương mẫu đối với binh sĩ, ít có người ba gai hay tật xấu, rất có kỹ kuật, thiện chiến, gan lỳ, và quen chịu đựng gian khổ. Khi họ đã phục cấp chỉ huy thì chỗ chết cũng sẵn sàng nhào vô, nhưng một khi đã bất phục tùng thì rất cứng đầu khó nói.
Những người lính do Đại Tá Wòng A Sáng chiêu tập giữ kỹ luật đơn vị rất tốt, đánh trận chỉ có tiến lên không lùi. Những quân nhân sắc tộc này xuất phát từ miền Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái, Hải Phòng, ngoài Bắc, nói tiếng thổ ngữ Quảng-Đông nặng giọng, buổi sáng thích ăn cháo nóng với cá mặn, ngày mồng 2 và 16 ta (âm lịch) phải cúng Ông Án, coi giò gà hên xui, mỗi đại đội đều có người mang theo lá cờ đỏ và thắp nhang mỗi khi di chuyển quân. Họ rất tin tưởng vào Wòng A Sáng, người đã kết nạp họ vào Sư Đoàn 3 Dã Chiến từ ngoài Bắc, rồi vào trong Nam, mang theo cả gia đình định cư ở vùng Sông Mao, rất ghét Cộng Sản (nghe nói họ là binh sĩ còn sót lại của các binh đoàn Tưởng Giới Thạch bị tan rã trong cuộc chiến Quốc-Cộng bên Tàu, thù ghét Tàu Cộng và cả Việt Cộng). Sư Đoàn 3 Dã Chiến được biến đổi thành Sư Đoàn 13 BB, sau cùng trở thành Sư Đoàn 5 BB trấn thủ Vùng 3, Khu 33 Chiến Thuật tiếp cận Saigon.
Châu Minh Kiến hầu như được lòng các cấp trong tiểu đoàn vì nét người chịu chơi và chịu đánh giặc. Dù là sĩ quan nhưng anh không ngại dắt tiểu đội đi nằm đêm phục kích, cùng chịu gian khổ với lính. Anh nói “Mình nói thương anh em, không sợ chết mà không dám ra ngoài với họ, họ đâu có tin cậy mình.” Đụng trận, anh cùng đồng đội xung phong ào ào. Tiểu đoàn trưởng chấm anh ngay sau vài lần hành quân chạm địch.
Tôi còn nhớ như in trong đầu kỷ niệm đổ máu thấm tình đồng đội, trong giây phút đụng trận khi tiểu đoàn bị lọt vào ổ phục kích trong trận địa của địch tại mật khu Hố Bò. Năm 1965, Quân Khu 3 tổ chức một cuộc hành quân cấp sư đoàn vào mật khu Hố Bò để tiêu diệt các Trung Đoàn 761, 762, chủ lực miền của Cục-R Việt Cộng. Giữa rừng già chằng chịt cây to tối trời, Đại Đội 10 do tôi làm xử-lý thường vụ đi đầu bị lọt vào ổ phục kích, súng pháo địch nổ vang trời. Trận địa trong rừng tre gai do địch bày sẵn bao trọn đại đội tôi vào tròng.
Tiểu đoàn bị địch cắt làm đôi. Đại Đội 9 do Châu Minh Kiến chỉ huy đi sau cũng chạm súng dữ dội. Tiểu đoàn trưởng dời Bộ Chỉ Huy lên tuyến đầu với Đại Đội tôi đang chống trả quyết liệt, địch quân bên kia bờ tre gai. Tôi cho bố trí quân, cầm cự tại chỗ, chưa biết tiến thoái ra sao. Tôi không hiểu làm thế nào mà Kiến bịt câm tiếng súng địch, còn át giọng xung phong hò hét vang rừng làm Việt Cộng bỏ chạy khỏi trận địa mau lẹ như vậy.
Anh dắt lính lên gặp tiểu đoàn trưởng, báo cáo tình hình địch đã rút lui, trình chiến lợi phẩm súng AK-47, B-40 lần đầu tiên mới thấy (sau này tôi mới biết là tên các loại súng Việt Cộng gọi như vậy, vì khoảng năm 1965 chưa ai biết Việt Cộng bắt đầu trang bị vũ khí mới do Nga, Tàu cung cấp). Chúng tôi vừa mừng thoát được áp lực địch vừa vui mừng thấy chiến lợi phẩm mới lạ mắt. Tôi biết ơn người bạn cùng khoá gan da. đầy mưu lược, hết lòng với anh em cùng Trường Mẹ Võ Bị biết bao nhiêu cho vừa, nhờ anh phản đòn mau lẹ cứu chúng tôi trong lúc ngặt nghèo. Đại Úy Quân hết lời khen tặng anh, làm tôi hãnh diện chung với bạn.
Lần hành quân đó tôi bị thương về nằm bệnh viện Cộng Hoà, Kiến được ban thưởng huy chương và thăng cấp tại mặt trận. Sau đó, năm 1966 tôi được chuyển về làm đại đội trưởng của Tiểu Đoàn 4/8 Tân Lập về huấn luyện ở Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp. Chúng tôi không gặp lại nhau trong 2 năm dài vì mỗi tiểu đoàn trấn giữ các khu vực hành quân khác nhau. Chiến trường thuộc Khu Chiến Thuật càng ngày càng sôi động. Việt Cộng tăng cường thêm các Trung Đoàn Phú Lợi, Đồng Nai ngoài các Trung Đoàn Chủ Lực Miền bảo vệ cho Cục-R từ Miên len lỏi vào các mật khu miền Đông, đón các lực lượng chính qui từ Bắc vô theo đường mòn Hồ Chí Minh (đoạn cuối ở Bù Đăng, Bù Đốp, Phước Long) chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân sau này.
Năm 1968 là năm Sư Đoàn 5 BB chúng tôi bận rộn nhiều nhất, một mặt lo chặn địch từ biên giới Miên xâm nhập vào vùng Thủ Đô Saigon, một mặt phải càn sâu, quét sạch các mật khu vùng ven, nơi trú ẩn của tàn quân địch bị đánh bạt ra từ thủ đô. Khoá 19 trong sư đoàn nhiều người lên nhanh cấp bậc và chức vụ trong dịp này. Vũ Huy Thiều, đại đội trưởng thuộc Trung Đoàn 9 lên đại úy đặc cách mặt trận sớm nhất nhờ chiến công hiển hách của anh tại Quản Lợi, Bình-Long. Thiều được lên luôn chức vụ Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Đoàn 4/8, tôi đang là Đại Đội Trưởng Ðại Ðội 16 của anh. Từ Tiểu Đoàn 3/8, Châu Minh Kiến được thăng cấp đại úy tại mặt trận, được điều động về coi Tiểu Ðoàn 1/8. Kiến kéo tôi về làm tiểu đoàn Phó cho anh, từ đó chúng tôi gắn bó với nhau, qua hết cuộc hành quân này đến mặt trận khác cho đến giữa năm 1969.
