Đoạn Đường Chiến Binh
TINH-LONG RỰC-SÁNG
TINH-LONG RỰC-SÁNG
THÀNH-GIANG & NGUYỄN-VĂN-CHÍN
© Copyright 2013, by TG.
TẬP SỬ-LIỆU KQ/VNCH SỐ III
Ảnh bìa: Tinh-Long Gãy-Cánh Lưng-Trời
họa phẩm của tác-giả.
LỜI NÓI ĐẦU
Câu chuyên cuối cùng viết cho phi-hành-đoàn Tinh-Long 07. Theo lời kể của một nhân chứng sống duy nhất của chuyến bay định mệnh, Lịch-sử AC119K, đã bị Cộng quân bắn tan rã trên bầu trời Tân-Sơn-Nhứt, Sài-gòn, sáng ngày 29-4-1975. Thượng sĩ I Nguyễn-Văn-Chín đã tiết lộ nhiều chi tiết trung thực, rùng rợn, huyền bí, chưa từng được kể trước đây.
MẶT TRẬN TÂN-SƠN-NHỨT, NGÀY 29-4-1975.
Mặt trận Tân-Sơn-Nhứt rất quan trọng đối với Cộng sản Bắc Việt. Vì, muốn chiến thắng và chiếm đoạt được Miền nam Việt nam. Cộng sản Bắc Việt cần phải hủy diệt toàn bộ lực lượng Không-quân VNCH hùng hậu, là sức mạnh bảo vệ Thủ-đô Miền-nam. Tiên khởi, họ cần phải hủy diệt và tiến chiếm căn cứ Tân-Sơn-Nhứt, nếu căn cứ Không-quân nầy mất vào tay Việt cộng, ắt Thủ-đô Sài-gòn cũng sẽ phải mất theo. Và Chính-phủ Miền-nam sẽ phải bị sụp đổ hoàn toàn khi thủ-đô của họ nằm trong tay Cộng-sản Bắc-Việt.
Ở quá khứ, Cộng quân đã nhiều lần cố gắng đánh vào phi trường Tân-Sơn-Nhứt với hy vọng chiếm lấy căn cứ quan trọng nầy làm bàn đạp cưỡng chiếm Sài-Gòn trong dịp tết Mậu-thân, năm 1968. Nhưng Cộng-sản Việt- nam đã bị đánh bại với cái giá rất đắt họ phải trả cho số lượng cộng quân thiệt mạng rất cao trên chiến trường. Phần lớn nhờ sự tiếp tế chiến cụ, đạn dược dồi dào của Chính-phủ Hoa-kỳ, cùng với tinh thần chiến đấu bền bĩ và dũng cảm của QĐ/VNCH trong sự quyết tâm bảo vệ tòan vẹn lãnh thổ Miền-nam Việt- nam.
Tình hình chiến sự tại mặt trận Tân-Sơn-Nhứt trong biến cố tháng Tư của Sài-gòn, năm 1975, hoàn toàn khác hẳn trận tổng công kích Tết Mậu- thân, năm 1968. Sự phản bội, phủi tay, cúp viện trợ của Chính-phủ Hoa-kỳ đã là nguyên nhân chính yếu, cùng sự rút quân “thiếu tổ chức” vô trật tự của tổng thống Nguyễn-Văn-Thiệu đã làm cho Quân-Đội Miền-nam Việt-nam sụp đổ nhanh chóng, cán cân quân-sự đã nghiêng hẳn về phía CSVN, nhiều thị xã, tỉnh lỵ và Quân-khu của Miền-nam Việt-nam đã rơi vào tay Cộng-sản Bắc-Việt trong sự kinh hoàng, kéo theo sự sụp đổ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ QL/VNCH. Họ đã co cụm lại tại Thủ-đô Sài-gòn “chờ chết”, trong sự thoi thóp chiến đấu vô vọng với đạn dược nhỏ giọt, cạn kiệt. Sự bại trận nầy của Miền-nam Việt-nam, phần lớn do Chính- phủ Hoa-kỳ thất hứa, đã có chủ trương “bóp” cho tắc nghẽn sự sống của Quân-đội Miền-nam Việt-nam.
Khi đó, tinh thần chiến đấu của người lính VNCH vẫn còn cao hầu giữ sự bình an cho sinh mạng của chính thân nhân thân thương và dân tộc yêu chuộng tự do của họ, tránh khỏi bị rơi vào bàn tay ác quỷ của Cộng-sản: cưỡng chiếm, cướp giựt, tù đầy, giết chốc và hại dân bán nước. Nhưng họ đã không thể làm được những gì họ khao khát, họ đã phải đau lòng buông xuôi theo định mệnh của cuộc chiến bại, khi những khẩu súng trên tay của họ trở thành những khúc gỗ vô dụng, “không còn đạn dược”. Do lòng phản-tâm của những người cung cấp phương tiện chiến tranh.
Cũng như những lần tổng tấn công trước kia. Cộng-sản Bắc-Việt đã chuẩn bị mở ba mặt trận chính đánh thẳng vào căn cứ Tân-Sơn-Nhứt. Là một Lực-lượng Không-quân chủ lực, hùng mạnh, phòng thủ vững chắc cho Thành-phố Sài-gòn. Gồm có ba mặt trận: mặt trận phía tây Phi-trường Tân- Sơn-Nhứt, có các sư đòan Bộ-đội Bắc-Việt với những dàn hậu-pháo đủ các loại súng-cối, đại-bác và hoả-tiễn phóng pháo 122 ly, 130 ly, đặt rải rác ở Phú-Lâm, Bầu-Quang, Bà-Điểm, Bà-Quẹo. Mặt trận phía bắc gồm có chiến xa, Bộ-đội tùng-thiết với những dàn hậu-pháo và hoả-tiễn đặt ở Củ-Chi, Tân-Phú, Bùi-Môn, Hốc-Môn, Trung-Chánh, Quang-Trung. Mặt trận phía đông gồm Thủ-Đức, Xóm-Mới, Gò-Vấp. Cả thẩy có 16 Sư-đoàn Cộng-sản Bắc-Việt bao vây và cưỡng chiếm Thủ-đô Sài-gòn, Miền-nam Việt-nam.
Tiếc rằng, giới hữu trách Quân-đội Miền-nam Việt-nam đã bị khủng hoảng, sớm sụp đổ lòng kiên cường chiến đấu, đã bị hủy diệt tinh thần: Trách-nhiệm, Danh-dự, Bảo-quốc An-Dân. Họ đã không chịu tìm ra một phương sách thu gom toàn bộ lực lượng gồm: nhân sự, chiến cụ còn lại, thể hiện một tinh thần trách nhiệm cho một trận chiến cuối cùng tử thủ Sài-gòn theo tinh thần tử-chiến của Nguyễn-Khoa-Nam, Hồ-Ngọc-Cẩn, anh hùng Tinh-Long 07 và thiếu tá Trương-Phùng. Theo ước nguyện của người dân Việt-nam tự do. Chỉ cần thu gom và trang bị đầy đủ cho mười phi tuần A1 và mười phi vụ Tinh-Long cũng có thể tạo nên một sự “Chiến bại trong Danh-dự, tiêu diệt bớt Cộng-sản ác nhân” Lưu danh sự tự sát can trường của một Quân-đội VNCH dũng cảm, bị bức tử. Đánh tan nát và hủy diệt bớt những con người cộng sản cực kỳ độc hại cho nhân loại, chúng sẽ tàn phá thê thảm cho dân tộc và đất nước Việt-nam sau cuộc chiến.
SỰ PHẢN CÔNG CỦA KL/VNCH
Tinh-Long 06, AC119K, đã phối hợp với hai phi tuần khu trục cơ A1 Skyraider phản công, truy lùng và phá hủy các dàn trọng pháo của Cộng-sản Bắc-Việt ở mặt trận phía tây căn cứ: Phú-lâm, Bà-Điểm. Lúc 5 giờ sáng, Tinh-Long 07, AC119K do trung úy Trang-Văn-Thành trưởng phi cơ, cất cánh bay lên không, thay thế cho Tinh-Long 06. Tinh-long 07 tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các phi tuần A1 tiêu diệt hầu hết các ổ trọng pháo ở phía tây. Đã làm giãm nhiều hiệu năng pháo kích của Việt-cộng. Cuộc truy lùng, quần thảo và bắn phá của Tinh-Long 07 mất hơn hai tiếng đồng hồ ở mặt trận phía tây.
Chỉ có một loại phi cơ AC119K duy nhất của KQ/VNCH có trang bị hệ thống quan sát hồng ngoại tuyến tối tân nhất, nhìn thấy rõ tất cả các mục tiêu phóng pháo của Cộng-quân. Và hai khẩu đại bác liên thanh 20ly, nổ chùm, do chính phi công điều khiển, tác xạ bằng hệ thống ống nhắm điện tử rất chính xác, phá hủy các mục tiêu. Tinh-long 07 còn phối hợp chặt chẽ và chỉ điểm các tọa độ cho hai phi tuần Khu-trục A1 đồng đội tiếp sức ném bom. Họ đã đánh tê liệt các dàn trọng pháo phía tây của Cộng-quân. Chỉ còn lại các cứ điểm pháo kích ở mặt trận hướng bắc và đông bắc phi trường. Chúng lẻ tẻ rót vào căn cứ Tân-Sơn-Nhứt.
Lúc 7 giờ sáng, trung úy Trang-Văn-Thành rời mặt trận hậu-pháo của Cộng-Sản Việt-nam ở mặt trận phía tây. Ông đã bay Tinh-Long 07 về mặt trận phía bắc căn cứ, nơi Bộ-Đội Bắc-Việt và Đặc-công Việt-cộng lợi dụng sự pháo kích, gây sự khủng hoảng, xáo trộn cho đối phương, họ chuyển quân an toàn, nhanh chóng tiến sát vòng đai phòng thủ phi trường Tân-Sơn-Nhứt, hầu kịp thời, nhanh chóng xâm nhập, phá hoại và cấp tốc cưỡng chiếm Căn cứ Tân-Sơn-Nhứt. Mục tiêu huyết mạch cuối cùng của Quân-đội VNCH.
Cũng vào giờ đó, Đại-úy Trần-Văn-Phúc phải trở về đáp ở Tân-Sơn-Nhứt, vì phi cơ của ông đã cạn xăng, hết đạn dược. Thiếu-tá Trương-Phùng cũng mất liên lạc trong một khoảng thời gian ngắn sau đó.
Trung-úy Thành đã quần thảo, xạ kích ngăn chặn làn sóng chuyển quân ồ ạt về mặt trận phía bắc Tân-Sơn-Nhứt, lúc Bộ-đội Bắc-Việt và Đặc- cộng Việt-cộng tiến sát vòng đai phi trường, sau những đợt pháo kích đánh phủ đầu Quân-đội Sài-Gòn, theo chiến thuật cổ hủ “tiền pháo hậu xung” để cho Bộ-đội cộng sản, chiến-xa và đặc-công của họ rảnh tay nhanh chóng tiến quân, xâm nhập căn cứ ở mặt trận phía bắc của sân bay.
Tình trạng phi cơ Tinh-Long 07 còn hoạt động tốt, nó có thể tiếp tục công tác với số lượng đạn dược còn có thể xử dụng, oanh kích trên một giờ bay nữa. Chiếc phi cơ AC119K đơn phương nhập trận, phản công, tác xạ đại liên minigun lẫn đại bác liên thanh 20 ly đánh lên đầu đoàn quân Bộ-Đội Bắc-Việt và Đặc-Công Cộng-sản, đang gây áp lực nặng nề, họ cố cắt hàng rào kẽm gai ở phía bắc vòng đai phi trường, hầu xâm nhập phá hoại và tấn chiếm căn cứ Tân-Sơn-Nhứt.
Sau ba vòng-bay oanh-kích bằng đại bác liên thanh 20 ly, phá vỡ cuộc tiến quân ào ạt của Bộ-đội vào mặt trận phía bắc vòng đai căn cứ. Quân Cộng-sản Bắc-Việt đã bị khựng lại, dội ngược, chạy tán loạn như đàn kiến, phân tán mỏng, tìm chỗ ẩn thân, chờ thời cơ tiến quân, cưỡng chiếm căn cứ.
Trung-úy Trang-Văn-Thành vội vã cho phi cơ bay trở lại mặt trận phía bắc căn cứ ở vòng-bay xạ-kích thứ tư. Từ trên phi cơ, bầu trời trong sáng của buổi sớm mai, không áng mây. Hai đường phi đạo Tân-Sơn-Nhứt đồ xộ, rất gần trong tầm nhìn của phi công, nó nằm rộng rãi bên tay trái của hoa tiêu, ở hướng 9 giờ. Nó đã cho trung-úy Trang-Văn-Thành một sự tin tưởng vững chắc.
Nếu chẳng may, phi cơ bị trúng đạn của đối phương, ông chỉ cần giữ vững cho phi cơ bay trong năm phút, là đã có thể sẽ đáp xuống phi đạo an toàn. Vả lại, đã gần bốn giờ bay, kim đồng hồ xăng của phi cơ đã xuống thấp, đạn dược cũng đã xử dụng gần cạn kiệt. Rồi phi cơ của ông cũng sẽ phải đáp để tái trang bị cho một phi vụ khác. Với vài lời yêu cầu hạ cánh phi cơ của đoàn viên.
Đó là những lý do rất chính đáng khiến cho trung-úy Thành quyết định cho phi cơ bay xuống thấp ở 2,500 bộ, có thể đánh vòng bay cuối cùng, nhân tiện sẽ nhanh chóng hạ cánh để đáp, chấm dứt phi vụ. Với cao độ bay thấp nầy Trung-úy Thành tin tưởng sẽ tác xạ chính xác hơn, không đánh nhầm lẫn vào nhà dân, chằng chịt bên ngoài căn cứ, vừa có thể nhanh chống đáp xuống phi trường hay chẳng may gặp khẩn cấp, nếu có hữu sự.
Ngược lại, cao độ này của Tinh-Long 07 rất thích hợp cho các dàn cao xạ phòng không, hỏa tiễn chống phi cơ của quân Cộng-sản Bắc-Việt. Chúng đã âm thầm mai phục sẵn trong quận Gò-Vấp, ngay đầu phi đạo ở hướng đông. Họ đang chực chờ cơ hội, nhưng chưa có dịp tốt tấn công tiêu diệt con “Diều-hâu dũng mãnh 07” cuối cùng của Không-lực VNCH, nó đã gầm thét và đánh phá tan tành đoàn quân Bộ-Đội và Đặc-công của họ tại mặt trận phiá bắc phi trường.
Trò chơi “thợ săn chim sắt” của Cộng-quân đang bắt đầu tiến hành với một cơ hội hiếm hoi. Chẳng may, cho Tinh-Long 07 đã bay và lọt đúng ngay vào ổ phục kích, sẵn có của phòng-không, ở một cao độ lý tưởng, Cộng-quân khó có thể bắn sai lạc mục tiêu trong phen này.
DIỄN TIẾN “5 PHÚT TỬ-THẦN”
SỰ ĐỐI MẶT THẦN-CHẾT CỦA PHI-HÀNH-ĐOÀN
LỊCH-SỬ AC119K, TINH-LONG 07.
Qua ký ức của một nhân chứng, tác giả Thành-Giang, đã chứng kiến toàn bộ trong suốt “5 phút kinh hoàng” của chiếc đại-bàng-sắt Tinh-Long 07, đã bị gãy cánh giữa lưng trời.
Tác giả đã chứng kiến thảm cảnh nầy trong tầm nhìn lên phi cơ ở 2 dặm, phía đông bắc phi trường.
Qua 13 bức hình phát hoạ, diễn tiến toàn cảnh của chiếc phi cơ Tinh-Long 07 đã gãy đổ trên không trung.
Lúc 7 giờ 55 phút, sáng sớm, ngày 29-4-1975, bầu trời Sài-gòn trong xanh, không một áng mây, thấy rõ mọi cảnh vật. Tác giả Thành-Giang cùng nhiều nhân viên phi hành của phi đoàn 431st đã rời hầm trú ẩn, ra bên ngoài nghe ngóng tin tức về trận chiến cuối cùng của mặt trận Tân-Sơn-Nhứt, đang hồi kết thúc, Miền-nam sẽ phải thua trận, do đồng-minh Hoa-kỳ đã bỏ rơi. Áp lực pháo kích của Cộng-quân đã giãm nhiều so với lúc trời hừng sáng.
Âm thanh của chiếc phi cơ AC119K vẫn vần vũ trên bầu trời Sài-gòn mang nhiều sinh khí phấn khởi, hy vọng cho một ngày mới, trong tâm tư nặng trĩu sầu lo mất nước của mọi người, cả quân nhân lẫn người dân vô tội của Sài-gòn.
Thành-Giang đã đứng trên đường lộ, trước cửa phi đoàn Phượng-Long 431st, C7A Caribou của Không-đoàn 33 Chiến-thuật, nhìn ra phi đạo buồn tênh, họ sắp sửa phải rời xa nơi làm việc và bến đậu phi cơ quen thuộc của sân bay thân yêu, cho một cuộc triệt thoái hay di tản khỏi căn cứ Tân-Sơn-Nhứt.
Thành-Giang đã quan sát và theo dõi tỉ mỉ cuộc phản công ngoạn mục, oanh liệt của Tinh-Long Thép 07. Sau khi phi-hành-đoàn đã phối hợp, săn lùng và triệt hạ hầu hết các dàn trọng pháo, hoả tiễn của Việt-cộng đặt ở Bà-Điểm, Phú-lâm, Bàu-Quang, Hóc-Môn, thuộc mặt trận phía tây của sân bay Tân-Sơn-Nhứt.
Giờ đây, chiếc vận tải cơ AC119K đã đơn độc chiến đấu tại bãi chiến trường của mặt trận phía bắc vòng đai căn cứ. Nơi có sức mạnh của Không- lực VNCH cuối cùng, Cộng-quân cần phải tiêu diệt cho một cuộc chiến thắng, đánh bại Quân-đội Miền-nam. Hầu cưỡng chiếm quyền lực, áp đặt chế độ Cộng-sản vô-thần ở Việt-nam, phục vụ cho Đế-quốc Xã-hội Chủ-nghiã Cộng-sản không tưởng, man rợ.
Ở vòng-bay truy-kích thứ tư, đây là vòng bay sau cùng, từ trên cao độ 2,500 bộ, phi công dự định sẽ không kích vào đoàn quân Bộ-đội đang áp sát vòng đai phi trường Tân-Sơn-Nhứt, và đang lẫn trốn trong khu vực.
Và NĂM PHÚT TỬ-THẦN đã xảy đến, kết liễu phi-hành-đoàn của Phi-vụ Lịch-sử, Tinh-Long 07 qua 13 bức hoạ diễn tả thảm cảnh đổ nát của chiếc phi cơ, tác giả sẽ từng tự trình bày diễn tiến của chiếc AC119K lâm nạn, bị hỏa tiễn phòng không SA7 bắn tan rã trên không trung, theo thứ tự thời gian, từng giây phút một:
HÌNH 1
Xa xa, âm thanh quen thuộc của chiếc phi cơ AC119K, Tinh-Long 07 nghe văng vẳng từ hướng đông nam của phi trường. Trong 3 phút, chiếc phi cơ bắt đầu hiện rõ, chần dần ở hướng đông, trên bầu trời xanh, trong tầm nhìn 2 dặm. Nó bay dọc theo vòng đai đông bắc của phi trường, tiến về mục tiêu nằm ở hướng bắc của căn cứ, tại đồn-phòng-thủ 0-55 của sân bay. Trung- úy Thành đã thông báo cho phi hành đoàn. Ông hạ thấp phi cơ để đánh vòng bay cuối cùng, nhân tiện ông sẽ hạ cánh đáp xuống phi trường Tân-Sơn-Nhứt, chấm dứt phi vụ Tinh-Long 07.
Đứng trước cửa phi đoàn, trong căn cứ Tân-Sơn-Nhứt, Thành-Giang vừa ngạc nhiên lẫn hết sức lo ngại cho Tinh-long 07. Nó đã bay chậm chạp ở độ cao quá thấp, nhìn thấy rõ mồn một, chần ngần như một chiếc xe buýt chở hành khách, hiện ra trước mắt mọi người.
Tác giả đã âm thầm nghĩ đùa rằng: “bay thấp kiểu này súng trường bắn lên cũng tới phi cơ nữa, huống hồ gì là phòng không của địch quân! Trời đất ơi! Không biết ông phi công nào mà ổng gan quá vậy trời!”
HÌNH 2
Ý nghĩ của tác-giả chợt thoáng qua. Đột nhiên, 4 đóm lửa kèm 4 tiếng nổ kết thành một chùm, nổ chát chúa trên không trung, rất sát với nửa thân sau của chiếc phi cơ. Những tiếng nổ long trời, gây chấn động tâm thần của cả triệu người đang chứng kiến, theo dõi chiếc phi cơ cứu tinh cuối cùng của KL/VNCH. Mọi người đang lo lắng, sợ hãi cho tình hình chiến sự bất lợi của Miền-nam Việt-nam, sẽ phải bị lọt vào tay Cộng-sản Bắc-Việt độc ác.
Phi-hành-đoàn trên không, cùng những chứng nhân dưới đất và tác giả đều đã nhói tim, chứng kiến cuộc tấn công chiếc phi cơ, thật kinh hoàng.
May mắn thay, chiếc phi cơ vẫn còn nguyên vẹn, hai cái động cơ vẫn hoạt động bình thường. Chiếc AC119K bay lướt ra khỏi 4 đóm khói đen của phòng không đã để lại trên bầu trời.
Trong lòng Thành-Giang đột nhiên âu lo nghĩ ngợi vẩn vơ đến một vài người bạn đồng môn nào đó của mình, có thể họ đang ngồi trên chiếc phi cơ này, quá nửa số bạn bè đồng lớp của ông đã làm việc cho phi đoàn Tinh-Long 821st. Linh tính đã cảnh báo trước, có thể có một người Kỹ-sư Phi- hành đồng môn quen thân của ông đang hiện diện trên chuyến bay nguy kịch ngày hôm nay!
HÌNH 3
Sự vui mừng thoát nạn của Tinh-Long 07 chưa kịp dứt, đã đột ngột xảy ra một sự biến động kinh hoàng khác. Chỉ 10 giây, sau khi phi cơ bay ra khỏi đám khói đen phòng không nổ chùm. Một tiếng nổ long trời khác phát xuất từ bên trong lòng động cơ bên tay trái: lửa đỏ, khói đen, miểng bom, mảnh vụn phi cơ đã lao ra từ vòng khung cánh cửa giải nhiệt “cowl flap” của động cơ, cũng là nơi đặt các ống bô thoát khói của cái máy trái. Những cái ống khói nầy đã toả nhiệt rất cao, tạo ra sự hấp lực cho hoả-tiến tầm-nhiệt phòng-không SA7. Nó đã bay đuổi theo phi cơ và chui vào ống khói, rồi phát nổ từ trong lòng động cơ bên trái.
Các nhân chứng và tác giả đã trừng trừng những đôi mắt kinh hoàng, há hốc, rú lên những lời hối thúc khẩn thiết “Trời ơi! Trời! phi cơ đã bị trúng đạn hoả tiễn phòng không rồi! Nhảy dù ra! Mau lên!”
HÌNH 4
Sau tiếng nổ, lửa đã tắt, để lại những làng khói đen xung quanh động cơ trái. Chong chóng của động cơ cũng bắt đầu quay chậm lại, rồi máy trái của phi cơ tắt hẳn.
Tất cả 10 nhân viên phi-hành trên phi cơ đều cùng một cảm nhận khiếp đảm khi phi cơ của họ đã bị trúng đạn hỏa tiễn phòng không SA7 vô cùng nguy hại, với sự chấn động của sức nổ, xóc mạnh, tưởng chừng chiếc phi cơ của họ đã tan rã trên không trung. Giờ đây, nó có thể sẽ rơi bất cứ lúc nào. Phi-hành-đoàn đều lo lắng và chuẩn bị cho một cuộc nhảy dù thoát hiểm khi cần thiết.
Trung-úy Trang-Văn-Thành cố giữ bình tĩnh, mặc dù ông biết rất rõ tình trạng hư hại của chiếc phi cơ cực kỳ nguy hiểm. Trách nhiệm của một trưởng phi cơ đối với sinh mạng phi-hành-đoàn và đối với dân chúng đang sinh sống đông đảo ở quận Gò-Vấp, nằm bên phải của chiếc phi cơ, ở ngoài vòng rào phi trường.
Phản ứng cấp thời của trưởng phi cơ, trung-úy Thành trấn an đoàn viên, công bố ngay lệnh đáp khẩn cấp, phi-hành-đoàn phải buộc dây an-toàn. Thượng-sĩ I Chín đã từ bỏ ý định nhảy dù thoát hiểm ra khỏi phi cơ, dù lúc đó, trong lòng anh đang bất an, muốn nhảy dù ngay sau khi tiếng nổ với lửa đỏ kinh hoàng đã tỏa ra bên hông phi cơ.
