Sau khi dùng vũ lực chiếm đóng Gạc Ma, Trung Quốc ra sức tuyên truyền bóp méo sự thật, lừa dối thế giới về trận hải chiến năm 1988.
Sự xảo trá của TQ khi tuyên truyền về trận Gạc Ma
Sau khi dùng vũ lực chiếm
đóng Gạc Ma, Trung Quốc ra sức tuyên truyền bóp méo sự thật, lừa dối thế
giới về trận hải chiến năm 1988.
|
Vị trí đá Gạc Ma ở các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: NASA |
Trong các ấn bản tiếng Anh, phía Trung Quốc luôn rêu rao Việt
Nam gây hấn cũng như khai hỏa tấn công các tàu Trung Quốc trước, dẫn
tới cuộc xung đột trên đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Đồng thời Bắc Kinh
khẳng định cái gọi là chủ quyền không thể chối cãi với hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bất chấp việc thiếu bằng chứng lịch
sử, pháp lý cũng như thực tế họ đã chiếm đoạt nhiều đảo, đá bằng vũ lực,
vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo lời rêu rao của Trung Quốc, ngày 13/3/1988, tàu khu trục
Trung Quốc phát hiện tàu vận tải HQ-604 của Việt Nam tiến tới gần đá
Gạc Ma. Tàu HQ-605 tiến tới đá Len Đao và tàu đổ bộ HQ-505 tiến về phía
đá Cô Lin. Ở thời điểm này, Trung Quốc đang huy động nhiều chiến hạm,
bao gồm các loại tàu khu trục và hộ vệ tên lửa ở khu vực Trường Sa của
Việt Nam. Dựa vào chức năng của các loại tàu mà Trung Quốc điều tới, dễ
dàng nhận thấy âm mưu của Trung Quốc muốn dùng vũ lực để cướp lãnh thổ
Việt Nam.
Luận điệu giả trá, lừa thế giới
Về trận hải chiến ngày 14/3/1988, Trung Quốc ngang ngược đổ
lỗi xung đột là do quân đội Việt Nam cắm cờ trên đá Gạc Ma, trên thực tế
thuộc chủ quyền của Việt Nam từ xa xưa. Theo luận điệu dối trá của phía
Bắc Kinh, một trận chiến giáp lá cà xảy ra khi lính Trung Quốc cố gắng
giành cờ khỏi tay bộ đội Việt Nam trên thực thể địa lý thuộc chủ quyền
của Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế lại không giống như những lời Trung Quốc
vẫn tuyên truyền. Theo lời kể của các nhân chứng còn sống sót, Trung
Quốc sử dụng xuồng máy để đưa lính lên Gạc Ma. Lực lượng này được trang
bị súng trường tấn công. Sau khi uy hiếp tinh thần và giằng cờ nhưng
không thể khuất phục được các chiến sĩ Việt Nam, Trung Quốc nổ súng tấn
công các chiến sĩ đang nỗ lực giữ quốc kỳ để bảo vệ chủ quyền thiêng
liêng của tổ quốc.
Trung Quốc vu khống tàu HQ-604 của Việt Nam nổ súng tấn công
tàu khu trục tên lửa Nanchong của Trung Quốc. Cáo buộc một tàu vận tải
Việt Nam tấn công tàu khu trục tên lửa Trung Quốc trong bối cảnh chiến
hạm nước này áp đảo cả về số lượng và uy lực đã nói lên sự dối trá của
Trung Quốc. Trên thực tế, HQ-604 đã bị loạt đạn 12 ly 7 của tàu Trung
Quốc bắn trúng ở khoảng cách chừng 300 m.
|
Tàu HQ-604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125 |
Tương tự, Trung Quốc bịa đặt việc tàu HQ-605 của Việt Nam tấn
công tàu khu trục Xiangtan dù thực tế trái ngược hoàn toàn. Trước hỏa
lực vượt trội của tàu Trung Quốc, HQ-605 cũng chịu chung số phận với
HQ-604. Tuy nhiên, Việt Nam bảo vệ thành công chủ quyền với đá Len Đao.
Trung Quốc chỉ cướp được Gạc Ma.
Bên cạnh những tuyên bố chính thức của chính quyền, Bắc Kinh
còn tận dụng con bài là các học giả mang danh trung lập, nhưng thực chất
là những người có gốc gác và quan hệ với Trung Quốc, để đánh lừa cả thế
giới. Chiêu bài này được Trung Quốc sử dụng nhiều lần nhằm hiện thực
hóa yêu sách chủ quyền trên Biển Đông chứ không riêng vụ hải chiến Gạc
Ma.
Trong bài viết về Hải chiến Gạc Ma trên Wikipedia, ý kiến
trung lập được sử dụng là hai giáo sư người Mỹ Cheng Tun-jen và Tien
Hung-mao, những người có gốc gác Trung Quốc. Dù nhiều người đặt câu hỏi
với độ tin cậy của các bài viết trên Wikipedia nhưng thực tế, đây vẫn là
nguồn thông tin dễ tìm kiếm nhất mà người dùng có thể sử dụng để có cái
nhìn toàn cảnh về cuộc đụng độ năm 1988.
Theo nhận định của Cheng Tun-jen và Tien Hung-mao, cuối năm
1987, Trung Quốc bắt đầu triển khai binh sĩ để chiếm các đá và rạn san
hô “vô chủ” ở Trường Sa, bất chấp việc quần đảo này thuộc chủ quyền Việt
Nam. Nhận định của hai giáo sư gốc Trung Quốc thực chất là lời biện
minh cho hành động phi pháp của Bắc Kinh khi dùng vũ lực chiếm Gạc Ma
của Việt Nam năm 1988.