Tiểu Đoàn 1/8 được sư đoàn giữ làm lực lượng trừ bị vì tiếng tâm đánh giặc của Châu Minh Kiến. Trung Đoàn Trưởng Lê Nguyên Vỹ là người nâng đở anh hết mình. Tướng Phạm Quốc Thuần, tư lệnh sư đoàn sử dụng tiểu đoàn chúng tôi như mũi dùi chính, tung thẳng ngay vào mặt trận nào nóng bỏng nhất lúc đó. Tiểu Đoàn lúc nhảy trực thăng vào Tam giác sắt chận địch từ các chiến khu mò về Saigon.
Năm 1968 càn quét tàn quân Trung Đoàn Đồng Nai từ ven đô kéo về lẫn trốn trong khu An Sơn, Bà Lụa (Lái Thiêu )đánh bật ra khỏi căn cứ ém quân an toàn. Lúc hành quân chung với Trung Ðoàn 11 Thiết Giáp ở Chánh Lưu, tiêu diệt hậu cần Việt Cộng sát bên Chiến Khu D. Khi nhảy vào Bù Đăng, Bù Đốp hành quân chung với Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù phá hủy kho tiếp vận của Việt Cộng cuối đường mòn Hồ chí Minh.
Lính trận ít khi được nghỉ ngơi một đôi ngày lấy sức, nằm rừng lâu ngày bị sốt rét thường làm cử, tiểu đoàn được bổ sung thêm tân binh hết đợt này đến đợt khác, nhưng Kiến vẫn đúng vững như tướng quân không sờn lòng chiến đấu. Châu Minh Kiến không bao giờ biết mệt mỏi, đánh trận ngày càng hăng. Anh nhỏ con, gầy gầy, nhưng anh có sức khoẻ dẻo dai không ai bì kip. Là người bạn cùng khoá, tôi hiểu anh có một tinh thần cao, một ý chí sắt đá, chiến đấu cho lý tưởng đã chọn nên anh vượt qua mọi thử thách, vượt trội hơn nhiều người khác. Lúc nằm chờ lệnh, vắt vẻo trên võng đong đưa dưới hàng cây rừng trong chiến khu, chúng tôi giải bày tâm sự cho nhau nghe, nói về lúc còn là sinh viên sĩ quan trong trường Võ Bị Đà Lạt, những ước vọng tương lai.
- Hồi trong trường tụi nó đặt bạn tên gì?
- Kiến billard! Mình ra phố Chủ Nhật thường trực quán billard.
- Không đi chơi với bồ à?
- Mình bị chê, giận đời đi Võ Bị đánh giặc! Đánh billard chờ ngày ra trường.
Đường cơ của anh ghi đủ điểm ra trường.
Kiến là người quê Châu Đốc, cựu học sinh Petrus-Ký, đang học năm thứ hai MPC (Math, Physique, Chemistre) ở Đại Học Khoa Học Saigon. Anh sinh viên khoa toán này bị tiếng sét ái tình với một cô nữ sinh Gia Long xinh đẹp. Nhưng anh chưa học tới phép tính phải co “sự nghiệp rể quyền quí” của bên gia đình cô gái nên đành chào thua, xếp bút nghiêng theo nghiệp kiếm cung, thề ra chiến trường đánh giặc chết bỏ.
Tôi cũng kể lại chuyện mối tình đầu sinh viên sĩ quan của tôi, học hết năm đầu rồi mới bị cho de, vết thương lòng còn đau lắm. Ai ngờ rằng 2 người bạn trẻ sớm yêu đương mà bị khổ. Tôi chịu đòn dở, sợ chết sớm, nên lấy vợ kiếm con nối giống. Kiến thì không, anh quyết trả thù đời bằng cách làm cho đời biết tên, trả thù người làm cho người ngưỡng phục. Có lần, Kiến xin đi phép 3 ngày, để vâng lệnh song thân về quê lấy vợ. Thấy bạn trở lên hành quân, nhưng mặt mày không có vẻ gì hốc hác sau 3 ngày tân hôn, tôi chúc mừng anh:
- Chúc mừng trăm năm hạnh phúc, tình đẹp duyên ưa!
- Có vợ con gì đâu! Ối, ông bà già dẫn đi coi mắt vợ. Về cho ổng bả vui, nhưng lấy vợ thì không! Ở nhà muốn dụ moa lấy vợ rồi bắt về Saigon, moa đâu có chịu!
Tôi biết Kiến nói thật cái chuyện gia đình muốn bắt anh về Saigon, khỏi đi tác chiến cực khổ, nguy hiểm nay sống nay chết mai. Lúc anh về Trường Bộ Binh Thủ Đức để thụ huấn khoá Đại Đội Trưởng Bộ Binh, gia đình quen lớn nên vận động cho anh ở lại Saigon làm tùy viên cho một ông tướng ở Bộ Tổng Tham Mưu. Nhưng 3 ngày sau làm việc văn phòng anh ỏ bỏ trốn lên lại vùng hành quân trình diện xin trở về đơn vị cũ.
Anh tâm sự:
- Mình không hạp nghề văn phòng, ở dưới đó (Saigon) quân phục bó rọ, chào kính mỏi tay, gõ cửa bằng chân, khó chịu lắm!
- Sao lại gõ cửa bằng chân?
- Vì mỗi lần xin vào phòng xếp, tay bưng tay xách nhiều quà cáp của khách đến thăm, còn tay đâu mà gõ cửa!
Mọi người cười ồ câu chuyện anh kể lại.
Tôi cũng hỏi anh hồi ra trường sao không chọn đi các binh chủng rằn ri đánh giặc cho sướng tay. Kiến nói anh không thích làm người hùng, vã lại đi các binh chủng đó oai thật mà anh em nào cũng mơ ước. Nhưng ra đơn vị chen lấn nhau đi lên khó quá, chờ đàn anh thăng rồi mình mới leo lên được, bên dưới đàn em đợi mình đi để trám chỗ, mất hết cơ hội. Kiến hỏi ngược lại tôi, mình xin đi hết mấy chỗ đó rồi ai ra bộ binh đánh giặc đây!
Tôi hiểu ý của Kiến, đã chọn vào Võ Bị rồi thì ở đâu cũng phục vụ quân đội, đánh Việt Cộng thì chỗ nào cũng có giặc, đâu cần câu nệ vào binh chủng này binh chủng nọ, miễn là mình có bổn phận trách nhiệm và danh dự của người quân nhân là trên hết. Các đơn vị bộ binh tác chiến được tặng danh hiệu là Hoàng Hậu của chiến trường, nhưng trên thực tế không ở trong cung vua mà ở dã ngoại rừng núi, đồng bằng, nơi ngập nước sình lầy.