Ba lý do chính yếu khiến cho trưởng phi cơ phải quyết định cấp tốc, nghiêng phi cơ, quẹo bên trái, một việc làm sai nguyên tắc, rất nguy hiểm, đi ngược lại quy luật bay khẩn cấp với một động cơ đã bị tắt máy, phi công không bao giờ được phép quẹo phi cơ sang bên phía động cơ đã hư hỏng, máy đã tắt, sẽ khiến cho phi cơ bị nghiêng đổ trên không trung, mất thăng bằng, bị triệt nâng, phi-công không thể nào kéo phi cơ cân bằng trở lại để đáp khẩn cấp, trong sự an toàn.
Tình thế phi cơ đang nguy ngập, động cơ hư hại nặng nề, chiếc phi cơ AC119K không có thể bay lâu hơn, để phi công có thể bay vòng qua phía bên động cơ phải còn đang tốt, để có thể băng qua không phận quận Gò-vấp, họ phải mất ít nhất 20 phút trước khi đáp. Trung-úy Thành đã biết trước phi cơ của ông sẽ sớm gãy đổ, nếu quẹo phải sẽ rơi trên nhà dân. Chẳng những phi- hành-đoàn chết tốt, dân chúng cũng sẽ chịu thiệt mạng lây.
Ngay sau khi tiếng nổ của hoả tiễn tầm nhiệt SA7 vừa chấp dứt. Nó đã để lại những mảnh thiết vụn vỡ còn dính lại trên vỏ máy của động cơ, phát ra những âm thanh bành bạch ghê rợn. Trung-úy Thành đã dồn dập tra vấn nhân viên phi hành: “Phi hành đoàn! Hãy đi tìm xem những tiếng kêu bành bạch gì mà kỳ lạ quá vậy?”
Hai nhân viên vũ-khí phi-hành cũng điếng hồn vì tiếng động lạ, Thượng-sĩ nhất Nguyễn-Văn-Chín và trung-sĩ Bùi-Minh-Tân đã chạy ngay đến cửa hành khách bên tay trái ở đàng sau đuôi phi cơ và họ đã khám phá ra một mảnh thiết vụn vỡ của vỏ động cơ đã bị gió tác động vỗ vào thân đuôi bên trái, phát ra những tiếng kêu ghê rợn. Thượng-sĩ I Chín vội vàng báo cáo với trưởng phi cơ. Trung-úy Thành có cảm giác phi cơ của ông đang đến hồi tệ hại, sắp tan rã giữa không trung. Ông không thể nào giữ cao độ của phi cơ thêm được nữa. Đồng lúc, nhân viên đài kiểm soát Không-lưu Saigon Tower đã thấy cái động cơ đã tắt máy, hỏi dồn dập:
- Tinh-long 07, bạn còn có thể điều khiển được phi cơ để đáp không bạn?
Trong lòng bất an, toàn bộ dàn phi cụ của máy trái đã rớt xuống 0, các
cần lái bắt đầu bị kẹt, khó điều khiển. Giọng trung-úy Thành rất khẩn trương:
- Chúng tôi không chắc sẽ lết kịp đến phi đạo để đáp đâu đó! Saigon Tower!
Trung úy Thành cố gắng nghiêng phi cơ 15 độ về bên trái, quyết định cấm mũi phi cơ lao ngay xuống mặt phi đạo cho kịp lúc đáp, trước khi phi cơ gãy đổ và sát hại phi-hành-đoàn. Ông đã dự đóan, nếu quẹo trái chỉ mất 5 phút đáp xuống phi-đạo, quẹo phải bên động cơ tốt đúng theo nguyên tắc bay khẩn cấp một động cơ, ông sẽ phải mất tối thiểu 20 phút phi cơ mới chạm được mặt đường bay. Chiếc phi cơ của ông chắc chắn sẽ không chịu đựng nỗi 20 phút bay, trước khi đáp.
Tình thế quá hiểm nghèo, Trung-úy Thành đã phải nhanh chóng quyết định cho một chuyến bay định mệnh cuối cùng trong cuộc đời phi công dũng cảm của ông.
HÌNH 5
Từ dưới mặt đất ở phi trường , các nhân chứng đã nhìn thấy chiếc phi cơ AC119K của trung-úy Thành nghiêng về bên trái 15 độ, theo hướng phi đạo Tân-Sơn-Nhứt họ đang đứng. Ông đã quyết định nhanh chóng lao đầu phi cơ xuống để đáp khẩn cấp, bất chấp mọi sự rủi ro. Mọi người đang nôn nóng chờ đợi. Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo sau đó?
HÌNH 6
Thưa cùng quý vị! Đôi mắt chúng tôi đứng trồng, nhìn không chớp, miệng há hốc, hơi thở trong buồng phổi căng lên, đông cứng lại khi tâm trí của chúng tôi phải tiếp nhận một cảnh tượng hãi hùng. Cái cảm giác rùng rợn như chính mình đang ngồi trong chiếc máy bay tử thần, đang gãy đổ, tuyệt vọng giữa không gian, sắp kết liễu cuộc đời mình. Nó đã xảy ra rất chính xác như cảm tính nhạy bén của trưởng phi cơ Trang-Văn-Thành.
Chỉ vài giây thật ngắn ngủi, cánh trái đã gãy xấp lên không. Trong cảnh tượng rùng rợn, chậm chạp diễn ra trong tâm trí mọi người, với nỗi lo lắng, hồi hộp, mọi người đã nôn nóng, kêu gào thúc giục phi-hành-đoàn: “Trời ơi! Ghê quá, nhảy dù ra mau... nhảy dù ra... nhảy dù ra… lẹ lên”
HÌNH 7
Cánh ngoài bên trái đứt lià ra tương tự như một người đang bị chặt đứt lìa một cánh tay, chỉ còn trơ lại bắp tay cục mịch. Áp xuất không khí kéo cánh trái đứng thẳng lên không, nó xoắn cái “boom” đuôi bên trái của phi cơ, làm cho nó xúc xổ luôn cái cánh lái đuôi, dùng để cho phi cơ bay lên xuống. Hình ảnh chiếc phi cơ rã ra hai mảnh ghê rợn giữa lưng trời, chậm chạp như một đoạn phim quay chậm. Khiến cho cơ thể tôi bị đóng băng, đứng như trời trồng, trong ba mươi giây, tiếp nhận hình ảnh kinh hoàng của chiếc phi cơ lịch sử Tinh-Long 07 đang rơi giữa không gian.
Trung-úy Trang-Văn-Thành chỉ kịp kêu gào đứt đoạn, thúc giục đồng đội nhảy dù thoát thân:
“Phi-hành-đoàn! Ai nhảy dù được... nhảy dù ra, mau lên...” Rồi dòng điện phi cơ bị cắt đứt, một khối sắt vô dụng, nó đứng giữa lưng trời, rồi bắt đầu lao vùn vụt xuống mặt đất.
HÌNH 8
Cánh trái và động cơ trái đã tách rời hẳn khỏi thân phi cơ. Tạo ra sự rối loạn toàn bộ của chiếc máy bay. Các bộ dây cáp điều khiển các cánh lái phi cơ đã bị giựt đứt gọn. Cả hai động cơ đều bị tắt máy. Dòng điện phi cơ cũng bị cắt đứt ngang. Không còn một tiếng động, ngoại trừ những tiếng bành bạch của những mảnh thiết vụn chạm vào nhau tạo thành những tiếng khua hoà lẫn gió rít lùa qua khe hở của phi cơ.
Chiếc máy bay bắt đầu rơi tự do trong không gian. Toàn bộ phi-hành- đoàn khó lòng thoát cơn hoạn nạn, nắm chắc phần tử vong.
HÌNH 9
Hàng tấn vũ khí, đạn dược trang bị trong thân tàu khiến cho nó nặng nhất và có khuynh hướng rơi xuống trước. Cánh phải phi cơ mỏng manh, có bề mặt to, nhẹ nhàng, sức cản của không khí lớn. Áp xuất không khí tác động, đã làm cho nó lèo lái cái thân phi cơ nặng trĩu, ngã nghiêng, rồi lật ngửa giữa bầu trời.
Trong phòng lái, viên kỹ-sư phi-hành, thượng-sĩ Phan-Quốc-Tuấn, đã đeo được dù, mở dây an toàn rồi, bàn tay mấy lần chạm phải cái khóa cửa trên nóc phi cơ, cũng bị vuột ra khỏi tầm tay vì sức chao đảo của thân phi cơ.
Hai viên phi-công chưa kịp mở dây an toàn, còn đang treo người lủng lẳng trên ghế ngồi, đầu dộng ngược xuống đất. Mắt họ trừng trừng khiếp đảm nhìn vào lòng đất cứng rắn hãi hùng. Họ chỉ còn đủ thời gian làm dấu, từ biệt thế gian. Trung-úy Thành rùng mình cảm nhận cái chết cận kề, ông đã lỗi hẹn, sẽ không trở về cùng với vợ con đi di tản.
Mọi người trên phi cơ đang âm thầm cầu nguyện cho cái chết của chính bản thân mình.
Từ 2,500 bộ khối sắt rớt vùn vụt xuống 700 bộ, với thời gian đã mất 13 giây.
HÌNH 10
Khối sắt vụn đã rơi xuống quá nữa lộ trình trong không gian. Còn 700 bộ. May mắn thay, những nhân chứng đã vui mừng nhìn thấy hai cục đen đã rơi ra khỏi khối sắt vô dụng, trong giây phút tuyệt vọng. Nó lao vùn vụt xuống mặt đất. Mọi người đang lo lắng cho số phận của hai người, khi những nhân chứng thất vọng, họ đã không nhìn thấy một cây dù hy vọng nào được bung ra trên bầu trời khói lửa chiến tranh của Sài-gòn.
Từ 700 bộ đến mặt đất, sức rơi của một con người phải mất 7 giây. Nếu chúng ta muốn biết trong 7 giây ngắn ngủi đó, mức độ rơi nhanh chóng như thế nào? Chúng ta sẽ làm được gì để bung dù và sống sót? Thử nhìn vào kim đồng hồ, đếm bảy giây và làm thử các động tác nhảy dù chúng ta có thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho viên Thượng-sĩ nhất Nguyễn-Văn-Chín, nhân viên vũ-khí phi-hành có nhiều năm kinh nghiệm trên không trung. Ông đã thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc của 7 giây ngắn ngủi cuối cùng trong sự chết.
Anh Chín cho biết, chính nhờ cái miếng thiết vụn vỡ, còn dính ở vỏ động cơ đã tạo ra tiếng kêu bành bạch đó, nó đã cứu anh sống đến ngày hôm nay. Theo lệnh của trưởng phi cơ. Thượng-sĩ I Chín và trung-sĩ Tân hai người đang làm việc trong phòng hàng hóa, nơi chứa các loại vũ khí trang bị trên tàu. Hai người đã chạy đến cửa hành khách bên trái, nằm ở phía sau cùng của thân phi cơ, họ tìm kiếm nguyên nhân gây ra tiếng kêu lạ. Cũng là lúc phi cơ bắt đầu nghiêng đổ trong không gian. Họ bám chặt vào thành cửa, để rồi một sự may mắn bất ngờ của phép lạ. Thân phi cơ đã đổ về bên trái, hai người cố hết sức, búng mạnh và rớt ra khỏi phi cơ, khi nó chỉ còn lại 700 bộ cuối cùng trong cái chết cận kề của sự rơi, và đã biến anh Chín trở thành một người vừa trở về từ cõi chết trên không gian! Vô cùng kỳ diệu!
Trung-sĩ Tân chưa kịp mang dù, quá sợ hãi, nhảy đại ra khỏi phi cơ, rơi xuống đất trong trạng thái tay chân chới với, bơi lảo đảo trong không khí, chạm mạnh vào lòng đất, lún sâu và mềm xương, chết tốt với thân xác còn nguyên vẹn.
HÌNH 11
Tinh-Long thứ mười Nguyễn-Văn-Chín may mắn nhất, khôn ngoan nhất “đeo dù sẵn” trong suốt thời gian làm việc trên phi cơ, người phi-hành nhanh nhẹn nhất đã hoàn tất việc bung dù trong 7 giây ngắn ngủi, đạt kỷ lục, tưởng chừng ông đã tan xác với sự va chạm vào lòng đất, nếu ông bung dù chậm trễ đi chỉ hai giây đồng hồ.
Tay anh Chín đã nhanh nhẹn giựt khoen bung dù trước khi nhảy ra khỏi phi cơ, anh ôm gọn cây dù trong vòng tay, nhảy ra ngoài phi cơ, rồi buông hai tay cho dù bọc gió. Thời gian này đã mất đi hơn bốn giây. Anh chờ mãi trong sự rơi, vẫn chưa thấy dù bung ra. Một sự va chạm đau điếng vào lòng đất với một cái xóc mạnh, giật ngược anh Chín lên không của cây dù sắp bọc gió.
Đồng lúc thân phi cơ, đổ ngược cái lưng xuống trước, va chạm vào lòng đất rung chuyển cả không gian với quả cầu lửa rựng lên sát bên chỗ anh Chín đang nằm, độ 20 thước. Nhiên liệu phi cơ, đạn dược, hỏa châu, thi nhau bốc cháy dữ dội.
Sức nóng của lửa đã tạo ra sức gió, cuốn cây dù của anh Chín vào đám lửa. Anh Chín cố chịu đựng sự đau đớn phát xuất từ chấn thương cột sống và chân trái, cố hết sức bình sinh, anh giật hai khoen rời dây dù để khỏi bị lôi cuốn vào ngọn lửa. Anh gắng gượng ngồi dậy, trông chờ những đồng đội may mắn, có thể còn sống sót, rời khỏi phi cơ. Nhưng hởi ôi! Không có một ai may mắn còn sống sót trong đám lửa đỏ thiêu thân.
Cơn đau đớn vì chấn thương cột sống và chân trái bắt đầu hoành hành, khiến anh gục người xuống và nằm dài trên đám cỏ dại, bên trong vòng rào phi trường Tân-Sơn-Nhứt.
May cho anh Chín, đã được một số chiến hữu Nhảy Dù can trường, họ đã nhìn thấy chiếc phi cơ lâm nạn, họ đã can đảm lái chiếc xe díp đến nơi phi cơ lâm nạn tìm cứu người sống sót và mang anh về bệnh xá Không quân để chửa trị.
Tại Trung tâm Y khoa Không-quân, anh Chín đã gặp Tư-Lệnh-Phó Không-Quân, Thiếu-tướng Võ-Xuân-Lành. Ông đã đến an ủi anh Chín, đồng thời, ông muốn tìm hiểu sự thật về người cháu rể dũng cảm Trung-úy Trang- Văn-Thành. Anh Chín đã xác nhận Trung-úy Trang-Văn-Thành chính là trưởng phi cơ, đã bay thế cho Phi-đoàn-trưởng phi-đoàn 821, trung-tá Hoàng Nuôi. Người cháu rể anh hùng của Tướng Lành đã tận tụy với dân tộc và đã anh dũng hy sinh cho tổ-quốc, trên chuyến bay lịch sử cuối cùng của Không- lực VNCH, bảo vệ căn cứ Tân-Sơn-Nhứt và Thủ-đô Sài-gòn. Họ đã đánh tan nát các dàn trọng pháo và Bội-đội Bắc-Việt ngăn chặn cuộc tiến quân vũ bão của Cộng-quân, khiến cho cuộc tiến quân của đối phương đã bị đình trệ hơn 24 tiếng đồng hồ trước khi cưỡng chiếm phi-trường Tân-Sơn-Nhứt và Thủ-đô Sài-gòn, vào ngày 30-4-1975.
Thiếu-tướng Võ-Xuân-Lành đã khuyên nhủ thượng-sĩ I Chín nên trở về nghỉ ngơi và lưu lại ở phi-đoàn, chờ đợi lệnh di tản để đi đến một nơi an toàn, chửa trị vết thương.
Anh Chín vừa bị thương, tâm thần còn đang giao động trong cơn khủng hoảng, nhiều xáo trộn do chuyến bay kinh hoàng, vợ con anh đang trông ngóng ở bên ngoài căn cứ. Anh Chín đã phải quyết định ở lại Việt nam. Chấp nhận một cuộc sống khổ ải theo vận nước đau thương của Việt- nam, cho trọn tình với gia đình và dân tộc.
Thành-Giang bụm mặt, không kềm nỗi cơn xúc động, tiếc thương cho một phi-hành-đoàn dũng cảm, can trường và đã hiến thân cho Tổ-quốc Việt- nam. Chín vị anh hùng dân tộc vừa nằm xuống cho một cuộc chiến tranh man rợ của Đảng Cộng-sản Quốc-tế.
Anh đang nghi ngờ trong phi-hành-đoàn nầy, có thể đã có một người bạn đồng môn quen thân của anh, một vài khuôn mặt quen thuộc, đang nắm giữ vai trò leader ngành kỹ-sư phi-hành (phi-cơ trang bị 4 động cơ), thông thường, những trưởng ngành phải có trách nhiệm thi hành những phi vụ hóc búa của đơn vị.
Một cái chết rùng rợn, đầy ám ảnh, như một câu chuyện thần thoại của chiến tranh, một đoạn phim kinh hoàng, một điềm báo chẳng lành cho một chiến hữu đồng môn, kỹ-sư phi-hành cuối cùng nào đó, có thể quen thân đã hy sinh cho tổ quốc. Sự ám ảnh kỳ lạ nầy đã đeo đuổi theo anh trong nhiều ngày liền trên đoạn đường di tản gian nan, nhiều đau khổ, xa vợ con, mất gia đình và xa lià tổ-quốc.
SỰ SỐNG BẤT NGỜ TRONG PHÉP LẠ
Thượng-sĩ I Chín bàng hoàng mỗi khi nhớ lại giây phúc hãi hùng trên không gian. Một sự sống bất ngờ, kỳ diệu của anh, hoàn toàn nằm trong cái chết. Chính cá nhân anh cũng không thể tin là anh còn có sự sống cho đến ngày hôm nay, do một phép lạ của thượng đế đã xếp đặt.
Anh Chín đã tiết lộ, chia sẻ những kinh nghiệm chiến trường hiếm hoi của anh rất ít có người Không-quân nào khác có được. Trong nhiều năm, những phi đạn hỏa-tiễn tầm-nhiệt SA7 cực kỳ nguy hiểm nầy đã sát hại rất nhiều người không-quân Hoa-kỳ lẫn Việt-nam. Phi-đoàn Tinh-Long 821 của anh cũng đã hứng chịu thiệt hại nặng nề vì loại vũ khí nầy. Hầu hết phi-hành-đoàn đều nhanh chóng tử nạn khi bị trúng đạn phòng không SA7, phần lớn do họ đã chậm trễ, không thoát thân ra khỏi phi cơ trước khi máy bay của họ gãy đổ, chao đảo trong không gian và họ đã chết theo phi cơ.
Do một vài kinh nghiệm của một số rất ít nhân viên phi-hành thoát hiểm sống sót trong những phi vụ bị bắn rơi bởi hoả-tiễn tầm-nhiệt SA7. Anh Chín đã rút ra một kinh nghiệm, luôn chịu khó áp dụng để chuẩn bị cho sự an toàn cá nhân của anh, khi gặp hữu sự.
Anh Chín đã trở thành một nhân viên phi-hành chịu khó nghiên cứu, có tính toán trong khi đang làm việc trên không trung với ba điều kiện phòng thân là: tiên liệu trước tình hình nguy hiểm, chọn lựa nơi làm việc thuận lợi dễ thoát thân và phải kiên nhẫn, chịu khó đeo dù trước. Đó là những lý do anh Chín thường chọn làm việc với khẩu đại bác liên thanh 20 ly số hai. Bởi vì, khẩu súng này nằm đàng sau đuôi phi cơ, chỉ cách cánh cửa hành khách bên trái độ một mét, cửa nầy không bao giờ đóng, anh có thể nhanh chóng thoát thân khi phi cơ bị trúng đạn phòng không. Mỗi khi phi cơ bắt đầu bay vào trận chiến, bao giờ anh Chín cũng hoàn tất việc đeo dù, luôn luôn có sẵn trên người. Tuy, nó hơi cồng kềnh, khó làm việc. Nhưng rất an tâm khi có hữu sự. Việc làm mà hầu hết các nhân viên phi hành khác không cho là quan trọng, cứ vứt bừa dù cá nhân của họ trên phi cơ.
Mặc dù, anh Chín đã chuẩn bị rất chu đáo cho một sự cố có thể sẽ xảy ra khi phi cơ bị trúng đạn phòng không SA7. Lúc phi cơ bắt đầu rơi, anh cũng đã bị cuốn hút vào phi cơ trong khi chiếc máy bay nghiêng qua ngã lại trên không trung, tưởng chừng anh không thể nào thoát ra khỏi chiếc phi cơ được và cùng với đồng đội chết tốt theo con tàu.
Một sự may mắn bất ngờ. Anh tự nghĩ do phép lạ của bàn tay thượng đế đã xếp đặt cho anh được sống. Khi phi cơ rơi vùn vụt xuống đất chỉ còn 700 bộ không quá 7 giây ngắn ngủi cuối cùng, sắp sửa kết liễu cuộc đời của anh. Phép lạ hiện đến, kéo thân phi cơ lật sang bên trái, nó trút anh Chín và trung sĩ Tân rơi ra khỏi phi cơ. Quả là một sự may mắn kỳ diệu, khó có thể tin được, mà thượng đế đã xếp đặt sẵn cho anh. Trước khi rời phi cơ, anh đã giật khoen bung dù và ôm cây dù đã giựt sẵn rời khỏi phi cơ. Chỉ cần dăm ba giây anh chậm trễ có thể anh đã va chạm vào lòng đất, mềm xương trước khi cây dù bọc gió kéo ngược anh lên.
Anh Chín đã sống trong suốt một đoạn đời nhiều ám ảnh của chiến tranh.
Mỗi lần nhớ đến thảm cảnh tháng Tư của Biến-cố Sài-gòn, anh lại tưởng nhớ đến những người ân nhân, những chiến sĩ can trường Nhảy-Dù đã cứu anh trong giờ tuyệt vọng.
TÌNH ĐỒNG ĐỘI CỦA KHÔNG QUÂN-NHẢY DÙ
HUYNH ĐỆ MỘT NHÀ
Nửa giờ đồng hồ bị thương, nằm trên bãi cỏ. Một chiếc xe díp quân đội của vài chiến sĩ Nhảy-dù, rất cam đảm. Từ bên trại Hoàng-Hoa-Thám, hơn hai dặm, họ đã nhìn thấy chiếc phi cơ lâm nạn hết sức kinh hoàng. Với hai bóng đen đã nhảy ra khỏi phi cơ. Các chiến sĩ nhảy-dù quả cảm nầy, họ đã xem thường đạn pháo cộng-quân, băng mình xuyên qua phi-đạo.
Họ tìm cứu những người chiến sĩ Không-quân can trường đã hy sinh chiến đấu, diệt cộng, bảo vệ Tân-Sơn-Nhứt và Sài-gòn. Họ đã dập tắt hết các khẩu đại pháo của cộng-quân. Để rồi, họ đã bị lâm nạn ngay trong phi trường Tân-Sơn-Nhứt. Lẽ nào bỏ rơi anh em, bỏ mặc cho họ hấp hối và chết tức tưởi ngay trước mặt của chúng ta?
Những người chiến sĩ Nhảy-Dù đã từng mệnh danh “Thiên-thần Mũ- đỏ”, họ không thể sợ chết, làm ngơ. Trong thâm tâm của họ đã thầm cám ơn Tinh-Long 07 đã đánh tan nát các dàn trọng pháo của Cộng-quân, cứu biết bao nhiêu sinh mạng trong căn cứ, Sư-đoàn Dù và gia đình của họ cũng là một phần tử chịu đựng chung số phận bị tàn sát do đạn pháo kích của cộng- quân đã bắn bừa bãi vào căn cứ Tân-Sơn-Nhứt.
Họ đã can đảm chạy từ trại nhảy dù đến địa điểm phi cơ bị lâm nạn, đang bốc cháy ngay bên trong vòng rào đông bắc Phi trường Tân-Sơn-Nhứt. Họ dùng băng ca, mang anh Chín lên xe và cấp tốc đưa anh về bệnh xá Không-quân, chữa trị vết thương, để gọi là “ơn đền công trả” của tình chiến hữu cao đẹp của Quân-lực VNCH.
Sau khi đã mang anh Chín về đến tận Bệnh-xá Không-quân. Người chiến sĩ Nhảy-dù lịch lãm, thể hiện một tâm tình cao quý. Huynh đệ Nhảy-dù Không-quân, trong một lời từ biệt hết sức cao đẹp: “Rồi, chúng tôi đã mang anh về đến bệnh xá Không-quân. Anh hãy cố gắng dưỡng thương và chóng bình phục! Chúng tôi phải gấp rút trở lại trại Dù, tiếp tục cuộc chiến đấu của chúng tôi”
Dứt lời, họ cáo từ, vội vã trở lại căn cứ Hoàng-Hoa-Thám, để tiếp tục cuộc chiến đấu. Anh Chín chưa kịp hỏi han danh tánh và tỏ lời cám ơn những vị ân nhân dũng cảm duy nhất chỉ có ở tấm lòng của những chiến sĩ huynh đệ Nhảy-dù, những người đã còn có nhiệt tâm đi tìm cứu nạn nhân, trong cái giờ Sài-gòn bị lãng quên của tuyệt vọng.