Cheng Tun-jen, giáo sư người Mỹ gốc Hoa, đang giảng dạy tại
Trường cao đẳng William và Mary, bang Virginia, Mỹ. Cheng là chuyên gia
về quan hệ quốc tế và chính sách ở Đông Á. Dù mang trong mình nguồn gốc
Trung Quốc nhưng những nghiên cứu của Cheng lại có tiếng nói trong cộng
đồng quốc tế vì người ta thường không chú tâm tới gốc gác của vị học giả
này.
Trong khi đó, Tien Hung-mao là chính trị gia của đảo Đài
Loan. Ông ta từng đứng đầu cơ quan ngoại giao đảo Đài Loan từ năm 2000
tới 2002. Tien được cấp bằng thạc sĩ tại trường Đại học
Wisconsin–Madison, bang Wisconsin, Mỹ năm 1969, với luận án về sự phát
triển chính trị ở Trung Quốc trong giai đoạn 1927 tới 1937. Tien tiếp
tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, trở thành giáo sư đại học và có quốc
tịch Mỹ trước khi trở về Đài Loan. Dù Trung Quốc và đảo Đài Loan có
nhiều bất đồng nhưng vấn đề Biển Đông không phải là một trong số đó.
Chiến dịch tuyên truyền sai sự thật
Hải chiến Gạc Ma không phải là lần đầu Trung Quốc đánh lừa dư
luận. Trong bài viết “Sự thật, Hư cấu và Biển Đông” đăng trên tạp chí Asia Sentinel,
phóng viên kỳ cựu của BBC Bill Hayton đã vạch trần sự giả dối của Trung
Quốc trong việc khẳng định cái gọi là “chủ quyền không thể chối cãi”
với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thông qua câu chữ
của các học giả.
|
Tàu HQ-505 đã lao lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc vào ngày 14/3/1988.
Ảnh tư liệu. |
Theo tác giả Hayton, từ những năm 1970, Trung Quốc đã sử dụng
các học giả cũng như ấn phẩm bằng tiếng Anh để nói về cái gọi là chủ
quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, ban đầu, những tài liệu
mà Trung Quốc hay những nhà nghiên cứu thân Trung Quốc viết ra lại có
giá trị cao vì chúng là những tài liệu phổ dụng hiếm hoi đề cập tới vấn
đề này bằng tiếng Anh.
Không nhiều người biết rằng tác giả những bài phân tích đầu tiên đăng trên tạp chí Far Eastern Economic Review
chỉ là một sinh viên vào tháng 1/1974. Tác giả của các bài biết, Cheng
Huan, là một sinh viên luật người Malaysia gốc Hoa sống ở London, Anh.
Đáng nói, những tuyên bố của Cheng vẫn được nhiều học giả sử dụng làm cơ
sở dữ liệu để khẳng định cho cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc” trên
Biển Đông.
Những tác phẩm điển hình cho sự thiếu khách quan khác là
“Cạnh tranh ở Biển Đông” của các tác giả Marwyn Samuels cũng như loạt đề
tài nghiên cứu khoa học của Hungdah Chiu, Choo Ho Park. Đây đều là
những học giả gốc Hoa hoặc thân Trung Quốc nên việc đánh giá không thực
sự khách quan. Thậm chí, các bài viết còn được dựa vào tài liệu một
chiều, bóp méo do chính phủ Trung Quốc cung cấp.
|
Trung Quốc tiến hành các hoạt động bồi lấp phi pháp trên Biển Đông. Ảnh: CSIS |
Hayton cho biết, những tài liệu do các học giả này sử dụng
hoàn toàn không kiểm chứng với các nguồn từ Việt Nam, đặc biệt là 8
thông cáo báo chí mà Đại sứ quán Việt Nam ở Washington, Mỹ đã đưa ra. Nó
càng khiến các bài viết trở nên thiếu khách quan, thậm chí là sai lệnh
so với thực tế.
Theo Hayton, Trung Quốc không chỉ nói mà còn tạo ra những
bằng chứng giả hoặc sự kiện không có thật nhằm khẳng định cái gọi là chủ
quyền “không thể tranh cãi” với hai quần đảo của Việt Nam. Tháng
6/1937, Huang Qiang, Trưởng khu hành chính của số 9 của Trung Quốc đã bí
mật tới Hoàng Sa. Con tàu ông ta chở theo 30 tấm bia đá, khắc số 1902,
1912 và 1921.
Ngoài việc chôn bia đá giả, Trung Quốc còn tiến hành nhiều
việc làm dối trá nhằm khẳng định cái gọi là chủ quyền trên Biển Đông.
Nhà báo Hayton nhấn mạnh, không thể cổ vũ cho yêu sách chủ quyền của
Trung Quốc dựa vào những bằng chứng thiếu sức thuyết phục, vô căn cứ
cũng như ngụy tạo này.
Tình báo Mỹ vạch mặt Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Đánh giá của tình báo Mỹ cho biết các hoạt
động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông diễn ra mạnh mẽ, đi ngược
lại với tuyên bố trang bị vũ khí để tự vệ của Bắc Kinh
|
————
http://news.zing.vn/Su-xao-tra-cua-TQ-khi-tuyen-truyen-ve-tran-Gac-Ma-post632795.html