Nhưng, các đơn vị bộ binh cũng là nơi xuất thân của nhiều người hùng, làm nên việc lớn. Kiến rất quan tâm đến tổ chức quân đội. Các chiến thuật áp dụng trong giai đoạn chiến tranh phòng ngự lãnh thổ, chiến lược tấn công ra Bắc, xây dựng một quân đội chính qui với một chiến lược quốc phòng hữu hiệu, không để cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bị chi phối về chánh trị hay bị bôi lọ vì sự thoái hóa của tham nhũng cậy quyền.
Hoài bảo cho một quân lực hùng mạnh, trong sạch và quyết tâm chiến thắng, Châu Minh Kiến mong được lên tướng trong thời chiến, sớm dứt chiến tranh, đất nước có hoà bình cho lý tưởng phục vụ quốc gia và cải tổ quân đội của anh. Muốn được như thế, anh quả quyết, tự mình phải tiến lên đi phía trước, cấp nhỏ, làm theo nhỏ, cấp lớn làm theo lớn cho tròn bổn phận trách nhiệm. Mình còn trẻ phải tiến lên nhanh, không chần chờ than trách chuyện khó khăn trước mắt. Thà thắp lên một ngọn đèn còn hơn nguyền rủa bóng tối.
Nhưng có tật có tài, cái tật của anh là dễ nóng tính và lái xe bạt mạng. Anh có gương mặt hao hao giống tài tử đóng phim cao bồi Kirt Douglas, lưỡng quyền cao, mỗi khi nổi nóng mặt đỏ ao, mắt long lanh dễ sợ. Nhưng anh ít khi nổi nóng với lính tráng, chỉ khi nào đụng địch anh rất hung dữ, chỉ muốn ăn tươì nuốt sống kẻ thù. Kiến sống gần gủi thân mật với mọi người, chia ngọt xẻ bùi với thuộc cấp. Lúc nào tiểu đoàn đóng quân một chỗ anh hay xuống từng đại đội thăm hỏi đời sống, gia đình binh sĩ để giải quyết ngay các quyền lợi hay nguyện vọng của mỗi người. Anh cưng nhất là Trung Ðội Thám Báo, luôn luôn kề cận với họ, thuộc tên từng người. Trong chiến thuật của tiểu đoàn, anh vừa sử dụng thám báo để lấy tin tức, cập nhật tình hình địch tại vùng hành quân, vừa làm miếng mồi nhử cho địch tiến vào những mục tiêu đã được ta chọn lựa sẵn và dụ chúng tiến thẳng đúng vào các “điểm” của các đại đội.
Tôi đã là nạn nhân đùa cợt về tài lái xe jeep của anh. Một lần anh bảo tôi lên xe về thăm bà xã tôi ở chợ Bình Dương. Ông chỉ huy trưởng Quốc Lộ 13 (tôi đặt tên cho anh như vậy, vì anh lái xe mòn bánh trên quốc lộ này) đề máy xe, vừa nổ máy là dọt mạnh ngay, chỉ có tôi không để ý bị bật ngữa ra sau, tài xế, cận vệ và người giữ máy truyền tin thì ôm chắc khung xe cười hì hì. Qua mấy chỗ cua quẹo, xe không giảm tốc độ chút nào. Qua cua phải phóng thêm ga, anh nói, đạp thắng là quay nhào. Tôi ngó vào đồng hồ tốc độ, mức tối đa là 60 mile một giờ thấy kim chỉ lệch hết mức sang phải. Anh vừa nói vừa làm, giải thích thêm là muốn tăng hết ga thì phải nhồi chân ga cho xăng lên, rồi đạp lút cán, xe phóng lên như ngựa chứng.
Tôi đã từng say mê môn kỵ mã ở trường, chủ nhật tuần nào cũng qua bên Tiểu Đoàn Yểm Trợ Tiếp Vận mượn ngựa chạy phóng như bay qua các ngọn đồi khu Nguyên Tử Lực Cuộc, biết kẹp chân, thả cương, hạ thấp mình xuôi gió cho ngựa chạy. Nhưng đối vớ tay kỵ mã ngựa sắt này tôi không thể nào giành giựt cương gò ngựa lại được. Xe thắng két trước cửa nhà tôi, Kiến la toáng lên “Bà xã anh Tường đâu? Mau mau đở ảnh vô, sắp xỉu rồi nè!” Mà tôi muốn xỉu thiệt! Từ đó về sau,rủ rê tôi đi chung xe, anh phải giữ lời giao trước là, hoặc để tài xế, hoặc để tôi lái hầu cho chắc ăn, khỏi lo tai nạn. Vậy mà có lần anh lái xe về trể, sợ đường làng vắng vẻ Việt Cộng núp bắn sẻ, chiếc jeep đụng chết trâu, xe lật mà chẳng ai hề hấn gì!
Tôi sống chết với Kiến ở Tiểu Đoàn 1/8 hơn một năm, bắt được nhiều huy chương và thăng cấp đại Úy tại mặt trận. Sĩ quan chỉ huy trong Tiểu Đoàn đều rất trẻ, chưa ai tới 30, có 2 đàn em khoá 21 Võ Bị làm Đại Đội Trưởng, máu nóng đang hăng, ít lo chuyện gia đình vướng chân vướng cẳng. Sau ngày hành quân, đóng quân trong làng xã, tiểu đoàn cho sinh hoạt chiến tranh chính trị, các cấp tổ chức thi đua học tập chính huấn, vị tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi còn thêm tài ca hay hát giỏi. Khi nào nóng giận thì cà lăm ngang, nhưng khi hát bài tủ, giọng Kiến hát trơn ngọt làm cho siêu lòng chiến sĩ. Lần nào anh cũng hát bài ca rút ruột:
Em tôi ưa đứng
Nhìn trời xanh xanh
Mang theo đôi mắt
Buồn vương ánh sao
Anh hát bằng chính tâm sự của mình, cái nỗi lòng vương vấn đa tình về một mối tình vô vọng không thành, để luôn tiếc nhớ bâng khuâng. Cuộc đời chiến binh thường thua thiệt: mất mát ở hậu phương, sống chết ngoài chiến trận, mơ một ngày về yên vui được đền bù. Nhưng Châu Minh Kiến đã nằm xuống ở tuổi 30!
Tháng 6 năm 1969 tôi rời tiểu đoàn, về học Khóa 4 Quân-Chánh ở Saigon, vài tháng sau nghe nói Châu Minh Kiến thăng cấp thiếu tá tại mặt trận. Anh là người lên cấp bậc và chức vụ sớm nhất của Khoá 19 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam ngoài mặt trận (Trần Kiêm Chi thuộc Biệt Đoàn 300 mang lon Đại Úy từ năm 1965, đặc cách vì chức vụ trưởng-ban đặc biệt của anh tại Saigon). Châu Minh Kiến hy sinh tại mặt trận ngày 14 tháng 9 năm 1969, tại Làng 13, đồn điền cao su Dầu Tiếng (Tây Ninh), khi đích thân mang quân ra giải toả áp lực cho toán phục kích đêm ngoài bìa rừng. Anh bị thương cánh tay, được binh sĩ cõng về Bộ Chỉ HuyTiểu Đoàn chờ trực thăng tản thương. Địch quân bám sát bãi đáp, bắn B-40 vào trực thăng, Kiến hy sinh tại chỗ với người cận vệ.