HÌNH 12
Đây là hai bức họa trình bày mặt trận phiá bắc phi trường Tân-Sơn-Nhứt, với sơ đồ căn cứ Tân-Sơn-Nhứt được tác giả phát họa những mục tiêu Tinh-Long 07 đã oanh kích, giải vây cho căn cứ. Bức sơ đồ nầy được nhìn từ khu vực Không Đoàn 53 Chiến thuật, cạnh Air Việt-nam và đài Kiểm-Soát Không-Lưu Tân-Sơn-Nhứt. Nhìn thẳng về hướng bắc, xuyên qua hai đường phi đạo. Những cột khói đen bên tay phải, chính là Đồn-Phòng-Thủ O-55 của căn cứ Tân-Sơn-Nhứt, đang bị áp lực đặc-công Việt cộng tại nơi đó.
Một trong hai hàng thiết bị của các ụ chứa phi cơ, có tường che trên nóc hình vòng cung, chống đạn pháo kích. Chính là nơi bức ảnh lịch sử đã chụp được chiếc Vận tải cơ Chiến đấu dũng cảm AC119K, Tinh-Long 07 của KQ/VNCH nổ tung, tan rã trên bầu trời Tân-Sơn-Nhứt. Đánh dấu trận chiến cuối cùng của KL/VNCH, cũng là thời điểm kết thúc Chế-độ Tự-do Dân-chủ của Miền-nam Việt-nam. Để đón nhận một chế-độ Xã-hội Chủ-nghiã mới man rợ, độc tài, khủng bố, nhũng lạm và nhơ bẩn cho cả nước Việt-nam.
HÌNH 13
Sơ đồ các cứ điểm quan trọng trong trận chiến Tân-Sơn-Nhứt, ngày 29-4-1975. Hình bản đồ vòng đai phi trường Tân-Sơn-Nhứt với các đồn- phòng-thủ của căn cứ Không-quân. Vị trí các phần sở KQ/VNCH. Vị trí nơi tác giả đang đứng và chứng kiến Tinh-Long 07 lâm nạn và vị trí nhiếp ảnh viên đã chụp bức ảnh lịch sử AC119K của KQ/VNCH cuối cùng. Nơi Cộng- quân bí mật đặt các loại vũ khí phòng không và hỏa tiễn tầm nhiệt đã tấn công và sát hại phi-hành-đoàn của chiếc phi cơ Tinh-long 07. Vị trí phi cơ lúc lâm nạn, đã nổ và rã ra làm hai phần ở trên bầu trời, cùng vị trí phi cơ đã rơi xuống mặt đất, nơi đồng trống, trong vòng đai phi trường.
Trung-úy Trang-Văn-Thành đã tiên đoán tình trạng chiếc phi cơ nguy hại của ông rất chính xác, ông đã quyết định khôn ngoan, chấp nhận việc làm nguy hiểm, sai quy tắc bay với một động cơ, chọn lựa quẹo trái, chấp nhận sự rủi ro, phi-hành-đoàn đã thiệt mạng.
Chỉ một cái nhích tay, giật cần lái phi cơ về bên trái, của một vài giây ngắn ngủi, trong gang tấc, chiếc phi cơ của ông đã rơi ngay bên trong vòng đai phi trường. Ông đã cứu sống được nhiều sinh mạng của người dân vô tội đang cư ngụ dầy đặc bên ngoài vòng rào căn cứ, thuộc quận Gò-vấp. Và ông đã trở thành một vị phi công anh hùng bất tử trong lòng những người Việt- nam Tự-do. Đã được ghi khắc vào một trang sử oanh liệt bất diệt của KL/VNCH
KHÓC BẠN
Tôi mệt mỏi, chán chường, tuyệt vọng, đau đớn cho sự sụp đổ của nước Việt nam Cộng hoà chính-nghĩa trong tủi nhục, thù hằn. Chúng tôi đã mất quê hương, bỏ lại vợ con, thân nhân, bằng hữu tại Việt nam, bắt đầu cho một cuộc hành trình lưu vong vô định.
Chiếc xe buýt của Quân-đội Hoa-kỳ vừa đổ vào cổng trại tỵ nạn tạm thời của người tỵ nạn Việt-nam tại một góc trong phi trường Utapao, trên đất Thái-lan. Trại chỉ cách bãi đậu phi cơ di tản của Không-quân VNCH không ngoài hai trăm thước. Hàng trăm chiếc phi cơ đủ loại đã bị sơn xóa các dấu hiệu của Không-quân VNCH. Những chiếc phi cơ đã mang đầy vết tích hư hại của chiến tranh.
Hơn hai ngàn người Việt-nam đã có mặt tại trại tỵ nạn Utapao kể từ sáng hôm qua 29-4-1975. Họ lũ lượt kéo nhau đến tận hàng rào kẽm gai bao bọc chung quanh cổng trại để tìm kiếm thân nhân đã thất lạc, săn tìm tin tức người thân, bạn hữu cùng đơn vị và nghe ngóng tình hình chiến sự của Thủ- đô Sài-gòn.
Tôi bước xuống xe, lòng buồn rầu khôn tả như người thất chí, lo lắng cho vợ con còn đang bị kẹt lại ở Việt-nam, trong bàn tay thô bạo của Cộng-sản. Tôi thiểu não với những bước chân nặng nhọc, chán chường. Từng nhóm bạn hữu của các loại phi cơ vận tải đồng môn, cùng khoá, cùng đơn vị đã kéo đến chào đón, chúc mừng cho những đồng đội may mắn mới vừa đến sau. Rất đông đảo bạn bè của 11 phi đoàn vận tải cơ của chúng tôi đã có mặt tại đây: Thằng Nhẫn, Danh, Bình cùng phi đoàn 431, C7A, bạn Nguyễn Thành Cưng của phi đoàn 718, Minh (cà chua), Giác C130.
Anh Nhã trưởng ngành Cơ-khí phi-hành của phi đoàn 431 ôm lấy tôi, rối rít chúc mừng tôi vẫn còn sống. Lúc chúng tôi cùng di tản sáng hôm qua trên phi đạo Tân-Sơn-Nhứt, phi cơ của Nhã do thiếu tá Thảo đã lái, anh Nhã nhìn thấy chiếc phi cơ C7A Caribou PK 384 của chúng tôi đã cất cánh trước, bay là đà, không thấy lấy cao độ bay lên không, rồi mất dạng trên bầu trời Sài-gòn.
Anh nào biết, Đại-úy Út đã bay tránh né phòng không của Việt-cộng đặt ở hai đầu phi đạo. Vừa rời khỏi mặt đường bay, đại-úy Út rẽ ngay phi cơ bay vào trung tâm thành phố Sài-gòn, ông bay sạt sạt trên nóc nhà, như trực thăng bay, rồi ông bay thấp theo lộ trình bay an toàn của Không-quân Hoa-kỳ, đang di tản trong vùng không phận của phi cơ trực thăng Mỹ di chuyển người ra khỏi thành-phố Sài-gòn, máy bay của họ đang ra vào từ Hạm đội ở ngoài khơi, biển Việt nam. Phi cơ chúng tôi thiếu xăng, phải ghé đảo Côn-Sơn để đổ xăng, ngủ qua đêm, trông chờ tin tức của Sài-gòn.
Anh Nhã sang Utapao sớm hơn chúng tôi một ngày, vào trưa 29-4-1975. Anh đã đi tìm tôi khắp mọi nơi trong trại tỵ nạn nhưng không thấy mặt tôi. Anh đã lầm tưởng, lo lắng cho số phận của chúng tôi, có thể đã bị lâm nạn đâu đó ở Sài-gòn, sau khi chúng tôi cất cánh, rồi mất liên lạc. Nhã chúc mừng đã gặp lại người bạn chí thân, đã phụ giúp anh điều hành tốt đẹp cho ngành Cơ-khí phi-hành của phi-đoàn Phượng-Long 431.
Bạn thân Lê-Hoàng-Ân cùng khóa 5/69 Cơ-phi, làm việc với Vận-tải cơ Chiến-đấu AC119G phi đoàn Hắc-Long 819 bước đến bên tôi trong vẽ mặt u buồn, đôi mắt đỏ hoe. Tôi đoán chừng đã có chuyện chẳng lành. Tôi chưa kịp hỏi. Ân xúc động, nghẹn ngào báo tin: “Thằng Tuấn rớt phi cơ, đã chết sáng hôm qua rồi…” Ân xúc động, bỏ dở lời nói.
Tôi bàng hoàng trong cơn xốc, đứng như trời trồng. Những gì tôi đã nghi ngờ sáng hôm qua khi chứng kiến chiếc phi cơ AC119K gẫy đổ giữa lưng trời đã trở thành sự thật, bạn thân của chúng tôi đã hy sinh cho tổ-quốc. Sự linh thiêng, đã xảy ra hoàn toàn đúng với sự ám ảnh, lo lắng và biết trước cái chết của chính mình, người Kỹ-sư Phi-hành cuối cùng, Phan-Quốc-Tuấn bạn thân của chúng tôi, đã thực sự hy sinh cho tổ quốc.
Tôi ngập ngừng, xúc động: “Có thật là Phan Quốc Tuấn đã chết rồi không?” Ân gật đầu, nhăn nhó trong cơn đau mất bạn. Đôi mắt tôi cảm thấy cay xót khi hình dung lại chiếc phi cơ gãy đổ kinh hoàng giữa không trung. Một đoạn phim kinh dị đã ám ảnh trong tôi, nó bám chặt lấy tôi trong suốt ngày hôm qua, tôi bồn chồn sau khi đã chứng kiến biến cố của chiếc phi cơ Tinh-Long 07 nổ tung kinh hoàng trên bầu trời.
Hình ảnh chiếc phi cơ Tinh-long 07 in đâm trong đầu óc tôi, nó bám víu lấy tôi như một sự ký thác linh thiêng gì đó nơi tôi. Ân buồn bã kể cho tôi nghe về câu chuyện bị ám ảnh của Phan-Quốc-Tuấn, anh đã thường trăn trối những lời cuối cùng với người bạn thân Lê-Hoàng-Ân, cũng là chú rể phụ trong đám cưới của Tuấn năm nào.
Mấy tháng qua, trước ngày mất nước, Quốc Tuấn đã làm hai cái thẻ bài khắc tên hai đứa con của anh, nó được đặt trong tủ cá nhân ở phi đoàn. Những đêm nào đi bay, Tuấn thường nhắc nhở cùng Ân. “Nếu chẳng may tao không về nữa hãy giúp đỡ Tuấn mang hai cái thẻ bài nầy về cho hai cháu!” Đó là ý nghĩa của một lời trăn trối và van xin người bạn thân hãy thương xót, chăm sóc giùm cho hai đứa con thơ của Tuấn, nếu Tuấn chẳng may hy sinh cho tổ-quốc.
Ân thở dài kể lể: “Sáng hôm qua, trong khi phi trường Tân-Sơn-Nhứt đang bị rối loạn vì pháo kích. Quốc-Tuấn đã vội vã thi hành phi vụ cuối cùng, anh đã không có dịp nhắc nhở hai chiếc thẻ bài trước khi từ biệt, lên đường giết giặc, cứu nguy thủ-đô Sài-gòn, cũng là lúc Tuấn đã thực sự ra đi vĩnh viễn.” Ân hối tiếc, vì cuộc di tản bất ngờ anh đã ra đi, không giữ được lời hứa với người bạn thân đã khuất, mang hai cái thẻ bài về cho hai cháu và báo tin sự tử nạn của Tuấn với gia đình, Tuấn đã đền nợ nước trong giờ phút thiêng liêng, thứ 25, của cuộc chiến tranh bi thảm Việt-nam.
Tại sao bạn Phan-Quốc-Tuấn đoán biết trước cái chết của chính mình? Lúc đó, tôi không thể hình dung được sự ám ảnh gì đã khiến cho Tuấn đã phải lo lắng đến nỗi đã biết trước vận mạng của mình, rất linh thiêng.
Chúng tôi bùi ngùi, hồi tưởng và nhắc lại chiếc thẻ bài “kỷ vật cho em” kỳ dị chưa từng có của Tuấn vào tháng 9-1974. Một điềm báo linh thiêng của Tuấn sẽ hy sinh cho tổ-quốc.
Trong khi các phi đoàn phi cơ vận tải bị đình động vì thiếu nhiên liệu để hoạt động. 11 phi-đoàn Vận-tải của KQ/VNCH đã chọn lựa mỗi phi đoàn một hai nhân viên Cơ-khí phi-hành nòng cốt, chúng tôi được gửi ra Trung tâm Huấn luyện Nha-Trang để theo học khóa 1/74 Cao-đẳng Cơ-khí Phi-hành Vận-tải. Trong giờ nghỉ giải lao của lớp học. Quốc-Tuấn đã cho chúng tôi xem chiếc thẻ bài “kỷ vật cho em” kỳ quái của anh.
Một chiếc thẻ bài với tên họ Phan-Quốc-Tuấn kèm theo một hàng chữ “Tổ-quốc Ghi-ơn” được nó sơn màu đỏ thẳm. Trông thấy chiếc thẻ bài có hàng chữ “đỏ của máu” quái dị tôi đã bị xốc, vô cùng ngạc nhiên. Với chúng tôi, đó không phải là một trò đùa, một điềm quái gở, có thể nó sẽ có huông, xui xẻo và sẽ trở thành sự thật.
Bạn Tuấn buồn bã kể lể thêm: “tao đã làm hai cái thẻ bài giống nhau, đã tặng cho vợ của tao một cái để làm ‘kỷ vật cho em’ nếu chẳng may tao không về nhà nữa”. Giờ đây, khó có thể tưởng tượng nổi, Tuấn đã thực sự biết trước chính xác cái chết rùng rợn của chính mình. Một hiện tượng kỳ bí khó tin. Một cái chết lịch-sử với cả trăm nghìn người chứng kiến sự quả cảm, hy sinh, và đã ái mộ những người chiến sĩ VNCH đã chết cho chánh-nghiã, diệt trừ những kẻ cuồng bạo, tạo dựng chiến tranh, chuyên cướp giựt chính quyền, bán nước hại dân.
Chúng bạn đã chất vấn, hầu tìm hiểu nguyên nhân về hành vi kỳ dị của Tuấn. Tuấn buồn buồn kể về câu chuyện phi-hành-đoàn AC119K của Tuấn đã truy lùng để tiêu diệt các đoàn xe tiếp tế của quân Cộng-sản Bắc- Việt xâm nhập từ Bắc vào Nam trên đường mòn Hồ-Chí-Minh. Phi cơ của Tuấn đã gặp phải phi cơ của Bắc-Việt trong đêm tối, mây mù, do hai cây đèn xanh xác định vị trí của hai chiếc phi cơ khác màu nhau. Họ nghi ngờ phi cơ Mig của Bắc-Việt, họ gặp nhau trong đôi phút trên không trung, không có không chiến và họ đã bay đi, sự kiện này, khiến cho Tuấn trở nên nhiều lo lắng và bị ám ảnh.
Mới nghe qua, chúng tôi nghi ngờ chuyện phịa cho vui, khi nghĩ kỹ lại, chuyện đó có thể lắm. Cộng-sản Bắc-Việt có phản lực cơ đánh nhau với Mỹ thường xuyên, xảy ra hà rầm ở trên không phận miền Bắc! Ai có thể cấm họ bay tuần tra trên đường mòn Hồ-Chí-Minh?
Câu chuyện đau thương, uất hận lẫn kiêu hùng của Tuấn đã đau đớn xảy ra ngày hôm qua, ngay trước mắt tôi, như thúc đẩy, đã gửi gắm nơi tôi một chuyện gì đó. Có lẽ, Phan-Quốc-Tuấn đã biết tôi có thừa khả năng để giúp anh ta làm một việc. Mang câu chuyện thật bi thương đầy dũng khí, linh thiêng của anh phổ biến đến với tất cả mọi người dân nước Việt. Anh đã cho tôi một sự chứng kiến cái chết cay nghiệt từ trên không trung của anh, một cái chết hùng tráng, ngạo nghễ, phi thường của những người Không- quân, không khuất phục định mệnh và kẻ thù, với cả triệu người đã chứng kiến chiếc Tinh-Long 07 oanh liệt, tan rã giữa không trung.
Tôi lau vội hai hàng nước mắt ướt cay, Tôi thương hai hai đứa con mất cha của Tuấn cũng như chính hai đứa con của tôi. Nó ẩn hiện trong tôi một ý nghĩ tự nguyện, tôi bảo với Ân: “sẽ có một ngày, tao sẽ viết lại câu chuyện kiêu hùng, bí ẩn của Phan Quốc Tuấn, bạn của chúng ta” Một lời nguyền tôi đã mang theo trong túi hành trang, Tôi đã mang nặng một “vết thương tâm não” của chiến tranh, trong suốt quãng đời tỵ nạn của tôi trong ba mươi năm lưu vong xứ người.
Sang Hoa kỳ, tôi đã ghi chú nhiều dữ kiện của cuộc chiến tranh thảm khốc Việt-nam, thượng đế đã xếp đặt cho tôi làm một người chứng nhân sống, dường như, bàn tay thượng đế đã che chở cho tôi trong mười phi vụ hiểm nghèo, thập tử nhất sinh, tưởng chừng tôi không vượt qua nỗi, tôi đã ghi nhận nhiều dữ kiện trong suốt 25 năm tôi sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh điêu tàn của Việt nam.
Đã 9 năm sinh sống ở Hoa kỳ, vì sinh kế, tôi chưa thể hoàn tất lời nguyền với vong linh của bạn tôi, Phan-Quốc-Tuấn. Hình ảnh ghê rợn của chiếc phi cơ bốc cháy khủng khiếp trên không trung, rơi xuống đất. Đạn pháo kích nổ tan tành căn cứ, sụp đổ trời đất, Việt cộng săn đuổi, truy lùng. Chúng tôi phải luồn lách lẫn trốn. Giựt mình thức giấc giữa đêm khuya, tôi mới hay mình vừa trải qua một cơn ác mộng của chiến tranh, dường như bạn tôi đã tìm về nhắc nhở tôi. Khi tôi đã chưa hoàn thành lời hứa với người bạn linh thiêng Phan-Quốc-Tuấn. Tôi đã thì thầm khấn hứa: “Tuấn à! Xin bạn để cho tôi yên một thời gian nữa, tôi sẽ có dịp viết lên câu chuyện ‘dũng cảm hy sinh cho tổ-quốc’ của bạn.”
21 năm trôi qua, ở tuổi 46 tôi đã bị ngã bệnh tim, phải giải phẫu, tưởng chừng không vượt qua nổi cơn bệnh ngặt nghèo của cái tuổi 47 trong cuộc đời lưu vong. Sau năm năm bịnh tình bình phục, tôi lo ngại bệnh tim sẽ tái phát, ra đi bất đắc kỳ tử, chưa hòan thành ước nguyện với người bạn chí thân, tôi quyết định sẽ đem câu chuyện “thần thoại” của “Tinh-long 07 Sáng-ngời”, với một nhân vật chánh có thực, duy nhất tôi biết chắc chắn trên chiếc phi cơ AC119K, đó là viên Kỹ-sư Phi-hành anh dũng Phan-Quốc-Tuấn
của phi-vụ tử thần Tinh-long 07, đã dũng cảm đền nợ nước tại Tân-Sơn-Nhứt, Sài-gòn, Việt-nam, qua bài sử-liệu KQ/VNCH thứ nhất mang tựa đề SÀI-GÒN GIẪY-CHẾT, với bút hiệu Thành-Giang.
Năm 2005, bài sử-liệu Sài-Gòn Giẫy-Chết được ra đời, cả chục tờ báo địa phương cùng các đài phát thanh đã đón nhận nhiệt tình, phát hành và phát sóng đi khắp nơi, giới thiệu phần một của cuộc chiến Tân-Sơn-Nhứt, ngày 29-4-1975. Tôi đã tóm lược toàn bộ tình hình chiến sự trong 24 giờ cuối cùng của mặt trận Tân-Sơn-Nhứt.
Đêm Không Gian năm 2005, chúng tôi cám ơn Không-quân Phan- Quốc-Hưng bạn cùng khóa với trung-úy trưởng phi cơ Trang-Văn-Thành, đã mua ủng hộ bức tranh “Tinh-Long Rực-Sáng” đã bị Gẫy Cánh Giữa Lưng Trời, anh đã đóng góp nhiều chi tiết về người anh hùng Không-quân trưởng phi cơ Trang-Văn-Thành và anh đã đề nghị gửi bài sử-liệu số 1, Sài-Gòn Giẫy-Chết cho tạp chí Sài-Gòn Nhỏ được sự tiếp nhận nồng nàn và phát hành trên 12 thành phố lớn ở Hoa-kỳ. Từ đó, bài sử-liệu Sài-Gòn Giẫy-Chết là một ngòi nổ gây sự chú ý của nhiều người Việt nam hải ngoại và các cựu quân nhân Không-Quân VNCH. Họ bắt đầu truy tìm tin tức của các nhân- viên phi-hành anh hùng của phi vụ Tinh-Long 07, đã bị quên lãng trong nhiều thập niên.
Chị Võ Thị Hoà và hai cháu Trang Võ Thành Thái và Trang Võ Hoà Thanh, là vợ, con trai trưởng và con gái của cố đại úy Trang-Văn-Thành đã nghe và đọc được bài sử-liệu Sài-Gòn Giẫy-Chết viết về phi vụ của anh Thành. Họ đã liên lạc với tác giả, gửi lời cám ơn bài viết, đồng thời, họ cũng cung cấp toàn bộ lý lịch, tiểu sử của viên sĩ quan phi công trưởng phi cơ anh dũng Trang-Văn-Thành, giúp cho tác giả hoàn tất bài Sử-liệu số hai mang tựa đề: Cuộc Tử-Chiến Trên Không-Phận Sài-Gòn, sau này, đổi tựa thành: Phi-Hành-Đoàn KQ/VNCH Cuối Cùng Hy Sinh Cho Tổ-Quốc, đã được các trang mạng lớn Việt-nam đã đón nhận nồng nàn, nhanh chóng chuyển tải, phát tán khắp nơi, trên hầu hết các trang mạng tên tuổi ở hải ngoại và trong nước Việt nam.
Năm 2005, Chị Hoà cùng hai con, một số thân hữu phi-đoàn-Tinh-long 821, cùng tác giả đã tổ chức một buổi giỗ, cầu siêu lần đầu ở hải ngoại cho 9 vị anh hùng tử sĩ Không-quân của Tinh-long 07 linh thiêng tại một chùa Việt-nam.
Năm 2010, Hài cốt của 8 vị tử sĩ Tinh-Long 07 đã chết bên trong phi cơ AC119K đã được cải táng và an vị ở một ngôi mộ tập thể khang trang, đẹp đẽ tại quận Thủ-Thiêm, Sài-gòn.
Một dịp họp bạn Không-quân Dallas, năm 2008, Trung-úy Nhẫn, hoa tiêu phó C7A Caribou buồn bã cho chúng tôi biết người bạn thân của anh là trung-úy Tào-Thuận, đã cùng với anh bay cho phi-đoàn Phượng-long 431, Caribou. Sau khi chuyển sang làm việc với vận tải cơ chiến đấu AC119K anh đã anh dũng hy sinh trên chuyến bay Tinh-long 07 nhưng không thấy có tên trên danh sách và không được nhắc nhở trong phi-hành-đoàn anh dũng nầy.
Anh cho biết, trung úy Tào-Thuận gốc phi công phụ Caribou. Anh đã làm việc cho phi-đoàn 431 được 3 tháng. Bên phi-đoàn AC119K tân lập cần một số phi công phụ, họ đã xin bên phi-đoàn 431 một ít nhân-viên phi-hành. Chính trung-úy Nhẫn, trung-úy Tào-Thuận và nhiều phi công phụ phi-đoàn 431 khác đã phải rút thăm. Trung úy Tào-Thuận đã trúng thăm để đổi sang học AC119K, làm việc với phi-đoàn Tinh-long 821. Cuối cùng anh đã hy sinh trong phi vụ Tinh-Long 07.
Vị anh hùng tử sĩ thứ 9 Bùi-Minh-Tân đã nhảy ra khỏi phi cơ, không có mang dù, chết bên ngoài phi cơ đã được người ta mai táng tại một nghĩa trang nào đó ở Việt-nam.
Anh hùng Tinh-Long thứ mười, là người may mắn nhất, đã sống sót trong sự mầu nhiệm, phép lạ của tạo hoá. Ông Nguyễn-Văn-Chín đã cho danh sách tên họ chính xác toàn bộ phi-hành-đoàn Tinh-long 07, ông đã quy tụ hầu hết thân nhân của các vị “anh hùng quốc-tử” đã hy sinh vì đất nước, trong các ngày giỗ hằng năm sau này.
Nhân chứng sống duy nhất trên phi vụ tử thần Nguyễn-Văn-Chín của Tinh-Long 07, 71 tuổi, đã tiết lộ những chi tiết rùng rợn, ly kỳ, ngoạn mục trong sự thoát hiểm có một không hai trong cuộc đời của ông, do bàn tay xếp đặt của thượng đế. Ông đã giúp cho tác giả hoàn thành bài Sử-liệu KQ/VNCH số ba, mang tựa đề: “Tinh-Long Rực-Sáng”, của Phi-Vụ Tử Thần nầy sẽ hoàn thành một bộ gồm ba bài tài liệu KQ/VNCH của Mặt-Trận Tân-Sơn-Nhứt trong Biến-Cố Sài-Gòn, ngày 29-4-1975. Một bộ tài-liệu lịch-sử hữu ích, lưu lại trận đánh ngọan mục cuối cùng của KL/VNCH trong Chiến- tranh Việt-nam.
TIỂU-SỬ VIÊN KỸ-SƯ PHI-HÀNH LINH-THIÊNG
PHAN-QUỐC-TUẤN.
Thượng-sĩ Phan-Quốc-Tuấn, sinh năm 1950, tại Sài-gòn. Thân phụ của Phan-Quốc-Tuấn là ông Phan-Tần, một tuỳ viên Lãnh-Sự Sứ-Quán VNCH ở Lào.
Tháng 10, năm 1969, Phan Quốc Tuấn gia nhập Quân-chủng KQ/VNCH, khóa 5/69 Hạ-sĩ-quan Cơ-khí Phi-hành Trực-thăng, theo chương trình Việt-nam-hoá của Chính-phủ Hoa-kỳ và Quân-đội VNCH. Ông Tuấn đã lập gia đình, gồm một vợ và hai con thơ. Ông đã có sáu năm phục vụ cho Quân- chủng KQ/VNCH, với 3,000 giờ bay trên phi cơ vận-tải. Và ông đã tạ thế năm 25 tuổi, ngày 29-4-1975.
Ở Quân trường Quân-sự Không-quân Biên-hoà, trong giai đọan II học quân sự HSQ, Phan-Quốc-Tuấn đảm nhận vai trò trung đội trưởng khóa sinh của trung đội 2, thay thế khóa sinh trung đội trưởng Trần-Văn-Rẹn được rút đi học lớp thứ 2 Cơ-phi Vận-tải.
Sau khi hoàn tất hai giai đoạn 6 tháng quân-sự. Phan-Quốc-Tuấn được tham dự lớp Vận-tải thứ 3 Sơ-đẳng Cơ-khí Phi-hành Vận-tải, gồm sáu tháng thụ huấn loại vận-tải cơ C119. Tuấn là trưởng lớp thứ 3, Cơ-phi Vận-tải.
Khóa học, chia ra hai giai đoạn: bốn tháng học địa huấn phi cơ C119, và hai tháng phi-huấn, có 60 giờ bay với phi đoàn Xích-long 413rd. Sau khi mãn khóa, một nửa nhân viên Cơ-khí phi-hành được phân phối về Không- đoàn 53 Chiến-thuật, học xuyên huấn (phi cơ khác loại) C123 phục vụ cho ba phi-đoàn 421st, 423rd, và 425th. Một nửa số nhân viên còn lại và Thành-Giang đã trình diện Không-đoàn 33rd Chiến-thuật, học xuyên huấn phi cơ C47, phục vụ cho phi đoàn Thanh-long 415th. Riêng Phan-Quốc-Tuấn ở lại phục vụ cho phi-đoàn Xích-long 413rd, Tuấn không cần phải học xuyên huấn.
Cuối năm 1972, phi đoàn Xích-long 413rd giải tán, Tuấn được gửi đi học loại phi cơ Vận-tải Chiến-đấu AC119K, do Không-quân Hoa kỳ huấn luyện. Tuấn làm việc với phi đoàn tân lập Tinh-Long 821st, Không-đoàn 53rd Chiến-thuật, Sư-đoàn 5 Không-quân, đồn trú tại căn cứ Tân-Sơn-Nhứt, Sài-gòn.
Phan-Quốc-Tuấn đảm trách phụ tá trưởng ngành Kỹ-sư Phi-hành (phi-cơ gắn bốn động cơ), dưới sự điều hành của trưởng ngành (leader) Thượng sĩ Nguyễn-Quang-Huy, bạn cùng khóa 5/69 Cơ-khí Phi-hành Vận-tải của chúng tôi. Huy đã học lớp 1 Vận-tải, Tuấn và chúng tôi đã học lớp 3 Vận-tải.
Tác giả đã có dịp, ba lần cùng học chung với Phan-Quốc-Tuấn: 6 tháng học lớp Quân-sự Biên-Hoà, 6 tháng học Sơ-đẳng Cơ-khí Phi-hành Vận-tải C119 tại trường Kỹ-thuật Tân-Sơn-Nhứt và 4 tháng theo học khóa 1/74 Cao-đẳng Cơ-khí Phi-hành Vận-tải ở Trung tâm Huấn-luyện Không- quân Nha-Trang.
Phan-Quốc-Tuấn là mẫu người Không-quân trẻ, nhưng rất điềm đạm, nghiêm nghị, giữ lời ăn tiếng nói, tháo vác, lịch sự, giữ tư cách, tôn trọng kỹ luật, có tinh thần trách nhiệm, can đảm. Năng học hỏi, rất giỏi tay nghề về môn kỹ-sư phi-hành, được nhiều lần bay ra ngọai quốc, để đi tổng-kiểm phi cơ AC119K ở Đài-Loan. Quốc-Tuấn mang ước vọng sẽ làm việc cho hãng Hàng-Không Dân-Sự Việt-nam trong tương lai, nếu có cơ hội.
Nhưng Phan-Quốc-Tuấn đã gặp rất nhiều trắc trở, gian truân trong cuộc đời Không-quân phi-hành với nhiều phi vụ bị rơi phi cơ, nhảy dù xuống biển, đã tạo ra những sự ám ảnh kỳ quặc, anh đã biết trước cái chết của mình và rồi Tuấn đã thực sự hy sinh cho tổ quốc trong trang sử oanh liệt cuối cùng của Không-quân Việt-nam Cộng-hoà.
Nhân đọc được một số bài sử-liệu của Hoa-kỳ do trung tá Không-quân Mỹ (Tony) Roy A. Simon đã viết về phi vụ nhảy dù xuống biển của chiếc vận-tải-cơ AC119K Stinger của ông, đó là lần đầu tiên Tuấn đã làm việc solo với phi-hành-đoàn huấn luyện viên của Hoa-kỳ, chuyến bay ngày hôm đó, không có ông thầy Mỹ Lee Kyser của Tuấn trên phi vụ khẩn cấp năm 1972, bài viết mang tựa đề: The Bailout of Stinger Eight-Three-Nine (story 9).
Nhờ đó, chúng tôi đã biết phần nào về sự ám ảnh nặng nề, kỳ quặc trong cuộc đời phi hành của một vị anh hùng Không-quân Phan-Quốc-Tuấn. Người đã tiên đoán chính xác và đã chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết của chính mình. Ông đã trở thành một nhân-vật lịch-sử trong phi hành đoàn của trung-úy trưởng phi cơ Trang-Văn-Thành trong phi-vụ danh tiếng AC119K, Tinh-long 07 Sáng chói, thuộc Không-lực VNCH. Họ sẽ sống mãi trong lòng dân-tộc Việt-nam yêu chuộng tự-do, dân-chủ, Không Khuất Phục Trước Kẻ Thù Xâm Lược.
Thì ra, những cái chết hãi hùng đã trực diện, bủa vây, đã nhiều lần xảy ra trong cuộc đời phi-hành của Tuấn, khiến cho Tuấn bị ám ảnh nặng nề, đã có linh cảm, chắc chắn mình sẽ phải chết trong chiến tranh và nó đã trở thành hiện thực. Một điều kỳ bí, khó tin, nhưng hoàn hoàn đã có thật. Linh cảm của Tuấn quá hiển linh!
10 nhân viên phi hành đã cùng một ý chí, một lòng can đảm, quyết tâm, đã tạo thành một “bó đũa” tập thể Phi-hành-đoàn dũng cảm duy nhất đã quyết tử, cùng sống và chết với nhau. “TẤM GƯƠNG SÁNG NGỜI” cho những người Việt-nam yêu nước và giữ nước.
HỎA-LỰC AC119K, TINH-LONG.
Ít có người tưởng tượng nỗi, về sức mạnh khinh hồn do hỏa lực của Vận-tải-cơ Chiến-đấu AC119K, Tinh-long đã hủy diệt địch quân. Mỗi một phút, viên phi công AC119K ấn công tắc tác xạ vũ khí của một khẩu súng minigun 6 nòng, bằng hệ thống ống nhắm bắn bằng điện tử rất chính xác, 6,000 viên đạn rải xuống một mục tiêu, trong khoảng cách mỗi viên độ ba tấc. Thử hỏi, làm sao địch quân có thể tránh né để sống sót cho được?
Cứ mỗi năm giây đồng hồ, phi công ấn công tắc tấn công địch quân, khẩu súng đại bác 6 nòng sẽ khạc ra từ 150 đến 200 viên đạn đại bác liên thanh 20 ly, nó sẽ bay đến mục tiêu cũng trong khoảng cách vài tấc một quả, rồi những viên đạn này sẽ phát nổ như những quả lựu đạn mini nổ một chùm, quý vị có thể tưởng tượng được mỗi một đợt đánh xuống một mục tiêu trong năm giây, cả trăm quả đạn đại bác như lựu đạn mini nổ cùng một lúc. Thì mục tiêu đó sẽ phải ra sao?
Hãy nghe lời tâm sự của một anh Bộ Đội Miền Bắc Việt-nam vô tình, đã kể lại đơn vị của anh tại một bãi chiến trường ở Bù-Đốp, dưới sự tấn công của “Tinh-Điểu” AC119K, có cái tên lạ là Tinh-Long, sau 30 năm anh vẫn còn bị ám ảnh, rợn người, anh đã phải mở lời trình bày câu chuyện bằng ba chữ: “Kinh khiếp thật! Đại đội của chúng tôi đóng chốt ở Bù Đốp. Bất thần, bị phi cơ từ đâu đó ở trên trời đánh xuống, những viên đạn chạm mặt đất nổ rền trời, anh nằm dài xuống mặt đất không biết phải chạy đi đâu để tránh né. Cứ mỗi 10 phút phi cơ lại vòng lại mục tiêu, rải đạn, đánh vào đơn vị của anh một đợt, vài trăm quả đạn đại bác liên thanh lại nổ rợp trời. Anh đã bị trọng thương, nằm dài trên bãi chiến trường chờ chết”.
Sau năm đợt oanh kích của chiếc phi cơ, nó đã để lại một bãi chiến trường xơ xác, trong một bầu không khí yên lặng, rợn người. Xác đồng đội của anh nằm ngổn ngang khắp nơi. Cả một đại đội mấy trăm người đều tử thương do gần một ngàn quả đạn đại bác mini, bắn xuống, hủy diệt họ trong đường kính hơn năm trăm thước. Chỉ duy nhất có hai người; anh và một người bạn nữa bị trọng thương và còn sống sót.
Khi anh nhìn lại khẩu đại-pháo của đơn vị anh, trước đó vài giờ, nó còn hiên ngang chông mũi súng lên trời, chờ địch quân. Giờ đây, sau khi bị oanh kích, nó chỉ còn lại hai có vỏ xe trơ trụi, nằm lăn lóc ở hai nơi. Anh đã nghĩ mãi! Không biết đó là loại phi cơ gì và vũ khí quái ác, độc hại kia là loại nào, đã sát hại gọn gàng cả trăm mạng người chỉ trong một giờ đơn vị của anh đã bị tấn công.
Những chiếc chiến xa Cộng sản Bắc Việt cũng đã từng nếm mùi, đại bác mini nổ chùm AC119K, họ đã phải né tránh những con “Thần-Điểu” đúng là loại “Tinh-Long” độc hại, với cả 100 quả đạn đại bác mini, đánh xuống một mục tiêu của chiếc chiến xa, nổ tung cùng một lúc, chỉ năm giây cho mỗi đợt oanh kích, cả trăm quả đạn, khó lòng họ bắn trật một mục tiêu. Làm sao anh cựu Bội đội Bắc Việt không thể thốt nên lời, “Kinh khiếp thật!”
Chiến trường Việt nam là một bãi thí điểm chiến tranh cho những loại chiến cụ quy ước khốc liệt của hai cường quốc: Hoa-kỳ và Nga-sô theo quy luật “vỏ quít dầy có móng tay bén nhọn”, để diệt trừ chiến thuật biển người độc hại của cộng sản bằng loại vũ khí đại bác liên thanh nổ chùm của Hoa-kỳ, để rồi hỏa tiễn tầm nhiệt được sáng tạo, phá hủy các loại phi cơ trang bị đại bác liên thanh độc hại đó của Mỹ. Tất cả chỉ có hai kẻ được hưởng quyền lợi của sự tranh chấp quyền lực, sản xuất để bán vũ khí cho chiến tranh.
Người Việt nam là những con người đã hy sinh vô ích cho đất nước và dân tộc của họ. Chỉ có ông Hồ là người chiến thắng, ngồi trên ngai vàng suốt cả một cuộc đời: ăn ngon, mặc đẹp, hưởng thụ đủ mọi thứ trên đời. Sát phạt người dân. Thoả mãn khát vọng cho cái danh xưng “Lãnh tụ Cộng sản Thế giới Vĩ đại” của ông ta. Ai chết mặc ai! Một tham vọng vớ vẩn, điên rồ, ông ta đã tiếp tay cho giặc Tàu cướp nước Việt-nam.
HÌNH ẢNH MƯỜI VỊ ANH HÙNG TINH-LONG 07 RỰC-SÁNG
Là thần-tượng, tiêu biểu của một Dân-tộc Anh-hùng Việt-nam. Chấp nhận mọi thử thách, không lùi bước trước Quân-thù. Không từ nan một sự hy sinh và QUYẾT TÂM đem máu xương của chính mình ra
CỨU NƯỚC, GIỮ NƯỚC, BẢO TỒN SỰ TOÀN VẸN CỦA LÃNH THỔ
VIỆT-NAM MUÔN-ĐỜI.
MỘT CÂU CHUYỆN CHIẾN TRANH GƯƠNG MẪU
Lưu truyền lại một thứ “ánh sáng thiêng liêng” làm hành trang “lên đường” cho những người thanh niên Việt nam yêu nước và cứu nước
HIẾN THÂN VÌ TỔ QUỐC
chống bọn nội-thù, ngoại-xâm, tham tàn cướp nước Việt-nam.
Tài-liệu Lịch-sử này cũng lưu lại cho các con cháu của
NHỮNG NGƯỜI KHÔNG QUÂN VIỆT-NAM CỘNG-HOÀ
Một sự Tự hào:
“ÔNG CHA CHÚNG TÔI
KHÔNG BAO GIỜ SỢ CHẾT GIỮA KHÔNG-GIAN!”
CHÂN THÀNH CẢM TẠ SỰ ĐÓNG GÓP DỮ KIỆN QUÝ BÁU CỦA:
KQ. Phan Quốc Hưng, phi-công AC47, PĐ Hoả-long 817, KQ Lê-Hoàng-Ân, phi đoàn Hắc-Long 819, AC119G, KQ Nhẫn, phi đoàn 431, C7A, Caribou, chị Võ-Thị-Hoà, Trang-Võ-Thành-Thái, Trang-Võ-Hoà-Thanh. Đặc biệt, KQ Nguyễn-Văn-Chín, phi-đoàn Tinh-long 821. Và cựu huấn-luyện-viên Kỹ-sư phi-hành của Không-quân Hoa-kỳ Lee Kyser.
TRI ÂN ĐẶC BIỆT
Xin trân trọng “Ghi-Ân” vong linh của người bạn thân, cố chiến hữu Không-quân Phan-Quốc-Tuấn đã điềm chỉ cho chúng tôi cái cầu chì bơm xăng bị tắt. Giúp cho động cơ trái của chiếc phi cơ C7A Caribou, PK 384 của chúng tôi đã quay nổ máy, giữa lúc nằm chịu trận “chờ chết” trên phi đạo Tân-Sơn-Nhứt đang bị pháo kích, vong hồn anh đã phù hộ cho chúng tôi được an lành, cất cánh và bay sang Thái lan.
Cũng chính nhờ “Câu chuyện Linh thiêng” của Phan-Quốc Tuấn, đã ủy thác, dẫn dắt và đào tạo cho tôi trở thành một nhà “viết sử nghiệp-dư”, để lại cho đời ba bài Chiến-sử Không-quân VNCH cuối cùng, quý báu, hữu ích cho sự nghiên cứu lịch sử Chiến tranh Việt nam. 30 năm trước đây tôi không hề dám nghĩ đến.
BÂY GIỜ, ANH HÙNG TỬ PHAN QUỐC TUẤN
ĐÃ THỰC SỰ YÊN NGHỈ!
Và tôi hoan hỷ đã hoàn thành Ước Nguyện Linh Hiển Của Anh.
Mang câu-chuyện “Anh-hùng Không-gian” phi-thường của Phan-Quốc-Tuấn và phi-hành đoàn Tinh-long 07
đến với Dân-tộc Việt-nam Thân thương, và Câu chuyện Không-quân Hào hùng nầy đã được ghi vào lịch sử muôn đời của QĐ/VNCH.
Tôi luôn, thương tiếc Ngày Quân Lực 19-6. Và tưởng nhớ ngày Không-Lực 1-7 hằng năm.
ĐỂ LUÔN HỐI TIẾC CHO MỘT QUÂN-ĐỘI “TỰ DO, ANH HÙNG VÀ CÓ CHÍNH NGHĨA” ĐÃ BỊ BỨC TỬ, TRONG SỰ UẤT NGHẸN.
Hình ảnh: Các huấn luyện viên AC119K Hoa kỳ (đứng hàng sau) huấn luyện cho nhân viên phi hành khóa sinh KQ/VNCH (hàng trước) từ trái sang phải:
Th/T phi-công Bob Krueger, HLV Vũ –khí Không biết tên, HLV ánh sáng Tr/s I Bill Islam, HLV Cơ phi Th/s Lee Kyser
Th/T Hoàng Nuôi, Đại úy Nguyễn Sơn, Th/s Dinh Nguyễn, Th/s Phan Quốc Tuấn (hàng trước)
Hình bán thân: Hình Th/s Tuấn, chụp ở trường HSQ Quân sự Biên Hoà, tháng 2-1970, trước khi về phép cuối tuần, ở Sài-gòn
Ảnh: Tác giả Thành Giang, nhân viên Cơ-phi C7A, Caribou, Phi-đoàn Phượng-Long 431, ảnh đã chụp tại phi trường An-Thới, đảo Phú quốc, năm 1973.
BỘ-ĐỘI CỘNG-SẢN BẮC-VIỆT
XÂM CHIẾM PHI-TRƯỜNG TÂN-SƠN NHỨT
Trưa ngày 30 tháng Tư, năm 1975. Cuộc tiến quân của họ đã bị đình trệ
hơn 24 tiếng đồng hồ, sau khi họ bị Tinh-long 07 xạ kích, đánh tan.
CSBV xâm chiếm bến đậu phi cơ C7A, phi đoàn Phượng-long 431.
Bộ-đội Bắc-Việt truy lùng Quân-đội VNCH tại các ụ chứa phi cơ trực thăng UH-1H, Tân-Sơn-Nhứt.
Chiến xa Cộng Sản Băc-Việt xâm chiếm bãi đậu phi cơ EC 47, phi đoàn 718.
ĐÔI DÒNG VỀ TÁC-GIẢ
Tác-giả Thành-Giang, còn có bút hiệu McBlan Lee trên các bài viết Anh-ngữ. Ông sinh năm 1950, ở tỉnh Tây-Ninh, Việt-nam. Thành-Giang gia nhập Quân-chủng KQ/VNCH, khóa 5/69 HSQ/CKPH-Vận tải. Đã thụ huấn các loại phi cơ: C119, C47 (DC3) và C7A Caribou. Ông có 6 năm phục vụ cho các phi-đoàn: Xích-Long 413, Thanh-long 415, Thần-Long 427, Sơn-Long 429 và Phượng-Long 431, với 3,000 giờ bay trên các loại vận-tải cơ.
Thành-Giang đã định cư ở Hoa-kỳ vào ngày 12, tháng năm, 1975, tại trại tỵ nạn Fort Chaffee, tiểu bang Arkansas, Hoa-kỳ. Ông đã lập gia-đình gồm có một vợ và hai con, sau mười năm chia cách, gia đình ông được đoàn tụ ở Mỹ, vào năm 1985. Và sau đó, họ đã có thêm hai người con trai.
Thành-Giang đã hoạt động trên nhiều lãnh vực: phát minh, hội hoạ, sáng tác âm nhạc, biên sọan, dàn dựng nhiều nhạc-cảnh, nhạc-kịch lịch-sử, kịch bản điện ảnh, viết phóng sự, bài báo và sử-liệu. Ông đã sở hữu ba bằng phát minh Hoa-kỳ và 31 bản quyền trước tác cho các thể loại kể trên.
Thành-Giang là tác giả của 3 bài Sử-liệu KQ/VNCH:
- Sài-Gòn Giẫy-Chết: Sài-gòn Nhỏ phát hành toàn quốc Hoa-kỳ, năm 2005. Bản dịch Anh ngữ “Saigon Death Struggle” đã hoàn tất và phát hành năm 2013.
- Phi-Hành-Đoàn KQ/VNCH Cuối Cùng Hy-Sinh Cho Tổ Quốc: Phát hành trên các trang mạng, năm 2007.
- Tinh-Long Rực-Sáng: phát hành năm 2013.
NHẮN TIN
Chúng tôi, một số cựu chiến sĩ Không-quân VNCH, khóa 5/69 HSQ-CKPH. Chúng tôi muốn liên lạc, để biết tin chị Phan-Quốc-Tuấn, vợ của cố chiến hữu KQ Quốc-Tuấn, người tử-sĩ đã được kể trong bài sử-liệu KQ/VNCH, Tinh-Long Rực-Sáng và hai cháu, con của anh. Một vài nguồn tin ở Việt-nam, cho biết chị Tuấn và hai cháu đã vượt-biển và đang định cư ở hải ngoại, hiện nay, chị và hai cháu đang ở đâu? Nếu nhận được tin này xin vui lòng liên lạc về: Lê-Hoàng-Ân anle819@yahoo.com, Thành-Giang tranhelen38@yahoo.com, Yêm Đào daoq69@yahoo.com, Chân Nguyễn chan_nguyen31@yahoo.com. Quý đồng hương ai quen biết gia đình chị Tuấn và hai cháu, vui lòng chuyển tin giùm. Chân thành cảm ơn.
NHỮNG ĐIỀU MƠ-ƯỚC
TƯỢNG ĐÀI KHÔNG-QUÂN VNCH
TINH-LONG RỰC-SÁNG
Chúng tôi rất mong ước có được một TƯỢNG ĐÀI KHÔNG-QUÂN VNCH ở hải ngoại, trong tương lai, để tưởng niệm, vinh danh các chiến sĩ KQ/VNCH vị quốc vong thân hằng năm. Lưu lại hình ảnh lịch sử của các vị anh hùng của Tổ-Quốc Không-Gian. Một nơi, để các thế hệ trẻ Việt-nam hải ngoại quy tụ, tưởng nhớ và ghi ơn những người Chiến-sĩ Không-quân đã hy sinh cho tổ quốc Việt-nam Tự-do.
Mỗi hội đoàn KQ/VNCH ở Hoa kỳ có thể sẽ bảo trợ, đảm trách công tác, đóng góp công sức gây quỹ, tìm kiếm tài chánh tạo dựng cho mỗi một bức tượng điêu khắc người chiến sĩ Không-quân. Mười hội-đoàn đóng góp sẽ hoàn thành 10 nhân vật không-quân điêu khắc của anh hùng Không-quân Tinh-Long Rực-Sáng. Hình ảnh tiêu biểu chung cho tất cả các cá nhân hoặc tập thể của các vị anh hùng Không-quân của KL/VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến-tranh Việt-nam.
Nếu Tập thể Không quân VNCH ở hải ngoại thực hiện được ước vọng Tượng đài Chiến-sĩ TINH-LONG RỰC-SÁNG nầy thì đẹp đẽ biết mấy! Rất Mong Lắm Thay!
DŨNG-SĨ ĐÀI “THẬP-ĐẠI TINH-LONG”
Ở HOA-KỲ
THÀNH-KÍNH TRI-ÂN
TRANG-VĂN-THÀNH
TÀO-THUẬN
TRƯƠNG-NGỌC-ANH
PHẠM-TẤN-ĐỨC
PHAN-QUỐC-TUẤN
NGUYỄN-THÁI-BÌNH
NGUYỄN-VĂN-BỀN
NGUYỄN-TIẾN-CƯỜNG
BÙI-MINH-TÂN
VÀ
Anh-hùng tại thế NGUYỄN-VĂN-CHÍN
THỰC HIỆN PHIM ẢNH TÀI-LIỆU
QUÂN-SỬ KQ/VNCH
Những bài viết Quân-sử KQ/VNCH, là các đề tài gợi ý và đề nghị hữu ích cho các nhà làm phim Việt-nam, sản xuất hình ảnh tài liệu về Chiến-tranh Việt-nam, đặc biệt về những hình ảnh sử-liệu Không quân VNCH. Hầu lưu lại những tài liệu lịch sử nầy, dùng để nghiên cứu, giải trí, giáo dục, noi tấm gương sáng của tiền nhân cho các thế hệ trẻ Việt nam.