Như có linh tính tình đồng đội báo trước, từ Cai lậy tôi xin về phép thăm nhà, gặp người lính ở đơn vị cũ đến báo hung tin. Tôi đến nhà anh ở đường Bà Hạt khu Nguyễn Tri Phương, bạn tôi nằm đó, quan tài phủ lá quốc kỳ, tang gia than khóc kẻ ở người đi. Tôi xin đứng hầu quan tài cùng các vị sĩ quan cấp tá trong 3 ngày tang lễ. Châu Minh Kiến được truy thăng Trung Tá, truy tặng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương với Nhành Dương Liễu. Trung Tá Lê Nguyên Vỹ, Trung Đoàn Trưởng Trung Ðoàn 8 đọc điếu văn, ai nghe cũng rơi lệ, thương tiếc cho con người tuổi trẻ, anh hùng, sớm đền nợ nước “bất hứa nhân gian kiến bạc đầu.”
Xác anh được chôn cất tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, vong linh anh được người nhà gởi trong chùa, yên nghỉ nghe câu kinh Bát Nhả, mau siêu thoát về cõi tiêu diêu.
Châu-Minh-Kiến nay là người của thiên cổ, nhưng anh đã để lại những kỳ tích chiến đấu mà Sư Đoàn 5 Bộ Binh ai cũng ngưỡng phục, bạn đồng minh hết lời ca ngợi anh, tổ quốc ghi công trận. Tôi xin ghi lại đây những giòng chữ tâm tình cho người bạn cùng khoá đã ra đi.
Để nhớ đến Châu Minh Kiến, sợ rằng chúng ta quên…
Trần Cẩm Tường
Cựu SVSQ Khóa 19
Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam
Bàn ra tán vào (0)
Các tin đã đăng
- Huỳnh Ngọc Chênh - Hôm nay đón Nguyễn Thúy Hạnh về nhà, kịch tính như phim
- "Sư Minh Tuệ" - by Đỗ Duy Ngọc / Trần Văn Giang (ghi lại)
- "Thế lực nào đã đầu độc tướng vi-xi Nguyễn Chí Vịnh?" - Lê Văn Đoành / Trần Văn Giang (ghi lại)
- NHỮNG NỮ LƯU LỪNG DANH Ở MỸ & THẾ GIỚI - TRẦN VĂN NGÀ
- Putin tiến thoái lưỡng nan vì đã tính sai nước cờ _ Hoài Việt
Sợ rằng chúng ta quên
Vừa rồi đọc Lưu Niệm, trang Quân Đoàn 3, trong danh sách những tân sĩ quan Khóa 19 thuộc quyền xử dụng của Sư Đoàn 5 Bộ Binh (BB), tôi đã thấy một tên một người mà không bao giờ quên được. Đó là CHÂU MINH KIẾN.
Kể từ tháng 5 năm 1968, tôi từ Sư Ðoàn 22 BB được thuyên chuyển về Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 và Vùng 3 Chiến Thuật, làm việc tại Phòng Tổng Quản Trị. Tôi nhớ không chính xác lắm, cũng khoảng thời gian này tôi nhận dược hồ sơ đề nghị thăng cấp Thiếu Tá Nhiệm Chức cho Đại Úy Châu Minh Kiến. Cái tên nghe quen-quen, đọc lại hồ sơ, thì đúng rồi, anh là bạn cùng khóa Võ Bị với tôi. Tôi làm thủ tục chuyển hồ sơ lên Bộ Tổng Tham Mưu và chờ quyết định.
Thời kỳ này Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 và Vùng 3 Chiến Thuật là Trung Tướng Đỗ Cao Trí. Vị Tư Lệnh này có uy tín với Bộ Tổng Tham Mưu cũng như với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). nên lúc bấy giờ hầu hết những đề nghị đều được chấp thuận. Không bao lâu, khoảng thánh 7 hay tháng 8 gì đó, tôi nhận quyết định thang cấp Thiếu Tá Nhiệm Chức cho Ðại Úy Châu Minh Kiến.
Vừa nhận được quyết định tôi đã gọi báo cho Kiến ngay và hẹn gặp nhai tại Biên Hòa để khao lon. Lúc bấy giờ tôi nghĩ chắc đây là tên Khóa 19 được mang lon thiếu tá sớm nhất của Khóa 19 chúng ta. Và tôi cũng rất hãnh diện là Khóa 19 có một thiếu rất trẻ, lúc đó tuổi của chúng ta khoảng 30.
Nhưng rồi không bao lâu sau đó, trong một đêm trực tại Phòng Tổng Quản Trị, Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 tôi lại được điện-thoại từ một sĩ quan trực tại Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 BB, xin truy thăng trung tá cho cố Thiếu Tá Châu Minh Kiến.
Lại cũng chính tôi làm thủ tục xin truy thăng trung tá cho một người bạn vừa nằm xuống. Ngay sáng hôm sau, tôi gọi điện thoại ra trung đoàn của Kiến để tìm hiểu lý do gì đã đưa đến cái chết của một người tài ba lỗi lạc, thì được biết như sau.
Cái chết của bạn Châu Minh Kiến đã dể lại trong tôi một ấn tượng sâu xa khong bao giờ phai mờ được. Là chàng trai Võ Bị luôn luôn can đảm anh dũng xông pha trong lửa đạn. Cuộc đời không có gì vĩnh cữu, thấy đó rồi mất đó, nhưng anh hùng Châu Minh Kiến mãi mãi và vĩnh viễn mãi mãi sống trong tâm tưởng của mỗi một người anh em Khóa 19.
Võ văn Quí
Cựu Sinh Viên Sĩ Quan, Khóa 19
Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam
o o o
Mỗi khi nhà có giổ kỵ tưởng nhớ người thân khuất mặt, thắp nén hương lòng, tâm sanh niệm, tôi cũng nhớ đến Châu Minh Kiến. Anh là người bạn cùng Khoá 19 Võ Bị Đà lạt, một thời chiến đấu đã hy sinh đền nợ nước khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại lòng tôi thương tiếc bùi ngùi. Tôi cầu nguyện cho bạn sống khôn thác thiêng, “sinh vi tướng tử vi thần.”
Không phải chỉ riêng tôi mà còn có nhiều người thương tiếc, cảm phục Châu Minh Kiến như một anh hùng trong chiến trận, một ngôi sao sáng chói của Khoá 19 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, của Sư Ðoàn 5 BB. Quân Lực VNCH đã ghi công anh vào quân sử. Khi ghi lại những giòng chữ này nhớ bạn, tôi cầu xin hồn thiêng người khuất mặt giúp tôi viết được lời chân thật về cuộc đời, cách sống và chiến đấu cho lý tưởng của anh.