Thành-Giang.
http://hoiquanphidung.com/CBNS/index.php/chuyen-linh/373-tinh-long-r%E1%BB%B1c-s%C3%A1ng.html
Biên Hùng chuyển
Bàn ra tán vào (0)
TINH-LONG RỰC-SÁNG
TINH-LONG RỰC-SÁNG
THÀNH-GIANG & NGUYỄN-VĂN-CHÍN
© Copyright 2013, by TG.
TẬP SỬ-LIỆU KQ/VNCH SỐ III
Ảnh bìa: Tinh-Long Gãy-Cánh Lưng-Trời
họa phẩm của tác-giả.
LỜI NÓI ĐẦU
Câu chuyên cuối cùng viết cho phi-hành-đoàn Tinh-Long 07. Theo lời kể của một nhân chứng sống duy nhất của chuyến bay định mệnh, Lịch-sử AC119K, đã bị Cộng quân bắn tan rã trên bầu trời Tân-Sơn-Nhứt, Sài-gòn, sáng ngày 29-4-1975. Thượng sĩ I Nguyễn-Văn-Chín đã tiết lộ nhiều chi tiết trung thực, rùng rợn, huyền bí, chưa từng được kể trước đây.
MẶT TRẬN TÂN-SƠN-NHỨT, NGÀY 29-4-1975.
Mặt trận Tân-Sơn-Nhứt rất quan trọng đối với Cộng sản Bắc Việt. Vì, muốn chiến thắng và chiếm đoạt được Miền nam Việt nam. Cộng sản Bắc Việt cần phải hủy diệt toàn bộ lực lượng Không-quân VNCH hùng hậu, là sức mạnh bảo vệ Thủ-đô Miền-nam. Tiên khởi, họ cần phải hủy diệt và tiến chiếm căn cứ Tân-Sơn-Nhứt, nếu căn cứ Không-quân nầy mất vào tay Việt cộng, ắt Thủ-đô Sài-gòn cũng sẽ phải mất theo. Và Chính-phủ Miền-nam sẽ phải bị sụp đổ hoàn toàn khi thủ-đô của họ nằm trong tay Cộng-sản Bắc-Việt.
Ở quá khứ, Cộng quân đã nhiều lần cố gắng đánh vào phi trường Tân-Sơn-Nhứt với hy vọng chiếm lấy căn cứ quan trọng nầy làm bàn đạp cưỡng chiếm Sài-Gòn trong dịp tết Mậu-thân, năm 1968. Nhưng Cộng-sản Việt- nam đã bị đánh bại với cái giá rất đắt họ phải trả cho số lượng cộng quân thiệt mạng rất cao trên chiến trường. Phần lớn nhờ sự tiếp tế chiến cụ, đạn dược dồi dào của Chính-phủ Hoa-kỳ, cùng với tinh thần chiến đấu bền bĩ và dũng cảm của QĐ/VNCH trong sự quyết tâm bảo vệ tòan vẹn lãnh thổ Miền-nam Việt- nam.
Tình hình chiến sự tại mặt trận Tân-Sơn-Nhứt trong biến cố tháng Tư của Sài-gòn, năm 1975, hoàn toàn khác hẳn trận tổng công kích Tết Mậu- thân, năm 1968. Sự phản bội, phủi tay, cúp viện trợ của Chính-phủ Hoa-kỳ đã là nguyên nhân chính yếu, cùng sự rút quân “thiếu tổ chức” vô trật tự của tổng thống Nguyễn-Văn-Thiệu đã làm cho Quân-Đội Miền-nam Việt-nam sụp đổ nhanh chóng, cán cân quân-sự đã nghiêng hẳn về phía CSVN, nhiều thị xã, tỉnh lỵ và Quân-khu của Miền-nam Việt-nam đã rơi vào tay Cộng-sản Bắc-Việt trong sự kinh hoàng, kéo theo sự sụp đổ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ QL/VNCH. Họ đã co cụm lại tại Thủ-đô Sài-gòn “chờ chết”, trong sự thoi thóp chiến đấu vô vọng với đạn dược nhỏ giọt, cạn kiệt. Sự bại trận nầy của Miền-nam Việt-nam, phần lớn do Chính- phủ Hoa-kỳ thất hứa, đã có chủ trương “bóp” cho tắc nghẽn sự sống của Quân-đội Miền-nam Việt-nam.
Khi đó, tinh thần chiến đấu của người lính VNCH vẫn còn cao hầu giữ sự bình an cho sinh mạng của chính thân nhân thân thương và dân tộc yêu chuộng tự do của họ, tránh khỏi bị rơi vào bàn tay ác quỷ của Cộng-sản: cưỡng chiếm, cướp giựt, tù đầy, giết chốc và hại dân bán nước. Nhưng họ đã không thể làm được những gì họ khao khát, họ đã phải đau lòng buông xuôi theo định mệnh của cuộc chiến bại, khi những khẩu súng trên tay của họ trở thành những khúc gỗ vô dụng, “không còn đạn dược”. Do lòng phản-tâm của những người cung cấp phương tiện chiến tranh.
Cũng như những lần tổng tấn công trước kia. Cộng-sản Bắc-Việt đã chuẩn bị mở ba mặt trận chính đánh thẳng vào căn cứ Tân-Sơn-Nhứt. Là một Lực-lượng Không-quân chủ lực, hùng mạnh, phòng thủ vững chắc cho Thành-phố Sài-gòn. Gồm có ba mặt trận: mặt trận phía tây Phi-trường Tân- Sơn-Nhứt, có các sư đòan Bộ-đội Bắc-Việt với những dàn hậu-pháo đủ các loại súng-cối, đại-bác và hoả-tiễn phóng pháo 122 ly, 130 ly, đặt rải rác ở Phú-Lâm, Bầu-Quang, Bà-Điểm, Bà-Quẹo. Mặt trận phía bắc gồm có chiến xa, Bộ-đội tùng-thiết với những dàn hậu-pháo và hoả-tiễn đặt ở Củ-Chi, Tân-Phú, Bùi-Môn, Hốc-Môn, Trung-Chánh, Quang-Trung. Mặt trận phía đông gồm Thủ-Đức, Xóm-Mới, Gò-Vấp. Cả thẩy có 16 Sư-đoàn Cộng-sản Bắc-Việt bao vây và cưỡng chiếm Thủ-đô Sài-gòn, Miền-nam Việt-nam.
Tiếc rằng, giới hữu trách Quân-đội Miền-nam Việt-nam đã bị khủng hoảng, sớm sụp đổ lòng kiên cường chiến đấu, đã bị hủy diệt tinh thần: Trách-nhiệm, Danh-dự, Bảo-quốc An-Dân. Họ đã không chịu tìm ra một phương sách thu gom toàn bộ lực lượng gồm: nhân sự, chiến cụ còn lại, thể hiện một tinh thần trách nhiệm cho một trận chiến cuối cùng tử thủ Sài-gòn theo tinh thần tử-chiến của Nguyễn-Khoa-Nam, Hồ-Ngọc-Cẩn, anh hùng Tinh-Long 07 và thiếu tá Trương-Phùng. Theo ước nguyện của người dân Việt-nam tự do. Chỉ cần thu gom và trang bị đầy đủ cho mười phi tuần A1 và mười phi vụ Tinh-Long cũng có thể tạo nên một sự “Chiến bại trong Danh-dự, tiêu diệt bớt Cộng-sản ác nhân” Lưu danh sự tự sát can trường của một Quân-đội VNCH dũng cảm, bị bức tử. Đánh tan nát và hủy diệt bớt những con người cộng sản cực kỳ độc hại cho nhân loại, chúng sẽ tàn phá thê thảm cho dân tộc và đất nước Việt-nam sau cuộc chiến.
SỰ PHẢN CÔNG CỦA KL/VNCH
Tinh-Long 06, AC119K, đã phối hợp với hai phi tuần khu trục cơ A1 Skyraider phản công, truy lùng và phá hủy các dàn trọng pháo của Cộng-sản Bắc-Việt ở mặt trận phía tây căn cứ: Phú-lâm, Bà-Điểm. Lúc 5 giờ sáng, Tinh-Long 07, AC119K do trung úy Trang-Văn-Thành trưởng phi cơ, cất cánh bay lên không, thay thế cho Tinh-Long 06. Tinh-long 07 tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các phi tuần A1 tiêu diệt hầu hết các ổ trọng pháo ở phía tây. Đã làm giãm nhiều hiệu năng pháo kích của Việt-cộng. Cuộc truy lùng, quần thảo và bắn phá của Tinh-Long 07 mất hơn hai tiếng đồng hồ ở mặt trận phía tây.
Chỉ có một loại phi cơ AC119K duy nhất của KQ/VNCH có trang bị hệ thống quan sát hồng ngoại tuyến tối tân nhất, nhìn thấy rõ tất cả các mục tiêu phóng pháo của Cộng-quân. Và hai khẩu đại bác liên thanh 20ly, nổ chùm, do chính phi công điều khiển, tác xạ bằng hệ thống ống nhắm điện tử rất chính xác, phá hủy các mục tiêu. Tinh-long 07 còn phối hợp chặt chẽ và chỉ điểm các tọa độ cho hai phi tuần Khu-trục A1 đồng đội tiếp sức ném bom. Họ đã đánh tê liệt các dàn trọng pháo phía tây của Cộng-quân. Chỉ còn lại các cứ điểm pháo kích ở mặt trận hướng bắc và đông bắc phi trường. Chúng lẻ tẻ rót vào căn cứ Tân-Sơn-Nhứt.
Lúc 7 giờ sáng, trung úy Trang-Văn-Thành rời mặt trận hậu-pháo của Cộng-Sản Việt-nam ở mặt trận phía tây. Ông đã bay Tinh-Long 07 về mặt trận phía bắc căn cứ, nơi Bộ-Đội Bắc-Việt và Đặc-công Việt-cộng lợi dụng sự pháo kích, gây sự khủng hoảng, xáo trộn cho đối phương, họ chuyển quân an toàn, nhanh chóng tiến sát vòng đai phòng thủ phi trường Tân-Sơn-Nhứt, hầu kịp thời, nhanh chóng xâm nhập, phá hoại và cấp tốc cưỡng chiếm Căn cứ Tân-Sơn-Nhứt. Mục tiêu huyết mạch cuối cùng của Quân-đội VNCH.
Cũng vào giờ đó, Đại-úy Trần-Văn-Phúc phải trở về đáp ở Tân-Sơn-Nhứt, vì phi cơ của ông đã cạn xăng, hết đạn dược. Thiếu-tá Trương-Phùng cũng mất liên lạc trong một khoảng thời gian ngắn sau đó.
Trung-úy Thành đã quần thảo, xạ kích ngăn chặn làn sóng chuyển quân ồ ạt về mặt trận phía bắc Tân-Sơn-Nhứt, lúc Bộ-đội Bắc-Việt và Đặc- cộng Việt-cộng tiến sát vòng đai phi trường, sau những đợt pháo kích đánh phủ đầu Quân-đội Sài-Gòn, theo chiến thuật cổ hủ “tiền pháo hậu xung” để cho Bộ-đội cộng sản, chiến-xa và đặc-công của họ rảnh tay nhanh chóng tiến quân, xâm nhập căn cứ ở mặt trận phía bắc của sân bay.
Tình trạng phi cơ Tinh-Long 07 còn hoạt động tốt, nó có thể tiếp tục công tác với số lượng đạn dược còn có thể xử dụng, oanh kích trên một giờ bay nữa. Chiếc phi cơ AC119K đơn phương nhập trận, phản công, tác xạ đại liên minigun lẫn đại bác liên thanh 20 ly đánh lên đầu đoàn quân Bộ-Đội Bắc-Việt và Đặc-Công Cộng-sản, đang gây áp lực nặng nề, họ cố cắt hàng rào kẽm gai ở phía bắc vòng đai phi trường, hầu xâm nhập phá hoại và tấn chiếm căn cứ Tân-Sơn-Nhứt.
Sau ba vòng-bay oanh-kích bằng đại bác liên thanh 20 ly, phá vỡ cuộc tiến quân ào ạt của Bộ-đội vào mặt trận phía bắc vòng đai căn cứ. Quân Cộng-sản Bắc-Việt đã bị khựng lại, dội ngược, chạy tán loạn như đàn kiến, phân tán mỏng, tìm chỗ ẩn thân, chờ thời cơ tiến quân, cưỡng chiếm căn cứ.
Trung-úy Trang-Văn-Thành vội vã cho phi cơ bay trở lại mặt trận phía bắc căn cứ ở vòng-bay xạ-kích thứ tư. Từ trên phi cơ, bầu trời trong sáng của buổi sớm mai, không áng mây. Hai đường phi đạo Tân-Sơn-Nhứt đồ xộ, rất gần trong tầm nhìn của phi công, nó nằm rộng rãi bên tay trái của hoa tiêu, ở hướng 9 giờ. Nó đã cho trung-úy Trang-Văn-Thành một sự tin tưởng vững chắc.
Nếu chẳng may, phi cơ bị trúng đạn của đối phương, ông chỉ cần giữ vững cho phi cơ bay trong năm phút, là đã có thể sẽ đáp xuống phi đạo an toàn. Vả lại, đã gần bốn giờ bay, kim đồng hồ xăng của phi cơ đã xuống thấp, đạn dược cũng đã xử dụng gần cạn kiệt. Rồi phi cơ của ông cũng sẽ phải đáp để tái trang bị cho một phi vụ khác. Với vài lời yêu cầu hạ cánh phi cơ của đoàn viên.
Đó là những lý do rất chính đáng khiến cho trung-úy Thành quyết định cho phi cơ bay xuống thấp ở 2,500 bộ, có thể đánh vòng bay cuối cùng, nhân tiện sẽ nhanh chóng hạ cánh để đáp, chấm dứt phi vụ. Với cao độ bay thấp nầy Trung-úy Thành tin tưởng sẽ tác xạ chính xác hơn, không đánh nhầm lẫn vào nhà dân, chằng chịt bên ngoài căn cứ, vừa có thể nhanh chống đáp xuống phi trường hay chẳng may gặp khẩn cấp, nếu có hữu sự.
Ngược lại, cao độ này của Tinh-Long 07 rất thích hợp cho các dàn cao xạ phòng không, hỏa tiễn chống phi cơ của quân Cộng-sản Bắc-Việt. Chúng đã âm thầm mai phục sẵn trong quận Gò-Vấp, ngay đầu phi đạo ở hướng đông. Họ đang chực chờ cơ hội, nhưng chưa có dịp tốt tấn công tiêu diệt con “Diều-hâu dũng mãnh 07” cuối cùng của Không-lực VNCH, nó đã gầm thét và đánh phá tan tành đoàn quân Bộ-Đội và Đặc-công của họ tại mặt trận phiá bắc phi trường.
Trò chơi “thợ săn chim sắt” của Cộng-quân đang bắt đầu tiến hành với một cơ hội hiếm hoi. Chẳng may, cho Tinh-Long 07 đã bay và lọt đúng ngay vào ổ phục kích, sẵn có của phòng-không, ở một cao độ lý tưởng, Cộng-quân khó có thể bắn sai lạc mục tiêu trong phen này.
DIỄN TIẾN “5 PHÚT TỬ-THẦN”
SỰ ĐỐI MẶT THẦN-CHẾT CỦA PHI-HÀNH-ĐOÀN
LỊCH-SỬ AC119K, TINH-LONG 07.
Qua ký ức của một nhân chứng, tác giả Thành-Giang, đã chứng kiến toàn bộ trong suốt “5 phút kinh hoàng” của chiếc đại-bàng-sắt Tinh-Long 07, đã bị gãy cánh giữa lưng trời.
Tác giả đã chứng kiến thảm cảnh nầy trong tầm nhìn lên phi cơ ở 2 dặm, phía đông bắc phi trường.
Qua 13 bức hình phát hoạ, diễn tiến toàn cảnh của chiếc phi cơ Tinh-Long 07 đã gãy đổ trên không trung.
Lúc 7 giờ 55 phút, sáng sớm, ngày 29-4-1975, bầu trời Sài-gòn trong xanh, không một áng mây, thấy rõ mọi cảnh vật. Tác giả Thành-Giang cùng nhiều nhân viên phi hành của phi đoàn 431st đã rời hầm trú ẩn, ra bên ngoài nghe ngóng tin tức về trận chiến cuối cùng của mặt trận Tân-Sơn-Nhứt, đang hồi kết thúc, Miền-nam sẽ phải thua trận, do đồng-minh Hoa-kỳ đã bỏ rơi. Áp lực pháo kích của Cộng-quân đã giãm nhiều so với lúc trời hừng sáng.
Âm thanh của chiếc phi cơ AC119K vẫn vần vũ trên bầu trời Sài-gòn mang nhiều sinh khí phấn khởi, hy vọng cho một ngày mới, trong tâm tư nặng trĩu sầu lo mất nước của mọi người, cả quân nhân lẫn người dân vô tội của Sài-gòn.
Thành-Giang đã đứng trên đường lộ, trước cửa phi đoàn Phượng-Long 431st, C7A Caribou của Không-đoàn 33 Chiến-thuật, nhìn ra phi đạo buồn tênh, họ sắp sửa phải rời xa nơi làm việc và bến đậu phi cơ quen thuộc của sân bay thân yêu, cho một cuộc triệt thoái hay di tản khỏi căn cứ Tân-Sơn-Nhứt.
Thành-Giang đã quan sát và theo dõi tỉ mỉ cuộc phản công ngoạn mục, oanh liệt của Tinh-Long Thép 07. Sau khi phi-hành-đoàn đã phối hợp, săn lùng và triệt hạ hầu hết các dàn trọng pháo, hoả tiễn của Việt-cộng đặt ở Bà-Điểm, Phú-lâm, Bàu-Quang, Hóc-Môn, thuộc mặt trận phía tây của sân bay Tân-Sơn-Nhứt.
Giờ đây, chiếc vận tải cơ AC119K đã đơn độc chiến đấu tại bãi chiến trường của mặt trận phía bắc vòng đai căn cứ. Nơi có sức mạnh của Không- lực VNCH cuối cùng, Cộng-quân cần phải tiêu diệt cho một cuộc chiến thắng, đánh bại Quân-đội Miền-nam. Hầu cưỡng chiếm quyền lực, áp đặt chế độ Cộng-sản vô-thần ở Việt-nam, phục vụ cho Đế-quốc Xã-hội Chủ-nghiã Cộng-sản không tưởng, man rợ.
Ở vòng-bay truy-kích thứ tư, đây là vòng bay sau cùng, từ trên cao độ 2,500 bộ, phi công dự định sẽ không kích vào đoàn quân Bộ-đội đang áp sát vòng đai phi trường Tân-Sơn-Nhứt, và đang lẫn trốn trong khu vực.
Và NĂM PHÚT TỬ-THẦN đã xảy đến, kết liễu phi-hành-đoàn của Phi-vụ Lịch-sử, Tinh-Long 07 qua 13 bức hoạ diễn tả thảm cảnh đổ nát của chiếc phi cơ, tác giả sẽ từng tự trình bày diễn tiến của chiếc AC119K lâm nạn, bị hỏa tiễn phòng không SA7 bắn tan rã trên không trung, theo thứ tự thời gian, từng giây phút một:
HÌNH 1
Xa xa, âm thanh quen thuộc của chiếc phi cơ AC119K, Tinh-Long 07 nghe văng vẳng từ hướng đông nam của phi trường. Trong 3 phút, chiếc phi cơ bắt đầu hiện rõ, chần dần ở hướng đông, trên bầu trời xanh, trong tầm nhìn 2 dặm. Nó bay dọc theo vòng đai đông bắc của phi trường, tiến về mục tiêu nằm ở hướng bắc của căn cứ, tại đồn-phòng-thủ 0-55 của sân bay. Trung- úy Thành đã thông báo cho phi hành đoàn. Ông hạ thấp phi cơ để đánh vòng bay cuối cùng, nhân tiện ông sẽ hạ cánh đáp xuống phi trường Tân-Sơn-Nhứt, chấm dứt phi vụ Tinh-Long 07.
Đứng trước cửa phi đoàn, trong căn cứ Tân-Sơn-Nhứt, Thành-Giang vừa ngạc nhiên lẫn hết sức lo ngại cho Tinh-long 07. Nó đã bay chậm chạp ở độ cao quá thấp, nhìn thấy rõ mồn một, chần ngần như một chiếc xe buýt chở hành khách, hiện ra trước mắt mọi người.
Tác giả đã âm thầm nghĩ đùa rằng: “bay thấp kiểu này súng trường bắn lên cũng tới phi cơ nữa, huống hồ gì là phòng không của địch quân! Trời đất ơi! Không biết ông phi công nào mà ổng gan quá vậy trời!”
HÌNH 2
Ý nghĩ của tác-giả chợt thoáng qua. Đột nhiên, 4 đóm lửa kèm 4 tiếng nổ kết thành một chùm, nổ chát chúa trên không trung, rất sát với nửa thân sau của chiếc phi cơ. Những tiếng nổ long trời, gây chấn động tâm thần của cả triệu người đang chứng kiến, theo dõi chiếc phi cơ cứu tinh cuối cùng của KL/VNCH. Mọi người đang lo lắng, sợ hãi cho tình hình chiến sự bất lợi của Miền-nam Việt-nam, sẽ phải bị lọt vào tay Cộng-sản Bắc-Việt độc ác.
Phi-hành-đoàn trên không, cùng những chứng nhân dưới đất và tác giả đều đã nhói tim, chứng kiến cuộc tấn công chiếc phi cơ, thật kinh hoàng.
May mắn thay, chiếc phi cơ vẫn còn nguyên vẹn, hai cái động cơ vẫn hoạt động bình thường. Chiếc AC119K bay lướt ra khỏi 4 đóm khói đen của phòng không đã để lại trên bầu trời.
Trong lòng Thành-Giang đột nhiên âu lo nghĩ ngợi vẩn vơ đến một vài người bạn đồng môn nào đó của mình, có thể họ đang ngồi trên chiếc phi cơ này, quá nửa số bạn bè đồng lớp của ông đã làm việc cho phi đoàn Tinh-Long 821st. Linh tính đã cảnh báo trước, có thể có một người Kỹ-sư Phi- hành đồng môn quen thân của ông đang hiện diện trên chuyến bay nguy kịch ngày hôm nay!
HÌNH 3
Sự vui mừng thoát nạn của Tinh-Long 07 chưa kịp dứt, đã đột ngột xảy ra một sự biến động kinh hoàng khác. Chỉ 10 giây, sau khi phi cơ bay ra khỏi đám khói đen phòng không nổ chùm. Một tiếng nổ long trời khác phát xuất từ bên trong lòng động cơ bên tay trái: lửa đỏ, khói đen, miểng bom, mảnh vụn phi cơ đã lao ra từ vòng khung cánh cửa giải nhiệt “cowl flap” của động cơ, cũng là nơi đặt các ống bô thoát khói của cái máy trái. Những cái ống khói nầy đã toả nhiệt rất cao, tạo ra sự hấp lực cho hoả-tiến tầm-nhiệt phòng-không SA7. Nó đã bay đuổi theo phi cơ và chui vào ống khói, rồi phát nổ từ trong lòng động cơ bên trái.
Các nhân chứng và tác giả đã trừng trừng những đôi mắt kinh hoàng, há hốc, rú lên những lời hối thúc khẩn thiết “Trời ơi! Trời! phi cơ đã bị trúng đạn hoả tiễn phòng không rồi! Nhảy dù ra! Mau lên!”
HÌNH 4
Sau tiếng nổ, lửa đã tắt, để lại những làng khói đen xung quanh động cơ trái. Chong chóng của động cơ cũng bắt đầu quay chậm lại, rồi máy trái của phi cơ tắt hẳn.
Tất cả 10 nhân viên phi-hành trên phi cơ đều cùng một cảm nhận khiếp đảm khi phi cơ của họ đã bị trúng đạn hỏa tiễn phòng không SA7 vô cùng nguy hại, với sự chấn động của sức nổ, xóc mạnh, tưởng chừng chiếc phi cơ của họ đã tan rã trên không trung. Giờ đây, nó có thể sẽ rơi bất cứ lúc nào. Phi-hành-đoàn đều lo lắng và chuẩn bị cho một cuộc nhảy dù thoát hiểm khi cần thiết.
Trung-úy Trang-Văn-Thành cố giữ bình tĩnh, mặc dù ông biết rất rõ tình trạng hư hại của chiếc phi cơ cực kỳ nguy hiểm. Trách nhiệm của một trưởng phi cơ đối với sinh mạng phi-hành-đoàn và đối với dân chúng đang sinh sống đông đảo ở quận Gò-Vấp, nằm bên phải của chiếc phi cơ, ở ngoài vòng rào phi trường.
Phản ứng cấp thời của trưởng phi cơ, trung-úy Thành trấn an đoàn viên, công bố ngay lệnh đáp khẩn cấp, phi-hành-đoàn phải buộc dây an-toàn. Thượng-sĩ I Chín đã từ bỏ ý định nhảy dù thoát hiểm ra khỏi phi cơ, dù lúc đó, trong lòng anh đang bất an, muốn nhảy dù ngay sau khi tiếng nổ với lửa đỏ kinh hoàng đã tỏa ra bên hông phi cơ.
Ba lý do chính yếu khiến cho trưởng phi cơ phải quyết định cấp tốc, nghiêng phi cơ, quẹo bên trái, một việc làm sai nguyên tắc, rất nguy hiểm, đi ngược lại quy luật bay khẩn cấp với một động cơ đã bị tắt máy, phi công không bao giờ được phép quẹo phi cơ sang bên phía động cơ đã hư hỏng, máy đã tắt, sẽ khiến cho phi cơ bị nghiêng đổ trên không trung, mất thăng bằng, bị triệt nâng, phi-công không thể nào kéo phi cơ cân bằng trở lại để đáp khẩn cấp, trong sự an toàn.
Tình thế phi cơ đang nguy ngập, động cơ hư hại nặng nề, chiếc phi cơ AC119K không có thể bay lâu hơn, để phi công có thể bay vòng qua phía bên động cơ phải còn đang tốt, để có thể băng qua không phận quận Gò-vấp, họ phải mất ít nhất 20 phút trước khi đáp. Trung-úy Thành đã biết trước phi cơ của ông sẽ sớm gãy đổ, nếu quẹo phải sẽ rơi trên nhà dân. Chẳng những phi- hành-đoàn chết tốt, dân chúng cũng sẽ chịu thiệt mạng lây.
Ngay sau khi tiếng nổ của hoả tiễn tầm nhiệt SA7 vừa chấp dứt. Nó đã để lại những mảnh thiết vụn vỡ còn dính lại trên vỏ máy của động cơ, phát ra những âm thanh bành bạch ghê rợn. Trung-úy Thành đã dồn dập tra vấn nhân viên phi hành: “Phi hành đoàn! Hãy đi tìm xem những tiếng kêu bành bạch gì mà kỳ lạ quá vậy?”
Hai nhân viên vũ-khí phi-hành cũng điếng hồn vì tiếng động lạ, Thượng-sĩ nhất Nguyễn-Văn-Chín và trung-sĩ Bùi-Minh-Tân đã chạy ngay đến cửa hành khách bên tay trái ở đàng sau đuôi phi cơ và họ đã khám phá ra một mảnh thiết vụn vỡ của vỏ động cơ đã bị gió tác động vỗ vào thân đuôi bên trái, phát ra những tiếng kêu ghê rợn. Thượng-sĩ I Chín vội vàng báo cáo với trưởng phi cơ. Trung-úy Thành có cảm giác phi cơ của ông đang đến hồi tệ hại, sắp tan rã giữa không trung. Ông không thể nào giữ cao độ của phi cơ thêm được nữa. Đồng lúc, nhân viên đài kiểm soát Không-lưu Saigon Tower đã thấy cái động cơ đã tắt máy, hỏi dồn dập:
- Tinh-long 07, bạn còn có thể điều khiển được phi cơ để đáp không bạn?
Trong lòng bất an, toàn bộ dàn phi cụ của máy trái đã rớt xuống 0, các
cần lái bắt đầu bị kẹt, khó điều khiển. Giọng trung-úy Thành rất khẩn trương:
- Chúng tôi không chắc sẽ lết kịp đến phi đạo để đáp đâu đó! Saigon Tower!
Trung úy Thành cố gắng nghiêng phi cơ 15 độ về bên trái, quyết định cấm mũi phi cơ lao ngay xuống mặt phi đạo cho kịp lúc đáp, trước khi phi cơ gãy đổ và sát hại phi-hành-đoàn. Ông đã dự đóan, nếu quẹo trái chỉ mất 5 phút đáp xuống phi-đạo, quẹo phải bên động cơ tốt đúng theo nguyên tắc bay khẩn cấp một động cơ, ông sẽ phải mất tối thiểu 20 phút phi cơ mới chạm được mặt đường bay. Chiếc phi cơ của ông chắc chắn sẽ không chịu đựng nỗi 20 phút bay, trước khi đáp.
Tình thế quá hiểm nghèo, Trung-úy Thành đã phải nhanh chóng quyết định cho một chuyến bay định mệnh cuối cùng trong cuộc đời phi công dũng cảm của ông.
HÌNH 5
Từ dưới mặt đất ở phi trường , các nhân chứng đã nhìn thấy chiếc phi cơ AC119K của trung-úy Thành nghiêng về bên trái 15 độ, theo hướng phi đạo Tân-Sơn-Nhứt họ đang đứng. Ông đã quyết định nhanh chóng lao đầu phi cơ xuống để đáp khẩn cấp, bất chấp mọi sự rủi ro. Mọi người đang nôn nóng chờ đợi. Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo sau đó?
HÌNH 6
Thưa cùng quý vị! Đôi mắt chúng tôi đứng trồng, nhìn không chớp, miệng há hốc, hơi thở trong buồng phổi căng lên, đông cứng lại khi tâm trí của chúng tôi phải tiếp nhận một cảnh tượng hãi hùng. Cái cảm giác rùng rợn như chính mình đang ngồi trong chiếc máy bay tử thần, đang gãy đổ, tuyệt vọng giữa không gian, sắp kết liễu cuộc đời mình. Nó đã xảy ra rất chính xác như cảm tính nhạy bén của trưởng phi cơ Trang-Văn-Thành.
Chỉ vài giây thật ngắn ngủi, cánh trái đã gãy xấp lên không. Trong cảnh tượng rùng rợn, chậm chạp diễn ra trong tâm trí mọi người, với nỗi lo lắng, hồi hộp, mọi người đã nôn nóng, kêu gào thúc giục phi-hành-đoàn: “Trời ơi! Ghê quá, nhảy dù ra mau... nhảy dù ra... nhảy dù ra… lẹ lên”
HÌNH 7
Cánh ngoài bên trái đứt lià ra tương tự như một người đang bị chặt đứt lìa một cánh tay, chỉ còn trơ lại bắp tay cục mịch. Áp xuất không khí kéo cánh trái đứng thẳng lên không, nó xoắn cái “boom” đuôi bên trái của phi cơ, làm cho nó xúc xổ luôn cái cánh lái đuôi, dùng để cho phi cơ bay lên xuống. Hình ảnh chiếc phi cơ rã ra hai mảnh ghê rợn giữa lưng trời, chậm chạp như một đoạn phim quay chậm. Khiến cho cơ thể tôi bị đóng băng, đứng như trời trồng, trong ba mươi giây, tiếp nhận hình ảnh kinh hoàng của chiếc phi cơ lịch sử Tinh-Long 07 đang rơi giữa không gian.
Trung-úy Trang-Văn-Thành chỉ kịp kêu gào đứt đoạn, thúc giục đồng đội nhảy dù thoát thân:
“Phi-hành-đoàn! Ai nhảy dù được... nhảy dù ra, mau lên...” Rồi dòng điện phi cơ bị cắt đứt, một khối sắt vô dụng, nó đứng giữa lưng trời, rồi bắt đầu lao vùn vụt xuống mặt đất.
HÌNH 8
Cánh trái và động cơ trái đã tách rời hẳn khỏi thân phi cơ. Tạo ra sự rối loạn toàn bộ của chiếc máy bay. Các bộ dây cáp điều khiển các cánh lái phi cơ đã bị giựt đứt gọn. Cả hai động cơ đều bị tắt máy. Dòng điện phi cơ cũng bị cắt đứt ngang. Không còn một tiếng động, ngoại trừ những tiếng bành bạch của những mảnh thiết vụn chạm vào nhau tạo thành những tiếng khua hoà lẫn gió rít lùa qua khe hở của phi cơ.
Chiếc máy bay bắt đầu rơi tự do trong không gian. Toàn bộ phi-hành- đoàn khó lòng thoát cơn hoạn nạn, nắm chắc phần tử vong.
HÌNH 9
Hàng tấn vũ khí, đạn dược trang bị trong thân tàu khiến cho nó nặng nhất và có khuynh hướng rơi xuống trước. Cánh phải phi cơ mỏng manh, có bề mặt to, nhẹ nhàng, sức cản của không khí lớn. Áp xuất không khí tác động, đã làm cho nó lèo lái cái thân phi cơ nặng trĩu, ngã nghiêng, rồi lật ngửa giữa bầu trời.
Trong phòng lái, viên kỹ-sư phi-hành, thượng-sĩ Phan-Quốc-Tuấn, đã đeo được dù, mở dây an toàn rồi, bàn tay mấy lần chạm phải cái khóa cửa trên nóc phi cơ, cũng bị vuột ra khỏi tầm tay vì sức chao đảo của thân phi cơ.
Hai viên phi-công chưa kịp mở dây an toàn, còn đang treo người lủng lẳng trên ghế ngồi, đầu dộng ngược xuống đất. Mắt họ trừng trừng khiếp đảm nhìn vào lòng đất cứng rắn hãi hùng. Họ chỉ còn đủ thời gian làm dấu, từ biệt thế gian. Trung-úy Thành rùng mình cảm nhận cái chết cận kề, ông đã lỗi hẹn, sẽ không trở về cùng với vợ con đi di tản.
Mọi người trên phi cơ đang âm thầm cầu nguyện cho cái chết của chính bản thân mình.
Từ 2,500 bộ khối sắt rớt vùn vụt xuống 700 bộ, với thời gian đã mất 13 giây.
HÌNH 10
Khối sắt vụn đã rơi xuống quá nữa lộ trình trong không gian. Còn 700 bộ. May mắn thay, những nhân chứng đã vui mừng nhìn thấy hai cục đen đã rơi ra khỏi khối sắt vô dụng, trong giây phút tuyệt vọng. Nó lao vùn vụt xuống mặt đất. Mọi người đang lo lắng cho số phận của hai người, khi những nhân chứng thất vọng, họ đã không nhìn thấy một cây dù hy vọng nào được bung ra trên bầu trời khói lửa chiến tranh của Sài-gòn.
Từ 700 bộ đến mặt đất, sức rơi của một con người phải mất 7 giây. Nếu chúng ta muốn biết trong 7 giây ngắn ngủi đó, mức độ rơi nhanh chóng như thế nào? Chúng ta sẽ làm được gì để bung dù và sống sót? Thử nhìn vào kim đồng hồ, đếm bảy giây và làm thử các động tác nhảy dù chúng ta có thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho viên Thượng-sĩ nhất Nguyễn-Văn-Chín, nhân viên vũ-khí phi-hành có nhiều năm kinh nghiệm trên không trung. Ông đã thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc của 7 giây ngắn ngủi cuối cùng trong sự chết.
Anh Chín cho biết, chính nhờ cái miếng thiết vụn vỡ, còn dính ở vỏ động cơ đã tạo ra tiếng kêu bành bạch đó, nó đã cứu anh sống đến ngày hôm nay. Theo lệnh của trưởng phi cơ. Thượng-sĩ I Chín và trung-sĩ Tân hai người đang làm việc trong phòng hàng hóa, nơi chứa các loại vũ khí trang bị trên tàu. Hai người đã chạy đến cửa hành khách bên trái, nằm ở phía sau cùng của thân phi cơ, họ tìm kiếm nguyên nhân gây ra tiếng kêu lạ. Cũng là lúc phi cơ bắt đầu nghiêng đổ trong không gian. Họ bám chặt vào thành cửa, để rồi một sự may mắn bất ngờ của phép lạ. Thân phi cơ đã đổ về bên trái, hai người cố hết sức, búng mạnh và rớt ra khỏi phi cơ, khi nó chỉ còn lại 700 bộ cuối cùng trong cái chết cận kề của sự rơi, và đã biến anh Chín trở thành một người vừa trở về từ cõi chết trên không gian! Vô cùng kỳ diệu!
Trung-sĩ Tân chưa kịp mang dù, quá sợ hãi, nhảy đại ra khỏi phi cơ, rơi xuống đất trong trạng thái tay chân chới với, bơi lảo đảo trong không khí, chạm mạnh vào lòng đất, lún sâu và mềm xương, chết tốt với thân xác còn nguyên vẹn.
HÌNH 11
Tinh-Long thứ mười Nguyễn-Văn-Chín may mắn nhất, khôn ngoan nhất “đeo dù sẵn” trong suốt thời gian làm việc trên phi cơ, người phi-hành nhanh nhẹn nhất đã hoàn tất việc bung dù trong 7 giây ngắn ngủi, đạt kỷ lục, tưởng chừng ông đã tan xác với sự va chạm vào lòng đất, nếu ông bung dù chậm trễ đi chỉ hai giây đồng hồ.
Tay anh Chín đã nhanh nhẹn giựt khoen bung dù trước khi nhảy ra khỏi phi cơ, anh ôm gọn cây dù trong vòng tay, nhảy ra ngoài phi cơ, rồi buông hai tay cho dù bọc gió. Thời gian này đã mất đi hơn bốn giây. Anh chờ mãi trong sự rơi, vẫn chưa thấy dù bung ra. Một sự va chạm đau điếng vào lòng đất với một cái xóc mạnh, giật ngược anh Chín lên không của cây dù sắp bọc gió.
Đồng lúc thân phi cơ, đổ ngược cái lưng xuống trước, va chạm vào lòng đất rung chuyển cả không gian với quả cầu lửa rựng lên sát bên chỗ anh Chín đang nằm, độ 20 thước. Nhiên liệu phi cơ, đạn dược, hỏa châu, thi nhau bốc cháy dữ dội.
Sức nóng của lửa đã tạo ra sức gió, cuốn cây dù của anh Chín vào đám lửa. Anh Chín cố chịu đựng sự đau đớn phát xuất từ chấn thương cột sống và chân trái, cố hết sức bình sinh, anh giật hai khoen rời dây dù để khỏi bị lôi cuốn vào ngọn lửa. Anh gắng gượng ngồi dậy, trông chờ những đồng đội may mắn, có thể còn sống sót, rời khỏi phi cơ. Nhưng hởi ôi! Không có một ai may mắn còn sống sót trong đám lửa đỏ thiêu thân.
Cơn đau đớn vì chấn thương cột sống và chân trái bắt đầu hoành hành, khiến anh gục người xuống và nằm dài trên đám cỏ dại, bên trong vòng rào phi trường Tân-Sơn-Nhứt.
May cho anh Chín, đã được một số chiến hữu Nhảy Dù can trường, họ đã nhìn thấy chiếc phi cơ lâm nạn, họ đã can đảm lái chiếc xe díp đến nơi phi cơ lâm nạn tìm cứu người sống sót và mang anh về bệnh xá Không quân để chửa trị.
Tại Trung tâm Y khoa Không-quân, anh Chín đã gặp Tư-Lệnh-Phó Không-Quân, Thiếu-tướng Võ-Xuân-Lành. Ông đã đến an ủi anh Chín, đồng thời, ông muốn tìm hiểu sự thật về người cháu rể dũng cảm Trung-úy Trang- Văn-Thành. Anh Chín đã xác nhận Trung-úy Trang-Văn-Thành chính là trưởng phi cơ, đã bay thế cho Phi-đoàn-trưởng phi-đoàn 821, trung-tá Hoàng Nuôi. Người cháu rể anh hùng của Tướng Lành đã tận tụy với dân tộc và đã anh dũng hy sinh cho tổ-quốc, trên chuyến bay lịch sử cuối cùng của Không- lực VNCH, bảo vệ căn cứ Tân-Sơn-Nhứt và Thủ-đô Sài-gòn. Họ đã đánh tan nát các dàn trọng pháo và Bội-đội Bắc-Việt ngăn chặn cuộc tiến quân vũ bão của Cộng-quân, khiến cho cuộc tiến quân của đối phương đã bị đình trệ hơn 24 tiếng đồng hồ trước khi cưỡng chiếm phi-trường Tân-Sơn-Nhứt và Thủ-đô Sài-gòn, vào ngày 30-4-1975.
Thiếu-tướng Võ-Xuân-Lành đã khuyên nhủ thượng-sĩ I Chín nên trở về nghỉ ngơi và lưu lại ở phi-đoàn, chờ đợi lệnh di tản để đi đến một nơi an toàn, chửa trị vết thương.
Anh Chín vừa bị thương, tâm thần còn đang giao động trong cơn khủng hoảng, nhiều xáo trộn do chuyến bay kinh hoàng, vợ con anh đang trông ngóng ở bên ngoài căn cứ. Anh Chín đã phải quyết định ở lại Việt nam. Chấp nhận một cuộc sống khổ ải theo vận nước đau thương của Việt- nam, cho trọn tình với gia đình và dân tộc.
Thành-Giang bụm mặt, không kềm nỗi cơn xúc động, tiếc thương cho một phi-hành-đoàn dũng cảm, can trường và đã hiến thân cho Tổ-quốc Việt- nam. Chín vị anh hùng dân tộc vừa nằm xuống cho một cuộc chiến tranh man rợ của Đảng Cộng-sản Quốc-tế.
Anh đang nghi ngờ trong phi-hành-đoàn nầy, có thể đã có một người bạn đồng môn quen thân của anh, một vài khuôn mặt quen thuộc, đang nắm giữ vai trò leader ngành kỹ-sư phi-hành (phi-cơ trang bị 4 động cơ), thông thường, những trưởng ngành phải có trách nhiệm thi hành những phi vụ hóc búa của đơn vị.
Một cái chết rùng rợn, đầy ám ảnh, như một câu chuyện thần thoại của chiến tranh, một đoạn phim kinh hoàng, một điềm báo chẳng lành cho một chiến hữu đồng môn, kỹ-sư phi-hành cuối cùng nào đó, có thể quen thân đã hy sinh cho tổ quốc. Sự ám ảnh kỳ lạ nầy đã đeo đuổi theo anh trong nhiều ngày liền trên đoạn đường di tản gian nan, nhiều đau khổ, xa vợ con, mất gia đình và xa lià tổ-quốc.
SỰ SỐNG BẤT NGỜ TRONG PHÉP LẠ
Thượng-sĩ I Chín bàng hoàng mỗi khi nhớ lại giây phúc hãi hùng trên không gian. Một sự sống bất ngờ, kỳ diệu của anh, hoàn toàn nằm trong cái chết. Chính cá nhân anh cũng không thể tin là anh còn có sự sống cho đến ngày hôm nay, do một phép lạ của thượng đế đã xếp đặt.
Anh Chín đã tiết lộ, chia sẻ những kinh nghiệm chiến trường hiếm hoi của anh rất ít có người Không-quân nào khác có được. Trong nhiều năm, những phi đạn hỏa-tiễn tầm-nhiệt SA7 cực kỳ nguy hiểm nầy đã sát hại rất nhiều người không-quân Hoa-kỳ lẫn Việt-nam. Phi-đoàn Tinh-Long 821 của anh cũng đã hứng chịu thiệt hại nặng nề vì loại vũ khí nầy. Hầu hết phi-hành-đoàn đều nhanh chóng tử nạn khi bị trúng đạn phòng không SA7, phần lớn do họ đã chậm trễ, không thoát thân ra khỏi phi cơ trước khi máy bay của họ gãy đổ, chao đảo trong không gian và họ đã chết theo phi cơ.
Do một vài kinh nghiệm của một số rất ít nhân viên phi-hành thoát hiểm sống sót trong những phi vụ bị bắn rơi bởi hoả-tiễn tầm-nhiệt SA7. Anh Chín đã rút ra một kinh nghiệm, luôn chịu khó áp dụng để chuẩn bị cho sự an toàn cá nhân của anh, khi gặp hữu sự.
Anh Chín đã trở thành một nhân viên phi-hành chịu khó nghiên cứu, có tính toán trong khi đang làm việc trên không trung với ba điều kiện phòng thân là: tiên liệu trước tình hình nguy hiểm, chọn lựa nơi làm việc thuận lợi dễ thoát thân và phải kiên nhẫn, chịu khó đeo dù trước. Đó là những lý do anh Chín thường chọn làm việc với khẩu đại bác liên thanh 20 ly số hai. Bởi vì, khẩu súng này nằm đàng sau đuôi phi cơ, chỉ cách cánh cửa hành khách bên trái độ một mét, cửa nầy không bao giờ đóng, anh có thể nhanh chóng thoát thân khi phi cơ bị trúng đạn phòng không. Mỗi khi phi cơ bắt đầu bay vào trận chiến, bao giờ anh Chín cũng hoàn tất việc đeo dù, luôn luôn có sẵn trên người. Tuy, nó hơi cồng kềnh, khó làm việc. Nhưng rất an tâm khi có hữu sự. Việc làm mà hầu hết các nhân viên phi hành khác không cho là quan trọng, cứ vứt bừa dù cá nhân của họ trên phi cơ.
Mặc dù, anh Chín đã chuẩn bị rất chu đáo cho một sự cố có thể sẽ xảy ra khi phi cơ bị trúng đạn phòng không SA7. Lúc phi cơ bắt đầu rơi, anh cũng đã bị cuốn hút vào phi cơ trong khi chiếc máy bay nghiêng qua ngã lại trên không trung, tưởng chừng anh không thể nào thoát ra khỏi chiếc phi cơ được và cùng với đồng đội chết tốt theo con tàu.
Một sự may mắn bất ngờ. Anh tự nghĩ do phép lạ của bàn tay thượng đế đã xếp đặt cho anh được sống. Khi phi cơ rơi vùn vụt xuống đất chỉ còn 700 bộ không quá 7 giây ngắn ngủi cuối cùng, sắp sửa kết liễu cuộc đời của anh. Phép lạ hiện đến, kéo thân phi cơ lật sang bên trái, nó trút anh Chín và trung sĩ Tân rơi ra khỏi phi cơ. Quả là một sự may mắn kỳ diệu, khó có thể tin được, mà thượng đế đã xếp đặt sẵn cho anh. Trước khi rời phi cơ, anh đã giật khoen bung dù và ôm cây dù đã giựt sẵn rời khỏi phi cơ. Chỉ cần dăm ba giây anh chậm trễ có thể anh đã va chạm vào lòng đất, mềm xương trước khi cây dù bọc gió kéo ngược anh lên.
Anh Chín đã sống trong suốt một đoạn đời nhiều ám ảnh của chiến tranh.
Mỗi lần nhớ đến thảm cảnh tháng Tư của Biến-cố Sài-gòn, anh lại tưởng nhớ đến những người ân nhân, những chiến sĩ can trường Nhảy-Dù đã cứu anh trong giờ tuyệt vọng.
TÌNH ĐỒNG ĐỘI CỦA KHÔNG QUÂN-NHẢY DÙ
HUYNH ĐỆ MỘT NHÀ
Nửa giờ đồng hồ bị thương, nằm trên bãi cỏ. Một chiếc xe díp quân đội của vài chiến sĩ Nhảy-dù, rất cam đảm. Từ bên trại Hoàng-Hoa-Thám, hơn hai dặm, họ đã nhìn thấy chiếc phi cơ lâm nạn hết sức kinh hoàng. Với hai bóng đen đã nhảy ra khỏi phi cơ. Các chiến sĩ nhảy-dù quả cảm nầy, họ đã xem thường đạn pháo cộng-quân, băng mình xuyên qua phi-đạo.
Họ tìm cứu những người chiến sĩ Không-quân can trường đã hy sinh chiến đấu, diệt cộng, bảo vệ Tân-Sơn-Nhứt và Sài-gòn. Họ đã dập tắt hết các khẩu đại pháo của cộng-quân. Để rồi, họ đã bị lâm nạn ngay trong phi trường Tân-Sơn-Nhứt. Lẽ nào bỏ rơi anh em, bỏ mặc cho họ hấp hối và chết tức tưởi ngay trước mặt của chúng ta?
Những người chiến sĩ Nhảy-Dù đã từng mệnh danh “Thiên-thần Mũ- đỏ”, họ không thể sợ chết, làm ngơ. Trong thâm tâm của họ đã thầm cám ơn Tinh-Long 07 đã đánh tan nát các dàn trọng pháo của Cộng-quân, cứu biết bao nhiêu sinh mạng trong căn cứ, Sư-đoàn Dù và gia đình của họ cũng là một phần tử chịu đựng chung số phận bị tàn sát do đạn pháo kích của cộng- quân đã bắn bừa bãi vào căn cứ Tân-Sơn-Nhứt.
Họ đã can đảm chạy từ trại nhảy dù đến địa điểm phi cơ bị lâm nạn, đang bốc cháy ngay bên trong vòng rào đông bắc Phi trường Tân-Sơn-Nhứt. Họ dùng băng ca, mang anh Chín lên xe và cấp tốc đưa anh về bệnh xá Không-quân, chữa trị vết thương, để gọi là “ơn đền công trả” của tình chiến hữu cao đẹp của Quân-lực VNCH.
Sau khi đã mang anh Chín về đến tận Bệnh-xá Không-quân. Người chiến sĩ Nhảy-dù lịch lãm, thể hiện một tâm tình cao quý. Huynh đệ Nhảy-dù Không-quân, trong một lời từ biệt hết sức cao đẹp: “Rồi, chúng tôi đã mang anh về đến bệnh xá Không-quân. Anh hãy cố gắng dưỡng thương và chóng bình phục! Chúng tôi phải gấp rút trở lại trại Dù, tiếp tục cuộc chiến đấu của chúng tôi”
Dứt lời, họ cáo từ, vội vã trở lại căn cứ Hoàng-Hoa-Thám, để tiếp tục cuộc chiến đấu. Anh Chín chưa kịp hỏi han danh tánh và tỏ lời cám ơn những vị ân nhân dũng cảm duy nhất chỉ có ở tấm lòng của những chiến sĩ huynh đệ Nhảy-dù, những người đã còn có nhiệt tâm đi tìm cứu nạn nhân, trong cái giờ Sài-gòn bị lãng quên của tuyệt vọng.