Cuối năm 1964, tốt nghiệp Trường Võ Bị, 25 anh em tân sĩ quan Khoá 19 về trình diện Sư Đoàn 5 BB tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn mới dời từ Biên Hoà về Bình Dương. Câu giáo đầu của Thiếu Tướng Tư Lệnh Trần Thanh Phong [1] là đừng có ai hòng về sư đoàn tìm chỗ tránh tác chiến, kiếm một chỗ tốt an thân. Sau nhiều lần chia người về đơn vị mới cho 3 Trung Đoàn 7, 8 và 9, chúng tôi 5 người về trình diện Tiểu Đoàn 3/8. Lúc đó Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn đang đóng tại Chi Khu Lái Thiêu.
Tiểu Đoàn Trưởng 3/8 là Đại Úy Lý Đức Quân, gốc người Nùng, mặt sắt đen xì, to cao dềnh dàng như gấu nhưng tánh tình hiền khô, sau này tôi mới biết ông cũng xuất thân khoá 10 Võ Bị. Sau khi bắt thăm ra Đại Đội, đáng lẽ tôi bắt cặp với Châu Minh Kiến về Đại Đội 9 do Trung Úy Nguyễn Kỳ Sương (Khoá 16 Võ Bị) làm đại đội trưởng, nhưng Đại Úy Quân giữ tôi lại Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn làm phó cho Trung Úy Văn Thái Hiệp (Khoá 16 Võ Bị) đang là Đại Đội Trưởng Đại Đội Chỉ Huy.
Vào thời điểm Khoá 19 ra trường, các đơn vị Bộ Binh tác chiến còn thiếu hụt nhiều sĩ quan chỉ huy. Hạ sĩ quan được đôn lên coi trung đội, cấp bậc thiếu úy lãnh chức đại đội trưởng được nhiệm chức chỉ huy mang lon trung úy. Việc này sanh ra nhiều hục hặc mâu thuẩn mà Kiến nói với tôi rằng anh kẹt đường bay nhảy vì các tay đại đội trưởng khác chỉ mới là thiếu uý tạm thời lại mang lon trung úy, chỉ huy nắm đại đội. May mà 2 đứa chúng tôi đang dưới trướng đàn anh Võ Bị đâu dám hó hé gì.
Kiến muốn mau lên làm đại đội trưởng nên anh hăng say hết mình, chứng tỏ khả năng lãnh đạo chỉ huy để có cơ hội bắt chức vụ. Tôi cũng vậy, kỳ kèo xin tiểu đoàn trưởng cho ra đại đội tác chiến mới hy vọng vương lên, làm phụ tá học nghề đàn anh lâu quá, không đúng chổ, mà còn dễ lụt nghề “tác chiến” (tôi nghĩ rằng cái nghề của mình là sĩ quan hiện dịch ra trường đi tác chiến để đánh giặc, đụng trận chết bỏ, sống bắt huy chương, chớ không ở mãi Đại Đội Chỉ Huy làm linh tinh kiêm nhiệm, thay thế cho các sĩ quan tiểu đoàn đi phép, cuối tháng phát lương lính, v.v.). Kiến may mắn hơn tôi được đàn anh hướng dẫn tận tình, truyền dạy kinh nghiệm và nhường lại cho coi Đại Đội 9 sau vài tháng làm đại đội phó. Còn tôi vịt đẹt, mãi một năm sau mới được chuyển ra Tiểu Đoàn 4/8 Tân Lập làm Đại Đội Trưởng.
Xin nói thêm về đơn vị Bộ Binh của chúng tôi ở Sư Đoàn 5, là sư đoàn có nhiều người sắc tộc Nùng. Thật ra, ở tiểu đoàn chúng tôi còn giữ lại nhiều đồng đội các sắc tộc khác ngoài Bắc, nhưng đa số là người Nùng (mang họ Wòng), còn có người Thái (họ Đèo), người Mèo, người Thổ (họ Lý, họ Vi).Trong một cộng đồng trộn lẫn nhiều sắc tộc như vậy, nhưng lại có tinh thần kỷ luật cao, chiến đãu dũng cảm, dày dạn kinh nghiệm chiến trường, nên sĩ quan trẻ như chúng tôi rất tin tưởng trong khi chiến đấu. Có lẽ hội đủ ba yếu tố thử thách chiến trường là thiên thời (mới ra trường gặp lúc Việt Cộng bắt đầu đánh phá), địa lợi (Sư Đoàn 5 Bộ Binh bao vùng 3 chiến khu: Tam Giác Sắt, Chiến Khu C, và Chiến Khu D), nhân hòa (sư đoàn nổi tiếng đánh giặc giỏi), nên anh em Khoá 19 nhiều người phất lên rất nhanh, hy sinh cũng nhiều. Châu Minh Kiến còn lên nhanh hơn như diều gặp gió, như “rồng mây gặp hội ưa duyên.”
Sống với anh em đồng đội người Nùng thật dễ chịu, đa số có kinh nghiệm chiến trường, thấp nhất là từ cấp hạ sĩ trở lên, nắm giữ tiểu đội hoặc trung đội rất vững, gương mẫu đối với binh sĩ, ít có người ba gai hay tật xấu, rất có kỹ kuật, thiện chiến, gan lỳ, và quen chịu đựng gian khổ. Khi họ đã phục cấp chỉ huy thì chỗ chết cũng sẵn sàng nhào vô, nhưng một khi đã bất phục tùng thì rất cứng đầu khó nói.
Những người lính do Đại Tá Wòng A Sáng chiêu tập giữ kỹ luật đơn vị rất tốt, đánh trận chỉ có tiến lên không lùi. Những quân nhân sắc tộc này xuất phát từ miền Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái, Hải Phòng, ngoài Bắc, nói tiếng thổ ngữ Quảng-Đông nặng giọng, buổi sáng thích ăn cháo nóng với cá mặn, ngày mồng 2 và 16 ta (âm lịch) phải cúng Ông Án, coi giò gà hên xui, mỗi đại đội đều có người mang theo lá cờ đỏ và thắp nhang mỗi khi di chuyển quân. Họ rất tin tưởng vào Wòng A Sáng, người đã kết nạp họ vào Sư Đoàn 3 Dã Chiến từ ngoài Bắc, rồi vào trong Nam, mang theo cả gia đình định cư ở vùng Sông Mao, rất ghét Cộng Sản (nghe nói họ là binh sĩ còn sót lại của các binh đoàn Tưởng Giới Thạch bị tan rã trong cuộc chiến Quốc-Cộng bên Tàu, thù ghét Tàu Cộng và cả Việt Cộng). Sư Đoàn 3 Dã Chiến được biến đổi thành Sư Đoàn 13 BB, sau cùng trở thành Sư Đoàn 5 BB trấn thủ Vùng 3, Khu 33 Chiến Thuật tiếp cận Saigon.
Châu Minh Kiến hầu như được lòng các cấp trong tiểu đoàn vì nét người chịu chơi và chịu đánh giặc. Dù là sĩ quan nhưng anh không ngại dắt tiểu đội đi nằm đêm phục kích, cùng chịu gian khổ với lính. Anh nói “Mình nói thương anh em, không sợ chết mà không dám ra ngoài với họ, họ đâu có tin cậy mình.” Đụng trận, anh cùng đồng đội xung phong ào ào. Tiểu đoàn trưởng chấm anh ngay sau vài lần hành quân chạm địch.
Tôi còn nhớ như in trong đầu kỷ niệm đổ máu thấm tình đồng đội, trong giây phút đụng trận khi tiểu đoàn bị lọt vào ổ phục kích trong trận địa của địch tại mật khu Hố Bò. Năm 1965, Quân Khu 3 tổ chức một cuộc hành quân cấp sư đoàn vào mật khu Hố Bò để tiêu diệt các Trung Đoàn 761, 762, chủ lực miền của Cục-R Việt Cộng. Giữa rừng già chằng chịt cây to tối trời, Đại Đội 10 do tôi làm xử-lý thường vụ đi đầu bị lọt vào ổ phục kích, súng pháo địch nổ vang trời. Trận địa trong rừng tre gai do địch bày sẵn bao trọn đại đội tôi vào tròng.
Tiểu đoàn bị địch cắt làm đôi. Đại Đội 9 do Châu Minh Kiến chỉ huy đi sau cũng chạm súng dữ dội. Tiểu đoàn trưởng dời Bộ Chỉ Huy lên tuyến đầu với Đại Đội tôi đang chống trả quyết liệt, địch quân bên kia bờ tre gai. Tôi cho bố trí quân, cầm cự tại chỗ, chưa biết tiến thoái ra sao. Tôi không hiểu làm thế nào mà Kiến bịt câm tiếng súng địch, còn át giọng xung phong hò hét vang rừng làm Việt Cộng bỏ chạy khỏi trận địa mau lẹ như vậy.
Anh dắt lính lên gặp tiểu đoàn trưởng, báo cáo tình hình địch đã rút lui, trình chiến lợi phẩm súng AK-47, B-40 lần đầu tiên mới thấy (sau này tôi mới biết là tên các loại súng Việt Cộng gọi như vậy, vì khoảng năm 1965 chưa ai biết Việt Cộng bắt đầu trang bị vũ khí mới do Nga, Tàu cung cấp). Chúng tôi vừa mừng thoát được áp lực địch vừa vui mừng thấy chiến lợi phẩm mới lạ mắt. Tôi biết ơn người bạn cùng khoá gan da. đầy mưu lược, hết lòng với anh em cùng Trường Mẹ Võ Bị biết bao nhiêu cho vừa, nhờ anh phản đòn mau lẹ cứu chúng tôi trong lúc ngặt nghèo. Đại Úy Quân hết lời khen tặng anh, làm tôi hãnh diện chung với bạn.
Lần hành quân đó tôi bị thương về nằm bệnh viện Cộng Hoà, Kiến được ban thưởng huy chương và thăng cấp tại mặt trận. Sau đó, năm 1966 tôi được chuyển về làm đại đội trưởng của Tiểu Đoàn 4/8 Tân Lập về huấn luyện ở Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp. Chúng tôi không gặp lại nhau trong 2 năm dài vì mỗi tiểu đoàn trấn giữ các khu vực hành quân khác nhau. Chiến trường thuộc Khu Chiến Thuật càng ngày càng sôi động. Việt Cộng tăng cường thêm các Trung Đoàn Phú Lợi, Đồng Nai ngoài các Trung Đoàn Chủ Lực Miền bảo vệ cho Cục-R từ Miên len lỏi vào các mật khu miền Đông, đón các lực lượng chính qui từ Bắc vô theo đường mòn Hồ Chí Minh (đoạn cuối ở Bù Đăng, Bù Đốp, Phước Long) chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân sau này.
Năm 1968 là năm Sư Đoàn 5 BB chúng tôi bận rộn nhiều nhất, một mặt lo chặn địch từ biên giới Miên xâm nhập vào vùng Thủ Đô Saigon, một mặt phải càn sâu, quét sạch các mật khu vùng ven, nơi trú ẩn của tàn quân địch bị đánh bạt ra từ thủ đô. Khoá 19 trong sư đoàn nhiều người lên nhanh cấp bậc và chức vụ trong dịp này. Vũ Huy Thiều, đại đội trưởng thuộc Trung Đoàn 9 lên đại úy đặc cách mặt trận sớm nhất nhờ chiến công hiển hách của anh tại Quản Lợi, Bình-Long. Thiều được lên luôn chức vụ Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Đoàn 4/8, tôi đang là Đại Đội Trưởng Ðại Ðội 16 của anh. Từ Tiểu Đoàn 3/8, Châu Minh Kiến được thăng cấp đại úy tại mặt trận, được điều động về coi Tiểu Ðoàn 1/8. Kiến kéo tôi về làm tiểu đoàn Phó cho anh, từ đó chúng tôi gắn bó với nhau, qua hết cuộc hành quân này đến mặt trận khác cho đến giữa năm 1969.
Tiểu Đoàn 1/8 được sư đoàn giữ làm lực lượng trừ bị vì tiếng tâm đánh giặc của Châu Minh Kiến. Trung Đoàn Trưởng Lê Nguyên Vỹ là người nâng đở anh hết mình. Tướng Phạm Quốc Thuần, tư lệnh sư đoàn sử dụng tiểu đoàn chúng tôi như mũi dùi chính, tung thẳng ngay vào mặt trận nào nóng bỏng nhất lúc đó. Tiểu Đoàn lúc nhảy trực thăng vào Tam giác sắt chận địch từ các chiến khu mò về Saigon.
Năm 1968 càn quét tàn quân Trung Đoàn Đồng Nai từ ven đô kéo về lẫn trốn trong khu An Sơn, Bà Lụa (Lái Thiêu )đánh bật ra khỏi căn cứ ém quân an toàn. Lúc hành quân chung với Trung Ðoàn 11 Thiết Giáp ở Chánh Lưu, tiêu diệt hậu cần Việt Cộng sát bên Chiến Khu D. Khi nhảy vào Bù Đăng, Bù Đốp hành quân chung với Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù phá hủy kho tiếp vận của Việt Cộng cuối đường mòn Hồ chí Minh.
Lính trận ít khi được nghỉ ngơi một đôi ngày lấy sức, nằm rừng lâu ngày bị sốt rét thường làm cử, tiểu đoàn được bổ sung thêm tân binh hết đợt này đến đợt khác, nhưng Kiến vẫn đúng vững như tướng quân không sờn lòng chiến đấu. Châu Minh Kiến không bao giờ biết mệt mỏi, đánh trận ngày càng hăng. Anh nhỏ con, gầy gầy, nhưng anh có sức khoẻ dẻo dai không ai bì kip. Là người bạn cùng khoá, tôi hiểu anh có một tinh thần cao, một ý chí sắt đá, chiến đấu cho lý tưởng đã chọn nên anh vượt qua mọi thử thách, vượt trội hơn nhiều người khác. Lúc nằm chờ lệnh, vắt vẻo trên võng đong đưa dưới hàng cây rừng trong chiến khu, chúng tôi giải bày tâm sự cho nhau nghe, nói về lúc còn là sinh viên sĩ quan trong trường Võ Bị Đà Lạt, những ước vọng tương lai.