HÌNH 12
Đây là hai bức họa trình bày mặt trận phiá bắc phi trường Tân-Sơn-Nhứt, với sơ đồ căn cứ Tân-Sơn-Nhứt được tác giả phát họa những mục tiêu Tinh-Long 07 đã oanh kích, giải vây cho căn cứ. Bức sơ đồ nầy được nhìn từ khu vực Không Đoàn 53 Chiến thuật, cạnh Air Việt-nam và đài Kiểm-Soát Không-Lưu Tân-Sơn-Nhứt. Nhìn thẳng về hướng bắc, xuyên qua hai đường phi đạo. Những cột khói đen bên tay phải, chính là Đồn-Phòng-Thủ O-55 của căn cứ Tân-Sơn-Nhứt, đang bị áp lực đặc-công Việt cộng tại nơi đó.
Một trong hai hàng thiết bị của các ụ chứa phi cơ, có tường che trên nóc hình vòng cung, chống đạn pháo kích. Chính là nơi bức ảnh lịch sử đã chụp được chiếc Vận tải cơ Chiến đấu dũng cảm AC119K, Tinh-Long 07 của KQ/VNCH nổ tung, tan rã trên bầu trời Tân-Sơn-Nhứt. Đánh dấu trận chiến cuối cùng của KL/VNCH, cũng là thời điểm kết thúc Chế-độ Tự-do Dân-chủ của Miền-nam Việt-nam. Để đón nhận một chế-độ Xã-hội Chủ-nghiã mới man rợ, độc tài, khủng bố, nhũng lạm và nhơ bẩn cho cả nước Việt-nam.
HÌNH 13
Sơ đồ các cứ điểm quan trọng trong trận chiến Tân-Sơn-Nhứt, ngày 29-4-1975. Hình bản đồ vòng đai phi trường Tân-Sơn-Nhứt với các đồn- phòng-thủ của căn cứ Không-quân. Vị trí các phần sở KQ/VNCH. Vị trí nơi tác giả đang đứng và chứng kiến Tinh-Long 07 lâm nạn và vị trí nhiếp ảnh viên đã chụp bức ảnh lịch sử AC119K của KQ/VNCH cuối cùng. Nơi Cộng- quân bí mật đặt các loại vũ khí phòng không và hỏa tiễn tầm nhiệt đã tấn công và sát hại phi-hành-đoàn của chiếc phi cơ Tinh-long 07. Vị trí phi cơ lúc lâm nạn, đã nổ và rã ra làm hai phần ở trên bầu trời, cùng vị trí phi cơ đã rơi xuống mặt đất, nơi đồng trống, trong vòng đai phi trường.
Trung-úy Trang-Văn-Thành đã tiên đoán tình trạng chiếc phi cơ nguy hại của ông rất chính xác, ông đã quyết định khôn ngoan, chấp nhận việc làm nguy hiểm, sai quy tắc bay với một động cơ, chọn lựa quẹo trái, chấp nhận sự rủi ro, phi-hành-đoàn đã thiệt mạng.
Chỉ một cái nhích tay, giật cần lái phi cơ về bên trái, của một vài giây ngắn ngủi, trong gang tấc, chiếc phi cơ của ông đã rơi ngay bên trong vòng đai phi trường. Ông đã cứu sống được nhiều sinh mạng của người dân vô tội đang cư ngụ dầy đặc bên ngoài vòng rào căn cứ, thuộc quận Gò-vấp. Và ông đã trở thành một vị phi công anh hùng bất tử trong lòng những người Việt- nam Tự-do. Đã được ghi khắc vào một trang sử oanh liệt bất diệt của KL/VNCH
KHÓC BẠN
Tôi mệt mỏi, chán chường, tuyệt vọng, đau đớn cho sự sụp đổ của nước Việt nam Cộng hoà chính-nghĩa trong tủi nhục, thù hằn. Chúng tôi đã mất quê hương, bỏ lại vợ con, thân nhân, bằng hữu tại Việt nam, bắt đầu cho một cuộc hành trình lưu vong vô định.
Chiếc xe buýt của Quân-đội Hoa-kỳ vừa đổ vào cổng trại tỵ nạn tạm thời của người tỵ nạn Việt-nam tại một góc trong phi trường Utapao, trên đất Thái-lan. Trại chỉ cách bãi đậu phi cơ di tản của Không-quân VNCH không ngoài hai trăm thước. Hàng trăm chiếc phi cơ đủ loại đã bị sơn xóa các dấu hiệu của Không-quân VNCH. Những chiếc phi cơ đã mang đầy vết tích hư hại của chiến tranh.
Hơn hai ngàn người Việt-nam đã có mặt tại trại tỵ nạn Utapao kể từ sáng hôm qua 29-4-1975. Họ lũ lượt kéo nhau đến tận hàng rào kẽm gai bao bọc chung quanh cổng trại để tìm kiếm thân nhân đã thất lạc, săn tìm tin tức người thân, bạn hữu cùng đơn vị và nghe ngóng tình hình chiến sự của Thủ- đô Sài-gòn.
Tôi bước xuống xe, lòng buồn rầu khôn tả như người thất chí, lo lắng cho vợ con còn đang bị kẹt lại ở Việt-nam, trong bàn tay thô bạo của Cộng-sản. Tôi thiểu não với những bước chân nặng nhọc, chán chường. Từng nhóm bạn hữu của các loại phi cơ vận tải đồng môn, cùng khoá, cùng đơn vị đã kéo đến chào đón, chúc mừng cho những đồng đội may mắn mới vừa đến sau. Rất đông đảo bạn bè của 11 phi đoàn vận tải cơ của chúng tôi đã có mặt tại đây: Thằng Nhẫn, Danh, Bình cùng phi đoàn 431, C7A, bạn Nguyễn Thành Cưng của phi đoàn 718, Minh (cà chua), Giác C130.
Anh Nhã trưởng ngành Cơ-khí phi-hành của phi đoàn 431 ôm lấy tôi, rối rít chúc mừng tôi vẫn còn sống. Lúc chúng tôi cùng di tản sáng hôm qua trên phi đạo Tân-Sơn-Nhứt, phi cơ của Nhã do thiếu tá Thảo đã lái, anh Nhã nhìn thấy chiếc phi cơ C7A Caribou PK 384 của chúng tôi đã cất cánh trước, bay là đà, không thấy lấy cao độ bay lên không, rồi mất dạng trên bầu trời Sài-gòn.
Anh nào biết, Đại-úy Út đã bay tránh né phòng không của Việt-cộng đặt ở hai đầu phi đạo. Vừa rời khỏi mặt đường bay, đại-úy Út rẽ ngay phi cơ bay vào trung tâm thành phố Sài-gòn, ông bay sạt sạt trên nóc nhà, như trực thăng bay, rồi ông bay thấp theo lộ trình bay an toàn của Không-quân Hoa-kỳ, đang di tản trong vùng không phận của phi cơ trực thăng Mỹ di chuyển người ra khỏi thành-phố Sài-gòn, máy bay của họ đang ra vào từ Hạm đội ở ngoài khơi, biển Việt nam. Phi cơ chúng tôi thiếu xăng, phải ghé đảo Côn-Sơn để đổ xăng, ngủ qua đêm, trông chờ tin tức của Sài-gòn.
Anh Nhã sang Utapao sớm hơn chúng tôi một ngày, vào trưa 29-4-1975. Anh đã đi tìm tôi khắp mọi nơi trong trại tỵ nạn nhưng không thấy mặt tôi. Anh đã lầm tưởng, lo lắng cho số phận của chúng tôi, có thể đã bị lâm nạn đâu đó ở Sài-gòn, sau khi chúng tôi cất cánh, rồi mất liên lạc. Nhã chúc mừng đã gặp lại người bạn chí thân, đã phụ giúp anh điều hành tốt đẹp cho ngành Cơ-khí phi-hành của phi-đoàn Phượng-Long 431.
Bạn thân Lê-Hoàng-Ân cùng khóa 5/69 Cơ-phi, làm việc với Vận-tải cơ Chiến-đấu AC119G phi đoàn Hắc-Long 819 bước đến bên tôi trong vẽ mặt u buồn, đôi mắt đỏ hoe. Tôi đoán chừng đã có chuyện chẳng lành. Tôi chưa kịp hỏi. Ân xúc động, nghẹn ngào báo tin: “Thằng Tuấn rớt phi cơ, đã chết sáng hôm qua rồi…” Ân xúc động, bỏ dở lời nói.
Tôi bàng hoàng trong cơn xốc, đứng như trời trồng. Những gì tôi đã nghi ngờ sáng hôm qua khi chứng kiến chiếc phi cơ AC119K gẫy đổ giữa lưng trời đã trở thành sự thật, bạn thân của chúng tôi đã hy sinh cho tổ-quốc. Sự linh thiêng, đã xảy ra hoàn toàn đúng với sự ám ảnh, lo lắng và biết trước cái chết của chính mình, người Kỹ-sư Phi-hành cuối cùng, Phan-Quốc-Tuấn bạn thân của chúng tôi, đã thực sự hy sinh cho tổ quốc.
Tôi ngập ngừng, xúc động: “Có thật là Phan Quốc Tuấn đã chết rồi không?” Ân gật đầu, nhăn nhó trong cơn đau mất bạn. Đôi mắt tôi cảm thấy cay xót khi hình dung lại chiếc phi cơ gãy đổ kinh hoàng giữa không trung. Một đoạn phim kinh dị đã ám ảnh trong tôi, nó bám chặt lấy tôi trong suốt ngày hôm qua, tôi bồn chồn sau khi đã chứng kiến biến cố của chiếc phi cơ Tinh-Long 07 nổ tung kinh hoàng trên bầu trời.
Hình ảnh chiếc phi cơ Tinh-long 07 in đâm trong đầu óc tôi, nó bám víu lấy tôi như một sự ký thác linh thiêng gì đó nơi tôi. Ân buồn bã kể cho tôi nghe về câu chuyện bị ám ảnh của Phan-Quốc-Tuấn, anh đã thường trăn trối những lời cuối cùng với người bạn thân Lê-Hoàng-Ân, cũng là chú rể phụ trong đám cưới của Tuấn năm nào.
Mấy tháng qua, trước ngày mất nước, Quốc Tuấn đã làm hai cái thẻ bài khắc tên hai đứa con của anh, nó được đặt trong tủ cá nhân ở phi đoàn. Những đêm nào đi bay, Tuấn thường nhắc nhở cùng Ân. “Nếu chẳng may tao không về nữa hãy giúp đỡ Tuấn mang hai cái thẻ bài nầy về cho hai cháu!” Đó là ý nghĩa của một lời trăn trối và van xin người bạn thân hãy thương xót, chăm sóc giùm cho hai đứa con thơ của Tuấn, nếu Tuấn chẳng may hy sinh cho tổ-quốc.
Ân thở dài kể lể: “Sáng hôm qua, trong khi phi trường Tân-Sơn-Nhứt đang bị rối loạn vì pháo kích. Quốc-Tuấn đã vội vã thi hành phi vụ cuối cùng, anh đã không có dịp nhắc nhở hai chiếc thẻ bài trước khi từ biệt, lên đường giết giặc, cứu nguy thủ-đô Sài-gòn, cũng là lúc Tuấn đã thực sự ra đi vĩnh viễn.” Ân hối tiếc, vì cuộc di tản bất ngờ anh đã ra đi, không giữ được lời hứa với người bạn thân đã khuất, mang hai cái thẻ bài về cho hai cháu và báo tin sự tử nạn của Tuấn với gia đình, Tuấn đã đền nợ nước trong giờ phút thiêng liêng, thứ 25, của cuộc chiến tranh bi thảm Việt-nam.
Tại sao bạn Phan-Quốc-Tuấn đoán biết trước cái chết của chính mình? Lúc đó, tôi không thể hình dung được sự ám ảnh gì đã khiến cho Tuấn đã phải lo lắng đến nỗi đã biết trước vận mạng của mình, rất linh thiêng.
Chúng tôi bùi ngùi, hồi tưởng và nhắc lại chiếc thẻ bài “kỷ vật cho em” kỳ dị chưa từng có của Tuấn vào tháng 9-1974. Một điềm báo linh thiêng của Tuấn sẽ hy sinh cho tổ-quốc.
Trong khi các phi đoàn phi cơ vận tải bị đình động vì thiếu nhiên liệu để hoạt động. 11 phi-đoàn Vận-tải của KQ/VNCH đã chọn lựa mỗi phi đoàn một hai nhân viên Cơ-khí phi-hành nòng cốt, chúng tôi được gửi ra Trung tâm Huấn luyện Nha-Trang để theo học khóa 1/74 Cao-đẳng Cơ-khí Phi-hành Vận-tải. Trong giờ nghỉ giải lao của lớp học. Quốc-Tuấn đã cho chúng tôi xem chiếc thẻ bài “kỷ vật cho em” kỳ quái của anh.
Một chiếc thẻ bài với tên họ Phan-Quốc-Tuấn kèm theo một hàng chữ “Tổ-quốc Ghi-ơn” được nó sơn màu đỏ thẳm. Trông thấy chiếc thẻ bài có hàng chữ “đỏ của máu” quái dị tôi đã bị xốc, vô cùng ngạc nhiên. Với chúng tôi, đó không phải là một trò đùa, một điềm quái gở, có thể nó sẽ có huông, xui xẻo và sẽ trở thành sự thật.
Bạn Tuấn buồn bã kể lể thêm: “tao đã làm hai cái thẻ bài giống nhau, đã tặng cho vợ của tao một cái để làm ‘kỷ vật cho em’ nếu chẳng may tao không về nhà nữa”. Giờ đây, khó có thể tưởng tượng nổi, Tuấn đã thực sự biết trước chính xác cái chết rùng rợn của chính mình. Một hiện tượng kỳ bí khó tin. Một cái chết lịch-sử với cả trăm nghìn người chứng kiến sự quả cảm, hy sinh, và đã ái mộ những người chiến sĩ VNCH đã chết cho chánh-nghiã, diệt trừ những kẻ cuồng bạo, tạo dựng chiến tranh, chuyên cướp giựt chính quyền, bán nước hại dân.
Chúng bạn đã chất vấn, hầu tìm hiểu nguyên nhân về hành vi kỳ dị của Tuấn. Tuấn buồn buồn kể về câu chuyện phi-hành-đoàn AC119K của Tuấn đã truy lùng để tiêu diệt các đoàn xe tiếp tế của quân Cộng-sản Bắc- Việt xâm nhập từ Bắc vào Nam trên đường mòn Hồ-Chí-Minh. Phi cơ của Tuấn đã gặp phải phi cơ của Bắc-Việt trong đêm tối, mây mù, do hai cây đèn xanh xác định vị trí của hai chiếc phi cơ khác màu nhau. Họ nghi ngờ phi cơ Mig của Bắc-Việt, họ gặp nhau trong đôi phút trên không trung, không có không chiến và họ đã bay đi, sự kiện này, khiến cho Tuấn trở nên nhiều lo lắng và bị ám ảnh.
Mới nghe qua, chúng tôi nghi ngờ chuyện phịa cho vui, khi nghĩ kỹ lại, chuyện đó có thể lắm. Cộng-sản Bắc-Việt có phản lực cơ đánh nhau với Mỹ thường xuyên, xảy ra hà rầm ở trên không phận miền Bắc! Ai có thể cấm họ bay tuần tra trên đường mòn Hồ-Chí-Minh?
Câu chuyện đau thương, uất hận lẫn kiêu hùng của Tuấn đã đau đớn xảy ra ngày hôm qua, ngay trước mắt tôi, như thúc đẩy, đã gửi gắm nơi tôi một chuyện gì đó. Có lẽ, Phan-Quốc-Tuấn đã biết tôi có thừa khả năng để giúp anh ta làm một việc. Mang câu chuyện thật bi thương đầy dũng khí, linh thiêng của anh phổ biến đến với tất cả mọi người dân nước Việt. Anh đã cho tôi một sự chứng kiến cái chết cay nghiệt từ trên không trung của anh, một cái chết hùng tráng, ngạo nghễ, phi thường của những người Không- quân, không khuất phục định mệnh và kẻ thù, với cả triệu người đã chứng kiến chiếc Tinh-Long 07 oanh liệt, tan rã giữa không trung.
Tôi lau vội hai hàng nước mắt ướt cay, Tôi thương hai hai đứa con mất cha của Tuấn cũng như chính hai đứa con của tôi. Nó ẩn hiện trong tôi một ý nghĩ tự nguyện, tôi bảo với Ân: “sẽ có một ngày, tao sẽ viết lại câu chuyện kiêu hùng, bí ẩn của Phan Quốc Tuấn, bạn của chúng ta” Một lời nguyền tôi đã mang theo trong túi hành trang, Tôi đã mang nặng một “vết thương tâm não” của chiến tranh, trong suốt quãng đời tỵ nạn của tôi trong ba mươi năm lưu vong xứ người.
Sang Hoa kỳ, tôi đã ghi chú nhiều dữ kiện của cuộc chiến tranh thảm khốc Việt-nam, thượng đế đã xếp đặt cho tôi làm một người chứng nhân sống, dường như, bàn tay thượng đế đã che chở cho tôi trong mười phi vụ hiểm nghèo, thập tử nhất sinh, tưởng chừng tôi không vượt qua nỗi, tôi đã ghi nhận nhiều dữ kiện trong suốt 25 năm tôi sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh điêu tàn của Việt nam.
Đã 9 năm sinh sống ở Hoa kỳ, vì sinh kế, tôi chưa thể hoàn tất lời nguyền với vong linh của bạn tôi, Phan-Quốc-Tuấn. Hình ảnh ghê rợn của chiếc phi cơ bốc cháy khủng khiếp trên không trung, rơi xuống đất. Đạn pháo kích nổ tan tành căn cứ, sụp đổ trời đất, Việt cộng săn đuổi, truy lùng. Chúng tôi phải luồn lách lẫn trốn. Giựt mình thức giấc giữa đêm khuya, tôi mới hay mình vừa trải qua một cơn ác mộng của chiến tranh, dường như bạn tôi đã tìm về nhắc nhở tôi. Khi tôi đã chưa hoàn thành lời hứa với người bạn linh thiêng Phan-Quốc-Tuấn. Tôi đã thì thầm khấn hứa: “Tuấn à! Xin bạn để cho tôi yên một thời gian nữa, tôi sẽ có dịp viết lên câu chuyện ‘dũng cảm hy sinh cho tổ-quốc’ của bạn.”
21 năm trôi qua, ở tuổi 46 tôi đã bị ngã bệnh tim, phải giải phẫu, tưởng chừng không vượt qua nổi cơn bệnh ngặt nghèo của cái tuổi 47 trong cuộc đời lưu vong. Sau năm năm bịnh tình bình phục, tôi lo ngại bệnh tim sẽ tái phát, ra đi bất đắc kỳ tử, chưa hòan thành ước nguyện với người bạn chí thân, tôi quyết định sẽ đem câu chuyện “thần thoại” của “Tinh-long 07 Sáng-ngời”, với một nhân vật chánh có thực, duy nhất tôi biết chắc chắn trên chiếc phi cơ AC119K, đó là viên Kỹ-sư Phi-hành anh dũng Phan-Quốc-Tuấn
của phi-vụ tử thần Tinh-long 07, đã dũng cảm đền nợ nước tại Tân-Sơn-Nhứt, Sài-gòn, Việt-nam, qua bài sử-liệu KQ/VNCH thứ nhất mang tựa đề SÀI-GÒN GIẪY-CHẾT, với bút hiệu Thành-Giang.
Năm 2005, bài sử-liệu Sài-Gòn Giẫy-Chết được ra đời, cả chục tờ báo địa phương cùng các đài phát thanh đã đón nhận nhiệt tình, phát hành và phát sóng đi khắp nơi, giới thiệu phần một của cuộc chiến Tân-Sơn-Nhứt, ngày 29-4-1975. Tôi đã tóm lược toàn bộ tình hình chiến sự trong 24 giờ cuối cùng của mặt trận Tân-Sơn-Nhứt.
Đêm Không Gian năm 2005, chúng tôi cám ơn Không-quân Phan- Quốc-Hưng bạn cùng khóa với trung-úy trưởng phi cơ Trang-Văn-Thành, đã mua ủng hộ bức tranh “Tinh-Long Rực-Sáng” đã bị Gẫy Cánh Giữa Lưng Trời, anh đã đóng góp nhiều chi tiết về người anh hùng Không-quân trưởng phi cơ Trang-Văn-Thành và anh đã đề nghị gửi bài sử-liệu số 1, Sài-Gòn Giẫy-Chết cho tạp chí Sài-Gòn Nhỏ được sự tiếp nhận nồng nàn và phát hành trên 12 thành phố lớn ở Hoa-kỳ. Từ đó, bài sử-liệu Sài-Gòn Giẫy-Chết là một ngòi nổ gây sự chú ý của nhiều người Việt nam hải ngoại và các cựu quân nhân Không-Quân VNCH. Họ bắt đầu truy tìm tin tức của các nhân- viên phi-hành anh hùng của phi vụ Tinh-Long 07, đã bị quên lãng trong nhiều thập niên.
Chị Võ Thị Hoà và hai cháu Trang Võ Thành Thái và Trang Võ Hoà Thanh, là vợ, con trai trưởng và con gái của cố đại úy Trang-Văn-Thành đã nghe và đọc được bài sử-liệu Sài-Gòn Giẫy-Chết viết về phi vụ của anh Thành. Họ đã liên lạc với tác giả, gửi lời cám ơn bài viết, đồng thời, họ cũng cung cấp toàn bộ lý lịch, tiểu sử của viên sĩ quan phi công trưởng phi cơ anh dũng Trang-Văn-Thành, giúp cho tác giả hoàn tất bài Sử-liệu số hai mang tựa đề: Cuộc Tử-Chiến Trên Không-Phận Sài-Gòn, sau này, đổi tựa thành: Phi-Hành-Đoàn KQ/VNCH Cuối Cùng Hy Sinh Cho Tổ-Quốc, đã được các trang mạng lớn Việt-nam đã đón nhận nồng nàn, nhanh chóng chuyển tải, phát tán khắp nơi, trên hầu hết các trang mạng tên tuổi ở hải ngoại và trong nước Việt nam.
Năm 2005, Chị Hoà cùng hai con, một số thân hữu phi-đoàn-Tinh-long 821, cùng tác giả đã tổ chức một buổi giỗ, cầu siêu lần đầu ở hải ngoại cho 9 vị anh hùng tử sĩ Không-quân của Tinh-long 07 linh thiêng tại một chùa Việt-nam.
Năm 2010, Hài cốt của 8 vị tử sĩ Tinh-Long 07 đã chết bên trong phi cơ AC119K đã được cải táng và an vị ở một ngôi mộ tập thể khang trang, đẹp đẽ tại quận Thủ-Thiêm, Sài-gòn.
Một dịp họp bạn Không-quân Dallas, năm 2008, Trung-úy Nhẫn, hoa tiêu phó C7A Caribou buồn bã cho chúng tôi biết người bạn thân của anh là trung-úy Tào-Thuận, đã cùng với anh bay cho phi-đoàn Phượng-long 431, Caribou. Sau khi chuyển sang làm việc với vận tải cơ chiến đấu AC119K anh đã anh dũng hy sinh trên chuyến bay Tinh-long 07 nhưng không thấy có tên trên danh sách và không được nhắc nhở trong phi-hành-đoàn anh dũng nầy.
Anh cho biết, trung úy Tào-Thuận gốc phi công phụ Caribou. Anh đã làm việc cho phi-đoàn 431 được 3 tháng. Bên phi-đoàn AC119K tân lập cần một số phi công phụ, họ đã xin bên phi-đoàn 431 một ít nhân-viên phi-hành. Chính trung-úy Nhẫn, trung-úy Tào-Thuận và nhiều phi công phụ phi-đoàn 431 khác đã phải rút thăm. Trung úy Tào-Thuận đã trúng thăm để đổi sang học AC119K, làm việc với phi-đoàn Tinh-long 821. Cuối cùng anh đã hy sinh trong phi vụ Tinh-Long 07.
Vị anh hùng tử sĩ thứ 9 Bùi-Minh-Tân đã nhảy ra khỏi phi cơ, không có mang dù, chết bên ngoài phi cơ đã được người ta mai táng tại một nghĩa trang nào đó ở Việt-nam.
Anh hùng Tinh-Long thứ mười, là người may mắn nhất, đã sống sót trong sự mầu nhiệm, phép lạ của tạo hoá. Ông Nguyễn-Văn-Chín đã cho danh sách tên họ chính xác toàn bộ phi-hành-đoàn Tinh-long 07, ông đã quy tụ hầu hết thân nhân của các vị “anh hùng quốc-tử” đã hy sinh vì đất nước, trong các ngày giỗ hằng năm sau này.
Nhân chứng sống duy nhất trên phi vụ tử thần Nguyễn-Văn-Chín của Tinh-Long 07, 71 tuổi, đã tiết lộ những chi tiết rùng rợn, ly kỳ, ngoạn mục trong sự thoát hiểm có một không hai trong cuộc đời của ông, do bàn tay xếp đặt của thượng đế. Ông đã giúp cho tác giả hoàn thành bài Sử-liệu KQ/VNCH số ba, mang tựa đề: “Tinh-Long Rực-Sáng”, của Phi-Vụ Tử Thần nầy sẽ hoàn thành một bộ gồm ba bài tài liệu KQ/VNCH của Mặt-Trận Tân-Sơn-Nhứt trong Biến-Cố Sài-Gòn, ngày 29-4-1975. Một bộ tài-liệu lịch-sử hữu ích, lưu lại trận đánh ngọan mục cuối cùng của KL/VNCH trong Chiến- tranh Việt-nam.
TIỂU-SỬ VIÊN KỸ-SƯ PHI-HÀNH LINH-THIÊNG
PHAN-QUỐC-TUẤN.
Thượng-sĩ Phan-Quốc-Tuấn, sinh năm 1950, tại Sài-gòn. Thân phụ của Phan-Quốc-Tuấn là ông Phan-Tần, một tuỳ viên Lãnh-Sự Sứ-Quán VNCH ở Lào.
Tháng 10, năm 1969, Phan Quốc Tuấn gia nhập Quân-chủng KQ/VNCH, khóa 5/69 Hạ-sĩ-quan Cơ-khí Phi-hành Trực-thăng, theo chương trình Việt-nam-hoá của Chính-phủ Hoa-kỳ và Quân-đội VNCH. Ông Tuấn đã lập gia đình, gồm một vợ và hai con thơ. Ông đã có sáu năm phục vụ cho Quân- chủng KQ/VNCH, với 3,000 giờ bay trên phi cơ vận-tải. Và ông đã tạ thế năm 25 tuổi, ngày 29-4-1975.
Ở Quân trường Quân-sự Không-quân Biên-hoà, trong giai đọan II học quân sự HSQ, Phan-Quốc-Tuấn đảm nhận vai trò trung đội trưởng khóa sinh của trung đội 2, thay thế khóa sinh trung đội trưởng Trần-Văn-Rẹn được rút đi học lớp thứ 2 Cơ-phi Vận-tải.
Sau khi hoàn tất hai giai đoạn 6 tháng quân-sự. Phan-Quốc-Tuấn được tham dự lớp Vận-tải thứ 3 Sơ-đẳng Cơ-khí Phi-hành Vận-tải, gồm sáu tháng thụ huấn loại vận-tải cơ C119. Tuấn là trưởng lớp thứ 3, Cơ-phi Vận-tải.
Khóa học, chia ra hai giai đoạn: bốn tháng học địa huấn phi cơ C119, và hai tháng phi-huấn, có 60 giờ bay với phi đoàn Xích-long 413rd. Sau khi mãn khóa, một nửa nhân viên Cơ-khí phi-hành được phân phối về Không- đoàn 53 Chiến-thuật, học xuyên huấn (phi cơ khác loại) C123 phục vụ cho ba phi-đoàn 421st, 423rd, và 425th. Một nửa số nhân viên còn lại và Thành-Giang đã trình diện Không-đoàn 33rd Chiến-thuật, học xuyên huấn phi cơ C47, phục vụ cho phi đoàn Thanh-long 415th. Riêng Phan-Quốc-Tuấn ở lại phục vụ cho phi-đoàn Xích-long 413rd, Tuấn không cần phải học xuyên huấn.
Cuối năm 1972, phi đoàn Xích-long 413rd giải tán, Tuấn được gửi đi học loại phi cơ Vận-tải Chiến-đấu AC119K, do Không-quân Hoa kỳ huấn luyện. Tuấn làm việc với phi đoàn tân lập Tinh-Long 821st, Không-đoàn 53rd Chiến-thuật, Sư-đoàn 5 Không-quân, đồn trú tại căn cứ Tân-Sơn-Nhứt, Sài-gòn.
Phan-Quốc-Tuấn đảm trách phụ tá trưởng ngành Kỹ-sư Phi-hành (phi-cơ gắn bốn động cơ), dưới sự điều hành của trưởng ngành (leader) Thượng sĩ Nguyễn-Quang-Huy, bạn cùng khóa 5/69 Cơ-khí Phi-hành Vận-tải của chúng tôi. Huy đã học lớp 1 Vận-tải, Tuấn và chúng tôi đã học lớp 3 Vận-tải.
Tác giả đã có dịp, ba lần cùng học chung với Phan-Quốc-Tuấn: 6 tháng học lớp Quân-sự Biên-Hoà, 6 tháng học Sơ-đẳng Cơ-khí Phi-hành Vận-tải C119 tại trường Kỹ-thuật Tân-Sơn-Nhứt và 4 tháng theo học khóa 1/74 Cao-đẳng Cơ-khí Phi-hành Vận-tải ở Trung tâm Huấn-luyện Không- quân Nha-Trang.
Phan-Quốc-Tuấn là mẫu người Không-quân trẻ, nhưng rất điềm đạm, nghiêm nghị, giữ lời ăn tiếng nói, tháo vác, lịch sự, giữ tư cách, tôn trọng kỹ luật, có tinh thần trách nhiệm, can đảm. Năng học hỏi, rất giỏi tay nghề về môn kỹ-sư phi-hành, được nhiều lần bay ra ngọai quốc, để đi tổng-kiểm phi cơ AC119K ở Đài-Loan. Quốc-Tuấn mang ước vọng sẽ làm việc cho hãng Hàng-Không Dân-Sự Việt-nam trong tương lai, nếu có cơ hội.
Nhưng Phan-Quốc-Tuấn đã gặp rất nhiều trắc trở, gian truân trong cuộc đời Không-quân phi-hành với nhiều phi vụ bị rơi phi cơ, nhảy dù xuống biển, đã tạo ra những sự ám ảnh kỳ quặc, anh đã biết trước cái chết của mình và rồi Tuấn đã thực sự hy sinh cho tổ quốc trong trang sử oanh liệt cuối cùng của Không-quân Việt-nam Cộng-hoà.
Nhân đọc được một số bài sử-liệu của Hoa-kỳ do trung tá Không-quân Mỹ (Tony) Roy A. Simon đã viết về phi vụ nhảy dù xuống biển của chiếc vận-tải-cơ AC119K Stinger của ông, đó là lần đầu tiên Tuấn đã làm việc solo với phi-hành-đoàn huấn luyện viên của Hoa-kỳ, chuyến bay ngày hôm đó, không có ông thầy Mỹ Lee Kyser của Tuấn trên phi vụ khẩn cấp năm 1972, bài viết mang tựa đề: The Bailout of Stinger Eight-Three-Nine (story 9).
Nhờ đó, chúng tôi đã biết phần nào về sự ám ảnh nặng nề, kỳ quặc trong cuộc đời phi hành của một vị anh hùng Không-quân Phan-Quốc-Tuấn. Người đã tiên đoán chính xác và đã chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết của chính mình. Ông đã trở thành một nhân-vật lịch-sử trong phi hành đoàn của trung-úy trưởng phi cơ Trang-Văn-Thành trong phi-vụ danh tiếng AC119K, Tinh-long 07 Sáng chói, thuộc Không-lực VNCH. Họ sẽ sống mãi trong lòng dân-tộc Việt-nam yêu chuộng tự-do, dân-chủ, Không Khuất Phục Trước Kẻ Thù Xâm Lược.
Thì ra, những cái chết hãi hùng đã trực diện, bủa vây, đã nhiều lần xảy ra trong cuộc đời phi-hành của Tuấn, khiến cho Tuấn bị ám ảnh nặng nề, đã có linh cảm, chắc chắn mình sẽ phải chết trong chiến tranh và nó đã trở thành hiện thực. Một điều kỳ bí, khó tin, nhưng hoàn hoàn đã có thật. Linh cảm của Tuấn quá hiển linh!
10 nhân viên phi hành đã cùng một ý chí, một lòng can đảm, quyết tâm, đã tạo thành một “bó đũa” tập thể Phi-hành-đoàn dũng cảm duy nhất đã quyết tử, cùng sống và chết với nhau. “TẤM GƯƠNG SÁNG NGỜI” cho những người Việt-nam yêu nước và giữ nước.
HỎA-LỰC AC119K, TINH-LONG.
Ít có người tưởng tượng nỗi, về sức mạnh khinh hồn do hỏa lực của Vận-tải-cơ Chiến-đấu AC119K, Tinh-long đã hủy diệt địch quân. Mỗi một phút, viên phi công AC119K ấn công tắc tác xạ vũ khí của một khẩu súng minigun 6 nòng, bằng hệ thống ống nhắm bắn bằng điện tử rất chính xác, 6,000 viên đạn rải xuống một mục tiêu, trong khoảng cách mỗi viên độ ba tấc. Thử hỏi, làm sao địch quân có thể tránh né để sống sót cho được?
Cứ mỗi năm giây đồng hồ, phi công ấn công tắc tấn công địch quân, khẩu súng đại bác 6 nòng sẽ khạc ra từ 150 đến 200 viên đạn đại bác liên thanh 20 ly, nó sẽ bay đến mục tiêu cũng trong khoảng cách vài tấc một quả, rồi những viên đạn này sẽ phát nổ như những quả lựu đạn mini nổ một chùm, quý vị có thể tưởng tượng được mỗi một đợt đánh xuống một mục tiêu trong năm giây, cả trăm quả đạn đại bác như lựu đạn mini nổ cùng một lúc. Thì mục tiêu đó sẽ phải ra sao?
Hãy nghe lời tâm sự của một anh Bộ Đội Miền Bắc Việt-nam vô tình, đã kể lại đơn vị của anh tại một bãi chiến trường ở Bù-Đốp, dưới sự tấn công của “Tinh-Điểu” AC119K, có cái tên lạ là Tinh-Long, sau 30 năm anh vẫn còn bị ám ảnh, rợn người, anh đã phải mở lời trình bày câu chuyện bằng ba chữ: “Kinh khiếp thật! Đại đội của chúng tôi đóng chốt ở Bù Đốp. Bất thần, bị phi cơ từ đâu đó ở trên trời đánh xuống, những viên đạn chạm mặt đất nổ rền trời, anh nằm dài xuống mặt đất không biết phải chạy đi đâu để tránh né. Cứ mỗi 10 phút phi cơ lại vòng lại mục tiêu, rải đạn, đánh vào đơn vị của anh một đợt, vài trăm quả đạn đại bác liên thanh lại nổ rợp trời. Anh đã bị trọng thương, nằm dài trên bãi chiến trường chờ chết”.
Sau năm đợt oanh kích của chiếc phi cơ, nó đã để lại một bãi chiến trường xơ xác, trong một bầu không khí yên lặng, rợn người. Xác đồng đội của anh nằm ngổn ngang khắp nơi. Cả một đại đội mấy trăm người đều tử thương do gần một ngàn quả đạn đại bác mini, bắn xuống, hủy diệt họ trong đường kính hơn năm trăm thước. Chỉ duy nhất có hai người; anh và một người bạn nữa bị trọng thương và còn sống sót.
Khi anh nhìn lại khẩu đại-pháo của đơn vị anh, trước đó vài giờ, nó còn hiên ngang chông mũi súng lên trời, chờ địch quân. Giờ đây, sau khi bị oanh kích, nó chỉ còn lại hai có vỏ xe trơ trụi, nằm lăn lóc ở hai nơi. Anh đã nghĩ mãi! Không biết đó là loại phi cơ gì và vũ khí quái ác, độc hại kia là loại nào, đã sát hại gọn gàng cả trăm mạng người chỉ trong một giờ đơn vị của anh đã bị tấn công.
Những chiếc chiến xa Cộng sản Bắc Việt cũng đã từng nếm mùi, đại bác mini nổ chùm AC119K, họ đã phải né tránh những con “Thần-Điểu” đúng là loại “Tinh-Long” độc hại, với cả 100 quả đạn đại bác mini, đánh xuống một mục tiêu của chiếc chiến xa, nổ tung cùng một lúc, chỉ năm giây cho mỗi đợt oanh kích, cả trăm quả đạn, khó lòng họ bắn trật một mục tiêu. Làm sao anh cựu Bội đội Bắc Việt không thể thốt nên lời, “Kinh khiếp thật!”
Chiến trường Việt nam là một bãi thí điểm chiến tranh cho những loại chiến cụ quy ước khốc liệt của hai cường quốc: Hoa-kỳ và Nga-sô theo quy luật “vỏ quít dầy có móng tay bén nhọn”, để diệt trừ chiến thuật biển người độc hại của cộng sản bằng loại vũ khí đại bác liên thanh nổ chùm của Hoa-kỳ, để rồi hỏa tiễn tầm nhiệt được sáng tạo, phá hủy các loại phi cơ trang bị đại bác liên thanh độc hại đó của Mỹ. Tất cả chỉ có hai kẻ được hưởng quyền lợi của sự tranh chấp quyền lực, sản xuất để bán vũ khí cho chiến tranh.
Người Việt nam là những con người đã hy sinh vô ích cho đất nước và dân tộc của họ. Chỉ có ông Hồ là người chiến thắng, ngồi trên ngai vàng suốt cả một cuộc đời: ăn ngon, mặc đẹp, hưởng thụ đủ mọi thứ trên đời. Sát phạt người dân. Thoả mãn khát vọng cho cái danh xưng “Lãnh tụ Cộng sản Thế giới Vĩ đại” của ông ta. Ai chết mặc ai! Một tham vọng vớ vẩn, điên rồ, ông ta đã tiếp tay cho giặc Tàu cướp nước Việt-nam.
HÌNH ẢNH MƯỜI VỊ ANH HÙNG TINH-LONG 07 RỰC-SÁNG
Là thần-tượng, tiêu biểu của một Dân-tộc Anh-hùng Việt-nam. Chấp nhận mọi thử thách, không lùi bước trước Quân-thù. Không từ nan một sự hy sinh và QUYẾT TÂM đem máu xương của chính mình ra
CỨU NƯỚC, GIỮ NƯỚC, BẢO TỒN SỰ TOÀN VẸN CỦA LÃNH THỔ
VIỆT-NAM MUÔN-ĐỜI.
MỘT CÂU CHUYỆN CHIẾN TRANH GƯƠNG MẪU
Lưu truyền lại một thứ “ánh sáng thiêng liêng” làm hành trang “lên đường” cho những người thanh niên Việt nam yêu nước và cứu nước
HIẾN THÂN VÌ TỔ QUỐC
chống bọn nội-thù, ngoại-xâm, tham tàn cướp nước Việt-nam.
Tài-liệu Lịch-sử này cũng lưu lại cho các con cháu của
NHỮNG NGƯỜI KHÔNG QUÂN VIỆT-NAM CỘNG-HOÀ
Một sự Tự hào:
“ÔNG CHA CHÚNG TÔI
KHÔNG BAO GIỜ SỢ CHẾT GIỮA KHÔNG-GIAN!”
CHÂN THÀNH CẢM TẠ SỰ ĐÓNG GÓP DỮ KIỆN QUÝ BÁU CỦA:
KQ. Phan Quốc Hưng, phi-công AC47, PĐ Hoả-long 817, KQ Lê-Hoàng-Ân, phi đoàn Hắc-Long 819, AC119G, KQ Nhẫn, phi đoàn 431, C7A, Caribou, chị Võ-Thị-Hoà, Trang-Võ-Thành-Thái, Trang-Võ-Hoà-Thanh. Đặc biệt, KQ Nguyễn-Văn-Chín, phi-đoàn Tinh-long 821. Và cựu huấn-luyện-viên Kỹ-sư phi-hành của Không-quân Hoa-kỳ Lee Kyser.
TRI ÂN ĐẶC BIỆT
Xin trân trọng “Ghi-Ân” vong linh của người bạn thân, cố chiến hữu Không-quân Phan-Quốc-Tuấn đã điềm chỉ cho chúng tôi cái cầu chì bơm xăng bị tắt. Giúp cho động cơ trái của chiếc phi cơ C7A Caribou, PK 384 của chúng tôi đã quay nổ máy, giữa lúc nằm chịu trận “chờ chết” trên phi đạo Tân-Sơn-Nhứt đang bị pháo kích, vong hồn anh đã phù hộ cho chúng tôi được an lành, cất cánh và bay sang Thái lan.
Cũng chính nhờ “Câu chuyện Linh thiêng” của Phan-Quốc Tuấn, đã ủy thác, dẫn dắt và đào tạo cho tôi trở thành một nhà “viết sử nghiệp-dư”, để lại cho đời ba bài Chiến-sử Không-quân VNCH cuối cùng, quý báu, hữu ích cho sự nghiên cứu lịch sử Chiến tranh Việt nam. 30 năm trước đây tôi không hề dám nghĩ đến.
BÂY GIỜ, ANH HÙNG TỬ PHAN QUỐC TUẤN
ĐÃ THỰC SỰ YÊN NGHỈ!
Và tôi hoan hỷ đã hoàn thành Ước Nguyện Linh Hiển Của Anh.
Mang câu-chuyện “Anh-hùng Không-gian” phi-thường của Phan-Quốc-Tuấn và phi-hành đoàn Tinh-long 07
đến với Dân-tộc Việt-nam Thân thương, và Câu chuyện Không-quân Hào hùng nầy đã được ghi vào lịch sử muôn đời của QĐ/VNCH.
Tôi luôn, thương tiếc Ngày Quân Lực 19-6. Và tưởng nhớ ngày Không-Lực 1-7 hằng năm.
ĐỂ LUÔN HỐI TIẾC CHO MỘT QUÂN-ĐỘI “TỰ DO, ANH HÙNG VÀ CÓ CHÍNH NGHĨA” ĐÃ BỊ BỨC TỬ, TRONG SỰ UẤT NGHẸN.
Hình ảnh: Các huấn luyện viên AC119K Hoa kỳ (đứng hàng sau) huấn luyện cho nhân viên phi hành khóa sinh KQ/VNCH (hàng trước) từ trái sang phải:
Th/T phi-công Bob Krueger, HLV Vũ –khí Không biết tên, HLV ánh sáng Tr/s I Bill Islam, HLV Cơ phi Th/s Lee Kyser
Th/T Hoàng Nuôi, Đại úy Nguyễn Sơn, Th/s Dinh Nguyễn, Th/s Phan Quốc Tuấn (hàng trước)
Hình bán thân: Hình Th/s Tuấn, chụp ở trường HSQ Quân sự Biên Hoà, tháng 2-1970, trước khi về phép cuối tuần, ở Sài-gòn
Ảnh: Tác giả Thành Giang, nhân viên Cơ-phi C7A, Caribou, Phi-đoàn Phượng-Long 431, ảnh đã chụp tại phi trường An-Thới, đảo Phú quốc, năm 1973.
BỘ-ĐỘI CỘNG-SẢN BẮC-VIỆT
XÂM CHIẾM PHI-TRƯỜNG TÂN-SƠN NHỨT
Trưa ngày 30 tháng Tư, năm 1975. Cuộc tiến quân của họ đã bị đình trệ
hơn 24 tiếng đồng hồ, sau khi họ bị Tinh-long 07 xạ kích, đánh tan.
CSBV xâm chiếm bến đậu phi cơ C7A, phi đoàn Phượng-long 431.
Bộ-đội Bắc-Việt truy lùng Quân-đội VNCH tại các ụ chứa phi cơ trực thăng UH-1H, Tân-Sơn-Nhứt.
Chiến xa Cộng Sản Băc-Việt xâm chiếm bãi đậu phi cơ EC 47, phi đoàn 718.
ĐÔI DÒNG VỀ TÁC-GIẢ
Tác-giả Thành-Giang, còn có bút hiệu McBlan Lee trên các bài viết Anh-ngữ. Ông sinh năm 1950, ở tỉnh Tây-Ninh, Việt-nam. Thành-Giang gia nhập Quân-chủng KQ/VNCH, khóa 5/69 HSQ/CKPH-Vận tải. Đã thụ huấn các loại phi cơ: C119, C47 (DC3) và C7A Caribou. Ông có 6 năm phục vụ cho các phi-đoàn: Xích-Long 413, Thanh-long 415, Thần-Long 427, Sơn-Long 429 và Phượng-Long 431, với 3,000 giờ bay trên các loại vận-tải cơ.
Thành-Giang đã định cư ở Hoa-kỳ vào ngày 12, tháng năm, 1975, tại trại tỵ nạn Fort Chaffee, tiểu bang Arkansas, Hoa-kỳ. Ông đã lập gia-đình gồm có một vợ và hai con, sau mười năm chia cách, gia đình ông được đoàn tụ ở Mỹ, vào năm 1985. Và sau đó, họ đã có thêm hai người con trai.
Thành-Giang đã hoạt động trên nhiều lãnh vực: phát minh, hội hoạ, sáng tác âm nhạc, biên sọan, dàn dựng nhiều nhạc-cảnh, nhạc-kịch lịch-sử, kịch bản điện ảnh, viết phóng sự, bài báo và sử-liệu. Ông đã sở hữu ba bằng phát minh Hoa-kỳ và 31 bản quyền trước tác cho các thể loại kể trên.
Thành-Giang là tác giả của 3 bài Sử-liệu KQ/VNCH:
- Sài-Gòn Giẫy-Chết: Sài-gòn Nhỏ phát hành toàn quốc Hoa-kỳ, năm 2005. Bản dịch Anh ngữ “Saigon Death Struggle” đã hoàn tất và phát hành năm 2013.
- Phi-Hành-Đoàn KQ/VNCH Cuối Cùng Hy-Sinh Cho Tổ Quốc: Phát hành trên các trang mạng, năm 2007.
- Tinh-Long Rực-Sáng: phát hành năm 2013.
NHẮN TIN
Chúng tôi, một số cựu chiến sĩ Không-quân VNCH, khóa 5/69 HSQ-CKPH. Chúng tôi muốn liên lạc, để biết tin chị Phan-Quốc-Tuấn, vợ của cố chiến hữu KQ Quốc-Tuấn, người tử-sĩ đã được kể trong bài sử-liệu KQ/VNCH, Tinh-Long Rực-Sáng và hai cháu, con của anh. Một vài nguồn tin ở Việt-nam, cho biết chị Tuấn và hai cháu đã vượt-biển và đang định cư ở hải ngoại, hiện nay, chị và hai cháu đang ở đâu? Nếu nhận được tin này xin vui lòng liên lạc về: Lê-Hoàng-Ân anle819@yahoo.com, Thành-Giang tranhelen38@yahoo.com, Yêm Đào daoq69@yahoo.com, Chân Nguyễn chan_nguyen31@yahoo.com. Quý đồng hương ai quen biết gia đình chị Tuấn và hai cháu, vui lòng chuyển tin giùm. Chân thành cảm ơn.
NHỮNG ĐIỀU MƠ-ƯỚC
TƯỢNG ĐÀI KHÔNG-QUÂN VNCH
TINH-LONG RỰC-SÁNG
Chúng tôi rất mong ước có được một TƯỢNG ĐÀI KHÔNG-QUÂN VNCH ở hải ngoại, trong tương lai, để tưởng niệm, vinh danh các chiến sĩ KQ/VNCH vị quốc vong thân hằng năm. Lưu lại hình ảnh lịch sử của các vị anh hùng của Tổ-Quốc Không-Gian. Một nơi, để các thế hệ trẻ Việt-nam hải ngoại quy tụ, tưởng nhớ và ghi ơn những người Chiến-sĩ Không-quân đã hy sinh cho tổ quốc Việt-nam Tự-do.
Mỗi hội đoàn KQ/VNCH ở Hoa kỳ có thể sẽ bảo trợ, đảm trách công tác, đóng góp công sức gây quỹ, tìm kiếm tài chánh tạo dựng cho mỗi một bức tượng điêu khắc người chiến sĩ Không-quân. Mười hội-đoàn đóng góp sẽ hoàn thành 10 nhân vật không-quân điêu khắc của anh hùng Không-quân Tinh-Long Rực-Sáng. Hình ảnh tiêu biểu chung cho tất cả các cá nhân hoặc tập thể của các vị anh hùng Không-quân của KL/VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến-tranh Việt-nam.
Nếu Tập thể Không quân VNCH ở hải ngoại thực hiện được ước vọng Tượng đài Chiến-sĩ TINH-LONG RỰC-SÁNG nầy thì đẹp đẽ biết mấy! Rất Mong Lắm Thay!
DŨNG-SĨ ĐÀI “THẬP-ĐẠI TINH-LONG”
Ở HOA-KỲ
THÀNH-KÍNH TRI-ÂN
TRANG-VĂN-THÀNH
TÀO-THUẬN
TRƯƠNG-NGỌC-ANH
PHẠM-TẤN-ĐỨC
PHAN-QUỐC-TUẤN
NGUYỄN-THÁI-BÌNH
NGUYỄN-VĂN-BỀN
NGUYỄN-TIẾN-CƯỜNG
BÙI-MINH-TÂN
VÀ
Anh-hùng tại thế NGUYỄN-VĂN-CHÍN
THỰC HIỆN PHIM ẢNH TÀI-LIỆU
QUÂN-SỬ KQ/VNCH
Những bài viết Quân-sử KQ/VNCH, là các đề tài gợi ý và đề nghị hữu ích cho các nhà làm phim Việt-nam, sản xuất hình ảnh tài liệu về Chiến-tranh Việt-nam, đặc biệt về những hình ảnh sử-liệu Không quân VNCH. Hầu lưu lại những tài liệu lịch sử nầy, dùng để nghiên cứu, giải trí, giáo dục, noi tấm gương sáng của tiền nhân cho các thế hệ trẻ Việt nam.
Thành-Giang.
http://hoiquanphidung.com/CBNS/index.php/chuyen-linh/373-tinh-long-r%E1%BB%B1c-s%C3%A1ng.html
Biên Hùng chuyển