- Hồi trong trường tụi nó đặt bạn tên gì?
- Kiến billard! Mình ra phố Chủ Nhật thường trực quán billard.
- Không đi chơi với bồ à?
- Mình bị chê, giận đời đi Võ Bị đánh giặc! Đánh billard chờ ngày ra trường.
Đường cơ của anh ghi đủ điểm ra trường.
Kiến là người quê Châu Đốc, cựu học sinh Petrus-Ký, đang học năm thứ hai MPC (Math, Physique, Chemistre) ở Đại Học Khoa Học Saigon. Anh sinh viên khoa toán này bị tiếng sét ái tình với một cô nữ sinh Gia Long xinh đẹp. Nhưng anh chưa học tới phép tính phải co “sự nghiệp rể quyền quí” của bên gia đình cô gái nên đành chào thua, xếp bút nghiêng theo nghiệp kiếm cung, thề ra chiến trường đánh giặc chết bỏ.
Tôi cũng kể lại chuyện mối tình đầu sinh viên sĩ quan của tôi, học hết năm đầu rồi mới bị cho de, vết thương lòng còn đau lắm. Ai ngờ rằng 2 người bạn trẻ sớm yêu đương mà bị khổ. Tôi chịu đòn dở, sợ chết sớm, nên lấy vợ kiếm con nối giống. Kiến thì không, anh quyết trả thù đời bằng cách làm cho đời biết tên, trả thù người làm cho người ngưỡng phục. Có lần, Kiến xin đi phép 3 ngày, để vâng lệnh song thân về quê lấy vợ. Thấy bạn trở lên hành quân, nhưng mặt mày không có vẻ gì hốc hác sau 3 ngày tân hôn, tôi chúc mừng anh:
- Chúc mừng trăm năm hạnh phúc, tình đẹp duyên ưa!
- Có vợ con gì đâu! Ối, ông bà già dẫn đi coi mắt vợ. Về cho ổng bả vui, nhưng lấy vợ thì không! Ở nhà muốn dụ moa lấy vợ rồi bắt về Saigon, moa đâu có chịu!
Tôi biết Kiến nói thật cái chuyện gia đình muốn bắt anh về Saigon, khỏi đi tác chiến cực khổ, nguy hiểm nay sống nay chết mai. Lúc anh về Trường Bộ Binh Thủ Đức để thụ huấn khoá Đại Đội Trưởng Bộ Binh, gia đình quen lớn nên vận động cho anh ở lại Saigon làm tùy viên cho một ông tướng ở Bộ Tổng Tham Mưu. Nhưng 3 ngày sau làm việc văn phòng anh ỏ bỏ trốn lên lại vùng hành quân trình diện xin trở về đơn vị cũ.
Anh tâm sự:
- Mình không hạp nghề văn phòng, ở dưới đó (Saigon) quân phục bó rọ, chào kính mỏi tay, gõ cửa bằng chân, khó chịu lắm!
- Sao lại gõ cửa bằng chân?
- Vì mỗi lần xin vào phòng xếp, tay bưng tay xách nhiều quà cáp của khách đến thăm, còn tay đâu mà gõ cửa!
Mọi người cười ồ câu chuyện anh kể lại.
Tôi cũng hỏi anh hồi ra trường sao không chọn đi các binh chủng rằn ri đánh giặc cho sướng tay. Kiến nói anh không thích làm người hùng, vã lại đi các binh chủng đó oai thật mà anh em nào cũng mơ ước. Nhưng ra đơn vị chen lấn nhau đi lên khó quá, chờ đàn anh thăng rồi mình mới leo lên được, bên dưới đàn em đợi mình đi để trám chỗ, mất hết cơ hội. Kiến hỏi ngược lại tôi, mình xin đi hết mấy chỗ đó rồi ai ra bộ binh đánh giặc đây!
Tôi hiểu ý của Kiến, đã chọn vào Võ Bị rồi thì ở đâu cũng phục vụ quân đội, đánh Việt Cộng thì chỗ nào cũng có giặc, đâu cần câu nệ vào binh chủng này binh chủng nọ, miễn là mình có bổn phận trách nhiệm và danh dự của người quân nhân là trên hết. Các đơn vị bộ binh tác chiến được tặng danh hiệu là Hoàng Hậu của chiến trường, nhưng trên thực tế không ở trong cung vua mà ở dã ngoại rừng núi, đồng bằng, nơi ngập nước sình lầy.
Nhưng, các đơn vị bộ binh cũng là nơi xuất thân của nhiều người hùng, làm nên việc lớn. Kiến rất quan tâm đến tổ chức quân đội. Các chiến thuật áp dụng trong giai đoạn chiến tranh phòng ngự lãnh thổ, chiến lược tấn công ra Bắc, xây dựng một quân đội chính qui với một chiến lược quốc phòng hữu hiệu, không để cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bị chi phối về chánh trị hay bị bôi lọ vì sự thoái hóa của tham nhũng cậy quyền.
Hoài bảo cho một quân lực hùng mạnh, trong sạch và quyết tâm chiến thắng, Châu Minh Kiến mong được lên tướng trong thời chiến, sớm dứt chiến tranh, đất nước có hoà bình cho lý tưởng phục vụ quốc gia và cải tổ quân đội của anh. Muốn được như thế, anh quả quyết, tự mình phải tiến lên đi phía trước, cấp nhỏ, làm theo nhỏ, cấp lớn làm theo lớn cho tròn bổn phận trách nhiệm. Mình còn trẻ phải tiến lên nhanh, không chần chờ than trách chuyện khó khăn trước mắt. Thà thắp lên một ngọn đèn còn hơn nguyền rủa bóng tối.
Nhưng có tật có tài, cái tật của anh là dễ nóng tính và lái xe bạt mạng. Anh có gương mặt hao hao giống tài tử đóng phim cao bồi Kirt Douglas, lưỡng quyền cao, mỗi khi nổi nóng mặt đỏ ao, mắt long lanh dễ sợ. Nhưng anh ít khi nổi nóng với lính tráng, chỉ khi nào đụng địch anh rất hung dữ, chỉ muốn ăn tươì nuốt sống kẻ thù. Kiến sống gần gủi thân mật với mọi người, chia ngọt xẻ bùi với thuộc cấp. Lúc nào tiểu đoàn đóng quân một chỗ anh hay xuống từng đại đội thăm hỏi đời sống, gia đình binh sĩ để giải quyết ngay các quyền lợi hay nguyện vọng của mỗi người. Anh cưng nhất là Trung Ðội Thám Báo, luôn luôn kề cận với họ, thuộc tên từng người. Trong chiến thuật của tiểu đoàn, anh vừa sử dụng thám báo để lấy tin tức, cập nhật tình hình địch tại vùng hành quân, vừa làm miếng mồi nhử cho địch tiến vào những mục tiêu đã được ta chọn lựa sẵn và dụ chúng tiến thẳng đúng vào các “điểm” của các đại đội.
Tôi đã là nạn nhân đùa cợt về tài lái xe jeep của anh. Một lần anh bảo tôi lên xe về thăm bà xã tôi ở chợ Bình Dương. Ông chỉ huy trưởng Quốc Lộ 13 (tôi đặt tên cho anh như vậy, vì anh lái xe mòn bánh trên quốc lộ này) đề máy xe, vừa nổ máy là dọt mạnh ngay, chỉ có tôi không để ý bị bật ngữa ra sau, tài xế, cận vệ và người giữ máy truyền tin thì ôm chắc khung xe cười hì hì. Qua mấy chỗ cua quẹo, xe không giảm tốc độ chút nào. Qua cua phải phóng thêm ga, anh nói, đạp thắng là quay nhào. Tôi ngó vào đồng hồ tốc độ, mức tối đa là 60 mile một giờ thấy kim chỉ lệch hết mức sang phải. Anh vừa nói vừa làm, giải thích thêm là muốn tăng hết ga thì phải nhồi chân ga cho xăng lên, rồi đạp lút cán, xe phóng lên như ngựa chứng.
Tôi đã từng say mê môn kỵ mã ở trường, chủ nhật tuần nào cũng qua bên Tiểu Đoàn Yểm Trợ Tiếp Vận mượn ngựa chạy phóng như bay qua các ngọn đồi khu Nguyên Tử Lực Cuộc, biết kẹp chân, thả cương, hạ thấp mình xuôi gió cho ngựa chạy. Nhưng đối vớ tay kỵ mã ngựa sắt này tôi không thể nào giành giựt cương gò ngựa lại được. Xe thắng két trước cửa nhà tôi, Kiến la toáng lên “Bà xã anh Tường đâu? Mau mau đở ảnh vô, sắp xỉu rồi nè!” Mà tôi muốn xỉu thiệt! Từ đó về sau,rủ rê tôi đi chung xe, anh phải giữ lời giao trước là, hoặc để tài xế, hoặc để tôi lái hầu cho chắc ăn, khỏi lo tai nạn. Vậy mà có lần anh lái xe về trể, sợ đường làng vắng vẻ Việt Cộng núp bắn sẻ, chiếc jeep đụng chết trâu, xe lật mà chẳng ai hề hấn gì!
Tôi sống chết với Kiến ở Tiểu Đoàn 1/8 hơn một năm, bắt được nhiều huy chương và thăng cấp đại Úy tại mặt trận. Sĩ quan chỉ huy trong Tiểu Đoàn đều rất trẻ, chưa ai tới 30, có 2 đàn em khoá 21 Võ Bị làm Đại Đội Trưởng, máu nóng đang hăng, ít lo chuyện gia đình vướng chân vướng cẳng. Sau ngày hành quân, đóng quân trong làng xã, tiểu đoàn cho sinh hoạt chiến tranh chính trị, các cấp tổ chức thi đua học tập chính huấn, vị tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi còn thêm tài ca hay hát giỏi. Khi nào nóng giận thì cà lăm ngang, nhưng khi hát bài tủ, giọng Kiến hát trơn ngọt làm cho siêu lòng chiến sĩ. Lần nào anh cũng hát bài ca rút ruột:
Em tôi ưa đứng
Nhìn trời xanh xanh
Mang theo đôi mắt
Buồn vương ánh sao
Anh hát bằng chính tâm sự của mình, cái nỗi lòng vương vấn đa tình về một mối tình vô vọng không thành, để luôn tiếc nhớ bâng khuâng. Cuộc đời chiến binh thường thua thiệt: mất mát ở hậu phương, sống chết ngoài chiến trận, mơ một ngày về yên vui được đền bù. Nhưng Châu Minh Kiến đã nằm xuống ở tuổi 30!
Tháng 6 năm 1969 tôi rời tiểu đoàn, về học Khóa 4 Quân-Chánh ở Saigon, vài tháng sau nghe nói Châu Minh Kiến thăng cấp thiếu tá tại mặt trận. Anh là người lên cấp bậc và chức vụ sớm nhất của Khoá 19 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam ngoài mặt trận (Trần Kiêm Chi thuộc Biệt Đoàn 300 mang lon Đại Úy từ năm 1965, đặc cách vì chức vụ trưởng-ban đặc biệt của anh tại Saigon). Châu Minh Kiến hy sinh tại mặt trận ngày 14 tháng 9 năm 1969, tại Làng 13, đồn điền cao su Dầu Tiếng (Tây Ninh), khi đích thân mang quân ra giải toả áp lực cho toán phục kích đêm ngoài bìa rừng. Anh bị thương cánh tay, được binh sĩ cõng về Bộ Chỉ HuyTiểu Đoàn chờ trực thăng tản thương. Địch quân bám sát bãi đáp, bắn B-40 vào trực thăng, Kiến hy sinh tại chỗ với người cận vệ.
Như có linh tính tình đồng đội báo trước, từ Cai lậy tôi xin về phép thăm nhà, gặp người lính ở đơn vị cũ đến báo hung tin. Tôi đến nhà anh ở đường Bà Hạt khu Nguyễn Tri Phương, bạn tôi nằm đó, quan tài phủ lá quốc kỳ, tang gia than khóc kẻ ở người đi. Tôi xin đứng hầu quan tài cùng các vị sĩ quan cấp tá trong 3 ngày tang lễ. Châu Minh Kiến được truy thăng Trung Tá, truy tặng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương với Nhành Dương Liễu. Trung Tá Lê Nguyên Vỹ, Trung Đoàn Trưởng Trung Ðoàn 8 đọc điếu văn, ai nghe cũng rơi lệ, thương tiếc cho con người tuổi trẻ, anh hùng, sớm đền nợ nước “bất hứa nhân gian kiến bạc đầu.”
Xác anh được chôn cất tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, vong linh anh được người nhà gởi trong chùa, yên nghỉ nghe câu kinh Bát Nhả, mau siêu thoát về cõi tiêu diêu.
Châu-Minh-Kiến nay là người của thiên cổ, nhưng anh đã để lại những kỳ tích chiến đấu mà Sư Đoàn 5 Bộ Binh ai cũng ngưỡng phục, bạn đồng minh hết lời ca ngợi anh, tổ quốc ghi công trận. Tôi xin ghi lại đây những giòng chữ tâm tình cho người bạn cùng khoá đã ra đi.
Để nhớ đến Châu Minh Kiến, sợ rằng chúng ta quên…
Trần Cẩm Tường
Cựu SVSQ Khóa 19
Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam